Sau những biến cố trên xảy ra, có thể coi như những cơn giông bão ập đến đổ lên hai vai chị Nga làm chị hoàn toàn thay đổi. Trước hết chị như người mộng du trong một cõi hư không của riêng chị. Lúc nào chị cũng cảm thấy muốn cười, cái cười nhạt, không chứa đựng một ý nghĩa nào, dù là chua chát đắng cay. Chị cười với con lợn, tiếng cười khanh khách như hồi còn trẻ, lúc chị mới vào trường trung cấp sư phạm. Từ trong nhà ngang, bà Tuân cố bò lại gần cái cửa sổ mắt cáo nhìn sang, bà thở dài rạch trở lại chỗ nằm, không thể biết bà nghĩ gì về cô con dâu. Có lúc chị cười với cái bóng mình dưới đáy giếng. Và kỳ lạ ở chỗ, trong mâm cơm, chị cứ nhìn ông Tuân mà cười! Điều thứ hai làm mọi người xung quanh để ý là chị bắt đầu hay chải tóc, ngắm nghía mình thật lâu bên thành giếng nước. Có vài lần chị lấy cái áo để đã lâu không mặc từ trong đáy hòm ra hong nắng, và buổi tối, chị mặc nó vào đi ngủ.
Về phần ông Tuân, cái cổ của ông đã tan vệt bầm của sợi chạc trâu, ông có thể ung dung ra đường mà không cần phải quấn khăn. Nhưng trông ông già sọm đi nhiều, gặp người quen đôi mắt thường đưa ngang ra phía cánh đồng. Ai hỏi gì, có lúc ông trả lời như một cái máy, chỉ một mực "dạ, vâng".
Thiên hạ không ai đàm tiếu, họ chỉ tỏ ra xót xa cho một gia đình bất hạnh. Nhưng dần dà những lời cảm thương cũng vơi đi, bởi họ còn phải lo, phải nghĩ cho chính họ. Còn một sự kiện nữa mà chỉ có mình ông Tuân biết, là sau chuyện bất thành đó, chị Nga không còn xưng hô một cách cung kính với ông như trước nữa. Trước đây chị một hai thưa thày, mà bây giờ, trừ khi có người thứ ba, còn thì chị chỉ nói trống không. Ông Tuân bảo:
-Vợ Kỳ hôm nay ở nhà để thày đi cày chỗ đất củ Đồng Quán cho.
Chị Nga đáp lại:
-Không. Cứ ở nhà đấy.
Lần khác chị bảo:
-Đưa tiền mua đường cho u!
Ông Tuân cảm thấy bị xúc phạm, nhưng vẫn không nói gì, lặng lẽ làm theo. Nỗi ê chề đã làm cho ông không biết phải xử ra sao. Một lần, khi chỉ có hai người trong nhà, ông Tuân chần chừ mãi rồi quyết định hỏi con dâu:
-Sao chị Kỳ lại không để cho tôi chết đi cho rảnh mắt?
Chị Nga ngừng tay sàng gạo, nhặt một hạt thóc trên sàng cho vào miệng cắn:
-Không cứu? Không cứu để chết ra đấy thì tội vạ ai chịu? Chỉ toàn là đem tai ương gieo vào đầu người khác. Đấy nhá, chỉ mới nằm đấy nửa tháng mà bao lời trách móc đã đầy tai...
Ông Tuân, vừa cảm thấy bực bội, nhưng lại có cảm giác thinh thích, dịu dàng, không thấy có cái vẻ xa cách bố chồng nàng dâu như trước. Chứ còn gì nữa? Họ đối đáp với nhau nhấm nhẳng, như là một cặp nhân ngãi. Ông bố chồng cũng bắt đầu giở giọng phiêu lưu:
-Cứ để cho tôi chết quách đi cho xong, sống làm gì, sống mà không con cái, không kẻ nối dõi. Cô là đàn bà làm sao biết được cái khổ tâm của kẻ tuyệt tự.
Chị Nga tiếp tục quay sàng, miệng vẫn đều đều:
-Thiên hạ cũng đầy ra đấy chứ nào riêng ai. Đằng này con người ta xông pha ngoài mặt trận mà bỏ mạng chứ ăn cướp ăn trộm gì mà xấu hổ?
Bỗng ông Tuân đổi giọng:
-Nga ơi, hay là con tìm người nào mà chắp nối lại đi, chứ sống mà như thế này, lúc khỏe trẻ không sao, về già như thày u, khổ lắm, nhục lắm!
Chị Nga vẫn giấm giẳng:
-Chả thiết!
-Còn cái tuổi xuân, con gái đàn bà có thì, có lứa, không ai trách con đâu. Hỏi con câu này, con với thằng Kỳ ăn ở thế nào mà già nửa năm trời vẫn không có gì?
-Ăn ở thế nào? Cũng như người ta chứ còn biết ăn ở thế nào?
-Hay là... tại con?
Bỗng chị Nga lắc mạnh tay, làm cho cái sàng vung ra khỏi nia, gạo thóc tung tóe ra nền nhà. Rồi chị buông tay sàng oằn người lên, tay chống ra sau, còn tay kia ôm bụng quằn quại, miệng ú ớ:
-Đau... đau quá!
Ông Tuân giật mình luống cuống chạy lại ngồi xuống sát chị Nga, nhưng không dám động tay vào người chị:
-Sao thế con?
-Đau quá! Chị vừa rên vừa bấu tay vào vai ông Tuân. Dìu ... tôi vào buồng!
Ông Tuân vội vàng xốc nách chị Nga, còn chị, vừa dặt dẹo lê chân trên nền nhà, vừa dựa hẳn người vào ông Tuân. Ông bố chồng đỡ con dâu nằm lên giường xong, hỏi nhỏ:
-Đau bụng à? Để lấy nắm tóc rối cho đánh gió nhá?
Chị Nga vẫn nhắm nghiền mắt, vùa lắc đầu. Lát sau, chị nằm im, thở dốc, hé mắt bảo ông Tuân:
-Ra khép hộ cánh cửa vào cái!
Ông Tuân lật đật làm theo, rồi quay vào, ghé ngồi lên mép giường. Thình lình chị Nga nắm lấy bàn tay ông Tuân, kéo sát, ghì chặt vào ngực, giọng lạnh băng:
-Đây! Làm gì thì làm đi!
Những ngày mưa lụt, mua dầm dề suốt ngày này sang ngày khác, giờ này sang giờ khác, nước mưa hình như cũng được pha một chất keo buồn bã làm lá sắn úp dính vào nhau theo một chiều thê lương và lành lạnh. Một ngày như thế, chị Nga đạp xe ra chợ Ba Hàng. Chiếc xe đạp Thống Nhất khung nữ sơn màu xanh thẫm đẹp như một tiểu thư đài các của chị lăn bánh trên những ổ gà lồm cồm. Mưa xiên xiên tạt chéo vào khuôn mặt xinh xinh ngày nào, giờ đây hai gò má nhô cao và rám nắng làm cho nó bợt bạt đi. Gần tới cầu Châu, một hòn đá nung vôi bất thần nằm chặn giữa đường để cho chiếc xe của chị chồm vào, hất chị xuống rãnh nước. Mặt mày tối xầm lại, chị chìm ngay vào cõi đen ngòm. Chị chết, chết thật sự. Chị Nga của tôi đã đi vào cõi vĩnh hằng một cách thanh thản, bất thần, không chuẩn bị trước và cô đơn.
Nhưng... đúng lúc đó, từ trong một túp lều dựng tạm của một người bán nước chè xanh, mà vì một lý do gì đó, có thể do mưa bão sụt sùi, không có khác lữ hành nào dại dột đi trên con đường lởm khởm này, túp lều đã bị bỏ hoang, ngườ anh hùng Tnh Tinh xuất hiện! Anh hùng của làng Sơn Cốt vẫn đen nhẻm, vẫn cười nhe bộ răng trắng ghê hồn được mọc ra từ hai miếng lợi đỏ chói như hai miếng tiết quân hàm của anh binh nhì mới nhập ngũ. Nhưng mưa gió lạnh lùng đã khoác lên người anh hùng Tinh Tinh một tấm áo đại cán rách bươm vốn của người cháu là một cán bộ công an. Cái áo của anh công an này vốn có màu vàng lòng tôm đặc chủng, gửi về cho bố, là anh ruột của anh Tinh Tinh, nhưng ông bố không thể cứ để như thế mà mặc, thứ nhất cái màu sáng cả ban đêm lẫn ban ngày ấy đẽ bị chửi vì rất dễ làm mồi cho máy bay, mỗi khi thấp thoáng trong ngõ xóm, thứ hai là nó sẽ nhanh chóng trở thành màu xỉn cháo lòng, rồi đen thâm trông rất "rợ", vì anh con trai công an không có đủ xà phòng gửi về cho bố. Thế là nó được nhuộm bằng nước vỏ cây núc nác, ngả sang màu xanh lá mạ, lúc đầu đẹp tuyệt trần, và lại rất hợp với tình hình phòng không lúc đó. Những năm sau, tấm áo đặc chủng cũ dần và màu của nó gần giống với màu áo sĩ quan quân đội, còn kiểu cách thì may y hệt như nhau, cùng một "mô-đen", như bây giờ ta đang gọi. Khi chiếc áo đã không còn tốt, còn đẹp nữa, nó rách tan nát, vá víu lằng nhằng, sơ tướp thì được chuyển giao cho người em trai, người hùng Tinh Tinh, tứ thời ở trần.
Những bước chân chậm chạp nặng nề và dò dẫm của con Tinh Tinh làng Sơn Cốt rất cảnh giác khi tiến lại gần chị Nga. Mưa tạt vào mặt, khiến Tinh Tinh nhíu mắt lại, càng tiến đến gần, bước chân của anh ta càng ngập ngừng, như bước chân của một người bình thường, thậm chí còn có vẻ tinh ma, ranh mãnh, có khi một bàn chân nhấc lên trên không trung rồi để đó, chưa biết đặt xuống chỗ nào?
Chị Nga nằm đó như một đống giẻ cũ nát, cuộn tròn, hai tay ôm lấy bụng, thò ra đôi chân trắng xanh, bám đầy bùn lầy. Chiếc xe đạp nằm văng sang một bên, hai bánh vẫn còn quay, tiếng líp xe át cả tiếng mưa tạt, phát ra những tiếng kêu lách tách, vui tai, khiến người hùng để ý. Anh ta nhếch mép, không, nhếch cả hai mép ra và nụ cười hoang dã không hề tắt trên đôi môi thâm đen, không phải vì lạnh mà là vì vốn nó đã thâm đen như thế. Cúi xuống, lấy tay khẽ chạm vào bánh xe, làm nó quay nhanh thêm một chút và tiếng tách tách càng có vẻ vui tai, người Tinh Tinh thấy lo lắng, không dám đụng tới chiếc xe đạp màu cánh trả, anh ta quay sang nhìn vào khuôn mặt tái ngát và có một vết tím bầm ngay trên mí mắt trái. Có một cái gì đó làm anh ta chững lại. Nụ cười ngây dại bỗng vụt tắt. Một chút trí tuệ, dù chỉ bằng hạt tấm bỗng loé lên trong bộ óc vốn đã bị hư hỏng từ thuở bé. Một khuôn mặt khiến cho người hùng Tinh Tinh làng Sơn Cốt thấy kính nể, hoặc yêu mến, hoặc một thứ tình cảm gì na ná như thế trỗi dậy trong tâm trí đen thẳm của anh ta. Đúng là anh ta đã từng thấy, từng nhìn ngắm và với một vẻ kính nể không thông thường toát ra từ khuông mạt chị Nga. Tinh Tinh cúi xuống, nó cũng biết luồn đôi tay khòng khoèo xuống dưới đống giẻ ướt sũng nước rồi nhấc bỗng thân thể chị Nga lên, cố hết sức bằng đôi chân lòng khòng tấp tểnh lết đi trên đường, hướng về một ngôi nhà gần đó, miệng không ngớt gào lên những tiếng la thê thảm:
-Chu chố...! Chu... chố...!
Về phần chị Nga của tôi, chị coi như đã tan vào một khối mây đùng đục, hai mắt chị mở to, nhưng lại bị mờ đi trong một thứ ánh sáng nhợt nhạt. Cảm giác thanh thoát và dịu dàng như tấm chăn bông mềm mại âm ấm hơi người trùm kín lên khuôn mặt và dần dần bao lấy chị như cái kèn trắng của một loài tằm ăn lá sằn, mịn màng, êm ái. Liền ngay đó ý thức chị choàng tỉnh và điều đầu tiên chị nhận ra rằng chị đã chết. Cụ thể và chính xác hơn là chị đang chết, chết một cách từ từ, chậm chạp, rất rõ nhận ra bằng một sự rơi, rơi nhẹ nhàng như một cái bông gạo trong gió nhẹ. Thì ra, chết là thế! Chết là từ từ hồn lìa khỏi xác, nhưng ý thức thì lại không dễ gì tan biến ngay đi, mà nó cứ lửng lơ, như thể còn một điều gì chưa nói ra mà đã phải quay mặt đi, lặng lẽ trước cái mũi nhọn của đầu sùng, hay lưỡi lê gì đó của một kẻ rất mạnh, rất đáng sợ nhưng cũng rất vũ phu, đáng ghét.
Bây giờ thì chị nhận rõ mình hơn, nhận ra từng hạt mưa gõ bung bung vào chiếc nón lá để bên cạnh, cái thai trong bụng ngột ngạt, cựa quậy một cách yếu ớt và tuyệt vọng. Chị mang nó đi vào cõi chết nhưng nó không chịu im lặng để tạn hưởng cái hạnh phúc thoát cõi thế trần gian. Nó là thế, chị biết, chị làm mẹ nó, chị từng nếm trải những đắng cay, những thất vọng ê chề của cuộc dồn nén, săn đuổi, nhưng nó chưa từng được ra đời, chưa từng được thấy cái vẻ đẹp hùng vĩ và ngọt ngào của ánh nắng mặt trời lúc hừng đông, chiếu thẳng tắp vào khuôn mặt từng con người, bất động. Nó chưa từng nghe tiếng sấm chớp, những giận giữ của bão giông, uy hiếp vạn kiếp sinh linh nhưng vẫn lộ ra vẻ bất lực của trời thẳm, không thể nào với tới được những ngõ ngách sâu kín, huyền bí và cả gian ngoan, dối trá trong mỗi con người. Nó cũng chưa từng cảm thấy những cuộc sát phạt, đấu đá, hành hạ bằng những tâm trạng khoái trá rửa hận, hay những ánh mắt lo sợ hãi hùng mà trên dương gian này, con người vẫn thường đem ra để thi thố. Con ơi! Con chưa được thành người, chưa được có niềm hạnh phúc mang cái danh hiệu con người thì mẹ đã mang con đi! Không biết là may mắn hay rủi ro cho con, cho kiếp người đang chờ con ở ngoài kia!
Như nghe được những lời than vãn của chị Nga, cái thai đạp mạnh hơn nữa, và chị Nga nhận thấy mình đang bay, bằng một đường bay gập ghềnh, nâng lên, đặt xuống, có lúc như hụt hẫng, nhưng vẫn là đang bay. Rồi, bất thần, đường bay chững lại, va mạnh chị vào một bờ đất kiên cố, nặng chịch, vỡ oà ra. Máu trong người chị chảy như suối, chị tan ra thàn muôn ngàn mảnh li ti, bay lập lờ trong sương nhạt. Thế là hết, là chết! Chết là thế đấy!
Cho đến khi tỉnh lại, trước mặt chị là khuôn mặt vô cảm của bà Phán Lan:
-Rõ khổ cái thân! Nhà chị đi đâu trong lúc mưa gió thế này? Nón tơi đâu mà phong phanh? May quá, thế nào mà cái thằng người Tinh Tinh, chuyên cởi truồng cởi trần nhảy Đầu Cầu nó lại thấy chị, lại còn biết mang chị vào cho tôi!
Chị Nga ngơ ngác nhìn lên đám mạng nhện đu đưa qua hai cái kèo tre:
-Cháu đi cắt thuốc cho bà cụ...
-Sao không đưa bà cụ ra viện Than? Thuốc gì hay vẫn thuốc cụ Lang Khuê?
Chị Nga vẫn vô cảm:
-Dạ phải! Mấy giờ rồi hả bà?
-Năm giờ từ khi nãy, nghe tiếng kẻng của trại tù binh.
Chị Nga gượng ngồi dậy, bà Phán đỡ một bên cánh tay:
-Chị nằm nghỉ, tôi bảo cháu nó đi gọi ông giáo rồi.
Chị Nga giật mình như người đang từ cõi âm u tịch trở lại cõi dương gian:
-Chết! Bà cho gọi bố cháu làm gì! Cháu bị nhẹ thôi mà. Với lại cháu còn phải ra phố...
-Thôi, đừng đi đâu nữa, tối rồi, mai hẵng đi. Chị cứ nằm đây mà nghỉ...
-Không... Chị Nga khẽ rên một tiếng, gượng đứng dậy, nhưng nắm hụt cái thành giường, chao người, chống một bên đầu gối xuống đất. Bà phán chạy lại:
-Bảo mà! Đây kia, ông giáo đang ra kia...
Thầy Hoan đội một cái áo bạt cũ rách lỗ chỗ, dừng lại ngoài hiên rũ phành phạch rồi vắt lên cánh rại, bước vào nhà. Trông thấy chị Nga đang ôm bụng quằn quại, thầy nắm lấy cổ tay con gái:
-Con bị làm sao thế?
-Con chết mất! Bố ơi!...
Cơn đau bụng quằn thắt thình lình kéo đến cùng với sự có mặt của thày Hoan. Hai con mắt trắng dại của chị Nga ngó trâng trâng vào mặt cha. Bà Phán Lan thấy thế thì đâm lo:
-Nói dại, hả ông giáo? Có phải chị Nga...?
Phải rồi! Chị Nga đang vật vã trong tay tay cha, một tay chống vào bên sườn oằn bụng gồng lên như gò, như đống. Tay kia chị nắm một nắm tóc cho vào miệng cắn, tiếng rên của chị qua những sợi tóc ré lên một âm sắc ghê rợn:
-Bố ơi... Bố cho con về nhà bố đi. Để con chết!
Thầy Hoan bối rối nhìn vào mắt con gái:
-Sao? Con thấy sao?
Bà Phán vội vàng chạy về phía bàn thờ lật bật đốt ba nén hương rồi phủ phục xuống đất lầm rầm khấn vái. Đoạn bà quay lại, ghé vào tai thầy Hoan:
-Ông Giáo ạ... Hình như là... có dễ... chị Nga, chị ấy trở dạ!
-Hả? Bà Phán, bà nói cái gì?
-Không có gì đâu. Cô ấy sắp đẻ...
Thầy Hoan đờ người, buông con gái ra nhìn bà Phán:
-Ai bảo bà thế?
Không nói không rằng, bà Phán Lan giật phăng hàng cúc áo bên dưới bụng chị Nga trật ra một hàng, mấy lớp vải cắt chéo quấn chặt lấy bụng. Bà Phán tiếp tục lần giở những cái tã trẻ con hình tam giác được quấn mấy vòng. Sau cùng, bụng chị Nga như bất ngờ trương lên, lồi những cục, những cục... Chị Nga hét lên một tiếng:
-Đừng! Rồi chị nhìn thầy Hoan bằng cái nhìn tuyệt vọng: Bố ơi. Cho con về...
-Không sao! Chị nằm đây, để tôi đi gọi người. Bà Phán vừa thở vừa nói.
-Đừng! Cháu lạy bà, cháu chết mất!
Thầy Hoan bất thần đứng vụt dậy nhìn chị Nga như ngây dại. Trong một giây đắn đo, thầy ghé lưng vào:
-Ôm lấy cổ bố. Ta về nhà đi con...
Khi thầy Hoan xốc con gái lên lưng thì trên khuôn mặt màu vàng nghệ giờ đã chuyển sang trắng bệch của bà Phán Lan lộ vẻ vô cùng kinh ngạc:
-Sao? Ông định giết chị ấy à? Trời đang mưa sầm sập thế này!
-Bà ơi! Bố con tôi đội ơn bà! Bà đừng để chuyện này lộ ra với ai... Cháu nó dại, tôi xin chịu. Để tôi tính.
Nói xong thầy Hoan cõng chị Nga lao ra sân trong một màn mưa mờ mịt. Bà Phán tần ngần đứng nhìn cái bóng lù xù của hai cha con ông giáo lảo đảo lẫn vào trong mưa. Rồi bà quầy quả sắp những thứ mà bà vừa lấy ở bụng chị Nga ra cho vào cái tay nải, chòng cái áo tơi qua cổ chạy vụt ra trời mưa. Ra đến giữa sân, bà Phán lại chạy vào buồng tìm kim chỉ, một xấp giấy bản, và hai ba cái lọ đựng gì không biết. Bà chạy mải miết đuổi theo họ, trong màn mưa đục mịt mờ và trong gió giăng giàn giạt.
Năm ấy lụt to. Quê tôi chưa năm nào lụt to như thế. Đường ra chợ Ba Hàng, người đứng trên cầu Châu có thể chỏa chân xuống dòng nước chảy xiết. Nhiều người còn hào hứng kể lại cho con cháu nghe đến vài mươi năm về sau những câu chuyện đại loại như thuồng luồng và giải cuộn tròn lại với nhau quấn xiết lấy những thân cây cổ thụ trôi phăng phăng trên sông Công. Thật là một năm đại họa. Câu chuyện về mùa lũ ống năm ấy tuy có để lại những ấn tượng hãi hùng cho nông dân làng Sơn Cốt, nhưng nó mau chóng tan biến đi cùng với cái đói kèm sát sạt ngay sau đó, và bởi những câu chuyện khác thời sự hơn, sát sườn hơn...
Dân làng Sơn Cốt chúng tôi nói theo thuật ngữ thời bây giờ thuộc vào hàng đói thông tin. Sở dĩ nói "đói" là vì họ là những người ưa thích đưa chuyện, nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn chuyện để mà truyền khẩu. Đói ăn vụng, ăn vụng còn ăn, huống hồ được một bữa liên hoan kiểu như đại hội xã viên thì còn gì bằng. Đàn ông có mâm của đàn ông, đàn bà và trẻ con có chiếu của mình, ăn xong còn lấy phần. Những miếng thịt mỡ thái con chì trắng ơn ởn, đói lâu ngày, thiếu kinh niên, tương vào chưa biết bổ béo ra sao nhưng đám giun đũa, giun kim và vô vàn loài sống ký sinh trong đại tiểu tràng cũng được một bữa liên hoan. Và rồi những cơn đau bụng té re cả làng quần nhau tìm lá ổi, vỏ sắn thuyền... Thông tin cũng thế!
Dòng tin thời sự nóng hổi và cực kỳ hấp dẫn lan truyền như một làn vi ba âm ỉ xuyên suốt từ nhà này sang nhà kia, qua những bức tường đất, qua những mái rạ đến từng người dân, đàn ông, đàn bà và cả người già, trẻ con. Tất nhiên là chị Nga không nghe thấy, nhưng có lẽ vì không nghe được những lời đồn đại ấy nên chị càng đau đớn quằn quại. Trong ngôi nhà lợp lá cọ dặm lá mía ướt sũng nước mưa, thầy Hoan âm thầm phục vụ con gái. Thầy vui hay buồn, đau khổ hay hạnh phúc? Có lẽ cả hai, bởi cho nên thầy không nói nhiều, nhưng nhìn con gái ôm con, thầy ánh lên một nét cười trong bóng tối.
Có một người, đó là bà Phán Lan, người đã đón tiếng khóc của cậu con trai đem đặt vào tay chị Nga, không, bà đặt vào tay thầy Hoan trước đã:
-Ông bế cháu tý nào! Thằng chó mới hay làm sao!
Cứ thế bà suýt soa, đến nỗi thầy Hoan cũng cảm thấy "thằng chó" mới hay làm sao. Một ngày hai buổi, bà Phán chạy vào giặt giũ, cơm nước cho chị Nga. Thầy Hoan phải chắp hai tay vào nói với bà:
-Bà để tôi làm, tôi làm được. Ba làm tôi áy náy quá!
-Giời đất ơi! Ông giáo mới là người hay! Chuyện váy máu, đàn ông đàn ang, ai lại dúng tay vào. Ông giáo khỏi phải lo, tôi làm là làm phúc cho con cháu tôi, chứ ân với huệ gì. Nói để ông giáo yên lòng, đời tôi còn chua chát bằng vạn ấy chứ, mà nào có thằng nào con nào cắn gấu váy tôi đâu... Nào! xem thằng chó của bà thức hay ngủ nào?
Cứ thế bà Phán Lan xăng xái với những công việc khá là vất vả và phức tạp. Bà bê chậu quần áo tã lót ra ao Sen ngồi dạng hai chân lên cái cầu đá ngay sát đường đi mà vò, mà vỗ. Bà vỗ rõ to, cứ bồm bộp, bồm bôp... Đó là bà tự hào với việc làm phúc đức, nhưng lại thành ra trêu ngươi thiên hạ. Bà Th., cái bà đàn bà giàu có, có tiếng là hay thóc mách, khích bác, đi qua dĩ nhiên là phải ngứa mồm rồi:
-Ôi giời! Bà Phán đấy à, cứ tưởng ai người thiên hạ! Bà giặt giũ gì mà cứ quần quật thế? Lại có cả tã lót nữa. Con gái hay con dâu "vỡ chum" đấy?
-A à! Bà Th. đấy à? Con cháu gái tôi nó đẻ đấy bà ạ.
-Thế trai hay gái đấy?
-Trai! Trai mới quý chứ lị. Nó lớn lên nó lại vào Nam đánh nhau, chứ nó lại thèm trốn chui trốn nhủi như khối thằng sợ chết ở cái làng ta bà nhỉ...
Bà Phán Lan cười, tiếng cười cứ lanh lảnh, tự nhiên, một mình, đến nỗi chỉ nghe bà cười, người ta cũng phải cười dù chả biết bà cười gì.
Cuộc đời chị Nga của tôi lại tiếp tục rẽ vào một ngõ ngoặt nữa trên con đường đời gập ghềnh đầy những bất trắc. Những ngày đầu tiên nhìn đứa con trai đỏ hỏn, ngọ ngoạy trong đám tã lót, chị không còn biết mình có còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Cứ y như thể một cơn chiêm bao trong giấc ngủ ngày, muốn tránh đi nhưng cứ phải nhìn, muốn mở mắt ra thì lại chói loà, díu lại, muốn vùng dậy chạy đi mà chân tay cứ khòng khoeo, cuốn chặt. Nhưng rồi cái cảm giác ấy cũng dần dần qua đi. Từng tí một, chị Nga nhận thức được đây là sự thật chứ không phải chiêm bao, mộng mị. Chị ngồi dậy ngắm nhìn đứa con như ngắm nhìn một con thú nhỏ, lạ lẫm. Trên vầng trán xanh xao, thoáng hiện lên những nếp nhăn nghi hoặc ngờ vực... Cái sinh linh nhỏ bé kia nó động đậy, nó mở mắt ra rồi lại nhắm mắt vào, đùn những hạt nhử nhỏ tí màu vang ởn lên bờ đôi mí mắt không lông mày, lông mi và lớp da mỏng tang màu đỏ thẫm của máu. Và, không biết được rằng một giây, một khoảnh khắc vụt đến nào đó, chị Nga nhận ra rằng đó chính là đứa con của mình, nó chính là máu thịt của chị vừa trải qua một cơn đau đớn quằn quại, đau như cắt, như xé, như dứt. Phải rồi, đó chính là cơn đau vặt ngắt một mảng thịt xương đâu đó của con người chị để tạo ra nó. Ôi! Con tôi! Đúng rồi, con của tôi! Chị Nga đờ đẫn nghĩ ra điều đó rồi chị bồng nó lên tay, đưa nhè nhẹ và nước mắt trào ra, lã chã... Khi chị vạch áo tìm vú đưa vào miệng thằng bé, nó vội vàng hau háu cái miệng làm như đói khát lắm, nhưng chỉ vài cái mút nó vội vàng nhè ra để há cái miệng nhỏ xíu toàn lợi ra mà khóc. Chị rất kinh ngạc khi con mình khóc không ra tiếng. Chị cảm thấy nhức dữ dội hai bầu vú căng sữa. Chị đặt thằng con xuống góc chiếu rồi vạch vú quay vào tường vắt mạnh. Những tia sữa màu trắng đục bắn lên vách đất tạo ra hình thù kỳ quái, ngả dần sang màu đen.
Ba ngày sau chị Nga không về nhà, ông Tuân sốt ruột chống gậy ra ngõ ngóng. Một người nào đó ghé vào cho ông biết tin con d6u ông bị ngã xe ngoài đường, được đưa vào nhà bà Phán Lan. Ngày hôm sau, lại có tin cô giáo Nga băng huyết nặng lắm nằng nặc đòi về nhà bố đẻ là ông giáo Hoan. Ông lão Tuân sốt ruột quá, lo lắng quá. Căn nhà vốn đã vắng lặng, giờ càng trở nên đìu hiu. Ở dưới nhà ngang bà Tuân vẫn rên và gọi chị Nga. Khi được ông chồng báo cho biết chịNga bị ngã xe ngoài Ba Hàng, thì bà cắm cảu:
-Dửng mãi mỡ lên, đi đâu ra ngoài ấy để cho nó ngã?
Ông Tuân điên tiết:
-Có câm cái mồm đi không? Đã liệt giường liệt chiếu lại còn hay ác khẩu. Đi đâu à? "Người ta" đi cắt thuốc cho bà đấy! "Người ta" mà có làm sao thì bà cứ liệu cái thần hồn...
-Gớm nhỉ! Ông gọi "người ta" là ai thế? Không khéo lại đội nó lên mà thờ...
-Nằm im đấy! Có đói thì bảo, chứ đừng có mà rống lên như thế. Hai con lợn kêu cũng đủ rồi...
Ông Tuân quay ngoắt lên nhà trên vê thuốc lào. Mấy con gà con bị mẹ bỏ sớm đang tranh nhau nhảy nháo nhác lên vành cối xay, hy vọng vào những hạt thóc lép còn kẹt trong nan cối. Ông vung cánh tay yếu ớt lên xua chúng một cách chiếu lệ rồi móc cái đóm cài trên cánh rại, châm vào ngọn lửa yếu ớt của ngọn đèn con để cả ngày. Thuốc lào bắt lửa, lại được kéo gió mạnh, từ hai lá phổi còn khá tốt của ông lão, rực lên rồi từ đỏ chuyên sang màu trắng của tàn thuốc. Ông lão ngưng lại lấy hơi, rồi đưa cái điếu lên cao ngang mặt, rít một hơi cực mạnh, quyết định của một mồi thuốc. Khói tràn vào ngập ngụa buồng phổi, ở đó chừng một giây rồi lại kéo nhau ra cuồn cuộn, ở cả cái miệng rộng và hai lỗ mũi khoằm. Say! Thuốc lào bao giờ cũng say. Phải say mới là thuốc lào, say đến quên xung quanh, quên cả mình, cả điếu. Rồi tỉnh lại một cách nhanh chóng, nhưng sau say là một tâm trạng tỉnh khác hẳn, mới hẳn, không thật rõ ràng với trước đó, trước khi hút. Ai đã từng hút thuốc lào, chắc hẳn phải có cảm giác như thế.
Đang lơ mơ với khói thuốc, có tiếng con chó hực lên mấy tiếng rồi nhảy cẫng lên rên ư ử. Khách nào nhỉ? Con chó nó cong đuôi lên thế kia, đích thị người quen. Ông vùa tìm chỗ dựa cái điếu vừa ngẩng lên thì đã thấy người đàn bà bước vào. À, con mẹ Diệu.
Chị Diệu mặc quần phíp, áo sơ mi kiểu Hồng Kông, từ ngực trở xuống thẳng đuỗn, tóc rẽ ngôi lệch lưỡi trai. Trông chị đúng là mẫu người cán bộ thời ấy. Chị cũng làm chức gì đấy có chân trong ban lãnh đạo xã bên cạnh. Vừa dựa cái xe đạp vào thành bể nước, giọng chị oang oang:
-Sao bảo thày ốm đau thế nào? Gớm, con cũng bấn quá, nghe tin thấy vậy mà mãi hôm nay mới sang được.
-Vâng! Ông Tuân nói mát. Cả năm nay rồi mà chị mới vác cái mặt sang, giang sơn nhà chồng có bị làm sao không?
Chị Diệu đánh phệt xuống cái chổi rơm, cầm nón ve vẩy:
-Ối dào! Ốm, ốm như u con thì có mà chết người ta. Thế vợ Kỳ nó đi đâu rồi thày?
-Thấy bảo ngã xe đã vài hôm nay nằm bên nhà ông giáo Hoan...
-Khốn khổ, khốn nạn! Đi đâu mà tí tởn thế chả biết. Dễ thường lại tính đi bước nữa chắc?
Ông Tuân ngồi im, toan hút điếu thuốc nữa, nhưng thấy người vẫn còn say say lại thôi. Thấy bố không nói gì, chị Diệu tiếp:
-Ở bên ấy, con nghe người ta đồn về thím ấy nghe rác cả tai ra.
-Đồn thế nào?
-Còn thế nào nữa. Làm đỏm lắm cơ. Mà cái này mới ác mồm, chả biết có thật không?
-Cái gì thật với không thật?
Chị con gái nhỏm dậy ghé sát tai bố:
-Nghe bảo thím ấy... cô ấy chim cả... thày, có không?
Ông Tuân giương cặp mắt khói thuốc lên đờ đẫn nhìn con gái. Mãi sau ông mới buông một câu:
-La...áo...!
Non trưa, ông lão Tuân lọc cọc đẩy cánh cổng tre rệu rạo bước vào sân nhà thầy Hoan. Lúc ấy, đang bấy lại cái bu gà đã bị bung ra một góc, nghe động thầy Hoan ngẩng lên và cảm thấy máu trong người như dồn cục lại đâu đó trên thái dương. Tay vẫn cầm con dao cùn, thầy Hoan đứng dậy chào thông gia:
-Cụ sang chơi?
-Không dám, chào ông giáo!
Nhìn ông Tuân sọm xuống dựa cây gậy sắn vào cột hiên, thầy Hoan chưa nghĩ ra được một câu nào để khả dĩ đánh loãng cái không khí u uất, nặng nề đang đè nặng lên căn nhà ốm yếu, đè lên đôi vai mòn mỏi của thầy. Đến khi ngồi vào cái ghế khập khễnh, thở mấy nhịp ông Tuân lên tiếng:
-Cô Nga làm sao hả ông giáo?
Thầy Hoan bỗng rùng mình một cái như một thầy pháp, nhổm lên nắm tay ông Tuân lôi xồng xộc dậy:
-Mời cụ vào đây...
Ông Tuân không hiểu chuyện gì, định cưỡng lại nhưng vì ông thông gia kéo mạnh quá nên ông cũng phải theo. Hai ông già, lôi kéo nhau lò mò gò lưng chui vào cái cửa buồng tối om. Từ ngoài nắng, ông Tuân đang còn hoa mắt chưa nhìn thấy gì thì thầy Hoan đã vén tấm vải mục che vuông cửa sổ để một luồng sáng vàng bửng rọi vào đống tã lót đang ngọ ngoạy.
-Cái gì thế? Ông Tuân thì thào.
-Cụ vẫn chưa nhìn thấy gì à? Cháu tôi đấy! Thầy Hoan đĩnh đạc.
Ông lão Tuân giương hai mí mắt lên nhìn mà không tin vào mắt mình. Chị Nga giật mình ngồi thu mình vào một gốc chiếu như con mèo thủ thế. Im lặng trôi đi nặng nề.
-Cháu tôi đấy, cụ ạ! Thầy Hoan dõng dạc nhắc lại một lần nữa, tưởng ông Tuân thế nào cũng gầm lên. Nhưng không, ông Tuân cúi xuống nhìn sát vào mặt đứa bé rồi nhìn thẳng vào mặt chị Nga mà hỏi một câu thảng thốt:
-Trai hay gái?
-Trai! Chị Nga buột mồm, còn thầy Hoan thì hoàn toàn bị bất ngờ bởi câu nói khá hỗn của con. Thầy đứng lùi xa một bước nhìn hai người, ông Tuân và chị Nga nhìn nhau. Chợt tim thầy nhói lên đau đớn khiến thầy phải ôm ghì lấy ngực mình. Cơn đau dai dẳng quá, khiến thầy ngã phịch vào cái bao tải đựng sắn khô. Chị Nga vùng dậy ôm lấy thầy mà khóc:
-Bố ơi! Con giết bố rồi...
|
|
|