Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Chuyện Làng Cuội Tác Giả: Lê Lựu    
    Những chiếc xe con của đoàn kiểm tra và khách tham quan các tỉnh nối đuôi nhau rời khỏi sân miếu ông Cuội. Hai tay giơ lên tự nắm vào nhau rung rung chào khách vừa hạ xuống, Hiếu quay lại cười cười với hàng chục cán bộ của xã đứng sau anh: Hàm răng trắng hơi nhô ra vừa tới cái ranh giới để có cảm giác “vổ”, lập tức nó vòng lại, rộng ra trông rất sang và có duyên. Hàm răng ấy vẫn cười cười hào phóng trong suốt cuộc hội ý của đảng uỷ. Sau bất cứ đoàn kiểm tra hoặc tham quan nào đi, đảng uỷ cũng hội ý rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng tiếp khách mới. Hôm nay ưu điểm là chủ yếu. Nhà ông Mây có ba con đi bộ đội. Hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ của ông ở trong một nhà tranh dột nát và ải mọt chỉ chực xô đi, khuỵu xuống, trông lụp xụp quá. Sáng sớm nay vợ chồng con cái kéo nhau sang ở nhà ông Hỷ mới xây. Lạ nhà nhưng không hề ngượng ngập chút nào. Đoàn tham quan kéo vào nhìn cơ ngơi khang trang, cả 40, 50 người ai cũng gật gù khen: “Khá quá”. Bà Ba Sòi là mẹ liệt sĩ, một thân một mình, già yếu vẫn ở túp lều trông như cái chuồng lợn đã được anh Nạc đón về từ chiều hôm qua để bà nhận mặt nhớ tên các cháu. Đêm bà lại về lều, sáng sớm nay lại sang ở với vợ chồng anh (!) Khi đoàn đến, các cháu con anh Nạc xúm xít quanh bà đọc báo cho bà nghe tin tức. Được khen: “Ấm cúng quá. Thế này các chiến sĩ ở ngoài chiến trường chả còn lo gì mẹ già con thơ ở nhà”. Các y sĩ, y tá, của xóm của thôn mặc áo choàng trắng, đội mũ chữ thập đỏ nghe tim, nghe phổi, bắt mạch đo huyết áp đánh mắt hột cho hết mẹ liệt sĩ lại đến con bộ đội như là sinh ra các gia đình quân nhân là phải ốm đau để y tế còn chăm lo, chữa chạy. Các cháu thiếu nhi thì đến giúp các nhà vợ bộ đội neo bấn. Nào quét tước nhà cửa, chăm lợn, nuôi gà (nhà nào không có gà, mang của nhà khác đến nhốt trong các chuồng, các nơm) trông cứ là ngăn nắp, sạch bong. Đoàn kiểm tra của tỉnh và khách tham quan các tỉnh bạn đến thống nhất kết luận:
    “Đây là một bài học thực tế sinh động, hết sức sáng tạo trong công tác hậu phương của xã Đại Thắng. Có lẽ không có một bài bản, sách vở lí luận nào lại có sức thuyết phục bằng ở đây. Đặc biệt là sự thương yêu đùm bọc của bà con thôn Cuội đáng là tấm gương để các nơi khác phải học tập noi theo mà phấn đấu”.
    - Vâng thì chúng ta còn nhiều đoàn tham quan – Bí thư đảng uỷ nói sau khi nghe trưởng ban tuyên huấn tổng kết kết quả thu được. Phải mở rộng thêm chuồng trại. Phát triển thêm đầu lợn của hợp tác. Quây thêm đăng ở đầm Cuội thả cá chép. Mỗi con ít nhất là một cân trở lên để còn đón nhiều khách.
    Rồi anh yêu cầu nuôi một vụ gà đẻ lấy trứng. Các đoàn thể từ các cháu thiếu nhi đến các cụ phụ lão phải có mỗi người một “đầu gà”. Có những đôi vợ chồng tham gia cả bốn, năm ngành, giới, lại là bố mẹ của một vài thiếu nhi là con của hai cụ phụ lão, nghiễm nhiên phải có hơn chục “đầu gà” thịt, “đầu gà” đẻ nộp cho xã. Ngoài ra phải trồng cam, chanh quýt, na, chuối, mít, vải nhãn ở tất cả mọi chỗ, mọi nơi để lấy quả. Không có quả thì đi mua để có “cây nhà lá vườn” làm quà tặng khách. Cũng là kết quả của phong trào “ba đảm đang” và “cây tình nghĩa” của người ra đi, với người ở lại để khách thấy được sự sáng tạo của xã mình. Đậu xanh, lạc vừng là sản phẩm của vùng này thì không nói. Cái “anh” gạo nếp cũng phải có dăm ba tấn. Nó đi kèm với đậu xanh, lạc là có ý nghĩa lắm. Cho nên cũng phải có dăm mẫu ruộng “thí nghiệm tăng sản lúa nếp”. Bất cứ việc gì bí thư đảng uỷ đề ra, là có hàng hàng chục nghị quyết của đảng, chính quyền đoàn thể và không biết bao nhiêu là cuộc họp để “quán triệt”. Có những người bảo cứ yết lên bảng hoặc gọi loa để mọi người làm, khỏi phải họp. Làm tất cả những việc đó không mệt nhọc bằng họp bàn về nó. Thế nhưng không họp bà con lại buồn, nhớ và nhiều lúc không có việc gì mà làm. Vả lại, nhiều việc phải phổ biến nội bộ, chỉ thị riêng trong nội bộ, xử lí trong nội bộ, bàn bạc cãi cọ nhau trong nội bộ. Cũng là lạ. Không biết nội bộ nó là gì mà phổ biến đến tận đứa trẻ con. Ngành nào, cấp nào làm gì cũng là làm theo những chỉ thị, nghị quyết nội bộ chứ không làm theo luật pháp. Luật pháp cứ ra, cứ học, cứ thuộc ra rả như con vẹt mà làm gì, xử lí bất cứ việc gì, kể cả tội giết người cũng cứ là từng làng, từng xóm, từng ngành, từng giới có cách giải quyết riêng theo những chỉ thị, nghị quyết nội bộ của người ta. Luật pháp coi như thừa, vô tích sự “Luật pháp của bà con nông dân mình đặt ra để phục vụ bà con mình chứ nó là cái gì mà phải sợ nó. Không có lãnh đạo, luật pháp vứt”. Anh Hiếu bảo thế. Nên cả làng, cả xã sợ những chỉ thị, những ý kiến nói mồm truyền tụng “nội bộ” của anh Hiếu và các ông uỷ ban, đảng uỷ chứ chả sợ gì luật pháp. Việc tày đình các anh ấy đã tha, đã có “chỉ đạo” thì luật pháp coi là cái đinh mục.
    Quả là khách quan ngày càng tấp nập. Khí thế của xã cũng phấn khởi bừng bừng. Cán bộ từ ban chỉ huy đội trở lên đều phải lo toan việc tiếp khách, phải sấp ngửa ngược xuôi trong những dịp mổ hàng chục con lợn, vài ba con bò, hàng năm tạ gà, và cá... Cứ là rậm rịch náo nhiệt, nô nức hàng tuần lễ. Hàng mấy trăm người phục dịch đều có tí chút cải thiện hơn ở nhà quanh đi quẩn lại chỉ mấy củ khoai lang, bát cơm bột ngô nguội. Thế là vui. Anh chị em phục vụ vui, vợ chồng con cái họ ở nhà cũng thấy vui. Cả làng cũng vui. Dân mình chỉ cốt lấy cái vui làm chính. Vui lắm. Nhưng không bao giờ bí thư đảng uỷ, sờ đến một điếu thuốc lá của công. Anh phải tiếp hàng trăm, hàng nghìn cán bộ của tất cả các ngành giới từ các tỉnh đến trung ương. Cuộc nào anh cũng phải đứng ra cười, bắt tay và “vinh dự quá”. Không có anh, khách coi chuyến đi của mình là “thất bại”. Xã thì buồn lặng hẳn đi. Ai cũng thấy vắng bí thư thành tích xã mình “chìm” hẳn. Thành ra, đoàn khách nào muốn chắc chắn gặp được bí thư đảng uỷ phải đăng kí trước. Có được thư riêng của bí thư, chủ tịch tỉnh càng “chất lượng”. Dẫn khách đi xăm xăm khắp xã suốt ngày. Nói xa xả suốt ngày. Đến khi khách ăn bữa cơm “rau dưa” anh lại lẻn đi đâu đó, hút điếu thuốc lào, làm vài củ khoai lang, nắm ngô rang hoặc củ dong riềng, uống bát nước vối rồi lại ra cạnh xe cười, nắm tay lại, gật gật tiễn khách. Có lần anh đã phải gắt lên khi đảng uỷ “rút kinh nghiệm”.
    - Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi. Các anh đừng quan tâm đến việc tôi có ăn hay không làm trọng. Bằng cách nào để chúng ta đạt được kết quả cao như chúng ta mong muốn chứ không phải chuyện miếng ăn. Các anh thử nghĩ xem xem, khi tôi không ngồi vào với khách trong bất kì trường hợp nào thì chúng ta huy động sự đóng góp của dân và tranh thủ sự hỗ trợ của trên kết quả hơn, hay tôi sà vào với khách rượu chè say sưa có kết quả hơn?
    Phải nói, dăm bảy năm nay, kể từ khi vận động xây dựng hợp tác xã, Hiếu đã đưa Đại Thắng trở nên những xã hàng đầu của tỉnh, trong tất cả mọi lĩnh vực. Dân chúng nai lưng ra làm, của đổ ra tiếp khách tặng quà cũng lắm. Nhưng cũng được bao nhiêu là việc. Đường sá, nhà cửa, vườn tược, chuồng trại, kho tàng, hội trường, trụ sở, trường học, trạm xá xã trông cứ khang trang, sạch, đẹp hẳn lên. Thanh niên đi bộ đội nhiều, làng cứ quang hẳn ra. Việc lại nhiều lên. Xong tất. Thế mới biết cái sức của bà con nông dân mình ghê thật. Căn bản anh đứng đầu có làm cho người ta moi hết sức mình ra hay không? Phải nói anh Hiếu giỏi.
    Hàng trăm, hàng nghìn đoàn đến xã này đều phải nhận ra vai trò của anh. Vậy mà một thằng nhà báo mất dạy nó đã dám láo xược nói anh không ra gì. Thằng ấy nó về đây ba lần không viết nổi một chữ lên mặt báo. Chính nó “đổi” cái tên Lưu Minh Hiếu của anh thành Lưu Manh Hiêu. Hôm ấy, sau khi họ ăn uống tiệc tùng, anh đến định “tán dóc” với đám nhà báo. Vào đến cửa đã thấy họ buông màn, nằm hóng chuyện. Thằng nhà báo kính cận, mặt nghênh nghênh trông rất đáng ghét. Nó ngồi hút thuốc vặt ở ghế, nó chõ vào:
    - Tay này có khả năng và mưu mẹo rất ghê đấy. Nhưng không Minh mà cũng chẳng Hiếu đâu các ông ạ. Rồi các ông cứ nghiệm mà xem. Cái mắt và cái mồm của hắn rất chửi nhau. Cái mồm là mồm thằng tán gái thành thần. Con kiến trong lỗ cũng phải chui ra với nó. Còn cái mắt lạnh tanh, bạc. Kinh. Cái mắt gian ngoan xảo quyệt, mưu mẹo và tàn nhẫn lắm. Nhưng tất cả những cái ấy lại được giấu kín đi ở những cái nhìn thường xuyên khép hờ, kiểu kín kín hở hở, rất khó có ai phát hiện ra con người thật của hắn. Đúng ra tên của tay này phải là Lưu Manh Hiêu chứ không thể là Lưu Minh Hiếu được.
    Hiếu đã định cho dân quân gô cổ thằng nhà báo phản động lại. Đây không chỉ là chuyện mê tín gieo rắc tư tưởng hoài nghi trong nhân dân mà rõ ràng là âm mưu của địch nhằm phá vỡ những cơ sở vững chắc của hậu phương chúng ta. Nhưng làm thế sẽ ầm lên. Những cái mồm của bọn nhà văn, nhà báo nó mà “toe” lên thì có giời bịt lại. Không được đăng lên báo, nó cũng truyền mồm cho nhau. Bọn này quan hệ nhiều, lại nhớ dai. Trị nó mà để nó biết, là hạ kế. Tốt nhất là coi như không hề nghe thấy gì. Với uy tín của mình, chỉ cần cái thư gửi đến, chắc chắn thủ trưởng của nó sẽ phải đuổi nó, việc gì phải làm ầm ĩ lúc này.
    Anh đã làm cái việc để tên nhà báo kia trở thành kẻ phá hoại phong trào “điển hình” phải ra ngoài biên chế một cách dễ dàng. Nhưng với anh, mãi mãi sau này nó cứ ám ảnh cái tên của thằng nhà báo nó nói. Khi anh làm phó chủ tịch tỉnh và có những “quan hệ” bị vỡ lở cùng với việc vỡ đê Quân Tải do anh trực tiếp chỉ huy, mất khoảng hơn một tỉ đồng, không biết từ đâu truyền ra, cái tên Lưu Manh Hiêu của anh cả tỉnh biết. Đây là chuyện sau này. Còn hiện giờ? Ngay sáng ngày hôm sau anh vẫn cho tặng đoàn báo chí văn nghệ gạo nếp, gà, cam, đỗ xanh, và chè thuốc. Anh cười rất vui nắm chặt tay thằng mang kính cận hẹn:
    - Khi nào có điều kiện anh lại về với tôi. Anh em mình có dịp hàn huyên với nhau. Tôi sẽ dẫn anh đi và kể cho anh nghe những điển hình ở đây, tha hồ anh viết. Hàng năm không hết chuyện.
    Lại rút kinh nghiệm. Lần này họp vào buổi tối. Thành phần cũng mở rộng đến các đội trưởng sản xuất và tổ trưởng các giới. Lại khen ngợi và khâm phục, lại biểu dương và học tập. Cái khó của việc tiếp các đoàn tham quan sau này là làm sao nói được khác với những đoàn trước. Có chữ nào hay ho, đắt giá nhất họ dùng hết cả rồi.
    Nhưng lời lẽ với làng này quan trọng gì! Căn bản người nói là ai? Kì này toàn các đoàn “cốp” nên có nhiều báo chí đi theo. Các đài báo lại tha hồ mà ca ngợi, tán dương, lại nghe không kịp, đọc không xuể cho mà xem.
    Thành ra, người chủ trì rút kinh nghiệm hôm nay chỉ nói vài câu còn chủ yếu để cho gần trăm đại biểu xuýt xoa “bổ sung”. Ai cũng ki cóp, nhặt nhạnh từng lời, từng động tác, cử chỉ của khách để làm “tài liệu” và để lại xuýt xoa phổ biến cho các đội, các xóm về sự đánh giá thành tích của xã nhà trong đợt này. Hết phần một, rút kinh nghiệm. Phần hai, bổ bưởi. Những cờ, huy hiệu, tặng phẩm và “sổ vàng” để ở nhà truyền thống như mọi khi. Còn 50 quả bưởi Đoan Hùng phải bổ ra chia cho 510 gia đình quân nhân. Những gia đình có từ ba con trở lên và gia đình liệt sĩ do bí thư và chủ tịch trực tiếp đưa đến. Còn tất cả các cán bộ trong toàn xã phải chia nhau đến từng nhà. Tuy mỗi gia đình chỉ được một múi bưởi nhưng tất cả mọi công sức và những phấn khởi tự hào ở trong ấy. Vậy nên tất cả được phổ biến cách làm như sau:
    Người đưa bưởi phải cầm cả hai tay nói: “Hôm nay chúng tôi (hoặc chúng em, hoặc chúng con, hoặc chúng cháu) được đảng uỷ, uỷ ban uỷ nhiệm đến báo cáo với ông (hoặc cụ, hoặc bà, hoặc chị, hoặc cô) là: Nhờ có gia đình ta hết lòng động viên anh (gì đấy) đánh giặc rất là giỏi ở chiến trường nên cả trung ương và các tỉnh đều biết đến gia đình ta. Đây là chút kỉ niệm rất là nhỏ của trung ương và tỉnh uỷ tỉnh bạn giao cho đảng uỷ và uỷ ban là phải mang đến tận tay mỗi gia đình có công góp lớn cho cách mạng”.
    Gia đình nào cũng run run cảm động, cũng giàn giụa nước mắt và chia nhau cả nhà ăn múi bưởi xong, những ngày sau lại nuôi lợn, nuôi gà, lại nộp đỗ, nộp lạc “buộc bụng đãi khách” mà vẫn cứ phấn khởi tự hào, lại sẵn sàng cho con đi ra mặt trận, lại sẵn sàng gánh chuối, gánh khoai, gánh lạc, gánh đỗ đi tặng bộ đội cao xạ, bộ đội hành quân trú tạm ở xã bên. Vậy mà người nào cũng cứ thấy nhẹ nhàng lâng lâng. Vui. Căn bản là vui quá. Cái niềm vui của Hiếu đã hút được từ tấm lòng chân thành, từ tình yêu làng, yêu nước nồng nàn vốn có của người dân để bày ra các trò cho mọi người được vui vầy theo ý của mình. Sáu gia đình có 3 con đi bộ đội và 9 bố mẹ liệt sĩ nhưng chủ tịch lại nhặt 16 múi bưởi. Hai người đi hết một lượt 15 nhà và gần 12 giờ đêm. Còn lại một múi chủ tịch rụt rè nói với Hiếu:
    - Anh để tôi đem lại biếu bà cụ.
    Hiếu gạt phắt đi. Nói thế nào cũng không được. Cuối cùng nó là múi bưởi “thừa”, “anh cầm về cho con cháu” Hiếu mới chịu nhận.
    Thấy anh đến, thằng Sau cuống quýt gọi mẹ. Cả mấy tháng giời nay anh không đến nhưng ngày nào anh đi đâu, làm gì, con Huyền nó vẫn nói. Thằng Sau nghĩ: anh ấy bận quá. Cũng có thể anh ấy giận mẹ về tội anh Mai chạy theo giặc. Mẹ nghĩ: Nó sợ liên quan, người ta sẽ làm mất uy tín của nó. Thôi, đằng nào mẹ cũng chịu mang tiếng rồi để nó tránh đi, nó còn phải làm việc. Nghĩ vậy, bà vẫn thấy tủi thân. Cũng dứt ruột để con ra đi vào nơi hòn tên mũi đạn như mọi người. Đến khi mọi người có “tiêu chuẩn, chính sách” ưu tiên, bà lại trở thành con mẹ thằng phản bội tổ quốc. Mọi người có bao nhiêu người hỏi han chăm lo, dù chỉ là một lời hỏi thăm, bà lại là kẻ người ta phải quên đi, phải chừa ra. Hàng trăm đoàn tham quan đến xã xem xét từng gia đình bộ đội được đối đãi ra sao, có gì khó khăn, có gì còn thiếu hụt? Ai ai cũng được an ủi, khích lệ. Còn bà thì người ta phải đem “giấu” đi và lại như một con hủi phải chạy trốn khỏi khách thập phương biết mặt, biết trong xã này có một mẹ thằng phản quốc. Thấy con đến bà vừa mừng, lại vừa giận. Tủi thân quá, mong mỏi con quá mà giận chứ nó có tội tình gì. Rồi bà lại thấy sợ nữa. Không biết nó đến có chuyện vui hay lại để trút lên đầu bà những chuyện buồn bực. Hay đoàn kiểm tra của trên về có sự cự nự trách cứ gì nó về tội thằng Mai? Vì không biết đầu đuôi thế nào nên từ dưới bếp bà uể oải đi lên, không ra vồ vập cũng không phải lạnh lùng. Hiếu chưa nhìn thấy bà, hỏi em:
    - Mẹ đâu. Đi ngủ rồi à?
    - Tôi đây. Có việc gì, anh phải sang muộn thế?
    - Có đoàn tham quan người ta tặng ít bưởi cho các gia đình quân nhân. Mỗi nhà có một múi, nhiều nhặn gì. Sau cầm đưa cho mẹ này.
    - Gia đình này làm gì có tiêu chuẩn.
    - Nó làm nó chịu. Mẹ đẻ ra nó, cho nó đi bộ đội thì mẹ là gia đình bộ đội.
    - Tôi khốn khổ khốn nạn vì trót đẻ ra nó!
    - Nó đi rồi, mẹ có xui nó đâu mà sợ.
    - Sao bây giờ anh mới nói với mẹ anh thế?
    - Thì cái gì nó cũng phải lựa xem lúc nào. Mẹ tưởng bây giờ người ta đã để yên cho mẹ chuyện ấy à! Nhưng thôi. Để mọi việc tôi sẽ phải lo. Bây giờ tôi muốn cho thằng Sau đi bộ đội. Mẹ thấy thế nào?
    - Thằng anh thế, ai người ta dám để thằng em đi?
    - Thằng Sau thích đi, tôi sẽ xin.
    Sau:
    - Được đi thì em thích quá. Anh xin cho em đi đi anh.
    - Định đi phải không vướng mắc gì cả.
    - Chỉ lo mẹ ở nhà.
    - Dễ thường ở nhà người ta chết cả đấy. Định đi thì phải xác định quyết tâm lập công.
    - Em sẽ rửa nhục cho mẹ, để mẹ cũng phải như những người khác.
    - Xác định thế cũng tốt. Lúc hành động mới quan trọng. Phải chấp hành mọi kỉ luật mệnh lệnh cho thật nghiêm. Lúc đánh nhau phải nghĩ chết thì thôi, đừng làm thằng hèn. Nhục lắm.
    - Anh cứ yên tâm. Không bao giờ em để cho mẹ nhục nhã nữa đâu.
    - Tao cũng nghĩ thế, nhưng đêm nay cứ phải suy xét cho kĩ đi. Sáng mai trả lời tao.
    
- o O o -

    Sau đi bộ đội được bảy tháng. Anh đã chiến đấu trận đầu tiên với máy bay giặc Mỹ tại trận địa của đại đội 4, tiểu đoàn I, sư đoàn 736. Đây là sư đoàn cao xạ đúng như các anh ở tỉnh đội đã hứa với Hiếu sẽ “Gửi thằng Sau vào đơn vị chiến đấu ở ngoài Bắc”. Có nghĩa là nó có thể lập công mà không sợ đi theo giặc như thằng anh. Cái giấy khen sau trận chiến đấu đầu tiên như là một liều thuốc “cải tử hoàn sinh” làm cho bà Đất lại ngẩng mặt lên được. Lại có thể sớm khuya chia sẻ niềm vui, nỗi buồn qua miếng vỏ quạch, miếng trầu cùng chị em, bà con xóm giềng. Lại có thể được họp hành, ngoài công việc thủ kho phân, bà được vào chân “hội mẹ chiến sĩ” tham gia phục vụ bộ đội, phục vụ chiến đấu. Những cuộc chiến đấu chỉ như gió ào qua. Đấy là những đoàn quân đêm đêm đi như nước chảy qua làng. Những đêm máy bay giặc Mỹ, đi gây tội ác những đâu, rền rĩ suốt ngày đêm trên đầu. Những trai gái trong làng ào ào xung phong ra mặt trận. Chưa có bom rơi đạn nổ, chưa trông thấy đầu rơi, máu chảy của những chiến sĩ anh dũng hi sinh nhưng làng vẫn phải sẵn sàng. Tiễn người ra đi rồi, người ở lại tập luyện trong các đội dân quân, những đơn vị “bộ đội làng” hành quân rèn đúc ý chí, những tiểu đội tập trung đi lên huyện đón lõng bắn máy bay tầm thấp. Rầm rập đêm đêm là những “chiến sĩ” của làng đeo gạch, đeo đất đi rèn luyện “vai trăm cân, chân ngàn dặm” vượt Trường Sơn”; sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào để thực hiện cho kì được quyết tâm của toàn dân đồng bằng sông Hồng “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho miền Nam thắng lớn. Thao thức đêm đêm là những người mẹ, người vợ ngồi bên nồi nước chè xanh, những rổ khoai luộc và những chiếc điếu cày dựa vào gốc tre cho những đoàn quân qua làng không bao giờ báo trước. Chao ôi, là truyền thống yêu nước đánh giặc mỗi xóm, mỗi xã, mỗi thôn kiên trì bám lấy cơ sở, kiên trì xây dựng mỗi xóm thôn, làng xã thành pháo đài chiến đấu “bất khả xâm phạm”. Họ đã hiểu được cái “huyết thống” của đồng bằng, cái ý chí quật cường của một dân tộc nhỏ bé khiêm nhường này “không thèm nhìn ngang” với bất cứ nơi nào.
    Sau ba tháng đi “tập huấn” ở quân khu Hiếu trở về vừa là người tổ chức, vừa là đội viên của đội cơ động bắn máy bay tầm thấp, đội viên của trung đội “bộ đội làng”, đeo gạch đeo đất hành quân “vượt Trường Sơn”. Anh là một bí thư đảng uỷ kiêm chính trị viên xã đội thực sự là linh hồn của Đại Thắng chịu đi “hút” lấy trí khôn của mọi nơi về cho làng mình. Mỗi lần đi dự đại hội thi đua, đi báo cáo điển hình trên tỉnh, trên quân khu và các tỉnh khác về, từng ấm chè, điều thuốc, cân đường, hộp sữa được tặng, được cho, anh đều cho mời tất cả những ông bố bà mẹ và vợ bộ đội tập trung ở hội trường cạnh đầm Cuội để ông già thì hút thuốc, bà già thì ăn trầu còn các chị “cầm hộ” kẹo bánh về chia cho các cháu, Ai có phần nấy. Vì “đây là công lao của bà con ta, tôi chỉ là người đi báo cáo lại với cấp trên, với bà con nơi khác để các nơi biết được các gia đình ta đã có tinh thần, có tấm lòng cao cả với nước, với dân như thế nào. Rồi tôi lại chuyển lại lời khen của cấp trên về sự khâm phục của bà con nơi khác về với bà con mình. Nếu không có công lao của bà con, tôi làm gì có cái vinh dự như thế này. Bây giờ cả nước biết đến Đại Thắng. Từ trong chiến trường cũng biết hết bà con ta ai đóng góp công sức như thế nào. Bà con ta nghe đài, người ta nói rồi đấy. Không có các cụ, các ông bà, các chị ngồi đây làm sao cái làng “sống ngâm da, chết ngâm xương” lại ghê gớm đến thế. Thôi thì...”.
    Lại chỉ cần có thể, là từ bà già rụng hết cả hai hàm răng đến thằng bé thò lò mũi đều hăng hái đêm ngày đi đào hào giao thông, đắp ụ bắn máy bay, gác đêm, báo động có máy bay địch... Không còn biết mệt mỏi, vất vả là gì.
    Bà mẹ của anh, bà Đất lại được khấp khởi cuốn vào những bộn bề với cái kho phân của mình, với những thùng nước muối để anh “bộ đội làng” đi tập về ngâm chân, và với cái chức tổ trưởng “hội mẹ”; lại được đi chợ mua mắm muối, rau cỏ cho các vợ bộ đội, được tắm rửa, giặt giũ cho các cháu bé của các gia đình neo đơn. Lại được chầm vập, mắng mỏ và rì rầm to nhỏ với con cháu gái “xấu xí” của bà. Từ khi chú Sau đi bộ đội, bố Hiếu cho Huyền vào ở với bà, cho “vui cửa vui nhà”. Cũng từ ngày ấy, đi đâu thì thôi, về nhà anh Hiếu lại ngủ trong này với hai bà cháu, ít khi về nhà. “Công việc tối tăm mặt mũi, còn hở ra lúc nào, mà nghĩ đến vợ đến con”. Gọi là ở đây cũng chỉ nửa đêm gà gáy anh ấy mới về đặt mình chưa ấm chỗ đã lại đi, có khi nào có thì giờ để anh ấy hỏi han gì đến bà cháu. Công việc của làng xã vẫn nhịp nhàng tiến tới, trông anh ấy lại sầu muộn, khổ sở. Hay lại có chuyện gì ở chỗ thằng Sau mà anh không tiện nói với mẹ? Mấy tháng nay nó lại không gửi cho mẹ chữ nào! Anh Hiếu bảo “nó bận “cơ động” chiến đấu, làm sao nó biên thư luôn được”. Liệu có phải như thế không? Nhỡ có mệnh hệ nào, bà chỉ còn nước đào lỗ mà chui xuống! Thằng anh đã dại dột sa vào vòng tội lỗi xấu xa. Bây giờ đến lượt thằng em? Lạy trời, lạy phật phù hộ độ trì cho con để con cứ hăng hái mà xông pha đừng bao giờ nghĩ chuyện quay lui mà khổ mẹ, khổ anh con ơi.
    Nhưng nỗi buồn của anh Hiếu, không những bà không thể hiểu mà, ngay chính bản thân anh ấy cũng không thể hiểu hết cái sức mạnh có thể giúp anh thực hiện “quyết liệt” câu nói như một lời nguyền khi nghe chị hát ở sân miếu trước đêm xử bắn chú Kiêm “Nếu còn ở với anh, nhất định có nhiều dịp “sướng... ương vui” đấy em ạ”.
    Cái “dịp” ấy nó không thể xảy ra khi bộ ngực chị còn ngồn ngộn và cái cơ thể tròn lẳn chắc nịch của “gái một con” ở một cô gái xinh tươi, đẹp nhất xã này. Lúc ấy anh càng “căm thù” lại càng thấy khát, càng sợ như con mèo sợ mất miếng mỡ ở miệng mình nên càng cố giành giật lấy nó ra khỏi vòng tay kẻ khác. Cố chiếm đoạt lấy nó và ra sức tàn phá nó. Nó giống như chuyện của bố ông Thống Bứt rụng hết hai hàm răng, “họp họ” ở nhà mình, chúng nó mua toàn xương. Lão không nhai, không gặm được thì lão mút cái nước rồi vứt xương cho chó nhà mình, nó cũng đỡ tiếc của. Những cô gái xinh đẹp san sẻ tình cảm cho kẻ khác làm giá trị của họ tăng lên hàng chục lần, nhưng họ cũng phải trả cái giá cho thằng chồng nó tàn phá mình, hoặc tinh thần hoặc thể xác, gấp hàng trăm lần. Cái giờ phút chờ đợi trả thù ấy đã đến với cô gái làng Cuội rồi. Ấy là khi cái tuổi 30 “đã toan về già” như ngồi chồm hỗm trên khuôn mặt võ vời, hai gò má nhô lên, vòm mắt đã rão thành một quầng tối, cái mồm cũng đã rộng ra, cái môi không giòn, hai hàm răng đã khô, cái ngực cũng xẹp xuống và bước đi không gọn gàng xăm xắn, bàn chân, bàn tay đen đúa nứt nẻ, chai sần. Bình thường không có chuyện gì xảy ra thì với một “cô Xuyến” hôm nay đã muốn đổi cả cái xe đạp Thống Nhất, cái đài Siêng Mao cho một thằng nào đó để nó lại “cho em chết đi”, huống hồ ở một con người đầy năng lực như anh Hiếu lúc nào cũng tâm niệm phải rửa một mối hận. Thằng Sau đi bộ đội hơn hai năm nay đã làm cho cả mẹ và anh yên bề “ảnh hưởng” của thằng Mai. Cái tuổi 35 tràn đầy sức lực của anh cũng không cần đến quan hệ vợ chồng với Xuyến. Quyết tâm bỏ cô ngày càng tăng lên dữ dội. Nhưng anh phải ghìm nén lại. Đến lúc này đã là lúc có thể chín muồi. Anh hỏi mẹ:
    - Bà thấy cô Xuyến độ này thế nào?
    - Từ ngày em Sau đi, mẹ nó cũng chạy đi chạy lại luôn. Mẹ con vẫn vui vẻ lắm.
    Nói xong thấy con lặng đi. Bà hoảng.
    - Có chuyện gì mẹ không biết, anh cứ bảo mẹ. Có bao giờ mẹ làm điều gì trái ý con mà ngại.
    Phải một lúc anh mới lại hỏi, giọng có vẻ bực.
    - Sao mẹ chóng quên thế?
    - Thế chuyện gì mẹ có nhớ đâu.
    - Mẹ quên cả kẻ giết chồng mẹ rồi chứ gì?
    - Thì từ ngày sửa sai bảo thôi, chín bỏ làm mười, giữ lấy tình mẹ con thì mẹ phải giữ. Nhưng như mẹ, sống để bụng chết mang đi.
    - Bây giờ mẹ lại không còn để bụng mang đi nữa?
    - Cốt là ở cái thằng đội Lăng. Không đời nào mẹ có thể quên cái thằng sát nhân ấy. Còn con mẹ Xuyến xem ra cũng là nhẹ dạ. “Theo đóm ăn tàn”.
    - Mẹ nói thế có khác gì nhổ vào mặt tôi. Tôi là thằng lừa lọc ăn gian nói dối. Đi kêu gọi mọi người đoàn kết, bỏ qua mọi chuyện nhưng mình lại vẫn nhỏ nhen ti tiện thù oán với con vợ mình.
    - Thì mẹ cũng nghe anh mà đánh chữ đại xá cho nó. Rồi còn cháu Huyền nó đây, bỏ con bỏ cháu mình thế nào được.
    - Phải biết đại lượng tha thứ để toàn dân tập trung lại mà nghe theo mình. Mẹ thấy những thằng như thằng Thó, con mụ Xòi và bao nhiêu người khác tôi có thèm phân biệt đối xử với họ?
    - Ôi dào, những ngày anh đi học thuế trên tỉnh không biết chứ, thằng Thó nó sỉ nhục tôi hơn con chó.
    - Như thế nào cũng coi chúng là bọn ngu si, dốt nát. Thời nào cũng chỉ là thằng dân đen hong hóng ngửa mặt lên như con chó đói chờ được miếng xương là ngoáy tít cái đuôi lên mừng, xun xoe. Chỉ cần một cái lừ mắt, một cái phảy tay hoặc một tiếng “xuỳ” của chủ là chạy tung hoăng đi khắp nơi cắn tứ tung, kể cả cắn vào bố mẹ mình cũng làm để vừa ý chủ. Những thằng cốt cán ngày ấy chỉ cần một củ khoai sống, một lẻ ngô rang là nhắng nhít cả lên, vênh mặt ra oai quát nạt hành hạ làm khổ nhục người khác. Kể cả anh em ruột thịt. Hoặc chỉ cần khen một câu, cho nó được là người tin cậy hơn kẻ khác là sẵn sàng rình rập mò mẫm đêm hôm, thì thào trợn trạo như việc chết người đến nơi. Mẹ có biết từ ngày tôi làm việc, tôi đã sử dụng bọn cốt cán, xâu chuỗi ngày trước thế nào không? Tất cả chúng nó đều thích hung hăng chờ đợi được sai bảo, được hầu hạ, tôi chỉ cần cho nó làm cái chân dao thớt, gọi là phụ trách hậu cần, hầu hạ nấu nướng, gánh nước cho khách rửa chân là đã mừng rối rít, vâng dạ râm ran, đêm hôm mưa gió chầu chực được sai bảo. Những thằng này là loại người dễ sai bảo nhất. Từ ngày làm việc tôi lại thấy yêu những thằng như thế. Cứ những thằng dốt đặc cán mai, bảo gì nghe nấy, tôi rất thích. Còn bọn có chút học hành chữ nghĩa thì chỉ thích tranh luận và góp ý, trừ mấy thằng nó chịu nghe mình, chưa nói nó đã hiểu ý còn toàn là bọn vô tích sự, chỉ chờ hở ra cái là phê bình góp ý. Không cảnh giác với nó rách việc ngay.
    Tôi nói tất cả những chuyện như thế để mẹ biết là những thằng như thằng Thó, anh em nhà Mống, Mếnh không nguy hiểm gì cả, chẳng qua là nó ngu, mình bỏ qua cho nó thì nó chịu ơn mình. Còn con Xuyến là con xảo quyệt không thể nào tưởng tượng được. Nó vừa ăn nằm với thằng Lăng xong lúc tôi về nó lại ôm lấy cổ tôi nũng nịu: “Sao lâu thế. Có nhớ em không, hay lại có cô nào trên tỉnh quên em rồi”. Nói thật với mẹ, ngày sửa sai không vì tập trung để minh oan cho chú thì tôi chỉ muốn chém cho con Xuyến một nhát rồi mình ra sao thì ra.
    - Tội là tội ở cái thằng đội Lăng. Còn nó, mẹ cũng nghĩ ngày ấy nó còn trẻ người non dạ.
    Bỗng Hiếu quát làm bà giật bắn.
    - Tôi biết mẹ vẫn thương nó hơn thương tôi. Thế mà lúc nào cũng thơn thớt “mẹ vì con vì cái”.
    Ngồi nhìn theo con đi ra cửa, mồm bà há ra như định nói: “Thôi mẹ xin anh. Nên như thế nào thì bảo mẹ vậy” nhưng bà vẫn lặng câm, để mặc cho nước mắt chảy vào miệng. Bà ngồi cứng đờ như kẻ phạm tội trong vành móng ngựa đã biết bản án của mình rất nặng nề mà không biết khi nào quan toà mới trở lại để đọc lời tuyên án cuối cùng.
    Con Huyền đi học về. Nhìn bà, con cháu gái ranh mãnh của bà nó biết chuyện gì xảy ra:
    - Có phải bố cháu vừa xỉ vả bà không?
    - Bà cấm không được nói thế cháu ơi.
    - Bố cháu muốn bà đứng ra “bỏ” mẹ cháu chứ gì?
    - Ơ kìa con bé này!
    - Bố mẹ cháu phức tạp lắm. Chả ai thèm nói gì với ai. Theo cháu, cứ bỏ nhau quách đi. Cháu theo ai theo một người cho đỡ mệt cái thân.
    - Huyền! Bà cấm! – Bà quát nó rồi lật vạt áo lên bưng lấy mặt. Nó sà vào ôm lấy bà. Bà vội vàng buông vạt áo ra, vuốt tóc cho cháu. Rồi cả hai bà cháu không ai biết cháu phải dỗ bà hay bà phải dỗ cháu. Không thể biết hai bà cháu bây giờ phải nghe ai, phải làm gì, phải nói năng như thế nào về bố mẹ nó. Cả hai cùng không hiểu vì sao từ ba bốn năm nay bố mẹ nó không hề đi lại “tình cảm” với nhau mà vẫn như là “trời yên, biển lặng”!
    

Xem Tiếp Chương 13Xem Tiếp Chương 18 (Kết Thúc)

Chuyện Làng Cuội
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Đang Xem Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York