Như tôi đã nói, ông cụ tôi là một ông giáo. Một ông giáo tiểu học trường tư, nhưng đã nghỉ dạy mấy năm trước cách mạng Tháng Tám, ở nhà giúp bà mẹ quanh năm đau ốm của tôi trông nom cửa hàng tạp hóa của bà. Kiểu buôn bán là như thế này: lấy lại hàng của các cửa hàng lớn chuyên doanh, đều là chủ hàng quen, đem về bán lại cho các bà hàng xén chợ nhà quê (Đình Bảng, chợ Dầu v.v...) cũng đều là khách hàng quen, cứ dăm bảy ngày lại gánh đôi bồ to tướng ra cất hàng: một súc vở học trò, vài tá bút chì, vài cân đường cát, một cân phèn chua, vài ba cân miến, chục bao nến, một tá khăn mặt v.v... tạp pí lù, khoảng vài chục món như thế chất đầy vào hai cái bồ. Câu linh tinh như cái bồ hàng xén xuất xứ là như thế. Bà khách hàng ngồi tựa gối trên phản vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa xướng lên những món hàng mình cần, xướng đến đâu thì bố tôi lại ghi thành cột vào quyển vở mua hàng lem nhem của bà, còn mẹ tôi thì gảy bàn tính lách cách tính tiền. Tôi còn làm cái nhiệm vụ đi lấy hàng, nghĩa là chỉ có việc đến nhà chủ hàng bảo họ mang đến cho một tải đường chẳng hạn. Tuổi nhỏ mải chơi, nhiều lúc đi được nửa đường thì quên, không nhớ ở nhà dặn đi lấy gì, phải quay về hỏi lại.
Tản cư theo kháng chiến cụ tưởng chỉ vài ba năm là cùng. Cụ gửi giấy tờ vào Hà Nội nhờ bán cái nhà lấy tiền theo đuổi kháng chiến đến thắng lợi. Bán tống bán tháo. Dân thành thị, chồng già, vợ ốm, con nhỏ, không nghề ngỗng gì, chỉ ngồi ăn thì núi cũng lở. Ăn đã mòn vẹt cả cái nhà mà xem ra kháng chiến vẫn chưa đâu vào đâu, nên đầu năm 1950 lại dắt díu khiêng cáng nhau hồi cư. Về Hà Nội không có nhà, lên ở nhờ nhà thờ tổ. Còn ít tiền, chung vốn với một người cháu mở hàng phở. Hàng phở ăn dần vào vốn. Lại quay trở về nghề hàng xén. Vốn ít, cửa hàng không có thì ngồi vỉa hè vậy. May mắn có ông anh vợ chỉ tản cư có mấy tháng, sớm hồi cư nên nhà cửa còn giữ được, và thời chiến tranh buôn bán phất lên như diều, nên khá giả. Tình anh em, ông giúp đỡ bố |
|
|