Linh Không Đại Sư Bình Phàm đại sư kể xong cố sự, mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không, trông chẳng khác nào một pho tượng.
Tân Tiệp chợt hỏi:
− Vậy bây giờ lão Phương trượng Linh Kính đại sư ở đâu?
Bình Phàm Thượng Nhân trầm giọng trả lời:
− Sư huynh vẫn còn sống ... À không, Linh Kính đại sư vẫn còn tại thế.
Tuy Bình Phàm Thượng Nhân đã cải lời nhưng chỉ cần nghe hai tiếng «sư huynh» lỡ thốt ra, Tân Tiệp đã tin rằng mình đoán không sai:
vị Đại Trấp Đảo chủ chính là Linh Không đại sư.
Chàng thầm nghĩ:
“Vị Linh Kính đại sư là sư huynh của Bình Phàm Thượng Nhân tất cũng luyện thành «Kim cương bất hoại» ... À phải rồi! Nhất định chính là vị hòa thượng cưỡi hạc đến đón Bình Phàm Thượng Nhân lúc mình lần đầu mình tới Tiểu Trấp Đảo giúp Bình Phàm Thượng Nhân thoát khỏi «Quy Nguyên Cổ Trận» của Huệ đại sư rồi.”.
Đột nhiên chính lúc đó có một chiếc thuyền cập vào Tiểu Trấp Đảo. Từ trên thuyền bước xuống mười tám tăng nhân. Đoàn người dừng lại một lát nhìn lên đảo rồi bước về phía hai người.
Tân Tiệp nhận ra đoàn người chính là môn nhân đệ tử của Thiếu Lâm Tự lúc trưa đã gặp ở Đại Trấp Đảo nghĩ thầm:
“Nhất định vị Trí Kính đại sư không chịu buông tha vị sư tổ của Thiếu Lâm này rồi.”.
Bình Phàm Thượng Nhân trông thấy đoàn người, không hiểu kinh sợ điều gì đứng lên định lao đi, nhưng đột nhiên Tân Tiệp kéo áo giữ lại, thấp giọng nói:
− Xin Thượng nhân đừng tránh mặt họ nữa!
Bình Phàm Thượng Nhân đang ngơ ngác chững lại giây lát thì đoàn người đã tới trước mặt lập tức quỳ xuống trước Bình Phàm Thượng Nhân. Trí Kính đại sư rầu rĩ nói:
− Linh Không sư tổ! Chẳng lẽ sư tổ muốn tránh chúng đệ tử nữa?
Bình Phàm Thượng Nhân xua tay lia lịa, nói to:
− Không phải! Không phải! Lão nhân gia ta không phải là Linh Không đại sư, không phải đâu!
Nói xong đứng lên định đi.
Trí Kính đại sư vội dập đầu xuống đất, vừa khóc vừa nói:
− Đệ tử là Trí Kính vô năng. Chỉ mong ... chỉ mong sư tổ nghĩ đến Phật tổ.
Bình Phàm Thượng Nhân quát to:
− Có gì thì cứ nói, tại sao phải khóc? Lão nhân gia ta không chịu được khi thấy người ta khóc đâu!
Trí Kính đại sư bị Bình Phàm Thượng Nhân chối đây đẩy như vậy, nghĩ tới tình cảnh bi đát hiện tại của Thiếu Lâm Tự, quá uất ức đến nỗi thổ ra một búng máu.
Bình Phàm Thượng Nhân thấy vậy cả kinh, liền đánh vào lưng Trí Kính đại sư một chưởng rồi cúi xuống vuốt vào ngực vị đại sư ba cái mới thở dài nói:
− Ài! Các ngươi sao phải khổ vậy chứ? Ta ... thôi được, đành thừa nhận rằng lão nhân gia chính là Linh Không đại sư đây!
Trí Kính đại sư mừng rỡ nói:
− Đệ tử ... đệ tử biết nói gì cho hết nỗi mừng đây? Tổ sư ... tổ sư bấy lâu nay vẫn an khang? Thật là trời xanh đã đoái thương!
Tới đó, bất giác nước mắt lại trào ra.
Trên mặt Bình Phàm Thượng Nhân thoáng nét kích động, nhưng lập tức lại khôi phục vẻ lạnh lùng như trước.
Trí Kính đại sư run giọng nói:
− Đệ tử dám mạo muội cung thỉnh sư tổ hồi tự!
Nói xong đưa mắt nhìn Bình Phàm Thượng Nhân với vẻ khẩn cầu.
Tất cả những tăng nhân khác cũng ngưng mục chờ xem phản ứng của vị sư tổ. Tân Tiệp cũng không ngoại lệ.
Bình Phàm Thượng Nhân đăm đăm nhìn khoảng không trước mặt, không nói gì. Trí Kính đại sư khẩn khoản:
− Đệ tử Trí Kính suất lãnh môn nhân đệ tử Thiếu Lâm dám thỉnh cầu sư tổ niệm tình Phật tổ mà theo chúng đệ tử trở về bổn tự.
Bình Phàm Thượng Nhân chợt thở dài, thấp giọng nói:
− Lão nhân gia ta đã hơn trăm năm nay làm một hòa thượng lang thang.
Nay bảo ta trở về chùa thì không được ...
Chúng tăng nghe nói vậy thì mặt xìu cả xuống.
Bình Phàm Thượng Nhân nói tiếp:
− Tuy nhiên ... lão nhân gia ta vốn xuất xứ từ Thiếu Lâm. Võ học bình sinh mặc dù phần lớn do bản thân ta tự sáng tạo nhưng cũng bắt nguồn từ những tư liệu ở Tàng Kinh Các mà tham ngộ được. Bởi thế những võ học mà trăm năm trước ta mang trong mình rời đi, nay sẽ hồi lại cho Thiếu Lâm.
Trí Kính đại sư định nói gì nhưng bị một hòa thượng sau lưng níu áo ngăn lại.
Bình Phàm Thượng Nhân tiếp tục nói:
− Ta xem trong số các ngươi có tên tục gia duy nhất ...
Tới đó chỉ tay vào Tôn Y Trung quỳ ở cuối cùng, lại tiếp:
− Hắn có thiên bẩm khác người có thể tiếp thụ được. Nay ngươi cứ cho phép hắn ở lại đảo, ta sẽ dốc hết võ học bổn môn truyền thụ cho.
Trí Kính đại sư nghe vậy biết ý sư tỉ đã quyết, không thể lay chuyển được.
Dù sao Bình Phàm Thượng Nhân đã chấp nhận truyền nghệ cho Tôn Y Trung cũng là đáp ứng được sự mong mỏi của chúng tăng rồi.
Tân Tiệp chợt nhận ra Trí Kính đại sư nhìn mình với vẻ lúng túng ngượng ngùng chừng như muốn nói gì đó. Chàng tinh ý hiểu ngay Trí Kính đại sư đang khó xử. Nếu chàng là truyền nhân của Bình Phàm Thượng Nhân, bối phận còn cao hơn Trí Kính đại sư tới ba bậc, cũng có thể liệt vào hàng sư tổ của vị Chưởng môn này. Mặt khác, chàng còn trẻ, trước mặt chúng tăng biết gọi thế nào đây?
Chàng liền mỉm cười nhìn Tôn Y Trung nói:
− Tôn huynh, xin chúc mừng! Huynh nay được Bình Phàm Thượng Nhân lão tiền bối thu nhận, đó là tiên duyên nghìn năm mới gặp rồi đó!
Chàng nói ra câu đó nhằm mục đích gỡ bí cho Trí Kính đại sư và chúng tăng.
Tôn Y Trung nghe Tân Tiệp gọi Bình Phàm Thượng Nhân là lão tiền bối chứ không gọi sư phụ, ngạc nhiên hỏi:
− Thế sao Tân ...
Vì trước đây đã có lần hắn gọi Tân Tiệp là sư tổ nên tới đó thì khựng lại.
Tân Tiệp cười nói:
− Huynh đệ đâu có phúc lớn được làm đồ đệ của Thượng nhân? Chẳng qua chỉ được Thượng nhân ưu ái mà truyền thụ cho mấy chiêu tuyệt học thôi!
Trí Kính đại sư bấy giờ mới thấy nhẹ nhõm ra, đứng lên nói:
− Y Trung, ngươi hãy ở lại khổ công luyện tập theo sự chỉ dạy của sư tổ. Sự bại hưng của Thiếu Lâm Tự cậy vào một mình ngươi đó! Đừng để phụ lòng sư phụ!
Rồi quay sang Bình Phàm Thượng Nhân tiếp:
− Sư tổ, chúng đệ tử xin cung bái hồi tự!
Rồi lại quỳ xuống.
Bình Phàm Thượng Nhân xua tay nói:
− Đứng lên đi!
Trí Kính đại sư đứng lên, quay sang Tân Tiệp đưa tay hợp thập nói:
− Tân thí chủ, cáo từ!
Rồi suất lãnh chúng tăng mười bảy người rời Tiểu Trấp Đảo.
Bình Phàm Thượng Nhân nhìn theo bọn hậu bối, bất giác buông tiếng thở dài. Chẳng hiểu lão đang nghĩ gì?
Đột nhiên nghe «uỳnh» một tiếng như trời long đất lở rồi một mảng đen đổ ập xuống đầu ba người. Nguyên là khối trụ đá lớn nhất Tiểu Trấp Đảo vốn đã bị Hằng Hà Tam Phật đánh sạt mất đỉnh chóp, sau lại bị Vô Hận Sinh đánh một chưởng làm đứt gốc, bây giờ mới đổ xuống.
Tân Tiệp hét to một tiếng vung cả song chưởng đánh mạnh ra. Chỉ nghe một tiếng nổ như sấm động, khối đá nghìn cân đang đổ xuống bị chưởng lực đánh vỡ vụn thành bụi bay rào rào khắp đảo. Tân Tiệp trong lúc nguy câp đã đổi một chiêu trong «Không Không Chưởng Pháp» thành «Phi lãng bài không» nên có uy lực kinh nhân.
Bình Phàm Thượng Nhân mở to mắt quát:
− Oa nhi! Chưởng lực ngươi khá lắm!
Người kinh dị nhất là Võ Lâm Tú Sĩ Tôn Y Trung. Hai tháng trước hắn từng giao thủ với Tân Tiệp, không ngờ nay đối phương công lực đã tăng tiến bội phần!
Trời quang dần. Phương Đông đã thấy ửng hồng.
Bình Phàm Thượng Nhân một tay khoác tay Tân Tiệp, tay kia vẫy Tôn Y Trung chầm chậm đi ra bờ biển. Cả ba lên thuyền về lại Đại Trấp Đảo.
Tới đảo, Tân Tiệp không lên bờ mà cứ ở trong thuyền nói:
− Thượng nhân, vãn bối có cấp sự phải trở về trung thổ. Xin được cáo từ, sau này rỗi rảnh, vãn bối lại tới thăm!
Bình Phàm Thượng Nhân cười đáp:
− Oa nhi ngươi đã có cấp sự thì cứ đi. Chẳng cần phải hẹn trước tới thăm hay không tới thăm. Nào Y Trung, chúng ta đi thôi!
Rồi chộp tay Tôn Y Trung, chỉ thoát mình mấy cái đã khuất trên đảo.
Tân Tiệp sững sờ nhìn theo một lúc rồi lại giương buồm cho thuyền ra khơi.
Gió sớm thổi mạnh, thuyền đi vùn vụt như tên.
Đứng giữa biển lớn, người ta thấy cô đơn nhưng cũng thanh thoát. Tân Tiệp cất tiếng hú dài vang động cả biển khơi.
Đột nhiên từ phía Tây lan tỏa một đám mây đùng đục như khói lan rộng dần khiến cảnh vật nhòa đi. Đám mây tụ lại rất nhanh, phút chốc đã trở thành đen kịt, ùn ùn kéo đến trông rất đáng sợ.
Những người ngư phủ mỗi khi ra biển gặp hiện tượng đó là điều tối kỵ, họ gọi là «Thiên Hồng Vũ».
Tân Tiệp nhủ thầm:
“Cho dù có gió to nhưng hướng gió ổn định, ta chỉ cần giữ chắc tay lái, thế nào cũng tới được đất liền.” Thế rồi chàng ngồi xuống giữ chắc lái hướng mũi vào bờ.
Vân vụ mỗi lúc một dày, chẳng bao lâu phủ kín xung quanh thuyền như đêm tối, chỉ cách năm trượng đã thấy đen kịt một màu. Sóng biển càng nổi lên dữ dội táp vào mũi thuyền. Tân Tiệp không nhìn thấy gì, chỉ nghe tiếng sóng vỗ oàm oạp phía trước không xa.
Đột nhiên chàng có cảm giác như có một bóng đen lướt ngang qua thuyền mình. Tân Tiệp cố căng mắt nhìn, nhận ra lờ lờ đó là một chiếc thuyền nhỏ.
Lát sau lại có một bóng đen khác lướt qua, lần này nghe rõ cả tiếng sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền. Hẳn là một chiếc thuyền lớn.
Tân Tiệp chợt nổi tính hiếu kỳ, vội dướn cho thuyền lướt tới rồi bám lấy sợi thừng ở đuôi chiếc thuyền lớn.
Có vẻ như tốc độ chiếc thuyền lớn còn nhanh hơn chiếc thuyền nhỏ phía trước. Căn cứ theo tiếng sóng vỗ thì hai chiếc thuyền lúc này chỉ cách nhau chừng năm trượng.
Đột nhiên, một chuỗi cười khùng khục từ thuyền lớn vang lên, tiếp đó là tiếng khàn khàn như vịt đực:
− Tiểu ni cô ngoan ngoãn dừng thuyền đi! Dù sao cũng không thoát được chúng ta đâu!
Tân Tiệp đang áp sát đuôi thuyền lớn nhận ra ngay thanh âm đặc biệt đó, nghĩ thầm:
“Thì ra lại là Hằng Hà Tam Phật! Chẳng biết chúng đang truy đuổi ai, nhưng hiển nhiên là một nữ nhân ... Nhưng làm sao nữ nhân đó lại bị Hằng Hà Tam Phật truy đuổi?”.
Từ thuyền phía trước không nghe tiếng trả lời.
Trên thuyền lớn lại phát ra thanh âm khác:
− Cô nương làm gì phải chèo vội thế chứ? Có ai ăn thịt đi đâu? Xin nói cho tỏ tường có được không?
Tân Tiệp nghe ra giọng của Kim Lỗ Ách chợt hiểu ra, nghĩ thầm:
“Thì ra tên súc sinh này phải lòng nữ nhân trên thuyền nhỏ phía trước ... chẳng trách nào hắn được Hằng Hà Tam Phật ưu ái đến thế.”.
Nguyên Hằng Hà Tam Phật không những tàn bạo với mọi người mà đối với đệ tử cũng rất hà khắc. Chỉ riêng Kim Lỗ Ách, chẳng biết do hắn thông minh tuấn tú hay khéo nịnh hót mà rất được ba tên sư phụ cưng chiều.
Tân Tiệp vốn đã ghét Hằng Hà Tam Phật, nhất là Kim Lỗ Ách, chàng hừ một tiếng rủa thầm:
− Bọn man di các người làm sao xứng được với mỹ nhân chúng ta chứ?
Tiếng Kim Lỗ Ách lại vang lên:
− Cô nương còn nặng lòng gì với tên hán tử mặt mũi gớm ghiếc đó nữa?
Hơn nữa hắn đã bị trọng thương, chỉ còn nước làm mồi cho cá nữa mà thôi! Tốt nhất theo Kim Lỗ Ách ta về đại quốc Thiên Trúc rồi cô nương sẽ sung sướng như một bà hoàng.
Bấy giờ mới nghe giọng nói đầy phẫn hận của nữ nhân phía trước:
− Đồ man di tâm hạ cuồng độc! Bổn cô nương thề sẽ báo thù sát phu này!
Nói xong nấc lên một tiếng.
Tân Tiệp nghe tiếng giật mình suýt buông tay khỏi sợi dây thừng, ngạc nhiên tột độ, tự hỏi:
“Chính là cô ta ư? Sao lại như vậy chứ?”.
Tân Tiệp không do dự nữa, buộc thuyền mình vào đầu dây rồi nhảy phát lên thuyền lớn.
Lúc này mây mù càng dày đặc cách năm bước đã không thấy gì. Hơn nữa sing biển lại to, phải gào lên mới nghe thấy, nên Tân Tiệp không sợ bị phát hiện.
Thêm nữa dù lúc này có bị phát hiện chàng cũng không sợ.
Tới giữa khoang, quả nhiên chàng thấy trước mũi thuyền có bốn nhân ảnh.
Người đứng giữa thân thể cao lớn, đương nhiên là Bá Lạp Các chẳng nghi. Đứng bên tả Bá Lạp Các là một thư sinh bận nho bào, tất là Kim Lỗ Ách tự cho mình tài mạo bất phàm.
Cả bốn tên chú mục nhìn vào chiếc thuyền nhỏ phía trước, không ai chú ý đến Tân Tiệp đang ở ngay trên thuyền mình.
Có vẻ như người điều khiển chiếc thuyền phía trước rất thông thuộc địa hình, đột nhiên quay ngoặt thuyền sang phải.
Hằng Hà Tam Phật không cần dùng lái nữa, vung cả sáu chưởng phát lực xuống mũi thuyền bên trái tạo thành những cột nước cao ngất. Mũi thuyền đột ngột quay sang phải bám theo chiếc thuyền nhỏ phía trước.
Chợt Bá Lạp Các buông ra một tràng Phạn ngữ:
− Cát lý ma ma phương đạt, hốt thích hợp am!
Dứt lời, cầm một cuộn dây thừng định ném qua, nhưng Kim Lỗ Ách vội vàng ngăn lại.
Chỉ thấy phía trước mây mù càng dày đặc, chỉ cách ba bốn bước chân đã không thấy gì. Tân Tiệp đã được Bình Phàm Thượng Nhân cho biết rằng đó là hiện tượng đang vào vũng núi. Trong những vũng biển như thế, vì nước ăn sâu vào lòng núi nên mỗi lúc gặp sương mù, mây sẽ tụ vào vách đá, càng lâu càng dày đặc vì không bị gió thổi bay đi mà trái lại càng ùn về nhiều hơn.
Tân Tiệp bất giác tiến thêm mấy bước, chỉ còn cách bọn người trước mũi có hai trượng. Còn may mà Hằng Hà Tam Phật dồn mọi chú ý vào chiếc thuyền phía trước, nếu không với thính lực của chúng sao không phát hiện ra Tân Tiệp?
Chợt nghe Kim Lỗ Ách quát to:
− Cô nương hãy mau dừng lại! Nếu không sư bá của ta sẽ ném dây thừng bát kéo sang đây!
Chắc rằng hắn thấy trời quá tối sợ nữ nhân thừa cơ thoát đi nên mới đe dọa câu đó.
Thuyền nhỏ phía trước luồn lách rất khéo, nhưng công lực của Hằng Hà Tam Phật cực cao, chỉ dùng chưởng lực điều khiển mà bám sát không rời.
Bá Lạp Các là người nóng tính nhất, chừng như không kiên nhẫn được nữa, tay giơ cao chiếc neo sắt nặng phải tới cả trăm cân. Chỉ cần hắn lao mỏ neo tới, chiếc thuyền phía trước nhất định sẽ chìm nghỉm.
Bá Lạp Các sợ rằng không còn hy vọng bắt được đối phương nên định hủy đi, vì sợ rằng nếu để đối phương sống sót loan tin ra giang hồ rằng Hằng Hà Tam Phật đến Trung Nguyên truy bắt nữ nhân thì còn mặt mũi nào nữa?
Phía trước đã thấy bờ đá rất gần.
Chiếc thuyền nhỏ phía trước đột nhiên lách sang trái một chút rồi biến mất.
Kim Lỗ Ách kinh hãi kêu lên:
− Cẩn thận! Có đá ngầm!
Hằng Hà Tam Phật hốt hoảng phát chưởng cố ghìm thuyền lại nhưng nó đang truy theo chiếc thuyền nhỏ với tốc độ rất lớn nên không sao dừng lại kịp.
«Rầm!».
Chiếc thuyền va vào một tảng đá chỉ thòi lên mặt nước độ một thước, chồm tới thêm cả trượng rồi mới đứng yên, ván thuyền vỡ răng rắc. Bấy giờ dù Hằng Hà Tam Phật công lực có cao cường bao nhiêu cũng không có cách gì trượt được chiếc thuyền ra khỏi tảng đá. Hơn nữa đáy thuyền đã bị vỡ tan, nước tràn vào như thác lũ.
Bá Lạp Các hai mắt đỏ ngầu, tức giận chửi nhăng lên. Kim Bá Thắng Phật đưa tay ngăn sư huynh lại, trên môi hiện nụ cười thâm độc nói to:
− Cô nương thật thông minh, Kim Bá Thắng Phật ta khâm phục vạn phần ...
Tới đó, hắn dùng tay ra hiệu cho Bá Lạp Các.
Tân Tiệp liền hiểu ra ý đồ của Kim Bá Thắng Phật khích cho nữ nhân lên tiếng tạo mục tiêu cho Bá Lạp Các, liền lách mình tới ba bước sẵn sàng hàng động. Bấy giờ chàng chỉ cách bọn người Thiên Trúc chưa tới một trượng, may mà chúng chỉ chú thần về phía trước, con thuyền lại bị sóng đánh rất dữ nên Tân Tiệp vẫn chưa bị phát hiện ra.
Quả nhiên từ trong màn sương dày đặc vang lên tiếng nói của nữ nhân:
− Bọn mọi tàn ác các ngươi bây giờ đã biết thủ đoạn của bổn cô nương rồi chứ? hãy đứng đó chờ làm mồi cho cá!
Kim Bá Thắng Phật cười lên hô hố rồi đưa tay ra hiệu cho Bá Lạp Các phóng neo đi ...
Bá Lạp Các công lực không kém gì Bình Phàm Thượng Nhân, vung cao chiếc mỏ neo nặng cả trăm cân phóng tới ...
Tân Tiệp đã sớm liệu trước tình huống này. Khi Bá Lạp Các phóng neo đi, chàng cũng nhảy vút lên vận lực nhằm Hằng Hà Tam Phật phóng tới một chưởng.
Kim Bá Thắng Phật kinh hoàng thấy sau lưng có người ám toán liền thét to một tiếng:
− Cẩn thận!
Theo bản năng, cả bốn hòa thượng Thiên Trúc vội vàng đưa chưởng lên ngực hộ thân. Tân Tiệp đang mong như thế, thừa cơ đối phương lúng túng lo phòng thủ, lao mình khỏi mũi thuyền bay theo chiếc neo vừa được Bá Lạp Các phóng đi.
Khi bốn người phát hiện mình bị lừa thì đã không kịp nữa, Tân Tiệp đã lao khỏi mũi thuyền tới ba bốn trượng. Kim Bá Thắng Phật vẫn nhận ra được Tân Tiệp, tức giận kêu lên:
− Tiểu tử! Lại là ngươi ...
Đột biến chỉ diễn ra trong chớp mắt. Bọn hòa thượng Thiên Trúc, nhất là Bá Lạp Các, tức giận mắng chửi om sòm.
Tân Tiệp lao theo chiếc neo, lúc này đã không lo gì đối phương đột kích nữa, nhún chân đạp xuống mũi neo tá lực lướt lên hơn trượng. Chiếc neo rơi ùm xuống biển cách chiếc thuyền nhỏ chỉ vài thước làm bắn lên một đợt sóng lớn.
Nữ nhân thấy chiếc neo rơi bùng xuống cạnh thuyền, lại có bóng người lao đến, kinh hãi kêu lên một tiếng gạt mạnh mái chèo làm con thuyền nhỏ lạng hẳn sang bên.
Tân Tiệp vốn nhảy theo chiếc neo, khi sắp tới thuyền liền đạp nó xuống biển thừa cơ nhảy lên thuyền. Nào ngờ chiếc thuyền bị nữ nhân chèo dạt sang bên, Tân Tiệp vẫn không nhìn thấy gì, khi sà xuống gần mặt nước mới hốt hoảng phất hai tay áo đập xuống mặt nước, nhờ đó lướt lên chừng hơn trượng.
Xung quanh vẫn là màn sương tối om, không nhìn thấy thuyền nhỏ đâu cả.
Tân Tiệp không biết làm cách nào, đành gọi:
− Phương muội! Ta đây!
Lập tức có một mái chèo chìa ra ngay dưới chân Tân Tiệp. Chàng định hướng rất nhanh, đặt chân xuống mái chèo rồi nhún mình nhảy lên, đáp xuống lòng thuyền chỉ cách có năm thước.
Chỉ thấy cách mình hai ba thước, một đôi mắt long lanh nhìn mình nhưng không rõ dung mạo. Cố căng mắt nhìn xuyên qua đám mây đen kịt như bưng lấy mắt, Tân Tiệp vận hết mục lực nhìn mới nhận ra mình đứng cách khoang thuyền chỉ vài thước, một nữ nhân đứng chắn ngang giữa khoang thuyền, đưa mắt sáng rực nhìn mình. Chàng chợt thấy trong lòng trở nên hoài nghi hỏi:
− Cô nương ... có phải họ Phương không?
Nữ nhân vẫn đứng trước khoang thuyền, đôi mắt long lanh nhìn Tân Tiệp không chớp, hồi lâu mới trả lời:
− Không sai! Tân đại ca ... muội đây! Không ngờ lại gặp chàng ở đây ...
Tân Tiệp thở phào một hơi.
|
|
|