Các con ông Giáo thấy Đức đến thì đều nhìn Đức chằm chằm. Cái nhìn của chúng nó như cân nhắc Đức từ đầu đến chân. Tuy chào hỏi, nhưng không thân mật.
Đức thì hình như thấy ngượng về những cái nhìn của chúng.
Thì ra thường ngày ông bà Giáo có lẽ nói chuyện đến Đức luôn. Và hẳn là phải nói bằng những lời không đẹp cho Đức, hẳn là phải lấy Đức ra làm cái bia để răn chúng nó.
Vì thế cho nên chúng nó mới có những thái độ xa lánh Đức như xa lánh một vật gì quái đản, và đề phòng như người ta đề phòng bệnh truyền nhiễm.
Thằng Đức thì cảm ngay thấy sự khinh thị của chúng nó đối với mình. Lúc ấy thì nó chưa đi tìm nguyên ủy. Nó chỉ thấy rằng những thằng kia đã không thích nó thì nó cũng không thích mà thôi.
Vì thế cho nên khi cơm xong là nó bảo ngay với bác Giáo:
- Thôi ra ô-tô về đi chứ Bác.
Bác Giáo đà đận:
- Tí nữa ô-tô nó mới chạy cơ mà. Tô-tô nó chạy thì phải có giờ chứ.
Đức chẳng chơi với ai bởi cái lý chẳng ai chơi với nó, nó quanh ra quanh vào một lúc rồi toan đi tìm giục bác Giáo thì bác Giáo đã từ ngoài đi vào.
- Thôi hỏng rồi, xe ô-tô nó hỏng máy, sáng sớm mai nó mới chạy cơ.
Ấy thế là Đức òa ngay lên khóc, và thốt ra:
- Thế thì hôm nay Đức ngủ với ai? Mợ ơi là mợ!
Cả bọn trẻ cười ồ. Đức nổi xung, chạy đến toan giở cái lối hống hách đấm đá như ở nhà thì đã bị thằng Lưu giữ chặt ngay lấy tay:
- Này ở đây với chúng tao không có mất dạy như ở nhà mày được.
Thằng Đức tuy bị mất đà, nhưng tính nó vốn tợn, nó vung tay ra toan đánh nữa thì đã bị cả lũ xúm đến ghì chặt lấy nó, diếc nó thậm tệ:
- Này, đừng có quen thói như ở nhà.
Bác Giáo vội vàng quát các con:
- Này không được đánh em. Giãn cả ra.
Rồi nắm tay vỗ về nó:
- Ô-tô nó hỏng máy, biết làm thế nào. Thôi tối nay ngủ đây với bác vậy. Con giai nhớn ngần ấy tuổi đầu mà cứ đòi ngủ với mợ, thì xấu lắm. Ở đây, mai bác mua cho thật nhiều cam Bố Hạ, ăn một bữa kỳ no rồi sẽ về.
Đức tuy nhớ mợ lắm, nhưng sợ bọn trẻ con cười, nó không dám khóc nữa. Nó khổ sở mà lên giường nằm với bác Giáo. Nó cựa cậy, nó sạo sực, nó thở dài, nó giở mình, nhưng tuổi trẻ là cái tuổi ăn ngủ, một giờ sau nó đã thiếp đi.
Nó vốn tính ngủ trưa cho nên ngày hôm sau, lúc nó mở mắt thì cả nhà đã dậy rồi.
Mở mắt là nó nhảy bổ ngay xuống giường:
- Thôi về Hà Nội đi chứ bác.
Bác Giáo đã đón ngay nó bằng một vẻ mặt nghiêm nghị:
- Thôi, không phải về nữa. Cậu mợ cháu cho cháu lên đây là để đi học. Bởi ở nhà, cháu lười lắm. Lên đây thì cháu phải ngoan, phải bắt chước chúng nó chăm chỉ, chứ không thì đã có roi kia kìa.
Bác Giáo nói xong rút đánh sọat chiếc roi mây cài ở đằng sau giá hương, vụt đen đét xuống giường.
Đức tưởng bác Giáo đùa, chẳng động sắc mặt:
- Thôi về đi bác, cháu nhớ mợ cháu lắm rồi.
Lúc ấy, bác Giáo mới thật là nghiêm khắc:
- Tao đã bảo cậu mợ mày cho mày lên đây là để đi học. Về gì, tao bảo mày không nghe thì tao đét vào đít bây giờ.
Đức vẫn không ngờ, mở to hai mắt:
- Bác nói thật đấy à?
Bác Giáo vụt mạnh chiếc roi xuống bàn:
- Chẳng thật thì dối, tao nói chơi với mày à? Quần áo của mày, mợ mày đưa cả lên kia. Thôi mặc quần áo rồi đi học.
Đức lúc ấy mới vỡ sự thực. Nó lăn ra nhà khóc vang trời. Bác gái nó lúc ấy mới chạy lại:
- Thôi, đừng lăn nữa cháu, ở đây học với các anh vui chứ sao mà phải khóc.
Nó không nghe. Đạp bác gái nó ra, vừa kêu giời, vừa gọi mợ. Bác gái nó toan dỗ nó thì bác giai nó đã quát:
- Cứ mặc kệ nó, để nếu nó cứ lăn thì rồi tôi sẽ trị cho nó.
Bác giai nó nói xong rồi ung dung vào bàn ăn cháo điểm tâm với các con.
Nó lăn, nó kêu chán mỏi mồm, thấy chẳng ai để ý, rồi tự nó mỏi nó im. Nó im vì còn một lý nữa. Thấy bọn trẻ ngoan ngoãn chung quanh, sự kêu gào của nó lố bịch thế nào ấy.
Bác Giáo thấy nó im, lúc ấy mới ôn tồn:
- Thôi, đi dậy rồi đi học. Cháu lăn ở đây, cũng chẳng ai dỗ đâu. Mà nếu bác bảo không được, bác sẽ sai chúng nó trói gô cổ cháu vào cái cột kia kìa. Con giai nhớn rồi, chẳng chịu học hành, cứ đòi ngủ với mợ để bú tí, sờ vú, cháu không biết là xấu à? Đây xem thằng Trụ nó mới có lên bốn mà nó ngoan ngoãn thế kia, tối nó cũng không đòi ngủ với mợ nữa là.
Đức trông chung quanh thấy không có ai bênh vực cho mình, đành thúc thủ.
Bác Giáo lúc ấy mới đến kéo nó dậy:
- Thôi, dậy rửa mặt mũi, rồi ăn cháo, rồi đi học.
Bác Giáo bảo gì nó cũng đều nghe theo.
Bác Giáo nó không ngờ rằng nó lại chịu nghe mình một cách chóng vánh như thế, sung sướng bảo với vợ:
- Có chú thím ấy cứ nuông chiều nó, nên nó mới hư như thế, chứ bắt vào phép thì phải chịu ngay đấy chứ. Roi cứng thịt mềm.
Bác Giáo nó bảo nó đi ăn cháo nó cũng ăn, bảo nó mặt quần áo đi học nó cũng đi. Có một điều lạ là nó không nói một câu nào.
Lúc ra tới đường để đi trường, thấy nó ngoan ngoãn đi theo, bác Giáo tưởng nó đã chịu phép mình rồi, mới lấy lời ngọt ngào phủ dụ:
- Con gai nhớn thì phải đi học. Đi học mất tiền mất gạo của cha mẹ thì phải chăm. Không chăm học, nhớn lên dốt đặc thì chỉ đi làm đầy tớ người ta, chứ còn làm cái gì. Rồi chốc nữa ra trường cháu xem, những đứa nhỏ hơn cháu mà cũng đã tiếng Tây làu làu, còn cháu thì chưa thông cái quốc ngữ. Cháu phải biết lấy làm xấu hổ chứ. Học giỏi thì rồi sau làm quan, có sướng không nào. Ông giáo lớp năm là bạn thân của bác, để chốc nữa bác nói với ông ấy trông nom cho cháu.
Thằng Đức thì lặng thinh. Bác Giáo nó càng tin là nó chịu tòng phục mình rồi:
- Con giai đi học thì việc gì mà phải khóc. Ở đây học, rồi thỉnh thoảng cậu mợ cháu lên chơi với cháu. Hay được ngày nghỉ bác đưa về Hà Nội chơi với cậu mợ cháu. Thứ năm chủ nhật, thì bác đưa đi cùng với anh chị chơi các nơi cho nó rộng sự thấy biết ra, như thế, nó có ra vẻ con người không nào. Cháu đã hiểu chưa?
Đức vẫn lặng thinh. Ông Giáo cho là nó còn bực bõ và nhớ nhung ở trong người thôi, nên nó chưa nói, vì thế ông cũng không gặng hỏi để buộc nó phải trả lời nữa.
Ông càng tin như thế vì nó chịu vào lớp học một cách ngoan ngoãn lắm.
Đến giờ về, nó ngoan ngoãn trở về, ngoan ngoãn ăn cơm, ngoan ngoãn dở sách ra. Nhưng dở sách ra mà nó chỉ nhìn, chứ không đọc lên thành tiếng.
Đến chiều, nó lại ngoan ngoãn mặc quần áo, ngoan ngoãn theo các anh nó đi trường.
Thôi đích rồi, nó đã chịu phép rồi. Ông Giáo tin đích là như thế, vì thế cho nên ông cũng không để ý đến nó nữa.
Ấy thế là đùng một cái, lúc tan học buổi chiều, ông Giáo không thấy nó ở lớp ra. Ông đồ chừng là nó còn đi giải đi diếc gì, nên chậm. Nhưng năm phút sau, học trò đã xếp hàng xong, cũng vẫn chẳng thấy nó đâu.
Lúc ấy lòng ông mới hơi hoang mang. Ông vội hỏi ông giáo lớp năm:
- Bác có thấy cháu đâu không?
- Có, trước lúc giờ ra chơi, tôi còn bắt nó đọc lecture.
- Thế sau giờ ra chơi?
- Thì là giờ về, tôi cũng không để ý, chắc là nó còn bận ở chuồng xí đấy chứ gì.
Ông Giáo cho con ra chuồng xí. Chẳng thấy một ai. Cho lùng khắp trường cũng không.
Lúc ấy ông Giáo mới nghĩ đến sự hỏi thằng Nghị là đứa ngồi cạnh nó, thì thằng Nghị trả lời một cách rạch ròi lắm:
- Anh ấy ngồi cạnh con từ lúc vào cho đến lúc ra chơi. Ra chơi vào thì chẳng thấy anh ấy đâu. Cặp sách anh ấy còn để ở ngăn bàn ở trong lớp.
Ông Giáo lớp năm không biết rõ tình đầu câu chuyện thì vội cho là có tai nạn, đề nghị cho người ra ao Là xem, nhưng bác Giáo thì cho là nó nhớ nhà trốn về Hà Nội. Nhưng chẳng có lẽ đường xa như thế, ngần ấy tuổi đầu mà lại về được. Bác Giáo cho người về hỏi thì nó cũng chưa thấy về nhà, cho người xem xét ao Là thì cũng chẳng có tăm hơi.
Lúc ấy bác Giáo mới hoảng sợ, phái người bổ đi tứ phía tìm nó. Đến tối mọi người về, cũng vẫn chẳng thấy tăm hơi.
Bác khắc khỏai về sự hai em mình chỉ có một mụn con trai, lại thúc mọi người đi các nhà. Rồi chính bác cũng thân chinh đi tìm. Tìm suốt đêm chẳng thấy đâu. Buộc lòng ông phải đánh ngay dây thép về báo cái tin dữ cho hai em biết.
Buổi sáng hôm sau, người ta lại giong ruổi tìm nó trên con đường thiên lý từ Phủ Lạng đi Hà Nội. Nhưng cũng chẳng thấy vân mòng gì.
Lúc bấy giờ, người ta mới bắt đầu nghĩ một cách khủng khiếp đến sự nó bị mẹ mìn dỗ đi.
Người ta ức đoán đủ một trăm điều, mà điều nào thì cũng là những điều giết lòng cả.
Người ta đồ chừng giờ ra chơi nó láng cháng ra đường rồi chẳng may gặp quân dỗ người nó thổi bùa mê.
Người ta đồ chừng nó ra ao Là chơi bị ngã. Nhưng người ta cho người lặn xuống sục chẳng thấy gì.
Mà đồ chừng rằng nó nhớ nhà về Hà Nội thì sao cậu mợ nó thuê ngay ô-tô lên lúc mười giờ không thấy nó ở giữa đường.
Hay là lúc nó đi đường... gặp rủi ro.
Thôi thì bao nhiêu người đi bao nhiêu ngả, chẳng thấy đâu cả. chẳng thấy tăm hơi gì. Mà mợ nó thì khóc đã hết nước mắt.
Đến tối hôm sau thì cổ mợ nó đã khản đặc, không nói được ra hơi. Mà mắt đã sưng mòng mọng lên bằng hai quả nhót.
Lúc bấy giờ thì người ta đã tin chắc rằng nó bị mẹ mìn dỗ đi. Người ta trình nhà chức trách, rồi người ta cho đi đón ở các bến tàu, các nhà ga. Thứ nhất người ta sai những người thân tín và đắc lực đón ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Laokay vì sợ mẹ mìn do những thị trấn ấy mà đưa nó sang bán ở bên Tàu.
Một ngày.
Rồi hai ngày.
Rồi ba ngày.
Tuyệt không có tăm hơi. Mà mợ nó thì đã mấy lần định đi đâm đầu xuống sông. Bây giờ thì người ta không dám rời mợ nó ra một bước.
Đức nó đi đâu?
Bây giờ, chúng ta hãy lần từng bước theo nó trên con đường... luân lạc.
Và trước khi vào truyện, ta phải biết nhận cái điểm này: nó chỉ vì được nuông mà hóa ra hư, chứ bản chất nó vốn thông minh và quả cảm.
Ở nhà bác nó, nó xem cơ ngơi, biết khóc và lăn cũng chẳng ăn thua gì, nó liền đổi phương lược để chờ cơ hội trốn về Hà Nội, chứ nó xa mợ nó làm sao cho được.
Thì giờ ra chơi lúc buổi chiều đã đem đến cho nó cái cơ hội ấy, nhìn trước nhìn sau, thấy không có ai để ý đến nó, nó lẻn ra cổng trường. Ra tới cổng trường, là nó chạy một mạch, chỉ sợ người ta biết mà giữ nó lại.
Nó vốn đang khoẻ, lại sự mong nhớ mợ tăng lên bội phần, nó chạy được thẳng một hơi từ trường cho tới cầu sông Thương mới thấy mệt. Nhìn thấy cầu, nó sung sướng vô chừng, nó đã nhớ được đường rồi. Từ cầu đi, nó cứ việc theo con trường trải đá lớn, là hai giờ sau nó sẽ về tới Hà Nội. Bác nó đã chẳng bảo nó như thế là gì?
Thì ra, giời ơi! Nó nhầm. Hai giờ! Đúng hai giờ. Nhưng đó là đối với ô-tô cơ. Chứ chân nó, thì chỉ có giời biết là đi mất mấy giờ. Ấy chính vì nó nhận nhầm như thế nên nó mới có cái can đảm như thế.
Chạy đến đầu cầu, nó đứng một tí để thở, chỉ một tí thôi. Rồi khi dẫm chân lên sàn cầu nó tự nhủ:
- Hết cái cầu này, còn ba cái cầu nữa. Nhưng mà thế là chỉ còn hai thôi. Đến cầu Hà Nội, là đến nhà rồi. À mà xuống đến cầu thì nó chỉ việc gọi xe đi về nhà. À, nó sà vào lòng mợ nó cái sà phải biết.
Liền lúc ấy thì nó có cái cảm tưởng rằng những cánh tay mềm mại của mợ nó đã dang ra mà ôm lấy nó rồi.
Nó bỗng thấy cái gì âm ấm đến với ngực nó. Nhưng chỉ một loáng, là cái khắc khơi cảm ấy đã bay đi. Nó nghĩ ngay đến sự cậu mợ nó đã đánh lừa nó để cho bác nó đem nó lên trên này.
À, à nó phải trả thù mới được, nó phải trừng phạt mới được. Nghĩ đến cái nét mặt khốn khó của mợ nó và những cung cách cả nhà nó sẽ đem ra để dỗ nó, nó khóai chí tủm tỉm cười.
Vì có những ý nghĩ ấy vấn vương ở trong lòng, cho nên nó cũng chẳng thèm để ý nhìn đến cái con "Sông Thương nước chảy đôi dòng" và dãy núi Tèo xanh ngắt cao đến chọc giời.
Đến phố Đò, nó mới ngửng lên nhìn kỹ chung quanh. À chính con đường to to này đây. Mà ở đầu con đường này là Hà Nội. Mà trong Hà Nội là nhà nó.
Nó sung sướng nghĩ đến sự kinh ngạc của cậu mợ nó khi thấy nó về. Mợ nó thì thế nào cũng phải rú lên. Thì đến nó trượt chân, mợ nó còn sợ hãi rú lên nữa là. A ha, nó đã thấy như trả thù được sự lừa đảo của mợ nó ở trong cái tiếng rú ấy rồi.
Nó ra khỏi làng Đò, thì ầm ầm một đoàn tàu bốc khói chạy phăng phăng trên con đường đê cao. À, à, con tàu ấy chạy về Hà Nội, nó biết rồi.
Giá nó đi con tàu ấy thì dũng đỡ mỏi chân một tí đấy. Nhưng nó không có tiền. Mà xin tiền thì người ta biết, người ta giữ nó.
Lúc ấy nó mới thọc tay vào túi. Thì nó cũng có tiền đấy, nhưng ít quá. Nghe người ta nói đi tàu phải mất những bao nhiêu hào cơ mà. Mà cho dù có hào thì nó cũng chẳng biết lấy vé ở đâu, lấy vé thế nào, và làm sao mà lên tàu được. Phải rồi, cậu mợ nó cũng có cho nó đi tàu dăm bảy lượt, nhưng những lần ấy thì nó có để ý đâu đến cái chuyện vặt ấy.
Nó còn bận trông trước trông sau xem có hàng quà gì để vòi ăn, và vừa ăn, nó còn bận nhìn những cái hay hay xảy ra ở chung quanh nó.
Nó cầm sáu đồng xu xóc xóc ở tay rồi lại đút vào túi quần. Lúc đi cậu mợ nó mỗi người cho nó một hào, nó đã ăn mất hào tư bánh kẹo rồi. À, mà đáng nhẽ nó chỉ còn có năm xu thôi. Lúc ô-tô đỗ ở Bắc Ninh, một đồng xu đã rơi xuống ô-tô, nó thấy chật khó cúi, và sàn ô-tô bẩn, nó đã không buồn nhặt.
Một xu, cần gì! Chả bõ bẩn tay. Chính bác Giáo nó đã cúi xuống tìm và nhặt cho nó.
Lúc đưa cho nó, bác nó còn dặn:
- Ấy chết, con đừng có phí của giời.
Một xu! Có là bao! Cái nhà bác Giáo rõ đến hay. Một xu, làm gì mà phí. Trong cái tủ sắt của cậu mợ nó, có hàng nghìn nghìn vạn vạn những đồng xu như thế. Lại còn không biết bao nhiêu những tập bạc giấy mà mỗi tờ mong mỏng ấy đổi được những một trăm xu cơ.
Cái nhà bác Giáo ấy hà tiện thật. Có làm gì mà phí đâu. Bất quá hai chiếc kẹo, mà thứ ngon, chỉ có một. Mà một ngày thì nó ăn biết bao nhiêu là kẹo. Thôi ăn một chiếc đã có sao đâu.
Đến đình Ba Xã thì nó thấy hơi mỏi chân. Nhưng hề quái gì, hơn một giờ nữa thì tới Hà Nội, chỉ còn phải đi qua có hai cái cầu thôi mà. Cố một tí, rồi thì về tới Hà Nội, nó sẽ bắt đền mợ nó một thể.
Lúc ấy, giời về mùa đông, gió chiều bắt đầu thổi mạnh. Nhưng nó không thấy rét. Thì ra vì nó đi nên người nó nóng. Nó nhìn những thằng bé chăn trâu co ro trong chiếc áo tơi mà nó khinh đứt. nó phanh một cúc áo phơi ngực ra gió: "Ồ thế này thì rét gì nào".
Nó lại chúm chím cười. Ồ, thì ra nó cừ hơn những thằng kia thật, thảo nào ở trường nhiều thằng sợ nó. Thì đến ngay cái thằng Mão lớn nhất lớp, giỏi nhất lớp cũng còn sợ nó nữa là.
Nghĩ thế, nó khóai lắm. Nó thúc hai tay vào túi quần xóc xóc những đồng xu, rồi nó thổi còi.
Một thằng bé chăn trâu đang đi bên vệ đường thấy nó nhìn chằm chằm, hình như cũng phục nó lắm thì phải.
Lúc nó đi quá rồi mới dám cất tiếng hỏi:
- Thằng kia! Đi đâu?
Nó đứng phắt ngay lại, quay phắt ngay lại, phưỡn ngực lấy dáng:
- Tao đi đâu thì mày hỏi làm gì?
Có lẽ thấy cái điệu bộ của nó "ra phết" lắm, cho nên thằng kia sợ, nín thin thít.
Ồ, giá lúc khác thì phải biết, thế nào nó cũng cho thằng kia dăm quả ục, nhưng thôi, giời gần tối rồi, mà nó còn phải qua những ba cái cầu nữa.
Nó nhún vai một cách khinh bỉ rồi quay đi. Nhưng vừa quay đi thì nó lại nghĩ ngay rằng nó cần phải nói cho thằng kia biết nó là người Hà Nội đây, về Hà Nội đây.
Nó quay lại, dõng dạc:
- Tao về Hà Nội đây, mày hỏi làm gì.
Có lẽ hai chữ Hà Nội làm cho thằng bé chăn trâu sợ hết vía, nên cúi đầu lặng thinh. Nhưng khi thằng Đức đi được một quãng xa, nó mới đứng thẳng lên mình trâu hét to:
- Đi bộ thế về Hà Nội thì ông cho cứ ốm xác, cứ là ngày kia cũng chưa đến nơi.
Đức nghe rõ ràng từng tiếng một. Nó nghe xong cũng chả buồn quay lại nữa. Cái đồ nhà quê ngu ngốc biết gì mà bõ nói. Đây về Hà Nội, có hai giờ, mà mình thì đã đi được bao nhiêu đường đất rồi, nó lại bảo đến ngày kia, thì nó chẳng biết gì thật! Ốm xác, ốm xác cái gì?
Nó giơ chân lên nhìn. À, chân nó còn dẻo lắm. Hơi mỏi tí ti ở đầu gối. Ồ, có là bao. Một loáng nữa là đến nơi thôi mà. Hơn giờ đồng hồ, có là bao lâu.
Lúc mặt trời ngả mình trên ngọn núi Tiết, nghĩa là còn cách ga Nghi Thiết chừng hơn cây số thì Đức đã thấy mỏi chân. Mà quái chưa, nó vẫn không trông thấy bóng cái cầu thứ hai mà nó tưởng chừng phải đi qua từ lâu rồi. Bởi nó cho rằng nó đi như thế đã nhiều đường đất lằm rồi.
Vì chưa trông thấy hút cái cầu ấy, cho nên mệt mà nó vẫn phải cố. Phải rồi, mới đi chừng có bốn cây, vốn tạng khoẻ nó còn cố được. Nhưng trời ơi! Nó mới thấy khát làm sao. Nó khát bởi vì lúc ở Phủ Lạng ra, nó đã chạy ghê quá.
Trong đời nó, có lẽ lần này nó mới biết cái khát là thế nào. À trước kia, mới có hơi một tý nó đã uống, hề gì. Có lẽ từ trước đến giờ, nó chưa biết thế nào là khô cổ bao giờ. Bây giờ, nó đã biết rồi, nó khô cổ và bào ruột lắm.
Bây giờ, nó mới để ý đến cái thứ rất thường mà có lẽ ở trên trần gian này trong số một trăm người, chín mươi chín người không để ý tới.
À, giá bây giờ có một cốc nước cam mát rượi mà mợ vẫn tự tay pha cho nó thì tuyệt. Không thì cốc nước chanh cũng tốt lắm. Hay thôi, cốc nước chè cũng thú.
Nó đi dần từ cốc nước cam cho tới nước chanh, nước chè, rồi nó vùng nghĩ đến bát nước vối mà mỗi lần kéo mợ đi đâu xa về, thằng xe vẫn nốc ừng ực.
Nó cứ hạ dần trong tưởng tượng như thế thì cái khát lại cứ tăng dần lên, cứ khô cổ đến cháy cổ, cháy ngực.
À, hay thôi, giá có gáo nước lã cũng tốt. Nhưng úi chà, không được, mợ bảo uống nước lã thì đau bụng và có giun nó đục ruột, không không, chả chơi.
Nhưng chả chơi thì khát chết đi thế này, đi làm sao được nữa.
À, à thôi, nó hiểu rồi, nó chờ vào hàng uống một bát nước chè tươi như những hàng nước vẫn bán cho cu ly xe ở hàng Bạc ấy mà.
Nhưng nó nhìn về trước mặt thì đường thiên lý cứ thẳng tăm tắp chẳng có một cái nhà cửa nào. Và nếu có thì biết có phải đấy là hàng nước không?
Ở Hà Nội có nhiều cu ly xe thì mới có hàng nước, chứ ở đây, lác đác mới thấy vài cái xe, hàng nước để làm gì. Nhưng nếu không có hàng nước thì giời ơi, nó khát thế này, đi làm sao được nữa. Đầu gối nó tưởng chừng như đã sắp long rồi đây này.
Hai hôm trước ở vùng đây có trận mưa lớn. Vì giời giông, nắng ít, nước còn đọng từng vũng ở bên đường.
Phải rồi, không bao giờ nó nghĩ đến sự uống cái nước dơ bẩn ấy, nhưng không hiểu sao, những vũng nước ấy cứ như có nam châm hút những cái nhìn của nó về, và kỳ chưa, cả cơ thể nó như bị lôi đến đấy. Đã có một lần, nó đi chếch sang bên vệ đường lấy mũi giày đá hất xuống vũng nước, khiến cho bùn đục ngầu lên và eo ơi! Có những con sâu gì nho nhỏ bơi đầy ở trong ấy.
À, uống cái nước ấy ư? Không, không, càng không vì nó là thằng Đức con cậu mợ ở hàng Đào có cái nhà hai từng to tướng và một cửa hàng chật ních những gấm vóc, vả lại cho dù nó có "xuề xòa" mà uống đi nữa thì những con sâu kia cũng đục ruột nó chết, và cái thứ bùn kia đóng cặn vào ruột thì nguy.
Không, không, và không!
Nó lại cố đi, nhưng trời, sao cổ họng nó như có lửa, và ngực nó như lò than. Và nếu không uống thì mệt quá, hoa cả mắt, long cả chân lên thế này, còn đi thế nào được nữa. Từ đấy về tới Hà Nội, còn những ba cái cầu nữa cơ mà! Mà nó chưa đi tới được một cái nào.
Vì gần đến đất núi, con đường chỗ này cao, lại lác đác có những quả đồi trông xinh xinh. Nhưng xinh đến đâu thì nó cũng chẳng buồn nhìn đến nữa. Nó chỉ nhìn xuống đường nhựa thì đường nhựa bóng nhoáng một màu, mà hai bên đường thì những đất sỏi đỏ ối. Chẳng có bóng dáng của một vũng nước. Nó đi, nó đi, nó cứ cố đi. Nhưng đi thêm được năm mươi bước, bỗng nó dừng lại, nghển chân lên phía trước để nhìn.
Chả thấy gì cả. À quên, hay chỉ thấy đường nhựa bóng nhoáng và những đất sỏi đỏ ối. Và quên, ít cây chè tươi giơ cành trên những ngọn đồi.
Ấy thế rồi thì không hiểu trong tư tưởng nó luân chuyển ra sao, và trong cơ thể nó có một cuộc tấn công gì của các tạng phủ, nó vùng quay lại, chạy lộn về con đường mà lúc nãy nó trông thấy có những rãnh nước.
Nó sà ngay vào vũng nước đầu tiên mà nó trông thấy, lấy tay vục lấy vục để, cũng chẳng nghĩ gì đến những con sâu con tí ti ở trong ấy, và thật ra thì nó cũng không trông thấy nữa.
Chà những giọt nước đầu tiên trôi vào cổ họng nó, mới thấm làm sao. Và thật nhạy như điện.
Ngực nó vụt hết nóng.
Cổ nó chẳng ráo tí nào nữa.
Và một cái gì khoan khóai dần dần chạy đi khắp cơ thể. Mắt nó bỗng lại thấy sáng ra. Đầu gối hết long khớp.
Nó hít một hơi khí trời dài, rồi nó thở phào ra, sung sướng biết mấy. Từ tấm bé đến giờ, sống trong sự nâng niu, dễ thường chưa bao giờ nó thấy được sung sướng như thế.
Nó đứng nghỉ một lát, rồi nó nhìn xung quanh, nhìn cái bóng chiều dần dần đổ xuống đồng ruộng, rồi nó lại đi.
Chân nó bây giờ đã bớt mỏi, nhưng nó vẫn còn ê ẩm làm sao.
Đến ga Núi Tiết thì nó mỏi lắm rồi, và kỳ chưa, nó lại khát nữa rồi.
Nó liền vào một hàng nước.
- Bán cho tôi bát nước
Bà già sau khi múc bát nước cho nó:
- Thì cậu hãy ngồi xuống đấy nghỉ một tí, uống nước xong xuôi rồi, đi đâu thì hãy đi.
Chỗ này thì thật là phải dùng một câu Kiều nó mới hết nghĩa:
"Được lời như cởi tấm lòng"
Nó ngồi ngay xuống, và trời ơi! Bây giờ nó mới biết rằng cái sự ngồi là thú thế này đây. Trời ơi! Dịu chưa, êm chưa. Cái ghế gỗ sao mà hình như mềm hơn cái ghế bành lò xo của nhà nó.
Thật là sướng quá, nhưng nghĩ đến sự còn ba cái cầu nữa phải qua nó móc túi lấy xu để giả rồi lại đi. Nó đưa cho bà cụ đồng xu thì bà cụ ném giả nó một trinh.
Nó nghĩ một trinh cũng chẳng dùng gì. Âu bằng mua kẹo ăn quách.
- Có kẹo "sô-cô-la" không?
- Ở đây mua những thứ ấy thì bán cho ai.
- Thế có kẹo chanh không?
- Làm gì có những của ấy hở cậu. Tôi chỉ có kẹo bột thôi. Một trinh sáu chiếc, cậu có mua thì mua.
- Ừ thôi, kẹo bột cũng được.
Lúc này, nó bước ra đi đã thấy uể ỏai. Ồ, giá ở nhà, nằm khểnh ở giường cho mợ xoa đầu thì thú quá nhỉ. Hay không, cứ ngồi ở cái ghế của cụ hàng kia, cũng tạm được rồi. Nhưng không thể được, nó còn phải đi.
Nó cầm một chiếc kẹo bột bỏ vào mồm. Chà, cái thứ kẹo bột này, thế mà cũng ngon đáo để. Có lẽ lại có vị hơn những kẹo sô-cô-la và kẹo chanh cơ đấy.
Ấy thế là nó ăn liền ngay hết sáu chiếc kẹo.
Bụng nó tự nhiên sôi ầm ầm, và kỳ chưa, nó lại đã thấy khát nước rồi.
Quái chưa, sao ngày hôm nay, nó khát nước lắm thế. Nhưng khát nước thì cũng chịu thôi, nó không thể quay lại phía hàng nước mà uống được.
Bởi vì trời đã sắp tối rồi. Mà cái cầu thì vẫn chưa thấy bóng đâu cả.
Nó phải cố, cố đi nhanh mới được. Không thì tối, nhỡ lạc đường một cái thì khốn đốn to cơ đấy.
Nhưng lòng nó thì muốn cố, mà chân nó thì không thể sao cố được. Có những cái gì như giòi rúc ở trong xương đầu gối, và thật như có từng đàn kiến đang đốt chân nó. Đã có lần nó nhòm xuống chân thì chả thấy có một con kiến nào cả.
Nó đã thấy nhấc chân không muốn nổi, mà giời ơi, chân lại hình như đau ở các ngón hay làm sao ấy.
Thì ra vì nó đi nhiều quá, chân nó sát vào giầy sầy da ra, và khiếp thực, đôi giầy trước kia nó đi vào, đá bóng nhẹ nhõm lắm, và nhảy song phi như bay, sao bây giờ nặng như cối đá thế này!
À, thôi hiểu rồi, cứ cởi giầy ra là đi được như bay. Tại đôi giầy đấy mà.
Ấy thế là nó ngồi xuống ở bên vệ đường, cởi giầy tất cả. Chân đang nóng hấp nay được gió lùa vào mới mát mẻ sung sướng làm sao. Muốn hưởng cái mát mẻ sung sướng ấy một tí nữa, nó ngồi trên cỏ giơ chân ra phía gió.
Chà, cứ ngồi thế này hay nằm khểnh phăng ngay ra đây đánh một giấc thì cũng hay đấy. À, nhưng không được, thế thì bao giờ về tới nhà.
À, không thể, không thể.
Nó buộc hai đôi giầy vào nhau, rồi vắt lên vai. Nhưng quái chưa, sao đôi giầy bây giờ lại nặng thế, trĩu cả vai ra thôi.
À, nếu nó không sợ về Hà Nội đi đất, nhỡ chúng bạn trông thấy cười nó thì nó đã vất quách đôi giầy đi rồi.
- o O o -
Nặng vai nhưng mà nhẹ chân. Ái chà, bàn chân đặt xuống đường nhựa, mát không lâu.
Vì chưa từng bao giờ đi chân không, nó bị những hòn sỏi làm cho đau chói, đau quá. Rồi thì thành ra nó cứ phải tập tễnh.
Không được! Không được! Cứ tập tễnh thế này thì bao giờ cho đến Hà Nội. Trời sắp tối mịt rồi kia kìa. Mà sắp tối mịt rồi thật. Mặt giời đã sa nửa mình xuống chân giời rồi.
Ấy thế là muốn đi mau, nó lại buộc lòng phải ngồi xuống nong đôi giày vào.
Lúc nãy cởi ra thú bao nhiêu thì bây giờ nong vào lại khổ bấy nhiêu! Kỳ chưa, chân nó làm sao hình như to ra, kéo mãi mới vào. Mà lạ chưa, tay nó làm sao mà lại hậu đậu thế, lẩy bẩy mãi không thắt được đôi giầy.
Và nguy chưa. Bụng nó lại thấy đau quặn. Giời ơi! Đúng rồi, có lẽ những con sâu ở trong nước lúc nãy đang đục ruột nó hẳn thôi. Nhưng chả có lẽ, thằng xe, thằng nhỏ vẫn uống nước lã từng gáo nào có thấy sao đâu nào.
Rồi thì nó buồn đi ngòai. Nó sống dở chết dở, lủi vào một nương chè ở sau đồi, ấy là cái lúc tên người nhà mà bác Giáo sai tìm nó phóng xe đạp qua, vì thế cho nên không trông thấy nó.
Đến khi tên người nhà đi đã được một quãng xa rồi nó mới lò dò ở trong nương chè đi ra.
Bây giờ thì nó mệt rồi, thật là mệt rồi. Nó cũng nhận thầm ở trong bụng như thế rồi, nhưng nó cũng vẫn chưa chịu nhận là tối nay nó không thể về kịp Hà Nội.
Nó lại lê chân đi. Và nhìn một cách sợ hãi cái đen tối nó từ từ trùm xuống cảnh vật.
Lạ quá nhỉ. Bác Giáo bảo chỉ hai giờ đồng hồ là về tới Hà Nội thôi mà.
Nó dù là một thằng học trò dốt không biết tính thì nó vẫn có đủ thông minh của một đứa bé để tính rằng lúc ra chơi là ba rưỡi mà ít gì bây giờ thì cũng là hơn sáu giờ rồi. Thế là nó đã đi được ba giờ. Và lạ hơn nữa, là nó vẫn chưa trông thấy cái bóng của cái cầu thứ hai.
Trời ơi, hay là nó đã đi nhầm đường?
Cái ý nghĩ ấy bỗng làm cho nó thắt ruột lại. Nhưng không có lẽ, nó nhớ lắm, chỉ có một con đường to này thôi mà, chứ nó hôm qua đi ô-tô có trông thấy con đường nào khác nữa đâu.
Và hình như nó nhớ lắm, hôm qua nó cũng trông thấy những đồi nho nhỏ như thế này mà.
À thì ra nó ngu quá lợn rồi. Nó quên khuấy đi mất rồi, giá lúc nãy nó hỏi thăm đường cụ hàng nước thì có phải là chắc chắn biết bao nhiêu.
Nó quay lại nhìn về phía núi Tiết một cách tiếc rẻ. Nhưng thôi, quay lại thế nào được nữa. Nó định tâm hễ gặp ai đi đường thì hỏi.
Nó lết đi được chừng một cây số nữa, thì giời tối hẳn, giời lại về cuối tháng không trăng, thành ra chung quanh nó cứ đen như hũ nút.
- o O o -
Khiếp cái bóng tối mới linh diệu làm sao? Nó vụt làm sống lại ngay ở trong đầu thằng Đức những truyện ma quỷ mà nó đã được nghe từ trước tới nay. Nào truyện ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con, nào truyện yêu tinh ăn thịt người, thôi thì đủ, đủ các thứ truyện.
Và bóng tối cứ như sáng loè những cặp mắt long sòng sọc, những cái nanh nhọn hoắt, những cái lưỡi xanh lè như núc nác.
Thế là nó thấy lạnh gáy. Rồi cái lạnh ấy từ gáy chạy xuống bụng, rồi từ bụng, nó lại chạy đi khắp cả tay chân.
Rồi thì nó quên khát, nó quên cả mỏi, nó rảo cẳng, nó rảo cẳng, nhưng không lâu nhé. Chỉ trong ba trăm bước là sự mệt mỏi mạnh hơn lòng lo sợ của nó. Nó thấy rời cả chân ra không tài nào có thể đi nhanh được nữa.
Nhưng đến thế này thì khốn mất, bao giờ về tới Hà Nội cho được. Và nếu nó ở đêm khuya ở ngòai đường ngòai sá như thế này thì thể nào nó cũng bị yêu tinh bắt mất.
Chà, tiếc quá, nếu nó đem con dao díp của nó ở nhà đi, thì nhỡ gặp ma, nó còn có thể chống cự được. Và thằng Bếp chả đã thường vẫn nói đấy ư, nếu có sắt trong người thì ma và yêu tinh sợ, không bao giờ dám bén mảng đến.
Nó mới đi lần khắp trong người nó xem có tí sắt nào thì trời ơi! Chẳng có một tí sắt nào cả.
Rồi thì, nghĩ đến sự phải chống cự với ma quỷ, nó liền quờ tay xuống đường xem có hòn đá nào không.
May quá, may quá. Chỗ đó người ta sắp chữa đường, có một đống đá tướng rải ở bên lề. Nó thủ hai hòn đá tướng cầm ở hai tay, rồi thì vững dạ, nó lại đi. À quên bây giờ thì không còn có thể nói là đi nữa.
Nói rằng nó lết đi thì đúng hơn. Thôi thì bây giờ, đủ các thứ đến hành nó, triệu chứng là đau bụng này, nhức đầu này, đau bàn chân này, và trên các thứ là đau chân ghê gớm.
Tháng một rồi, về đêm, sương xuống đã rét, nhưng vì bị ngần ấy thứ hành hạ, nên nó chẳng thấy rét một tí nào.
- o O o -
Quái chửa, bây giờ không hiểu sao nó sợ cả từ cái tiếng gót giầy nó nện xuống đường nhựa. Những tiếng ấy dội vào lòng nó một cách ghê khiếp làm sao ấy.
Thì ra nó bắt đầu cảm thấy sự cô quạnh của nó giữa đêm tối. Nhưng vì nó không là người lớn, nên cái cảm tưởng của nó khác đấy thôi.
À, giá lúc này mà nó được nhìn thấy một bóng người thì lòng nó cũng được ấm một chút.
Thì may quá, ở phía trước mặt nó có tiếng người nói choang choang. Đó là tiếng của hai chú lái trâu vừa đi bán trâu ở chợ Thăng về. Hai chú đã rượu bí tỉ, đi loạng choạng và đang cã nhau om sòm.
Thằng Đức định tâm rằng đến lúc gặp nhau thì hỏi họ xem đây có phải đúng là đường về Hà Nội hay không.
Tiếng người càng gần bao nhiêu thì thằng Đức lại hình như cảm thấy đỡ mệt, đỡ lạnh, đỡ sợ, đỡ khát bấy nhiêu.
Còn đói thì chưa, lúc này nó chưa thấy đói một tí nào.
Lúc nó đồ chừng hai người đi tới đã gần đến nó, nó liền đứng lại. Rồi khi thấy hai cái bóng tới gần, nó liền lên tiếng:
- Hai ông ơi, tôi hỏi có phải đây là đường về Hà Nội không?
Một cái bóng liền tách ra đi về phía nó, vừa đi, vừa quát:
- Phải rồi, mày hỏi làm gì?
Nghe tiếng quát ấy, thằng Đức hết cả hồn vía, nó ù té chạy bán sống bán chết, bị đuổi theo bởi những tiếng cười khóai trá.
Nó chạy, nó chạy không biết được bao lâu, nhưng tới khi nó thấy chân nó rời ra không thể chạy được nữa thì nó liền đứng lại.
Đứng lại là nó vội ngồi bệt ngay xuống vệ đường, và nếu nó không ngồi mau thì nó cũng ngã ngay xuống. Nó vừa ngồi vừ thở, thở như cái bễ lò rèn. Nhưng nó có một cái sướng là nó chắc rằng đây là con đường về Hà Nội.
Và nó tự cười nó sao tiếng người rõ ràng mà nó lại sợ chạy.
Tuy nó tự cười nó như thế, nhưng kỳ chưa, từ lúc đó thì bao nhiêu truyện giặc cướp giết người, mà nó được nghe từ trước đến giờ, bỗng sống lại ở trong đầu nó. Và hai người kia, biết đâu không phải là ăn cướp. Vả nếu không là ăn cướp, sao lại quát to như thế, thứ nhất là quát to với bé con đi hỏi đường.
Nghĩ thế thì nó lại vùng lên muốn chạy. Nhưng nó vừa đứng dậy thì lại phải ngồi ngay xuống. Hai chân nó đã không mang nổi mình nó nữa rồi.
Và ghê chửa, cái khát bây giờ lại đến với nó một cách mãnh liệt hơn lúc nãy nhiều. Nhưng đau bụng thế này, chịu thôi, nó lại không có dám uống cái nước rãnh nữa.
Mà cho dù có muốn uống nữa thì đêm tối thế này biết tìm ở đâu ra.
À thôi, thôi, phải đi mới được. May ra ở phía trước mặt nó lại có hàng nước biết đâu, và biết đâu ở đấy lại chả có cả kẹo bột nữa. Lúc này thật là nó không dám nghĩ đến kẹo sô-cô-la và kẹo chanh nữa rồi. Vả cũng chẳng cần phải nghĩ đến những thứ ấy, kẹo bột cũng đã ngon chán rồi.
Nó lại cố đứng dậy, rồi nó đi, nhưng đi được mươi bước thì chân nó run quá, nó lại phải ngồi xuống.
Nó ngồi xuống thở một lúc thì gió đêm thổi vào nó, nó đã thấy hơi tỉnh táo. Tỉnh táo là nó nghĩ ngay đến sự đi. Bây giờ thì nó đã có tí chút kinh nghiệm trong sự đi đường rồi, nó tự nhủ nó phải đi chầm chậm thì mới không mỏi và không đau chân.
Nghĩ thế là nó rón rén đứng dậy, rón rén đi.
Nhưng dù gượng nhẹ thì cái máy người cũng có hạn chịu đựng của nó, thứ nhất lại là một thằng bé con mới có mười tuổi, thứ nhất thằng bé con lại là con cầu tự, chưa từng bị vất vả bao giờ!
Nó lết đi được một quãng thì nó thấy các gân cốt ở trong người nó bỗng như rắn cả lại, không chịu vâng theo cái ý muốn của nó mặc dầu cái ý muốn của nó lúc ấy vẫn còn mãnh liệt lắm.
Ở đời, ý muốn là khác, mà cái sức có thể làm được lại là khác.
Nó đứng im để nghỉ, nó thở dốc ra một lát, rồi thì nó vụt cảm thấy rằng nó không tài nào đi được nữa. Bởi vì cái cầu thứ hai nào đã đến đâu. Mà cho dù lúc ấy có đến rồi thì còn từ đấy cho tới Hà Nội cũng còn xa đường lắm. Đến đi từ Bắc Giang đến đây còn thế này, nữa là.
Lúc ấy thì cứ tưởng tượng phải đi qua cái cầu Hà Nội thôi, nó cũng đã thấy rằng không thể được rồi.
Ủa, thế ra bác Giáo nói dối nó. Bác Giáo bảo chỉ có hai giờ thôi mà.
Mà không, bác Giáo không nói dối. Hôm qua, ở Hà Nội ra đi, nó trông đồng hồ rõ ràng là ba giờ, mà đến Phủ Lạng còn sớm lắm, chỉ độ năm giờ thôi mà.
Thế mà nó đi đã từ bao nhiêu lâu rồi.
Thế ra nó phải ở đêm ở đường thế này à? (nó chỉ mới tưởng đến sự ở thôi, chứ nó chưa nghĩ đến sự ngủ).
- o O o -
Cái ý nghĩ ấy đến với nó một cách mới khủng khiếp làm sao! Những truyện ma quỷ quái đản, giặc cướp rùng rợn lúc ấy ào đến một lượt, đứng dựng cả dậy một lượt. Trái tim nó đã đập mạnh vì mệt nhọc, bây giờ lại càng đập mạnh thêm vì sợ hãi.
Nó tưởng chừng như bao nhiêu bàn tay lông lá, bao nhiêu lưỡi dao sáng loáng đều tới tấp múa tít ở trên đầu nó rồi.
Giá mà chỗ đất nó đứng nẻ ra cho nó chui xuống ẩn ở đấy thì nó sung sướng biết là bao.
Lại còn cái cảm giác này cũng không phải là không ghê khiếp, cái cảm giác có một mình giữa chốn đồng không mông quạnh trong cái đêm tối dày đặc.
Ra bây giờ nó mới hiểu rồi, đời sống của nó từ trước đến nay sở dĩ yên vui và không bị khổ sở lo sợ như thế này, chỉ là vì có những người ở chung quanh nó. Và những người ấy đều... đều... dốc một lòng cung phụng nó như ông tướng con. Còn nó, nó đối với mọi người thì nó toàn một màu... hạch sách, và làm đủ tội, đủ hình.
Không, lúc ấy nó chưa biết hối đâu, nó chỉ mới thấy thương những người ấy thôi, thứ nhất là mợ nó.
Và nhìn đêm tối chập chùng, nó mới thấy ăn năn về sự đã bỏ nhà bác nó ra đi. À, giá bây giờ có cái phép gì lại đưa nó về nhà bác nó như cũ, thì sướng biết chừng nào.
Rồi thì vụt do một sự biến chuyển nhiệm mầu của tưởng tượng, nó tưởng chừng nó còn đang ở trong nhà bác nó, chưa đi đến đâu cả.
Nó nhìn rõ tất cả những việc xảy ra ở đấy. Nó tưởng tượng lúc này các anh chị nó đang tíu tít ở chung quanh bàn ăn này. À, à, thế đêm nay nó ăn ở đâu. Thế nó không ăn à? Thế nó bị nhịn à?
Tuy thế, lúc ấy nó cũng chưa đói lắm, cho nên nó cũng không để cho tưởng tượng chú trọng vào mâm cơm mấy.
Nó chỉ chú trọng nhất đến chiếc giường mà đêm qua nó đã nằm chung với bác nó. Giá nó được chui vào chăn mà đánh một giấc thì sướng biết chừng nào.
Rồi thốt nhiên, nó tưởng chừng như nó đã cuộn tổ sâu ở trong chiếc chăn vải hoa ấy rồi. Nó nhắm mắt cho tư tưởng trôi theo khóai cảm.
- o O o -
Nhưng vút, tiếng tù và rúc inh ỏi ở cái làng bên vệ đường lôi nó khỏi cái giường êm ấm ấy. Nó giật nẩy mình, bừng mở mắt, thấy mình vừa mệt, vừa khát, vừa đói, trơ trọi ở trong đêm, giữa một con đường vắng ngắt. Cái ngao ngán của nó lúc ấy thật là mênh mông, như bóng tối bao vây nó. Và não nùng hơn tiếng gió thổi lướt trên các ngọn cỏ.
Tiếng tù và cứ rúc inh ỏi, đổ hồi từ khoan đến mau làm chuyển động bóng tối, rồi lùa cái rùng rợn vào trong cơ thể nó. Ở Hà Nội, xưa nay nó chưa từng được nghe tiếng tù và bao giờ. Nó tưởng như đó là tiếng ma, tiếng quỷ đang gào thét, gào thét vì vui mừng trông thấy nó.
Nó vùng dậy chạy. Nó chạy, nó chạy, bị đuổi theo bởi cái tiếng tù và ghê hồn ấy. Tiếng tù và càng đuổi, nó càng chạy, quên cả nhọc mệt. Nhưng càng chạy thì tiếng tù và càng gần. Và khiếp chưa, nó hình như nghe thấy tiếng chân người thình thịch ở phía sau nó.
Nó cố, nó phải cố thì mới thóat được. Rồi thì chạt! Có một cái gậy như vụt vào chân nó, nó ngã bổ nhòai ra đất, hai hòn đá nó cầm ở tay văng đâu mất.
Nó kêu giời, nó gọi mợ rồi nó lịm đi, chắc phen này phải chết.
- o O o -
Cái bản năng tự tồn ở trong con người ta vốn rất mạnh, nó chỉ lịm đi độ vài giây, rồi nó lại muốn vùng lên để chạy. Nhưng giời ơi! Hình như ma quỷ đã hóa phép trói chân nó lại, nó không tài nào cựa cậy được, mặc dầu nó muốn cựa cậy lắm.
Lòng nó vụt giá như băng. Nó òa lên khóc, nó lại gọi mợ. Nhưng biết rằng mợ không có ở đâu đây để cứu nó, nó đành nhắm mắt nằm im để cho ma quỷ muốn làm gì nó thì làm.
Thôi cái số nó thế rồi. Nhưng lạ chưa, nó nằm dán xuống đất đã lâu lắm, mà vẫn chẳng thấy ma quỷ nào đến. Hay là ma quỷ không trông thấy nó?
Lúc ấy nó mới liều mở hai con mắt. Úi chà, mở được hai con mắt mới vất vả làm sao!
Chả thấy gì cả. Hay là chỉ thấy độc có cái đen, đen ngòm. Nó đánh bạo sẽ bẻ cổ, ngước mắt nhìn về phía sau. Cũng chẳng thấy gì cả. Chỉ đen kịt là đen.
Nó thở dài, cái thở dài mới thống khóai làm sao, nó đã thóat rồi. Rồi thì nó bỗng thấy đau đau ở ống chân, và nó thấy cần phải đưa tay ra chỗ đau ấy để xoa lắm.
Nhưng mà nó đã dám đâu, nó động đậy, nhỡ ma quỹ biết thì khốn. Nó cứ nằm, nằm nép xuống mặt đất. Rồi thì dần dần nó thấy bớt đau, rồi thì ngón chân nó hình như cựa cậy được ở trong giầy nó.
Nhưng mà chưa, nó vẫn chưa dám dậy. Ma quỷ rất có thể đến. Nó để hết tai lắng nghe. Tiếng tù và lúc ấy đã im, im lâu lắm rồi.
À, ma quỷ đã đi xa rồi, nó mới khẽ cựa mình, không thấy gì. Nó sẽ co chân không thấy gì.
Lúc ấy nó mới hoàn hồn, nó nghĩ ngay đến hai hòn đá, nó quờ tay ra phía trước để tìm. Thì tay nó đụng phải những cái gì như cành và lá cây. Nó để ý nắn. Cành và lá cây thật.
Thì ra trong lúc hoảng hốt, nó đã chạy lầm đường, nó rẽ vào bên vệ đường, vấp phải một cây duối con, chứ chẳng phải ma quỷ nào vụt chân nó cả.
Cầm chắc ở trong tay là những cành lá cây rồi, lúc ấy nó mới chắc là nó thóat chết. Mà cái mừng của nó lúc ấy thật là không thể tả. Nó lóp ngóp bò dậy, nó sờ soạng chung quanh. Thì này, cái thân cây duối mà nó vấp phải.
May quá, cây duối ấy chỉ bé hơn cổ tay của nó, chứ giá to thì khốn. Nó sờ vào chỗ đau. À hơi sưng một tý, nhưng không hề chi. Lúc ấy, nó còn nhiều việc khác phải nghĩ tới.
Ồ, giá ở nhà mà ai làm nó bị sưng như thế, hay nó nghịch mà va phải đâu như thế thì thôi, to chuyện lắm rồi.
Nhưng ở đây! Nó kêu ca với ai? Chính ra, nó cũng chẳng nghĩ đến sự kêu ca nữa.
Nó sờ soạng không thấy hai hòn đá, nó mới nghĩ đến sự bẻ một cành duối để làm gậy. Cái gậy vẫn hơn hòn đá chứ.
- o O o -
Nó bẻ, bẻ mãi cái cành to, nhưng vì nó mệt quá, không bẻ được, nó đành bằng lòng một cành bé vậy. Cầm cái que duối chắc chắn ở trong tay rồi, nó mới đứng dậy, nó phải tìm cho được ra tới đường cái lớn đã, nó sẽ lấy giầy lướt trên mặt đất. Đất đây gồ ghề không phải đường nhựa. Nó cứ vừa lê chân vừa đi, đi mãi, đi mãi mà đường nhựa tìm không thấy.
Lúc ấy thêm vào bao nhiêu thứ lo sợ khác, là cái lo bị lạc đường.
Lúc ấy, chính là cái lúc người nhà ông Giáo đi tìm nó quay về, vì thế cho nên không trông thấy nó, nhưng nó trông thấy, trông thấy cái ánh đèn xe đạp.
Nó mừng lắm. Phía ấy là đường cái rồi, nó rảo cẳng thì bõm, chân nó sa ngay vào một vũng nước bắn lên nó tung toé. Chà, nghe thấy tiếng nước động, cái khát nấp ở đâu trong tạng phủ nó nổi dậy mãnh liệt làm sao!
Nó úp ngay mặt xuống nước, uống đến thùng bất chi thình.
- o O o -
Nó uống no nước rồi, nó mới lấy tay vớt lên mặt nó để rửa. Chà, cơ thể nó bỗng thấy khóai họat một cách lạ lùng.
Nhưng cái khóai ở không lâu. Chỉ một loáng là nó thấy khắp cơ thể rời rã. Và rồi nó thấy rằng nó không thể nào còn đi đâu đến một bước nữa. Và lạ chưa, cái gì cứ như kéo mí mắt nó xuống.
Nó mở giương hai mắt ra để mở, mi mắt như bị cặp chì, chỉ những muốn díp lại. Thì ra nó buồn ngủ, buồn ngủ đến rũ ra. Mà nó sẽ ngủ gục ngay ở đấy, nếu một hồi tù và không rúc liền ngay lúc ấy ở phía sau nó. Lần này thì nó đã quen không sợ lắm như lần trước nữa. Nhưng vì thế mà nó tỉnh bừng.
Nó lại cố lóp ngóp đứng dậy, nhưng chỉ đi được ba bước là nó lảo đảo, rồi bao nhiêu khớp xương ở trong người nó lúc bấy giờ thật như long ra hết. Nó vội vàng phải ngồi bệt ngay xuống.
Thôi đành. Đành phải bỏ sự về tới Hà Nội đêm hôm nay. Tới lúc đó, nó mới chịu nhận như thế, nhận rằng mình đã mệt mỏi lắm rồi không thể nào đi được nữa...
- o O o -
Nhưng không đi Hà Nội, thì bây giờ ở đây làm gì?
Câu hỏi ấy lúc đó mới đến với nó một cách sôi nổi. Đành rằng nó ngồi đấy để nghỉ, nhưng nghỉ rồi thì nó làm gì nữa.
Lúc ấy, nó mới nhận thấy rằng đến là để ngủ. Rồi thì nó vừa hỏi vừa tự trả lời. Nó ngủ ở đây suốt đêm à? Nằm ở đâu mới được chứ? Nằm ở đất này ấy à? Ờ ờ, thế thì có khốn. Ma quỷ sẽ bắt nó đi. Hay giặc cướp sẽ giết nó đi. Không, không, nó không thể ngủ được. Nếu có phải nó mỏi chân, nó không đi được nữa thì nó phải thức để canh ma quỷ và giặc cướp mới được chứ.
Không, không, nó không thể ngủ. Ngủ thì nguy to. Nó nghĩ thế, rồi nó nắm chặt lấy cái que duối.
Rồi thì đầu nó cứ từ từ ngả về phía trước, rồi thì nó ngã dúi, thiếp đi.
Thì ra giấc ngủ mạnh hơn nó, sự nhọc mệt mạnh hơn nó. Mà sự nhọc mệt là tay sai rất đắc lực của thần ngủ.
Nó gục đầu, chổng mông lên giời ngủ một giấc ngủ ngon nhất của đời nó.
- o O o -
Nó đang mơ mơ màng màng rúc vào nách mợ và đang sờ vú mợ nó thì một tiếng sét xé giời làm cho nó choàng dậy.
Nó thét lên gọi mợ, không thấy mợ thưa, nó lại gọi cậu. Cậu cũng không thấy thưa, nó lại gọi "em". Rồi thì tiếng sét thứ hai loằng ngoằng trên vòm giời làm cho nó nhận thấy sự thật. Và nó nhớ lại tất cả. Thốt nhiên ruột nó hóp lại. Rồi nó khóc, khóc thảm thiết.
Khóc mặc, sét cứ giáng xuống ầm ầm ầm, chớp cứ loè lửa, gió cứ thổi vù vù, làm lấp tiếng khóc của nó.
Rồi tới khi những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, nó thấy càng khóc càng vô ích, tự nó nó im.
Và lúc ấy nó mới thấy bắt đầu rét.
Và lúc ấy nó mới thấy cần phải đi tìm chỗ trú mưa.
Nhờ có ánh lửa của sấm sét chỉ đường, nó lần lại được dưới một gốc cây cổ thụ.
Nó vừa đến được xong, thì mưa đổ xuống ào ào, một trận mưa mà nó cho là to nhất trần thế.
Nó cho như thế, bởi trận mưa ấy thiết ngay đến thân nó.
Từ trước đến nay, thiếu gì những trận mưa to gấp mười như thế. Nhưng, ngồi trong nhà nhìn ra với dấn mình trong mưa là hai thứ khác nhau. Thứ nhất là bị dấn mình trong khi đêm hôm vừa đói, vừa rét.
À, trước kia nó có để ý đến những trận mưa là chỉ để ý đến sự nó bị giam ở trong nhà, không ra ngòai đường chạy nhảy được, thế thôi. Nhưng nó lại có bao nhiêu thứ đền bù. Nào làm thuyền thả ở hiên, nào bít ống máng nước toé và mặt các em. Và còn vô số cái thú vị nữa.
Bây giờ thì thôi, chẳng thấy một tí thú vị nào. Toàn là khổ ải. Tuy nấp ở dưới một gốc cây to, nhưng cái cây đâu có phải là một mái nhà, thành ra nước cứ ào ào đổ xuống mũ nó, rồi làm cho nó ướt như chuột lột.
Và rồi thì ngọn gió thổi cái rét cắt da tới. Nó nép mình vào thân cây, vừa run, vừa đánh đàn mồm.
À, lúc ấy thì nó có những ý nghĩ thấm lắm, thấm như những giọt mưa, thấm hơn nữa.
Giá nó không bướng bỉnh định trốn về Hà Nội thì đâu nó có bị rét mướt thế này. Và nếu nó không lười học thì đâu cậu mợ nó lại phải đánh lừa nó lên Phủ Lạng để cho nó phải trốn đi.
Lúc này thì nó hối, hối ghê lắm. Chỉ có cha mẹ thì khi đứa con nó biết hối mới thương, chứ cái gió, cái rét vô tình nó có biết thương ai bao giờ.
Bây giờ thì thằng Đức bị rét quắp lại, cứng ra, chứ không còn có thể run được nữa. Nước mưa đã thấm vào hết quần áo, ngấm tới da thịt. Ta có thể nói rằng lúc này nó bị cái rét làm cho chín thịt, chín da đi rồi.
Tuy rét làm cho nó tê cóng cả tay chân, nhưng đầu nó thì tỉnh lắm. Nó nghĩ đến một cách thèm khát những đêm ở nhà, cậu một bên, mợ một bên, cái hỏa lò ở giữa. Đã thế rồi mợ lại còn ôm chân nó ủ vào trong lòng mình nữa.
À, có bị một đêm mưa rét ở ngòai giời như đêm nay thì nó mới biết những đêm trên chăn dưới đệm ở nhà là quý, là sung sướng. Bây giờ thì thật rồi, nó mới biết cái giá của chúng.
- o O o -
May cho nó, mưa không lâu. Chỉ nửa tiếng đồng hồ là tạnh. Nhưng tạnh được cái mưa thì lại bị cái gió nó đem cái rét kinh hồn đến.
Xưa nay nó có biết tránh gió là cái gì, nên nó cứ ngồi quay mặt ra phía Đông, nhưng có lẽ sự cần dùng khiến cho người ta thành cơ xảo, nó cứ lần lần nhích dần ra phía sau cây để tránh.
Chà, tránh được ngọn gió đỡ rét rồi, nó lại bị cái đói kéo đến hành hạ.
Buổi trưa hôm nay, vì ức uất ở trong lòng, nên nó chỉ ăn có hai lưng bát. Ồ, giá nó biết thế này thì lúc ấy nó đã ăn hẳn năm sáu bát.
Nhưng nếu nó biết thế này thì nó đã chả là đứa con hư, đứa học trò lười để buộc người ta phải gửi lên với bác.
Chà, ruột nó cồn cào, và trong dạ dày nó, lâu lâu lại hình như có cái gì nó đánh đu tít lên.
Ái dà, bây giờ nó mới hiểu cái đói là thế nào đây. Trước kia, chưa đói nó đã ăn, ăn quà suốt ngày, thì còn bao giờ biết thế nào là đói nữa. Bữa cơm, mợ cứ phải lạy nó để nó ăn thêm vài miếng. Bây giờ thì không, nếu bây giờ mà được ngồi trước một mâm có những bát cơm trắng như thế, và những miếng thịt thăn kho thơm như thế, thì chẳng cần ai phải lạy nó cả. Tự nó, nó sẽ ăn thùng bất chi thình.
Ái dà, giá lúc này nó có được một bát mì thằng bếp vẫn đi mua từ Hàng Buồm đem về? À hay thôi, bát phở cũng được!
- o O o -
Ngồi thu mình dưới gốc cây, bị cái đói và cái rét hành hạ, nó tưởng tượng thấy mình toàn ngồi trước những món béo bổ. Nhưng tưởng tượng như thế để làm gì, để cho khi nhận thấy sự thực, lại bị cái đói hành hạ một cách gắt gao hơn.
Trước kia, nó ăn những thứ ấy cả ngày, cứ thấy đói con mắt là ăn, thành ra nó chẳng biết cái gì là ngon cả. Bây giờ thì cứ tưởng tượng đến, nó đã thấy ngon đáo để rồi.
Nó nghĩ đến một cách chua chát đến những hồi nào, những cái bánh bao nhân thịt ngon như thế mà chỉ vì nó dỗi với chị nó, nó vất tuốt cả đi. Rồi nó lại còn chạy đến di chân lên để cho không còn ai có thể ăn được nữa. Chà, nó đã phí của thật! Giá nó để dành được những chiếc bánh bao ấy đến bây giờ?
Nghĩ thế, nó lại tiếc sao lúc chiều không muốn ăn mấy, mà nó đã ăn cả sáu chiếc kẹo bột, giá để dành vài chiếc đến bây giờ, thì đỡ đói lòng biết mấy.
ngồi ở đây trong đêm tối, giữa cái gió và cái rét, nó nghĩ ra bao nhiêu điều mà trước kia nó không nghĩ tới.
Và thật là vì biết cái mệt, cái khát, cái rét, cái đói, cái sợ, bây giờ nó mới biết cái khổ là thế nào. Và thốt nhiên, nó thấy thương cậu, thương mợ quá, thương những người đã khiến cho nó không biết cái khổ, nghĩa là cái mệt, cái khát, cái rét, cái đói và cái sợ.
Nó thương, thương bồi hồi, rồi thì nó thấy rằng từ trước tới nay, nó chỉ làm khổ cậu, khổ mợ nó thôi.
Lúc ấy thì cái khổ làm cho nó cảm mơ màng thấy rằng nếu chuyến đi này mà về được tới nhà thì nó sẽ không thì "còn rối tơ" như trước nữa. Nó phải ăn ở khác thế nào chứ. À, ra bây giờ nó mới hiểu tại sao bác Giáo bảo nó là mất dạy, và tại sao các con bác Giáo lại nhìn nó bằng những cặp mắt kỳ lạ như thế. |
|
|