Nắng lừng lên đánh tan sương lạnh, trong rừng cây là tướng Hoàng Thành đã kéo quân tiến nhanh vào khu rừng Ác Lâm, khí thế hăng hái như không xem ai ra gì cả.
Hoàng Thành tự phụ mình là kẻ vô địch xưa nay, nay đích thân đem mười ngàn kỵ binh tinh nhuệ, tiến đánh một toán giặc có thì khác nào dùng bảo để rút lá mùa thu.
Hắn hùng hổ thúc quân tiến đến.
Hoàng Thành ngồi trên xe có vẻ oai nghi, xung quanh có hàng trăm tướng hộ vệ, hắn thúc quân tiến tới như cầm chắc sự thắng trận trong tay.
Dưới ánh nắng sớm, đoàn quân Hoàng Thành oai vệ làm sao, sát khí như xông lên tận không gian làm thành những vệt mây trắng mỏng.
Trời càng lúc càng trưa, đoàn quân tiến sâu vào Ác Lâm, tiếng quân hò, tiếng xe ngựa, gươm giáo làm chim rừng kinh hồn bay tan cả.
Gần đến đứng bóng đoàn quân đã gần đến suối Nứa và khi mặt trời đứng ngay đỉnh đầu là Hoàng Thành kéo quân vào truông Suối Nứa.
Từ Sinh đứng trên đỉnh núi Đôi, chàng nhìn đoàn quân giặc kéo vào hùng hổ và bảo Bạch Phượng :
- Xưa nay ta nghe tướng Hoàng Thành là tay thao lược nay rõ lại chỉ là một kẻ tầm thường. Ông ta kéo rốc cả mười ngàn quân đi như thế kia thì chắc nguy rồi còn chi. Thế mới biết khinh giặc là hại. Hắn cho ta là kẻ tầm thường mới chơi như vậy.
Đoàn quân Hoàng Thành dần dần đi sâu vào ổ mai phục của nghĩa quân, cho đến lúc hắn thấy đường xá hẹp hòi, hai bên rừng dày bịt, đá vách chập chồng mới hơi nghi, ra dấu cho quân dừng lại và chờ quân do thám về, phái thêm quân tiên phong xông đến dò xét đường xá thì đã trễ quả rồi.
Trên đỉnh núi Đôi, Từ Sinh kéo lá cờ đó chỉ ngọn về hướng giặc và phát ba tiếng pháo là quân mai phục xông ra bắn như mưa.
Quân Hoàng Thành tuy là tinh nhuệ, nhưng đi cả buổi đường hiểm trở nên nhọc mệt, bị tấn công bất ngờ không làm sao chống nổi nên chạy lộn bậy với nhau, đè lên nhau mà chết.
Phần thì đường truông hẹp không đủ chỗ nên lúc bị tấn công chẳng núp được, chúng nép bên khe bắn lại, nhưng nào thấy quân nghịch nơi nào, chỉ bắn cầm chừng cho quân địch khỏi tràn tới.
Nghĩa quân lấy khỏe chờ mệt nên sức hăng hái làm sao, họ hò hét vang rền làm náo động cả một vùng to lớn.
Hoàng Thành tuốt gươm và vung khiên đỡ gạt tên bắn tua tủa quanh mình.
Thời may các bộ tướng đến bảo vệ xe hắn nên không sao cả.
Hoàng Thành ra lệnh cho quân liều chết cự lại nhưng quân sĩ phần sợ sệt, phần thì không liên lạc với nhau nên khó làm gì được.
Một khoảng đường truông dài thăm thẳm, chỗ nào cũng có quân sĩ giáp chiến khiến khu rừng âm u, tịch mịch bỗng chốc trở thành bãi chiến trường to lớn.
Nguyễn Đạt với Huỳnh Phúc thét quân loạn xạ và khi gần hết tên thì bọn giặc náo động, ngã ra như rạ, nên hô tiến và đánh trống thúc quân xông vào xáp chiến.
Nghĩa quân đương sức luyện tập lâu ngày, nay được dịp tung hoành nên đánh hăng vô kể.
Quân giặc tuy mạnh, nhưng vào đây là đã gần hết tinh thần vì e sợ sự nguy hiểm lại bị nhọc mệt nên khó chống cự được mạnh.
Cuộc xáp chiến vô cùng khốc liệt, gần một ngàn nghĩa quân theo Nguyễn Đạt và Huỳnh Phúc xông xảo như vào chỗ không người, gươm đao giáo mác chạm vào nhau chan chát nghe rùng rợn làm sao, tiếng hò hét lẫn với tiếng rú của kẻ sa cơ hòa với tiếng hô tiến quân nghe vang động cả một góc trời.
Thật là một trận chiến vô cùng ghê gớm, hai bên đánh nhau trong chỗ chật hẹp nên người chết như rạ, xây qua là có người chết. Nghĩa quân dùng đao vắn chém vèo vèo xung quanh như chém chuối, hễ thấy quân nào mặc toàn là y phục đen là chém đùa đi.
Tuy vậy nhưng nghĩa quân ít người khó mà thắng trọn được. Quân giặc tuy bị thua, nhưng chúng liều chết chống lại và chỉ một lúc sau là chúng giữ thế quân bình và tấn công trở lại bởi chúng quá đông.
Hoàng Thành như con hổ dữ phát điên, ông ta hò hét quân tướng đánh tràn tới, dẹp tan được một toán nghĩa quân nên quân giặc nổi khí thế trở lại.
Từ Sinh thấy quân mình đánh lâu e bất tiện, tiến cũng khó mà thoát cũng khó nên nổi pháo hiệu tức thì Lê Phong đem một toán quân tràn tới đánh tan quân giặc ra làm hai chặn.
Quân Lê Phong vừa mới tới nên hăng hái vô cùng, họ xông xáo chém giết không biết bao nhiêu đầu giặc mà kể.
Lê Phong dử như một vị hung thần, hai lưỡi gươm vung loang loáng chém bừa lũ giặc và đánh tràn đến gần tướng Hoàng Thành.
Thấy một tướng và mười mấy hạ tướng hộ vệ đến đâu là quân mình tan đến đấy, Hoàng Thành nổi giận thét bộ tướng tràn tới vây chặt.
Lê Phong không nao núng chàng vung gươm thúc ngựa tới chém tràn giết luôn mấy hạ tướng của Hoàng Thành.
Nhưng tình thế toàn thắng không đứng lâu vì quân giặc đông như kiến khó diệt hết.
Từ Sinh nhìn trận đánh kéo dài mà lo sợ chàng biết mình đã dùng hết cả đoàn quân dù giết sạch quân giặc mà quân mình không còn cũng không làm sao thành chuyện lớn, nên kéo cờ đó chỉ ngọn qua hướng Tây, tức thì quân lính đánh thật hăng làm giặc giạt qua một bên rồi thình lình chạy vụt vào bên trái.
Chỉ trong một lúc là toán nghĩa quân rút chạy vào đường rừng, dùng cung tên mà bắn vừa lùi lại.
Hoàng Thành thấy quân mình chết như rạ, nhưng cố đánh thì cũng có cơ thắng nổi nên hô quân khởi thế công, nhưng khó mà đuổi theo quân giặc vì không thuộc đường lối rành như nghĩa quân.
Hoàng Thành chỉ gươm về phía núi Đôi là quân sĩ tràn lên, hắn biết tướng chỉ huy của nghĩa quân ở trên núi ấy. Nếu chiếm được thế núi thì có hy vọng thành công được.
Bạch Phượng thấy quân giặc rùng rùng kéo lên, nàng nói với Từ Sinh :
- Quân giặc kéo lên ta phải ra tay thì vừa.
Từ Sinh gật đầu, chàng nổi hiệu pháo lúc quân giặc lên đến nữa núi thì quân mai phục lăn gỗ và đá xuống.
Quân giặc bị gỗ đá đè chết không tiến lên được làm Hoàng Thành vừa tức vừa sợ, ông ta biết thế nguy nên thu tàn quân kéo đến chiếm thế đồi đất gần đó mà đóng trại để chống giữ, tính kế lâu dài.
Từ Sinh im lặng đợi quân giặc đóng trại và nấu cơm gần xong liền nổi hiệu pháo là nghĩa quân tràn tới tấn công kịch liệt, nhưng Hoàng Thành phòng trước nên đoàn quân tinh nhuệ mặt ngoài đẩy lui nghĩa quân.
Bây giờ Hoàng Thành tra điểm quân sĩ lại thì hao hơn phân nửa, chỉ còn độ bốn ngàn quân. Ông ta tức tối quyết giết cho sạch toán nghĩa quân nên chia quân phòng các nơi rồi cho một toàn quân khỏe mạnh về đồn cầu viện.
Vừa thấy trong trại giặc một toán xe ngựa chạy ra, Từ Sinh nổi hiệu pháo là muôn ngàn mũi tên từ bụi rậm hai bên đường bay ra như cào cào về phía giặc...
Toán người ngựa ấy, không cự lại nổi nên lùi lại thì đã bị chết mất mấy người rồi.
Hoàng Thành giận lắm truyền cho toán khác ra ngay và phải đi cho khỏi.
Một đoàn người ngựa xông ra và chạy tràn đi mặc cho tên bắn như mưa. Lần nầy chúng dùng xe có chắn da trâu bao hai bên hông ngựa nên tên bắn không phủng, chúng cố chạy và bắn lại kịch liệt.
Chỉ một loáng là chúng đã chạy ra gần khỏi vòng vây, nhưng Từ Sinh nổi hiệu trống và kéo cờ xanh trên đỉnh núi thì nghĩa quân để cho chúng đi mà không đuổi nữa.
Hoàng Thành thấy đội quân thoát khỏi, ông ta có bụng mừng vì quân tiếp viện kéo đến đánh úp vào và mình đánh ra thì nghĩa quân chắc phải tan.
Ông ta dàn quân ra mặt sau và cho lính vậy núi Đôi, quyết tìm tên tướng lãnh nguy hiểm của nghĩa quân.
Từ Sinh nhìn quân giặc bổ vây núi mình, chàng cười và bảo Bạch Phượng :
- Đến lúc Hoàng Thành thức thời vụ thì muộn lắm rồi. Ông ta cơ thế còn làm sao vây nổi ta mà mong.
Chàng truyền cho quân sĩ canh gác nghiêm mật và cùng Bạch Phượng vào trại tạm dùng cơm.
Thời giờ trôi qua nhanh chóng, vầng thái dương chìm ngụp phía trời Tây, hoàng hôn về với vạn vật.
Dưới trại tướng Hoàng Thành khói lửa sáng rực, quân lính gõ sang canh giờ nghiêm nhặt.
Từ Sinh ngồi yên trong trại cho đến đầu giờ Tuất chàng mới đứng dậy ra khỏi trại.
Thấy Bạch Phượng đứng nhìn xuống trại giặc, Từ Sinh hỏi :
- Cô nương nghĩ sao ?
- Em nghĩ Hoàng Thành thua vì cô thế. Quả đồi ấy không phải địa thế tốt.
Từ Sinh cười, chàng nói :
- Ngay trong đêm nay tướng Hoàng Thành sẽ không còn. Đoàn quân hắn sẽ rã tan.
- Nhưng quân tiếp viện hắn sẽ đến.
- Cô lầm rồi. Tôi để bọn chúng ra khỏi vòng vây là nhường cho Nguyễn Lộc lập công vì chúng tài nào thoát khỏi vòng vây của Nguyễn Lộc phía hậu trận xa.
Vả lại tôi cần làm thế để Hoàng Thành phấn khởi hy vọng mà phải thua.
- Anh có mưu chi ?
Từ Sinh cười mà không đáp gì cả. Chàng nhìn chăm về phía trại giặc, gương mặt trở nên oai nghiêm khổ khắc làm sao.
Bỗng chàng nói :
- Đã đến giờ Tuất rồi. Ta khởi sự thì vừa.
Chàng ra hiệu cho mấy viên hộ tướng và truyền lệnh :
- Kéo lồng đèn lên.
Tức thì một lồng đèn đỏ to lớn được kéo lên cao cùng một lúc với ba tiếng pháo hiệu nổ.
Xung quanh trại tướng Hoàng Thành những tiếng pháo hiệu nổ ầm lên, tiếng quân reo hò như ong vỡ tổ.
Trong trại tướng Hoàng Thành, quân lính kinh hồn hoang mang sợ sệt không hiểu nghĩa quân sẽ tấn công ra sao ?
Họ nhớ đến trận xáp chiến vừa qua mà hãi hùng, những cảnh thây ngã người chết như ra. Màu chảy nhuộm đỏ một vùng mà mất vía kinh tâm.
Hoàng Thành truyền cho quân sĩ không được náo động, cứ im lìm dùng cung tên bắn và dùng giáo dài đẩy lui nghĩa quân nếu họ tràn vào xáp chiến.
Từ Sinh thấy trại giặc im lìm như vậy, chàng khen thầm Hoàng Thành là tướng giỏi.
- Đang đêm có giặc đến đánh mà quân sĩ không náo động cũng là tài lắm rồi.
Bạch Phượng nói :
- Hoàng Thành khá lắm anh ạ ! Hắn cố thủ và vây ta thế nầy thì thế hắn cũng ngang với ta.
Từ Sinh cười mà không nói với nàng, chàng truyền lệnh nổ pháo thì nghĩa quân ở dưới đánh trống la hét om sòm, nhưng không tràn vào tấn công.
Từ Sinh đi vào trong trại ngồi nghỉ độ một trống canh sau chàng lại ra ngoài nhìn xuống trại giặc.
Bạch Phượng lạ lùng hỏi :
- Sao anh không cho tấn công. Bây giờ đã đầu giờ Hợi rồi.
Từ Sinh gật đầu nói :
- Giặc đã hơi yên tâm rồi. Ta làm cho chúng không thể ngủ yên được.
Chàng cho nổ hiệu pháo là quân lính vây dưới trại Hoàng Thành nổ pháo theo và reo hò dữ dội, khiến trại quân Hoàng Thành giật mình nhốn nháo.
Tất cả quân lính đều mang giáp nai nịt cẩn thận, cầm gươm đao chờ sự xảy ra, nhưng nghĩa quân chỉ hò hét làm oai mà không sấn vào.
Hoàng Thành hiểu ngay quân giặc muốn làm cho quân mình kinh động mệt mỏi, hắn truyền lệnh cho quân lính cứ mặc giáp mà ngủ, còn tốp canh ngoài phải cho cẩn thận.
Quân sĩ được lệnh cứ ngủ như thường dù quân giặc có reo hò cũng mặc kệ.
Nghĩa quân reo hò một lúc rồi im ngay.
Rừng trở lại yên lặng như tờ, có tiếng gió qua khe lá, rì rào như thì thầm giọng bí mật ghê sợ với kẻ non gan.
Cái nguy hiểm trong bóng tối mịt mờ như bao phủ quanh trại Hoàng Thành, trong khi quân lính của hắn quá mệt mỏi nằm lăn ra ngủ.
Hoàng Thành ngồi một mình trong trướng, hắn nghĩ mưu kế để đánh tan quân giặc nhưng chưa ra kế nào cả. Hắn tức tối và trách thầm mình khinh giặc mới bị bại một trận to lớn như vậy. Bây giờ có diệt sạch nghĩa quân mình cũng còn thiệt hại lớn.
Hoàng Thành quyết ngày mai sẽ tử chiến đem toàn lực ra diệt cho được nghĩa quân nếu có tin quân cứu viện đã tới. Hắn nghĩ suy một lúc khá lâu cho đến lúc quả mỏi mệt mới chui đầu vào lưng ghế thiêm thiếp ngủ.
Bên ngoài tiếng sanh khắc bảo đổi canh.
Đầu giờ Tý...
Trời đất âm u đen tối như rừng già mù mịt. Trời không mưa nhưng mây đen che cả ngàn sao khiến cảnh vật càng thêm vẻ rùng rợn ghê gớm, bao trùm sự bí mật hãi hùng giữa rừng sâu sau cơn chém giết.
Bỗng trên đỉnh núi pháo nổ tức thì phục quân quanh trại Hoàng Thành tràn sát vào vòng rào, bắn tên lửa như muôn ngàn ánh sao sa vào trại. Khiến chông nhọn đặt quanh trại bị cháy.
Nghĩa quân tràn vào bắn như mưa, hò hét vang dậy, hòa với tiếng trống thúc quân vang rền cả một góc trời đêm.
Hoàng Thành giật mình mở choàng mắt vớ lấy thanh giáo bên mình vụt đứng dậy thì một hộ tướng chạy vào mặt mày hơ hải, run nói :
- Nghĩa quân tràn vào, ta nguy mất.
Hoàng Thành vừa tỉnh ngủ, ông ta sáng suốt lạ thường, ông nói mau :
- Yên lòng, quân ta đông gấp mấy lần, chúng ta phòng bị sẵn, dẫu có vỡ tan một lớp ngoài chúng cũng không thể xông vào đại trại được.
Hoàng Thành nổi hiệu trống tức thì vòng quân phía trong choàng dậy cả. Từ nãy giờ chúng được lịnh dù quân giặc có reo hò cũng cứ nằm yên vì đấy là kế chứ giặc không tấn công thật.
Bây giờ nghe hiệu trống báo nguy quân sĩ chổi dậy toan tìm khí giới thì không hiểu sao nghĩa quân ở đâu đột nhập vào giữa trại vung gươm giáo chém loạn đả.
Thật là rùng rợn, người ngã như rạ, máu phun có vòi lênh láng cả trại binh.
Đoàn nghĩa quân chui dưới đất lên khắp các trại chém giết tràn đi, phần thì quân bên ngoài chém ào vô, trong đánh ra ngoài đánh vào làm giặc tan tác như ong bị phá tổ.
Hoàng Thành không thể ngờ quân địch chui đường hầm lên nên không thể giữ vững quân mình được. Ông ta đem mấy trăm bộ tướng mạnh chạy ra khỏi trại phá vây mà ra.
Còn nghĩa quân chém giết giặc tơi bời ước chừng nửa trống canh mới xông ra khỏi trại mà kéo lại với quân vây bên ngoài vì quân giặc quá đông đánh lâu không lợi.
Trên đỉnh núi Đôi, Từ Sinh nghe tiếng quân reo hò trong trại giặc, chàng cười và bảo Bạch Phượng :
- Cô đã thấy quân ta xông vào trại giặc rồi chứ ?
Bạch Phượng cười và đáp :
- Chính em cũng không ngờ anh dùng lối ấy. Quân ta từ đường hầm chui lên thì giặc làm sao ngờ được mà không thua.
Từ Sinh thấy lửa dưới trại Hoàng Thành phát cháy thì biết chúng đã thua to, chàng nổi hiệu pháo lui quân vì không muốn đuổi giặc cùng.
Chàng bảo Bạch Phượng :
- Khi thắng giặc nơi trại chúng kéo quân về, tôi đã liệu thế nào Hoàng Thành cũng đem quân vào tấn công ta và tôi quyết giao chiến với hắn ở đây, dồn hắn vào thế nguy tức nhiên hắn phải chiếm ngọn đồi để đóng trại và vây núi Đôi nầy. Tôi cho đào sẵn những đường hầm thông đến ngọn đồi và đánh thắng bất ngờ. Hoàng Thành dù là tướng giỏi cũng không tài nào hiểu nổi mưu kế đó.
- Anh quả là một tướng tài đầy đủ mưu lược. Đức Bình Định Vương may mà được một tướng như anh.
Từ Sinh mỉm cười không nói chi cả, chàng bảo Bạch Phượng :
- Chắc chắn trong đêm nay Hoàng Thành sẽ kéo lui về và sẽ bị Nguyễn Lộc chận đánh. Tuy ta không bắt nổi hắn, nhưng từ rày hắn không dám vào đây lần nữa, vì biết không sao hơn được ta khi mà hắn không có địa thế.
Chàng vỗ tay ba tiếng là hai bộ tướng nhãy ra cúi đầu chờ lệnh :
- Truyền cho các tướng hãy thu quân, mở vòng vây cho Hoàng Thành ra khỏi.
Bạch Phượng nhìn chàng như dò hỏi trong khi bộ tướng lãnh lệnh đi ngay.
Từ sinh nói :
- Quân giặc còn rất nhiều, ta không thể vây nổi. Vả lại trong binh pháp, kỵ nhứt là đuổi giặc cùn. Hãy để hắn lui về ta có lợi hơn.
Từ Sinh im lặng một lúc lâu và nói :
- Trận nầy tuy ta toàn thắng nhưng chắc chắn quân ta tử trận cũng nhiều.
Bạch Phượng không nói gì, nàng không khỏi buồn lòng khi nghĩ đến những đồng bạn đã tử trận trong ngày nay.
Nàng e dè nói :
- Nếu Hoàng Thành về là nguy cho Ngôn và Vịnh lắm. Bọn kia trong đánh ra ngoài kéo vào thì Vịnh dầu có mưu mô đến đâu cũng không thể cự nổi.
Từ Sinh thản nhiên đáp :
- Cô nương yên lòng. Vịnh là người đầy mưu cơ. Chúng ta thắng giặc hôm nay là nhờ Vịnh tiên đoán trước định mưu mô với tôi. Ngay trong đêm nay Vịnh sẽ kéo về bình yên vô sự và Nguyễn Lộc sẽ chiếm được xe ngựa của giặc, còn lũ giặc sẽ về mình không.
Bạch phượng khen Từ Sinh :
- Anh thật xứng đáng. Dù tướng Trần Nhuế cũng không thể nào hơn anh được.
Từ Sinh sờ tay vào chuôi gươm, chàng nói :
- Nhưng tướng Trần Nhuế là người có mắt tinh đời. Ông ta bảo tỳ tướng trao cho tôi thanh gươm nầy làm nhục tôi để khích lòng tôi. Nhờ đó tôi có ngày nay.
Chính tướng Trần Nhuế nhờ vị võ sư đến chỉ dạy cho tôi. Tôi nào có dám quên ơn người. Người trao cho tôi lưỡi gươm để cứu quốc tôi nào dám quên lời dặn ấy.
Hai người bàn chuyện một lúc thì chia tay nhau vì đêm đã khuya lắm.
- o O o -
Ngày nay nơi đại trại nghĩa quân rộn rịp làm sao, vì là ngày mừng thắng trận.
Hoàng Thành bị bại trận trong đêm, hắn biết khó thắng nổi nên lập tức rút quân ngay trở về và nhờ Từ Sinh mở vòng vây nên ông ta thoát khỏi.
Nhưng khi ông ta qua khỏi truông Suối Nứa là bị Nguyễn Lộc chân đánh.
Nghĩa quân bỏ cây đá ngăn một khoảng đường dài, xe ngựa không tài nào đi được rồi cứ trong bụi rậm bắn tên ra như mưa.
Hoàng Thành nhắm không xong nên ra lệnh cho quân lính bỏ cả xe ngựa mà chạy về mới thoát khỏi.
Còn Nguyễn Lộc đợi giặc chạy rồi mới đem quân ra thu hết xe ngựa khí giới đem về đại trại.
Còn Ngôn và Vịnh đem quân xuống Lam thôn đánh úp trại giặc nên chúng không thể nào tiếp cứu Hoàng Thành được.
Còn Chu Kiệt vì hiềm khích tướng Hoàng Thành nên không phái binh đi cứu.
Thắng trận một cách oai dũng như thế nên Từ Sinh cho quân lính ăn mừng ba ngày và lập đàn tế các chiến sĩ trận vong.
Đại trại ồn ào vui vẻ, quân lính nhảy nhót vui chơi. Khắp các nơi đều vui như thế cả. Cướp được lương thực, ngựa xe, khí giới của giặc quá nhiều, đến đỗi trại nghĩa quân không còn chỗ để phải cất thêm trại mới đủ chứa xe ngựa, nghĩa quân vui sướng làm sao vì từ nay có đủ ngựa xe mà dùng.
Trong khi mọi người ăn uống vui chơi thì Từ Sinh và Bạch Phượng ra khỏi trại đi về phía suối để hóng mát.
Hai người vừa ra đến ven suối thì từ trong rừng ba người phi chạy nhanh đến.
Từ Sinh và Bạch Phượng quay nhìn lại và nhận ra ba tướng phóng ngựa đến trước mình.
Thấy Bạch Phượng ba người nọ xuống ngựa cúi chào và nói :
- Xin cô nương cho tôi được gặp tướng quân Từ Sinh có việc cần kíp.
Bạch Phượng nhìn Từ sinh và nói :
- Đây là ba tưởng hầu cận của Bình Định Vương.
Từ Sinh hiểu ngay, chàng nói :
- Từ Sinh là tôi đây. Xin các ông cho biết sang đây có việc chi ?
Ba người nọ cúi chào chàng và đệ trình chàng phong thư và nói :
- Đây là thư của Bình Định Vương gởi tướng quân.
Từ Sinh mở thư ra xem khi ba tướng kia lùi lại cách chàng xa xa.
Bức thư như sau :
Từ Sinh tướng quân nhả giám.
Từ ngày tướng quân nhận làm đại tướng của ta thì đã lập nhiều công lớn ta xiết nỗi mừng vui vì có một viên tướng tài trí mưu lược gồm thêm.
Một trận ra quân làm Hoàng Thành, Chu Kiệt bó tay làm quân giặc tan nát, lại phục quân phá vạn quân Minh khiến giặc nghe danh phải rủng chí kinh hồn.
Ta đây cũng phục tài đức của tướng quân và chư tướng với quân sĩ hết lòng chống giặc.
Ta gởi thư nầy báo tin cho tướng quân biết nay mai ta sẽ khởi binh xuống đánh Tây Đô. Vậy tướng quân hãy cố quấy rối quân giặc khắp châu Trà Long, gởi thư cho khắp cả các tướng quân khác cùng nổi lên một lúc đánh phá luôn cho chúng bận tâm lo dẹp để ta thừa cơ tiến đánh.
Tướng quân hãy làm theo lời ta dặn để đại sự khỏi hư. Nước nhà còn mất là do ở sự đồng tâm cố sức của chúng ta. Xin tướng quân hãy khởi sự ngay và truyền lệnh đi khắp chốn.
Ta cầu chúc cho tướng quân và toàn thể quân binh phá tan giặc dử, cứu quê hương thoát cảnh lầm than.
Kính thư,
Bình Định Vương, Lê Lợi.
Từ Sinh cất kỹ phong thư vào mình và bước đến bảo ba tướng kia :
- Ba tướng về tâu lại với Vương là ta xin vâng lệnh người sai khiến.
Ba tướng kia được lệnh liền cúi chào Từ Sinh toan đi, nhưng chàng nói :
- Hãy vào trại đổi ngựa và đem lương thực theo rồi sẽ lên đường cho ngựa khỏi mệt.
Chàng nói tiếp :
- Nay mai ta sẽ cho người đem sang cho đức Bình Định Vương ngàn con ngựa mạnh để dùng.
Một tiếng vui mừng nói :
- Xin tướng quân gấp cho người lên đường. Nếu được ngựa thì việc tiến quân dễ dàng lắm.
Từ Sinh trao cho ba người một mộc bản để họ vào trại được và nói :
- Hãy lo việc cho xong.
Ba người nọ chào chàng và Bạch Phượng rồi lên ngựa phi ngay vào trại bìa.
Bạch Phượng nhìn nước trắng xóa dưới suối nàng khẽ hỏi :
- Đức Bình Định Vương ra quân chăng ?
- Đúng vậy.
Bạch Phượng hỏi :
- Ngày nay chúng để tâm phòng bị, canh gác nghiêm mật thì ta làm chi nổi không khéo bị thua mà nguy khốn đó.
- Người khiến chúng ta khởi quân à ?
Từ Sinh gật đầu.
Bạch Phượng ngẫm nghĩ một lúc rồi nói :
- Tuy ta thắng được mấy trận lớn, nhưng đem toán nghĩa quân tiến đánh trận với giặc thì sao thắng được.
Từ Sinh đáp ngay :
- Cô nương nói đúng lắm. Hoàng Thành và Chu Kiệt giờ đây giữ gìn lắm ! Vị võ sư của ta cho biết chúng đề phòng rất cẩn mật và bảo ta luyện quân chờ dịp tốt.
- Anh nghĩ sao ?
- Như vậy là đúng, nhưng Đức Bình Định Vương muốn ta ra quân chia thế giặc thì ta đành phải làm vậy.
Bạch Phượng nói với sự e dè :
- Em không nghĩ ra vì sao Vương lại ra quân nữa. Quân ta không thể thắng giặc to lớn kia mà.
Từ Sinh cười và bảo nàng :
- Biết như thế, nhưng quân của Vương ngày nay cũng khá đông mà khí thế như đã lụt. Vậy nên Vương cần đánh để tăng lòng hăng hái của quân binh. Nếu đợi thời e lòng quân trễ nải mà hư việc lớn. Thà thua trận mà còn khí thế mới bảo tồn quân binh được.
Bạch Phượng bảo chàng :
- Quân ta nếu đường hoàng chọi với giặc thì như trứng chọi đá vậy. Ta thắng chúng phần nhiều là nhờ phục binh, nhưng nay chúng cũng giữ vững đồn trại mà phục lại ta thì ta dại gì đem quân vào tử địa.
- Cô nương nói đúng lắm, nhưng giặc đã dùng mưu tất nhiên ta phải dùng mưu. Nếu không làm giặc khốn quân thì ta phải khốn quân. Quân ta không thể ở mãi trong rừng nầy được. Nếu cố thủ mãi đến chừng lương thực hao mòn, lòng quân sanh biếng thì nguy lắm.
Vừa lúc đó Vịnh ra đến, chàng ta bước lại phía Từ Sinh và Bạch Phượng rồi cúi chào.
- Tham mưu đến đúng dịp. Tôi định cho người mời ra đây để bàn việc.
Vịnh nói ngay :
- Tôi thấy các tướng của Bình Định Vương nên độ chừng có việc mới đến đây.
- Chúng ta đến kia bàn việc là hơn.
Ba người đến ngồi nơi mô đá.
Từ Sinh trao bức thư cho Vịnh xem rồi nói :
- Vương đã xuống lệnh như thế thì ta phải thi hành, nhưng làm sao cũng phải cho thắng, cùng lắm là hòa mới được. Ta ít quân không thể đường đường chọi với giặc được, thì ra phải làm sao ?
Vịnh ngồi im một lúc và hỏi Bạch Phượng :
- Cô nương có ý kiến gì chăng ?
- Theo tôi nghĩ ta đừng chạm tới giặc là hơn, nhưng phải làm sao cho chúng khốn quân thì mới đúng kế sách.
Từ Sinh nói :
- Việc ấy phải nhờ đến mưu trí của Tham mưu mới được.
- Tướng quân để tôi định trước à ?
- Tham mưu nhiều mưu lược hơn tôi tất nhiên có kế hay.
Vịnh ngồi im một lúc nữa và nói :
- Ta hiện ở trong tình thế nguy nan. Quân giặc không dám tấn công ta vì không địa lợi, nhưng chúng vây quanh ta tuyệt đường lương và giao thông rồi gạt gẫm dân chúng là quân ta bị diệt sạch.
Vợ con quân sĩ nghe tin ấy đều mất vía, chúng lo sợ ngày đêm không còn lòng dạ nào lo giúp ta như trước nữa. Lương thực càng thấy hụt hơn trước nhiều. Tôi e sợ có ngày không đủ dùng thì nguy to.
Từ Sinh nói ngay :
- Tôi cũng sợ bấy nhiêu đó.
Bạch Phượng cũng nói :
- Điều đó rất đáng sợ. Ta phải đối phó ngay mới được.
Vịnh nói :
- Bây giờ ta cho thân nhân của những người trong Lam Thôn lén về thăm nhà và cho gia đình họ biết giặc nói dối. Như vậy dân có tinh thần trở lại. Cùng lúc ấy ta cho quân tinh nhuệ cứ đêm khuya lại kéo về và luôn luôn như thế cho giặc sợ.
Bạch Phượng nói :
- Nhưng nếu giặc đánh ta chịu sao nổi ?
- Ta không cần phải đánh, chỉ cần đến cho nhanh và lùi cho chóng. Dùng một toán quân nhỏ mọn làm cho giặc lúc nào cũng không yên mà chúng không làm sao đánh ta được. Đến lúc chúng trễ biếng thì ta rình đánh một vố nặng vào chúng rồi lui nhanh về dùng kế hoạch trước.
Từ Sinh khen hay, chàng nói :
- Tham mưu tính thế là phải. Ta dùng một toán quân nhỏ làm giặc không lúc nào được yên thì chúng khó làm gì nổi, ta nên thi hành ngay từ ngày nầy.
Cả ba cùng vào đại trại và thi hành ngay mưu mô ấy.
|
|
|