Joseph sốt ruột kéo dây chiếc chuông đồng nhỏ gắn dưới vòm mái cong bên trên chiếc cổng sơn son khép lại thành hình trăng rằm trước cư sở của quan sứ thần ở Sài Gòn. Đôi cánh cổng mở ra lần thứ hai và thêm lần nữa xuất hiện chị giúp việc người An Nam, kẻ trước đó trong ngày đã không để cho anh vào.
Chị khép nép mỉm cười chào Joseph, cũng với nụ cười khôn dò y như sáng nay khi báo với anh rằng Mademoiselle Lan và thân phụ nàng không thể tiếp khách đến thăm. Lần này, anh lo sợ chị cũng sẽ chuyển cho anh một lời nhắn y như vậy. Nhưng rồi, anh nhẹ người khi chị lùi mấy bước và ra hiệu mời anh vào bên trong.
Tọa lạc cuối con đường đầy bóng dừa và im mát nhờ những hàng sao cao vút, ngôi nhà của quan sứ thần được xây theo kiểu cổ truyền An Nam. Tường quét vôi màu nhạt, tô vửa. Trên đầu tường là mái ngói màu đỏ lộng lẫy. Nền nhà cao với hàng hiên mái cong có hai dãy cột sơn son chống đỡ.
Vừa theo chân chị người làm bước vào vườn, Josep nôn nóng tìm kiếm dấu hiệu tỏ cho thấy Lan đang đi ra chào đón anh. Nhưng các bậc cấp bên dưới hàng hiên vẫn không vang lên tiếng chân nào. Tới cuối hàng hiên, anh được dẫn đi qua sàn nhà bằng gỗ tếch bóng lưỡng, ngang một dãy phòng dịu mát bên trong trưng bày trang trọng đồ mạ vàng hoặc chạm bạc đời nay của Pháp chung với những vật trang trí phương đông bằng điêu khắc gỗ hoặc những hoành phi đối trướng bằng lụa. Trong phòng chính, đồ đạc thưa thớt, nổi bật là bàn thờ gia tiên bên trên đặt các bài vị màu vàng, các bức ảnh đóng khung và nhang đèn. Ở đó, Joseph thấy một người giúp việc đang trang trọng cắm hoa tươi vào độc bình và còn một người nữa đang kính cẩn chưng lên bàn thờ các khay trái cây mới hái.
Sau cùng, chị người làm đưa Joseph vào một căn phòng bày biện ngay ngắn nhiều kỉ trà bằng gỗ chạm lộng; bên cạnh mỗi kỉ trà có kê một chiếc đôn sứ. Anh bị để lại đó một mình trong vài phút. Khắp toà nhà tràn ngập không khí im lìm sâu lắng khiến trong khi chờ đợi, Joseph càng lúc càng linh cảm rõ nét một điềm gỡ.
Chuyến xe lửa dài năm ngày khởi hành từ Hà Nội hầu như bò chậm rì và thở phì phò một cách khốn khổ. Vừa đặt chân xuống đất Sài Gòn sáng nay, Joseph lật đật đi thẳng tới nhà Lan, không một lời báo trước. Sự cự tuyệt của chị giúp việc và lời chị yêu cầu anh quay lại chiều nay lập tức làm tăng thêm cảm giác thấp thỏm và phiền muộn vốn bắt đầu hành hạ anh từ sau cuộc nói chuyện với Jacques Devraux bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Đêm đó, mỗi khi nhớ tới từng lời trì chiết của Devraux, anh lại thấy hình ảnh con nhện đỏ như lửa bò chầm chậm phía trong mui thuyền trên sông Hương khi anh đang hạnh phúc bên hơi ấm của Lan.
Vì tâm trạng khắc khoải không chịu nổi, Joseph kết thúc cuộc nghiên cứu ngay sau hôm gặp Devraux và thu xếp vào nam lần nữa bằng chuyến xe lửa sớm nhất có thể được. Trên con tàu, anh không thể gạt khỏi trí tưởng mình ý nghĩ về một điềm bất tường nào đó dù anh đã lý luận và phân tích cặn kẽ rằng nỗi hân hoan rộn ràng và niềm hạnh phúc ngất ngây anh từng bất chợt bắt gặp tại Huế hoàn toàn không có triệu chứng thay đổi nào. Và hiện tại, lòng khát khao được hứa hôn với Lan rồi gấp rút mang nàng tới một xứ sở nào đó an toàn và quen thuộc với anh hơn đã trở thành một ám ảnh không nguôi.
Trong khi một mình ngồi đợi nơi căn phòng tịch mịch này, sắp sẵn lời lẽ để trình bày dự tính ấy với thân phụ của Lan, Joseph biết rằng mình đang ở rất gần phút giây quyết định. Và anh cảm thấy lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Vì tâm trạng đang quá căng thẳng nên thoạt đầu anh không để ý thấy Lan và Trần văn Hiếu thầm lặng xuất hiện trên ngưỡng cửa.
Khi ngước lên, Joseph giật mình bắt gặp đứng ngay trước mặt là vị quan An Nam đang trang trọng cúi đầu chào trong y phục giản dị gồm chiếc áo thụng bằng lụa đen và mũ trùm đầu cũng màu đen. Joseph lật đật đứng lên chào đáp lễ. Đứng kế bên, Lan có vẻ ngập ngừng rồi nghiêm trang mỉm cười trước khi đặt mình ngồi xuống chiếc đôn sứ cạnh cha.
- Tôi tin chắc chuyến đi Hà Nội của anh thế nào cũng thu lượm rất nhiều kết quả tốt đẹp.
Trần văn Hiếu mỉm cười lịch sự, lên tiếng trước bằng thứ tiếng Pháp nhiều hơi gió nhưng Joseph lập tức nhận thấy thái độ của ông có vẻ như đang co mình lại. Anh đáp:
- Thưa, hai tuần lễ cũng khá đủ. Đất kinh kỳ ấy thật quyến rũ.
Người An Nam từ tốn gật đầu. Joseph liếc Lan thật lẹ. Anh dự tính nói với Lan rằng xa cách nàng trong chừng ấy ngày như thế là dài đăng đẳng. Anh sẽ cầm tay Lan, gợi cho nàng kể hết những cảm xúc thương nhớ anh. Anh biết rõ đối với một thiếu nữ An Nam, lại có tâm tánh như Lan, nếu có cực lòng không kém gì anh vì phải xa nhau trong quãng thời gian lâu đến thế, nàng cũng chẳng để lộ thành lời nếu anh không gợi chuyện.
Chiều nay, Lan mặc chiếc áo dài màu tối bằng lụa nâu, mặt không trang điểm. Trong mắt Joseph, chính vẻ ảm đạm đó lại khiến sắc đẹp nàng tăng thêm phần tươi mát. Dù biết thế nào Lan cũng cảm nhận được tia nhìn quấn quít của mình, Joseph thấy mắt Lan vẫn tiếp tục nhìn cha, làm như thể cơn mê luyến quấn quít dịu dàng giữa nàng và anh đêm nào trên sông Hương chỉ xảy ra trong trí tưởng tượng nóng bỏng của anh.
Vị quan An Nam nói giọng ngậm ngùi:
- Monsieur Sherman, xin anh bỏ qua cho tôi về việc không tiếp anh sớm hơn nhưng tin tức bi thảm từ Huế về thân phụ của quan ba Devraux làm cá nhân chúng tôi vô cùng đau đớn - tôi chắc rằng anh cũng thế.
Joseph bỗng ngồi thẳng người:
- Tin gì vậy?
Trần văn Hiếu trông có vẻ giật mình:
- Monsieur Sherman, xin tha lỗi cho tôi, tôi nghĩ là anh đã biết...
- Đã xảy ra chuyện gì vậy?
- Đêm qua cộng sản sát hại thân phụ của quan ba Devraux.
Nói tới đây nét mặt người An Nam thoáng bừng lên vẻ bứt rứt:
- Một tội ác khủng khiếp và vô nghĩa! Nó làm cho tất cả những người An Nam có danh dự đều cảm thấy cực kỳ hổ thẹn.
Lan môi run run, nhìn xuống sàn nhà. Joseph thấy mặt nàng tái nhợt. Đúng lúc ấy chị người làm đi vào, đặt lên trên chiếc kỉ cạnh mỗi người một tách trà bốc khói, dậy hương thơm ngát. Joseph hỏi, giọng thì thào choáng váng:
- Ông ấy bị giết như thế nào?
- Ông ấy bị bắn nhiều phát ngay trên giường. Không có dấu vết chống cự nào. Chắc lũ sát nhân đột nhập vào phòng lúc ông đang ngủ.
Vị quan ngưng một chút rồi nói tiếp, giọng đều đều như tuyên bố một điều đã sắp sẵn, trong khi Joseph kinh hoàng nhìn ông không chớp mắt:
- Gia đình tôi và tôi buồn bã cách riêng vì chỉ mới hai ba hôm trước đây, quan ba Devraux bày tỏ với tôi những tình cảm anh ấy dành cho Lan, con gái tôi. Nhưng chẳng may thân phụ của anh ấy qua đời trước khi hay biết hai gia đình chúng tôi chẳng bao lâu nữa sẽ kết thành thông gia.
Nói xong những lời ấy Trần văn Hiếu nhìn Joseph bằng ánh mắt sắc bén rồi nâng tách sứ lên nhắp một ngụm trà đang bốc khói. Bên cạnh cha, Lan ngồi cúi đầu yên lặng, mắt vẫn nhìn thẳng xuống sàn nhà. Một bàn tay nàng đặt lên áo, năm ngón tay cùng quẩn rứt đi rứt lại một sợi chỉ lỏng trên tà áo. Nhưng ngược lại mặt Lan không lộ chút cảm xúc nào.
Joseph nói giọng trống rỗng:
- Cháu không biết phải bày tỏ như thế nào. Thật choáng váng kinh khủng khi nghe tin như thế vào lúc lý ra cháu nên đưa lời chúc mừng Paul và Lan.
Nói xong, Joseph cố hớp một ngụm nước trà nóng bỏng nhưng bàn tay bắt đầu run lẩy bẩy, anh phải đặt tách trà xuống. Trần văn Hiếu đáp lại, giọng tự tin:
- Monsieur Sherman ạ, dĩ nhiên tôi sẽ cùng với toàn gia quyến ra Huế dự tang lễ. Chẳng may chuyện xảy ra như vậy khiến tôi không có thì giờ giúp anh trong việc nghiên cứu lịch sử.
Ông mỉm cười điềm đạm nhìn con gái rồi nói ý nhị:
- Lan đã tự ý kể hết cho tôi về đề tài anh dự tính nêu ra với tôi hôm nay.
Joseph vội vàng liếc Lan nhưng lần này anh thấy mắt nàng đã chuyển từ nhìn đăm đăm xuống sàn nhà sang nhìn đăm đăm xuống vạt áo. Joseph đột nhiên cảm thấy người ớn lạnh và buồn nôn. Như bị siết chặt bởi một cơn bốc đồng điên tiết, anh chỉ muốn đá tung mấy chiếc kỉ trà nhỏ chạm trổ này và nổi cơn thịnh nộ với vị quan An Nam điềm đạm kia và cô con gái đang im lặng ngồi sát bên ông. Anh muốn đập vỡ sự tĩnh lặng của họ bằng những tiếng thét thật lớn bất chấp tất cả những luật lệ gò bó về phép tắc xã giao của người An Nam.
Mới đêm nào trên sóng nước sông Hương, trước hôm nay chỉ vừa đúng hai tuần, anh và Lan cùng nhau cam kết và thành toàn tình yêu sâu thẳm của hai người. Cả hai vẫn yêu nhau thắm thiết và anh đang quyết tâm mang nàng sang Mỹ để thành hôn với anh! Nàng không chút nào yêu Paul Devraux. Và anh, Joseph Sherman, anh sẽ không để nàng làm đám cưới với một sĩ quan Pháp chỉ vì lòng hiếu thảo lầm lạc với cha nàng, một “kẻ hợp tác” với người Pháp!
Joseph muốn phá tan tành đồ đạc, đập nát tách trà và kéo Lan ra khỏi ngôi nhà này. Nhưng sự trầm tĩnh kiên định trên khuôn mặt Trần văn Hiếu khi ông ngồi yên trên chiếc đôn sứ chỉ cách anh trong gang tấc và đang thinh lặng nhìn anh làm tê liệt ý muốn hành động của anh. Sau cùng Joseph hỏi lạc lỏng:
- Thưa, đại úy Devraux vẫn còn ở Sài Gòn không ạ?
Vị quan An Nam đáp với giọng đều đều:
- Quan ba Devraux đã đi Huế sáng nay để lo liệu việc tang lễ cho thân phụ. Nếu anh có lời nào muốn nhắn với anh ấy, tôi xin được hân hạnh chuyển dùm.
Joseph khốn quẩn nhìn tới nhìn lui hết người cha sang người con nhưng Lan vẫn cố tình lãng tránh ánh mắt anh. Anh nói bằng giọng không âm sắc:
- Xin ông vui lòng nói với Paul rằng cháu buồn bã sâu xa biết mấy khi hay tin thân phụ của anh ấy qua đời. Cháu mới gặp Monsieur Devraux tại Hà Nội ngay trước hôm cháu vào nam. Và xin ông nói thêm với Paul rằng cháu sẽ viết thư cho anh ấy.
Giọng của Trần văn Hiếu bỗng trở nên linh hoạt và có lớp lang, như tuần tự nói thành lời những ý tưởng sắp xếp đã lâu:
- Thế nào chúng tôi cũng sẽ chuyển những lời ấy. Tôi nghĩ chắc chắn con gái tôi đã kể với anh rằng Kim, anh của nó, đã chọn sự tự sỉ nhục mình bằng việc công khai gia nhập phong trào bôn-sê-vich của cộng sản quốc tế. Không cần phải nói, nó làm hết thảy chúng tôi cực kỳ đau lòng. Gia đình chúng tôi vốn có truyền thống theo chủ nghĩa dân tộc và chống lại mọi hình thức bạo động. Hiện nay, tôi là người của nam triều, theo đường lối quân chủ lập hiến với phương châm Pháp-Việt đề huề để nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí. Lúc này, qua hành động ám sát Monsieur Devraux, từ phía bọn cộng sản đã khởi động mối đe dọa đến sự ổn định của đất nước chúng tôi. Đây chính là lúc tất cả những người An Nam yêu nước nên dành hết tâm trí để làm nổi bật tinh thần hoà hiếu và trách nhiệm của mình đối với nước Pháp đang bảo hộ. Và đó là lý do, ngoài những cân nhắc riêng tư, tôi đặc biệt cảm thấy hân hạnh rằng qua cuộc hôn nhân này, gia đình chúng tôi giờ đây được nối kết với một gia đình đáng trọng của nước Pháp.
Trong khi nói những lời biện giải có vẻ khập khểnh như thế, mắt của Trần văn Hiếu an vị không chút nao núng trên khuôn mặt Joseph. Trong lối nói đầy cân nhắc thận trọng của ông có điều gì đó làm Joseph nghĩ rằng ông đã biết lý do thật sự của việc hôm nay anh đến viếng thăm ngôi nhà này.
Vị quan tiếp tục, cũng với giọng hoạt bát không kém:
- Monsieur Sherman ạ, chẳng may vụ ám sát này tạo thêm cho tôi những công việc cần phải làm trong vai trò đại diện chính thức của triều đình Huế tại Nam kỳ. Do đó, tôi không thể bỏ ra nhiều thì giờ như mình từng mong muốn để đàm đạo với anh. Tôi hy vọng anh cho tôi gởi lời vấn an vị thân phụ đáng kính cùng toàn gia đình của anh tại Hoa Kỳ.
Trần văn Hiếu đứng lên, rõ ràng có ý nói không muốn gặp lại anh nữa, và sẵn sàng rời phòng. Trong một thoáng Joseph nghĩ rằng Lan sẽ ở lại một mình trò chuyện với anh. Nhưng người An Nam đã chạm tay vào cô con gái đang ngồi yên với một dấu hiệu không thể nào cắt nghĩa khác. Và Lan tuân lệnh đứng lên bên cha.
Joseph cũng đứng lên, vừa tuyệt vọng nhìn Lan vừa cảm thấy trong lòng mình đang dấy động điều gì đó gần như kinh hoàng vì sự bất lực, không thể nào bẻ gãy cái rào cản vô hình ngăn cách anh với Lan. Đột nhiên Joseph quyết định tại chỗ và nói:
- Cháu hy vọng mình sẽ lên đường trong chuyến tàu thủy đầu tiên vào ngày mai, vậy lúc này cháu cũng xin chào từ giã.
Trần văn Hiếu cúi đầu xuống một chút tỏ ý đáp tạ rồi quay qua cô con gái đang ngẩng đầu lên chỉ vừa đủ để chào vĩnh biệt Joseph bằng một nụ cười đúng phép xã giao:
- Monsieur Sherman, tôi cùng với Lan xin chúc anh một chuyến về nhà bình an. Nếu anh có dịp viếng xứ sở này lần nữa, xin mời anh ghé lại thăm chúng tôi.
Ông đứng qua một bên. Và như thể có một mệnh lệnh không ai thấy, chị người làm dẫn Joseph vào nhà lúc nãy nay lại xuất hiện để đưa anh ra cổng. Joseph đưa mắt nhìn Lan lần cuối, thấy trong đôi mắt nàng cũng vẫn chỉ một vẻ xa cách ấy. Anh khổ sở quay ngoắt người, đi theo chị giúp việc ra cửa.
Khi con tàu chạy bằng hơi nước mang Joseph ra khỏi Sài Gòn trườn mình xuôi theo dòng sông Lòng Tảo lộng gió vào rạng sáng hôm sau, anh đứng trên boong đăm đăm nhìn trở lại hai ngọn tháp xám nhạt của Nhà thờ Đức Bà cho tới lúc không còn có thể thấy chúng nữa. Sau cùng, khi hai đỉnh tháp nhọn và song đôi ấy chìm lĩm dưới quang cảnh một đại dương bao la cỏ cây, Joseph đi về buồng, vật mình nằm dài ra giường.
Bên trong tâm trí của Joseph buông xuống một bức màn quạnh hiu và đen đúa. Toàn bộ sức sống dường như vừa thoát sạch khỏi người anh. Bên ngoài, Rừng Sác bừng sáng lung linh vươn mình ra tận bờ sông, xâm thực thêm nữa và đang ngấu nghiến thức ăn hàng ngày của nó là cái chết dữ dội.
Dần dần, ánh sáng tự chuyển sang màu xanh kỳ quái rồi tới lượt cái xứ sở vừa làm Joseph mê đắm vừa khiến anh kinh hãi ấy cũng bắt đầu trôi đi. Đối với Joseph, dường như anh đang được mang sâu hơn vào một đường hầm xanh biếc, đậm đà và rất hẹp, hẹp tới độ chính nó siết chặt quanh thân tàu khi con tàu cố sức ép mình làm một chuyến hải hành ra biển cả đang thênh thang rộng mở.
Kết Thúc (END) |
|
|