Con Trai Là Câu Đố Đối Với Con Gái Một đám nữ sinh đang chơi bóng rổ, bóng đến đâu là các bạn xô đến đấy và kêu ré lên. Một đám bạn trai đang đá bóng, bên trái bên phải dắt bóng, bấm bóng, móc ngược bóng… Kỳ lạ thật, không hiểu sao bóng đá có sức hấp dẫn đến thế đối với họ. Đối với bạn trai, thi đấu bóng là một cuộc đua tài, còn đối với nữ sinh, nhiều bạn cho đó là cuộc chơi.
Sau tiết thứ hai hàng tuần, trường trung học Số Chín đều có thi đấu bóng đủ loại. Chiều hôm ấy đến lượt khối lớp Mười. Bạn nào không tham gia thi đấu đều ngồi trên khán đài.
Trái bóng rổ của các bạn gái từ sân bóng lăn sang sân bóng đá, Lưu Hạ chạy sang kêu:
_ Này các bạn ơi, nhặt giúp hộ bóng với!
Vương Tiếu Thiên vội đá quả bóng tới chân vào cầu môn, rồi nhặt trái bóng rổ đưa sang sân bên ấy:
_ Hạ ơi, bóng của cậu đây!
Khi trở lại sân bóng đá, đồng đội dồn cho cậu một trận:
_ Cậu giỏi lắm, giỏi thật!
_ Tớ, tớ nhặt giúp họ bóng, trước khi chạy sang bên ấy, tớ chẳng sút một quả là gì?
_ Phải, cậu sút, sút rất chuẩn, nhưng là sút vào lưới đội nhà!
_ Trời! Thật thế sao?
_ Chẳng sao, mới là trăng thôi!
Tiêu Dao cười:
_ Vì Lưu Hạ mà bay cả hồn vía. Nếu là hồi chiến tranh chống Nhật, không chừng cậu trở thành kẻ bán nước từ khuya rồi cũng nên.
Dư Phát bồi thêm:
_ Lập trường chẳng vững vàng tẹo nào! Chỉ vì một cô tiểu thư mà bỏ mặc không thèm đếm xỉa đến anh em!
_ Thì tình ái trên hết mà! - Một bạn khác đế.
_ Không phải, gọi là trọng sắc khinh bạn mới đúng! – Dư Phát bẻ lại.
_ Các cậu đừng có vội lên mặt, nếu các cậu thấy bạn gái như tớ, các cậu lại chẳng chạy nhanh hơn ấy chứ! - Tiếu Thiên vừa cười vừa nói, song lòng tự hỏi lòng con trai làm sao lại để cho lady khống chế?
Đột nhiên, Tiếu Thiên hỏi:
_ Các cậu thử nói xem, nếu bọn mình chơi bóng rổ với đội nữ, ai sẽ thắng nhỉ?
_ Còn phải hỏi, đương nhiên bọn này thắng rồi!
_ Lầm, lầm to! Cậu dám tranh bóng với các nàng à? Chắc chả dám, mà đã không dám thì phải thua thôi!
_ Đấy chỉ là luận điểm sai lầm của cậu!
_ Đấy đâu phải luận điểm sai lầm? Có căn cứ khoa học hẳn hoi. Khác giới thì hút nhau mà! Nước Mỹ đã lợi dụng tâm lý này, công việc nào cũng có nam có nữ, dùng cách ấy để nâng cao hiệu suất.
_ Được, thế thì đá!
_ Cậu không tin, lát nữa đá với bọn lớp 3, gọi bọn con gái lớp mình làm cổ động viên, tớ đảm bảo bọn mình thắng.
Trên ghế khán đài chỉ có Lâm Hiểu Húc và Liễu Thanh của lớp 4. Lâm Hiểu Húc mặt mũi ỉu xìu vì bài kiểm tra Hóa hôm nay làm không tốt, còn Liễu Thanh thì luôn mồm nhai kẹo thơm. Lát sau, bọn Hân Nhiên, Lưu Hạ cũng trở lại khán đài. Hân Nhiên hỏi Lâm Hiểu Húc tại sao mà ỉu xìu, Lưu Hạ liền nói:
_ Hẳn là ngọc thể bất an. Lúc chụp ảnh trên núi Ngô Đồng hôm ấy, cậu ta đã ươn mình rồi mà!
Lâm Hiểu Húc không nói gì, thầm nói:
_ Lưu Hạ, cậu chẳng hiểu cái khỉ khô gì vì sao hôm ấy mình không vui.
_ Mình viết một chữ cho cậu đoán nhé! – Lưu Hạ vừa nói vừa dùng ngón tay viết chữ trên lưng Hiểu Húc.
_ Chữ bóng! - Hiểu Húc đáp.
_ Đúng rồi, giỏi thật! Một chữ nữa nhé!
_ Mẹ! - Hiểu Húc nói.
_ Ôi, con gái ngoan quá! – Lưu Hạ vừa nói vừa cười thoải mái.
Lâm Hiểu Húc đột nhiên hiểu ra, đỏ mặt nói:
_ Đồ chết giẫm, chết giẫm!
Rồi quay sang túm Lưu Hạ. Lưu Hạ vừa bỏ chạy vừa cười khanh khách. Chợt Hiểu Húc nghĩ ra điều gì đó, không đuổi theo nữa, chỉ cười nhạt:
_ Ừ, đằng ấy là mẹ thì cha tớ đâu?
Câu này khiến Lưu Hạ đỏ mặt, kêu ré lên:
_ Đồ mất dạy!
Liễu Thanh đeo dây chuyền vàng mà chưa ai phát hiện ra. Bạn bèn cố ý lật ra ngoài áo, tính nhẩm xem nên khoe khoang bữa cơm và chiếc bút vàng như thế nào? Lưu Hạ nhìn thấy cười khinh thường, cố ý trêu:
_ Liễu Thanh, dây chuyền của bạn đẹp lắm, vớ được ở mẹt hàng nào đấy!
_ Cút cậu đi, vàng mười của người ta, 24K đấy. Chị hai mình từ nước ngoài về cho đấy - Liễu Thanh chỉ muốn ngay lập tức xổ chuyện của mình ra.
Hân Nhiên mỉm cười:
_ Xã hội chủ nghĩa vừa lơi tay, chủ nghĩa tư bản tấn công ngay. Bài học lịch sử đấy!
Lúc này Vương Tiếu Thiên chạy đến:
_ Hân Nhiên, Hiểu Húc này, lát nữa bọn mình đấu với bọn lớp 3, các bạn làm cổ động viên cho đội nhà nhé!
_ Nói với bọn mình làm gì, bảo Lưu Hạ thôi có phải đủ rồi không! - Lần này Hiểu Húc chộp được cơ hội báo thù Lưu Hạ.
_ Hiểu Húc, cậu chỉ được cái… - Lưu Hạ đỏ mặt, Vương Tiếu Thiên cũng ngượng ngịu chạy đi.
Có các bạn nữ làm cổ động viên đúng là có khác, Tiếu Thiên nói quả không sai. Các bạn nam đá rất hăng, mồ hôi ướt đầm. Được “yểu điệu thục nữ” trợ oai, cảm giác mới tuyệt đối. Đối với tuổi thiếu niên mà nói, vung vãi sức sống cũng là một cách hưởng thụ.
Hân Nhiên không một phút rời mắt khỏi Tiêu Dao, chẳng khác gì ánh đèn chiếu đuổi theo trên sàn diễn. Từ khi thất bại trong cuộc thi kiến thức, Tiêu Dao ít nói hẳn. Bạn không vui, Hân Nhiên cũng không vui.
_ Các cậu nói thử coi, bạn nam nào trong lớp ta xuất sắc nhất? Theo các cậu thì bạn nam như thế nào là xuất sắc nhất? – Lưu Hạ đột nhiên nêu câu hỏi.
_ Mình chẳng biết bạn nam nào giỏi nhất, nhưng mình biết Lưu Hạ cho Tiếu Thiên là cừ nhất! - Hiểu Húc không lúc nào quên báo thù.
_ Hiểu Húc, mình đùa cậu có một lần, cậu chọc mình đến hai lần rồi. Thôi xí xóa, từ giờ cậu còn xỏ xiên mình thì mình không khách sáo với cậu nữa đâu! – Nói dứt câu, Lưu Hạ liền cù Lâm Hiểu Húc. Bạn này sợ nhất cù nhột, vội vàng van xin:
_ Thôi, mình xin chừa rồi!
Lưu Hạ buông tay, hỏi Hân Nhiên:
_ Cậu cảm thấy thế nào?
Hân Nhiên toan nói rồi lại không dám nói, nói ra sợ các bạn đoán được nên lời vừa ra tới miệng đã vội nuốt xuống ngay. Bạn chỉ cười:
_ Câu hỏi của cậu sao mà giống lời thì thầm trong nhật ký các thiếu nữ thế nhỉ?
Lưu Hạ lại gọi:
_ Liễu Thanh, cậu thấy thế nào?
Liễu Thanh thấy Hân Nhiên, Hiểu Húc đều không nói thì cũng không tiện nói, chỉ lắc đầu.
_ Dối trá, toàn lũ dối trá! – Lưu Hạ kêu lên – Nói ra thì làm sao? Có phải thay mặt cho ai đâu! Như tớ nói Lôi Phong thật cừ thì làm sao nào? Chẳng phải là tôn kính anh ấy sao? Nhìn các cậu kìa, đứa nào đứa nấy cũng căng thẳng, đúng là các cậu có - tật - giật – mình!
_ Cậu không có tật thì nói ra xem nào!
_ Thì nói! Tớ thấy Vương Tiếu Thiên, Tiêu Dao đều rất cừ. Bây giờ đến lượt các cậu!
Đúng như Lưu Hạ nói mình “có tật giật mình” sao? Hân Nhiên tự hỏi thầm. Nghĩ một lát, bạn nói:
_ Tiêu Dao rất cừ. Ở bạn ấy có nhiều điểm mà bạn nam khác không có được. Mình không nói rành ra được là do đâu, song có lẽ do tố chất, tố chất đó khiến bạn ấy thành công.
_ Tâng bốc quá đấy! - Liễu Thanh không nhai kẹo gum thơm miệng nữa, giảu môi nói – Các cậu nhìn coi, sau cuộc thi kiến thức, Tiêu Dao lại chẳng như con nhặng cụt đầu? Bạn ấy không chịu nổi thất bại.
Hân Nhiên nghe nói, cảm thấy cũng đúng, thầm nghĩ: “Tiêu Dao ơi, không thể chỉ vì một thất bại nhỏ mà bạn đã ngã gục chứ?”
Lưu Hạ lại nói:
_ Mình lại cảm thấy Tiêu Dao không chịu nổi thất bại là chuyện rất bình thường. Vốn dĩ bạn ấy thuận lợi đủ mọi điều nên một lần thất bại đã choáng váng ngay. Nếu lúc này bạn ấy cười ha ha thì mình mới cho là bất bình thường.
Hân Nhiên nghe thấy thế, cũng cảm thấy đúng là như thế. Hiểu Húc nói:
_ Mình cảm thấy Trần Minh đang có ngầm một sức bột phát rất lớn.
_ Trần Minh ấy à? – Lưu Hạ trợn mắt – Cậu cho lạ bạn ấy tốt?
_ Mình không nói bạn ấy tốt, chẳng qua cảm thấy bạn ấy có sức xông tới, một sức bột phát…
_ Ừ, Trần Minh lợi hại lắm!
_ Bây giờ mà bạn ấy đã rất lợi hại rồi!
_ Cú bóng tốt quá, hay tuyệt. Vương Tiếu Thiên! – Lưu Hạ chợt hô lên, sau đó mới nói – Hình như Trần Minh chưa bao giờ tham gia những hoạt động như thế này.
Hân Nhiên nghĩ sang một việc khác:
_ Nếu buổi trưa một ngày nào đó, mấy đứa mình ngồi trong lớp, có cả Tiêu Dao, Trần Minh, Dư Phát, Vương Tiếu Thiên, bỗng có mấy đứa xấu xông vào đòi tiền thế thì bạn nam nào sẽ đứng ra trước tiên?
_ Hân Nhiên, đừng có nghĩ viển vông như vậy!
_ Có khả năng ấy chứ? Hôm qua ở Bạn Khê Tửu Gia có kẻ cướp ví tiền. Nghe nói ở Trung Ba Thượng cũng thường xảy ra chuyện như thế. Đấy chủ yếu là bọn lưu manh ở nội địa tới. Ba mình không bao giờ cho mình ra khỏi nhà một mình – Lưu Hạ nói.
Hiện giờ Thâm Quyến luôn đổ lỗi gây rối trị an cho người nội địa. Kiểu nói “một đòn đánh chết tươi” này khiến Hân Nhiên phản cảm, và càng phản cảm hơn nữa với vẻ khinh miệt của người Thâm Quyến khi nhắc đến người nội địa.
_ Các cậu bảo bạn nam nào sẽ đứng ra bênh vực lẽ phải nào?
_ Tiêu Dao, bạn ấy là lớp trưởng, ngày thường hình như cũng trượng nghĩa lắm đấy. Song cũng khó nói đấy, thường ngày những ai ưu tú nhất thì đến lúc nguy nan sẽ có thể là kẻ nhát gan. Như vậy gọi là “nhìn người không thể chỉ bắt hình dong” mà!
_ Thế còn Vương Tiếu Thiên? Ngày thường chỉ thích vui đùa như bạn ấy, lúc đó sẽ đứng ra ư? Không có thể! Song cũng chưa biết chừng!
_ Trần Minh thì sao? Bạn này rất “siêu thoát”, chẳng để ý đến việc đời, lúc ấy sẽ đứng ra ư? Mà cũng có thể lắm chứ?
_ Hay Dư Phát? Đừng chỉ thấy bạn ấy thường ngày thích gây rối gây cười, song chưa hẳn đã vô dụng trong lúc nguy cấp. Thường một số người bị coi thường là vô tích sự thì ngược lại lúc nguy nan lại là người chính trực nhất! Tuy nhiên, cũng khó nói!
_ Phải đấy, khó nói thật.
_ Song không thể chẳng một ai đứng ra chứ?
_ Tốt nhất là mọi người cùng đứng ra. Mao Chủ tịch nói thế nào nhỉ? “Người đông sức mạnh” !
Cả bọn cười ầm lên. Đối với họ, con trai là một câu đố!
_ Thắng rồi! Đội nhà thắng rồi! – Lưu Hạ là người đầu tiên phát hiện, lập tức chạy ra sân, đưa khăn lau mặt cho Vương Tiếu Thiên. Tiếu Thiên không hề giữ ý, trên chiếc khăn lau mặt bằng giấy lập tức in mấy hình nhân trung (Nhân trung: chỗ môi giao tiếp giáp với mũi) vừa đen sì vừa ướt sũng.
Hân Nhiên cũng rất muốn chúc mừng hoặc nói gì đó với Tiêu Dao, hoặc đưa mấy chiếc khăn bằng giấy để Tiêu Dao lau mồ hôi như Lưu Hạ. Tuy nghĩ như vậy song Hân Nhiên không dám hành động. Hân Nhiên không dám công khai, không dám mạnh bạo như Lưu Hạ.
NÊN MỪNG VÌ THẤT BẠI
Đám cầu thủ nam hoan hô vì thắng trận không thể ngờ rằng đám bạn gái làm cổ động viên cho họ vừa nãy không xem bóng mà “xem người”.
Tiêu Dao đá đến vã mồ hôi đầm đìa. Chẳng để ý đến phong độ lịch sự, Tiêu Dao dùng vạt áo phông lau mặt. Chiếc áo phông màu đỏ sậm ướt sũng một mảng lớn ở sau lưng và cả ở phía ngực.
_ Tiêu Dao, cậu có thư này! - Một bạn cầm thư đưa cho Tiêu Dao.
Vương Tiếu Thiên hỏi:
_ Thư ở đâu gửi đến đấy?
_ Ở Anh, của cha mẹ mình.
_ Lại gửi tiền cho cậu chứ gì! Phải khao đấy.
Tiêu Dao cười, xé phong bì lấy thư ra đọc:
“Bà nội viết thư sang kể sau khi thất bại trong cuộc thi kiến thức, con tỏ ra không vui, khiến bà lo cho con. Còn ba và mẹ tuy không biết tỉ mỉ chuyện đó xảy ra thế nào, nhưng lại cho rằng con nên mừng thì hơn.
Ở bên Anh, cha mẹ từng biết một chuyện như sau: Có thanh niên nọ làm việc rất xuất sắc ở một công ty. Anh đã vẽ sẵn cho mình một bức tranh vô cùng rạng rỡ và đầy lòng tự tin vào tiền đồ đó. Đột nhiên công ty này bị đóng cửa, anh thanh niên cho rằng mình là người bất hạnh, đen đủi nhất trong đời nên nản lòng thoái chí. Nhưng ông giám đốc của anh ta - Một người trung niên, đã vỗ vai anh ta và bảo: “Anh thật may mắn đấy!”. “May mắn ư?” - Người trẻ tuổi kêu lên. “Đúng, rất may mắn!”. Giám đốc nhắc lại lần nữa và giải thích: Những người nào hồi trẻ mà bị thất bại đều rất may mắn, bởi vì họ có thể học được cách bắt đầu lại với dũng khí như thế nào và học được kinh nghiệm không đau buồn, không sợ hãi. Nếu ai chỉ một mực thuận lợi, đến chừng bốn năm chục tuổi mới bỗng nhiên thất bại thì mới thật đáng thương. Vào tuổi trung niên hay đã chớm già mới lại học cách đối phó với cảnh khốn đốn như thế nào thì thật quá muộn.
Tiêu Dao, con nên hiểu hàm nghĩa trong câu chuyện đó. Mẹ và ba con sở dĩ đến tuổi trung niên mà vẫn không ngừng phấn đấu cho sự nghiệp là vì mẹ và ba đã trải qua rất nhiều trắc trở, gập ghềnh. Còn thế hệ trẻ các con từ đau khổ đến “cái tôi” mù quáng chỉ đủ chứng minh một nhược điểm đơn giản hóa cuộc đời. Các con được sống trong thời đại đầy đủ, giàu có và thanh bình nên nhận thức ngây thơ rằng tất cả mọi thứ đều chuyên dành cho các con mà có. Chưa từng nếm mùi cay đắng thì cũng khó nói được thế nào là ngọt ngào. Hơi trái ý một tí là đã kêu ầm lên: “Tôi là người khổ nhất trong thiên hạ, xã hội đối xử với tôi thật bất công!”. Các con đâu có biết đó là điều may, hay là điều không may cho các con?
Nên biết rằng “bất kể quãng giữa cuộc đời tráng lệ, huy hoàng như thế nào, nếu đến cuối đời mới bất hạnh thất bại thì con người ấy không gì bi thảm cho bằng”.
Người ta thường nói, ai ngã nhào xuống đất thì phải tự bò dậy từ chỗ ngã”. Người ta còn nói: “Lúa có bị hòn đá lăn cho rụng thóc ra thì thóc ấy mới mọc nên mạ tốt”. Tiêu Dao, con cần có nghị lực chịu đựng sự thất bại, đồng thời càng nên có khả năng chiến thắng thất bại. Sợ thất bại thì chẳng làm nên việc gì. Thất bại thật sự của thế hệ thanh niên là tránh né cuộc đấu tranh gian khổ đó, sống không mục đích, được đâu âu đấy!
Mới thất bại và đánh mất lòng tự tin trong một chốc lát, mà nếu tiếp theo sau lấy lại được lòng tự tin thì lòng tự tin ấy mới thật sự đáng giá.
Thời kỳ học trung học có thể gọi là thời kỳ quan trọng nhất của một đời người. Học để trở nên tốt rất dễ mà trở nên xấu cũng rất dễ. Tất cả đều phải dựa vào sự nỗ lực và tự giác của mình. Ba mẹ không ở bên con thì con lại càng phải có tính tự giác và tinh thần phấn đấu. “Ngoài bản thân ra, không có ai lại rủ rê nổi bạn chia tay với thành công cuối cùng!”.
Tiêu Dao, ông nội có bệnh thấp và viêm khớp. Ba mẹ có mua ít thuốc, tờ ghi cách dùng viết bằng tiếng Anh, con thử dịch xem sao. Nếu thực sự không dịch nổi thì nhờ chú Lưu giúp đỡ. Con nhớ nhé, nhắc ông nội uống thuốc đúng giờ. Ông bà già rồi, con phải học cách săn sóc ông bà mới được.
Còn việc ra nước ngoài học tập của con, ba mẹ đang làm thủ tục. Nếu không có gì trục trặc thì tháng Bảy sang năm sẽ được phê chuẩn. Có thay đổi và tiến triển gì, ba mẹ sẽ viết thư cho con sau.”
….
Tiêu Dao cầm lá thư thấy mình thật may mắn có được ông bố bà mẹ như vậy. Từ khi có nhóm từ “cách biệt giữa hai thế hệ”, nhiều người hễ thấy giữa hai thế hệ hơi có ý kiến khác nhau là qui tội cho chúng. Tiêu Dao chưa bao giờ lạm dụng nhóm từ này.
Lúc này, Tiêu Dao kê thất bại trong cuộc thi vừa qua vào quá trình từng trải của mình. Ba mẹ dạy bảo khiến bạn nhận thức được “nên nhìn nhận những gì đáng gọi là thất bại trong cuộc sống thành sự từng trải, thành sự trải qua có khả năng làm phong phú và kéo dài đời người ở mức độ rất lớn”.
KHÚC CUỒNG TƯỞNG LÀM LÃNH TỤ CỦA TÔI
_ Vương Tiếu Thiên, ba cậu đến kìa! – Có người gọi.
Trong giờ nghỉ giữa hai tiết học, trong lớp khá mất trật tự. Vương Tiếu Thiên theo tiếng gọi ngó ra ngoài hành lang, quả nhiên nhìn thấy ba, một tay xách túi, một tay cầm ô.
_ Thiên Thiên, ba mang bánh bao đến cho con, sắp nguội cả rồi này!
_ Ba…
_ Ba đến sớm quá, phải đợi ở ngoài kia mất một tiết nên nguội cả.
_ Sắp mưa đến nơi rồi, ba còn đến làm gì?
_ Tiện đường, tiện đường mà!
_ Lại còn mang ô nữa! Đài báo hôm nay có mưa to sấm chớp, ba cầm cái ô này về.
Người cha treo ô đâu vào đấy cho Tiếu Thiên, cười khà khà.
_ Ba…
_ Chiều về nhà sơm sớm nhé. Sắp vào học rồi, ba về đây!
Hân Nhiên đang viết trên bảng. Biết cha Tiếu Thiên đến bạn giả vờ không trông thấy, nhưng cha TiếuThiên lại đến gần xem bảng. Hân Nhiên giật nảy mình, sau đó gắng hết sức để giọng nói của mình trở nên bình tĩnh:
_ Cháu chào bác!
Cha Tiếu Thiên lúc này cũng nhận ra Hân Nhiên nên lại cười khà khà:
_ Chào cháu! Chữ cháu đẹp lắm, rất đẹp, không như chữ Thiên Thiên nhà bác. Chữ Thiên Thiên như gà bới, khà khà!
Hình như ông đã quên màn kịch hôm Hân Nhiên tới nhà ông khiến Hân Nhiên cảm thấy lạ. Bạn thầm khen thái độ mình vừa nãy, tuy chưa thật tự nhiên ung dung song ít nhất cũng không chỉ trích được điểm nào. Nếu mình cũng đỏ mặt hoặc ngượng ngịu thì bây giờ bạn ắt sẽ tự trách mình. “May mà biểu hiện của mình không đến nỗi tồi. Mình hoàn toàn có thể như thế vì mình chưa hề làm chuyện gì đáng xấu hổ”. Hân Nhiên nghĩ. Đúng rồi, Hân Nhiên chưa từng vì chuyện đó mà gây nên điều bất tiện nào đó cho việc xin vào Đoàn của Tiếu Thiên, mặc dù bạn đã từng có ý nghĩ như vậy.
Cuối cùng lại là Tiêu Dao tiễn cha Tiếu Thiên xuống gác.
Tức thì cả lớp vây quanh Tiếu Thiên mà đùa:
_ Thiên Thiên, mau ăn bánh bao đi kẻo nguội!
Chỉ tại ba tại sao trước mặt bao nhiêu bạn học mà ba lại gọi tên hồi nhỏ của Tiếu Thiên ra?
_ Ba của cậu tốt thật! Chỉ vì ba cái bánh bao mà đợi suốt cả một tiết!
_ Ba cậu béo ghê, chẳng giống gì với cậu cả!
Tấm lòng người cha thật tỉ mỉ, suy nghĩ thật chu đáo. Chỉ vì chuyện không vui tối qua mà ông đã đích thân đem ô đến trường cho con, song làm như thế có thực sự gạt bỏ được bóng đen trong tâm linh của con không?
Tối hôm qua, cả nhà Tiếu Thiên vừa ăn cơm vừa xem bản tin của đài truyền hình Châu Á. Ngoài bản tin ra, ba rất ít khi xem phim Hồng Kông bởi ông cảm thấy nội dung tầm thường, đánh đấm ồn ào, không có độ sâu. Vả chẳng tiếng Quảng Đông của ba cũng chỉ đủ để nghe bản tin. Vương Tiếu Thiên cũng thích xem bản tin, có thể xem bản tin của đài Châu Á lúc sáu giờ cho đến tận tám giờ là kết thúc bản tin của đài truyền hình Thâm Quyến, nếu ba không can thiệp, Tiếu Thiên còn thích vừa xem vừa bình luận này nọ. Mỗi lần như thế, ba thường nói:
_ Chuyện đó liên quan gì đến con?
_ Nhận thức của con buồn cười lắm.
Vương Tiếu Thiên không để ý đến lời ba, vẫn thích thú bình luận. Chợt ba Tiếu Thiên hỏi:
_ Thiên Thiên, báo hôm nay đâu?
_ Ở trên bàn con ấy!
Tiếu Thiên vẫn ngồi xem ti vi. Đột nhiên bạn nghe tiếng ba quát:
_ Vương Tiếu Thiên, vào đây ba bảo!
Khi nào ba nổi cáu đều gọi đủ cả họ tên của bạn ra như vậy.
_ Con muốn làm chính khách đấy à? – Ba chỉ vào bài Khúc cuồng tưởng làm lãnh tụ của tôi để trên bàn học của Tiếu Thiên. Đấy là bài phát biểu của bạn chuẩn bị cho buổi họp lớp ngày thứ tư.
_ Ba xem bài của con đấy à? Sao ba xem bừa bài của con thế?
_ Kiểm tra một chút thôi! - Người cha thuận miệng nói – Con xem đi, xem mình đã viết tầm bậy tầm bạ những gì. Hãy để cha mẹ nghe xem vị lãnh tụ tương lại của nhà này cuồng tưởng thế nào!
Rồi người cha đọc với ngữ âm ngữ điệu chưa từng có ở ông:
_ “Ông Bá Dương nói: một người Trung Quốc là một con rồng, ba người Trung Quốc là một con trùng, hai người Nhật Bản là một con trùng, ba người Nhật Bản là một con rồng. Người Trung Quốc thiếu là thiếu tinh thần dân tộc. Nếu có thể, chúng ta nên học tập Hitle, học cách ông phát triển một đảng phái chỉ có bảy người thành một chính đảng hơn nửa thế giới không có địch thủ, lấy đó mà động viên tinh thần dân tộc của người Trung Quốc…”
_ Con viết gì à? Phản động rồi chăng? Tiếu Thiên bướng bỉnh cãi.
_ Con có tài đến thế, sao không làm Thủ tướng quốc gia đi? - Người cha vung vẩy bài viết cầm trong tay rồi vứt đánh toạt xuống bàn – Ba không cho phép con đọc bài này trong cuộc họp lớp, đã nghe rõ chưa? Bây giờ không ít thanh thiếu niên có cái mốt là dốc bầu bất mãn ra, tự cho là tư tưởng sắc bén. Học thì không chịu học cho tốt, suốt ngày chỉ lo làm cái chuyện ba lăng nhăng!
_ Thế nào là ba lăng nhăng? Ba không cho đọc, con cứ đọc đấy!
_ Được, tao cho mày đọc, cho mày đọc này! - Người cha vốn là quân nhân, tác phong nói một là một, ông giận dữ xé nát bài phát biểu của con, vụn giấy rơi khắp sàn.
Ánh mắt người cha thật phức tạp: Vừa lo lắng khuyên can, lại vừa bối rối, bất lực.
Ông nhìn thằng con mười sáu tuổi của mình mà thở dài. Nó còn trẻ quá, đúng là nghé vô sừng sẹo không sợ hổ!
Ông không nói gì nữa. Tiếng thở dài vừa nãy là một cách làm dịu quan hệ của người bề trên. Ông lẳng lặng ra khỏi phòng.
Tiếu Thiên ở lại trong phòng một mình nhìn vụn giấy rơi khắp sàn, cảm thấy tình cảm của mình bị chà đạp.
Tiếu Thiên đọc rất nhiều sách. Trên giá sách cao cao của cha, bạn không đọc Mười vạn điều tại sao nữa mà đọc Binh pháp Tôn Tử, ưa cuốn Dọc ngang lịch sử thế giới… mặc dù đọc không hiểu mấy song những cuốn sách như vậy mở hết tầm mắt mới này đến tầm mắt mới khác cho bạn. Tiếu Thiên bắt đầu hiểu ngoài cuộc sống lứa tuổi mình ra, còn có một khoảng trời rộng, sâu và xa hơn đang đợi mình; ngoài cuộc sống “qua hai điểm vẽ một đường thẳng” còn có rất nhiều sự việc phức tạp và mới lạ mà mình chưa từng thấy, chưa nghe bao giờ. Tiếu Thiên bắt đầu thích hiểu biết, và điều thú vị nhất đối với bạn là cùng trao đổi với cha những luận điểm về “sáng tạo cơ đồ” và “giữ gìn sản nghiệp”. “Chuyện chẳng hợp nhau, nửa câu cũng nhiều”, quan điểm của hai cha con khác nhau, không cách gì đi đến thống nhất. Mỗi lần như thế ba đều cười hì hì để kết thúc. Cái cười đó tuy chế giễu ít nhiều song cũng có cả sự thông cảm khoan dung đối với những ý kiến tự cho là đúng của con.
Ba bảo học sinh trung học ngày nay rất không biết lượng sức mình, coi tất cả như không có, mà Tiếu Thiên là một điển hình về mặt đó. Song vì bọn chúng còn ít tuổi, người lớn phần nhiều thường đối xử, tìm hiểu chúng với thái độ khoan dung, hy vọng chúng không nên ngông cuồng tự cao tự đại. Tiếu Thiên thì cho rằng “ngông cuồng” và “tự cao” có lúc cũng chẳng phải là xấu. Lớp thiếu niên thường có tâm lý không thỏa mãn mãnh liệt, không chịu ở yên trong hiện trạng. Họ khao khát vượt lên, khao khát phát triển, như thế thì có gì là không đúng?
Tối hôm ấy, hai cha con chẳng ai thèm ngó đến ai. Sáng sớm hôm sau, Vương Tiếu Thiên cũng không ăn sáng. Bà mẹ hỏi tại sao, bạn đáp hôm nay kiểm tra sức khỏe, phải lấy máu kiểm tra gan nên không được ăn. Lúc này ba nhìn theo dính bạn, cho là bạn giận dỗi, cố tình không chịu ăn sáng. Thực ra Tiếu Thiên nói thật, sáng sớm hôm nay phải thử máu, vì thế ba phải mua bánh bao và đích thân đem tới để làm dịu bớt quan hệ giữa hai cha con.
_ Này Tiếu Thiên, đóng cửa sổ vào, mưa rồi! – Có tiếng người nhắc.
Tiếu Thiên bấy giờ mới như sực tỉnh mộng, đứng dậy đóng cửa sổ chỗ ngồi trong lớp. Bên ngoài mưa rào rào rất to, ba lúc này đang đi trong mưa, có cái ô thì ba lại để lại cho Tiếu Thiên.
Bạn cảm thấy trên má ươn ướt, mưa hắt cả vào người, vào mặt chăng? Bạn lè lưỡi ra nếm thấy mằn mặn, lại hơi chan chán.
Tình yêu có thể kéo tình cảm lại gần nhau song khó mà kéo nổi hai tư tưởng khác nhau lại gần.
_ Ba! - Tiếu Thiên thở dài.
Giờ nghỉ giữa giờ hầu như tất cả các bạn nữ đều bình luận về cuộc thi người đẹp Hồng Kông lần này. Lưu Hạ quay người lại hỏi mà chưa kịp nhìn:
_ Dư Phát, cô gái Hồng Kông nào đẹp nhất đấy?
Vừa hỏi xong, Lưu Hạ thấy các bạn chung quanh đều cười. Bạn vội nhìn lại thì chỗ Dư Phát ngồi trống không, lúc này mới nhớ ra hai hôm nay Dư Phát không đến lớp.
Lúc ấy Tiêu Dao cũng hỏi:
_ Hôm nay Dư Phát cũng không đến à?
_ Thế đấy, hai hôm vắng mặt rồi.
Tiêu Dao ghi một dấu thập chéo ở cột có tên Dư Phát trong bảng điểm danh, đấy là dấu bỏ học không lý do.
_ Trần Minh, cậu biết tại sao Dư Phát không đến lớp không?
Trần Minh đang làm bài, có thể không nghe thấy. Tiêu Dao lại hỏi: |
|
|