Không phải ngẫu nhiên mà Luân chọn cuối tháng 6 bắn bức thư đầu tiên về cho giám mục. Hội nghị Genève sắp kết thúc, sau mẻ lưới của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở lòng chảo Điện Biên Phủ - cái lòng chảo nuốt chửng những hy vọng cuối cùng của phải chủ chiến ngoan cố ở Pháp. Navarre, rốt lại, là một viên tướng tồi. Rất tiếc, Salan còn tồi hơn.
Thế là chính phủ Laniel đổ. Và ngay ngày hôm sau, 14-6-1954, Mendès France lập chính phủ. Xu thế rút khỏi Đông Dương về mặt quân sự đã giành thắng lợi trong giới cầm quyền Pháp.
Tuy nhiên, cái cũ chưa chấm dứt hẳn thì cái mới đã nảy sinh; Pháp và Mỹ thỏa thuận dàn cảnh cho tấn tuồng tiếp diễn với những đổi thay đào kép, sửa soạn điều kiện cho Mỹ đứng chân ở vùng đất châu Á sôi nóng này.
Ngày 16-6-1954, Bửu Lộc từ chức và nội trong ngày đó, Ngô Đình Diệm trở thành thủ tướng, như là một hòa âm ăn khớp từng nốt nhạc nhỏ.
Chưa đầy một tuần lễ, Luân được thư phúc đáp. Lời lẽ của giám mục trắng trợn hối thúc và đe dọa, song đồng thời cũng bộc lộ sự bồn chồn. Luân quyết định không trả lời vội.
Nghiên cứu thành phần chính phủ Diệm, Luân hiểu rằng thế lực của Diệm chưa vững vàng, cấu trúc chính phủ chỉ là một sự dung hòa và Diệm sẽ còn phải đi nhiều bước nữa mới hòng khống chế được nó. Nếu Diệm kiêm Tổng trưởng Quốc phòng và Nội vụ thì ông ta buộc phải nhượng bộ cho hai người thân tín của Pháp làm Bộ trưởng phụ tá – Lê Ngọc Chấn và Nguyễn Ngọc Thơ, cả hai đều là đốc phủ sứ ngoại hạng. Tổng giám đốc cảnh sát vẫn nằm trong tay Lại Văn Sang, phe Bình Xuyên, Tổng tham mưu trưởng vẫn do tướng Hinh, một người Pháp, trừ màu da.
Tướng 5 sao, đương kim Tổng tham mưu trưởng Pháp Paul Ely thay tướng 4 sao Salan. Điều đó chứng tỏ Pháp chưa bỏ ảo tưởng. Pháp dứt khoát trao gánh nặng cho Mỹ song không phải vô điều kiện. Trọng tâm của tình hình, trong một thời gian nhất định, sẽ là sự tranh giành, thậm chí đẫm máu giữa tay sai của hai đế quốc – mỗi bên đều có chỗ mạnh và chỗ yếu như nhau…
*
Những tháng liền sau đình chiến thật vất vả đối với Nguyễn Thành Luân. Một mặt, anh phải làm tròn chức trách một cán bộ trung đoàn: chỉnh đốn các đơn vị, trước hết là tiểu đoàn 420, để có thể kịp tập kết suôn sẻ. Cán bộ và chiến sĩ không phải dễ dàng thông suốt đường lối kết thúc chiến tranh của Đảng ta; chúng ta đang thắng và triển vọng thắng to. Luân còn có nhiệm vụ làm cho mọi người, kể cả liên trung đoàn phó Lưu Khánh, chính trị viên Vũ Thượng đinh ninh rằng anh sẽ tập kết, chỉ có không cùng đi một chuyến tàu với họ mà thôi. Lệnh của anh Tư rất nghiêm: với Bộ tư lệnh, anh cũng phải kín miệng.
Mặt khác, anh bắt buộc nắm vững đến từng mẩu vụn vặt các diễn biến của tình hình ở Sài Gòn. Thâu đêm, Luân thảo rồi xóa, xóa rồi thảo hết phương án hành động này đến phương án hành động khác.
Luân chọn Quyến và Sa ở lại với anh. Thuyết phục hai cậu không đơn giản tuy rằng cuối cùng rồi hai cậu đồng ý. Anh dự tính cả vai trò của Sa và của Quyến khi về thành và những năm tiếp theo.
Cấp trên chỉ thị cho tiểu đoàn 420 xuống tàu sớm nhất. Luân hiểu rằng quyết định đó có liên quan đến anh. Giảm đến mức thấp nhất những người biết anh, cấp trên tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của anh trong những ngày gian nan sắp tới.
Luân đưa đơn vị ra tàu Arkengels đậu ngoài khơi vịnh Thái Lan, trước vàm Sông Đốc. Chiếc tàu khổng lồ đón tiểu đoàn như đón người thân. Luân tiếp xúc với thuyền trưởng – một sĩ quan Hải quân Liên Xô – và dự buổi chiêu đãi lớn tổ chức ngay trên boong tàu.
Trừ Quyến và Sa, không ai trong tiểu đoàn 420 ngờ đồng chí tiểu đoàn trưởng của mình chia tay đơn vị. Nâng ly vodka, Luân kìm lắm mới khỏi rơi nước mắt. Trước anh, đến 600 con người đã cùng anh sống chết. Đó là những đồng chí tuyệt vời.
Thuyền trưởng chúc sức khỏe anh. Còn anh, anh chúc thầm sức khỏe toàn tiểu đoàn. Bao giờ thì gặp lại họ? Luân tin con số 2 năm, mặc dù anh cảm thấy hình như con số ấy ẩn hiện chập chờn không phải là con số của toàn học.
Ngồi xem phim Liên Xô – thuyền trưởng cho chiếu phim thần thoại “Sakkô đi tìm hạnh phúc” – Luân vừa trao đổi với Vũ Thượng, vừa chia sẻ nỗi lận đận với Sakkô.
Đêm đó, Luân và Vũ Thượng thức trắng. Họ mượn hội trường của tàu Arkengels để có thể tự do nói chuyện. dưới bóng cờ búa liềm và tượng Lê nin, hai bạn chiến đấu nhắc bao kỷ niệm cũ. Đôi lúc, Vũ Thượng hỏi vặn: Thì vài tuần hoặc vài tháng anh ra, gặp tụi này, sao anh cặn dặn như “trối”? Luân giật mình, chống chế: Chưa chắc mình còn ở đơn vị - Nhưng mà dù anh phụ trách trung đoàn thì không lẽ không đến 420 được? Vũ Thượng thắc mắc, Luân không dám đi xa hơn. Vũ Thượng không được quyền biết công việc của anh.
Sáng sớm Luân rời tàu Arkengels về vàm Sông Đốc. Anh vẫy tay chào toàn thể tiểu đoàn đứng trên thành tàu. Nếu không có những cán bộ đi cùng thì Luân, Quyến, Sa đã khóc ồ…
Đã đến lúc Luân rời chiến khu, tuy thời hạn tập kết vùng Cà Mau mới già một nửa. Về thành sớm quá, không có lợi. Mà về trễ quá cũng không hay. Luân viết cho giám mục một thư ngắn. Anh chỉ bảo là vào ngày 10 tháng 12, buổi trưa anh sẽ chào giám mục tại Vĩnh Long, trên đường từ Cần Thơ về Sài Gòn, ngoài ra, không đòi hỏi đưa đón gì cả.
Trước hôm lên đường, Luân được gọi đến Trung ương Cục, anh Hai tiếp Luân.
Luân từng gặp anh Hai một số lần, lúc Luân phụ trách trưởng phòng mật vụ cũng như khi chuyển ra đơn vị tác chiến. Với con người lãnh đạo đó, Luân kính trọng theo nghĩa trọn vẹn nhất: phục và mến. Luân tìm thấy ở anh Hai cái hiểu biết sâu rộng – nhiều người trí thức kháng chiến gọi anh Hai là ông “deux cents bougies”(1) cường độ sáng cao nhất của một ngọn đèn điện vào lúc bấy giờ - tấm lòng vị tha tràn đầy tình cảm và tính nhân đạo, thái độ cởi mở, giản dị.
Trong bộ bà ba lụa đen bạc màu, anh Hai bằng giọng khu 4, dặn dò Luân như anh dặn dò một đứa em:
- Chúng ta hẹn nhau 2 năm sẽ gặp lại, nước nhà sẽ thống nhất. Chúng ta chào từ biệt nhau bằng hai ngón tay. Đó là một nguyện vọng. Đó cũng là lời hứa hẹn quyết tâm. Có thể rồi đây nguyện vọng của chúng ta thành sự thật. Nhưng, là người Cộng sản, chúng ta không được quyền chỉ một mực sống với nguyện vọng chủ quan. Nhiều dấu hiện báo trước tình hình sẽ phức tạp. Mỹ ép Pháp nhận Ngô Đình Diệm không phải để thi hành mà để phá hiệp định Genève. Tôi tin là anh đã ước lượng những điều xấu nhất. Anh từng làm Phòng mật vụ, chắc anh hiểu phần nào ý đồ của Mỹ…
Luân lặng lẽ ngồi nghe. Anh hơi đỏ mặt khi anh Hai nhắc tới Phòng mật vụ.
Rời Phòng liên lạc miền Nam về Đồng Tháp Mười, Luân được phân công đứng đầu cơ quan sưu tra tin tức địch. Đúng ra, Luân xin làm việc đó. Anh hình dung công tác tình báo thông qua sách vở - thậm chí, thông qua tiểu thuyết – và bố trí một bộ máy làm việc gần như rập khuôn bộ máy của Pháp. Anh đưa vào công tác tất cả nhiệt tình lãng mạn, những suy nghĩ mà sau này mỗi khi nhắc tới anh nóng lỗ tai bởi tính cách quá thiên về tưởng tượng của chúng, và anh mường tượng Phòng mật vụ như là một công cụ đơn thuần chuyên môn. Anh cũng thu được một vài tin có giá trị. Anh thích quá. Thế nhưng, trong mớ tin hỗn độn đó, giả nhiều hơn thật, đôi khi thật là tiểu tiết mà giả là đại sự. Chính anh suýt nữa bị bắt sống giữa Đồng Tháp Mười trong một trận nhảy dù quy mô lớn của Pháp – trước đó, tin tức chỉ chứng minh giặc tập trung lực lượng nhảy dù về hướng chiến khu Đ.
Lần đó, anh Hai phát biểu với anh về công tác tình báo. Chưa bao giờ anh nghĩ tới việc anh Hai có kiến thức về công tác tình báo. Chỉ cần mười lăm phút phân tích, anh Hai khiến anh chới với. Té ra. Luân thậm dốt ngày công tác mà anh phụ trách.
Luân được bồi dưỡng nhiều mặt qua buổi nói chuyện đó và cái lớn nhất có lẽ suốt đời anh không quên, đó là sự khác biệt về tính chất giữa tình báo cách mạng với tình báo đế quốc, sự khác biệt bắt đầu từ chỗ phương pháp cách mạng không phải là số cộng của những âm mưu.
- Diệm thay Tổng tham mưu trưởng, Hinh bị thay bằng Tỵ. Tới đây, sẽ đến lượt ngành công an… Anh thấy đó, Diệm làm những việc như vậy vừa phản ánh ý đồ hất chân Pháp của Mỹ, vừa củng cố thế lực để chống phá cách mạng nước ta. Theo tin tức gần đây, Mỹ Diệm và Pháp hô hào một cuộc di cư lớn nhằm đưa bọn phản động và những người theo đạo Thiên chúa cuồng tín, nhẹ dạ từ đồng bằng bắc bộ vào Nam, tạo hậu thuẫn mới cho tập đoàn thống trị mới.
Anh Hai nhìn Luân khá lâu. Giọng anh càng trìu mến:
- Nội bộ bọn đế quốc và tay sai sẽ nảy nở các mâu thuẫn, mâu thuẫn này dàn xếp xong thì lại đẻ ra mâu thuẫn khác. Tình thế bọn chúng hiện thời và sẽ tới khác tình thế suốt 9 năm qua: bây giờ, cách mạng lớn mạnh, vừa đánh bại một tên đế quốc sừng sỏ, đã giải phóng được nửa nước. Việt Nam từ một thuộc địa ít người biết đã trở thành ngọn cờ tiêu biểu cho trào lưu độc lập dân tộc trên thế giới. Bác Hồ đã trở thành niềm hy vọng của các dân tộc đang vùng lên phá xiềng xích nô lệ. Đó là phía chúng ta. Về phía địch, hai con thú dữ ngồi chung một mâm cỗ, khó mà đề huề. Tay sai của chúng cũng không đơn thuần chỉ là bọn quan lại như trước mà là những tên có tham vọng và kinh nghiệm chính trị, kết quả tất yếu của sự thâm nhập chủ nghĩa tư bản vào nước ta. Trước mắt, mâu thuẫn Pháp – Mỹ nổi bật. Rồi, mâu thuẫn ngay trong bọn thân Mỹ, giữa các khuynh hướng chính trị, giữa tay sai dân sự và quân sự, giữa tay sai các địa phương… Bởi vì, giai cấp thống trị Mỹ không phải là cái gì thuần nhất. Hơn nữa, vấn đề Việt Nam rõ ràng đã vượt khỏi khuôn khổ của một sự kiện nhỏ hẹp, đã trở thành một bộ phận chịu tác động của các chuyển biến cùng nằm trong mối tranh chấp giữa cách mạng và phản cách mạng ở châu Á và trên thế giới. Tôi lưu ý anh mấy điểm: Mâu thuẫn nội bộ kẻ thù là có thật, khai thác mâu thuẫn đó có tầm vóc chiến lược trên đường cách mạng chiến thắng phản cách mạng, riêng ở Việt Nam khả năng đó còn lớn lao hơn bất kỳ nơi đâu. Khai thác mâu thuẫn địch mà đạt hiệu quả sẽ là một mũi tiến công vô cùng lợi hại, đánh địch từ trong lòng chúng. Nhưng, không thể nào xem mâu thuẫn nội bộ địch như là một hiện tượng độc lập – trình độ của mâu thuẫn đó đến đâu, xét cho cùng, là do sức mạnh của phong trào cách mạng quần chúng. Coi thường mâu thuẫn nội bộ địch là sai lầm, ảo tưởng ở mâu thuẫn nội bộ địch, chỉ đặt mọi niềm tin chiến thắng kẻ thù bằng khơi dậy và lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch cũng là sai lầm. Kẻ thù có mặt thống nhất tuyệt đối, đó là ý đồ chống cách mạng. Chúng dùng chiêu bài chống Cộng. “Chiêu bài chống Cộng” là cách nói về toan tính của chúng. Tất nhiên, nếu cách mạng mạnh tạo điều kiện phân hóa địch sâu sắc, thì sự thống nhất tuyệt đối kia sẽ trở thành tương đối, ít nhất cũng trong những trường hợp cụ thể.
Anh Hai giữ Luân lại ăn cơm. Trong bữa cơm, anh Hai nói thêm:
- Diệm vốn là người miền Trung, quan lại. Ông ta thiếu chỗ dựa ở miền Nam, đặc biệt chỗ dựa trong hàng trí thức. Anh có đủ hai điều kiện đó; ngoài ra, anh còn là người kháng chiến, một chỉ huy quân đội. Diệm cần những người như anh. Anh cố gắng đóng vai trò một phần tử Quốc gia kháng chiến cho thật đạt thì anh có thể thực hiện có kết quả nhiệm vụ chiến lược của Đảng giao cho. Nhân dân miền Nam đã tự khẳng định sức mạnh của mình trong quá khứ, đã trưởng thành qua chín năm thử thách, đã hưởng những kết quả lớn lao do cách mạng đem lại về ruộng đất, dân chủ, lại được nửa nước hoàn toàn giải phóng hậu thuẫn, sẽ không khuất phục trước cường quyền. Theo tôi, cái nền ấy quyết định xu thế của miền Nam và trực tiếp quyết định nhiệm vụ của anh.
Luân từ giã anh Hai. Anh Hai nắm tay Luân khá lâu:
- Cẩn thận nhé! Nên nhớ: khai thác mâu thuẫn nội bộ địch về chiến lược khác với thi thố những mưu mẹo vặt… Phải biết tự kiềm chế, hết sức huy động sức làm việc của cái đầu, cố gắng tồn tại trong lòng địch càng lâu bao nhiêu càng có lợi bấy nhiêu… Và, đối thủ chính của anh là cơ quan tình báo Mỹ!
Mắt Luân mờ. Luân không dám nói thêm vì Luân biết chính anh Hai cũng ở lại miền Nam, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh mới trăm nghìn lần phức tạp, hiểm nguy!
Chú thích
(1) tức Hai trăm nến
|
|
|