Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Thời Của Thánh Thần ( Phần II ) Tác Giả: Hoàng Minh Tường    
Tìm cha

    Đúng vào lúc cấp trên dự định đề bạt đồng chí Chiến Thắng Lợi giữ chức Bộ trưởng Kinh tế, kiêm Phó trưởng ban Cải tạo tư sản phía Nam, thì có nhiều đơn khiếu nại gửi lên Tổ chức Trung ương.
    Rất nhiều lá đơn nặc danh gần từ nhiều địa chỉ, bưu cục khác nhau trên khắp ba miền Bắc Trung Nam. Nội dung các đơn thư này, dù viết bằng nhiều thứ chữ, đánh máy hoặc viết tay, nhưng chung quy lại đều tập trung vào bốn nội dung:
    Thứ nhất: Gần đây lập trường tư tưởng chính trị, quan điểm giai cấp của đồng chí Chiến Thắng Lợi có nhiều biểu hiện lệch lạc, phẩm chất tư tưởng sa sút. Cụ thể là đồng chí bị nhóm các nhà văn quá khích Châu Hà, Trần Nhân Ảnh, Bùi Đào Nguyên… bắt ép bảo lãnh cho em ruột là Nguyễn Kỹ Vỹ ra khôi trại cải tạo. Việc tha Nguyễn Kỳ Vỹ, một cây bút chống đối, đi ngược lại Chủ nghĩa xã hội, khiến rất nhiều văn nghệ sĩ và độc giả cả nước bất bình và phẫn nộ…
    Lập trường tư tưởng lệch lạc của Chiến Thắng Lợi còn thể hiện ở việc đồng chí này đang ra sức vận động để đưa nhà văn Châu Hà về làm Tổng biên tập báo Văn Chương, một tờ báo có vị trí tiên phong và định hướng nền văn học cách mạng Xã hội chủ nghĩa. Châu Hà là một nhà văn có thành tựu trong hai cuộc kháng chiến, nhưng gần đây mắc bệnh công thần và đặc biệt đang có khuynh hướng dân chủ đa nguyên cực kỳ nguy hiểm…
    Thứ hai: Việc Trung ương định bổ nhiệm Chiến Thắng Lợi làm Bộ trưởng Kinh tế và đảm trách các hoạt động kinh tế là trái với sở đoản sở trường của đồng chí ấy. Chiến Thắng Lợi xuất thân gia đình địa chủ kháng chiến, bản thân là học trò nông thôn đi theo cách mạng, không biết gì về kinh tế. Không nên lặp lại những trường hợp trái quy luật, như kiểu "Nhà thơ làm kinh tế, Thống chế đi đặt vòng" trong thời gian gần đây.
    Thứ ba: Điều đặc biệt nguy hiểm là Chiến Thắng Lợi đã lừa dối tổ chức, khai man lý lịch để chui sâu, luồn cao. Lợi là người có truyền thống hủ hoá. Hồi còn hoạt động trong vùng địch hậu, Chiến Thắng Lợi đã hủ hoá với đồng chí Đào Thị Cam, vợ của Khu uỷ viên Hữu ngạn Lê Thuyết, có con hoang là Lê Kỳ Chu. Sau đó, khi lên chiến khu, ngựa theo đường cũ (đúng hơn là dê theo đường cũ), Chiến Thắng Lợi lại tiếp tục lừa dối tổ chức, hủ hoá với chị Ma Thị Là, người Tày thuộc địa bàn đóng quân. Sau khi cơ quan phát hiện thấy quan hệ bất chính này, đã buộc Lợi phải cưới Là. Việc Chiến Thắng Lợi cố tình không báo cáo với tổ chức mối tình vụng trộm với đồng chí Cam, và đứa con ngoài giá thú Lê Kỳ Chu là vi phạm lời thề của tổ chức, lừa dối cấp trên và nhà nước.
    Thứ tư: Chiến Thắng Lợi đã phạm tội phản bội lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc. Đó là trong khi hàng triệu thanh niên hăng hái tòng quân vượt Trường sơn đi cứu nước, hàng vạn chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận, thì Chiến Thắng Lợi và Đào Thị Cam đã lợi dụng chức quyền của mình, như Lý Thông lừa Thạch Sanh ra miếu cho trăn tinh ăn thịt, thế người khác vào chỗ của con, thu xếp cho con trai ngoài giá thú là Lê Kỳ Chu "B quay", sang Liên Xô học để bảo mạng và vinh thân phì gia sau này…
    Cho mãi tới những năm sau này, khi đã về vườn, tác giả của những lá thư nặc danh tố cáo Chiến Thắng Lợi mới đột ngột lộ mặt trong một bài hồi ký đăng trên tờ tạp chí mạng Talaviet của người Việt ở nước ngoài. Còn ngày ấy, Văn Quyền làm như một kẻ hoàn toàn vô can, thậm chí trước mặt Chiến Thắng Lợi, Quyền còn tỏ ra hết sức phẫn nộ với những kẻ vu cáo.
    - Em đề nghị anh phải báo cáo tổ chức để tìm ra kẻ dã tâm bôi xấu cán bộ, gây mất đoàn kết nội bộ - Quyền cầm tập đơn thư dầy cộp, đặt lên trên bàn Lợi, mắt ngân ngấn nước như đang oan ức thay cho sư phụ - Không có ai biết quan hệ của anh với chị Cam ngoài Châu Hà. Anh còn nhớ cái truyện ký "Người đẹp Sơn Minh hay sự thật về Ni cô Đàm Hiên" của Đà Giang viết đăng trên. tạp chí Văn không?
    - Thế thì chẳng nhẽ cậu ấy lại tự mâu thuẫn với mình? Cậu ấy đả kích cả việc mình muốn tiến cử cậu ta vào cái ghế Tổng biên tập báo Văn Chương?
    - Anh ơi, thế mới là Châu Hà. Hắn khôn như rận và mưu mô như Gia Cát. Viết thế là để anh tin hắn thuộc về phe của anh, của Nguyễn Kỳ Vỹ. Viết thế tức là hắn cũng muốn tự đánh bóng tên tuổi của hắn đấy. Một nhà văn kinh qua chiến trường, cấp tiến như thế, lại được chính đồng chí Chiến Thắng Lợi và rất có thể cả đồng chí Tư Vuông đề cử, thì cái ghế Tổng biên tập báo Văn Chương còn là bé.
    - Nhưng còn chuyện thằng Chu đi học Liên xô, làm sao Châu Hà biết được? Ngày ấy chính tôi thu xếp cho Đà Giang và Hàn Thâm Nho đi chiến trường mà…
    - Cả nhà văn Du San mà sau này là Xuyên Sơn, cây bút chiêu hồi chống cộng khét tiếng nữa chứ ạ - Mắt Văn Quyền ánh lên tia ma quái - Với Châu Hà thì có gì mà hắn không biết. Em không hiểu sao Châu Hà đặc biệt ác cảm với anh. Đi đâu hắn cũng rêu rao: Anh làm Trung ương mà bắt em trai là một nhà thơ yêu nước đi tù, thì đến Tào Tháo, Gơben sống lại cũng phải gọi bằng đại sư phụ…
    - Nếu như vậy thì tay này nguy hiểm thật. Biết thế dạo ấy tôi đã quyết giữ quan điểm bảo vệ chú. Tôi vẫn cho rằng điều chú sang làm Tổng biên tập báo Văn Chương là hợp lý hơn cả. Chú là Hội viên nhà văn, từng có tác phẩm thơ văn xuất bản, lại kinh qua hoạt động chính trị, hoạt động tuyên huấn báo chí… Nếu Anh Tư chịu nghe tôi…
    - Bây giờ có thể đồng chí Tư Vuông sẽ nghĩ lại anh ạ… Nếu anh tiếp tục đề nghị, tổ chức họ sẽ ủng hộ em chứ không phải Châu Hà. Đây là tờ báo định hướng văn chương chứ không phải thuần tuý đăng sáng tác văn học, như hồi nó còn là tạp chí. Em theo dõi tờ báo mấy chục năm, em thuộc từng chuyên mục, từng phóng viên biên tập viên của nó. Châu Hà làm văn thì được chứ làm báo là hỏng. Chuyến này thì Châu Hà đã tự vạch mặt mình. Nghe nói hắn muốn cái ghế của anh chứ không thèm chức Tổng biên tập. Muốn thế hắn phải hạ gục anh. Anh nên nhớ rằng trong bốn mũi tên nhằm bắn vào anh hắn chỉ cần một mũi tên trúng đích. Ấy là tố cáo anh lừa dối tổ chức. Đây là tội vi phạm vào lời thề thứ nhất. Không tuyệt đối trung thành…
    Trời lạnh mà mồ hôi Lợi túa ra đầy mặt, ướt hết vệt tóc trước trán và thái dương. Ông bỗng thấy hiển hiện lại hình ảnh Cam đột ngột đến tìm ông hơn mười năm trước. Đó là lần đầu tiên nàng báo với ông cái tin họ cùng có một đứa con trai, kết quả của cuộc tình sét đánh ba ngày vô tiền khoáng hậu ở phố Phương Đình thời tạm chiếm.
    - Tôi chỉ xin anh mười lăm phút thôi - Chị lấy trong túi xách ra một tấm ảnh chân dung đen trắng khổ bằng bàn tay, đặt trước mặt Lợi - Anh có nhận ra ai đây không?
    - Cam vẫn giữ tấm ảnh tôi ngày ấy?
    - Anh lầm rồi. Tôi đã đốt tấm ảnh Nguyễn Kỳ Khôi từ sau ngày gặp anh ở Phương Đình. Anh nhìn kỹ lại xem. Giống anh lắm phải không? Nó đấy. Lẽ ra tôi không bao giờ cho anh biết điều này…
    Cam bỗng bật khóc. Nhưng rồi chị thanh chóng lấy mùi soa chấm mắt, cầm lại tấm ảnh, cất vào túi xách.
    Người Lợi run như cơn sốt rét rừng ngày nào bỗng ập về. Tiếng anh méo đi:
    - Thật vậy sao? Có đúng là con chúng ta không em? Nó đang ở đâu?
    - Anh hãy bình tĩnh… Tôi đặt tên nó là Lê Kỳ Chu. Họ Lê là anh Lê Thuyết. Họ Chu của tôi. Chỉ có một chữ Kỳ của anh thôi nhưng ngay chữ tên đệm ấy, anh cũng đã vứt đi rồi. Tôi biết anh không muốn và không cần có nó. Nó sẽ là gánh nặng trong cuộc đời cách mạng của anh, thậm chí sẽ là vật cản trên bước đường anh thăng tiến. Nhưng với tôi, nó là tất cả.
    - Tôi hạnh phúc vô cùng, Cam ạ. Linh tính luôn báo với tôi rằng, giữa tôi và em có ruột sự gắn kết thiêng liêng… Tôi đã từng nói với em, bằng bất kỳ giá nào tôi cũng lo cho con, nếu chúng mình có chung một giọt máu…
    - Không cần phải như thế. Tôi tin, chỉ ít phút nữa, khi bình tĩnh lại, anh sẽ muốn rút lại đề nghị ấy của mình. Bởi nếu chuyện thằng Chu vỡ lở ra, hạnh phúc gia đình anh sẽ tan vỡ. Anh sẽ mắc tội man trá với tổ chức. Anh sẽ mất hết. Có bao nhiêu kẻ sẽ lợi dụng sự việc này để giành lấy chiếc ghế của anh…
    Mồ hôi vã ra trên trán Lợi.
    - Cả tôi cũng sẽ mất hết. Chúng ta đều quá hiểu sự nghiêm khắc của tổ chức… Vì thế chuyện này chỉ riêng anh biết. Tôi đã viết cho anh một lá thư dài. Nhưng thấy giấy trắng mực đen là quá nguy hiểm nên đã xé đi và buộc phải đến gặp anh hôm nay.
    Lợi như bị những kỷ niệm xưa kéo trĩu xuống. Ông ngồi xo ro, hai tay vuốt những giọt mồ hôi trên trán.
    Văn Quyền thầm bấm bụng cười vì trò đùa ác của mình, nhưng giọng anh lại méo xệch muốn khóc.
    - Anh đau ba thì em cũng đau một. Đây là tất cả đơn tố cáo nặc danh mà em đã thu lượm được. Xin thề với anh là chỉ mình em biết. Nay em xin đốt trước mặt anh…
    Quyền bật diêm. Ánh lửa xanh lem lém nuốt dần từng con chữ, như trò ma thuật.
    - Dù có đốt tất cả thì cũng không che được tai mắt của tổ chức. Họ biết hết cả rồi - Lợi như tự nói với mình và phì một tiếng thở dài.
    - Năm nay anh có sao La Hầu. Đại hạn vào tháng tám…
    - Chú cũng biết tử vi?
    - Dạ, em biết sơ qua. Ông thầy Tứ Bạng của em mới thực siêu phàm. Phu nhân các cụ nhà mình bà nào chẳng đến xin quẻ cho chồng. Tuần trước em nhờ thầy nói về anh, thầy bảo anh gặp tuổi đại hạn, Kình Dương, Phá Toái xung chiếu cung Quan, nhưng cung Mệnh lại có Thái Dương, Quốc Ân miếu địa, có quý nhân phù trợ.
    - Tức là rồi sẽ qua?
    - Anh cứ kiên tâm chờ đợi. Đừng vội lạy ông tôi ở bụi này. Em sẽ tiếp tục thu nhặt hết đon thư tố cáo đã gửi. Anh yên tâm đi. Em có chân rết ở khắp các văn phòng từ Ban tổ chức, Viện kiểm sát, đến Toà án, Tư pháp, Nội vụ. Em đã thăm dò ông Phó ban Bảo vệ Nội bộ rồi. Đã lên đến vị trí như anh, có bìa tem phiếu đặc biệt, có chế độ chăm sóc sức khoẻ định kỳ, tức là cái đầu đã được bảo lãnh bằng kim cương, trừ trường hợp phản bội lý tưởng, phản bội tổ chức như bọn Nhân văn Giai phẩm, bọn Xét lại… còn chỉ va vấp về tác phong sinh hoạt, lại biết lỗi lầm, thì bằng giá nào tổ chức cũng bảo vệ tới cùng.
    Văn Quyền đi khỏi, Lợi đóng chặt cửa phòng. Ông quay điện thoại tới phòng làm việc của bà Cam, lúc này đã chuyển về Hà Nội, trong ban lãnh đạo Cơ quan Phụ vận Trung ương.
    Tiếng chuông đổ liên hồi nhưng không có người nhấc máy. Cam đi đâu? Vẫn còn giờ hành chính, nhưng ông không muốn gọi tới phòng thư ký trực.
    Lật tìm sổ danh bạ, ông gọi về nhà riêng.
    Đầu dây bên kia, giọng bà Cam khê nồng, như người đang trong một cơn ốm nặng.
    - A lô, tôi nghe…
    - Bà đang ốm phải không? Đã uống thuốc gì chưa? Nếu cần tôi sẽ cho người đến đưa đi viện.
    - Cám ơn, tôi tự lo được…
    - Có việc tôi rất cần gặp bà. Chúng ta phải bàn bạc thống nhất kỹ…
    - Tôi cũng đang định gặp ông… Thằng Chu nó vừa làm một chuyện động trời. Tôi đang sống dở chết dở…
    Đang nói, bà Cam bỗng dừng máy. Ông Lợi áp sát ống nghe bên tai chờ đợi. Hình như chiếc ống nghe vẫn để ngoài bàn phím và tiếng khóc nấc vọng vào rất rõ.
    Chuyện gì đã xảy ra với Cam?
    Chiến Thắng Lợi mở tung các cánh cửa. Tiếng khóc của Cam vẫn đang nấc lên ở đâu đó. Tổ chức đã làm việc với cô ấy rồi sao? Sao Cam lại nói: "Thằng Chu nó vừa làm một chuyện động trời"? Chu mắc tội gì? Đã làm gì ảnh hưởng đến mẹ nó?
    Lướt nhanh các sự kiện liên quan đến Lê Kỳ Chu gần đây, ông Lợi thấy yên lòng. Hơn mười năm qua, kể từ cái ngày Cam cho Lợi biết chàng trai Lê Kỳ Chu ngời ngợi như một hiệp sĩ, chính là giọt máu của Lợi, ông vô cùng mãn nguyện. Ông luôn theo dõi từng bước đi và thầm chăm sóc Chu với tình cảm và trách nhiệm một người cha mẫu mực.
    Ôi chao, mới đó mà anh con trai cả mang họ Lê của ông đã vào tuổi tam thập nhi lập, đã vợ con đề huề, và ông đã có thằng cháu đích tôn, dù vẫn còn trong vòng bí mật. Cho tới bây giờ, cảm giác lần đầu nghe Cam tiết lộ điều tuyệt mật linh thiêng của hai người, rồi tâm trạng khi tận mắt nhìn thấy giọt máu của mình hiện hữu thành chàng trai tuấn tú trong đoàn quân sắp ra trận ở vùng Sơn Tây ấy, vẫn tươi rói, bồi hồi như mới hôm qua. Phải rồi, lúc ấy suýt nữa thì Lợi không kìm được lòng mình, suýt kêu lên: "Con trai của ta. Ta mới chính là bố đẻ của con đây". May mà bản lĩnh chính trị dày dạn đã kịp ngăn Lợi lại. Ông xoài tay ôm chầm lấy đôi vai rắn chắc của chàng tân binh. Tưởng như dòng máu chảy giần giật trong tấm thân trai căng tràn mười bẩy tuổi đang truyền sang Lợi. Cảm giác ruột thịt máu mủ bỗng làm mắt Lợi cay xè ông bỗng thấy biết on Cam vô cùng. Cam thật sâu sắc, biết nhìn xa trông rộng khi quyết bằng mọi giá giành lại đứa con của mình. Lợi phải biết ơn Cam, ngàn lần biết ơn nàng đã cho ông giọt máu vô giá này. Nó sẽ phải ở lại hậu phương như nàng mong muốn. Không ai có quyền cướp đi báu vật quí giá nhất của đời nàng, giọt máu thiêng liêng mà suốt mười tám năm vì nó nàng đã chịu muôn vàn đắng cay cơ cực.
    Nhờ sự can thiệp kịp thời và vô tư của thượng tá Võ Khang ở Cục Quân lực, Lê Kỳ Chu đã làm một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, tách khỏi những đoàn quân điệp trùng màu lá nguy trang rùng rùng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước để bay sang đất nước thần tiên Xã hội chủ nghĩa.
    Mãi mãi sau này, và có thể không bao giờ Lê Kỳ Chu và bất kỳ ai đó biết được vở kịch "B quay" tài tình đã được ông Lợi, bà Cam dàn dựng như thế nào. Ngay đến như thượng tá Võ Khang, người trực tiếp giải quyết cho Chu sang học Liên Xô cũng không thể biết kịch bản này. Và bây giờ chứng nhân duy nhất của vụ "B quay" ấy cũng đã nằm lại ở chiến trường Quảng Đà. Thượng tá Võ Khang được Bộ Tổng tham mưu tăng cường cho mặt trận Khu V năm 1970. Và ông đã bị địch phục kích giết hại ngay trên đường về quê, cách căn nhà nơi ông sinh ra và lớn lên chỉ một con sông nhỏ. Đợt ấy nếu Chu vào chiến trường, chắc chắn anh cũng sẽ nằm lại, như thượng tá Võ Khang, như hàng chục vạn chàng trai tuổi hai mươi vượt Trường Sơn đã nằm lại…
    Tại Liên Xô, chiếc nôi của Cách mạng tháng Mười, Lê Kỳ Chu được phân vào học trường đào tạo sĩ quan điều khiển tên lửa. Hai năm sau, thiếu uý Lê Kỳ Chu theo đoàn tên lửa SAM2 trở về nước. Và trận ra quân đầu tiên của trung đoàn tên lửa Sông Đà hạ gục pháo đài bay B52 Mỹ ở của ngõ phía tây Hà Nội, có công lao đóng góp của sĩ quan điều khiển Lê Kỳ Chu.
    Với ông Lợi, sự trưởng thành của Chu luôn luôn là niềm kiêu hãnh ngấm ngầm. Chu bước ra khỏi cuộc chiến chỉ với quân hàm thượng uý, nhưng đó là tấm giấy thông hành tối cần thiết, là thứ trang sức thời thượng quý giá để Chu trở lại trường đại học, tiếp tục cuộc hành trình hoàn thiện tri thức còn bỏ dở. Đã hơn một lần Chiến Thắng Lợi nói với Cam rằng, con trai họ sẽ nằm trong đội ngũ kế cận của cách mạng, sẽ kế tục con đường mà họ đang đi. Những thập kỷ sắp tới sẽ là thời kỳ đấu tranh quyết liệt giữa hai con đường ai thắng ai, Tư bản giãy chết hay Chủ nghĩa xã hội khoa học?
    Thời kỳ đấu trí đấu lực bằng trí tuệ và kinh tế. Cho nên, năm 1977, khi thượng uý Lê Kỳ Chu trúng tuyển khoa vô tuyến điện trường Đại học Bách khoa, thì ông Lợi quên hết vai trò một người cha bí mật, giữa thanh thiên bạch nhật một ngày nghỉ lễ, đã cưỡi xe Vonga mang một bó hoa lớn đến chúc mừng hai mẹ con Cam.
    - Anh liều quá đấy. Không sợ tai mắt thiên hạ à? - Cam hốt hoảng và bối rối. Dường như bà đã thấy những ánh mắt đang săm soi hết nhìn Lợi lại nhìn Chu. Hai người đàn ông đứng cạnh nhau chẳng khác gì hai giọt nước.
    - Em sợ gì chứ? Tôi đang muốn công khai cho thiên hạ biết. Tôi tự hào về con trai mình…
    Những lời nói khiến Cam hởi lòng hời dạ. Nhưng rồi bà vẫn phải tìm cách tiễn Lợi đi nhanh. Bà biết rằng cả sự nghiệp của hai cha con họ còn ở phía trước.
    Cho đến khi Lê Kỳ Chu yêu cô giáo Linh và quyết định cưới vợ ngay khi còn đang ngồi trên ghế trường đại học, thì những bí mật của ông Lợi, bà Cam có vẻ như không còn là độc quyền của họ nữa.
    Câu chuyện lấy vợ của Chu có vẻ như một sự sắp đặt sẵn của định mệnh.
    Hồi còn là sĩ quan ở trung đoàn tên lửa Sông Đà, do thành tích bắn hạ pháo đài bay Mỹ, do khả năng diễn đạt và báo cáo trước các hội nghị điển hình, Chu đã được đại tá Quảng Lạc, Cục trưởng Cục Z, đặc biệt yêu mến. Chính vì cái tên độc đáo, gợi nhớ đến nhà hát Quảng Lạc của Hà Nội thời Pháp tạm chiếm, mà toàn quân quen gọi đùa là ông tuồng Quảng Lạc, hoặc là ông tướng Quảng Lạc, khi ông được phong cấp tướng sau này. Về ông tướng này, trong và ngoài quân đội có khá nhiều giai thoại. Ông vốn xuất thân làm nghề đạp xích lô ở ngoại thành Hà Nội. Hồi trước cách mạng, trong một lần đạp xe lòng vòng kiếm khách, bỗng từ một ngõ hẻm, một người mặc bộ quần áo đũi diềm bâu, đội mũ phớt cháo lòng hớt hải nhảy lên xe Lạc. "Tôi là Việt Minh, đang bị mật thám đuổi. Anh đạp thốc lên". Người lạ vừa nói vừa chỉ tay ra hiệu chạy vào một khu chợ. Sau lần cứu thoát ông cán bộ Việt Minh ấy, Lạc tham gia Trung đoàn bảo vệ Thủ đô, rồi rút qua sông Hồng lên chiến khu. Trong một lần chỉnh quân đầu hoà bình lập lại, Lạc nhận ra người cán bộ mà mình cứu giúp năm xưa chính là vị cán bộ cấp cao Trung ương đến giảng bài. Nhưng Lạc lờ đi xem người cán bộ có nhận ra ân nhân không? Hoá ra chẳng ai quên ai. Suốt giờ giảng vị cán bộ cứ nhìn Lạc chằm chằm. Giờ giải lao, đồng chí đến gặp Lạc, nhắc lại câu chuyện cũ. Cả hội trường đổ xô đến nghe chuyện. Lạc xích lô trở thành cái tên nổi tiếng toàn quân Sau lần ấy, Quảng Lạc tiến vù vù. Từ Chính trị viên phó tiểu đoàn, ông đi học một lớp chính trị, rồi được phong vượt cấp, giữa cuộc chiến tranh chống Mỹ đã lên tới chức Phó Cục trưởng. Không ít người ghen tị với Lạc, nhưng ai cũng phải thừa nhận, mặc dù trình độ văn hoá có hạn, nhưng Quảng Lạc có trí nhớ thật tuyệt vời. Dường như tất cả những gì, từ thời Tây đến giờ, hễ đã qua mắt ông đều được ông ghi vào bộ nhớ. Học nghị quyết, tài liệu dày hàng vài chục. trang, chẳng cần ghi chép gì, ông nhớ vanh vách.
    Cái trí nhớ của tướng Quảng Lạc không ngờ có lần đã đánh trúng tim đen Chiến Thắng Lợi. Số là lần ấy, tất cả cán bộ cấp cao về học tạp nghị quyết Trung ương tại Hội trường lởn Ba Đình. Tướng Quảng Lạc ngồi cạnh Chiến Thắng Lợi.
    Suốt buổi, ông chẳng ghi chép gì, chỉ ngồi nhìn Lợi, trầm ngâm nghĩ ngợi. Vốn tính thẳng ruột ngựa, giờ giải lao, Lạc kéo Lợi xuống quầy căng tin, gọi hai vại bia hơi và một gói lạc rang rồi vừa cụng ly đánh keng vừa hỏi thẳng đuồn đuột:
    - Này, tớ hỏi thật đằng ấy nhé, đằng ấy có quen thân với cô Cam, Hội phó Tỉnh hội phụ nữ Sơn Minh không?
    - Sao anh lại hỏi vậy? - Mặt Lợi bỗng đỏ nhừ.
    - Tớ trông thằng Lê Kỳ Chu ở trung đoàn tên lửa Sông Đà giống cậu như đúc. Tớ đồ rằng thằng Chu là con của cậu, chứ không phải con ông Lê Thuyết. Hồi Nhật đảo chính Pháp, tớ cũng từng đạp xích lô cho đồng chí Lê Thuyết. Con ông Thuyết không có cái mặt ấy. Nói thật nhé. Tớ phục cậu. Cậu mà ngủ được với cô Cam, Ni cô Đàm Hiên, mỹ nhân Sơn Minh, cũng sướng một đời…
    - Tôi chưa hiểu ý đồng chí… - Lợi chống chế yếu ớt.
    - Khách sáo, già dối làm chó gì? Tuổi ngần này rồi, tổ chức không thích, cho về vườn, thì đã làm sao? Tớ đang muốn gả con gái cho thằng Lê Kỳ Chu, nên mới nói với cậu thế. Nếu thật Chu nó là con cậu, thì chúng mình làm thông gia với nhau cho vui…
    Tưởng chuyện đùa tếu, nào ngờ năm sau, tướng Quảng Lạc gả con gái Út là cô giáo Quản Thị Linh cho Lê Kỳ Chu, khi anh còn đang theo học khoá kỹ sư vô tuyến điện.
    Chu lấy con gái tướng Quảng Lạc, như chuột sa chĩnh gạo. Ông bố vợ thuộc hàng sĩ quan cao cấp, được phân nhà ở trong thành. Khu hoàng thành cổ từ triều Lý - Trần - Lê, sau ngày giải phóng Thủ đô được chọn làm đại bản doanh của Bộ Quốc phòng. Ngoài nơi đặt trụ sở các cơ quan đầu não, vùng ven tường thành được biến thành khu gia binh, còn gọi là khu phố nhà binh. Suốt mấy chục năm bao cấp, kín cổng cao tường nhà này đi sang nhà khác bằng những ngõ ngách ngoắt ngoéo, tăm tối, nay tất cả các nhà tướng tá cùng phá bức tường phía sau, quay một phát, trăm tám mươi độ, đồng loạt thành nhà mặt phố. Vì nhà đông người, lại thuộc diện tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa, tướng Quảng Lạc được chia thêm một lô đất ở sân bay Bạch Mai cũ, ông cùng vợ và con trai Út xây một căn nhà vườn, nhường căn hộ phố nhà binh cho vợ chồng Linh, Chu. Vậy là bỗng nhiên vợ chồng Chu có phố mặt tiền. Nhà mặt tiền ra tiền mặt. Nhà mặt phố hơn bố làm quan. Những câu ca này được lưu truyền từ dạo ấy.
    Có lẽ do sự thúc bách của ông bố vợ tướng Quảng Lạc, mà từ ngày cưới Linh, Lê Kỳ Chu đã âm ỉ một khát vọng là tìm bằng được mộ và quê gốc của bố Lê Thuyết. Đã mấy lần anh gạn hỏi mẹ, nhưng bà Cam hoặc như lờ đi không nghe rõ, hoặc là viện lý do gạt phắt:
    - Bố mẹ cưới nhau không giá thú. Với lại ngày ấy bố mày có nói gì đến quê quán?
    - Chả lẽ bố con vô sản đến mức "không quê hương sương gió tơi bời"? Phải có một nơi nào là quê gốc của ông bà cha mẹ chứ?
    - Thì mẹ vẫn nghe bố Thuyết mày nói quê gốc ở Thái Bình. Năm lên mười tuổi ông bà đưa bố mày ra làm cu ly ở mỏ than Hòn Gai. Rồi ông bà cùng chết vì dịch tả. Bố mày lang thang về Hải Phòng, làm cu ly nhau ở nhà máy đèn…
    Chỉ bằng những thông tin sơ sài và ước lệ ấy, Lê Kỳ Chu đã đi không biết bao nhiêu cửa, lần tìm từ phòng lưu trữ Sở than Hòn Gai, phòng truyền thống nhà máy điện, nhà máy Xi măng Hải Phòng, Ban tổ chức Trung ương, Ban lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… Cho đến khi tưởng đã bế tắc, vô vọng hoàn toàn, thì một tia sáng rất nhỏ bỗng hé lộ cuối đường hầm. Trong đợt chỉnh lý lần cuối cuốn "Lịch sử phong trao công nhân đất cảng, Ban biên tập và Nhà xuất bản Cánh Buồm bỗng lần tìm ra và cho người về xác minh quê gốc đồng chí Lê Thuyết. Hoá ra tên Lê Thuyết, cũng chỉ là một cái tên giả để hoạt động cách mạng. Tên thật đồng chí là Hoàng Văn Vẹo, quê quán tại làng Rìa, xưa thuộc tổng Cồn Cua, tỉnh Thái Bình.
    Nhận được thông tin này, suốt một đêm Chu không ngủ. Xúc động, mừng vui, bồi hồi, xa xót, tự hào, thương tiếc… Đủ các cung bậc tình cảm chen lấn, hỗn tạp. Anh lén ngồi dậy hôn vợ rồi hôn vào cãi mẩu chim bé tí như quả ớt chỉ thiên của con trai và thầm nói với con: "Thế là bố con mình sắp tìm được cội nguồn rồi".
    Sáng sớm hôm sau, Chu nói dối vợ về Mường Bi có việc, hôn chim thằng cu lần nữa, rồi cưỡi chiếc Honda 67 về rủ cậu Quách Liêu đi Thái Bình. Cậu Quách Liêu, em cùng mẹ khác cha với Cam, giờ làm cán bộ phòng văn hoá Mường Bi. Dù đã là dân Hà Nội, nhưng Chu vẫn luôn coi cậu Quách Liêu và quê hương Mường Bi là ruột thịt của mình.
    Cái làng Rìa trước kia, từ ngày tiến lên Chủ nghĩa xã hội được khoác một cái tên mĩ miều là hợp tác xã nông nghiệp cấp cao Tiên Tiến. Hỏi thăm rất nhiều người, nhưng phải gặp những người già cao tuổi, mới tìm tới được làng Rìa nằm khuất nẻo bên một nhánh sông đổ ra cửa Diêm Điền.
    Xế chiều, hai cậu cháu Chu mới tìm thấy nhà ông Hoàng Văn Vọ, em trai liệt sĩ Hoàng Văn Vẹo. Ông Vẹo có người con gái duy nhất lấy chồng đi khai hoang kinh tế mới trên Nghĩa Lộ, nên bát hương thờ tự để ở nhà ông em ruột. Nhìn tấm bằng Tổ quốc ghi công ghi tên liệt sĩ Hoàng Văn Vẹo, tức Lê Thuyết, hai cậu cháu Chu mừng thầm là đã tìm đúng địa chỉ rồi.
    Ông Vọ mới ngoài sáu mươi mà cổ kính, già nua như ông lão tám mươi tuổi. Cuộc gặp gỡ đột ngột với hai cậu cháu Chu, khiến ông Vọ tưởng như mình đang gặp những người ngoài hành tinh, tức là câu chuyện của họ hoàn toàn xa lạ, hoang đường, đến mức nông dân chân chỉ hạt bột như ông mà cũng nổi máu cảnh giác cách mạng, cho rằng có thể mình đang gặp hai kẻ gián điệp, muốn về hợp tác xã Tiên Tiến phá hoại phong trào nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn. Ông giả vờ đi đái sau đống rạ, rồi gọi cô con dâu, ngầm bảo đi gọi ông xã đội trưởng đến để đề phòng bất trắc.
    Chẳng mấy chốc người trong làng đã kéo đến kín đặc cái sân đất nện. Trẻ con chỉ trỏ, đuổi nhau quanh đống rơm, người già, đàn bà ghé tai nhau thì thào bàn tán. "Ông Vẹo làng mình có con riêng. Hoá ra trước ngày bị mật thám bắn ở Cầu Đất Hải Phòng, ông Vẹo đã kịp gửi lại một hạt giống cách mạng". "Dào ôi, khéo mà lại bé cái nhầm, kẻ ăn ốc người đổ vỏ! Nhà ông Vẹo làm gì có cái mặt thế kia?" "Gớm, chỉ độc mồm. Không có lửa thì làm sao có khói. Người ta ngời ngời là thế mà lại thèm đi nhận nhằng à?"…
    Trong nhà, cậu Quách Liêu giúp Chu đặt đồ lễ và thắp hương khấn vái trên bàn thờ.
    - Thưa chú, nếu chú đúng là em ruột bố cháu thì cháu sung sướng vô cùng - Lê Kỳ Chu sau khi nói rõ mục đích chuyến đi, và trình bày hết hoàn cảnh của mình, liền lấy trong cặp ra một tờ giấy được bọc cẩn thận, kính cẩn hai tay đưa cho ông Vọ:
    - Thưa chú, đây là giấy khai sinh của cháu. Cháu chính là Lê Kỳ Chu, con trai bố Lê Thuyết, tức là liệt sĩ Hoàng Văn Vẹo…
    Mãi rồi ông Vọ cũng vỡ lẽ. Khổ, hoá ra anh này cũng giống như những người đi tìm đồng đội trên đài. Ông nheo nheo đôi mắt kèm nhèm nhìn ngang lại nhìn dọc. Anh Vẹo mà có con ngoài giá thú thì phúc đức nhà ông to bằng cái đình. Khốn nỗi anh Vẹo lấy vợ sớm, từ năm mười bốn tuổi, chị vợ hơn chồng gần năm tuổi, nhưng hai người chê nhau, mãi mấy năm sau mới có một mụn con gái, là cái Vặn. Hồi anh Vẹo bị Pháp bắn ở Hải Phòng, cái Vặn mới hai tuổi…
    - Đúng, anh tôi đi làm Việt Minh có lấy bí danh là Lê Thuyết. Bố mẹ tôi có ra Hòn Gai làm cu ly than hai năm, nhưng sau khi anh Vẹo tôi mải xuống tàu chơi, bị lạc, bố mẹ tôi bèn dắt díu chúng tôi về quê. Được mấy năm, anh Vẹo tôi về nghe theo lời bố mẹ tôi, lấy vợ. Lấy vợ được vài tháng, anh tôi chê vợ, lại bỏ nhà đi. Hoá ra anh tôi theo Việt Minh…
    - Chỗ này thì không khớp với lý lịch - Chu nói.
    - Lý lịch thật của ông anh tôi là thế đấy. Đi làm Việt Minh, bố ai dám khai thật. Tên là Xoài phải khai là Mít, tuổi Thân thì nói là Dần, bố mẹ anh em ruột thịt phải khai đã chết hết. Thế, Tây nó mới không mò ra. Tôi không dám nói sai, chuyện vợ con của ông anh tôi thì không giấu được. Ngoài người vợ ở quê sau khi anh tôi bị Tây bắn, đã đi bước nữa, lấy chồng bên kia sông, tôi không thấy nói anh Vẹo tôi có người vợ bé nào.
    - Dạ, mẹ cháu lấy bố cháu không có giá thú… Hai người cùng đi tham gia cách mạng…
    - Thế vậy anh sinh năm nào? - ông Võ biết chắc là bé cái nhầm rồi, mới nghĩ cách hỏi lục vấn.
    - Dạ, giấy khai sinh gốc đây ạ. Mẹ cháu sinh cháu năm 1949.
    Ông Vọ thừ người, đưa ngón tay nhẩm tính.
    - Thế thì cả anh với mẹ anh đều nhầm to rồi. Ngay từ lúc anh đến, tôi đã biết ngay là có sự nhầm. Họ Hoàng nhà tôi không ai có khuôn mặt như anh. Anh Vẹo tôi, tức là liệt sĩ Lê Thuyết trên cái bằng treo kia, hy sinh năm 1946 tại Hải Phòng. Giấy chứng nhận liệt sĩ cũng ghi rõ năm anh tôi mất. Làm sao chết ba năm rồi mà còn đẻ con được?
    Câu chuyện đang đến hồi kết thúc thì trưởng công an xã và mấy dân quân khoác súng đến. Đây là vùng cửa sông, ven biển, nơi các nhóm biệt kích gián điệp thường xâm nhập, vì thế tuy đất nước thống nhất vẫn phải đề cao cảnh giác cách mạng, cảnh giác bao nhiêu cũng không thừa.
    Trưởng công an xã lừ đừ đi vòng quanh, rồi chiếu tia nhìn sắc lạnh như màu nòng súng vào hai người lạ mặt.
    - Đề nghị các anh cho xem giấy tờ.
    Đấy là gáo nước lạnh của nhà chức trách bồi tiếp theo những phán quyết của ông chú hờ, khiến Lê Kỳ Chu chợt nhận ra tình thế trớ trêu đến vô duyên và thảm hại của mình.
    Mặc dù đã đưa hết các giấy tờ tuỳ thân, lại viện đến nhạc phụ là tướng Quảng Lạc lừng lẫy, nhưng tối ấy hai cậu cháu vẫn phải nộp mạng cho đàn muỗi đói như những chiếc B52 Mỹ, thoả sức oanh tạc ở trụ sở uỷ ban xã.
    Nỗi đau không có cha, cộng với nỗi đau bị mẹ lừa dối càng sưng tấy lên, nhức buốt suốt dọc đường hai cậu cháu từ làng Rìa, Thái Bình, về Hà Nội.
    - Mẹ lừa dối con. Mẹ cố tình lừa dối con suốt ba chục năm nay… - Vừa nhìn thấy bà Cam, Chu đã ôm mặt khóc nấc lên.
    Những âm thanh ban đầu còn tắc nghẹn, sau thì ồ ồ như vòi nước xả hết van. Không phải tiếng khóc của một người đàn ông vừa đến tuổi làm bố, mà là tiếng khóc của một đứa trẻ đau đớn vì tủi nhục, vì bị lừa gạt.
    Bà Cam sững sờ không hiểu có chuyện gì xảy ra. Đến khi nghe cậu Liêu tường thuật lại toàn bộ cuộc hành trình đi tìm cha của Chu, thì bà cũng ôm mặt khóc nức nở.
    - Vì sao mẹ lại lừa dối con? Vì sao một người cách mạng như mẹ lại có thể sống trong sự dối trá? Con là con ai thì chỉ riêng mình mẹ biết thôi. Thế mà mẹ lại giấu giếm. Hay cha con là kẻ phản động? Mẹ sợ bị khai trừ ra khỏi tổ chức, sợ mất chức mất quyền ư? Vì sao mẹ lại phải nấp dưới một cái bóng ma? Hoá ra con chỉ là một đứa con hoang. Thế mà mấy chục năm nay con cứ hãnh diện tự hào vì có một người cha là liệt sĩ là chiến sĩ cách mạng. Thật là dối trá, lừa đảo. Thật nhục nhã…
    Mỗi tiếng đấm ngực thình thịch của Chu lại như nhát búa dội vào tim bà Cam buốt nhói.
    - Mẹ xin con… Con đừng nói nữa… Hãy tha lỗi cho mẹ…
    - Thế thì ai tha lỗi cho con, một đứa con hoang đội lốt con một chiến sĩ cách mạng? Thật là thô bỉ, hèn mạt. Trong khi hàng vạn thanh niên ra trận, cả lớp bạn bè nằm lại Trường Sơn thì con cố tình khoác áo con liệt sĩ để B quay, để đi nước ngoài bảo toàn tính mạng. Ôi, sao mẹ không cho con sống một cách đàng hoàng? Mẹ và tất cả bạn bè đồng chí của mẹ đều hùa nhau đẩy con vào con đường giả dối…
    - Đừng nói thế. Mẹ cấm con không được nói thế - Bà Cam thấy con trai đã bắt đầu đi quá đà.
    - Mẹ còn oan ư? Sao mẹ có thể nhẫn tâm lừa dối tới ba mươi năm? Ừ, thì con là đứa con hoang đi. Thì đã làm sao? Mẹ có quyền chửa đẻ với bất cứ ai, miễn là có con. Con đâu cần cầu mong có một người cha làm đến chức này nọ. Người cha cách mạng hay không cách mạng với con đâu có nghĩa lý gì? Cha con có thể là một lão nông dân, một cu li xe. Không cần địa vị cao sang, chỉ cần là một người lương thiện, có danh tính - Chu nhìn thẳng vào đôi mắt ngập nước của mẹ, ôm lấy đôi vai mẹ mà lắc liên hồi.
    Trong cái giây phút đau đớn ấy của đứa con, bà Cam bỗng nhận ra một luồng ánh sáng cực mạnh chiếu vào tận nơi sâu thẳm nhất tâm hồn mình, truyền cho bà một nguồn năng lượng kỳ diệu đủ thắng mọi lực cản mà bao năm nay bắt bà phải im lặng. Dường như bây giờ, khi đứa con đã bóc trần lớp màn bí mật, không còn gì cần che đậy, không còn gì phải giấu giếm, bà mới bắt đầu sống với con người thực của mình, nhận ra con người thực của mình. Giống như một thứ quả, như quả cây sở, cây cao su chẳng hạn, muốn chúng nảy mầm cho một lứa cây mới, người ta phải đập vỡ lớp vỏ cứng bao bọc, thậm chí phải nhúng chúng vào nước sôi trăm độ. Bóc trần một sự thật bao giờ cũng đau đớn, cực kỳ khó khăn. Bà Cam đang tự bóc trần một lớp vỏ che đậy. Bà ngồi bệt xuống đất buông xuôi, như muốn trút hết những gì mà lâu nay bà vẫn khoác trên mình.
    - Cứ phỉ nhổ mẹ anh nữa đi… Tôi là kẻ hư hỏng, tôi đáng bị nguyền rủa. Tôi hèn nhát và giả dối không dám khai ra người đã ngủ với mình. Tôi không đáng là một người mẹ…
    Thái độ thay đổi của Cam, những lời tự sỉ vả của bà, khiến Chu bối rối. Trời ơi, sao mẹ bỗng già như một bà lão bẩy mươi thế kia? Anh chợt nhận ra những sợi tóc bạc quá nhiều trên đầu mẹ. Anh thấy thương mẹ da diết, anh nhận ra mình đã đi quá đà.
    - Kìa mẹ. Con chỉ muốn biết sự thật thôi mà…
    - Có những sự thật còn cay đắng hơn nữa mà chỉ mình mẹ biết. Và mẹ phải chôn chặt trong lòng, có thể phải mang theo xuống mồ…
    Bà Cam nói và nước mắt tuôn chảy lã chã. Bà chợt nghĩ tới Cục đứa con đầu lòng tội nghiệp của bà, một mảng sự thật nữa, cay đắng ê chề nhưng xa xót, đáng thương vô cùng mà có thể cho tới lúc xuống mồ bà vẫn giấu kín mang theo. So với Chu, giọt máu hoang mà ngay sau đây bà dám công khai cho tổ chức và bàn dân thiên hạ biết, thì Cục là một ẩn số của bài toán mà không nhà toán học thiên tài nào, ngoài bà, có thể giải được. Ngay người cha đẻ nó, Trương Phiên, đồn trưởng bốt làng Động, kẻ hàng ngày vẫn ra vào đánh tổ tôm với ông Lý Phúc, hàng ngày chạm mặt thằng bé, cũng không nhận ra được giọt máu của mình. Chuẩn tướng Trương Phiên giờ đã thành kẻ lưu vong, gia nhập tổ chức Việt Nam phục quốc, suốt ngày ra rả trên đài BBC kêu gọi Việt kiều lật đổ chế độ cộng sản. Nếu tướng Trương Phiên biết một mảng sự thật nữa của đời bà Cam bị bóc trần thì sẽ ra sao? Nếu ngay bây giờ Cục cũng từ làng Động lên đây để bóc trần sự thật, để phanh phui quãng đời bí ẩn nữa của bà, thì bà làm sao sống nổi? Trời ơi, một người mang danh cộng sản như bà sao mà nhơ nhớp đàng điếm đến thế?
    - Thôi, chị ơi, cháu nó có lỗi. Em xin chị… - Cậu Quách Liêu xua tay rối rít, ra hiệu cho Chu hãy lánh đi.
    Chu quỳ sụp xuống bên mẹ.
    - Kìa mẹ. Xin mẹ đừng tự làm khổ mình như thế. Con van mẹ. Nếu thấy không cần phải nói ra thì mẹ cứ giữ trong lòng…
    Bà Cam vấn lại tóc, lau khô nước mắt.
    - Giờ thì mẹ đã có thể yên tâm về con… Con đã đủ trưởng thành để biết một sự thật. Hôm nay có cả cậu Quách Liêu, chị muốn cậu cùng nghe một sự thật. Chu ơi, con hãy nghe mẹ nói đây. Con là kết quả của một tình yêu. Một tình yêu không toan tính, không vụ lợi. Con có một người cha cũng đủ cho con tự hào…
    - Mẹ nói đi. Cha con là ai?
    - Lẽ ra mẹ đã nói với con từ cái đợt con tập trung trên Suối Hai để chuẩn bị khoác ba lô vào chiến trường. Nhưng vì nhiều lẽ. Vì mẹ không muốn công danh sự nghiệp của cha con bị ảnh hưởng. Mẹ không muốn hạnh phúc gia đình của cha con bị phá vỡ. Lại cũng đúng như con vừa nói, vì mẹ sợ bị khai trừ khỏi tổ chức, mẹ hèn hạ đến mức sợ mất chức mất quyền… Con có nhớ người đã đến đơn vị xin cho con đi Liên Xô học không?
    - Đấy là bạn cùng tham gia cách mạng với bố Lê Thuyết…
    - Bác Lê Thuyết hy sinh từ năm 1946 ở Hải Phòng. Cha con thuộc lớp đàn em đi theo cách mạng, không thuộc thế hệ bác Lê Thuyết. Năm 1948 mẹ mới gặp và yêu cha con như một thứ tình yêu ma ám, mê muội. Tên con là Kỳ Chu. Còn tên thật của cha con là Nguyễn Kỳ Khôi…

Xem Tiếp Chương 8Xem Tiếp Chương 15 (Kết Thúc)

Thời Của Thánh Thần ( Phần II )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Đang Xem Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em