Quá Trọng Nghĩa Khí " Anh Em " Đấy ! Ngồi trong phòng làm việc, thầy Giang lại châm thêm điếu thuốc nữa. Chiếc gạt tàn thuốc lá trên bày đầy ắp những đầu thuốc hút dở chưa tắt hết lửa.
_ Thưa thầy – Khi ấy có người gõ cửa.
_ Tiêu Dao đấy à, có chuyện gì? Thầy Giang vội giụi điếu thuốc.
_ Thầy Giang! – Tiêu Dao bước vào nhìn thấy chiếc gạt tàn đầy mẩu thuốc – Thưa thầy, chắc thầy đau đầu về chuyện của Dư Phát?
_ Quả thực là Dư Phát xé chuyện bé thành chuyện to rồi. - Thầy Giang cười đau khổ.
_ Thưa thầy, lẽ nào thầy cũng cho rằng Dư Phát vẽ tờ tranh ấy sao?
Thầy Giang sững người.
_ Thầy không hiểu bọn em rồi. Dư Phát tuy nghịch ngợm nhưng cậu ta không vẽ nổi… Nói thực, bức vẽ ấy nhất định phải do một người có trình độ vẽ nên, Dư Phát không vẽ nổi đâu…
Thầy Giang cau mày.
_ Vì sao thầy Quảng cứ khẳng định rằng việc ấy là do Dư Phát? Chắc chắn không chỉ bức vẽ ấy do Dư Phát ném, mà nét chữ lại là của bạn ấy. Nhưng nguyên nhân chủ yếu hơn cả là một loạt những biểu hiện lâu nay của cậu ta và ấn tượng của các thầy giáo. Điều đó có công bằng không?
Đôi mày thầy Giang cau lại căng thẳng.
_ Em có biết ai vẽ không?
_ Thưa thầy có ạ. – Tiêu Dao nói – Nhưng em không thể nói ra được, em hy vọng bạn ấy sẽ tự mình nói. Em tin bạn ấy sẽ tự đứng ra.
Bất giác thầy Giang ngắm nghía Tiêu Dao từ trên xuống dưới, cứ như lần đầu nhìn thấy bạn vậy. Khuôn mặt vuông vức, mày rậm mắt to, không thể nói là rất đẹp trai, nhưng phong độ toát ra từ con người này thực sự rất đàng hoàng.
_ Bạn ấy là học sinh chiếu cố. Chiếu cố mới được vào trường. Mà trường thì có quy định, nếu bạn ấy phạm lỗi, bị phạt, trường sẽ đuổi. Khi mới vào học, trường tính toán đến lợi ích của trường nên ra giá rất cao. Đã thế thì Dư Phát là học sinh trường trung học Số Chín rồi, nên đối đãi như mọi học sinh khác, sao lại coi như vất bỏ gánh nặng mà gạt bạn đi đươc? Làm thế với Dư Phát là không công bằng, hơn nữa Dư Phát lại bị oan. Nếu không, theo tính cách của bạn ấy không thể có chuyện phá phách bàn ghế buổi tối được… Thưa thầy, đấy là những điều mà em muốn nói.
_ Tiêu Dao, em nói phải đấy, cám ơn em. Thôi mau đi tìm Dư Phát đi. - Thầy Giang gật đầu.
Tiêu Dao vâng lời, vội quay đi tìm bạn.
Nhìn theo bóng sau lưng Tiêu Dao, thầy Giang gật gật đầu như có suy nghĩ gì đó.
Ra khỏi khu phòng học, đi qua sân thể thao, Tiêu Dao nhìn thấy Vương Tiếu Thiên. Đằng sau cậu ta là cái bóng kéo dài, trên sân trường hoang vắng trông thật cô đơn.
Không gọi Vương Tiếu Thiên, Tiêu Dao đi thẳng ra ngoài cổng trường.
Lại thêm một hôm nữa Dư Phát không đi học. Vương Tiếu Thiên càng lo lắng. Lưu Hạ không thèm để ý đến bạn nữa, không để ý thực sự. Cậu ta biết rằng lần này không thể mua một vài món quà hoặc rủ đi ăn món ăn sẵn ở nhà hàng Mắc Đônan là dỗ được Lưu Hạ.
Vương Tiếu Thiên quyết định phải nói ra sự thực. Ý nghĩ ấy từng hiện lên nhiều lần trong óc cậu ta, nhưng cuối cùng đều bị khỏa lấp đi bởi hoàn cảnh bên ngoài làm cho cậu ta muốn nói mà không nói được. Giờ thì không thể do dự được nữa rồi, cần phải nói rõ mọi chuyện! “Điều đó có gì mà không được” – Vương Tiếu Thiên nghĩ. Suy nghĩ ấy làm tăng dũng khí cho cậu ta rất nhiều đồng thời cũng khiến lòng nhẹ nhõm hơn.
Lúc sắp tới phòng giám hiệu, bất chợt Vương Tiếu Thiên gặp Trần Minh từ trong đó đi ra. Hai người nhìn nhau không nói gì. Lạ thật, Trần Minh đến văn phòng làm gì, từ trước tới giờ cậu ta hầu như không tới văn phòng. Thôi đừng nghĩ nhiều nữa, giờ hãy cứ vào văn phòng trước đã. Vương Tiếu Thiên sợ rằng trên đường đến lại thêm một chút do dự, thêm một chút chần chừ thì sẽ dễ chùn bước, sẽ mất đi cái dũng khí mà bản thân khó khăn mới tích lũy được.
_ Thưa thầy Quảng, bức tranh biếm họa ấy do em vẽ đấy ạ! – Vương Tiếu Thiên nói thẳng vào đề.
_ Hử? - Thầy Quảng ngẩn cả người, sau đó thầy cười to:
_ Học sinh bây giờ trọng nghĩa khí anh em ghê thật! Cả một học sinh như Trần Minh cũng đến đây, giờ lại đến em tới nhận nữa.
Vương Tiếu Thiên chợt nhớ vừa gặp Trần Minh ở cầu thang, chắc cậu ta cũng đến vì chuyện này.
_ Thưa thầy, không phải Dư Phát vẽ đâu, em vẽ đấy ạ.
_ Vương Tiếu Thiên này, em…
_ Thưa thầy, bức tranh ấy em vẽ, em không có ác ý gì, chỉ có điều…, khi ấy em hy vọng thầy không tin, nhưng bây giờ…. Thưa thầy khi ấy em định ném tờ tranh cho Dư Phát, nhưng chẳng may lại ném trúng Trần Minh, Trần Minh đưa cho Dư Phát, Dư Phát chỉ viết thêm vào đó có mấy chữ…
_ Hoang đường! - Thầy Quảng ngắt ngang lời Vương Tiếu Thiên.
Vừa lúc ấy chuông báo lên lớp vang lên. Thầy Quảng ngả người vào lưng ghế, thở một hơi thật sâu, sau đó vẻ mệt mỏi không còn sức nói:
_ Về lên lớp đi.
Ra khỏi phòng các thầy, Vương Tiếu Thiên duỗi đôi tay, cười. Cậu thấy Trần Minh đang nhìn mình qua ô cửa kính màu nước trà góc cuối hành lang. Vương Tiếu Thiên không hề nao núng, mồm huýt sáo và đi thẳng.
Vài phút trước khi Vương Tiếu Thiên đến phòng các thầy, Trần Minh cũng đến đó. Trần Minh rất ít khi đến đó mặc dù cậu ta là cán sự học tập. Lần này không nghi ngờ gì nữa, ấy là do Dư Phát. Mặc dù cậu ta coi thường cái kiểu dựa vào tiền để được vào học của Dư Phát nhưng cậu ta vẫn tìm đến thầy Quảng để nói:
_ Có thể không phải Dư Phát vẽ thật bởi cậu ấy có thể đưa trực tiếp cho em. Viên giấy ấy là từ phía sau ném lên.
Sự thật đã rõ ràng. Thầy Quảng thầm tự trách: “Chính mình quá chủ quan, suýt nữa hại Dư Phát không được học nữa”. Thầy Giang cũng ân hận vì công việc chủ nhiệm lớp chưa làm đến nơi đến chốn. Còn đám học sinh nam, sau khi sự việc đã rõ ngọn ngành, nút thắt đã được tháo bỏ, thì mọi chuyện lại như mưa qua nắng tới, tất cả đều vui vẻ như trước.
Dư Phát không giận thầy Quảng, cũng không bực Vương Tiếu Thiên. Ngược lại, qua chuyện này cậu ta cũng thấy mình từ trước tới giờ quả thực cũng “nọ kia” quá.
Còn đối với Trần Minh, Dư Phát cũng bắt đầu có cảm tình và tự nhận ra thiếu sót. Trần Minh thì vẫn như trước, bất luận Dư Phát chủ động tỏ ý cảm ơn ra sao, Trần Minh vẫn chỉ cười thôi. Chỉ mỗi một lần, khi mọi người lại sôi nổi nói về tờ tranh biếm họa ấy, Hiểu Húc nói với Trần Minh một câu: “Cảm ơn bạn, Trần Minh”, thì Trần Minh cảm động mãi, lẽ nào chỉ bởi vì chuyện của Dư Phát thôi sao? Bất luận thế nào thì cậu cũng có được những ánh mắt thân thiện và hữu hảo, những ánh mắt thật trong vắt khiến cậu nhớ tới biển. Trần Minh cảm thấy rất vui, một niềm vui chưa từng bao giờ có.
CÁC BẠN LỚP MÌNH ĐỀU RẤT ĐÁNG YÊU
_ Sự việc hôm ấy các thầy cũng có cái sai, đấy là khi chưa tìm hiểu cho rõ ràng đã có cái nhìn thiên lệch với học sinh. Quả thực hôm ấy tôi quá nóng nên mất bình tĩnh; vừa thấy bức tranh, tôi đã nóng mặt không nhịn nổi. Có tuổi rồi nên lòng tự tôn càng mạnh. Nhưng có một điều mà hôm nay tôi muốn nói, Vương Tiếu Thiên à, nếu em là thầy giáo mà bị học sinh bôi xấu trước mặt mọi người thì em nghĩ sao?
Thầy Quảng tháo cặp kính lão xuống, dùng vạt áo lau kĩ rồi lại đeo lên mắt:
_ Nhiều lúc nên tự lấy lòng mình mà suy ra lòng người.
Những lời nói tưởng như rất bình thường của thầy giáo lại khiến cho Vương Tiếu Thiên và các bạn càng thấy chua xót.
Mấy cậu con trai khi nghe thầy gọi lên phòng giáo vụ cứ nghĩ sẽ bị nghe mắng, nhưng thầy Quảng chỉ tự kiểm điểm bản thân, điều đó khiến chúng càng thấy khó xử.
Thầy lại nói tiếp:
_ Vương Tiếu Thiên vẽ bức tranh ấy thật cay quá. Tôi xấu đến như thế ư? Ha ha, nói thật, nếu hồi trẻ mà tôi nhìn thấy bức tranh ấy thì đã tức đến ngất xỉu. Khi tôi bằng các em bây giờ, tôi kị nhất bị người khác chê là mũi củ tỏi lắm đấy! – Nói rồi thầy cười rất to.
Trước kia các bạn đều nói là thầy Quảng tính tình kỳ quặc. Ngày Nhà giáo, học sinh có chuẩn bị quà tặng, nhưng giờ lịch sử hôm ấy lớp thật ồn, thầy không nhận quà mà còn cáu kỉnh nói:
_ Quà kiếc cái gì, các em cứ chịu nghe giảng đã là món quà tốt nhất rồi!
Từ đó trở đi bọn học sinh cứ gọi thầy là “Ông già kì quặc”.
_ Sau này, khi tôi đã hiểu được hàm nghĩa của cái đẹp bên trong và cái đẹp bên ngoài thì tôi không còn buồn nữa. Hồi đó tôi nghĩ ba bốn chục năm sau mình dùng gì để tái hiện vẻ đẹp của tuổi trẻ? Chỉ có kiến thức, mà cũng chỉ vẻ đẹp về sau mới có được ấy mới là vĩnh cửu.
Vương Tiếu Thiên chân thành nói:
_ Thưa thầy, việc ấy là lỗi của em.
Thầy Quảng chuyển sang chuyện khác:
_ Thầy cũng có tuổi rồi, nhiều khi trong dạy học cũng cảm thấy lực bất tòng tâm. Nhưng thầy cứ nghĩ đến câu tục ngữ “Quăng ngói đi dẫn ngọc về” thì lại vững tâm bước lên bục giảng.
Dư Phát hỏi:
_ Thưa thầy, cái vết sẹo trên mặt thầy là do bị đấu tố hồi cách mạng văn hóa phải không ạ?
Vừa cất tiếng hỏi thì bị Trần Minh giúi cho một cái, Dư Phát cảm thấy lỡ lời nhưng không kịp nữa.
Thầy Quảng lại cười nhẹ nhàng:
_ Đúng đấy.
Mười năm náo loạn ấy đã đem lại cho người dân Trung Quốc bao nhiêu tai họa, đặc biệt là đối với trí thức, không cách nào trốn thoát cơn tai họa ấy, nhưng ánh mắt thầy vẫn luôn hướng về phía trước, thầy chưa bao giờ nhắc đến những nỗi oan khuất và khổ đau trước mặt người khác, kể cả con cái và học sinh của mìnnh. Thầy Quảng khoan dung chấp thuận tất cả.
_ Thưa thầy, thầy có hận không? – Dư Phát lại hỏi. Lần này Trần Minh không giúi bạn nữa.
Thầy Quảng cười nhẹ nhàng:
_ Mẹ nào chả thương con. Đôi lúc có đánh lầm hay mắng sai con, sau rồi mẹ lại nhận lỗi với con thì con nào nỡ giận mẹ? Con nào dám chửi mẹ, không nhận mẹ?
Thầy Quảng nói thật bình tĩnh, nhưng những lời nói ấy không hề bình thản chút nào trong lòng của Tiêu Dao và các bạn. Thanh niên thời này không chịu nổi một chút oan nào. Hơi khổ một chút, hơi oan một chút là đã cho rằng mình là người bất hạnh nhất thế gian này. Ngược lại, họ thiếu hẳn sự khoan dung và nhân ái của cha ông tổ tiên, đặc biệt là lớp người từ những năm sáu, bảy mươi. Chỉ riêng điểm này thôi thì thanh niên bây giờ đã đáng phải học tập lớp người trước rồi. Trong thư của ba Tiêu Dao gửi về có viết: “Ba cứ nghĩ chẳng may nhỡ có một tai họa nào đó ập đến, chẳng hạn như nạn đói thì đại đa số những người không sống nổi sẽ là lớp trẻ các con, bởi cuộc sống hiện tại của các con quá no đủ. Và ngược lại, những người đã từng chịu qua cái đói khổ như ba thì lại sống được”.
Thầy Giang thì nói:
_ Việc này đối với tôi cũng là một lần dạy bảo. Lúc đầu tôi cũng không được bình tĩnh cho lắm. Rất may là có Tiêu Dao đã nhắc nhở tôi. Qua việc này tôi thấy các em lớp chúng ta đều rất đáng yêu. Sự khoan dung của Tiêu Dao, sự trung thực của Tiếu Thiên, sự dứt khoát của Dư Phát, lại còn sự hữu hảo của Trần Minh nữa, tất cả đều thật quý. Thầy hy vọng các em sẽ ngày càng chín chắn hơn. Và hãy giữ vững lòng tin của mình trong cuộc sống, phải chân thành và rộng lượng với cuộc sống.
Lời nói của các thầy làm cho tất cả các bạn học sinh ngồi đó đều thấy cảm động.
THÂM QUYẾN DỰA VÀO CÁC EM MAI SAU
_ Báo cáo! – Có tiếng gõ cửa phòng giám hiệu.
Thầy Giang quay đầu lại nhìn. Đó là Vương Tiếu Thiên, Dư Phát, Tiêu Dao, lại còn có cả người khác hội, là Trần Minh.
_ Chuyện gì vậy? Sao ai nấy nghiêm mặt thế?
Mấy cậu học sinh đùn đẩy nhau: “Cậu nói đi!”, “Cậu nói đi!”
Cuối cùng vẫn là lớp trưởng nói:
_ Thưa thầy, chúng em muốn mời thầy và thầy Quảng ăn cơm ạ.
Mời thầy giáo ăn cơm ư? Chuyện lạ!
_ Sao lại mời chúng tôi?
_ Chúng em muốn kết bạn bè với các thầy! – Dư Phát cười. – Các thầy đáng làm bạn lắm!
Vương Tiếu Thiên giải thích thêm:
_ Thầy cứ yên tâm, đây là tiền do chúng em tiết kiệm. Em và Tiêu Dao làm việc trong kì nghỉ đông, Trần Minh có tiền thưởng, còn Dư Phát là do bán cổ phiếu ạ.
Thầy Giang nghĩ một lát rồi đến bên thầy Quảng nói nhỏ. Thầy Quảng cau cau mày nói gì đó với thầy Giang. Thầy Giang quay lại bảo đám học trò:
_ Được, tôi đi, thầy Quảng bận việc nên không đi được.
Ra khỏi trường, thầy Giang hỏi:
_ Vì sao thầy Quảng không đi được, các em có biết không?
Các cậu nam sinh nhìn nhau, lắc đầu:
_ Cha của thầy mới mất.
_ Ồ, ra là thế. Sao thầy vẫn lên lớp nhỉ, mà lại không đeo băng tang?
_ Thầy Quảng sợ mọi người phân tâm. Thầy bảo: Học sinh bị áp lực rất nặng nề trong học tập, chúng ta không nên làm cho các em bị kìm nén hơn về mặt tình cảm.
Mấy cậu học sinh im lặng.
Khi ấy thầy Giang chỉ ra ngoài trường, nơi có rừng cây nhỏ:
_ Các em có nhìn thấy dãy vải kia không? Đấy là thầy Quảng trồng đấy. Từ khi tham gia công tác đến nay, mỗi năm thầy trồng một cây, mỗi năm thầy dạy một lớp học sinh. Các em là lớp học sinh cuối cùng mà thầy dạy dỗ. Thầy sắp nghỉ hưu rồi. Sang năm các em có thay thầy trồng cây được không?
Tất cả đều gật đầu. Giờ đây mọi người mới hiểu rằng vì sao ngày Lễ các nhà giáo, thầy Quảng không vui vẻ nhận quà như các thầy giáo khác. Trong một lớp học mà trật tự luôn là vấn đề thì thầy giáo có tâm trạng ra sao trước một món quà được gói bọc thật màu mè? Chả trách thầy nói: “Các em yên lặng nghe tôi giảng bài là món quà quý nhất rồi”.
Học sinh thường giận rằng thầy giáo không hiểu mình, nhưng liệu học sinh có hiểu được lòng thầy chăng? Thầy giáo phải chịu đựng biết bao khó khăn nhưng có bao giờ kêu ca với học sinh đâu? Đối với nỗi khổ của riêng mình, các thầy chỉ biết nín lặng chứ có nói ra ngoài đâu? Nếu như học sinh còn không thể hiểu được tâm tư của các thầy cô giáo đã tận tâm tận lực dạy dỗ mình, thì làm sao mà hiểu được nhân dân và đất nước mình đây?
_ Ngày 12 tháng Ba sang năm là tết trồng cây, chúng ta sẽ trồng tiếp vải thay cho thầy Quảng, sau này mỗi năm đều có người trồng tiếp.
Thầy Giang cùng học sinh vào một nhà hàng. Ăn xong, thầy Giang ra trước trả tiền, thầy nói:
_ Chờ sau này các em trưởng thành đi làm rồi sẽ tha hồ mời thầy.
_ Thưa thầy, ba em nói là trong thời kỳ đi học mà gặp được vài thầy giáo tốt thì coi như có ích cho người đó cả đời vậy. – Tiêu Dao nói.
_ Dù sao thì chúng ta cũng học được ở nhau khá nhiều điều. Các em rất có đầu óc, có kiến giải, lại có cả tài hoa nữa. Về nhiều phương diện, tôi không bằng các em đâu. Vương Tiếu Thiên biết vẽ tranh biếm họa, em rất có óc quan sát đấy, tôi rất phục, nét vẽ khá lắm.
_ Thưa thầy, xin đừng nhắc đến chuyện vẽ tranh nữa. Em thật rất hối hận, em thật có lỗi với thầy Quảng.
_ Sau này trên lớp thì chịu khó mà nghe giảng, đừng có đem thầy giáo ra làm người mẫu nữa. Nếu quả thật em thích vẽ thì nên đi học thêm vẽ. Thầy Quảng lớn tuổi rồi, không chỉ riêng học trò các em, mà ngay đến chúng tôi cũng tôn trọng thầy. Còn Dư Phát, đừng có ngủ gật nữa, hãy chịu khó học hành đi. “Sách đến lúc dùng hiềm quá ít”. Học nhiều một chút cũng không phải hại đâu. Tiền cũng quan trọng, nhưng đối với con người nó không phải là quan trọng nhất. - Thầy Giang nói rất chân thành – Các em sống trong thời đại này, lại được sống ở Đặc khu, đó là một điều rất may mắn. Nếu như bản thân các em không cảm thấy được điều đó thì cần phải biết rằng ở Trung Quốc còn biết bao nhiêu trẻ em không được đi học, còn biết bao người có cuộc sống khó khăn. Về vật chất, các em hoàn toàn được thỏa mãn. Còn về tinh thần thì sao? Thâm Quyến ngày hôm nay là do cha mẹ các em làm nên, tuổi thanh xuân của họ lấp lánh nơi mảnh đất Thâm Quyến. Còn ngày mai thì sao? Ngày mai của Thâm Quyến trong chờ vào các em, không phải đó là hô khẩu hiệu đâu, mà nhất định là phải có những hành động thiết thực. Khi mới đến Thâm Quyến, tôi nghĩ cuộc sống ở đây thật sung túc, không hiểu những đứa trẻ được sống trong bầu mật ngọt này có chí hướng ra sao? Giờ thì tôi nhận thấy rằng, học sinh ở đây mang nhiều hoài bão, có chí hướng, ai cũng muốn mình sẽ làm giám đốc, làm ông chủ, đều muốn làm nên sự nghiệp lớn, điều đó rất tốt. Nhưng cũng tồn tại một vấn đề, là không muốn làm việc nhỏ, không muốn bắt đầu từ những việc nhỏ. Các em thấy có đúng không?
Mọi người đều cười.
_ Hôm nay trên báo chí không hẹn mà nên đều có chung một vấn đề, đó là bàn chuyện phát tài. Nói về cách kinh doanh, đó không chỉ là điều may rủi, mà là một nhu cầu tâm lý của nhân dân. Mọi người đều muốn làm ông chủ, làm phú ông, muốn làm cho người khác phải kính nể. Mỗi người đều có quyền tự chọn con đường đi cho mình, theo đuổi hạnh phúc mà mình mong muốn. Có điều muốn làm ông chủ của người khác, đầu tiên phải làm ông chủ tốt của chính mình. Tôi muốn trở thành thầy giáo và người bạn của các em.
Có mỗi Trần Minh đi bên thầy giáo, còn tất cả chậm rãi bước dưới đường. Màn đêm đang buông xuống, ánh đèn túyp đã sáng lên, những ngọn đèn đường bắt đầu tỏa ánh sáng lung linh. Thật đúng là một thế giới muôn màu sắc. Những người bán hàng rong chuyên họp chợ đêm bắt đầu tỏa ra khắp đường, bày sạp hàng. “Mua tất tơ đi, tất tơ bán rẻ đây, 15 đồng một đôi đây” – Có người đang rao hàng.
Trần Minh nhìn thấy tất cả điều đó, bạn không hiểu sao người ta lại sống một cuộc sống tầm thường đến thế.
Những cảnh bình thường nơi đầu phố ấy khiến cho thầy Giang cảm thấy một tình cảm trào dâng đối với sức sống mãnh liệt của xã hội.
_ Thưa thầy, chuyện thầy vừa nói về thầy Quảng thật cảm động, nhưng cũng thật chưa thỏa đáng lắm. Lẽ nào có mây chục cây vải ấy mà tiêu biểu cho cuộc đời một con người? Hơn nữa những cái cây kia, cây nọ thấp hơn cây kia, như một con đường trượt dốc, lẽ nào điều đó thể hiện ý nghĩa cuộc sống của con người sao? - Lần đầu tiên Trần Minh chủ động – Các thầy dạy trung học không ít người có tài, nhưng chỉ đem kiến thức của người này truyền cho người kia thì cũng chỉ đến thế mà thôi. Nếu như những người này là nhà khoa học, là kiến trúc sư thì cống hiến của họ đối với xã hội chẳng phải là rất lớn sao?
Mỗi một học sinh đều có những đặc điểm riêng của mình. Làm người thầy giáo tuyệt đối không thể dùng thước đo chung để đánh giá học trò mình, bởi như thế thì kết quả cũng giống như một thầy thuốc tầm thường kê một cái đơn thuốc giống nhau cho các con bệnh.
Thầy Giang nói:
_ Tuy em nhìn vấn đề còn lệch lạc, nhưng cách kiến giải rất độc đáo. Phải, trong các thầy dạy trung học có rất nhiều người giỏi. Nếu như được đổi sang vị trí khác thì chắc chắn tài năng của họ được phát huy triệt để, nhưng xã hội lại không thể thỏa mãn được mọi ý thích cá nhân. Vì thế nên mới “Làm một việc, yêu một việc”.
_ Em không tán đồng quan điểm này. Người có khả năng làm khoa học lại đi bán khoai lang, thầy không thấy tiếc sao?
_ Hiện tượng không thể dùng hết tài năng của con người là điều trước kia có tồn tại. Sau khi cải cách mở cửa, đã có nhiều thay đổi. Hiện giờ trong nội địa, việc chọn nghề đã có một chế độ tương đối tự do, ở Đặc khu này thì càng không phải nói nữa. Có điều những công việc bình thường cũng cần có người làm. Xã hội cần có hoa hồng nhưng cũng cần có lá xanh…
_ Vâng, câu nói đó rất phổ biến. Nhưng giá trị của lá xanh cũng bởi có hoa hồng. Nếu như chỉ có lá xanh thì giá trị của nó ở đâu?
_ Sao em biết không có hoa hồng xuất hiện trong số học sinh của tôi?
Trần Minh không nói gì, cậu ta muốn làm hoa hồng.
Mười sáu, mười bảy đang là lứa tuổi có nhiều suy tư. Học sinh lứa tuổi này cần được thường xuyên giao tiếp trao đổi với những người lớn tuổi, chín chắn, sâu sắc hơn họ biết bao.
Tới bến xe buýt, Trần Minh và thầy Giang cùng nhìn nhau, cả hai không nói gì mà chỉ cười. Thầy vỗ vai trò, khoác tay trò đi tiếp về trạm xe phía trước. Thầy cảm thấy trò cũng muốn đi thêm một đoạn nữa để trò chuyện thêm.
_ Thầy Giang, chắc chắn thầy rất nhớ nhà, nhớ cô và con có phải không?
Câu nói ấy của Trần Minh khiến thầy hết sức kinh ngạc và rất cảm động. Thầy giáo quan tâm đến học trò, bao gồm cả đời sống cá nhân thì điều đó cũng dễ hiểu thôi, nhưng học sinh mà quan tâm đến đời sống cá nhân của thầy thì khiến thầy vô cùng ngạc nhiên và cảm động.
Lại tới một trạm xe buýt nữa, phía xa xa kia đã có xe đang tới. Trần Minh nói với thầy:
_ Ba của Tiêu Dao nói đúng. Nếu như trong khi đi học mà có được một thầy giáo tốt thì ảnh hưởng tới suốt đời người học trò ấy.
Với thầy Giang, Trần Minh rất tôn kính. Thầy không hề quan tâm đặc biệt gì với cậu, nhưng Trần Minh lại có cảm tình đặc biệt đối với thầy. Trước kia cô giáo chủ nhiệm Lan ở lớp Chín đặc biệt quan tâm và yêu quý Trần Minh, nhưng Trần Minh không tự hiểu nổi mình có cảm tình gì với cô không. Còn thầy Giang, chỉ tiếp xúc qua một học kì, cậu ta tự thấy lần đầu tiên có cảm tình đặc biệt đối với thầy giáo.
Muộn rồi, Trần Minh nói với thầy:
_ Thưa thầy, hôm nào rỗi mời thầy đến nhà em chơi. Nhà em có rất nhiều cây vải, giờ đã có cây chín rồi. Mời thầy đến nếm thử quả đầu mùa.
Có thể coi như đây là lần đầu tiên Trần Minh mời khách đến nhà chơi.
Làm thầy giáo, điều hài lòng nhất là có được sự tin tưởng và tôn trọng của học sinh, và tâm nguyện lớn nhất là đào tạo cho xã hội một lớp người tài năng xuất sắc. Giờ đây, những điều ấy càng khó có và quan trọng. Ngày nay, khi cải cách mở cửa không ngừng đi sâu, khi Trung Quốc và thế giới ngày một giảm dần khoảng cách, thì ở Đặc khu, trên mặt trận giáo dục mới mẻ, cần biết bao nhiêu hàng loạt người trồng vườn chân chính đó!
THIẾU NỮ THẦM YÊU TRỘM NHỚ
Nhật ký của Hiểu Húc
Ngày… tháng…
Trời không còn sáng nữa, đèn trong phòng làm việc đã tắt. Mình biết thầy Giang sắp ra. Không cần nhìn mình cũng cảm thấy được. Ra vẻ không nhìn thấy, mình cầm quyển Anh văn đi đi lại lại trên hành lang và đọc, nhưng tim thì đập thình thịch. Thầy cách mình ngày một gần, thầy sắp nói chuyện với mình rồi. Quả nhiên thầy Giang bảo: “Lâm Hiểu Húc, chăm chỉ thế”. Mình giả vờ như chợt nhớ: “Ồ, em cũng phải về nhà”. Và thế là cả hai cùng xuống cầu thang (phải chăng mình rất khôn khéo).
Xuống dưới nhà, thầy Giang bảo đi dắt xe, lúc ấy mình mới nhận ra chiếc cúc áo thứ hai của thầy bị đứt. Mình rất muốn nói: “Thưa thầy, cúc áo thầy bị đứt, để em đơm lại cho thầy”.
Nhưng mình không nói, có lẽ cũng là vì nỗi e thẹn của con gái. Nhiều khi mình chỉ muốn biến thành con trai. Nghe Vương Tiếu Thiên nói bọn cậu ấy cùng thầy đi ăn với nhau, mình phục quá; hay như Lưu Hạ hoặc Hân Nhiên ấy, có thể cùng chuyện trò hàn huyên với thầy. Thầy Giang, thầy có biết không? Em có rất nhiều điều muốn nói với thầy. Em rất muốn hỏi thầy, cuộc sống thầy có tốt không? Có hạnh phúc không?
Chiếc xe của thầy vừa lướt qua người mình: “Lâm Hiểu Húc à, đi đường cẩn thận nhé”. Câu nói ấy như của người cha nói với con, thật là thân thiết và âu yếm. Thầy Giang vưà ngoái đầu lại liếc nhìn mình. Thực sự đôi mắt ấy hồi nhỏ mình đã nhìn thấy rồi.
Nhìn theo bóng thầy Giang biến dần trong biển người mênh mông, mãi mình mới thôi ngóng theo. Chợt nhớ tới chiếc cúc áo của thầy, mình hét to trong lòng: “Thưa thầy, hãy để em khâu áo cho thầy!”
Việc đầu tiên khi trở về nhà là tìm chiếc áo sơ mi trắng của mình cắt lấy chiếc cúc, bởi nó giống những chiếc cúc áo của thầy. Mai mình sẽ lặng lẽ đặt nó lên trên bàn giáo viên.
Ngày… tháng…
Những chiếc cúc áo của thầy đã được đơm, mình rất mừng. Phải biết rằng những chiếc cúc ấy là của mình. Nhưng khi đến gần thầy mới thấy đó là không phải là cúc áo của mình, chúng trông không hợp lắm với những chiếc khuy khác.
Mình muốn khóc. Vậy còn chiếc cúc của mình thì sao?
Lúc đang giờ học, mình lên nộp bài và tìm thấy chiếc cúc ấy ngay ở góc bàn của thầy. Mình nắm chặt nó, trong lòng buồn bã. Nó chẳng có ý nghĩa gì hết, đặt ngay ở trên bàn mà người ta không để ý. Mình nắm chặt chiếc cúc không bắt mắt ấy, đứng hồi lâu không động đậy. |
|
|