Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Gió Lửa Tác Giả: Nam Dao    
Gió chướng

    Hai hàng bạch lạp hắt lên vách tường bằng gỗ hương những bóng người, hình dạng và kích thước thay đổi tùy theo vị trí, lúc tản ra rồi khi lại tụ lại, như đang chơi trò cút bắt. Tiếng trống canh vẳng lại, xa vắng, tắt lịm trong cơn gió thốc vào cửa thành Nội, nghe u ú như tiếng kêu bị sặc trong cuống họng. Quấn chăn bông chung quanh cái thân thể bé xíu của Quang Diệu mới được ba tháng, Ngọc Hân nhìn bà nhũ mẫu, cười đắc thắng :
    - Già xem, lấy chồng sáu năm, đẻ cho ba đứa. Lại ba đứa con trai. Còn sức, còn đẻ. Càng đông càng tốt. Dẫu mang họ Nguyễn, nhưng một nửa vẫn là dòng máu nhà Lê. Nghiệp nhà không giữ được hết thì giữ một nửa. Mai này vào bình định miền Nam, đất nước gấp hai lên thì dẫu nửa cơ nghiệp bây giờ cũng chẳng mất mát gì so với cả cái cơ nghiệp xưa.
    Lẳng lặng đi ra mở cửa sổ, Hân đưa mắt nhìn trời. Xa tít tắp, ngôi sao Bắc đẩu nhấp nháy như chào gọi trong vòm sáng pha lê bí ẩn từ muôn đời vẫn chứa chấp bao nhiêu là toan tính giữa những tình cờ run rủi. Một cơn gió thoáng có chất nồng của muối biển ở đâu thốc vào. Nhũ mẫu đến bên Hân, nói như than :
    - Lại gió chướng. Hạâu khoác thêm cái áo, kẻo ốm.
    Hân cáu bẳn :
    - Dặn mãi, già không chịu nghe ! Gọi Hân, già cứ gọi là công chúa như xưa. Hậu hiếc gì ...
    Ðặt tay lên bụng, Hân nhắm mắt, hồi tưởng đến cái đêm động phòng ở lầu Tử Các trong dinh chúa Trịnh. Một đêm hung bạo, dẫu muốn cũng không thể quên. Cái đau làm tê liệt phần dưới cơ thể và những giọt máu trinh tiết ứa ra loang lổ trên sàn gạch trắng vẫn ám ảnh Hân như một vết nhục nhã không gội rửa được.
    Hai năm sau khi về Phú Xuân, khi nghe tin Lê Chiêu Thống sai Trần Danh Án sang Tầu cầu viện, Hân ôm Quang Cương, đứa con đầu lòng khóc cả đêm. Miệng lẩm bẩm : « ... thế là hết, nghiệp nhà đến chỗ tuyệt rồi », Hân đã nghĩ đến sự hủy hoại thân mình. Lúc đó, Vũ Văn Nhậm tác oai tác quái ở Thăng Long, đặt Lê Duy Cẩn lên làm Giám Quốc. Cẩn chỉ biết than « ... Giám gì ? Ta chỉ là ông từ giữ bàn thờ tổ nhà Lê, thế thôi ! ». Sau lại có mật báo của Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân, tin cho Chính bình Vương Nguyễn Huệ về sự lạm quyền và ý đồ của Nhậm. Huệ liền gọi Nhậm về. Nhưng đã hai lần gọi, cả hai lần Nhậm đều viện cớ không nghe. Ðồng thời, Nhậm sai bắt lính và vơ vét thiên hạ bằng sưu thuế đến độ dân gian phải trốn đi, phiêu tán khắp đầu rừng cuối bể để tránh quan quân tróc nã. Hân ôm con, nước mắt ròng ròng, nói với Huệ :
    - Bắc hà thuộc nhà Lê, nay nếu không giữ được thì thuộc về Vương. Về sau, đất đó phải về tay Quang Cương, vừa là máu mủ Tây Sơn vừa là huyết thống cựu triều. Thiếp xin theo Vương ra bắc bắt Nhậm, nếu không thì chết không nhắm mắt, chẳng mặt mũi nào nhìn thấy tổ tiên nữa ...
    Huệ lúc ấy còn phải toan tính nhiều điều. Từ khi Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ chết đi, Thái bảo Phạm Văn Tham ở Gia Ðịnh lại bị quân Nguyễn Ánh tấn công mọi nơi. Vào tháng hai năm Mậu Thân, Tham cầu cứu nhưng Nguyễn Nhạc án binh bất động khiến Huệ phải phái Nguyễn Văn Hưng mang thủy binh đi đường biển vào ứng cứu, đến nay vẫn chưa có tin tức gì. Kéo quân ra Bắc bắt Nhậm là bỏ ngỏ Phú Xuân, biến nó thành một miếng mồi béo bở kích thích lòng tham vô đáy, sự manh động và niềm hằn thù của Nhạc. Huệ bóp trán, nhìn Hân lắc đầu. Hân gặng hỏi, Huệ không đáp. Sau khi đã thu xếp để đối phó với sự đe dọa của Nhạc, một tối tháng sau, Huệ bất ngờ gọi Hân vào buồng, bảo : « Mai ta lên đường. ». Ðêm hôm đó, để mặc Huệ dày vò, đánh đá trong một cuộc truy hoan trước khi viễn chinh, Hân vừa rên rỉ, vừa thì thào « ... nữa, nữa đi ! » như thánh thức, đầu chỉ tưởng đến cái cơ nghiệp nhà Lê để quên nỗi đau đớn của thể xác.
    Cuối tháng tư năm Mậu Thân 1788, đại binh gồm một trăm năm mươi voi với đoàn hộ giá đủ kiệu xe võng lọng đưa Ngọc Hân và Huệ vào Thăng Long, uy thế khiến Vũ Văn Nhậm không dám chống cự. Ngày mùng năm tháng năm, Nhậm bị trói phơi nắng ngoài pháp trường một ngày rồi bị chém đầu. Mười ngày sau, Huệ ra bá cáo trách Lê Chiêu Thống vô ơn bạc nghĩa, kết tội Nhậm là phản phúc, và trưng cầu dân ý theo Lê hay theo Tây Sơn. Nhưng lòng tưởng vọng nhà Lê vẫn còn khiến Huệ vẫn phải giữ Cẩn làm Giám Quốc, để Bắc hà cho Ðại tư mã Ngô Văn Sở trông coi quyền bính với đám tướng là Nội hầu Lân, Ðô đốc Tuyết, và một số hàng thần nhà Lê như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ninh Tốn ... Thời gian đó, quâân Thanh dưới quyền chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị bắt đầu tập họp ở Quảng Ðông, sẵn sàng kéo qua can thiệp theo lời cầu của vua Lê. Huệ trưng mộ lính, định lập một đạo quân trên dưới hai mươi vạn người. Ðồng thời, Huệ bắt chở tất cả đồ đạc, cột kèo ở phủ Chúa về Nghệ An. Sai xử sĩ Nguyễn Thiếp xem đất để xây dựng Phượng Hoàng trung đô, Huệ có ý muốn bỏ kinh thành Phú Xuân để rời ra trông nom trực tiếp tất cả lãnh thổ Ðàng Ngoài.
    Về Phú Xuân đầu tháng sáu, Huệ đưa Ngô thì Nhậm vào theo. Nhân dịp, Ngọc Hân đón nhũ mẫu cùng đi, đỡ cho những lúc một thân cô quạnh nơi tha phương. Thái úy Hưng lúc đó từ Gia Ðịnh ra cùng với Nguyễn Huy Tự để báo việc quân, và thay Tham xin với Huệ cho thêm lực lượng để chống giữ. Trước tình thế Ðàng Ngoài đang bị hai mươi vạn quân Thanh đe dọa, Huệ không xoay sở được, sai người vào cầu Nguyễn Nhạc ở Qui Nhơn trợ giúp. Tin rằng Huệ không chống nổi quân Thanh, Nhạc án binh, chủ ý sẽ tập kích sau lưng quân Phú Xuân khi lính Thanh đánh vào miền Bắc, đẩy biên giới mình kiểm soát đến sông Gianh rồi sau đó cầu hòa với Tôn Sĩ Nghị.
    Thời gian đầy bất trắc đó cũng lại đúng đầu mùa gió chướng. Gió lắm khi dựng dậy, giần giật quay vòng, bốc tung bụi đất lên trời như thách thức với những đấng thần linh trong đám mây trắng trên cao sững sờ nhìn xuống.
    Người lão bộc cúi đầu bước vào. Nhìn Trần Danh Kỷ, ông ta lầu bầu trong miệng :
    - ... Hắn chỉ nói là cố nhân, có hẹn cách đây quá năm năm rồi mà không gặp.
    Nhăn mặt, Kỷ bước ra. Hé cửa bên quan sát người khách lạ đứng trên thềm, nét phong sương vướng vất trên mái tóc đã chớm bạc búi ngược ra sau, Kỷ bỗng giạât mình. Ðẩy cửa, Kỷ nhìn chòng chọc vào mặt khách. Nhận ra vết sẹo đâm xuống chân mày, Kỷ hỏi, giọng ngập ngừng :
    - Có phải là Trọng Thức ?
    Khách gật đầu, miệng nhếch lên cười. Kỷ nắm lấy vai, lôi vào nhà, vui vẻ reo :
    - Ðúng là hơn năm năm rồi ! Huynh đài già dặn đi, nhưng nhìn kỹ thì vẫn vậy. Dịp hội ngộ này ở Phú Xuân là kỳ duyên. Có cả Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Huy Tự nữa.
    Thức ngửng lên :
    - Tự ở Trường Lưu, có phải không ?
    Gật đầu, Kỷ đẩy cho Thức ngồi xuống trường kỷ, rồi gọi người nhà nấu nước pha trà.
    Thức kể lại những ngày lênh đênh, xô giạt đến Thổ Châu với Nguyễn Ánh, rồi qua Pondichery với Bá đa Lộc và Hoàng tử Cảnh. Hồi tưởng lại không khí cách mạng háo hức mong đổi thay một thời đại, Thức nhắc đến Sieyès, đến Condorcet, đến câu lạc bộ Jacobin trên phố St-Honoré. Kỷ hỏi kỹ về cái Ðề ước Liên Minh ký kết giữa vua Louis XVI và Bá đa Lộc, người toàn quyền đại diện cho Ánh. Thức cặn kẽ phân tích cho Kỷ nghe về tình hình nước Pháp, và cho rằng dẫu có ký kết gì thì khả năng viễn chinh vẫn không có trên thực tế. Tuy nhiên, Thức vẫn cùng một số người tiến bộ lập mưu bắt Cảnh, rắp tâm gây ra một sự rùm beng bất lợi cho triều đình Louis XVI, cản mọi ý đồ xâm lược. Nhắc đến Hồ văn Nghị, Thức bâng khuâng:
    - ... Trên cầu Nghị cứ bước, mặc cho Lộc la thét gọi lại, không sợ tôi nổ súng hại tính mạng Cảnh. Ông ta bình tĩnh nhìn như cầu khẩn « Cứ bắn, bắn đi ». Có lẽ lúc đó ông ta cũng sẵn sàng để tôi bắn chính ông ta chết, hầu gây ra sự rùm beng ép Louis XVI bỏ ý định ký Ðề ước ...
    Ngưng nói, Thức nhắp một ngụm trà, tiếp :
    - Lao mình xuống dòng sông Seine, tôi lặn xuống, triền người bơi đi về điểm hẹn đã định trước, hết hơi mới nhô lên thở rồi lại lặn xuống, tiếp tục ... Lên bộ, bạn bè người Pháp tức tốc đưa tôi vào một căn nhà ở ngoại thành Paris do Hầu Tước Condorcet đã sắp đặt trước, và hai ngày sau họ di chuyển tôi về miền nam. Ở cảng Marseille, tôi phải đợi hai tháng mới có chuyến tầu đi về Á Châu. Lênh đênh gần bốn tháng, tầu cặp Hương Cảng. Ít lâu sau, tôi tìm được thuyền buôn đi Hội An, về đến nơi mới nửa tháng nay.
    Kỷ nhìn Thức, giọng tiếc nuối :
    - Huynh quả thật vất vả. Lỗi cũng ở tôi, tôi nào ngờ « người » ta chặn bắt huynh ở Qui Nhơn trước ngày Chính Bình Vương vào Gia Ðịnh, lại mưu giết bằng cách trói cho hổ vồ. May mà Chúa Út cứu kịp ...
    Nhân tiện, Thức hỏi thăm về Chúa Út. Kỷ kể việc Toàn Nhật xưa đến Qui Nhơn tìm Thức, sau lại xung quân Tây Sơn và cùng Chúa Út theo Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ vào Gia Ðịnh. Tháng sáu năm ngoái, cả ba cùng về Qui Nhơn nhưng gặp « bọn giặc » phục kích trên đường, bị hỏa hổ đốt, mười phần chắc chết đến chín, vì sau đó chẳng ai nghe biết tin tức gì nữa. Kỷ cũng nhắc rằng Ðặng thị Mai vào tìm Thức một lần cách đây năm năm, hiện bế con về Thanh Hóa, chỗ trú ngụ chính xác thì phải về hỏi gia đình Nguyễn Thiếp trên trại Bùi Phong.
    Thức bàng hoàng hỏi :
    - Con trai hay con gái ?
    - Trai. Năm nay cháu chắc lên sáu lên bẩy rồi !
    Thức cắn răng, lòng ngổn ngang mừng vui lẫn thương xót, nước mắt rưng rưng. Phải chăng người em kết nghĩa của chàng là Toàn Nhật đã lìa cõi dương gian bấp bênh trắc trở này? Hình ảnh Nhật với chiếc cằm bạnh và hàm râu quai nón mới ngày nào trong dinh Khương Tả hầu ở Thăng Long lại hiện ra, sinh động. Nhưng cặp mắt ấy mới u uẩn làm sao !
    Còn Mai, cuối cùng nàng thoát được kìm kẹp rồi lại cho chàng một đứa con trai. Lạy trời, thế là cả mẹ lẫn con đều sống. Nhưng tại sao nàng không về ở Bùi Phong với gia đình Nguyễn Thiếp, người chẳng những là chú, là thầy mà còn là dưỡng phụ của Thức ? Nàng ở đâu trong trấn Thanh Hóa, làm gì, và liệu có còn đợi chàng không ? Thức bồn chồn, nhìn Kỷ nói :
    - Huynh giúp cho đệ về ngay Bùi Phong, có được không ? Từ đây ra Nghệ, đệ nghe rằng phải có phép, không tự tiện mà đi được !
    -Quân Thanh đã vào sát biên giới phía bắc Ðàng Ngoài, sửa soạn xâm lăng ... Rồi thì ta sẽ cùng nhau đi, huynh đừng vội vã nóng lòng, sớm muộn một hai tháng nữa thôi.
    Nghe Kỷ nói rằng chỉ dăm bữa nữa Ngô Thì Nhậm phải ra Ðàng Ngoài, Thức xin gặp Nhậm cho bằng được mặc dầu Kỷ có ý ngần ngừ, cứ dùng dằng khi nói có, khi nói không. Rốt cuộc, chính Nhậm đến tìm Thức. Nhậm lưng nay hơi gù, mớ tóc túm ra đằng sau đã ngả muối tiêu, lưỡng quyền nhô cao như che cặp mắt sáng long lanh ẩn sau một lớp lũy đắp gồ ghề xương thịt. Hai người nắm tay nhau. Một lát sau, Thức bùi ngùi :
    - Ngô huynh già đi một chút, nhưng trông rắn rỏi lắm.
    Sau câu chuyện hàn huyên, hai người đề cập đến thế sự. Nhậm chua xót :
    - Ta ra Phú Xuân, dẫu Chính Bình Vương bảo với quần thần rằng ta là môn khách, nhưng vẫn có kẻ diễu cợt ta là loại hàng thần lơ láo. Mỉm cười, Nhậm tiếp - Nhưng kẻ sĩ xưa nay chỉ có hai lối, xuất hay xử. Xuất, ta đâu có vì cái chức Tả bộ thị lang của một guồng máy non choẹt đến nay vẫn còn cố xoay sở tìm cho có chính danh. Ta xuất, vì quân Thanh sẽ vào lãnh thổ, mang tiếng phù Lê để xâm lăng. Chúng lại quên rằng « Nam quốc sơn hà nam đế cư. Tuyệt nhiên định mệnh tại thiên thư » rồi. Khi Chiêu Thống đi cầu viện nhà Thanh thì chẳng phải riêng ta mà bọn Ích, Tốn, Lãm ... cũng bỏ Lê theo Tây Sơn. Ngay La Sơn Phu tử cũng đành thế, ai nấy đều biết nhà Lê đến đây là tuyệt. Ngay nhà Mạc, vào lúc quẫn cùng nhất, cũng chưa bao giờ làm cái việc « cõng rắn cắn gà nhà » như Chiêu Thống, thì hỏi cái Ðế nghiệp ba bốn trăm năm nhà Lê giao vào tay một đứa bé bất nhất đó nay có còn gì ?
    Thức trầm ngâm :
    - Nhưng liệu Tây Sơn có chống được bọn xâm lăng không ?
    - Chống được. Vấn đề là trong bao lâu, thế thôi! Nếu quân Thanh vào từng bước, dùng lối sâu gốc bền rễ thì năm, mười năm. Nếu chúng ồ ạt, thì một vài tháng. Bề nào, chúng cũng tạo chính danh cho Tây Sơn khi lấn qua biên giới Ðại Việt. Ðức Lê Thái Tổ xưa dựng đế nghiệp khi quân Minh vào nước ta cũng vậy ...
    Bỗng Nhậm nhìn vào mắt Thức, chậm rãi hỏi :
    - Ðệ phiêu dạt mấy năm nay mới về, đi xa nhìn rộng, liệu có định mang cái biết của mình giúp đời lúc này không ?
    Thức không trả lời, hỏi lại :
    - Huệ là người thế nào ?
    - Ông ta là một thiên tài về mặt quân sự. Thời chiến, ông ta là con giao long trong nước, vẫy vùng mặc sức.
    Thức nhăn mặt :
    - Thời chiến nếu phải có cũng không thể cứ mãi mãi. Thế thời bình ông ta ra sao ?
    Nhậm lắc đầu, trầm ngâm :
    - Trước mắt, là thời chiến, ở Ðàng Ngoài cũng như sau này ở Ðàng Trong. Sau, thời bình thì không còn chỉ tùy thuộc ở một mình ông ấy nữa. Thời đó tùy cái thế hệ sau ta gầy dựng nên. Nhậm nhìn ra xa, tiếp - Ông ta có nói chung quanh ông đều là bọn võ tướng quen sự mạnh bạo, đẩy ra phiên trấn là phên là dậu. Nhưng ông thiếu kèo, thiếu cột để xây rường mối, cần văn quan có tâm có tài. La Sơn phu tử dùng dằng mãi không nhận giúp, đến thế này rồi cũng sẽ xiêu. Nguyễn Huy Tự vừa từ Gia Ðịnh vào, chắc chắn sẽ góp một tay. Thêm vào, có Trần Danh Kỷ và đám Bùi Ðắc Tuyên. Họ đều là người Ðàng Trong nhưng chia ra thành phe thành cánh. Tuyên là phe Phạm hoàng hậu, đã dấy lên cùng Tây Sơn từ lúc khởi nghiệp. Kỷ có đỗ đạt, chỉ đến khi Nhạc xưng là Thái Ðức mới theo, mà lại phò Nguyễn Huệ. Vì Kỷ cần Nguyễn Thiếp, tìm ta, tìm Tự và tìm cả đệ để lôi kéo vào nên Tuyên rất ghét, ngấm ngầm canh chừng. Kỷ nay có một kẻ đồng minh là Tư khấu Dũng, họ ngoại của anh em Tây Sơn, người Ðàng Ngoài, thế mỗi lúc một vững. Gần đây, Kỷ cũng bắt đầu sợ mình mất ảnh hưởng với Huệ, dùng cái địa vị Trung thư lệnh không cho mọi người tự do gần gũi Huệ.
    - Huệ có biết không ?
    - Biết. Và Huệ tản quyền Kỷ bằng cách dùng ngay Bắc cung hoàng hậu Lê ngọc Hân trong những việc thảo chiếu, biểu ... Ta nói để đệ biết mà cư xử. Dĩ nhiên, ta mong đệ đồng thuận để cùng nhau tìm cách xây lại cương thường !
    Ngần ngừ một lát, Thức chân thành nói :
    - Ðệ cám ơn Ngô huynh. Nhưng quan niệm về một nền cương thường của đệ dã có những thay đổi không nhỏ. Nói gọn, « ý dân là ý trời », và vì vậy thiên mệnh chính là thể hiện của dân ý…
    Nhậm gật gù, lẳng lặng nghe Thức trình bày về những tư tưởng làm nước Pháp đang sôi sục sửa soạn một cuộc vần xoay vĩ đại. Nghe xong, Nhậm thân mật vỗ vai Thức, nhỏ nhẹ :
    - Mười năm nay, ta mới lại được nghe những tư tưởng vàng ngọc. Xã hội Ðại Việt có những giới hạn đặc thù của nó về kinh tế, lịch sử và văn hóa. Tất nhiên xã hội này có cưu mang nổi những tư tưởng mới mẻ trên để biến nó thành hiện thực hay không là một vấn đề phải đào sâu. Ta tạm khất, lần sau sẽ thảo luận. Ðệ đi tìm Huy Tự đi. Tự có một số suy nghĩ về tương quan giữa kinh tế và tổ chức chính trị rất đặc biệt. Ta cũng khất hắn, ngày nào giữ vững được cõi bờ phía bắc, ta mới có thể vào cùng hai vị động não trên những vấn đề quan thiết đó. Nhưng ta chỉ dặn đệ một điều : kẻ hiểu đệ nếu có một thì số người không hiểu cả trăm cả ngàn. Số người không hiểu có thể là bạn, là thầy, là anh em ... Vậy đệ cẩn trọng.
    Hai người từ giã nhau buổi tối trước khi Nhậm lên đường. Thức chỉ nói, giọng buồn bã :
    - Trên đường ra Ðàng Ngoài, Ngô huynh nhắn lên trại Bùi Phong là Thức còn sống, và xin cho đi tìm Mai bảo rằng ngày đoàn tụ hẳn không còn xa lắm.
    Lên đến đầu dốc, Tự ngừng chân đợi Thức. Lau mồ hôi trên trán, Tự nhìn xuống ven sông Hương, nói nho nhỏ :
    - Hồi Toàn Nhật ở đây, thỉnh thoảng hai anh em lên đây đứng ngắm sông cả buổi. Ai ngờ được rằng sau cái tướng tá võ biền, bộ râu quai nón và ba đường kiếm chiêu hồn, Nhật thật sự lại là một nghệ sĩ !
    Thức bâng quơ :
    - Mà thế nào là nghệ sĩ ?
    - Là kẻ sống thực tại không chỉ bằng ý thức mà còn bằng cả một thứ vô thức vượt bỏ mọi lý lẽ. Khối vô thức ươm hạt mầm đợi đúng dịp sẽ nẩy nở ra cái toàn mỹ, toàn hạnh ..
    Giòng sông lặng lờ chuyển sang màu xanh tím dưới ánh tà dương. Một giọng hò từ con đò lênh đênh trên bờ nước vẳng lại như than khóc. Tiếng ngân trong không quyện vào nhau, xếp những nỗi đớn đau, nỗi nọ đè lên nỗi kia, nặng nề, lê thê trong gió chiều. Tự ngậm ngùi :
    - Hò này là « hò mái nhì », nhịp hai, ăn với nhịp mái chèo khi đò trôi. Huynh có nghe ra không ?
    Thức lắng tai :
    « Thuyền từ Ðông Ba, thuyền qua Ðập Ðá
    thuyền về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình
    Lờ đờ bóng ngả trăng chênh
    Giọng hò xa vọng, nhắn tình nước non.
    Bên phú Văn Lâu,
    ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm
    Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
    thuyền ai thấp thoáng ven sông
    Ðưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non ... »
    Thức thở dài. Ðột nhiên, Thức hỏi :
    - Huynh có nghĩ là Nhật chết rồi không ?
    Lòng Thức như cánh chim run rẩy, nhìn chỉ mong Tự lắc đầu, mặc dầu Thức biết đó cũng là một sự dự đoán không có căn cứ đúng sai nào thỏa đáng. Tự im lặng. Lát sau, Tự nói, giọng đanh lại :
    - Sống chết ở ngoài ta. Cho sống hay bắt chết, ta nào định được. Huynh cứ tự trói mãi ở trong vòng dây tình lụy đó mãi sao? Với ta, dẫu thế nào thì Nhật vẫn đó. Thế nghĩa là Nhật sống « trong » ta. Ðể ta kể cho huynh nghe việc Nhật không nghe lệnh Nguyễn Huệ, giúp Lữ tránh cho Huệ cái án « giết vua, giết anh ».
    Giọng Tự chậm rãi, không cao không thấp, nhắc lại vai trò của Nhật trong thế dàn quân khiến Huệ không thể tiến lên thanh toán Nhạc, nhưng cũng không để Nhạc nhân cơ hội đánh ngược lại Huệ. Tự kết luận :
    - Nhật làm thế vì Nhật tin là Huệ có khả năng tạo ra một kỷ nguyên mới. Ðể Huệ vấy máu Nhạc, là mặc cho Huệ tự kết thúc sự nghiệp đó. Ta cũng vậy, và vì thế mới có mặt ở đây hôm nay ...
    Thức ngỡ ngàng, đầu như bốc lửa giữa muôn vàn câu hỏi. Một kỷ nguyên mới ? Một thời đại mới ? Thức bồn chồn :
    - Huynh nói cho đệ, Huệ định gì để tạo ra một kỷ nguyên mới ?
    Nhìn ra mặt sông, dăm ngọn đèn chài ai đốt lên đã loáng thoáng từ ngã Ðông Ba hắt lên vàng vọt, ánh xuống nước thành những giải sáng lấp lánh ẩn hiện. Tự nói như nói thầm :
    - Cái cũ thì rõ rồi. Hơn trăm năm nội chiến trên một mảnh đất cằn cỗi với một lượng người sinh đẻ càng lúc càng đông. Con đường Nam tiến gần xong, nhưng ta lại mang cái xã hội cũ ở Ðàng Ngoài vào áp đặt lên Ðàng Trong, sớm muộn cũng sẽ rơi vào những giới hạn và mâu thuẫn cũ. Và thế là lại sẽ bế tắc. Không năm mươi thì một trăm năm nữa, vẫn vậy : hết đời nay qua đời kia, lịch sử là sự cướp bóc giành giựt quyền lực và tiền tài giữa những bạo chúa trên xương máu đám nông dân thuần hòa như gia súc trong chuồng...
    Tự nhìn lên trời sao, giọng bỗng cứng cỏi :
    - Bây giờ cái cũ, nó phải đối mặt với thương thuyền đến từ Tây dương, với đám thương nhân ngày một mạnh, với tầm nhìn vượt qua sự tự cung tự cấp của một xã hội nông nghiệp. Quan trọng hơn hết là cái mới. Nó đến như thế nào ? Dĩ nhiên, nó « có mặt » qua thuốc súng Tây dương, đại pháo, súng tay, khinh khí cầu. Ta mua ta dùng, ta xuýt xoa là tốt, là đẹp. Vậy là ta chấp nhận những kẻ tạo ra những mặt hàng kia có cái gì đấy « khác » ta, và thậm chí « hơn » ta ở những mặt hàng ấy. Tự nhiên, ta cũng muốn « làm » như vậy. Làm được, nhưng thế là đồng thời tiếp thu được cách nhìn, cách nghĩ, và những giá trị mới. Sự đổi mới đó tất có ý nghĩa tổng hợp và toàn diện. Nó không phải chỉ đơn giản là làm ra mặt hàng giống người ta. Trò đó chỉ là sự bắt chước của loài khỉ. Khỉ bắt chước người vẫn là khỉ, chưa phải là người. Cách nhìn và nghĩ là nền tảng cho phép đi xa hơn sự bắt chước. Ðổi mới là một vấn đề văn hóa, trong đó kinh tế chỉ là một mặt, và là mặt sơn. « Tốt gỗ hơn tốt nước sơn ... ». Kỷ nguyên tới tùy thuộc sự đổi mới đó.
    Thức chăm chú nghe Tự nói. Chàng ngẫm lại lời Xuân Quận công khi luận về danh sĩ Bắc Hà : « ... về đạo hạnh, có Nguyễn Thiếp ở La Sơn. Còn văn tự, thì là Oánh. Duy thiếu niên đa tài đa năng thì chỉ có riêng một Nguyễn Huy Tự làng Trường Lưu thôi ».
    Thức bước theo Tự. Ðẩy cửa, họ bước vào một căn nhà đã lên đèn. Trên sàn, dăm chiếc bàn kê dọc xung quanh có xếp những cái ghế đẫu làm bằng gỗ mộc. Tự kéo Thức ngồi, bảo :
    - Quán cơm này gọi là quán Âm Phủ. Cơm hến ở đây tuyệt diệu. Ta có thể ngồi cả đêm nói chuyện với ma quỉ. Huynh vẫn chưa nói gì cho ta nghe về chuyến phiêu dạt qua Pháp quốc ...
    Thức chưa kịp trả lời, tai nghe văng vẳng hai tiếng hò tức tưởi dài dằng dặc :
    « Một vũng nước trong, mười dòng nước đục
    Một trăm người tục, chưa được một người thanh
    Ai đâu tâm sự như mình
    Mua tơ thêu lấy bóng Bình nguyên quân
    Con chim chuồn nhởn nhơ trên mặt nước
    Tiếng ve ve vang vang khắp một phương trời
    Lòng vòng dại lắm ai ơi !
    Còng lưng xe cát sóng dồi lại tan ... »
    Nhìn xuống sân thành, du binh xếp thành đội ngũ đứng im phăng phắc, gươm giáo sáng lòe dưới ánh mặt trời. Theo tiếng trống trận, du binh tiến ra theo thế chữ nhất, cờ đỏ buộc trên đầu kích phất phới bay, chân thình thịch nhịp vào lòng đất đang rung chuyển cùng lòng người. Tiếng Huệ sang sảng như chuông đồng cất lên :
    «... trong vũ trụ, đất nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương nam phương bắc chia nhau mà cai trị. Người phương bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác ... Nay người Thanh lại sang mưu đồ lấy nước Nam đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa ... Vì vậy, ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng. Các người đều là những kẻ có lương tri lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực để xây dựng lên công lớn. Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ biï giết chết ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo rằng ta không nói trước ! ».
    Tiếng dạ vang rền, sau đó là tiếng quân hô, và tiếng trống lại từng hồi thúc lên hăm hở và hung hãn. Thức nhìn đội du binh cuối cùng ra khỏi cửa thành, rồi quay vào ngồi. Thình lình, cửa chính mở ra, một người bước vào chân đi như có gió cuốn, theo sau là Trần Danh Kỷ. Thức đoán, đứng dậy khom lưng :
    - Hạ dân Nguyễn Trọng Thức xin kính chào Vương thượng !
    Huệ phất tay, tươi cười :
    - Thôi thôi, thầy ngồi xuống đi. Quay nhìn về phía sau, Huệ kêu - Cho ta miếng nước, ta nói đến khô cổ rồi. Nào, bây giờ thì ta nghe thôi, không nói nữa !
    Nhìn Thức, Huệ nháy mắt :
    - Thầy nói đi. Ðến lượt thầy.
    - ...
    Kỷ chen vào, đỡ lời Thức :
    - Trình Vương thượng, đây là Nguyễn Trọng Thức, người vào Qui Nhơn năm Quí Mão để cùng đại quân đánh Gia Ðịnh. Nhưng chẳng may ...
    Huệ ngắt lời, nhìn Kỷ :
    - ... Ta biết, ta biết. Thức lạc vào đám tàn quân tên Chủng, ra Thổ châu rồi lưu lạc đến Pháp-lan-Tây, ông đã nói ta nghe rồi.
    Quay sang Thức, Huệ đưa tay lên như mời, mồm nói :
    - Thầy về Phú Xuân này, hẳn đã thấy là Tây Sơn đang thi hành sách « tận xuất vi binh » để đối phó với họa quân Thanh xâm lăng Ðàng Ngoài. Ta sẽ thắng hay thua ?
    - Vương thượng thắng.
    - Tại sao ?
    - Vì Vương làm đúng ý hàng dân. Cả hai miền Nam Bắc, hàng dân một lòng sẽ chỉ có thể thắng, thua làm sao được !
    Nhướng mắt, Huệ ngắt :
    - Không có ta, hàng dân cũng thắng được à ?
    - Cũng thắng, nhưng chắc lâu hơn. Cuối cùng vẫn thắng.
    - Vậy có Huệ hay không, chỉ là mau hay chậm mà thôi ư ?
    - Dạ. Nhưng mau, thì dân đen đỡ khổ. Ðó là hồng phúc, không phải đời nào cũng có. Cái chính là làm dân đỡ khổ ...
    Huệ đứng lên, lẳng lặng ra đứng bên rèm cửa nhìn xuống. Lúc này, Huệ mất hẳn vẻ bỡn cợt, mắt đăm đăm, mũi phập phồng làm những cơ bắp trên khuôn mặt co lại cứng ngắc như kim loại. Quay vào, Huệ nhìn Kỷ, rồi nhìn Thức, nét căng thẳng làm da mặt sần sùi kéo lên thành gò đống. Huệ chợt hỏi :
    - Thầy nói vậy, nhưng cái lý ở đâu ?
    Thức nhỏ nhẹ :
    - Bẩm Vương thượng, giả như chỉ ngài đánh quân Thanh mà không ai nghe hiệu lệnh, chắc là không đánh được. Ngài gọi một tiếng, quân dân Trong, Ngoài đều thuận lòng ào lên theo. Theo vì hai lẽ, một là Nam Bắc xưa vẫn nước nào biên cương ấy, gương tiền nhân như Trần Hưng Ðạo, Lý Thường Kiệt, Lê Thái Tổ đã in vào gan mật hàng dân. Hai là đến nay ngoài Vương thượng thì có ai lúc này để hàng dân tin vào chiến thắng ? Thiếu lòng tin đó, lại phải đợi sự xuất hiện của một người khác hội tụ đủ những yếu tố mà Vương thượng đang có, và vì thế mới chậm đi vài năm.
    - Không có Huệ này, thì sẽ có Huệ khác sao ?
    Thức gật đầu, tiếp :
    - Xưa tôi ở Kinh bị tù trong vụ án năm Canh Tý, gặp được Dương Quang là thủ hạ của Quận He Nguyễn Hữu Cầu. Quang kể đã đến ven Thăng Long và chỉ tiến quân vào là chiếm được. Cầu ngừng quân không tiến. Quang hỏi, Cầu đáp « Ta không muốn làm Vua. Làm Vua bây giờ phải làm gì ? Ta không muốn làm Chúa. Làm Chúa bây giờ người ta chửi cho ! ». Quân rút đi, lúc ấy Quang mới bảo nếu Nguyễn Hữu Cầu làm Vua thì Quang chỉ xin đi đắp đê sông Nhị để hàng năm đỡ lụt lội, cứu mùa màng cho dân. Cầu mắng tại sao vào lúc chiếm Thăng Long dễ như trở bàn tay Quang lại không nói ngay.
    Ngừng nói, Thức nhìn vào mắt Huệ, chậm rãi :
    - Thưa Vương thượng, ngài đừng đợi đến lúc làm Vua rồi mới hỏi làm Vua để làm gì. Ðó là ý của kẻ hạ dân này, xin tâu lên để ngài rõ.
    Nghe Thức nói, Huệ mường tượng ra Nguyễn Hữu Cầu, người cậu ruột đất Hải Dương đã một thời vùng vẫy dọc ngang theo lời kể của Nguyễn-bà. Huệ bỗng nhác thấy bóng giáo Hiến qua hình ảnh Thức, với cái cung cách của một ông đồ giảng đạo nghĩa. Nhưng đạo nghĩa của Thức hình như có khác với những câu Huệ đã từng nghe ở cửa miệng đám quì gối ở cửa Khổng sân Trình. Huệ bất giác nhếch miệng lên cười, hỏi lại :
    - Sao thầy biết ta sẽ làm Vua ? Và muốn biết cái phải làm gì khi làm Vua thì làm sao biết được ?
    Thức cúi đầu đáp:
    - Muốn biết, phải thử sống một cuộc sống bình thường, từ đó mới thấm được niềm hạnh phúc của những kẻ bình thường, thưa Vương thượng !
    Huệ tái mặt, bụng bỗng như hụt hẫng, để mặc cho một nỗi cay đắng tưởng như đã nguội lạnh lại trào lên tựa nước âm ỉ nóng bỗng sôi lên sùng sục. Văng vẳng đâu đó lời nói của An, người đàn bà ám ảnh Huệ vào những lúc phải làm những quyết định về hạnh phúc ở đời. Huệ bỗng nhiên thèm được lui vào một mình một chốn. Ðó là cách Huệ để cho quá khứ nguyên vẹn trở lại cõi tâm tư. Nó có lúc hệt như khi Huệ câu được cá, rồi trái với thói quen, động lòng trả nó về lại với dòng sông Côn trong mùa lũ tuồn tuột trôi xuống hạ nguồn.
    Cắn răng, Huệ đứng dậy bước ra. Không nhìn Thức, Huệ nói với lại :
    - Thầy thảo cho ta một tờ chiếu lên ngôi. Ta lấy hiệu là Quang Trung. Viết sẵn, khi ta lên làm Vua, biết đâu ta sẽ dùng ...
    Ðến bậc cửa, Huệ ngưng bước, quay lại :
    - ... và chớ quên là viết rõ cả điều Vua phải làm gì nhé. Ðừng có phụ lòng ta !
    Trái với thói thường, giọng Huệ lần này không có vẻ gì là châm biếm mà lại có phần nghiêm trọng.
    Quân Thanh xuất phát vào cuối tháng mười năm Mậu Thân. Gồm ba đạo từ Vân Nam, Long Châu và Quảng Ðông - Quảng Tây kéo sang uy hiếp Tuyên Quang, Cao Bằng và Lạng Sơn, số lượng quân bộ trên hai mươi vạn, không kể gần hai vạn lính « cần vương » do cựu thần nhà Lê tập hợp lại làm nhiệm vụ tiên phong. Lập tức, Tây Sơn cử một phái đoàn gồm quan lại cũ của nhà Lê đem bức thư ký tên Giám quốc Lê Duy cẩn và một tờ bẩm văn của hào mục Bắc hà lên biên ải dâng cho Tôn Sĩ Nghị, nguyên soái đại quân Thanh, xin nghị hòa để làm thế hoãn binh.
    Ngô văn Sở gọi đám tướng lĩnh về hội bàn tìm cách chống giặc. Nhìn Ngô thì Nhậm, Sở nói, giọng diễu cợt :
    - Phiền ông làm một bài thơ để đuổi quân giặc. Nếu giặc không chạy, thì túi đao bao kiếm vẫn là phận sự của lũ võ biền chúng tôi.
    Nhậm nghiêm nghị :
    - Tướng quân nói đúng một nửa, sai một nửa ...
    Sở hềnh hềnh hệch cười :
    - Xin nói cho tôi rõ cái phần sai.
    - Ðánh giặc phải dụng lực và dụng mưu. Lực từ tay chân, gươm giáo. Mưu từ đầu óc, tầm nhìn. Vì thế, văn võ chẳng qua là hai mặt một đồng tiền, có cái này tất có cái kia. Bỏ đi một mặt là hỏng ...
    Sở thót bụng, nhìn Nhậm nghiêng mình rồi mời ngồi. Quân Tây Sơn khi ấy chỉ non một vạn, nhưng nửa số tướng lĩnh vẫn đòi đánh. Có kẻ nói :
    - Lấy nghỉ đánh mệt, lấy gần đánh xa, lo gì không thắng !
    Nhậm bình tĩnh hỏi :
    - Tướng quân chắc biết quân Thanh cứ năm mươi dặm lại lập ra một đồn lương. Ðại quân chúng vừa đi, vừa phá rừng xẻ đường, phạt bụi phát cỏ. Chúng lại đẩy cho tàn quân nhà Lê ra trận địa, cứ từ từ, đợi phía sau, xem có cần mới xuất chiến. Vậy sao gọi là chúng mệt được ? Lại xem tám điều quân luật của chúng, biết chúng đã sửa soạn kỹ lưỡng. Ðiều một, chúng viết : « Ðại binh ra ải, vốn để dẹp giặc an dân. Hễ qua các nơi đều phải nghiêm chỉnh đội ngũ mà đi, không được quấy nhiễu nhân dân, cướp bóc chợ búa ». Rõ thế là chúng tính kế lâu dài, chiếm lòng người để rồi chiếm đất đai, lại mưu việc sát nhập Bắc hà thành quận huyện. Còn lòng người nay ra sao ? Kẻ làm nội ứng cho giặc phao tin khiến tiếng tăm thanh thế chúng to thêm hầu lòng người sợ hãi lay động. Quân ta sai phái đi đâu, vừa ra khỏi thành là đã bị bắt giết. Số người Bắc hà thuộc sổ quân, cứ sơ hở ra là bỏ trốn !
    Ngưng lại, Nhậm nhìn Sở, rồi tiếp :
    - ... đem quân ấy đi đánh thì như xua dê vào miệng cọp. Ðem quân ấy giữ thành, thật chẳng khác bỏ một con chạch vào giỏ cua. Rốt cuộc, đánh chẳng được mà giữ cũng không xong. Cả hai chước đánh và giữ đều không phải là kế hay.
    Bọn tướng lĩnh nhao nhao lên, có kẻ đứng dậy mạnh bạo :
    - Ðánh. Tuần vừa rồi, dân kháo là Rùa thần đã nổi lên mặt hồ Thủy Quân, bơi vòng vòng một ngày một đêm rồi mới lặn đi. Ðó là điềm thắng.
    Sở đưa tay chận lại, quay về phía Nhậm hỏi :
    - Thế kế nào là kế hay ?
    - Như đánh cờ, chịu thua nước trước để ăn nước sau là tay cao cờ. Ðánh giặc cũng vậy, tùy tình thế mà làm, lường thế giặc để hễ đánh là chắc thắng. Tôi thiết nghĩ : truyền cho thủy binh chở thuyền lương thuận buồm ra vùng Biện Sơn mà lánh. Quân bộ thì lui về giữ núi Tam Ðiệp, hai mặt thủy bộ liên lạc chiếm đóng nơi hiểm yếu, rồi cho người về bẩm Chúa công, chờ đại binh ra. Lúc ấy, quyết chiến cũng chưa muộn. Nay ta bảo toàn lấy quân lực, không bỏ mất một mũi tên, một hòn đạn. Cứ cho chúng ngủ trọ một đêm, rồi lại đuổi đi, đâu mất mát gì ...
    Chưởng cơ Nguyễn Văn Dụng đứng lên, miệng chậm rãi :
    - Quan Tả bộ thị lang nói thế dễ, nhưng bọn võ tướng chúng tôi thấy giặc mà chạy là mang tội quân, ai chịu cho đây.
    Nhậm rõng rạc :
    - Việc này, một mình Nhậm xin cáng tội, không ai phải lo gì nữa.
    Lúc ấy, mọi người mới đồng lòng, chỉ rải du binh ra tập kích, cản việc bắc cầu qua sông của quân Thanh. Phan Văn Lân xin mang một ngàn tinh binh đi thử lửa ở sông Thị Cầu, mưu đánh thẳng vào núi Tam Tằng là đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị. Ðồng thời, Sở gọi quân từ Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn về đắp lũy sông Như Nguyệt nhưng tình thực là bí mật rút về Thăng Long. Trấn Hải Dương và Sơn Tây mang quân về hội, trong khi đó tiền quân của giặc đã tiến tới Phượng Nhãn. Lân giữ bờ nam sông Thị Cầu, chặt hết cầu, cho đặt đại bác bắn phá khiến quân Thanh không tiến lên được. Qua khúc sông Như Nguyệt vừa hẹp vừa nông, Lân tập kích Tam Tằng. Khi đó một cánh quân Thanh đã sang bờ nam đốt đồn Thị Cầu. Thấy lửa cháy, Lân biết không thể giao chiến lâu, thu quân về xuôi, làm lực lượng cản hậu cho toàn thể bộ binh trên đường rút về Tam Ðiệp. Tây Sơn giải quân thành một chiến tuyến chạy dài suốt từ ven núi Tam Ðiệp cho đến bờ biển Biệân Sơn, nơi tướng Ðặng Văn Chân mang thủy binh về hợp với quân Sơn Nam đóng đồn phòng thủ.
    Biết Sở rút quân, Lê Chiêu Thống sai các tướng của mình đến chiếm đóng, chỉ giữ một nghìn lính túc vệ và đi về Kinh Bắc. Ðược tin, Tôn sĩ Nghị quở bọn quan nhà Lê : « Sao mà nhu nhược để chúng chạy trốn một cách rảnh rang ? Ðại binh đã đến, các người vẫn tuyệt nhiên không nên cơm cháo gì ! Như thế, gọi là nước có người được chăng ? ». Nghị nghênh ngang đem quân thẳng từ Tam Tằng xuống Thăng Long. Qua Kinh Bắc, Chiêu Thống mang quần thần ra đón, rồi theo sau. Nghị cho quân đóng trên hai triền sông Nhị, lập bản doanh ở cung Tây Long. Ðội quân « nghĩa dũng » của Sầm Nghi Ðống được lệnh đóng ở Khương Thụy bảo vệ mặt đông bắc Thăng Long, trong khi đó cánh quân Vân Nam do Ô Mã Kính thống lãnh vào đóng ở Sơn Tây. Như vậy, từ khi Nghị xuất quân đến lúc vào Thăng Long vào ngày hai mươi tháng mười một, thời gian tất cả là hai mươi hai ngày. Khi Vua Càn Long nhà Thanh nghe tin, tướng sĩ đều được thăng quan tước và Nghị được phong là Mưu dũng công. Hắn quả quyết : « Quân giặc chỉ như hạng trâu dê, sai một người đem thừng buộc lấy cổ lôi về, hẳn cũng không khó gì. Ðợi quân ta vào Thăng Long rồi nhổ nước bọt xoa tay là làm xong việc ».
    Ðêm đầu ngủ ở Tây Long, Nghị nằm mơ thấy một vị thần mặt đỏ như son hiện ra quát : « ... Lại mày, thằng ăn cướp ». Hôm sau, hàng dân ở trong nội thành kháo rằng Rùa thần nghiến răng ken két cả đêm, nhưng không ai thấy bóng dáng Rùa đâu cả.
    Ngồi sau lưng Huệ, Hân liếc mắt nhìn xuống đám bề tôi đang chăm chú đọc « Chiếu lên ngôi » đã sao ra làm bốn bản. Chính Hân là người đã du hợp ý kiến để tu bổ cho bản gốc do Ngô Thì Nhậm thảo ra cách đây hai tháng. Viết đi viết lại cho đến khi ưng ý, Huệ mới gọi Danh Kỷ, Bùi Ðắc Tuyên, Thức và Tự vào để tham khảo một lần cuối. Huệ lên tiếng :
    - Quân thám báo cho biết hôm qua Tôn Sĩ Nghị đã vào Thăng Long. Các vị có buổi hôm nay để bàn thêm. Lễ đăng quang ta định là ngày mai, rồi ta sẽ lên đường đánh giặc. Nào, các vị nói đi. Mời Thái sư ...
    Một ông lão sấp sỉ tuổi bảy mươi chống gậy bằng gỗ mun đỏ sậm chậm rãi đứng dậy, rồi khom người, giọng run run thưa :
    - Kính tâu Vương thượng, thần xưa nay chưa được tham khảo nhiều chiếu biểu có tầm quan trọng, nên không dám mạo muội nói liều. Xin để quan Trung Thư nói trước ...
    Huệ cười khẩy, nhìn Danh Kỷ, chờ đợi :
    - Trình Vương thượng, « Chiếu lên ngôi » là việc hệ trọng mở ra một triều đại, chẳng chỉ do người mà chính là do trời định. Ðiều này là gốc, sách vở thánh hiền đã lập thành khuôn mẫu. Chiếu có nhắc chuyện phù Lê- diệt Trịnh, rồi trách Lê tự quân ăn ở vô ân bạc nghĩa, bỏ nước bôn vong, nhưng không đã động đến nhà cựu Nguyễn. Thần thiển nghĩ: Tên Ánh vừa rồi sai mang năm mươi thuyền lương đến cống Tôn Sĩ Nghị, vỗ tay reo mừng kẻ xâm lăng. Sao ta không phô trương việc lên ngôi là để giữ gìn bờ cõi ? Ðó là một mũi tên bắn cả hai, một đằng là Lê, đằng kia là Nguyễn, kẻ cõng rắn vào chuồng gà, người lo đút cho rắn ăn ...
    Bất ngờ, Ngọc Hân lên tiếng :
    - Quan Trung Thư đọc kỹ, chiếu có viết : « Về phần đại huynh có ý mỏi mệt, tình nguyện giữ một phần Qui Nhơn, tự nhún xưng là Tây Vương, mấy nghìn dặm đất về phương nam thuộc hết về trẫm ». Câu cuối, nghĩa là bây giờ không còn có gì gọi là nhà cựu Nguyễn nữa.
    Nguyễn huy Tự cúi đầu, mắt khẽ ngước nhìn Huệ. Tại sao Huệ mãi lúng túng về vấn đề chính danh? Tại sao không dùng ngay việc chống xâm lăng để xóa bỏ danh nghĩa cả vua Lê lẫn chúa Trịnh như Danh Kỷ vừa bàn ? Tại sao không ỉm đi cái vị « Vua anh » thực ra cũng không có hậu thuẫn gì của nhân dân, ngoài cái phủ Qui Nhơn cỏn con ? Trong khi đó, vừa từ Gia Ðịnh về, Tự thừa biết là Ánh không phải tay vừa. Khi gặp Huệ lúc vừa chân ướt chân ráo đến Phú Xuân, Tự đã thưa : « Vương công ! Kẻ bị Vương đánh ngã ba, bốn lần mà vẫn cứ đứng dậy, lại còn kéo thêm được người vào chống lại Vương công, tất không phải là đứa tầm thường ». Tự nhớ Huệ cắn môi, rồi trầm ngâm : « Lo việc Bắc hà là phải lo đầu, làm sao lo cho nhanh để còn quay về đối phó với hắn. Ta cũng biết vậy, nhưng không có cách nào làm hơn. » Có lẽ «Chiếu lên ngôi» không đả động đến nhà Lê là vì bàn tay Ngọc Hân. Nhưng Ngô thì Nhậm thừa sắc bén để chẳng những kể Ánh đưa thuyền lương vào tiếp tay quân Thanh xâm lăng, mà còn gợi cả chuyện Ánh đã đẩy hai vạn quân Xiêm vào Gia Ðịnh và ký Ðề ước Liên Minh bán đất đai và quyền tự chủ cho nước Pháp. Sao lại thiếu đi những luận điểm này trong tờ chiếu ?
    Huệ im lìm, mặt sắt lại, trừng trừng nhìn trước mặt như không có ai. Bỗng nhiên, Huệ gằn giọng :
    - Ta ra đánh quân Thanh, các thầy ước lượng bao nhiêu ngày nữa ta mới về lại Phú Xuân ? Nếu là hai tháng, Nguyễn Ánh không làm gì được. Nếu lâu hơn, nó đánh thì ai giữ được Phú Xuân ? Ta kể tội nó, tất nó phải đánh ngay. Lờ đi, lỡ mà không chiến thắng quân Thanh ngay, ta giữ khả năng chủ hòa, phong Vương rồi tạm giao cho nó đất từ Bình Thuận - Phú Yên trở ra. Các thầy đã hiểu chưa ? Còn nhà Lê, ta nói thêm nữa thì hơn gì ? Chuyện đã rành rành, nói ra chỉ bất lợi cho mấy đứa con ta mà nửa dòng máu là máu họ Lê đó !
    Danh Kỷ cúi đầu không nói gì. Bùi Ðắc Tuyên chắp tay vái, miệng trọ trẹ :
    - Bẩm Vương thượng ! Vương nói ra, nên mọi việc đều rõ sáng như gương, Tuyên tôi muôn vàn cảm phục, không có ý gì thêm ...
    Trọng Thức hắng giọng, vết sẹo đâm xuống chân mày giựt lên, rập đầu nói lớn :
    - Làm Vua để làm gì ? Chiếu bảo là để dẹp loạn, mang lại một thời thái bình thịnh trị như thời tam vương ngũ đế cho toàn dân. Trình Vương thượng, thời đó đã xưa cả ba nghìn năm nay. Có thể nào lấy quá khứ để làm mốc cho tương lai không ? Phải chăng ta đang lập lại lối nói sáo mòn của bọn hủ lậu.
    Tự đoán Huệ sẽ nổi trận lôi đình. Lạ thay, Huệ chỉ nhìn Thức với cặp mắt buồn bã, nói như thở than với Thức :
    - Thầy biết, chỉ có một câu là thực bụng ta vì do tay ta viết : « ... trẫm sẽ dùng xiêm thêu hài đỏ ngao du làm vui mà thôi ». Còn ngoài ra, láo toét hết. Làm Vua để làm gì ? Từ ngày nghe thầy hỏi, ta nghĩ cũng nhiều. Thầy viết chiếu lên ngôi cho ta, ta đọc xong, về câu hỏi làm gì thì ta gần như đồng tâm với thầy đến tám phần mười. Duy có hai phần, ta chưa chịu. Một là thời gian, lúc này nói ra như thầy nói, ai biết, ai nghe ? Hai là nhân sự, nói như thầy thì có ai là người cộng tác với ta, cả quan văn lẫn quan võ ? Mà một mình, ta làm chi được ! Nghĩ kỹ, chiếu lên ngôi thầy viết cho ta chỉ dùng được đến thời con ta, cháu ta. Cho đến lúc đó, nếu chẳng có gì đổi thay mà cứ như lúc này thì cũng không dùng nó được. Phải đổi mới. Ðổi mới nhân tâm. Tức là đổi mới toàn diện. Thầy đọc kỹ, tay ta viết : «... Trời vì hạ dân đặt ra Vua, đặt ra thầy. Trẫm nay cùng dân đổi mới, vâng theo nhân nghĩa trung chính là đạo lớn của người, đem dân lên cõi đài xuân».
    Nhìn chòng chọc vào mặt Thức và Tự, Huệ dõng dạc:
    - Sự nghiệp đổi mới, ta trông cậy vào các thầy. Nhưng trước mắt, ta phải lo việc yên dân đã. Tóm lại, ta sống làm cái gạch nối từ hiện tại vào một tương lai tươi sáng hơn...
    Quay sang Kỷ, Huệ dặn :
    - Bốn ngày nữa lên đường ra Bắc như đã định. Quan Trung thư làm cho ta hịch tướng sĩ trong cuộc bình Thanh sắp tới.
    Khi bước vào, Huệ không để ý đến gương mặt lầm lỳ của Bùi Ðắc Tuyên sầm xuống như khúc củi lạc lõng cuối dòng. Ngọc Hân bước theo Huệ, miệng cười mỉm, tự hỏi không biết « Chiếu lên ngôi » do Thức viết thế nào mà lại chỉ dùng được cho con, cho cháu Huệ. Nàng chạnh nghĩ đến Quang Cương, đứa con đầu lòng năm nay mới lên ba, mang một nửa dòng máu nhà Lê. Có lẽ phải gần gũi những kẻ đến từ Ðàng Ngoài như Thức và Tự. Nhưng họ chỉ là những cá nhân tay không một tấc thép ! A, có lẽ phải làm thân với vợ Tư khấu Vũ văn Dũng. Phải đấy, Dũng người Hải Dương, lại là anh em con cô con cậu với Huệ, và hiện đang nắm quân đóng từ Bố Chính trở ra.
    Hân nhìn bước Huệ, thấy dấu chân mình bước theo hằn lên những vết chân cọp.
    Nguyễn Huệ nâng chiếu lên, mắt đảo nhìn một lượt hai hàng quan văn võ quì gối cúi đầu, rồi đọc từng tiếng chậm rãi :
    «....Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn,không có một thước đất,vốn không có chí làm Vua,...chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, vì vậy trẫm tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi đi xe cỏ để mở mang núi rừng, giúp đỡ hoàng đại huynh rong ruổi việc nhung mã,...cố ý quét sạch loạn lạc,cứu vớt dân trong vòng nước lửa, rồi sau trả lại nước cho họ Lê, trả đấùt về đại huynh, trẫm sẽ dùng xiêm thêu hia đỏ ngao du hai nơi làm vui mà thôi. Nhưng việc đời dun dủi, trẫm đã không theo được cái ý xưa đã định. ...Trẫm nay ứng mệnh trời, thuận lòng người,không thể khăng khăng cố giữ sự khiêm nhường. Trẫm chọn ngày 22 tháng 11 năm nay lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung...Trời vì dân đặt ra Vua, đặt ra thầy, cốt là để giúp thần thượng đế, yên vỗ bốn phương. Trẫm nay có thiên hạ sẽ dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi đài xuân. Vậy tất cả thần đân đều yên chức nghiệp, chớ có theo đòi những việc sai trái; người làm quan giữ đạo công liêm, người làm dân vui theo tục lệ, giaó hóa thấm nhuần,đi đến con đường chí thận, để vãn hồi lại thịnh trị của năm đời đế ba đời vương, để kéo dài phúc lành của tôn miếu xã tắc, không có bờ bến, chả là tốt đẹp lắm ru ! ».
    Niên đại Quang Trung năm thứ nhất hứa hẹn hòa bình cho toàn dân được đánh dấu bằng một cuộc hành quân ba ngày sau đó. Chiến sách « tận xuất vi binh » khiến Nam - Ngãi và khắp Thuận Hóa chỉ có đàn bà trẻ con ở lại. Huệ đưa mười vạn quân đến Nghệ An hôm hai mươi chín tháng giêng, lại ra lệnh cứ ba xuất đinh bắt một lính, xung vào làm trung quân. Chỉ năm ngày sau, Huệ có thêm gần sáu vạn lính. Hiệu lệnh nghiêm ngặt, Huệ bắt tân binh hàng ngày tập trận, tiếng reo hò từng chập vang dội núi rừng.
    Ghé lần này, Huệ không còn nhường nhịn gì đám nho sĩ xứ Nghệ, sai vời La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp vào chầu chứ không dùng lễ vấn an như khi Huệ ra Bắc bắt Vũ văn Nhậm cách đây hơn một năm. Trên ngai, Huệ đợi đến khi Thiếp quì gối chào mới đứng dậy, miệâng bảo : « miễn lễ » rồi vẫy tay trỏ chiếc kỷ bên cạnh cho ngồi. Chỉ Trọng Thức đứng đằng sau, Huệ bảo :
    - Học trò Phu tử đây, quả nhân đang gây dựng cho. Phu tử có nhận ra không ?
    Ngước mắt lên, Thiếp hấp háy nhìn, khe khẽ lắc đầu. Lòng bồi hồi, Thức thấy thâày mình già hẳn đi, mình mẩy ốm o trong chiếc áo nhiễu lam rộng thùng thình, đi đã phải chống gậy. Bước đến gần, Thức cúi xuống, nghẹn ngào :
    - Con đây ! Thức đây.
    Thiếp nói nho nhỏ :
    - À, anh đấy à. Thầy lại cứ ngỡ là Toàn Nhật.
    Thức nắm bàn tay xương xẩu của thầy, hiểu là thầy vẫn chưa biết Nhật đã mất tăm mất tích không biết sống chết thế nào. Huệ lên tiếng, giọng rắn rỏi :
    - Phu tử xem, giặc đã vào chiếm Thăng Long rồi. Kỳ này ta ra đuổi chúng, cơ được hay thua sẽ ra làm sao ?
    Thiếp bóp tay ngẫm nghĩ rồi thủng thẳng đáp :
    - Thế này hẳn phải tốc chiến. Quân quan thần tốc. Hoàng thượng đánh chỉ mười ngày là thắng.
    Huệ khoan khoái, chẳng phải vì lời dự đoán chiến thắng của Thiếp mà chính là vì Thiếp đã gọi mình là Hoàng thượng, nhận cái đế vị nay là của Tây Sơn chứ không còn là của nhà Lê như từ ba trăm năm nay. Có Thiếp làm bề tôi, Huệ sẽ thu phục dễ dàng đám nho sĩ xứ Nghệ và Bắc hà, đoạt lấy chính danh, không còn có gì ngăn trở.
    Giọng dịu xuống, Huệ nhẹ nhàng :
    - Quả nhân đã xuống chỉ cho Phu tử xem đất để xây dựng Phượng hoàng trung đô, nhưng sao vẫn dùng dằng, đến nay Trấn thủ Nghệ An vẫn chưa tiến hành cho được việc ? Vậy Phu tử gấp lo cho, kỳ nay đánh giặc xong rồi về Phú Xuân, trẫm mong là Phu tử sẽ làm cho xong.
    Nhìn Thức, Huệ tiếp :
    - Thầy ở lại Nghệ, đã lâu không có dịp hàn huyên với Phu tử nên nay chẳng cần phải đi cùng trẫm, cứ phụng dưỡng cho đủ đạo thầy trò đã, rồi sau trở lại Phú Xuân. Ta đồ chỉ nửa tháng là thu xếp Bắc hà xong mà thôi !
    Hôm sau, Huệ kéo quân vào Tam Ðiệp và Biện Sơn. Ðến ngày ba mươi tháng chạp, Huệ điểm binh, cho sĩ tốt ăn tết Nguyên Ðán trước, và hẹn ngày mùng bảy tháng giêng năm Kỷ Dậu sẽ mở tiệc lớn mừng cuộc đại thắng ở ngay tại Thăng Long.
    Chính sử ghi lại khá chính xác chiến công hiển hách phá tan hai mươi vạn quân Thanh của Quang Trung Nguyễn Huệ, duy thiếu có một điều. Ðó là Huệ có thể vào ngay Thăng Long hôm mồng sáu, nhưng quyết định đợi thêm một ngày để khớp với lời hẹn bọn sĩ tốt khi xuất quân tiến công đám quân binh của Tôn Sĩ Nghị.
    Ngô Ngọc Du, một nhà thơ sống ở ven đô, kể lại chiến công đó trong bài Long thành Quang phục Kỷ thực:
    « ... Hỏa long nhất trận tặc phi mi
    Khí thành sang độ tranh đào sanh »
    Hai câu cuối, tạm dịch là:
    « Lửa rồng một trận tan tành giặc
    Bỏ thành, thuyền cướp, trốn cho nhanh »
    Ngọc Du chú thích thêm rằng « Quân Tây Sơn tiến công thành Thăng Long, nhân dân chín xã ngoại thành sôi nổi bện rơm cỏ thành hình rồng, tẩm dầu đốt, đánh trận rồng lửa». Bài thơ kết như sau :
    « Ba quân đội ngũ chỉnh tề vào
    Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh
    Mây tạnh, mù tan, trời lại sáng
    Ðầy thành già trẻ mặt hân hoan
    Chung vui sát cánh cùng nhau nói :
    Cố đô trở lại nước non ta ».
    Áo bào đen thuốc súng, Nguyễn Huệ từ cửa Nam cưỡi voi vào, nhìn thấy hàng dân reo hò múa may như vỡ chợ. Huệ chợt hiểu. Ðúng thế, kẻ chiến thắng thực sự là những người dân kia đang cười nói như mở hội, mặc dầu xác người còn đầy ra ở đầu đường cuối phố, và gươm giáo cờ quạt ngả nghiêng khắp nơi. Ðúng vậy. Không có Huệ này thì có Huệ khác. Nhưng nhân dân kia thì chỉ có một.
    Dìu thầy bước trên dốc lên trại Bùi Phong, Thức tự nhiên thấy mình nhỏ bé hẳn lại. Cỏ cây trên ngọn Lạp Ðính buổi chớm đông co ro trong cơn gió bấc đến hẹn lại về với nhân gian. Ðằng xa, rặng Giăng Màn trong sương mù ùn lên thành một khối âm u, trông tựa lưng những con voi xám bất động.Sương che lấp những chỏm núi Thiên Nhận, dọa ụp xuống đè những cánh rừng lá rạc chĩa ra như đám nhím xù lông rúc vào bụi. Suốt mười năm nay, Thiếp không lên cơn động kinh nào như thời còn trẻ, nhưng mắt ngày một kém, đi phải lấy gậy dò đường. Từ ngày chiếm Phú Xuân rồi ra Bắc hà, Huệ đã ba lần viết thư cầu Thiếp giúp. Thiếp vẫn tránh, khéo léo chối từ, rồi trả lại tặng vật, không nhận bất cứ thứ gì. Lần cuối, Thức chỉ xin giảm sưu thuế cho dân Nghệ vừa lại mất mùa, dân chết đói xác nằêm đầy đồng. Nhưng nay, dù không nghe Thiếp nói ra miệng, Thức biết là thầy mình không còn có thể tránh né mãi được.
    Mở cửa bước vào, Thiếp lớn tiếng gọi :
    - Bà ơi ! Thức nó về đây này.
    Nhà trống không một ai, nhưng than trong bếp còn hồng. Thức lách tấm liếp bước ra vườn chè. Ðặng-bà đang với tay hái những chiếc lá non, tai giờ ù chẳng nghe thấy gì. Thức chạy ùa lại, run run nắm lấy cánh tay, nước mắt ứa ra. Ðặng- bà sững sờ, tay bíu lấy tay Thức, nghẹn ngào :
    - A, con đấy à ! Khốn khổ. Ði đâu mà bây giờ mới về ? Vào nhà, vào mợ pha chè ...
    Nâng bát nước chè xanh biếc, Thức đưa tay lên miệng nhấm nháp chất chát đang từ từ chuyển sang vị ngọt. Nhìn Ðặng-bà co ro têm trầu, Thức hỏi tin Mai và đứa con Thức chưa biết mặt. Ðặng-bà chậm rãi :
    - Mai có lên Bùi Phong, rồi vào Phú Xuân tìm con. Không được, nó lại ra, cắp con về Thanh Hóa theo mấy người nữ tu Gia Tô. Cách đây hai năm, nó có ghé chào thầy và mợ, rồi bặt tin…
    - Mai hiện ở đâu ?
    Ðặng-bà ngần ngừ :
    - Mợ không rõ lắm, đâu như ở miệt thượngï nguồn sông Mã.
    Ðặng-bà lảng chuyện, hỏi Thức :
    - Thế anh trôi nổi đến những đâu, kể lại cho mợ biết với !
    Thức nhẩn nha thuật lại bước phiêu lãng năm năm qua, từ việc vật vờ trên biển cho đến lúc giạt vào bờ, gặp Ánh, rồi theo Bá đa Lộc sang Paris. Thiếp hỏi :
    - So Huệ và Ánh, ai là kẻ đáng làm Vua ?
    Thức ngẫm nghĩ :
    - Huệ đánh được xâm lăng nhà Thanh, thì là Huệ đáng. Nếu không, chưa biết được. Về quân sự, Ánh không bằng. Nhưng xem những cải cách mới đây ở Gia Ðịnh, quả Ánh có tầm nhìn rộng rãi hơn người.
    Thiếp gãi cằm, lắc đầu :
    - Giá họ đừng đánh nhau, thì tốt. Gia Ðịnh mở mang, thì đất từ Bình Thuận, Phú Yên trở ra Huệ cũng phải lo gầy dựng. Nhưng tiếc thay, họ mở mang gầy dựng là nhắm vào thế thắng quân sự như mục tiêu tối hậu. Ta chỉ sợ khi một trong hai thắng rồi, cả cái công trình gây dựng mở mang cũng sẽ bị ách lại vì không còn mục đích nữa. Nhưng đánh quân Thanh, Huệ chắc thắng và thắng to, thắng nhanh ...
    Thiếp bỗng ngưng nói, lẩm bẩm một mình :
    - Trời ơi đất hỡi, nhà Lê tuyệt số mất rồi ! Có cứu, giờ cũng muộn... Thôi thì đành !
    Những ngày sau đó, trong khi đợi tin chiến trận ở Bắc Hà, hai thầy trò ngồi bàn chuyện. Nghe Thức tường thuật về tư tưởng cách tân bên Pháp, Thiếp bảo :
    - Dân vi trọng, quân vi khinh, đó là tư tưởng thầy Mạnh, có chi gọi là mới ? Sách ta cũng bảo ý dân là ý trời !
    Thức đáp :
    - ý có, nhưng nó chỉ là ý nên thực tại vu vơ, diễn đạt tùy tiện. Hàng sĩ nương vào cách diễn đạt, tạo ra quyền lực của đẳng cấp mình. Cái mới ở nước Pháp là họ tìm ra cơ chế để thể hiện dân ý. Quan niệm Quốc hội, Hiến Pháp và cơ chế Tam quyền phân lập là những điều mới. Khẳng định mỗi con người, không phân biệt đẳng cấp, đều có những quyền công dân cơ bản đặt ra một nền tảng mới cho cơ sở quyền lực.
    Thiếp đưa tay ngăn Thức, chậm rãi :
    - Xã hội nào, qui củ nấy. Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia thế nào được.
    Thức ngẩng lên :
    - Xã hội Pháp hiện là xã hội quân chủ. Họ cũng có Vua như ta, và Vua cũng lại dựa vào thiên mệnh. Nhưng ở nước họ, thiên mệnh đó do tổ chức tăng lữ tôn giáo đảm bảo cho, trong khi đó ở ta thì hàng sĩ làm cái chức phận đó từ thời nhà Hán đến giờ. Hai trăm năm vừa rồi ở Âu-la-ba, tôn giáo lùi dần trước trào lưu tư tưởng đặt con người làm trọng tâm, lấy lý trí làm cơ sở. Cùng một lúc, công thương nghiệp phát triển và tạo ra một lớp người mới - lớp tư bản. Họ có khả năng kinh tế, ủng hộ trào lưu này, và tất nhiên là muốn đổi cái cơ cấu quyền lực cố hữu. Ðó là tiến trình vận động xã hội. Thưa thầy, biết được qui luật tiến trình này, ta hẳn không thể xem qui củ của xã hội ta là điều bất biến. Nếu nó đổi, thì nhiệm vụ của kẻ sĩ là làm sao cho sự thay đổi đó tốt đẹp nhất cho hàng dân. Dân có yên, mới giàu. Dân có giàu, nước mới mạnh. Dân giàu nước mạnh mới sinh lễ, nhạc, nghĩa là mới có văn hóa. Dân có văn hóa, biết mình là ai, mới giữ được gốc gác, không sợ mai một như bọt biển trên cơn sóng mà những thương thuyền từ Âu-la-ba đang xô giạt vào bờ đất Ðại Việt ...
    Thiếp để học trò nói, bụng tự nhiên xót xa như kẻ đi chậm bị rơi về phía sau. Lẽ nào cái trật tự cũ đang bắt đầu rồi đây thay đổi ? Thế thì tam tòng tứ đức lộn lạo ư ? Còn cái đạo quân tử, nó sẽ đi về đâu ? Thiếp dằn lòng, biết mình chẳng có thêå mang những luận điểm xưa ra tranh cãi, chỉ quơ cái điếu cày lên châm lửa rít xòng xọc. Trong khói thuốc xanh mơ hồ, vừa thật vừa ảo, Thiếp nhắm mắt không nhìn Thức nữa.
    Hôm Thức rời Bùi Phong, chàng nắm tay Ðặng-bà nói :
    - Con ra Thanh Hóa tìm Mai và cháu !
    Hốt hoảng, Ðặng-bà líu nghíu :
    - Không được, không được !
    Thức ngạc nhiên không biết vì sao, lòng chợt ngại rằng Mai đã có chồng, gặng hỏi. Ðặng-bà cuối cùng vừa khóc vừa nói :
    - Mai nó ở trong trại hủi.
    Cổ nghẹn lại, mắt hoa lên một nghìn con đom đóm bảy màu, Thức ngã vật xuống đất như một con trâu vừa bị búa tạ bổ vào đầu, vết sẹo trên trán từng hồi giựt lên như sắp lại toác ra để rồi không bao giờ liền lại nữa.
    Dặn dò Ngô thì Nhậm về việc cầu hòa và bang giao với nhà Thanh xong, Quang Trung giao tướng ấn cho Ngô văn Sở ở lại Bắc Hà, rồi cấp tốc kéo quân về Phú Xuân hôm mười chín tháng giêng, chỉ ở lại Thăng Long đúng bảy ngày. Bấy giờ, Phạm văn Tham ở Gia Ðịnh đã vào thế cùng lực kiệt, đành tự đóng gông xin hàng với Ánh. Quân Ánh cũng nhân thời cơ Huệ bận mặt Bắc tiến chiếm Trấn Biên và trực tiếp uy hiếp Bình Thuận.
    Tuy thế, ngày khải hoàn ở Phú Xuân vẫn được tổ chức long trọng. Ðứng trên lưng voi, Huệ nhìn tứ phía, ngửng mặt cười, tay vẫy đám quân dân chen chúc dọc bờ sông Hương, miệng hò lên mỗi khi ngơi tiếng chiêng tiếng trống.
    Ngay hôm sau, toàn thể các quan văn võ vào triều nghị họp để chia công cắt việc. Huệ sai Trần Quang Diệu làm trấn thủ Nghệ An, một mặt canh chừng vương quốc Ai Lao đang bắt tay với hoàng tôn Lê Duy Chi vẫn còn mộ quân mưu khôi phục, một mặt làm hậu thuẫn cho Bắc hà trù bị trường hợp cầu hòa với nhà Thanh không mang đến kết quả tốt đẹp. Dựa theo ý Nguyễn Thiếp và Ngô thì Nhậm, Huệ tổ chức lại hành chính theo kiểu nhà Chu, nhà Hán, cắt đất dành cho các con, lấy quan võ phong làm Trấn thủ, quan văn phụ tá làm Hiệp Trấn. Thiên tai, nạn đói lại hoành hành. Huệ ra lệnh miễn thuế ruộng, và xá cho thuế còn thiếu ở bốn trấn. Tháng ba, Huệ xuống chiếu cho khắc in sách Tứ Thư, Ngũ Kinh và các bộ sử để lưu hành trong dân chúng. Tháng năm, Huệ lại ban chiếu « khuyến nông » và « lập học ».
    Chiếu « khuyến nông » kêu gọi dân phiêu tán trở về làng mạc, cấp thiết khẩn hoang, nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp trên những vùng đất bị bo phí. Huệ cấp tín bài « Thiên hạ đại tín », bắt làm lại sổ đinh, sổ điền hòng quản lý chặt chẽ nhân đinh. Thuế má cũng đơn giản đi nhiều. Ruộng công hay tư đều phải nộp thuế theo ba hạng, bỏ hết phần phụ thu, chỉ giữ lại tiền thập vật, khoán khố và cước mễ. Về nhân đinh cũng vậy, bãi hẳn thuế điệu, chỉ giữ thuế dung.
    Chiếu « lập học » do Thức và Tự đề ra, gặp rất nhiều đối kháng của quan lại chẳng những ở Phú Xuân mà còn ở khắp các trấn. Lúc bấy giờ, Thức đã hoàn chỉnh cách phiên âm tiếng ta bằng mẫu tự La-tinh và gọi là chữ « Quốc ngữ ». Như vậy, có chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ để chọn cho việc học.Thức tâu :
    - Chữ viết làm sao cho giản tiện, hàng dân học cho dễ dàng, nhanh chóng, tất nghĩa lý được ban ra vừa rộng vừa xa. Thần xưa đã bỏ chữ Hán, dạy học dạy bằng chữ Nôm, ý là phân biệt ta hẳn ra với nước Tầu phương Bắc, giữ lấy tinh thần độc lập. Nhưng thật ra, chữ Nôm phức tạp, phần hình tượng của chữ Hán vẫn có, lại đèo phần âm vận đặc thù, nên muốn học cho nhanh, truyền cho rộng vẫn là chuyện khó khăn. Chữ Quốc ngữ đơn giản, tiện lợi hơn, hẳn là nên chọn.
    Trong triều, Bùi Ðắc Tuyên chống lại, đề nghị giữ chữ Hán. Tuyên khấu đầu thưa :
    - Xưa nay, từ Ðàng Trong ra Ðàng Ngoài, phép tắc thi cử học hành mấy trăm năm nay vẫn vậy. Tân triều giữ lệ cũ, không mắc tiếng « nôm na », lại chẳng dấy vào điều thị phi là chạy theo Tây dương và bọn tà đạo Gia Tô.
    Trần Danh Kỷ không đồng lòng với Tuyên, tâu Vua nên đổi sang dùng chữ Nôm. Kỷ nói :
    - Từ thời Hàn Thuyên, chữ Nôm đã có, nhưng cái tinh thần bảo thủ đời Trần đời Lê thời trước còn nhiều nên không đổi được, vẫn lấy chữ Hán làm mẫu mực. Cứ mỗi lần đuổi được giặc Nguyên giặc Minh, những triều đại trước đây, một khi dành được độc lập rồi đều muốn tránh việc phải tiếp tục binh đao. Chứng tỏ rằng nước ta có lòng thần phục để hòa hoãn, các vị Tiên Vương đều triều cống rồi ban hành luật lệ giống Trung Quốc, bắt chước sự học cũng như về tổ chức chính trị. Lấy thí dụ luật Hồng Ðức chẳng hạn.
    Nhìn Huệ, Kỷ khích :
    - Nay Hoàng thượng đuổi hai mươi vạn quân Thanh như một đàn ruồi, thế ta khác hẳn, đâu có thể nào bị ràng buộc o ép như xưa.
    Quay sang Trọng Thức, Kỷ tiếp, giọng bực bội :
    - Còn về chữ Quốc ngữ, tôi đồng lòng với Thái sư, và xin thêm rằng sự học cho nhanh, hơn kém thế nào chưa biết. Vả lại, giả thử như ai cũng biết đọc biết viếât, lãng chuyện làm ăn, lời ra tiếng vào thì chỉ « lắm thầy thối ma », lẽ lợi hại cũng không phải là không đáng bàn.
    Câu cuối Kỷ nói làm Tự nhăn mặt. Ngước lên nhìn Huệ, Tự chậm rãi :
    - Kính tâu Hoàng thượng, thần trộm nghĩ nước muốn mạnh, dân phải hiểu biết. Xưa nay, dân ngu mà nước mạnh là điều chưa có. Cái học càng quảng bá, càng hay, chữ nào tiện thì dùng. Việc chính là quảng bá gì ? Dĩ nhiên, có đạo nghĩa, rồi đến những điều thực dụng, nhằm canh cải nông nghiệp và công thương nghiệp.
    Tự khôn khéo, nói tiếp :
    - Nay thần cúi đầu xin Hoàng thượng xét việc chạy theo Tây dương và đạo Gia Tô, mặc dầu là chọn thứ chữ nào thần vẫn còn lưỡng lự. Giả thử ta chọn chữ Hán và cùng cách nghĩ như Thái sư, vậy là ta chạy theo Tầu chăng ? Nếu thế, thần đồng ý với Quan Trung thư Danh Kỷ. Lại xin thêm vào : theo đúng như lệnh Hoàng thượng, thần đã gặp thầy Labartette và De la Bissachère bàn về việc tự do truyền đạo, và nhất là qua sự trung gian của họ, nước ta sẽ giao thương với Pháp quốc và các nước Bồ đào Nha, Ypha Nho, Hòa Lan và Anh quốc. Như vậy, thế là ta đã chính thức giao thiệp với Tây dương và các giáo sĩ đạo Gia tô, đâu có gì mà gọi là điều thị phi nữa. Vậy tóm lại, sự chọn lựa thì cứ chữ nào tiện là ta dùng. Tiện, dễ, tất học nhanh. Muốn biết không phải là việc khó. Cứ lấy ba đứa trẻ cùng lứa, dậy mỗi đứa một thứ chữ rồi cho thi với nhau là xong.
    Huệ giơ tay ngắt lời Tự, thủng thẳng :
    - Phải, cứ cho thi thì biết ngay ! Nhưng việc học, ta muốn rộng rãi, đến tổng đến xã, chỗ nào cũng phải lập ra trường. Chọn chữ, ta sẽ hỏi thêm đám bề tôi ở mọi nơi đã rồi mới định được.
    Ðắc thắng, Tự nháy mắt với Thức, không để ý cặp mắt đục ngầu của Tuyên nhìn trộm mình hằn học. Tan triều, Huệ giữ Thức và Tự lại, bảo :
    - Việc lập trường, ta bắt làm ngay. Hiện nay giáo thụ nào mấy ai biết Quốc ngữ ? Lại sách vở đã chuyển ra Quốc ngữ đâu mà lấy để học ? Về việc chọn chữ, ta sẽ hỏi ý La Sơn Phu tử, khiến không ai nói gì nữa. Nhưng thi, ta cứ chọn ba đứa trẻ bắt học cho thi với nhau để mọi người cùng biết, sau này không còn dị nghị. Nhưng hai thầy phải sửa soạn, cho chép lại Tứ Thư, Ngũ Kinh bằng Quốc ngữ và tìm ra người dạy học. Chắc cũng năm bảy năm nữa mới chuyển đổi được !
    Quay sang Tự, Huệ tiếp :
    - Còn học cái gì, cũng vậy. Thầy và Thức lo bổ túc kinh nghĩa bằng các thứ sách về kiến thức thực dụng, và cấm ngặt sách bói toán, mê tín, đồng bóng chỉ rặt làm hư con người.
    Ngọc Hân được Huệ giao cho việc tìm ba đứa trẻ bắt học ba thứ chữ rồi thi với nhau. Nàng dò hỏi mãi mới kiếm được một gia đình sinh ba, hai trai một gái, nay đều lên bảy tuổi. Tư chất chúng gần như nhau, song Danh Kỷ và Bùi Ðắc Tuyên dành chọn hai đứa trai, để cho Thức đứa con gái. Ngọc Hân hỏi cần dạy bao lâu để những đứa trẻ đó có thể chép lại một bài văn, hay dăm câu thơ mà nàng sẽ giữ kín. Tuyên đòi tám tháng, Kỷ đòi cũng tám tháng, nhưng Thức chỉ xin đúng ba tuần trăng. Ðến ngày thi, Tuyên và Kỷ đều vào chầu nhưng không mang hai đứa trai theo. Hỏi ra, Tuyên bắt một đứa học ngày học đêm, đánh đập đến độï nó hóa câm. Về phần Kỷ, Kỷ chịu thua, nhưng giao hẹn là nếu đứa bé gái không chép được mấy câu thơ thì coi như là Thức khoác lác, không tiếp tục thi nữa.
    Hân dâng lên bốn câu thơ mình làm ca tụng Huệ. Huệ đưa lại, bảo đọc. Giọng Hân thánh thót :
    « Nghe trước có đấng vương Thang Võ
    công nghiệp nhiều, tuổi thọ càng cao
    Mà nay áo vải cờ đào
    giúp dân dựng nước xiết bao công trình... »
    Ðứa bé gái hí hoáy chép bằng chiếc bút lông ngỗng chấm mực, xong lại hai tay đưa lên cho Ngọc Hân. Khốn nỗi không đọc được, Hân lại phải trao lại cho Thức đọc. Danh Kỷ lắc đầu :
    - Không ! Nhỡ thầy Thức nghe, nhớ mà đọc lại thì sao ?
    Huệ cười, giọng mỉa mai khen :
    - Quan Trung Thư tinh tường thật. Thầy Thức ra ngoài ngay, đợi gọi mới được vào.
    Ðợi Thức ra xong, Huệ ra lệnh :
    - Quan Trung Thư đọc cái gì thì đọc đi, Thức không ở đây, không nhớ được gì hết !
    Kỷ ân hận, biết mình quá lố lăng, nhưng đặng chẳng đừng phải nói:
    - Ðấy là thần nói vui, đâu có ý gì. Nhưng Hoàng thượng đã dậy, xin tuân lời.
    Nói rồi, Kỷ đọc :
    « Thiên địa phong trần
    Hồng nhan đa truân
    Du du bỉ thương hề thùy tạo nhân »
    Ðứa bé gái lại hý hoáy chép. Ngọc Hân trong bụng bực mình, nhưng vẫn nhỏ nhẹ nói:
    - Ðó là thơ là của Ðặng Trần Côn. Ðoàn phu nhân đã dịch nôm là :
    « Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
    Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
    Xanh kia thăm thẳm từng trên
    Vì đâu gây dựng cho nên nỗi này »
    Bé, chép đi !
    Ðứa bé lại cắm cúi viết. Thức được gọi vào, và đọc rành rọt hai đoạn thơ. Mọi người đều trầm trồ. Bỗng Thức nói, giọng có chút châm biếm :
    - Dịch nôm thế, Quan Trung Thư thấy thế nào ?
    Kỷ ngượng ngập, cúi nhìn xuống, không nói gì. Thức cười, tiếp :
    - Dịch thoát lắm, nhưng có một điều là âm vậân không phải như nguyên bản Hán văn. Ðể mua vui hầu Hoàng thượng và nhị vị Hoàng hậu cũng như chư quan, tôi xin dịch lại thế này :
    « Ðất trời gió bụi
    Má hồng nổi trôi
    Nỗi đắng cay ai chuốc phận người »
    Vừa dứt lời, Thức lại liên tưởng đến ngày đầu gặp Mai ở Khiêm Các đất Kinh Kỳ cách đây đã gần mười năm, khi nàng luận về thơ dịch và ngâm bản dịch « Phong kiều dạ bạc » của nàng. Lòng buồn bã, chàng cúi xuống không để ý đến tiếng khen của Ngọc Hân và tiếng vỗ tay của Huệ. Chỉ một mình Phạm hoàng hậu là khẽ trề môi, lầm bầm chửi trong bụng :
    - Cha chúng nó cái bọn Ðàng Ngoài, văn mới chẳng chữ !
    Nhìn Ngọc Hân tươi cười, Phạm-thị thầm rủa: « Con mẹ mi, năm nào cũng đẻ, như heo nái ...» rồi đứng lên theo chân Bùi Ðắc Tuyên ra. Ðến ngoài cửa điện, Phạm-thị chợt dừng bước hỏi :
    - Cậu ơi ! Việc phong Thái tử và Vương tước tới đâu rồi ?
    Tuyên nhăn mặt, nói nhỏ :
    - Chưa định gì ! Nhưng đám quan võ Tây Sơn đã chịu làm hậu thuẫn để xin với Hoàng thượng. Chắc nội nhật năm nay là thành. Trần Quang Diệu cũng đồng tình, nay chỉ đợi tin Ngô Văn Sở.
    Huệ truyền cho Phạm-thị hôm sau đặt tiệc đãi món « óc nghé » cho bọn quan văn võ đến từ Ðàng Ngoài, trong đó có Phan Huy Ích đích thân mang thư của Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân cho Huệ. Món « óc nghé » là một món chỉ Phạm-thị làm mới mang đủ hết cái hương vị đặc biệt của vùng An Cựu phủ Qui Nhơn. Nghé không được quá non, quá già, phải đúng năm tháng, và là nghé đực. Óc lấy ra làm thế nào cho nguyên lành, được ướp bằng những loại rau thơm ép thành nước, trộn với sả và những gia vị mà Phạm-thị nhất định không chỉ dẫn cho một ai biết. Ngày trước, Phạm-gia đãi Huệ món này sau chiến thắng Phú Yên cách đây một giáp. Huệ khen ngon thì Phạm-lão gọi con gái ra, bảo : « ... nó làm đấy. Tướng quân thích, lão cho nó về hầu, muốn ăn lúc nào cũng được ! » Huệ gật đầu chịu. Sau này thoát được bàn tay Nguyễn Nhạc ở Qui Nhơn, Phạm-thị về Phú Xuân nhưng chỉ gặp Huệ mỗi lần Huệ thèm món « óc nghé ». Có lần trộn gia vị, Phạm-thị bỏ cả các chất khích dương, nhưng ăn xong Huệ lại hấp tấp bỏ về ngay, chuyện chăn gối ăn nằm với Phạm-thị từ ba năm nay không có. Trong khi đó, Ngọc Hân đẻ cứ ba năm đôi, nay lại có mang, nhìn đã thấy bụng. Phạm-thị than thân trách phận, rồi đem dạ căm thù chẳng những chỉ Ngọc Hân mà còn tất cả những ai đến từ Ðàng Ngoài. Và Ðàng Ngoài đối với nàng là kể từ Quảng Ngãi trở ra, vì đó là nơi chôn rau cắt rốn của họ Bùi bên ngoại nhà nàng.
    Trong bữa tiệc ở Tây cung, Huệ gọi Ngọc Hân đi theo, cho vời cả Danh Kỷ và Bùi Ðắc Tuyên, cùng với bọn Dũng, Tự, Thức và Phan Huy Ích. Huệ cầm bức thư của Nguyễn Thiếp, nốc một chén rượu, nói lớn:
    - Tốt thay ! La Sơn phu tử đã nhận làm đề điệu kỳ thi tháng tám năm nay ở Nghệ An. Lần này thi, thi bằng chữ Nôm. Ngoài ra, ta phong Phu tử làm Viện trưởng viện Sùng Chính, phải huy động người dịch ngay ra Nôm các sách Luận ngữ, Ðại học, Trung dung...
    Nheo mắt nhìn Kỷ, Huệ gật gù :
    - Chữ Nôm, ấy là ý quan Trung thư, mà cũng là ý ta và ý Phu tử. Thái sư thấy có gì phải bàn lại không ?
    Tuyên cúi mặt lắc đầu. Huệ nhìn mái tóc bạc của Tuyên, lòng bỗng thương một ông già đã thi sáu lần cho đến năm sáu mươi tuổi mà vẫn không đỗ, suốt đời bực dọc về chuyện cử nghiệp dở dang. Gắp vào bát Tuyên một miếng óc rán cháy xém, Huệ thân mật :
    - Tháng nào Thái sư được thất thập, vào cái lớp người cổ lai hy nhỉ ? Dịp đó, để ta làm lễ thượng thọ cho, đừng từ chối phụ lòng ta ...
    Huệ vui, lại uống rượu ừng ực, đùa bắt Ngọc Hân phải nếm « óc nghé ». Phạm-thị cười tươi như hoa, xẻ vào bát Hân, miệng nói :
    - Nào, mời Bắc cung Hoàng hậu, xem bọn người man rợ chúng tôi ăn uống làm sao !
    Hân không biết Phạm-thị chợt nghĩ đến một miếng óc nghé có thêm chút thuốc độc của bộ lạc Sa Huỳnh, uống vào không chết ngay mà cứ chết từ từ, chết không cứu được. Nhưng Phạm-thị cũng chẳng ngờ là Hân ngọt lời vâng dạ, nhưng trong bụng lại thầm nhiếc : « Bắc với Tây, cung với điện. Ta là công chúa nhà Lê tên Ngọc Hân, trả cho bọn mọi rợ bay cái ngôi Hoàng hậu ! »
    Huệ tự mình chống sào đẩy thuyền ra, rồi lấy mái chèo chọc xuống nước, bẩy lên, chân đạp vào chiếc then gỗ ngang, thái dương hằn lên những gân máu chạy chéo xuống tai, phập phồng theo nhịp tay đều đặn . Nắng đã lên ngang đầu những ngọn cây, nhuộm một màu vàng tươi trên những mái dạ thấp thoáng nằm an bình tựa những thớt voi còn ngủ. Thôn Vĩ xanh mướt như một viên ngọc nằm ngoan ngoãn trên lồng ngực phập phồng một nàng ca kỹ vừa quá đi cái tuổi chỉ mơ mộng. Tuổi của thành Phú Xuân, hết mơ mộng sau những chiến thắng nhanh chóng và hiển hách, đã bắt đầu biết tính toán, mưu đồ, biết ngó trước nhìn sau, và biết nghĩ đến những điều xa xôi qua từng bước cụ thể, từng liên minh quyền lợi, gốc gác. Phần Huệ, Huệ không chỉ còn là một ông tướng bách chiến bách thắng. Huệ nay là Vua. Là Quang Trung Hoàng Ðế với mọi cái rối rắm của quyền lực nội bộ. Lắm lúc, Huệ bực mình, dọa rằng sẽ đòi Lưỡng Quảng bằng đường quân sự, gây sự can qua với bên ngoài để yên bên trong. Vả lại, Huệ nhắc, miền Nam vẫn còn dưới tay bọn giặc Ánh. Những dịp ấy, Huệ gắt với bọn bề tôi : « Thế mà các ông chưa dẹp xong giặc, đã chỉ nghĩ đến tranh giành với nhau ư ! ».
    Hôn nhân gán ghép giữa đám quân tướng Qui Nhơn bơ vơ đi tìm một ý thức hệ và bọn sĩ phu vẫn chênh vênh trên bờ vực. Sĩ phu dưới trướngï, chỉ trừ Kỷ là người Ðàng Trong, đều gốc từ Bắc hà. Ngay giữa họ với nhau, cách nhìn chung cũng đòi hỏi nhiều nhượng bộ từ mọi phía. Huệ bảo với Ngọc Hân :
    - Về văn thần, Nhậm và Thiếp giúp ta giữ bờ cõi, dựng nên nghiệp đế. Chuyện mười, mười lăm năm sau giữ được nghiệp là nhờ tay Nguyễn Huy Tự. Còn Ðế nghiệp Tây Sơn từ đó có thêm một vài trăm năm nữa hay không, cái đó tùy vào trí tuệ của Trọng Thức.
    Ngọc Hân ngước lên, mắt dò hỏi. Huệ trầm giọng:
    - Thức đề ra chế độ gọi là Quân Chủ Lập Hiến. Dân ý phải làm thế nào phản ánh trong Hiến Pháp, và Vua dẫu có, nhưng chỉ có để thể hiện dân ý, có như biểu tượng một quốc gia. Một khi thiên hạ yên ổn, thể chế đó có khả năng giữ được rường mối thái bình cho hàng dân. Có Hiến Pháp là quan trọng, rồi có tinh thần thể hiện Hiến Pháp, tạo điều kiện cơ bản để thực sự tạo ra một kỷ nguyên mới. Vua trở nên thứ yếu. Một kẻ quá nhiều cá tính, như ta chẳng hạn, không phải là một vị Vua tốt trong kỷ nguyên đó. Vì thế, ta mới chọn Quang Toản làm thái tử. Nó kém nhất trong đám anh em...
    Hân nghe Huệ nói, thấy bóng cha mình là Lê Hiển Tông lại chập chờn đâu đây, buồn bã thốt lên :
    - Thế thì như Phụ Vương tôi à ? Là Vua nhưng suốt đời người chỉ mong thực sự thành Vua. Nhớ đến nhà Trịnh, Hân rơi nước mắt, tiếp - Vua mà bị ức hiếp thì làm Vua làm gì ?
    Nhìn Hân, Huệ chậm rãi :
    - Ở kỷ nguyên mới thì khác, làm gì có chuyện đó. ý dân nào ức hiếp ai ? Vua tốt là vì Vua không tùy tiện làm gì thì làm.
    Hân xin phép lui ra, cắn răng nghĩ đến con mình là Cương, thầm nhủ : «... không, không thế ! Nhà Lê dẫu chỉ có nửa dòng máu, con vẫn sẽ là một ông Vua, như đức Thái Tổ. Không cần Chúa, và cái Hiến pháp gì đó... »
    Huệ ngừng tay bơi, nhớ lại lời mình nói với Ngọc Hân, bất chợt hiểu rằng muốn thành một vị Vua tốt - một minh quân - thì phải biết làm gì để định ra cái giới hạn giữa uy lực và quyền lợi của mỗi người dân. Mặc cho con thuyền lênh đênh không định hướng, Huệ ngả mình xuống nằm, ngửa mặt nhìn lên trời xanh lồng lộng.
    Hồi tưởng lại hai năm vừa qua, Huệ nghiêm khắc đánh giá lại chính bản thân mình và những quyết định đã làm. Cắt đất phong cho Quang Thùy, Quang Bài ? Danh thế nhưng thực là để thưởng công cho Trấn thủ Bắc thành và Trấn thủ Thanh Hóa. Không sao. Chính quyền trung ương mạnh, không thể có vấn đề. Ðuổi quân Ánh khỏi Phan Rí ? Chuyện đó phải làm để lấy lại lòng tin cho đội quân Nhạc chỉ huy. Sai Diệu đánh đến Ai Lao ? Ðó là phá tan ý đồ của em Lê chiêu Thống là Duy Chi cầm quân Cần Vương ở Cao Bằng. Thế là vừa dẹp cho sạch mầm mống, vừa nhân tiện bắt voi, cướp vàng bạc, ngọc ngà mang về. Giao thiệp với Tây dương ? Chưa đến đâu ! Việc Nhạc đánh phá Hội an khi xưa cũng như lần tàn sát người Tầu ở Gia Ðịnh vẫn còn làm cho họ ngần ngại. Ðến nay, chỉ có dăm ba thuyền Bồ đào Nha vét hàng ở Quảng Châu mang đến bán mà thôi ! Mở cửa thông thương ? Phía biên giới Bắc hà, chợ búa đã mở lại tại bốn nơi, hàng hóa lưu thông. Chính sách khuyến nông ? May được mùa, dân khí có hưng lên, nhưng nạn đói năm nào cũng đe dọa vì lụt lội ! Có lẽ phải thẩm xét việc thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Nhị. Chính sách lập học ? Việc học là lâu dài, nhưng Sùng Chính viện đã dịch được bộ Tiểu học và Tứ thư gồm ba mươi hai tập ra chữ Nôm, và nay đang tiếp tục dịch Kinh Thi, Kinh Thư và Kinh Dịch. Ðồng thời, Trọng Thức cũng chuyển tất cả ra chữ Quốc ngữ, mặc dầu đám nho sĩ vẫn ngấm ngầm tẩy chay.
    Trong triều, nội bộ Phú Xuân vẫn chưa vào thể thống nhất. Văn quan người Ðàng Trong quá ít, trong khi đó thì ngược lại, võ quan quá đông. Gia đình họ Phạm, đứng đầu là Phạm công Hưng, liên minh chặt chẽ với Bùi Ðắc Tuyên. Trần Quang Diệu có người vợ họ Bùi, tên thị-Xuân, hẳn là hậu thuẫn cho hai nhà Phạm - Bùi, đang dần dần kéo về phía mình những hổ tướng như Lê Trung, Nguyễn văn Hưng.
    Chính dưới áp lực của đám võ biền này mà Huệ đã lập Quang Toản mới chín tuổi lên làm thái tử vào cuối năm Canh Tuất. Việc này, Trần Danh Kỷ và Vũ văn Dũng đã can gián hết lời. Sau lễ tấn phong, Ngọc Hân có vẻ giận, xin được lui về Bắc cung không dính dáng đến việc thảo chiếu biểu như xưa. Về phần Tự và Thức, họ dẫu khôn ngoan tránh né, nhưng vẫn là hai cái gai dưới con mắt Bùi Ðắc Tuyên, lúc nào cũng bị coi như người « nước ngoài », và có dịp là dè bỉu ra mặt, chẳng nể nang gì.
    Ngoài cõi, việc bang giao với nhà Thanh thành công qua sự khôn khéo của Ngô Thì Nhậm. Vấn đề phải giải quyết là miền Nam còn dưới tay Nguyễn Ánh. Không phải là tay vừa, Ánh tổ chức lại Gia Ðịnh một cách chặt chẽ, mộ dân lập các nậu, đồn điền, mở xưởng đúc súng, đóng tầu, xây lại thành Gia Ðịnh, thi hành lệnh khuyến nông và tập hợp được đám xử sĩ Gia Ðịnh thành một khối đoàn kết. Dùng chính sách « tự thực kỳ lực » bắt lính lập đồn điền cày cấy, rồi lại mang kỹ thuật quân sự Tây dương do Bá đa Lộc và đám đánh thuê du nhập vào, Ánh tạo được một lực lượng khá hùng mạnh, nhất là đội thủy binh rõ ràng có khả năng áp đảo được Tây Sơn. Ðể đối phó, Huệ cho chiêu dụ bọn thủ lãnh cướp biểàn Tề Ngôi, tục gọi là Tầu Ô, phong làm Thống binh. Ra công làm những « Ðại hiệu thuyền » chở được voi, trọng tải lên đến một trăm năm mươi tấn, rồi loại thuyền « Ðịch quốc » có trang bị đại pháo, Huệ nhằm khắc phục yếu kém của mình trong một trong một thời gian ngắn. Ðến tháng hai năm Nhâm Tý, Huệ chuẩn bị được hai mươi vạn quân, sẵn sàng vào đánh Gia Dịnh. Lực lượng Ánh lúc đó quân bộ có mười một vạn và thủy binh có hai vạn sáu nghìn người. Tháng trước, Ánh đánh trước, bất ngờ mang một trăm hai mươi tám chiến thuyền đột kích đốt thủy trại Thị Nại, thu vũ khí, lương thực rồi rút về. Nhưng lần này Huệ sợ. Sợ chẳng phải là vì lực lượng của Ánh mà là vì Nhạc viết thư báo rằng quân dân hai phủ Quảng Ngãi và Qui Nhơn không dám phản công, thấy giặc là bỏ trốn.
    Huệ ngồi dậy, tay với lấy mái chèo, khuấy vòng cho thuyền quay mũi, nhắm bờ chèo vào. Quân dân hai phủ sợ giặc ? Không có lý, dân Qui Nhơn xưa nay vốn là dân thượng võ, chuyện sợ chắc là không ! Hay họ mất tin tưởng vào Nhạc. Có thể. Nhưng đất là đất Ðại Việt, đâu phải chỉ là đất của Nhạc. Hay họ ngỡ là Nhạc thua, Huệ sẽ không cứu. Ðúng, chắc thế. Và vì vậy họ mất tinh thần. Nếu Huệ để mặc cho Nhạc chết, thì việc gì đến họ mà họ phải liều mình.
    Ngẫm nghĩ, Huệ càng thấy thấm thía hậu quả của việc nồi da nấu thịt hơn ba năm trước. Tướng Tây Sơn có kẻ đi hàng Nguyễn Ánh, có người xin lui về cày ruộng. Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ, Tiền kích Du tướng quân Võ Toàn Nhật và cả Chúa Út chắc cũng đều chết oan vì vụ tương tàn nhà Tây Sơn. Huệ cắn răng, chèo mỗi lúc một nhanh, môi mím chặt, mặt bạnh ra, những sợi tóc quăn cứng ánh lên như giây thép dưới ánh mặt trời.
    Khi đã quyết những việc phải làm, Huệ như mũi tên bật tới phía trước, có phương có hướng chứ không để như con thuyền lênh đênh không lèo lái trên dòng sông Hương mới cách đây chừng dăm khắc.
    Ðợi đến khi Ngọc Hân đọc xong, Huệ nhìn Thức và Tự, giọng diễu cợt :
    - Thế nào ? Các vị thấy thế được chưa ?
    Tự vui miệng :
    - Bắc cung Hoàng hậu chữ nghĩa tôi luyện đã công phu lắm, thần không thêm được gì.
    Ngọc Hân cười :
    - Không phải tôi viết. Chính tay hoàng thượng đã thảo ra hịch này.
    Mới năm trước, Huệ viết lách còn như người ta vật lộn, sáng sáng vẫn ngồi học chữ, đọc những bản dịch Nôm, sách Tiểu Học và Tứ Thư do Nguyễn Thiếp đưa vào. Thức và Tự đều ngỡ ngàng, chưa biết nói gì thì Huệ cất tiếng :
    - Các thầy xem lại, đoạn ta viết: ...Như tên Chủng đê hèn kia đã phải lẩn trốn sang những nước tầm thường phương Tây, thì có gì là đáng kể. Còn như đám dân ươn hèn Gia Ðịnh, nay dám ngóc đầu dậy mộ binh, tại sao các người sợ hãi chúng như vậy, tại sao tinh thần các người khiếp đảm đến thế ?
    Thức hắng giọng:
    - Mắng thế, nhưng sau lại khích lên, cũng được! Duy có đoạn sau - Thức đọc - «...Trẫm sẽ đập tan bọn giặc cựu Nguyễn dễ dàng như bẻ một cành củi khô, đập một cây gỗ mục...Như thế để ai nấy hiểu rõ là trẫm cùng Hoàng đại huynh là hai anh em ruột, là cùng chung một dòng máu. Trẫm không bao giờ quên điều đó »- liệu có nên chăng? Nhắc lại chuyện tương tàn khi xưa lại khơi ra ân oán, có được lợi gì ?
    Huệ cúi đầu ngẩm nghĩ, rồi chặc lưỡi, thở dài :
    - Ta chỉ muốn cho quân dân hai phủ rõ rằng nhà Tây Sơn là một. Bất trung với Nhạc cũng là bất trung với ta. Ðiều làm cho ta lo hơn cả là lần đầu quân dân Qui Nhơn hèn nhát bỏ trốn... Sự khiếp đảm ấy phải chăng là dấu hiệu đầu tiên của tinh thần suy nhược ? Vì thế ta không thể chần chừ được. Dẫu mùa này gió chướng không thuận lợi cho đường tiến quân của thủy binh, ta vẫn phải đánh ngay.
    Huệ ngưng nói, nhìn vào khoảng không, rồi nghiến răng :
    - Cũng vì sợ quân dân hoang mang, ta thêm «...các người chớ nhẹ dạ nghe những lời phao đồn về bọn người Tây dương. Tài giỏi gì bọn chúng ? Mắt chúng là mắt rắn xanh, chúng chỉ là những xác chết trôi từ biển Bắc về đây, các người nên hiểu như thế ! Những tầu bằng đồng, những khinh khí cầu của chúng thì có gì kỳ lạ mà phải đệ trình lên trẫm biết ? ...»
    Thức nhìn Huệ, ngập ngừng:
    - Về khinh khí cầu, để một tháng thì thần cũng chế tạo ra được. Nhưng đúng là tầu bằng đồng của chúng có lợi hại, và nhất là thuốc súng Tây dương bắn mạnh và có tầm xa hơn của ta. Hoàng thượng đợi thêm dăm tháng cho đến mùa thuận gió, chỉnh đốn lại thủy binh vừa bị thiệt hại ở Thị Nại, dùng thời giờ đó tìm cách chế thuốc súng tốt hơn, thế có phải là diệu sách không ?
    Mắt cau lại, Huệ nắm thành ghế bóp như muốn nghiến vụn ra, quay hỏi Tự :
    - Thầy nghĩ sao ? Thầy đã từng chạm trán với chúng ở Gia Ðịnh, nói cho ta nghe.
    Tự đáp, giọng trầm tĩnh :
    - Thủy quân của chúng mạnh, nhưng bộ binh không phải là đối thủ của ta. Duy có thành Gia Ðịnh, bề ngoài hình thể theo bộ vị bát quái, nhưng ở trong chúng phòng ngự theo cách Tây dương, chưa biết đánh phá có nhanh được không ? Nhưng giả thử ta vây để tuyệt lương, thì chỉ ba bốn tháng cũng lấy được Gia Ðịnh. Ðám đánh thuê Tây dương nay bỏ đi khá nhiều, chỉ còn Bá Ða Lộc và dăm tên, không đáng kể. Ðánh lần này, Hoàng thượng phải như đánh rắn, đánh cho dập đầu. Thần thiển nghĩ, quân bộ ta chia làm hai đạo, một từ Bình Thuận xuống, và mượn đường Chân Lạp đi vào biên giới, đạo thứ hai đánh thốc lên, hai mũi kìm tiến vào vây Gia Ðịnh thì chỉ sáu bẩy tháng là bình định được...
    Huệ mừng rỡ reo :
    - Ðúng như lời Ngô thì Nhậm, văn và võ là một. Thầy chuyên cầm bút mà nghĩ hệt như ta là kẻ chỉ biết cầm gươm. Vì quân bộ là chính nên xuất thủy binh mùa gió chướng là nhằm tạo bất ngờ, giặc không tính đến nên ta mới có cơ thắng...
    Ra lệnh truyền hịch đến quân dân hai phủ Qui Nhơn và Quảng Ngãi, Huệ chỉ cho Thức chiếc kỷ bên cạnh bắt ngồi. Huệ nhỏ nhẹ :
    - Thầy Thức, xưa thầy xin dùng Quốc ngữ, nay thầy đề nghị đợi đến gió mùa mới xuất quân. Cả hai sách ta đều bác đi, thầy có oán ta không ?
    - ...
    - Hai tháng nữa, hết gió chướng nhưng lại đúng gió ngược, ta để thủy binh đi trước rồi mới cho bộ binh xuất trận. Từ nay đến lúc đó, ta sẽ nghe thầy, và lại nghe một việc quan trọng nhất. Thầy từng bảo ta, đừng đợi đến lúc làm Vua rồi mới hỏi làm Vua để làm gì ? Thầy còn nhớ không ?
    Thức gật đầu. Huệ lại cười, tiếp :
    - Rồi khi ta hỏi làm sao để biết cái phải làm gì thì thầy đáp «...phải sống một cuộc sống bình thường, từ đó mới thấu hiểu được niềm hạnh phúc của những kẻ bình thường ». Bây giờ ta muốn thử một cuộc sống bình thường, ta phải làm thế nào ?
    Thức nhìn lên , ngẫm nghĩ rồi đáp :
    - Người ta quí nhất là tính mạng. Kẻ bình thường sợ đao binh, nhưng Hoàng thượng thì lại thừa biết chuyện sống chết với binh đao rồi. Kẻ bình thường còn sợ mất mạng vì đói. Chắc Hoàng thượng không biết thế nào là sợ chết đói, và có biết thì mới hiểu miếng ăn thực sự là gì !
    Gật gù, Huệ lẩm mhẩm :
    - Ðược, ta nhịn ăn ư, được...
    Ngọc Hân bật cười :
    - Nhưng khi Hoàng thượng muốn ăn lại gọi. Thế thì làm sao biết được cái sợ chết đói ?
    - Ðúng ! Ðói đến có thể chết mà không làm gì được thì mới là sợ chết đói.
    Nhìn Tự cầu cứu, Huệ tiếp :
    - Nhưng ta, ta làm thế nào ?
    Ngẫm nghĩ một chặp lâu, Tự cúi đầu thưa :
    - Làm thế này ! Hoàng thượng nhịn, nhưng không được gọi ai, giao tính mạng mình vào tay một người như kẻ bị đói phó thác sự sống chết cho cơ may do trời định. Cứ đánh một cái chìa khóa nơi Hoàng thượng nhịn ăn, giao cho một ai đó. Khi đến cái giới hạn của sự sống và cái chết, chỉ có người đó có thể cứu Hoàng thượng, hoặc để mặc cho Hoàng thượng chết đói...
    Cười lên ha hả, Huệ nhìn Ngọc Hân, nói lớn :
    - Thế thì Hoàng hậu giúp ta làm việc này nhé ! Ðừng có phụ lòng ta.
    Giao Quang Cương vào tay nhũ mẫu, Ngọc Hân lẩm bẩm : « Ta xuống cung Long Chính. Hoàng thượng đã nhịn ăn được năm ngày rồi ! ». Nói xong, Hân biết mình hớ miệng, dối :
    -...nhịn ăn để chữa bệnh mà !
    Chỉ có Thức, Tự và Hân biết việc Huệ nhịn ăn để hiểu thế nào là nỗi sợ chết đói của những kẻ bình thường. Ngay cả với Phạm Hoàng hậu, Huệ nói thác là Thái Y mách cách trị những cơn đau ruột thỉnh thoảng Huệ lại bị. Hân bước ra ngoài, tay nắm chặt chiếc chìa khóa, chân men theo ven hồ, thầm nhủ cả tính mạng mình lẫn ba đứa con đều nằm trong tính mạng của Huệ ở Phú Xuân này. Thức đợi sẵn, đi đến mở một ô vuông trên cánh cửa bằng gỗ gụ, rồi lách sang đứng một bên.
    Nhìn qua ô cửa, Hân thấy Huệ bất động, lưng dựa vào tường, hai mắt nhắm nghiền dưới ánh sáng ngọn bạch lạp hiu hắt vàng bệch. Ngước lên, Hân nghe tiếng Thức thì thầm :
    - Hai hôm trước, Hoàng thượng còn bò đi lùng dán, thạch thùng... trong điện. Ngài bắt được, ăn sống, nhưng lại nôn mửa ra. Hôm qua, ngài chỉ uống nước, cả ngày chỉ đủ sức chửi có ba câu, không như mấy hôm đầu la hét quát mắng...
    Hân bỗng thỏa mãn, miệng nhếch lên cười. Thức tiếp :
    -Tâu Hoàng hậu, hôm nay Hoàng thượng ngồi một góc, chỉ thỉnh thoảng tay chân mới đụng đậy. Tôi nghĩ chắc thế là đủ rồi...
    Bỗng Huệ như trực giác thấy Ngọc Hân ở đâu đây, quơ tay lên vẫy, rồi lại mệt nhọc lả ra, miệng mấp máy cầu khẩn. Hân thầm nghĩ, thế là hết oai phong nhé ! Nhớ lại đêm động phòng ở lầu Tử Các và cái đau đớn tủi hổ khi Huệ đẩy mình chúi xuống, xách cho chổng mông lên rồi đâm vào như thúc kích để trả thù, Hân trả lời Thức, giọng ráo hoảnh :
    - Tôi lại không mang theo chiếc chìa khóa !
    Huệ bỗng cựa mình, lết dần về phía cửa, hổn hển, cứ được dăm ba thước lại phải nghỉ để thở. A, cái đói. Bây giờ mi là địch thủ của ta. Xưa nay, ta luôn luôn nhủ mình rằng khóc nhục, than hèn, rên yếu đuối. Ðến ngày thứ tư, ta khóc, than và rên rỉ. Ta lại còn sợ nữa. Ta biết là ta chết thì cả triều đại Tây Sơn này cũng sụp, và bọn chúng bay phải chết theo ta. Vậy, đứa nào dám giết ta ? Không. Không một đứa nào ! Nhưng ta vẫn sợ. Sợ chúng bay nhân ta vắng mặt, gây gỗ can quan, đánh lộn bậy, đốt phá, để mất chiếc chìa khóa. Sợ con mụ họ Phạm nổi cơn ghen và giết Ngọc Hân. Ta lo. Ta lo nhỡ Hân để cho đám con ta là Cương, là Quí chơi, lỡ tay vứt mất chiếc chìa khóa thì sao.
    Ô, đầu ta, cái đầu ta bắt đầu loạn rồi. Này, có chất gì ứa ra làm xót ruột thế này. Quan thị y đâu ? Thị dược đâu ? Bay để Quang Trung Hoàng Ðế khổ thế này à ? Thôi, cho ta đánh đổi. Ta đổi Vĩnh Trấn lấy một đĩa óc nghé. Không à ! Vậy thì Cao Bằng - Lạng sơn lấy ba bát cơm trộn mắm. Còn Thanh - Nghệ, ta không đổi đâu ! Ta định xây Ðế đô ở Nghệ. Ðất đó là đất tổ ta họ Hồ, sau đổi ra Hà, và lưu lạc vào Tây Sơn thì lại thành họ Nguyễn. Họ mẹ ta. Bác ta là Quận He đấy. Cũng công hầu nhà Lê, có kém ai. Còn ta, ta là phò mã, lấy Ngọc Hân về hầu hạ, quắc mắt lên là cha con Lê Hiển Tông xám mặt cúi đầu.
    Thanh - Nghệ và thêm cho cả Quảng Bình, đổi lấy một miếng cháy bôi mỡ nhé ! Thế mà bay cũng nói không à ? Ta sắp chết sao ? Bớ Ngọc Hân. Chìa khóa đâu, mở cho ta ra. Hay mi cũng phản ta rồi. Tự và Trọng Thức lập mưu giết ta với mi chăng ? Ðúng, đúng rồi. Thị vệ, có bọn tạo phản, giết chúng cho ta... Nhưng giết chúng để làm gì ? Huệ mơ màng tự hỏi mình thì mắt hoa lên, thấy Vũ văn Nhậm bị trói ở bãi Tây Long. Nhậm trợn mắt :
    - Giết ta để làm gì ?
    Huệ nghiến răng :
    - Ðể từ rày ta chỉ lo một mặt phía nam Phú Xuân vì bố vợ mi ở Qui Nhơn. Còn mi là chàng rể, mi còn sống ở phía bắc là ta còn phải lo thế gọng kìm. Vì thế ta phải giết mi !
    Nhậm hét lên, và Chỉnh ở góc phòng, mặt mũi máu me hỏi :
    - Thượng công sai Nhậm giết tôi. Tôi phản hay chính Thượng công phụ tôi ?
    - Mi không phản lúc đó, nhưng để mi ở Bắc hà hai năm sau thì mi cũng sẽ phản. Còn ta phụ mi ? Biết mi sẽ phản thì ta có phụ cũng là luật chơi mà thôi. Giá khi mi dẹp được Trịnh Bồng, mi đừng chịu nhận tước Quốc công của nhà Lê, vẫn cứ nhân danh Hữu quân Tây Sơn rồi đợi lệnh ta, thì ta lấy danh nghĩa gì mà giết mi được ? Giết mi, ta tiếc lắm chứ. Giả thử có mi, thì về thủy binh ta có lo gì thằng Chủng. Thủy binh ta mạnh, tiếp ứng được Gia Ðịnh thì ta đâu có mất Thái bảo Phạm văn Tham. Chính mi, mi chết là phụ ta ... Mà ta đói thế này, chắc cũng sắp gặp mi ở dưới tuyền đài rồi.
    Huệ lại thở, nước mắt ứa ra đầm đìa, tay cố vẫy, giơ lên rồi lại rơi xuống tuyệt vọng. Thức nói lớn, giọng hoảng hốt :
    - Hoàng hậu đi lấy chìa khóa đi. Không đợi được thêm nữa đâu ! Có mệnh hệ gì thì chúng ta đều chết hết.
    Nhìn Huệ lả người trên mặt đá hoa lát điện, mắt đã nhắm nghiền, thở thoi thóp, Hân lạnh lùng :
    - Hoàng thượng muốn đến ranh giới sự chết, để hiểu cái đói và nỗi bấp bênh của sinh mạng đám hàng dân. Ngài chắc sẽ được như ý. Tôi về, sáng mai quay lại, bây giờ khuya rồi đi tới đi lui sợ điều tiếng dị nghị.
    Một đứa thị nữ nấp sau bức trướng nghe rồi vội vã chạy về Tây cung báo. Phạm hoàng hậu nghe xong, rủa « ...con khốn nạn, được rồi ! »
    Sau sáu hôm không được ăn, Huệ rạc người đi, nhưng chỉ được uống cháo có đổ sâm trong hai ngày liền. Ngày thứ ba, Huệ mới bắt đầu ăn cơm, dần dần lại sức, sai người qua Tây cung bảo Phạm hoàng hậu làm cho món óc nghé. Huệ nhìn Thức, trầm ngâm :
    - Bài học đói là bài học lớn nhất của trẫm, cám ơn thầy. Từ nay, trẫm biết bụng hàng dân, hiểu ra cái lẽ thịnh, loạn. Khi đói, quả người ta mất hết nhân phẩm và lý lẽ. Thầy biết không, trẫm đói quẫn trí oán cả thầy, cả Tự, rắp tâm sẽ chém cả hai. Thế thì nói gì đến dân chúng. Họ đói, họ oán trời, rồi tất nhiên oán trẫm, có làm loạn cũng không lấy gì làm khó hiểu ! Họ lại đâu chỉ đói một mình. Cả nhà đói. Cả làng, cả huyện đói. Ghê thật, và trẫm hiểu được những cái quyền dân thầy từng nói, không còn lờ mờ như trước. Ðúng. Cái quyền tối thượng của mỗi người dân là quyền sống. Và sống có nhân phẩm thì không phải đói, phải xin, phải cầu cạnh gì ai. Câu thầy bảo làm vua phải biết là để làm gì nay trẫm đã hiểu ...
    Huệ đứng dậy vái, nhưng Thức đã vội nghiêng mình chắp tay vái lại, miệng kêu :
    - May thay. May cho thiên hạ !
    Thời gian sau đó, mắt Huệ bớt rừng rực lửa, cung cách độ lượng, không bàn chuyện vào Gia Ðịnh dẹp lực lượng Nguyễn Ánh, bỏ ra mấy buổi liền để bàn với Tự về cách chống đói và tiềm năng kinh tế của Ðại Việt. Về phần Thức, Huệ giao cho trách nhiệm tìm những kẻ còn trẻ cầu học cầu tiến, dự định gửi họ sang Pháp lan tây và Anh quốc. Gọi Kỷ và Tuyên vào, Huệ ướm hỏi họ về vấn đề cho giáo sĩ tự do giảng đạo, và để cho giáo hữu mở trường dậy học ở mọi huyện.
    Xế chiều, Huệ sang Tây cung, cho Tự, Thức và Ngọc Hân đi theo. Trầm tĩnh hẳn, Huệ nhẹ nhàng phủ dụ Phạm hoàng hậu chứ không hắt hủi như xưa, gọi đám Toản, Thùy và Bàn ra hỏi việc học, lòng có chút ân hận đã sao nhãng con cái những năm vừa qua. Ðến khi dọn tiệc ra, Phạm hoàng hậu chắp tay thưa :
    - Vì Hoàng thượng gọi gấp, lại chỉ tìm được có một con nghé, cho nên tôi làm thêm món miến gà là món Ðàng Ngoài để khoản đãi Bắc cung hoàng hậu và các vị văn thần Bắc hà. Xin cứ tự nhiên.
    Ðang mải nghĩ ngợi về phản ứng của đám quan võ đối với sự hòa hoãn khoan nhượng các giáo sĩ Gia Tô, Huệ chẳng nói chẳng rằng, cắm đầu ăn ngấu nghiến, nhưng mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không. Chưa thấy Huệ cho phép, mọi người cúi đầu lẳng lặng đợi. Miệng khô, Huệ với một bát miến, húp nước. Tiếp tục ăn được dăm ba miếng, Huệ bỗng kêu nhức đầu. Thế là không một ai đụng đến những bát miến gà còn nóng, và cũng chẳng có người nào để ý thấy Phạm hoàng hậu mặt tái mét, cúi mặt không nhìn lên.
    Về đến cung vua, Huệ sai đóng cửa lại, kêu :
    - Gió chướng độc lắm. Khéo không lại bệnh đấy !
    Trên thành Phú Xuân, gió khi thổi khi ngừng, không có phương hướng nhất định, lắm lúc lại xoắn vào nhau quay cuồng gào lên điên dại.
    Quả gió chướng là gió độc. Huệ ngã bệnh tối hôm đó, đầu nhức, người ra mồ hôi như tắm. Y quan vào bắt mạch, cho thuốc. Thuốc uống xong, Huệ đỡ. Nhưng mấy ngày sau, những cơn nhức đầu lại quay lại. Rồi kèm với nhức đầu là những trận đau bụng. Y quan không chẩn được bệnh, cầu cứu bọn đồng cốt. Huệ đuổi ra. Mấy ngày sau, Phạm hoàng hậu treo cổ tự vận nhưng ai cũng dấu, không cho Huệ biết. Lúc đó, có những cơn đau làm Huệ bất tỉnh, mặt cứ sạm dần đi, miệng lở, môi khô, hai con mắt lồi ra nhìn như hai cục máu đông lại. Cho người về Qui Nhơn tìm An, người bạn gái thuở niên thiếu, Huệ đợi từng ngày. Có lẽ lúc đó, Huệ biết mạng của mình đã đến chỗ tuyệt.
    Phạm hoàng hậu rắp tâm đánh thuốc độc giết cả bọn «nước ngoài » vào chiếm chồng, chiếm vua nước Ðàng Trong, mê hoặc triều đình bằng những luận điệu huyễn hoặc. Mưu ấy, chỉ một mình Bùi Ðắc Tuyên biết. Nhưng oái oăm thay, chút nước trong bát miến gà ngay tầm tay Quang Trung trong bữa ăn ở Tây cung không hại được một ai khác ngoài vị Hoàng Ðế cầm hết vận mệnh nhà Tây Sơn. Có lẽ Huệ biết mình bị đánh thuốc độc vì một hôm Huệ hỏi Tự :
    - Cùng đi ăn ở Tây cung, có ai làm sao không?
    Nghe Tự nhắc lại là hôm ấy chẳng có ai kịp đụng đũa, Huệ chỉ à lên một tiếng rồi không đả động gì đến nữa.
    Huệ sai gọi Trần Quang Diệu ở Nghệ An và Vũ văn Dũng đang trên đường đi sứ sang Trung Quốc về gấp. Ngọc Hân ngày đêm bên cạnh Huệ, khóc thưa :
    - Hoàng thượng có mệnh hệ gì thì mấy mẹ con thiếp trông cậy vào đâu ?
    Ngậm ngùi, Huệ nhỏ nhẹ :
    - Trông vào Dũng, về Bắc Hà, đừng ở đây nữa!
    Gọi Thức và Tự vào đứng bên giường, Huệ gượng cười :
    - Ðến ranh giới cuối của sự sống với cái đói, nay ta ghé lằn mức đầu tiên của sự chết bằng mấy miếng óc nghé và chút nước miến gà. Thầy thấy có buồn cười không ? Cái quyền lực ta còn đây, ta cũng chẳng biết làm gì với nó ? Ta giết kẻ hại ta, cũng chẳng thay đổi được gì, chỉ phá cho nát ngay cái sự nghiệp Tây Sơn mà thôi !
    Ngừng lại để lấy sức, Huệ tiếp như than van, mắt nhìn Tự :
    - ...Có cứu lấy gì được không ?
    Tự ngẫm nghĩ rồi đáp :
    - Rút về Ðàng Ngoài, có Thiếp, Nhậm và bọn quan võ như Dũng, Huấn, Sở, Lân thì còn giữ được lâu ! Ðàng Trong chưa đủ sức để đánh ta ngay...
    Huệ buồn bã ngắt lời Tự :
    - Kẻ làm được việc này là Diệu. Chỉ Diệu mới khiến được đám cựu thần Qui Nhơn thôi. Nhưng để làm chi ? Không nhẽ lại phân ra Trong, Ngoài, Nam, Bắc đánh nhau thêm một vài trăm năm nữa ? Bài học về cái đói đã dạy ta điều ngược lại, nghĩa là phải tìm cách cứu vãn hòa bình, chứ không phải là tiếp tục cuộc nội chiến đã manh nha từ thuở Mạc triều. Còn cắn cấu lẫn nhau, còn nghèo, còn đói ...
    Ngừng một lát, Huệ dặn Tự và Thức :
    - Ta đi rồi, cả hai vị phải rời ngay Phú Xuân tránh nạn. Chúng sẽ ăn sống hai vị ngay !
    Trần Quang Diệu về tới Phú Xuân, vội vào cạnh Huệ. Huệ thều thào :
    - Ngươi gấp xây Trung đô ở Nghệ rồi kéo ra đó, nếu không thì bọn giặc Gia Ðịnh vào, lũ các ngươi chết không có đất mà chôn. Việc tang ma, lẳng lặng làm cho nhanh, và hai ba tháng sau hãy báo cho thiên hạ rõ.
    Gọi Ngọc Hân đến bên giường, Huệ ứa nước mắt :
    - Duyên ta với nàng có thế. Nghĩ lại, tội cho nàng. Ta không nghĩ là nàng yêu ta. Nhưng dẫu sao, nàng cũng cho ta mấy mụn con đáng mặt vương đế. Phần ta, ta chỉ quí nàng, và cũng xin nàng quí ta là đủ. Người ta yêu - Huệ bật cười - chỉ muốn ta là một kẻ bình thường. Suốt đời, từ năm mười bảy đã làm tướng cầm quân cho đến nay là trên hai mươi năm, ta mới sống được sáu ngày nhịn đói có thể tạm gọi là bình thường. Nhưng khi chết, tất là ta chết như mọi người. Gọi người ta yêu đến để nàng thấy lúc cuối cùng này ta cũng trở thành bình thường như mọi người trước cái chết, nhưng sao nàng vẫn không đến ...
    Bỗng từ ngoài không biết bao nhiêu là những con dán cánh vàng mật ong ở đâu bay vào điện nơi Huệ đang thoi thóp thở. Dán bay, cánh đập rào rào như tiếng mưa, khiến Huệ mở mắt, thều thào trong cơn mê sảng :
    - Ai đấy ! An, An phải không ?
    Chỉ có mái tóc Ngọc Hân run rẩy dưới ánh bạch lạp đang ngả nghiêng hắt lên tường bóng những con dán bay toán loạn. Tiếng Huệ nhỏ dần :
    - An xem, chết thế này bình thường chứ hả ...
    Ðêm hôm ấy là đêm hai mươi chín tháng bảy âm lịch năm Nhâm Tí. Trên trời Phú Xuân, sao lấp lánh rồi từng trăm vì sa xuống. Ðó là những vì sao chết cách đây hàng vạn năm ánh sáng, chờ đúng lúc rủ nhau về đón một linh hồn vừa rời thế gian. Như mọi người, rất bình thường. Kể cả chuyện đến phút cuôí cùng vẫn chỉ chờ đợi bóng người yêu. Nhưng nàng không bao giờ đến.
    Ngọc Hân lủi thủi về Bắc cung, lấy bài thơ làm dở cho Huệ ra ngắm nghía. Nàng nhanh tay thảo ba chữ Ai Tư Vãn, rồi viết tiếp :
    « Công dường ấy mà thân nhường ấy
    Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công
    Rộng cho chuộc được tuổi rồng
    Ðổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi »
    Ðó là bài văn tế chẳng phải cho riêng Quang Trung mà là cả cho triều đại Tây Sơn. Cái kỷ nguyên mới kia chỉ còn là một giấc mơ bám bụi. Ngay sáng hôm sau, Bùi Ðắc Tuyên vây bắt Nguyễn Huy Tự rồi mang dìm xuống sông ở ngả Ba Sình. Tự cười ằng ặc, chẳng phải là chỉ vì bị sặc nước.
    Hai trăm năm sau, một học giả tìm ra nguyên bản Hoa Tiên do Tự trước tác, một tập thơ truyện bằng chữ Nôm đặt tình yêu lên trên vòng ràng buộc của luân lý phong kiến. Sau đó, một dị thuyết cho rằng Tự trốn chứ không bị Tuyên bắt, rồi già mà chết.

Xem Tiếp Chương 12Xem Tiếp Chương 13 (Kết Thúc)

Gió Lửa
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Đang Xem Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Đi Qua Hoa Cúc
» Giữa Cơn Gió Lốc