Kẻ đối mặt căn vặn Thục là một gã đàn ông cao lớn, ria mép thưa, nhưng rậm, giống như hai con sâu róm quá già đang kỳ rụng lông vắt qua khoé miệng. Hai mắt gã to, đảo nhanh,lòng đen cứ xô về một phía để lại lòng trắng như vẩy cá. Mặt gã choắt lại mỗi khi nói khiến cái mũi đã cao càng cao hơn, cằm cũng nhọn hơn. Người ta bảo hắn là sản phẩm của cha Tây mẹ Việt. Nói gọn hơn là Tây lai. Trước khi cầm roi “ C… bò” đánh phủ đầu ai, hắn cười khùng khục.
- Ta đã cho mấy đứa chầu trời rồi, không biết tên ni sẽ ra sao đây?
Phòng tra tấn rộng bằng chiếc chiếu đôi, thấp tè, ngột ngạt, tối om. Chính giữa chiếc chiếu là cột sắt to đen bóng. Sát trần là chiếc xà ngang cũng bằng sắt. Căn phòng như một hộp diêm có ba cửa. Một lối vào thấp, hẹp, cánh cửa sắt dày cũng đen bóng đóng sầm lại, là người vừa bước vào bị một cú đạp cực mạnh, ngã sấp xuống chân cột sắt. Hình như gã Tây lai đã tính toán kỹ: Loại người như thế nào, to hay bé, đàn ông hay đàn bà thì có cú đáp thích hợp để rơi trúng đích là cột sắt. Một lối ra, thấp, hẹp hơn lối vào và dốc. Khi người bị tra tấn chỉ còn là xác không hồn thì Tây lai cũng dùng cú đá chuyên nghiệp cho cái xác trúng cánh cửa hẹp, mở toang hoác, đen ngòm như miệng con thú dữ, đói mồi chờ sẵn. Cú đá nhẹ thứ hai, cánh cửa sắt cũng bóng loáng, đen ngòm đóng sập lại. Người ấy không bao giờ trở lại trên mặt đất, cõi đời này nữa. Lối ra thứ ba cũng bằng lối thứ nhất cả bề cao lẫn chiều rộng. Nhưng không dốc. Nạn nhân ngất xỉu, gã Tây lai vẫy tay, một xô nước dội thẳng lên đầu, lên mặt. Nạn nhân tỉnh lại, hắn gầm lên “thu dọn”, tiếng “dọn” kéo dài rồi chui trở lại xuống họng của hắn, khùng khục như khi cười. Một người tù từ trong cái lỗ vuông vuông đen ngòm chui ra, nhìn kỹ, rùng mình rồi kéo hoặc cõng bạn tù vào. Vào lối này thì còn sống, nhưng mấy ngày sau lại chui vào cửa trước chịu một vòng đấm đá, đày ải nữa… cho đến lúc chui tọt vào cửa tử…
Thục bị trói giật cánh khuỷu vào cột sắt. Mái tóc đen dày búi tròn hơn quả bòng to xổ ra quét lê trên mặt xi măng đen hơn bồ hóng, nhớp nháp. Mái tóc của Thục từ thời con gái cho đến bây giờ được đám trai tân làng Thượng bình chọn là dày nhất, mượt nhất, dài nhất và ưng nhất. Mỗi lần chải tóc, Thục phải đứng lên giường cho tóc chảy xuống chiếu trải dưới đất. Có khi là một cái sàng hay cái nia. Mỗi lần gội đầu, Thục quay tóc vun vút, tạo vòng tròn rộng đen mượt, hương sả, hương bưởi thơm thơm vương vương. Thuận ngắm mãi, không chán.
Thằng Tây lai quấn hai vòng tóc trong tay giật ngược, Thục đau điếng chảy nước mắt.
- Mày là du kích?
- Phải!
- Ai chỉ huy?
- Chủ tịch xã.
- Tên gì
- Lê Soán
- Cả tổng này ai cũng biết, không đợi đến mày!
- Lê Soán đang ở đâu?
- Chiến khu?
- Ai chẳng biết Việt Minh ở chiến khu. Mày giỡn với quan Tây hả.
- Tui nói thiệt mà!
Hắn giật mái tóc sang phải đến ù tai.
Thục nhìn thấy lỗ vuông vuông đen ngòm đến rợn người.
- Mày đội khăn tang cho ai ?
- Chồng tôi !
- Láo
- Tui nói thiệt mà !
- Chồng mày là cán bộ Việt minh trên chiến khu. Đội khăn tang để che mắt quan hả.
Hắn giật tóc sang trái, mắt Thục hoa lên, cái lỗ vuông vuông sâu như đáy giếng chao nghiêng. Tây lai xốc chiếc khăn tang trắng xoá lên đầu gậy quay quay, tạovòng tròn số không nghiêng ngả.
- Ai giao việc cho mày?
- Chủ tịch Lê Soán.
- Lúc nào, ngày nào?
- Lâu rồi
- Láo
- Tui nói thiệt. Ông Soán giao cho tui gác ngày chẵn, thì cứ rứa tui mần.
- Láo toét.
Tây lai hét lên. Năm ngón tay dài, thô ráp, lông lá của hắn thụp vào cổ áo của Thục giật mạnh. Hắn giật tiếp chiếc yến nâu chỉ còn là mảnh giẻ rách. Hai bầu vú tròn chắc không còn miếng vải che. Tây lai nuối nước bọt, cười khùng khục rồi cả hai tay chụp vào đầu vú của Thục. Thục nhắm mắt toàn thân uốn cong chịu đựng. Hắn dùng hai sợi giây buộc thành hai vòng tròn thít chặt hai núm vú, từ từ kéo lên xà ngang bằng sắt đen trũi như con rắn hổ mang.
Người Thục cứng đơ, hai chân như nhấc khỏi mặt đất. Tây lai nghiến răng.
- Mụ Khế giao việc này cho mày đúng không?
- Không!
- Không này.
Hắn lại rút giây. Thục kêu thất thanh:
- Mạ ơi! mạ ơi!
- Đúng là mạ mày chỉ huy du kích?
- Không! Không.
- Không hả, không hả.
Hắn lại rút giây, Thục ngất xỉu, gục xuống, mái tóc dày đung đưa trên mặt xi măng ẩm ướt tanh nồng. Một chậu nước lạnh đổ ào lên người Thục. Lạnh quá mạ ơi! Thục đang chạy, tay gõ mõ kêu to “bớ làng, tây, tây bớ làng….”. Súng nổ, Thục nằm sóng soài trên đường cát mịn. Thục gắng hết sức “Bớ làng. Tây!…” rồi ôm chặt ngực. Hai đầu vú rỉ máu, tê dại. Tây lai hét to, khô khốc.
- Ngược
Hai vòng dây thít chặt hai mắt cá chân, Thục bị treo ngược lên xà, mái tóc dài quấn chặt vào vòng sắt dưới chân cột.
- Mụ Khế ở đâu?
- Không biết!
- Lê Soán ở đâu?
- Không biết!
- Trần Thuận ở đâu?
- Chết rồi!
Mỗi câu trả lời của Thục là một lần Tây lai rút giây. Cả người Thục như sợi giây đàn. Đầu đau nhói, từng mảng tóc như rơi ra. Tất cả quay cuồng, chao đảo, ù đặc Thục cố nhớ ra một chữ “không….không!”
- Có thương mẹ mày không
- Không
- Có yêu chồng mày không?
- Không!
- Có nhớ con không?
- Không
Thằng Tây lai cười sằng sặc. Trước mặt Thục là cánh đồng ngập lụt. Thục bơi trong dòng nước lạnh, mệt lã, thiếp đi… xa xa, là động Cây sy…. Ôi chao… sao thằng Đái lại bơi lội một mình. Nước lũ con ơi….. lại đây với mạ… Con ơi! Nước lạnh dội lên đầu. Thục bừng tỉnh kêu to: Con tôi đâu… nhưng bật ra chỉ là tiếng kêu dài…. “con …. tôi…”.
- o O o -
Một tay cầm bông riềng vàng tươi, một tay cầm lá che đầu, bọn con nít vừa đi quanh sân vừa nghêu ngao:
Ve vẻ vè ve
Nghe vè thằng Đái
Cha thì chết sớm
Mạ thì ở tù
Mệ nội thì mù
Đái khóc hu… hu…
Hu hu hu hu…
He he he he…
Ve vẻ vè ve….
Thằng Đái mới lên ba, chẳng hiểu gì cũng đi vòng quanh, một tay che chim, một tay cầm lá chay đội đầu, cũng hát nghêu ngao, chỉ tội giọng hơi đớt:
De de de de
Nghe dè giằng chái ….
Tội nghiệp thằng Đái, Mẹ bị bỏ tù mấy tháng mà vẫn tin lời bà nội là mẹ đi chợ mua bánh in, vừa ngọt vừa thơm vừa béo về cho bé. Con gái đang gác bị địch phục kích bắt giam ở Hồ Xá, bà Khế đưa Thà tạm lánh lên chiến khu, Đái ở với bà Nội. Từ ngày con trai vĩnh viễn không về thăm mẹ, bà Cao khóc suốt ngày đêm. Cứ ngày nắng bà lại mang áo con trai ra phơi, ngồi khóc dưới nắng. Nhìn thấy cháu nội lê la dưới đất bà khóc nẫu ruột, nẫu gan. Mắt bà cứ mờ dần, mờ dần…. Ngày này sang tháng khác, bà không đi xa kiếm cái ăn cho cháu. Bà con thương tình cho lon gạo, củ khoai, bà dành nấu cháo cho cháu. Nhiều bữa bà nhịn suông. Hết khóc con trai, bà lại khấn: “Chết chóc mọc chồi, lạy trời bỏ tươi, cho cháu tôi được sống!..”. Ban ngày lũ con nít đến chơi, thằng Đái vui cười. Tối về nhớ mẹ khóc khản cả cổ. Bà Cao ôm cháu khóc. Khóc chán, hai bà cháu nằm còng queo trên nền nhà ẩm ướt…..
Một hôm thằng Đái tha thẩn bắt chuồn chuồn ớt bên gốc lựu thì có một người đàn ông cao lêu nghêu, mặt hầm hố đến gần. Thằng bé khóc thét ôm lấy bà nội. Gã đàn ông giả giọng đả đớt:
- Chú là Hóp đây mà. Chú cho Đái kẹo ngon này.
Bà Cao nói nhỏ:
- Chú cho thì cháu xin. Kẹo ngon mà.
Thằng Đái bỏ viên kẹo vào mồm nhai ngấu nghiến. Nó mút hết nước đường kính dính đầu ngón tay, mắt nhìn chú Hóp thèm thuồng. Hóp vỗ về:
- Đái có muốn chú đưa mạ về không?
- Chó.. chó… chó
- Rứa thì phải kêu chú bằng ba nghe….
Bà Cao giật mình, liếc đôi mắt mờ nước về phía Hóp.
- Chú đừng phỉnh cháu mà tội.
- Tui không lừa phỉnh mà nói thiệt. O Thục chịu lấy tui thì tui xin cho ra khỏi tù. Tui nuôi cả mấy mạ con, mệ cháu, ăn n o, mặt đẹp, sống sung sướng cả đời.
- Mồ con trai tui chưa xanh cỏ. Chú đừng nói rứa mà có tội.
Bà Cao khóc não ruột: “Con ơi là con
Là vàng còn ở trên cây.
Lá xanh rụng xuống
Tức tưởi quá con ơi!....”
Hóp vốn hung hăng, nhưng lại sợ tiếng khóc đứt ruột của bà Cao, chuồn thẳng.
|
|
|