Người đàn bà không đầu ngồi thõng chân trên cái mả hoang ngoài mé sân trái, qua ô cửa sổ tôi nhìn ra. Nắng chiếu như hào quang vây tụ quanh cổ người đàn bà. Màu nắng ban mai rỡ ràng, vàng óng, tuôn chẩy như mật.
Hai thằng con trai độc thân của bà hiện hữu đâu đó trong căn nhà này.
Miếng đất mua lại. Chủ chính đã mất xác trên đường vượt biên. Miếng đất chia làm hai phần. Nửa kia không có mả, nửa này dính hai cái mả có sẵn từ đời nào. Của ai? chịu, không ai biết. Không tên tuổi, cũng chẳng ai cất công tra hỏi. Đất Dục Mỹ vốn là đất hoang, đất tứ xứ. Có ma không? Tim tôi thót mạnh. Ma sống đang ngồi thõng chân ngoài kia, kìa.
Mả còn ướt bởi hàng loạt cơn mưa rào đêm qua. Người đàn bà. Mẹ đẻ ra chồng tôi, nửa quả cam tôi, nửa cuộc đời tôi, nửa hình hài tôi, nửa số phận tôi, nửa giọng cười tôi, nửa nghiệp chướng tôi. Bà ngồi đó, lưng xoay. Tôi rón rén bước ra, nắm tay bà, bóp những ngón tay thời gian đã lóc hết thịt. Tôi dắt bà trở vào nhà. Những lóng xương vụn, mềm nhừ. Bà chẳng nói chẳng nhìn. Hồn người nằm dưới mộ, có theo chân tôi vào nhà?
Tôi nói thằng Út lấy bộ đồ khác cho mẹ. Tôi lau khô thân thể bà. Hai núm vú thâm đen chúc đầu như hai hạt nho phơi quá nắng. Những cái xương sườn như niềng xe đạp, lăn biết bao vạn ngàn vòng. Vài sợi lông khô khốc như cỏ nám, che chắn nơi đã đưa chồng tôi ra với đời sống này. Tôi áp mặt vào đấy, ngửi mùi đất-đá-súng-đạn-máu, mùi hơi thở chồng, mùi Alyssa mỗi khi bị sốt, mùi hơi mưa giữa đêm đông miền nhiệt đới.
Tôi ôm sát bà vào. Mũi cay nồng. Mẹ ơi, mẹ ơi, con đây, con về với mẹ đây... Có vật gì đó chận ngang cuống họng. Tôi thương bà và tôi thương tôi.
- o O o -
Cánh cửa địa ngục mở toang hoác, gió lạnh lùa kín miệng. Gió xoáy mạnh, thăm thẳm sâu, sâu hun hút, sâu như họng chó. Địa ngục, nơi chẳng một ai quan tâm, để ý, cũng chẳng ai cần, ai muốn. Màu tối đen, quánh đặc, hấp dẫn lạ kỳ.
The Killing Fields – Cánh Đồng Thảm Sát của xứ Chùa Tháp, nơi Trinh đã để lại mảnh da thịt, máu thấm vào đất, thương tích đời người. Chế độ diệt chủng Pol Pot. Gần hai triệu, tức một phần năm dân số Cam Bốt bị xoá sổ đời. Cuộc diệt chủng thế kỷ, ngang ngửa lò thiêu Do Thái thời Hitler, so sánh được chăng?
Giờ đây lễ tưởng niệm người quá vãng hàng năm. Cuộc lễ chết oan. Hình dung hàng ngàn đầu lâu xếp cao bằng Kim Tự Tháp. Khói nhang tỏa mờ phủ che hàng ngàn hốc mắt. Lời kinh cầu giọng ngữ ngân nga... Chúng giết tôi bằng xẻng. Chúng trói người tôi vất xuống giếng... Ôi! thương thay. Con tôi ba ngày bị giựt khỏi tay. Cháu tôi bảy tuổi bị đâm bằng gậy. Bà tôi chín mươi bốn tuổi bị đánh bằng cây... Ôi! thương thay. Con gái bị hiếp bất kể đêm ngày... Ôi! Cam-bô-di-a. Con còn nhớ không? Thời qua cay đắng thế nào...
Cánh Đồng Thảm Sát nay là cánh đồng cỏ xanh chạy dài mút mắt. Hàng dừa trầm mình trong nắng gió trưa. Lác đác những con bò gầy guộc mắt lờ đờ nằm ngồi uể oải. Các nhà sư áo vàng, áo nâu ngồi nghỉ dưới bóng cây ổi, cây chanh. Tiếng ve sầu văng vẳng. Trẻ con chân trần không áo nhe răng gặm mía. Mùa mưa xuống, vài cái sọ người lại trôi lều bều trong lớp cát đá cỏ lấp xấp nước mưa.
Đau thương quá khứ và khó khăn hiện tại.
Cam Bốt giờ đây đã được giải phóng, kết thúc một giai đoạn đầy máu và nước mắt. Nhờ Việt Nam?
Và dân tộc Việt, biết cậy vào ai đây?
Trinh chở tôi đi ăn sáng. Ngồi sau lưng Trinh, mùi đàn ông, mùi cám dỗ. Tôi muốn giang tay hét to, phóng đại xuống mặt đường.
Ngu xuẩn không phải là cái cớ, mà là sự thật.
Cái giá trị trả cho sự thật bao giờ cũng để lại vết đau thương. Nhưng rồi sẽ khôn ngoan, và gần gũi, yêu qúy mình hơn.
Nhưng để làm gì? được gì?
Hay để rồi ngu xuẩn tiếp.
Kinh nghiệm như ăn trái khổ qua, có nhai mới thấy đắng.
Đàn bà yêu đương như sinh đẻ. Cứ thề nguyền là sẽ chẳng bao giờ có lần thứ hai trong đời, nhưng sau đó quên tuốt luốt, quên tất, quên hết, quên sạch, quên để tiếp tục yêu đương và đớn đau sinh đẻ.
Chớ bao giờ thề nguyền điều gì. Đó là dấu hiệu của sự khôn ngoan, trưởng thành.
Điều làm cho người đàn bà mạnh mẽ, là ở cái đầu chứ chẳng phải bắp thịt ở hai cánh tay.
Tôi đang đánh đuổi mùi đàn ông. Mùi cám dỗ. Tôi đang đánh vật con ma ám trong tôi.
Trăm sông đều đổ ra biển. Câu nói mẹ thường nói trước kia, nghĩa là thế nào, hả chị? Trinh quay ngược đầu, hỏi.
- o O o -
Xe chở hàng hư ngay dưới gốc cây me trước cửa nhà.
Anh nhớ hồi đó, cứ cách vài ngày thì xe nhà binh to khổng lồ chạy vào đậu ngay dưới gốc cây me. Đàn bà, trẻ con chạy túa ra. Kẻ xách một thùng, kẻ hai tay hai thùng, dây nhợ ống hút quấn quanh người. Mẹ cũng vội chạy ra, giao hàng bảo anh trông chừng. Anh Quyến thường chạy theo phụ me hút dầu. Khạc nhổ, chen lấn, dầu chảy, chửi rủa, tranh dành, cãi cọ, trả giá, thối tiền, thêm bớt... Mọi thứ chớp nhoáng trong vòng trên dưới mười lăm phút. Mãi sau này anh mới biết mấy ông lính vào ngõ bán trộm dâàu.
Cái xe chở hàng đang bị hư dưới gốc cây me thì có gì lạ?
Trinh chỉ tôi cây me bảo đã già hơn trăm năm. Tôi chưa hề thấy cây cổ thụ, nhưng thân cây me Trinh chỉ, xù xì, to, già nua, cằn cỗi, chất chứa mệt mỏi.
Hai người tài xế để lưng trần, nằm ngửa người dưới gầm xe, hì huc vặn bù loong.
Tôi luồn tay sau gáy, rin rít mồ hôi.
Những đứa trẻ nhẩy múa, reo hò trên mui xe. Những trái me xanh, chua non, giấc mơ chưa chín. Những khuôn mặt tươi nõn, cánh tay với trời xanh. Tiếng chân nhẩy tưng tưng, tiếng hò reo dưới bóng cây me xù xì, to lớn, già nua, cằn cỗi, chất chứa mệt mỏi.
Tôi cũng đã từng là một trong những đứa bé nhẩy múa, reo hò trên mui xe kia của hai mươi năm về trước.
Rồi hai mươi năm sắp tới, sẽ phải nhìn ngắm mình đi qua thời kỳ tắt kinh như mẹ, như mấy dì, mấy cô. Đi vào ngưỡng cửa tuổi già, bất lực, chấp nhận, thỏa hiệp, tiếc nuối.
Phải sống thế nào? ở tuổi ba mươi. Tuổi thanh xuân rỡ ràng của người đàn bà.
Hình ảnh cô giáo lớp năm, chóp mũi nhọn hoắc, bao giờ cũng đỏ hoe như vừa mới khóc xong. Lúc trẻ cô theo Chúa đi tu, về sau cô theo trai lấy chồng. Thượng đế tạo dựng các con, phát cho mỗi đứa một cái giỏ, to hay nhỏ tùy sức từng đứa. Các con phải sống thế nào, mà khi chết, cái giỏ phải đầy hoa. Hơn năm chục cái tai cùng vểnh. Hơn năm chục con mắt đồng tròn xoe.
Ba mươi tuổi, về ngồi lại nơi đây, nghe đất đai rạn vỡ dưới chân. Nắng chan hòa. Xứ sở không bao giờ thiếu nắng. Biết chắc cái giỏ mình sẽ không bao giờ đầy, bởi nỗi khát khao, khát vọng cứ như ngàn ngàn con sóng, chỉ chực chồm lên, phủ ụp.
Thằng Út trở về. Tiếng nạng gõ đều trên nền sân trước, âm thanh báo hiệu sự hiện hữu của nó, bất cứ nơi nào, ở đâu.
Tôi bước ra, lần theo tiếng nạng gõ. Đụng nó ngay bực thềm. Đôi môi tô son đỏ chót. Thấy tôi, nó chùi vội, như bị bắt qủa tang đang ăn vụng, bán dầu trộm. Vết son đỏ kéo dài, đến tận mang tai.
Thỏi son của tôi, nó lấy tô môi, thế quần lót lụa màu hoa cà nó có đang mặc không?
Hai mắt tôi căng cứng. Thể xác chực gẫy đổ. Cố gắng níu kéo. Tại sao lại quá nhiều chuyện xảy ra thế này? Một khám phá mới. Một bí ẩn được phơi bày sau mấy mươi năm.
Tôi như vừa tìm thấy cái gút thắt. Nhưng nằm trên cao, tay không thể với tới.
Anh ạ, tôi thì thầm cùng chồng, nhờ gió mang đi hộ. Thằng Út nhà mình lại cái, pê-đê. Tôi học thêm chữ mới này từ ngày về lại Việt Nam.
Melissa có bao giờ bận quần lót của anh không hở anh?
Lilian có khi nào dùng after shave của đàn ông không nhỉ?
Tôi gọi điện thoại cho chị Hạnh và anh Sơn về lại Dục Mỹ gấp. Nhưng khi nghe giọng chị, tôi đổi ý. Gác máy, đồng hồ đeo tay chỉ đúng bốn giờ chiều. |
|
|