Ấy là bây giờ tôi mới nói rành rọt như vậy, chứ đầu óc tôi lúc ấy còn rối rắm lắm. Tới lúc bấy giờ tôi là người đảng viên cộng sản đã hai chục năm có lẻ. Thoạt đầu, vào Đảng là vì người ta bảo vào thì vào. Rồi được cử đi học, cộng với tự học, trở thành một đảng viên có lý luận, tin vào chủ nghĩa, đi giảng dạy chủ nghĩa cho người khác, viết báo cũng viết về chủ nghĩa. Và tự hào về danh hiệu đảng viên cộng sản của mình, danh hiệu cao quý của những con người được tạo nên bằng một chất liệu đặc biệt, như Stalin nói, tự hào về Đảng của mình. Mấy năm bất đồng vừa qua chỉ có thể làm lung lay đôi chút chứ làm sao đã xóa bỏ được niềm tin ấy của tôi. Ngồi trong Hỏa Lò, không lúc nào tôi quên mình là đảng viên cộng sản. Chẳng qua là tôi bị Đảng hiểu lầm do những báo cáo bóp méo sự thật. Vả lại tôi cũng có sai, có những hành động thiếu suy nghĩ đã gây khó khăn cho Đảng trong lúc Đảng đang lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ. Từ những sai lệch ở cả hai phía, quan hệ giữa Đảng và tôi cứ xấu dần đi, rồi đến chỗ tồi tệ như thế này. Đã đến lúc phải tỉnh lại và không để cho nó xấu thêm. Đảng đã nói xử lý nội bộ và khai xong thì sẽ được về có nghĩa là Đảng cũng muốn mở một hướng giải quyết thỏa đáng. Về phần tôi, phải có một thái độ sòng phẳng, bị hiểu lầm thì thanh minh, có sai lầm thì nhận. Và nếu vì thế mà có bị khai trừ chăng nữa thì tôi vẫn là người cộng sản. Không phải đảng viên nhưng vẫn là cộng sản, bằng trí tuệ và tâm huyết của mình.
Nhưng mới hôm trước tuyên bố xử lý nội bộ với tôi thì ngay hôm sau, ông Nhiên đã đưa tôi đi lăn tay và chụp ảnh lập hồ sơ tù. Lăn đủ mười ngón tay và chụp đủ ba kiểu ảnh ngồi thẳng và ngồi nghiêng hai bên. Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên thì ông Nhiên giải thích:
- Đây chỉ là thủ tục.
Xử lý nội bộ sao lại cần đến những thủ tục ấy?
Nhiều chuyện làm tôi phân vân lắm. Một đằng thì tôi tin, rất muốn tin, một đằng thì các sự việc diễn ra cứ ông chẳng bà chuộc, lủng ca lủng củng. Lời nói và việc làm cứ chọi nhau chan chát, buộc tôi phải ngờ. Tin tin, ngờ ngờ, một sự giằng xé thật là khốn khổ và còn lâu mới ngã ngũ được. Nếu là bây giờ thì đã đơn giản quá, khỏi phải đau đầu làm gì.
Người ta bắt tôi, bảo tôi chống Đảng. Thực ra hồi ấy tôi không hề chống Đảng, tôi vẫn bon lắm. Chỉ sau gần mười năm ngồi nghiền ngẫm trong tù và ở nơi quản thúc, ngấm đòn những biện pháp nghiệp vụ của cơ quan an ninh, tôi mới trở thành chống Đảng. Nói đúng ra thì bây giờ tôi cũng chẳng chống Đảng. Tôi chỉ chán Đảng thôi, chán phè.
Đúng như tôi nghĩ, chỉ sau vài ngày hỏi cung, tôi đã khai hết tất cả những chuyện tôi cho là cần phải khai. Khai một cách thoải mái, và đúng sự thật. Và tôi thấy là vấn đề của tôi đã rõ.
Bây giờ nếu phải tường thuật cụ thể với bạn đọc tôi đã khai những gì, tôi cảm thấy ngượng. Không phải ngượng vì sợ bạn đọc chê là thiếu kiên cường. Tôi chưa bị bắt vào nhà tù đế quốc bao giờ, không rõ trong nhà tù đế quốc tôi có kiên cường trước kẻ thù không. Nhưng ở đây tôi không lúc nào nghĩ đến chuyện phải kiên cường trước Đảng. Đảng không phải là kẻ thù của tôi, dù có bất đồng với nhau như thế nào. Nói về những cuộc đấu tranh trong nội bộ những người cộng sản nhiều lúc diễn ra gay gắt dẫn đến bạo lực. étga Moranh trong cuốn Để Bước Ra Khỏi Thế Kỷ 20 đã dùng một khái niệm kép: đồng chí kẻ thù. Không phải vừa là đồng chí vừa là anh em, mà vừa là đồng chí vừa là kẻ thù. Khái niệm ấy thích hợp với ai chứ với tôi thì nó hoàn toàn xa lạ. Cho nên tôi ngượng không phải vì sợ bị chê là thiếu kiên cường trước Đảng, coi như trước một kẻ thù. Tôi ngượng là vì nhiều bạn thấy tôi bị bắt và tù đày như thế tưởng rằng tôi đã làm những chuyện đội đá vá trời ghê gớm lắm. Thực ra chẳng có gì ghê gớm cả. Ngay cả chuyện có vẻ ly kỳ nhất là chuyện tôi làm gián điệp cho Liên xô, cũng lại chỉ là một chuyện tào lao. Bằng cách bắt bỏ tù tôi, người ta đã cho tôi một vòng hào quang mà tôi không có. Thậm chí có bạn đã nói vui là Đảng đã phong thánh cho tôi. Mà tôi thì chỉ là một hòn đất.
Trong thông báo số 2, ông Lê Đức Thọ có nói là anh em chúng tôi đã chống lại đường lối của Đảng trên tất cả các mặt đối nội, đối ngoại. Quả là trên tất cả các vấn đề, chúng tôi đã có những suy nghĩ độc lập, ít hay nhiều, nông hay sâu tùy từng người, nhưng nói chung vẫn không vượt được ra khỏi khuôn khổ của chủ nghĩa Mác Lê nin và sự vận dụng nó vào cách mạng Việt nam. Tôi không nêu cụ thể, sợ làm rườm tai bạn đọc, vì những tư tưởng dị giáo nhất của tôi hồi ấy, nay đều đã trở thành lỗi thời. Cuộc sống đã đi rất xa. Đảng cũng đã đi xa hơn tôi trên con đường... xét lại. Đơn cử: trước kia tôi đâu dám nghĩ đến chuyện thừa nhận quyền tư hữu và chia ruộng đất cho nông dân làm ăn riêng lẻ, chuyện Nhà nước pháp quyền, chuyện làm bạn với tất cả mọi người v.v... nhiều lắm.
Và những suy nghĩ ấy tôi thường trao đổi với một vài anh em hay lui tới nhau, và những cuộc chuyện trò tay đôi, tay ba với nội dung ấy đã bị ông Nhuận quy kết là hoạt động tuyên truyền phản cách mạng, là hình thức sinh hoạt của một tổ chức phản cách mạng. Ông đưa cho tôi tờ báo Nhân Dân có đăng kín trên ba trang bản Sắc Lệnh Trừng Trị Phản Cách Mạng mới được công bố, và chỉ cho tôi chú ý những mục cần phải đọc:
- Anh ngồi đây đọc đi, mục này, nói về tội tuyên truyền phản cách mạng, mục này, nói về hoạt động có tổ chức, và mục này, quan hệ với nước ngoài vì mục đích phản cách mạng. Anh xem đi, và cộng thử xem ngần ấy tội của anh phải bao nhiêu năm tù?
Tôi nhớ đã cộng thành mười lăm, hai mươi năm gì đó. Tôi thực sự không hiểu. Khai xong thì sẽ được về rồi lại phải bao nhiêu năm tù, đâu là thật, đâu là giả?
Cuối năm ngoái, tôi có đi dự một buổi sinh hoạt kỷ niệm, tới nơi, đang khóa xe ở sân thì được nghe câu chuyện giữa hai chị trông xe, chắc là công nhân viên nhà nước ngày chủ nhật đi trông xe kiếm thêm.
Một chị bô bô nói với chị kia:
- Con X... bảo em nó định giới thiệu em vào Đảng. Em bảo nó: xin lỗi chị, khi vào Đảng béo bở các chị chẳng nhớ đến em, bây giờ người ta sắp lôi đảng viên ra hỏi tội, các chị mới bảo em vào, em chả dám.
Chỉ tiếc rằng không có ông Nhuận ở đây mà nghe câu chuyện ấy. Tôi nhớ lời nói báng bổ nhất của tôi hồi ấy chỉ là gọi ông đại tướng Nguyễn Chí Thanh là ông tướng Quảng Lạc. Tất nhiên là tôi không tán thành lời nói ngoa ngoắt của chị trông xe kia. Không ai định lôi đảng viên ra hỏi tội cả, trừ bọn lưu manh côn đồ, bọn mang nặng tư tưởng phục thù, và một số nào đó bọn cơ hội. Tư tưởng cơ hội bị đẩy đến chỗ cùng cực thì không biết thế nào mà lường. Tấm gương cải cách ruộng đất và cách mạng văn hoá Trung quốc còn đó.
Điều tôi không ngờ là cuộc hỏi cung tôi lại kéo rất dài. Tôi khai như thế nào cũng vẫn là chưa rõ, chưa thành khẩn. Người ta đòi hỏi tôi phải khai rõ tất cả những quan hệ của tôi trong mấy năm qua. Tức là trong mấy năm đã gặp những ai, nói chuyện gì (tất nhiên là chỉ những chuyện chính trị), ở đâu, vào ngày tháng nào, phải khai rõ. Người ta muốn rạch hết các đường chỉ quần áo tôi, lộn trái tất cả ra để xem có con rận nào ẩn nấp không. Ba bốn năm trời, tôi gặp gỡ biết bao nhiêu người, nói biết bao nhiêu chuyện. Có những cuộc gặp nhau giữa đường, chuyện trò xong rồi quên đi ngay, chẳng nhớ để bụng làm gì. Nhưng mình ở trong tay người ta, người ta bắt thế thì cũng đành phải cố vắt óc ra mà khai để cho nó xong đi. Khai miệng chán rồi lại viết bản khai. Nhiều khi ngồi cả buổi không viết được chữ nào vì không nhớ ra cái gì để khai cả, người ta lại tưởng là tôi đang đấu tranh tư tưởng nên khai hay nên giấu.
Hãy còn may là tôi không bị bắt phải vẽ sơ đồ tổ chức như một số anh em khác: hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới, ai là thủ lĩnh, ban lãnh đạo gồm những ai, từng cấp do ai phục trách v.v... Có lẽ bắt đến tôi thì người ta đã cảm thấy tất cả những cái đó chỉ là chuyện nhảm nhí. Tuy vậy, tôi vẫn cứ bị coi là chống Đảng có tổ chức, nhưng lại không phải khai về tổ chức.
Có một điều rất khó là những người hỏi cung tôi không chịu đưa ra những chứng cớ cụ thể để buộc tội. Nếu có chứng cớ cụ thể thì tôi còn biết đường mà cãi. Ví dụ, một lần ông Nhiên nói:
- Thằng Đinh Chân có viết một cuốn tiểu thuyết chống Đảng để đưa sang in ở Liên xô, tại sao anh lại giấu giếm cho nó, không chịu khai?
Tôi đáp luôn không chần chừ:
- Nếu Đinh Chân có quan hệ chặt chẽ với Liên xô như thế thì sao anh ta lại phải mò đến nhà tôi mượn những tờ báo Liên xô cũ rích về đọc? Anh ta rất ham đọc sách báo, nhưng là người rất thận trọng dè dặt, tránh đi lại mật thiết với tôi mặc dù tôi là trưởng phòng, trực tiếp phụ trách anh ta. Anh ta thiếu sách báo lắm mới đành đến tôi mượn.
Nghe tôi trả lời, ông Nhiên không gặng hỏi gì thêm nữa. Tôi hiểu ngay ông không có chứng cớ gì mà chỉ bắt nọn tôi. Sau vài ba lần bắt nọn trật chìa như thế, người ta thôi không dùng cách ấy nữa, chỉ một điều: khai chưa hết, còn giấu giếm. Và tôi lại ngồi cắn bút, không phải là một vài ngày, mà mấy tháng trời liền như thế. Khi thấy tôi ngồi mãi không viết được gì thì lại bắt khai lại những điều tôi đã viết ba bốn lần rồi. Chán thì lại khai lý lịch, để rồi độ nửa tháng sau lại khai lý lịch, rồi lại khai lý lịch. Tôi mụ mẫm cả người, đầu nhức như búa bổ, đến nỗi lần khai trước nhớ được tên bố vợ, đến lần sau nghĩ mãi không ra! Lần khác thì quên tên mấy đứa cháu ruột gọi tôi bằng bác, còn ngày sinh tháng đẻ của tôi thì quên tịt hẳn cho đến tận bây giờ, không nhớ chính xác là 26-3 hay 3-3 hay 23-6. Chắc ông Nhuận cho là tôi giở thủ đoạn mụ mẫm, giả vờ quên để che đậy việc tôi giấu giếm tội lỗi. Kệ ông ta, ông ta muốn nghĩ gì thì nghĩ, tôi ớn lắm rồi, không chịu nổi nữa. Tôi đã mất hết tin tưởng, không còn hy vọng cái cuộc này sẽ có ngày kết thúc.
Có một cái tôi tự nhủ phải cố gắng đến cùng là: chuyện gì có mới khai, không bịa ra, cũng như không nhận những chuyện bị gán ép. Còn một cái khác thì nên nhân nhượng, không cãi làm gì, để cho nó xong đi. Tức là ngoài việc bắt tôi cung khai các sự việc ông Nhuận bắt tôi phải phê phán đánh giá, coi đó là những hoạt động phản cách mạng. Tôi nghĩ bụng: được, phê phán thế nào cũng được, chụp cho nó cái mũ gì cũng được, miễn là sự việc chỉ có thế. Sau này nếu có ai nghiên cứu các bản khai của tôi, người ta sẽ chỉ căn cứ vào những sự việc cụ thể, còn mọi sự phê phán đều là vô nghĩa nếu nó không ăn khớp với nội dung sự việc. Tôi ngồi chơi với một anh bạn, nói vụng ông Nguyễn Chí Thanh là ông tướng Quảng Lạc, việc đó gọi là tuyên truyền phản cách mạng thì chỉ làm trò cười.
Đến khoảng tháng 5/1968, các cuộc hỏi cung thưa dần, rồi đến lúc cả tuần, cả nửa tháng không thấy gọi đi nữa. May ra xong rồi chăng? Nhưng sao chẳng thấy kết luận? Bỗng một buổi chiều tháng 6, trời đã xâm xẩm, lão Giave mở cửa xà lim bảo tôi gói ghém quần áo đi theo lão. Ra đến sân ngoài cùng thì thấy một chiếc com măng ca đã chờ sẵn. Niềm hy vọng đã tắt lại le lói trở lại. Nhưng để xem sao đã, chớ vội mừng.
Xe qua cổng, rẽ về phía vườn hoa Cửa Nam. Tôi trố mắt nhìn đường phố. Mới có nửa năm trời mà nhìn các đường phố quen thuộc đã thấy ngỡ ngàng. Phố xá vắng vẻ vì đang thời sơ tán. Một chị phụ nữ dáng gầy gầy đang uể oải đạp xe, một mớ rau muống buộc đằng sau xe. Vợ tôi chắc cũng đang tan tầm, uể oải đạp xe về nhà như chị kia. Chưa chắc. Chồng bị bắt, con cái đi sơ tán, chắc vợ tôi ở lại cơ quan, ăn cơm tập thể.
Xe rẽ vào đường Điện Biên Phủ. Có thể là đưa tôi vào trong thành, theo lối cửa phía Nam, ở đó vài hôm nghe kết luận rồi làm các thủ tục để về? Nhưng qua Bảo Tàng Quân Đội, xe đi thẳng, rẽ vào đường Hoàng Diệu. Hay là vào thành theo lối cửa Bắc? Nhưng tới Phan Đình Phùng, xe rẽ trái về phía Vườn Bách Thảo. Rồi đường Hoàng Hoa Thám, chợ Bưởi, trường Nguyễn ái Quốc, ra đường Sơn Tây, và tăng tốc phóng thẳng. Thế là tôi hiểu.
Đời tôi có hai lần vĩnh biệt Hà Nội. Lần thứ nhất là đầu năm 1947, là phóng viên chiến tranh, sau một tháng lăn lộn với quân dân liên khu I Hà Nội chiến đấu trong vòng vây, tôi một mình bò dọc bãi cát bờ sông rút ra khỏi thành phố bị bao vây, trở về đơn vị. Bò suốt một đêm, tảng sáng tới Quảng Bá, quay lại bâng khuâng nhìn thành phố quê hương còn chìm trong đêm, trong lòng thầm một lời nguyền: mình sẽ trở về. Và tôi đã trở về.
Lần thứ hai là vào cái buổi chiều tháng 6/1968, tôi ra đi trên chiếc xe com măng ca chở tù này. Đi đâu, không rõ. Đi làm gì, không rõ. Có ngày về không, không rõ. Vô định. Một cái vô định to tướng.
Xe đi một mình lầm lũi trong đêm.
- Anh hãy khai thành phần cái chính phủ mà các anh định thành lập gồm những ai?
- Tôi chẳng định thành lập chính phủ nào cả.
- Anh không định nhưng có kẻ định, anh phải biết chứ.
- Tôi không hề biết danh sách chính phủ nào ngoài chính phủ Hồ Chí Minh.
- Anh vận động cho ai lên nắm quyền lãnh đạo đất nước?
- Tôi chẳng vận động cho ai cả, và tôi vận động như thế nào được.
- Nếu anh không vận động thì ít nhất anh cũng phải có ý nghĩ là ai lên lãnh đạo thay anh Duẩn thì tốt hơn chứ. ý nghĩ thôi cũng được, anh cứ khai ra.
à, ý nghĩ thì tôi có. Tôi nghĩ rằng nếu ở một Đại hội nào đó anh Văn được đa số bầu lên làm tổng bí thư thì tốt. Tôi cho là anh Văn làm tổng bí thư thì hay hơn anh Duẩn. Nhưng cái đó là do Đại Hội quyết định.
Đó là ở Bất Bạt, trại giam quân sự Trung ương, nơi tôi được đưa từ Hỏa Lò đến đêm hôm ấy. Tôi lại bị đưa vào xà lim biệt lập, và một tuần lễ không thấy gọi đến mình, tôi cứ tưởng việc khai cung của mình đã xong và bắt đầu thời kỳ nằm chờ.
Nhưng sau tuần lễ ấy, tôi lại bị gọi đi hỏi cung, và bài ca lại tiếp tục. Từ đây, tất cả các cuộc hỏi cung đều do ông Nhuận tiến hành. Vòng vo một số buổi, rồi dần dần lộ rõ ý đồ của ông: đi tìm một âm mưu lật đổ. Rồi dần dần xoáy vào một điểm:
- Trong lần gặp ấy, Hoàng Minh Chính đã chỉ thị cho anh hoạt động những gì ở trong quân đội?
Hoặc rõ hơn:
- Trong lần gặp ấy Hoàng Minh Chính đã truyền đạt cho anh những chỉ thị gì của Liên xô về hoạt động trong quân đội?
Về sau này bình tĩnh nghĩ lại tôi mới hiểu: mấy tháng hỏi cung ở Hỏa Lò mới chỉ là khai vỡ. Sau khi thu thập các lời khai của tôi, đem đối chiếu với lời khai của các anh em khác, nghiên cứu tìm ra chỗ nào là chỗ khả nghi nhất và đồng thời cũng là quan trọng nhất, người ta mới tập trung vào đó đánh một đòn quyết định để từ đó làm cho các vấn đề tung tóe ra.
Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến ngày tôi bị bắt cuối tháng 12/1967 tôi đã gặp anh Hoàng Minh Chính tổng cộng ba lần (nếu không tính một đôi lần trước đó, chúng tôi gặp nhau trong hội nghị triết học, khi ấy chúng tôi chỉ mới biết nhau sơ sơ nên chỉ chào hỏi xã giao)
1. Lần thứ nhất là vào giữa năm 1965, một buổi tối tôi đi dự cuộc họp phụ huynh học sinh trường nhạc, nơi con gái tôi đang học. Đến nơi thì thấy anh Hoàng Minh Chính cũng tới dự và lúc ấy tôi mới biết anh cũng có một đứa con gái học nhạc. Tôi kể rõ như vậy để nói rằng lần ấy chúng tôi gặp nhau là hoàn toàn tình cờ. Trong cuộc họp, Chính ngồi một góc phòng, tôi một góc khác. Họp xong gặp nhau ở chỗ lấy xe đạp, tôi hỏi thăm anh ở phố nào? Phố Lý Thường Kiệt. ồ, tôi ở Bà Triệu, vậy ta về cùng đường. Thế là chúng tôi đạp xe sóng đôi. Thời gian ấy Cách mạng văn hoá Trung quốc đang rầm rộ, cho nên chúng tôi cũng nói chuyện Cách mạng văn hoá Trung quốc. Đến ngã tư Lý Thường Kiệt, chuyện đang sôi nổi, anh Chính đi quá một quãng nữa tới ngã tư Nguyễn Du. Lần đầu tiên chuyện trò với Chính, bắt anh đi thêm nữa e không tiện, mà tôi thì muốn nghe nốt cho nên đã rủ anh ngồi xuống tấm ghế đá bờ hồ Thiền Quang. Đang ngồi thì có một người đến xin lửa châm thuốc lá. Chính nói: Cớm đấy. Tôi đáp: Kệ họ. Nói vậy chứ trong bụng cũng hơi ngại, tôi ngồi nán lại một lát, rồi ra về. Từ đó coi như tôi và anh Hoàng Minh Chính bắt đầu quen nhau.
2. Lần thứ hai là vào khoảng đầu năm 1966: một hôm anh Phùng Văn Mỹ, cán bộ viện triết, đến chơi tôi và bảo:
- Sáng mai, Chính đến chơi nhà mình, Thư đến chơi cho vui. Hôm ấy ba chúng tôi chuyện trò linh tinh mười lăm phút, chuyện gì quả thực tôi cũng không nhớ, chắc là chỉ có nói chuyện thời sự, và chuyện trò trước sự có mặt của vợ con anh Mỹ, vì nhà anh Mỹ chỉ có một buồng.
3. Lần thứ ba là tháng 11 năm 1966, cũng anh Phùng Văn Mỹ đến rủ tôi:
- Sáng mai, Chính tổ chức liên hoan kẹo bánh kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười, có mấy anh em đến dự, Thư cùng đến cho vui. Thú thật là từ ngày ngồi nói chuyện với anh Hoàng Minh Chính ở ghế đá bờ hồ Thiền Quang bị công an đến nhòm mặt, tôi không muốn đi lại dập dìu với anh để tránh những chuyện phức tạp, nhất là sau đó chính bản thân tôi cũng bị bám sát theo dõi. Nhưng từ chối không tiện, tính tôi cả nể, vả lại ngồi nhà một mình mãi cũng buồn, muốn đến chơi gặp anh em cho vui, nên tôi nhận. Hôm ấy hoàn toàn là một buổi liên hoan ăn uống vui vẻ, nói năng xô bồ. Có anh quá chén đã nôn ọe ra nhà và phải nằm lại cho rã rượu. Tôi kể như vậy để nói rằng trong không khí như thế thì không ai lại bàn bạc chuyện lật đổ cả.
Về hai lần gặp gỡ sau giữa tôi và Chính, ông Nhuận không hề gợi đến, thậm chí tôi khai thì ông ta gạt đi:
- Không cần, những đứa khác đã khai rõ cả rồi. Hôm ấy thằng Lộc nôn ọe ra nhà chứ gì? Tôi hỏi anh về cái lần này kia.
Tức là cái lần thứ nhất, lần tôi gặp anh Chính ở cuộc họp trường nhạc. Quả thật, hai lần kia thì có đông người, và nhà Chính chắc có gài máy ghi âm, cho nên ông Nhuận đã có đủ tài liệu để kết luận. Còn lần tôi đi họp về với Chính thì chỉ có hai chúng tôi, hai cái xe đạp và cái ghế đá. Ông Nhuận cho rằng giữa tôi và Chính nhất định phải có cái gì, và cái gì ấy chỉ có thể ở cái cuộc họp ghế đá kia mà thôi. Ông ta nói:
- Các anh là những người có kinh nghiệm hoạt động bí mật, bố trí khéo lắm.
Nghĩa là bố trí gặp nhau nhưng bề ngoài lại có vẻ như tình cờ gặp nhau, rồi lại bàn bạc trong khi đi rong trên đường và ngồi ghế đá, không có một người thứ ba chứng kiến. Rõ ràng là tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của hoạt động bí mật. Chà, giá mà ở gầm hai cái yên xe đạp của chúng tôi và ở tất cả các ghế đá vườn hoa Hà nội đều có gài máy ghi âm thì đỡ cho tôi biết mấy. Ông ta không thể tin được rằng chúng tôi mất công bố trí một cuộc gặp như thế lại chỉ để nói chuyện Cách mạng văn hoá. Ông ta đập bàn:
- Thằng Chính nhận rồi, sao anh không chịu nhận?
- Vậy tôi đề nghị được đối chất với Hoàng Minh Chính.
Tôi thừa hiểu là ông ta bắt nọn và không dám cho chúng tôi đối chất đâu. Và đúng vậy, ông ta đã lờ đi, không trả lời đề nghị của tôi.
Tiện đây cũng xin nói thêm là đối với ông Nhuận, tất cả chúng tôi đều là thằng, thằng Đặng Kim Giang, thằng Hoàng Minh Chính, bất kể tuổi tác như thế nào và dù anh đã từng là một vị tướng trong Bộ Chỉ Huy Chiến Dịch Điện Biên Phủ.
Hỏi cung tôi ông ta còn nể mặt, gọi tôi bằng anh nhưng khi hỏi cung người khác nếu ông có nhắc đến tôi thì chắc chắn tôi cũng chỉ là thằng Trần Thư mà thôi.
- Tất cả những lời anh thóa mạ Đảng, thóa mạ các đồng chí lãnh đạo, tôi không quan tâm. Cả những lời anh chửi Trung quốc cũng vậy. Anh chửi ông Trung quốc thì để ông ấy sẽ trị tội anh. Còn tôi, tôi quan tâm chuyện này cơ. Cho tới nay anh toàn khai những chuyện linh tinh, còn chuyện quan trọng nhất anh lại che giấu, không chịu khai.
- Thật đáng tiếc là chuyện ấy không có. Không có thì khai làm sao được? Giá nó có để tôi khai cho xong đi thì tốt quá!
Rồi một hôm, ông ta nói:
- Anh cứ suy nghĩ cho kỹ đi, tôi đợi. Đợi bao nhiêu lâu cũng được, tùy anh.
Nói xong, ông ta ngả lưng ra ghế, hai tay đặt dài lên bàn, hai chân ruỗi thẳng trong một tư thế ngồi đợi thoải mái.
Và ngay chiều hôm ấy tôi bị chuyển vào giam ở phòng tối.
Phòng tối là một xà lim biệt lập như các xà lim biệt lập khác của trại, chỉ khác là nó kín như bưng. Phòng cũng có một cửa sổ có chấn song sắt, nhưng cánh cửa bằng ván đóng im ỉm suốt ngày đêm. Hơn nữa các khe hở do ván co đều được đóng thêm nẹp gỗ bịt lại cho kín. Chỉ khi nào ngoài trời có nắng thì trong phòng mới sáng mờ mờ do có ánh sáng lọt qua khe khung cửa. Còn sáng dậy đi vệ sinh phải lấy chân dò dẫm để tìm cái thùng để ở góc phòng, không dám sờ soạng bằng tay, sợ vô phúc thọc vào giữa thùng thì khốn, vì thùng không có nắp đậy. Có những buổi râm trời, ăn cơm, và vào mồm mới biết là người ta cho mình ăn gì. Chuột và gián tưởng ngày là đêm, cứ bò đi bò lại thoải mái. Có lần cầm bát cơm đưa lên mồm thì có con gián ở trong bát bay vọt ra.
Phòng xây trên đồi trọc, lại đang giữa mùa tháng tám nắng rám trái bưởi, cho nên từ xế trưa đến tận nửa đêm, trong phòng nóng om ngột ngạt. Không tài nào ngủ được, thậm chí không nằm được, vì ván giường nóng hổi tưởng chừng như đổ nước vào thì sẽ bốc khói. Tôi cứ cởi truồng ngồi quạt cho đến mấy giờ không rõ, chỉ biết là rất khuya. Rồi quạt mãi cũng chỉ là khua lên một bầu không khí ngột ngạt nồng nặc mùi nước tiểu bốc ra từ thùng vệ sinh bị hâm nóng.
Và tôi đã nghĩ ra một kế: nửa đêm ngồi bên cửa sổ, lấy móng tay cào sồn sột vào chấn song gây tiếng động như cưa chấn song. Quả nhiên người lính gác đi qua, nghe thấy tiếng động, sinh nghi, mở cửa sổ chiếu đèn pin vào kiểm soát. Tranh thủ khoảng khắc quý giá đó, tôi quạt thốc quạt tháo lùa khí mát bên ngoài vào phòng. Tỉnh người. Tôi làm như thế được hai đêm. Đêm thứ nhất, anh lính gác hiểu ý để cửa mở vài phút cho tôi quạt. Đêm thứ hai, một anh lính gác khác mở ra rồi đóng sập vào ngay. Có thể là anh ta ác, nhưng cũng có thể chỉ là vì cửa mở ra thì một luồng không khí hôi thối ở trong phòng ùa ra theo phả vào mặt anh ta, anh ta không chịu nổi. Từ sau đó, tôi cào mấy họ cũng mặc.
Lại phải nghĩ kế khác. Dưới gậm giường có một hố tránh bom. Nửa đêm tôi chui xuống, đấm bình bịch vào thành hố làm như đào ngạch. Lần này anh lính gác buộc phải mở cửa nhìn vào, và soi đèn pin một lúc mới phát hiện được ra tôi ở dưới hố. Anh ta hỏi tôi xuống đấy làm gì. Tôi đáp: nóng quá, chui xuống cho mát. Ngần ấy thời gian là đủ cho tôi rồi. Đêm hôm sau không dám làm nữa, vì chợt nghĩ ra dưới hố có thể có rắn rết. Một lần ở phòng giam cũ của tôi đã có một con rết to bằng ngón tay cái, dài đến hai gang tay, chui ra từ cái hố gầm giường cũng như cái hố này, bò lên tường ngoằn ngoèo như con rắn, tôi đã lấy dép cao su đập chết và anh lính gác đã xách về ngâm rượu.
Cuối cùng, chẳng còn cách nào khác là nằm xấp xuống đất, ghé mũi vào chân cửa ra vào, vừa là để hít lấy chút không khí trong lành bên ngoài, vừa là hưởng cái hơi mát của đất.
Quá nửa đêm, trong phòng dịu bớt, đã có thể nằm được thì bắt đầu cuộc chiến đấu với muỗi. Muỗi lao xuống đậu phịch lên cái thân thể trần truồng của tôi, đậu đâu biết đấy. Chỉ còn có việc nhẹ nhàng đưa tay tới gần, rồi đập mạnh. Bách phát bách trúng. Diệt được khoảng dăm sáu chục con như thế thì ngủ thiếp đi, làm mồi cho muỗi đến sáng. Và buổi sáng lại nằm lơ mơ ngủ tiếp cái giấc ngủ không đã của ban đêm, hoặc nằm vắt tay lên trán nghĩ, nghĩ, nghĩ về cái thân tội thân nợ của mình.
Và cứ thế, vài ba ngày một lần ông Nhuận lại cho gọi tôi lên hỏi cung. Bước qua cửa phòng giam, đứng lại một tí cho hết lóa mắt, tôi bước theo viên quản giáo qua ba bốn lần cửa của khu giam biệt lập đi một quãng xa sang đồi bên là nơi hỏi cung. Đó là những giây phút sung sướng hiếm hoi của tôi. Trong khoảnh khắc tôi được sống lại cuộc sống người: ngẩng đầu lên là trời, chân đạp xuống là đất, nhìn quanh xa xa là người. Không phải những con người đang thực thi chuyên chính vô sản mà những con người bình thường đang bận rộn những công việc bình thường của một cuộc sống bình thường, cuộc sống mà tôi đã mất. Chà, sao mà tôi thèm người thế, người nói chung chứ không phải đàn bà. Bao lâu nay tôi sống như một con chó sói cô độc nằm một mình trong hang nhớ cuộc sống bầy đàn. Tôi bước đi tung tăng. Niềm vui đơn sơ. Và niềm vui ngắn ngủi.
Chỉ vài phút sau, trước mắt tôi đã là cái bàn, mấy tờ giấy trắng, cái bút, và đối diện là ông Nhuận với câu hỏi búa bổ kia. Hai bàn tay tôi đặt lên bàn, da nom trắng nõn như trứng gà bóc, nổi rõ từng đường gân xanh đỏ. Và vài ba giờ sau người ta lại dẫn tôi trả về phòng tối. Tôi lại đi ngược trở lại quãng đường tôi đã đi lúc sáng. Vẫn cảnh ấy, trời mây, cây cỏ, và người. Nhưng nguồn cảm hứng lúc sáng đã tắt ngấm. Tôi bước đi, trong lòng nửa muốn sống để về với vợ con, nửa muốn chết cho xong nợ đời.
Ông Nhuận bảo ông ta đợi bao lâu cũng được. Ông ta đợi thì thoải mái quá: ngồi mát đọc tài liệu, rỗi rãi thì đi bắn chim, chủ nhật nhảy xe com măng ca về Hà Nội với vợ con. Còn tôi thì nằm đếm từng ngày từng giờ trong cái phòng tối này.
Tường của phòng tối là tường cách âm, vẩy lổn nhổn những cục xi măng vữa. ánh sáng lọt qua khe cửa phản chiếu lên tường làm nổi lên những hình thù kỳ quái: hai cái vú đàn bà thỗn thện, một kỵ sĩ không đầu cầm đao, cưỡi con ngựa chỉ có hai chân sau, một bộ mặt nhăn nhó rất khó coi... Tôi nằm lơ mơ trong cái không khí nửa thật nửa ảo ấy. Còn tôi, cái gì là ảo, cái gì là thật? Những mảnh đời quá khứ của tôi là ảo, lúc hiện ra, lúc tan đi. Vợ con tôi là ảo, những trận chiến đấu, sông Luộc, Đường Số 5 là ảo. Cái có thực là cái thân tàn ma dại của tôi nằm đây. Chín tháng rồi còn gì! Chín tháng xà lim, chín tháng hỏi cung, chín tháng cơm tù (mà lại là cơm tù thời chiến), và bây giờ, cái phòng tối này. Tôi sờ nắn thân thể gày gò của mình, thử đánh giá xem trên con đường lịch sử tiến hóa nhân loại, từ vượn đến người, từ Homo Sapiens đến con người hiện đại, cái tòa thiên nhiên.
Tôi đang đứng ở quãng nào.
Sờ cẳng: hai ống tre. Sờ ngực: cái thùng bẹp toàn những đai. Sờ bụng: lép kẹp. Sờ chim: rũ rù rù, như cờ rũ, không làm thế nào cho nó hăng hái lên được, nó không còn một tí tinh thần cách mạng tiến công nào.
Ông Nhuận thách thi gan với tôi, nhưng cuộc thi quả thật là không công bằng.
Hồi ở nhà tù Hỏa Lò, tôi đã nghe thấy từ một xà lim ở cuối dãy một cuộc đối thoại như thế này giữa một người tù ở trong xà lim nói ra và một nữ quản giáo ở bên ngoài nói vào.
Tiếng đàn ông rên rĩ:
- Con lạy bà, xin bà tháo cùm cho con. Mấy tháng trời rồi! Chân con toét hết.
Tiếng đàn bà đáp dấm dằn:
- Tháo cùm cho anh để đút chân tôi vào à? Ai bảo có tội không chịu khai?
Lại tiếng rền rĩ:
- Bẩm bà, con không có tội, biết khai thế nào?
Câu chuyện tội tình kia thực hư thế nào, tôi không biết. Chỉ biết rằng như vậy là người ta có thể cùm một người trong xà lim mấy tháng trời vì cho là anh ta có tội mà không chịu nhận. Nhưng nếu có chứng cứ rành rành thì anh tù kia chối làm sao được? Và dù cho anh ta không nhận thì tòa vẫn có thể xử và kết án được kia mà. Vậy là không có chứng cứ. Hệt như trường hợp của tôi. Đối với tôi người ta chỉ mới sử dụng đến cái phòng tối này. Nếu cái phòng tối này cũng không xong thì sẽ có cái gì nữa?
Tôi không hề lên gân, chỉ tự nhủ phải cố gắng giữ mình lương thiện, không được tố điêu. Nhưng xem ra thì giữ được mình lương thiện cũng không phải chuyện đơn giản. Rồi một ý nghĩ thỉnh thoảng lại thoáng hiện, xua không đi, như một ám ảnh: nếu phải nhận mới xong được thì sao không nhận quách đi cho nó xong, kéo dài mãi như thế này để mình phát điên hay sao? Dẫu sao mình cũng không chịu trách nhiệm, mình bị ép buộc. Mà đằng nào thì cũng ngồi tù. Câu Khai xong thì sẽ được về bây giờ thì đã quá rõ chỉ là một biện pháp nghiệp vụ lừa mình để mình khai ra mà thôi. Nhưng nhận thì nhận cái gì bây giờ? Đâu phải chỉ là nói: vâng, tôi có tội. Phải dựng đứng lên cả một câu chuyện có đầu có đuôi, nghe hợp lý và thỏa mãn được điều mà người ta đòi hỏi ở tôi. Câu chuyện mà lủng củng thì người ta càng truy ác liệt hơn, càng chết. Từ thuở tôi còn bé, ông cụ tôi vẫn bảo là tôi không biết nói dối, nói dối nó cứ lò ra mặt. Thật là lương thiện cũng khó, mà bất lương cũng chẳng dễ gì hơn.
Tôi do dự mãi. Bây giờ nhắc lại chuyện này, tôi vô tình nghĩ đến câu của ông Giáp trả lời phỏng vấn về chuyện kéo pháo ra ở Điện Biên Phủ: De ma vie, c est de décision des plus difficiles. Câu ấy ghép vào tôi sao nó vừa hợp vừa nghịch cảnh đến thế.
Rồi một hôm, đến lần hỏi cung thứ một trăm bao nhiêu đó, đáp lại câu vào đầu thường lệ của ông Nhuận: Nghĩ kỹ chưa? Có chịu khai không? tôi ngậm ngùi đáp.
- Tôi xin khai.
Ông Nhuận giật mình, lật đật mở sổ tay, vớ vội cái bút, nom hồi hộp ra mặt. Rõ ràng là ông ta mừng đến phát cuống lên: ép bao nhiêu lâu, bây giờ mới làm phọt được ruột gan tôi ra.
- Khai đi!
Tôi nói chậm rãi, dứt từng đoạn một:
- Trong lần ấy Hoàng Minh Chính bảo tôi gặp sư trưởng X... dặn anh ta cố gắng nắm lấy một trung đoàn trưởng và vài ba cán bộ tiểu đoàn, nên có cán bộ xe tăng...
Nói đến đây họng tôi tắc lại. Tôi dừng lại một lúc nghỉ. Ông Nhuận ghi chép lia lịa. Tôi nói tiếp:
- ... và chuẩn bị sẵn sàng... để khi cần...
Tôi chịu không nổi nữa, nước mắt tự nó trào ra ràn rụa. Tôi cảm thấy nhục, ngồi im một lát, mặt cúi gằm. Rồi ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt ông Nhuận, tuyệt vọng nói:
- Không phải đâu anh Nhuận ạ, tất cả là tôi bịa.
Rồi gục xuống bàn khóc những giọt nước mắt cay đắng nhất của đời tôi.
Một lúc sau tôi nghe thấy ông Nhuận cáu kỉnh bảo anh thư ký:
- Gọi quản giáo bảo đưa anh ta về!
Về tới phòng tối, tôi nằm vật xuống giường, mệt lử.
Hai hôm sau, cánh cửa phòng tối từ từ mở. Quản giáo hất hàm lệnh cho tôi đi ra, mang theo quần áo.
- Đi đâu? Người ta định làm gì tôi? ở trại Bất Bạt này, còn nơi giam nào khổ ải hơn cái phòng tối này nữa hay sao?
Quản giáo dẫn tôi đi loanh quanh qua mấy lần cửa, đưa tôi trở về xà lim cũ có ánh sáng, có cửa sổ gió mát, nơi tôi bị giam trước khi bị đưa vào phòng tối.
Tôi đã liều, không ngờ lại thoát được bế tắc một cách dễ dàng thế. Suy đi tính lại mãi tôi đã chọn phương án: tố đại lên, tố những chuyện động trời, đặt ông Nhuận trước bờ vực của một vụ Hát xăng vanh đơ mới thì may ra mới làm cho ông ta chùn tay được. Còn nếu ông ta không chùn tay mà cứ làm tới thì sao? Thì một liều ba bảy cũng liều.
Ông Nhuận đã chùn tay. Xin đừng hiểu là trong cuộc đấu trí cuối cùng với ông Nhuận, tôi đã chuyển bại thành thắng. Không có đấu trí nào cả. Tôi chẳng qua chỉ là chó cùng dứt dậu. Trước kết cục ấy lẽ ra tôi phải phấn khởi lắm, nhưng tôi dửng dưng. Trong tôi có một cái gì như đã đứt.
Tôi muốn nói thêm rằng tôi không hề thù oán ông Nhuận. Ông ta chỉ là chiếc đinh vít của cỗ máy nghiền... Tôi chỉ thấy ngán ông ta thôi, ngán đến tận cổ. Tôi cũng mong cho ông ta sẽ không bao giờ phải lâm vào cảnh như tôi.
Đang viết dở đến đây thì tôi nhận được bản sao một bức thư như sau, xin ghi nguyên văn để bạn đọc xem:
Nguyễn Trung Thành
Hà Nội, ngày 3 tháng 2 năm 1995
Kính gửi:
- Đồng chí Tổng Bí Thư.
- Các đồng chí trong Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư.
- Các cố vấn Ban Chấp Hành Trung ương,
- Các đồng chí trong Ban Kiểm Tra Trung ương.
- Các đồng chí Trưởng Ban Tổ Chức Trung ương
- Ban Nội Chính Tư, Ban Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ.
- Các đồng chí Viện Trưởng Viện Kiểm Soát Tối Cao, Chánh án Tòa án Tối Cao.
Đề nghị: Cứu 32 đảng viên bị xử trí oan khuất gần 30 năm nay trong cái gọi là Vụ án Tổ chức chống Đảng, chống Nhà Nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài.
1. Tôi, Nguyễn Trung Thành, nguyên là cán bộ thuộc Ban Tổ Chức Trung ương (1951-1988) nguyên là Vụ Trưởng Vụ Bảo Vệ Đảng (1962-1988), nguyên là ủy viên thường trực Tiểu Ban Bảo Vệ Trung ương (1977-1979) và chuyên viên giúp Ban Tổ Chức Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nay đã về hưu, được xếp chuyên viên 9.
Tôi đã có tham gia các công tác sau đây:
_ Giúp phát hiện và sửa chữa những sai lầm trong chỉnh đốn tổ chức, cải cách ruộng đất đợt 4 và đợt 5 (1955-1956).
_ Giúp Trung ương xem xét về mặt chính trị của cán bộ dự kiến bầu vào trung ương ở các kỳ Đại Hội III, IV, V, VI và kiện toàn bộ máy các cơ quan Nhà Nước.
_ Giúp thẩm tra 10 cán bộ cấp cao có nghi vấn về chính trị.
_ Góp phần và trực tiếp phát hiện và giải quyết một số vụ án sai, bắt oan nhiều cán bộ, Đảng viên vô tội.
2. Từ năm 1963, tôi được phân công giúp việc cho Ban Bí Thư, Ban Tổ Chức Trung ương, theo dõi và làm một phần trong vụ án nói trên trong nhiều năm với sự phối hợp của các đồng chí: Trần Hữu Đắc (Uỷ Ban Kiểm Tra Trung ương, Trần Quyết, Cục Trưởng, Hoàng Thao, Phó Cục Trưởng và các cán bộ thuộc Bộ Công An nay là Bộ Nội Vụ, Kinh Chi, Cục Trưởng (Tổng Cục Chính Trị).
Trong hàng chục năm trước đây, do chỗ chỉ được biết từng bộ phận riêng lẻ của tài liệu, nên tôi vẫn tin rằng các kết luận của Bộ Chính Trị và của Trung ương đối với vụ án là đúng đắn và chính xác.
3. Gần đây do có nhiều đơn khiếu nại liên tục của những người bị xử trí và thân nhân trong vụ án, do có thư đề nghị của nhiều cán bộ đảng viên, và theo chỉ thị của trên, đồng chí Nguyễn Đình Hương, Trưởng Ban Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ có giao cho tôi nắm lại toàn bộ vụ án để báo cáo với Ban Bí Thư Trung ương . Trong hơn một năm qua, tôi có điều kiện và đầy đủ thời gian nghiên cứu lại toàn bộ các hồ sơ tài liệu của vụ án, đi sâu phân tích các tài liệu, so sánh đối chiếu các tài liệu điều tra, các lời khai cung, các biên bản những cuộc họp của Ban Chỉ Đạo vụ án, các đơn khiếu nại trước và nay v.v...
4. Qua nghiên cứu lại một cách tỉ mỉ, nghiêm túc và thận trọng, tôi nhận thấy một cách có căn cứ rằng Bộ Chính Trị và Trung ương Đảng trước đây khi kết luận về vụ án đã tin vào những báo cáo của Ban Chỉ Đạo vụ án. Những báo cáo đó đã không dựa vững chắc trên những cơ sở khách quan có thực, mà chỉ dựa vào một số lời khai (bản thân những lời khai này có nhiều mâu thuẫn giữa người này với người khác, và giữa lời khai trước và sau của cùng một người) mà không được xác minh cẩn thận. Hơn nữa lời khai của các can phạm khi đang bị công an bắt giữ không có giá trị pháp lý đích thực. Ngay lúc công bố kỷ luật có người đã chối, không công nhận kết luận. Sau này hầu hết bọn họ và thân nhân đều khiếu oan. Do báo cáo của ban chỉ đạo thiếu những cơ sở chứng cứ, nên các kết luận của Bộ Chính Trị và của Trung ương đều thiếu căn cứ xác thực.
5. Từ việc phân tích, đối chiếu các tài liệu điều tra và các bản khai cung, rõ ràng không thể quy cho những người bị bắt về những tội chống Đảng, chống Nhà Nước, có tổ chức, có cương lĩnh, cung cấp tình báo cho nước ngoài v.v... Nhiều đồng chí bị bắt đã phạm một số sai lầm so với những quy định trong Điều Lệ Đảng, nhưng họ không phạm tội so với những điều khoản pháp luật.
Trong những người bị xử trí, phần lớn là cán bộ cao cấp, trung cấp (bốn ủy viên trung ương, một thiếu tướng thứ trưởng, bốn vụ trưởng, ba đại tá). Một số là cán bộ hoạt động trước Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, đã bị thực dân Pháp bắt và cầm tù nhiều năm.
6. Với sự thôi thúc của lương tâm hàng ngày hàng giờ bị cắn rứt, tôi cho rằng vấn đề cấp bách hàng đầu hiện nay là phải khẩn thiết giải oan cho những đồng chí đã bị bắt và bị xử trí oan.
Điều đó chỉ có lợi cho uy tín của Đảng, cho sự đoàn kết trong và ngoài Đảng, cho sự ổn định chính trị hiện nay. Đảng ta chính đại quang minh đã từng thừa nhận khuyết điểm trước toàn dân, đã sửa chữa nhiều vụ án bắt oan sai và qua đó đã vững mạnh lên.
7. Các vấn đề cấp bách thuộc quyền lợi cần giải quyết ngay cho số đồng chí bị bắt và xử trí oan là:
- Xếp một mức lương thỏa đáng với từng trường hợp làm căn cứ định lương hưu, và được truy lĩnh từ tháng 1 năm 1994.
- Với những người đã tham gia cách mạng trước tháng 12/1944, được hưởng chế độ ưu đãi, thâm niên hiện hành, thâm niên quân đội.
- Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể cấp một khoản trợ cấp đền bù.
- Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể hoặc cấp nhà, hoặc bổ sung diện tích, hoặc giúp cơi nới cải tạo nơi ở.
- Được hưởng chế độ khen thưởng tương ứng.
- Hòa nhập vào sinh hoạt các Hội, Đoàn tương ứng (nhà tù, hưu trí, câu lạc bộ, hội cựu chiến binh v.v...)
8. Để xác định lại những nhận xét trên đây của tôi, và cũng để thẩm tra lại toàn bộ công việc điều tra và xử lý vụ án trước đây, tôi đề nghị với Bộ Chính Trị cho lập ra một ban thẩm tra vụ án nói trên qua đó rút ra những bài học cho Đảng ta sau này. Tôi xin sẵn sàng phục vụ vô điều kiện. Với lòng trung thực, với ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ Đảng và bảo vệ sinh mệnh chính trị của đảng viên, tôi tha thiết kính mong Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư có những quyết định dứt khoát để sớm cứu các đồng chí bị xử trí oan trước lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Bác Hồ và 50 năm Cách Mạng Tháng Tám.
Kính.
Nguyễn Trung Thành
Nơi ở: 10C Dốc Ngọc Hà - Phòng 201 - 202
Điện thoại: 258261/3746
Tiếp theo, tôi xin trích một đoạn trong một bức thư của tôi gửi cách đây 7 năm:
Trần Thư
Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 1988
Kính gửi:
Anh Trần Công Mân, Tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân.
Hồi trong năm anh có cử anh Toại đến gặp tôi để truyền đạt ý kiến của anh Nguyễn Quyết bảo làm đơn trình bày lên Tổng Cục Chính Trị trường hợp của tôi. Từ bấy đến nay tôi cứ lần lữa mãi, không quả quyết viết. Không phải vì tôi không có thời gian. Cũng không phải tôi không hiểu thiện ý của các anh. Tôi phân vân không muốn viết vì những lý do sau đây:
1. Ngồi tù thì đằng nào tôi cũng ngồi rồi, chuyện ấy đã qua và bây giờ không cái gì có thể bù đắp lại được cho tôi 20 năm đã bị mất đi cùng với tất cả những điêu đứng mà tôi và gia đình tôi đã phải chịu đựng.
2. Danh dự tôi đã được phục hồi rồi. Bất kỳ ai được biết trường hợp của tôi đều cho là tôi bị oan và đều chê trách Đảng ta tại sao không dám sửa sai. Vậy là tuy Đảng chưa phục hồi cho tôi nhưng nhân dân đã làm cái việc đó thay cho Đảng. Tôi thấy đối với tôi như thế là đủ. Tôi làm theo lời Đảng, lấy dân làm gốc.
3. Cuộc sống của tôi và gia đình tôi qua bao nhiêu đảo điên nay đã ổn định, kiếm đủ ăn. Con cái tôi bị phân biệt đối xử, không ngóc đầu lên được, đến nay cũng đã có công ăn việc làm tử tế, chẳng là sự nghiệp gì quan trọng thì cũng là sự nghiệp của người lao động bình thường.
4. Tôi không có tham vọng cá nhân nào, không nghĩ đến việc trở lại công tác vì đã quá tuổi làm việc, và cũng không nghĩ đến chuyện trở lại Đảng. Như vậy là việc của tôi, tôi cho là đã xong, hà tất phải đơn từ làm gì. Chỉ còn lại việc của Đảng: việc có một thời gian Đảng ta đi theo chủ nghĩa Mao, chống lại Liên xô, khủng bố, bắt bớ một số cán bộ, đảng viên của mình, là một vết đen trong lịch sử của Đảng. Sớm muộn lịch sử cũng sẽ đem chuyện ấy ra phán xét. Đó là điều không có chút gì nghi ngờ cả. Hiện nay, các điều kiện để phân tích đúng sai đã quá đầy đủ. Nếu thế hệ các anh lãnh đạo hiện nay (là những nhà lão thành cách mạng) không làm nổi việc đó mà phải để cho các thế hệ con cháu giải quyết thì tôi cho là một điều đáng để các anh suy nghĩ...
Như vậy là tôi vẫn nghĩ rằng sớm muộn vụ án này sẽ được đưa ra phán xét. Và đến bây giờ mới đưa ra cũng là quá muộn. Cho nên tôi không ngạc nhiên khi đọc lá thư của ông Thành. Nhưng tôi lại bị bất ngờ về một mặt khác. Tôi thực không ngờ rằng người đặt vấn đề này ra lại là ông Thành, chính ông Nguyễn Trung Thành. Và càng nghĩ tôi càng thấy việc làm đó đòi hỏi ở ông Thành một lòng dũng cảm như thế nào. Trước nhất là dũng cảm vượt qua chính bản thân mình. Tôi hiểu chuyện đó rất không đơn giản. Sau đó mới đến chuyện dũng cảm chấp nhận trả giá, nếu công cuộc không thành. Là một cán bộ an ninh lão luyện, ông thừa hiểu cái giá ấy thường không rẻ.
Có anh em hỏi tôi: động cơ thực của ông Thành là gì? Tôi rất kỵ cái thói quen của một số người là thích truy động cơ. Tôi đã trả lời: chịu, nó ở trong bụng ông ta, tôi làm sao biết được? Dù động cơ của ông ta là thế nào tôi cũng mặc, chỉ cần biết về khách quan việc làm của ông ta là hợp đạo lý. Nhưng tôi cũng thử suy luận: ông Thành đã qua ngưỡng thất thập cổ lai hy, gần đất xa trời rồi, đã hết cái tuổi đua chen. Vả lại ông ta còn thiếu cái gì nữa mà phải đua chen? Và ở cái tuổi rất kỵ phiêu lưu ấy, nếu còn máu đua chen thì người ta chọn những lĩnh vực ngon ăn hơn, không dại gì mà lao vào cái trận đồ bát quái đầy bất trắc này. Dễ làm khó bỏ, đó là tuổi già. Vậy nếu đã chọn tảng đá mà húc thì ắt phải có những thôi thúc nào cao hơn những tính toán nhỏ nhen.
Còn cách đặt vấn đề của ông, tôi cho là đúng: tách riêng hai vấn đề đối với Nhà Nước và đối với Đảng.
Đối với Nhà Nước, không có bằng chứng xác thực nào để buộc tội những anh em này là phạm pháp, vậy họ là những người vô tội về mặt pháp luật và bắt bớ họ là sai. Và sai thì tất nhiên cứ theo pháp luật Nhà Nước mà sửa sai và đền bù.
Đối với Đảng, một số anh em có phạm một số sai lầm so với những quy định trong điều lệ Đảng thì cứ chiếu theo điều lệ Đảng mà xem xét kỷ luật.
Thế là sòng phẳng.
Ông Thành không nhắc gì đến chuyện quan điểm đúng sai, chuyện chủ nghĩa, và tôi cho thế là phải. Chuyện ấy phải để lịch sử phán xét. Lịch sử đã, đang và còn sẽ phán xét mọi thứ chủ nghĩa một cách công minh và nghiêm khắc, bất chấp mọi cuộc tranh luận. Bản thân chủ nghĩa Mác đang bị lịch sử đặt thành vấn đề thì xét lại hay giáo điều còn có nghĩa gì?
Kết Thúc (END) |
|
|