Ngũ Hoa Sơn Tử Chiến Mai là loài hoa đầu tiên báo hiệu mùa xuân, đâm nụ kết hoa ngay trong gió rét, một mình phô diễn sự diễm lệ của mình giữa tiết đông hàn.
Cách Côn Minh chưa đầy mười dặm, trên núi Ngũ Hoa Sơn hình như mai nở sớm hơn các nơi, vàng rực trong tuyết trắng, tỏa hương ngào ngạt ...
Ở hậu sơn, ngay trong sơn cốc sát vách đá dựng đứng cao vút tận tầng mây có một cây mai già, chắc đã hơn trăm tuổi, cành lá xù xì nhưng vẫn đâm cành tươi tốt đầy những nụ hoa vàng điểm tuyết lung linh ...
Tuyết đã ngừng rơi, bầu trời thanh tịnh. Vầng trăng tròn vạnh chầm chậm lên khỏi cánh rừng xa, tỏa ánh sáng bàng bạc xuống mặt đất đầy tuyết.
Hôm đó chính là đêm rằm.
Trăng lên gần tới đỉnh đầu, đã sắp nửa đêm ...
Dưới cây mai già, thấp thoáng có ba nhân ảnh đứng kề vai nhau bất động, không ai nói tiếng nào, phải để ý lắm mới nhận ra được họ.
Đứng giữa là một lão nhân đã vào tuổi cổ lai hy, chòm râu bạc phơ phất, đôi mắt sáng ngời nhưng rất lạnh lùng. Hai tay lão nhân chắp sau lưng, mình vận trường bào, dáng cao gầy, phong độ thanh thoát. Đứng hai bên lão nhân là hai thiếu niên chừng hai mươi tuổi, diện mạo đều rất tuấn tú, kiếm mi tinh mục, lưng đeo trường kiếm, khí độ hiên ngang.
Cả ba người đều chú mục về hướng cốc khẩu, chừng như đang chờ ai.
Thiếu niên bên tả chợt lên tiếng nhưng thanh âm vẫn chưa đủ làm khuấy động không khí yên tĩnh:
− Bây giờ đã nửa đêm, làm sao ...
Thiếu niên đứng bên hữu ngắt lời:
− Tiệp đệ đừng sốt ruột! Mấy nhân vật đó danh đầu không nhỏ, chẳng đến nỗi chịu mất mặt mà tránh đi, không tới đâu!
Có thể đoán hai thiếu niên đó là Tân Tiệp và Ngô Lăng Phong, còn lão nhân chính là Thất Diệu Thần Quân Mai Sơn Dân.
Tuy nói vậy nhưng Ngô Lăng Phong vẫn không khỏi nôn nóng, mắt vẫn đăm đăm nhìn ra phía cốc khẩu, vẻ mặt đanh lại, trông rất đáng sợ.
Trong ba người có lẽ Mai Sơn Dân là người nôn nóng hơn cả.
Hơn mười năm trước, cũng nơi này, tiết trời cũng lạnh giá thế này, chính ông đã mời năm vị Chưởng môn trong Ngũ Đại Kiếm Phái đến để rửa thù cho bằng hữu là Đơn Kiếm Đoạn Hồn Ngô Chiếu Vân đã bị chúng dùng thủ đoạn hèn hạ ám toán. Và rồi chính ông cũng bị chúng ám toán. Bấy giờ chỉ một mình Chưởng môn nhân phái Côn Lôn là Lăng Không Bộ Hư Trác Đằng đã chết chỉ còn bốn người ... Và chính Thất Diệu Thần Quân cũng bị bốn vị Chưởng môn nhân đó ám toán một cách hèn hạ.
“Mối thù mười mấy năm trước sắp được trả nhưng bọn tiểu nhân mạo xưng quân tử đó có tới không?”.
Chợt nhận thấy mình lo lắng một cách vô cớ, ông hít sâu vào một hơi, cảm thấy mùi hương thấm vào tận lồng ngực, tinh thần bỗng trở nên thư thái hơn.
Vào lúc đó, ở cốc khẩu có bóng người thấp thoáng, đi rất nhanh vào khe núi.
Dưới ánh trăng có thể nhận ra bọn họ gồm bốn người. Đến cách cây mai già chừng ba trượng thì cả bọn dừng lại. Một lão nhân đi trước đưa mắt nhìn quanh, lẩm bẩm:
− Hai tiểu tử đó lẽ nào không đến?
Có lẽ lão chưa phát hiện ra ba người đứng dưới gốc mai rậm lá.
Lão nhân khác tiếp lời:
− Trăng đã tới đỉnh đầu, lẽ ra chúng đã đến trước rồi mới phải ... Cứ chờ thêm một lúc nữa xem ...
Lão chưa dứt tiếng thì đã có tiếng trả lời:
− Không dám để chư vị chờ lâu. Chúng tôi đã cung hầu ở đây lâu rồi!
Lập tức hai thiếu niên từ gốc mai bước nhanh ra. Hiển nhiên là Tân Tiệp và Ngô Lăng Phong. Còn bốn người vừa tới là bốn vị Chưởng môn trong Ngũ Đại Kiếm Phái gồm Kiếm Thần Lệ Ngạc của phái Không Động, Xích Dương Đạo Trưởng của phái Võ Đương, Khổ Am Thượng Nhân của phái Nga Mi và Lạc Anh Kiếm Tạ Trường Khanh của phái Điểm Thương.
Kiếm Thần Lệ Ngạc hơi bị bất ngờ trước sự xuất hiện đột ngột của đối phương. Lão cố trấn tĩnh lại, cười khan nói:
− Khéo nói ... khéo nói ...
Ngô Lăng Phong mắt đỏ ngầu, quát:
− Không nhiều lời, động thủ thôi!
Chàng bản tính vốn thiện lương, rất ít khi cộc cằn thô lỗ. Bây giờ đứng trước kẻ đại thù, chàng không nén được căm hờn nên tỏ thái độ khác hẳn ngày thường.
Kiếm Thần Lệ Ngạc là kẻ lão luyện, thấy Ngô Lăng Phong không trấn tĩnh được thì lại càng muốn chọc giận thêm. Lão liền cười hô hô nói:
− Tiểu tử họ Ngô kia. Giữa chúng ta có mối cừu hận như trời biển. Dù ngươi không tìm đến thượng môn thì chúng ta cũng tìm ngươi. Can gì mà vội?
Xích Dương Đạo Trưởng tiếp lời:
− Ngô thí chủ đừng nên sốt sắng quá! Hậu duệ của Đơn Kiếm Đoạn Hồn và Thất Diệu Thần Quân đã có thiếp mời, chúng tôi đâu dám trái lệnh? Hắc hắc ...
Khổ Am đạo hữu, bần đạo nói vậy đúng chứ?
Khổ Am Thượng Nhân lặng lẽ gật đầu. Chỉ riêng Tạ Trường Khanh là đứng phía sau, cách một quãng, vẻ mặt lãnh đạm, không tỏ thái độ gì đối với lời khiêu khích của ba kẻ đồng hành.
Tân Tiệp trầm ngâm một lúc rồi nói:
− Tại hạ không biết tự lượng sức, cả gan gởi thiếp mời các vị Chưởng môn tới đây mục đích là lãnh giáo thần công. Các vị phải vượt đường xa giữa tiết đông hàn thế này, tại hạ không khỏi áy náy. Nhưng các vị đều là nhất đại tôn sư, chắc rằng không đến nỗi chấp nhặt chuyện đó ...
Chàng biết ba lão tặc rắp tâm khích cho Ngô Lăng Phong nổi giận mà không giữ được bình tĩnh nên dùng ngôn từ khách sáo để đối phương dẹp bỏ ý định kia. Kỳ thực ai chẳng nhận ra ý châm biếm trong những lời cung kính đó.
Kiếm Thần Lệ Ngạc cười to đáp:
− Khéo nói ... khéo nói! Chúng ta vốn đã quen thuộc với cảnh vật ở đây. Có thể coi là đã quyến luyến với rừng mai nở sớm ở Ngũ Hoa Sơn này rồi, có gì phiền đâu? Tân thiếu hiệp là truyền nhân của Thất Diệu Thần Quân, tất không phải là tục nhân nên chọn đúng nơi này quả là thật tuyệt hết sức!
Hắn nói câu đó với ý quá rõ, gợi chuyện mười năm trước Thất Diệu Thần Quân bị sát hại để khiêu khích đối phương, đồng thời cũng ám chỉ phe mình vẫn là người chiến thắng để trấn an đồng bọn.
Ngô Lăng Phong không nén nổi, nghiến răng quát:
− Họ Lệ kia! Bớt những câu rỗng tuếch đó đi. Đời ngươi chuyên gây tội ác, là kẻ lòng dạ thâm độc, gian trá nhưng đi đâu cũng mạo xưng mình là quân tử.
Hôm nay tử kỳ của ngươi đã tới ...
Lệ Ngạc ngắt lời:
− Tiểu tử họ Ngô, ngươi sao huênh hoang sớm vậy chứ? Có bản lĩnh kinh nhân thế nào cũng phải đợi lúc giao tranh mới biết ai chết bởi tay ai ...
Rồi lão bước sang bên trái mấy bước, đến giữa khoảng trống chu vi ba bốn trượng, nói:
− Nào đến đây! Lệ mỗ xin được thỉnh giáo bản lĩnh của hai vị truyền nhân của Thất Diệu Thần Quân và Đơn Kiếm Đoạn Hồn.
Xích Dương đạo trưởng lập tức bước theo. Tiếp theo là Khổ Am Thượng Nhân. Riêng Tạ Trường Khanh không được hào hứng cho lắm, trầm mặc như đang suy tư điều gì.
Bên này Tân Tiệp và Ngô Lăng Phong cũng không chậm trễ, bước ra đứng đối diện với bốn người kia.
Bốn Chưởng môn nhân vẫn chưa phát hiện ra Thất Diệu Thần Quân Mai Sơn Dân đang đứng dưới gốc mai già cách đó chỉ vài trượng. Ông không muốn xuất diện đối mặt với bọn người kia, chỉ đưa mắt lạnh lùng khinh thị nhìn những kẻ ngày xưa đã ám toán mình, cố nén cơn phẫn uất.
Đột nhiên Mai Sơn Dân chú ý đến bộ mặt hốc hác của một trung niên hán tử. Ông suýt kêu lên vì kinh ngạc. Dung mạo của ba người kia thì Mai Sơn Dân chẳng lạ gì vì nó đã in sâu vào tiềm thức ông cùng với lòng thù hận. Ông nhớ rất rõ ngày xưa kẻ đã xuất thủ ám toán mình. Lúc đó Lạc Anh Kiếm Tạ Trường Khanh mới chỉ là một Chưởng môn nhân hai mươi tuổi, nét mặt rất tuấn tú. Chẳng lẽ trung niên hán tử nét mặt khắc khổ, hốc hác này chính là thiếu niên tuấn mỹ năm xưa?
Là Chưởng môn của một trong Ngũ Đại Kiếm Phái, danh vọng, địa vị không phải nhỏ, điều gì đã khiến hắn thay đổi thành kẻ tàn tạ đến như vậy?
Mai Sơn Dân nhận ra vẻ thất thần, thái độ bàng quan, thậm chí chán chường của Tạ Trường Khanh. Ông chợt nhớ đến lời kể của Tân Tiệp khi chàng giả trang làm Thất Diệu Thần Quân đấu với bốn tên trong Quan Trung Cửu Hào.
Chính Tạ Trường Khanh đã xuất thủ ngăn cản, không để tên phản môn Lục Phương ám toán Tân Tiệp. Như vậy, chỉ có cách giải thích rằng bấy lâu nay Tạ Trường Khanh bị nỗi hối hận dày vò nên mới tàn tạ đến thế ...
Trong trường đấu, cả sáu người đều đã xuất binh khí cầm tay, chuẩn bị xuất thủ. Bốn tên Chưởng môn vẫn triển khai kiếm trận mà Mai Sơn Dân đã một lần phá giải.
Kiếm Thần Lệ Ngạc cười nói:
− Chư vị! Hậu bối của cố nhân đã thỉnh chúng ta đến đây, lẽ nào chúng ta không gắng sức để lớp hậu bối chê cười?
Dứt lời, lão vung kiếm tấn công. Xích Dương Đạo Trưởng, Khổ Am Thượng Nhân và Tạ Trường Khanh cũng xuất chiêu phát động kiếm trận.
Chỉ chớp mắt, hai thiếu niên đã bị vây vào giữa trận.
Song phương đều biết đây là trận chiến sinh tử nên vừa xuất thủ là lập tức dùng kỳ chiêu dị thức công kích ngay, không sám sơ suất, thinh thị.
Một cuộc chiến kinh tâm động phách, trên giang hồ hiếm nghe hiếm thấy đã bắt đầu.
Vốn đã được mệnh danh là Ngũ Đại Kiếm Phái, lại được bốn vị Chưởng môn liên thủ nên trận thức uy mãnh vô cùng. Nói rằng trên võ lâm hiếm nghe hiếm thấy quả không sai chút nào!
Tân Tiệp thi triển «Cù Chi Kiếm Pháp», thỉnh thoảng kết hợp với «Đại Diễn Thần Kiếm» tuyệt luân cùng «Đoạn Hồn Kiếm» của Ngô Lăng Phong tạo nên uy lực kinh nhân. Kiếm trận dù tinh kỳ ảo diệu, biến hóa thế nào cũng không sao công vào nổi.
Tân Tiệp vừa bình tĩnh đối phó với kiếm trận vừa cười khinh bỉ nói:
− Lệ Ngạc! Không ngờ đường đường là một Chưởng môn nhân, tự xưng Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm mà lại hèn hạ lấy trộm kiếm của người khác. Thật là không còn biết sĩ diện là gì nữa ...
Thì ra khi vừa xuất kiếm, chàng đã nhận ra Kiếm Thần Lệ Ngạc không chút ngượng ngùng, dùng ngay thanh Mai Hương Kiếm của mình. Chỉ là hắn vừa xuất kiếm thì tấn công ngay, ý chừng không để đối phương nhận ra.
Quả thật không những Lệ Ngạc dùng Mai Hương Kiếm đối địch mà sau lưng hắn còn mang thêm cả thanh Ỷ Hồng nữa. Lệ Ngạc vừa xuất chiêu vừa trơ tráo hỏi:
− Tiểu tử, ngươi có dám tiếp chiêu không?
Dứt lời, lão chém thẳng vào một kiếm.
Ngô Lăng Phong đã biết chuyện này, lo kiếm của Tân Tiệp không đủ sức đối phó với Mai Hương Kiếm nên liền vung Đoạn Hồn Kiếm đối địch.
«Choang!» một âm thanh thôi tim lại cốt vang lên cùng một đốm lửa chói lòa.
Tân Tiệp sợ rằng đối phương thừa thế tấn công nên xuất liền tám kiếm công vào những chỗ khác, đẩy lùi kiếm trận.
Cả Lệ Ngạc lẫn Ngô Lăng Phong đều lùi về hai bước, thấy cánh tay tê đi, thầm kinh hãi trước công lực của đối phương.
Kiếm trận chỉ bị đẩy lùi chốc lát, lại tiếp tục triển khai thế bao vây.
Cả sáu cao thủ đều có công lực cái thế, kiếm thuật tuyệt luân, chỉ chốc lát đã qua ba bốn chục chiêu. Kiếm khí như bão táp, kiếm ảnh chói lòa làm nhạt cả ánh trăng rằm. Thỉnh thoảng lại vang lên những âm thanh chát chúa, nghe đinh tai nhức óc.
Trong bốn vị Chưởng môn thì chỉ có Lệ Ngạc và Xích Dương Đạo Trưởng là điên cuồng công kích còn Khổ Am Thượng Nhân và Lạc Anh Kiếm Tạ Trường Khanh thì rất ít công, chỉ giữ vững trận thế mà thôi.
Kiếm Thần Lệ Ngạc không hổ danh là Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm, kiếm thuật đã lợi hại lại còn thêm Mai Hương Kiếm sắc bén vô song khiến cho Ngô Lăng Phong đối phó hết sức vất vả, Lệ Ngạc hiểu rằng trong cuộc chiến hôm nay, thắng thua thế nào rất khó phân định, thấy thái độ của Lạc Anh Kiếm Tạ Trường Khanh lại càng bất mãn. Do đó muốn giữ mạng sống, hắn chỉ biết cùng Xích Dương Đạo Trưởng đem hết bản lĩnh, điên cuồng công kích, quyết hạ địch nhân trong thời gian ngắn nhất. Bởi thế Lệ Ngạc tận lực phát huy uy thế về binh khí, đồng thời liên tục xuất sát chiêu.
Nhưng phải thừa nhận là kiếm thuật của đối phương tinh diệu hơn. Dù Tam Tuyệt Kiếm Pháp của Lệ Ngạc lừng danh võ lâm nhưng đều bị Ngô Lăng Phong và Tân Tiệp dễ dàng hóa giải.
Qua chừng trăm chiêu, Lệ Ngạc cảm thấy áp lực đối với mình mỗi lúc một tăng thêm nên đã có phần nao núng.
Nguyên là Xích Dương Đạo Trưởng giống như con chim phải tên sợ cành cong. Lão đã một lần suýt chết dưới kiếm của Ngô Lăng Phong nên mặc dù công hay thủ, lòng vẫn thầm lo nên không thể phát huy hết uy lực.
Kiếm Thần Lệ Ngạc bị áp lực dồn vào, không cần nhìn cũng hiểu ngay tình thế. Lão liền lên tiếng kích thích tinh thần của đồng bọn:
− Tạ thế huynh, Khổ Am huynh, thành bại gì là ở cuộc chiến này đấy!
Xích Dương Đạo Trưởng tuy có phần sợ nhưng hiểu rằng sinh tử là phụ thuộc vào cuộc chiến tối hậu này. Nghe Lệ Ngạc nói như vậy, lòng thầm hối hận vì sự thiếu kiên quyết của mình. Lập tức lão xuất chiêu lấy lại thế công, đề mạnh một hơi chân khí, thi triển «Hoành phi trường giang» đâm vào Tiểu Phúc của Tân Tiệp.
Kiếm Thần Lệ Ngạc biết lời khích của mình đã có tác dụng, cùng phối hợp với Xích Dương Đạo Trưởng xuất chiêu «Kiếm chỉ thiên đình» đâm vào vai tả Ngô Lăng Phong.
Tân Tiệp đã từng lĩnh giáo kiếm trận ở Thái Sơn nên biết không dễ gì đối phó. Nếu không tìm cách thoát ra khỏi trận thì sớm muộn gì cũng trúng phải loạn kiếm mà thọ thương. Hơn nữa Ngô Lăng Phong còn ít kinh nghiệm đối địch, không thể nói trước rằng sẽ đối phó được hết những quỷ kế của đối phương.
Chàng biết rằng nếu đơn đả độc đấu thì với công lực và kiếm thuật của mình có thể thắng bất cứ người nào trong bốn địch nhân nhưng nếu cứ bị vây mãi trong trận thì không thể phát huy được uy lực.
Chàng xuất một chiêu «Hoành phi độ giang» hóa giải hiểm chiêu của Xích Dương Đạo Trưởng rồi thừa thế dấn lên.
Nhưng Xích Dương Đạo Trưởng chỉ lùi nửa bước, chân đạp Trung Quan rồi vung kiếm tiếp chiêu.
Tân Tiệp hơi sững người lại vì ngạc nhiên rồi hừ một tiếng, trường kiếm quét một vòng rồi đâm thẳng vào Khúc Trì huyệt của đối phương.
Nào ngờ Xích Dương Đạo Trưởng đã có chủ ý. Kiếm vừa rồi chỉ là hư chiêu nên vừa phát ra đã thu ngay về. Kiếm thế của Tân Tiệp vẫn theo đà đâm tới.
Kiếm trận vốn rất nhiều biến hóa. Xích Dương Đạo Trưởng vừa thu chiêu thì Lạc Anh Kiếm Tạ Trường Khanh đã công vào, điểm tới bốn năm kiếm liền.
Tạ Trường Khanh vốn thủ mà ít công nhưng khi kiếm trận phát động công thế thì tất phải tuân theo quy tắc biến hóa của nó, mỗi người đều phải tuân theo quy luật thì uy lực của kiếm trận mới tăng lên gấp bội. Đó là điểm lợi hại của kiếm trận.
Tân Tiệp kinh hãi vội vàng thu kiếm biến chiêu, dùng chiêu «Xung thiên nhi khởi», trường kiếm vạch một vòng từ tả qua hữu. Chỉ nghe «coong coong» mấy tiếng liền, hai thanh kiếm của Tân Tiệp và Tạ Trường Khanh tiếp nhau phát ra cả chuỗi âm thanh vang dội.
Tạ Trường Khanh tuy không muốn động thủ với Tân, Ngô hai người, xuất thủ chỉ là bất đắc dĩ nhưng dần dần cuộc chiến đã cuốn hút y. Đến lúc này chừng như đã say máu, Lạc Anh Kiếm bắt đầu phát huy uy lực.
Ngô Lăng Phong thấy Tân Tiệp chợt lùi về phòng thủ thì không dám chậm trễ tăng cường công kích để cân bằng thế trận. Ngô Lăng Phong xuất liền mấy chiêu «Ngũ quỷ chiêu hồn», «Di hồn đoạt mệnh» trong «Đoạn Hồn Kiếm Pháp».
công liền mười mấy kiếm.
Kiếm Thần Lệ Ngạc qua mấy lần tiếp chiêu đã biết công lực đối phương không tầm thường, nay thấy Ngô Lăng Phong công kích uy mãnh như thế thì không dám lơ là khinh suất, vội vàng thi triển «Tam Tuyệt Phi Thăng» hóa giải kỳ chiêu của đối phương.
Đến lúc này sáu nhân ảnh chờn vờn quần lấy nhau giữa kiếm trận, không còn phân biệt được đâu là địch, đâu là ta. Khoảng không mù mịt kiếm ảnh, không khí như sôi lên trong những loạt âm thanh tưởng từng không dứt.
Tân Tiệp và Ngô Lăng Phong càng chiến đấu càng phối hợp nhịp nhàng hơn. Song kiếm tả xung hữu đột, uy lực càng lúc càng tăng.
Kiếm trận của bốn Chưởng môn nhân cũng càng đánh càng nhanh, ngay cả Khổ Am Thượng Nhân và Tạ Trường Khanh tuy chẳng hào hứng gì thì nay cũng xuất chiêu loạn xạ như đã phát cuồng.
Trăng tà dần về phía Tây ...
Dưới gốc mai già, Thất Diệu Thần Quân Mai Sơn Dân cũng đang tập trung hết thần lực theo dõi cuộc đấu. Cuộc chiến đang đến giai đoạn khốc liệt nhất, chẳng còn ai để ý đến ông nữa. Mai Sơn Dân nhận thấy song phương không những đã vận hết bản lĩnh mà đang thi triển sát thủ.
Trong trường đấu, Ngô Lăng Phong xuất tuyệt học gia truyền với những chiêu «Ngũ quỷ đầu xoa», «Vô thường vấn lộ» kết hợp với kiếm của Tân Tiệp như linh xà phi vũ, khi cao khi thấp, lạnh lùng, lúc ra lúc hữu với những tuyệt chiêu «Lãnh mai phất diện», «Tác kinh mai diện». Song kiếm hợp bích đã chiếm thượng phong.
Bốn vị Chưởng Môn trước kiếm thế như vũ bão của đối phương thì không sao đương nổi, liên tiếp bị đánh dạt ra tới mấy trượng.
Tân Tiệp cười nói:
− Kiếm pháp của các đại danh môn tự xưng Ngũ Đại Kiếm Phái cũng chỉ đến thế là cùng.
Bốn vị Chưởng Môn trong Ngũ Đại Kiếm Phái xưa nay vẫn tự hào về huyền môn kiếm tông của mình, đâu thể cho đối phương buông lời cuồng ngạo như thế?
Nay Tân Tiệp tỏ ý khinh khi nhục mạ, cả bốn người đều sạm mặt đi vì tức giận.
Tạ Trường Khanh hừ một tiếng, lòng không phục, nghĩ thầm:
“Cho dù ngươi có bản lĩnh cao cường cũng không nên phát ngôn như thế!”.
Xích Dương Đạo Trưởng và Kiếm Thần Lệ Ngạc nộ khí xung thiên, đưa tay vẫy Khổ Am Thượng Nhân và Lạc Anh Kiếm cùng ồ ạt xông vào.
Nguyên trước đây bọn họ sáng tạo ra kiếm trận là dùng để đối phó với các cao thủ nên vừa có chiêu công kích vừa có chiêu phòng thủ. Trong đó có một chiêu đề phòng trường hợp xấu nhất là đối phương quá cao cường, không thể duy trì nổi, buộc phải liên thủ liều mạng với kết cục lưỡng bại câu thương. Lúc này bị Tân Tiệp khích nộ, cả bốn người không hẹn mà đồng nghĩ đến chiêu liều mạng đó.
Kiếm trận vốn đã lợi hại, lại được bốn vị Chưởng môn thi triển nên vô cùng lợi hại. Bởi thế trước nay chỉ có một lần phải dùng đến chiêu «Bát phương phong vũ» này lúc ở Thái Sơn.
Họ đều là những nhân vật lừng danh thiên hạ, bá chủ một phương, cho dù không thắng được thì cũng lâm tử bất phục. Trong cơn cuồng nộ, bốn Chưởng môn nhân đã liều chọn hạ sách này.
Chỉ thấy Kiếm Thần Lệ Ngạc giữ Mai Hương Kiếm ngang người bất động, còn ba người kia múa tít trường kiếm từ ba phía mãnh liệt công vào. Đó là tuyệt chiêu của họ gọi là «Cửu tử nhất sinh».
Kiếm ảnh dày đặc như tơ nhện, đan thành một màn thép dày đặc bức dần lên từng tấc một. Kiếm khí khiến người ta có cảm giác nghẹt thở.
Quả nhiên tình thế vô cùng nguy cấp. Nếu người trong trận quyết định công phá thì tất phải công vào bức tường thép dày đặc đó, chấp nhận đối chiêu.
Cho dù kiếm thuật siêu đẳng đến đâu cũng không sao tránh khỏi thọ thương giữa màn kiếm ảnh dày đặc đó. Và nếu không lùi thì cuối cùng bị đẩy vào khoảng không gian chật hẹp và bị loạn kiếm đâm vào.
Người sử kiếm trận đã tỏ rõ quyết tâm cảm tử.
Tân Tiệp và Ngô Lăng Phong thấy vậy thì thất kinh khi nhìn xung quanh cả bốn phương tám hướng trùng trùng kiếm ảnh, bất cứ phương vị nào cũng bị uy hiếp. Hai người chẳng khác nào bị vây trong thiên la địa võng.
Ngô Lăng Phong chợt thét lên một tiếng. Đoạn Hồn Kiếm vạch nửa vòng như ánh chớp thi triển «Ngũ quỷ đoạn hồn» đâm xuôi chém ngược, chớp mắt đã công xuất mười mấy kiếm.
Kiếm Thần Lệ Ngạc hừ một tiếng, Mai Hương Kiếm nhằm đúng mục tiêu phạt ngược lên.
Ngô Lăng Phong thấy vậy cho rằng đối phương lại chuẩn bị đấu nội lực liền vận công vào trường kiếm, chuẩn bị nghinh tiếp.
Nào ngờ Lệ Ngạc xuất kiếm chỉ là hư chiêu rồi biến thức rất nhanh.
Ngô Lăng Phong thiếu kinh nghiệm đối địch, vừa ngưng tụ công lực chuẩn bị tiếp chiêu thì Lệ Ngạc đã biến thức.
Ngay lập tức có đến ba thanh kiếm từ ba hướng khác nhau bổ xuống thanh Đoạn Hồn Kiếm.
Ba tiếng vang liên tiếp liền nhau tạo nên áp lực không sao tưởng tượng nổi.
Ngô Lăng Phong hổ khẩu tê đi, tưởng chừng Đoạn Hồn Kiếm thoát khỏi tay, cố vận hết nội lực mới giữ lại dược, vội vàng lùi về hai bước.
Tân Tiệp thấy vậy cả kinh, lập tức lướt tới xuất kiếm chặn đứng ba thanh kiếm đang thừa cơ công kích Ngô Lăng Phong rất gấp.
Tuy vậy Ngô Lăng Phong cũng bị trúng một kiếm rách cả một mảng áo ở sườn trái, chạm vào tới da thịt.
Giá như Tân Tiệp không kịp xuất kiếm cứu nguy thì Ngô Lăng Phong đã thọ thương bởi kiếm đó rồi.
Ngô Lăng Phong nghiến răng, tiếp tục vận công, thi triển một chiêu «Quỷ vương ba hỏa». Chỉ thấy lóe lên một đạo cầu vồng sáng lóa.
Tân Tiệp không thấy rõ Ngô Lăng Phong bị thương như thế nào nhưng thấy Ngô Lăng Phong lại phát kiếm ngay thì yên tâm hơn.
Trường kiếm biến chiêu, tiếp tục công vào địch nhân gần nhất. Đó là chiêu đầu tiên «Phương sinh bất tức» trong «Đại Diễn Thần Kiếm».
«Quỷ vương ba hỏa» của Ngô Lăng Phong là chiêu sát thủ nên vô cùng tàn độc.
Khi thấy Ngô Lăng Phong rơi vào hiểm cảnh, Kiếm Thần Lệ Ngạc xuất hư chiêu và ba người kia đắc thủ thì cũng là lúc kết thúc một chiêu «Cửu tử nhất sinh».
Xích Dương Đạo Trưởng xuất sát chiêu nhưng chưa đủ làm Ngô Lăng Phong thọ thương thì đã bị kiếm của Tân Tiệp bức lùi. Nay lại thấy Ngô Lăng Phong xuất chiêu lợi hại như thế thì không còn lòng dạ nào đối phó nữa, vội vàng thoái lui.
Tân Tiệp không chút chậm trễ, thi triển «Cật Ma Thần Bộ» tả xung hữu đột, bên này một kiếm, bên kia một kiếm, không ngại tiếp chiêu.
Trong tiếng thép tiếp nhau vang rền, đối phương thấy công lực của Tân Tiệp kinh nhân không sao đương nổi nên lùi về liên tục.
Tân Tiệp và Ngô Lăng Phong vừa xuất tuyệt học đã giành được thế chủ động, song kiếm hợp bích càng phát huy ưu thế, quyết không bỏ lỡ cơ hội. Bốn vị Chưởng môn bị buộc phải lùi tới hai trượng, hoàn toàn rơi vào hạ phong.
Ngô Lăng Phong đã say máu, quát to:
− Các ngươi lại xông vào nữa đi!
Bốn vị Chưởng môn không đáp, đưa mắt căm hận và bất lực nhìn đối phương. Lệ Ngạc mắt vằn tia máu, cầm chắc Mai Hương Kiếm chậm rãi tiến vào.
Tân Tiệp không rời mắt khỏi thanh bảo kiếm trên tay đối phương, lòng sôi sục căm giận, quyết tâm trước hết phải đoạt lại thanh kiếm. Chàng cũng từ từ tiến thẳng tới trước mặt Kiếm Thần Lệ Ngạc ...
Cả Xích Dương Đạo Trưởng, Khổ Am Thượng Nhân và Tạ Trường Khanh cũng bước vào giữa trường đấu.
Tân Tiệp nhếch mép cười rồi thần tốc xuất kiếm.
Lệ Ngạc không chút chậm trễ, vung Mai Hương Kiếm lên tiếp chiêu.
Ngô Lăng Phong biết ý đồ của Tân Tiệp muốn đoạt lại bảo kiếm nên quyết ngăn cản không cho ba người kia xuất thủ. Ngô Lăng Phong chỉ kiếm nhằm vào Xích Dương đạo trưởng, đồng thời đưa mắt cảnh giới Khổ Am Thượng Nhân.
Xích Dương Đạo Trưởng lập tức nghênh chiến. Hai người vừa động thủ đã xuất tuyệt học, không cần phải ra chiêu thăm dò nữa vì đã giao thủ không phải một lần.
Ngô Lăng Phong chỉ có ý định ngăn cản, không để cho đối phương trợ lực cho Lệ Ngạc nên vừa đấu với Xích Dương Đạo Trưởng vừa xuất kiếm chặn Khổ Am Thượng Nhân. Phút chốc Ngô Lăng Phong đã cuốn hút cả hai lão vào cuộc chiến.
Bên này Tân Tiệp xuất chiêu «Phi các lưu chu» rồi chuyển sang «Vật hoán tinh di» ...
«Đại Diễn Thập thức» tuôn ra như như mây trôi nước chảy, chiêu thức tiếp liền, biến đổi vô tận.
Kiếm Thần Lệ Ngạc công lực không phải tầm thường nhưng thấy đối phương kiếm pháp thần kỳ như vậy thì cũng thất kinh biến sắc.
Kiếm pháp đang như rồng cuốn, Tân Tiệp bỗng thét to một tiếng, trường kiếm đâm thẳng tới ngực đối phương. Chiêu này trông bề ngoài không có gì biến hóa nhưng lại hàm chứa chiêu thức sát thủ, không dễ đối phó.
Kiếm Thần Lệ Ngạc dày dạn kinh nghiệm, đương nhiên biết rõ điều này.
Lão cũng hét to một tiếng, vung Mai Hương Kiếm lên tiếp chiêu.
Tân Tiệp vốn đã có chủ ý, tả chưởng đã vận tám thành công lực, nhằm sườn trái đối phương đánh sang, đồng thời hữu chưởng vẫn giữ nguyên chiêu thức, vận hấp lực vào lưỡi kiếm.
Kiếm Thần Lệ Ngạc bị chưởng phong bất ngờ công kích vội nhảy lui nhưng thanh kiếm đã bị hấp lực của Tân Tiệp giữ lại nên chỉ lui được nửa bước. Tả chưởng của lão đành phái vung ra giải nguy.
«Bình!» Song chưởng tiếp nhau phát ra âm thanh trầm đục.
Tân Tiệp bỗng cảm thấy một luồng kình lực cực mạnh khiến cho cả cánh tay tê đi. Chàng vô cùng hoang mang, vội thu lực đạo ở tay hữu về.
Ngay đó, hai thanh kiếm rời nhau ra. Tân Tiệp bị cả luồng nội lực của mình lẫn ngoại lực của Lệ Ngạc làm bắn lên cao tới hơn trượng. Chàng vô cùng kinh hãi, không sao ngờ được rằng Kiếm Thần Lệ Ngạc lại có công lực kinh nhân như thế.
Kiếm Thần Lệ Ngạc phát một tràng cười man rợ, Mai Hương Kiếm chếch lên nhằm vào Tân Tiệp đang lơ lửng trên cao, bụng thầm mừng, chắc chắn rằng Tân Tiệp không thể thoát chết.
|
|
|