Con đường ven biển dài hơn ngàn dặm và lộng gió từ Sài Gòn ra Hà Nội mà bước chân đầu tiên dẫm lên là của những trạm phu chạy công văn triều đình vào trước buổi bình minh của công nguyên, suốt hai ngàn năm nay lúc nào cũng khiến cho khách du có cảm giác thấp thỏm rằng mình đang gian nan đi qua một vùng đất đầy tai ương và thù nghịch.
Suốt hầu hết chiều dài của nó, Con Đường Cái Quan không chỉ bị đe dọa bởi rừng thẳm mịt mù thường mọc lan ra tận mép đường mà còn bởi hai kẻ thù thiên nhiên vĩ đại khác. Một từ mé tây, dãy Trường Sơn thỉnh thoảng chuồi những tảng đá khổng lồ xuống chận đường. Một từ mé đông, biển Đông thường xuyên tràn nước lên xuyên qua nhiều kẽ nứt của bờ biển Việt Nam rạt rào gió, làm con đường nhão nhoẹt và trơn trượt.
Vào đầu tháng Mười năm 1945, con đường này còn rất hẹp với chỉ một làn xe chạy và tuy vô số hố lớn đã được vá lại hoặc lấp bằng, mặt đường vẫn lốm đốm ổ gà, chỗ lồi nhỏ chỗ lỏm to vì những trận oanh tạc dữ dội của Đồng Minh trong mấy tháng trước ngày kết thúc cuộc thế chiến. Con Đường Cái Quan cổ sơ ấy lúc này mang chiếc xe díp của đại úy Joseph Sherman an toàn chạy ra mạn bắc, vượt qua bàn chân xoãi ra của núi và lướt trên những ngón tay bíu chặt của biển, như nó từng mang vô vàn xe bò dân giả và kiệu cáng vương giả trong rất nhiều thế kỷ trước đây.
Tới ngày thứ ba của cuộc hành trình, con đường đưa Joseph mắt đỏ au mệt mỏi vào vùng đất thuộc hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, nơi không khí hăm dọa mơ hồ của mấy ngày vừa qua được thay thế bằng sự hoang tàn có thật và hãi hùng. Từ bầu trời thấp và nặng như chì, mưa ào ạt rơi trên những cánh đồng mênh mông hoang lạnh mới bị lũ lụt vì các cơn bão tràn tới ập lui suốt tháng Tám. Bốn bánh xe díp xoắn qua một biển bùn xám bất tận và không khí ẩm ướt buốt giá làm Lan đang ngồi trên chiếc ghế bên cạnh tài xế phải siết chặt vào mình hơn chiếc áo chùng thâm với mũ lúp trùm đầu.
Cả Joseph lẫn Lan đều sửng người khi thấy ngôi làng đầu tiên bị tàn phá: cột nhà cháy thành than và vách đất sạm đen vì khói là tất cả những gì sót lại của mấy xóm nhà mà Lan nhớ từng có thời là một làng trù phú. Xa đằng kia, một người nhà quê hốc hác đang ngồi chồm xổm và hờ hửng bên vệ đường. Ông nói cho cả hai biết dân làng đã tháo nhà ra từng mảnh để làm củi sưởi ấm và trước đó, họ đã bán sạch mọi vật dụng của mình để mua gạo nấu cháo. Ông nói nhiều dân làng đã chết và người nào còn chút hơi sức đã phiêu bạt đi nơi khác để kiếm cái ăn.
Trong khi ông nói, chiếc chiếu cuốn tròn nằêm trên mặt bùn cạnh người ông, mà bên trong có vẻ đang chứa chút của cải còn sót lại của ông, bỗng nhúc nhích. Nghe tiếng rên rỉ yếu ớt, Joseph tưởng đó là tiếng kêu của một con chó. Nhưng khi Lan hỏi trong đó có cái gì, ông mắt vẫn lờ quờ nhìn cánh đồng ngập nước bên đường, mở miệng nói rằng ông quấn trong chiếu đứa con trai hai tuổi. Và cũng với giọng đều đều ấy, ông nói mình đang chờ nó chết hẳn để đem chôn.
Joseph nhảy xuống xe díp, mở một suất lương khô nhà binh, lựa ra những món để ăn và dúi vào tay người nhà quê. Ông gan lì từ chối, thậm chí không thèm ngó tới đồ ăn. Thay vào đó, với bộ điệu hăm dọa, ông xua tay đuổi Joseph tránh xa chiếc chiếu. Ông nói với giọng bướng bỉnh:
- Tụi tui có lạ chi cái cảnh đói khổ mạt rệp như ri. Mụ vợ tui chết với ba đứa con rồi. Chừ mà hai cha con tui được chết quách theo mụ vợ với mấy đứa tê thì không chi tốt bằng mô.
Khi Joseph lên xe đi thẳng, người nhà quê đang chết đói ấy vẫn ngồi ôm đầu gối cạnh cuộn chiếu bên lề đường và nhìn mưa, mắt vô hồn. Các gói đồ ăn mở sẵn được Joseph nhất quyết để lại, vẫn nằm bất động trước mặt ông, trên mặt đất sủng nước. Sau tiếng rên yếu ớt phát ra từ cuộn chiếu, họ không còn nghe thêm âm thanh nào nữa.
Rồi cả Joseph lẫn Lan đờ đẩn, xây xẩm mặt mày, khi bắt gặp cảnh tượng chiếc xe bò thứ nhất chở hơn chục xác người chất thành một đống cao, mắc míu vào nhau. Từ trong đống lộn xộân đó thò ra những cánh tay những cẳng chân không một tí thịt, đong đưa lắt lẻo trong khi con vật ì ạch kéo chiếc xe khủng khiếp và nặng nề ấy đi về phía họ, băng ngang con đường lầy lội của một làng mạc khác cũng hoang tàn không kém.
Con vật chùn chân vì chính nó cũng đang chết đói, bước đi chậm chạp mặc kẻ đánh xe bò lả người hối thúc và thỉnh thoảng vung roi tre lên quất xuống bộ sườn còm cỏi trơ xương của nó. Chiếc xe bò dừng lại, tránh đường cho xe díp chạy qua. Và Joseph xanh mặt khi thấy trong đống xác đó có một đầu người, tóc dài quyện bê bết bùn và nước mưa, thình lình co giật. Anh liếc Lan thật lẹ, thấy nàng nhắm mắt, quay đầu qua chỗ khác.
Joseph phanh xe, nhảy xuống và chạy lui lại dưới cơn mưa. Anh túm vai người đánh xe bò lắc mạnh, hớt hải chỉ cho anh ta thấy cái hình nhân vừa nhúc nhích. Vừa ra hiệu vừa nói bằng tiếng Pháp pha với tí tiếng Việt học lóm được của Hawke, anh cố hết sức làm cho anh ta hiểu rằng có một trong các “xác chết” ấy còn sống. Nhưng cũng giống như người nhà quê sắp chết ngồi bên lề đường lúc nãy, người đánh xe bỗng dưng nỗi cơn giận dữ. Anh ta quát lên, lớn tiếng mắng chửi và chỉ vô hình nhân đó, lúc này nằm bất động như những xác chết khác. Rồi anh ta quay phắt người ngó về phía miếng đất thổ mộ gần đó, còn Joseph bước chầm chậm trở lại xe díp, cố nuốt xuống cảm giác buồn nôn.
Chẳng bao lâu, Joseph và Lan bắt đầu quen với những sườn nhà cháy thành than, những cảnh tượng ngổn ngang tan hoang và ảm đạm dọc đường quốc lộ. Thỉnh thoảng vài gia đình sống sóùt, chống đỡ mái nhà làm chỗ trú ngụ. Họ đi đứng lom khom như những con vật ngoan ngoãn trong một góc nhà vách còn tạm vững. Cả hai cũng thấy những chiếc xe bò chở xác khác, có vài đống lên tới hai ba chục tử thi.
Có lần Joseph thấy thi thể trơ vơ không ai đoái hoài của một phụ nữ nhà quê còn trẻ, gục chết dưới một gốc cây trơ trụi và nám đen như thể bị sét đánh. Xác người ấy ở trần và chiếc quần tả tơi của chị bùn bê bết từng bệt, gần như không phân biệt nổi hình người với mặt đất bùn sình nơi chị gục chết. Trên ngực chị, nằm co quắp một hài nhi khẳng khiu chỉ chừng mấy tháng tuổi, trơ mắt ngó mẹ. Đứa bé sắp chết thều thào khan giọng khóc oe oe trong đôi cánh tay của người đàn bà đã chết. Và đôi môi khát sữa của nó day hoài day mãi núm vú mẹ teo tóp. Trong khi Joseph nhìn không rời mắt, xuất hiện một người đàn bà choắt cheo. Bà ta giật lấy đứa bé rồi biến mình trong màn mưa mờ mịt.
Joseph và Lan còn thấy những đống xác người khác bên vệ đường, nằm như những cuộn giẻ rách xoắn vào nhau. Và người đang sống vật vờ đi như kẻ mộng du, cố giữ cho mắt mình ngó qua chỗ khác.
Sau một lần toan tính phân phát các suất khẩu phần hành quân cho một đám trẻ con chống gậy đứng ăn xin bên lề đường, Joseph không còn dám mơ tưởng tới việc mình có thể làm một cái gì đó để giúp đỡ những con người khốn khổ ấy nữa. Những bàn tay trẻ con chìa ra và những đôi mắt thơ ngây tuyệt vọng khiến anh dừng xe. Và hình ảnh chiếc xe lôi cuốn những trẻ em bụng ỏng khác ùa nhau khập khểnh chạy ra từ những con đường mòn lộng gió len lỏi qua lũy tre rậm rạp bọc quanh và che khuất làng.
Joseph phát chưa xong hai gói đồ ăn nhỏ bé, bọn trẻ đã bắt đầu đánh nhau túi bụi. Đứa này cào sứt mặt đứa kia, khiến gói lương khô rách toạc, các thức ăn quí báu văng tứ tung trên mặt đất đầy bùn. Tiếng la hét của trẻ con lôi cuốn những người lớn mắt trủng sâu từ trong các bụi rậm chạy ra. Lan hoảng hồn kêu Joseph quay lại, nhảy lên xe phóng đi thật lẹ trước khi những người dân quê tuyệt vọng không cưỡng nổi cơn cám dỗ, tấn công hai người và cướp phá xe. Dù đang đói kiệt sức, trẻ con lẫn người lớn tuổi cố rượt theo xe, vừa chạy vừa gào rú. Xe đã chạy cách một quãng rất xa nhưng trong tai Joseph còn nghe lùng bùng những tiếng hú đáng thương ấy.
Mặc dầu xe của Joseph và Lan đã trở lại con đường quốc lộ trống trải, mùi của những kẻ tả tơi đang chết đói vẫn còn quyện theo, ám mãi con người họ. Có vẻ nạn đói tạo ra một mùi vị ngòn ngọt tởm lợm của sinh vật thối rửa và ám khói, như thể cơn đói tự nó đốt cháy và làm ung thối lớp thịt tươi trên bộ xương thoi thóp của thân thể người ta. Dù Joseph không biết chắc điều đó có thật hay chỉ là tưởng tượng, nhưng cái mùi vị đó như bám riết lấy xe díp trong khi xe tiếp tục chạy. Thậm chí hình như nó thẩm thấu vào tận tâm trí của Joseph và anh cảm thấy mình càng lúc càng tuyệt vọng thấm thía: giữa những hãi hùng chất ngất cả hai đang chứng kiến, không biết anh có còn cơ hội tìm thấy ở phương bắc còn sống đứa con gái côi cút, đứa con Lan đã sinh cho anh chín năm trước, khi anh hoàn toàn không hay biết.
Trong những lần về quê thăm con trước đây, Lan và mẹ nàng đều dùng xe lửa; chỉ lần này đi bằng đường xe hơi. Càng tới gần vùng quê mình Lan càng không thể nhận ra đường sá vì các bảng chỉ đường đã bị đập vỡ và lấy làm củi đốt. Kết quả, nàng và Joseph phải lùng sục khổ sở hết làng này sang làng nọ ở phía bắc Đồng Hới, trong khu vực sát bờ biển.
Đột nhiên Lan cất tiếng. Giọng nàng thảng thốt như ma ám trong khi mắt ngó qua kính chắn gió, đăm đăm nhìn đồng ruộng hoang tàn hiu quạnh dưới cơn mưa lê thê, lạnh lẽo và mờ xám:
- Lần nào em đi qua đây, lúa trên cánh đồng này không xanh mượt thì cũng vàng rực. Vào độ này, lý ra người ta đang chuẩn bị vào vụ chiêm cho mùa gặt tháng năm sang năm. Bây giờ, không chỉ chẳng có vụ nào cho mùa gặt tháng mười năm nay, mà cũng chẳng có thứ gì cho năm tới.
Joseph để ý thấy Lan ngồi bất động trong lòng ghế như tượng đá và anh sợ nếu kéo dài tình trạng nầy, chẳng mấy chốc nữa nàng sẽ nổi cơn mê sảng. Bầu trời đang xuống thấp, càng lúc càng tối sầm. Anh thấy điều quan trọng nhất lúc này là tìm một chỗ trú tạm qua đêm còn hơn cứ tiếp tục lùng sục những làng mạc hiu quạnh trong khi đêm sắp giăng lưới.
Từ khi lên xe ở Sài Gòn và gần như suốt dọc đường, Lan ngồi yên với vẻ cam chịu và xa vắng. Cả nàng lẫn Joseph hầu như chẳng chuyện trò với nhau khi họ ra khỏi thành phố, nhắm hướng đông bắc, qua Thủ Đức - Biên Hoà rồi đi vào vùng đất bạt ngàn những đồn điền cao su kế tiếp nhau như những đồn quân biệt lập.
Tâm trí Joseph cũng đang lang thang chốn nào đó, mơ hồ và hiu hắt. Anh cảm thấy dường như óc não mình đang quay về các chuyến đi đầu tiên đầy phiền muộn trên Con Đường Cái Quan với mẹ năm 1925. Lần đầu tiên anh đi theo hướng bắc ra Huế trong trạng thái u uất thơ dại, rồi sau đó quay về Sài Gòn, sửng sờ mê lịm khi nhận được tin Chuck tử nạn. Lúc xe díp lướt qua những hàng cây cao su và tiếp tục chạy vào các khu rừng nhiệt đới, nơi thuở nào Joseph cùng đi săn với cha và Chuck, anh lại bị ám ảnh dằng dặc bởi những hồi ức về gia đình bi thảm của Ngô VănLộc.
Cả hai lên đường từ lúc trời chưa rạng sáng rồi vất vả lái xe suốt một ngày. Tới lúc trời sẩm tối họ vượt được khoảng bốn trăm bốn chục cây số ra tới Nha Trang. Ở đó, họ ngủ mỗi người một phòng nơi nhà trọ trước đây do người Pháp quản lý để phục vụ khách hoả xa khi tuyến xe lửa nam bắc đậu qua đêm tại đây. Họ chỗi dậy lúc bốn giờ sáng. Lại vất vả cho xe chạy suốt ngày kế đó trước khi dừng lại, ngủ lơ mơ vài giờ cũng tại một nhà trọ hỏa xa tại Tourane, một hải cảng về sau được lấy lại tên Đà Nẵng.
Trước đó, khi xe chạy ngang Phan Rang, nơi có một ngả ba đường rẽ lên vùng cao nguyên Đà Lạt và khi xe chạy qua một rừng dừa trên cao, ngó xuống hải cảng thiên nhiên bao la ở Vịnh Cam Ranh, tâm trạng của Lan bỗng tươi lên. Nàng bắt đầu nói sôi nổi về thuở học trò bình dị ở trường Couvent des Oiseaux tại Đà lạt.
Với ánh mắt tưởng tiếc, Lan tả lại cảnh sương mù hư ảo mỗi sáng buông màn tơ khói lướt thướt triền dốc, những hàng thông đưa hương ngan ngát, không khí núi đồi dìu dịu lâng lâng và vẻ đẹp vô ngần của tia nắng sớm mai soi mặt hồ lóng lánh:
- Ngày nào em cũng cùng với các bạn lang thang trong rừng quanh hồ, đọc thật lớn những câu thơ tuyệt vời. Lamartine... Apollinaire... Chateaubriand... Chúng em hái lan rừng và hát - sáng nào cũng hát bài Les feuilles sont mortes - Những chiếc lá chết - trong không khí tĩnh mịch bên hồ, và tiếng chúng em hát có thể lan theo mặt nước qua tới bờ bên kia hồ. Joseph ạ, lúc ấy dễ thương quá, lãng mạn quá.
Mắt nàng long lanh niềm sảng khoái khi nhớ lại:
- Thuở đó, em cứ tin trọn đời mình lúc nào cũng đầy hoa với mộng.
Joseph cảm động thấm thía bởi vẻ đẹp mộc mạc trong những lời được nàng nói lên một cách hồn nhiên, không vương chút dấu vết u buồn. Nghe Lan tâm sự, anh bỗng cảm thấy mình cùng nàng đang đứng trên con đường dẫn vào cảnh giới nào đó mới mẻ, đầy cảm thông và rất gần gủi. Nhưng chỉ chút sau, nàng lại rơi lẹ làng vào cõi im lặng không cắt nghĩa nổi.
Thái độ của Lan bí ẩn và bất định y như lúc Tâm đưa Joseph tới gặp nàng vào hôm Hawke chết. Khi anh bước vào ngôi nhà Lan chung sống với Paul kể từ ngày hai người thành hôn, trông nàng có vẻ khắc khoải và bối rối. Nàng kể với Joseph rằng đứa con trai của nàng đã theo ông bà ngoại về một trang trại ở vùng quê yên ổn. Tâm bị mấy người Pháp say rượu đả thương trong những giờ hoang loạn ngay sau cú đảo chánh. Cay cú và thù hận, Tâm dao động lập trường và bị lôi kéo vào một phong trào “kháng chiến quốc gia” không cộng sản như hầu hết những người Việt Nam ôn hòa thân Pháp thời đó.
Lan thú thật nàng cảm thấy sợ. Với tình hình chiến trận và cướp phá ngày càng tồi tệ, việc Paul bị thương nặng phải nằm viện dài ngày, người thân yêu đua nhau tản cư, có vẻ như chung quanh nàng, toàn bộ thế giới đang sụp đổ, không còn ngõ ngách an toàn nào cho nàng ẩn tránh. Thêm nữa, nàng cảm thấy bế tắc trước sự dằn vặt của lương tâm. Để hoàn toàn đoạn tuyệt với Joseph, nàng buộc lòng phải làm một việc nàng không có quyền làm, đó là giấu anh tung tích của Tuyết. Nhưng Tuyết đâu chỉ là con gái của riêng nàng. Joseph có quyền biết, nếu anh đòi được biết, tên ngôi làng con gái anh được gởi ra nuôi dưỡng ở đó. Lan hiện lâm vào hoàn cảnh không thể chăm sóc Tuyết đầy đủ như trước trong khi Joseph có triển vọng làm một người cha tốt.
Chỉ một thoáng, Joseph quyết định ngay. Anh cầm tay Lan và nói:
- Chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm Tuyết. Em phải chỉ cho anh nơi con mình đang ở. Anh sẽ săn sóc và bảo vệ mẹ con em!
Lan ngần ngại, không đồng ý ngay, nhưng Joseph thuyết phục nàng hãy chờ cho tới khi anh quay lại sáng sớm hôm sau. Rồi anh hứa sẽ đem nàng tới bất cứ nơi nào nàng quyết định đi.
Tại bộ chỉ huy OSS, Joseph âm thầm chất các can xăng lên xe díp, tối đa hết sức chở của nó, và tống vào xe bốn thùng suất ăn hành quân. Chấp nhận cái hành động có nguy cơ về sau sẽ bị kết tội đào ngũ, anh quay lại nhà nàng vào rạng sáng ngày lý ra anh bị trục xuất về Calcutta.
Rồi Joseph khoan khoái thấy Lan tỏ ý thuận đi với anh, tuy nàng không nói thành lời. Các sự vụ lệnh giả do anh tự cấp cho mình - với sự giúp đỡ của một nhân viên đánh máy OSS - ghi rằng anh đi thanh tra tài sản của các nhà truyền giáo người Mỹ tại Đà Lạt và Huế, có vẻ thuyết phục nổi các toán tuần tiểu của Anh và Việt Minh mấy lần chận anh lại trên đường quốc lộ bên ngoài Sài Gòn. Và anh mang Lan đi qua xuôi thuận trong chiếc áo chùng thâm như một nữ tu Công giáo đang trên đường trở về khu vực truyền giáo của nhà dòng.
Trong khi ngôi sau tay lái xe díp ra khỏi Sài Gòn, Joseph nhớ lại lời tán gẫu anh nghe được tối qua tại trụ sở OSS rằng song song với cuôäc kháng chiến chống lại quân Anh, Việt Minh cũng đang lùng và diệt không chùn tay các đối thủ của nó mà nó gọi là “Việt gian”. Tuy có để ý xem bên ngoài Sài Gòn dân quê theo làn sóng cách mạng khủng bố có đang giết các địa chủ giàu có và các hương chức tham ô không, nhưng khi Joseph lái xe qua phần đất Nam kỳ còn lại, anh thấy cảnh sắc bên ngoài hình như chỉ thay đổi đôi chút so với những lần anh ghé lại trước đây. Mãi tới sau ngày kết thúc chuyến đi phương bắc này, ngồi yên ổn đọc lại báo chí, Joseph mới biết được kich thước rôäng lớn và mức độ man rợ của cuộc tàn sát ghê gớm ấy.
Từ lúc rút khỏi Sài Gòn vào cuối tháng Chín để bắt đầu cuôc kháng chiến, Việt Minh đã sát hại các đối thủ chính trị của nó và những trí thức Sài Gòn và các tỉnh không đứng chung hàng ngũ với nó, bị nó tìm thấy và bắt được. Đôái tượng là nhân sĩ trí thức, đảng viên các đảng phái dân tộc, lãnh tụ hay chức săéc của giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo, đặc biệt các đảng viên côäng sản Quốc tế Đệ tứ trong đó gôàm hâàu hết các tay bỉnh bút của báo La Lutte. Và thậm chí người đã hợp thức hóa Việt Minh như Nguyễn Văn Sâm hoặc mời Việt Minh hợp tác như Hồ Văn Ngà. Họ bị hạ sát bằng đủ mọi hình thức: đâm chém, bắn chết, thăét cổ, chôn sống, đập đầu,v.v. Số lượng người bị Việt Minh sát hại theo Trần Văn Giàu khi y chạy lánh nạn sang Bangkok vào năm 1946 thì trong khoảng thời gian âáy, đặc biệt tại Sài Gòn, là khoảng 2.500 người. Hâäu quả trước mắt là nhờ thế, Việt Minh trở nên độc quyền trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Hậu quả lâu dài là về sau, Sài Gòn và Nam bôä bị khô cạn sinh lực trí thức và tiềm năng lãnh đạo.
Lúc này, mặt trời nhiệt đới toả ánh nắng chói lọi, đồng ruộng mạn nam Trung Kỳ phơn phớt xanh với mạ đang mơn mởn và đường sá tấp nập dân quê đi từng hàng, thong dong và quen thuộc, gánh vác thực phẩm hoặc gia súc tới các chợ nhà quê đông đúc.
Dù đường rầy xe lửa nằm song song với quốc lộ vẫn còn nguyên nhiều chỗ tả tơi manh mún vì bom của Đồng Minh nhưng những chiếc phà cổ lổ nối liền con đường thiên lý chở khách qua sông qua lạch vẫn hoạt động đều đặïn. Chủ phà đưa xe díp lên phà không một lời thắc mắc. Người chống phà ẩn mình đâu đó, như có mặt sẵn ở đó từ bao thế kỷ nay, vẫn nghe ra tiếng người gọi phà bằng chiếc tù và sừng trâu mắc vào thân cây hoặc treo lơ lửng trên một cành cây bên bờ.
Nhưng dần dà, xe càng chạy ra phương bắc, khí hậu càng tồi tệ. Tới rạng sáng ngày thứ ba, khi cả hai tiếp tục men theo bờ biển, đi tới và qua khỏi Huế, xe của họ đi vào vòng đai mưa lạnh cực bắc. Lính Trung Hoa ở trạm gác vĩ tuyến mười sáu tỏ ra lễ độ và tôn trọng lá cờ Mỹ nhỏ xíu bay phất phơ đầu mũi xe díp. Họ không tỏ vẻ tò mò khi Joseph chỉ mở miệng nói rằng anh đang cùng vợ đi ra bắc, tới Hà Nội, để trở về đơn vị cũ dưới quyền tư lệnh của tướng Wedemeyer.
Khi xe chạy vào tỉnh Quảng Trị, nơi dãy Trường Sơn cao sừng sửng chỉ vươn mình thêm vài cây số là ra tới biển, họ bắt đầu để ý tới những biểu lộ đầu tiên của nạn đói. Nương rẩy bên triền núi bỏ hoang, nằm trơ trụi. Qua vài người dân quê luống tuổi còn ở lại, Joseph và Lan biết ra rằng dân chúng đã tìm đường về phương nam. Dấu hiệu hoang tàn càng tăng thêm khi họ tiếp tục ra bắc, cho tới cuối cùng, quang cảnh thôn dã êm đềm biến thành một vùng đất thê lương hiu quạnh.
Tới đêm thứ ba, trong bóng tối đặc quánh, đưa mắt nhìn qua kính chắn gió đầm đìa nước mưa, lòng Joseph rúng động. Suốt quãng đường dài hơn mười cây số không tìm thấy dấu hiệu có quán trọ nào. Anh cảm thấy lạnh xương sống khi nghĩ tới việc phải ngủ lại tại một ngôi nhà đổ nát nào đó trong những làng mạc đầy tử khí này.
Cách phía nam thị trấn Rào Nậy vài cây số, xe lăn bánh xuống đồi, tới một bến phà bên bờ sông Gianh. Ánh đèn pha xe díp chiếu loang loáng mặt nước của một con sông mênh mông đang nổi bong bóng trong cơn mưa ào ạt. Bước xuống xe, Joseph thấy bờ sông vắng vẻ và phà đã hết giờ hoạt động. Rõ ràng cả hai phải kẹt lại đây cho tới sáng hôm sau. Có vẻ anh và Lan chỉ còn một chọn lựa duy nhất là phải qua đêm trong lòng xe díp chật hẹp và bất tiện.
Nhưng rồi Joseph để ý thấy có vệt bóng lờ mờ của một ngôi nhà khá lớn trông giống kiểu nhà trệt châu Âu, có lẽ từng làø một quán trọ khiêm tốn dành cho khách du lịch. Tường tróc sơn. Cửa sổ và cửa ra vào gài then bên trong. Chủ nhân người Pháp rõ ràng đã tản cư từ lâu. Sau khi rọi đèn pin xem xét, Joseph dùng cái nạy bánh xe díp cạy cửa sổ, leo vào nhà.
Bên trong trống trải và bốc mùi ẩm mốc vì đã lâu không người ở. Joseph may mắn tìm thấy một ít củi. Anh nhóm lửa nơi lò sưỡi bằng đá trong nhà bếp kín mít còn phảng phất mùi rượu vang, mùi phó mát lâu ngày, quyện với mùi rác. Rồi anh ra xe dìu Lan đang run lẩy bẩy vào và dịu dàng đặt nàng ngồi xuống chiếc ghế cạnh đống lửa.
Joseph lại trở ra xe, mang vào ngọn đèn dầu, bếp cồn nhỏ, rồi đặt bếp trước lò sưỡi, anh đun sôi một ít nước. Anh tìm được trong tủ ly tách một nửa chai napoléon còn sót lại. Dùng ca nhà binh, anh hoà một lượng rượu nhỏ vào nước sôi và đưa cho Lan. Trong khi nàng nâng chiếc ca bốc khói lên nhấp vài ngụm, anh bày hai suất lương khô ra, trên một tấm ván bên đống lửa - vài khúc xúc xích nhỏ, ít trái cây, mấy miếng phó mát. Nhưng khi anh thúc giục Lan ăn, nàng lắc đầu, quay mặt nhìn ngọn lửa.
Trong gần một giờ, cả hai ngồi lặng im bên đống lửa bập bùng trong nhà bếp bụi bặm. Những kinh hoàng hôm đó hình như làm lịm chết giác quan, khiến họ không mở nổi miệng. Dù cái lạnh đang ấm lên, cái ướt át chầm chậm khô dần, sự tê điếng hãi hùng từ quang cảnh thê lương mấy ngày vừa qua họ chứng kiến tận mắt dường như lúc này làm thành một quyết định thúc đẩy số phận của họ phải mãi mãi ở bên nhau.
Không ai biết mình tới khoảnh khắc đó như thế nào khi cả Joseph lẫn Lan bỗng níu lấy nhau bằng đôi tay bấn loạn của người đang bơi và sắp chết đuối. Cả hai mù lòa ôm chặt nhau. Chỉ biết rằng kẻ kia làm cho mình cảm thấy yên tâm rằng mình còn sống, còn nguyên vẹn. Và hai cơ thể run rẩy thành một với nỗi sợ hãi vô vọng rằng mình đã nhiều lần cận kề cái chết ở mức độ phi lý nhất và kỳ quặc nhất. Cả hai thu mình lại trước các hình ảnh không chịu đựng nổi được tạo thành bởi những xác chết nhão nhoẹt tả tơi. Và vì chẳng thể nào nuốt nổi chút lương thực nhỏ nhoi đang bày trước mặt, cả hai chỉ còn biết đem mình ra nuôi dưỡng nhau, người này bằng sự gần gũi của người kia.
Nỗi kinh khiếp khi nhìn những cái chết trần truồng lan chầm chậm khắp vùng đồng quê lạnh giá và ngập nước cũng làm những giọt nước mắt đông cứng lại bên trong mình khiến cả hai không khóc nổi. Sự kết liên điên cuồng của hai cơ thể cuối cùng thành một cơn bay bổng, thoát lên khỏi những ưu phiền và thống khổ tuy không diễn tả nổi thành lời nhưng dường như đủ sâu thẳm để hủy diệt Joseph và Lan nếu mỗi người ngồi tách rời nhau, trầm ngâm nghĩ ngợi về thảm kịch hãi hùng đang diễn ra bốn bề chung quanh trong đó đang lạc loài đứa con gái của tình họ yêu nhau.
Sau đó, cả Joseph lẫn Lan ngủ thật say trong vòng tay nhau, quấn mình trong chăn trên sàn ngôi nhà hoang. Suất lương khô đạm bạc chưa ai ăn vẫn còn bày trên tấm ván trước than hồng và lửa đỏ. Họ không chạm tay vào nó cho tới khi trong ánh bình minh chói lòa, cả hai không ai nói với ai lời nào, cùng thức dậy để tiếp tục cuộc tìm kiếm nhói buốt của mình. Rồi Joseph và Lan ăn một cách máy móc, không mùi không vị, trước khi lật đật bước ra ngoài để thêm lần nữa đi vào màn mưa lạnh cóng.
|
|
|