Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Một Nửa Đàn Ông Là Đàn Bà (Phần 3) Tác Giả: Trương Hiền Lượng    
     Con ngựa của tôi – Con Xám vạm vỡ - thình lình sa xuống hố bùn. Nó bước hụt hai vó trước rồi mất đà cắm đầu xuống. Theo bản năng nó ra sức quẫy hai vó sau hòng co vó trước lên, nhưng chỉ quẫy được hai cái là vó sau cũng sa xuống nốt.
    Tôi quất roi và thúc mạnh đôi bàn đạp vào mông nó. Nó ngẩng đầu lên, dóng cả đôi tai nhọn hoắc. Ngồi trên lưng nó mà tôi nhìn thấy cả cặp mắt to của nó trợn lên trắng dã. Bốn vó của nó ra sức vùng vẫy một hồi nhưng càng cựa càng lún xuống sâu hơn.
    Không thể quất thêm roi nữa. Tôi vội vàng xoay mình lăn xuống bãi cỏ bên cạnh. Đó là cái hố nứt từ khi mương cái bị vỡ đê. Sau khi chỗ vỡ được hàn tạm, dòng nước từ chỗ hàn thấm ra, mang theo bùn cát, dần dần đọng lại trong hố. Ngày lại tháng qua, trên lớp bùn đọng lau lách và cỏ bồ đã mọc lên, trông cứ như là một bãi cỏ bằng phẳng, nhưng hễ người hoặc súc vật đặt chân lên đó, thì lập tức sẽ sụt ngay xuống cái hố bẫy tự nhiên đó. Ngày thường tôi vẫn để ý, xưa nay chưa hề bị sa bẫy bao giờ. Nhưng mấy hôm nay tôi như người mất hồn, thẫn thờ ngơ ngác, thế là cuối cùng mắc phải thòng lọng.
    Đó chính là lúc chúng tôi đánh ngựa quay về. Mặt trời sắp lặn toả ra đợt nắng gay gắt cuối cùng, cỏ cây đều phản chiếu ánh nắng vàng rực rỡ đến loá mắt. Mặt hồ yên tĩnh xa xa lấp lánh những làn sóng bạc. Cảm nhận trước tiên khí chiều mát lạnh, lũ cóc nhái đua nhau ồm ộp khắp bốn phía. Mấy con ngựa kia do chàng Câm chăn dắt buộc phải dừng lại trên bãi hoang, nghiêng đầu nhìn chúng tôi: “ Các người làm sao thế? Mau mau về chuồng thôi, lũ muỗi kéo cả đến bây giờ! ”.
    - Này! – Tôi gào lên với chàng Câm – Anh cứ đánh xe về trước đi, tôi sẽ tự kéo nó lên. Đừng chờ tôi. Xem chừng còn phải mất một hồi lâu may ra nó mới vùng lên được cơ.
    Tôi muốn nhờ anh về nói với Hương Cửu, có thể tôi sẽ về rất muộn. Nhưng anh có nói được đâu.
    Anh không nói được nhưng nghe thì hiểu hết. Anh vung roi quật đen đét đánh ngựa đi.
    Bốn bề bỗng nhiên vắng lặng hẳn. Chú ngựa xám vạm vỡ mệt nhọc khịt mũi liền mấy tiếng rõ to, chớp chớp cặp mắt lồi, lo lắng buồn bã nhìn tôi. Rồi gác cằm lên bãi cỏ bồ, nằm yên không nhúc nhích. Cái giống muỗi sinh ra có biệt tài đánh hơi người và súc vật, lúc này ùa cả lại, nhao nhao lượn quanh trên đầu chúng tôi.
    Tôi châm một điếu thuốc, ngồi xuống sườn dốc bên bờ mương cái. Từ phía núi bên kia một đàn chim về tổ bay lướt qua trên cánh đồng cỏ. Xa xa trên đồng, một chú thỏ rừng lông màu tro bạc đang nhảy nhót. Bóng cây, bóng chú thỏ rừng, bóng chú ngựa xám vạm vỡ và cả bóng tôi đổ dài trên đồng cỏ. Mọi vật đều mỏi mệt, kể cả những cái bóng.
    Cả cánh đồng cỏ phủ lên một gam màu tối nặng nề, ngưng đọng và chậm chạp. Khói thuốc lá không toả lan ra bốn phía, mà bay thẳng lên, nhạt dần nhạt dần, cuối cùng không biết tan biến vào đâu. Dưới dốc chân đập còn thấm nước ri rỉ ra ngoài, cuốn theo tứng hạt cát nhỏ mịn như bột dần dần đọng lại trong hố giữa dòng nước như làn lụa mỏng. Phải tháo dỡ yên xuống cho ngựa nghỉ ngơi lấy lại sức.
    Điếu thuốc lập bập trên môi, tôi dùng thứ dao chuyên dùng của người chăn ngựa cắt đứt dây bụng, dỡ chiếc yên trên lưng con Xám xuống. Một mùi tanh nồng quen thuộc của mồ hôi ngựa, xộc thẳng lên mũi tôi. Tôi đặt chiếc yên xuống đất, xoạc chân cưỡi lên yên, ngồi xuống trông nom con Xám của tôi.
    Chúng tôi nghỉ như vậy một hồi lâu. Tôi đã hút hết năm điếu thuốc, nhặt sạch hết những quả ké bám trên bờm trên đuôi nó, lấy đầu ngón tay chải vuốt những túm lông cứng của nó phơi trên đám cỏ. Trời đã tối mịt từ lúc nào.
    Một làn không khí trong mát, như một u hồn xám ngắt khẽ lướt trên đầu những ngọn liễu trồng dọc bờ mương. Đến chỗ vỡ đê mương cái trước kia, u hồn rẽ ngoặt xuống, vung trong tay áo thụng ra một luồng xoáy, đùa giỡn tôi và chú Xám.
    Chú Xám ngẩng cao đầu rồi lại cúi xuống, như cung kính lên tiếng chào u hồn. Tôi nghĩ bụng, nó nghỉ ngơi như thế chắc đã tạm đủ, bèn đứng lên, nhổ mấy nắm cỏ bồ độn xuống dưới chân nó.
    - Nào chú mày, cố thêm tí nữa đi! Tớ cầm đuôi chú mày tớ giúp một tay, y như lần trước lúc chú mày sa lầy ấy. Nào!
    Cái đuôi to khoẻ của nó cứng như gỗ trong tay tôi. Khó mà tin đó là da thịt. Một, hai, ba! Tôi cố sức kéo lên, đồng thời đá mạnh gót giầy leo núi đã đóng cá sắt vào mông nó. Nó như cũng biết phối hợp thật ăn ý với tôi, cố rướn hết toàn bộ sức lực cơ bắp chồm mạnh lên một cái. Dưới bốn vó của nó, bùn réo lên lục bục, tưởng chừng những hồn ma chôn chặt lâu ngày dưới đất, thình lình bị quấy nhiễu đều giật mình trỗi dậy.
    Tôi cùng chú Xám, người trên bờ ngựa dưới hố, lúc căng gân cố sức, lúc lại nghỉ ngơi, thử đến mười mấy keo, xéo nát cả đám cỏ xanh quanh miệng hố. Bùn đặc sền sệt đã loãng ra như nước, nước dưới hố đã tràn thành vũng trên mặt đất, nhưng cuối cùng chúng tôi đã thất bại. Con Xám dứt khoát đã bỏ cuộc, xem ra nó có vẻ biết rõ tình cảnh tuyệt vọng của mình.
    Nó lại gác cái đầu dài ngoẵng lên bãi cỏ bồ như cũ, mũi phì phò thở.Tôi vuốt mạnh mồ hôi trên tóc, ngồi xổm xuống bên cạnh đưa vạt áo lên phe phẩy quạt. Làm thế nào đây? Chú mày ơi, chúng mình ngủ đêm lại giữa nơi đồng không mông quạnh này ư?
    Đồng hoang bãi vắng, làng xóm rừng cây, dẫy núi nhấp nhô, tất cả đều chìm đắm trong bóng đêm một màu đen kịt. Tôi nghển đầu ngóng nhìn xa xa, không hề thấy một ánh đèn le lói.Bầu trời đêm thần bí lặng lẽ bồng bềnh trên mặt đất….
    Giữa lúc đó, bên tai tôi bỗng vang lên một giọng nói vừa lạ lùng vừa thân quen.
    - Này anh bạn ơi, đừng có mà vờ vịt nữa. Loài người các anh thật khéo đóng kịch – Chú Xám vạm vỡ của tôi bỗng nhiên ngẩng đầu lên, trợn một bên mắt nhìn tôi chằm chằm nói - Thật ra là anh có muốn về nhà đâu! Anh cưới vợ mới được hơn một tháng, mà chẳng đã vợ chồng ngủ riêng rồi đó sao? Và bây giờ anh đâm sợ, anh sợ đêm đến cũng giống như tôi sợ phải thắng ách kéo xe vậy.
    - Ấy! Sao chú mày lại nói được tiếng người thế? – Tôi kinh hãi ngồi đánh bệt xuống vệ cỏ ướt mèm.
    - Ha! – Nó vẫn chế diễu tôi bằng cái giọng điệu ấy – Kìa trông, anh hoảng hốt đến thế kia ư? Anh chớ quên, cái loa phóng thanh kia đang chõ vào gian lều của chúng ta, và từ khi tôi có mặt trên thế giới này thì báo chữ to đã là món ăn thường xuyên. Báo chữ to này tuy không hề có mùi mực, nhưng dẫu sao cũng làm bằng sợi rơm, ngon lành hơn nhiều so với thứ cỏ nần dai nhách mà nhân viên chăn nuôi vô trách nhiệm vẫn nhét bừa vào mồm chúng tôi. Tôi phát hiện ra rằng, tôi ra đời vào cái thời buổi mà ngôn ngữ phát triển chưa từng thấy. Loài người các anh về mọi phương diện khác thì đã thoái hoá lắm, duy có mỗi ngón sở trường là múa may ngôn ngữ. Như người ta thường nói: “ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng ” được hun đúc lâu ngày tất nhiên là tôi cũng biết nói.
    - Chao ôi! – Tôi mê hoặc thốt lên - Thế này thì…. thật là quá ư kỳ quặc.
    Đó là chỗ yếu của loài người các anh – Nó nói – Loài người các anh nên học chúng tôi để biết cách câm lặng và phớt lờ tất cả. Đó mới là cách xử thế khôn ngoan trầm tĩnh nhất.
    - Vậy thì cớ sao hôm nay bỗng dưng chú mày lại mở mồm lên tiếng?
    - Tôi biết, hôm nay anh không muốn về nhà – Nó khịt mũi một cái rõ to - Về phần tôi ấy à, thì cũng vừa vặn đúng hôm nay tôi không muốn về. Một lúc nào đó, tôi cũng giống như anh, cảm thấy cần phải tách khỏi bầy mà sống một mình. Chúng ta có thể trầm tĩnh lại, mà suy ngẫm một vài vấn đề. Triết học vốn bao trùm lên mọi thứ: đạo người với đạo ngựa vốn có quy luật chung mà.
    Ừ! – Tôi không thể không thừa nhận - Quả có thế, trong thâm tâm tớ hôm nay quả không muốn về nhà. Tớ muốn ở lại một mình trên chốn hoang dã này, để lần cho ra đầu mối mọi điều.
    - Biết đâu tôi chẳng giúp đỡ được anh điều gì đó – Nó nói với giọng khiêm tốn của một học giả - Tuy tôi sống chưa tới ba mươi chín năm như anh, nhưng trong thế giới loài ngựa thì cũng đã lên lão rồi. Người ta thường nói: “ Lão mã thức đồ ”, ngựa quen đường cũ, chính là chỉ tôi đó. Biết đâu chúng mình chẳng gợi ý được cho nhau, anh bạn ạ.
    - Chú mày đã biết rành rọt như vậy, thì về phương diện này, chú mày có thể bảo cho tớ những gì nào?
    - Chậc, chậc! – Nó chép miệng – Tôi rất thông cảm với anh, anh với tôi số phận thiệt tương đồng. Tôi nghĩ anh biết đấy, tôi đã bị loài người tàn nhẫn thiến đi. Giờ đây tôi chỉ là một lão ngựa thiến.
    Đúng thế - Tôi nói – Nhưng tớ thì không hề bị thiến. Tớ vẫn có cái ấy, duy chỉ có điều là không có cái công năng ấy thôi. Như thế nghĩa là làm sao?
    - Cái hồi tôi chưa bị thiến ấy mà, anh ạ, chỉ cần một tiếng reo của ngựa cái, một thoáng hơi của ngựa cái thôi là đã đủ khiến tôi thần hồn điên đảo. Thôi thì dẫu muôn núi nghìn sông, dẫu tường đồng vách sắt, không gì ngăn cản tôi. Cái ấy của tôi xưa nay chưa bao giờ có trục trặc gì, lần nào cũng như lần nào, nó đều mang lại cho tôi niềm hạnh phúc ngây ngất, mê man một cách vô cùng chuẩn xác không chê vào đâu được. Nhưng từ sau bị thiến, tôi đã mất đi nguồn hưng phấn tình dục, và thế là tôi đâm ra dửng dưng với mọi thứ trên đời. Thánh nhân nói rằng “ Ai mặc đại ư tâm tử ”, mọi nỗi đau xót không có gì bằng nguội lạnh con tim, quả có thế. Hỡi loài người kia, sự tàn ác và thâm độc của các người chính là ở đó: các người đã dứt tiệt nọc của ta về mặt tâm lý. Hỡi người chăn thân yêu của ta, anh hãy kiểm tra trạng thái tâm lý của mình xem sao, anh hãy làm một cuộc tự giám định thật nghiêm khắc đi.
    - Không – Tôi cãi - Tớ vẫn còn giữ nguyên cái dục vọng đó. Đó là lúc cô ta cùng tớ săn tìm thú vui chăn gối lần thứ nhất, lần thứ hai và cả mấy lần sau đó. Chỉ có thời gian gần đây tớ mới đâm ra chán chường. Mà cái nỗi chán chường ấy chính là sự sợ hãi do căn bệnh bất lực của tớ sinh ra.
    - Hi hi! - Chú ngựa Xám vạm vỡ phát ra một chuỗi tiếng cười nhạt rất kỳ dị - Anh đã chú trọng phương diện ấy đấy, lẽ nào anh không cảm thấy mình quá dung tục và thấp hèn ư? Tôi nói là nói trạng thái tâm lý toàn diện của anh kia. Sự bất lực về phương diện này tất nhiên có thể ảnh hưởng đến hoạt động tâm lý về những phương diện khác. Anh là người có hiểu biết; anh nhớ rằng con người với thế giới là một thể thống nhất, phải biết phân tích mọi hệ thống bằng một cái nhìn thống nhất. Hệ thống này bị trục trặc, thì hệ thống khác tránh sao khỏi chịu ảnh hưởng? Anh chẳng phải là còn đức tin, có lý tưởng, có hùng tâm tráng chí của mình đó sao?
    - Tớ nghĩ rằng, có lẽ không đến nỗi có ảnh hưởng gì đâu? – Tôi chậm rãi đáp – Ví như Tư Mã Thiên đấy, sau khi bị xử cung hình, ông vẫn sáng tác được bộ Sử ký vĩ đại ấy thôi.
    - Hì hì! – Chú ngựa vạm vỡ càng cười vang hơn, rồi lại khịt mũi một tiếng rõ to – Ôi! người chăn ơi, khen cho anh cũng là người từng đọc sách cơ đấy! Ở chỗ này, anh lại đã phạm phải về một sai lầm về lô-gíc hình thức rồi. Tư Mã Thiên, tôi có biết. Trong cuộc vận động “ bình pháp, phê nho ” của các người, hầu như ngày nào tôi cũng nghe loa phóng thanh giới thiệu tình hình của ông ta, cái gọi là cung hình là thủ đoạn tàn hại bên ngoài diễn ra đối với xác thịt ông. Điều đó chỉ khiêu gợi thêm nỗi uất hận lớn nơi ông, tích tụ một sức kích thích tâm lý mãnh liệt hơn, bởi lẽ đó ông đã hoàn thành được pho Sử ký đồ sộ kia. Thậm chí tôi cho rằng, nếu không bị xử cung hình, ông không viết nổi Sử ký cơ!
    - Trên đời này mất đi bộ phận sinh dục, nhưng lại có thêm một trước tác khổng lồ chói lọi. Đó có lẽ là việc xấu biến thành việc tốt mà loa phóng thanh của các người vẫn gào ra rả đấy chứ gì? Còn như anh, anh giờ đây khoẻ như vâm, đáng là anh em của tôi! Mặc dù người ta có lôi anh ra bãi pháp trường, nhưng chẳng có hòn đạn nào chạm đến lông chân của anh. Toàn thân anh chẳng mảy may suy suyển, anh chỉ bị tổn thương về tâm lý thôi. Di chứng do kích thích bên ngoài để lại, nằm ngay trong lục phủ ngũ tạng, trong đầu óc, trong hệ thần kinh của anh cơ, anh bì với Tư Mã Thiên thế quái nào được?
    - Phải quả đúng như vậy – Tôi cúi hẳn đầu xuống - Tớ nhờ chú mày tiếp tục phân tích cho tớ nữa đi.
    - Bởi thế, về một phương diện nào đó, anh với tôi rất giống nhau – Con Xám ném về phía tôi ánh mắt thân thiết, long lanh trong đêm tối - Một mặt, vì bị thiến nên tôi đã tắt hết tình dục, vất bỏ mọi ý nghĩ vẩn vơ bậy bạ, nhờ đó tôi mới khác hẳn mọi súc vật khác, tu hành đắc đạo nói được tiếng người. Cũng như anh, ai cũng thừa nhận rằng trong đám tù lao cải, trong đám công nhân nông trường lao động khổ sai kia, anh đã thuộc lòng ngữ lục của Mác-Ăngghen, Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông trôi chảy hơn cả - nếu tôi dùng từ không xác đáng mong anh bỏ lỗi cho – như Tư Mã Thiên ấy, nhưng cũng bị tổn thương về tâm lý như tôi, cho nên trong hành động của anh cũng chỉ giống như tôi thôi: suốt đời vô tích sự, suốt đời bị người sai khiến, bị người đánh đập, bị người đè cưỡi.
    - Hô, hô! Chúng mình thật khéo đôi vừa cặp: người hoạn cỡi ngựa thiến! – Xin lỗi, tôi thường không kềm chế được thói hài hước của mình – Ôi phải rồi, về phương diện này, chúng mình cũng có chỗ tương tự, mỉa mai bóng gió, hay khôi hài vặt vô thưởng vô phạt, hay huyênh hoang, phét lác…. Này! Thậm chí tôi có ngờ rằng, hình như cả cái giới trí thức các người đều bị thiến bị hoạn tất, chí ít thì cũng là bị ngôn ngữ quá phát triển làm cho bại hoại cả. Giá như trong đám trí thức các người có lấy được mười phần trăm đáng bậc tu mi nam tử, thì đất nước các người cũng không đến nỗi điêu đứng thế này. Chẳng hiểu anh thấy thế nào, chứ tôi thì ngày nào cũng nghe cái loa phóng thanh kia đến phát nhàm phát ngấy. Lẽ nào cả đến phương diện ngôn ngữ vốn là cái sở trường của các người đó, các người cũng không còn kiếm đâu được mặt hàng mới mẻ hơn ư?
    - Cứ như chú mày phân tích đó, thì đời tớ đi tong rồi ư? – Tôi đau khổ hỏi lại.
    - Đi tong là thế nào? - Con Xám ngẩng đầu lên, giọng nghiêm túc – Anh đã đặt chân đến thế giới này, anh đã công tác, anh đã xem, anh đã ăn, anh đã nghe đủ mọi thứ tin giật gân hấp dẫn, chẳng hạn như: một vị nguyên thủ quốc gia bỗng chốc biến thành tên tù phạm như thế nào, một thằng lưu manh nhãi nhép bỗng dưng leo lên làm phó chủ tịch một đảng lớn có mấy chục triệu đảng viên ra sao, và sau đó thì anh chết. Cuộc đời bất cứ con người nào thì về bản chất cũng là một quá trình như vậy. Anh còn may mắn chán, bởi vì anh đang sống trong một thời đại khôi hài hết chỗ nói. Lẽ nào anh còn đòi hỏi một cái gì khác chăng? Ôi! Phải chăng anh muốn nói đến việc sinh con đẻ cái?
    - Không đâu, về điều ấy tớ không hề có hy vọng. Đúng như chú mày vừa nói đó, nếu như đất nước cứ diễn mãi tấn tuồng hài hước này, thì con cái tớ cũng không tránh khỏi lập lại cái số phận bi thảm của tớ. Nó không ra đời mà lại hoá hay. – Tôi ôm chặt lấy đầu nói - Điều tớ muốn nói đến là, con người ta sống ở đời phải đem thêm được những gì cho thế giới này, cống hiến được những gì cho nhân loại
    < - Dào! Nói khoác, nói khoác! Lại vẫn chứng nào tật nấy – Con Xám ngắt lời tôi – Như chúng tôi đây, ngày ngày kéo càng xe, chuyên chở thứ này thứ khác, há chẳng phải là để công sức ra, há chẳng phải là cống hiến như anh vừa nói đó sao? Loài người các anh thật bao giờ cũng muốn bôi phết lên những sự việc tầm thường vặt vãnh một màu sơn hào nhoáng. Đi ra nhà xí về cũng cứ phải hô lên là kết quả học tập trước tác Mao chủ tịch….
    - Ấy, chú mày không hiểu ý tớ, điều tớ muốn nói đến là sự lao động sáng tạo cơ, chứ không phải bị người ta sai khiến như chú mày.
    - Anh còn muốn sáng tạo cái gì nữa cơ? – Con Xám vặn lại tôi - Sự sáng tạo cơ bản nhất của con người cũng như của con ngựa và của hết thảy mọi sinh vật chính là sự phồn thực sinh sôi của chính mình. Đến cái đó mà anh cũng không làm nổi, còn nói đến sáng tạo gì ở đâu nữa? Quả tình, trong loài người các anh quả có nhiều nhân vật vĩ đại ôm hoài bão tiến thân, suốt đời không lấy vợ, suốt đời không con cái. Thế nhưng họ không hề bị mất năng lực lấy vợ đẻ con, chỉ có họ mới có phần sáng tạo phát minh. Còn như anh thì mất béng cái năng lực ấy cơ. Trạng thái tâm lý của bản thân anh đã không cân bằng, giữa các hệ thống có sự rối loạn, không nhịp nhàng, cho nên tôi khuyên anh nhất thiết chớ có mơ tưởng viển vông. Dẫu cho anh có sáng tạo cái gì, thì cái đó cũng là thứ quái thai dị dạng, thậm chí có hại cho loài người.
    - Hỡi người chăn dắt thân yêu của tôi, anh chẳng hệt như thằng em ruột của tôi đó sao. Thằng em tôi bị thiến sót, năng lực thì mất, nhưng dục vọng thì còn, cuối cùng bị ngay chính dục vọng của mình làm cho đến phát điên phát rồ. Nó bị các người ăn thịt, da của nó vẫn còn vứt lên nóc lều đấy thôi. Nhất thiết phải thế! Dứt khoát phải thế! Hãy mau mau dập tắt ngay cái dục vọng sáng tạo ấy của anh, hãy làm một con người thủ thường an phận, giống như tôi vẫn làm một con ngựa an phận thủ thường.
    - Nói như chú mày thì hoá ra cô ta nói đúng ư? Tớ chỉ là thằng bỏ đi, chỉ là con người có một nửa ư? – Tôi bỗng thấy lạnh giá bên thái dương. Trên đó có nước mắt chảy xuống.
    - Ôi, đúng thế! – Chú Xám trút ra một hơi thở dài, như phát ra từ đáy phổi – Anh nên thừa nhận một việc đã rồi. Đó chính là số phận. Sức mạnh của số phận chỉ hiển hiện ra khi con người ta gặp phải điều bất hạnh. Đức tin lý tưởng, hùng tâm tráng chí của anh thảy đều vô nghĩa, đều là ma chướng giày vò anh. Anh biết rõ rồi đấy: người ta cứ phải thiến chúng tôi để làm gì? Chính là để tước đoạt sức sáng tạo của chúng tôi, để con người dễ bề sai khiến. Nếu không lừa phỉnh chúng tôi, chúng tôi có ý chí tự do của mình, chúng tôi thường tỏ ra khôn ngoan hơn các người, các người sao còn có thể đè đầu cưỡi cổ chúng tôi được nữa. Ngay chính Tư Mã Thiên đã nói rồi: “Con người sau khi bị cực hình, thì không thể nói đến dũng khí ”. Ôi! Anh còn huyênh hoang đến sáng tạo gì nữa?
    Tôi đành câm họng, tôi cảm thấy nhục nhã. Lòng dạ tôi trào dâng một nỗi xót xa cay đắng.
    - Ờ! - Chú Xám thình lình cất đầu lên như chợt tỉnh giấc, hếch mũi lên trời hít mấy hơi rõ dài – Tôi ngửi thấy đâu đây bồc mùi nhục dục. Cái mùi ấy không phải từ cơ thể anh bốc ra, nhưng nó quẩn quanh bên mình anh. Quái lạ! Ôi, hỡi người chăn thân yêu của ta, anh hãy cảnh giác…. Thôi được chúng mình đi thôi! Tôi chẳng muốn anh gặp điều gì bất hạnh, bởi vì dẫu sao anh vẫn là người quan tâm chúng tôi hơn cả..
    Nói đoạn, nó vụt nhấc bổng hai vó trước, nửa người phía trước dướn hẳn lên được. Lập tức, nó nhanh nhẹn bám đôi vó trước lên mép hố, giẫm mạnh lên nền đất chắc, rồi nhổm hẳn đít lên, lại quỳ đôi vó trước một lần nữa, và vọt mạnh lên được. Trước sau không đến mười giây đồng hồ.
    Tôi kinh ngạc đứng bên cạnh nó.
    - Đi thôi – Nó đứng trên bãi đất khô dưới chân đập quay đầu gọi tôi - Trời tối rồi, anh không nhìn thấy đường đâu. Anh cứ đi theo tôi, trực giác của tôi mạnh hơn của loài người các anh. Chao ôi! Thật ra, loài người các anh là loài thoái hoá tệ hại nhất trong mọi loài động vật. Một trong những dấu hiệu chủ yếu của sự thoái hoá, ấy là các người cứ tưởng rằng các người là thông minh nhất
    Nó sải dài bước chân, gõ lóc cóc bốn vó xuống mặt đường. Tôi cõng chiếc yên, cắp cái roi, lẽo đẽo theo sau nó.
    Đêm tối mịt mùng mênh mông man mác….
    Về đến làng mọi người đều đã ngủ yên, chỉ riêng hai gian nhà kho rách nát của tôi, chỉ có cái nhà của tôi, còn sáng ánh đèn. Cô ta vẫn chờ tôi, thì ra có gia đình vẫn hơn.
    Đến cổng tàu ngựa, con Xám quay đầu lại.
    Phì! – Nó hé môi, từ trong kẽ răng rít lên một hơi dài, như muốn bảo tôi đứng yên - Hỡi người chăn thân yêu, từ nay về sau chúng mình phải giữ tuyệt đối im lặng trở lại ngớ ngẩn ngờ nghệch như xưa. Và tha thiết mong anh chớ tiết lộ ra với lũ đồng loại của tôi là tôi biết nói nhé. Chúng nó mà biết tôi nói được tiếng người, rằng tôi khôn ngoan tài giỏi, chắc chắn là chúng nó sẽ xúm lại mà đá mà cắn tôi kỳ chết. Với lại, tôi cũng xin có lời khuyên anh, từ nay về sau giữa mọi người anh cũng chớ tỏ ra nổi trội hơn người. Hãy giữ kín mọi hiểu biết và ý nghĩ của mình, có như vậy mới mong anh giữ toàn tính mạng.

Xem Tiếp Chương 4Xem Tiếp Chương 6 (Kết Thúc)

Một Nửa Đàn Ông Là Đàn Bà (Phần 3)
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Đang Xem Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Đi Qua Hoa Cúc
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Hành Trình Của Sói
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Chết Cho Tình Yêu
» Cầm Thư Quán