Ngàn vạn đóa hoa rực rỡ long lanh trong cỏ cây rậm rạp và lao xao hai bên đường như những ngọn nến màu da cam lấp lánh trên đầu khi chiếc xe mui cong hiệu Citroešn B-2 phơn phớt đen của Jacques Devraux lướt qua bóng râm của cầu Băng-ky, tìm đường quốc lộ chính ở hướng đông bắc, ra khỏi Sài Gòn. Jacques Devraux ngồi ở ghế trước, bên cạnh tài xế người An Nam, trong khi thượng nghị sĩ Sherman cùng hai con và Paul Devraux ngồi nơi băng sau. Flavia Sherman quyết định dùng trọn hôm nay đi mua sắm ở đường Catinat; sáng mai, bà sẽ ra sau để tham gia cuộc đi săn đầu tiên của họ. Với chiếc xe tải chở hành lý lăn bánh theo sau chừng năm mươi thước, họ đang trên đường tới khu giao lưu của sông Đồng Nai với sông La Ngà, cách Sài Gòn khoảng hơn trăm cây số, vùng Phương Lâm - Định Quán của Đồng Nai. Đó là nơi lũ trâu rừng hoang dã đặc sản của An Nam cùng những loài thú hiếm quí của Nam Á tự do đi lang thang khắp vùng đất trủng, chỗ rừng rậm tiếp giáp giữa cao nguyên miền trung với đồng bằng đông nam bộ.
Qua khỏi cầu Bình Lợi, con đường băng ngang một vùng mênh mông đồng ruộng thấp trủng với những đám dân quê An Nam hết cúi xuống lại ngửng lên trong bùn đặc quánh tới ngang bụng. Đi cấy mạ non, họ đội nón rộng vành, mặc quần áo bà ba đen y hệt nhau khiến những người Mỹ ngồi trong xe đang đưa mắt ngó ra không phân biệt nổi đàn bà với đàn ông. Những con trâu nhà ì ạch lê mình dưới các thửa ruộng ngập nước, kéo lết chiếc cày nhỏ bằng gỗ hoặc đằm mình nghỉ ngơi trong những vũng bùn sâu hơn, chỉ thò mũi và cặp sừng cong vòng hình mã tấu lên khỏi mặt nước.
Giữa Biên Hoà và Trảng Bom, từng đoàn người dân quê dài như bất tận mặc quần áo y hệt nhau, lũ lượt nhấc bàn chân trần đi dọc đường mương hoặc trên đường cái. Họ cử động theo một nhịp điệu không biết mệt, chẳng kém những người đang cày cấy dẻo dai dưới các thửa ruộng. Trong đôi quang gánh gác ngang vai, họ đựng mạ, gạo, trái cây, rau, chiếu và kể cả, như Joseph có lần thích thú chỉ chỏ, một cặp heo con còn sống, lăn lộn và kêu eng éc trong đôi rọ hai đầu đòn gánh. Cũng giống tại Sài Gòn, hầu hết trên miệng đàn ông lẫn đàn bà đều có vệt rỉ nước cốt trầu và vệ đường ở đây cũng lốm đốm nước trầu đỏ thắm.
Đưa tay lên vẫy về phía kính chắn gió, Jacques Devraux nói bằng tiếng Anh với vẻ khẳng định:
- Mặt trái của đồng tiền là đây. Tại Chợ Lớn, quí vị đã thấy các tay triệu phú người Tàu béo phệ sống ung dung. Họ dựng lên các nhà máy xay lúa và thuê tàu chở tới những thị trường cao giá nhất — rồi ngồi một chỗ hưởng lợi. Lũ dân quê An Nam nhẹ dạ nầy là kẻ làm hết thảy các công việc nặng nhọc dơ dáy để làm giàu cho bọn ba Tàu ấy. Đối với tôi, đôi khi Đông Dương có vẻ như một thuộc địa của Trung Hoa hoạt động vì lợi ích của những người Tàu Chợ Lớn phì lũ thông qua sự ưu đãi của người Pháp.
Giọng nói của người Pháp không mang chút dấu vết dí dỏm nào. Trong khi nói, bộ mặt phong trần rám nắng của hắn vẫn đậm lằn những nếp nhăn nghiêm nghị. Sự khắc nghiệt trong giọng điệu của Devraux làm bầu không khí trong xe trở nên im lặng nặng nề. Cảm nhận điều đó, Paul vội làm nhẹ bớt. Cậu vừa cười thành tiếng vừa nói:
- Thưa thượng nghị sĩ, người ta diễn tả bằng tiếng Pháp rằng người An Nam là “rizicultivateurs”— những kẻ canh tác lúa gạo, còn người Tàu là “usuricultivateurs” — những kẻ canh tác tiền cho vay nặng lãi! Thật rõ và thật gọn, phải không ạ?
Nathaniel mỉm cười, vỗ vỗ cánh tay cậu trai Pháp:
- Paul này, dù cậu có gọi họ là gì đi nữa, chắc chắn tôi chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện có một hay hai trăm người nhà quê này đến Virginia làm việc trong đồn điền của mình.
Nhìn ra ngoài cửa kính xe, ngắm từng đoàn dân quê linh hoạt đang xuôi ngược dọc theo đường xe chạy, ông nhận xét:
- Ngó như thể trong con người họ có chiếc máy vô hình nhỏ bé nào đó đang chạy đều, phải không? Họ hình như không bao giờ thôi bước.
Paul nói nghiêm chỉnh:
- Họ là người rất siêng năng cần cù. Trong cơ thể có vẻ ẻo lả của họ có một con số năng lượng thật đáng kinh ngạc.
Thượng nghị sĩ lịch sự dò hỏi:
- Như vậy tại sao họ không tự làm cho mình thoát khỏi cảnh lao động nặng nhọc ấy.
Không ngoái ra sau, Jacques Devraux bình thản nói:
- Dù có kiếm được tới mấy đi nữa rốt cuộc cũng chẳng thay đổi được gì. Bọn chúng nó lúc nào cũng mắc nợ. Rồi chúng lại phải đi tới tụi Chệt để vay nợ với mức lãi của kẻ cướp đường cướp chợ. Đôi khi tụi Tàu tính lãi tới ba mươi sáu phần trăm và bọn nhà quê này cũng khá điên rồ chịu chấp nhận cái giá cắt cổù đó. Thông thường, chủ nợ chỉ cho vay mười đồng thôi, và biết trước thế nào cũng sẽ xiết được mảnh đất cỏn con của con nợ cùng với nhà cửa của hắn — thậm chí có thể được luôn cả vợ với con gái của hắn — khi hắn không trả nổi nợ.
Paul phản đối sôi nổi:
- Nhưng ba ơi, chuyện đâu có hoàn toàn giống như thế. Theo như con thấy, từ trước tới nay, những người dân quê này lúc nào cũng bị ở trong hoàn cảnh khó khăn. Trước hết là chúng ta cướp đoạt đất đai của họ để ban phát cho những người An Nam hợp tác với chúng ta. Tới bây giờ, các địa chủ ấy trở thành kẻ biển lận, cho thuê ruộng và đòi giá cao — trong khi đó chúng ta tiếp tay bóc lột dân quê bằng việc thu các loại thuế tàn mạt. Họ hướng về ai đây nếu những địa chủ bản xứ và người Pháp chống lại họ.
Jacques Devraux không trả lời ngay. Joseph quan sát hắn thật kỹ, thấy bắp thịt quai hàm hắn săn lại trong khi hắn vẫn tiếp tục nhìn tới trước, qua kính chắn gió. Tới khi Devraux mở miệng, giọng hắn nặng chình chịch, nghe lạnh tanh:
- Paul này, con cần phải nhớ rằng dân An Nam lệ thuộc đế quốc Trung Hoa suốt cả ngàn năm. Chúng nó là một dân tộc dễ dàng cam chịu, không bao giờ chống cự nổi sự bóc lột. Cái đó nằm trong bản chất của chúng. Ai cũng có thể bóc lột chúng. Hình như chúng không thể sống thiếu cái đó. Nếu chúng ta không biến xứ sở này thành thuộc địa của Pháp thì lúc đó, nước khác cũng sẽ...
Đột nhiên chiếc xe giật mạnh khi tài xế đạp gấp chân thắng. Ngồi ngay sau lưng Jacques Devraux, Joseph nghe hắn thở hắt và chưỡi thề làm ràm. Ngước mắt, cậu bé Mỹ thấy một dân quê trên vai toòng teng quang gánh, băng vọt qua đường sát ngay đầu xe Citroešn, rồi nhảy cỡn, nhe răng cười đắc thắng. Khi xe chạy nhanh trở lại, Joseph ngoái nhìn lần nữa, thấy người nhà quê ấy tiếp tục nhảy, hoa chân múa tay, như thể nhập đồng cốt ngay giữa mặt lộ. Paul Devraux nói với giọng giải thích:
- Tôi e rằng quí vị phải làm quen với cảnh đó. Nó xảy ra rất thường.
Joseph hốt hoảng hỏi:
- Tại sao họ làm chuyện như vậy? Có phải họ muốn tự tử?
- Không hoàn toàn như vậy. Họ đang ra sức giết cho chết tà thần trong người họ đấy. Nhưng rủi thay, nhiều khi họ cũng giết luôn cả mình.
- Tà thần của họ là cái gì vậy?
- Các ác thần. Dân quê An Nam chiếm khoảng tám mươi phần trăm dân số; hết thảy đều thờ phượng các thần linh vô hình. Thần nhà, thần bếp, thần sông, thần cây... Trưa nay, khi vào rừng, thỉnh thoảng cậu sẽ thấy những đồ cúng nhỏ bằng thức ăn treo trên chạc cây. Quỉ thần của họ là hai vị thần được họ tin là sống trong cái bóng của họ. Một thần thiện với một thần ác. Thần ác, còn gọi là tà thần, cám dỗ đưa dẫn họ tới sa ngã. Họ tin rằng cách độc nhất có thể trục tà thần là kéo nó tới sát sự nguy hiểm. Ngay sau lúc bản thân họ suýt chết vì cái bóng của họ bị xe đụng hoặc bị trâu húc, họ tin rằng thần ác đang sống trong cái bóng của họ vừa bị tiêu diệt. Đó là lý do tại sao người dân quê ấy sung sướng nhảy múa giữa đường cái — chúng ta vừa giết cái bóng ác của hắn. Chuyện đó rất thường xảy ra vào khoảng thời gian này trong năm vì sắp tới ngày Tết, lễ hội mừng năm mới âm lịch. Người ta muốn bắt đầu một năm mới mà không có ác thần nào ám hại mình.
Xe chạy chậm dần khi tài xế An Nam thấy có một đám dân quê khác đang tụ tập bên vệ đường, cách chừng năm chục thước đằng trước. Từ ghế sau, cha con nhà Sherman nghe Jacques hít vào một hơi dài cáu kỉnh. Hắn nói cộc lốc với tài xế bằng tiếng Pháp:
- Này Lộc, đừng hễ thấy như thế là chạy chậm lại. Bằng không chúng ta sẽ chẳng bao giờ tới đích.
Người An Nam đạp chân ga, xe trở về tốc độ cũ. Xe không còn khựng lại khi có ba người nhà quê trẻ tuổi lao bộ mặt trắng bệch ra ngoài lộ. Joseph cảm thấy nín thở cho tới khi giữa đường chẳng còn ai.
Khi chiếc Citroešn chạy qua khỏi cánh đồng lúa đông người, bắt đầu leo dốc và vào vùng đồn điền cao su đất đỏ, Joseph quan sát nét mặt người tài xế trong kính chiếu hậu, cố đoán cảm xúc của anh ta. Cậu tự hỏi không biết Lộc có hiểu những gì Jacques Devraux nói hồi nãy bằng tiếng Anh về xứ sở của anh không. Nhưng qua bộ mặt thụ động và đôi mắt nhỏ ấy thật không thể nào dò nổi ý nghĩ của anh.
Giống nhiều người An Nam, vóc dáng bên ngoài của Lộc trông như một loại trẻ con khiến cậu bé Mỹ khó ước lượng tuổi tác. Joseph nghĩ, anh có thể ở khoảng đâu đó giữa hai mươi và bốn mươi tuổi. Jacques Devraux không màng tới chuyện giới thiệu Lộc với thượng nghị sĩ nhưng trong khi cha đi kiểm tra lần chót chiếc xe tải chở hành lý, Paul Devraux thân mật vỗ vai người tài xế, giới thiệu anh với họ:
- Ngô Văn Lộc, một người An Nam thiên tài, nhiều biến hóa và đa năng đa hiệu. “Bồi” trong nhà, “bồi” ngoài trại săn, tài xế, phụ giúp mọi việc, và là nhân vật không thể thiếu trong cái gia đình bé mọn Devraux.
Lộc cười khúc khích với vẻ bối rối rồi vội vàng bắt tay và chào hỏi họ bằng tiếng Pháp trước khi Devraux kịp quay lại xe. Dường như không có lý do khiến anh ta phải biết tiếng Anh, Joseph ngẫm nghĩ như vậy khi xe tiếp tục lăn bánh. Cậu kết luận trong đầu mình rằng người An Nam có hai con mắt đầy thuần phục này hẳn không hiểu cuộc đàm thoại vừa rồi.
Hết cây số này tới cây số khác, xe tiếp tục chạy qua các khu rừng cao su rợp bóng nơi những thân cây thẳng đứng với vết sẹo rạch xéo và chiếc chén sắt hứng mủ cây, trải dài bất tận theo những khoảng cách đều đặn hai bên đường. Các khu rừng cao su với hình dáng bề ngoài y hệt nhau, bạt ngàn trùng điệp trông như vô số đoàn quân đứng yên hết hàng hàng này tới lớp lớp khác khiến xe có vẻ như không đang di động. Bóng dáng ảm đạm và lặng lẽ của chúng càng lúc càng làm dịu không khí căng thẳng trong lòng xe Citroešn do việc suýt gặp tai nạn lúc nãy gây ra. Nhưng rồi khi xe phóng ra khỏi các khu rừng cao su, đổ xuôáng triền dốc đồi thoai thoải và sắp chạy ngang một làng khác, Joseph lại cứng người trên ghế.
Một đám khÁ Đông dân quê chen chúc chung quanh cái giếng làng đầy bùn để giặt quần áo và rửa ráy bằng thứ nước có màu bùn đen xam xám, đứng lấn ra nửa mặt lộ. Dù hầu hết đã tránh qua một bên khi thấy bóng xe chạy tới nhưng có bốn cậu bé lẹ làng lập thành một nhóm, ngang bướng đứng trụ lại giữa đường. Theo phản xạ, Ngô Văn Lộc nhấc chân khỏi bàn đạp ga. Nhưng Jacques Devraux hất bàn tay không lên, tỏ vẻ khiển trách. Chồm người sang đập đập nút còi xe ở chính giữa bánh tay lái, hắn gắt gỏng gầm gừ:
- Nếu cứ mỗi lần thế này mầy chạy chậm lại, chúng nó sẽ không bao giờ học được thói quen tránh đường cho ô-tô qua.
Khi xe chạy tới gần hơn, Joseph thấy rõ bộ mặt bèn bẹt quê mùa của bốn cậu bé An Nam. Chúng mở mắt tròn xoe, có vẻ e sợ nhưng rõ ràng chúng nhất định đứng trụ chân tại chỗ cho tới giây phút sau cùng. Trong kính chiếu hậu hiện rõ bộ mặt Jacques Devraux. Vẻ lạnh lùng không thoáng chút cảm xúc khi hắn miết cứng bàn tay trên nút còi xe đang kêu bing bing liên tục.
Lúc hai đèn xe to lớn mạ kền đằng trước đầu xe Citroešn chỉ cách bọn trẻ chưa tới hai thước, cậu bé thứ nhất phóng người qua rảnh nước bên vệ đường, hét lên chiến thắng và té xuống một vũng nước bẩn thỉu. Hai cậu kia trượt chân, dù kinh hoàng vẫn vọt được người nhảy qua quá cái chắn bùn phía bên phải xe. Ngược lại, cậu bé thứ tư, trượt chân khuỵu đầu gối, chỉ mới lồm cồm đứng lên đã bị càng xe táng trúng phía dưới bụng, nghe kêu một tiếng huỵch và chiếc xe rùng mạnh. Người cậu béù tung lên trời, dang chân dang tay bay vòng qua mui xe rồi rớt xuống đằng sau, nằm một đống, không nhúc nhích, trên con đường bụi bay mù mịt.
Ngô Văn Lộc nhả ga cho xe chạy chậm, chuẩn bị ngừng. Nhưng trước con mắt sửng sờ của ba cha con người Mỹ, Jacques Devraux ra hiệu anh tiếp tục cho xe chạy như chẳng xảy ra chuyện gì. Trong một hai giây người Pháp quan sát cảnh tượng đằng sau qua kính chiếu hậu, không quay đầu nhìn lui. Xoay ngược người trên ghế, Joseph và những người khác trong xe chằm chặp nhìn đám dân còn lại trong làng đang hốt hoảng chạy ra, bu kín nơi cậu bé vừa rớt xuống. Đám đông xô đẩy nhau đứng chật đường cái khiến chiếc xe tải chở hành lý đằng sau chạy chậm lại rồi dừng hẳn, không thể qua lọt.
Nathaniel Sherman hỏi với giọng điềm đạm:
- Monsieur Devraux này, ông không quành xe lại sao... Để ít ra cũng xem thằng bé ấy có còn sống không?
Devraux trả lời trầm tĩnh:
- Thưa thượng nghị sĩ, tôi không muốn người ta làm phiền ông. Vả lại, tôi biết chắc chắn chuyện này vẫn rất thường xảy ra ở đây.
- Nhưng không phải báo cáo tai nạn này với cảnh sát sao?
- Việc đó không cần. Hầu hết quan toà người Pháp sẽ phạt tài xế chịu tiền phí tổn đám ma — hai mươi lăm đồng nếu quả thật thằng bé đó chết. Và quan toà chỉ ra phán quyết đó khi ông ta thật sự bị buộc phải làm như thế. Đã có lời cảnh cáo lặp đi lặp lại nhiều lần cho lũ nhà quê là phải tránh xa đường ô-tô chạy. Chúng nó không bao giờ để vào tai lời cảnh cáo đó.
Hắn nhìn lướt qua kính chiếu hậu lần nữa rồi nói tiếp:
- Tài xế chiếc xe tải chở hành lý sẽ lo liệu chuyện này. Y là người An Nam.
Người Pháp thốt ra lời sau cùng đó với lối nói có ý bảo rằng hắn thấy mình không đồng ý thảo luận thêm về vấn đề này nữa. Thượng nghị sĩ im lặng trở lại. Joseph liếc Ngô Văn Lộc, nhưng dù đang bấu mười đầu ngón tay trắng bệch trên bánh lái, anh ta cũng chẳng có ý kiến. Và không người nào mở miệng trong suốt phần còn lại của cuộc hành trình.
|
|
|