Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Hạt cơ bản Tác Giả: Michel Houellebecq    
    4.
    Annabelle chết ngày hôm sau đó, và với gia đình có lẽ như thế là tốt hơn. Trong trường hợp có người chết, người ta luôn có khuynh hướng nói những điều ngu ngốc tương tự; nhưng đúng là mẹ nàng và anh trai nàng đều rất khó chịu đựng được một trạng thái không chắc chắn kéo dài.
    Trong tòa nhà bê tông trắng và bằng thép, ngay ở nơi bà anh đã chết, Djerzinski có ý thức, lần thứ hai, về quyền năng của cái trống rỗng. Anh đi qua căn phòng và lại gần cơ thể Annabelle. Cái cơ thể đó tương đương với cơ thể anh từng biết, sự ấm áp đang chậm chạp rời khỏi cơ thể ấy. Giờ đây da thịt nàng đã gần như lạnh toát.
    Một số người sống đến bảy mươi tuổi, thậm chí tám mươi tuổi, nghĩ rằng luôn có gì đó mới, rằng phiêu lưu, như người ta nói, luôn nằm ở góc phố; lẽ dĩ nhiên là phải giết họ, hoặc chí ít bắt họ phải chịu trạng thái tàn tật rất nặng, để họ hiểu ra được lý lẽ. Ðó không phải là trường hợp của Michel Djerzinski. Suốt đời mình anh đã sống đơn độc, trong một sự trống rỗng kinh người. Anh đã đóng góp vào tiến bộ của kiến thức; đó là hướng của anh, đó là cách anh tìm được để thể hiện những năng khiếu bẩm sinh của mình; nhưng anh không biết đến tình yêu. Annabelle cũng không biết, dù nàng đẹp, chưa từng biết đến tình yêu; và giờ đây nàng đã chết. Cơ thể nàng được đặt ở lưng chừng, giờ đã trở nên vô ích, tương đồng với một trọng lượng thuần túy, trong ánh sáng. Người ta đóng nắp quan tài lại.
    Trong lá thư vĩnh biệt, nàng đã yêu cầu được hỏa táng. Trước buổi lễ, họ uống cà phê ở buồng H của sảnh khánh tiết; ở bàn bên cạnh, một người Di gan đang điều trị tiêm truyền nói chuyện về ô tô với hai người bạn đến thăm. ánh sáng yếu ớt - một vài cái đèn ở trên trần, ở giữa một trang trí xấu xí giống như những cái nút chai to đùng.
    Họ đi ra, dưới mặt trời. Những tòa nhà của khu hỏa táng nằm không xa bệnh viện lắm, trong cùng khu. Phòng hỏa táng là một hình khối vuông lớn bằng bê tông trắng, ở giữa một thềm màu trắng tương tự; đèn bật sáng. Không khí nóng lơ lửng quanh họ như hằng hà sa số những con rắn nhỏ.
    Quan tài đã được đặt trên một tấm ván trượt dẫn vào trong lò. Có ba mươi giây tiếp nhận tập thể, rồi một nhân viên bật máy. Những bánh xe có viền vận hành cái ván kêu ken két nhè nhẹ; cửa đóng lại. Một cửa sổ kiểu Pyrex cho phép theo dõi chất đốt. Vào lúc ngọn lửa bùng lên thành những đám lớn, Michel quay đầu đi. Trong vòng khoảng hai mươi giây, một chớp đỏ cứ dai dẳng ở khóe mắt anh; rồi thế là hết. Một nhân viên đón tro trong một cái hộp, một hộp vuông bằng gỗ thông trắng, và đưa nó cho người anh trai của Annabelle.
    Họ quay về Crécy, lái xe thật chậm. Mặt trời chiếu sáng giữa những tán lá dẻ dọc theo lối đi của Tòa thị chính. Annabelle và anh đã từng dạo chơi trên chính con đường này, hai mươi năm trước, khi từ trường về. Khoảng mười lăm người đã tập hợp trong vườn nhà mẹ nàng. Người em trai nàng đã từ Mỹ trở về; anh ta gầy gò, nóng nảy, rõ ràng rất bị sốc, ăn mặc hơi quá điệu đà.
    Annabelle yêu cầu tro của nàng được rắc vào vườn nhà bố mẹ; điều đó được thực hiện. Mặt trời bắt đầu xuống. Ðó là một thứ bụi - một thứ bụi gần như trắng. Nó nhẹ nhàng bay xuống, như một tấm khăn voan, lên mặt đất giữa những cây hoa hồng. Vào lúc này người ta lại nghe thấy, từ xa, tiếng chuông thoảng qua. Michel nhớ đến những buổi chiều hồi mười lăm tuổi, khi Annabelle đến đợi anh ở ga, và ôm anh trong tay. Anh nhìn xuống đất, nhìn mặt trời, những bông hoa hồng; bề mặt giãn nở của cỏ. Thật không sao hiểu nổi. Thật im lìm; mẹ Annabelle mang rượu vang ngày lễ ra. Bà đưa anh một cốc, nhìn anh. “Cháu có thể ở lại vài ngày, Michel, nếu cháu muốn”, bà nhỏ giọng nói. Không, anh sẽ đi; anh phải làm việc. Anh không biết làm gì khác nữa cả. Với anh bầu trời đang bị những tia sáng xuyên qua; anh chợt nhận ra là mình đang khóc.
    5.
    Vào lúc máy bay lại gần màn mây đang trải dài đến vô cùng, phía dưới bầu trời không thể chạm tay vào, anh có ấn tượng là toàn bộ cuộc sống của mình sẽ phải tiến đến giây phút này. Trong vài giây nữa vẫn chỉ có cái vòm mênh mông của chân trời, và một lớp mênh mông, uốn lượn, nơi đan xen nhau hai màu trắng rực và trắng mờ; rồi chúng xâm nhập vào một vùng trung gian, di động và màu xám, nơi các nhận thức đều rối tung. ở bên dưới, trong thế giới con người, có những đồng cỏ, những con thú và cây cối; tất cả đều màu xanh, ẩm ướt và chi tiết đến vô cùng.
    Walcott đợi anh ở sân bay Shannon. Ðó là một người béo lùn, cử chỉ nhanh nhẹn; sự hói đầu được báo trước của ông được bao quanh bởi một vương miện tóc vàng - đỏ. Ông ta lái rất nhanh chiếc Toyota Starlet của mình giữa những bãi chăn gia súc mờ ảo trong sương mù và những ngọn đồi. Trung tâm nằm hơi quá lên phía Bắc của Galway, trên lãnh thổ khu Rosscahill. Walcott mời anh đi thăm các cơ sở và giới thiệu anh với các kỹ thuật viên; họ sẽ sẵn sàng theo lệnh của anh để thực hiện các thí nghiệm, để lên chương trình việc tính toán các thông số tế bào. Toàn bộ trang thiết bị đều siêu hiện đại, các phòng đều cực kỳ sạch sẽ - tất cả được CEE [1] tài trợ. Trong một căn phòng được làm lạnh, Djerzinski liếc nhìn hai chiếc máy Cray lớn hình tháp, với các bảng điều khiển ánh lên trong bóng tối. Hàng triệu vi xử lý của nó với cấu trúc song song sẵn sàng để đưa vào các phương trình Lagrange, các hàm sóng, các phân tích quang phổ, các toán tử của Hermite; chính trong cái vũ trụ đó, trước kia, anh đã sống đời mình. Khoanh hai tay trước ngực, ghì chặt chúng vào người, anh vẫn không thể thoát được một cảm giác buồn bã, lạnh lẽo từ bên trong. Walcott đưa anh một cốc cà phê lấy từ máy tự động. Từ cửa kính có thể nhìn thấy những vạt đồi xanh chìm vào dòng nước thẫm màu của sông Lough Corrib.
    Xuôi con đường dẫn đến Rosscahill, họ đi qua một đồng cỏ thoai thoải có một đàn bò nhỏ hơn bình thường, màu nâu sáng. “Anh có nhận ra chúng không?” Walcott mỉm cười hỏi. “Phải... đó là hậu duệ của những con bò đầu tiên mà anh đã làm ra, cách đây mười năm rồi. Khi đó chúng tôi chỉ là một trung tâm rất nhỏ, không có trang thiết bị tốt lắm, anh đã giúp chúng tôi rất nhiều đấy. Chúng rất khỏe, sinh sản không chút khó khăn và cho sữa hảo hạng. Anh có muốn thấy chúng không?” Ông dừng xe ở một khúc quanh. Djerzinski lại gần bức tường thấp bằng đá bao kín khu đồng cỏ. Lũ bò đang thong thả gặm cỏ, cọ đầu vào sườn mấy con bên cạnh; vài con đang nằm dài trên đất. Mã di truyền điều khiển sự tái tạo các tế bào của chúng do anh tạo ra, đã được hoàn thiện thêm. Với chúng, anh có lẽ là một vị Chúa; tuy nhiên, chúng tỏ ra bàng quan trước sự hiện diện của anh. Một làn hơi từ đỉnh đồi bay xuống, dần che khuất hình ảnh của chúng khỏi cái nhìn của anh. Anh quay ra xe.
    Ngồi sau vô lăng, Walcott hút một điếu Craven; mưa đã làm mờ kính trước. Giọng dịu dàng, kín đáo (nhưng tuy nhiên sự kín đáo không hề là dấu hiệu của sự lơ đãng), ông hỏi anh: “Anh đang để tang?...” Anh bèn kể cho ông chuyện Annabelle, và kết cục cuộc đời nàng. Walcott lắng nghe, thỉnh thoảng ông lắc lắc đầu hoặc thở dài. Sau câu chuyện ông ngồi lặng yên, hút thuốc, rồi dụi một điếu thuốc mới và nói: “Gốc gác của tôi không phải là Ai Len. Tôi sinh ra ở Cambridge, và có vẻ như là tôi vẫn còn nhiều chất Anh trong người lắm. Người ta thường nói người Anh có độ lạnh lùng rất cao và rất kín đáo, một cung cách nhìn nhận các sự việc trong cuộc đời - kể cả những cuộc đời bi thảm nhất - với sự hài hước. Ðiều đó khá đúng; mặc dù hơi ngu ngốc. Hài hước không cứu giúp được gì; hài hước gần như không hề giúp ích được cho cái gì hết. Người ta có thể đối đầu với các sự kiện trong đời với sự hài hước trong nhiều năm, thậm chí rất nhiều năm, ở một số trường hợp người ta có thể có một thái độ hài hước thực sự đến tận cuối đời; nhưng về bản chất cuộc đời luôn làm anh tan nát trái tim. Dù có dũng cảm, lạnh lùng và hài hước đến mấy, dù cố công phát triển chúng cả cuộc đời, chúng ta luôn chết đi với trái tim tan vỡ. Khi đó chúng ta sẽ thôi cười. Và đến cuối cùng chỉ còn lại sự cô đơn, lạnh giá và im lặng. Cuối cùng, chỉ còn lại cái chết.”
    Ông bật cái gạt kính, nổ lại máy xe. “Nhiều người ở đây theo Thiên chúa giáo”, ông nói tiếp. “Dù sao cũng đang có thay đổi. Ai Len đang hiện đại hóa. Nhiều công ty công nghệ cao đã mọc lên, lợi dụng thuế và chi phí xã hội thấp ở đây - trong vùng chúng tôi có các hãng Roche và Lilly. Tất nhiên còn có cả Microsoft. Người ta đi lễ mi-xa thưa hơn, tự do tình dục lớn hơn vài năm trước, ngày càng có nhiều thêm các sàn nhảy và thuốc chống trầm uất. Cuối cùng, cái kịch bản cổ điển...”
    Họ lại đi qua hồ. Mặt trời trồi lên giữa đám sương mù, vẽ lên trên mặt nước những sợi nắng lấp lánh. “Dù sao...” Walcott tiếp tục, “ở đây Thiên chúa giáo vẫn còn mạnh lắm. Chẳng hạn phần lớn các chuyên viên kỹ thuật của trung tâm đều theo đạo. Ðiều này khiến quan hệ của tôi với họ không được dễ dàng lắm. Họ đúng đắn, lịch thiệp, nhưng họ coi tôi như một người hơi tách biệt, không thể nói chuyện thật sự được.”
    Mặt trời đã tách ra hoàn toàn, tạo nên một vòng tròn trắng bạch; toàn bộ cái hồ hiện ra, tắm trong ánh sáng. Phía chân trời, dãy Twelve Bens Mountains san sát nhau trong một gam màu ghi tối dần, như là những tấm màng của một giấc mơ. Hai người im lặng. ở lối vào Galway, Walcott lại nói: “Tôi là người vô đạo, nhưng tôi có thể hiểu được người theo đạo ở đây. Ðất nước này có cái gì đó rất đặc biệt. Tất cả lúc nào cũng rung lên, cỏ trên cánh đồng cũng như mặt nước, tất cả dường như đều chỉ ra một hiện hữu. ánh sáng không bất động, và dịu dàng, nó như là một thứ vật chất luôn thay đổi. Anh sẽ thấy. Cả bầu trời cũng sống động.”
    6.
    Anh thuê một căn hộ gần Clifden, đường Sky, trong một ngôi nhà cổ trước là nhà gác biển đã được sửa chữa để cho khách du lịch thuê. Các phòng được trang trí khung sợi, đèn dầu, và những thứ đồ cổ để làm khách du lịch vui vẻ; điều này không làm phiền anh chút nào. Trong ngôi nhà này, trong cuộc sống nói chung, từ đây anh đã biết anh luôn cảm thấy như mình đang sống ở khách sạn.
    Anh không hề có ý định quay trở về Pháp, nhưng trong mấy tuần đầu tiên nhiều lần anh phải về Paris để trông coi việc bán căn hộ của mình và chuyển các tài khoản. Anh bay chuyến 11h 50 đi Shannon. Máy bay bay qua biển, mặt trời chiếu trắng xóa mặt biển; những đợt sóng giống như những con sâu, cuộn vào nhau và cuộn lại ở một khoảng cách rất lớn. Dưới cái màng sâu khổng lồ đó, anh biết, các loài động vật thân mềm đang sinh sản; cá răng bằng ăn động vật thân mềm trước khi bị những con cá to hơn ăn thịt. Khi ngủ anh thường xuyên có những giấc mơ xấu. Khi tỉnh dậy máy bay đang bay qua vùng nông thôn. Trong trạng thái lơ mơ, anh ngạc nhiên vì màu sắc đồng đều của các cánh đồng. Các cánh đồng có lúc màu nâu, có lúc màu xanh, nhưng luôn luôn mờ xỉn. Ngoại ô Paris màu ghi. Máy bay hạ độ cao, chầm chậm lao xuống, bị cuộc sống đó hút lấy không thể cưỡng lại, cái phập phồng của hàng triệu cuộc đời đó.
    Từ giữa tháng Mười, một làn sương dày đến từ Ðại Tây Dương bao trùm bán đảo Clifden. Những người khách du lịch cuối cùng đã đi khỏi. Trời không lạnh, nhưng tất cả đắm trong một màu ghi sẫm và dịu. Djerzinski ít ra ngoài. Anh đã mang theo ba chiếc đĩa DVD, tức là khoảng 40 gigaoctet dữ liệu. Anh đều đặn bật chiếc máy vi tính của mình, kiểm tra một thông số phân tử, rồi nằm ra trên chiếc giường mênh mông, bao thuốc lá trong tầm tay với. Anh còn chưa quay trở lại trung tâm. Qua cửa kính, những đám sương mù chầm chậm dịch chuyển.
    Vào khoảng ngày 20 tháng Mười Một bầu trời bớt mây, nhiệt độ trở nên lạnh hơn và khô hơn. Anh có thói quen đi dạo khá lâu trên con đường ven biển. Anh đi quá Gortrumnagh và Knockavally, thường đến tận Claddaghduff, đôi khi đến tận Mũi Aughrus. Khi đó anh ở điểm cực Tây của châu Âu, điểm cuối cùng của thế giới Tây phương. Trước anh Ðại Tây Dương trải rộng, bốn nghìn cây số đại dương ngăn cách anh với châu Mỹ.
    Theo Hubczejak, hai hoặc ba tháng suy tưởng cô độc này, trong đó Djerzinski không làm gì, không bắt đầu một thí nghiệm nào hết, không lên chương trình một tính toán nào, nên được coi là giai đoạn chìa khóa trong đó các nhân tố cơ bản của các lý thuyết sau này của anh đã được thành hình. Những tháng cuối năm 1999 với toàn thể con người Tây phương dù sao cũng là một thời kỳ lạ lùng, luôn chờ đợi lạ lùng, một kiểu nhai lại câm lặng.
    Ngày 31 tháng Chạp năm 1999 rơi đúng vào thứ Sáu. Trong bệnh viện Verrières-le-Buisson, nơi Bruno chắc sẽ sống nốt quãng đời còn lại, một buổi lễ nhỏ được tổ chức, tập hợp các bệnh nhân và điều dưỡng viên. Có rượu sâm banh và khoai tây rán tẩm ớt thơm. Trong buổi tối đó, Bruno nhảy với một cô y tá. Anh không bất hạnh; thuốc men đã có hiệu lực, và trong anh toàn bộ ham muốn đều đã chết. Anh thích nhấm nháp nó, trong lúc xem các trò chơi trên truyền hình cùng những người khác trước bữa tối. Anh không còn chờ đợi gì ở sự thay đổi thiên niên kỷ, và với anh buổi tối cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai đó đã trôi qua tốt đẹp.
    Trong các nghĩa trang trên toàn thế giới, những người mới qua đời tiếp tục thối rữa trong mộ của mình, dần biến thành những bộ xương.
    Buổi tối Michel ở nhà. Anh giờ đã ở quá xa để mà nghe thấy được những tiếng vọng của bữa tiệc trong làng. Nhiều lần trong trí óc anh hiện ra những hình ảnh của Annabelle, mềm mại và nhẹ nhàng; và cả những hình ảnh của người bà nội.
    Anh nhớ khi mình mười ba, mười bốn tuổi, anh đã mua những chiếc đèn pin, những đồ vật máy móc nho nhỏ mà anh thích lắp vào tháo ra liên tục. Anh cũng nhớ đến một chiếc máy bay có động cơ mà bà tặng anh, và anh không làm cách nào cho nó bay lên được. Ðó là một chiếc máy bay xinh xắn, màu ka ki; cuối cùng nó trở lại chỗ của nó trong hộp. Sự tồn tại của anh, bị những luồng ý thức chảy qua, vẫn mang một số nét cá nhân. Có những con người, có những ý nghĩ. Những ý nghĩ không choán được không gian. Những con người choán được một phần không gian; chúng ta nhìn thấy họ. Hình ảnh của họ được tạo nên trên thủy dịch, đi ngang qua dịch màng mạch, đập vào võng mạc. Một mình trong căn nhà hoang vắng, Michel tham dự một trình diễn khiêm tốn của các kỷ niệm. Một sự chắc chắn duy nhất trong suốt buổi tối dần đến trong tâm trí anh: anh sẽ có thể nhanh chóng trở lại công việc.
    Khắp nơi trên bề mặt hành tinh con người mệt mỏi, kiệt sức, nghi ngờ về chính mình và về chính câu chuyện của mình, chuẩn bị được chăng hay chớ bước vào một thiên niên kỷ mới.
    7.
    
    Một số người nói:
    “Nền văn minh mà chúng ta đã xây dựng vẫn còn mỏng manh,
    Chúng ta mới chỉ bước ra từ màn đêm.
    Của những thế kỷ bất hạnh, chúng ta còn mang hình ảnh thù nghịch;
    Tất cả đều được chôn vùi lại không tốt hơn ư?
    Người kể chuyện đứng dậy, lắp lại và gợi nhớ
    Bình thản nhưng chắc chắn, anh ta đứng dậy và gợi nhớ
    Rằng một cuộc cách mạng siêu hình đã diễn ra.
    Cũng vậy, những người Thiên chúa có thể đại diện cho các nền văn minh cổ, có thể hình thành một hình ảnh hoàn chỉnh của các nền văn minh cổ không thể đến được bằng cách đặt lại câu hỏi hoặc nghi ngờ,
    Bởi vì họ đã vượt qua một giai đoạn,
    Một bậc thềm,
    Họ đã đi qua một điểm rạn vỡ;
    Cũng thế những người ở kỷ nguyên duy vật có thể tham dự mà không hiểu không thực sự nhìn thấy sự lặp lại của các nghi lễ Thiên chúa,
    Mà không thể đọc hay đọc lại các tác phẩm thoát thai từ chính nền văn hóa Thiên chúa cổ của mình mà không bao giờ xuất phát từ một triển vọng hơi mang tính nhân học,
    Không có khả năng hiểu được những cuộc tranh luận đã làm khuấy động các bậc tổ tiên xung quanh những dao động của tội lỗi và ân điển;
    Cũng thế chúng ta ngày nay lắng nghe câu chuyện về thời kỳ duy vật đó
    Như một câu chuyện cũ của con người.
    Ðó là một chuyện buồn, và dù vậy chúng ta sẽ không thực sự buồn
    Bởi chúng ta không còn giống với những con người đó nữa.
    Sinh ra từ thịt da và ham muốn của họ, chúng ta đã vứt bỏ những đặc tính và vẻ ngoài của họ
    Chúng ta không biết đến niềm vui của họ, chúng ta cũng không còn biết những đau đớn của họ,
    Chúng ta đã gạt ra
    Một cách bàng quan
    Không chút cố gắng
    Vũ trụ chết của họ.
    Những thế kỷ đau đớn đó là hành trang của chúng ta,
    Ngày nay chúng ta có thể lôi chúng ra từ lãng quên
    Một điều gì đó đã diễn ra như lần đến thứ hai,
    Và chúng ta có quyền sống đời mình.
    
    Từ năm 1905 đến 1915, làm việc gần như một mình, với những kiến thức toán học hạn chế, Albert Einstein đã thành công, từ trực giác đầu tiên mà nguyên lý tương đối hẹp tạo nên, trong việc hình thành một lý thuyết chung về trọng lực, không gian và thời gian sẽ đóng một vai trò quyết định trong sự tiến hóa sau đó của vật lý khoảng không. Nỗ lực mạo hiểm, đơn độc, hoàn chỉnh này, theo cách nói của Hilbert, “vì vinh quang của trí tuệ con người”, trong các lĩnh vực không có lợi ích thực tiễn rõ ràng, và vào thời kỳ đó cộng đồng khoa học không sao hiểu nổi, người ta có thể so sánh nó với các công trình của Cantor thiết lập một hệ thống của bất định hành động, hoặc các nỗ lực của Gottlob Frege trong việc định nghĩa lại các cơ sở của lô gích. Người ta cũng có thể, Hubczejak nhấn mạnh trong lời nói đầu cho tập Clifden Notes, so sánh với hoạt động trí tuệ - nhất là khi, không hơn Einstein ở thời của ông, Djerzinski không có đủ năng lực toán học để phát triển các trực giác của mình trên một cơ sở thực sự đúng đắn.
    Tô pô học về sự giảm nhiễm, tác phẩm đầu tiên của ông, xuất hiện năm 2002, tuy vậy đã có tiếng vang đáng kể. Nó đã chỉ ra, lần đầu tiên trên cơ sở các suy luận nhiệt động học không thể bác bỏ, rằng sự tách rời crmôxôm vào lúc giảm nhiễm can thiệp để cho ra đời một nguồn bất cân bằng về cấu trúc; nói cách khác, rằng toàn bộ các loài sinh sản qua tình dục không nhất thiết phải chết.
    Ba trường hợp tô pô trong không gian Hilbert, xuất bản năm 2004, gây ngạc nhiên to lớn. Người ta có thể phân tích nó như một phản ứng chống lại động học của cái liên tiếp, như một ý định - với những dấu ấn Platon rất lạ lùng - định nghĩa lại một đại số hình thức. Trong khi công nhận lợi ích của các trường hợp đưa ra, các nhà toán học chuyên nghiệp vẫn có thể nhấn mạnh sự thiếu vắng tính nghiêm ngặt của các đề xuất, tính chất hơi hỗn loạn của cách tiếp cận. Thực tế, Hubczejak nhận xét, Djerzinski vào thời đó không xâm nhập được các tác phẩm toán học mới nhất, và người ta thậm chí còn có cảm giác ông không quan tâm đến nó nhiều lắm. Về hoạt động của ông trong những năm 2004-2007 quả thực người ta chỉ biết rất ít. Ông đều đặn đến trung tâm Galway, nhưng các báo cáo của ông với các nhà thí nghiệm chỉ hoàn toàn mang tính kỹ thuật, chức năng. Ông có được một số kiến thức cơn bản về máy gom Cray, điều này khiến ông tránh được việc phải thường xuyên cầu cứu tới các nhà lập trình. Chỉ Walcott có vẻ thực sự có những quan hệ cá nhân với ông. Ông cũng sống gần Clifden và đôi khi đến thăm ông vào buổi chiều. Theo ông, Djerzinski thường xuyên nhắc tới Auguste Comte, đặc biệt là những bức thư gửi Clotilde de Vaux [2] và tác phẩm Tổng hợp chủ quan, tác phẩm cuối cùng, chưa hoàn thành của triết gia. Trong đó kể về mặt phương pháp khoa học, Comte có thể được coi là nhà sáng lập thật sự của chủ nghĩa thực chứng. Ông không quan tâm chút nào tới hệ thống siêu hình học hay bản thể luận: Thậm chí có vẻ như là, Djerzinski nhấn mạnh, Comte, được đặt trong hoàn cảnh trí thức giống như của Niels Bohr giữa các năm 1924-1927, đã giữ thái độ thực chứng không khoan nhượng của mình, và nhập vào với cách diễn giải của phái Copenhagen. Tuy nhiên, sự nhấn mạnh của triết gia người Pháp về thực tế các tình trạng xã hội đối với sự tưởng tượng của sự tồn tại của các cá nhân, mối quan tâm thường xuyên đổi mới của ông với các tiến trình lịch sử và các trào lưu ý thức, chủ nghĩa tình cảm của ông thường kịch phát khiến người ta nghĩ rằng có lẽ ông đã không thù nghịch với một dự án soạn lại bản thể luận mới hơn kết tinh từ các công trình của Zurek, Zeh và Hardcastle: sự thay thế một bản thể luận vật thể bằng một bản thể luận trạng thái. Chỉ một bản thể luận trạng thái, quả thật, mới đủ sức tạo nên khả năng thực tiễn của các quan hệ con người. Trong một bản thể luận trạng thái các hạt là không thể chia cắt, và người ta phải giới hạn vào việc xem xét chúng thông qua một số lượng có thể quan sát được. Các thực thể duy nhất có thể được tái định hình và gọi tên trong một bản thể luận như thế là các chức năng của sóng, và qua trung gian đó các véc tơ trạng thái - từ đó có khả năng tương tự đưa lại một ý nghĩa cho tình anh em, sự cảm thông và tình yêu.
    Họ bước đi trên đường Ballyconneely; đại dương óng ánh dưới chân họ. Phía xa ở chân trời, mặt trời đang xuống Ðại Tây Dương. Ngày càng thường xuyên hơn, Walcott có cảm giác suy nghĩ của Djerzinski đang đi lạc theo những hướng đi bất định, thậm chí kỳ bí. Bản thân ông vẫn là người ủng hộ một chủ nghĩa công cụ cực đoan; sinh ra từ một truyền thống thực dụng anglo-saxon, và cũng mang dấu ấn của trường phái thành Viên, ông hơi nghi ngờ tác phẩm của Comte, vẫn còn hơi quá lãng mạn trong con mắt ông. Trái ngược với chủ nghĩa duy vật mà nó thay thế, chủ nghĩa thực chứng có thể, ông nhấn mạnh, tạo ra một chủ nghĩa nhân văn mới, và cái đó, trong thực tế, lần đầu tiên (bởi chủ nghĩa duy vật về bản chất không có gì chung với chủ nghĩa nhân văn, và cuối cùng kiểu gì cũng phải phá hủy nó). Ông không từ chối rằng chủ nghĩa lịch sử có tầm quan trọng lịch sử riêng của mình: cần phải vượt qua tấm rào chắn đầu tiên, đó là Chúa; con người đã vượt qua đó, và lao vào rào chắn thứ hai đến giờ đã được vượt qua; và việc này đã được tiến hành ở Copenhagen. Họ không còn cần đến Chúa, đến ý tưởng về một thực tế ẩn khuất. “Có, Walcott nói, những giác quan con người, sự làm chứng của con người, những kinh nghiệm con người; có lý trí gắn kết những giác quan đó, và cảm xúc làm chúng sống động. Tất cả những cái đó phát triển mà không cần đến chút siêu hình hay bản thể luận nào hết. Chúng ta không còn cần đến các ý tưởng về Chúa, tự nhiên hay thực tế. Về kết quả các thí nghiệm, một thỏa thuận có thể được thiết lập trong cộng đồng những người quan sát thông qua chủ quan của hai người một cách hợp lý; các thí nghiệm được kết nối bởi các lý thuyết, những cái phải thỏa mãn hết sức có thể nguyên tắc tiết kiệm. Và cần thiết phải có thể bị bác bỏ. Có một thế giới giác quan được, một thế giới cảm thấy được, một thế giới con người.”
    Vị thế của nó là không thể tấn công được, Djerzinski ý thức rõ điều đó: nhu cầu về một bản thể luận phải chăng là một thứ bệnh lý trẻ con của tinh thần con người? Khoảng cuối năm 2005, trong chuyến đi Dublin ông phát hiện cuốn sách Book of Kells [3] . Hubczejak không do dự khẳng định việc tìm ra cuốn chép tay có minh họa này, với một sự phức tạp hình thức rối rắm, có khả năng tác phẩm của các thầy tu Ai Len thế kỷ thứ VII đã tạo nên một thời khắc quyết định trong tiến trình của suy nghĩ của ông, và có khả năng việc đọc sâu tác phẩm này đã cho phép ông, qua một chuỗi các trực giác sau này chúng ta coi là kỳ diệu, vượt qua được những phức tạp của các tính toán về tính ổn định năng lượng giữa các siêu phân tử trong sinh học. Dù không nhất thiết phải đồng ý với tất cả các khẳng định của Hubczejak, cũng phải công nhận Book of Kells đã luôn luôn, trong nhiều thế kỷ, khơi lên ở những người bình luận nó những ngưỡng mộ gần như siêu thoát. Chẳng hạn có thể trích đoạn miêu tả của Giraldus Cambrensis năm 1185 dưới đây:
    “Quyển sách này chứa đựng sự hòa hợp của bốn cuốn Phúc Âm theo sách của thánh Jérôme, và gần như trang nào cũng có tranh, tất cả được trang trí bằng những màu sắc tuyệt vời. ở đây chúng ta có thể chiêm ngưỡng khuôn mặt của Chúa chí thánh, được vẽ một cách tuyệt diệu; ở đây còn có các miêu tả thần bí các bậc thánh của Phúc Âm người sáu cánh người bốn cánh, người hai cánh. Chỗ này chúng ta sẽ nhìn thấy cánh chim, chỗ khác thấy bò tót, chỗ này có khuôn mặt người, chỗ khác mặt một con sư tử, và hằng hà sa số những bức vẽ khác. Nhìn lướt qua, chúng ta có thể nghĩ chúng chỉ là những hình vẽ nguệch ngoạc, không phải là những tác phẩm được trau chuốt. Chúng ta sẽ không thấy gì cao quý ở đó, trong khi tất cả đều rất cao quý. Nhưng nếu chúng ta dành thời gian xem xét chúng thật kỹ lưỡng, dùng cái nhìn đi thật sâu vào các bí mật của nghệ thuật, chúng ta sẽ phát hiện những phức tạp đó, thật tinh tế và cao quý, gắn chặt với nhau, gắn kết và hòa quyện vào nhau, với những màu sắc tươi mới và rực sáng đến độ chúng ta có thể tuyên bố không chút vướng bận gì rằng tất cả những cái đó hẳn không thể là tác phẩm của con người, mà của thiên thần.”
    Có lẽ Hubczejak đúng khi ông khẳng định toàn bộ triết lý mới, ngay cả khi nó lựa chọn thể hiện dưới dạng một tiên đề vẻ ngoài hoàn toàn lô gích, trên thực tế lại liên hệ chặt chẽ với một quan niệm mới về vũ trụ. Mang đến cho nhân loại sự bất tử về cơ thể, Djerzinski rõ ràng đã biến đổi ở tầm sâu quan niệm của chúng ta về thời gian; nhưng tài năng lớn nhất của ông, theo Hubczejak, là đã thiết lập các nhân tố của một triết học không gian mới. Cũng vậy, hình ảnh về thế giới ghi lại trong Phật giáo Tây Tạng không thể tách rời với một chiêm ngưỡng dài lâu các hình tượng không kết thúc và luân hồi do các mandala tạo ra, cũng vậy chúng ta có thể trở thành một hình ảnh trung thành với hình ảnh trong suy nghĩ của Démocrite khi quan sát tia nắng mặt trời trên những phiến đá trắng, trên một hòn đảo Hy Lạp, một buổi chiều tháng Tám, cũng vậy chúng ta tiếp cận gần hơn suy nghĩ của Djerzinski bằng cách lặn sâu vào trong cái cấu trúc bất tận các hình thập và xoáy ốc là những hình ảnh trang trí cơ bản của Book of Kells, hoặc bằng cách đọc lại Suy tưởng về sự chằng chịt, xuất bản tách rời với Clifden Notes, và lấy cảm hứng từ tác phẩm đó.
    “Các hình thức của thiên nhiên, Djerzinki viết, là những hình thức con người. Chính trong bộ óc của chúng ta đã nảy sinh những tam giác, những chằng chịt, giao thoa. Chúng ta nhận ra chúng, chúng ta đánh giá cao chúng; chúng ta sống giữa chúng. Giữa những sáng tạo của chúng ta, những sáng tạo của con người, có thể truyền cho người khác, chúng ta trưởng thành và chúng ta chết đi. Giữa không gian, không gian con người, chúng ta đo đạc; qua những đo đạc đó chúng ta tạo ra không gian, không gian giữa các công cụ của chúng ta.
    Con người ít học vấn, Djerzinski viết tiếp, khủng khiếp với ý nghĩ về không gian; hắn hình dung nó mênh mông, tối thẳm và há hốc. Hắn tưởng tượng con người dưới hình thức cơ bản của một hình cầu, đơn độc trong không gian, co mình trong không gian, bị đè nghiến bởi sự hiện hữu vĩnh cửu của ba chiều. Khủng khiếp với ý nghĩ về không gian, con người thu mình lại; họ lạnh, họ sợ. Trong trường hợp tốt nhất họ đi qua được không gian, họ chào nhau buồn bã giữa không gian. Và tuy thế không gian đó có ở trong chính họ, chỉ là cái mà đầu óc họ sáng tạo ra mà thôi.
    Trong không gian mà họ sợ hãi đó, Djerzinski tiếp tục, con người học cách sống và chết; giữa không gian tinh thần của họ hình thành sự chia cắt, tách rời và đau đớn. ít có bình luận về điều đó; người tình chờ đợi tiếng gọi của người mình yêu; ở bên ngoài các đại dương và những ngọn núi; ở bên ngoài những ngọn núi và đại dương, người mẹ chờ đợi tiếng gọi của đứa con. Tình yêu gắn kết, và mãi gắn kết. Việc thực hành điều tốt là một quan hệ, sự thực hành điều xấu giải quan hệ đó. Sự chia cắt là tên khác của cái xấu; nó cũng là một tên khác của sự dối trá. Trên thực tế chỉ tồn tại một sự chằng chịt tuyệt đẹp, mênh mông và qua lại.”
    Hubczejak nhận xét chính xác, đóng góp lớn nhất của Djerzinski không phải là đã vượt qua được quan niệm về tự do cá nhân (bởi quan niệm đó đã quá bị coi nhẹ vào thời của ông, và ai cũng công nhận, chí ít là thầm lặng, rằng nó không thể còn là cơ sở cho bất kỳ tiến bộ con người nào nữa cả), mà ở chỗ đã biết, thông qua các trình bày đúng là hơi mạo hiểm các định đề của cơ học lượng tử, thiết lập các điều kiện khả năng tình yêu. Về điểm này cần nói thêm một lần hình ảnh Annabelle: bản thân không biết đến tình yêu, Djerzinski đã có thể, qua trung gian Annabelle, tạo lập một hình ảnh; ông đã biết nhận ra rằng tình yêu, theo một cách nào đó, và qua những dạng thức còn chưa được biết đến, có thể đã có thật. Khái niệm này đã dẫn dắt ông, rất có thể, qua những tháng cuối cùng trong quá trình tạo lập lý thuyết, quá trình mà chúng ta biết quá ít các chi tiết.
    Theo những người hiếm hoi ở bên cạnh Djerzinski ở Ai Len trong những tuần cuối cùng của đời anh, dường như anh đã có một sự tiếp nhận nào đó. Khuôn mặt lo lắng và chuyển động của anh dường như nhẹ đi. Anh bước đi thật lâu, không có đích rõ ràng, trên đường Sky, trong những chuyến đi dạo mơ mộng dài; anh bước đi trong sự hiện diện của bầu trời. Con đường phía Tây ngoằn ngoèo dọc theo những ngọn đồi, lúc dốc ngược lúc thoai thoải. Biển ánh lên, phản chiếu một ánh sáng di động trên những đảo nhỏ tua tủa đá. Chạy nhanh về hướng chân trời, những đám mây tạo nên một lùm sáng và mơ hồ, của một sự hiện hữu thực tế lạ kỳ. Anh bước đi thật lâu, không chút cố gắng, khuôn mặt chìm trong một làn sương mù lỏng và nhẹ. Công việc của anh, anh biết, đã kết thúc. Trong căn phòng ngủ mà anh đã chuyển thành phòng làm việc, với cửa sổ nhìn xuống mũi Errislannan, anh đã sắp xếp các ghi chép của mình - hàng trăm trang, bàn về nhiều chủ đề khác nhau. Kết quả của các công trình khoa học thực sự chiếm khoảng tám mươi trang đánh máy - anh tự thấy không cần thiết phải miêu tả chi tiết các tính toán.
    Ngày 27 tháng Ba năm 2009, cuối buổi chiều, anh đến bưu điện trung tâm Galway. Anh gửi bản gốc các công trình của mình cho Viện Hàn lâm Khoa học Paris, rồi bản thứ hai đến tạp chí Nature ở Anh. Về những gì xảy đến sau đó không ai biết chính xác cả. Việc tìm thấy ô tô của anh ngay gần Mũi Aughrus hẳn khiến người ta nghĩ đến một vụ tự tử - nhất là khi cả Walcott lẫn các kỹ thuật viên của trung tâm không mảy may ngạc nhiên về kết cục đó. “Trong ông ấy có cái gì đó buồn bã vô hạn, Walcott nói, tôi tin đó là con người buồn bã nhất trong số những người tôi từng gặp trong đời, tôi thấy từ buồn chưa diễn tả được hết, nó quá yếu; tôi muốn nói trong ông ấy có cái gì đó bị phá hủy, hoàn toàn bị tàn phá. Tôi luôn luôn có cảm giác cuộc sống với ông ấy là một gánh nặng, rằng ông ấy không thấy có chút liên quan gì với tất cả những gì sống động. Tôi tin là ông ấy đã chịu đựng đúng khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành công việc, và không ai trong số chúng ta có thể hình dung được nỗ lực của ông để hoàn thành chúng.”
    Bí ẩn vẫn luôn tồn tại xung quanh cái chết của Djerzinski, việc xác ông không bao giờ được tìm thấy nuôi dưỡng thêm huyền thoại dai dẳng theo đó ông đã tới châu á, đến Tây Tạng để ráp các nghiên cứu của mình với giáo lý Phật giáo. Giả thuyết này đến nay đã được loại bỏ hoàn toàn. Một mặt, người ta không thể tìm ra được một đường bay nào từ Ai Len; mặt khác, các bức vẽ trên các trang cuối cuốn sổ ghi chép của ông, mà trong một thời gian từng được coi là những mandala, cuối cùng đã được phát hiện là những phối hợp các biểu tượng xen-tích gần gũi với những biểu tượng từng được dùng trong Book of Kells.
    Ngày nay chúng ta nghĩ Michel Djerzinski đã chết ở Ai Len, chính nơi ông đã chọn để sống những năm cuối cùng. Chúng ta cũng nghĩ khi hoàn thành công việc, cảm thấy không còn vướng mắc gì nữa với con người, ông đã lựa chọn cái chết. Nhiều nhân chứng cho biết sự say mê của ông đối với điểm cực của Tây phương đó, thường xuyên tắm mình trong một ánh sáng di chuyển và dịu dàng, nơi ông thích dạo chơi, nơi, như ông đã viết trong những trang ghi chép cuối cùng: “bầu trời, ánh sáng và nước hòa vào nhau.” Ngày nay chúng ta nghĩ Michel Djerzinski đã đi vào trong lòng biển.
    Ðoạn kết
    Về cuộc đời, vẻ ngoài con người, tính cách các nhân vật đi qua câu chuyện này, chúng tôi biết được nhiều chi tiết; dù vậy, quyển sách này vẫn nên được xem như là một hư cấu, một tái tạo khả tín từ những ký ức lẻ tẻ, hơn là như một phản ánh của một sự thật duy nhất và khả kiểm. Ngay cả khi việc xuất bản Clifden Notes, tập sách phức tạp trộn lẫn giữa hồi ký, ấn tượng cá nhân và suy tư lý thuyết viết ra trên giấy bởi Djerzinski giữa năm 2000 và 2009, trong cùng khoảng thời gian ông làm việc với lý thuyết lớn của mình, hẳn cho chúng ta biết nhiều về các sự kiện của cuộc đời ông, những ngả rẽ, những đối đầu và những thảm kịch đã quy định tầm nhìn đặc biệt về tồn tại của ông, nhưng vẫn còn lại, trong tiểu sử cũng như trong nhân cách của ông, rất nhiều vùng tối. Ngược lại, điều tiếp theo thuộc về Lịch sử, và các sự kiện diễn ra từ việc xuất bản các công trình của Djerzinski đã rất nhiều lần được dựng lại, bình luận và phân tích nên chúng ta có thể tóm tắt ngắn gọn lại được.
    Việc xuất bản vào tháng Sáu năm 2009, trong một phụ bản của tạp chí Nature, dưới cái tên Nhập môn lý thuyết tái tạo hoàn hảo, tám mươi trang tổng hợp những công trình cuối cùng của Djerzinski đã làm dấy lên một cơn sốc khổng lồ trong cộng đồng khoa học. Khoảng chục nhà nghiên cứu sinh học phân tử ở khắp nơi trên thế giới thử dựng lại các thí nghiệm được đề xuất, kiểm tra lại các tính toán. Sau vài tháng những kết quả đầu tiên đã được đưa ra, và sau đó hàng tuần chúng không ngừng nhiều lên, tất cả đều khẳng định với một sự chính xác hoàn hảo tính đúng đắn của các giả thuyết ban đầu. Cuối năm 2009, người ta không còn nghi ngờ gì nữa: các kết quả của Djerzinski được khẳng định, có thể coi chúng đã được chứng minh về mặt khoa học. Các hệ quả thực tế, rõ ràng, gây chóng mặt: toàn bộ bộ mã di truyền, dù có phức tạp đến đâu, đều có thể được viết lại dưới một hình thức chuẩn, bền vững về mặt cấu trúc, không có chỗ cho các biến động và đột biến. Do đó toàn bộ tế bào đều có một khả năng vô biên tự tái tạo không ngừng. Toàn bộ giống loài động vật, dù phát triển ở mức độ nào, đều có thể được chuyển hóa thành một loài quản lý được, tái tạo được qua nhân bản, và bất tử.
    Khi phát hiện các công trình của Djerzinski, cùng lúc với hàng trăm nhà nghiên cứu khác trên thế giới, Frédéric Hubczejak đang ở tuổi hai bảy, đã hoàn thành luận án tiến sĩ về lý sinh ở đại học Cambridge. Mang một tâm lý lo âu, hỗn loạn, biến động, anh đã đi khắp châu Âu từ nhiều năm nay - người ta tìm thấy dấu vết ghi chép của anh lần lượt ở Praha, Göttingen, Montpellier và Viên - để nghiên cứu, theo cách nói của chính anh, “theo một hệ thống mới, nhưng còn khác nữa: không chỉ là một cách khác để hướng đến thế giới, mà còn là một cách khác để tự định vị mình đối với ông ấy.” Anh là người đầu tiên, và trong nhiều năm là người duy nhất, bảo vệ đề xuất cực đoan rút ra từ các công trình của Djerzinski: nhân loại sẽ phải biến mất; từ nhân loại sẽ nảy sinh ra một loài mới, không có tính tình dục và bất tử, vượt qua được cá nhân tính, sự chia cách và tương lai. Sự thù địch mà một kế hoạch như thế gây ra ở những người ủng hộ của các tôn giáo lớn - đạo Do Thái, đạo Thiên chúa và đạo Hồi rất mơ hồ, lần đầu tiên họ đã nhất trí với nhau, cùng vứt bỏ sự rút phép thông công đối với các công trình “gây tổn hại nghiêm trọng đến sự cao quý của con người, đã được cấu tạo nên trong sự riêng biệt và trong mối quan hệ với Người sáng tạo ra nó”; chỉ các tín đồ đạo Phật đưa ra nhận xét rằng theo toàn bộ tư tưởng của Phật thì thoạt đầu đã được tạo thành trên sự nhận thức về ba sự khổ là lão, bệnh, tử, và rằng Người được kính trọng ở thế giới, nếu dấn thân nhiều vào suy tư, sẽ không nhất thiết vứt bỏ về mặt tiên nghiệm một giải pháp mang tính kỹ thuật. Dù thế nào đi nữa, Hubczejak rõ ràng có rất ít sự ủng hộ có thể chờ đợi từ phía các đạo giáo ổn định. Ngược lại anh càng ngạc nhiên khi nhận ra những người đồng tình theo truyền thống với chủ nghĩa nhân đạo lại phản ứng bằng một sự vứt bỏ hoàn toàn. Ngay cả khi những khái niệm này ngày nay với chúng ta thật khó hiểu, thì vẫn phải nhớ đến vị trí trung tâm mà, với những người ở thời đại duy vật (nghĩa là trong vài thế kỷ chia cách sự biến mất của Thiên chúa giáo Trung thế kỷ khỏi sự xuất bản các công trình của Djerzinski) đã từng thống trị các khái niệm về tự do cá nhân, sự cao quý của loài người và tiến bộ. Tính chất mơ hồ và võ đoán của các khái niệm này, rất tự nhiên, sẽ phải ngăn cản chúng không có được dù chỉ chút ít tính hiệu quả thực sự về mặt xã hội - chính như thế mà lịch sử nhân loại, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX thời đại chúng ta, về bản chất có thể được đặc trưng hóa như là lịch sử của một sự giải tán và một sự tách khỏi nhau dần dần; nó không cản các tầng lớp có học hoặc có học chút ít, dù xấu dù tốt, đã đóng góp vào việc định hình các khái niệm này, dính chặt vào đó với một sự chắc chắc đặc biệt, và người ta hiểu rằng Frédéric Hubczejak đã, trong những năm đầu tiên, phải đối mặt với cực kỳ nhiều khó khăn để có thể khiến người khác lắng nghe mình.
    Lịch sử của vài năm đó cho phép Hubczejak buộc người khác phải chấp nhận một dự án, ban đầu được đón nhận bằng sự phản đối và sự căm ghét, bởi một số lượng ngày càng tăng của ý kiến công chúng thế giới, cho đến khi cuối cùng đã được Unesco tài trợ, vạch lại cho chúng ta tấm chân dung của một con người đặc biệt chói sáng, đặc biệt ghê tởm, với suy nghĩ vừa thực dụng vừa di động - tấm chân dung, nhất định, của một người đặc biệt loay hoay với các ý tưởng. Anh không có dáng vẻ của một nhà nghiên cứu vĩ đại, nhưng anh đã biết cách khiến toàn thể cộng đồng khoa học quốc tế phải kính trọng tên tuổi và các công trình của Michel Djerzinski. Anh cũng không có vẻ gì là một triết gia độc đáo và sâu sắc, nhưng anh biết cách, khi viết lời giới thiệu và bình luận các tác phẩm Suy tư về sự chằng chịt và Clifden Notes, trình bày các tư tưởng của Djerzinski một cách vừa sáng sủa vừa chính xác, dễ hiểu với đông đảo người đọc. Bài báo đầu tiên của Hubczejak, Michel Djerzinski và cách diễn giải Copenhagen, đã xây dựng một suy tư chín chắn xung quanh nhận xét của Parménide [4] : “Hành động suy nghĩ và đối tượng của suy nghĩ trùng hợp với nhau.” Trong tác phẩm sau đó, Luận về tính giới hạn cụ thể, cũng như trong tác phẩm có tên khiêm tốn hơn, Sự thực, anh đã thử làm một tổng hợp đáng ngạc nhiên giữa chủ nghĩa thực chứng lô gích của trường phái thành Viên và chủ nghĩa thực chứng tôn giáo của Comte, trong đó thỉnh thoảng anh đưa vào những đoạn khá trữ tình như đoạn sau đây: “Không tồn tại im lặng vĩnh cửu của các không gian vô tận, vì không tồn tại im lặng, không gian lẫn trống rỗng. Thế giới mà chúng ta biết, thế giới mà chúng ta tạo ra, thế giới của con người có hình tròn, trơn tuột, đồng nhất và ấm nóng như bầu vú phụ nữ.” Anh biết cách, bằng nhiều phương pháp, cung cấp cho lượng độc giả ngày càng tăng ý tưởng cho rằng nhân loại, ở bước phát triển hiện nay, có thể và buộc phải kiểm soát tổng thể tiến hóa của thế giới - và đặc biệt, có thể và buộc phải kiểm soát tiến hóa về sinh học của chính mình. Trong trận chiến đó anh nhận được sự ủng hộ quý báu của một nhóm các nhà Kant mới, những người lợi dụng sự mất giá của các ý tưởng nảy sinh từ Nietzsche, đã nắm quyền kiểm soát nhiều “máy cái” trong giới trí thức, hàn lâm và xuất bản.
    Tuy vậy, theo ý kiến của tuyệt đại đa số, thiên tài chính của Hubczejak, qua cách đánh giá chính xác đến khó tin những điểm quan trọng nhất, là đã biết cách lợi dụng ý thức hệ bẩn thỉu và mơ hồ xuất hiện vào cuối thế kỷ XX dưới cái tên New Age để làm lợi cho các luận đề của mình. Anh là người đầu tiên ở thời của mình biết cách nhìn xa hơn đống hổ lốn những thứ mê tín cũ rích, trái ngược và lố bịch nếu chỉ nhìn qua, phong trào New Age đáp ứng một nỗi đau khổ thực sự nảy sinh từ sự tan rã về mặt tâm lý, bản thể và xã hội. Bên trên mớ rác rưởi sinh thái, nét hấp dẫn đối với các tư tưởng truyền thống và cái “thiêng liêng” mà nó kế thừa từ sự kết hợp với phong trào hippie và tư tưởng của Esalen, New Age thể hiện một ý chí cắt đứt thực sự với thế kỷ XX, tính vô luân của nó, chủ nghĩa cá nhân của nó, khía cạnh phóng đãng và phản xã hội của nó; với ý thức run rẩy của mình nó nhận ra rằng không xã hội nào có thể sống được mà không có cái trục trung tâm là một tôn giáo nào đó; trên thực tế nó kêu gọi hùng hồn thay đổi hệ chuẩn.
    Ý thức hơn bất kỳ ai với những thỏa hiệp cần thiết, Hubczejak hẳn là đã không do dự, trong “Phong trào Con người Tiềm năng” mà anh sáng lập năm 2011, trong việc sử dụng lại theo mục đích của mình một vài chủ đề mang tính New Age rất rõ, từ “hình thành vỏ não của thần đất mẹ Gaia” cho đến so sánh lừng danh “10 tỉ cá nhân trên bề mặt hành tinh - 10 tỉ nơ ron trong não bộ con người”, từ lời kêu gọi hình thành một chính phủ toàn cầu dựa trên một “liên minh mới” với câu slogan mang tính quảng cáo lộ rõ: “NGàY MAI Sẽ THUộC Về PHáI Nữ”. Anh thực hiện tất cả những cái đó một cách hết sức khéo léo, thường xuyên khiến những người bình luận anh phải kính nể, rất cố gắng tránh mọi rẽ hướng không duy lý hay cục bộ, tìm cách huy động các lực lượng lớn nhất trong giới khoa học.
    Một thứ vô sỉ truyền thống nào đó trong nghiên cứu về lịch sử nhân loại thường tìm cách chứng tỏ “sự khéo léo” là một nhân tố cho thành công căn bản, trong khi trên thực tế tự bản thân nó, khi thiếu vắng một niềm tin mạnh mẽ, không có khả năng tạo ra một dịch chuyển thực sự quyết định. Tất cả những ai có cơ hội gặp Hubczejak hay từng đối đầu với anh tại các cuộc tranh luận đều nhất trí nhấn mạnh sức mạnh niềm tin, sự hấp dẫn và sự huyền ảo lạ kỳ của anh bắt nguồn từ một sự đơn giản sâu sắc, một niềm tin cá nhân thực sự. Lúc nào anh cũng nói gần như chính xác điều mà mình nghĩ - và ở những người phản đối anh, luẩn quẩn trong những rắc rối và giới hạn nảy sinh từ các ý thức hệ lỗi thời, một sự giản đơn ngần ấy có những hiệu ứng thật ghê gớm. Một trong những chỉ trích lớn nhất chống lại dự án của anh là đã tìm cách loại bỏ các khác biệt về giới tính vốn là đặc trưng cơ bản của con người. Ðáp lại, Hubczejak trả lời vấn đề không phải là tái tạo giống người với tất cả các đặc tính của nó, mà là tạo ra một giống loài mới biết điều hơn, và sự chấm dứt của tình dục với tư cách yếu tố của sinh sản không có nghĩa - thực ra là ngược lại - là chấm dứt khoái cảm tình dục. Các chuỗi mã trong quá trình phát triển phôi tạo nên các kích thích tố Krause mới đây đã được tìm ra; trong trạng thái hiện tại của loài người, các kích thích tố đó đã bị phân chia nghèo nàn trên bề mặt âm vật và tinh hoàn. Không có gì ngăn cản trong trạng thái tương lai nhân chúng lên nhiều lần trên bề mặt da - như thế sẽ tạo ra, trong khi vẫn tiết kiệm khoái cảm, những cảm xúc tình dục mới mẻ và vô biên.
    Những chỉ trích khác - có lẽ là sâu sắc nhất - tập trung vào điểm ở trung tâm loài mới được tạo ra từ các công trình của Djerzinski, toàn bộ các cá nhân sẽ mang cùng một bộ mã di truyền; một trong những nhân tố cơ bản nhất của bản sắc cá nhân sẽ biến mất. Hubczejak hăng hái đáp lại rằng cá nhân tính nói chung đó, mà chúng ta vẫn thường tự hào, lại chính là nguồn gốc của phần lớn bất hạnh của chúng ta. Trước thắc mắc liệu bản sắc cá nhân có nguy cơ biến mất, anh đưa ra ví dụ cụ thể và dễ quan sát ở các cặp song sinh, những người trên thực tế, thông qua lịch sử cá nhân của riêng mình, mặc dù có bộ mã di truyền rất giống nhau, vẫn giữ được những bản sắc, mà vẫn gắn kết với nhau qua một tình anh em kỳ bí - tình anh em, theo Hubczejak, cái nhân tố cần thiết nhất cho sự tái xây dựng một nhân loại hài hòa hơn.
    Không nghi ngờ gì nữa, Hubczejak chân thành khi anh tự cho mình là người kế tục Djerzinski, người thực hiện các tư tưởng của ông, với tham vọng duy nhất là đưa các tư tưởng của thầy mình vào thực tế. Chẳng hạn có thể thấy sự trung thành của anh với cái ý tưởng lạ kỳ ghi ở trang số 342 của tập Clifden Notes: số lượng cá nhân của loài mới phải không đổi so với số lượng khởi phát; do đó cần tạo ra một cá nhân, rồi hai, rồi ba, rồi năm... tóm lại là cẩn thận theo sát sự phân chia của các số lượng đầu tiên. Mục tiêu rõ ràng là, qua sự trợ giúp của một số lượng, cá nhân chỉ có thể được chia ra bởi chính nó và theo đơn vị, thu hút một cách biểu tượng sự chú ý lên mối nguy hiểm đại diện bởi sự hình thành các nhóm nhỏ trong xã hội; nhưng có vẻ như là Hubczejak đã đưa điều kiện này vào cương lĩnh hành động mà không ai tra vấn về ý nghĩa của nó. Thường xuyên hơn, việc đọc một cách thực chứng nghiêm ngặt các công trình của Djerzinski hẳn đã dẫn anh đến chỗ thường xuyên coi nhẹ tầm vóc của sự biến động về mặt siêu hình nhẽ ra phải đi kèm với một biến chuyển về sinh học cũng sâu sắc ngang bằng như thế - một biến chuyển trên thực tế chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại.
    Sự coi nhẹ các điểm quan trọng về triết học này của dự án, sự coi nhẹ đến cả khái niệm điểm quan trọng về triết học nói chung, tuy vậy cũng không hề cản trở, không hề làm chậm bước sự thực hiện nó. ý tưởng cho rằng một biến chuyển cơ bản là cấp thiết để xã hội có thể tiếp tục tồn tại đã lan tràn rất nhanh chóng trong các xã hội phương Tây cũng như tại những nơi in đậm dấu ấn phong trào New Age - sự biến chuyển đó có thể tạo nên theo cách đáng tin cậy ý nghĩa của chủ nghĩa tập thể, sự thường hằng và sự thiêng liêng. Cũng cần nói thêm rằng các vấn đề triết học đã mất đi toàn bộ những quy chiếu xác định ở công chúng đông đảo. Sự lố bịch ở mức độ toàn cầu mà các công trình của Foucault, Lacan, Derrida và Deleuze [5] đột ngột rơi vào sau nhiều thập niên được tán dương quá lố nhất thời không nhường lại chỗ cho bất kỳ một tư tưởng triết học mới mẻ nào, mà ngược lại khiến toàn thể các trí thức tự xưng là chuyên gia về “khoa học nhân văn” bị mất giá; sự lên ngôi mạnh mẽ của các nhà khoa học trong tất cả các lĩnh vực tư tưởng ngay từ đó đã trở nên rõ ràng. Ngay cả mối quan tâm tình cờ, trái ngược và chao đảo mà những người say mê với New Age đôi khi vờ tỏ ra với một niềm tin nào đó nảy sinh từ các “truyền thống tinh thần cổ” ở họ chỉ còn là một trạng thái nguy khốn đau đớn, gần với chứng bệnh thần kinh phân liệt. Cũng giống như tất cả các thành viên khác của xã hội, và thậm chí có phần còn hơn, trên thực tế họ chỉ còn tin vào khoa học, với họ khoa học trở thành một tiêu chí cho chân lý duy nhất và bất khả tư nghị. Cũng giống như tất cả các thành viên khác của xã hội, trong thâm tâm họ nghĩ rằng giải pháp cho tất cả các vấn đề - trong đó có cả các vấn đề tâm lý, xã hội học hoặc chung hơn, con người - chỉ có thể là một giải pháp nảy ra từ kỹ thuật. Chính vì thế Hubczejak đã tung ra vào năm 2013, không lo lắng bị phản bác lắm, slogan lừng danh của mình, câu nói sẽ tạo nên bước khởi phát thực sự của cả một phong trào tư tưởng tầm vóc thế giới: “BIẾN CHUYỂN SẼ KHÔNG MANG TíNH TINH THẦN, MÀ MANG TÍNH DI TRUYỀN.”
    Những khoản tiền đầu tiên được Unesco thông qua vào năm 2021; một ê kíp các nhà khoa học được thành lập ngay lập tức dưới sự điều hành của Hubczejak. Thật ra, xét về mặt khoa học, anh không chỉ huy gì nhiều lắm; nhưng anh sẽ chứng tỏ tính hiệu quả ghê gớm trong vai trò mà người ta có thể gọi là những “quan hệ với công chúng”. Sự nhanh chóng khủng khiếp của các kết quả đầu tiên gây ngạc nhiên lớn; mãi đến sau này người ta mới biết được rằng nhiều nhà khoa học, thành viên hay cảm tình với “Phong trào Con người Tiềm năng” đã bắt đầu công việc từ rất lâu trước đó, không chờ đến khi Unesco bật đèn xanh, trong các phòng thí nghiệm của mình ở úc, Braxin, Canada và Nhật Bản.
    Ngày 27 tháng Ba năm 2029 các nhà khoa học tạo nên con người đầu tiên, đại diện đầu tiên của một loài mới có trí thông minh “với hình ảnh và những tương đồng” với con người hiện tại, đúng hai mươi năm sau ngày mất của Michel Djerzinski. Ðể vinh danh Djerzinski, dù không có người Pháp nào trong ê kíp, công việc đã được tiến hành tại phòng thí nghiệm của Viện Sinh học Phân tử ở Palaiseau. Chương trình truyền hình trực tiếp sự kiện dĩ nhiên gây tác động vô cùng lớn - một tác động vượt rất xa chương trình truyền hình trực tiếp những bước chân đầu tiên của con người trên mặt trăng vào một đêm tháng Bảy năm 1969, sáu mươi năm trước đó. Trước phóng sự Hubczejak đọc một bài diễn văn rất ngắn gọn trong đó, với sự thẳng thắn hơi đường đột quen thuộc, anh tuyên bố nhân loại cần tự hào là “loài đầu tiên trong vũ trụ tự mình tạo ra các điều kiện cho những người sẽ thay thế mình.”
    Ngày nay, gần năm mươi năm sau, thực tế đã khẳng định tầm nhìn xa của Hubczejak - ở mức độ mà có lẽ chính ông khi đó cũng không ngờ tới. Vẫn còn lại vài con người của loài cũ, đặc biệt tại các vùng lâu nay vẫn chịu ảnh hưởng lớn của các học thuyết tôn giáo truyền thống. Tuy nhiên tỉ lệ sinh sản của họ giảm dần theo mỗi năm, và đến giờ thời điểm xóa sổ loài đó đã gần như là chắc chắn. Trái ngược với tất cả những tiên đoán bi quan, sự xóa sổ đó diễn ra trong yên bình, dù cũng có một vài hành động bạo lực đơn lẻ, với số lượng người tham gia giảm dần theo năm tháng. Thậm chí người ta còn phải kinh ngạc khi nhận thấy những con người đó đón nhận sự tuyệt diệt của chính mình với thái độ nhẹ nhàng, nhẫn nhịn và có lẽ còn thanh thản ngấm ngầm đến thế.
    Cắt đứt hoàn toàn mối dây liên hệ từng gắn kết chúng ta với loài người, chúng ta vẫn sống. Theo nhận định của con người, chúng ta sống hạnh phúc; đúng là chúng ta đã biết cách vượt qua những quyền lực với họ là không thể vượt qua của tính ích kỷ, sự tàn bạo và giận dữ; dù vậy chúng ta sống một cuộc sống khác hẳn. Khoa học và nghệ thuật vẫn luôn tồn tại trong xã hội của chúng ta; nhưng sự theo đuổi Chân lý và Cái đẹp, bớt bị thúc đẩy bởi tính phù phiếm cá nhân, trên thực tế đã mang một tính chất ít cấp bách hơn. Với những con người của loài cũ, thế giới của chúng ta quả là một thiên đường. Ðôi khi chúng ta cũng tự cho mình - theo cách hơi hài hước - là các bậc “chúa” mà họ từng khao khát biết bao nhiêu.
    Lịch sử vẫn tồn tại; nó ngự trị, nó bao trùm, vương quốc của nó không thể sụp đổ. Nhưng bên trên phạm vi thuần túy lịch sử, tham vọng lớn nhất của quyển sách này là tôn vinh cái giống loài bất hạnh và can đảm đã tạo ra chúng ta. Loài người khổ đau và xấu xa đó, chỉ hơi khác những con khỉ một chút, dù sao cũng mang trong mình rất nhiều đặc điểm cao quý. Cái giống loài bị hành hạ, mâu thuẫn, cá nhân chủ nghĩa và hiếu chiến đó, với tính ích kỷ vô hạn, đôi khi có khả năng bùng nổ bạo lực kinh người, lại không ngừng tin vào lòng tốt và tình yêu. Cũng loài người đó, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, đã biết cách hướng đến khả năng tự vượt qua chính mình; và cũng loài người đó, vài năm sau, đã biết thực hiện bước vượt qua đó. Vào thời điểm những đại diện cuối cùng của họ sắp biến mất, chúng ta nên vinh danh lần cuối cùng nhân loại đó; sự vinh danh cuối cùng cũng sẽ mất đi và tan biến vào cát bụi thời gian; tuy vậy cũng cần thiết, ít nhất một lần duy nhất, thực hiện sự vinh danh đó. Cuốn sách này đề tặng con người.
    [1]CEE: Cộng đồng kinh tế châu Âu
    [2]Clotilde de Vaux: tên người phụ nữ mà Auguste Comte yêu với một tình yêu trong trắng. Bà mất rất sớm, để lại một vết thương lòng sâu sắc cho triết gia.
    [3]Book of Kells: một cuốn sách cổ xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ VII, chép các văn bản Phúc Âm, có nhiều tranh minh họa bốn tác giả Phúc Âm.
    [4]Parménide (sống khoảng TK VI tr. CN), triết gia Hy Lạp.
    [5]Foucault, Lacan, Derrida và Deleuze: các triết gia Pháp nổi tiếng của TK XX.
    

Kết Thúc (END)
Hạt cơ bản
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Đang Xem Tập 11
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Đi Qua Hoa Cúc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Tình Trên Đỉnh Sầu