Bác Giáo về là nói ngay những lời khôn ngoan và đanh thép:
- Chú thím cứ để cho nó như thế thì nó hư mất. Có con thì phải dạy, phải dỗ, chứ không lớn lên nó lại chơi bời thì tai tiếng. Này tôi bảo cho chú thím biết, nếu chú thím cứ chiều nó một cách vô lý như thế thì rồi lớn lên, nó phá hết cơ nghiệp nhà chú thím đấy. Ai đời mười tuổi đầu mà không đọc thông được cái chữ quốc ngữ. Thằng Sửu nhà tôi, mười tuổi, năm nay đi thi Sơ học yếu lược. Đến con Vân, tám tuổi, cũng đã đọc được chữ Tây. Thương con thì phải làm thế nào cho nó học hành khá giả mới gọi là biết thương. Nó bây giờ như thế, học cũng đã là chậm lắm rồi. Sợ quá tuổi rồi thì sau này không thi vào đâu được nữa.
Mợ vốn nung đúc một cái mộng cho con trai vào học Cao đẳng, nên phải buộc lòng dẹp sự nhớ nhung:
- Thôi thế trăm sự nhờ bác đấy.
- Được rồi, được rồi. Thím cứ yên tâm. Nó vốn sợ tôi, lên ở với tôi vài năm thì học khá ngay và ngoan ngay đấy mà. Trẻ trên ấy lại đông, đứa nào cũng học hành ngoan ngoãn. Nó vui anh vui em thì hết nhớ nhà ngay. Trên ấy có các chị nó và nhà tôi săn sóc, chú thím đừng sợ nó thiếu thốn cái gì. Với lại tôi cho nó vào lớp năm thì ông giáo với tôi là bạn thân, tôi sẽ nhờ ông săn sóc cho nó. Rồi thì về nhà, tôi kèm thêm, mấy chốc mà khá. Nó lại tư chất rất là thông minh.
- Vâng, cháu thì sáng dạ lắm, chỉ phải cái tội lười và nghịch!
- À, là tại chú thím nuông nó quá. Tôi cam đoan với chú thím, cứ cho nó ở với tôi một năm là ngoan ngay.
Mợ đã xuôi tai:
- Nhưng bây giờ làm thế nào cho nó chịu đi. Nó lăn ra khóc thì nghe thương lắm cơ.
- À, chú thím cứ bằng lòng thì tôi khắc có cách. Với lại nó sợ tôi, nó không dám lăn đâu. Khó gì, chỉ sợ chú thím không quyết thôi.
Cậu, dù thế nào thì cũng vẫn là đàn ông:
- Sao lại không quyết! Bác tính người ta phải biết nghĩ xa xôi về tương lai của các con chứ.
- Nếu thế thì cho ngay nó đi chiều nay với tôi đi.
Mợ thì dù sao cũng vẫn là đàn bà, giật mình vì cái kỳ hẹn cấp bách. Mợ chưa kịp nói gì thì bác Giáo đã hiểu ý:
- Không, quyết thì phải thực hành ngay. Đằng nào cũng là một lần. Con cái nó ở với mình một đời, chứ có phải một hai ngày đâu. Nếu chú thím bằng lòng thì xếp quần áo cho nó đi. Tôi vờ cho nó đi chơi, rồi tôi đem tuột nó lên Bắc Giang. Lên đến đấy, không có chú thím, tôi bảo gì, tự khắc nó phải nghe. Chỉ vài ba ngày là quen thôi đấy mà.
Rồi muốn cho cậu mợ phải bằng lòng ngay:
- Tôi nói thật với chú thím. Nó mà ngu dốt, chú thím khổ đã dành. Tôi là bác nó, nó không nên người, người ta cũng chửi tôi nữa cơ đấy.
Đức ngồi trên ô-tô, sung sướng lắm, nhìn đông, nhìn tây, nhìn ngang, nhìn ngửa, rồi hỏi bác:
- Thế đây lên đấy mấy giờ nhỉ, bác nhỉ?
- Hai giờ.
- Thế chiều lại về Hà Nội nhỉ bác nhỉ?
- Phải rồi.
- Thế là đi về mất tất cả bốn giờ nhỉ, bác nhỉ?
- Phải rồi. À, cháu cũng biết tính đấy. Ồ, thế thì cháu học dốt chỉ tại cháu lười.
- Nhưng cậu mợ cháu bảo bây giờ đi học chỉ để đi chơi thôi mà. Chờ nhớn, cháu mới học.
Bác Giáo rấm sẵn đất:
- Cháu lên mười rồi, còn bé gì nữa đấy. Thằng Lựu, anh cháu, cũng lên mười mà nó đã sắp đi thi.
- Nhưng mợ cháu bảo cháu còn bé.
- Mợ cháu chiều cháu nên bảo thế.
Xe ô-tô qua cầu làm rền rĩ những thanh sắt. Đức nhìn cầu, nhìn sông:
- Đây là cầu sông Cái, đây là sông Nhị Hà, có phải không bác?
- Phải rồi.
- Thế hết cầu sông Cái là đâu, hở bác?
- Là Gia Lâm.
- Thế hết Gia Lâm là đâu, hở bác?
- Là Yên Viên.
- Thế hết Yên Viên là đâu nữa?
Bác Giáo ngạc nhiên vì sự muốn biết của thằng bé:
- Hỏi thế thì bác không biết đâu mà giả nhời cho kịp. Để đi đến đâu, rồi bác trỏ cho mà xem.
- Ừ, nhé. Bác trỏ cho cháu nhé. Cháu là thích đi chơi thế này lắm cơ. Thế mà cậu cháu chẳng cho cháu đi chơi bao giờ cả.
- Ồ ồ, nếu thế cháu mà lên ở với bác thì được đi chơi luôn. Chủ nhật nào, bác cũng đưa các anh chị cháu đi chơi.
Đức rụt ngay cổ lại:
- Cháu chịu thôi. Không có mợ, cháu chịu thôi.
Ông Giáo biết rằng không thể vội vàng được:
- Ừ thì thôi, lên chơi bác mua cam Bố Hạ cho ăn, rồi lại về.
- Phải rồi, cháu thích ăn cam Bố Hạ lắm. Cậu cháu bảo cam Bố Hạ bổ lắm.
Ngồi nhìn ruộng, nhìn cây, nhìn người chán, Đức như sực nhớ ra một điều gì, lại hỏi:
- À, Bố Hạ ở đâu nhỉ, bác nhỉ? Cháu nghe ông Đại Ích bảo vườn cam đẹp lắm, có phải không?
- Đẹp lắm! Bố Hạ ở cách Phủ Lạng Thương bốn mươi cây số. Nếu cháu ở chơi với bác được đến thứ năm thì bác sẽ đưa cháu đi xem vườn cam.
- Hôm nay là chủ nhật, thế là những bốn ngày nữa cơ à?
- Ừ, bốn ngày.
- Thế cháu phải ngủ đêm ở trên ấy cơ à?
- Ồ, ở chơi thì phải ngủ đêm, chứ đêm còn đi đâu nữa?
Đức lè lưỡi:
- Úi dà, ngủ không có mợ thì cháu chịu thôi!
Bác Giáo lại vội vàng nói ngay:
- Ừ, thế thì thôi, lên chơi một chốc, rồi chiều về.
Đức nhìn mặt giời, lúc ấy đã đổ bóng trên các ngọn cây:
- Bây giờ là chiều rồi còn gì!
Bác Giáo sợ nó đòi về ngay lúc ấy, toan tìm lời chống chế thì nó đã nói ngay:
- Thế thì đêm mới về đến Hà Nội nhỉ, bác nhỉ? Thế thì cháu thích lắm. Xưa nay, cháu không được đi đâu đêm bao giờ.
- o O o -
Thôi thì gặp cái gì lạ mắt, Đức cũng hỏi. Qua con sông nào, cái cầu nào nó cũng hỏi tên.
Đến Sen Hồ thì trời gần tối. Đức ngồi ngẫm nghĩ một lát, rồi vùng thố ra:
- Thế là từ Hà Nội về đến đây, đi qua ba cái cầu rồi này. Cầu sông Cái này, cầu sông Đuống này, cầu sông Cầu này. À bác ơi! Thế từ đây cho tới Phủ Lạng Thương, có còn phải đi qua cái cầu nào nữa không, hở bác?
Ông Giáo giật mình về sự thông minh của thằng bé:
- Cháu sáng dạ lắm, cháu nhớ dai đấy, giá cháu chịu khó học thì cháu giỏi lắm. Đây lên Phủ Lạng Thương còn phải đi qua một cái cầu nữa là cầu sông Thương.
- Thế nghĩa là bốn con sông, bốn cái cầu bác nhỉ? Cháu thích sông, thích nước lắm cơ. Cháu chỉ muốn học bơi thôi. Nhưng cậu mợ cháu không muốn cho cháu học. Đến đứng hóng mát ở trên cầu sông Cái, cậu mợ cháu cũng sợ. Chỉ sợ cháu ngã xuống sông. Mợ cháu cứ la luôn miệng, không cho cháu đứng gần thành cầu.
Rồi ngừng lại như phân bua với bác Giáo:
- Cháu thế này thì bao giờ cháu ngã được, bác nhỉ?
- Phải rồi. Cháu khoẻ và bạo như thế, nếu học bơi thì chóng biết bơi lắm. Thằng Huân nó biết bơi rồi đấy. Giá mà cháu lên trên đấy với bác, thì nó dạy cháu bơi. Người ta cần phải biết bơi.
- Thế bác có biết bơi không?
- Sao bác lại không biết. Bác bơi giỏi lắm. Bác bơi qua sông Thương, bơi đi lại bơi về được.
Đức trầm ngâm một lát:
- Giá cậu mợ cháu cùng lên trên ấy, thì cháu bằng lòng ở với bác ngay. |
|
|