Tôi gặp lại chị Nga của mình sau đúng hai mươi bảy năm. Từ dạo ấy, từ sau cái ngày đám cưới chị, tôi đạp xe mải miết về tỉnh đội, mải miết đi B, đi trong nhiều đội hình, rồi nếm trải, thưởng thức hương vị vinh quang của khúc khải hoàn do chiến tranh mang lại. Suốt một chặng đường dài ấy tôi nhận thấy rằng có nhiều lần tôi đã quên bẵng hình ảnh chị Nga, nhất là những khi cảm thấy mình có một chút thành đạt trong đời. Nhưng lạ lùng thay hễ cứ mỗi lần vấp ngã, một bận gặp phải nỗi niềm oan trái tai ương ập đến tôi lại nhớ về cái làng quê bé bỏng của tôi. Và hình ảnh chị Nga lại hiện ra, lại thì thầm bên tôi như như những ngày thơ dại. Mỗi lần tôi muốn khóc, tôi lại nghe tiếng chị:
- Nín đi em, khóc thế đủ rồi!
Giờ đây gặp lại chị sau hơn một phần tư thế kỷ, tóc tôi đã bắt đầu ngả bạc. Và một nửa số nhân vật, những người tôi nhắc đến trong câu chuyện này đã không còn trên cõi đời này nữa. Anh Kỳ, ông Tuân, bà Tuân, bà Phán Lan, thầy Hoan và cả bố tôi, đã lần lượt ra đi…
Vào một đêm tháng sáu oi nồng, bức bối có người đập cửa căn nhà nhỏ ngoại ô của tôi và tiếng một người đàn bà dè dặt nhưng có sức vang như tiếng gọi của quá khứ:
- Cậu ơi! Cậu Hoàng ơi!
Tôi giật mình choàng dậy hốt hoảng. Ai? Ai gọi tên tôi trong đêm thanh vắng thế? Có lẽ là trong chiêm bao, trong tiềm thức không yên ổn của tôi, những tiếng gọi như thế không bao giờ ngưng. Mồ hôi dấp dính trên trán, trong lưng áo, những cái gai trong cột sống của tôi cựa quậy, nhức nhối. Chờ nghe lại nhưng không thấy gì, tôi đặt mình xuống thì tiếng gọi ấy lại vọng vào giường. Lần này đúng là tiếng gọi thật, nghe rõ hơi thở hồi hộp của người gọi:
- Hoàng ơi! Em ơi, chị đây!
Tôi bật đèn mở cửa, trời ngoại ô đêm đêm vẫn một màu vàng đục. Tôi hỏi bằng một giọng lo lắng:
- Ai gọi trong đêm khuya khoắt thế?
Người đàn bà ấy hiện ra: chị Nga! Trời ơi, sao tôi lại gặp chị ở nơi này? Tôi reo lên nho nhỏ:
- Chị… chị Nga phải không?
- Ừ! Chị đây! Em ngạc nhiên lắm phải không?
Chị quay lại phía sau nói nhỏ: “Tới đúng nhà rồi, nhà cậu Hoàng của mình đấy, vào đi con!”
Lúc này tôi mới nhận ra người thanh niên đi cùng chị. Tôi hỏi:
- Ai thế chị? Có phải thằng Hận không?
- Phải! Chào cậu đi con, nhà cậu đây rồi!
Thằng Hận năm nay đã hai mươi hai tuổi, hơi mảnh khảnh cúi đầu lí nhí chào tôi. Cả nhà tôi thức dậy đón mẹ con chị. Bao nhiêu là chuyện thăm hỏi, hàn huyên. Nhưng sao không khí lại không được thân thương như ngày tôi còn nhỏ ở quê nhà mà mỗi lần tôi ngồi bên chị nhỉ? Người ta bảo càng già càng ích kỷ, hay là tôi đã già rồi?
- Hai mẹ con chị chắc là chưa ăn uống gì. Để em bảo nhà em đi nấu cơm chị và cháu ăn nhé?
- Chị ăn ngoài ga rồi, sợ cháu Hận có đói không. Hận ơi, con có đói không để cậu mợ thổi cơm?
Thằng Hận ngồi lặng thinh ở một góc ghế sa lông. Hai tay khoanh trước ngực, ngửa mặt nhìn những tấm giấy khen của các con tôi treo trên vách. Lúc này tôi mới nhìn kỹ nó, sao mà nó giống anh Kỳ đến thế! Cũng cái cằm nhỏ, hai vành tai chúc hướng về đằng trước hơi nhiều. Đặc biệt cặp lông mày ngắn và xô vào nhau sát tinh mũi, kiểu lông mày của những người ưa toan tính.
Sau khi vợ tôi thu xếp cho thằng Hận ngủ, tôi ngồi lại với chị Nga. Khuôn mặt chị vẫn không khác nhiều so với ngày xưa, chỉ có vóc người thì sắt lại. Tôi bồi hồi nghĩ đến bộ ngực thiếu nữ của chị ngày ấy, cái ngày mà trong cơn thất vọng tôi đã gục vào, như một con gà con nép vào đôi cánh của mẹ mình. Chị nhìn tôi với cái nhìn ấm áp:
- Chị vẫn nghe nói về em luôn, cuộc sống của em thành đạt chứ?
- Chị ơi! Biết nói thế nào để chị hiểu bây giờ? Vâng, em cũng tạm ổn…
- Vậy là tốt, chị mỉm cười, còn chị nhiều gieo neo lắm. Để rồi chị kể cho em nghe. Chắc đời chị chỉ có em là người chị có thể nói hết ra được.
Tôi cúi xuống nhìn vào cốc nước giấu nỗi xúc động của mình. Chỉ một câu nói nữa của chị là tôi sẽ khóc mất. Lát sau , tôi ngẩng lên:
- Chị ơi, em đã nghe hết chuyện của chị rồi. Thôi, mọi chuyện cứ coi như giấc chiêm bao…
- Chị cũng nghĩ thế, nếu không chị làm sao sống nổi suốt một chặng đời tao loạn trái ngang, để hôm nay chị em mình còn được gặp nhau…
- Em cũng đã về đến Soi Vạt, nhưng chỉ gặp thằng Hợi chăn trâu. Nó bảo “Cô Nga trôi sông rồi”…
Chị Nga lắc đầu:
- Khổ thân thằng bé! Bây giờ không biết nó thành cái gì rồi?
Chợt trong lòng tôi dào lên một nỗi hối hận. Sao bao nhiêu năm tháng tôi đã không đi tìm chị? Có lúc tôi cũng đã nghĩ đến chuyện ấy, nhưng lại tự hỏi: để làm gì? Câu hỏi ấy hóa ra là chỉ dành cho tôi chứ không phải cho chị, cho những người thân thiết của tôi. Nghĩ thế nên tôi nói mà thấy gượng gạo:
- Em thì lúc nào cũng nghĩ về chị, nhất là cái đêm trên gò Chùa Phung, em đang nằm một mình cô độc trên cỏ, với những hồn ma… thì chị đến…
Chị Nga cười nhẹ:
- Em vẫn còn nhớ chuyện ấy cơ à?
- Em quên làm sao được hả chị, cái buổi tối hôm ấy đã vực em dậy, và chính chị đã nâng em lên…
- Là em đấy chứ! À mà em có còn làm thơ nữa không?
- Có chị ạ! Nhưng những câu thơ của em cũng không giúp được ai hạnh phúc… Những năm sau này chị ở đâu mà những lần về làng em không gặp chị? Có đúng là chị và cháu Hận nửa đêm xuôi mảng nứa bỏ đi không?
Chị im lặng một lát rồi nói nhỏ:
- Xuôi mảng thì có, nhưng không phải ban đêm mà là buổi sáng, ban ngày, đi nhờ các ông san tràng xuôi gỗ.
- Em cũng hỏi thăm chị, nhưng không có thì giờ đi tìm chị…
- Chị bế thằng Hận đi khắp nơi, gặp việc gì làm việc ấy kiếm ăn qua ngày. Mãi sau chị xin được vào nắm than quả bàng cho một cửa hàng chất đốt. Đây, em nhìn hai bàn tay chị xem, cho đến tận bây giờ…
Đó là những ngón tay bợt nước và những cái móng đen xậm, lầm than của chị tôi.
Đêm ấy tôi trằn trọc cho đến sáng. Hình như tôi có chợp mắt được một lúc, bởi vì tôi đã được đi lại con đường tuổi thơ của mình cùng với chị Nga men theo bờ ruộng và chia tay chị dưới gốc gạo, nơi có con đường dẫn vào ngôi mộ đá Chúc Anh Đài…
Tôi xin được tiếp tục câu chuyện.
Lên bờ! Chị Nga của tôi xốc một bên nách cái tay nải nghèo nàn, ôm thằng Hận trước ngực bước những bước chân chập choạng trên nền đất gồ ghề. Đây, đây đất khách quê người là đây. Nghĩ một thoáng, chị quyết tâm đến một cái quán nước tồi tàn, che bằng mấy tấm liếp tả tơi. Hai người đàn ông nom cũng có vẻ tiều tụy nhích ra nhường một đầu ghế cho chị Nga. Người đàn bà gầy quắt chủ quán nhìn chị nhưng không hỏi. Chị lên tiếng:
- Xin bà cho cháu một cốc nước nóng.
- Chỉ có nước chè, cô uống được không?
- Vâng, được bà ạ.
Thằng Hận vẫn ngọ ngoạy trong ngực chị. Thế là chị yên tâm. Chị Nga chỉ sợ, và chị cứ tưởng ra nó im lặng. Lặng ngắt và lạnh ngắt… Nhưng nó vẫn rọ rạy trong bụng chị, hơi ấm của nó chị vẫn cảm nhận được. Và chị cũng muốn dùng hết sức, hết lực, hết hơi ấm cuả mình truyền cho nó. Uống hết bát nước chè, chị Nga bỗng thấy trong bụng réo cồn cào, chuyển rần rần. Thằng Hận càng cựa mạnh. Lúc này chị mới vạch những mớ giẻ áo quần cuộn lấy nó, để khuôn mặt xám ngắt và đôi mắt lờ đờ của nó hé ra.
Người đàn ông ngồi cạnh ái ngại:
- Cháu ốm hả chị?
Nghe giọng hỏi thông cảm của người lạ, chị Nga ngước lên:
- Vâng! Cháu bị cảm. Rồi chị ngước nhìn bà chủ quán. Bà ơi, bà có sữa hay nước đường cũng được, bán cho mẹ con cháu một cốc?
Bà chủ quán cười khẩy:
- Làm gì có sữa! Nước đường thì có, nhưng đường Hoa Mai thôi…
- Vâng cũng được, cho cháu xin một cốc. Bao nhiêu bà cho cháu gửi?
Chị Nga móc cái mớ tiền lẻ bùi nhùi trong túi, nhưng bà chủ quán không để ý, quay vào phía trong. Sau một hồi lục lọi, bà ta cầm ra một cái gói bằng giấy bao xi măng, to bằng đầu gối. Cởi hai, ba lần lạt buộc, một bọc giấy báo lộ ra. Thong thả và tỉ mẩn bà chủ quán lấy chiếc thìa nhỏ gò bằng một mảnh nhôm vụng về, nông choèn trịnh trọng múc từng thìa một như thể ao thóc, vào trong cái bát ăn cơm ve lòng, đã mẻ một miếng. Nhìn theo bàn tay bà chủ quán, chị Nga cứ nín thở từng chặp, hồi hộp. Nhất định thằng Hận của chị phải được uống nước đường, sẽ được cứu sống!
Cầm cái bát đường vàng trên tay, chị Nga đang phân vân không biết lấy nước gì hoà cho con uống, thì bà chủ quán đã đưa tay ra như là giằng lại:
- Nhà chị đưa đây cho tôi. Rồi bà ngoái vào phía trong, sau lưng, gọi to. Hến ơi, cơm sôi chưa?
Một đứa con gái nhỏ bé, mặt choắt, mũi hếch chạy ra:
- Sắp rồi! Mẹ hỏi làm gì?
- Sôi thì chắt lấy một ít nước cơm ra cái bát, đem ra đây cho tao. Nghe chửa?
Con bé vội chui tọt vào rồi chỉ một loáng sau, nó đã rón rén bưng ra một bát nước cơm. Bà chủ quán cũng rón rén trút vào cái bát đường vàng, rồi cầm thìa khuấy sơ lên, đưa trả lại cho chị Nga, miệng lầu bầu:
- Gạo mậu(1), nên nước cơm cứ trong leo lẻo như mắt ma ấy. Nhà chị cứ cho cháu uống cũng đỡ hơn nước sông. Này, cầm lấy mà bón cho nó…
Nãy giờ hai người đàn ông chăm chú theo dõi những động tác của bà chủ quán. Chị Nga nghe thấy cả tiếng một người nào đó nuốt nước miếng ừng ực. Chao ơi, rồi một ngày nào đó đất nước mạnh giàu, nhân dân hết cơ cực, mọi người sẽ có cơm có cá, có thịt, có đường, có sữa… Chứ còn hôm nay, một nhúm đường vàng mà cả người lớn, lẫn trẻ thơ đều thèm thuồng, nuốt nước bọt cầm chừng. Chị Nga lại muốn ứa nước mắt, nhất là khi thằng Hận hau háu nuốt từng thìa nước cơm. Đối với nó, đây là thứ thuốc thần tiên, thứ chỉ có khi ở thiên đường. Nhưng nó còn nhỏ quá, còn phải lớn lên, còn phải sống dai dẳng, chưa thể lên thiên đường đựơc. Chó con, à Pinôkiô của mẹ nhỉ?
Nhắc đến cái tên thằng bé gỗ, tự nhiên trong lồng ngực chị Nga như có gì hụt hẫng. Trong lúc lo cho thằng Hận chị đã để ra ngoài tâm trí của mình hình ảnh Tĩnh, người đàn ông đã cưu mang, cứu vớt mẹ con chị, mà tưởng như đã gắn bó với chị tư bao giờ. Chị còn nhớ đôi mắt sáng, chứa chất đầy niềm kiêu hãnh, vui mừng khi nói với chị: “Tôi sẽ không bỏ chị đâu!”. Vậy mà, bây giờ anh đang ở đâu? Anh đã xong việc của mình chưa? Anh có nghĩ đến mẹ con tôi không? Hay… lúc lên bờ, chị đã vội vã bế con đi thẳng, anh tìm không thấy? Bao nhiêu câu hỏi cứ trôi tuột trong đầu chị, không dừng lại ở một giả thiết nào. Sự trống trải, hẫng hụt dâng lên tràn lồng ngực chị, một nỗi tủi hờn xâm chiếm, từng chút, từng chút… Chị Nga hờ hững buông cái thìa nước cơm trên miệng con, nghển cổ nhìn ra xung quanh, tìm kiếm. Chỉ có bóng đêm đen đặc và thấp thoáng những ánh đèn tù mù, hoang vắng. Gió vẫn thổi từng chặp, từng chặp ào ạt từ dưới sông lên, lùa trong lưng áo chị, lạnh buốt.
Bỗng chị Nga nghe mơ hồ ai gọi tên mình, trong gió ào ạt. Rất mơ hồ rất không thật, nhưng chị đã nghe thấy. Chị nghe được tiếng gọi của Tĩnh:
- Nga ơ… ơi! Hai mẹ con ở đâu…u?
Chị đã nghe được tiếng gọi đứt quãng, theo từng đợt gió. Chị bế con đứng thẳng dậy bước ra hẳn khỏi túp lều quán nước, lấy hết hơi sức trong người, đáp lại tiếng gọi:
- Anh Tĩnh ơi! Ở đâ… ây!
- Nga ơ… ơi!
- Em đang ở đây… anh Tĩnh ơi…!
Chị bước sải những bước chân vấp váp trên bùn bãi bến sông về phía tiếng Tĩnh đang gọi. Những người ngồi trong quán nhìn theo ái ngại. Bà chủ quán vẫn lặng thinh, nhưng với con mắt cảnh giác cố hữu, miệng lầm bầm: “Rõ khổ, vợ chồng sông nước”.
Tĩnh ào đến, hai bàn tay nóng bỏng rắn như thép nắm lấy cánh tay chị Nga, xiết mạnh:
- Có sao không? Thằng bé có sao không?
- Cháu đỡ rồi anh ạ. Em đã xin được chút đường hoà với nước cơm cho nó uống.
Đêm ấy, chị Nga của tôi đã bế thằng Hận đi theo anh chàng sơn tràng. Nửa đêm họ đến được nhà ga tàu hoả. Tĩnh trải manh áo mưa ra một góc tối trong nhà ga lờ mờ:
- Hai mẹ con nằm nghỉ đi, để tôi đi “nắm” tình hình.
Chị Nga thấy ái ngại, nhưng vẫn bật cười:
- Anh lúc nào cũng như người lính!
- Bảo sao? Tĩnh đã bắt đầu có những câu thân mật, thỉnh thoảng là những câu trống không.
- Không! Anh cứ đi “nắm tình hình” đi! Em ngồi nghỉ một lúc cũng được.
Và không biết từ lúc nào, chị Nga cũng đã xưng “em” với người xa lạ.
Chị Nga đặt lưng xuống nến đất lạnh, rã rời chân tay. Chị nhắm mắt lại để mặc mọi sự cho cuộc đời. Chị đã đến đây rồi, còn biết làm sao? Điều làm chị yên tâm là tiếng thở đều đều của con trai. Thế rồi chị chìm vào trong cơn mệt mỏi, ngủ thiếp. Độ hơn nửa giờ sau, Tĩnh quay lại. Anh không định đánh thức chị Nga, nhưng chị đã mở mắt:
- Anh về rồi à? “Tình hình” thế nào?
Tĩnh dúi vào tay chị Nga một cái bánh xốp mỏng, nguội ngắt:
- Ăn đi một chút đã. Chắc đói lắm hả?
- Không , em không thấy đói…
- Cố ăn đi… cũng ngon lắm, không đến nỗi…
Chị Nga ngoan ngoãn cắn một miếng bánh rẻ tiền. Quả vị ngọt và hơi bột mì làm chị thấy ấm lên. Tĩnh nhìn người đàn bà xa lạ ăn nhỏ nhẹ từng miếng bánh, bất chợt anh nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong chiếc miệng cân đối với hàm răng đều. Dù trong bóng tối lờ mờ anh vẫn nhận thấy những lọn tóc xoà xuống trước vầng trán thanh tú của chị… Thỉnh thoảng chị Nga lại đưa tay sờ sẫm lên thân mình con. Miếng bánh đã hết, chị Nga bần thần vuỗi những mẩu vụn vương trên mép, cười:
- Ngon thật anh ạ…
- Bánh mậu dịch, không phải gia công đâu… Uống nước nhé?
Chị Nga khẽ gật đầu, Tĩnh chạy đi mua một cốc nước đặt vào tay cho chị. Chị bình thản cầm cốc nước uống hết, ngon lành, không khách sáo, mặc dù đó là cốc nước nhạt, có vị tanh của chảo gang.
Tĩnh đưa trả lại cốc nước cho quán, bần thần quay lại. Anh nghĩ rất lâu, không nói, chị Nga nhỏ nhẹ:
- Tình hình thế nào, anh?
Tĩnh hất mái tóc loà xoà, nhìn thẳng vào đôi mắt u buồn của chị Nga:
- Bây giờ… Nga tính thế nào?
Chị Nga bất ngờ đưa tay cuộn lại mái tóc rối, quấn một vòng sau gáy. Mái tóc đã rụng nhiều, nhưng vẫn đủ cuộn lại thành một búi, trông nó như một túm lá kiệu khô. Chị nhìn Tĩnh, bình thản:
- Em cám ơn anh đã đưa mẹ con em đến đây. Em đã tính rồi, mẹ con em sẽ lên tàu đi Phú Thọ.
- Ở đó Nga sã làm gì? Làm gì để sống và nuôi con?
Chị Nga chùng xuống:
- Em chưa biết sẽ làm gì, nhưng em sẽ làm. Làm để sống và nuôi con em như anh nói…
Tĩnh thảng thốt:
- Hai tiếng nữa có tàu ngược Phú Thọ…
Chị Nga quyết định hỏi một câu mà chị đã nghĩ mãi, suốt từ lúc bước khỏi mảng:
- Bây giờ, anh đi đâu?
Tĩnh lắc đầu, buồn bã:
- Tôi cũng chưa định.
Chợt chị Nga thấy ân hận, vì mình mà chàng thanh niên san tràng khoẻ mạnh, can trường phải khó xử. Anh đã dính vào mẹ con chị, để bây giờ đâm khổ. Mới lúc nãy, chị mong anh đến chừng nào, thì bây giờ chị lại mong anh ra đi chừng ấy. Thôi, anh đã tốt với mẹ con em quá rồi, anh hãy đi đi, đi tiếp con đường, công việc, gia đình của anh… Cuộc đời này, gặp được nhau trong chốc lát như thế cũng đủ để cho nhau niềm an ủi, mà mãi mãi, chị tự nhủ, chị sẽ không bao giờ quên anh được. Đi đi, anh… Đứng lên và đừng quên chìa bàn tay cho em nắm… Trong lòng chị giục anh đứng lên, nhưng miệng chị Nga lại hỏi:
- Bác Thuần và các bác cùng đi đâu rồi?
- Họ còn ở lại ngoài bến chờ lấy tiền…
- Anh cũng phải trở lại bến chứ?
Tĩnh vê một điếu thuốc lá cuộn quăn queo cho thẳng lại, châm lửa:
- Không biết đượcbao nhiêu, nhưng cái nghề đi mảng của tôi cũng cực lắm. Tôi tính sau chuyến này sẽ nghỉ.
- Em không biết có nghề nào sướng hơn, nhưng quả nghề sơn tràng nguy hiểm thật. Quê anh có việc gì làm không?
Tĩnh lắc đầu:
- Ruộng ít, làm không đủ ăn nên anh em chúng tôi mới phải theo cái nghề này. Nghỉ rồi cũng chưa biết nên làm gì. Thế… Nga biết làm nghề gì không?
Chị Nga cười:
- Em dạy cấp hai, nhưng nghỉ lâu quá rồi. Với lại đó là nghề làm nhà nước, mình bỏ việc thì cũng coi như đào ngũ. Có khi còn bị kỷ luật… Em cũng biết làm ruộng nữa.
- Nga lên Phú Thọ rồi ở đâu?
- Em cứ lên thị xã, rồi tính.
- Nhưng sao Nga lại quyết định lên Phú Thọ mà không phải nơi khác?
- Hồi nhỏ em nghe bố em kể ông có ở Phú Thọ. Người và đất ở đấy tốt lắm. Hình như ông cũng có một số người bạn còn ở bên ấy từ hồi kháng chiến chống Pháp. Em cứ đi, gặp ai em cũng sẽ hỏi thăm, và nhận em là con gái bố em… Biết đâu có người tốt bụng!… Chị Nga cười hồn nhiên như một đứa trẻ. Tĩnh cũng bật cười, kể từ lúc gặp nhau, lần đầu tiên anh thấy chị Nga cười như thế.
- Bố em tên là gì? Tĩnh chợt loé lên tia hy vọng.
- Bố em tên là Hoan, thầy giáo Hà Đức Hoan… Mà anh hỏi làm gì?
Tĩnh trở nên quyết tâm:
- Bây giờ tôi mua vé để hai mẹ con lên Phú Thọ. Rồi tôi phải quay lại chỗ bác Thuần xem có được đồng nào không?
- Vâ… âng!… Dù đã biết trước và mong muốn để Tĩnh ra đi, nhưng nghe câu nói ấy của anh chị như sụp hẳn xuống. Trong đêm tối, chị nhắm chặt đôi mắt, ngăn giòng nước, giọng nghẹn ngào. Thôi anh cứ đi đi, để mặc mẹ con em…
- Không! Tĩnh rắn rỏi. Tôi có tí việc, phải về quê đưa cho mẹ tôi ít tiền. Mẹ tôi già rồi, các anh chị tôi nghèo lắm, không nuôi nổi mẹ. Thu xếp xong, tôi sẽ ngược Phú Thọ. Tôi không bỏ mẹ con Nga đâu!…
Tĩnh đứng dậy xếp hàng mua vé. Hành khách khá dài, nhưng may nhờ khoẻ mạnh, và có kinh nghiệm, chỉ một lúc sau anh quay lại đưa cho chị Nga tấm vé tàu hoả làm bằng một miếng bìa các- tông màu vàng, bé hơn cả quân bài tam cúc, dày và cứng. Cầm tấm vé định mệnh trong tay, chị Nga nhìn ra bầu trời đen kịt, mây chuyển ầm ầm trên đầu, xen lẫn tiếng sấm xa. Tĩnh cúi xuống dòm sát vào mặt thằng Hận, thì thào:
- Con trai, ngoan nhé. Rồi ta sẽ đi tìm con…
Chị Nga bần thần nhìn mái tóc rậm của Tĩnh phủ xuống cánh tay chị. Bao nhiêu mùi nắng, mùi gió, mùi nước… sông hoà trộn trong hơi thở của chị. Khi Tĩnh ngẩng lên, chị Nga không cầm lòng được. Hai tay chị nắm chặt lấy cánh tay anh, ghì xuống:
- Anh! Anh Tĩnh ơi…
Chị Nga đã yêu!
Trong đêm ngoại ô thanh vắng và oi nồng, chị Nga đã gục xuống thành ghế và khóc với tiếng khóc của hai mươi năm về trước. Tiếng khóc tươi mới và nồng nàn trước mặt thằng em trai bé bỏng, tóc lốm đốm bạc, là tôi. Tiếng nấc lên nghẹn ngào, khiến tôi hình dung ra hình ảnh anh Tĩnh của chị. Một người đàn ông thánh thiện.
- Em ơi, em biết không? Đây là lần đầu tiên và duy nhất trong đời chị yêu. Yêu trong tuyệt vọng, nhưng đúng là tình yêu thật sự trong một đời người. Chị đã khóc như mưa gió, không cần phải che đậy hay xấu hổ. Chị yêu mà cảm thấy mình vơi nhẹ đi trong bao nỗi niềm. Dù biết mình chắc gì đã được anh Tĩnh yêu lại. Nhưng thôi, như thế cũng đã đủ lắm rồi. Bao cơ cực cay đắng tuyệt vọng chị cũng không ngờ chị còn yêu được. Đó là một thứ tình cảm mới lạ, trong suốt… Nó ngọt ngào, ấm áp, nhưng pha vị cay cay, đăng đắng, đầy ma lực, làm chị quên hết những âu lo, nguy nan đang chờ chị trước mặt.
Chị đã khóc như mưa gió trong đôi cánh tay của anh Tĩnh, của người đàn ông hoàn toàn xa lạ mà chị chỉ mới gặp chưa trọn một ngày. Lúc ấy chị cũng không hề nghĩ tới hoàn cảnh của mình, cái hoàn cảnh éo le rất dễ khiến cho Tĩnh nghĩ rằng chị cần anh ấy, lợi dụng anh ấy. Không, chị không hề nghĩ đến việc cần anh ấy che chở cho mẹ con chị, bởi vì chị biết cách sống và quyêt tâm sống. Chị cần anh, cần anh như cần một niềm an ủi, cần một bầu trời, cần một hướng để hy vọng, dù chị có phải vất vả thêm nhiều lần nữa, cơ cực gấp bao nhiêu đi nữa để được sống bên anh, có anh và nuôi anh…
- Anh có biết em đã yêu anh không?
Tĩnh để yên tay chị trong tay anh, chị Nga cảm thấy được những vận chuyển nhẹ nhàng nhưng hối hả của từng giọt máu chạy trong cánh tay rắn chắc ấy. Nó cũn run rẩy, cũng loạn nhịp và bồi hồi… Nhưng Tĩnh đã không nói gì, không nói bất cứ lời nói nào, chỉ thay đổi nhịp bóp mạnh trên bàn tay chị.
Tiếng loa nhà ga ọc ạch, và tiếng tàu hoả nghiến trên đường ray âm âm vọng tới, làm chị trấn tĩnh lại. Chị Nga buông tay anh ra, đúng hơn là gỡ bàn tay mình ra khỏi tay anh, hối hả:
- Thôi, anh đi đi! Tầu vào ga rồi…
Tĩnh tần ngần, đứng dậy, hai tay anh buông thõng như người mất trí, lặng lẽ quay đi. Ba bước chân, anh quay lại móc từ trong tui ra dúi vào tay chị một nắm tiền lẻ. Chị Nga gạt lại:
- Em có đủ rồi. Anh giữ lấy mà lo công việc… Nghe em đi, anh!
Tĩnh cầm lại số tiền bước vào trong bóng tối, khuất sau ánh đèn đỏ đọc của nhà ga…
Chị Nga vội vã thu xếp mọi thứ, đến khi chị ôm thằng Hận lên, thì…
- Ối Trời ơi là trời! Con tôi…
Thằng Hận nóng như hòn than, hai bàn tay và cả thân mình nó co quắp, giật liên hồi. Một bên mép nó bọt xùi ra, trắng xoá…
- Ới… các ông các bà ơi… Con tôi chết mất rồi…
|
|
|