Ngọn núi lửa Nam Việt Nam
Thực tế và cường điệu
Bài của Helen Fanfani
(Financial Affairs)
Sài Gòn, tháng 2. Những người nước ngoài tại Sài Gòn am hiểu tình hình Nam Việt Nam đều phân vân về bài nói của Ngô Đình Nhu, em trai và cố vấn chính trị của Tổng thống, cũng là nhà lý luận quả quyết và hùng biện, người đề ra chính sách của chế độ. Ông dành một giờ trên đài phát thanh để thuyết phục dư luận Nam Việt Nam rằng Quốc gia chống Cộng non trẻ này đang đứng trước hai nguy cơ, một là tai họa Cộng sản lớn hơn điều mà người ta tưởng, hai là thái độ thiếu kiên định của Hoa Kỳ, cũng là một thứ nguy cơ. Có lẽ một chi tiết cần chú ý trước tiên: bản ký âm bài nói của ông Nhu không hoàn toàn khớp với bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh mà Việt Tấn xã phát hành trong bản tin buổi chiều và cũng không hoàn toàn khớp với bản tiếng Việt được công bố trên báo Việt ngữ, Ai cũng thấy bản công bố chính thức được giảm nhẹ giọng hằn học ở phần phê phán Hoa Kỳ. Tỉ như, ông Nhu khi nói, dùng danh từ “thiếu đạo lý”, khi công bố là “thiếu thông cảm”. Một tỉ dụ khác: khi nói, ông Nhu gọi những quan chức Mỹ thường chỉ trích Tổng thống Ngô Đình Diệm là “những quan thuộc địa với thói quen nhìn các dân tộc châu Á qua con số chi xuất đồng dollar” khi công bố, lại là: “những viên chức ích kỷ, chừng nào đó theo cách nhìn “nước Mỹ trước hết” của một vài Tổng thống Mỹ trước kia muốn giới hạn trách nhiệm nước Mỹ chỉ ở Tây bán cầu…”
Đây không phải là chuyện vặt vãnh. Phải chăng, anh em ông Diệm muốn dấy lên làn sóng chống Mỹ - dù hạn chế trên mặt trận báo chí - để chứng minh một cái gì đó hoặc để vòi vĩnh một cái gì đó. Và, khi mà đọc lại bài viết, họ giật mình và cố gắng điều chỉnh? Một nhân viên đại sứ quán Mỹ có vai vế, yêu cầu không nêu tên, nói với nhà báo: Người nghe đài phát thanh bao giờ cũng đông hơn người đọc báo. Đã có giả định được không, tình trạng bát nước đổ và người đang hốt nó - như cách nói dí dỏm của người Việt?
Cách đây vài tuần lễ, cũng trả lời phỏng vấn của tờ báo lớn của Pháp - tờ Le Figaro - cũng chính ông Nhu nói: Chúng tôi đang ngồi trên một ngọn núi lửa, chưa biết bao giờ nó sẽ phun.
Đã 3 năm kể từ một kẻ vô danh bắn vào Tổng thống trên miền đất hứa Cao nguyên. Bộ trưởng cải cách điền địa bị thương - chỉ một người thôi - nhưng cuộc thanh trừng như bất tận. Dẫu sao suốt 3 năm đó, không một biểu hiện nguy kịch nào khiến chế độ phải sợ hãi, về phía Cộng sản cũng như về phía những người Quốc gia khác chính kiến với ông Diệm, nếu những thông báo công khai có thể tin cậy được. Không ai không lạ lùng giữa khi guồng máy chạy bình thường - rất bình thường nữa - thì đột nhiên chính phủ Nam Việt Nam ban hành một sắc lệnh thời chiến: luật 10-59. Với đạo luật này - ngay nhà độc tài mụ mẫm ở một Quốc gia Nam Mỹ cũng chưa dám áp dụng - Cộng sản và đồng lõa phải bị xử chém.
Chiếc máy chém được lau chùi, sau khi nó biểu dương một lần cách nay 4 năm để thi hành bản án đối với tướng Ba Cụt của giáo phái Hòa Hảo. Chiếc máy chém bây giờ cần phát huy công suất, cho nên nó lưu động. Và, luật 10-59 có hiệu lực ngay - một chiếc đầu rơi, của một cán bộ Cộng sản cấp tỉnh tên là Hoàng Lệ Kha. Đồng thời, Nam Việt Nam áp dụng kinh nghiệm Mã Lai, thành lập các khu tập trung gọi là khu trù mật - dồn dân bấy lâu sống tản mạn vào đây, giữa bờ rào và tường đất, dưới tầm súng của các chòi gác, hoàn toàn không có một tiện nghi sinh hoạt nào, ngay nước uống.
Ở thành thị, chính phủ ông Diệm cho bầu cử Quốc hội, nhưng lại không cho ứng cử viên nhiều phiếu bước lên thềm Nhà hát lớn.
Sự trái ngược, lộn ẩu trong chính sách của Nam Việt nảy ra một loạt giả thuyết. Bài nói của ông Nhu phản ảnh rõ rệt sự trái ngược, lộn ẩu đó và nhân thêm các phỏng đoán. Ông Nhu nói: “Chế độ Cộng hòa đang ở vào giờ báo động. Chính phủ không muốn giấu giếm với quốc dân tình thế nguy hiểm hiện nay”. Tuy vậy, ông Nhu không hề chứng minh “tình thế nguy hiểm” một cách cụ thể mặc dù ông cố gắng chứng minh nguyên nhân của tình thế đó. Có hai điều, theo lời ông Nhu: Một, những kẻ tự nhận là Quốc gia, là chống Cộng nhưng nặng quyền lợi ích kỷ, vô tình hay cố ý tiếp tay cho Cộng sản. Hai, đồng minh của Nam Việt Nam bị những kẻ nói trên mê hoặc, có thái độ chập chờn trong sự lựa chọn giữa thời điểm nhạy cảm hiện nay - hoặc giữ đúng lời cam kết ủng hộ các nổ lực của chính phủ mà Tổng thống là đại biểu hiến định để đối phó hữu hiệu với Cộng sản, hoặc dung dưỡng bọn bất tài đang bất mãn, gây khó khăn cho quá trình củng cố chế độ tự do ở Nam Việt Nam và như vậy có nghĩa là sửa soạn dâng một phần đất còn lại này cho kẻ thù…
Không ai nghi ngờ ý chí chống Cộng của Tổng thống Diệm. Song, không ai không phát hiện qua bài nói của ông Nhu, những mục tiêu đấu tranh mà chế độ ông Diệm xem ngang, thậm chí nguy hiểm hơn Cộng sản: những người Nam Việt Nam không tán thành một số mặt chính sách nào đó của Tổng thống và bản thân chính giới Mỹ, ở những phần khác ý kiến với ông Diệm. Ít nhất, ông Diệm tự đặt cho mình ba đối thủ. Trên bình diện thực hành, chế độ Sài Gòn chưa dám làm cái gì phạm thượng đối với người Mỹ ngoại trừ sự nói xiên nói xéo. Còn đối với các nhóm theo chủ nghĩa Quốc gia thì chế độ chắc chắn không nương tay.
Nước Mỹ đang ở vào năm bầu cử. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa bắt đầu. Đảng Dân chủ có vẻ chiếm lợi thế nhờ xu hướng của công chúng Mỹ đòi hỏi cải thiện quan hệ với khối Cộng và nhờ Kennedy - người mà các cuộc thăm dò nhất trí là sẽ được đảng Dân chủ đề cử trong cuộc so găng vào tháng 11 với đảng Cộng hoà. Đó chính là cơ sở - nếu không phải là cơ sở duy nhất - cưỡng ép ông Nhu có bài nói thách thức vừa rồi. Tổng thống Eisenhower có thể phiền lòng, song ông không còn mấy thì giờ để làm một errata (1) đằng sau tác phẩm sinh nở và lớn khôn dưới thời của ông. Nhưng, Kennedy thừa thì giờ để “lập lại trật tự” trong cái tôn ti mà nước Mỹ đang cố giữ gìn.
Trái với phong tục cổ truyền của nước ông, ông Nhu không chúc lành mà chúc dữ nhân ngày Tết. Quả núi lửa có thể phun - nó phải phun - bởi trong vòng chiến, không chỉ có Cộng sản và chế độ ông Diệm. Và, bởi chính ông Diệm và gia đình ông muốn nó phun, hơn thế nữa, đang cố hết sức mình để thúc đẩy cho nó phun.
Câu ngạn ngữ sau đây không chắc tới bạn đọc Finacial Affairs vì cây kéo kiểm duyệt Sài Gòn: Con ếch thích to bằng con bò… Cường điệu một khi biến thành hiện thực - lạy Chúa - không phải là điều mà chúng ta cầu nguyện…
Báo cáo của Sở nghiên cứu chính trị.
Nhóm “Caravelle” - tên gọi do chương trình hành động của nhóm được thông qua tại một bữa tiệc mở trên tầng sáu khách sạn Caravelle. Chỉ có tờ Thời Luận đăng chương trình này. Báo tiếng Pháp - Journal d’Extrême Orient - đưa tin vắn tắt. Nhưng, hãng UPI, AFP đánh đi tin chi tiết - giới thiệu tỉ mỉ tiểu sử những người đứng đầu, nhất là Trần Văn Hương.
Chương trình nhấn mạnh hai điểm:
1- Đòi chính phủ thực thi dân chủ, cụ thể là đòi để các xu hướng quốc gia được quyền tập họp thành tổ chức, có cơ quan ngôn luận, được sử dụng đài phát thanh và có quyền phát ngôn khác như in ấn, lưu hành ấn phẩm, diễn thuyết. Đòi chính phủ đối thoại với các chính đảng, nhóm. Đòi tổ chức bầu cử quốc hội và công nhận phe thiểu số đối lập trong nghị viện.
2- Tự do kinh doanh, hủy bỏ các hình thức độc quyền của chính phủ
Chương trình nhằm khai thác sự bất mãn trong một số trí thức và một số nhà doanh nghiệp. Chương trình cũng tỏ ra khéo léo mơn trớn dư luận Mỹ, đặc biệt là dư luận ủng hộ đảng Dân chủ Mỹ đồng thời bỏ ngỏ khả năng thiết lập lại quan hệ tốt hơn với Pháp.
Trong phiên họp chót, Phan Quang Đán, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Trân phát biểu rất hăng. Đán khoe là “đã có những cuộc tiếp xúc bổ ích với người có thẩm quyền của đảng Dân chủ Mỹ”. Nguyễn Trân phân tích con đường cứu Việt Nam Cộng hòa khỏi rơi vào tay Việt Cộng: thay đổi chế độ, từ tổng thống chuyển sang chế độ nghị viện, từ độc đảng sang đa đảng. Hoàng Cơ Thụy nói về việc “phá thế cô lập của Việt Nam Cộng hòa trong thế giới tự do” mà hành động đầu tiên là “tỏ ra hiểu biết đầy đủ về vai trò của Pháp ở Đông Dương, một vai trò mang ý nghĩa lịch sử lẫn thực tiễn hiện tại, bởi Pháp là một cường quốc.
Trần Văn Hương kết luận cuộc họp. Ông nói ngắn và chung chung: Phải thực hiện đoàn kết quốc gia để chiến thắng Cộng sản. Chương trình hành động của nhóm được thông qua theo lối đưa tay.
Theo các nguồn tin, linh hồn thật sự của nhóm là Nguyễn Trân. Với các bằng chứng, chúng tôi thấy rõ hai thế lực sau đây đồng tình với Nhóm: một số sĩ quan và trí thức từng dính với Phòng nhì Pháp và đảng Đại Việt Hà Thúc Ký, Trương Tử Anh, kết liên với các nhóm Quốc dân đảng Nguyễn Hòa Hiệp. Cũng không loại trừ khả năng Nhóm thoả thuận ngầm với Thích Tâm Châu. Riêng nhóm Đại Việt Nguyễn Tôn Hoàn thì hình như đứng ngoài cuộc. Phần Trần Văn Hương, ông ta không thích Đán và các phe, song háo danh, tự coi như người đứng trên nên bị lợi dụng.
Sau đây, đính kèm:
1) Chương trình của Nhóm.
2) Băng ghi âm cuộc họp.
3) Danh sách 21 người dự họp.
Nhu rõ ràng thấm mệt sau những ngày căng thẳng liên tục. Anh ta gần như nằm hẳn trên ghế, chân gác lên bàn. Đôi mắt nặng nề nhìn người đối thoại với mình một cách lơ đãng. Luân thông cảm với hoàn cảnh và gánh nặng mà Nhu đang xốc đỡ. Chợt nhớ đến bài báo của Fanfani, Luân mỉm cười: Mỹ có trước mắt hai mục tiêu - cách mạng và phe phái; Nhu thêm một bận tâm nữa - Tổng thống Diệm. Như vậy, Nhu phải là người bận rộn nhứt.
- Anh cười cái gì? - Nhu hỏi, uể oải.
- Cười anh! Tôi vừa đọc một quyển sách, tựa là “Anh hùng thấm mệt”… - Luân trả lời, vẫn cười tiếp.
- Sách triết học hay văn học?
- Tiểu thuyết…
- Có chỗ nào giống tôi không?
- Giống… Giống chỗ “thấm mệt” nhưng con đường đi tới “thấm mệt” khác nhau xa.
- Anh còn thời giờ đọc tiểu thuyết, giỏi quá. Tôi chẳng những không còn thì giờ mà không còn đầu óc.
Nhu chống người dậy, châm thuốc.
- Mệt kinh khủng! - Nhu nói khi nhả ra làn khói - Trước kia, chính tôi đưa ra các đề thi, bây giờ chính tôi phải giải các đề thi. Toàn các đề thi hiểm hóc. Anh có thấy như vậy không?
- Thấy chớ! - Luân gật đầu - Tôi khâm phục sức làm việc của anh…
- Anh đọc báo cáo tuần của Bộ tham mưu chưa? - Nhu đùa sang Luân một xấp giấy - Tình hình xấu lắm. Rất xấu. Ta mất một phần lớn làng xã, Cộng sản đột ngột đẩy mạnh hoạt động, đặc biệt ở đồng bằng Nam phần. Tôi không hiểu họ lấy súng ở đâu, mà trong một thời gian kỷ lục, lập ra bao nhiêu tiểu đoàn, không có một dấu hiệu nào Bắc Việt tuôn người, tuôn súng vào Nam. Vậy mới lạ!
Luân lật qua xấp giấy. Những con số khô khan, những ghi nhận cụt ngủn mà anh quá quen. Với loại thông tin kiểu này, không trách Ngô Đình Nhu càng đọc càng mù tịt.
- Súng ngựa trời là cái gì, anh Luân? - Nhu hỏi - Súng bập dừa nữa?
Luân vừa đến Cục tác chiến, ở đó, anh thấy mấy khẩu “súng ngựa trời” tịch thu được trong các cuộc hành quân. Sĩ quan tác chiến không gọi chúng là “súng ngựa trời” mà là súng thô sơ, sứng tự tạo… chế theo kiểu súng săn, bắn đạn ghém, gồm một ống sắt làm nòng, một cơ bẩm mổ vào hột nổ đốt cháy khối thuốc và tống các thứ: miểng chai, đinh, mảnh sắt vụn, thậm chí dây kẽm cắt ngắn… thành một vòng sát thương rộng. Hồi kháng chiến chống Pháp, tiểu đoàn 420 chế được vài loại súng, nhưng không tiện bằng “súng ngựa trời”. Luân hiểu hoàn cảnh mới cho phép lực lượng vũ trang cách mạng tạo được vũ khí lợi hại. Người biết kỹ thuật quân khí đông hơn trước, vật liệu không khó kiếm. Tỉ như phosphore rouge (2) đâu mà chẳng có. Thuốc nổ còn lan tràn hơn.
“Súng ngựa trời” đi vào huyền thoại. Quân cách mạng muốn đặt “súng” ở đâu cũng được, trên ngọn cây, cạnh bờ đất, trong mái chòi. Chỉ chuyền một dây giật cơ bẩm, súng sẽ khai hoả. Người bắn an toàn. Súng không có cỡ nòng nhất định, nó tùy ống sắt - thậm chí, ống tre cũng tốt. Từ vài tháng nay, “súng ngựa trời” gây khủng khiếp trong quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Bộ tổng tham mưu và Cục tác chiến buộc phải mổ xẻ khẩu súng oái oăm đó. Các nhà chuyên môn về vũ khí đều lắc đầu: trò chơi này làm suy sụp tinh thần quân lính được sao? Tướng Williams, trưởng phái bộ quân sự Mỹ cũng bỏ công nghiên cứu khẩu súng.
- Anh chưa thấy “súng ngựa trời” sao? - Nhu thấy Luân im lặng, hỏi tiếp… - Tôi thấy rồi. Thấy súng… như cái ống thổi lửa ở nhà quê. Tại sao nó nguy hiểm?
Luân nghĩ rằng tốt nhất là không nên đi sâu vào khẩu súng ngựa trời. Nhu làm sao hiểu được sức mạnh của khẩu súng, không chỉ từ “cái ống thổi lửa ở nhà quê”
- Tôi đã xem qua một lần, nhưng chưa để ý tính năng, cấu trúc… Nếu anh cần, tôi sẽ trả lời sau.
- Được, hôm nào anh cho biết… Còn “súng bập dừa”? Súng “oảnh tầm sào”? Nước nào chế tạo? Quân độc chưa tịch thu được khẩu “bập dừa” mặc dù tôi ra lệnh phải kiếm cho được…
Tới đây, Luân bí như Nhu. Trong các sách nghiên cứu vũ khí bộ binh, kể cả vũ khí chế tạo tại các nước xã hộ chủ nghĩa, không đâu nói đến hai kiểu súng có cái tên rất lạ tai này. Còn lúc kháng chiến - quả chúng nó chưa ra đời.
- Tôi chịu thua! - Luân thú nhận.
- Không sao… Thế nào cũng có lần ta tóm được chúng… Bây giờ tôi muốn bàn với anh…
Nhu gọi thức giải khát và sau khi hớp mấy hớp bia, anh ta nói, giọng trầm trầm:
- Tôi tin là anh không khác tôi trong đánh giá tình hình. Bài nói của tôi trên làn sóng bị cô nhà báo Fanfani gọi là sự thổi phồng có dụng ý. Ngay Tổng thống cũng bảo tôi: Chú nói hơi quá. Nhưng không hại gì, tôi cần báo động trước để trị bọn thằng Đán, thằng Trân… Anh thấy không, Tổng thống đinh ninh tình hình không đáng ngại… Ta đành chưa vội tranh luận với Tổng thống. Còn cô nhà báo, cô ta rất thông minh, thậm chí, hơi dư thông minh. Cô ta là bạn của anh…
Luân nhún vai. Nhu cười:
- Tôi quả quyết về phần cô ta, chưa chắc cô chịu dừng mối quan hệ với anh ngang mức bạn, nếu không có cô Dung! Tất nhiên đó là chuyện riêng tư…
Nhu bỏ lửng câu nói. Luân hiểu rằng Nhu không đơn thuần cột anh với Fanfani theo kiểu tình cảm trai gái. Fanfani về Mỹ cuối năm 1958 và đã chính thức lấy chồng - phóng viên tờ Newsweeks chuyên săn tin ảnh khu vực Đông Nam Á, cách vài tuần từ Hồng Kông sang đây thăm vợ và Fanfani cũng làm ngược lại như vậy, rất đều đặn. Tuy nhiên, Luân vẫn cứ lặng thinh. Trong trường hợp anh để Nhu nghi nghi hoặc hoặc về quan hệ cá nhân giữa anh với một cô nhà báo Mỹ, có thể chưa phải là có hại. - Trên mọi cái - Nhu tiếp tục nói - an ninh nội địa đóng vai trò tiên quyết. Ta đủ mạnh làm chủ tình thế tại đất nước ta thì mới hòng trả giá với đồng minh. Nhóm Caravelle sở dĩ lăng nhăng vừa qua là vì an ninh nội địa mỗi ngày mỗi xấu. Cho nên, nhiệm vụ số một của chính phủ là vãn hồi an ninh. Vãn hồi an ninh hiện thời khác thời kỳ các giáo phái. Cộng sản khôn ngoan, có tổ chức, có kinh nghiệm hơn giáo phái. Tôi nghiền ngẫm nhiều đêm các bài viết của đại tá Thompson. Anh đã đọc rồi, phải không?
Luân gật đầu. Đó là tài liệu phân tích tình hình Mã Lai của Viên tư lệnh người Anh.
- Cộng sản Mã Lai không yếu, nhưng khi họ bị cô lập khỏi dân chúng thì chỉ còn còn đường rút vào rừng sâu. Chánh sách khu trù mật dựa vào kinh nghiệm Mã Lai: tôi có thể nói nó là một bước nâng cao sáng kiến vũ trang tự vệ của Anh ở Bình Dương. Khu trù mật toàn diện hơn: ta lập ra các pháo đài chống Cộng cả về quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế. Tôi không cho chính sách khu trù mật đã trăm phần hoàn hảo, bởi vậy muốn anh đi một vòng kiểm tra, nơi đã lập xong, nơi sắp lập… Chúng ta sẽ trao đổi cách bổ khuyết, sau chuyến kiểm tra của anh.
Luân đồng ý ngay. Anh xin Nhu nửa tháng để làm việc đó. Khi từ giã nhau, Nhu hỏi:
- Sao ông bà lâu có tin mừng quá vậy?
- Cô ấy chưa muốn có con. - Luân trả lời, thản nhiên.
- Anh đã lớn tuổi rồi, chậm con là không tốt… Tôi cứ ngỡ ông bà khó có con, nếu muốn, nhờ các giáo sư giỏi giúp…
Trên xe về nhà, Luân nghĩ ngợi mãi về câu nói của Nhu: Anh ta nói có hậu ý gì không?
Chuyến kiểm tra khu trù mật giúp Luân hiểu đầy đủ hơn thực tế tình hình. Về phương diện này anh thầm phục Nhu: Nhu ước lượng đúng nguy cơ mà chế độ Sài Gòn đang bị đe dọa - bị đe dọa mạng sống.
Luân chọn Tuyên Nhơn làm nơi đến đầu tiên. Anh chỉ có thể dùng trực thăng từ Tân Sơn Nhứt đáp xuống bờ Kênh Xáng. Khu trù mật chưa có hình thù. Lính đóng giữa vòng thành đất và dây kẽm gai. Hàng nghìn dân chúng dưới nắng Đồng Tháp Mười đổ lửa, nai lưng đào các tuyến phòng thủ. Các làng quanh đó bị lùa ra Tuyên Nhơn - hồi kháng chiến, Luân từng qua lại đấy và bấy giờ gọi là vàm kênh Dương Văn Dương, con kênh đổ vào sông Vàm Cỏ Tây. Trung tá tỉnh trưởng Kiến Tường đích thân chỉ huy xây khu trù mật Tuyên Nhơn - một trong bốn khu trù mật trong tỉnh đã được Tổng thống duyệt; ba cái kia là Mộc Hóa, Thủy Đông và Nhơn Hòa Lập. Quốc sách khu trù mật được giới thiệu khá đầy đủ về ý nghĩa trong nhiều quyển sách, bài viết của những tác giả lớn, như cố vấn Ngô Đình Nhu, Tổng giám đốc thông tin… Nhưng trung tá tỉnh trưởng hiểu nó ở mức đơn giản hơn hết.
- Thưa trung tá! - Ông ta báo cáo với Luân - Công chuyện đuổi dân khỏi làng xóm cũ không phải dễ. Như tụi ở kinh Năm Ngàn, ở kinh Mười Hai, hầu hết gia đình Cộng sản, tôi cho lính đốt nhà. Đốt nhà mà tụi nói chưa chịu ra. Tôi cho thụt cối vô. Ra được một mớ. Sau Tết, đồng cạn nước, tôi cho xe bọc thép ủi láng tè! Ra thêm mớ nữa. Tới bữa nay, tôi quy về tỉnh lỵ Mộc Hóa phân nửa, còn phân nửa chia cho mấy khu… Trung tá có thể trình với ông cố vấn rằng Kiến Tường xây xong khu trù mật nội trong năm nay..
Luân hỏi han thêm các mặt tình hình trong tỉnh. Không phải viên tỉnh trưởng - nhiều nét hao hao viên quận trưởng Gò Đen mà Luân và Dung gặp khi Nhu mở màn đợt tố Cộng năm xưa, nghĩa là dư thừa máu lưu manh - mà thiếu tá quận trưởng Tuyên Nhơn nho nhã kể cho Luân nghe nhiều điều, với Luân, rất đặc sắc. Tay thiếu tá xuất thân sinh viên luật khoa, học trường võ bị, đầu tiên làm ở Cục quân huấn, do cãi vã với cấp trên, bị tống khứ về xứ trống lốc trống lơ này, hè mùa khô thì nắng cháy da, ngó mút con mắt chưa thấy chòm cây xanh, mùa mưa thì nước dâng tận mí chân trời, bốn bề y biển cả.
- Em chắc chắn là ông cố vấn, Tổng thống, đại tướng và ông, không ai được đọc báo cáo chỉ huy phó bảo an tỉnh… Bởi trung tá tỉnh trưởng đốt báo cáo đó rồi, đốt rồi còn vò cho tro nát bấy… Báo cáo về trận gò Măng Đa. Gò Măng Đa nằm về phía tây Mộc Hóa, cách Mộc Hóa 20 cây số đường chim bay. Sau Tết chừng bốn hay năm ngày, tỉnh trưởng ra lịnh cho thiếu tá chỉ huy phó bảo an hành quân vào gò Măng Đa, lùa số dân còn sót, - chừng mươi hộ - ra khu trù mật. Em với thiếu ta chơi thân, bạn học ở trường Pétrus Ký, nên anh ta rủ em cùng đi. Còn chờ làm việc với tỉnh trưởng, em theo anh ta. Nước vừa rút, đường hơi khó đi. Tụi này bắt đầu đi hồi 6 giờ sáng mà 11 giờ mới tới cái gò nhỏ, non một tiếng nữa mới tới Măng Đa. Thiếu tá Long - tên anh chỉ huy phó bảo an - bảo lính tạm nghỉ trên cái gò nhỏ đó. Tụi này đang vạch sậy leo lên gò thì bỗng nghe có tiếng hô: “Tất cả đứng im! Đưa tay lên… Các anh rơi vào ổ phục kích của quân cách mạng rồi… Ai kháng cự, ai chạy sẽ bị bắn…”
Người nói trong sậy, không biết mặt mũi ra sao và cũng không biết họ đông hay ít. Thế của tụi em thì rõ là bất lợi: họ ở trên gò cao, có cây cối che, tụi em ở dưới đồng, không có cái gì để núp. Nước lại sền sệt…
Thiếu tá Long không biết phải làm sao. Lính, sĩ quan đã đứng như trời trồng, đưa súng lên cao.
- Xếp súng chỗ đất khô đó rồi dang ra ngoài ra, ngồi xuống, đặt tay lên ót, nhớ quay lưng vô gò…
Lịnh lần này được chấp hành thiệt lẹ, luôn thiếu tá Long và em - tụi em nộp hai khẩu súng ngắn.
Tuy ngồi quay lưng lại, em vẫn cố gắng liếc xem họ sẽ làm gì. Trong lùm cây nhô ra hai người, mình mẩy lấm sình. Họ chuyển số súng lên gò. Số súng khá lớn - em quên nói: quân số của em gồm 380 người cho nên có lẽ thấy chuyển chậm, họ ùa xuống đông hơn. Trung tá biết ai không? Hai chú nhỏ chừng 13, 14 tuổi, ba người đàn bà, bốn ông già… Giữa lúc chuyển súng, hai người tiến về phía tụi em - một trung niên thủ khẩu Colt của thiếu tá Long, người thanh niên, ngoài khầu Vicker của em giắt ngang lưng, thủ khẩu Thompson. Người trung niên bắt đầu diễn thuyết. Đại khái ông ta chửi bới Tổng thống Diệm và đế quốc Mỹ, kêu gọi đấu tranh đánh đổ chế độ độc tài gia đình trị. Ông ta nói không hay, không lưu loát, lộn xộn nữa. Một người lính biết mặt ông ta và người thanh niên - hồi đó, người lính sợ run, cố không để bị hai người kia phát hiện - anh ta nói với em khi đã thoát nạn: ông trung niên là dân đặt trúm, cậu trẻ hơn là dân nhổ bàng, chẳng phải quân đội Việt Cộng gì ráo!
Sau đó, tụi em được tha vì, theo lời ông trung niên: tui em lầm lạc, chưa có nợ máu với nhân dân.
Thế là Kiến Tường mất trọn một tiểu đoàn súng. Thiếu tá Long tình thật khai ngay, trung tá mắng cho một trận: Anh muốn kéo tôi chết chìm hả? Báo cáo sửa đổi vụ gò Măng Đa thành một trận đụng độ ác liệt, Việt Cộng chết mấy chục, ta vô sự, thu được gần 200 súng… Nhưng, sau đây mới thật là chuyện khôi hài, vợ của tay lính mà em vừa nhắc, khi thăm chồng, thuật cho mọi người nghe: Hôm đó, dân gò Măng Đa đi tát đìa, “quân số” gồm tổ trưởng nông hội, một nam thanh niên, hai cô gái, một bà xồn xồn, bốn ông già, hai chú nhỏ, tổng cộng 11. Họ chỉ có một khẩu “oảnh tầm sào” và mươi viên đạn. Tát xong đìa, họ bắt cá thì thấy lính Quốc gia dàn hàng ngang tiến vào gò. Không thể chạy vì đồng trống trải. Tổ trưởng nông hội túng quá, hô hoán. Không dè lính Quốc gia ríu ríu đầu hàng. Súng chuyển tới chiều mới hết.
Nghe rồi, em tức quá, xin trung tá cho em truy kích. Trung tá can em: Đừng dại, chết uổng mạng… Cái ông trung tá này hùng hổ với dân, lại rất ngán Việt Cộng.
Viên thiếu tá cho Luân biết thêm: Cách vụ gò Măng Đa mấy hôm, tình huống cũng na ná và con số cũng lớn: gần ba trăm súng các loại. Và Luân đã có thể giải đáp thắc mắc của Nhu: Vì sao Việt Cộng đột ngột trang bị nhiều súng.
Cố giấu niềm vui, Luân hỏi với vẻ rất nghiêm chỉnh:
- Súng “oảnh tầm sào” là súng gì?
- Ồ! Trung tá không biết sao? Cây mousqueton indochinois (3), nòng dài như sào chống xuồng…
“Ra là vậy!” - Luân kêu thầm – “Trong một thời điểm nào, nằm trong tay ai, ống sắt “súng ngựa trời” mạnh như đại bác, khẩu súng trường cổ lỗ sĩ trở thành liên thanh. Từ giữa năm 1954 đến nay, quân lính của chính quyền Ngô Đình Diệm quen thói kiêu căng, bởi đồng bào ta không có vũ khí. Bây giờ trở đi…” - Luân mỉm cười. Và anh nhớ số súng của ông Hai Sặt ở Phụng Hiệp – “có thể chúng đang gieo kinh hoàng cho quân lính Diệm ở Cần Thơ”.
Viên thiếu tá hiểu cái cười của Luân theo nghĩa khác.
- Tồi tệ quá, phải không, thưa trung tá?
Luân thấy thương hại anh chàng sĩ quan khờ khạo này.
- Em không bi quan đâu! - Viên thiếu tá lại hiểu lầm cái nhìn của Luân - Nếu em có quyền, như chịu trách nhiệm tỉnh Kiến Tường, em sẽ giành ngay chủ động. Em đọc nhiều bài viết của trung ta, nghe bạn bè bàn tán về chủ trương của trung tá bình định tỉnh Bình Dương… Đúng lắm, chống Cộng theo kiểu các anh du côn không bao giờ thành công được. Chống Cộng là công việc của trí tuệ.
Viên thiếu tá càng nói càng sôi nổi. Anh ta tự nhận là đệ tử của Luân. Luân bỗng giật mình: Những tà thuyết mà anh bắt buộc phải tung ra như hỏa mù đã ô nhiễm mấy người? Dầu sao viên thiếu tá cũng dễ thương. Luân ghi nhớ tên anh ta: Trương Tấn Phụng.
Điểm thứ hai Luân đến nghiên cứu là Ba Chúc, vùng người Miên, thuộc quận Tri Tôn. Dân chúng bị cưỡng bức rời nơi sinh sống lâu đời, bỏ vườn bỏ nhà, dồn vào khu chợ chật hẹp. So với Tuyên Nhơn, Ba Chúc khá hơn: đã có những dãy phố lợp tôn xếp ngay hàng thẳng lối, có trường học, nhà thương, đường sá. Tuy vậy, người Miên ủ rũ trước căn nhà nóng như thiêu, con bò của họ không chuồng, rong khắp chợ, không có một cọng cỏ để nhơi…
Còn non tuần lễ nữa, khu trù mật Ba Chúc khánh thành. Luân biết là Tổng thống sẽ đích thân dự lễ khánh thành. Quan chức cấp tỉnh nườm nượp kéo về Ba Chúc sửa soạn màn kịch khánh thành sao cho đẹp lòng Tổng thống.
Đường trong khu trù mật sẽ mọc lên cây xanh - Luận lại gặp trò gian dối đó ở Ba Chúc như anh từng gặp ở Ban Mê Thuột: Người ta đang đào lỗ và sẽ cắm xuống các cây chặt trong vườn…
“Ngay trò lừa bịp, cũng không cải tiến!” - Luân nghĩ thầm – “Bởi người ta lừa bịp cũng không chịu cải tiến cách thưởng thức lừa bịp!”
Luân vào nhà thương, Trung tá tỉnh trưởng cùng đi với Luân. Mấy chục người mặc quần áo bệnh nhân nằm trên gường. Người ta sẽ mời Tổng thống lướt qua các gường bệnh để thấy khu trù mật ưu ái với dân chúng như thế nào. “Bệnh nhân” hầu hết là công chức cấp quận được lệnh phải tập đóng tuồng cho thuần thục, Luân buồn cười quá, bảo tỉnh trưởng:
- Trung tá không thấy cái khác nhau giữa người đau bịnh thật và giả sao? Bệnh nhân đều mập mạp… Hơn nữa, không có bịnh nhân người Miên…
Câu trả lời của trung tá tỉnh trưởng khiến Luân sững sờ:
- Tổng thống chỉ thích người bịnh mặc quần áo tốt còn Cụ đâu có để ý bịnh thật bịnh giả, người Việt hay Miên. Vả lại, nếu lấy người Miên thì quần áo dơ hết. Quần áo tôi mượn của nhà thương tỉnh, sau đó, phải trả đủ…
- Chuyện đời như vậy đó! - Tỉnh trưởng nói tiếp: - Tôi biết trung tá không ưa xoi mói, nên nói thật. Làm theo sở thích của Tổng thống thì yên ổn, lại dễ lên chức!
Sau khu trù mật Ba Chúc, Luân đến Bình Hưng, lãnh địa của cố đạo Nguyễn Lạc Hóa, một người Hoa. Tại đây, Luân nghe thông báo của Nhu: Khi Luân vừa rời khỏi Ba Chúc, Việt Cộng nã cối vào khu trù mật, gây một số tổn thất. Anh không rõ số phận của viên trung tá, sự khôn ngoan lõi đời liệu cứu nổi ông ta khỏi bị Nhu trừng phạt không?
Linh mục Nguyễn Lạc Hóa béo ị, với tất cả nét đặc trưng của người Hoa phương Nam - nhanh nhẹn, nói nhiều - ngay trong cái bắt tay đầu tiên đã tỏ rõ thái độ ngạo mạn của kẻ tự nhận là cha đẻ ra khu trù mật. Đặc khu Bình Hưng thiết lập từ 1956 sau đợt di cư. Lúc đầu, nó chỉ gồm những người Hoa theo đạo Thiên Chúa giáo trước đây sống ở Hải Phòng, ở đảo Cát Bà, Móng Cái. Lần lần Nguyễn Lạc Hóa lùa thêm dân các làng quanh đó, tạo một vòng đai bao quanh khu Bình Hưng. Hắn được phong hàm trung tá và Bình Hưng thực tế là một căn cứ biệt kích, với một số huấn luyện viên Mỹ, không phụ thuộc Sài Gòn về ngân sách.
Ngôi nhà gạch quét vôi nổi lên giữa màu xám xịt của cả một khu toàn mái tôn, áp đảo luôn ngôi nhà thờ đơn sơ cạnh đó. Nguyễn Lạc Hóa, tóc đốm bạc, trong bộ quân phục, súng ngắn bên lưng, tiếp Luân phảng phất nghi thức của một tiểu vương vịnh Ả Rập, trộn lẫn mùi vị một Tổng thống Trung Phi, như Amin: Các cô gái nõn nà dâng rượu - khay bày nhiều loại, có Cognac, Whisky, Ngũ Gia Bì - giữa gian phòng sáng điện, máy điều hòa mát lạnh.
- Tôi đã bảo ông Nhu đến chục lần: Muốn trị tận gốc bọn Cộng sản phải biết khủng bố - Nguyễn Lạc Hóa nói, giọng lơ lớ nhưng ý tứ rõ ràng - Tôi không cần máy chém. Đưa máy chém đi hao tốn. Người của tôi bịt miệng bọn Cộng sản giản dị hơn nhiều. Anh có thể nhìn tật mắt quanh đây, chẳng đứa nào dám thở hơi Cộng sản…
- Con nghe đồn lính của Cha moi gan người ăn sống… - Luân nghiêng nghiêng đầu.
- Không! - Nguyễn Lạc Hóa xua tay - Ăn gan sống thế nào được? Phải nướng chứ!
- Rồi lắc vú phụ nữ…
- Như thế, có gì đáng phàn nàn? - Nguyễn Lạc Hoa hỏi lại, khiêu khích.
- Con chỉ nghe, bây giờ được Cha xác nhận. Cám ơn Cha… - Luân mím môi dằn từng tiếng.
- Anh không biết hay giả bộ không biết? Các sĩ quan Mỹ dạy cho lính của tôi đó.
Nguyễn Lạc Hóa cười rộ:
- Họ có lý. Cộng sản là một thứ mọi da đỏ. Theo tôi, đáng giết hơn mọi da đỏ nữa…
Luân cố tự kiềm chế để không rút súng nã vào sọ tên bại hoại đội lớp thầy tu này.
- Dương Tái Hưng có đến Bình Hưng không?
Luân đổi hướng câu chuyện.
- Anh cũng biết ông ta? - Nguyễn Lạc Hóa không trả lời mà hỏi lại.
- Lâm Sử chắc đã đến đây rồi? - Luân hỏi rấn tới.
- Lâm Sử nào?… - Nguyễn Lạc Hóa nhíu mày - À gã đại diện cho Trung Cộng, phải không? Anh quen nhiều người Hoa quá… Tốt! Tốt!
Luân thấy không cần thiết ở lại lâu hơn tại Bình Hưng. Từ trên trực thăng anh quan sát lần nữa toàn bộ cấu trúc đồn lũy của Nguyễn Lạc Hoá; nếu anh chỉ huy thì cần vài tổ đặc công mở cửa đột phá ở hai hướng, tiêu diệt đặc khu Bình Hưng không phải là chuyện khó.
Luân đáp xuống Vị Thanh. Đây là chặng chót của chuyến công tác. Khi trực thăng sà thấp, Luân kinh ngạc trước quang cảnh tiêu điều của cả khu trù mật - trọng điểm số một của vùng sông Hậu, được long trọng khánh thành cách nay không lâu, được quay thành bộ phim tài liệu giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước.
Hèn chi, hôm qua, Luân nghe giọng nói trên bộ đàm của tỉnh trưởng không mấy nồng nhiệt - ông ta chưa muốn tiếp phái viên Phủ tổng thống. Mặt tiền khu trù mật ngó con kênh lớn, nhà cửa xiêu vẹo, hầu như không có người.
- Một nhóm Cộng sản trà trộn vào gây rối - Tỉnh trưởng giải thích - Chúng cưỡng bức đồng bào theo chúng ra ngoài… Chúng tôi đang lùng bắt.
Nhìn vết đạn ràng ràng khắp nơi, Luân nghĩ tới một trận tấn công của quân cách mạng. Nhưng qua báo cáo lúng ta lúng túng của tỉnh trưởng, Luân hiểu không hề có Việt Cộng nào trà trộn gây rối mà đây lại là cuộc đấu tranh của những người bị lùa vào khu trù mật. Cuộc dấu tranh rất lớn, gần mười nghìn người tham dự. Quần chúng đã bị lùa và sắp bị lùa mang khẩu hiệu, đơn từ đòi gặp tỉnh trưởng Chương Thiện. Tỉnh trưởng lánh mặt. Quần chúng bao vây dinh tỉnh trưởng. Lính được lệnh bắn dọa. Thế là xô xát. Những người bị lùa mang đồ đạc, gạo thóc xuống xuồng trở về quê cũ. Lính ngăn không nổi.
- May mà lính biết khôn không bắn vào dân! - Tỉnh trưởng chưa hết hãi hùng đã thú thật - Chứ dân mà say máu thì chúng tôi không còn ai sống sót… Bây giờ, trăm sự nhờ trung tá liệu lợi trình với Tổng thống và ông cố vấn. Chúng tôi sẽ khôi phục khu trù mật, có điều không mau. Cộng sản đã có súng, du kích lại bắt đầu hoạt động cách Vị Thanh vài cây số thôi…
Thế là một tỉnh lỵ bị quần chúng tràn ngập! Luân phấn khởi trong lòng, dặn dò chớ không rầy quở tỉnh trưởng, bay trở về Sài Gòn. Anh được Nhu cho miễn viết một báo cáo đầy đủ. Nhu nghe anh chừng mươi phút, ngăn anh:
- Lúc khác tụi mình sẽ bàn kỹ. Bây giờ, có một công vụ đặc biệt, Tổng thống muốn đích thân giao anh…
----------
(1) Cải chính, sửa sai.
(2) Phốt pho đỏ, một hóa chất để chế tạo thuốc súng
(3) Súng trường Đông Dương (sản xuất tại Việt Nam)
|
|
|