Thay đổi và chuyển hoá rất khác xa nhau. Chỉ một việc thay đổi suông thôi không đưa tới đâu cả. Ta có thể tập luyện để được thích ứng một cách hời hợt bề ngoài, để tuân rập phụ họa khéo léo với những hoàn cảnh khác nhau, với những trường hợp cơ duyên, với những trói buộc nội tâm và ngoại cảnh; nhưng sự chuyển hoá đòi hỏi một tâm trạng khác hẳn. Hôm nay tôi xin vạch rõ chỗ dị biệt đó.
Thay đổi là biến chế và canh cải, đó là thay một sự thể này bằng một sự thể khác. Mọi cuộc thay đổi đều ngụ ý có một hành vi của ý chí, hoặc có tính cách hữu thức hoặc vô thức. Khi nhìn thấy sự hỗn loạn, sự đói kém, sự áp bức, sự khốn khổ cùng cực, sự đói kém, sự áp bức, sự khốn khổ cùng cực của toàn cõi Á châu hậu tiến, tất nhiên ta thấy cần phải có một cuộc thay đổi tận căn để có tính cách cách mệnh, chẳng những về mặt vật chất hay kinh tế, mà cả về mặt tâm lý nữa: một cuộc thay đổi ở mọi giai tầng của bản thể chúng ta, ở ngoại cảnh cũng như ở nội tâm, khả dĩ cải thiện cuộc sống con người. Điều ấy là dĩ nhiên cả những kẻ, dù có óc bảo thủ nhất đời đi nữa, cũng đồng ý như vậy. Nhưng tôi e rằng mặc dù có nhìn nhận điểm này đi nữa, ta cũng không nhận thấy những gì ngụ hàm trong đó. Ta có nhận thấy cho thâm sâu hơn rằng chỉ nội việc vá víu, nội cái việc thay thế, nội cái việc canh cải, đều chỉ là giũa với mài cho bóng loáng, và thế, tức là chỉ lo nội cái việc thanh lọc thói tục qua loa thôi? Tôi thiết tưởng chúng ta cần nền nhận hiểu thâm sâu vào nội dung ý nghĩa tiềm tàng của việc chúng ta lo chế biến thay đổi, trước khi xem xét sự chuyển hoá hiểu theo ý nghĩa của tôi.
Tuy các cuộc chế biến ấy đành là cần thiết, nhưng theo tôi, chúng chỉ luôn luôn toàn là có tính cách ngoài mặt phơn phớt đấy thôi. Toàn là những việc do dục vọng hay ý chí phát động, toàn là những sáng kiến hướng vào một chỗ nhất định, hướng vào một lối xử sự và một hành vi rất cố định. Tất nhiên là mọi thay đổi nào được phát động một cách hữu ý hẳn nhiên đều gồm một dụng ý, dụng ý này có thể của một cá nhân hay của một tập đoàn, có thể lộ liễu hay tiềm ẩn; dụng ý ấy có thể từ thiện, rộng lượng, hay do sợ hãi và tuyệt vọng khởi sinh, thế nào cũng gây cho ta một mớ thay đổi. Với tư cách là cá nhân hay tập đoàn, chúng ta vốn rất dễ dàng thay đổi lề lối xử sự tùy theo những ảnh hưởng hay những áp lực hoặc khi có một cuộc phát minh sáng chế nào liên quan đến cuộc sống của ta một cách trực tiếp hay gián tiếp. Người ta có thể khiến chúng ta biến cải thỏa thuận của ta, dẫn tư tưởng của ta vào đường này hay lối nọ bằng những bài báo hay bằng những cuộc tuyên truyền ý thức hệ. Các tôn giáo có tổ chức buộc ta phải chỉ chịu giáo dục ngay từ lúc bé thơ theo một mớ tín ngưỡng khả dĩ qui định trước nhiễm ta suốt đời, đến nỗi mọi thay đổi nào phát sinh được ở ta vẫn vướng kẹt lẩn quẩn trong khuôn khổ của các tín ngưỡng ấy.
Tựu chung, chẳng mấy ai trong chúng ta thực sự thay đổi mà không phải vì một duyên cớ nào đó. Duyên cớ này có thể có tính cách vị tha hay vị ngã, hạn hẹp hay rộng rãi, nó có thể là sợ hãi không được ban thưởng này hay không chứng đạt một quả vị nào đó trong vị lai. Kẻ thì hy sinh cho một đoàn thể, người thì hy sinh cho nhà nước, cho một ý thức hệ hay chủ nghĩa hay cho một lối tín ngưỡng nào đó về Thượng đế, làm thế với mục đích có tính cách hữu thức hay vô thức là thay đổi con người. Nhưng cái mà họ gọi là thay đổi đó chỉ là sự liên tục có chút ít chế biến đối với cái đã sẵn có. Chúng ta đã trở thành xảo quyệt trong mớ trò ấy, ta thực hiện liên miên bao nhiêu khám phá về vật lý, về toán học, về các khoa học thực dụng, ta sáng chế phát minh trong mọi lãnh vực, ta đang sửa soạn lên tận mặt trăng. Ở một vài phạm vi, ngày nay chúng ta rất đỗi uyên bác và biết bao nhiêu sự việc, và những thay đổi đại loại như thế ngụ nghĩa rằng mình có khả năng điều chỉnh thích ứng liền với hoàn cảnh mới và với những thúc bách mới do hoàn cảnh ấy dấy sinh. Nhưng thế đã đủ chăng? Hẳn ta có thể nhận thấy những gì nằm trong lối vá víu thiển cận ấy, và cảm thấy cần phải có một cuộc chuyển hoá tận căn nơi tâm nội mà không do một dụng ý gì phát động, cũng không phải là thành quả của sự cưỡng bức bắt buộc. Ta có thể nhận thấy cần phải có một cuộc chuyển hoá ngay tại căn cội của quan năng tư tưởng, bằng không thì con người chẳng qua chỉ là những con khỉ thông thái, có nhiều khả năng lạ lùng, nhưng chẳng phải là những con người đích thực.
Khi ý thức sâu xa điều vừa trình bày, ta phải làm thế nào? Bằng chẳng có cuộc chuyển hoá tận căn ấy, thật cách mệnh ấy, bằng chẳng có cuộc chuyển hoá ấy ngay tại căn cội của bản thể ta, thì các vấn đề của chúng ta về mặt kinh tế và xã hội cứ càng lúc càng gia tăng và càng trở nên trầm trọng. Vậy tâm thức chúng ta cần phải mới mẻ và tươi nhuận, và muốn được vậy, cuộc chuyển hoá ấy phải phát sinh tận nơi sâu thẳm của tâm thức ta, và không thể chỉ là thành quả của một hành vi ý chí: cuộc chuyển hoá ấy phải không có tính cách dụng ý.
Không biết tôi nói thế có rõ ràng chăng.
Khi thấy cần thiết phải thay đổi, ta có thể vận dụng ý chí của ta để phát động ra cuộc thay đổi ấy. Ý chí là một dục vọng do một sự quyết định hướng dẫn nó vào một đường hướng đặc biệt nào đó và do tưởng niệm, sợ hãi, sự chống kháng phát động. Nhưng mọi sự gì có thể kết thành do một hành động nào phát từ dục vọng, từ ý chí, đều bị giới hạn, cục bộ. Đó chỉ là diên trì biến tướng của những gì đã hiện hữu, như ta có thể thấy điều ấy trong thế giới cộng sản, cũng như trong những xứ tư bản. Vậy cần phải có cuộc cách mệnh phi thường, một cuộc cách mệnh tâm lý ở bản thể con người, trong chính con người, nhưng nếu con người đeo mang một mục đích nào, một kế hoạch nào, thì cuộc cách mệnh ấy lại lẩn quẩn trong giới hạn của cái đã biết, thế tức là không có mảy may gì là thay đổi cả.
Tôi có thể thay đổi tôi, tôi có thể buộc tôi thay đổi cách thức tư tưởng của tôi, có thể thuận nhận những tín ngưỡng, có thể buộc mình từ bỏ những thói quen, gác dẹp niềm ái quốc hẹp hòi của tôi; tôi có thể tự mình "tẩy não" cho mình, thay vì phải chịu một chính đảng hay một giáo hội nào tẩy não cho. Mọi việc đó đều khá dễ dàng nhưng tôi thấy toàn là luống công, vì toàn chỉ hời hợt bên ngoài, không đưa đến tận chỗ giác ngộ sâu mầu mà từ đó mới có thể thật sự sống, thật sự hiện thể và thật sự hành động. Thế thì ta phải làm sao đây?
Các ngài có nhận hiểu câu hỏi của tôi chứ? Mong rằng tôi đặt câu hỏi rõ ràng: Nếu tôi cố gắng để thay đổi, thì sự cố gắng ấy tất nhiên phải có một dụng ý, nghĩa là có một tư dục phát động một hành vi vào một hướng nào đó. Nghĩa là có sự vận dụng của một ý chí, thế là chỉ tạo ra có sự chế biến, chứ tuyệt chẳng phải một cuộc thay đổi nào cả.
Tôi nhận thấy rõ là tôi cần phải thay đổi; thay đổi không cố gắng. Mọi cố gắng vào đó đều tự hủy hoại lại chính nó, vì cố gắng hàm ý có việc áp dụng một tư dục, một ý chí, tuân theo một kiểu mẫu định sẵn, một công thức, một khái niệm. Thế thì tôi có thể là gì đây?...
Không biết các ngài có nhận thấy chỗ đó như tôi chăng, không biết các ngài có nhận thấy chỗ yếu chỉ phi thường của câu hỏi đó chăng, chẳng phải thấy nó bằng sự suy luận có tình cách trí thức, mà nhận thấy quả điều ấy như là yếu tố tối trọng trong cuộc sống chúng ta. Trải bằng bao triệu năm rồi, con người cứ cố gắng tự chế biến mình, thế mà họ vẫn luôn luôn mắc phải xao xuyến, tuyệt vọng, sợ hãi, với vài khoảnh khắc an vui và hạnh phúc hiếm hoi thôi. Vậy cái thực thể là con người kia, đã bị qui định trước nhiễm quá ư nặng nề từ lâu, làm sao họ có thể bỏ được gánh nặng ấy mà không cố gắng? Không cố gắng, vì việc trút gánh nặng này nhất định không nên trở thành một vấn đề khác nữa. Như bữa trước tôi đã nói, đeo mang một vấn đề tức là sa vào một trạng huống tâm lý mà ta không hiểu được trọn vẹn, không khám phá đến tột cùng, không giải trừ được.
Tạo ra cuộc chuyển hoá ư?... Không, từ ngữ này sai rồi. Cuộc chuyển hoá ấy phải xuất hiện, và phải xuất hiện ngay tức thời. Nếu ta đem yếu tố thời gian xen vào, thì thời gian sẽ dấy tạo ra một vấn đề ngay. Không có ngày mai, không có cái thời hạn để tiến tới một cuộc thay đổi, vì thời hạn chỉ là tư tưởng. Thay đổi thì phải ngay tức thời đây, hay chẳng hề thay đổi bao giờ cả. Các ngài hiểu chứ?
Tôi nhận thấy cần phải thay đổi tận căn nguyên nơi bản thân tôi với tư cách là một con người thuộc trong toàn cả nhân loại; và tôi cũng cảm thấy rằng thời gian – nghĩa là tư tưởng – không được xen tạp vào đây, rằng thời gian không thể giải quyết được vấn đề này. Tôi đã từng cố gắng cách đó trong bao nghìn năm rồi, thế mà tôi không thay đổi gì được cả. Tôi cứ sống mãi với những thói quen của tôi, với tính tham lam của tôi, tôi vẫn cứ bị tù hãm trong óc tranh chấp tổ thành cái nền hiện hữu. Chính tư tưởng đã cấu tạo cái nền ấy, và bất luận ở trường hợp nào, tư tưởng không sao biến đổi cái nền đó mà không dấy tạo một cái nền khác nữa: tư tưởng, chính là thời gian vậy. Thế mà tôi không thể lấy thoả thuận, lấy thời gian, mà phát động được cuộc chuyển hoá, phát động được cuộc thay đổi tận căn nguyên. Không cuộc can thiệp nào của ý chí, không một tư tưởng nào có thể hướng đạo cho cuộc chuyển hoá ấy được hết.
Vậy còn gì lại cho tôi? Tôi ghi nhớ rằng tham dục – tức là ý chí – không thể phát động được nơi tôi một cuộc chuyển hoá đích thật; rằng con người đã từng chơi cái trò ấy từ bao thế kỷ rồi mà không phát động được cuộc thay đổi gốc rễ nơi họ; rằng họ đã vận dụng tư tưởng, tức vận dụng thời gian, vận dụng vị lai với bao nhiêu đòi hỏi trói buộc của vị lai, bao nhiêu phóng tưởng bày biện, bao nhiêu áp lực, bao nhiêu ảnh hưởng của nó, mà vẫn không tạo thành được cuộc chuyển hoá nào cả. Thế thì còn gì nữa để làm?
Nếu ta hiểu được toàn bộ cơ cấu và hiểu được hết hành tung của ý chí, thì ý chí tất không khởi động nữa. Và nếu ta nhận thấy rằng sử dụng tư tưởng, tức sử dụng thời gian, như là dụng cụ để chuyển hoá thì chỉ là sự triển hạn giải đãi thì lúc ấy tiến trình tư tưởng liền chấm dứt. Nhưng, hiểu nghĩa là gì? Phải chăng là cuộc tác động có tính cách trí thức ở bình diện ngôn từ, hay nó là sự quán sát một sự kiện? Ta có thể tự bảo: "Tôi hiểu đấy", nhưng danh từ không phải chính là sự vật: thì ra, hiểu một vấn đề nào bằng trí não, thì có phải đâu là giải quyết vấn đề đó được. Cái gọi là nhận hiểu bằng trí não đó, thực ra, chỉ toàn là văn từ, trong đó danh từ chiếm phần quan trọng. Nhưng khi có sự nhận hiểu đích thực, thì danh từ không còn quan trọng gì nữa nó chỉ là cái phương tiện để truyền đạt vậy thôi, và ta tiếp xúc trực chỉ với thực tại, tức là với sự kiện hiện thực. Nếu trong cuộc chuyển hóa tận cùng vừa nói đây mà ta thấy cái vô dụng của tư tưởng, của thời gian, thấy như một sự kiện hiện thực, thì hẳn ta liền vứt bỏ đi tất cả cơ cấu của ý chí và của tư tưởng, tất nhiên ta không còn một dụng cụ gì để tác hành nữa.
Cho mãi đến đây, các ngài và tôi, chúng ta đã truyền đạt nhau trên mặt ngôn từ, và có lẽ ta cũng lập được cuộc giao cảm nào đó. Nhưng trước khi tiến xa hơn nữa, tôi xin trở lại với việc thông cảm. Nếu các ngài dạo chơi một mình trong rừng sâu hay dọc theo một bờ suối, và nếu các ngài cảm nhận niềm yên tĩnh cùng sống trọn vẹn với tất cả – với những phiến đá, với các bông hoa, với ngọn suối reo, với cỏ cây, với trời mây – tất ngài biết thông cảm là gì rồi. Bấy giờ, cái "tự thân" của ngài với các tưởng niệm, các lo âu xao xuyến, các vui thích, các ký ức, các kỷ niệm, các thất vọng đều đã bặt vong trọn vẹn. Bấy giờ chẳng có cái "tự thân" làm người năng quán tách biệt với các sở quán, mà chỉ có cái tâm trạng thuần thông cảm mà thôi. Và chính đó là cái mà chúng ta đã tạo được tại nơi đây, tôi mong vậy lắm. Không phải cái tâm trạng bị ám thị; người đang nói đây không ảnh hưởng tới các ngài: người đó đã dẫn giải với các ngài tỉ mỉ một vài điều rồi bằng ngôn từ. Nhưng còn nhiều điều nữa, không thể nói bằng lời được. Danh từ có thể thông báo cho các ngài tới một mức độ nào, nhưng đồng thời các ngài phải nhớ cho rằng danh từ không phải là đúng sự vật, danh từ không được xen tạp vào sự nhận thức trực chỉ về một sự kiện. Nếu ngài có dịp thông cảm với một cội cây, hay tự hỏi coi nó hữu ích gì không. Cuộc thông cảm của ngài với cội cây hẳn là trực tiếp. Cũng thế, ở đây chúng ta phải thành lập cuộc thông cảm với nhau như thế, vì điều sắp nói đây là một trong những điều rất khó nói năng bày tỏ.
Chúng ta đã nói tới chỗ mà hành vi của ý chí, hành vi của tư tưởng (là thời gian) và sự vận hành phát xuất từ mọi ảnh hưởng và mọi áp lực đều vong bặt. Khi tâm thức đã quan sát ngoài vòng danh ngôn, và hiểu được sự kiện đó, thì liền tịch lặng trọn vẹn. Nó không mong sinh bất cứ một động niệm nào, dù hữu thức hay tiềm thức. Nhưng đây hãy còn một điểm mà ta cần xem xét trước khi tiến xa hơn.
Ở ý thức, ngài có thể không muốn tác động gì trong bất cứ một hướng nào, vì ngài đã nhận rõ chỗ vô dụng của mọi sự biến cải hữu ý tính toán, từ việc biến cải của người cộng sản đến việc biến cải của kẻ bảo thủ phản động tột bực. Ngài đã nhận thấy tất cả những thứ ấy là luống công. Nhưng tại kỳ trung, một cách vô thức, có một mãnh lực của quá khứ thúc đẩy ngài vào một đường hướng như là người Âu châu, như là người Công giáo, như là nhà khoa học, nhà toán học, nhà nghệ sĩ hay nhà kỹ thuật; và cả một tập tục nghìn đời được giáo hội khai thác chu đáo, đã tiêm nhiễm vào tiềm thức các ngài một mớ tin tưởng và một mớ tín điều. Có thể ngài bỏ quách chúng được một cách hữu thức, nhưng trong vô thức, gánh nặng ấy vẫn còn mãi đấy, các ngài vẫn cứ là người Công giáo, người Anh, người Đức, người Ý hay người Pháp, sự thể này khiến ngài nghiêng theo những quyền lợi quốc gia, về kinh tế hay về gia tộc, hoặc nghiêng theo các tập tục của giống nòi mình. Khi cái giống nòi ấy càng rất xưa thì ảnh hưởng của nó lại càng sâu thẳm nữa.
Làm sao quét sạch được tất cả những thứ ấy? Làm sao vô thức có thể tẩy sạch quá khứ đi? Những nhà phân tâm học nghĩ rằng vô thức có thể được tẩy xoá một phần hay toàn diện bằng sự phân tích, bằng sự khảo sát, bằng sự khai phá, bằng sự tự thú, bằng sự diễn dịch các giấc chiêm bao, vân vân, nghĩ rằng do đó ta có thể ít ra cũng trở nên một người "bình thường" đủ sức thích ứng với thế gian hiện đại. Nhưng cuộc phân tích và một người chịu phân tích, tức là có một người năng quán diễn dịch đối tượng sở quán, tức là gồm có một sự tính nhị nguyên, tức một xuất xứ cho sự xung chướng, xung đột.
Vậy tôi nhận thấy rằng sự phân tích không đưa tới đâu hết. Sự phân tích ấy chỉ có thể giúp tôi bớt loạn thần đi chút ít, cho tôi khá dễ dãi đôi chút với vợ tôi hay với người bên cạnh, hoặc vượt qua được một khó khăn nào cũng có tính cách hời hợt như thế. Nhưng đây chúng ta không nói về phân tích. Tôi nhận thấy rằng công cuộc phân tích, ngụ nghĩa thời gian, nghĩa là những diễn dịch sự vận hành của tư tưởng với tư cách là thực thể năng quán phân tích những gì nó xem xét, tất nhiên không thể khai phóng cho vô thức, cho nên tôi bỏ trọn vẹn công cuộc phân tích ấy đi. Tôi không phân tích gì nữa cả. Thế thì sao? Vì đây không còn là một người phân tích khác biệt với đối tượng phân tích. Lúc ấy ta chính là cái tâm thức ấy, ta không còn là thực thể gì khác biệt với tâm thức ấy, và ta liền thấy ngay rằng vô thức không quan trọng gì lắm. Các ngài nghe kịp chăng?
Tôi đã vạch rõ cho thấy rằng ý thức không có giá trị gì với những hành tung thiển cận của nó, với sự ba hoa không ngừng của nó; và cả vô thức cũng không giá trị như thế. Cả hai sở dĩ thành ra quan trọng chỉ là vì tư tưởng xen vào và gia cho chúng tính cách liên tục. Tư tưởng vốn có vai trò của nó, nó có ích cho cả thảy mọi vấn đề kỹ thuật nhưng nó hoàn toàn vô dụng trong cuộc chuyển hoá tận gốc. Khi tôi nhận thấy tư tưởng vốn gia sự liên tục cho người năng niệm như thế nào rồi, thì sự liên tục tức là thực thể năng niệm ấy liền vong bặt đi. Mong các ngài nghe rõ mấy điều đó vì cần phải chú ý tỉ mỉ thì mới nhận được.
Tôi lặp lại rằng ý thức và vô thức cả hai đều không quan trọng là bao, sở dĩ chúng quan trọng là vì tư tưởng gia sự liên tục cho chúng. Khi ta nhận thấy rằng toàn tiến trình tư tưởng quả là cuộc phản ứng của quá khứ và tất nhiên không thể ứng đáp gì cả với những đòi hỏi vĩ đại của cuộc chuyển hoá, thì ý thức và vô thức không còn quan trọng chi nữa hết, và ta không còn bị chúng dẫn dắt nữa. Tất nhiên ta không cần cử tâm động niệm gì cả, ta hoàn toàn tịnh định, tịch tịnh, tịch lặng. Thế thì mặc dù ta vốn biết rằng cần thiết phải có cuộc chuyển tâm, phải cuộc cách mệnh trọn vẹn tận gốc của bản thể, thánh giá cũng vẫn không cử sự động niệm gì hết, bất cứ là về hướng nào, rồi trong sự nhận thức trọn vẹn này, trong niềm tịch lặng tròn đủ này, cuộc chuyển hoá đã được nảy sinh. Thế là cuộc chuyển hoá chỉ nảy sinh trong chỗ bất định hướng, khi tâm thức không động niệm vào một hướng nào, khi nó chẳng khiến tâm thức động niệm, khi nó hoàn toàn tịch tịnh. Trong niềm tịch tịnh này thì có cuộc chuyển hoá, vì trong niềm tịch tịnh toàn bộ căn cội của bản thể ta lộ bày ra và tự tiêu giải. Đó là cuộc cách mệnh đích thực duy nhất, không phải có tính cách kinh tế hay xã hội gì, không sinh nở do ý chí hay tư tưởng gì cả. Chỉ trong cái tâm chuyển hoá đó ta mới nhận chân được thực tại vượt lên trên cuộc tư nghị của danh từ, nhận chân được cái tối cao, vượt ra ngoài vòng thần học, trí thức.
Mong sao tất cả những điều trình bày này không là cho các ngài buồn ngủ! Có lẽ các ngài muốn hỏi tôi vài câu gì nữa?
H: Tôi có thể nhận thấy rằng tư tưởng giam hãm tôi vào chỗ cô lập, vì nó ngăn ngại tôi không để thông cảm được với những gì quanh tôi và nó cũng ngăn ngại tôi không cho đến tận căn cội của tự tâm. Nay tôi xin hỏi ngài: Tại sao con người tư tưởng? Tác dụng của thoả thuận con người như thế nào? Và tại sao chúng ta lại quá đỗi xem trọng tư tưởng như thế?
K: Tôi tưởng như tôi đã thông qua hết những điều ấy rồi, nhưng không sao, đây tôi xin dẫn giải.
Mà nghe dẫn giải không phải là nhận thấy sự kiện, và ta không thể thông cảm nhau bằng cuộc dẫn giải nếu ta không nhận thấy sự kiện và nếu ta không để sự kiện được y nguyên như thế, đừng đả động tới nó. Sở dĩ ngài không xen vào sự kiện là vì ngài thông cảm với nó, nhưng nếu ngài diễn dịch nó một đằng và tôi diễn dịch nó một ngả thì ta vẫn không thông cảm với nó mà cũng không còn thông cảm với nhau nữa.
Tư tưởng vốn khu biệt tước mất cái dụng cụ duy nhất để ta thông cảm – là tình thương – vậy tư tưởng xuất sinh thế nào? Và làm thế nào nó chấm dứt được? Tư tưởng – tức tất cả sự vận hành của nó – phải được lãnh hội, và chính sự lãnh hội này là sự vong bặt của nó.
Tôi xin giải thích: tư tưởng xuất sinh để phản ứng lại một thách thức xúc sự. Nếu chẳng có thách thức xúc sự, tất nhiên ta không tư tưởng. Việc thách thức xúc sự có thể là một việc tầm phào hay một việc rất quan trọng mà ta ứng đáp lại. Trong khoảng thời gian giữa câu hỏi nọ với câu ứng đáp này tiến trình tư tưởng mới vận hành. Nếu ngài hỏi tôi về những gì quen thuộc đối với tôi thì tôi liền trả lời tức khắc. Chẳng hạn nếu ngài hỏi tôi ở đâu, thì không có khoảng thời gian ở giữa câu hỏi của ngài với câu đáp của tôi, vì tôi không cần suy tưởng khi trả lời: câu trả lời của tôi xảy ra tức khắc. Nhưng nếu câu hỏi của ngài có vẻ phức tạp hơn thì tôi cần nhiều thời giờ hơn để tìm câu ứng đáp trong ký ức tôi. Nếu ngài hỏi tôi trái đất cách mặt trăng bao xa, tôi tự hỏi xem có biết điều ấy không và tôi tìm kiếm trong ký ức tôi. Giữa câu ứng đáp của tôi và câu hỏi của ngài, có một khoảng thời gian trong đó ký ức tôi vận dụng và đưa ra câu trả lời. Thế thì một thách thức xúc sự có thể sinh một phản ứng tức khắc hay một ứng đáp cần ít nhiều thời giờ. Và nếu ngài hỏi tôi về một việc mà tôi không biết tí gì cả, thì khoảng thời gian có thể lâu hơn nữa vì kiếm chẳng được gì hết trong ký ức tôi, tôi phải tìm tài liệu nơi một người nào hay trong một quyển sách. Trong toàn khoảng thời gian đó, tư tưởng vốn tiếp diễn tương tục. Cả thảy chúng ta đều rõ biết ba trường hợp ấy.
Nhưng còn một trường hợp thứ tư nữa có lẽ ngài không biết, hay có lẽ ngài chưa từng bao giờ tỏ ra: đó là trường hợp mà khi câu hỏi được đặt ra và ta không biết được câu trả lời. Ký ức tôi không chứa đựng gì liên hệ tới việc đó, và tôi không mong được câu trả lời. Thật sự, tôi không biết. Vậy tất nhiên không có cái khoảng cách thời gian, vậy thì không có cái khoảng cách thời gian, vậy thì không có tư tưởng vì tôi không tìm kiếm, tôi không chờ đợi gì hết. Tâm thái đó, thực ra, là sự phủ nhận toàn thiệt; đó là cuộc giải thoát ra khỏi hết tất cả những điều đã biết. Và chỉ trong tâm thái ấy thì điều mới mẻ được lãnh hội, điều mới lạ kia là cái mà ta có thể gọi là thực tại tối cao, hay với một danh từ gì tùy ý. Trong tâm thái ấy, toàn tiến trình tư tưởng đã vong bặt; không còn người năng quán với sự thể sở quán, cũng không còn người thọ nghiệm với sự thể được kinh nghiệm. Mọi kinh nghiệm đã vong bặt, và trong sự tịch lặng trọn vẹn này, hẳn nhiên cuộc chuyển hoá được trọn vẹn. |
|
|