Ngắm hai con, Nathaniel Sherman hãnh diện cười rạng rỡ khi hai cậu đi tới gia nhập nhóm người đang bao quanh thống đốc. Mắt thượng nghị sĩ nhìn vị quan già An Nam có bộ mặt nhăn nheo, giọng ông nghe rền vẻ sảng khoái khi nói cho người tùy viên của thống đốc thông dịch:
- Messieurs, tôi xin hân hạnh giới thiệu hai con trai của tôi. Đứa lớn, Charles, và em nó, Joseph...
Tiếp đó, để lấy cảm tình cho con trai, ông quay sang hai cậu, trân trọng nói tiếp:
- Monsieur Trần Văn Lung đây là thượng quan Bộ Lễ của triều đình Huế.
Joseph hoan hỉ rướn người tới chực bắt tay nhưng vị quan già, sau một thoáng bối rối ngại ngần, ấp lòng bàn tay phải của ông lên nắm tay trái, vái nhẹ một lần trước khi rụt cả hai bàn tay vào ống tay áo bào, và cúi đầu chào Chuck rồi chào Joseph. Lúc ấy, cậu bé Mỹ mới để ý thấy các móng tay rất dài của ông cong vòng khác thường; chúng biểu hiệu cho giai tầng sĩ phu và địa vị mệnh quan triều đình, khiến không tiện bắt tay chào nhau theo lối phương tây, và thường gây bối rối cho cả đôi bên. Mặt ửng đỏ, Joseph cúi đầu chào rồi ngẩng lên ngay. Cậu nhận thấy anh mình cũng làm y vậy nhưng chậm rải và có ý tứ hơn.
Thống đốc oang oang giải thích, làm như thể vị quan già lẫn người con trai của ông ta không hiểu:
- Người An Nam không bao giờ bắt tay nhau. Giữa người đồng đẳng họ chỉ cúi mình, để xuôi hai tay. Hình thức chào cổ truyền quí vị vừa thấy...
Ông dừng một chút, đưa bàn tay trái của mình chụp lên nắm tay phải, bắt chước điệu bộ vừa rồi của người An Nam, và tiếp:
- ... chỉ dùng để bày tỏ lòng tôn kính của kẻ dưới đối với bề trên.
Chưa nghe dứt lời dịch câu nói vô tình nhưng gây nhiều thương tổn ấy, Nathaniel vội đưa mắt liếc mấy người An Nam nhưng trên các bộ mặt trầm lặng ấy ông không dò được phản ứng nào. Tuy thế, thượng nghị sĩ tiếp lời ngay, vừa nói vừa nhoẻn miệng cười cực kỳ quyến rũ:
- Thưa quí vị, miền nam nước Mỹ, nơi tôi xuất thân, vô cùng hãnh diện về phong thái tốt đẹp của nó. Nhưng tôi nghĩ rằng hết thảy chúng tôi đây vẫn có nhiều điều phải học hỏi từ thế giới cổ kính của quí vị về sự tinh tế và lễ nghĩa.
Khi lời ấy vừa được thông ngôn, vị quan già khép mi mắt lại như thầm cảm tạ lời tán tụng của người Mỹ. Nhưng ông vẫn để nguyên nét mặt không biểu lộ chút cảm xúc nào. Thống đốc nghe không rõ câu đáp trả ấy nên chẳng nhận ra ý vị chua cay của nó. Ông lơ đãng nghiêng người, xoè cả năm ngón tay tay vờn trước chiếc áo bào màu xanh nước biển của Trần Văn Lung:
- Thưa thượng nghị sĩ, hẳn ông sẽ lấy làm thú vị khi biết rằng chiếc áo thụng này được may suốt từ trên xuống dưới bằng chỉ một tấm lụa. Màu sắc và kiểu mẫu của nó quả thật rất hiếm. Nó là tặng phẩm do phụ vương hoàng đế Khải Định đương triều đặc cách khâm ban cho Trần Văn Lung.
Thống đốc khoa tay trước mặt vị quan An Nam như thể ông lão là vật trưng bày trong viện bảo tàng:
- Sát đường viền, ông có thể thấy một con rồng, loại rồng vua năm móng, thêu rất tinh xảo với các sợi chỉ toàn bằng vàng thật. Một công trình tuyệt tác. Chắc ông đồng ý với tôi rằng thế giới phải biết ơn sâu xa các dân tộc chịu ảnh hưởng của Trung Hoa.
- Thưa thống đốc, ông thật không sai chút nào. Riêng đối với Monsieur Trần Văn Lung đây có lẽ chúng ta cũng nên cám ơn ông ấy vì đã nhắc cho chúng ta nhớ mãi các giá trị chân chính, cao cả và bền vững của phương đông.
Trong một thoáng, thống đốc liếc người Mỹ với tia nhìn sắc lẻm nhưng khi ánh mắt ấy chỉ gặp nụ cười hóa giải của thượng nghị sĩ, ông lại bắt sang chuyện khác:
- Thưa thượng nghị sĩ, nhân nói về cái quí hiếm của phương đông, tôi xin trình diện ông bảo vật trân quí nhất trong bộ sưu tập đồ cổ Trung Hoa của tôi.
Chạm nhẹ khuỷu tay người Mỹ, ông bước tới phía có chiếc độc bình đời Minh bày trên mặt cái đôn bên cạnh:
- Nó có xuất xứ từ niên đại Vạn Lịch. Và tôi khá tự tin khi nói rằng trên khắp thế gian này nó là một trong hai kiểu mẫu loại đó còn nguyên vẹn.
Lối xử sự của thống đốc cho thấy ông chỉ muốn dành riêng sự mời mọc này cho người Mỹ thôi; vị quan già vẫn đứng yên tại chỗ với con trai với con dâu của ông. Chuck theo cha đi tới cạnh cái đôn bên trên đặt chiếc độc bình đời Minh cổ lớn, hoa văn gồm những con phụng xanh và các cánh sen, lộng lẫy sáng dưới ánh đèn từ trên chiếu thẳng xuống, còn Joseph có vẻ ái ngại.
Thấy mấy người An Nam bị bỏ rơi, cậu ở lại bên họ, lúng túng nhón hết chân này tới chân kia, cố vắt óc ra gợi chuyện. Phía trên chòm râu bạc lưa thưa, bộ mặt vị quan già An Nam vẫn tiếp tục không biểu lộ cảm xúc. Nãn lòng, Joseph đánh bạo quay sang người An Nam trẻ hơn. Chợt cậu nhận ra cả hai chưa được chính thức giới thiệu với nhau:
- Cháu là Joseph. Ông biết không, cháu mười lăm tuổi, thua anh Chuck của cháu sáu tuổi. Anh cháu hai mươi mốt. Ở nhà, cháu còn một đứa em gái. Nó tên Susannah... nó chỉ mới chín tuổi thôi...
Nhẹ nhỏm cả người vì đã kiếm ra lời mở chuyện, Joseph lắp bắp tuôn một hơi những cái vặt vảnh ấy của mình bằng thứ tiếng Pháp chưa thực hành, phát âm tiếng này va vấp tiếng nọ:
- Susannah nó nhỏ lắm, dĩ nhiên nó không chịu nổi chuyến đi xa như thế này. Nó phải ở lại nhà với cô út của cháu.
Hình như không hiểu Joseph nói gì, người An Nam già lúc này đưa mắt trống rỗng nhìn vào khoảng không trên đầu cậu rồi quay mình bỏ đi. Nhưng người con trai của ông nghiêm trang gật đầu:
- Tên tôi là Trần Văn Hiếu, và Monsieur Joseph ạ, thật đáng thương cho em gái của cậu là cô ấy không thể đi chung chuyến với cậu. Tôi chắc cô ấy nói tiếng Pháp giỏi không kém gì cậu, phải không?
Joseph cười:
- Chả người nào nói tiếng Pháp dở hơn cháu cả!
Tiếng cười của Joseph làm bà vợ vị quan trẻ mỉm cười khiến cậu dám đưa mắt nhìn rõ mặt bà. Mảnh mai và e lệ, bà mặc chiếc áo dài giản dị bằng lụa màu nâu làm đậm đà thêm vẻ đẹp đằm thắm trên khuôn mặt thanh tú màu vàng nhạt khiến người ta có ấn tượng không chính xác về số tuổi của bà. Joseph lễ phép hỏi để kéo bà vào cuộc trò chuyện:
- Thưa bà, bà có anh con trai chị con gái nào không ạ?
- Có monsieur ạ, hai trai một gái.
Joseph đưa mắt nhìn quanh phòng, hi vọng:
- Cả ba có ở đây không thưa bà?
Trần Văn Hiếu lắc đầu:
- Chúng nó còn nhỏ dại, không được dự vào những dịp cao trọng như thế này.
Ông hoa tay ra đằng sau, về phía một trong các cửa sổ kiểu Pháp nhìn xuống khu vườn hoa cân đối chung quanh dinh rồi nói:
- Chúng xin được tới xem “cung điện” của quan thống đốc nhưng chúng chỉ được ở ngoài vườn hoa với bà vú để khỏi phá phách.
Qua khung cửa sổ Joseph nhìn ra vườn, thấy có ba đứa trẻ An Nam mặc áo thụng cổ truyền bằng lụa như cha mẹ chúng, đang đi đi lại lại trên bãi cỏ phía dưới thềm cùng với người hầu An Nam mặc quần áo mộc mạc bằng vải trơn. Joseph ngập ngừng rồi cười:
- Thưa ông bà, cháu có thể gặp chúng không ạ? Ông bà thấy đó, cháu không được phép uống thêm sâm-banh nữa. Mẹ cháu bắt cháu hứa chỉ được uống một ly thôi — mà cháu đã uống tới hai ly.
Lúc này, ông quan An Nam nhìn vẻ mặt hăm hở của Joseph rồi ánh mắt không còn vẻ dè dặt như lúc mới gặp. Ông mỉm cười và nói: “Sao lại không?” Quay sang bà vợ lúc này cũng đang mỉm cười, Trần Văn Hiếu lặp lại: “Sao lại không?” và dẫn đường đi men theo các cửa sổ kiểu Pháp. Ra tới bên ngoài hành lang, ông đưa tay vẫy các con. Trong chớp mắt, chúng chạy như bay tới đứng trên tầng cấp cao nhất của bậc thềm bằng đá cẩm thạch, hụt hơi thở hổn hển.
Trần Văn Hiếu nói với các con bằng tiếng Pháp:
- Đây là Joseph Sherman. Phụ thân cậu là một quan khách rất quí, đến từ Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ và đang thăm viếng nước ta. Đó là một nước quan trọng, ở cách đây rất xa, thẳng phía bên kia biển.
Nhớ lại sự hiểu lầm hồi nãy Joseph buông xuôi hai tay, giữ chúng ép sát hai bên hông. Mở miệng cười thật rộng, cậu khó nhọc gập người xuống, chào từng đứa bằng tiếng Pháp:
- Rất vui được làm quen với các bạn.
Người An Nam lần lượt chỉ vào các con, bắt đầu từ cậu bé cao nhất:
- Con trai tôi, Tâm, mười hai tuổi. Kim, em nó, mười một. Và con gái tôi, Lan, chỉ mới mười tuổi.
Khuôn mặt nhỏ và mịn màng của cô bé rất thanh tú và cân đối, hứa hẹn chẳng bao lâu sau sẽ trổ hoa thành một nhan sắc ít ra cũng nổi bật không kém gì mẹ. Nhằm trêu cho cô bé cười, Joseph làm bộ nháy một bên mắt. Nhưng điệu bộ ấy chỉ khiến cô bé nép sát hơn vào mẹ và tiếp tục nghiêm trang chăm chú nhìn lại cậu với đôi mắt thơ ngây tọc mạch, không chút rụt rè.
Hai người anh của cô bé vẻ mặt thông minh và tinh nghịch. Chúng hết xô lấn nhau lại cười khúc khích, chẳng đứng yên lâu một chỗ. Joseph để ý thấy cậu bé thứ nhì khoanh hai tay thật cao trên lồng ngực nhỏ nhắn và cứ giữ chúng nằm yên một chỗ. Nhìn gần hơn, Joseph thấy có vật gì nho nhỏ phồng lên, nhúc nhích bên dưới, làm nhíu chỗ áo lụa trước ngực. Nửa đùa nửa thật cậu bé Mỹ vừa quì xuống chỉ vào chỗ lồi lên và đang ngọ nguậy vừa hỏi:
- Kim ơi, cậu đang giấu cái gì thú vị trong áo thế?
Cả hai cậu bé lập tức cất tiếng cười gượng gạo. Tâm mặt ngượng nghịu chạy tới bên Trần Văn Hiếu, nói nhỏ vào tai cha bằng tiếng Pháp:
- Papa! Kim mang theo con khỉ con của Lan. Con đã bảo nó đừng mang, nó cứ không nghe.
Vị quan An Nam liền quở trách cậu con thứ bằng tiếng bản xứ liến thoắng. Lập tức, tiếng cười khúc khích bặt hẳn. Kim mở nút áo cài dọc bên nách. Khi chiếc đầu run rẩy của chú khỉ nhỏ thò ra, Lan bật lên tiếng kêu khe khẻ phản đối rồi dịu dàng đưa tay ôm con vật nhỏ nhắn vào lòng mình. Joseph nói thật nhẹ nhàng và chúi người về phía Lan:
- Cho tôi sờ vào nó một cái, được không Lan?
Không hiểu rõ cậu bé Mỹ muốn làm gì, Lan rụt người lại đề phòng. Con khỉ, cảm giác được sự e ngại của chủ, cất tiếng kêu khèn khẹt và vùng vằng trong hai cánh tay của cô chủ nhỏ.
Áy náy không muốn làm mất lòng Lan, Joseph khoát tay, bước lùi. Nhưng con khỉ nhỏ vốn sợ hãi sẵn, bỗng hốt hoảng vì cử chỉ đột ngột ấy của người lạ, nó quẩy mạnh vọt khỏi tay Lan. Tâm và Kim ré lên cười háo hức, rượt cho con vật chạy lòng vòng trên tầng cấp khiến nó lại càng sợ hãi thêm. Để thoát khỏi các cậu, con khỉ phóng thật nhanh qua khung cửa lớn đang mở sẵn, chạy thẳng vào “cung điện”. Trần Văn Hiếu và vợ hết hồn ngó nhau còn hai cậu con chửng lại nơi ngưỡng cửa, im bặt, sửng người đứng yên. Khuôn mặt Lan kinh sợ tái mét. Môi run run, cô bé rùng mình đưa hai bàn tay nhỏ nhắn lên bíu hai gò má. Hai mắt Lan nhắm nghiền, chực trào nước mắt.
Cơn hãi hùng của cả nhà họ Trần làm Joseph như chôn chân tại chỗ. Rồi như để chuộc tội cử chỉ gây họa vừa rồi, cậu đánh liều lao mình qua ngưỡng cửa, rượt theo. Bên trong, con khỉ nhỏ trượt chân, dừng lại trên sàn nhà bóng láng đá cẩm thạch, trơ vơ giữa tiếng chuyện trò rôm rả của đám đông đang đứng thành từng nhóm. Joseph nhào tới con khỉ. Khi thấy cậu, nó lại kinh hãi hơn nữa, bắt đầu chạy lung tung, tìm cho ra một chỗ núp.
Thống đốc vừa đưa quí khách của mình đi khỏi cái đôn nơi ông trưng bày chiếc độc bình đời Minh, đặt dưới ánh đèn điện từ trên tỏa xuống để rọi cho hoa văn và nước men của nó đẹp lên gấp bội, Và vì mãi quay đầu về phía khách để giải thích một vấn đề nào đó, ông không thấy con khỉ nhỏ đang bò nhanh như chớp dưới sàn nhà trơn láng.
Ông chỉ nhận ra con khỉ khi nó chạy tới chân đế cẩm thạch của cái đôn rồi phóng lên, níu chặt cổ chiếc độc bình, đảo tròng mắt ngó bốn phía. Bàn tay đeo găng trắng toát của thống đốc đang hoa lên bỗng ngưng lại gữa chừng. Trong một giây, ông kinh hoàng nhìn chằm chặp con vật, nghe rõ từng tiếng nó kêu khèn khẹt. Rồi ông bắt đầu bước lẹ tới phía chân đế, thét lớn coi chừng. Như cảm giác được lời hăm dọa ấy, con khỉ vọt lên bên trên một chút rồi lẹ làng chui tuột vào trong độc bình.
Sợ hãi thêm vì bóng tối bên trong, con vật lăn lộn như điên, tìm cách thoát ra. Lúc này, chiếc độc bình lúc lắc đong đưa rồi nghiêng qua một bên, sắp đổ lăn xuống sàn nhà. Thấy mình cách quá xa, không kịp cứu bảo vật cực hiếm của mình, thống đốc chỉ còn cách tức ngược máu, bất lực đứng ngó chiếc độc bình sắp vỡ nát.
Vài người Pháp gần đó muốn nhào tới cứu nhưng không còn kịp. Cảm giác trách nhiệm về tai họa sắp ụp xuống và mặc cảm đắc tội làm tăng tốc lực cho đôi chân của Joseph. Cậu liều mạng lao hết sức nhanh tới chân đế cái đôn. Khi chiếc độc bình rơi xuống, Joseph chuồi người về phía nó với tư thế một vận động viên từ cầu ván chúi mình phóng xuống bể bơi. Ngực cậu đập uỵch xuống sàn nhà làm người mất thở nhưng cậu cố rướn hai tay lên đón chiếc độc bình. Đồng thời cậu đạp mạnh chân cho người lướt trên sàn cẩm thạch để nếu bàn tay có đón hụt, sẽ đưa nguyên đầu ra, hứng lấy món đồ sứ cổ đang lấp lánh nước men mịn màng. Khi hết đà, Joseph tưởng đã vuột mất chiếc độc bình nhưng vào chớp mắt cuối, cậu vặn mình lật ngửa người. Rồi với hai bàn tay, cậu tạ ơn trời rằng mình đã có được chiến lợi phẩm. Và cậu ôm chặt nó vào chiếc áo sơ-mi dạ vũ kiểu cách của mình.
Trong bầu khí im lặng như không gian sau cơn bão, Joseph cố nhịn đau. Cậu nghiêng mình ngồi dậy và đứng lên, từ trán xuống cổ vẫn một màu đỏ ửng. Cho tay vào cổ độc bình, Joseph túm gáy con khỉ lôi mạnh nó ra và thận trọng đặt lại bảo vật lên chiếc đôn. Không ngoái đầu nhìn người trong đại sảnh, cậu ôm chặt con vật ngộ phạm bằng cả hai tay, bước thẳng về phía khung cửa sổ kiểu Pháp.
Khoảnh khắc Joseph ra hành tới lang, đầu mé thềm cao bộ mặt căng thẳng của Trần Văn Hiếu và vợ dịu lại, nhẹ nhỏm. Hai cậu bé con họ đứng riêng cạnh người vú, mặt đầy vẻ hối hận, lấp lánh nước mắt. Còn cô bé Lan vỗ tay sung sướng chạy tới phía Joseph. Cậu bé Mỹ ngập ngừng xin lỗi bằng tiếng Pháp trong khi quì xuống một chân, trả lại cho cô bé con vật yêu quí lúc này vẫn còn run. Nhưng khi con vật nằm bình yên trong cánh tay mình, cô bé vội vàng quay lui, nép mình e lệ bên tà áo của mẹ. Miệng lẩm bẩm với con khỉ và không nói một tiếng với Joseph.
Vào lúc ấy, đằng sau Joseph, người sĩ quan tùy viên của thống đốc thầm lặng xuất hiện trên ngưỡng cửa. Liếc thấy gia đình Trần Văn Hiếu và con khỉ nhỏ, mặt anh ta sa sầm như có ý quở trách. Rồi anh ta nói chầm chậm bằng tiếng Pháp, rõ ràng có chủ tâm không để ý tới mấy người An Nam:
- Monsieur Joseph, thống đốc đang sẵn sàng để vào bàn tiệc với những khách quí đã được mời.
Joseph nán lại, mỉm cười xin lỗi thêm lần nữa và nhìn theo Trần Văn Hiếu cùng gia đình bước xuống thềm, rời dinh. Lan vừa đi vừa thầm thì dỗ dành con khỉ nhỏ nhưng vẻ mặt ngu ngơ ngỡ ngàng như thể mình không thể nào hiểu hết những gì vừa xảy ra. Ở cuối tầng cấp, cô bé dừng chân một chút, quay lui như ngó như chào Joseph. Cười tần ngần, cậu bé Mỹ vẫy tay. Nhưng cử chỉ ấy chỉ làm cô bé An Nam ngỡ ngàng thêm, rồi xoay mình chạy thật lẹ, bắt kịp cha và níu áo mẹ.
|
|
|