Viên bí thư cóm róm vào. Ông ta chờ đã trót 15 phút, không dám kinh động tổng thống. Mãi khi tổng thống lầm bầm, ông ta mới cúi rạp người, nâng chiếc cặp giấy, đặt thật nhẹ lên mặt bàn.
- Việc chi? – Diệm hỏi.
- Trình cụ, báo cáo của Bộ ngoại giao.
Diệm mở cặp, khẽ liếc viên bí thư. Bên trong cặp một xấp giấy đánh máy, trên góc từ đầu ghi hàng chữ đỏ: “Kính trình cụ”. Diệm bỗng nhỏm lên lật tiếp các tờ còn lại, tìm tờ cuối.
- Răng mà như thế ni?
Ông đẩy cặp giấy về phía viên bí thư. Thường chỉ khi quá vui hoặc quá bực Diệm mới nói giọng Quảng Bình pha Thừa Thiên.
Viên bí thư luống cuống. Ông ta chưa rõ tổng thống nhận xét về cái gì. Luống cuống, râu mép ông ta động đậy như lính thủy đánh semaphore.
Hai người bước vào phòng, nghiêng mình chào Diệm.
- À! Chú Nhu, cháu Luân... - Diệm hờ hững đáp lễ vừa châm một điếu thuốc.
Nhu nhìn Luân, cả hai ngồi xuống ghế đặt sát bàn làm việc của tổng thống. Viên bí thư, ngỡ thoát nạn, chào vui vẻ:
- Thưa ông cố vấn... Chào thiếu tá!
Diệm dụi thuốc mà ông vừa rít hơi, sẵng giọng:
- Tôi bảo đến cả vạn lần: Bộ trưởng không có quyền phê chữ đỏ trên đầu các công văn trình cho tôi. Hiểu chưa! Thầy nói với ông Mẫu, là luật gia phải biết là cuối công văn trình cho tôi cần ghi câu gì chứ?
Diệm không có vẻ chỉ nói với viên bí thư. Trước mặt ông, còn có Nhu và Luân, và ông muốn dặn luôn cả hai người.
Viên bí thư không dám cười nữa. Ông ta “dạ” “dạ” liên hồi, dù rằng ông ta thật tình chưa hoàn toàn nắm được ý nghĩa câu sau của tổng thống.
- Thầy coi đây!
Diệm lôi xấp công văn trở lại, lật tờ chót, mang chữ ký của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Vũ Văn Mẫu.
- Nay kính trình... - Diệm trỏ vào hàng chữ nghi thức đó – Cụt như rứa! Trình lên Tổng thống mà chi gọn lỏn hàng tôm hàng cá rứa, coi sao được.
Viên bí thư vẫn ngơ ngác. Diệm nổi nóng, tất nhiên vô cớ mà nổi nóng thì khó giống như thật được. Điều đó chỉ Nhu và Luân thấy rõ, còn viên bí thư, ông ta toát mồ hôi.
- Trước kia, họ trình cho ông Bảo Đại, kết thúc các văn bản mần răng?
Viên bí thư vỡ lẽ, nói trong giọng khấp khởi:
- Trình cụ, cụ dạy chí phải! Kết thúc công văn phải ghi: “ Xin cụ nhận nơi đây tấm lòng tri ân cung kính và trung thành... ”
Nhu nhìn Luân cười nhẹ - nụ cười đượm buồn.
- Thầy nói đúng có một phần. – Diệm đã dịu giọng – Từ này, tôi cấm dùng tiếng “cụ” thay cho tiếng “Tổng thống”. Hiểu chưa?
- Dạ...
Diệm lật một trang trong xấp công văn, hỏi:
- Thằng ni ai bổ nhiệm mà sang Nhật buôn lậu? Tùy viên chi thứ lưu manh đó!
Viên bí thư lại luống cuống. Ông ta phải lấy khăn tay chậm mồ hôi trán.
- Tôi hỏi sao thầy không trả lời? Ai bổ nhiệm Nguyễn Hữu Thế... - Diệm dồn viên bí thư.
Nhu đủng đỉnh đứng lên, lại bàn, lấp xấp công văn.
- Anh bổ nhiệm, chứ ai!
Diệm trợn mắt:
- Chú nói chi lạ rứa? Tôi?
Diệm gạt phăng chiếc gạt tàn thuốc rơi xuống nền, vỡ tan. Gói Ruby Queen cũng rơi theo. Viên bí thư lăng xăng lượm các thứ.
Nhu vẫn điềm đạm trỏ vào một tờ giấy đính trong xấp công văn:
- Thì đây, anh xem!
Tờ giấy có hàng chữ bút chì đỏ của Diệm: Phê chuẩn việc bổ nhiệm này.
Diệm thừ mặt:
- Ai mà lường nổi...
Rồi, như để lấp liếm, Diệm hỏi viên bí thư:
- Hắn là con ai?
Viên bí thư hối hả:
- Trình Tổng thống, con của bác sĩ Nguyễn Hữu Thanh... .
Diệm lại sừng sộ:
- Thầy vẫn chưa bỏ tật hồ đồ! Con của bà nào? Bác sĩ Thanh có tới ba, bốn vợ...
Viên bí thư đành gãi tai, lúng búng:
- Dạ...
- Thôi, thầy sang Bộ ngoại giao...
Viên bí thư mừng rỡ, xếp lại công văn.
- Khoan! – Diệm lại đổi ý. - Thầy gọi cho tôi ông Bộ trưởng tài chính... Bảo ông ấy đến ngay, với tất cả các con của ông ấy.
Viên bí thư đến chỗ đặt điện thoại. Diệm hỏi Nhu:
- Chú với cháu Luân đi đâu về?
- Em với anh Luân đến Bộ thông tin. Em muốn biết lệnh cấm ngoại kiều làm 11 nghề của ta ảnh hưởng tốt xấu ra sao...
- Thế à? Ra sao?
- Xôn xao dữ! Các bang Hoa kiều họp mấy hôm nay, họ cử một đoàn đại biểu do ông Trần Thành cầm đầu xin yết kiến Tổng thống.
- Gây áp lực, hử?
- Chắc là có. Đại sứ Trung Hoa Dân quốc cũng xin gặp ngoại trưởng Mẫu.
- Chú thay tôi mà tiếp Trần Thành. Nói cho họ hiểu: tôi cấm 11 nghề là nhân đạo, đáng lý tôi tịch thu tài sản của họ. Dư luận trong nước thế nào?
- Dĩ nhiên, người ta hoan nghênh. Đã có hai chục nghìn người Việt xin phép hành nghề xuất nhập cảng, thay cho Denis Frères, Poiosard et Veyret, Ismael... và bây giờ thay cho các công ty Hoa...
- Tốt quá!
- Em sẽ thưa với Tổng thống sau...
- Chú không tán thành?
- Nói phải dài. Ngày mai em xin phép làm việc... Anh cần nghỉ, tối nay chiêu đãi Quốc khánh. Chiều nay anh phát biểu với đài truyền hình Mỹ và thu thanh đài quốc gia... Xin nhắc anh: hôm nay, ngày ban bố Hiến pháp.
- Được... Ý chú với cháu Luân thống nhất không?
Nhu tế nhị nhường lời cho Luân.
- Thưa Tổng thống,về căn bản, tôi đồng ý với anh cố vấn!
Viên bí thứ gọi điện xong, báo cáo:
- Trình Tổng thống, 10 phút nữa, ông Bộ trưởng và các con tới. Ông ấy đang ngủ trưa.
- Ủa? Giờ này mà ngủ trưa sao? – Diệm trợn mắt.
- Sắp 12 giờ rồi thưa anh! – Nhu xem đồng hồ.
- Chà tôi không dè... Đợi cháu Lệ Thủy về ăn cơm luôn thể. À! Lịnh cho dân đốt pháo 3 ngày, chú đã kiểm tra lại chưa?
Nhu gật đầu. Viên bí thư lùi ra cửa.
- Này! – Diệm gọi giật ông ta – Sao tên thầy lại là Vương Văn Mì? Sửa lại đi! Mì chẳng có nghĩa gì cả. Một nước văn hiến không nên có người mang tên cục mịch... Hiểu chưa?
Viên bí thư dạ dạ.
- Mỹ được không? Vương Văn Mỹ! Đẹp quá!
Viên bí thư chắp tay:
- Xin tri ân Tổng thống!
Diệm chợt hỏi:
- Sao thầy để râu?
Viên bí thư chưa biết làm gì, Nhu gỡ rối cho ông ta:
- Anh ra đón ông Bộ trưởng.
Diệm ngã người lên ghế bảo:
- Tôi đã ký sắc lệnh đổi tên các tỉnh, các quận. Một nước văn hiến không thể có tên tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Thủ Dầu Một... Căn cứ vào Đại Nam Nhất thống chí mà sửa. Bến Tre là phủ Kiến Hòa. Mỹ Tho nguyên là trấn Định Tường... B’lao nghe mọi rợ quá, tôi đổi là Bảo Lộc. Bù Đốp chẳng có nghĩa gì, nên kêu là Bố Đức, Tônglêcham nêu kêu là Tống Lê Chân...
Rồi Diệm chép miệng:
- Dân ta còn nặng thói nô lệ. Người Pháp đặt tên gì họ kêu tên ấy. Các chính phủ như ông Xuân, ông Hoạch, ông Tâm, chẳng có đầu óc Quốc gia.
Trước thái độ kiêu hãnh của Diệm, Nhu đăm chiêu, Luân lặng lẽ ngồi nghe.
- Chú thấy thế nào? – Diệm hỏi Nhu, khó chịu.
- Em nghĩ nhưng việc anh nêu ra đều quan trọng. Song...
- Song, – Diệm cướp lời Nhu – Chú cho rằng sự chống đối lệnh cấm nhảy đầm là quan trọng hơn, phải không?
Diệm ngồi ngay trở lại, giọng hậm hực:
- Một xã hội xa rời đạo đức cha ông thì còn gì là xã hội. Tôi xem ảnh một đoàn xiếc, con gái đàn bà gần như lõa thể. Ra chợ tôi thấy món lạ, hỏi thì mới biết đó là thứ ngừa thai. Bậy quá, ai cho nhập cảng thứ phản thiên nhiên đó? Sao cứ thổi phồng nhu cầu sinh lý? Chỉ có những kẻ mang hạ bộ trên đầu mới chống luật lệ của Chính phủ!
Nhu, mặt đau khổ, nói chậm rãi:
- Thưa anh, thưa Tổng thống... chúng ta thuộc về một gia đình mà số phận gắn liền với vận mệnh quốc gia. Em thấy bất kỳ việc lớn nhỏ, Tổng thống nên hết sức thận trọng.
- Chú chậm hiểu hơn thím Nhu! – Diệm kêu lên – Chú học rộng, thông minh, có tài, sao lại lờ mờ quá vậy? Gia đình là nền tảng của xã hội. Lý thuyết Cần lao Nhân vị của chú không dựa trên sự củng cố đạo đức gia đình thì mong gì thi thố được ngoài xã hội!
Nhu khẽ lắc đầu. Diệm ngó anh ta trừng trừng. Có vẻ Tổng thống sắp nổi cơn thịnh nộ.
Viên bí thư trở vào, và lần này ông ta cứu Nhu:
- Trình Tổng thống, ông Bộ trưởng tài chánh và bốn con đã tới...
- Vậy hử? Thầy lấy cái máy ảnh Polaroiid của Đông cung Thái tử Nhật biếu tôi...
Diệm chợt thấy Vương Văn Mì đã cạo bộ ria mép, hỏi:
- Ủa, sao thầy cạo râu?
Mì không trả lời, lầm lũi rời phòng.
- Chú với Luân ngồi chơi. Tôi gặp ông Bộ trưởng năm ba phút... Trưa nay Luân ăn cơm với gia đình, nghe!
- Anh thấy ở anh Diệm có điều gì khác lạ không? – Nhu hỏi. Luân im lặng, ngó theo làn khói thuốc.
- Không chỉ một điều mà nhiều điều khác lạ. - Nhu nói trầm ngâm – Chẳng hạn vừa rồi, Tổng thống nghiêm cấm các Bộ trưởng trưởng châu phê trên công văn. Trước đây, Tổng thống nghiêm cấm các Bộ trưởng cắm quốc kỳ trên xe, nghiêm cấm các quan chức đi lại có hộ tống, kể cả Tổng tham mưu trưởng. Tổng thống đòi cuối công văn phải ghi công thức tâng bốc Người. Tôi còn biết, Tổng thống ra lệnh các báo đài đăng ảnh của Tổng thống, ảnh nào, mỗi ngày mấy ảnh, khôi phục “kim khánh” coi như là huân chương cao nhất của Việt Nam Cộng hòa. Chưa hết, Tổng thống quyết định sáng mồng Một Tết, Nội các phải đến dinh Độc Lập chúc mừng năm mới Tổng thống...
Nhu nói một thôi, càng nói càng nặng giọng.
- Tất cả những điều khác lạ đó chứng tỏ Tổng thống chú ý những cái vặt vãnh. Tổng thống dồn tâm trí đổi tỉnh lỵ Bến Tre ra Trúc Giang, đổi Vương Văn Mì ra Vương Văn Mỹ, bắt bẻ từng dấu chấm phẩy trong công văn... đồng thời lấy cá nhân mình làm trung tâm chân lý. Chỉ còn đổi dinh Độc Lập ra điện Thái Hòa, tôi không bào đệ mà hoàng đệ, lấy bài “Đăng đàn cung” làm quốc ca, cờ “Long Tinh” làm quốc kỳ là đủ! Ngay Tổng trưởng phải hạ xuống là Bộ trưởng, không phải vì sự chính xác của ngôn từ mà vì anh tôi muốn hạn chế chia sẻ chữ “Tổng” cho người khác! Khi đầy quyền uy, người ta thêm tính xấu, tính ganh tị...
- Tôi e rằng anh quá bi quan! - Luân nói giọng vui.
- Không! – Nhu phản ứng – Giữa Tổng thống và tôi có một khoảng cách về sự đánh giá tình hình. Tổng thống cho rằng chúng ta đã lên đến đỉnh của sự thành công, tôi cho rằng chúng ta đang bắt đầu leo núi. Còn biết bao việc cũ chưa xong, đã nảy ra biết bao nhiều việc mới phải đối phó... Tôi nhớ lời Trần Bình nói với Hán Cao tổ: Bệ hạ có thể ngồi trên lưng ngựa mà cái trị thiên hạ...
Nhu ngó thẳng Luân, giọng tha thiết:
- Tôi mong anh, được Tổng thống tin cậy, đôi trường hợp, Tổng thống nghe anh hơn nghe tôi và thường lấy anh để soi rọi lại tôi, nên có lời khuyên Tổng thống... Anh thạo Lê-nin hơn tôi. Tôi chống Lê-nin về toàn bộ ý thức hệ của ông ấy, song tôi tán thành nhiều ý của Lê-nin, trong đó có ý rằng: Một khi người ta bắt bào chữa cho sai lầm thì đó là nguy cơ chính trị... Tổng thống đang bào chữa cho sai lầm!
Luân lựa lời nói với Nhu. Anh thừa hiểu, giọng Nhu tha thiết như mắt Nhu lại chứa chất hoài nghi – Anh che sai lầm của Tổng thống và giúp Tổng thống bào chữa sai lầm!
- Tôi sẽ làm hết sức mình... Có điều sự thể chưa đến nỗi như anh nghĩ, đó là theo ý riêng của tôi. Tổng thống thích quyết đoán – không phải lúc nào cũng không cần thiết cả!
... Ngoài sân, Bộ trưởng tài chánh và bốn con nhỏ ngơ ngác. Diệm đứng trên tam cấp. Viên bí thư mang cho ông chiếc máy ảnh.
- Trình Tổng thống, đã chỉnh xong. Tổng thống bấm chỗ này...
Diệm nhận máy ảnh, tươi cười bảo:
- Đông cung Thái tử Nhật Bản vừa tặng tôi chiếc máy ảnh loại mới, chụp lấy liền... Gọi ông và các cháu tới để tôi tặng một tấm. Ông với các cháu đứng gần nhau... Rứa... Tôi bấm đây... Chú ý!
Diệm bấm. Bấm xong, trao máy ảnh cho viên bí thư, còn ông thì bước xuống thềm,vò đầu mấy đứa bé. Chúng sợ đến xanh mặt. Viên bí thư rút tấm ảnh, đưa lên ánh sáng mặt trời, sau đó trình cho Diệm tấm ảnh màu đã chụp xong.
- Đẹp hỉ! – Diệm thỏa mãn - Chỉ có cái là chẳng ai cười cả!
- Thầy Mỹ! - Diệm bảo – Vào lấy bọc kẹo!
Diệm phân phát kẹo cho bốn đưa bé và tặng Bộ trưởng tài chánh tấm ảnh.
- Ông Bộ trưởng có thể về!
Bộ trưởng tài chánh nghiêng mình chào Diệm, bốn đứa bé khoanh tay lí nhí thưa. Tất cả lủi thủi ra xe.
Diệm trông theo:
- Ông Bộ trưởng khéo dạy con, hỉ!
Diệm ngồi vào ghế, châm thuốc.
- Chà! Nghe Tỉnh trưởng Quảng Nam phúc tình mà tội cho dân. Việt Cộng ngăn cản mà dân cứ ùa ra quận lỵ, tỉnh lỵ thỉnh ảnh của tôi. Lễ “thượng ảnh” thật long trọng, khắp thôn xã...
- Tối nay, sau chiêu đãi, anh định tiếp ai, ngoài ngoại giao đoàn? – Nhu như vô tình ngắt lời Diệm.
- Mời cho tôi đại biểu quốc hội, đại biểu các hiệp hội...
- Thưa anh, em muốn gặp một số trí thức, nhà báo...
Diệm xua tay:
- Thôi! Họ hay lý sự lắm. Lúc nào cũng dân chủ... Họ chẳng hiểu thế nào là dân chủ Đông phương. Ở nước ta, dân chủ tồn tại trong đời sống dân tộc cả ngàn năm rồi: trong nhà có cha anh, trong họ có tộc trưởng, trong hương thôn có chức việc. Trên cao nhất, cần một minh quân và một lương tể. Chính ông Ayub Khan bên Hồi, thư cho tôi nói rằng nước ông ấy đang học tập nước ta để xây dựng nền dân chủ đó!
Rồi Diệm cười hả hê:
- Chú rất giỏi. Gọi chú là bác học cũng không quá. Song, không phải hễ bác học là đã nghĩ chu đáo mọi thứ!
Diệm cười to, đỏ mặt. Nếu là Ngô Đình Lệ Thủy và Trần Lệ Xuân chưa về, không biết ông còn cười đến bao giờ.
|
|
|