Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Thời Của Thánh Thần ( Phần II ) Tác Giả: Hoàng Minh Tường    
Đối thoại Đông Tây

    Mười hai năm sau, phần II hồi ký "Kẻ tha hương", mới được tác giả Nguyễn Kỳ Vọng hoàn thành tại Mỹ. Ông viết trong dịp nằm bệnh viện hai tháng vì vụ tai nạn dập bàn chân khi chỉ huy thi công một công trình cho cộng đồng người Việt ở New Orleans. Lật giở lại cuốn sổ tay nhoè nát vì thời gian, vì nước biển ghi lại sáu tháng mười hai ngày địa ngục trần gian ấy, vừa viết, nước mắt ông vừa nhỏ thánh thót xuống các con chữ.
    Độc giả đầu tiên có may mắn được đọc những dòng hồi ký độc nhất vô nhị trên thế gian này, là nhà văn cộng sản Châu Hà.
    Theo lời mời của tổ chức "Các nhà văn viết về chiến tranh" của Mỹ, gồm phần lớn những người từng tham chiến ở Việt Nam, đoàn nhà văn Việt nam đầu tiên do nhà văn Tổng biên tập báo Văn Chương, dẫn đầu, đã sang thăm Hoa Kỳ một tháng hai mươi bẩy ngày.
    Cuộc viếng thăm có tính chất ngoại giao nhân dân để chuẩn bị cho tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, đã bị hoãn đi hoãn lai tới ba lần vì không hề đơn giản. Bởi phía Mỹ đưa ra một danh sách chín nhà văn do họ chọn, trong đó có nhà văn Châu Hà và nhà thơ Trần Nhân Ảnh.
    Văn phòng đại diện Mỹ tại Hà Nội chỉ cấp hộ chiếu cho những người khách này. Phía Việt Nam muốn rút một số tên, muốn thêm một số tên khác. Người mà phía Việt Nam đề nghị rút tên đầu tiên là Châu Hà, với lý do ông đang là Tổng biên tập báo Văn Chương, một tờ báo hàng đầu, cơ quan ngôn luận của trí thức, văn nghệ sĩ. Bản thân ông là một yếu nhân, là cán bộ lãnh đạo cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý. Ông phải có đanh sách trong một phái đoàn cấp nhà nước, Chính phủ Hoa Kỳ phải có lời mời chính thức theo đường ngoại giao chứ không thể đi theo cách dân dã thế này.
    Nhưng, nguyên nhân đề nghị rút tên Châu Hà, thực chất, không sang trọng đến như vậy.
    Người hiểu rõ chuyện này, như nằm trong chăn, không ai khác là Văn Quyền. Từ ngày tạp chí Văn chương đổi thành tuần báo Văn Chương và cái chức Tổng biên tập tuột khỏi Văn Quyền để rơi vào tay Châu Hà, Quyền thù Hà ra mặt. Số báo Văn Chương nào vừa ra, Quyền cũng đeo kính lúp xăm soi từng chữ, từng dấu phẩy. Ai báo cáo với Trung ương vụ đăng truyện ngắn "Thần linh" báng bổ lãnh tụ, hạ bệ thần tượng? Ai trực tiếp lên gặp cấp lãnh đạo tối cao cảnh báo về loạt bài: "Chủ nghĩa phải đạo trong văn chương", "Khúc ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ", "Hãy cáo chung dòng văn chương cổ động", "Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, hay là nửa chiếc bánh mỳ" v.v và vv… Văn Quyền chứ ai. Quyền vừa báo cáo vừa khóc trước mặt Trưởng ban X. rằng, cả bọn viết loạt bài này lẫn kẻ cho đăng loạt bài này, mà cụ thể là ông Tổng biên tập Châu Hà, đang bán đứng Chủ nghĩa xã hội, đang tiếp tay cho thế lực thù địch làm cuộc diễn biến hoà bình một cách tinh vi và xảo quyệt. Rằng, nếu Trung ương không đề cao cảnh giác thì Việt Nam sẽ giống như các nước Đông Âu và Liên Xô, mọi thành quả của cách mạng sẽ sụp đổ tan tành. Công sức, máu xương của hàng triệu triệu người sẽ thành công cốc. Rằng, đây là động thái dạo đầu cho thứ chủ nghĩa đa nguyên đang ngấm ngầm hình thành trong trí thức và văn nghệ sĩ. Lịch sử từ cổ chí kim, bọn văn sĩ trí thức thường khơi mào cho những cuộc lật đổ, quân sư đắc lực cho bọn phiến loạn…
    Đồng chí Trưởng ban nói:
    - Trung ương có biết những vấn đề này. Nhưng văn nghệ là một lĩnh vực nhạy cảm. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói văn nghệ sĩ hãy tự cởi trói. Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu. Chúng ta xiết chặt, sẽ vi phạm quyền tự do, dân chủ, sẽ tạo cớ cho Mỹ và các nước Tây Âu tố cáo ta về nhân quyền. Vả lại Châu Hà đã kinh qua thử thách chiến trường ác liệt, phải tin đồng chí ấy.
    Văn Quyền đấm ngực thùm thụp:
    - Đồng chí ơi, tôi xin lấy danh dự người cộng sản, một người lính Cụ Hồ vẫn còn mang trong đầu mảnh đạn quân thù, xin báo cáo với Trung ương rằng, nhà văn Châu Hà bây giờ đã trở thành một người hoàn toàn khác, đã thay máu gần hết rồi. Sang Mỹ, chắc chắn Châu Hà sẽ gặp Xuyên Sơn, tên bồi bút chiêu hồi phản động. Vì họ từng là bạn chí cốt của nhau. Từ ngày nắm tờ báo, tuần nào Hà cũng tụ tập ở nhà Nguyễn Kỳ Vỹ những nhân vật tiền chiến và nhân văn… Loạt bài lý luận về "Chủ nghĩa hiện thục vô bờ bến" của Garôdi, về Freud, Nietzche, Chủ nghĩa hiện sinh, Hậu hiện đại… là do Châu Hà đặt hàng Nguyễn Kỳ Vỹ dịch. Nếu đồng chí không tin thì tôi buộc phải đưa đồng chí đọc bản đề dẫn do chính tay Châu Hà viết định trình bày trước Đại hội các nhà văn, nhưng rất may là đã không được thông qua…
    Bản đề dẫn Văn Quyền trịnh trọng đặt trên bàn Trưởng ban X, có tựa đề: "Vì một nền văn học đậm bản sắc dân tộc, đồng hành với nhân dân", do Châu Hà khởi thảo bằng chữ viết tay. Đọc xong, Trưởng ban lạnh toát người. Ông thầm biết ơn Văn Quyền đã cho ông thấy những vấn đề cực kỳ gai góc phức tạp của giới văn nghệ sĩ, mà ông, vốn trưởng thành từ một cán bộ phong trào ở địa phương mới được Trung ương điều động lên, chưa nắm bắt được. Kiểu này mất nước như chơi. Để bọn văn nghệ sĩ nắm được quyền lãnh đạo, chúng sẽ thiết lập lại chế độ tư bản, hô hào đa nguyên đa đảng, đi theo vết xe đổ của các nước Đông Âu, thì tất cả những ai đang nắm giữ các chức vụ trong chính quyền sẽ phải dựa cột hết. Chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp sẽ không còn đất chôn…
    Chỉ một cú điện thoại của Trưởng ban X, Châu Hà đã bị loại ra khỏi danh sách.
    Nhưng phía Mỹ không chịu nhượng bộ. Đại diện chính phủ Hoa Kỳ ở Hà Nội từ chối cấp visa cho đoàn nhà văn, nếu không có tên Tổng biên tập báo Văn Chương.
    Trưởng ban X. vốn không phải là dân am hiểu văn hoá văn nghệ. Ông trưởng thành từ nông thôn, từng làm chủ nhiệm một hợp tác xã nông nghiệp nổi tiếng nhất miền Bắc. Bị phía Mỹ và Bộ Ngoại giao ta thúc ép, ông phải có ý kiến chính thức. Vốn là người chín chắn và thận trọng, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, ông đến gặp đồng chí Tư Vuông.
    Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng vai trò và ảnh hưởng của Anh Tư đối với ê kíp lãnh đạo đương nhiệm vẫn cực kỳ quan trọng. Ông có chân trong Hội đồng cố vấn Tối cao, là thành viên Ban nghiên cứu Chiến lược năm 2000.
    - Tôi đã có ý kiến về bản đề dẫn của anh Châu Hà ngay từ khi nó được khởi thảo - Đồng chí Tư Vuông nói - Đây quả là một hệ thống luận điểm văn hoá văn nghệ có nhiều vấn đề mới mẻ, đi trước thời cuộc. Tôi nhớ tới cuộc tranh luận với Châu Hà về giới văn nghệ sĩ, khi cậu ấy mới ở chiến trường ra. Lúc ấy cậu ta có trách cứ rằng, cách mạng chúng ta ngoài khả năng bách chiến bách thắng còn có khả năng hoài nghi, nhất là hoài nghi văn nghệ sĩ. Và cậu ta công khai chính kiến, dám lên diễn đàn trong các cuộc thảo luận nghị quyết, dám đối thoại với cả Tổng Bí thư. Con người này uy vũ bất năng khuất lúc nào cũng nói thẳng nói thật. Bản đề dẫn này khó thông qua không phải vì nó sai mà chỉ vì quan điểm và tư tưởng của nó chưa thể phù hợp với hoàn cảnh cách mạng nước ta trong bối cảnh Liên Xô vừa tan rã, phe Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Việt Nam đang muốn vào WTO, đang tìm hiểu kinh tế thị trường…
    - Như vậy, việc anh Châu Hà sang Mỹ đợt này càng không có lợi.
    - Đấy là theo cách hiểu của đồng chí - Nhà thơ Ngô Sỹ Liên, cái bút danh mà rất lâu rồi đồng chí Tư Vuông hầu như không dùng đến, cảm thấy người kế nhiệm không hiểu ý mình - Theo tôi, nếu cần một gương mặt đại diện cho văn chương chống Mỹ thì Châu Hà rất xứng đáng…
    - Nhưng nhỡ anh ta ở lại, hoặc phát ngôn bừa bãi? Trường hợp hai ca sỹ sang biểu diễn ở châu âu đã chuồn ở lại, tìm cách sang Mỹ…
    Đồng chí Tư Vuông cười khẩy, thương hại sự non nớt của ông Trưởng ban mới được đề bạt:
    - Văn nghệ sĩ cũng có dăm bẩy đường Nhưng phàm đã là nhà văn chân chính, lấy tiếng Việt mẹ đẻ để nhào nặn thành tác phẩm nghệ thuật, thì có đuổi người ta cũng không chịu bỏ Tổ quốc. Châu Hà là người như vậy. Để Châu Hà đi chuyến này, hoặc là Kinh Kha nhập Tần, hoặc là điệu hổ ly sơn. Đấy chính là một mũi tên mà nhắm hai đích. Đằng nào thì ông cũng tìm ra đối sách với Châu Hà. Ông còn muốn gì hơn nữa?
    Trưởng ban ngớ ra không hiểu:
    - Anh nói thế có nghĩa là…
    Tư Vuông lại cười khẩy, vít cổ, rỉ vào tai anh bạn vàng.
    Trưởng ban X, hấp hay mắt cười, gật đầu bái phục người tiền nhiệm sát đất.
    Ngay hôm sau ông gặp Văn Quyền đả thông tư tưởng, rồi làm quyết định để Châu Hà đi Mỹ.
    Ở California, nơi tập trung đông nhất người Việt tị nạn, ngày đầu tiên đến nước Mỹ, năm nhà văn Việt Nam được đón tiếp nồng nhiệt bằng cà chua và trứng thối, cùng những lời la ó đả đảo thậm tệ. Nhà thơ Tiến Khanh bị một quả cà chua giữa trán, suýt phải đi bệnh viện.
    Đến bang Lousiana, quê hương nhà thơ cựu chiến binh Uyliam Bôtơn, tưởng sẽ được tiếp đón ân cần, nào ngờ một nhóm người Việt quá khích trưởng cờ ba sọc, cũng đón tiếp đoàn bằng cà chua và trứng thối cùng một loạt băng rôn biểu ngữ với lời lẽ chống cộng điên cuồng.
    Cầm đầu nhóm lưu vong phản động này là chuẩn tướng nguỵ Trương Phiên và bộ sậu của tờ báo "Máu đỏ da vàng" một tờ lá cải của tổ chức "Mặt trận Phục quốc" do nhà văn chiêu hồi Xuyên Sơn làm chủ bút.
    Trương Phiên đã ngoài bẩy mươi, tóc bạc ánh kim, mắt sâu màu đồng thau, mỗi ngày uống nửa lít rượu, nên da mặt lúc nào cũng đỏ như gà chọi và chân đi lảo đảo. Có cảm giác như lão sẽ ngã bất cứ lúc nào nếu không có cây can bịt bạc, vật bất ly thân. Từ ngày chạy sang Mỹ, được chính phủ Hoa Kỳ trả phụ cấp đặc biệt theo diện những chiến hữu có công trạng chiến đấu cho thế giới tự do, cộng với lương hưu cao ngất ngưởng, vô công rồi nghề, lão tham gia vào nhiều tổ chức: "Gươm thiêng ái quốc", "Chuyển lửa về quê", "Hận núi sông", vv Khi tờ báo "Máu đỏ da vàng" ra đời, Trương Phiên khoái quá, tình nguyện làm cố vấn, đi vận động tài trợ và tham gia phát hành báo.
    So với nhà văn Du San gầy gò ngày xưa, Xuyên Sơn bây giờ có vẻ xôi thịt và phàm phu tục tử quá chừng. Các chiến hữu ở quán nhậu bảo cái bụng của Xuyên Sơn là thùng tô nô đựng bia. Thực ra, nó đựng đủ thứ tạp pí lù. Bia và đủ loại rượu, ngoài ra là sản phẩm thuộc đủ các trường phái ẩm thực.
    Tác giả tập bút ký bóp méo cuộc kháng chiến chống Mỹ: "Xương trắng đất Việt", vừa viết xong thiên tuỳ bút: "Tử thủ cùng Sài Gòn", phát ông ổng trên đài Quốc gia chưa trọn hai mươi tư giờ, đã vội bỏ tử thủ luôn, chuồn theo máy bay trực thăng quan thầy Mỹ, ra Hạm đội 7 đang đợi ngoài khơi. Sang Mỹ, Xuyên Sơn càng có đất dụng… văn. Hơn hai triệu người Việt thiếu quê hương, chữ quốc ngữ và tiếng mẹ đẻ là hồn thiêng gắn kết và lưu giữ họ với cố hương. Nhưng viết văn quá tốn công sức và tâm huyết, những thứ mà Xuyên Sơn đã mòn kiệt. Viết báo mì ăn liền phục vụ các độc giả thừa thời gian nhưng đói thông tin, thích chuyện giật gân, chửi bới, vừa nhanh, vừa dễ có tiền. Nhà văn Xuyên Sơn chuyển sang làm báo chuyên nghiệp. Ông lấy nhiều bút danh, có lúc không có người viết, ông phải biến báo vừa viết tin, vừa viết bài, ký năm, sáu tên trên một số báo.
    Được ông chủ tịch "Mặt trận Phục quốc", vốn là Tổng trưởng Chiêu hồi kiêm nhà tài phiệt giàu nhất Sài Gòn, mời, Xuyên Sơn đứng ra tổ chức tờ "Máu đỏ da vàng", một cái tên gợi nhớ con Rồng cháu Tiên, rất dễ đánh lừa người Việt hải ngoại.
    Thế mạnh của Xuyên Sơn là văn học. Cho nên, khi nghe tin có đoàn nhà văn Việt Nam sẽ đến thăm New Orleans, ông chủ bút tờ "Máu đỏ da vàng" đã cho đăng lại toàn bộ loạt bài "có vấn đề" trên báo Văn Chương:: "Chủ nghĩa phải đạo trong văn chương", "Khúc ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ", "Hãy cáo chung dòng văn chương cổ động", "Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, hay là nửa chiếc bánh mỳ"… Tất nhiên, có cả truyện ngắn "Thần linh", thủ phạm nguy hiểm nhất, suýt làm Tổng biên tập Châu Hà bị cách chức.
    Với tất cả những người say mê văn học và những người làm báo hải ngoại, mấy năm gần đây, báo Văn Chương là tờ báo duy nhất trong nước, đã thổi vào họ một luồng gió mới. Họ cảm nhận được thời tiết chính trị trong nước qua bài vở và những sáng tác mới của các nhà văn. Họ coi Tổng biên tập Châu Hà, người chấn hưng báo Văn Chương, là người anh hùng của sự nghiệp đổi mới, nhà cách mạng đang dũng cảm hé mở bức màn đen của một trong những dinh luỹ cộng sản cuối cùng…
    Xuyên Sơn không hề hay biết trong đoàn nhà văn sang thăm Mỹ có Châu Hà. Ngoài tình bạn, Nguyễn Kỳ Vỹ và Châu Hà là những nhà văn Xuyên Sơn kính trọng. Từ ngày Châu Hà làm báo Văn Chương, ông càng kính trọng.
    Đăng loạt bài này, toà soạn "Máu đỏ da vàng" đã bộc lộ thái độ nhiệt liệt đồng tình với quan điểm: văn nghệ cần phải tách khỏi chính trị, phải là lực lượng xã hội phụng sự nhân quần, văn học và báo chí phải là quyền lực thứ tư, góp phần đẩy mạnh tiến trình tự do, dân chủ. Những dòng Shapeau in chữ to, chiếm gần hết trang nhất, là những lời quảng cáo nồng nhiệt: "Trong chế độ kìm kẹp hà khắc của chế độ cộng sản, mọi phương tiện thông tin tuyên truyền đều cùng một giọng điêu lừa phỉnh, giả dối, thì báo Văn Chương, tiếng nói của các nhà văn Việt Nam, đã dũng cam đăng một loạt bài chấn đông, làm nức lòng bạn đọc ca nước, vạch một lộ trình mói: tự do dân chủ cho văn chương, một sứ mạng mới của nhà văn: viết lên sự thật, phụng sự Tổ quốc và Dân tộc".
    Để cho số báo đặc biệt thêm xôm trò, thu hút độc giả, Xuyên Sơn còn cho đăng hẳn một đoạn hồi ký về tình bạn giữa ông và Tổng biên tập báo Văn Chương. Bài này vừa có ý khoe rằng Xuyên Sơn đã có một người bạn như Châu Hà, nhưng đồng thời cũng như một cảnh báo: Chúng tôi tẩy chay văn chương cộng sản. Chúng tôi chỉ kính trọng những nhà văn có tâm huyết và dũng khí như Tổng biên tập báo Văn Chương…
    Đoạn hồi ký nhắc lại kỷ niệm về mấy nhà văn, trong đó có Đà Giang (Châu Hà), Hàn Thâm Nho (Trần Nhân Ảnh), Du San (Xuyên Sơn), và Nguyễn Kỳ Vỹ. Vào thời kỳ Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, leo thang bắn phá miền Bắc, họ đã tụ tập tại nhà Vỹ, bàn nhau viết đơn bằng máu xin ra mặt trận.
    Mấy anh chàng, có tác phẩm phơi bày sự thật về cải cách ruộng đất, từng bị ghi sổ đen, sách bị thu hồi, rất muốn nịnh nọt để được Đảng tin dùng. Khi thấy Đà Giang viết đơn băng máu, Du San bèn nói kháy rằng có thể đó là máu đỉa hoặc nước quả mồng tơi. Đà Giang liền nổi điên cầm chiếc điếu cày phang túi bụi. Rồi cả bọn ôm nhau khóc. Thương cho thân phận những anh văn sĩ tiểu tư sản bị nghi kị, bị ném ra ngoài rìa thời cuộc. Du San bảo: "Nhiều khi tao cứ ngỡ mặt mình dính cứt. Ấy là những lúc chi bộ họp, đuổi mình ra ngoài. Nhục không chịu được. Sau mới biết đó chỉ là cuộc họp để phân phối một cái lốp xe đạp, một mảnh xô màn… Viết đơn bằng máu, nếu được tin dùng, sướng còn hơn lau sạch đống cứt trên mặt, các bố ạ…".
    Một nghìn tờ báo "Máu đỏ da vàng" số đặc biệt được phát không để thu hút mọi người tẩy chay bọn bồi bút cộng sản.
    Đoàn người biểu tình đi rồng rắn trong khu Vợc-sai, phía đông thành phố, khu phố làng nổi tiếng với hơn năm nghìn người Việt sinh sống. Cảnh sát Mỹ phải vào cuộc, sẵn sàng tống giam những phần tử gây rối.
    Lâu lắm rồi Trương Phiên mới lại có một ngày phấn khích đến cao độ. Cổ lão khản đặc vì hò hét, đả đảo. Lão đeo một túi cà chua lệch một bên sườn. Đến khi nhìn thấy năm thằng nhà văn cộng sản, trong đó có hai thằng mặc đồ quân giải phóng, đội mũ tai bèo, đi cùng hai nhà văn cựu chiến binh Mỹ trên chiếc xe mui trần có cảnh sát Mỹ hộ tống, thì cả người lão run lên cầm cập. Cái bộ quân phục màu cỏ úa cùng chiếc mũ tai bèo kia, bao giờ xuất hiện cũng gây cho lão sự táng đởm kinh hồn. Đó là hung tinh của đời lão, là hình bóng của tử thần, nỗi ám ảnh mang màu lửa và máu. Trời ơi, lão đã trốn biệt sang tận cái xứ sở xa xôi bên kia bán cầu này mà vẫn không thoát nổi chiếc mũ tai bèo. Cả một rừng mũ tai bèo, trùng trùng điệp điệp, như thiên la địa võng bủa vây lão tứ phía.
    Những cái tên Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu ở vùng chiến thuật I; Đắc Tô, Pleyku, Ya Súp… ở cao nguyên Trung phần, Bình Long, Đồng Xoài, Bến Cát… ở Miền Đông, cứ ong ong, toé lửa trong đầu lão, tựa như có hàng trăm mối dây điện nhằng nhịt bỗng chập vào nhau…
    Trương Phiên cầm sẵn trên tay quả cà chua, định nhằm một cái mũ tai bèo trên xe. Nhưng lão không thể nào ném đi nổi. Lão đảo người, như bị trúng gió, rồi ngã vật xuống đường.
    Cuộc biểu tình phản đối các nhà văn bồi bút cộng sản, thoắt cái, đã quay ngoắt một trăm tám mươi độ.
    Không phải vì cú ngã của ngài chuẩn tướng Trương Phiên. Chủ bút báo "Máu đỏ da vàng" đã tự đốt cháy kịch bản.
    Ấy là khi Xuyên Sơn bỗng nhìn thấy Châu Hà trong bộ quân phục giải phóng, đội mũ tai bèo, đang trên xe đi về hướng Nhà sinh hoạt văn hoá Tre Việt.
    - Đà Giang… Châu Hà… Nhà văn Châu Hà!… - Xuyên Sơn vừa gọi, vừa đuổi theo xe, tay vẫy rối rít.
    Cảnh sát chặn Xuyên Sơn lại.
    - Hãy để cho tao đến với bạn tao, cái thằng cộng sản trên xe kia - Xuyên Sơn xổ ra một tràng tiếng Anh không kịp chia vecbờ với anh chàng cảnh sát da đen - - Dừng lại, Đà Giang… Châu Hà… Du San… đ… â… y…
    Nghe gọi tên mình, Châu Hà ngoái lại. Đúng là Du San rồi. Gã chạy lạch bạch như vịt, cái bụng cóc lắc lư. Hình như gã quá sung sướng như bố gã đang sống lại. Châu Hà nói với tài xế cho xe chạy chầm chậm.
    - Trời ơi, tôi không ngờ là ông lại đặt chân tới nước Mỹ… - Xuyên Sơn vừa thở, vừa chới với đưa tay về phía Châu Hà - Nhận ra ông, tôi mừng quá. Hoá ra linh cảm của tôi đúng. Tôi đã tổ chức hẳn một số báo đặc biệt để chào đón ông.
    Một tay Xuyên Sơn nắm lấy tay Châu Hà, còn tay kia chìa ra tờ báo "Máu đỏ da vàng".
    - Có gì mà phải chào đón… Chúng tôi chỉ là những mẩu xương trắng Đất Việt…
    - Thôi mà! Đừng mai mỉa tao nữa, Đà Giang ơi… Xí xoá đi! Anh em mình sẽ còn gặp nhau tại nước Mỹ này…
    Chiếc xe ấn còi đi tiếp. Xuyên Sơn quay lại đám đông như rắn mất đầu, đang vón lại hai bên đường:
    - Giải tán thôi anh em! Người phía ta đó? Tổng biên tập báo Văn Chương, bạn tôi đó! Chúng ta ra số báo đặc biệt này là để chào mừng họ… Nào, cùng đến Nhà Tre Việt, anh em ơi!…
    Cờ ba sọc, biểu ngũ, băng rôn… bị ném lại dọc đường. Mọi người theo Xuyên Sơn nhảy lên xe buýt.
    Nhà Tre Việt là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các sự kiện lớn của cộng đồng người Việt tại New Orleans. Hội trường lớn có sức chứa sáu trăm người, khi năm nhà văn Việt Nam đến, đã chật cứng. Đón tiếp họ là Hội người Việt tại bang Lousiana, mà Chủ tịch Ban chấp hành là kỹ sư đặc hạng Nguyễn Kỳ Vọng.
    Không thể kể xiết nỗi vui mừng khi Châu Hà gặp lại Nguyễn Kỳ Vọng tại ngôi nhà Tre Việt, cách xa quê hưong nửa vòng trái đất.
    Họ ôm chầm lấy nhau, gục mặt vào vai nhau, lặng lẽ khóc. Thấm thoắt đã hơn mười sáu năm, kể từ ngày Châu Hà gặp Vọng ở nhà Khiêm. Lần ấy, ông đã cố thu xếp một chuyến xe để Vọng lên K27 thăm Nguyễn Kỳ Vỹ. Xe Vonga đen hẳn hoi. Tồng biên tập báo Tia Sáng, bạn ông, sẽ đích thân hộ tống hai anh em lên thăm "phần tử Xét lại nguy hiểm, chống phá cách mạng" là anh trai của Vọng. Thế rồi chuyến đi đành phải hoãn lại. Vọng có điện khẩn phải về Sài Gòn. Vợ và hai con gái ông di tản. Bốn năm sau, Vọng lại tiếp tục vượt biển. Vậy là qua hai cuộc chiến, rồi tiếp mười mấy năm đằng đẵng, hai anh em Vọng và Vỹ vẫn biền biệt xa nhau.
    - Lúc nhìn thấy anh, tôi cứ ngỡ trong mơ. Không ngờ anh em mình lại có ngày hội ngộ… Anh với anh Vỹ hồi này có hay gặp nhau không?
    - Tuần nào cũng gặp… Biết mình gặp Vọng thế này, Vỹ thèm lắm.
    - Bên này, tôi có theo dõi báo Văn Chương… Ba tháng trước có tin đồn anh bị tù, giống như anh Vỹ…
    - Đồn thổi đến thế kia ư? Thế là vu oan cho cộng sản chúng mình đấy.
    - Bên này chúng tôi vẫn không tin cộng sản các anh… Hôm nay anh phải nói chuyện về tờ báo của anh, về tình hình đất nước. Anh có thấy bà con chào đón các anh như thế nào không?
    - Tuyệt vời! Quá tuyệt vời! - Châu Hà trả lời Vọng mà như nói với chính mình khi ông nhìn xuống hội trường chật kín không còn một ghế trống.
    Không có một ánh mắt thù hận.
    Tràn ngập hội trường là tình thân ái, đồng bào.
    Trong đời, đã bao nhiêu lần nhà văn Châu Hà đăng đàn diễn thuyết trước hàng nghìn học sinh, sinh viên các trường phổ thông, đại học, hàng vạn thợ mỏ, công nhân nhà máy, nông trường, thanh niên xung phong, bộ đội, xã viên hợp tác xã nhưng chưa bao giờ ông xúc động như hôm nay. Bởi lần đầu tiên, ông thoát xác khỏi một anh nhà văn tuyên huấn, nói những điều không phải của chính ông nghĩ, mà là của ai đó của tổ chức, của đoàn thể… Bây giờ, ông đang là chính ông, anh nông dân, anh bộ đội Cụ Hồ tên khai sinh là Mai Văn Nhạ, là người cầm bút có tên Đà Giang và Châu Hà. Ông đang trò chuyện với những người đồng bào cùng một dòng máu, một quê hương, một nước Việt mến yêu. Trước mặt ông là những người còn mang trên mình đầy thương tích của cuộc chiến đẫm máu, còn mang nguyên vẹn nỗi hoảng loạn cùng cơn đói khát tột cùng của những ngày vượt biển. Họ phải từ bỏ quê hương, từ bỏ anh em ruột thịt, từ bỏ ngôi nhà, mảnh vườn mà cả đời chắt chiu mới dành dụm được, để đến đây, đất khách quê người, để ngửa tay cầu xin sự bố thí, đe chịu sự ghẻ lạnh, khinh miệt, kỳ thị…Và bây giờ thì họ đang ngồi dưới mái nhà của họ để nghe ông, kẻ đã từng ở phía bên kia, có tên là Việt cộng. Kẻ đã góp phần đẩy họ ra khỏi Tổ quốc…
    - Thưa bà con cô bác… Sự hiện diện của năm anh em chúng tôi cùng hai bạn nhà văn Mỹ, Uyliam Bôtơn và Tôm Joyxơ, hai cựu chiến binh đã từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam, tại cuộc họp mặt vô cùng đầm ấm và chân tình này, đủ cho thấy rằng chúng ta gặp nhau hôm nay là để xoá bỏ hận thù. Tôi mặc bộ quân phục này, cũng như Tôm và Uyliam mặc bộ quân phục kia, chỉ cốt để nói rằng chúng tôi từng ở hai phía. Nếu tôi không lầm, chính tôi đã gặp anh bạn Uyliam đây tại chiến trường Quảng Đà mùa hè năm 1970. Chúng tôi đã chĩa súng vào nhau, đã bóp cò. Nhưng lạy trời, cả hai cùng bắn trượt.
    - Riêng tôi thì lại toàn bắn lên trời - Nhà thơ Tiến Khanh ngồi bên đế vào, khiến hội trường cười ồ.
    Châu Hà nói tiếp:
    - Vì thế bây giờ Uyliam, Tôm và chúng tôi mới gặp nhau ở đây cùng khép lại quá khứ, coi nhau như những người bạn. Và chúng tôi đến với bà con cô bác mang dòng máu Việt tại thành phố New Orleans này, để nói về điều này: Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau bàn cách khép lại quá khứ, để hướng tới tương lai, xây dựng một nước Việt mến yêu đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…
    Những tràng vỗ tay vang dội, khiến Châu Hà phải dừng bài diễn thuyết nhiều lần.
    Những tiếng sụt sịt của phụ nữ và người già.
    Có một tràng vỗ tay lạ ở phía cuối hội trường. Châu Hà nhìn xuống. Ông nhận ra bộ mặt đầy phấn khích của Xuyên Sơn.
    Thì ra, chủ bút tờ "Máu đỏ da vàng, được xếp vào diện quá khích, không có giấy mời. Đích thân ông Nguyễn Kỳ Vọng phải can thiệp với ban tổ chức, tác giả "Xương trắng Đất Việt" mới vào được.
    Ngày mưa ở New Orleans.
    Kế hoạch đi thăm cầu Pontchartrain, sân vận động Superdome, khu French Quarter, rồi công viên quốc gia lịch sử Jean Laffltte… đành phải hoãn lại. Bốn nhà văn đáp xe lửa đến thăm trang trại nhà Tôm Joyxơ. Riêng Châu Hà đến chơi nhà ông Vọng.
    Đã sáu năm nay ông Vọng ở độc thân. Hầu như bạn bè thân thích, rất ít người biết chuyện này. Đây là nỗi đau riêng mà ông không muốn chia sẻ với ai.
    - Tôi muốn được thăm Miên và hai cháu Vân, Vy…
    Chưa nói hết câu, Châu Hà đã biết mình lỡ lời khi ông nhìn thấy trên giá, tấm ảnh một cô bé chừng hơn mười tuổi lồng trong khung đen.
    - Cháu Nguyễn Lê Kỳ Vân, chị con Vy đấy bác ạ. Nếu sống, bây giờ đã vào tuổi ba mươi rồi. Cháu mất trên biển, trong chuyến ba mẹ con di tản. Miên và cháu Vỹ giấu tôi, cho tới khi tới Mỹ tôi mới biết. Mỗi lần viết thư về cho tôi, Vỹ đều giả chữ viết của chị. Suốt bốn năm, tôi cứ tin con bé vẫn còn sống…
    - Cháu mất trên biển? - Châu Hà như không nghe rõ, hỏi lại.
    - Vâng. Cháu Vân chỉ là một thuyền nhân xấu số. Anh có biết bao nhiêu mạng người Việt mình đã bị làm mồi cho cá biển trong cuộc chạy trốn khỏi Tổ quốc vừa qua không?
    Ánh mắt Vọng vằn lên, dữ dội. Đôi mắt như hai móc xoáy, dọi thẳng vào Châu Hà, khiến ông hốt hoảng, quay đi.
    - Chưa ai thống kê con số này - Vọng nói tiếp - Mười nghìn? Trăm nghìn hay hơn nữa? Hãy thử làm một phép tính: Hai triệu người vượt biển, nếu chỉ cần một phần trăm trong số đó rớt xuống biển…
    - Sẽ là 20.000 người…
    - Đó một nấm mồ khổng lồ dưới biển không ai hương khói. Nhưng sao lại một phần trăm? Sao lại chỉ có 20.000? Phải hàng trăm nghìn. Một vết đau của lịch sử đang cố bị quên đi. Thật khủng khiếp. Thật vô cảm.
    - Có nhiều đến thế không? - Châu Hà bỗng choáng váng với những con số.
    - Anh là một nhà văn, không thể không biết sự thật về cuộc di tản đau đớn và khủng khiếp nhất của lịch sử người Việt. Cuốn hồi ký này, tôi viết tặng anh Vỹ tôi. Nhưng anh ấy đã là phế nhân rồi…
    Nguyễn Kỳ Vọng lấy trong tủ đưa cho Châu Hà tập bản thảo vi tính, bìa xanh màu nước biển, có tựa đề: Hồi ký "Kẻ tha hương".
    Suốt buổi chiều, rồi cả buổi tối, Châu Hà như lên cơn sốt. Những trang hồi ký thiêu đốt ông. Ông muốn cấu xé, đập vỡ một cái gì đó. Ông tu rượu Brandy ừng ực. Kể từ hôm nay, cuộc đời ông sẽ không thể yên ổn.
    - Cái chết của cháu Vân bi thảm quá - Vọng nói - Bọn hải tặc đã nhảy lên cướp tàu và hãm hiếp đàn bà con gái. Cháu Vân, mười ba tuổi, bắt đầu tuổi dậy thì. Bị làm nhục, cháu nó phát điên, gào thét, hoảng loạn, rồi cháu gieo mình xuống biển…
    Mắt Châu Hà đỏ hoe. Ông đảo xung quanh, tìm một nén hương, nhưng không có. Ông chắp hai tay, đến trước tấm ảnh cô bé.
    - Vân ơi, cháu tha lỗi cho bác. Bác có tội… Bác không biết làm gì để cứu cháu…
    - Có lẽ tình cảm của Miên đối với tôi đã rạn nứt từ sau cái chết của cháu Vân - Vọng như tìm thấy người đồng cảm, muốn trút bầu tâm sự - Miên oán trách tôi vô trách nhiệm. Miên mệt mỏi vì bốn năm chờ đợi, phải một mình chống chọi với biết bao gian nan thử thách trên xứ người. Đến khi hai vợ chồng gặp lại nhau, gia đình sum họp, thì tình yêu của Miên đã chết…
    - Không thuần tuý là như vậy… Tôi cảm thấy còn có một nguyên nhân khác?
    - Đúng là không thể giấu được anh… Trong thời gian nhà tôi và cháu Vỹ đến ở Cali để chờ tôi, có một anh người gốc Mễ Tây Cơ luôn săn đón, giúp đỡ. Họ phải lòng nhau. Miên bảo, cô ấy dị ứng với tất cả mọi đàn ông người Việt. Toàn một lũ vô trách nhiệm và hèn hạ. Miên viết đơn ra toà đòi li hôn nhiều lần, nhưng tôi cố trì hoãn cho đến khi cháu Vỹ tốt nghiệp bác sĩ đi làm và xây dựng gia đình, tôi mới chính thức ly dị.
    - Kết cục bi thảm vậy ư?
    - Không còn cách nào khác. Tôi phải lấy công việc để khuây khoả. Thời gian này tôi được thăng kỹ sư công chánh đặc hạng, được Hội đồng thành phố New Orleans tuyên dương công trạng vì đã có công lao xây dựng tuyến hành lang dọc bờ sông Misissippi… Cũng may, cuộc đời không quá bất công. Người bạn gái Hà Nội thời trẻ đã bù đắp cho tôi quãng đời còn lại… Chúng tôi sống với nhau như những người bạn tri kỷ. Thỉnh thoảng nàng lại từ Bôtxtơn xuống, hoặc tôi từ đây lên…
    - Có phải Tạ Thu Uyên, người đàn bà kiều diễm trong hồi ký "Kẻ tha hương" và là người trong bức ảnh kia không?
    - Thu Uyên đấy. Nàng là mối tình đầu của tôi. Đã cùng tôi di cư vào Nam. Quá hận vì tôi đã khước từ nàng để lấy Lê Thuỳ Miên, Tạ Thu Uyên đã lấy viên thiếu uý theo đuổi nàng. Ông ta đã được thăng tới quân hàm đại tá. Nhưng rồi, viên đại tá ấy tử trận ở cửa ngõ Dầu Giây trước ngày Sài Gòn thất thủ.
    - Xin chúc mừng cuộc tái hồi Kim Kiều - Châu Hà rót rượu ra hai ly, cầm một ly đưa cho Vọng. Hy vọng trong những ngày ở Mỹ, tôi sẽ được gặp Thu Uyên. Tôi hình dung ra một thiếu nữ Hà Nội thời trẻ. Bao nhiêu thương hải tang điền mà nàng vẫn kiều diễm, dịu dàng…
    - Tôi hiểu anh đang nói đến nền tảng văn hoá, bản sắc dân tộc. Dù đi đến cùng trời cuối đất, người Việt mình cũng không thể hoà tan, biến mất trong biển lớn nhân loại. Anh đến Sài gòn Little ở Cali, hay đến Vécsai ở New Orleans vừa rồi, đã thấy rõ điều đó. Người Việt dù bị văng ra khỏi Tổ quốc thì họ cũng sẽ trở thành những tiểu vệ tinh luôn quay quanh đất Mẹ…
    - Ông thực sự là một nhà văn. Ông có cái gien của Nguyễn Kỳ Vỹ. Đọc hồi ký của ông, rồi nghe ông nói, tôi tin như vậy. Ông có định viết một cuốn tiểu thuyết không?
    - Tôi không có ý định. Vả lại số người Việt ở hải ngoại nhiều người đã chuyển sang đọc tiếng Anh. Nhà văn ở đây không có độc giả. Các anh có lợi thế là có tới tám mươi triệu người đọc…Vậy mà thật tiếc. Sao văn chương của chúng ta lại nhạt nhẽo, giống như văn kiện?
    Châu Hà giật mình. Ông thấy má mình, hoặc ở đâu đó trên mặt, như có vết nhơ.
    - Tôi nói anh đừng giận. Bời tôi từng có bốn năm ăn lương công chức cộng sản. Trong thời gian ấy tôi đã tìm đọc hầu hết các tác giả văn học thế hệ các anh… Tôi rất mừng vì báo Văn Chương của anh đã cho đăng loạt bài mà tờ báo của Xuyên Sơn ở bên này vừa in lại. Các anh đã tìm thấy căn bệnh. Nhưng các anh không dám dũng cảm chữa trị…
    - Căn bệnh xã hội hay căn bệnh văn chương?
    - Cả hai. Bởi văn chương của các anh chỉ là sự minh hoạ… Văn chương cũng như xã hội, mắc phải căn bệnh giả dối trầm trọng. Đời sống xã hội nước ta không tự nhiên như nó cần phải có. Lúc nào người ta cũng lên gân với nhau. Cha lên gân với con, chồng lên gân với vợ. Cấp trên lên gân với cấp dưới… Trẻ học mẫu giáo mà toàn như cụ non, cũng lên gân để cố yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, học vẹt những điều lớn lao, sáo rỗng. Chúng không được dạy yêu ông bà, cha mẹ, yêu cái gia đình nhỏ bé của mình, trước khi yêu những gì rộng lớn hơn… Văn chương thì chỉ một gam tô hồng, coi cách mạng Việt Nam là nhất thế giới, là tiên phong của nhân loại. Chủ nghĩa xã hội là thiên đường, Tư bản là xấu xa, đang giãy chết… Căn bệnh chủ quan giáo điều, bệnh thành tích là nguyên nhân của thói giả dối, đạo đức giả. Hồi ở Phân Cục đường bộ phía Nam, mấy năm liền tôi đọc báo cáo tổng kết đều thấy viết năm sau thành công hơn, xuất sắc hơn năm trước. Nhưng thực tế đều ngược lại - Nguyễn Kỳ Vọng ngừng lại, gõ trán, rồi quay sang Châu Hà - Cái ông Phó Thủ tướng nước mình chuyên vác rá đi xin khối SEV tên là gì ấy anh nhỉ?
    - Ông Lê Thanh Nghị.
    - Đúng rồi. Ông Lê Thanh Nghị là một người đi xin vĩ đại. Bên này cứ tưởng khi Liên Xô tan rã thì các anh không trụ vững được nửa năm.
    - Đó là thời kỳ khốn khó nhất của đất nước - Châu Hà rót một ly rượu uống cạn, mắt nhìn xa tít về phía cánh rừng sau nhà - Các ông chỉ nhìn thấy niêu cơm của nhà mình mà không nhìn ra vận nước. Cả nửa thập kỷ 70, 80, có ai để cho chúng ta yên để xây dựng hoà bình? Biên giới Tây Nam. Rồi biên giới phía Bắc. Mỹ bao vây cấm vận hơn chục năm trời. Anh em trong phe thì cắn xé nhau… Nhìn vào đâu cũng thấy mờ mịt, không xác định ra phương hướng… Ông có biết sau vụ đổi tiền, tình hình kinh tế như thế nào không? Năm 1986, lạm phát phi mã đến mức kỷ lục thế giới, kỷ lục mọi thời đại: bẩy trăm tám mươi phần trăm (780%)..
    - Sao? Anh nói lại đi. Mức lạm phát ấy tôi chưa nghe nói đến bao giờ.
    - Vậy mà nền kinh tế chúng ta đã thảm hại như thế. Năm 1987, Nghệ An, Thanh Hoá có người chết đói. Giáo viên nhận lương bằng phân đạm, mỳ chính. Trẻ em sơ sinh, phải có chứng nhận của bác sĩ, thừa nhận mẹ mất sữa mới được mua phân phôi bốn hộp sữa ông Thọ một tháng…
    - Trời đất, hoá ra người tị nạn chúng tôi, ăn bố thí của Liên Hợp Quốc còn khá hơn…
    - Ngày ấy nếu mở cửa tự do, sẽ có nửa nước ra đi. Tức là vài chục triệu người. Không phải chỉ sang Mỹ, Tây Âu, mà nơi nào dễ sống hơn là ào ào đến. Khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, gần nửa triệu người không về. Thà sống lưu vong, bất hợp pháp chứ quyết không về nước để bám đít con trâu, theo tiếng kẻng hợp tác, ăn bo bo, bột mì viện trợ. Ba mươi năm chiến tranh, hậu hoạ bây giờ mới ngấm…
    - Vậy mà tôi không thể hình dung nổi. Công của Đảng hay công của Dân?
    - Cả hai. Đó là thành tựu của công cuộc Đổi Mới. Từ chỗ đi xin ăn, chuyên nhập lương thực, năm 1989 ta đã bắt đầu xuất khẩu gạo. Năm 1990 đã xuất gần hai triệu tấn… Và bây giờ là bốn, năm triệu tấn, đứng hàng thứ hai thế giới, chỉ sau Thái Lan. Chúng ta không những trụ vững mà còn trên đà phát triển…
    - Nếu tôi không lầm thì sự thoát khỏi cái đói là do sự vận động của dân. Làm kinh tế tư nhân bây giờ cũng là do dân. Dân mình vĩ đại hơn là lãnh đạo các anh tưởng. Anh có hay xem đấu Quyền Anh không? Các võ sĩ lên võ đài, bị nockout, bị thâm tím mặt khi gượng dậy có anh nào bảo rằng sẽ cạch đến già, sẽ giải nghệ đâu? Tôi thua là do khi ấy tôi chủ quan không chú ý cú đòn móc phải. Tái đấu, nhất định tôi sẽ thắng… Làm chính trị là thế, cà cuống chết đến đít vẫn còn cay. Không đổ vỡ, không tan rã là do dân mình quá tốt. Dân mình quá tin yêu cách mạng chứ không phải do các anh tài giỏi gì đâu. Cụ Hồ nói Dân là nước, Đảng là thuyền, là chí lý đấy Các anh lái thuyền đi vòng vèo, đổi hướng xoành xoạch. Người ta làm một lần là xong, nhưng các anh luôn sửa sai, điều chỉnh. Nghị quyết này phủ định nghị quyết khác. Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930, Nam Kỳ Khởi nghĩa năm 1940, rồi Mậu Thân 1968, thành cổ Quảng Trị 1972… hy sinh toàn bộ lực lượng cốt cán, hàng vạn tinh hoa ưu tú nhất của dân tộc, thì các anh bảo là tập dượt, là tiền khởi nghĩa, là đêm trước của cách mạng… Nhân dân luôn là vật thí nghiệm… Và các vị, giống như người đẽo cày giữa đường, người gọt chân cho vừa giày… ở bên này nhưng chúng tôi vẫn thuộc câu ca: "Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa là bởi thiên tài Đáng ta". Dân biết hết cả. Nhưng dân mình hiền. Không nỡ giận con chuột mà đập vỡ cái bình quí. Lấy đại cục làm trọng, chứ không câu nệ cái tiểu tiết. Dân tộc mình như thế, văn hoá lịch sứ mình như thế, đất đai sông núi như thế, có kém gì nước Nhật, nước Hàn, nước Thái… mà mãi vẫn không trở thành cường quốc được, vẫn luôn xếp hàng cuối sổ của thế giới?… Đau lắm chứ…
    Châu Hà không ngờ Vọng lại quyết liệt và đáo để đến thế. Ông ta đang muốn trút tất cả những ẩn ức, bực dọc lên đầu cái tay nhà văn bồi bút cộng sản.
    - Nói như ông thì chúng tôi chịu. Bởi vì cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam mình không hề có kịch bản viết sẵn. Nhưng sao ông vô can, ông đứng ngoài cuộc? Lúc khó khăn nhất thì các ông rũ tay áo, bỏ nước ra đi? - Châu Hà chua chát. Ông cảm thấy mình đang bị thương tổn.
    - Ai tin tôi? Ai cho tôi cống hiến? - Vọng cũng rót một ly rượu ngửa cổ uống cạn, rồi bỗng xấn xổ, như muốn dồn Châu Hà vào chân tường - Các vị có cả một hệ thống tổ chức từ cơ sở tới Trung ương để chọn lọc những người được cầm quyền. Từ tổ phó trở lên đã phải qua hệ thống sàng lọc trước khi đề bạt. Dân thường chẳng ai chen vào được. Đất nước của các vị chứ đâu phải của mọi người Việt? Anh có biết bạn tôi, nhà sử học Võ An Thới nói gì không? Anh ta bảo rằng các anh sổ toẹt hết lịch sử. Giành được nước là các anh đút túi như của cải riêng của mình. Các anh vô ơn, chẳng cần biết rằng đất nước này có tới bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, mà các anh mới chỉ là khoảng khắc, công lao như cái móng tay. Nếu không có công lao mở cõi của tổ tiên từ thời Lý, Trần, nếu không có Đoan Quận công Nguyễn Hoàng với cuộc vượt biển vào Ái Tử, Quảng Trị năm 1558, rồi tiếp đời các chúa Nguyễn đưa dân Việt vào mở mang khai khẩn, thì ranh giới nước Việt còn ở tận Châu ô, Châu Rí, tận Thuận Quảng, Phú Yên, chứ đâu có Sài Gòn, Cà Mau, Hà Tiên, Phú Quốc… cho các anh giải phóng? Vậy mà vừa vào Sài Gòn, việc đầu tiên của các hậu sinh là xoá sổ hết những con đường, những địa danh mang tên Nguyễn Hoàng và các hậu duệ, các công thần nhà Nguyễn… Trong câu chuyện này, người Nga họ sòng phẳng và tín nghĩa hơn chúng ta. Họ lấy lại tên Sankt Peterburg thay Leningrad để vinh danh Pier Đại đế, người anh hùng vĩ đại đã sáng lập nên thành phố bên bờ biển Ban Tích, đã đưa nước Nga lạc hậu trở thành cường quốc ở châu âu… Chúng ta thì khác. Độc quyền tất cả. Đến như một tình yêu nước nhỏ nhoi, thiêng liêng… - Nguyễn Kỳ Vọng uất nghẹn, trào nước mắt - Sang bên này, từ một kẻ tha hương, lê lết hết cửa này đến cửa khác để xin việc, thi lấy đủ thứ chứng chỉ, nhưng khi đã chứng tỏ được năng lực, thì tôi lại được tin dùng như mọi công dân Mỹ, trở thành kỹ sư công chánh đặc hạng, hưởng mức lương cao không kém thị trưởng thành phố. Người ta không cần biết tôi là người Việt, ghét hay thân cộng sản, chỉ biết tôi có năng lực làm việc, có lương tâm nghề nghiệp… là họ sẵn sàng tin dùng và trao cho những trọng trách. Còn hồi làm việc ở Phân cục Cầu đường, tôi không nhìn thấy tương lai. Tôi không thể nào thích ứng với một lối sống luôn bị áp đặt, luôn bị ức chế. Độc quyền trong thương hiệu hàng hoá, trong phát minh sáng chế, chiếm lĩnh tài năng, sẽ tạo ra sự cạnh tranh, sáng tạo, nhưng độc quyền yêu nước… sẽ tiêu diệt mọi khát vọng, tự do, dân chủ… Anh có khi nào nghĩ rằng mình đang là một tín đồ tôn giáo không? Được làm việc mấy năm với các anh, tôi hiểu ra rằng người ta đang biến học thuyết của Mác thành một thứ tôn giáo, lãnh tụ thành giáo chủ. Vì thế mọi hình thái của nhà nước, bầu bán nọ kia đều là giả vờ. Nhà báo nhà văn các anh cũng giả vờ viết. Các anh thụt lùi so với các cụ Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố một khoảng rất xa… Anh Châu Hà, tôi hỏi thật, có khi nào anh trăn trở rằng chúng ta đang rơi vào bi kịch của kẻ lập dị không? Trong khi thế giới đang đi trên một đại lộ rộng lớn, với đủ làn đường cho các loại phương tiện có động cơ, tốc độ khác nhau, thì riêng chúng ta lại chọn một con đường vô định… Thật quái đản, khi cuối cùng người ta đã phải thừa nhận nền kinh tế thị trường, nhưng lại cố gắn sau đó một cái đuôi…
    - Nhận thức là một quá trình… Cái thời ấu trĩ trong tư duy, trong nhận thức và hành động sắp qua rồi… Chúng ta đã rút ra những bài học trong xây dựng kinh tế. Chúng ta sắp vào WTO. Việt Nam đang được thế giới đánh giá là nước có tốc độ phát triển thần kỳ…
    - Anh đã mắc phải căn bệnh thích tổng kết và rút kinh nghiệm. Khi các anh kịp thời tổng kết và rút kinh nghiệm, thì lịch sử đã tiến một bước xa. Cải cách ruộng đất là một ví dụ. Khi chúng ta kịp sửa sai thì hàng vạn đảng viên ưu tú, hàng vạn những nhà quản lý nông nghiệp giỏi, đã bị nghi oan là địa chủ cường hào gian ác và bị hành quyết. Thầy tôi là một nạn nhân của tội ác lịch sử đó. Vụ khoán ruộng của ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú là một ví dụ khác. Đến khi nhận ra sai lầm, thì nông nghiệp, nông thôn đã kiệt quệ. Bây giờ, khi chúng ta đang rút kinh nghiệm tại sao Liên Xô và Đông Âu sụp đổ thì nước Nga, các nước Ba Lan, Hunggari, Bungari và kề cận ta là các nước Thái Lan, Malaixia, Singapore… đã tiến một bước xa vượt chúng ta hàng mấy thập kỷ… Rồi ai sẽ chịu trách nhiệm trước lịch sử về sự tụt hậu này?
    - Thôi, chúng ta không nói chuyện chính trị… Nhức đấu lắm - Châu Hà thở dài, giơ hai tay lên như xua ruồi. Ông biết, Nguyễn Kỳ Vọng có kiến thức sâu rộng chẳng kém gì một nhà xã hội học. Ông ta đưa ra những chứng cớ rất khó phản bác.
    - Hiếm khi anh em mình gặp nhau, nên tôi muốn được trút bầu tâm sự để nhẹ lòng. Anh là nhà văn, chắc anh phải trăn trở hơn tôi rất nhiều. Bởi văn chương sẽ là vô bổ, nếu không ký thác được điều gì. Nhà văn nếu không phải là người phản biện của xã hội thì anh ta còn có ích gì? Anh có biết rằng sau đêm đón các anh ở nhà Tre Việt, tôi mơ thấy gì không?
    - Mơ gì?
    - Anh đừng giận. Anh đừng cho tôi là thằng xỏ xiên thì tôi mới nói.
    - Mình đang ở trên đất Mỹ, đất nước được coi là tự do nhất thế giới…
    - Tôi mơ gặp anh Vỹ tôi. Anh Vỹ mặc bộ quần áo trắng, treo ngược người, như trồng cây chuối trước nhà thờ ở Nguyễn Kỳ Viên. Tôi đến định cởi dây thừng cho Vỹ. Nhưng Vỹ xua tay và bảo: "Anh không muốn sống nữa". Tôi hỏi vì sao? Vỹ bảo: "Có nhà sử học vừa viết rằng Cách mạng nước ta không phải mãi tháng Tám năm 1945 mới thành công mà đã giành chính quyền từ tay thực dân Pháp từ năm 1930… Đọc đến đây anh không muốn sống nữa. Vì nếu như vậy thì văn học nghệ thuật nước nhà làm sao có được những trào lưu như Thơ Mới, Tiểu thuyết Thứ Bẩy, Tự lực Văn đoàn, những Tân nhạc, Mỹ thuật Đông Dương… mà hàng loạt tên tuổi lừng danh đã làm vẻ vang cho xứ sở, như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên…" Đến đây, thì tôi giật mình tỉnh dậy. Người toát hết mồ hôi.
    Châu Hà không biết Vọng mơ như thế hay bịa ra một giấc mơ.
    Và đến lượt ông, cũng toát hết mồ hôi.
    Trước khi đoàn nhà văn Việt Nam rời New Orleans để đến Washington DC, Xuyên Sơn gọi điện cho Châu Hà, tha thiết xin được gặp đoàn.
    Châu Hà một mực khước từ. Ông thấy không có điều gì để nói với con người phản bội lý tưởng ấy nữa. Nhưng ông ta khóc lóc quá trời. Chiếc máy điện thoại tưởng như tuôn đầy vào tai Châu Hà nước dãi và nước mắt. Vốn thương người và không nỡ bất nhẫn, Châu Hà đành nhận lời.
    Họ hẹn nhau ở Hà Nội quán, gần khu Shadow Brook. Xuyên Sơn và Trương Phiên cùng mấy người bạn đã đến từ trước và chuẩn bị một bữa ăn khá thịnh soạn.
    - Hôm nay chúng ta sẽ sống một không khí thuần Việt để nhớ cố hương. Đây là sáng kiến của ông Trương Phiên, chuyên gia ẩm thực - Xuyên Sơn giới thiệu Trương Phiên và nhóm bạn bè với các nhà văn.
    Trong khi mọi người làm quen, chụp ảnh, Xuyên Sơn kéo Châu Hà ra một góc, ra sức trổ tài khuyển mã để mong Châu Hà hãy tha thứ cho mọi tội lỗi của mình. Rồi ông ta vẫy tay, một cô gái mặc áo dài hoa hiên bước lại, đưa một tờ báo kèm một phong bì trên chiếc khay sứ.
    - Ông có thể căm thù, hoặc khinh ghét tôi, đấy là quyền của ông. Nhưng lòng tôi đối với ông vẫn như thăng Du San đối với Đà Giang ngày nào. Nhân ông sang đây, tôi mạn phép đăng lại loạt bài của báo Văn Chương. Và gọi là có chút nhuận bút còm, 1.000 đô la…
    Như bị điện giật, Châu Hà rụt phắt tay lại.
    - Tôi đâu phải là tác giả? Và chúng tôi cũng không gửi bài cho các ông.
    - Ông cứ cầm lấy mà tiêu. Đây là nguyên tắc báo chí. Lẽ ra chúng tôi phải xin phép trước khi đăng - Xuyên Sơn cầm chiếc phong bì dúi vào tay Hà, giọng nhỏ lại - Còn đây là 500 đô la của riêng tôi, nhờ ông chuyển cho Vỹ. Bên này bồi bút như tôi cũng không sống nổi đâu. Kiếm được tiền là nhờ trồng cần sa đấy… Nghe nói từ khi Vỹ ra tù, sức khoẻ yếu lắm?
    - Cũng bình thường lại rồi. Biết tôi sang đây, Vỹ nó cấm không muốn tôi gặp ông… Ông gửi người khác đi.
    - Giời ơi - Mắt Xuyên Sơn ướt nhoẻn - Cái thằng đã thành kiến với ai thì xúc đất đồ đi. Tôi phản động chứ đồng đô la nó có tội tình gì? Nó làm thế tôi càng thấy tội mình đáng chết. Đà Giang ơi, cứ cầm về đưa cho Vỹ dưỡng bệnh. Đừng nói tôi gửi.
    - Kỳ cục chưa? Sao mấy văn sĩ lại uỷ mị thế này? - Chủ quán một trung niên có bộ râu đen ánh đến bên Xuyên Sơn từ lúc nào - Thôi, mời hai ông anh cùng các vị quan khách vào tiệc.
    - Chúng tôi muốn chiêu đãi quí vị đặc sản thịt cầy bẩy món, nấu theo vùng ẩm thực trứ danh Phương Đình - Trương Phiên trịnh trọng nói lời phi lộ - Hồi tôi đóng quân ở làng Động, cụ Lý Phúc, thân sinh nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ và ông chủ tịch Hội người Việt ở New Orleans Nguyễn Kỳ Vọng đã dạy tôi thưởng thức món này. Và tôi nghiện cho đến bây giờ…
    Mấy ông nhà văn cộng sản ngỡ như mình đang ngồi ở quán Trần Mục, Nhật Tân, hay ở một ngôi nhà đâu đó có hàng sau luỹ tre, và văng vẳng bên sông một tiếng ru hời. Mâm đặc sản thịt cầy với đĩa hấp bốc khói hôi hổi, đĩa dồi nướng màu cánh dán, bát nhựa mận ngào ngạt vị riềng, tô xáo măng vàng suộm, bát mắm tôm ngào bọt… rồi rau húng quế xanh rờn, lá mơ hồng tía, riềng thái lát, ớt đỏ tươi… một hoà sắc, quện hương, đầy quyến rũ…
    - Đã là quốc hồn quốc tuý thì phải dùng thứ quốc tửu chính hiệu - Chủ quán lấy ra chai rượu nút lá chuối trong vắt - Giới thiệu với quý vị, đây là rượu Vân chính hãng, một người bạn từ Bắc Ninh vừa gửi sang. Có đủ các loại rượu ngoại hảo hạng và bia, nước giải khát trên bàn, xin dùng tự do, nhưng chúng ta phải mở đầu cuộc vui này bằng chén rượu quê nhà.
    Rượu rót đầy các ly.
    - Và để cho thấm đẫm tình quê hương xứ sở, mở đầu cuộc vui, các liền anh liền chị Quan họ của Hà Nội quán chúng tôi xin có màn chào hỏi.
    Chủ quán Hà Nội vừa dứt lời, tiếng đàn nhị bỗng ngân vang. Sáu thiếu nữ, áo tứ thân, tóc bỏ đuôi gà, như từ quê hương Quan họ vừa sang, tha thướt nâng rượu mời khách.
    Khách đến… ì… chơi… ì… i… ì… nhà, Hôm nay đây hỏi cô mình ơi… khách đến… ì… chén… ì. ~ i… nhà, Rượu ngon em nay đã rót… Rượu ngon em nay đã rót, mà này để… ối a… tay ngà, tay ngà chúng em trao…
    - Nào, xin nâng cốc. Chúc mừng đất nước yên bình. Chúc con dân nước Việt xoá bỏ hận thù, hướng về nguồn cội…
    - Chúc mừng.
    - Xin chúc mừng…
    Tiến Khanh bấm Châu Hà, nói thầm:
    - Phải đề phòng diễn biến hoà bình…
    Châu Hà gật gù:
    - Thì chúng ta đang là sứ giả hoà bình. Người Việt tha hương tội nghiệp lắm…
    Bèo dạt mây… ì… i… trôi…
    Chốn xa xôi… anh ơi, em vẫn đợi ì… i… bèo dạt… mây… trôi Chim sa… tang tính tình… cá… i… vờn…
    Hẹn một… tin trông… hai tin đợi… ba bốn tin chờ…
    Sao chẳng thấy… ì… i… anh…
    Tiếng hát làm Châu Hà cay mắt. Tiếng hát như lời trách cứ thổn thức, rưng rưng. Ở bên này đại dương, xa quê nhà ngàn trùng dặm thẳm này, nghe tiếng Quan họ, không thể cầm lòng được. Ôi, thật kỳ diệu là nền văn hoá Việt. Nó trói buộc người ta. Nó cởi bỏ phiền muộn, hận thù.
    - Đà Giang ơi, bây giờ thì ông đã tha thứ cho tôi chưa? - Mắt Xuyên Sơn ướt nhoẻn, ông đến bên Châu Hà - Tôi mắc tội là kẻ phản bội, kẻ chiêu hồi. Nhưng ngày ấy, thực tình tôi không tin rằng chúng ta sẽ thắng. Gian khổ quá. Khốc liệt quá. Tôi không chịu đựng nổi…
    Thôi, chuyện qua rồi… Tôi mừng vì ông vẫn là một người Việt.
    - Tôi không dám viết văn nữa ông ạ. Không đủ tư cách cầm bút. Giờ tôi chỉ là một bồi bút kiếm ăn. Như thơ Nhã Ca: "Đổi họ thay tên viết văn làm báo. Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo". Nhưng mà ông có tin không, tôi yêu nước Việt. Tôi muốn về thăm quê. Ông có giúp tôi trở về quê Việt không?
    - Đất nước đang mở vòng tay đón những người con xa…
    - Thật thế chứ? Các ông cho chúng tôi được yêu nước cùng với chứ? Tôi nghe nói Chính phủ Việt Nam đã nhìn nhận Việt kiều như một bộ phận không tách rời của dân tộc. Nhưng nghe ông nói tôi mới tin…
    - Tôi cũng xin được về quê với - Trương Phiên có vẻ ngà say. Lão kéo Xuyên Sơn ra, ngồi cạnh Châu Hà, rót thêm rượu vào hai ly - Từ lâu tôi đã ra khỏi tổ chức "Việt Nam Phục quốc" rồi… Tôi đã có khoảng cách để nhìn rõ tội ác của mình. Tôi đáng tội tùng xẻo vì đã giết bao mạng người Việt vô tội. Tôi là tên đồ tể mang dòng máu Việt. Nhưng biết sao được? Chúng ta chỉ là những con tốt trên bàn cờ thế sự… Thôi, tha tội cho lão già gần đất xa trời này nhé… Tôi uống để tỏ lòng kính trọng một nhà văn bản lĩnh như ông… Cạn nhé… Cám ơn Bây giờ, tôi muốn hỏi ông chuyện này. Ông trong giới lãnh đạo chắc có biết bà Đào Thị Cam…
    Châu Hà chau mày nhìn Trương Phiên.
    - Bà Đào Thị Cam hồi chống Pháp hoạt động ở Sơn Minh… Nghe nói làm chức gì to lắm, trong ban lãnh đạo phụ nữ… Đấy là nguyên mẫu văn học của tôi - Châu Hà bỗng nhớ tới truyện ký "Người đẹp Sơn Minh hay là huyền thoại về Ni cô Đàm Hiên" - ông quen chị Cam à? Chị ấy từng trong Ban lãnh đạo Hiệp hội Phụ nữ. Nhưng đã nghỉ hưu lâu rồi.
    - Đó là người đàn bà tôi không thể nào quên được… - Trương Phiên đờ đẫn, như thể lão đang sống lại những năm tháng tuổi trẻ - Nửa cuộc đời của tôi đã để lại ở Sơn Minh đấy ông ạ. Nghe nói ngôi đình làng Động nổi tiếng, sau khi chúng tôi rút quân đã bị giật đổ… Thề có thánh thần, tôi không làm việc ấy. Tôi có tội lớn với làng Động, với bà Cam… Ông ơi, cho tôi gửi lời hỏi thăm bà ấy nhé - Trương Phiên lấy từ trong tủi áo một chiếc hộp nhỏ đã được chuẩn bị từ trước – Nếu ông thấy không phiền thì cho tôi gửi đến bà ấy một chút quà. Không có gì phải bí mật đâu. Đó chỉ là một sợi dây thánh giá con gái tôi đã tặng tôi để cầu phúc. Tôi gửi bà Cam để cầu mong cho bà ấy sức khoẻ và tha thứ cho tôi mọi tội lỗi…
    - Không biết tôi có xứng đáng là người mang trọng trách giao liên này không - Châu Hà nhìn Trương Phiên với cái nhìn cảm thông.
    - Ông cố giúp tôi nhé - Trương Phiên nài nỉ và lại lấy trong túi ra một tấm ảnh - Còn đây, là kỷ niệm tôi muốn tặng ông. Ông có thể xem đây như một tư liệu để viết một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh. Người lính giải phóng trong bức ảnh này, ảm ảnh tôi cho mãi tới bây giờ.
    Châu Hà chăm chú nhìn tấm ảnh đen trắng đã ố vàng. Một bãi đất trống nhô lên bẩy cái đầu. Cận cảnh là một thanh niên còn rất trẻ, bị chôn tới ngực, cao hơn sáu đồng đội có lẽ vì anh quá cao. Anh có đôi mắt thật sáng, mở trừng trừng đầy căm thù.
    - Ông có tấm ảnh này ở đâu?
    - Đây là bẩy trinh sát Việt cộng bị chúng tôi bắt trước ngày quân miền Bắc tấn công vào An Lộc, nơi tôi làm tỉnh trưởng.
    Chính ông trưởng ty Cóng chánh Nguyễn Kỳ Vọng đã cứu họ khỏi bị hành hình. Ngay đêm ấy, quân miền Bắc ào vào thị xã. Và anh lính này cùng sáu trinh sát đã được giải thoát… Bức ảnh này do thuộc hạ của tôi chụp. Hồi ấy tôi mắc chứng điên ông ạ. Tôi thích hành hạ con người… Cố lẽ do anh lính trong ảnh này giống tôi quá chăng? Và tự nhiên tôi nổi máu điên muốn hành hạ bằng nhục hình kẻ nào dám giống mình. Ông nhìn kỹ đi? Anh ta có giống tôi ngày trẻ không? Nhìn ảnh, tôi lại giật mình nghĩ, cậu ta hình như là con trai mình, cháu ruột mình. Ồ, rất có thể. Đời binh nghiệp tôi đã ngủ với không biết bao đàn bà. Xin lỗi ông, bỏ qua cho sự quái gở này… Và suốt từ đó tôi luôn ám ảnh bởi ý nghĩ suýt nữa mình đã giết một người ruột thịt. Tôi sám hối. Đến đâu, nhà thờ hay chùa chiền nào, tôi cũng cúng bái, cầu xin tha tội. Tôi luôn coi mình là tên sát nhân kinh tởm nhất trên thế gian này…
    Trương Phiên ngửa cổ, nốc cạn ly rượu. Mắt nhắm nghiền đau đớn. Rồi lão bỗng đấm ngực thùm thụp, bật khóc ồ ồ.

Xem Tiếp Chương 14Xem Tiếp Chương 15 (Kết Thúc)

Thời Của Thánh Thần ( Phần II )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Đang Xem Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em