Có lẽ cái làng nhỏ phơi mặt ra biển tựa lưng vào vách núi dựng đứng do người họ Hoàng lập ra nên có tên là làng Huỳnh. Từ đỉnh núi nhìn xuống làng như cái ao nhỏ. Ba phía là núi cao, đằng trước là bãi cát dài, lối vào là con đường “độc đạo”. Nếu như không có rặng dừa xanh che phủ mái nhà, lối đi thì làng Huỳnh như nơi lưu đày biệt xứ. Có cái lạ là nắng cháy, hơi nước mặn chát không khí oi nồng, mà nước da con gái ở đây trắng nõn nà, tóc dài xanh mướt. Con gái lớn lên phụ việc trong nhà, chằm nón, đan bẹ dừa, gội đầu bằng dầu dừa. Con trai theo cha lên núi đốn củi, hái lá nón và chẻ đá. Nghề đá chẻ có từ lâu đời và đeo đẳng suốt cuộc đời người đàn ông làng Huỳnh.
Con bé Thí được mẹ đẻ rơi bên hòn đá chẻ, lớn lên phổng phao, trắng trẻo, nhưng lầm lỳ. Thí không chịu ở nhà đan nón với mẹ, mà nằng nặc theo cha lên núi chẻ đá. Cha vào du kích đi kháng chiến, Thí đòi đi theo, mẹ can ngăn mắng chửi, rồi van nài, Thí cũng không nghe. Cha đi hôm trước, hôm sau Thí bỏ nhà theo cha. Thí được cha và các chú dạy chữ, cho làm giao liên, học làm y tá. Thí khoái theo đàn ông đi đánh trận hơn là ở nhà nấu cơm, chăm sóc thương bệnh binh. Chiến dịch giải phóng làng Huỳnh mở ra, Thí xung phong ra trận. Ba bảo trong chiến đấu ở hậu cứ cũng quan trọng như ở mặt trận, Thí hiểu, nhưng không theo lời ba. Thí viết lá đơn bằng máu xin chỉ huy cho về giải phóng quê hương. Thí không ngần ngại xin chỉ huy: “ Cho cháu được gặp mẹ cháu trong ngày giải phóng, để cháu xin lỗi đã trốn mẹ theo kháng chiến ”. Cuối đơn ký tên: “chiến sỹ Huỳnh Thí” cho đúng khí khái con gái làng Huỳnh chẳng chịu kém con trai.
Làng Huỳnh được giải phóng trong bom đạn, khói lửa và nước mắt. Thí khóc đến cạn sức, kiệt lực và không còn nước mắt. Thí nói hàng ngàn lời xin lỗi, nhưng má không nghe được nữa rồi.
Dân làng Huỳnh kể rằng: biết làng Huỳnh thế nào cũng bị Việt Minh đánh nên lính Tây, lý trưởng đã vây ráp, bắt tất cả những người bị tình nghi là cán bộ, Việt minh, đảng viên nhốt vào kho chứa bẹ dừa. Năm thằng tây và lính nguỵ thay nhau hãm hiếp mẹ của Thí trước mặt mọi người. Mỗi lần hành hạ chị, chúng kêu lên là nhìn cho kỹ nói lại tường tận cho thằng chồng Việt minh trên xanh hay. Không chịu nổi cay cực và tủi nhục, chị cắn lưỡi tự tử. Ba của Thí bị thương rất nặng, trước khi nhắm mắt ba nhắn lại: “Vì kẻ cơ hội hèn nhát trong chi bộ mà mẹ con bị lộ - con nhớ đừng bao giờ tin lũ ấy. Và dù đến mấy đời cũng phải loại hết lũ sâu mọt ấy. Con nhớ chôn ba bên cạnh má”. Thí châm lửa đốt túp lều của ba má để lại, rời làng Huỳnh lên xanh, đi ra Bắc. Ba năm sau, Thí trở thành cán bộ phụ nữ xuất sắc của liên khu và được điều động làm đội trưởng đội cải cách ruộng đất.
|
|
|