Hàn vi làm thợ đấu, Công thành bởi bắn tên Có người nói:
“Ranh giới giữa thiên tài và thiên tai chỉ là sợi tóc. Qua trên sợi tóc là cảnh giới của bậc anh hùng, qua dưới sợi tóc là cảnh giới của tên lưu manh đầu đường xó chợ.’’
Nghe thế mà sợ.
Lại có người nói:
“Người ta sinh ra mỗi người một tính. Người hay người dở khi sinh ra Trời đã an bài. Một miếng ăn, một hớp nước uống cũng đã được an bài từ kiếp trước. Có muốn cũng chẳng được, không muốn cũng chẳng được.”
Nghe thế cũng sợ.
Ở vùng Hưng Yên có vị anh hùng kỳ lạ tên là Lê Hựu. Y là giáo đầu cấm quân, võ công cái thế hơn người.
Xuất thân nghèo túng, không được học hành, Lê Hựu rất buồn phiền về thân phận của mình.Tuy thế, y lại rất say mê những chuyện anh hùng nghĩa hiệp ở trên giang hồ. Một hôm ra chợ, y thấy một ông già hát sẩm đang ngồi kéo nhị, phong độ trông rất khác người.
Ông già hát rằng:
“Cõi nhân thế trăm năm dài ngắn
Nào ai hay tài mệnh tương phùng?
Thế gian kia mấy anh hùng
Gương trong còn để soi chung muôn đời?
Sao lại oán trách giời chẳng tỏ
Mà tự mình chẳng cố vượt lên?
Hơn nhau cốt ở chí bền
Mất công mài sắt nên kim có ngày.
Ai đứng đấy loay hoay giữa chợ?
Năm tháng trôi do dự làm chi?
Công danh nào có đợi thì
Hỏi ai đáng mặt nam nhi anh hùng?
Tiếc lỡ để cung tên bỏ xó,
Tiếc con thuyền lạch nhỏ nằm trơ.
Tiếc không đủ gió phất cờ,
Tiếc cho người đẹp bơ vơ một mình.
Thôi đừng tiếc linh tinh như thế,
Ngày tháng trôi nào có đợi ai?
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng!
Lê Hựu nghe xong bài hát, thở dài một tiếng. Ông già hát sẩm hỏi y:
“Ngươi là ai? Ở đâu đến? Sao lại thở dài?’’
Lê Hựu trả lời:
“Thưa tiền bối, ta thật chẳng phải là người may mắn. Đúng là:’
Xuất thân thợ đấu,
Lực lưỡng hơn người.
Quê ở Phủ Khoái,
Tính tình dở hơi.
Mê danh hám lợi,
Cũng muốn hơn người.
E rằng tài mọn,
Không dám đua đòi.
Lòng dạ bối rối,
Thở dài vậy thôi!’’
Ông già hát sẩm cười:
“Vậy ngươi gặp ta là may mắn cho ngươi rồi đó. Ta vốn là một đại cung thủ nổi danh trong chốn giang hồ. Ta nay gần đất xa trời đang muốn tìm một đệ tử để truyền nghề lại. Nếu ngươi có tham vọng ta sẽ dạy ngươi các món tuyệt kỹ của nghề cung thuật, chắc chắn sau này ngươi sẽ thành danh có một sự nghiệp phi thường.’’
Lê Hựu sụp xuống lạy tạ ông lão hát sẩm. Tuy nhiên, y lại nghĩ bụng:
“Sao ông lão nói là đại cung thủ mà chẳng thấy cung tên gì cả? Hơn nữa, hai mắt lại còn mù tịt thế kia thì bắn chác gì?’’
Ông lão hát sẩm đọc được ý nghĩ của Lê Hựu nhưng không nói gì, chỉ mủm mỉm cười. Lê Hựu bèn hỏi:
“Thưa sư phụ, liệu tập bắn cung một tháng, sau đó, mỗi ngày đệ tử có thể bắn được mười con chim không?’’
Ông lão bảo:
“Có thể!’’
Lê Hựu nói:
“Như thế, mười con chim bỏ rẻ quy ra cũng được cân thịt, còn hơn làm ruộng nhiều. Sư phụ! Đệ tử xin học bắn cung!’’
Ông lão cười:
“Ngươi nhầm rồi! Ta không dạy ngươi bắn chim.’’
Lê Hựu hỏi:
“Thưa sư phụ, vậy sư phụ dạy đệ tử bắn gì?’’
Ông già bảo rằng:
“Ta sẽ dạy ngươi bắn công danh, sau đó bắn thông cả thiên địa nữa.’’
Lê Hựu nghĩ bụng:
“Bắn công danh thì được rồi, còn bắn thông thiên địa thì chẳng cần làm gì.’’
Ông già hỏi:
“Ngươi đang lẩm bẩm gì thế?’’
Lê Hựu nói:
“Thưa sư phụ, bắn công danh liệu nhanh hay chậm? Có tới một năm hay không?’’
Ông già bảo:
“Điều ấy tuỳ thuộc vào ngươi. Nếu ngươi chịu khó học tập, có thể chỉ trong một năm. Còn nếu ngươi tối dạ, không chịu học hành thì mười năm cũng chẳng thành.’’
Lê Hựu bảo:
“Sư phụ! Đệ tử xin hứa nhất định sẽ học hành sư phụ đến đầu đến đũa.’’
Ông già bảo:
“Nếu ngươi hăng hái như thế, ta cũng chẳng hẹp hòi gì mà không dạy ngươi đến nơi đến chốn. Ngươi hãy về sắm cung tên, ngày mai mang ra bờ đê sông ta sẽ dạy cho.’’
Lê Hựu vui mừng về nhà sắm một bộ cung tên rồi sáng hôm sau mang ra bờ sông để gặp ông già kỳ lạ.
Đầu tiên ông già dạy y phép quan sát mà không chớp mắt, nhìn ngắm sự vật cho thật rõ ràng, thấu đáo.
Mắt mở trừng trừng,
Nhìn không chớp mắt.
Tỉ mỉ, kỹ càng,
Vô cùng chân thật.
Nhìn thấu tâm can,
Nhìn xuyên gan mật.
Tính khí thế nào,
Cũng nhìn ra tất.
Nhìn trước nhìn sau,
Nhìn ra quy luật.
Công phu khác thường,
Đúng là xạ thuật.
Lê Hựu học ông già một thời gian, có thể nhìn rõ một con muỗi to như con bò, một người đi qua y nhìn rõ cả bộ xương của họ. Khi đã nhìn rõ như thế thì việc bắn hạ đối tượng không phải là khó khăn gì. Mặc dầu tối dạ nhưng vốn chịu khó tập luyện nên chẳng bao lâu Lê Hựu cũng đã có những sự tiến bộ khác thường. Trong giang hồ, mọi người đều rất khâm phục tài nghệ của y, coi y là một anh hùng xạ điêu hiếm có. Trong cấm quân, có nhiều vị giáo đầu hùng hùng hổ hổ, nổi tiếng kiêu binh ngạo mạn nhưng đều một mực coi Lê Hựu là bậc đàn anh.
Một hôm Lê Hựu xách cung tên đến hỏi sư phụ của y:
“Sư phụ! Công danh của đệ tử nay đã thành rồi! Liệu tài nghệ của đệ tử bây giờ có thể sánh ngang cùng với sư phụ được không?’’
Ông già mù cười bảo y:
“Khi ngươi đến bái ta làm sư phụ, ta biết ngươi là một tên nông dân vô sản, bản tính lương thiện thật thà nên ta vừa vui vừa buồn. Điều tệ hại ở trong đặc điểm giai cấp của ngươi là chỉ nghĩ đến miếng ăn, thực dụng đến mức nực cười. Ta vẫn còn nhớ như in lời hứa học tập đến đầu đến đũa của ngươi khi học môn nghệ thuật này. Đáng tiếc, chỉ vì thực dụng trước mắt (lạy giời, liệu ta có nhầm lẫn điều gì ở đây hay không? Hoặc là ta sai? Hoặc là ngươi đã đúng?), chỉ vì thực dụng trước mắt mà ngươi đã không đi đến cùng môn nghệ thuật đó.’’
Lê Hựu hỏi:
“Sư phụ! Điều cuối cùng của nghệ thuật xạ thuật tóm lại là gì?’’
Ông già nói:
“Với tài nghệ của ngươi bây giờ thì ngươi phải tự trả lời câu hỏi của ngươi rồi chứ?’’
Lê Hựu nắm chặt cây cung trong tay, mồ hôi vã ra, y khẽ khàng hỏi sư phụ của y bằng một giọng run rẩy như đang cất lên từ ở dưới mồ:
“Sư phụ! Sao bao nhiêu năm trời đệ tử không trông thấy cung của sư phụ ở đâu cả vậy?’’
Ông già cười ngặt nghẽo:
“Cung của ta ư? Ngươi vẫn chỉ là một tên nông dân anh hùng bắn cung mà thôi chứ chưa bao giờ là một trí thức cung thủ như ta mong muốn. Hãy trông ta đây!’’
Ông già đưa tay như lắp một mũi tên vô hình vào một chiếc cung tưởng tượng rồi chĩa lên trời. Lê Hựu thất kinh vì thấy ánh sáng của một ngôi sao băng rớt ngay ở trước mặt y.
Ông già cười ha hả phất tay áo bỏ đi.
Sau lần ấy, Lê Hựu cũng bẻ cung tên. Y vẫn đi lại ở trên giang hồ và người ta đồn rằng rất có thể y cũng đã ngộ ra được điều gì đó trong nghệ thuật xạ điêu.
Thật đúng là:
Bẻ cung tên, vô chiêu thắng hữu chiêu
Thời xa vắng, thằng làm thua thằng nghỉ.
|
|
|