Nguyên Huân thu hồi Vũ Mục Di Thư. Phượng Thánh trọng thương âm Hàn Ngọc Chướng. Thoắt đã đến đầu tháng chạp, khí trời càng lúc càng giá buốt, tuyết trắng đầy trời, kinh thành co ro trong cái không gian lạnh lẽo. Sinh hoạt phố xá vì thế mà giảm đi, đã cuối giờ Thìn, đường sá vắng người qua lại. Tuy trời giá buốt, rét mướt như thế, Nguyên Huân vẫn thức dậy vào lúc tiếng trống điểm canh tư. Trong suốt mười mấy năm trời, chàng không hề bỏ dở việc luyện tập, giờ đã thành thói quen. Dù bất kỳ nơi đâu, bất kể điều kiện thời tiết nào, chẳng một lần lơ là việc tinh luyện võ công; chính vì sự chuyên cần khổ luyện ấy chàng đã đạt được một cách hết sức nhanh chóng những thành tựu về võ học.
Sau khi dùng điểm tâm, Nguyên Huân khoác lên người chiếc áo khinh cừu, bước ra trời tuyết lạnh. Chàng đi đến địa điểm mà Kiến Nghiệp đại sư đã ghi trong giấy.
Nơi chàng tìm đến là một căn nhà cổ kính, khuất sau những hàng cây và một hoa viên nhỏ. Một gia nhân bước ra, co ro vì giá lạnh, nét mặt cau có; nhưng khi nhìn thấy tấm áo khinh cừu quý giá trên người chàng, y liền tươi ngay nét mặt, hỏi:
- Công tử có việc gì cần?
Nhìn người gia nhân già nua đang run rẩy trong cái buốt giá lạnh cóng của buổi mạnh đông, Nguyên Huân động lòng trắc ẩn, chàng thò tay vào túi, lấy ra thoi bạc chừng bốn, năm lượng đưa cho lão:
- Trời lạnh quá, lão cầm lấy uống rượu cho ấm!
Lão gia nhân trố mắt nhìn Nguyên Huân, đôi mắt mệt mỏi bỗng sáng lên:
- Công tử cho lão nhiều thế, lão thực áy náy lắm!
Tuy nói vậy nhưng bàn tay nhăn nheo đã cầm lấy thoi bạc nhanh như cắt.
- Xin lão trượng cho biết Thái công công đã về chưa?
Lão gia nhân nói:
- Công công đã về hồi hôm, chắc giờ còn đang ngủ. Mời công tử vào, tuyết xuống nhiều quá!
Dẫn Nguyên Huân vào một khách phòng rộng, lão rót nước mời chàng:
- Mời công tử dùng trà cho ấm!
Nguyên Huân nói:
- Nếu Thái công công đã thức, xin lão trượng bẩm với Thái công công là có người từ Hắc Mai Sơn ở Hàng Châu tới thăm!
Chỉ một lát sau, lão gia nhân bước ra cung kính:
- Thưa công tử, chủ nhân có lời mời.
Nguyên Huân đứng lên, đi theo người lão bộc, xuyên qua một hành lang rộng, đến một căn nhà xinh xắn; lão đẩy cửa bước vào ra dấu cho chàng đi theo. Người đàn ông có tuổi, không râu, tóc đã lốm đốm bạc, ngồi lọt trong chiếc ghế rộng, đôi mắt lim dim dưới hàng lông mày thưa, như còn ngái ngủ ; nhưng chàng bắt gặp, rất nhanh, một ánh tinh quang lóe lên rồi lại tắt ngay. Lão đứng dậy đón chàng, Nguyên Huân vòng tay thi lễ:
- Tại hạ họ Trần, xin được Thái công công tiếp kiến!
- Lão hủ chính là Thái Hòa đây ? Chẳng hay công tử gặp lão hủ này có chuyện gì vậy?
May mắn quá! Tại hạ từ Hắc Mai Sơn ở Hàng Châu ghé ngang đây, nghe Công công là người tâm phúc trong cung, nên có chút báu vật muốn bán vào cung. Chẳng hay Công công có giúp cho được không?
- Điều này có thể được, lấy ra thì khó thật, nhưng bán vào thì cũng dễ thôi!
"Lấy ra thì khó, bán vào thì dễ". Nguyên Huân biết lão lang tra hỏi mật khẩu chàng:
- "Báu vật tùy người mà đến", kẻ có phúc thì "không cầu cũng tới", "Vinh bất chiêu nhi tự lai, nhục bất trục nhi tú khứ".
(Cái vinh không cầu cũng tới, cái nhục không trục cũng đi).
Nguyên Huân đọc lời ở chương Hiếu Hạnh trong sách Thuyết Uyển.
- Nhưng công tử có báu vật gì ? "Sao bán đi mà không tiếc"?
- Tại hạ "Không còn phúc thì giữ làm sao được" vì " ngọc quý giống như mỹ nhân, không có đức thì nên họa". Món hàng của tại hạ gồm "Lam ngọc", "Uyên ương hồng bảo ngọc và " Ngũ Hành kỳ hỏa ngọc".
- Vậy thì đưa "Ngũ Hành kỳ đến đi!"
Nguyên Huân tươi cười ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, Thái Hòa công công nói:
- Hữu sứ vẫn mạnh chứ! Công tử có gì xin cứ nói.
- Tại hạ mới chia tay với Đại sư khoảng hai tháng nay, lão sư có việc cùng Ngô kỳ sứ đi Trường Bạch Đại sơn, có lẽ cũng sắp ghé Yên Kinh!
Nguyên Huân trình bày lý do mà chàng đến đây và những hành sự cần thiết của mình. Thái công công nghe xong, nói:
- Lão hủ coi về Ngự trù, tức là nơi nấu món ăn cho Nhà Vua, hàng tháng được ra phố để thanh toán tiền bạc với các nguồn cung cấp thực phẩm cho Hoàng cung. Thực ra lão hủ cũng có thể dàn cảnh để đưa công tử vào nội cung, nhưng chỉ có thể ở lại trong khuôn viên của nhà bếp, chứ không được đi lại tự do, vậy cũng chẳng giúp ích gì cho công từ. Vã lại, lão hủ đã theo Minh giáo gần bốn mươi năm nay, khi mới mười bảy, mười tám tuổi, được lệnh của Hữu sứ, làm người kề cận, giám sát và thu lượm tin tức từ khi Thành Tổ lên ngôi.
Trải qua mấy chục năm làm nghề Thái giám, phải hủy mình đi, thì còn tiếc tấm thân già này làm gì, chỉ e vì khinh xuất mà làm hỏng đại cuộc, chẳng làm trọn vai trò của mình. Nay leo lên đến chức Tổng Quản Ngự trù phòng cũng là điều đau lòng không ít; lão hủ giờ đã già, gia đình không có ai, có chết cũng chẳng quản; dẫu nguy hiểm thế nào, lão cũng cố gắng giúp cho công tử!
Vì công việc được giao, lão không dám để lộ tông tích. Nay công tử muốn biết sơ đồ của nội cung; tuy rằng sống trong cung đã lâu, nhưng từ Kim Lăng về Yên Kinh chưa đầy ba năm, nên lão cũng chưa nắm được sơ đồ, địa hình. Công tử ráng chờ lão dăm ba ngày, để lão còn có thì giờ phối kiểm mới được. Công tử nghĩ thế nào?
Nguyên Huân mừng rỡ đáp:
- Được lão anh hùng tận tình giúp đỡ như thế này, đến chết vãn bối cũng không quên ơn đức cao dày của Tôn giá!
Thái Hòa trầm ngâm nói:
- Công việc xâm nhập Hoàng thành rất nguy hiểm, kẻ tầm thường không thể nào làm nổi. Công tử chắc hẳn phải công lực phi phàm mới dám liều mình như thế! Hiện giờ quân Cấm vệ, Cẩm Y vệ canh giữ nội cung không dưới vạn người, Thánh Hoàng đi thân chinh cũng chỉ mang theo một nửa. Tất cả lực lượng còn lại trong tay Pháp Vương điều động, thêm một số cao thủ trợ lực. Không những thế, trong đạo quân Cẩm Y vệ, số cao thủ không phải là ít. Lúc này trời mưa tuyết, việc canh phòng cũng có phần lơi lỏng; lão sẽ cố gắng hoàn tất sơ đồ để công tử còn có thì giờ hành sự trong những đêm mưa tuyết, và áo quần dạ hành phải cho tiệp với màu trắng của tuyết, như vậy mới dễ ẩn thân được. ..
- Xin cảm ơn lão anh hùng đã chỉ dạy!
Tám ngày sau, chàng nhận được sơ đồ Hoàng thành và nội cung, do người lão bộc đưa tới:
- Lão Công công có dặn, công tử xem xong, nhớ cho kỹ rồi hủy ngay đi. Lão nô phải chờ cả một buổi mới gặp được công tử, không dám đường đột vào tửu lầu!
Nguyên Huân nhìn người lão bộc hóa trang lem luốc trong võ bọc một người bán than, chàng cảm động, tặng lão một thỏi vàng chừng bốn lạng, nói:
- Tại hạ xin cảm ơn lão trượng! Có chút đỉnh mong lão nhận cho. Đây không phải là sự tạ ơn, chỉ có chút tấm lòng nhỏ đấy thôi . . .
Người lão bộc rưng rưng nước mắt:
- Công tử cho lão hậu quá, lão không biết nói gì thêm được! Từ lâu lão chỉ ao ước cổ áo quan, bây giờ công tử đã chu tất cho!
Người lão bộc già nua vái chàng rồi quay đi.
Suốt hai ngày trời, Nguyên Huân nghiên cứu sơ đồ, đến khi nhắm mắt có thể hình dung được, chàng đốt sơ đồ; đợi đêm xuống, mặc bộ dạ hành, từ đầu đến chân đều trắng như tuyết Chàng nai nịt gọn gàng, mang theo những vật quý giá, đề phòng trường hợp biến động nào đó mà chàng không thể quay lại được. Đến cuối giờ Hợi, Nguyên Huân mở cửa sổ phóng ra ngoài.
Trăng mùng chín khuất trong cơn mưa tuyết dày đặc, những cánh tuyết rơi trong không gian như lông ngỗng. Kinh đô chìm trong im lặng, lạnh lẽo, buốt giá. Giờ này, ngoài chàng chắc không còn ai dám ló đầu ra khỏi nhà ; thỉnh thoảng chỉ còn nghe lẻ loi những tiếng trống cầm canh rời rạc vang lên trong đêm lạnh... Nguyên Huân xử dụng Hoán Ảnh thân pháp đến mức chót, thân ảnh như bóng mờ, lẫn vào màn đêm dày đặc loang loáng sáng mờ bởi từng đợt bông tuyết rơi theo từng cơn gió thổi mạnh... Đến chân Hoàng thành, chàng chọn một ngọn cây cao đang trĩu xuống dưới lớp tuyết dày nặng, ẩn mình nhìn vào...
Điện đài như bát úp, ẩn hiện lờ mờ sau màn tuyết rơi, thỉnh thoảng thấp thoáng ánh lửa, chàng đoán là do những người lính canh và tuần tra đốt lửa sưởi . Nguyên Huân phóng qua mặt thành như cơn gió thoảng, ẩn dưới tàn cây, rồi nhún người lên trên chục ba một thân cây lớn . Vừa lúc đó, toán quân tuần tiểu xách đèn lồng đi tới, chúng chụm vào nhau cho bớt lạnh. Có tiếng người trong đám:
- Lạnh buốt thế này, ở nhà rúc đầu vào nách vợ là nhất; nghĩ chẳng biết con vợ già đêm nay nó có chịu nằm một mình không?
- Con vợ ngươi già khú đế, đứa nào nó thèm thuồng mà ngươi sợ!
- Tôn huynh chẳng biết gì, nồi nào úp vung nấy chứ, chẳng nhẽ bà xã của tôn huynh mới đáng lo hay sao?
- Ta đã khóa chặt cửa rồi còn sợ gì!
Tiếng người thứ ba chen vào:
- Đàn bà mà đã muốn, dẫu có bỏ vào chai vào hủ, nó vẫn lăng nhăng được như thường!
Một đứa khác gắt:
- Lạnh chết mẹ mà còn nói nhăng cuội. Hừ? Đêm lạnh thế này, có ma nào dám mò đến mà tuần phòng. Tường cao, hào sâu, có đến tiên cũng chẳng lọt vào được!
Đợi cho toán tuần tra đi qua, Nguyên Huân định hướng, phóng vút đi. Chàng kiểm tra địa điểm toàn bộ, lọt vào đến nội cung, thân pháp như ảo ảnh. Chủ đích chàng đêm nay là thám sát, nhận định tình hình, việc tìm kiếm sẽ vào đêm khác.
Qua đêm thứ hai,trời cũng như đêm trước nên Nguyên Huân cũng lọt vào dễ dàng. Ngự Thư phòng nằm trong Thiên Cực cung; nơi này vì là chỗ Hoàng đế ngự, cho nên việc canh phòng cực kỳ cẩn mật, nhưng hiện nay, vì Hoàng đế đã thân chinh, do đó có phần lỏng lẻo, nhất là trong những đêm giá buốt như thế này. Nguyên Huân lọt vào không mấy khó khăn sau khi đã phải vượt qua bảy, tám vọng gác. Một lần, lúc phóng qua vọng gác thứ năm, chàng nghe một lính gác kêu lên với bạn:
- Quái lạ! Mày có nghe thấy cơn gió lạ không, bông tuyết bị cuốn đi như có trận cuồng phong, kỳ lạ thật?
- Mày thắc mắc làm gì? Trời đất nhiều lúc vẫn có những điều kỳ lạ!
- Tao phải để ý xem mới được, gió gì kỳ quái vậy!
Ngự Thư phòng nằm ở hướng đông nam Thiên Cực cung, đó là nơi Hoàng đế đọc sách, hoặc nghe quan Thị Giảng Đại Học sĩ giảng giải kinh, sách; nhưng đời Thái Tổ và Thành Tổ. lập Ngự Thư phòng cho có vẽ văn học, nhà Vua ít khi bước chân tới. Bởi vậy, quanh năm, cánh cửa sơn son thếp vàng, chạm trổ long phượng đóng im ỉm. Nguyên Huân nhảy lên cao, lựa chỗ, gỡ những thanh gỗ, chui vào.
Căn phòng rộng mênh mông, bốn phía là kệ sách. Có chủ tâm từ trước, chàng đã xin Qui Loan Cô Cô cho chàng hạt Dạ Minh Châu, viên ngọc quý xanh biếc, tỏa ánh sáng mờ ảo. Với thị lực của chàng, ánh sáng mờ ấy đủ cho chàng tìm thấy một chiếc kim dưới đất, và việc đi lại tìm kiếm trong Thư phòng cũng khó có ai phát giác.
Cả đêm, chàng lục tìm không để sót một nơi nào, đến nỗi trời đã sáng bạch mà chẳng hay. Biết mình không thể ra khỏi Thư phòng, ra khỏi cung cấm vào lúc ban ngày, Nguyên Huân nghĩ nhanh: "Hoàng đế đi chinh chiến, mà dẫu có ở nhà cũng không hề ghé vào đây, bởi những thư mục rõ ràng đã rất lâu không có dấu đụng tới, nhưng bằng vào việc các kệ sách, bàn ghế sạch sẽ, không một hạt bụi; những kẻ quét dọn vẫn vào đây làm bổn phận hàng ngày, la phải tìm chỗ ẩn thân mới được!"
Chàng đưa mắt nhìn quanh. Không một chỗ ẩn mình. San sát nhau chỉ toàn là kệ sách kê đến sát xà ngang; và cũng vì thế Nguyên Huân tìm thấy nơi ẩn thân cực tết: một thanh xà ngang cực lớn, hình khối chữ nhật, nằm vắt ngang chính giữa trần phòng cao, bề mặt dày đến ba gang tay đủ cho một người nằm, ở dưới dẫu cho có nhìn lên cũng không thể trông thấy được. Nguyên Huân tung người nhẹ nhàng nhảy lên, một lớp bụi lả tả từ phiến gỗ rơi xuống; chàng nằm sấp xuống dọc theo. thanh xà, đưa mắt nhìn sang kệ sách, và, đôi mắt chàng bỗng sáng lên, chú ý nhìn phía trên kệ sách. Kê sát tường, là một chiếc tủ nhỏ, mà nếu vô tình không để ý, đứng dưới đất, hoặc dù có trèo lên cao cũng không thấy được. Trên cánh tủ sơn son, bốn chữ vàng lộng lẫy: "Thái Tổ Di Vật", Nguyên Huân với tay, vừa đủ chạm cánh tủ, cánh tủ không khóa, theo bàn tay chàng, mở ra, cùng lúc chàng nghĩ thầm: "Di vật của Thái Tổ tại sao lại để tại chốn này, đáng lẽ phải để nơi điện thờ mới phải !"
Chàng có biết đâu rằng, khi mới dời đô, Thành Tổ không muốn bất cứ ai, bất cứ vị Thân Vương nào nhìn thấy những di vật này, vì có những điều bất tiện, mà từ khi lên ngôi, chính vì quá khứ của Thái Tổ, Thành Tổ đã mang mặc cảm, cái mặc cảm khó chịu nhất của con người là mặc cảm tự ti. Khi vua Thái Tổ băng hà, lập Hoàng tôn là Kiến Văn, con của trưởng Thái tử Chu Nguyên Tiêu đã chết. Kiến Văn ham thích văn chương, cho rằng nguồn gốc xuất thân của Thái Tổ là một điều đáng quý trọng, vì từ đó, đã nói lên được rằng có phúc trạch rất lớn. Từ trong cửa Phật bước ra là gồm thâu thiên hạ, đó chẳng phải là mệnh trời sao, nên gom góp những di vật của Thái Tổ, cất giữ trong điện thờ. Đến khi Thành Tổ cướp ngôi của cháu. Thành Tổ vốn là con thứ của Thái Tổ, không ưa văn học, chỉ thích võ công, vì vậy, tuy không dám hủy di vật của cha, nhưng chẳng muốn một ai biết tới, mới đem cất dấu ở Ngự Thư phòng.
Nguyên Huân thấy trong đó: Một bộ áo cà sa đã cũ, một đôi dép bằng da trâu, một chuỗi hạt bồ đề, một chiếc mũ ni bằng len màu nâu đã rách tổ chở, và trong số di vật ít ỏi kia, một cuốn sách, một cuốn sách khá dày, bìa bằng loại da mềm, màu đen.
Mở vào trong, giấy sách đã ố vàng, nhưng chữ còn đọc rõ. Trang đầu ghi bốn chữ: " Vũ .. . Di Thư , chữ thứ hai đã bị mối gậm nhấm, nhưng Nguyên Huân nhận ra ngay, đó là cuốn Vũ Mục Di Thư của Nhạc Phi, một báu vật truyền đời của Nga Mi phái mà mấy chục năm nay Tâm Hư sư thái đã tốn bao nhiêu công phu tìm kiếm. Cuốn sách này trước đây Trương Vô Kỵ, Giáo chủ Minh giáo trao cho Từ Đạt dùng để đánh đuổi quân Nguyên Mông, khi đại sự đã thành, Thái Tổ êen ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Hồng Võ để nhớ đến Hỏa giáo, vốn là khởi thủy của Minh giáo, đồng thời thu hồi Vũ Mục Di Thư lại, sợ lọt vào tay người khác.
Nguyên Huân vội thu lấy quyển sách quý cất giấu vào người, khép lại cánh tủ, vừa lúc nghe tiếng cửa phòng mở.
Đó là những Thái giám vào làm công việc lau dọn Ngự Thư phòng. Họ lăng xăng quét lau có vẻ vội vàng, khẩn cấp. Một người nói:
- Hôm nay Thiên tuế thanh sát tất cả nội, ngoại Hoàng cung; nghe đâu Thánh thượng sắp sửa hồi loan?
- Trước đây Khẩu Phúc mang quân chinh di, đánh trận nào bại vong trận nấy. Từ ngày Thánh thượng xuất chinh, đánh luôn chín trận, thắng cả chín; đuổi con cháu Thuận đế đến tận Hưng An, bọn chúng phải chạy trốn khỏi vùng thảo nguyên Hắc Long Giang.
- Nhưng bọn chúng quay lại mấy hồi! Theo ý ta, Thánh thượng chưa thể hồi loan ngay được, còn phải làm cho con cháu Bản Nhã Thất Ly và A Lỗ Đài tuyệt đường quật khởi, mới ổn định được phía Bắc lâu dài được. Nếu có trở về, ít ra cũng phải một, hai năm nữa!
- Ôi thôi, chuyện đó không phải việc chúng ta lo, các người bảo quét cứ quét, bảo dọn, cứ dọn, đừng có vớ vẩn già non, chết không kịp ngáp!
Bọn Thái giám làm công việc rất nhanh rồi rút lui. Nguyên Huân trong dạ vừa buồn phiền, vừa mừng rỡ. Lúc thấy quyển sách bìa đen, chàng những tướng tình cờ tìm thấy được báu vật của Tổ tiên, không ngờ lại là của Nga Mi phái, nhưng dù sao, chàng cũng hiểu rằng, khi quân Minh kéo sang Đại Việt, thì ngày ấy Thái Tổ đã băng hà, nên việc gom thu sách vở tài vật nhân tài của nước Nam, chắc chắn không do lệnh của Thái Tổ.
Khoảng đầu giờ Tỵ, cửa Ngự Thư phòng lại mở, Nguyên Huân ghé mắt nhìn xuống. Bọn Thái giám hàng Tổng Quản bao quanh một người tướng mạo phương phi, khoảng trên bốn mươi, dáng người cao lớn, ăn mặc theo phẩm phục Vương gia, nhìn bao quát khắp phòng, người này lên tiếng hỏi:
- Ngự Thư phòng gồm tất cả bao nhiêu quyển sách?
Một viên Thái giám kính cẩn thưa:
- Khải trình Thiên tuế, số sách tại nơi đây gồm đủ loại, do quan Đại Học sĩ Thị Giảng lựa chọn. Theo thống kê, gồm một vạn bốn ngàn tám trăm quyển, ngoài ra còn lưu trữ chế biểu dưới triều Thái Tổ!
Nguyên Huân dự đoán người này có lẽ là Nhiếp Chính Thành Vương Thoán, y bước đến chiếc long kỷ kê trên bục cao, bên cạnh chiếc bàn chân quỳ Long Ly Quy Phượng hình chữ nhật, hai đầu uốn cong, trên để văn phòng tứ bảo toan ngồi xuống, nhưng nghĩ sao lại thôi. Y nhìn quanh một lúc rồi nói:
- Thánh thượng rất ít khi ghé nơi đây, phải không?
- Bẩm vâng!
Viên Thái giám Tổng Quản đáp.
- Người ít khi đến đây, chỉ có dám lần từ ngày dời đô đến nay!
- Bẩm Thiên tuế! Theo trong thư mục thì đủ mọi loại, không thiếu một loại nào, được tuyển lựa từ Thư khố đem đến theo lệnh của quan Thị Giảng!
Thành Vương Thoán ngửa mặt nhìn lên nói:
- Các người phải cho quét dọn luôn luôn mới được, ngay cả trên các xà ngang nữa, lâu bụi đóng, gặp cơn gió lùa, bụi rơi xuống lúc ngài Ngự đang nghe giảng sách thì khổ thân cho các người đấy!
- Bẩm vâng, nội trong ngày nay hạ thần cho người quét dọn liền!
- Thôi được! ấy là ta nói vậy, để đến mai, mốt làm cũng không muộn!
Nói xong, y vội vã bước ra, bọn Thái giám theo sau. Cửa Ngự Thư phòng đóng lại. Nguyên Huân hồi hộp suốt một ngày dài. Ví thử bọn Thái giám, ngày hôm nay đến tổng vệ Ninh toàn bộ trên nóc và đà ngang, chàng không biết sẽ đối phó ra sao? Mãi đến chiều tối, chàng mới yên tâm, và cho cho đến đầu giờ Hợi, chàng lại tìm tòi lục soát cho đến gần sáng, nhưng không thấy dấu vết gì về Vạn Kiếp Bí Truyền. Chàng cũng tìm thấy quyển Thư mục dày cộp, xem từ đầu, vẫn không thấy được điều chàng muốn kiếm..
Ra khỏi Hoàng thành, và về đến tửu lầu, trời bắt đầu sáng; lòng buồn chán và thất vọng, Nguyên Huân lăn mình ra giường, đầu óc căng thẳng với bao ý nghĩ, bao nhiêu dự đoán, rồi chìm đi trong giấc ngủ mệt mỏi.
Nguyên Huân thức giấc vào khoảng giờ Ngọ. Nghe tiếng gõ cửa, chàng bước ra mở, A Thực bước vào rụt rè hỏi:
- Cả ngày hôm qua không thấy công tử ra dùng cơm, đêm qua tiểu nhân gõ cửa cũng không thấy động tỉnh, cửa trong lại cài kỷ. Sáng nay lại chẳng thấy công tử điểm tâm, tiểu nhân định gõ cửa lần này, nếu không thấy công tử lên tiếng, e rằng có điều không hay xảy ra, sẽ phá cửa mà vào. Công tử làm sao vậy?
- Hôm qua ta bị cảm nằm mê mệt, không hay biết gì, sáng nay mới thấy bớt !
- Chết, lao công tử không gọi tiểu nhân để rước thầy lang!
- Cảm ơn A Thực, ta không sao cả, giờ đã bớt nhiều rồi; cho ta ăn cơm trong phòng này nhé!
- Công tử dùng cháo nhé?
- Không cần, ta dùng cơm bình thường như mọi bữa!
- Trời lạnh quá, công tử có cần đốt lò sưởi cho bớt lạnh không?
Nguyên Huân dịu dàng nói:
- Không! Cảm ơn A Thực, ta chịu lạnh quen rồi. Ta dặn riêng ngươi điều này, giữ kín nhé; ta có việc riêng, nên có thể ra đi bất chợt, bất cứ lúc nào. Tiền phòng ta đã trả trước cả tháng, nếu trong hai ngày, ngươi không thấy ta ra dùng cơm, hoặc không gọi gì, ngươi cứ cầm chìa khóa này và mở cửa. Đồ đạc còn lại ngươi giữ dùm ta, và ngươi báo cho chủ nhân là ta đã trả phòng nhé!
A Thực nhìn chàng tò mò, nhưng không dám hỏi:
- Vâng, thưa công tử, tiểu nhân sẽ làm đúng những gì công tử dặn dò!
- A Thực, đây là chút tiền bạc trả công cho A Thực những ngày ta ở đây. Nếu lúc ta đi không gặp, một ngày nào đó ta sẽ trở lại!
- Tiểu nhân xin đội ơn công tử!
- A Thực, bây giờ dọn cơm cho ta, lẹ lên nhé; ta đói lắm rồi đấy!
Vậy là chỉ còn một địa điểm nữa là nơi có thể hy vọng, đó
là Thư khố. Mỗi ngày qua đi, Nguyên Huân càng thấy niềm hy vọng ấy vơi dần. Nếu Vạn Kiếp Bí Truyền không được cất giấu ở Thư khố, chàng sẽ phải tìm kiếm ở nơi nào đây! Đáy bể mò kim. Nếu chàng không tìm lại được di vật của Tổ tiên, chàng sẽ chẳng bao giờ quay về Tổ quốc nữa; chỉ nghĩ đến quãng đời tha phương đằng đẳng, lòng chàng quặn đau.
Cơm nước xong, chàng ra phố. Tuyết đã ngừng rơi, nhưng mật trời bị che lấp sau lớp mây xám nặng nề . Phố xá lác đác người qua lại, co ro trong những tấm áo lạnh. Nguyên Huân nhắm hướng Sơn Quang Tự tiến bước. Đến nơi, chàng có thời giờ nhìn ngắm quang cảnh ngôi cổ tự dưới bóng nắng nhạt. Ngôi chùa cổ được xây dựng trên một ngọn đồi thấp, phía Bắc thành. Phong cảnh u nhàn, tịch mịch, ẩn dưới những hăng thông già, cành lá còn trĩu nặng dưới lớp tuyết phủ. Con đường dẫn lên cổng tam quan được lát bằng đá tảng. Từ chân đồi, những bậc đá rêu phong dẫn đến cổng chùa, hai bên là những hàng tùng bách cổ thụ nhởn nhơ trong những lớp tuyết lạnh.
Chàng ngồi xuống trên một tảng đá dưới gốc tùng già, trong lòng chàng, không dưng nhen nhúm một niềm vui êm à, thấy như dịu đi những cảm giác chán chường, vô vọng. Chàng không tin rằng Vạn Kiếp Bí Truyền lại có thể cất giấu ở Thư khố, nơi chàng hy vọng nhất là Ngự Thư phòng, nhưng đã không tìm được. Trời đất bao la, chàng biết tìm ở nơi nào? Bỗng nhiên, chàng nghĩ: Di vật đang nằm trong tay Dương Tiêu, xâm nhập vào Ngự Thư phòng thì dễ, nhưng đoạt được từ trong tay Dương Tiêu thì trăm lần khó khăn. Chàng hoạch định trong đầu trăm phương ngàn kế, nhưng chẳng thấy kế nào thực hiện có kết quả nếu tiếp cận được Dương Tiêu, Nguyên Huân tự nhủ : Dẫu sao ta cũng phải lục soát Thư khố mới được, biết đâu!
Phải, biết đâu, nơi tưởng rằng có thì hóa không, nơi tưởng rằng không lại hóa có. Đầu óc chàng suy nghĩ miên man, cho đến lúc nhận ra tiếng bước chân người đi tới.
- Trần thí chủ sao lại ngồi đây?
Trước mặt chàng là Tâm Hư sư thái, Nguyên Huân đứng bật dậy:
- Vãn bối mãi nghĩ ngợi nên không biết Sư thái đến!
- Thân thủ võ công đến mức như thí chủ, mà người đến gần chẳng hay; chắc thí chủ đang có điều phiền não?
- Vãn bối quả thật có điều bận tâm. Sư thái đi đâu vậy?
- Bần ni đang định đi tìm gặp thí chủ, thì thí chủ đã tới đây Xin vào trong chùa!
Nguyên Huân theo chân Sư thái. Tâm Hư hỏi:
- Thí chủ đến gặp bần ni có điều gì hệ trọng không?
Nguyên Huân lấy trong người ra cuốn sách bìa đen, hai tay đưa lên:
- Vãn bối đã tìm được Di Thư cho Sư thái!
Tâm Hư mừng rỡ cầm lấy cuốn sách, mở xem vài trang; bà ôm vào ngực và nhắm mắt, từ hai khóe mắt, hai dòng lệ lăn dài... Một lúc sau, Sư thái mở mắt, giọng bà xúc động:
- Thí chủ đã ban cho bần ni và Nga Mi phái một niềm vui vô giá, bần ni không biết lấy gì đền đáp công ơn trời biển này cho đủ, chỉ biết xin Trời Phật phù trì cho thí chủ được mọi điều an lạc!
Nguyên Huân nói:
- Xin Sư thái đừng nói thế, chẳng qua chỉ là nhân tiện đó thôi!
Nói xong chàng kể tất cả những việc đã trải qua trong hai ngày đêm, lục tìm trong Ngự Thư phòng, cùng nổi tuyệt vọng của mình. Tâm Hư sư thái an ủi:
- Trời Phật chẳng phụ lòng người, xin thí chủ chớ phiền não, biết đâu thí chủ chẳng tìm thấy di vật Tổ tiên trong lúc tình cờ nhất; tất cả mọi điều đều có căn duyên cả!
Thở dài, bà tiếp:
- Thật sự ra, đối với bản thân của bần ni, Vũ Mục Di Thư, hay bất cứ một cái gì, chẳng có gì để bần ni bận tâm đến, nhưng vì đó là di vật của Tổ sư bản phái. Cũng bởi những việc như thế, có khi uổng phí cả một đời người. Trong bốn lời thề kia, ba mươi năm mới hoàn thành được một nửa. Còn Đồ Long đao và ỷ Thiên kiếm giờ vẫn chưa biết lưu lạc nơi nào? Có khi cho đến chết, cũng không hoàn thành được tâm nguyện của ân sư!
Nguyên Huân chợt nhớ:
- Tại hạ có lần được nghe, Đồ Long đã được hàn lại, Ỷ thiên vẫn gãy rời, chắc hẳn nằm trong tay của Giáo chủ Minh giáo!
- Đúng vậy! Bần ni biết điều đó, nên hơn ba mươi năm nay, bần ni vẫn truy tầm tông tích của Trương Giáo chủ, và người vẫn tuyệt tích...
Nguyên Huân nói như reo:
- Vãn bối có được nghe Kiến Nghiệp đại sư nói là đã tìm được nơi ẩn cư của Trương Giáo chủ . Việc này Sư thái không biết sao?
Tâm Hư sư thái giật mình:
- Thí chủ có biết hiện giờ...Trương Giáo chủ ẩn cư tại đâu không?
- Vãn bối không được rõ, chỉ biết Đại sư và Ngô kỳ sứ tìm lên Trường Bạch Đại Sơn, Đại sư có nói sẽ trở về Yên Kinh vào đầu tháng chạp!
- Hôm nay đã gần hết nửa tháng chạp rồi, bần ni phải đi tìm Đại sư mới được. Trần thí chủ, thí chủ có định tìm kiếm thêm trong Thư khố không?
- Dù có dù không, vãn bối cũng phải lục soát cho thật kỹ mới yên lòng được!
- Thí chủ phải thận trọng!
- Vâng, thưa Sư thái, vãn bối vâng theo lời dặn!
Đêm hôm đó, Nguyên Huân lại vượt thành vào Hoàng cung và đến Thư khố. Chàng kiểm soát tất cả, công văn, giấy tờ... Cách sắp xếp ở đây không được thứ tự như ở Ngự Thư phòng, nên việc tìm kiếm thật phức tạp, khó khăn. Và trong ba đêm tiếp theo, chàng cố gắng tra cứu thư mục, lục lọi không bỏ sót chỗ nào, nhưng tuyệt nhiên không hề thấy tăm tích Vạn Kiếp Bí Truyền. Qua đêm thứ tư, tuyết rơi nhiều hơn mấy đêm trước, chàng yên tâm ra đi. Sau khi vượt qua thành, Nguyên Huân đi về hướng Tây Bắc. Những dãy nhà san sát nhau, nơi làm việc của các bộ. Có ba dãy nhà chứa sách vở, công văn giấy tờ, các biểu chương lưu trữ.
Nguyên Huân vừa đặt chân lên bậc thềm Thư khố, một tiếng pháo bỗng nổ vang trời, và đèn đuốc thắp chiếu sáng rực chung quanh khu vực chàng đang đứng. Tiếng trống nổi lên inh tai, tiếng la hét vang lừng, khu dân cư ở sát chân Hoàng thành giật mình thức dậy, nhìn nhau nghi hoặc...
Nguyên do của sự phát hiện nay, cũng do từ sự sơ ý của Nguyên Huân. Trong lúc lục soát, chàng đã vô tình làm xô lệch sách vở, mất dấu niêm phong. Viên Thủ thư phát hiện ra điều bất thường, bèn trình lên Thông Chính ty, việc điều tra được mở ra khẩn cấp. Tất cả bọn quân canh trong những đêm qua đều bị tra hỏi, một tên lính gác đêm khai báo, một lần y đã từng thắc mắc về luồng quái phong mãnh liệt lướt nhanh qua, xoáy mạnh những bông hoa tuyết như có sức hút...
Mọi sự, được trình lên Dương Vương, người đảm trách vấn đề an ninh của Triều đình và Hoàng tộc. Dương Vương biết ngay, một nhân vật giang hồ thượng thừa đã xâm nhập Hoàng thành, và mục đích là tìm kiếm điều gì đấy trong các Thư khố đồng thời quan Chưởng Ngự Thư phòng cũng báo lên, có dấu vết cạy phá trên trần phòng. Nhưng sau một ngày khẩn trương để kiểm kê lại toàn bộ cả hai nơi, không thấy mất mát gì, Dương Vương đi đến nhận xét, là gian phi chưa đạt được mục đích, có thể sẽ còn quay lại. ông điều động một số cao thủ của Thất Sát đoàn và ba ngàn Cẩm Y Vệ phục kích, bao vây kín mít khu vực.
Biết đã bị phát hiện, và sa vào ổ phục kích như tường đồng vách sắt của quân Triều đình, Nguyên Huân bình tĩnh, chàng tung người lên mái điện. Ngay lập tức khi vừa đặt chân xuống, chàng nghe tiếng phèn la gióng lên, từ bốn phía, hăng ngàn mũi tên nhắm chàng bay tới như mưa. Nguyên Huân vội xử dụng Vân Hà Tỏa Kiếm phá tiễn thức, một luồng ánh sáng lấp lánh rít lên, kiếm quang như một giải lụa bạch vây kín người chàng. Từng đợt tên lao đến, gặp bức tường kiếm khí đánh tạt ra, tên rơi lả tả..
Hơi nóng của hàng trăm ngọn đuốc làm khí lạnh ấm dần; tuyết tan, tỏa như hơi sương, như cơn mưa bụi, cháy xèo xèo trên những thân đuốc lớn... Vòng vây trùng trùng. Toán quân hộ thành cũng được điều động đến, càng lúc càng đông, vây hãm chàng như nêm, tưởng rằng dẫu chim muông, cái kiến cũng khó lòng thoát khỏi hãm địa.
Đứng ở trên cao bất lợi, Nguyên Huân tỏa rộng đường kiếm, đánh văng những mũi tên dạt ra bốn hướng, có nhiều mũi tên bị kiếm đánh bật ngược. phóng thẳng về phía lớp quân lính đứng vây như nêm cối, nhiều tên không tránh được, bị trúng tên, rú lên ngã lăn ra đất. Lợi dụng cơ hội, Nguyên Huân tung mình nhảy xuống, toan phá trùng vây để thoát thân...
Những tên Thị vệ hung hãn, mong lập công, lao vào chàng. Nguyên Huân hiển lộ thần uy, múa Bạch hạc kiếm, tiếng rít như lụa xé, những thây người gục ngã... Nhìn thấy cảnh máu đổ đầu rơi dưới tay mình, Nguyên Huân hết sức đau lòng, những chàng chẳng còn phương cách nào khác, ngoài sự chém giết để đột phá trùng vây. Chàng như mãnh hổ giữa đàn dê, như cánh thần ưng trước bầy chim sẻ. Lớp tuyết trên sân đã biến thành màu hồng, nhưng chiếc áo khinh cừu trên người chàng không một giọt máu vấy. Nguyên Huân đánh dồn về mặt Nam, lớp Cẩm Y Vệ dạt ra, trùng trùng như sóng cuộn. Chúng không cản nổi chàng, nhưng tiếng la hét đốc thúc, tiếng thị uy, như muốn đè bẹp tinh thần kẻ địch thủ ngoan cố.
Giữa lúc chưa thể tìm được một lối thoát, mà để đến lúc trời sáng sẽ càng bất lợi; trước mặt chàng, bảy bóng người vùn vụt lao xuống như bảy con chim ưng, lần lượt trước sau, đã đứng dàn ngang giữa khoảng cách chàng và bọn quân binh Thị vệ. Nhìn thân pháp bọn này, Nguyên Huân biết ngay đó là các cao thủ số một của Thất Sát đoàn lâm chiến. Và cùng một lúc, không hiểu vì sao, có lửa bốc cháy tại phía Tây Hoàng thành, ngay khu vực Võ Hiển điện; ngọn lửa có vẻ cháy nhanh, vì khói đã bốc lên cuồn cuộn. Tiếng kêu cứu chữa cháy vang dội một góc trời, tiếng phèng la, tiếng trống ngũ liên đùng đùng như sấm dậy, hơi nóng ngùn ngụt bốc lên, tuyết bỗng dưng biến mất.
Bảy cao thủ của toán Thất Sát vừa nhảy vào trận địa, chúng lập ngay Thất Tinh trận pháp, vòng vây bủa lấy Nguyên Huân, và bảy thanh trường kiếm, chiếu theo bộ vị các tử huyệt trên người chàng, đánh ra cùng một lúc. Bảy mũi kiếm loang loáng như sao sa, rồi đột biến thành trăm vạn bông hoa dưới ánh sáng của những ngọn đuốc, mũi kiếm chưa đến mà nội lực đã tràn như thác.
Không dám khinh xuất, Nguyên Huân vận toàn bộ nội gia chân khí của Tiên Thiên Công, phối hợp với Hỏa Vân Công, chân đạp vào bộ vị cửu cung, xử dụng Hoán Ảnh thân pháp, đường kiếm Bạch Hạc lóe lên, thân hình chàng mờ đi như sương khói, theo lẽ sinh khắc của Thất Tinh trận, khống chế không cho trận pháp Thất Tinh phát huy uy lực.
Biết gặp phải tay đại địch, bảy tên cao thủ Thất Sát giở hết toàn bộ tuyệt học mong áp đảo, nhưng lạ thay, càng lúc chúng càng cảm thấy hơi thở trở nên khó khăn, một luồng kình lực phản chấn mạnh như di sơn, đảo hải đè nặng lên bảy mũi kiếm như một áp lực không rời... Đột ngột, Nguyên Huân hét lớn, thanh Bạch Hạc như chớp giật, đánh ra một lúc hai mươi tám thế kiếm liên hoàn cực độc, nhằm vào bảy thân thủ vây quanh mình. Nhũng tiếng thét đau đớn, rùng rợn vang lên. Ba tên đã bị trúng kiếm. Lập tức thế trận rối loạn. Nhưng dường như ngay lập tức, một toán bảy tên khác lao vào, bao vây tấn công chàng không dứt; lớp đến sau võ công thâm hậu hơn toán trước, và cứ thế, chúng liên tục tấn công chàng đến lớp toán thứ sáu. Sáu lần phá tan Thất Tinh kiếm trận, Nguyên Huân giết chết mười bảy tên cao thủ.
Nguyên Huân biết không thể kéo dài được nữa. Đến lúc toán thứ bảy của Thất Tinh trận vừa nhảy vào, chúng chưa kịp hình thành thế trận, chàng cướp vội tiên cơ, tung mình vọt lên như pháo; thoáng như bóng mờ, chân chàng điểm trên đầu những ngọn giáo, trên những chỏm mũ của bọn lính Cẩm Y, lao vút về phía Nam như vệt khói, vượt khỏi trùng vây...
Chạy đến một khu đất trống dưới chân một bức tường cao, chàng phóng mình toan vượt qua tường, Nguyên Huân bỗng cảm thấy sau lưng mình một luồng kình lực cực kỳ mãnh liệt và lạnh buốt hơn băng tuyết ập đến. Không kịp suy nghĩ, chần chờ, chàng vận dụng Cửu Dương, Hỏa Vân Công đánh tạt nghiêng một chưởng. Một tiếng "Bùng" vang lên, thân hình Nguyên Huân bị đánh tung ngược trở lại, cánh tay chàng tê dại, chân khí trong cơ thể nhộn nhạo không ngừng; chàng lộn thêm một vòng để hóa giải luồng kình khí và đặt chân xuống đất...
Trước mặt chàng là một người mặc bộ đồ trắng, thân thể cao lớn, giữa ngực áo thêu một ngọn lửa đỏ, tay trái đeo găng trắng, tuổi chừng trên bảy mươi, da mặt hồng hào, râu năm chòm đen nhánh; ánh mắt loang loáng xanh rờn. Tay không vũ khí, buông thỏng hai bên sườn, miệng quát:
- Tiểu tử! Mi là ai mà lại biết " Điêu Phong thân pháp" nhà họ Dương? Nói mau!
Tuy không biết mặt, nhưng bằng vào võ công, và là kẻ đã ngay lập tức nhận ra Điêu Phong thân pháp, Nguyên Huân biết . không thể có ai khác hơn, người đứng trước chàng chính là Quang Minh Dương Vương, là Pháp Vương của Thành Tổ nhà Đại Minh, là kẻ đứng đầu mọi thế lực đen tối, đứng đầu của mọi tội ác, và là nhân vật có võ công kỳ tuyệt thiên hạ.
Nguyên Huân không lên tiếng trả lời, bởi mắt chàng đang dán chặt vào bàn tay trái mang găng của y; bàn tay đủ năm ngón. Nguyên Huân trong bụng phân vân... Nếu người này là hung thủ thảm sát gia đình chàng năm xưa, thì bàn tay trái chỉ còn lại hai ngón, ngón trỏ và ngón cái. Nhưng tại sao y lại mang găng, trong khi bàn tay phải lại để trần! Chàng chợt hiểu ngay, không cần phải suy đoán: bàn tay trái đủ năm, vì có ba ngón giả, và y mang găng để che giấu.
Giáp mặt, nhìn tận mặt kẻ thù trong lúc không ngờ nhất, ruột gan chàng bỗng đau như dao cắt, mối hận thù bốc lên ngút trời, Nguyên Huân thét lớn:
Tên họ Tiêu khốn kiếp kia, ngươi không cần biết ta là
ai, chỉ biết hôm nay ta liều chết với ngươi...
Dương Tiêu giật mình kinh hãi. Không một ai trên thế gian này biết được tông tích của hắn, vốn là họ Tiêu của dân tộc Khiết Đan. Tên tiểu tử này là ai, vào lục soát, tìm kiếm gì trong Ngự Thư phòng và Thư khố, và vừa chạm mặt, hắn lại biết ngay được bí mật lai lịch thân thế của y. Chắc chắn tiểu tử này phải có liên hệ đến một người nào đó biết rõ về y Người đó là ai mà thông thuộc cả thân pháp " Điêu Phong" của nhà họ Dương, và cũng là thân pháp của chính y?! Do sự phân tâm ấy, nên Dương Tiêu nhất thời không khám phá ngay được tên thiếu niên đứng trước mặt y là ai.
Nhìn nét mặt y, Nguyên Huân nghĩ vội, nếu ta xử dụng Kiếm pháp, y có thể nhận ra lai lịch ta một cách dễ dàng, điều này ta cần phải che giấu. Nghĩ thế Nguyên Huân tra kiếm vào vỏ.
Dương Tiêu trầm giọng:
- Tiểu tử, ngươi xâm nhập Ngự Thư phòng có mưu đồ gì, lập tức nói ngay. Ta sẽ vì đức hiếu sinh mà cho ngươi được chết toàn thây! Ngươi là ai, từ đâu tới?
Nguyên Huân như đổ thêm dầu vào lửa:
- Ta đã nói, ngươi chẳng cần biết ta là ai, điều duy nhất, họ Tiêu kia, ta chỉ cần lấy cái mạng của ngươi!
Nguyên Huân biết rằng, trong giờ phút này, nếu chàng để sự căm giận phát tác, nó sẽ đồng nghĩa với cái chết. Chàng hít một hơi dài, tự dặn mình phải lấy lại sự bình tĩnh, sáng suốt Đối diện với chàng là một địch thủ tối thượng về võ công, thiên hạ võ lâm úy kỵ... Chàng vận dụng toàn bộ chân khí vào đơn điền, tâm lặng như chân không, lòng như biển rộng, bát mạch mở ra như trường giang, Tinh, Khí, Thần hợp nhất. Và lòng chàng như trống không, không buồn lo, không giận hờn, không yêu thương, căm ghét...
Thế Đại định đã đạt, Tam Hoa tụ về đỉnh; Thần lực phát sinh. Bàn tay chàng để hững hờ trên ngực, Tiên Thiên công, Tam Hóa Nhật Nguyệt thần công đã vận dụng đến mức chót. Một cảm giác hưng phấn nở tràn, nhẹ nhàng, phiêu diêu như một cánh bướm vờn trên đài hoa một sáng xuân hồng...
Dương Tiêu nhìn thấy thần khí của chàng thanh niên lạ mặt. Trong suốt cuộc đời ông cho đến ngày hôm nay, duy nhất chỉ có mỗi một người làm cho ông úy kỵ, đó là Giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ. Nhưng đã trên ba mươi năm nay, Trương Giáo chủ tuyệt tích giang hồ, không biết sống chết ra sao! Cả võ lâm thiên hạ, không còn ai là tay đối thủ.
Hôm nay, ông gặp người thiếu niên này là duy nhất, trong lúc bất thần, đã tránh thoát được Hàn Ngọc âm chường, môn võ công âm nhu tuyệt độc của ông, một điều khiến ông không ngờ được, hắn còn xử dụng thân pháp của nhà họ Dương ở Chung Sơn, và nhất là hắn biết rõ cả nhân thân ông.
Tuy nhiên, gã trẻ tuổi này, công lực và hỏa hầu chưa đủ, nhưng nếu để đến mai sau, tất sinh hiểm họa. Trong lòng nổi sát cơ, ông quyết giết cho bằng được gã này để diệt trừ hậu họa. Do đó Dương Tiêu không bận tâm nghĩ đến vai vế và khí cốt giang hồ, ông vận hết mười thành chân lực của Hàn Ngọc âm chưởng, phất tay tấn công.
Nguyên Huân chợt thấy bóng Dương Tiêu chợt mờ đi như ảo ảnh, mờ đi như áng mây tan, thì một luồng âm hàn buốt lạnh hơn băng tuyết ập đến, bóng chưởng trùng trùng. . .
Nguyên Huân lòng lặng như mặt nước hồ, chàng vận Tiên Thiên công và Nhật Nguyệt Tam Hóa thần công, là hai công phu thuần dương, phản công tức khắc. Từ đầu ngón trỏ, kình khí vụt thoát ra, thoắt biến thành trăm ngàn chỉ phong, tấn công vào các huyệt đạo trên người Dương Tiêu. Dương Tiêu bị Nhất Dương Chỉ phản công, kình khí như mũi nhọn khoan núi, cùng lúc Nhật Nguyệt Tam Hóa thần công hóa giải, luồng âm hàn lập tức phân tán, tan hòa vào khí lạnh của trời đất thiên nhiên. Dương Tiêu hoảng hồn, ông không dám coi thường được nữa, ông tự hỏi "không biết gã tiểu tử này có xuất xứ từ đâu, mà xử dụng thuần thục được cả võ công của Đoàn Nam đế khi xưa, cũng là một tuyệt học của nước Đại Lý, từng làm khiếp đảm Tây Độc Âu Dương Phong, cách nay gần hai trăm năm. ông biết, nếu đêm nay, ông không giết được gã thiếu niên này, thì mai sau, chính ông sẽ bị giết chết bởi bàn tay y. ý nghĩ ấy càng khiến ông quyết tâm tận sát cho bằng được Nguyên Huân, hai lòng bàn tay từ màu đỏ tía của âm chướng biến dần sang tím bầm, chiêu sát thủ tận tuyệt.
Kình lực của Hàn Ngọc âm chưởng tỏa ra lạnh buốt tạo nên một điều kỳ dị. Phía Dương Tiêu, tuyết rơi xuống mỗi lúc một dày, chỗ Nguyên Huân tịnh không một bông tuyết. Lúc đầu, chàng có thể phản công, nhưng càng về sau, chàng biết mình đã !âm vào tuyệt lộ, khó lòng thoát khỏi cái chết; chàng giở hết bình sinh sở học để cầm cự, dùng Hoán Ảnh và Điêu Phong thân pháp, luồn lách trong bóng hàn chướng chập chùng, xử dụng toàn chiêu độc thủ để đối phó: "Ta chết, mi cũng chết", chuyện sống chết để ngoài tai...
Hai môn công phu thuần dương chàng đã vận đến độ chót, bao quanh chàng một màn chân khí nóng hổi, khí nóng tỏa ra, tuyết gặp nhiệt khí tan ra, tiêu tán. Không một ai chứng kiến trận kịch đấu này, phân biệt được, chỉ thấy hai bóng trắng mơ hồ như khói tỏa, bóng chướng, chỉ pháp trùng trùng... Bàn tay phải của Dương Tiêu bỗng dưng cong lại như móng chim ưng, ông bắt đầu xử dụng đến " Cửu âm Vạch Cốt trảo", ưng trảo tàn độc trong Cửu âm Chân kinh, quyết giết địch thủ cho kỳ được.
Trên đỉnh đầu Nguyên Huân, một luồng khói trắng bốc lên, mỗi lúc một dày thêm, dấu hiệu của nội gia chân khí đã vận đến mức cùng tuyệt. Trên mái tóc bạc của Dương Tiêu, khói trắng cũng bốc lên như sợi chỉ. Bọn quan binh, không chịu được khí lạnh của âm chưởng, tuy đứng ở xa, trang phục trên người dày cộm, vẫn bị cái khí băng hàn xâm nhập, rét run cầm cập, tay không còn giữ binh khí được nữa. Toàn bộ trận địa yên lặng, không một tiếng động, tất cả như đông cứng lại. Những cặp mắt mở to, kinh dị.
Cửu Âm Bạch Cốt trảo như năm vuốt chim ưng chụp xuống, đồng thời tả chưởng của Dương Tiêu đánh thốc từ dưới lên, Nguyên Huân lâm vào tuyệt địa. Nguyên Huân không chịu nhắm mắt chờ chết, chàng thu hết tàn lực chân khí vào ngón trỏ, bất kể sống chết, điểm ngay huyệt Ấn đường, giữa hai hàng lông mày của Dương Tiêu. Nếu Dương Tiêu không thu trảo về, ông có thể bóp vỡ đầu địch thủ, nhưng như thế, huyệt ấn đường sẽ bị điểm trúng; tuy không tuyệt mạng, nhưng toàn bộ võ công gần sáu mươi năm khổ luyện của ông sẽ bị phế ngay tức khắc. Người luyện võ, thà chết, chứ không thể để võ công bị phế hủy.
Dương Tiêu tức khắc xoay ngược cổ tay, biến trảo sang cầm nã. Đại Cầm Nả thủ pháp toan bóp vo bàn tay Nguyên Huân. Chàng biết thế nguy, xoay ngửa bàn tay, ngón Thái dương điểm nhanh vào huyệt Thiên đột, nằm giữa ngực trên của Dương Tiêu, tuy nhiên ngực chàng đã trúng phải tả chưởng của Dương Tiêu; toàn thân chàng bốc lên cao, một luồng khí âm hàn buốt nhức óc xâm nhập vào cơ thể, cùng lúc có hai tiếng quát cất lên:
- Dương Tiêu! Ngươi tàn độc lắm!
Hai bóng người, một cao lớn, một nhỏ bé, vừa dứt tiếng quát, chia hai bên tả hữu liên thủ tấn công vừa ra tay đắc thủ, Dương Tiêu nổi hào khí, toan nhảy theo kết liễu tính mạng Nguyên Huân, lúc ấy đang như một trái bóng hắt tung lên cao, thì bất chợt một luồng kình lực như Thái Sơn đánh ập xuống huyệt Kiên tỉnh ở vai trái, đồng thời, phía bên phải, một đường roi rít lên, khống chế huyệt Khí xá, Trung phủ, Phong trì và Ê phong. Nhận ra kẻ thù, Dương Tiêu quát lớn:
- Phạm Dao, Chỉ Nhược, được lắm!
Y vừa quát, vừa xoay người như một vệt khói, thoát ra khỏi vùng ảnh hướng của chưởng phong và kình khí của đường roi cực độc.
Nguyên Huân, tuy bị thương, nhưng nhất thời nội lực chưa bị phân tán, chàng xử dụng Điêu Phong thân pháp, dang đôi cánh tay như con thần diệu, chân nọ điểm vào chân kia, tung mình lên bờ tường, rồi vọt lên như tên bắn, nhảy lên mái ngói, lao vút về phía Nam. Chạy được một quãng xa, hàn khí trong người chàng phát tác, chân tay tê cứng, chàng chỉ còn đủ thời gian dùng Cửu Dương công, đưa chân khí thuần dương về bao bọc lấy trái tim, mắt chàng bỗng dưng tối sầm lại, không còn điều khiển thân thể được nữa, Nguyên Huân ngã lăn từ trên mái ngói xuống, thân hình chưa chạm đất, chàng đã mê man bất tỉnh. |
|
|