Chim trong lồng Chiếc sào cắm xuống lòng sông dướn cong lên, đẩy về phía sau những dợn sóng loang loáng dưới ánh trăng lóng lánh. Tiếng mái chèo đều đặn khỏa vào nước, tiếng nước bập bềnh đánh nhịp vào mạn thuyền. Dọc bờ, mái tranh lổn nhổn thấp cao, ẩn hiện trong những vòm cây u uẩn. Thuyền cứ thế, trôi đi. Ngọn đèn chai đầu mũi chao đảo trong gió đêm, lắm lúc tưởng như là sắp tắt. Thỉnh thoảng, những đàn đom đóm không biết từ đâu bay ra, văng tung lên trời những chớp sáng lân tinh nhẩy múa trong bóng đêm. Ðâu đây, tiếng vạc vẳng lại, vô hồn, lạc lõng. Thuyền cứ thế, vẫn trôi đi.
Sông dần dần hẹp lại. Lái thuyền quen việc, chẳng bảo nhau, phối hợp những động tác đã thành máy móc. Cập vào bờ, người đứng đầu thuyền xếp dọc con sào, nhẩy xuống nước, tay nắm lấy sợi chão to bằng cổ tay kéo vào, miệâng hò lên « Ðến rồi...». Tiếng người léo xéo nổi lên. Tiếng rục rịch khuân vác xuống thuyền. Ðộ nửa khắc sau, một đoàn khoảng gần hai chục người từ chân đê xoài người đi lên. Họ lặng lẽ theo sau một chiếc võng lắc lư trên đòn khiêng chĩu nặng trên vai hai người phu lực lưỡng. Khi đến cửa ô Quan Chưởng, trống điểm canh ba vừa điểm. Tiếng chó tru lên sủa, rồi tiếng quát hỏi giật giọng của lính tuần canh còn khàn đặc cơn ngái ngủ. Dăm ba ngọn đuốc từ chân thành thắp cháy hắt bóng người lên tường thành cao nghễu nghện, nghiêng đổ, thấp thoáng như ma chơi. Ðoàn người dừng lại. Dưới ánh đuốc chập chờn, một người trong bọn râu quai nón, mắt sắc, dáng chắc nịch, bước ra thì thào với đám lính vừa bổ tới vây quanh. Cổng ô mở ra, tiếng bản lề kèn kẹt rít lên.
Mồm lầu bầu chửi tục, một người lính leo lên lưng ngựa, tay vung ra sau quất roi. Phu khênh võng lẳng lặng hạ đòn xuống. Ông cụ nằm võng chống tay từ từ ngồi dậy, búi tóc đã bạc sổ ra lưa thưa. Quơ tay lên búi lại tóc, ông vặn mình, mắt hé nhìn ra màn đêm dầy đặc. Tiếng điếu cầy rít sòng sọc, rồi tiếng ho khan hục hặc cắt quãng. Mùi thuốc lào hăng hắc hòa vào mùi dầu đốt đuốc khét lèn lẹt xông ùa vào mũi. Nhìn lên, trời cuối tháng ba li ti những giải sao pha lê lấp lánh. Gió vẫn còn lạnh ngắt, từng cơn bốc hương đất ngai ngái mùi rơm rạ.
Ðợi độ một tuần nhang thì tiếng chân ngựa vẳng lại lúc một gần. Ông cụ nằm võng vẫy tay gọi người nhà dặn dò. Võ Toàn Nhật, người có râu quai nón, tiến ra đón thanh niên cưỡi con ngựa chiến đang nhanh nhẹn nhẩy xuống yên. Xưng tên là Hoàng Ðăng Khoa, con của Huy Quận công Hoàng Tế Lý hiện giữ chức Chánh dường coi toàn bộ chính sự trong phủ Chúa, người đó khẽ nghiêng mình. Vái chào lại, Nhật nói :
- Thầy tôi cao tuổi, lại đi suốt mười ngày đường nên quá mệt không còn sức tiếp lễ cho phải phép, xin được thứ lỗi cho đêm nay .
Hai người tách ra đi về phía chiếc võng. Dưới ánh đuốc, một người tầm vóc, lông mày xếch, quai hàm bạnh ra và môi trông như hơi mím lại, bước ra chào. Nhật giới thiệu Nguyễn trọng Thức, người đồng môn. Nghiêng mình chào lại người đó xong, Ðăng Khoa lẳng lặng đến vái trước võng rồi phất tay ra lệnh lên đường.
Ðoàn người rời cửa ô, lầm lũi đi theo ánh đuốc lập lòe chao đảo trong gió đêm. Men qua giẫy nhà hàng phố vẫn còn im phăng phắc, người nọ nối chân người kia rẽ về phía trái. Ði thêm quãng nửa khắc, cả đoàn ngừng lại. Tiếng gọi cổng vang lên, rồi tiếng rút then, tiếng bản lề kẽo kẹt, tiếng người suỵt đàn chó đang oăng oẳng sủa. Qua một chiếc sân gạch dài, Ðăng Khoa tạt về mé phải, tay chỉ dẫy nhà ước chừng đến hơn chục gian, nhìn Thức và Nhật, khẽ nói:
- Ðêm đã khuya nên xin về tệ xá . Ðây là nơi Phu tử và các vị tạm trú, mai này cha tôi sẽ cho lệnh xếp đặt lại sau. Ðợi qua ngày, tôi sẽ lên chào Phu tử.
Sắp đặt xong chỗ ăn chỗ nằm cho Phu tử, Trọng Thức bước ra sân ngước mắt nhìn trời. Vào cuối tháng ba, đến canh tư mà trời còn đen kịt. Tiếâng vạc ăn đêm thỉnh thoảng lại vọng về não nùng, trống vắng. Lững thững bước quanh ven chiếc ao thả sen, Thức lắng tai nghe những âm thanh mơ hồ đến huyền hoặc. Dăm con cá ngóc lên đớp muỗi làm đám bọt nước lúc nổi lúc chìm lục bục vỡ. Những tàn sen se mình níu giữ một chút bình yên qua đêm sót lại. Vài ráng mây rám hồng một lúc sau loáng thoáng hiện dần nơi chân trời, rồi lao xao tiếng gà gáy sáng vẳng lên, bắt đầu còn thưa, sau cứ liên tu như giục giã đuổi bắt lẫn nhau.
Ðứng dậy vươn vai hít không khí cho đầy ngực, Thức bước vào nhà. Toàn Nhật đang lúi húi đun nước cho tuần trà buổi sáng. Phu tử lưng dựa vào vách, tay vê điếu thuốc lào, mắt trũng xuống sau nhiều đêm ít ngủ.
Sáu năm sau khi nhậm chức Huấn Ðạo, Nguyễn Thiếp được thăng lên làm Tri Huyện Thanh Chương. Tiếng thế, nhưng Thiếp lui về ở trại Bùi Phong, việc quan trao hết cho bọn nha lại. Khi thầy mình là Nghiễm, Tả Thừa Tướng dưới đời chúa Trịnh Doanh, mất vào buổi lập đông năm 1768, Thiếp từ quan, bỏ hết thời giờ vào chuyện học thuật. Quan Hiệp Trấn xứ Nghệ là Bùi Huy Bích gửi thơ lên thăm, lời lẽ tán tụng :
« Ngẩng trông am núi cách vời.
Núi cao rừng thẳm tột trời mây xanh.
Muốn lên thăm hỏi sự tình.
Lại e một nỗi ông khinh người phàm »
Trong thơ trả lời, Thiếp nhân đó xin khoan giản thuế tư điền cho dân Thanh-Nghệ. Từ đó, người đời gọi Thiếp là Phu tử, tiếng đạo hạnh nổi lên khắp nước. Giữa tháng ba năm Cảnh Hưng thứ 41, Phu tử nhận được tờ truyền của chúa Trịnh Sâm mời lên Kinh. Phu tử ngần ngừ, nhưng thế chẳng đặng, phải cùng con trưởng và hai người học trò thân thiết nhất lên đường.
Ánh nắng sớm ửng vàng trên chòm râu Phu tử bạc trắng lung linh qua làn khói thuốc. Phu tử ngả người ra sau, chiêu một ngụm nước, mắt nửa nhắm nửa mở. Một lát sau, nhìn học trò, Phu tử chậm rãi nói :
- Chốn kinh kỳ miệng người như miệng rắn, tai người như tai dơi. Thầy chưa muốn tiếp ai trước khi gập Hy Doãn Ngô thì Nhậm.
Phu tử sai Trọng Thức đi tìm Nhậm. Khăn áo chỉnh tề xong, Trọng Thức chào thầy rồi đi ra cổng. Chỉ lát sau, Thức lại quay vào. Ngạc nhiên, Toàn Nhật hỏi. Thức cười khẩy, tay khoanh một vòng tròn, rồi lẳng lặng bước vào phòng Phu tử. Ở ngoài, Toàn Nhật chỉ nghe thấy một tiếng hừ bực bội rồi một tiếng đập bàn.
Thuở Trọng Thức mới mười ba tuổi thì Nguyễn Danh Dương qua đời khi vừa sấp sỉ bốn mươi. Dương chẳng những là đường đệ mà còn là bạn thân của La Sơn Nguyễn Thiếp, sớm biết mệnh mình nên đã gửi gắm con với phu tử. Thức về ở trại Bùi Phong hai năm trước khi Phu tử mang Toàn Nhật về nuôi. Cùng cảnh côi cút nên Thức thương Nhật như em ruột mình.
Hai anh em khác hẳn nhau. Nhật to cao dềnh dàng, vai ngang, ngực nở, chân đi thoăn thoắt. Trái lại, Thức vừa tầm, dáng thư sinh, lúc nào cũng chậm rãi như dè sẻn sức lực. Mặt gân guốc, mũi hếch, hàm râu quai nón của Nhật dẫu che được đôi môi trề ra như chế diễu nhưng không làm giảm chút nào nét nghịch ngợm trong khóe mắt. Phần Thức, Thức lúc nào cũng trang nghiêm và chừng mực. Gương mặt xương xương khiến đôi mắt Thức lõm sâu dưới cặp lông mày xếch lúc nào cũng xa xôi, và có gì như lo lắng, như dọ hỏi. Vì thế, ai mới gặp cũng cảm thấy có một khoảng cách không vượt qua được. Nhưng thật ra, khi gần gũi, nét cương nghị qua cặp môi môi mím trên chiếc cằm bạnh chẳng qua là cái vỏ che đậy một tâm hồn chồng chất bức xúc.
Hồn nhiên, nên Toàn Nhật dễ nông nổi, phản ứng rất nhanh và mạnh. So với Nhật, Thức có vẻ trầm tĩnh. Nhưng sự trầm tĩnh ấy không khác gi cơn sôi riu riu của loại nham thạch đang đợi lúc bùng lên lửa đam mê của một hỏa sơn ẩn ngầm trong đất đá. Cơn sôi ấy càng lâu, sự bướng bỉnh bốc thành thứ ánh sáng đùng đục đậu vào khóe mắt khiến nét mặt Thức mang cái vẻ ngang ngạch thách thức.
Học được với Phu tử mười năm, Thức xin phép được xuống Yên Vĩnh cách Bùi Phong hai mươi dặm, về sửa sang lại ngôi nhà của tổ phụ, ngày ngày đi cầy theo gương Hứa Hành đời Chiến Quốc. Dịch sách Tiểu học, rồi Tứ Thư, Ngũ Kinh sang tiếng Nôm, Thức dậy học mỗi tối cho đám trẻ, nhất định không nhận quà cáp thù lao, lấy cớ rằng cái học với Thức không dùng để đi thi ra làm quan được. Thức thường bảo học cốt là hiểu lý hiểu nghĩa, viết là để giao dịch, để ghi lại lời hay ý đẹp, nên Nôm hay Hán đều được. Chữ Nôm dựa trên thanh âm gần gũi cách nói, tất dễ hơn nên ai cũng có thể học. Thức lạc quan, cho rằng như thế sẽ đông người biết chữ, rồi thêm lời thêm ý, biết đâu chữ Nôm một ngày kia sẽ chẳng thay hẳn chữ Hán. Ít lâu sau, rất nhiều người đến học với Thức, già có trẻ có, tiếng nổi lên như cồn khiến những ông đồ cả trấn Nghệ xì xào dè bỉu « nôm na là cha mách qué ».
Thức bảo học trò tập viết bằng cách chép lại những câu ca dao dưới dạng lục bát. Thức lại đưa cho Nguyễn Du xem năm ngoái, dịp Du về Nghệ, lên ở lì trên trại Bùi Phong cả tháng. Du vốn là con Nguyễn Nghiễm và hiện đang ở Thăng Long với anh là Nguyễn Khản. Thuở ấy, Du mới mười bốn mà đã nổi tiếng hay thơ, cứ trầm trồ khen thơ lục bát có phần uyển chuyển phóng túng hơn loại Ðường luật Cổ thi thường được ngâm vịnh trong giới người có học.
Lúc đó, Khản như cánh tay của Chúa Trịnh Sâm, giữ chức Tả thị lang kiêm Bồi tụng. Trước lời ra tiếng vào của đám nho sĩ xứ Nghệ, Du sui Thức bầy tỏ chí mình. Thức làm ba bài thơ tựa là Tam đoạn tự khải. Tháng sau, có giấy bắt Thức lên hầu quan. Hoàng Tế Lý ẩn mặt, sai Nguyễn Hữu Chỉnh phân xử lời tố cáo Thức có ý định làm loạn. Chỉnh vời Thức vào, cố ý bắt Thức đợi nửa ngày, giọng khinh bạc, thủng thỉnh:
- Việc quan như là trông con mọn, cái nọ xọ cái kia, phiền ông chờ lâu !
Thức trầm tĩnh :
- Quan như phụ mẫu, chúng tôi nào dám kêu ca, miễn cứ công minh mà sử thì dân hèn chúng tôi đội ơn.
Chỉnh vờ nổi nóng, tay vỗ bàn, miệng gằn giọng:
- Mới mở mồm mà đã chê rằng quan trên không công minh à !
-......
- Bài thứ ba trong Tam đoạn tự khải, anh viết : « Ngoảnh trông phương Bắc thôi khiếp sợ. Ngước mắt về Nam gió đến tay » là ý gì ? Phương Bắc có Vua, có Chúa. Phía Nam thì giặc Tây Sơn vừa ngược ngạo tự mình xưng đế xưng vương, thế có phải là...
Thức ngắt lời Chỉnh, chĩnh chạc :
- Trình Quan lớn, ngài tiếng tăm văn võ, thừa hiểu là bình thơ luận nghĩa mà chỉ trích ra hai câu trong một bài thì muốn gán thế nào cũng được, kẻ tiện dân này chỉ mong ngài không nghe tiếng dèm pha. Ba bài tự khải nhằm nói tại sao kẻ hèn này lại thiên về chữ Nôm chứ không lệch sang chữ Hán. Vậy thì Bắc ý chỉ Trung Quốc, còn Nam thì cứ kể là từ mũi Nam Quan trở ra.
- Người quân tử không thiên lệch...
Thức biết mình đã chiếm thượng phong, cố dấu ngạo ngễ, cười rồi nhẹ nhàng:
- Không quân tử, thưa Quan lớn, là phạm tội ư ? Thế còn bài Quách lệnh công phú để ca ngợi Quách tử Nghi đời Ðường bên Trung Quốc đã nổi tiếng khắp Bắc hà, rồi đến bài thơ khẩu khí vịnh Cái Trống đều do chính Quan lớn làm cũng là bằng chữ Nôm, liệu có thiên lệch gì không ?
Thức ngưng nói, nhìn Chỉnh rồi nhẩn nha :
- Hơn nữa, chẳng có cái tội trạng nào là cái tội không quân tử. Có tội ấy chắc bàn dân thiên hạ thấp cổ bé miệng không có chỗ mà sống được nữa !
Chỉnh sượng sùng, nhẹ giọng :
- Sao không đi thi rồi làm quan mà giúp đời ?
- Quân tử cốt lập chí, sau mới đến công danh. Thời này nhiễu nhương mà chỉ tính đến công danh tư riêng thì chắc cho chính mình cũng chẳng bền, nói gì đến cứu giúp được ai ! Kẻ tiện dân này chỉ mong yên thân đi cầy ruộng, rồi bõ bẽ chỉ dẫn cho dăm người cầu học vài chữ thôi.
Chỉnh lạnh lùng cắt ngang, cấm Thức không cho dậy quá mười học trò trong mỗi buổi dậy học, và bắt chỉ được quanh quẩn trong vùng hai huyện Thanh Oai, Thanh Chương. Sau chuyện đối đáp với Chỉnh trong chuyến hầu quan trên trấn, Thức càng được tiếng, bỏ một nửa ngày cầy để dậy thêm hai buổi mỗi bữa, học trò đông đến độ Thức phải từ chối dậy một số người đã lớn tuổi.
Du nói với anh, rồi Khản nhân danh là đồng môn với Nguyễn Thiếp hỏi quan Hiệp Trấn về việc Thức. Lúc ấy Tế Lý nể mặt mới ra lệnh cho cống Chỉnh bãi cái lệnh cấm cản, lại còn sai mang lên tết Thiếp mười quan tiền, sáu đoạn nhiễu, hai cân chè Thái Nguyên và nửa tạ gạo. Nguyễn Thiếp tránh không tiếp, và dặn Ðặng-thị từ chối không nhận bất cứ một thứ gì.
Khoảng cuối giờ Thìn, một chiếc xe bò lọc cọc ngừng lại trước dãy nhà phía phải giành để tiếp khách trong tư dinh Hoàng Ðăng Khoa, con trai cả của Huy quận công Hoàng Tế Lý và công chúa Ngọc Tĩnh. Hoàng công tử có tiếng là khéo léo, không chính thức nhận một chức vụ gì trong phủ Chúa, nhưng thường giúp cha trong công việc giao dịnh nên biết khá nhiều chuyện chính sự cũng như mọi đường ngang lối tắt lắt léo nơi cửa quyền ở chốn kinh kỳ. Khác với đám thượng lưu trẻ tuổi chốn đô hội thường đắm mình trong những chuyện phù phiếm, những oái oăm chốn hậu trường của quyền thế, và nhất là những dịpï ăn chơi thâu đêm suốt sáng hầu như mỗi ngày mỗi có, Ðăng Khoa ít giao thiệp với người cùng lứa, không huênh hoang, không hợm hĩnh, và thường tự nhún mình, lúc nào cũng giả tảng như không để ý đến ngoại vật.
Chiếc xe bò chất đầy đủ loại thực phẩm, từ gạo muối cho đến tương, cà, ca,ù thịt. Sau khi chất rỡ xong, người gia bộc cỡ ngoài sáu mươi kính cẩn:
- Cậu chúng con xin mời đức Phu tử và các cậu hạ cố dùng bữa cơm trưa hôm nay thì thật là bảo giá.
Trọng Thức bật cười trước lối nói chữ nào là hạ cố nào là bảo giá, trả lời :
- Cứ cho người đến dẫn lối, chúng tôi sẽ xin qua hầu công tử.
Sau khi vào trình Phu tử để khu xếp, Thức rủ Nhật đi dạo quanh tư dinh Hoàng công tử. Vòng từ mé phải họ bước vào một khu vườn nhìn ra hồ Trúc Bạch. Bên cạnh con đường trải sỏi trắng là một cái ao đào rộng độ hai sào vuông. Trên bờ ao, một cái cầu vồng bắc vắt vẻo dẫn đến căn gác vuông vắn mỗi bề độ hai mươi thước ta, tường bằng gỗ sơn xanh nhạt, mái ngói đỏ mầu gạnh cua, cửa vào có đề hai chữ Khiêm Các, ý chỉ sự khiêm nhường. Chung quanh ao trông đủ loại cây cỏ rất lạ, có loại cây toàn lá mầu đỏ cam rực rỡ, lại có loại không có lá mà chỉ toàn hoa đài trắng muốt đến độ nhìn cứ tưởng như trong suốt. Bước vào các, mùi gỗ quí thơm bay thoang thoảng. Vạch những bức màn lụa mầu ngà có viền kim tuyến và thêu những bông cẩm chướng sặc sỡ nhìn ra, một đàn hàng chục con công ven bờ ao bên kia đang giang cánh múa, mầu lông óng ánh dưới nắng vàng. Trên mặt ao, dăm ba tảng đá mầu hồng nhô lên trên những tàn sen còn đọng những hạt sương lóng lánh như kim cương.
Thức ngồi xuống tràng kỷ, nhìn quanh, miệâng bâng quơ :
- Cứ xem cảnh sắc thế này thì mồm nói khiêm nhưng bụng lại chẳng nhường ai một chút nào.
Nhật vòng qua cái sập gụ đen tuyền dầy đến ba tấc và rộng đủ để sáu người ngồi xếp bàn tròn, bước về phía giá gươm rồi táy máy rút một thanh ra khỏi vỏ. Lưỡi gươm lạnh tanh lóe sáng. Toàn Nhật vung lên một đường, nâng thanh gươm lên ướm nặng nhẹ, suỵt soạt trầm trồ.
Một lát sau thì gia nhân đến mời. Thể theo ý Phu tử, ba người qua dãy nhà phía trái nơi Khoa ở. Thức cung tay chào, rồi chỉ qua trung niên dáng gầy gò :
- Thưa Hoàng tướng công, ông đây là Nguyễn mạnh Thuyên, trưởng nam của thầy chúng tôi. Thầy tôi vẫn còn mệt không qua bồi tiếp tướng công được, để anh chúng tôi sang hầu tướng công...
Ngưng lại, Thức nhìn thẳng vào mắt Hoàng Ðăng Khoa, giọng có chút châm biếm:
- ... và nghe lời dậy bảo phải ở đâu, làm gì, gập ai, và được đi những đâu...
Khoa hơi bối rối, nhưng trấn tĩnh ngay, tươi cười trả lời :
- Những việc ông anh vừa nói là đều sẽ do cha tôi sắp xếp, tôi phận con cháu nào có cái quyền gì mà dám xen vào. Nay, ta phải đợi để Phu tử thật khỏe đã, gập cha tôi là mọi việc đâu vào đó, chẳng có gì phải bất tất.
Tuy mồm chối trách nhiệm, Khoa vẫn khéo nhắc đến quyền uy của cha mình. Thức còn bực trong bụng, định tâm tiếp tục vặn hỏi lại cái chuyện bị lính canh cấm ra khỏi cổng sáng nay, nhưng Thuyên khẽ gạt tay, lên tiếng:
- Ngài dậy như vậy, chúng tôi rất đội ơn. Cha tôi nay già cả, sức khỏe có sút, chỉ cầu xong việc là xin về ngay, chẳng lòng nào dây dưa ở lại kinh kỳ này lâu la làm gì. Chẳng hay khi nào thì Chúa vời cha tôi vào cho gập ?
- Việc này tôi cũng lại không biết. Nhưng tôi sẽ bẩm với cha tôi chiều nay để Phu tử khỏi sốt ruột.
Bữa ăn vẫn có phần gượng gạo tẻ nhạt mặc dầu Ðăng Khoa cố vui vẻ chào mời. Thuyên ít nói, lời đúng mực, không thừa không thiếu. Thức lạnh lùng. Khoảng đầu giờ Mùi, lão gia bộc thích nói chữ chạy vào thì thào. Khoa đứng dậy, miệng nói:
- Cha tôi đến !
Một người đàn ông giữa khoảng ngũ tuần vén bức chướng mé phải gian nhà khánh nhanh nhẹn bước vào. Người đó cao hơn bình thường dễ đến nửa cái đầu, miệng rộng, môi mỏng, vai chữ điền, tóc điểm bạc búi ngược, lưỡng quyền gồ cao làm trồi lên cặp lông mày rậm trắng, xếch đến cuối chân mày rồi đứt đoạn bất ngờ xụp xuống. Ðợi cho mọi người vòng tay thi lễ xong, người đó mới sẽ nghiêng mình, nói:
- Chắc Phu tử còn mệt, tôi chưa được diện kiến nên xin gửi lời chào, và mong Phu tử chóng khỏe để tiện thu xếp ít công việc nhà Chúa.
Quay sang Khoa như dọ hỏi, người đó đảo một vòng mắt nhìn mọi người, tiếp:
- Phu tử là khách của Chúa, còn các vị đây là khách của cha, con phải chu đáo mọi sự.
Khoa hiểu ý, khẽ nhích lên rồi giới thiệu tên từng người. Thuyên vòng tay vái miệng nói « Kính chào quan Chánh dường ». Ðến lượt mình, Toàn Nhật cũng bắt chước làm như vậy. Hoàng Tế Lý khẽ nhếch mép rồi bước một bước đến nhìn tận mặt và hỏi gốc gác. Nghe Nhật kể tên ông ngoại họ Võ ở Thạch Hà, Lý vỗ vào vai, cười bảo « thì ra cũng con dòng cháu giống ! ». Khi Khoa giới thiệu Trọng Thức, Lý thân mật :
- A, hiền điệt là hậu duệ của Nguyễn Danh Dương, bạn đồng khoa với ta.
Ðến trước mặt Thức, Lý nắm lấy tay, vừa lắc vừa nói, giọng kẻ cả:
- Khí tượng thế kia, tuổi trẻ thế này sao lại nổi tiếng là ẩn sĩ được nhỉ? Gần ta ít lâu, biết đâu cháu lại chẳng đổi ý. Làm tài trai, phải như chim Bàng chim Phượng, cớ gì lại sè sè chịu bay như đám chim sẻ đi tìm vài hạt thóc thừa chốn quê mùa ?
Trong đầu Trọng Thức chợt lóe lên hình ảnh những con sẻ tìm bắt cào cào châu chấu phá hại mùa màng đang nháo nhác bay lên khi một đàn quạ sà xuống. Bấm bụng, Thức nghiêng mình vái, giữ một khoảng cách với sự thân mật của Tế Lý, khiêm tốn :
- Xin đa tạ quan Chánh dường, vãn sinh tài hèn đức mọn, lúc nào cũng áy náy chỉ sợ làm hổ tiếng phụ thân, không dám nhận hai chữ ẩn sĩ từ những lời đồn đãi không đáng làm bẩn tai quân tử.
Sau khi Trọng Thức nhắc lại câu mình đã hỏi Ðăng Khoa buổi sáng, Hoàng Tế Lý nghiêm trang nói :
-Khách của nhà Chúa là thượng khách, muốn đi đâu thì đi. Các vị là khách của ta cũng vậy. Trong kinh, từ đầu giờ Tuất đến cuối giờ Dần giới nghiêm. Tuy thế, nếu cần đi, phủ Chúa sẽ cấp cho Phu tử giấy phép, cứ đưa ra tất lính tráng chấp lệnh ...
Hắng giọng, Tế Lý chẳng những tảng lờ chuyện cấm ra khỏi cửa mà còn kèm chặt thêm đám khách, tiếp :
- ... cũng gửi lời ta xin Phu tử tha lỗi cho bọn lính tráng không biết khu sử buổi sáng nay. Kinh đô hiện chưa hẳn yên nên ta sẽ phái lính phủ Chúa đến bảo đảm an ninh cho Phu tử và gia nhân. Ðăng Khoa tạm nhận trách nhiệm tiếp đãi Phu tử cho đến khi ta xếp đặt để Phu tử đến ngụ tại dinh Khương Tả hầu.
Suốt một tuần lễ từ ngày đến Thăng Long, Phu tử đợi Chúa vời, nhưng không tin tức gì. Sốt ruột, Phu tử nhờ Khoa chuyển lời mình đến Hoàng Tế Lý là người ra vào Chính-phủ hàng ngày.
Mặc dầu Khoa hết sức chu đáo, Phu tử và gia nhân vẫn mong sớm được dời tư dinh của Khoa, nơi tạm cư từ ngày bước chân đến Thăng Long. Khoa luôn luôn tỏ ra thân mật để khách thoải mái, song trừ Toàn Nhật ra, ai ai cũng cảm thấy mất tự do chốn cửa quyền, lúc nào cũng có lính tráng dòm ngó và người ăn kẻ ở thưa gửi. Chỉ riêng có một mình Nhật gần gũi Ðăng Khoa hơn mọi người, phần vì hồn nhiên, phần vì thích bàn chuyện võ nghệ. Buổi tối hôm đó, Khoa vào vái thăm Phu tử rồi thưa :
- ... Cha vãn bối nhắn mời Phu tử giờ Mùi sáng ngày kia vào Nội phủ.
Sáng ngày Phu tử vào Nội phủ, một đội sáu người lính thuộc đội Hậu Dũng, quần áo sắc vàng nhạt, cổ nẹp đỏ, đến với hai người phu khiêng kiệu. Khi Phu tử vẫy tay gọi Thức và Nhật đi theo, một người xưng là thư lại cúi đầu cung kính nói là có lệnh chỉ đưa một mình Phu tử vào Thập Tự cung ở Chính -phủ.
Sau khi Phu tử lên đường, Nhật rủ Thức ra phố. Ðến cửa dinh, hai người nghe tiếng gọi giật :
- Có nhớ tôi không ? Tôi đến chào thầy và các vị đây!
Nhìn lại thì ra Bằng Vũ, một người bé nhỏ, dáng thư sinh, cũng người huyện La Sơn, xưa có học với phu tử ở Anh Ðô. Vũ xưa thi hỏng kỳ đệ tam trường, nay lo việc giấy má sổ sách, làm từ hàn cho đội Trung - Kính, đội lính bảo vệ an ninh cho Tam cung Ngũ phủ. Vũ vui vẻ xin làm người đưa đường cho Thức và Nhật.
Từ dinh Ðăng Khoa đi xuống phía Tây Nam chừng hai dậm là hồ Thủy Quân, giữa hồ có xây một cái tháp năm tầng, và tiếng truyền rằng mỗi khi có quốc biến thì con rùa đã sống bốn trăm năm trong hồ nghiến răng kèn kẹt báo cho người hàng phố. Lần sau rốt, vào tháng sáu năm Mậu Tuất cách đây hai năm, lúc Ðàng ngoài hạn hán, giá gạo cao vụt lên và người chết nằm đầy đường thì tiếng rùa nghiến răng nghe đến tận miệt Ô Trường Bản. Dân quê hai tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa trốn đói mò lên Thăng Long có đến hàng vạn. Họ tự tiện cắm dùi trên công thổ phía Ðông Nam, suốt bờ sông từ Vị Hoàng cho đến Hà Ðông. Triều đình tìm đủ cách đuổi dân lưu cư nhưng cho đến nay vẫn không được.
Ở kinh kỳ, người đi như mắc cửi. Trên dăm trục chính nối những cửa ô, mặt đường rộng đủ cho năm chiếc xe ngựa qua lại. Từ hồ Thủy Quân đi xuống độ trăm thước là nơi người Kẻ Chợ buôn bán. Ba mươi sáu phố ăm ắp người chen vai thích cánh, mỗi phố là một mặt hàng : nào là tơ lụa, đường phèn, gương, lược, trống, kèn, gỗ.. đủ loại. Người ở kinh diêm dúa hơn người thôn quê, đàn ông mặc áo the, chân đi dép, đàn bà thì trên áo tứ thân, dưới là váy lĩnh, có kẻ đầu vấn tóc, có người che khăn mỏ quạ. Các bà ở mặt tiền những cửa hàng rộng không quá năm, sáu thước vuông, miệng ríu rít chào khách qua đường. Tiếng mặc cả, tiếng dè bỉu, và thỉnh thoảng lại có cả tiếng cãi cọ chửi bới oang oác bên tai. Ba người đi hết phố này sang phố khác, hòa mình vào cái dòng sinh lực cuồn cuộn cứ chực như tràn ứ ra trên lề đường. Quá giờ ngọ, họ kéo nhau vào một quán ăn khá rộng rãi sang trọng ở phố hàng Mành. Vũ phất tay gọi rồi bảo :
- Nhất đất này đấy, và phải nói để hai vị biết, bún chả thì tuyệt khéo.
Cuối phòng ăn, một đám gần hai mươi người ngồi choán đến năm bàn, bàn nào cũng đầy những cút rượu. Vũ đứng dậy đến cung kính chào một nam nhân ngót ngét ba mươi tuổi, mày rậm, mũi hếch, mắt như mắt cú đỏ sè, ngồi nghênh ngang giữa đám thủ hạ. Sau đó,Vũ lại rón rén về chỗ, thì thào vào tai Thức : « Ăn nhanh rồi chuồn, bác ạ ! ». Trước thái độ của Vũ, Thức và Nhật hơi ngạc nhiên, song chưa tiện hỏi. Cả ba lẳng lặng ăn, nhưng chưa hết bữa thì đám người trong góc ồn ào đứng dậy, gươm đao nghe loảng xoảng. Một người mảnh khảnh, mặt xanh mướt, nói với chủ quán :
- Ghi sổ lại. Lần sau trả. Bây giờ có việc công phải đi gấp.
Ông chủ quán vâng dạ, mặt méo xệch, đầu cứ gật gù cúi xuống. Nam nhân mắt cú đứng dậy, miệng ngậm cây tăm xỉa răng, tay cầm chiếc roi cá đuối, phất vút một cái vào không khí, rồi ra lệnh :
- Ði thôi !
Qua chiếc bàn có bọn Bằng Vũ, người ấy ngừng lại, hất hàm :
- Những ai đấy ?
Vũ đứng dậy, cười cười, vái rồi giới thiệu. Nam nhân lại hất hàm, nhìn lên, khinh khỉnh :
- À, khách của Huy quận công à !
Tay vút roi vào khoảng không, người ấy chẳng thèm nhìn ai, khinh khỉnh :
- Có muốn xem đốt đuốc người không ?
Nói xong, người ấy bước ra. Thấy lạ, Toàn Nhật tò mò đòi đi xem. Ba người liền ăn vội, trả tiền, rồi ra theo. Bọn người ồn ào bước đến đâu thì đám đông dân chúng dạt ra đến đó. Họ đi vòng về phía Ô Cầu Giấy, đến một khoảng đất trống áp vào rìa sông chung quanh có quây cót. Lính canh chia làm hai lớp vây vòng, ai nấy quấn khăn che mặt lại, gươm giáo sáng lòe. Từ dốc đê, không ai nhìn thấy gì sau cót, nhưng nghe văng vẳng đâu đây có tiếng nỉ non khóc lóc. Nam nhân mắt cú vọ vẫy tay, đám thủ hạ khuâân những thùng dầu đã xếp sẵn xung quanh cót đổ tưới lên và ném những cành cây khô vào. Tiếng khóc tiếng kêu lúc càng inh ỏi. Những tiếng thét tuyệt vọng rít lên, rồi một người đục cót chui ra. Tên lính đứng gần lao một ngọn thương. Người ấy tru lên, tay dơ cao, bàn tay trụi không có ngón nào, với như cào vào khoảng không. Nam nhân mắt cú khinh khỉnh châm đuốc rồi thẳng tay ném vào. Lửa bùng lên khắp ngả. Tiếng rú, tiếng kêu, tiếng khóc nhất lượt òa lên nghe đinh tai nhức óc. Toàn Nhật hiểu ra, người nóng rừng rực như chính mình bốc lửa, lồng lên, xô lại gào :
- ... Không giết họ thế được ! Ngừng lại!
Vũ hốt hoảng nắm Toàn Nhật lại nhưng không kịp. Nam nhân mắt cú miệng mím lại, mũi hếch lên, vung roi quất vào đầu Nhật. Chiếc đầu roi chưa kịp giựt về thì Nhật đưa tay bắt lấy thân roi, rồi vòng tay như cuộn lại, lấy tấn bất thình lình dận xuống. Nam nhân ngã chúi mặt xuống đất, bỏ roi, tay kia rút kiếm, gầm lên :
- A, giỏi thật ! ... bay bắt lấy nó cho ta ...
Ðám thủ hạ tay đao tay kích ùa ra vây Nhật vào giữa, hầm hè như muốn nuốt tươi ăn sống. Ðúng lúc đó, tiếng Ðăng Khoa cất lên :
- Không ai được chạm vào khách của quan Chánh dường !
Ðội lính Hậu Dũng áo vàng lúc ấy gươm đã tuốt trần, xông vào làm một vòng tròn quây quanh Toàn Nhật. Khoa tiếp :
- ... Chạm vào khách là chạm vào chủ. Kẻ nào xúc phạm, theo luật, sẽ bị tội lăng trì !
Quay sang nam nhân mắt cú, Khoa vòng tay vái :
- Xin Ðặng tướng công thứ cho ! Khoa này chịu mọi trách nhiệm.
Mùi thịt người lúc ấy xông vào mũi khét lẹt. Tiếng kêu tiếng khóc vẫn rú lên từng chập nhưng dần dần thưa đi. Khói những cây đuốc người bốc lên đen cả bờ sông Nhị. Nước vẫn cứ xiết trong lòng sông lúc nào cũng quằn quại những dòng lũ màu đỏ như máu. Nam nhân mắt cú, tên là Ðặng Mậu Lân, em ruột của Ðặng thị Huệ, hầm hè :
- Rồi sẽ biết tay ta ! Ðể xem, để xem ...
Hôm sau, dân Thăng Long hớn hở : tiếng đồn là nhờ có Chúa chu cấp lương tiền, trại hủi ngoài Ô Cầu Giấy đã dọn đi về phía Ninh Bình. Mùi thịt phảng phất chẳng qua là mùi thịt mấy con lợn nái ngả ra cho bữa bún chả họ ăn mừng với nhau trước khi di cư. Tuy tiếng đồn thế, những người bị bệnh hủi đang luẩn quẩn ăn mày ở kinh kỳ ngày hôm sau vẫn trốn tiệt.
Không biết công việc nhà Chúa thế nào mà sau ngày gặp quan Chánh dường ở Thập Tự cung, Phu tử ngày ngày tư lự ra vào một mình. Ngô thì Nhậm hiện dang trên Sơn Tây, hẹn về gập Phu tử nhưng chưa cho biết ngày tháng. Ngay cả khi mọi người đã chuyển ra ở tư dinh Khương Tả hầu, Phu tử im lặng cả ngày, vẫn tránh không gặp bất cứ ai, thường trằn trọc, đêm dậy ngồi hí hoáy viết lách, nhưng chỉ độ mươi hôm sau lại đem ra xé hết. Nét lo âu khiến Phu tử già đi, và sự cô đơn trĩu nặng đèo vào tuổi tác khiến lưng Phu tử như gù thêm xuống.
Ðám lính canh cho Phu tử thay đổi luôn luôn, nay thì là đội Hậu Hùng, mai lại Tiền Dũng, rồi lần lượt nào là Trung Kính, Tả thị nội, Tiền Ninh. Trong đám lính canh luôn luôn có một người thư lại đi kèm. Vì thế, Bằng Vũ lại có dịp lân la gần Phu tử.
Một tuần sau hôm dọn đến dinh Khương Tả Hầu, Ðặng Thị Mai là cháu gọi Ðặng-thị bằng dì hớt hải đến chào. Thức ngạc nhiên nhìn nét lo âu trong mắt Mai, khẽ đẩy cửa để Mai vào nói chuyện với Phu tử. Tối hôm ấy, Phu tử bảo Toàn Nhật rời khỏi kinh kỳ, tạm lên phố Hiến một thời gian. Nhật gặng hỏi, Phu tử chỉ bảo chính Mai sợ anh ruột mình là Lân sẽ tìm cách hãm hại Nhật. Ðăng Khoa biết chuyện nhưng không nói gì, hẹn sẽ lên thăm Nhật và viết thơ gửi gấm cho một người bạn quen trên phố Hiến, rồi đưa một tờ đặc chỉ cho Toàn Nhật xuất nhập Thăng Long bất cứ lúc nào.
Ðặng Mậu Lân xưa nay hung hãn, cậy vào chị là Ðặng thị Huệ hiện đang được Chúa sủng ái, chẳng chịu thua kém một điều gì với ai. Lân hống hách, cách ăn kiểu mặc bắt chiếc như Vua như Chúa, không chỉ bàn dân mà ngay cả đám quan trong triều hễ gập là tránh. Thấy đàn bà con gái có nhan sắc là bất kể bố mẹ chồng con, Lân cướp về tư dinh. Thỏa mãn xong tính dục, Lân còn quái ác khi thì rạch mặt, khi thì cắt đầu vú, khi lại tọng cán gươm hay đầu côn làm rách toạc tử cung, hềnh hệch cười : « Cho người đẹp giữ chút dấu vết kỷ niệm để nhớ ta nhé ! ». Ðiều tiếng gần xa khắp kinh kỳ, bàn dân gọi Lân là hung thần mắt cú, kêu van đủ chốn nhưng chẳng ai làm gì được.
Mất mặt với đám lính tráng và thủ hạ về chuyện Toàn Nhật giật roi, Lân căm giận, giữa đường về châm đuốc ném vào nhà bàn dân thiên hạ. Nhà cháy nhưng chẳng một ai dám dập lửa, phải đợi Lân đi khỏi. Lần này chuyện gây ra lại giây vào khách của Hoàng Tế Lý. Khổ một cái là Lý và Huệ nay liên kết với nhau, nên Lân không thể qua tay chị để trả thù Toàn Nhật. Nghe Lân kể, Huệ chặn ngay :
- Mày vung tay đánh, người ta chỉ đỡ, thì có gì mà hậm hực ! Người ta không kiện cho là may.
Ðặng Thị Huệ rất khéo miệng, và nhất là cực kỳ nhậy bén đoán được ý của người đối thoại. Nàng ít khi phải nói không với ai, vì lúc nào không muốn thì nàng đã khôn ngoan chặn miệng trước, cho nên ít ai nói được chuyện gì không hợp ý nàng. Dù ngày đêm ở bên cạnh Trịnh Sâm, nàng rất ít ra mặt với chúa nơi đám đông, luôn luôn tỏ ra mình thờ ơ với quyền bính. Nàng thường nhẹ nhàng trả lời với những kẻ đến mua chuộc rằng : «... Những việc quốc sự, xin cứ tâu thẳng với Chúa, hoặc với Quốc cửu là Hoàn quận công. Phận đàn bà, tôi chỉ biết chăm lo công việc Hậu cung cho Chúa mà thôi ». Trịnh Sâm nghe thấy vậy nên rất quí mến, có việc gì tế nhị đều tâm sự cho nàng nghe.
Cũng chính thế cho nên việc Hồng lĩnh hầu Nguyễn Khản và Huân quận công Nguyễn Phương Ðĩnh cách đây sáu năm tìm cách hãm hại Hoàng Tế Lý đã đến tai nàng. Lúc ấy Lý đã cho vợ mình là công chúa Ngọc Tĩnh cùng hai con về Thăng Long ở làm con tin để tránh sự ngờ vực của Trịnh Sâm về ý định thoán ngôi Chúa người ta vu lên. Biết Huệ được sủng ái, Ngọc Tĩnh kết thân với nàng, hai bên tâm đầu ý hợp, ngay đêm thủ thỉ chuyện ra chuyện vào. Sáu năm ròng, mỗi lần Lý về thăm vợ con đều có mang quà cáp vào phủ Chúa chào Huệ. Khi Huệ sinh thế tử Cán, Lý dâng mừng ba mươi cái ngà voi cùng sáu bộ xương hổ, không kể gấm vóc lụa là xếp từng thếp cao đến đầu người. Chính Huệ đã khuyên công chúa Ngọc Tĩnh bàn với Lý để xin Chúa cho về kinh, rồi cũng chính Huệ thay lời Ngọc Tĩnh kêu với Chúa cho Chúa chấp thuận. Trịnh Sâm đa nghi, nhưng biết Lý về kinh thì thân cô thế cô, không còn việc gì phải sợ, nên đồng ý. Về Thăng Long được hai tháng, Lý xin dâng tư dinh của mình làm nhà riêng cho thế tử Trịnh Cán. Chúa rất ưng lòng, lại có Thị Huệ vun vào, nên ngày càng quí Lý, cho Lý ra vào Nộïi phủ như đám hoạn quan, có việc gì cũng hỏi. Ðầu năm sau, Lý đẩy được Khản ra làm Hiệp Trấn Sơn Tây, rồi được phong làm Chánh dường quan, lo lắng toàn bộ chính sự trong phủ Chúa.
Từ ngày Phu tử đến kinh, Trịnh Sâm lại mắc chứng cũ khiến mọi sắp đặt triều chính phải hoãn hết. Nhận được chỉ vời, Lý vội vã vào cung Vọng Hà, nơi Chúa ngự. Qua những hành lang lúc nào cũng rủ chướng để tránh gió, Lý theo bước Thản-Trung hầu. Ðến Trữ Nguyệt viện, Thản Trung lên tiếng báo. Một lát sau, cánh cửa gỗ lim trạm trổ long ly qui phượng mở ra, và một thị nữ cúi mình chào. Lý hơi ngạc nhiên khi thấy Huệ ngồi trên tràng kỷ, miệng nói , tay chỉ : « Xin miễn lễ ... Mời quan Chánh dường ngồi đây ».
Ðặng thị Huệ chạc trên ba mươi, dáng thanh thanh, da ngăm ngăm sắc hồng quân, mũi dọc dừa, miệng hơi mỏng nhưng đài các, đầu đội ngọc miện. Mạêc một bộ xiêm màu xanh biếc, lưng đeo giải vàng có điểm những hạt ngọc hồng to bằng ngón tay cái, nàng ngước cặp mắt đen lay láy hình lá dong nhìn Lý, hỏi :
- Bệnh tình của Chúa ra sao ?
- Khải Vương phi, Chúa lại đau bụng từ ba hôm nay, ăn uống không được ! Chắc là bệnh cũ nên Sùng công cùng với chư quan thị dược đã đồng ý dùng lại toa thuốc hiệu nghiệm năm trước. Nay bệnh lúc tăng lúc giảm, nhưng mạch Xích đã phục, còn hai mạch Quan, Thốn thì khi yếu khi mạnh, chưa biết thế nào ?
- Công việc với La Sơn phu tử đến đâu ?
- Chúa chưa tiếp Phu tử nên công việâc còn đó, chưa nhất quyết gì cả ?
- ý Phu tử thế nào quan Chánh dường có rõ không ?
- Phu tử còn xem xét, và sẽ tự mình khải thẳng với Chúa.
Vương phi ban cho quan Chánh dường một chén nước trà Tĩnh Ngọa. Khi Tế Lý cúi xuống uống thì tai nghe thấy hai lần tiếng chén trà của Vương phi để lên chiếc khay Bạch Ngọc ngân lên nghe như tiếng đánh chuông.
Sau khi Lý và Thản Trung lui ra, Huệ vào phía sau cung Vọng Hà. Ngồi lên vương sàng, rồi đuổi thị tỳ ra, nàng nhìn Trịnh Sâm đang thiêm thiếp ngủ, với tay xem bát thuốc đã uống cạn. Lấy khăn giấp nước, nàng nhẹ nhàng lau trán Chúa đang nhớp nháp mồ hôi. Sâm tỉnh dậy, hé mắt nhìn Huệ, miệng gượng gạo cười :
- Canh mấy rồi ?
- Xin Vương nằm yên, bây giờ là đầu giờ Tuất, Vương còn đau không ?
Sâm chậm rãi :
- Bụng vẫn cứ ngâm ngẩm .
Huệ thò hai ngón tay chậm chạp kéo giải rút, rồi lẳng lặng nằm xuống, bỏ cả bàn tay vào quần Chúa, đưa lên bụng xoa bóp nhè nhẹ, miệng suỵt soạt :
- Chẳng có sao đâu, cứ thuốc bổ dương có nhân sâm rồi thêm vào một lạng Bắc nhung Miên Huyết Ngưng Sứ với quế tán là cứng cáp ngay thôi.
Nàng khúc khích cười, tay lần sâu xuống dưới, nói :
- Xem nào ! Ðã khỏe cho em chưa ?
Vừa cười, nàng vừa hổn hển thở vào mơn trớn tai Chúa. Sâm nhắm mắt, mặt nóng bừng, người như lên đồng, đong đưa theo bàn tay Huệ lúc nhanh lúc chậm. Ðột nhiên, Huệ rút tay ra, ngồi dậy. Sâm mở mắt nhìn dọ hỏi. Huệ bật khóc rấm rứt :
- Vương mà mệnh hệ nào thì em ra sao? Cứ nghĩ đến thôi là em chẳng còn thiết một thứ gì nữa.
- Ta có bệnh, nhưng đã chữa được một lần thì sẽ chữa được hai lần, chẳng có gì phải lo ...
- Sao lại không phải lo. Thế tử Cán mới lên năm, Vương mà bỏ mẹ con em thì thân cô thế cô, mẹ con em chỉ có chết mà thôi.
- Ðừng nói dại, ta đã nói với nàng là ta đãù định ý. Nhưng việc công không thể hấp tấp, làm gì thì thế nào trăm mắt thiên hạ cũng dòm vào !
Huệ tỉ tê :
- En biết dạ Vương, nhưng một tay Vương đã khuấy đất trọc trời, việc phế lập tưởng chỉ là chuyện cỏn con. Vương lắm mưu lắm kế, thiếu gì cách ! Với lại, em bảo thật, thế tử Tông cũng đã lập bè lập cánh, biết đâu chẳng đợi thời mà lấn tới. Việc ấy,Vương cứ hỏi Tế Lý khắc rõ ... Thôi, chuyện nhà Chúa, Chúa lo, Huệ lại nấc lên, còn thân mẹ con em, em phải lo ...
Sâm nghe Huệ nói, hơi chột dạ, nhưng lên giọng, cứng cáp :
- Ta nằm đây nhưng mắt ta thấy hết, tai ta nghe hết.
Nói xong, Sâm kéo Thị Huệ nằm xuống rồi xoay mình lại. Huệ ngồi bật dậy, má đỏ hây hây, lột phăng áo, bật cười khúc khích, lơi lả :
- Em biết Vương khỏe lại ngay mà. Vương thích gì nào? Gấu nhé, hay báo nhé ?
- Không, làm báo rồi. Hôm nay ta làm con trăn rừng !
Áp miệng cắn nhẹ vào tai Sâm, Huệ thỏ thẻ: « Hôm ấy tối trời, trăng đi đâu mất chỉ còn dăm ông sao mờ, em vào rừng Cúc Phương một mình. Bỗng như có ai bắt lấy bế bổng em lên chạc ba một cái cây. Thì ra là Vương hóa làm ông trăn, mình to bằng củ chuối mắn, cứ trờn lên trờn xuống, dạng hai chân em rồi kéo chổng kên trời. Em đạp chân lật mình lại, miệng kêu « thôi, cho em xin ...» nhưng ông trăn quấn tròn lấy em vật ngã xuống. Ông ấy thò lưỡi ra,ôi cái lưỡi nóng hổi vừa mềm vừa nhơn nhớt cứ theo những đường cong thân thể em lượn uốn nhấm nháp như người nhắm rượu. Cái lưỡi đong đưa đú đởn khiến em ưỡn người cong lên, tay nắm quàng lấy đuôi ông trăn. Vùng mình xiết lấy em cơ hồ đến nghẹt thở, rồi trời ơi, ông trăn chuyển mình vào ngọ ngoạy ... Em rướn chân, ghì vào chạc cây, mồm van vỉ, tay cào tay cấu ...».
Quằn quại theo nhịp bàn tay, Huệ hào hển rồi rít lên cho đến lúc Sâm kêu hộc lên một tiếng, để cho vài giọt sinh lực ứa ra như dăm hạt nước mưa vừa lọt qua kẽ dột. Lúc ấy, nàng thở hắt ra, rồi lẳng lặng nằm yên nhếch mép cười trong bóng tối.
Ngoài Bằng Vũ, sau này đám khách thường tới dinh Khương Tả Hầu thăm Phu tử phần lớn là những bậc thâm nho chuyên dùng việc ngâm vịnh làm cách tiến thân cầu vinh cầu lộc. Duy có một kẻ may mắn đã sẵn có đủ cả là Côn quận công Trịnh Bồng. Bồng ưa thanh tịch, chán chốn quân quyền, quyết chí tìm đường đạo hạnh, hợp với ý nguyện của Phu tử, nên đôi khi lê la ở chơi cả ngày.
Về phía Vũ, sau khi Toàn Nhật lên phố Hiến thì chỉ đánh bạn được với Trọng Thức. Tuy hơn tuổi, Vũ vẫn gọi Thức bằng anh, kính trọng về học vấn, nhưng thâm tâm coi Thức chưa đủ kinh lịch rút ra từ cuộc sống. Vũ là dòng dõi trung thần từ đời Lê Thái Tổ, nhưng gia thế sau cứ lụn dần đi, và nay thì hầu như bần hàn giống như mọi người sống ở thôn quê, gia đình lấy chuyện cấy cày làm gốc. Vì thế, tiếng Thức noi gương Hứa Hành về làm ruộng, bỏ cả danh vọng, không thi cử hầu mong quan cách khiến Vũ ngấm ngầm tâm phục. Không nói ra miệng, Vũ làm cho Thức hiểu rằng chí mình không phải là đi cầu chút bổng lộc mà còn mang nhiều hoài bão khác hẳn giấc mơ của những tên thư lại trong đám lính tam phủ. Vũ vun vào với Thức, cao giọng bảo cái ăn cái mạêc của cả nước là nhờ ở nông dân, những cái nghèo cái đói lại cũng oái oăm đổ vào đầu họ. Chính sự bất công ấy là gốc của những cuộc nổi loạn như loạn Nguyễn Hữu Cầu hay Hoàng công Chất ngày xưa. Gần nhất là năm kia, năm Mậu Tuất, Trần Xuân Trạch cũng dấy quân lên hàng vạn ở khắp trấn Sơn Nam, khiến máu rơi thịt đổ ròng rã cả năm. Vũ chép miệng: « Rồi cũng lại máu xương của đám đi cầy. Con thầy chùa thì cứ quét lá đa thôi ».
Một hôm, Vũ dẫn một người tên Ðàm Xuân Thụ đến giới thiệu với Thức như là bạn tri âm của mình. Thụ vốn là người được sự tin cậy của thế tử Trịnh Tông, gốc gác cũng từ Nghệ An. Thụ nhắn lời thế tử mong gặp Thức đãi một bữa ăn tối. Cực chẳng đã, Thức nhận lời. Trong bữa ăn có cả Nguyễn Du, vì Du là em Khản, và Khản lại là thầy dậy học cho Tông. Câu chuyện xoay quanh chính sự. Tông hỏi:
- Theo sấm ký, nhà Chúa chỉ vượng được hai trăm năm mươi năm. Nay đã đến kỳ hạn. Vậy muốn hưng nhà Chúa thì làm sao ?
Thức ngẫm nghĩ, rồi đáp :
- Muốn có Chúa, tất phải có Vua. Nhà Vua nhà Chúa hưng thịnh có nhau. Vua hưng là do quần dân an cư lập nghiệp mà hưng. Gốc thịnh của nhà Chúa cũng từ ở đó mà ra.
Tông lại nói :
- Cha tôi nay ốm mai đau, nhưng chuyện lập Ðông Cung vẫn còn bỏ đó. Muốn cáng đáng nghiệp Chúa bây giờ là phải đối đầu với một đám quyền thần đang luồn lách đưa Chúa vào việc phế trưởng lập thứ. Bàn dân thiên hạ sẽ nghĩ thế nào ?
- Thứ mà còn thơ ấu thì lập thứ là tạo cơ hội cho đám quyền thần thao túng. Cứ xem gương những việc trước thì đó là mầm dẫn đến tai họa. Trong Kinh, đám thần tử cường ngạnh sẽ đâm chém lẫn nhau. Ở ngoài, giặc giã nhân đó lại nổi lên. Theo thiển ý, thế tử cứ yên tâm, ăn ở cho chu toàn chữ hiếu, chữ trung để bàn dân trông cậy vào là sớm muộn gì rồi chẳng bao lâu ngôi chúa lại về trưởng thôi. Ðạo trị nước gốc từ chữ Tâm. Tâm thuận thì tắc trị. Lòng thuận, ắt là theo. Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
Khi tạ từ, Trịnh Tông vẫn cứ băn khoăn, bồn chồn ra mặt. Ra khỏi cổng dinh, Du thoát được những câu chuyện chàng vốn không ưa, vui vẻ vừa đi vừa lẩm bẩm : «Thiện căn ở tại lòng ta; chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài », rồi cứ cười tủm một mình.
Trong thời gian đó, bệnh Trịnh Sâm vẫn không thuyên giảm, mỗi ngày lại có phần thêm nguy kịch. Tông xin vào thăm cha, nhưng không được phép. Ngay chính Thánh Mẫu là mẹ Sâm mà cũng chỉ có thể hỏi thăm bệnh tình qua quan thị, duy chỉ có Huệ và Lý là gần gũi Sâm lúc ốm đau. Vì thế, tiếng đồn là Sâm đã dâng biểu xin vua Lê lập Cán làm Ðông cung thế tử xì xào khắp chốn. Tông càng ngày càng bối rối, bực bội đi ra đi vào, không biết phải làm gì.
Một hôm, Tông vào Hậu Mã cung hỏi Lý về bệnh tình cha mình. Lý lạnh nhạt, trả lời cho có rồi khinh khỉnh quay đi. Tông vừa tức, vừa sợ. Rồi không hiểu vì lý do gì, Ðăng Khoa lại đánh người nhà của Tông giữa chợ, còn rủa chúng là bọn làm mất gia phong. Tông tâu xin trị Khoa tội phạm thượng, triều đình không xét mà cũng chẳng bắt Khoa xin lỗi. Tông càng căm, giận mất khôn, ra miệng chửi thẳng hai cha con Lý. Bọn người nhà thân cận của Tông là Dự Vũ, GiaThọ đều lo lắng, bàn là hễ chúa thăng hà thì cứ việc vây bắt ngay Lý và Huệ, rồi gọi quân hai trấn Tây, Bắc về tiếp ứng là đủ diệt cái mầm họa cho Tông ở kinh đô. Nghe xúi giục, Tông nhờ Khuê trung hầu đưa cho Ðàm Xuân Thụ một nghìn lạng bạc nhờ sắm sửa khí giới, đồng thời nhắn lên hai trấn Sơn Tây và Kinh Bắc nhờ mua ngựa và chiêu mộ dũng sĩ. Nguyễn Khản, Hiệp trấn Sơn Tây là thầy dậy Tông, còn Nguyễn Khắc Tuân, hiện là Hiệp Trấn Kinh Bắc, vốn giữ chức A Bảo của Tông nên Tông hết lòng tin cậy.
Không hiểu có ai tố cáo, chuyện vỡ lở ra. Quan Chánh dường Hoàng Tế Lý vào báo với Sâm. Sâm giận đòi trị tội Tông ngay, nhưng Lý can :
- Khải Chúa, thế tử tuổi còn non dại, nếu không có hai quan Hiệp trấn ở Tây, Bắc đằng sau thì chắc chẳng dám chiêu binh mộ sĩõ. Xin cứ lẳng lặng điều hai người đó về Kinh trước, rồi sau hãy xử tội, nếu không có thể xảy ra những biến họa khác không chừng.
Sâm nghe lời, gọi Tông vào giả trách mắng về chuyện học hành, đồng thời xuống mật chỉ vời Nguyễn Khắc Tuân và Nguyễn Khản về Kinh. Lúc ấy, Ngô Thì Nhậm, tự Hy Doãn, đương là Ðốc đồng Kinh Bắc cũng theo về. Tuân và Khản bị bắt ngay khi vào đến Thăng Long. Nhậm tìm đến dinh Khương Tả Hầu vào chuyện trò với Phu tử. Phu tử ghé vào tai Nhậm nói gì không ai biết, nhưng nghe xong, Nhậm tái mặt lại, than: « Không được, không được rồi ! ». Sau đó, Nhậm vái Phu tử rồi về quê ngay, lưu lại một tờ khải Chúa xin vắng mặt để lo việc tang ma cho cha mình là Ngô thì Sĩ. Nhậm vừa ra khỏi, một viên hành tẩu cấp tốc mang lệnh cho đội Hậu Dũng đang đóng ở dinh Khương Tả Hầu. Người thư lại của đội vào thì thào với Phu tử, trong khi đó lính đội Hậu Dũng đã trói gô Trọng Thức lại. Một lát sau, sáu người trong Nội Mật viện đến áp tải Trọng Thức về Thị Kỵ cung trong Nội phủ.
Tay bị bẻ quặt ra phía sau, đầu chúi xuống như đeo đá dưới bàn tay hộ pháp của tên cai ngục, Thức gập mình lách qua cánh cửa hẹp vừa đủ một người lọt. Phòng giam lờ mờ một thứ ánh sáng đục sệt, mùi mồ hôi ngai ngái như mỡ chiên cá ngột ngạt bốc lên, vừa tanh vừa lợ. Tên cai ngục tay nắm cổ Thức đẩy về phía trước, cứ bước một bước lại văng tục một câu. Qua hai dãy người ngồi kẻ nằm, chân bị cùm vào những chiếc gông dài khoảng tám thước chạy dọc phòng giam, tên cai ngục ấn Thức xuống, xẵng giọng :
- Duỗi hai chân ra, ngồi co lên.
Tiếng xích kêu loảng xoảng, tiếng gỗ đập chát chúa vào nhau, rồi một giọng khàn khàn ngay bên cạnh quát nhỏ :
- Nhẹ tay chứ, thằng chó... Ðau chân ông mày đây...
Tên cai ngục lầm lì không đáp lại, quay đầu đi thẳng.
Thức nhắm mắt định thần một lúc, rồi hé nhìn ra. Phòng giam rộng độ hai mươi thước vuông, nền bằng đất nện, vách bằng gạch cao gấp đôi đầu người, sát nóc là kẽ hở có đóng then gỗ để cho không khí và một chút lợt lạt ánh sáng hắt vào. Trong phòng dễ có ba bốn chục người bị cùm theo hàng dọc, cứ mỗi cái gông là cùm đúng ba người. Ở góc phòng giam, một tiếng ồ ồ cất lên :
- Bác gì mới vào đây đấy? Vào cùng hội này cho vui ! Ở đây giờ Ngọ được ra ngoài ăn cơm, đúng ba khắc lại vào. Ðến cuối giờ Dần là cơm chiều. Bác phải nhịn tiểu, đến giờ ăn ra sân tha hồ. Nói chuyện được nhưng nhỏ tiếng thôi. Ðầu giờ Thìn là cấm nói, cả làng đi ngủ ...
Tiếng ho húng hắng cắt ngang, rồi tiếng ồ ồ lại tiếp :
- Hàng quán đây cũng có, tiền có trao, cháo mới múc, trừ loại khách quen. Nước chè một chinh, thuốc lào thì sáu, rượu chén hạt mít tính mười... Cứ mỗi sáng, một bọn được thả cùm để lo việc phục dịch, ai đến phiên người ấy làm, tiền nộp lại cho bọn cai ngục. Chớ dại ăn quịt nó đáùnh cho què tay, què chân... Bác có gì muốn hỏi không ?
Trọng Thức chưa kịp trả lời, người cùm bên cạnh, kẻ vừa chửi tên cai ngục, giật giọng gọi to :
- ... Cho tớ cút rượu đãi ông bạn hàng xóm mới vào chiếu.
Trọng Thức quay sang cám ơn rồi từ chối. Người đàn ông chắc trên dưới sáu mươi, người xương xẩu, cao lớn quá khổ, râu tóc lởm chởm bạc thếch, ngồi thẳng dậy, mắt chòng chọc nhìn Thức :
- ...Thế thì bác chẳng ra cái giống nam nhi chúng tôi rồi.
Với tay lấy cút rượu vừa mang lại, ông hả mồm tu ừng ực một hơi, tay kia nắm lấy người xách rượu. Uống xong, ông ta chìa cái cút rượu ra trả, lần túi giả như tìm tiền, há mồm cười hềnh hệch, nói lớn :
- Chú lại ghi cho ta, bổng vua ta chưa kịp lấy, hà hà...
Ngồi dựa người vào vách, ông ta nhịp tay hát toáng lên :
Này con chim cánh đen,
mỏ vàng mày nhọn,
cựa vàng mày sắc.
Cái lồng nhốt mày bằng nan mục nát,
cứ phá cho tan, rồi bay ra, bay xa...
Tiếng hát nhỏ dần, im bặt và tiếng ngáy phì phò nổi lên như người kéo bễ. Người bị cùm phía phải Thức khẽ vỗ vào tay chàng, ra hiệu lặng im, rồi cũng nhắm mắt lại không nói năng gì cả. Thức thiếp dần trong cái oi bức tưởng ngọâp thở. Mồ hôi cứ ri rỉ nhớp nháp khiến chập sau Thức tỉnh dậy, lột áo ra gấp làm gối tựa đầu. Người bên phải thì thào :
- Cởi nốt cả quần dài ra, tí còn oi hơn nữa. Bác chuyển từ dưới lên ?
Chưa kịp trả lời thì người đó tiếp :
- ...Ở dưới thì chưa cùm chân...
Người đàn ông nãy vừa uống cút rượu bị cùm phía trái bỗng lại ồm ồm lên tiếng :
- ...Còn trên thì cùm cả tay, đến chỗ này chỉ cùm chân là dưới cái ở trên, nhưng trên cái ở dưới, hà hà... !
Thức gật đầu. Người đó lại xoay sang Thức :
- Bác tội gì ?
Thức cười mũi :
- Tôi chưa biết !
- Không biết tội mình là một cái tội. Nhiều khi là tội lớn hơn mọi tội đấy!
- Thế còn cụ ?
Người đàn ông vỗ đùi cười ha hả, rồi trỏ vào người bị cùm phía tay phải :
- ...Tội hả ? Thì bác cứ hỏi quan đây là Lãnh cơ trấn Sơn Nam ắt biết ! Tội của ông ấy là tội của tôi đấy! Còn ông ấy, cũng ngây ngô như bác, giả không biết tội, nên tội lại càng tầy đình.
Lãnh cơ Sơn Nam ngắt lời :
- Tôi là Nguyễn Quốc Chấn, vừa theo Tuân sinh hầu về đến cửa Tây thì bị Cấm binh bắt ngay, thật chẳng biết gì, tin tức với bên ngoài không có, lại chưa ai hỏi đến. Ông bên kia là Dương Quang, cùng làng với tôi ở Hải Hậu, nay sinh sống trên Sơn Nam... Còn bác ?
Thức tự giới thiệu, kể chuyện mình theo thầy về kinh được trên ba tháng nay, và đã có gặp Trịnh Tông trong một bữa cơm tối. Dương Quang ngồi im, nghe xong chép miệng :
- Thế ra bác là ông đồ cứng cổ làm ruộng ở La Sơn đấy! Nhưng chắc chẳng phải vì việc ấy mà bị bắt đâu. Gặp thế tử Tông, bác bàn chuyện gì ?
- Thật mà thưa, chẳng có chi đáng kể ! Thế tử hỏi gì, tôi biết thì cứ thẳng mà nói, thế thôi !
- Nói thế nào ?
Thức thuật hết đầu đuôi, rồi nhắc lại :
- ...vậy Thế tử cứ yên tâm, ăn ở cho chu toàn chữ trung chữ hiếu để bàn dân trông cậy vào...Ðạo trị nước gốc từ chữ Tâm. Tâm thuận tắc trị.
Nghe đến đấy, Dương Quang nhanh tay quơ sang chẹn lấy mồm Thức, tru lên :
- Vẫn cái giọng ấy, nghe nói thối như cứt ... Thôi, cái này nói thì chẳng ai nghe. Bác nói thế, cũng chẳng ai thèm bắt bác, bác thầy đồ dở hơi kia ơi ! Ðúng, đúng là thối... Còn nói chuyện với nhau, bác đừng giở giọng nhân nghiã sách vở kiểu đó ra với tôi nữa, tôi nghe tôi nổi cơn lên thì ... thì tôi bóp cổ cho chết sặc.
Dương Quang năm mười lăm tuổi bỏ nhà đi theo Nguyễn Hữu Cầu, người dân miệt biển từ Hải Dương đến Yên Quảng gọi là quận He. Cầu tự xưng là Tổng Quốc Bảo Dân Tướng, kéo theo cả vạn người dấy binh chống lại đời Chúa trước là Trịnh Doanh. Ba mươi năm trước, Cầu bị nội phản, chạy về Nghệ An thì bị tướng Trịnh là Phạm Ðình Trọng đuổi bắt được. Dương Quang thoát vây, chạy về với Hoàng Công Chất, lúc ấy chỉ huy nghĩa binh vùng Hưng Hóa. Chất cầm cự với quân Trịnh trên dưới gần được ba giáp, chết già, để con là Toản lên thay. Toản tính nhỏ mọn, vừa nắm quyền là tìm cách loại Quang khỏi hàng ngũ. Quang phải chạy sang Quảng Ðông, từ đó lưu lạc qua Hương Cảng, Tân gia Ba, Phù Tang, đến Xiêm La, rồi Vạn Tượng. Ðến tuổi tri thiên mệnh, Quang mò về làng. Ðâu chỉ tháng sau là quan nha đã rình mò, sau đó Nguyễn Quốc Chấn, lúc ấy đã là Lãnh cơ ở Sơn Nam gọi Quang bằng dượng, phải về can thiệp mang Quang lên chỗ mình trấn nhiệm. Mấy năm về đây, Quang suốt ngày đánh bễ, luyện thép làm nòng súng. Ai hỏi để làm gì thì Quang chỉ vào lò lửa đỏ rừng rực, hề hề cười bảo : « Ðấy, tương lai đấy » . Người ta lại đồn là khi đi làm loạn, Quang đào dấu được đâu một kho tàng to bằng kho của nhà Chúa. Khi có kẻ tò mò thóc mách, hỏi gần hỏi xa, Quang lại chỉ vào bễ, giọng nửa bí mật, nửa khôi hài : «Thì đấy, nó là vàng là tiền đấy ! ».
Hai hôm sau khi nói chuyện với Trọng Thức, Quang ngày nào cũng ngủ vùi, khi tỉnh thì chỉ ư ử hát, chẳng buồn để ý đến ngoại cảnh. Sáng ngày thứ ba, Quang chợt khều tay Thức hỏi :
- Chú em có giận gì anh không ? Hôm nọ anh nói nặng, chắc chú em không quen nhỉ ?
Thức ngạc nhiên nghe cách xưng hô thay đổi, lẳng lặng lắc đầu. Quang ghé vào tai Thức thì thào :
- Nói rằng « Tâm thuận tắc trị » là rỗng tuếch rỗng toác. Làm chó gì có chuyện ấy. Tâm là tâm ai, tâm bao nhiêu mạng chúng sinh để mà thuận rồi trị. Mà trị là trị thế nào ? Trị dính gì vào tâm con người ? Người bị trị mà không thấy trị, tức là tâm không vì trị mà động. Không động mới thật là thuận. Như thế ắt « tắc trị » à ? Vậy có khác gì phóng nhiệm, để mặc tự nhiên, «vô vi nhi trị ». Nhưng muốn nhi trị thì phải trị từ lúc vô thủy vô chung. Bây giờ, đầu chúng sinh chập chùng chồng chất những xấu xa từ bao thế hệ nay. Liệu còn cách gì đưa con người về cái hồn nhiên con trẻ tự gốc nó là thiện nữa? Thôi đi chú em ơi, đó là chuyện tầm phào, tâm thuận vô phương mà có được. Còn tắc trị ư ? cứ cho roi cho vọt, sui thằng bần đánh thằng hàn một chặp, rồi chặp sau lại bảy thằng hàn đánh thằng bần, là xong, ha ha ha...
Thức chăm chú nghe Dương Quang, rồi từ tốn :
- Tâm thuận rút lại là người người đều thấy vua ra vua, quan ra quan, cha ra cha, con ra con. Quân, Thần, Phụ, Tử đâu ở đó, cư xử cứ đúng tam cương ngũ thường, lấy đó làm hòn đá tảng dựng nền để xây lại đời Nghiêu, đời Thuấn.
- Ðược. Cứ cho là vậy. Nếu vua không ra vua, quan không ra quan thì sao ? Ai đặt ra vua ra quan ?
- Vua mang thiên mệnh, đến từ lòng trời. Vua đặt ra quan. Vua không ra vua thì dùng lời ngay mà khuyên, quan không ra quan thì lấy lẽ phải mà thuyết.
- Lòng trời ? A ha ! Thế khi Thái sư Trần Thủ Ðộ bẫy xập chết hết ba trăm đứa tôn thất nhà Lý rồi ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh là lòng trời ư ? Ai đo được lòng trời ? Chứng cớ gì mà gọi là lòng trời ? Ăn cắp con gà con vịt, bị bắt trói gô lại, đánh năm mươi trượng là trị tội ăn cắp vặt. Ăn cướp con trâu con bò, đánh hai trăm trượng, tịch biên nhà cửa là trị tội cướp cạn. Làm giạêc chiếm dinh, chiếm quận, lấy sưu lấy thuế thì xử tử, là trị tội phản tặc. Còn lấy đứt đi cả một triều đình, lại giết cả ba họ nhà vua để tiện miệng xưng vương xưng đế, thì các vị khoa bảng chữ tốt văn hay lại hoa mỹ gọi là thiên mệnh, cứ thuận lòng trời mà làm, ha ha ... Rồi xua quân đi dùng sức mạnh mà cướp cả nước Chàm, đuổi dân người ta chạy vào rừng xanh núi đỏ, thì mình vỗ tay reo là mở mang bờ cõi, cái thế anh hùng. Chỉ có Vua mới làm được việc ăn cướp như thế, lại thế thiên hành đạo, nên chính cái việc cướp bóc đó cũng là bởi lòng Trời... Dương Quang nhổ nước bọt, giọng khinh bạc, tiếp...Cứ qui tất cả vào thiên mệnh cho gọn, ha ha... mà thiên mệnh thì tránh thế quái nào được, phải không chú em ?
Còn cái lũ quan quyền. Chúng lập thân từ khoa bảng từ chương, tập tành miệng lưỡi ngay hồi tấm bé, chuyên đánh đĩ, tán tỉnh, nói theo, nói hớt. Ít đứa dám tự mình suy xét, luận ra lẽ trái lẽ phải bằng cái đầu của chính chúng nó. Cứ vứt cái gì ra cho chúng nó ăn, tất chúng nó vỗ tay tán tụng rồi xì xào là ân với đức. Thời loạn lạc, vừa vứt cho ăn vừa hứa hẹn là sẽ còn thêm, có đứa cũng liều mạng vào nơi hiểm nguy để ra cái điều công lao hãn mã. Ăn bằng mồm thôi chưa đủ, lắm đứa còn nhấp nhổm lưu danh để tiếng cho đời. A ! bọn này tinh tế hơn, không bạ gì nuốt nấy, hậm hực cao rao đạo lý, chơi kiểu mồm miệng đỡ chân tay...
Dương Quang ngưng nói, tay vân vê vài sợi râu bạc thếch, thở dài :
- ... Về phần đám dân đen thấp cổ bé miệng, nào là sưu là thuế, nào là sai là dịch, bắt đinh bắt lính. Với dân, đám có quyền có bính cứ mềm nắn rắn buông, bởi lẽ không buông thì cùng quá hóa giặc. Lúc ấy được làm vua. Còn thua ư ? Là mãi mãi giặc. Từ năm mươi năm nay, lúc nào cũng giặc, giặc lớn có, giặc nhỏ đầy rẫy kể không xuểå. Năm Mậu Thìn, ta mang tiền quân cụ Quạân He đổ vào bến Bồ Ðề ven Thăng Long.Thủ lĩnh Lân cầm chân được binh nhà Trịnh trên Sơn Tây và Kinh Bắc, chặn đường cứu viện của bọn Phạm Ðình Trọng và Hoàng Phùng Cơ. Quân ta vây chặt phủ Chúa, đợi quân bộ cụ Quận từ miệt Sơn Nam kéo vào là đánh. Cụ Quận hai ngày sau mới tới được, mặt mũi rám thuốâc đạn, mừng mừng tủi tủi hỏi ta về binh tình. Ta ước chỉ một ngày là dẹp xong đám quân phủ Vua phủ Chúa mà thôi. Ta hỏi lại : «... Ðánh xong, chủ tướng làm gì ? ». Cụ Quận ngẩn người ra ngẫm nghĩ rồi nói : « Ta không định làm Vua... Ta không biết làm Vua bây giờ để làm gì .. ». Ta nói với cụ : « Chiếm được nhưng giữ thì không dễ, mà giữ lại không muốn làm Vua thì vô lý lắm ». Cụ Quận suy đi tính lại rồi bảo : « Ta cũng không định làm Chúa, làm Chúa người ta chửi cho » rồi cụ quyết định rút quân. Về đến căn cứ, ta hỏi : «... Chẳng lẽ cứ làm giặc mãi à ?¨ » thì cụ gắt nhặng lên : « Thời này mày không làm giặc thì làm gì ? ». Ta bạo miệng nói : « Chủ tướng làm Vua thì Dương Quang này chỉ xin đi điều người đắp đê sông Nhị cứu lụt. Mỗi năm mỗi lụt dân đói dân khổ lắm ...» Mắt cụ Quận sáng lên, rồi bỗng tối xầm lại : « Tiên sư nhà mày, sao không nói lúc ở Thăng Long ? Giờ muộn mất rồi còn gì ! ».
Dương Quang lại im tiếng, tay đánh nhịp vào vòng xiềng buộc đầu gông, nhắm mắt đắm người vào cái quá khứ vừa được đánh thức dậy. Chập sau, ông lại se sẽ hát, rồi thiếp ngủ đi lúc nào chẳng ai biết.
Sau những buổi trò chuyện với Dương Quang, Trọng Thức ngày càng rõ ra là kiến thức của mình chỉ rặt những thể loại trừu tượng, những mẫu mực lý tưởng đã định sẵn. Trước những câu Quang luôn miệng hỏi là tại sao ? làm thế nào ? và để cho ai ? thì Thức lúng túng nói quanh, rút cục đành nhận cái thiếu xót hiển nhiên đó. Với những kẻ ra làm quan vỗ ngực đóng vai cha mẹ của bàn dân, thứ thiếu xót này tựa như vực thẳm, mênh mang đến chóng mặt. Quái lạ, sao lại không một ai đề cập đến nó từ bao nhiêu thế hệ nhà Nho ở cái xứ sở này nhỉ ?
Ban đầu, Thức chỉ cho rằng Quang lịch lãm, từng trải, nên Quang hẳn có loại kiến thức thực dụng. Về sau, Thức biết mình lầm. Từ ngạc nhiên nay đến ngạc nhiên khác, Thức lờ mờ đón nhận từ Quang một cách suy nghĩ dựa trên những phê phán rất độc lập. Khác hẳn với cái biết của Nho gia lâu nay khô sượng rập khuôn, nó sống động, táo tợn, đôi khi mới mẻ đến bất ngờ. Suy nghĩ đó đang thai nghén để định hình nên lại càng vô cùng hấp dẫn, quyến rũ tri thức vào những vùng đất cấm của thời đương đại.
- Quân, Sư, Phụ - Quang cao giọng - chẳng qua là một cách áp bức tinh vi đến độ những kẻ bị áp bức sẵn sàng chết để bảo vệ chính sự áp bức đó. Ðừng hỏi vua là ai vội. Trước tiên, Vua là gì ? Là cái chính chúng ta - lũ bàn dân - đặt lên ngai, trao quyền, tung hô là Vua. Ðó chỉ thuần là định danh. Còn thực thế nào ? Ðịnh danh Vua xong, ta co lại định phận cho mình : ta là phận dân ngu, cúi mặt xuống đất đen, đợi ơn mưa móc từ cái ta vừa định danh. Rồi ta cong lưng quị gối xin rằêng Vua là minh quân ! Làm sao có được minh quân ? Bàn dân bấy giờ chắp tay cầu Trời khấn Phật : có ư, có là bởi may, nếu không, ấy lại do thiên mệnh đã định cả. Khổ một nỗi, minh quân đời nào cũng hiếm. Sao vậy? Bởi ta chưa biết cách, bàn dân chưa biết cách tạo ra minh quân ! Này chú em, chú phải tìm ra cái cách gì mà khi bàn dân đã nhận là Quân thì Quân ắt phải Minh...Phải chăng quân thần chẳng qua là một định ước của toàn bàn dân thiên hạ về quyền hành giới hạn cho một người, hay thậm chí một số người, để làm cái công việc mà mỗi cá nhân người dân không thể, hay không muốn, trực tiếp làm. Tóm lại, đó chỉ là một công ước về sự ủy nhiệm. Tối thiểu, cái công ước đó phải đảm bảo người được ủy quyền không biến dạng ra kẻ thống trị, và người trao quyền - là bàn dân - không phân hóa thành kẻ bị trị. Cứ thế, quân ắt phải minh chính là do qui chế của cái công ước bàn dân cùng định. Không đủ minh thì chính cái qui chế vừa nói sẽ định cách thế quân...
Ngưng nói, Quang trầm ngâm một lát, rồi tiếp tục thì thào như tâm sự :
- Chú em ạ ! Quân mà muốn cho Minh thì phải tuyệt đối tránh tập trung quyền sinh quyền sát vào tay một số người, nhất là khi họ có khả năng bám giữ quyền lực một cách vô hạn định. Thời gian và quyền lực trộn lại là độc tố tiêu mòn mọi đạo đức. Thậm chí, nó có thể giết sạch tính người, và từ đó xóa sổ luôn cả xã hội : những con người bị áp bức cứ dần dần đánh rơi mất nhân tính hòng tồn tại, một thứ tồn tại thuần theo bản năng của mọi loài động vật...
Một buổi sáng, cai ngục vào gọi Thức ra cho gặp người nhà vào thăm. Thức đoán là Phu tử, hỏi nhưng tên cai ngục chỉ giục :
- Nhanh lên, ra ắt gặp...
Ðưa Thức đến một gian ở chái sau trong ngục, hai tên đầu trâu mặt ngựa lực lưỡng đã đợi sẵn hất hàm ra lệnh bắt Thức cởi hết quần áo. Trần truồng như nhộng, Thức bất ngờ bị một cú đấm vào giữa mặt. Thức cắn răng, nỗi nhục nhã đau không kém gì những cái đá, cái đạp, cùng những tiếng chửi tục. Một tên răng vổ chửi « ... Cha tiên sư mày ! » rồi quay vòng thúc cán gậy vào trán Thức. Xây xẩm, Thức thấy một nghìn con đom đóm trong mắt bay ra, ngã phục xuống thềm đất ẩm ướt. Máu trên trán Thức tóe ra, phun có vòi, lai láng chảy xuống mũi, xuống mồm. Ðầu lơ mơ, Thức nghe văng vẳng « ... nhẹ tay chứ. Nó chết là mày phải tội đấy ».
Gần trưa, chúng nó dìu Thức ra phía sân trước. Người đến thăm Thức là Ðặng thị Mai. Mặt mũi sưng vù, thâm tím, trán toác ra, máu còn nhỏ giọt qua nắm thuốc lào rịt vào chỗ đánh, Thức vẫn gượng cười gật đầu chào Mai. Xanh như tàu lá, Mai nén cơn sợ hãi nhìn Thức. Xin một thau nước, Mai nhúng khăn ướt, lẳng lặng lau máu trên mặt Thức, lòng vừa thương xót, vừa căm giận, nước mắt ứa ra.
Thức ghìm cơn đau hỏi thăm tin Phu tử. Mai gửi lời Phu tử nhắn Thức rằng không phạm tội thì tuyệt đối không bao giờ nhận tội gì cả, sống chết có số, chẳng có chi mà sợ. Lần này, nghe đến hai chữ số mệnh, Thức miệng rách toạc mà vẫn ngoác ra không nhịn được cười, mồm cười như mếu, khiến Mai không hiểu gì, đã sợ lại càng sợ. Chia tay, Mai nắm lấy tay Thức dúi vào một bọc vải, mắt nhìn như thể gửi gắm một điều gì chẳng thể nói ra miệng.
Thức bị lôi về phòng giam, lại ngồi cùm, gượng cười với Quốc Chấn và Dương Quang. Quang chửi tục, xé một mảnh áo, gọi lớn « ... mang cho ít thuốc lào đây ». Rịt thuốc lại, rồi băng bó cho Thức, Quang vừa làm vừa hỏi đầu đuôi. Thức nhịn đau, kể lại lời nhắn của Phu tử. Quang trầm ngâm một lúc rồi bảo :
- Chúng nó đánh chú em là để làm áp lực trên Nguyễn Thiếp ! Áp lực gì chú em có đoán ra không ?
Thức trả lời :
- Chắc việc phế Tông lập Cán !
Dương Quang lắc đầu:
- Không cần thế ! Bắt Tông rồi, lại bắt luôn cả Nguyễn Khắc Tuân và Nguyễn Khản, thì việc phế Tông coi như đã xong.
Thức xòe tay mở bọc vải Mai đưa. Trong bọc vải là một chục quan tiền, và một tờ giấy, soi ra sáng có ghi hai chữ Trung Nhu. Thức hỉ hả vỗ vai Quang :
- Em có tiền cho hai bác uống rượu đây !
Dương Quang vẫn lầm lì bất động. Một lát sau, Quang bỗng phá lên cười sằng sặc :
- Ta hiểu rồi ! Quang hạ giọng - không sao đâu, chú em ạ ! Nguyễn Thiếp thừa sức suy ra được. Chúng nó mang chú em ra xử là thế dương đông kích tây, nhắm vào Nguyễn Thiếp buộc làm một điều gì đó. Chú nhớ cứ một mực cứ kêu mình vô tội nhé, hà hà...
Ôm lấy vai Thức rồi chồm người về phía Quốc Chấn, Quang nói to :
- Có tiền chỉ để có rượu, có thuốc. Chú uống với anh chai này đánh đố với ông xanh xem sao nhé. Bớ rượu đâu, mang cả chai đến đây... Nợ ta trả hết một thể... Chú em cũng làm một chén với anh. Ha ha, nợ nào ta cũng sẽ trả... ha ha ha...
Một chập sau, những người tù bị giam chung lại nghe tiếng Dương Quang ồm ồm hát : Này con chim cánh đen.... mỏ vàng mày nhọn... cái lồng nhốt mày bằng nan mục nát ... cứ phá cho tan , rồi bay ra, bay xa...
Khoảng một tháng sau ngày tốâng giam, Chúa giao cho Nghĩa Phái hầu Lê Quí Ðôn hiện là Ðồng tham tụng tra xét Tông, Khải, Khắc Tuân và bè đảng của Tông, trong đó có một số thư lại thuộc lính tam phủ như bọn Trần Nguyên Nhưng, Mai Doãn Khê, Nhưng Thọ ... Ðến lượt luận tội Thức, quan Ðồng tham tụng nghe tiếng nên tiếc tài, giả vờ quở :
- Ngươi mới đặt chân tới Kinh Kỳ, ở chốn thôn dã nên dễ bị người lung lạc, cứ biết sao nói vậy, thật thà kể ra hết thì giảm tội.
Thức thuật lại mọi chi tiết trong bữa tiệc Tông mời buổi tối cách đây hai tháng. Quan định tâm tha nhưng viện Nội Mật đòi Thức đối chất với Ðàm Xuân Thụ. Thụ kể :
- ... Trọng Thức còn xướng lên : « Chữ Binh kia mới bằng ba chữ Quyền » và bảo riêng với tôi rằng cái xương sống của quyền lực nằm dọc theo lưng lưỡi kiếm.
Thức lắc đầu cười nhạt không nhận. Người của Nội Mật lại khai rằng năm xưa có tin Thức định làm loạn. Chính Nguyễn Khản đã can thiệp với Hiệp Trấn Nghệ An là Hoàng Tế Lý để bỏ cái lệnh cấm Thức không được ra khỏi hai huyện Thanh Chương và Thanh Oai. Ngày nay, bám được vào Tông với Khản, Thức chẳng qua lại ngựa quen đường cũ nên nài quan Ðồng tham tụng định tội mưu phản. Nhìn thẳng vào mặt Ðàm Xuân Thụ, Thức hỏi :
- Ông xưng là gia nhân thế tử Tông đến mời tôi, lúc ấy ông đã làm trong Nội Mật viện chưa ?
Không đợi Thụ trả lời, quay sang Lê Quí Ðôn, Thức tiếp :
-Trình quan, viện Nội Mật buộc ai thì người đó không cũng thành có tội, tha thì có tội lại thành không. Kẻ tiện dân là cá nằm trên thớt, quan xử thế nào cũng chỉ là chuyện để phiếm mà thôi.
Quan Ðồng tham tụng ngại ngùng rồi tạm hoãn việc định tội lại.
Ngay buổi chiều sau ngày luận tội Trọng Thức, Phu tử đòi gặp quan Chánh dường Hoàng Tế Lý. Khác mọi lần trước, Lý bắt Phu tử đợi đến lúc mặt trời xế bóng mới mời vào điện Hậu Mã, nơi Lý đến nghỉ ngơi sau khi chầu Chúa. Lạnh lùng, Lý đưa tay mời ngồi, không nói năng gì. Phu tử nhìn vào mắt Lý một chặp, rồi chậm rãi đi thẳng vào câu chuyện giằng co với công việc nhà Chúa từ ngày đến đất Thăng Long :
- Trăm họ, kể cả họ Nguyễn ở La Sơn đã hơn hai trăm năm nay ăn lộc của Vua của Chúa. Xưa, đức Trạng Trình đã dặn « muốn ăn oản thì phải thờ Phật ». Cách đây hai năm, Chúa đã sai Vũ Trần Thiệu sang cống hiến nhà Thanh, mật biểu rằng con cháu nhà Lê không còn có ai xứng đáng để nối dõi nghiệp Ðế. Quan Chánh dường thừa biết là Thiệu đến Ðộng Ðình hồ thì nuốt biểu vào bụng rồi uống thuốc độc mà chết, tránh cho nhà Chúa cái chuyện đại nghịch. Nguyễn Thiếp tôi dẫu ngu muội cũng không thể nào không lấy đó làm tấm gương cho mình, nên dù cả họ phải chết để giữ toàn tiếng cho Chúa cũng đành chịu chứ có xá chi một mạng Trọng Thức ! Như vậy, bắt tôi đồng lòng soán ngôi nhà Lê thì nhất quyết là tôi không...
Phu tử ngừng nói, nâng tách trà uống từ tốn, rồi tiếp :
- ...Phần Trọng Thức, tôi vừa là thầy, lại vừa là bác nên nó bị Nội Mật viện khải tội thì tôi chỉ còn biết dậm chân kêu trời, xấu hổ không dám nhìn Chúa, xin ông tâu Chúa cho Thiếp này về lại nơi thôn dã.
Phu tử đứng dậy, vòng tay chào, cười nhạt :
- Nếu chính là ngài bắt tội họ Nguyễn ở La Sơn thì chừa ra Toàn Nhật. Không biết đích thực bố nó có phải họ Hoàng không, nhưng mẹ nó là người họ Võ. Võ thị đã trầm mình trong dòng Lam Giang khi thằng bé mới đẻ, tôi đem nó về nuôi khi lên mười là nuôi hộ cho bố nó đấy !
Lý mặt sầm lại, gượng gạo mời Phu tử ngồi, song gằn giọng :
- Việc soán thì thôi. Còn việc phế Tông lập Cán ?
Phu tử ngẫm nghĩ , rồi lắc đầu chán nản thở dài :
- Việc đó cứ coi là việc riêng nhà Chúa,Thiếp này là kẻ tiện dân nên muốn hay không cũng chỉ cắn răng cúi đầu ngậm miệng.
Mươi ngày sau, Trịnh Sâm vời đủ mặt đông đảo quan thị trong triều, khóc như thói quen của những người có cái quyền định đoạt sinh mạng kẻ khác lúc sắp sửa giết ai. Lấy khăn chấm nước mắt, Sâm phán: « Tông và bè đảng đều phạm tội đại nghịch, theo sách Xuân Thu thì lẽ ra là phải xử chém. Song nghĩ tình máu mủ, nay không bắt chết nhưng đánh xuống làm conn «út » giam vào Nội phủ. Hồng-lĩnh hầu, Tuân-sinh hầu và Khê-trung hầu đều là công thần đã theo ta từ thuở mới chấp chính nên cho phép được tự xử chứ không mang chém. Kỳ dư, bè đảng của Tông cứ theo định tội mà làm, không được giảm xá ».
Lê Chính giữ một chức quan nhỏ trong Lượng phủ ra quì tâu: « ...có những kẻ đã dồn Thế Tử vào đường cùng cho mới nên nông nỗi ». Trịnh Sâm gạt tay không cho Chính nói tiếp. Khi tan chầu, Lý đợi Chính ở cửa phủ, nhìn vào mắt, khen « Cậu rõ là người khôn ngoan », tiếng cậu là tiếng chỉ quan thị dưới đời Lê-Trịnh. Ngay hôm sau, Chính mang cả gia đình trốn nhưng bị người trong Nội Mật viện bắt lại. Lê Chính tự tử nhưng được cứu không chết, năm sau mới ra khỏi ngục trong buổi loạn Kiêu Binh.
Khản làm một bài văn Nôm lén chuyền được vào cho Chúa, kể lể tình xưa nghĩa cũ với Chúa. Trịnh Sâm đọc xong, nhớ lại cái thuở Khản hết lòng phò mình, ngần ngừ rồi cuối cùng giảm án cho Khản, không bắt chết mà chỉ giam vào dinh Quận Châu. Hoàng Tế Lý rất bực bội, nhớ lại chuyện Khản và Ðĩnh định hại mình cách đây dăm năm. Lý biết lỡ dịp này thì khó diệt được Khản nên vào nói nhờ Thị Huệ can thiệp. Sâm khăng khăng ý mình. Thị Huệ giựt viên ngọc quí Sâm lấy được khi vào chinh chiến Ðàng Trong vẫn đính trên áo ngự quăng xuống đất, miệng gào khóc kể lể. Sâm cuốâng quít, làm hề chọc cười Huệ, nhưng Huệ lại càng khóc to hơn nữa. Cuối buổi tối hôm đó, để cho Huệ vui lên, Sâm đành hứa gả con gái là công chúa Ngọc Lan cho Ðặng Mậu Lân, tên hung thần mắt cú.
Ít lâu sau, Tuân sinh hầu và Khê trung hầu đều uống thuốc độc tự tử. Về phần Trọng Thức, có mọât người lạ mạêt nhận là kẻ phục dịch cho Tông ra phản cung Ðàm Xuân Thụ. Viện Nội Mật cũng thôi không o ép nên Thức xem như trắng tội.
Ngày Thức được thả ra là ngày mười sáu tháng chín. Hôm ấy cũng là ngày đao phủ đem chém dư đảng của Tông, đếm ra đúng chín mươi bẩy nhân mạng. Pháp trường được đặt trên mặt đê Yên Phụ, cách chùa Trấn Quốc chừng non một dặm. Buổi sáng, quạ không biết từ đâu về đậu đen đặc bờ tả ngạn sông Nhị, quang quác lên đến rách toang màng nhĩ. Trời xuống gần đất và mây xám xà vào đậu trên những vòm cây rũ rượi dưới trận mưa phùn đã kéo lê ròng rã ba ngày. Chính Ngọ, bàn dân ai nấy giật mình nghe thấy một tiếâng nổ như sấm động, sau người hàng phố thì thào với nhau rằng núi Hùng tự nhiên sụp xuống gần hai mươi thước.
Thức lẩn vào đám đông, mắt ngóng lên đài chém, , vết thương trên trán nay đã thành một vết sẹo chạy đâm xuống chân mày, cứ giật lên mỗi lần chàng lo hay phải tập trung suy nghĩ. Lạy trời, Thức thầm nhủ, lạy trời là thoát. Lòng chập chờ hy vọng, Thức nhướng người nhìn, mong không có bóng dáng Dương Quang trong đám tử tù.
Hai ngày sau trận đòn hôm Mai vào thăm, Thức bị chuyển phòng. Khi chia tay, Dương Quang chỉ kịp nhìn Thức bùi ngùi : « ...chú em thoát được thì vào Ðàng Trong, rồi đi xa để học cái tốt người ta mang về mà giúp đời. Nhớ nhé, một là tránh cho bằng được cái học rỗng tuếch, thứ là chớ có sa vào bất cứ khuôn mẫu ép buộc nào, kể cả Quân-Thần, Sư-Môn, Phụ-Tử, Phu-Thê nếu nó là ép buộc. Ðời ta, ta chỉ trọng độc có một cái là tình bạn mà thôi ! ». Từ đó, Thức bặt tin Dương Quang, nhưng mỗi khi nhớ đếùn, Thức lại bồn chồn lẫn đau xót.
Ðám tội phạm bị trói giật cánh khuỷu, xếp hàng bước theo chân nhau, lặng lẽ đi như đám ma chơi sau khi ăn cháo thí lễ cúng cô hồn. Trong đám đông đã có dăm ba tiếng chửi tục và tiếng nức nở kêu oan. Chợt tiếng hát ở đâu đây oang oang lên như lệnh vỡ :
Này con chim cánh đen,
mỏ vàng mày nhọn,
cựa vàng mày sắc.
Cái lồng nhốt mày bằng nan mục nát,
cứ phá cho tan,
rồi bay ra, bay xa...
Nhạc bát âm từ đâu chợt vẳng lên, gần lại, và chỉ trong giây lát ai cũng nghe rõ tiếng sênh tiền. Bụi cát bay mù mù, rồi cờ quạt phần phật rợp kín cả trời, lính tráng rầm rập nện chân trên đê như đi dận đất chống lụt. Một người đàn bà cùng ba đứa con còn nhỏ chạy ào vào ôm lấy chồng lấy cha. Tiếng quát tháo, tiếng đấm đá thình thịch, tiếng chửi, tiếng khóc. Ðàn quạ bay lên lượn qua lượn lại kêu phụ họa với hồi trống cái đã thì thùng dọa nạt. Chập sau, tiếng những người đao phủ rống lên với nhau bài hát trước khi chém đầu như đi hát đúm:
Tiếng loa vừa dậy.
Hồi chiêng đã mau.
Sống chẳng thù nhau.
Chết không oán nhau
Tiếng hát được nhịp theo bằng tiếng rơi bình bịch như tiếng những quả mít cuối mùa lìa cành rụng xuống trong cơn gió dữ.
Khi điệu Nguyễn Quốc Chấn, thủ hạ của Tuân sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân, ra chém thì trời tối sầm xuống. Chấn gào lên « Trời không có mắt, triều không có quan, để ta chết oan. Hãy để bút giấy vào tay áo ta cho ta xuống kiện với Diêm Vương » rồi nhất định không chịu quì. Ðao phủ hươi đao, đầu Chấn rơi xuống đất nhưng người vẫn trơ trơ không ngã, phải khiêng ra như người ta khiêng một thân cây cứng nhắc.
Ðó là vụ án Canh Tý được ghi lại trong Biên Niên Lịch Sử Cổ Trung Ðại như sau:
1780-(Canh Tý)
Tháng 9 âm lịch. Cung phi Ðặng Thị Huệ được Trịnh Sâm sủng ái muốn giữ ngôi Chúa cho con là Trịnh Cán. Con trưởng của Sâm là Trịnh Khải mưu cùng Ðàm Xuân Thụ, Nguyễn Lệ trấn thủ Sơn Tây, Nguyễn Khắc Tuân trấn thủ Kinh Bắc, khởi binh giành ngôi Chúa. Việc vỡ lở, Sâm bắt giam Khải và một số người đồng mưu.
Dĩ nhiên ai cũng hiểu Khải còn có tên là Tông, và Lệ là Khản. Không ai nhắc đến vai trò của Huy quận công Hoàng Tế Lý. Không ai lưu ý rằng Thụ được phong Hầu sau vụ án. Và nhất là chẳng có một người nào, cả thời xưa lẫn thời nay, quan tâm đến đám chín mươi bẩy người tội phạm.
Ngày hành hình trong vụ án năm Canh Tý, nước sông Nhị lại thêm một dịp đỏ hơn trước và đàn quạ hôm sau không biết bay về đâu. Cho đến hết đời Tây Sơn, cư dân sống ven sông Nhị thỉnh thoảng lại nghe văng vẳng tiếng hát về những cánh chim. Không biết Dương Quang, họ đồn rằng đó là oan hồn Nguyễn Hữu Cầu hiện về hát khúc « Chim trong lồng » do chính ông trứ tác khi đợi ra pháp trường hơn hai mươi năm về trước.
Tối hôm chém đầu chín mươi bẩy người tội phạm, mặt trăng sợ không dám ló hết ra. Trăng mười sáu mang hình lưỡi liềm cứ lơ lửng giữa trời đe dọa.
Hơn hai trăm năm sau, mặt trăng ấy vẫn chưa tròn. |
|
|