Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Gió Lửa Tác Giả: Nam Dao    
Kiêu binh

    Xế chiều hôm Tĩnh-đô vương Trịnh Sâm lìa đời, Vua Lê Hiển Tông hạ sắc phong Trịnh Cán làm chúa, hiệu là Diễn đô Vương. Ðặng Thị Huệ và bảy vị quan Ðại-thần phụ chính cũng nhận được những lời phủ dụ từ Hoàng cung. Cán mặc sắc phục tước Vương, ra sập ngồi cho hai hàng quan văn võ lạy chào. Sau, Diễm Quận công bế Cán vào Huỳnh cung ra mắt Thánh Mẫu.
    Quan tài Sâm vẫn quàn đó, đợi phong Vương cho Cán rồi mới khâm liệm cho Sâm. Trong triều, chỉ một mình Tế Lý biết là Cấm binh họp nhau ở Khán Sơn, nhưng không có thì giờ đối phó. Lý chặc lưỡi khinh bỉ, trao cho Quận Châu chức Binh phiên trì sự và dặn phải cẩn thận.
    Trên núi Khán Sơn, có lẽ có đến cả trăm người đến hội. Oai Lý còn lớn, nên ban đầu ai cũng dè dặt. Ðến khi bàn việc, không một ai lên tiếng. Bằng Vũ nhẩy lên đứng trên một mỏm đá, giọng kiên quyết :
    - Gần như toàn thể Cấm binh Tam phủ ở trong quyền chỉ huy của chư vị có mặt ở đây. Lâm sự, ta chặt cầu cản đường cứu viện đường bộ từ Kinh Bắc và Sơn Tây. Mặt thủy, Ðinh Tích Nhưỡng có đến được cũng không đổ bộ nổi. Vả lại, họ có đến được Kinh cũng phải dăm bữa một tuần. Nếu ta xử sự cho gọn, bắt giết Huệ và Lý, rồi xin ngay Ðức Vua ban sắc phong Vương cho Thế tử Trịnh Tông, thì chỉ nội nhật là xong. Lúc đó, ai không nghe hiệu lệnh của Vua và Chúa là làm phản, bọn cứu viện nào dám đến nữa.
    Ngưng lại, Bằng Vũ nhìn khắp lượt, nghiêm trang tiếp :
    - Chỉ sợ anh em ở đây không đồng một lòng. Bây giờ trước Hoàng Thiên soi xét, ai tôn phù nghĩa tôi Chúa, quyết dẹp bọn tặc thần chuyên quyền, xin đứng sang bên phải. Ai chống, bên trái. Còn ở giữa thì xin cứ bình chân như vại, đừng có can thiệp.
    Cả đám cấm binh ồn ào lên, rồi di động. Hai phần ba bước về bên phải. Còn lại đứng giữa trừ một người. Nguyên Nhưng há hốc mồm nhìn, thảng thốt kêu: « Sao vậy ? sao lại vậy ?».Trăm cặp mắt đổ dồn vào phía bên trái, và đã có người nắm đốc kiếm, miệng hầm hè. Người đó quần áo nho sinh, tóc búi, tay cầm quạt phẩy nhè nhẹ, đủng đỉnh bước lên đứng trên gò đất, nói rành mạch:
    - Chưa được đâu ! Làm như cách Bằng Vũ nói là vội quá, dục tốc bất đạt. Hành sự chín chắn phải nghĩ đến khả năng bất thành, còn giữ đường mà lùi...
    Giữ đường lùi đúng là đánh vào tâm lý đám Cấm binh thật ra vẫn còn sợ sệt. Họ nhôn nhao hỏi. Người cầm quạt nghiêm nghị :
    - Bùi Bật Trực xin có một lời. Phàm làm việc, giữ được chính danh mà không mang hại là thượng sách. Ai cũng biết là Thánh Mẫu không đồng lòng việc phế Tông lập Cán. Hay nhất là bàn với Quốc Cửu Viêm Quận công, để ngài vào trình với Thánh Mẫu, và phát hiệu lệnh rồi mới bắt Lý và Huệ. Nếu thuận như vậy, Trực này xin làm con én đưa đường...
    Ðám Cấm binh vỗ tay hoan hô, cho là diệu kế. Bằng Vũ gật gù rồi nói :
    - Ngày khởi sự như vậy chưa biết. Tam quân lúc nào cũng phải sẵn sàng, khi nghe tôi vào phủ đường đánh ba hồi trống sau giờ cúng cơm buổi sáng là cứ việc tiến đến vây Chính-phủ và Vương phủ.
    Ðám Cấm binh lại vỗ tay hoan hô, cho Vũ là đảm lược hơn người, cử Vũ cùng Trực đi gặp Quốc cửu.
    Sáng hôm sau, trên đường đến dinh Quốc cửu, Vũ bảo Trực :
    - ... có ý Quốc cửu và Thánh Mẫu hay không, đã cưỡi cọp rồi, xuống thế nào được !
    Trực trả lời :
    - Có càng hay. Không thì lại càng phải làm. Thành thì khối các vị Ðại-thần nhảy ra xin ăn theo, lo gì.
    Quốc cửu là loại người vừa ngu vừa nhát, cứ ậm ừ, khuyên nên đến thẳng Huỳnh cung. Vũ và Trực đến, phao rằng Quốc cửu đã thuận và nay xin ý Thánh Mẫu. Bà ngần ngừ, biết là việc trọng đại, muốn trì hoãn và vời Hoàn Quận công vào tham khảo. Lúc đó, không biết kẻ nào đã thảo ra một tờ hịch, tựa là ¨ Tam Quân Phù Chính ¨, kể tội tiếm quyền, dâm loạn của Lý và Huệ, đòi truất Cán lập Tông. Hịch dán trên năm cửa ô, rồi chép ra truyền tay nhau đọc trộm, bàn dân xôn xao, có kẻ sợ Kinh sắp gặp đại biến, lục tục rủ nhau bồng bế về quê. Giá gạo cao vụt lên, và trộm cắp tha hồ hoành hành, bất kể luật pháp.
    Hoàng Tế Lý gọi Toàn Nhật vào Chính-phủ, từ tốn hỏi Nhật về binh tình trong đội Trung Kính vốn có nhiệâm vụ bảo vệ Tam cung Ngũ phủ. Lý đăm chiêu :
    - Tin được bao nhiêu đầu lính ?
    - Năm sáu trăm, Nhật trả lời.
    Nhìn ra sảnh đường, Lý làm vẻ thản nhiên :
    - Ðịch được bao nhiêu ?
    Nhật thận trọng :
    - Ba nghìn, ba nghìn rưởi.
    - Bao lâu ? Lý cười nhẹ, nhướng mắt lên.
    Ngần ngừ một lát, Nhật đáp, giọng quả quyết :
    - Ba nghìn thì cả tuần, ba nghìn rưởi, bốn đến năm ngày.
    Lý trầm ngâm nghĩ ngợi rồi xuất một nghìn lượng bạc ra cho Nhật để thưởng cho lính đội Trung Kính. Mặt khác, Lý đích thân phái người của viện Nội Mật lên Sơn Tây vời quân Hoàng Phùng Cơ, sang Hải Dương vời quân Ðinh Tích Nhưỡng và xuống Thanh Hóa vời đội chiến thuyền của Nguyễn Hữu Chỉnh.
    Từ dạo anh mình là Nguyễn Khản được tha tội chết, chỉ bị Chúa Trịnh Sâm giam lỏng tại tư dinh Châu Quận công, Nguyễn Du đã lánh lên Tuyên Quang, tá túc nhà một viên võ quan cấp thấp. Năm sau, Du về trấn Sơn Nam, rồi thi đỗ Tam trường khóa năm Giáp Thìn. Vì đường xá xa xôi, Du ít tin tức, không hề biết là Ðặng Thị Mai bị giam hãm, và Trọng Thức phải bỏ trốn, trôi giạt chẳng biết đến nơi đâu. Mấy tháng gần đây, tiếng đồn đãi về khả năng binh biến ở Kinh lan xa, bàn đân ở các phiên trấn ngóng cổ chờ diễn biến. Du quyết định lần về Thăng Long, một mặt vì tò mò, một mặt vì muốn tìm giữ những tập bản thảo do chính mình trước tác đã để lại dinh Kim Âu, tư dinh của anh mình là Nguyễn Khản.
    Hai hôm sau ngày về Kinh, Du đến dinh Khương Tả hầu nhưng Nhật vắng mặt. Ðành ngồi đợi, Du nhìn đám Cấm binh mặt mũi nghiêm trọng, biết là tiếng đồn đãi cóù xác cứ. Bố-già, người lính lâu năm nhất, cũng mò tới tìm Nhật. Ông ta nhìn Du đăm đăm, buồn rầu :
    - Ðời lính tôi suốt mấy mươi năm rồi, đến nay đâu lẽ nào phải cầm gươm cầm kiếm đánh đấm với chính anh em lính chúng tôi... Ðánh giặc, lúc nào tôi cũng sẵn sàng, nhưng ai nỡ lòng nào đâm chém vào ruột vào thịt mình.
    Nhìn cánh bướm vàng chập chờn trên hàng dâm bụt màu đỏ tươi, Du bâng quơ an ủi cho có lệ người lính già nhăn nhó đang khổ tâm lo lắng. Nhật về, thấy Du, vội ôm chầm lấy, quên Bố-già đứng lóng ngóng bên cạnh. Uống chén nước hàn huyên xong, nhìn Nhật, Du nhắc lại lời Bố-già. Lúc ấy, Bố-già chắp tay, giọng trang trọng :
    - Quan Chưởng cơ, chỉ có ngài mới cứu được việc anh em lính chúng tôi phải đâm chém lẫn nhau. Bọn Bằng Vũ, Nguyên Nhưng hăng lắm, không cản được, lại có Bật Trực thúc vào. Lính Tiền Hùng đã từng tốp vào Kinh, bỏ hết phòng thủ tuyến sông, tiếng là về cứu Ấu Chúa. Ngoài ra, cơ đội Nhượng Trung, Hậu Dũng và Tiền Ninh cũng phối hợp trấn đóng những chỗ hiểm yếu, hăm hở đợi tiếng trống hiệu... Riêng đội Trung Kính và Thị Nội tả quân do Chưởng cơ chỉ huy là không động tĩnh gì, vẫn tiếp tục phận sự bảo vệ Tam cung Ngũ phủ. Nay, anh em ăn thề trên núi Khán Sơn phái tôi đến xin ý của Chưởng cơ, và cầu trời cho khỏi đổ máu, là phúc cho lính...
    Nói đến đấy, Bố-già sụp xuống quì lạy Nhật, khóc ròng ròng. Nhật vội đỡ Bố-già lên, mủi thương, nhẹ nhàng :
    - Xin lão đứng dậy. Nhật này cũng chẳng ưa gì mùi máu.
    Nghiêm nghị nhìn mớ tóc lởm chởm bạc mọc như nổi loạn trên đầu người lính già đã suốt một đời chinh chiến, Nhật trầm giọng :
    - Cuộc nội chiến này không tránh được nữa rồi. Ngay như quan Chánh dường có lập thế tử Tông lên ngôi Chúa, ta cũng đồ rằng chưa đủ để tránh việc binh đao ...
    Thở dài, Nhật quay sang Du, hỏi :
    - Có phải đường huynh là Nguyễn Khản đã về dinh Kim Âu rồi chăng ?
    Du lắc đầu. Bố-già chen vào :
    - Không, Khản dẫu ở nhà Châu quận công nhưng cả hai đều biết rõ tình thế. Bây giờ, chỉ chờ ý quan Chưởng cơ rồi anh em lính chúng tôi mới dám động tĩnh.
    Nhíu mày lại, Nhật nhăn mặt nhìn ra góc vườn, nét đăm chiêu khiến chàng như già đi hàng chục tuổi. Bố-già tần ngần, nước mắt lại ứa ra, giàn giụa chảy theo vết nhăn đã thành rãnh trên khuôn mặt phong trần sạm màu nắng gió. Du ngần ngừ, nói trong cuống họng :
    - Cứ đổ một giọt máu là phí đi một giọt, dẫu là của bất cứ ai.
    Nhật vùng đứng dậy, vỗ nhẹ lên vai Du. Ôm vai Bố-già tiễn ra cổng, Nhật nhìn lão, nói:
    - ... Ta không phụ ai, nhưng cũng chẳng để ai phụ mình. Lão về bảo họ như vậy.
    Trong thời gian đó, Thánh Mẫu đã gặp Hoàn Quận công. Hoàn đồng lòng, xin Thánh Mẫu hạ chỉ dụ Hoàng Tế Lý, hứa sẽ thuyết phục đám Ðại-thần phụ chính. Chỉ của Thánh Mẫu như sau:
    « Ấu Chúa ốm đau, trong nước bàn dân lo sợ nghi ngờ. Tướng quân nếu lấy xã tắc làm trọng, thì nên tạm cho Thế tử Tông nhiếp chính để yên lòng người. Chờ đến khi nào Ấu Chúa trưởng thành, Tông sẽ trả lại chính quyền, lui về làm tôi...»
    Tế Lý lĩnh chỉ, đọc xong, lắc đầu cười nhạt. Khạc vào cái ống nhổ bằng đồng để dưới chân, Lý lẩm bẩm « ... rõ là dơ. Nghi ngờ gì thì lại chẳng dám nói ». Ngồi ngay ngắn trước thư án, Lý tự lấy bút nghiên ra thảo :
    « Lý tôi quì lạy dưới cửa thánh Mẫu. Thánh Mẫu đã lo đến việc lớn của xã tắc, tôi đâu dám không vâng lời ? Chỉ hiềm là việc đó không phải ý của Tiên Vương. Lý tôi khi được Tiên Vương gửi gấm, ngài đã dặn dò cặn kẽ, lại có tờ «Cố mệnh» làm bằng. Nay quan tài còn quàn ở đây mà thay đổi mệnh ngài, lòng tôi nghĩ sao cho đang ? Vậy xin việc đó hãy để sau rồi sẽ liệu tính ... Vả chăng, trong thiên hạ sau này nếu lo âu sẽ hết lo, nếu ngờ vực sẽ hết ngờ, dám xin Thánh Mẫu cứ yên tâm... »
    Ðưa thư hồi âm về Thánh Mẫu xong, Tế Lý gọi hai hàng quan văn võ vào triều ngay buổi chiều hôm đó tại Nội phủ. Ðám Thị Nội quân được chia ra canh gác, mặc quần áo trận, cứ sáu thước có một người lính, gươm giáo sáng lòe. Ðội Nội cuông chấn mặt Bắc, Nội dực mặt nam, còn phía đông và tây do đội Nội nhưng và Nội kiệu phòng thủ. Ở vòng ngoài, những dinh thự lớn như dinh Kim Âu, dinh Trung Nhuệ đều được canh gác cẩn mật bởi cơ đội chủ lực Trung Kính. Ðám Thị-kỵ quân được giao giữ cung Vọng Hà, cung Tây Long và cung Trung Hoa ở trung tâm, có thể dùng như lực lượng trù bị sẵn sàng cứu viện những mặt quan yếu.
    Cuối giờ Thân, các quan đã đủ mặt, ngồi hai hàng ghế. Trên trướng cao, chiếc ngai Chúa để trống, nhưng bên cạnh có sắp một chiếc ghế cho Ðặng Tuyên-phi. Ở hàng đầu, Tế Lý liếc mắt nhìn kiểm điểm, thấy thiếu Hoàn Quận công. Quốc cửu Viêm Quận công cáo ốm, không đến. Lý trình bày sự thể, cắt đặt công việc cho Châu Quận công là Binh phiên Trì sự, đưa ra bằng chứng có người tố Viêm Quận công định làm loạn và yêu cầu chư quan đình nghị để trị tội. Lý chau mày, trầm giọng :
    - Chỉ mai kia là có biến, hàng quan võ các ông cũng nên một phen hãn mã, thử xem nghề cung kiếm còn phong độ hay không ... Phía quan văn, các ông bảo người nhà sửa soạn đao kiếm để tự phòng vệ, chớ có khinh trọng.
    Hai hàng quan xì xào, hư thực, bấm bụng nói cứng nhưng lo ngay ngáy, ai nấy nhấp nhổm chỉ muốn về nhà. Trời sập tối, có kẻ khuyên Lý mang nghĩa sĩ vào phủ hộ vệ cho mình, có kẻ lại bàn là Lý nên ẵm Ấu Chúa trốn khỏi Kinh rồi gọi quân ở ngoài vào bắt bọn phản loạn. Lý chỉ im nghe, rồi chắp tay cảm tạ các quan, giọng khẳng khái :
    - Xưa nay, hư thực trong chuyện binh biến thế nào ai mà lường được. Dẫu sao, cứ để thong thả, không việc gì phải mất bình tĩnh .
    Lý cười, ung dung, tiếp :
    - Ví bằng việc gấp quá, không trị nổi bọn làm giặc, thì tôi đã vâng mệnh Tiên Vương, sống thác cũng cam, có chi mà hốt hoảng ?
    Ðêm hôm ấy, Tế Lý vẫn mang vài người hầu như thường lệ vào ngủ ở Phủ đường nhưng cho người đi gọi Toàn Nhật. Chờ đến canh hai không thấy, Lý bắt đầu lo, cả đêm không chợp mắt.
    Tiễn Bố-già xong, Nhật thấy đầu choáng váng, vào nhà trong đặt mình xuống giường. Mấy hôm nay, trời ẩm đục, âm u, mây trĩu xuống như bị ai trì kéo. Chợp mắt được một lúc, Nhật nghe tiếng người gọi tên mình. Nhật choàng dậy. Cạnh cửa sổ, bóng người đàn bà ở miếu Ba Cô trên Phố Hiến thấp thoáng. Lưng quay lại, giải áo trắng bung phần phật mặc dầu không có gió, tóc xõa ra đằng sau như uốn như lượn, người đàn bà như chực bị bốc lên không trung. «Con ngoan, mẹ về với con nhưng chẳng được lâu, lại sắp phải đi đây ! ». Nhật đứng dậy, mắt căng ra, gọi : « Mẹ đừng đi nữa, ở lại để con báo hiếu mẹ ... Tội nghiệp thân mẹ ». Tiếng khóc thút thít, bắt đầu còn nhỏ, sau lớn dần rồi choáng ngợp thành những tiếng nấc, lẫn vào dăm câu nói tức tửi : «... báo hiếu, con ơi..., mẹ chờ... ». Cánh cửa sổ phềnh ra, đen ngòm, hút lấy giải áo trắng vẫn phần phật bay, mờ dần rồi tan biến như khói. Nhật gào lên : «Mẹ, mẹ ơi... »
    Khi Du vào lay, Nhật tỉnh lại, thấy mặt mình lã chã nước mắt, người nhễ nhại mồ hôi. Du nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh, lo ngại :
    - Chắc huynh ốm mất rồi.
    Nhật nhắm mắt định thần một lúc rồi đứng dậy ra sân sau. Chàng rút gươm chém ba đường, cứ thế chém, vừa chém vừa hét. Không biết vì lẽ gì, đường gươm thứ nhất lại chậm hơn trước. Nhật ngừng, nói với Du : « Du xem mắt ta có ánh căm hờn không ? » rồi lại tiếp tục chém.
    Tối đến, Du về dinh Kim Âu. Toàn Nhật lên ngựa đi thẳng về phía sông Nhị. Quả thật những điếm canh nay bỏ trống, lính Tiền Hùng đã kéo nhau vào Kinh. Ngồi ven sông, Nhật nghe tiếng nước rì rào như tâm sự những nỗi niềm từ vạn đại. Chàng nhắm mắt, liên tưởng đến khoảng thời gian vừa qua. Khi quan Chánh dường trao cho chàng thanh kiếm « Hoàng gia », Nhật biết là gốc gác mình quả có rễ rợ sâu xa với họ Hoàng. Cha chàng là ai ? Là Quận Việp Hoàng ngũ Phúc ? Hay chính là Hoàng Tế Lý ? Nếu là Quận Việp thì thôi, đã chết rồi, vậy chẳng qua là chàng mồ côi cha từ nhỏ ! Nhưng nếu là Tế Lý ? Thế có nghĩa là kẻ phụ bạc mẹ chàng, khiến mẹ phải trầm mình chết để rửa nhục, sờ sờ còn đấy, quyền cao chức trọng, thế lật thiên hạ như trở bàn tay. Và bóng mẹ chàng ở miếu Ba Cô còn luẩn quẩn quanh đây, phải chăng là để nhắc nhở chàng mối hận câu chuyện ngày xưa mà nước sông Lam vẫn chưa rửa sạch ?
    Nhật bần thần, tay mân mê đốc kiếm, lòng phân vân. Hình ảnh Bố-già và những giọt nước mắt một người không muốn máu lính vấy lẫn tay lính lại hiện ra. Ngày mai sự thể diễn biến ra sao ? Chàng thừa biết là lính đội Trung Kính sẽ nghe lệnh, chắc chắn sẽ chống trả khi bị tấn công. Từ ba hôm nay, họ khẩn trương chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Nếu việc binh đao không tránh được, số nạn nhân hẳn là không dưới vài ngàn. Nhưng làm thế nào đây ? Lúc can qua, Hoàng Tế Lý sẽ trực tiếp chỉ huy cả ba cơ đội Thị Nội, Thị Kỵ và Trung Kính. Con người Lý chiến trận đã quen, chắc gì bọn Bằng Vũ, Nguyên Nhưng thủ thắng được. Hơn nữa, quân biên ngoại hiện cũng đã rục rịch về Kinh mang danh nghĩa phù Chúa. Xương máu hàng vạn người sẽ đổ ra ! Nhưng để làm gì ? Cho ai ? Nhật chép miệng, thở dài. Chắc chắn là không phải cho những người phải liều mạng mình vào chuyện xương rơi máu đổ !
    Nhật nhìn dòng sông, miệng thầm gọi : « Nước, nước ơi ! cho ta xin một lời khuyên. » Mắt rưng rưng, chàng ngửng lên trời tìm một ánh sao đêm. Không, không có một vì sao nào hiện ra chỉ lối.
    Nhật nhắm mắt, cố lôi trong óc mớ chữ nghĩa đã học xem có gì giúp được cho chàng lấy được cái quyết định cam go này. Không, vẫn không. Không có thứ chữ nghĩa nào đặt lên bàn cân, một bên là máu xương hàng trăm hàng ngàn người, một bên là cha chàng, cho dẫu rằng cha chàng có phụ rẫy, bức tử mẹ chàng.
    Phải chăng có thầy chàng, thầy sẽ nói gì ? Phải chăng có Trọng Thức, Thức sẽ khuyên gì ?
    Nhìn sang bên kia sông, Nhật bỗng thèm bơi qua, rũ hết đi mọi vướng bận mặc cho cán cân nghiêng thế nào thì nghiêng, đổ thế nào thì đổ. Ðầu nóng lên đến bốc khói, Nhật rút từ sau lưng cây kiếm võ sĩ do Mishima tặng, rồi vừa hét vừa chém, tiếng xé gió nghe đến buốt xương lạnh thịt. Chàng chém cho đến độ tay mỏi nhừ, óc rỗng tuếch, mồ hôi đổ ra ướt hết hai lần áo. Ngồi xuống vệ cỏ, Nhật nhắm mắt lại. Quái lạ, sao chàng thấy dòng sông dưới kia bỗng thành một dòng sông máu đỏ lừ lừ, cú lững lờ trôi đi.
    « Ðổ một giọt máu là phí một giọt », tiếng Du văng vẳng từ đâu đưa lại. Phải, có phải thế chăng ? Câu trả lời bẩy bật người Nhật dậy.
    Phóng ngựa vào trung quân của cơ đội Trung Kính ra quân lệnh xong, Nhật đến dinh Kim Âu nơi Du trú ngụ chứ không về nhà. Khoảng canh hai, những tốp quân cứ mười người một từ ba cửa ô Ông Thánh, Trường Bản và ô Cầu Giấy lẳng lặng chia nhau tản ra ven đô. Họ đi ngược lên bến Tây Long, giữ bến Hàm Như, bến Thúy Ái cho đến bến Thanh Trì.
    Sáng ra, trong Kinh im ắng đến ngơ ngác. Hàng dân sợ, không họp chợ, nhà nào nhà nấy đóng chặt cửa ngõ. Người kẻ chợ thấp thỏm, chờ đợi một biến cố đến từ sự quái ác của vần xoay. Trời lại mưa tầm tã, nhìn ra một màu trắng xóa, như sắm sửa tang ma cho những thân phận bị xô đẩy vào vòng rủi may đao kiếm.
    Sau giờ cúng cơm, ba hồi trống chín tiếng trong Phủ Chúa chợt thúc lên rộn rã. Ðột nhiên, tiếng reo hò vang dội từ bốn phía nổi lên. Sáu người lính trong đội Thị Nội vây Bằng Vũ lại, trói giật cánh khuỷu, đẩy vào sân Chính phủ. Ở bên ngoài, một đám lính Tam phủ kéo ra, gươm giáo loảng xoảng, vừa đi vừa hò hét, tiếng chân dậm trên đất thình thịnh. Quận Châu ra lệnh đóng chặt cửa Chính-phủ và Nội-phủ, hớt hải gọi lính Thị-kỵ ra tiếp sức với đội Thị Nội, rồi báo Hoàng Tế Lý :
    - Lạ thật ! Không còn bóng lính nào của cơ đội Trung Kính cả !
    Bụng hoảng sợ, nhưng lại lấy vẻ ung dung, Lý cười bảo:
    - Ðừng lo, việc quân ta đã xếp đặt đâu đấy rồi ..
    Quận Châu đi ra lắc đầu, mặt tái ngắt. Ðiệu Bằng Vũ bắt quì trước thềm, Lý cao giọng hỏi :
    - Mày đánh trống làm hiệu dấy loạn, vậy làm loạn để đạt mục đích gì ?
    Bằng Vũ vùng mình đứng dậy, miệng hiên ngang nói :
    - Ta không làm loạn. Kẻ làm loạn là bọn lập ra Ấu Chúa để tiếm quyền rồi phá nát cơ nghiệp nhà Chúa !
    Lý bình tĩnh :
    - Bay có bao nhiêu lính mà làm loạn nổi ?
    Bằng Vũ ngửng mặt dằn giọng :
    - Hỏi cung ta à ? Ðã vào đây, ta nào sợ gì cái chết ! Nhưng để ta bảo cho mi biết, bọn ta là lính đất «tắm gội » của nhà Chúa, đã đồng tâm với nhau từ hai trấn Thanh-Nghệ cho đến tận Tuyên Quang, Hà Bắc ...
    Lý quát :
    - Giỏi đấy ! Chư Ðại-thần phụ chính, ta phải chém đầu thằng tặc này, bêu lên làm lệnh cho ba quân để giữ phép nước !
    Lúc ấy, Tạ Danh Thùy đứng ra can, trong bụng là tìm cách cứu lấy thân mình nếu vạn nhất không thắng được bọn lính Tam phủ, nhưng ngoài mồm lại nói :
    - Giết một đứa như tên đánh trống này thì lấy đâu là đầu mối để bắt bọn đầu đảng ?
    Lý chỉ cười nhạt, ra đứng ngoài lan can nhướng mắt xem xét tình hình. Vẫy tay gọi gia nhân, Lý thì thào vào tai, rồi vào thảo tờ khải :
    « Lý tôi kính tâu : đám ba quân nổi loạn làm cho Kinh khuyết náo động. Tôi xin vâng lĩnh mệnh Chúa đem quân giết chúng, nếu được, ấy là nhờ oai lĩnh nhà Chúa, nhược bằng không, tôi đành liều chết để xuống dưới âm cung ra mắt Tiên Vương ».
    Trao tờ khải cho đám phụ chính, Lý ung dung nói : «... Cứ yên tâm, đâu sẽ vào đấy ! » rồi lên ngựa trẩy về tư dinh của Trịnh Cán với sáu người võ sĩ hộ vệ.
    Bấy giờ, Ðặng Tuyên-phi và Diễm Quận công đã chực sẵn chờ Lý. Huệ cười khẩy, nói mát :
    -... quan Chánh dường tính toán thế nào để tam quân mở hội mừng Tân Chúa vui vẻ đến như vậy !
    Lý lẳng lặng đi trước, Diễm ẵm Cán, Huệ và dăm ba tì nữ đi sau, đến trước cửa dẫn vào đường hầm bí mật được ngụy trang sau một cái tủ chè bằng gỗ mun rộng bằng nửa bức tường. Lý mở tủ, tay vặn ba cái khoen bằng đồng, sai võ sĩ đẩy tủ sang một bên. Cửa hầm rộng vừa một người đi lờ mờ hắt ánh sáng lên. Ðường hầm đó sẽ dẫn vào nghĩa địa cạnh bến Tây Long. Lý tính rằng Ấu Chúa và Ðặng Tuyên-phi có thể lấy thuyền con sang tả ngạn sông Nhị, từ đó tắp lên Kinh Bắc rồi liên lạc với Quận Thạc là Hoàng Phùng Cơ đang chuyển quân về Kinh cứu giá.
    Ðợi cho bọn người tùy tùng Ấu Chúa lục tục vào hầm, Lý đóng cửa, đi ra gọi đám võ sĩ cận vệ đã nai nịt gọn ghẽ. Ghé vào tai tên Chưởng đội, Lý dặn dò, nét mặt vẫn bình tĩnh nhưng giọng nói đã có chút căng thẳng. Vẫy tay, hai tên phu lực lưỡng vai khiêng một hòm vàng cong người từng bước đi theo Lý vào căn phòng có cánh cửa bí mật. Ðang làm động tác mở cửa hầm, Lý chợt giật nẩy người, lùi ngược lại, quát : « Ai ? ».
    Từ cửa hầm, một người khoan thai bước ra, lưng gài kiếm dài, tay cầm kiếm ngắn, vai đeo khiên. Tế Lý sững sờ rồi thét lên:
    - A ! Toàn Nhật, là ra ngươi ...
    Nhật nghiêng người thi lễ, miệâng cười buồn buồn :
    - Kính chào thượng quan, đội Trung Kính đã chờ Ấu Chúa ở ven sông để xa giá.
    Nhật nghiến răng, rành mạch :
    - Nhưng thượng quan là rường cột, đâu bỏ đi như thế được!
    Lý tái mặt, tay nắm vào đốc kiếm. Nghĩ thế nào, Lý lại bỏ ra, giọng như van vỉ :
    - Nhật con, con cầm thanh kiếm Hoàng gia do tổ phụ truyền lại là để giết cha sao ?
    Nhật nhìn lên trần, gằn từng tiếng, lạnh lùng :
    - Tôi họ Võ, đẻ ra chưa đầy tháng thì mẹ tôi trầm mình trong dòng sông Lam. Sống với ông ngoại đến năm mười hai, ông tôi mất. Từ đó, tôi về làm nghĩa tử của La Sơn Phu tử họ Nguyễn, làm gì có máu mủ với họ Hoàng ?
    Toàn Nhật vung tay ném về phía Tế Lý, miệng tiếp :
    - Quan Chánh dường nhận lầm người, đây xin trả lại ngài thanh kiếm !
    Tế Lý bắt lấy, rút ra khỏi bao, nhìn chằm chặp vào sống kiếm, rồi bật cười não nùng, miệng rên : « Ới oan gia, hỡi oan gia ... »
    Sáu người võ sĩ đứng hai hàng quanh Lý ngẩn ra như phỗng, không biết cư xử thế nào, đưa mắt nhìn nhau. Chợt Lý quát :
    - Thôi thì đành ... Giết nó cho ta!
    Ba người võ sĩ lừ lừ tiến lên, tay đao sáng quắc, rồi bất ngờ xông vào. Lóe lên ba lằn sáng và một tiếng hét. Toàn Nhật thoắt đã trở về vị trí cũ, thanh kiếm cũng lại bỏ vào bao giắt sau lưng. Một thây người đã mất đầu đổ xuống như thân cây mục, máu phun phì phì. Còn lại hai võ sĩ. Họ thất thần, rồi gập xuống, theo vết chém xẻ đứt bảo giáp từ trên xuống dưới và từ trái sang phải.
    Lý kinh hoảng rú lên, rồi quát : « Bắn, bắn nó ... ». Ba người võ sĩ còn sống vừa đưa tay ra sau lấy súng thì Nhật xoay người hất ngược cánh áo. Trên mu bàn tay cả ba võ sĩ, ba đồng chinh cạnh mài sắc ghim vào, máu ứa ra nhỏ giọt xuống sàn đá hoa. Họ thất sắc, đứng như bị thôi miên, ngẩn người ra nhìn.
    Nhật lại nhẹ nhàng :
    - Ba vị không hại Nhật này, thì không lo Nhật hại ba vị, xin đi đi.
    Khi họ lùi ra, Tế Lý cũng liền chân theo, vừa bước vừa lẩm bẩm những gì không ai nghe rõ.
    Cắm đầu chạy luồn qua những luống hoa thược dược trong vườn uyển, Lý và ba người võ sĩ trở lại Chính-phủ. Bọn quan Ðại-thần phụ chính ngơ ngác chờ Lý, nhao nhao lên kêu. Quận Châu báo vào là loạn binh đang đục tường để vào phủ. Lý ngầm tính trong bụng là sẽ trì hoãn bằng cách nhậân đòi hỏi đưa Tông lên ngôi Chúa, nhưng bó buộc phải chờ sắc phong của Vua Lê cho thuận danh nghĩa. Hét quản tượng đưa voi ra, Lý nhảy lên, sai thúc chiêng. Bấy giờ, Quận Châu đã mở toang cổng phủ, đám binh Tam phủ kéo nhau vào đầy sân, không có trật tự nào, vừa chen vai thích cánh, vừa la hét vừa chửi tục. Lý tuốt gươm đứng trên lưng voi, từ từ đi ra, quát :
    - Bớ tam quân, các người là lính đã mấy đời ơn Vua ơn Chúa, có chi không toại chí thì cứ đề bạt qua chư quan, việc gì mà phải mất phép nước mang tiếng loạn tặc ...
    Vốn sợ oai Tế Lý, lại chẳng biết đầu suôi đuôi ngược thế nào, đám binh Tam phủ kéo nhau ngồi bệt xuống đất. Nhân thế, Lý đánh thêm một đòn tâm lý, lập lờ tiếp :
    - Nay, ta bảo cho biết, lính tráng là để đi dẹp giặc chứ không phải đi làm giặc. Cơ đội Trung Kính đã vây quanh từ ven đô trở vào, nhưng ta không nỡ nồi da xáo thịt, nên không cho hành động sợ làm máu đổ vô ích ... Vậy chư quân ai về đội ngũ nấy, làm tờ khải lên triều đình, việc gì ta cũng sẽ cất nhắc cho ...
    Ðám lính hoang mang, nhìn nhau, rồi đùn Bố-già ra. Vị lão binh này đi đến trước chân voi, quì xuống, nói lớn :
    - Bẩm Chánh dường thượng quan, kẻ hèn này là Hài đã suốt đời làm lính, một lòng ân nhà Chúa, và chỉ mong giữ yên xã tắc chứ đâu muốn dấy loạn thành ra bọn tặc phản...Trình quan, cứ như chỉ dụ của Thánh Mẫu là tạm lập Thế tử Tông vào ngôi Chúa, đợi cho Ấu Chúa trưởng thành rồi trả lại quyền bính, thì bọn lính tráng chúng tôi cắn cỏ ngậm vành đội ơn bề trên, và xin tha ngay tội náo động cung khuyết, ai về cơ nấy lập tức. Bằng không thì…
    Nói chưa dứt lời, bỗng con voi rống lên, lấy vòi cuốn lấy Bố-già tung bổng lên trời rồi quật xuống. Thì ra có kẻ lấy kích đâm vào bụng voi, nó nổi khùng, phản ứng nhanh khiến quản tượng không kịp kìm lại. Ba quân nhốn nháo đứng cả dậy, ào ào ném thương, ném kích vào mình voi, miệng la hét vang trời át tiếng gào của Lý. Quản tượng bị câu liêm ném lên giật xuống đất và bị ba quân dẵm chết tại chỗ. Con voi lùi ra sau, luống cuống, xoay vòng vòng. Lý kêu : « Bằng lòng, ta bằng lòng ... » nhưng nào có ai nghe nữa. Năm sáu cái câu liêm ném lên cùng một lúc giật Lý ngã từ mình voi xuống đất. Chỉ hai phút sau, Lý đã là một cái xác không hồn, đầu bị đập nát, óc phòi ra trắng hếu.
    Có một kẻ lấy đại đao nhè cổ Hoàng Tế Lý chém hai nhát. Cổ không đứt, hắn nhay qua nhay lại lưỡi đao, mồm văng tục. Thấy thế, một kẻ gạt hắn ra, ngồi xổm thọc kiếm vào khớp xương cắt như đồ tể đang sẻ xương lóc thịt trâu bò. Lúc chiếc đầu lìa ra khỏi xác, lại một kẻ khác lấy đầu ngọn giáo cắm vào, rồi đưa lên cao, miệng hò như khi hát đúm.
    Ðám lính rầm rập bước theo ngọn giáo cắm đầu Hoàng Tế Lý, vừa đi vừa hò hét như hổ beo trong cát bụi mờ mịt. Riêng có hai kẻ, mặt mũi gân guốc, mắt mầu đỏ đục, chạy ào lại lôi cái xác không đầu vào một góc. Họ cởi giáp, lấy dao thọc vào, miệng hềnh hệch cười, tay móc ra một buồng gan nóng hổi. Một kẻ liếm môi tiếc rẻ nói : «... Chà, phải chi có cút rượu ! »
    Trưa hôm lính Tam Phủ kết thúc được thời lạm quyền của Hoàng Tế Lý và Ðặng Thị Huệ, trời bỗng đột nhiên bừng nắng sau một cơn u ám kéo dài cả tháng. Hàng dân kháo nhau rằng đấy là điềm thái bình. Không hẹn, họ kéo nhau ra chật phố, cứ thấy bóng lính là thi nhau hò reo. Người thổi cơm, kẻ nắm xôi, mang ra giúi vào tay lính. Họ đặt bàn thờ, cắm hương, hăm hở đợi xem Tân Chúa. Không khí giải phóng khỏi những tù túng bốc những giấc mơ đổi đời lên chín tầng mây trắng.
    Bằng Vũ vào Vương phủ tìm Trịnh Tông, quì xuống :
    - Xin Thế tử ra mắt hàng dân. Trăm họ đang chờ đợi, không phụ lòng họ được.
    Lính Tam phủ chia nhau đội Trịnh Tông trên một cái mâm đồng, vừa đi vừa reo hò, cười nói vang vang, hô to nào là « Cách Mạng », nào là « Nông chế », nào là « Ðất trả người cày ». Bàn dân dẫu không hiểu gì cũng vui miệng hô theo. Kinh đô nhộn nhịp hẳn lên, chăng đèn kết hoa và đốt pháo như ngày Tết.
    Ngay đêm hôm đó, dân hàng phố mở hội, phường nào cũng chăng đèn, trống cái trống con đánh lên rộn rã. Lính Tam phủ được vồ vập săn đón và nhìn với con mắt đầy ân nghĩa. Mới chỉ ngày trước, lính lạnh lùng, cứ theo lệnh trên như máy mà thi hành, dẫu oán than chi thì cũng mặc. Dân sợ họ, lảng tránh, khép nép, đi ngang thường cúi đầu không dám nhìn. Bây giờ, trái ngược hẳn lại. Người dân mong đợi thay đổi nhìn những người lính vần xoay thế cục một cách hoàn toàn khác hẳn. Vừa được giải tỏa tất cả những uẩn ức thầm lặng trong mười sáu năm trời dưới quyền bính của Chúa Trịnh Sâm, họ ùa ra tỏ niềm hân hoan. A, thì ra lính cũng là bàn dân đấy chứ ! Dân và lính, khác gì nhau ? Trên khắp đường phố, họ cười cười nói nói, chuyện nổ như pháo, ôm vai sát cánh nhau như đi trẩy hội.
    Bỏ đằng sau tiếng chiêng tiếng trống, Nhật vào sân Vương phủ. Lính đã lấy xác Lý mang đi bêu đầu ở trước Tây Long cung. Còn lại cái bó chiếu nằm chơ vơ trên thềm Chính-phủ, xác của lão Hài, kẻ lính gọi là Bố-già, mà người ta quên mất trong những giây phút hồ hởi. Ðêm đầu tháng chạp đen kìn kịt. Lính bỏ hết những vọng canh xung quanh dinh thự, đang say sưa túm tụm với nhau. Nhật lẳng lặng ôm xác lão Hài bỏ ngang lên lưng ngựa, rồi chậm rãi dắt đi trên con đường ra đê Yên Phụ. Ðến nghĩa địa gần hạt Nghi Xuân, Nhật lại ôm bó chiếu, đi một quãng tìm chỗ. Nhật rút thuổng ra đào. Ðào hì hục.
    Mở bó chiếu ra, mặt lão Hài nhợt nhạt, miệng còn đọng một vệt máu đen. Dưới ánh nến, Nhật lau mặt cho lão, nhớ lại ngày lão đến gặp Nhật, lòng ôm mối lo rằng lính Tam phủ phải đánh giết lẫn nhau. Nhật nhặt nhạnh được dăm cây hương cháy dở trên những ngôi mộ xung quanh. Lấp xong đất, Nhật đốt những nén hương thừa đó, chua xót nhớ mình đã đưa được đội Trung Kính ra ven đô để tránh đi mọi đụng độ giữa lính với lính. Chàng chắp tay cúi đầu, khấn nhỏ : « Tránh được đổ máu rồi, Bố-già ạ ! ». Hình ảnh con voi cuốn lấy lão tung lên không rồi quật xuống lại lởn vởn hiện ra. Tiếng voi lại văng vẳng rống lên đâu đây, rồi tiếng chiêng trống, tiếng Hoàng Tế Lý bị át trong tiếng reo hò quát tháo ào lên như nước vỡ bờ.
    Ðấy mệnh người nó thế, nho nhoi, chết đến thật tình cờ, chết vô lý vô nghĩa.
    Giá mà không có ngọn kích nào đó phóng vào bụng voi, thì nào lão Hài có vong mạng. Và như thế biết đâu, biết đâu Tế Lý chẳng đã thuyết phục được đám lính Tam phủ cơ nào về đội ấy. Rồi quân Nhưỡng, quân Thạc kéo về. Chắc gì lính Tam phủ bảo vệ được ngôi Chúa cho Trịnh Tông ? Máu đổ. Lại máu đổ ! Cho Tông hay Cán, Cán hay Lý, Lý hay Bằng Vũ, Bật Trực thì có khác gì ? Những kẻ phải đổ máu ra có lẽ thực tình không hiểu vì sao. Như bị trì kéo vào cái cộng nghiệp oan trái, họ không hiểu nhưng vẫn làm. Làm điên cuồng. Làm hối hả. Cứ hệt như khi lên đồng, lú lẫn quay cuồng trong điệu kèn tiếng trống dẫn vào một cõi u mê.
    Nhật bỗng ngậm ngùi, rưng rưng nước mắt, nghe loáng thoáng « ... để giết cha sao ? ». Chàng ngẩn ngơ, không hiểu rõ động cơ nào đã khiến chàng chặn đường đào tẩu của Tế Lý, buộc cha chàng phải gánh trách nhiệm trực diện đối đầu với đám kiêu binh. Phải chăng trong tiềm thức đó là cách chàng bắt cha trả giá cho sự trốn tránh cái trách nhiệm đối với cái bào thai bị bỏ rơi ngay trong bụng mẹ và người đàn bà đã trầm mình vào dòng sông Lam lạnh cóngï để rửa nhục ? Toàn Nhật cắn răng, tai lại văng vẳng tiếng thét «...Giết nó cho ta ».
    Nhưng sao vẫn có điều gì gần như một niềm ân hận, lênh đênh tựa thủy triều, dâng lên, rồi ùa đến dìm dắm lòng chàng vào một nỗi cô đơn khủng khiếp.
    Nhật ôm nấm mộ mới đắp ngủ thiếp cho đến lúc gà gáy sáng.
    Ngày hôm sau, Tông nhận được sắc phong Chúa và vời ngay Nguyễn Khản, thầy dạy học mình đang bị giam ở nhà Quận Châu, về làm Tể Tướng. Dương Khuông, em của Dương Ngọc Hoan và là cậu của Tông, nhậm chức Quyền Phủ Sư. Ðám thủ lãnh lính Tam phủ không mấy ưng lòng, trách Khản xưa là Trấn Thủ Nghệ An đã hà khắc với nhân dân đất « tắm gội ». Họ nói ra miệng : «... Hắn mà thành Tể Tướng thì dân cả nước sẽ bị cướp bóc đến manh quần cũng sẽ chẳng còn ... ». Tông sợ, vội đình ngay việc bổ nhiệm Khản, lúng túng không biết tin vào ai, xin ý của Quốc cửu Viêm Quận công.
    Viêm rỉ tai, Tông hiểu ra liền xuống chỉ phong cho Bằng Vũ làm Suy Trung Dực, Vận công thần, tước Hầu. Bọn Trần Nguyên Nhưng, Gia Thọ, Bùi Bật Trực làm Tuyên-lực công thần và theo thứ tự đều lãnh trọng chức. Ðám người nhóm họp ở Khán Sơn được ghi tên vào sổ Trung Nghĩa, cấp những đạo sắc bỏ trống chỗ đề tên người để họ bán cho kẻ khác lấy tiền. Ngoài ra, toàn bộ lính Tam phủ tham gia ở trong hay ngoài Kinh đều được thăng chức một cấp và ban tiền thưởng khắp lượt.
    Về phần Toàn Nhật, Tông vời đến Vương phủ để thưởng công nhưng Nhật không nhận gì, xin được trở về trại Bùi Phong. Tông nhất định không nghe, một mực đòi giữ Nhật, lại hỏi :
    - Theo ý tướng quân, liệu Phu tử có chịu giúp Tông này không ?
    Nhắc lại bữa ăn buổi tối trước vụ án năm Canh Tý đã là cái cớ để Hoàng Tế Lý bắt Thức và o ép Phu tử trong việc phế Tông lập Cán, Tông làm ra vẻ ngậm ngùi, tiếp :
    - Nếu Trọng Thức chịu về Kinh để cùng với Tông này hợp sức cùng nhau xây lại đời Nghiêu đời Thuấn thì hay biết mấy. Tướng quân nghĩ thế nào ?
    Nhật cười thầm, nhưng chỉ cúi đầu cảm tạ, và cho biết là chẳng ai biết Thức đã trôi giạt về đâu từ ngày trốn khỏi Kinh dăm tháng trước. Tông đưa tay lên trời, điệu bộ như người đóng kịch, thở dài :
    - Ô hô, nhân tài như sao buổi sớm ! Cầu trời cho Tông này được những bậc chính nhân phù trợ !
    Toàn Nhật khải Chúa về việc Ðặng thị Mai bị Huệ bắt và chỉ xin được phép mang nàng ra khỏi chốn tù ngục. Tông biết rõ chuyện Huệ ép Mai lấy Thái tử Lê duy Cẩn cũng như ý đồ Mai định trốn theoThức, nói dăm câu phủ dụ nhạt nhẽo và ban cho ít tiền thưởng để lấy lòng. Ra khỏi Vương phủ, Toàn Nhật vào thẳng dinh Trịnh Cán tìm Mai. Gia nhân trong dinh lấy khóa mở cái xiềng cửa một căn phòng nằm tuốt phía sau. Mai nằm trên một chiếc trõng tre, mình đắp chiếc chăn đơn. Nàng không hề hay biết gì về những sự cố xảy ra bên ngoài. Thấy Nhật vào, Mai ứa nước mắt.
    Những ngày tù ngục vừa qua là đoạn đời cực nhọc nhất của Mai. Sợ bị đánh thuốc để phá cái thai trong bụng, Mai không dám ăn gì, chỉ uống nước cầm chừng gần ba tháng. Sau, có một con mèo đen không biết thế nào mà lọt được vào phòng. Thức ăn bưng vào, Mai để mèo thử trước, một ngày sau không thấy gì bất thường mới dám ăn. Ăn cầm chừng. Lúc nào cũng phấp phỏng. Nhưng vẫn phải ăn để nuôi cái bào thai mỗi lúc một lớn, cựa quậy, chân đạp, tay quào. Mai vuốt ve cái bụng mình, miệng nựng : « Con ơi, cố đi, rồi có lúc thái lai... », nhắm mắt mơ tới ngày phá cũi xổ lồng. Trong những giấc mơ ấy, người đứng phía bên kia chờ Mai là Thức. Chàng mỉm cười, hai tay giơ lên, nói lớn : «Trời có mắt, trời có mắt ...».
    Người Mai gầy tọp đến một nửa, mắt sâu hoắm, ngực lép kẹp. Sợ Mai chết, thị nữ đến báo Ðặng thị Huệ. Huệ vào, tay để lên trán Mai, nói giọng như khóc : «Chị đâu có muốn em thế này, sao không chịu làm hoàng hậu mà lại làm con ma không chồng ? Ðã bắt được thằng Thức rồi, hiện bỏ ngục. Nếu em nhất định không chịu lấy Thái tử Cẩn, chắc Tế Lý giết nó thôi. Còn cái thai này, cứ ưng lòng đi, đẻ ra chị sẽ nhận làm con nuôi. Như vậy, thế là cứu cả con lẫn thằng Thức, cho em thêm ít lâu để em suy nghĩ ...».
    Mai nghe Thức bị bắt, người điếng đi, lưỡi cứng ra, sợ quá cứ vâng vâng dạ dạ. Khi Huệ đi rồi, Mai ngẫm nghĩ : bất cứ giá nào cũng phải cứu Thức. Vả lại, cái thai mới năm tháng, vậy là còn bốn tháng có thể trì hoãn được. Nàng xin gặp Huệ, gập đầu thưa : «... Từ nay em nghe lời chị. Chỉ xin rằng được gặp Thức một lần, trao đứa con lại cho bố nó, rồi chị đặt đâu em ngồi đó ...». Từ dạo đó, mặc dầu vẫn bị quản thúc, nàng được phép ra khỏi phòng, lẩn quẩn ở Hậu cung nhưng lúc nào cũng có hai thị nữ kèm cặp.
    Một trong hai thị nữ tên là Soan, vốn là vợ một cai cơ trong đội Thị-kỵ. Soan thấy cái dây chuyền có đính một viên bích ngọc của Mai cứ trầm trồ, mê mẩn ngắm. Mai thấy thế, nhờ Soan hỏi thăm tin Trọng Thức, nếu có gì đích xác thì bồi tặng sợi dây chuyền. Nửa tháng sau, Soan bảo : «... có bắt được đâu !». Trong lúc ấy, viện Nội Mật tỏa người ra khắp nơi truy nã Thức ngặt nghẽo. Mai mừng quá, vào phòng, nằm khóc rồi lại vuốt bụng mình, nói thầm : «... con ơi, bố con vẫn tự do ». Ðêm hôm ấy Mai mơ thấy một con chim phượng trắng toát tít cao trên mây, cánh chơi vơi bay lên đáp xuống, rồi sà vào nằm ủ lấy thân thể mình.
    ý tìm đường thoát thân nhen nhúm như lửa bén vào cây khô trong lòng Mai. Nàng hứa với Soan là tặng hết tài sản nếu Soan giúp nàng. Tháng sau, Soan xin về quê giỗ bố, rồi lén lút quay lại, dẫn Mai ra phía đông vườn Uyển, định trốn ra Cầu Giấy, sau đó lẻn sang bến Thúy Ái tìm thuyền xuôi về Nam Ðịnh. Không may, lính tráng trong đội Hậu Dũng bắt lại cả hai, mang nộp Tế Lý.
    Huệ giận quá, bắt vợ chồng Soan đem chém ngay, không hỏi tội trạng gì thêm. Nàng gọi Mai ra, nhìn chằm chặp :
    - Mày đối với tao tệ đến thế à ?
    Mai chưa dám nói gì thì Huệ bất ngờ quào vào mặt. Móng tay dài như vuốt chim rạch vào má Mai hai vết chạy từ cuối thái dương đến cằm, máu ứa ra nhỏ giọt. Huệ rít lên :
    - Ðồ khốn nạn. Mặt mày sẹo thế này, cho mày nhớ đời. Nhan sắc à ? Ðể làm gì ? Cái nhan sắc ấy mà không ra tiền ra quyền thì có hơn gì xấu xí !
    Từ đó Mai lại bị bỏ vào phòng, cửa lúc nào cũng xiềng lại. Mai nghiêng người cho Nhật nhìn thấy vết sẹo trên má mình, giọng run rẩy :
    - Nhật có biết anh Thức ở đâu không ?
    Nhật lắc đầu, kể cho Mai chuyện cấm binh đã lật Lý và Huệ, nhìn vết sẹo rồi hỏi, giọng sắc đanh :
    - Chị có định quào lại Huệ thì Nhật xin đưa chị đi ngay !
    Mai cười buồn, lắc đầu :
    - Thôi, chẳng để làm gì ! Thôi đi, Nhật ạ !
    Nhật xếp đặt đưa Mai về quê nội ở Phù Ðổng, hẹn sẽ tìm Thức và báo tin. Mai lúc đó gày gò, bụng chửa vượt mặt, tay xanh xao nắm lấy Nhật, nước mắt giàn giụa. Linh tính thấy một điều gì, nàng bật miệng :
    - ... chắc còn lâu, lâu lắm mới lại thấy nhau.
    
    Thế quyền nào với bàn dân cũng đều có một thời gian trăng mật. Hệt như vợ chồng mới cưới, hai đằng khám phá lẫn nhau, thử thách giằng co nhau. Ðến cái mực biết nhau rồi thì thôi, tình nghĩa lại nhạt phèo, quay lưng vào với nhau mà ngủ. Co chân lại giả ngủ say, ngáy cho đều là bàn dân. Còn thế quyền, lúc nào cũng chập chờn, chỉ lo không biết lúc nào ngã xuống chân giường. Vì vậy, thế quyền nằm xoạc cẳng ra, tay níu lấy thành giường, và cất dao kéo dưới gối.
    Những giấc ngủ như thế bắt đầu ngay khi bọn chỉ huy lính Tam phủ sai đi tìm đám thủ hạ của Lý và Huệ đã lừa bắt những kẻ theo Trịnh Tông trong vụ án Canh Tý mang chém hoặc bỏ ngục. Nếu thời trước người ta còn mang ra định án rồi khu xử theo tội trạng thì ngày nay, lính Tam phủ mau mắn hơn, khỏi bỏ cái công mang ra tra xét cho mệt. Ðối với bọn ác ôn, họ mang ra đường kể tội, rồi để cả giỏ đá sẵn đấy, bàn dân ai thích cứ lấy mà ném cho đến chết. Ðám tội nhẹ hơn, họ để bàn dân đánh đập. Nếu có chút tiền đưa ra, họ thôi. Nếu không có, thì lại đánh đập nữa. Ðánh cho đến khi lòi tiền ra. Không tiền, kẻ bị đánh trở thành ác ôn. Và lại để bàn dân vui vẻ chơi trò ném đá, họ rêu rao : «... chúng là kẻ thù của nhân dân, phải trừng trị xứng đáng ». Triều đình không dám ho he. Nhà Chúa cũng vì nể, nếu có trách thì chỉ dám nói bóng nói gió. Lính Tam phủ đi ngoài chợ, quan lớn quan nhỏ, công hầu khanh tướng gặp họ thường phải né tránh để khỏi bị họ làm nhục trước mắt bàn dân.
    Dân Kinh Kỳ gọi lính Tam phủ là Kiêu binh.
    Bọn Bằng Vũ, Bật Trực, Nguyên Nhưng và Gia Thọ là những công thần trong thời đại mới. Họ hồ hởi lao mình vào việc triều chính, khiêm nhường tự xưng là đầy tớ nhân dân, đưa ra phương án dẹp Tây Sơn và Chúa Nguyễn ở Ðàng Trong hầu thu đấùt nước về một mối. Bàn dân nhận được lệnh bắt lính lo lắm, nhưng chẳng biết làm gì hơn là tiếu lâm với nhau, nói lái hai chữ chinh chiến ra thành chuyên chế.
    Quên khuấy mất việc hứa miễn sưu miễn thuế ba năm cho bàn dân, những kẻ nay cầm quyền bính trong bụng chỉ lo đối phó với bọn sĩ phu cả trong triều lẫn ngoài tam cung ngũ phủ. Ðám quan mới nghĩ cách phân biệt họ với đám quan cũ bằng cách cắt bỏ hai cáng chuồn và đính trên mũ của mình hình một ngôi sao mầu đen. Bàn dân lại có dịp đùa đó là những vì sao sáng giữa ban ngày.
    Theo kế của Bùi Bật Trực, lính gốc Thanh-Nghệ đóng ở mọi trấn đều được đặt vào những vị trí quan yếu, giữ thế liên hoàn với lực lượng trấn thủ Thăng Long. Trực hội họp với Bằng Vũ, Nguyên Nhưng và Gia Thọ, hàng ngày theo dõi việc triều đình, thấy gì không vừa lòng là họ hoạnh hoẹ và can thiệp ngay. Bằng Vũ tiếm chức chỉ huy đạo quân Thị Nội, áp đảo cả Chúa lẫn đại thần và tự mình tổ chức lại Nội Mật viện mà không thèm hỏi ý triều đình. Về phần Gia Thọ, hắn cậy thế kiêu binh xen vào việc xét xử cả việc hình lẫn việc hộ, cứ tư riêng với ai là kẻ đó thắng kiện, thay trắng đổi đen tùy ý.
    Bật Trực đã thảo sẵn ra hai phương án, gọi là Nông chế và Chiến sách . Ðại để, những phương án này chỉ sao chép lại cổ thư của Thương Ưởng và Hàn Phi, cho rằng cái gốc của xã hội là sức mạnh. Sức mạnh đó chỉ có thể có nếu nông nghiệp phát triển để cho dân giàu; và dân giàu thì mới tạo khả năng xây dựng một lực lượng võ bị hùng hậu. Trực thích nói chữ, đắc chí lặp đi lặp lại lời Hàn Phi : « Lực đa tắc nhân triều, lực quả tắc triều ư nhân; cố minh quân vụ lực », có nghĩa là sức mình mạnh thì người triều phục mình, sức mình yếu thì mình triều phục người, nên bực minh quân cần lo về sức mạnh.
    Ðể cai trị, Trực bắt chước Thương Ưởng, đề cao hình pháp, đặt ra năm nhà thành một ngũ, mười thì thành một thập, phải coi chừng lẫn nhau, thấy phạm luật mà không tố cáo thị bị tội chém. Nhưng thế nào là phạm luật ? Ngoài trộm cắp giết người cướp của, Trực cho rằng bất cứ gì, kể cả điều tiếng, biện bác đi ngược lại Nông chế, có tác hại đến quyền lợi và sự nghiệp của con nhà nông là phạm luật. Với một chủ trương chung chung như vậy, Gia Thọ độc quyền diễn dịch khiến cho phép nước trở thành hoàn toàn tùy tiện. Những việc cụ thể ai muốn hiểu thế nào cũng biện minh được. Tệ hơn, muốn bắt tội ai cũng có cách giải thích cho hợp tình hợp lý được. Vì vậy, hình pháp trở thành quốc nạn, và tha hồ bọn nắm quyền nắm thế thao túng để trục lợi, chủ yếu là chiếm nhà chiếm đất làm sở hữu riêng tư.
    Nhưng nguy hiểm hơn hết vẫn là bệnh lưỡi rụt, một căn bệnh hay lây đến nay vẫn chưa có thuốc chữa. Trong dân gian, không khí nghi kỵ lẫn nhau trở thành một thứ văn hóa mới. Không ai dám nói gì chân thật với ai, thậm chí kể cả với anh em, bố mẹ, con cái. Chỉ ít lâu sau, căn bệnh đó lại biến chứng thành ra tật léo lưỡi. Bàn dân mở mồm thường là nói nước đôi nước ba, không ai hiểu được ai. Sau cái tật này, dân Kinh Kỳ mắc thói vừa thì thào vừa nhìn quanh và nhất là nhìn ra sau lưng. Thói này được Hải Thượng Lãn Ông gọi là hội chứng lạnh gáy, chữa khó nhưng có thể thuyên giảm bằng cách uống rượu đế. Xã hội thành một sân khấu khổng lồ, toàn dân rủ nhau diễn kịch, lặp lại những khẩu hiệu kiểu «Sĩ, Phú, Ðịa, Hào. Ðào tận gốc, trốc tận rễ » hệt những con vẹt tự động. Hai quốc sách là Nông chế và Chiến sách trở thành hai pho kinh thiêng liêng đến độ có những người mang thờ trên bàn thờ tổ như một cách thủ thân và tiến thân dưới chế độ Kiêu Binh.
    Bằng Vũ noi gương Lý Tư thời Tần, ra lệnh gom hết sách của Bách Gia Chư Tử, chỉ để dân gian giữ sách về nghề trồng trọt, chăn nuôi, sách thuốc và sách tử vi, bói toán. Thời kiêu binh, lên đồng trở thành phổ biến. Chỉ có người ngồi đồng dựa vào thần thánh là có dịp muốn nói gì cũng được. Tuy thế, phần lớn vẫn sợ, và có nói thì họ chỉ ca thán về những chuyện oan ức và đói khổ. Thần thánh cũng ngại không dám bình phẩm hai quốc sách. Dĩ nhiên, khi đồng xuất để trở lại làm người phàm, không ai còn nhớ gì nữa.
    Dân Kinh Kỳ đã hết hy vọng. Như mọi sinh vật, họ đã bắt đầu thích ứng với cái xã hội mới và tùng phục một nền văn hóa mới. Ðúng lúc đó thì xẩy ra một sự cố nhỏ nhưng cũng đủ khiến cho con người lại mất đi cái quán tính cam chịu số phận. Ở chợ Hôm, đứa con trai đầu lòng một bà bán hoa đã lên sáu mà chưa biết nói. Nó khá bụ bẫm, trắng trẻo, thường cứ giương mắt đen lay láy lên chào mời khách, miệng cười, tay chỉ vào những bông cẩm chướng kẹp trong những tầu lá chuối xanh biếc mầu phí thủy. Sáng hôm rằm, một tên kiêu binh ghé vào chợ, túm lấy vài bó hoa, bỏ đi không thèm nói một lời. Nó há miệng ú ớ, rồi bật thành tiếng :
    - Ðồ ăn cướp !
    Tên kiêu binh quay phắt lại, hùng hổ :
    - A, ranh con. Thế thì tao lấy cả gánh chứ chẳng phải vài bó.
    Thằng bé bỗng đảo người đứng dậy, vươn mình cao lên, rồi cất tiếng hát, giọng lanh lảnh :
    - Ới ai ơi, nông chế là nên chống
    Chiến sách là ách cổ dân.
    Người hàng chợ xôn xao, có kẻ kêu lên là Ðức Thánh đã về. Tên kiêu binh ném mấy bó hoa xuống đất, ba chân bốn cẳng chạy về báo viện Nội Mật. Hàng dân ở đâu bu tới, bày ra hương án, trong khi thằng bé đứng lên trên một chiếc sập, mồm thao thao bất tuyệt những bài cổ thi.
    Khi Bằng Vũ đích thân tới nơi, thằng bé đang đọc :
    - Vị cải thử độ ( Vẫn chưa đổi hướng ư )
    Xa ký phúc nhi mã diên hề(Xe kia đã đổ, ngựa kia đã ngã)
    Kiển độc hoài thử dị lộ (Sao cứ bám con đường quaí dị ấy)
    Lặc kỳ ký nhi cánh giá hề (Hãy thắng ngựa ký và đổi yên)
    Tạo phủ vị ngã tháo chi (Rồi nhờ Tạo phủ cầm cương )
    Mặt xanh nhợt, Bằng Vũ mang máng nhớ bài thơ, quát :
    - Mi là thánh hay quỉ ? Bài Tư mỹ nhân của Khuất Nguyên làm sao đổi được đời này ! Thánh hay quỉ cũng phải bước xuống ngay !
    Thằng bé lại vươn cho cao thêm một trượng, cười ha hả :
    - Nông chế là nên chống
    Chiến sách là ách cổ dân
    Gầm lên như phát điên, Vũ hét :
    - Giết nó, giết ngay cho ta...
    Ðám kiêu binh nhìn thủ lãnh, ngần ngừ, vẻ sợ sệt không che dấu ai được. Móc tay ném xuống đất thỏi vàng ròng, Vũ cười nhạt :
    - Thưởng cho.
    Một tên đen đủi, lùn tịt, mồm chề ra những chiếc răng vẩu bám vôi trầu đỏ loét, xông vội ra lao chiếc kích vào ngực thằng bé.
    Hàng dân ôm mặt rú lên.
    Lạ thay, chiếc kích cắm phập vào chiếc cột gỗ chống chợ, và chỉ có một con vàng anh bay vù lên. Nó đảo một vòng quanh chợ rồi chắp cánh về một chốn tít mù, tiếng kêu lảnh lót vang đến tận tầng mây cao nhất trên đồng bằng sông Nhị.
    Cho đến tận bây giờ, mầu vàng của cánh chim xưa thỉnh thoảng lại óng ánh sáng lên ở phía đông thành Thăng Long. Những lúc đó, dẫu chẳng muốn, không mấy ai lại không nghe tiếng chim kêu dục giã.

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 13 (Kết Thúc)

Gió Lửa
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Đi Qua Hoa Cúc
» Giữa Cơn Gió Lốc