Nguyệt Quang Như Tuyết. Nguyệt Quang Như Huyết Đó là một gian phòng trong con phố ồn ào, trên một tiểu lâu trong con phố ồn ào.
Người trú trong thành thị đó ai ai cũng không biết trên tiểu lâu đó có một gia đình sống trong một gian phòng như vậy. Càng không có ai biết, trên tiểu lâu đó, trong gia đình đó có ai ?
Tầng một của tiểu lâu vốn có một tiệm bán vải. Chủ tiệm là hai ông bà già, đã bỏ đi đâu không quay về.
Cho nên tiệm vải của gia đình đó đột nhiên đóng cửa.
Tầng trên của tiệm vải có vợ chồng gã tiêu khách ở, nghe nói gã tiêu khách đó chỉ bất quá là một tên đẩy xe cho một đại tiêu cục, nhưng lại rất được bọn tiêu đầu tín nhiệm, cho nên sau đó rất ít khi ở nhà.
Cho nên người vợ trẻ tuổi của gã hồi bốn tháng trước bỗng mất tích, nghe nói đã bị một tên đầu bếp đẹp trai của quán ăn đối diện dụ dỗ dẫn đi mất.
Tầng trên cùng vốn là chỗ chất vải không xài tới, căn bản vốn không có ai ở.
Nhưng tháng vừa rồi, nếu quả hàng xóm có người ngả lưng ở hai bên tường, tất nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc oe oe.
- Trên đó cũng có người vào trú ngụ sao ? Gia đình đó có người nào ?
Có những người hiếu kỳ, nhịn không được, muốn lên đó xem thử.
Nhưng trên cánh cửa lớn của tiệm vải đã có dấu niêm phong của quan phủ.
Tầng trên cùng của tiểu lâu, vốn có ba gian phòng. Gian phòng lớn nhất chất đầy vải, còn có một gian là nơi cư trú của đám đầu bếp. Hai vợ chồng lão chưởng quầy của tiệm vải cần kiệm khắc khổ đã trú trong gian phòng còn lại.
Nhưng hiện tại nơi đó tất cả đã hoàn toàn biến đổi, biến thành một gian trắng toát, ngồi xuống không dính tới một chút bụi.
Từ trên tiểu lâu nhìn qua cửa sổ phía sau, đã có thể thấy hậu viện của Lý phủ.
Trong hậu viện của Lý phủ cũng có một tòa tiểu lâu.
Đã nhiều năm nay, ánh đèn luôn ảm đạm trong hậu viện của Lý gia, chỉ có tòa tiểu lâu đó là ánh đèn thắp sáng qua đêm không tắt.
Người sống ở đây lâu nay đại đa số đều biết tòa tiểu lâu đó năm xưa là thư phòng của Tiểu Lý Thám Hoa.
Sau khi Tiểu Lý Thám Hoa rời bỏ nhà ra đi, tòa tiểu lâu đó đã biến thành khuê phòng của người y ngày đêm luyến thương, Lâm Thi Âm.
Hiện tại, lại là nơi dưỡng bệnh của chủ nhân đời thư ba của Lý gia, Lý Mạn Thanh tiên sinh.
Nơi đó vốn là một con hẻm thô lậu, nhờ vào thịnh danh của Tiểu Lý Thám Hoa, người hiếu kỳ từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng, cho nên mới dần dần trở thành nhiệt náo.
Phi đao đi, người cũng đi, danh vẫn còn.
Cho nên địa phương này ngày nào cũng nhiệt náo, chỉ bất quá gần đây đã lại dần dần vắng vẻ.
Cho nên cái tiệm vải đó mới đóng cửa.
Tại một nơi như vầy, trên tiểu lâu nơi tiệm vải đã đóng cửa như vầy, tại sao đột nhiên có một gia đình kéo tới ? Hơn nữa còn đem ba gian phòng trên lầu đặc biệt bố trí xây dựng thành một cung điện nho nhỏ giống như làm bằng băng tuyết ?
Trong phòng một màu tuyết trắng, tường tuyết trắng, nóc tuyết trắng, khăn trải giường dùng thứ tơ lụa trắng như tuyết mà đan thành, trên sàn trải đầy thảm trắng như tuyết làm bằng da ngân hồ, thậm chí cả vật bài trí trong phòng cũng đều một màu trắng bạc.
Khi ánh đèn được thắp lên trong lồng đèn trắng như tuyết, quang tuyến trong gian phòng đó nhu hòa như ánh trăng.
Bên ngoài cửa sổ hiện giờ không có trăng, trong phòng chỉ có một phụ nhân toàn thân vận trường bào trắng như tuyết, ngồi một mình dưới ánh đèn trắng như tuyết. Sắc mặt của nàng rọi chiếu dưới ánh đèn, xem ra phảng phất còn trắng nhợt không một chút huyết sắc hơn xa cả lồng đèn.
Hồi nãy trong căn phòng kế bên còn phảng phất có tiếng trẻ thơ khóc. Nhưng hiện tại đã không còn nghe nữa.
Lại qua một hồi rất lâu, bên ngoài cửa mới nghe có người gọi khẽ:
- Tiểu thư.
Một người cũng vận trường bào trắng như tuyết, lại là một tiểu cô nương thắt bím tóc đen nhánh, nhẹ nhàng đẩy cửa tiến vào:
"Tiểu thư". Tiểu cô nương đó thốt:
"Em bé đã ngủ rất ngon, cho nên tôi mới vào đây xem tiểu thư".
"Xem ta ?" Thanh âm của tiểu thư rất lạnh lùng:
"Ngươi xem ta làm gì ? Ta có gì hấp dẫn mà xem ?".
Trong mắt của tiểu cô nương dâng đầy vẻ buồn rầu, nhưng vẻ đồng tình lại càng sâu xa hơn buồn rầu:
- Tiểu thư, tôi biết cô luôn luôn có tâm sự, nhưng những tháng gần đây tâm sự của cô lại càng trầm trọng hơn lúc trước nhiều, cô tại sao lại ra nông nỗi này ? Tại sao lại chịu đựng một mình như vầy ?
Tiểu cô nương luôn đa sầu đa cảm, sự đa sầu đa cảm của vị tiểu thư của ả lại tựa hồ càng nặng nề hơn.
Cửa sổ mở rộng, bên ngoài cửa sổ, ngoại trừ lãnh phong hàn tinh, không còn có gì khác. Nhưng sau một trận gió lùa, trong bóng tối bỗng vang lên liên tiếp mấy tiếng pháo nổ, tiếng pháo nối đuôi dì đùng liên tục.
Rồi đột nhiên, những tràng pháo như vang vọng khắp mặt đất.
Vị tiểu thư thương cảm u sầu đó, vốn như đã chìm sâu vào một cơn mộng bế tắc bi thảm, lúc đó mới đột nhiên tỉnh giấc, đột nhiên hỏi tiểu cô nương thắt bím đứng kề bên:
- Tiểu Tinh, hôm nay là ngày gì ? Tại sao có nhiều người đốt pháo vậy ?
"Hôm nay đã là ngày sáu tháng giêng, ngày tiếp thần tài". Tiểu Tinh đáp:
"Tối hôm nay nhà nhà đều tiếp thần tài, bọn ta thì sao ?".
Tiểu thư ngưng thị nhìn bóng tối ngoài cửa, tiếng pháo nỗ đinh tai, nhưng nàng chừng như đã hoàn toàn không còn nghe thấy nữa, qua một hồi rất lâu mới điềm đạm đáp:
- Người bọn ta phải tiếp không phải là thần tài.
"Không phải là thần tài, thì là thần gì ?" Tiểu Tinh hé một nụ cười rất khoái trá, "Có phải là Nguyệt Thần ? Có phải là Nguyệt Thần đao như nguyệt quang ?".
Vị tiểu thư bạch y như trăng tuyết đó bỗng đứng lên, đi đến song cửa sổ, đối mặt với khung trời hắc ám.
"Không sai, ta muốn tiếp Nguyệt Thần, bởi vì trong những truyền thuyết cổ xưa, ý tứ của mặt trăng là cái chết". Nàng thốt:
"Mặt trời là sinh, mặt trăng là tử".
Bên ngoài cửa sổ không có trăng.
Nhưng không xa mấy, trên tòa tiểu lâu chừng như rất xa xăm, phảng phất vẫn còn ánh đèn lóe chớp.
"Ta tin rằng vào lúc này, dưới ánh đèn trong tòa tiểu lâu đó, cũng có một người đang đợi chờ mặt trăng cùng cái chết". Thanh âm của nàng lãnh đạm vô tình:
"Bởi vì thời gian từ đêm nay cho đến ngày rằm tháng giêng, chỉ còn lại có chín ngày".
Ngay lúc đó, bỗng nghe có tiếng trẻ thơ khóc oe oe vọng tới.
Tòa tiểu lâu đó đã cũ kỷ phi thường.
Người đã từng sống trong tòa tiểu lâu đó, đều đã tìm đến vì tịch mịch bi thương, hoặc đã bỏ đi vì nghĩa khí vào ngạo khí.
Hiện giờ người lưu lại trong tòa tiểu lâu, cũng đã kiệt quệ xác thân lẫn tâm trí, lúc nào cũng tịch mịch, chỉ hận không thể chết mau cho thoải mái.
Y còn chưa chết, tịnh không phải vì hắn không muốn chết.
Y còn chưa chết, chỉ bất quá vì hắn là con cháu của Lý gia. Y có thể đã chết, lại không thể để tôn vinh của Lý gia chết trong tay y.
- Trên thế giới này có bao nhiêu người biết được, tịch mịch đôi khi còn thống khổ hơn nhiều so với cái chết.
Y đã từng nghe nói, một vị bằng hữu trí tuệ phi thường đã nói với y một câu cho tới nay y mới tin tưởng hoàn toàn.
- Trên thế giới này, chuyện đáng hận nhất là tịch mịch.
Khi con người hạnh phúc, là khi có gia đình, có sự nghiệp, có con trai, có con gái, có bằng hữu, có sức khỏe.
Khi vợ y ẳm con của y về nhà vợ, khi sự nghiệp của y có lúc hưu nhàn rảnh rỗi, khi bằng hữu của y không chịu đi tìm y, là khi có thể một mình nhàn hạ uống rượu.
Y lắng nghe thanh âm rượu đang rót vào chén.
"Tịch mịch quả thật là một thứ hưởng thụ".
Tiểu Tinh cũng nghiêng đầu nhìn ánh đèn trên tòa tiểu lâu đối diện, dùng một thái độ rất kiên định mà nói:
- Tiểu thư, ngày rằm tháng giêng, tôi nhất định cũng phải theo hầu cô đi. Bởi vì tôi phải nhìn coi con người của Lý Mạn Thanh ra sao, tại sao năm xưa bức bách lão gia chết thảm như vậy.
Tiểu Tinh nói tiếp:
- Lúc phu nhân kể cho tôi biết chuyện đó, tôi đã một mực chờ có ngày có thể tận mắt chứng kiến Lý Mạn Thanh chết dưới đao của tiểu thư.
Vị tiểu thư thần thái như mặt trăng điềm đạm mỉm cười.
"Lý Mạn Thanh không chết dưới đao của ta". Nàng thốt:
"Bởi vì ngày rằm tháng giêng, lão căn bản vốn không ứng chiến".
"Tại sao ?" Tiểu Tinh hỏi, "Có phải Lý Mạn Thanh là người tham sống sợ chết ?".
"Lão không sợ chết, nhưng lão sợ bại". Nguyệt Thần đáp:
"Lão là hậu đại của Tiểu Lý Thám Hoa, lão không thể bại".
Tiểu Tinh đột nhiên trầm mặc, khuôn mặt đỏ hồng bỗng biến thành trắng nhợt.
Qua một hồi lâu mới từ từ hỏi:
- Tiểu thư, Lý Hoại Lý thiếu gia có phải quả thật là hậu đại của Lý gia bọn họ ?
- Ừm.
- Vậy có phải chàng nhất định biết người khiêu chiến với Lý gia là cô ?
"Chàng biết". Nguyệt Thần u uất đáp:
"Chàng là người tuyệt đỉnh thông minh, hiện tại chàng nhất định đã biết".
Tiểu Tinh cắn môi.
"Nếu quả chàng quả thật đã biết ngày rằm tháng giêng này đối thủ của chàng là cô, chàng nên bỏ đi thật xa". Tiểu Tinh thốt:
"Chàng làm sao có thể nhẫn tâm xuất thủ với cô ?".
- Bởi vì chàng không còn đất lựa chọn.
- Tại sao ?
"Bởi vì chàng không cần biết ra sao, vẫn là con cháu của Lý gia. Chàng tuyệt không thể để tôn vinh của Lý gia bị hủy trong tay của chàng ". Nguyệt Thần đáp:
"Chính như ta tuy biết đối thủ của ta là chàng, ta cũng không thể để tôn vinh của Tiết gia bị hủy trong tay của chàng".
Nàng dùng một thứ thanh âm bình tĩnh gần như lãnh khốc để nói tiếp:
- Thiên hạ vốn có rất nhiều chuyện không có đường lựa chọn, trong mỗi một tình huống như vậy, một người tuy biết rõ ràng chuyện mình làm là sai, cũng không thể không làm.
Tiếng pháo đã hoàn toàn tan biến, trời đất đã trở về một mảnh tĩnh mịch chết chóc, nhưng trong cái tĩnh mịch vô thanh vô sắc vô ngữ đó, lại phảng phất còn có thứ thanh âm chỉ có bọn họ mới có thể nghe mà người khác không nghe được.
Tiếng khóc của một hài nhi.
"Tiểu thư", Tiểu Tinh hỏi, "cô tại sao không nói cho chàng biết, cô đã sinh hạ một hài tử cho chàng ?".
"Ta tại sao lại phải nói cho chàng biết ?" Nguyệt Thần thốt:
"Ta sinh hài tử đó cho chàng, tịnh không phải vì muốn Lý gia của chàng lưu lại một hậu đại. Hài tử ta sinh ra cho chàng tuy là hậu đại của Lý gia, cũng là hậu đại của Tiết gia. Đó là chuyện cam tâm tình nguyện của ta, ta tại sao lại phải nói cho chàng biết ?".
- Nhưng nếu quả cô nói cho chàng biết, chàng có lẽ sẽ không xuất thủ với cô.
- Nếu quả ta nói cho chàng biết, chàng bất nhẫn giết ta, ta vẫn nhất định giết chàng, bởi vì ta cũng không thể không thắng, hơn nữa thắng là sinh, bại là tử.
Tiểu Tinh bỗng cắn chặt môi, nước mắt đè nén không được đã chảy ròng ròng trên má ả.
- Tiểu thư, hiện tại tôi chỉ muốn hỏi cô một câu.
"Ngươi cứ hỏi". Nguyệt Thần thốt:
"Chuyện gì ngươi cũng có thể hỏi".
- Đến ngày đó, đến lúc tranh sinh tử, tranh thắng bại, giữa một sát na tranh tồn vong, chàng có thể nhẫn tâm hạ thủ giết cô không ?
- Ta không biết.
- Vậy, đến giây phút đó, cô có thể nhẫn tâm giết chàng không ?
Nguyệt Thần trầm mặc, qua một hồi rất lâu, cũng không biết đã bao lâu, mới đáp:
- Ta cũng không biết.
Trên thế giới này, vốn có rất nhiều chuyện đều có dạng như vầy. Phải chờ đến giây phút phân tranh sinh tử thắng bại tồn vong, mới có thể biết kết quả.
Nhưng, biết thì sao ?
Lý Hoại thắng thì sao ? Bại thì sao ?
Chuyện sinh tử tồn vong giữa một sát na, nhưng tình cảm của bọn họ lại là vĩnh viễn.
Vô luận Lý Hoại sống hay chết, thắng hay bại, đối với Lý Hoại mà nói, đều là một bi kịch.
Vô luận Nguyệt Thần sống hay chết, thắng hay bại, đối với Nguyệt Thần mà nói, cũng là một bi kịch như nhau.
Sinh lão bệnh tử, vốn đều là chuyện buồn.
Bi kịch trên thế giới này đã có bao nhiêu mà kể siết. Con người chỉ thích cười, không thích khóc, tại sao còn phải tả một bi kịch làm người ta chảy nước mắt ?
Mỗi một bi kịch đều tối thiểu có một phương pháp có thể tránh né, hy vọng mỗi một người không thích khóc, đều có thể nghĩ ra một phương pháp để tránh bi kịch này.
Kết Thúc (END) |
|
|