Sau buổi chầu…
Thánh thượng uể oải dạo trong vườn thượng uyển. Những loài kỳ hoa dị thạch đứng xếp hàng biểu diễn, khoe vẻ hay vẻ lạ một cách nhạt nhẽo. Thánh thượng lại thở dài. Ngài vẫn còn tơ tưởng tới tiếng đàn đêm nọ. Tại sao đã mấy ngày nay tổng quản thái giám đi tìm người chơi đàn mà vô ích? Hay đó đích thực là oan hồn của một cung nhân bị giam cầm trong cung cấm. Không! Chắc chắn không! Sự phiêu bồng, sự khuyến rũ, mê say, trăm ngàn tiếng tơ lòng ẩn chứa trong chuỗi âm thanh kỳ diệu ấy làm sao có thể được vút lên từ mồ lạnh với biết bao hờn tủi được!
Ngài thay đồ thường dân, cưỡi ngựa ra khỏi cấm cung. Thuở nhỏ, khi còn là Tư Thành, Hồng Đức sống lẫn trong dân chúng, quen với sự phóng khoáng, tự do. Đôi khi ngài vẫn mơ thấy những tiếng guốc nện đều đều trong đêm, tiếng rao hàng thoắt ẩn thoắt hiện trong màn sương buổi tinh mơ… Và giờ đây, ngài lại mơ thấy một tiếng đàn.
Ngựa của ngài dạo gót ven hồ Dâm Đàm. Nắng chiếu xuống lòng hồ xanh mờ những dải vàng lấp lánh. Đám sen hồng cũng lung linh, huyền ảo toả ra một thứ ánh sáng của những chiếc đèn lồng thả trên mặt nước trong ngày lễ hội.
Bỗng văng vẳng cất lên tiếng ngâm thơ:
“Hà diệp lục như cái
Hà hoa hồng tự nhan
Tư quân vị đắc kiến
Trì thượng không bàn hoàn”
(Lá sen như lọng biếc
Hoa sen như má đào
Nhớ ai không gặp mặt
Thơ thẩn hoài bên ao)
Thánh thượng giật mình nhìn về phía khuất trong đám sen, chiếc thuyền nhỏ đủng đỉnh rẽ lá xanh biếc trôi đi. Ngài nhận ra đó là vợ chồng Giáo thụ Phù Thúc Hoành và Ngô Chi Lan.
Thánh thượng vỗ tay, nói to:
- Quả là thơ hay!
Cặp tài tử giai nhân ngạc nhiên, vội chắp tay thi lễ. Ngài khoát tay miễn lễ:
- Ở đây ta không phải là Thánh thượng…
Thánh thượng xuống thuyền cùng thưởng ngoạn cảnh hồ. Ngô Chi Lan rót ly rượu sen thơm ngào ngạt, nâng mời ngài. Ngài đón lấy, lâng lâng nuốt từng mùi thơm vào sâu trong lá phổi. Vị rượu ngòn ngọt như được khẽ chạm môi lên làn da mỏng mảnh của một thiếu nữ đang say ngủ.
- Dân gian có câu: “Rượu sen càng nhắp càng say- Càng yêu vì nết, càng say vì tình…” Qủa là ứng vào vị rượu này vậy…
Ngô Chi Lan đưa mắt về phía bờ xa xa, nhẹ nhàng tâu:
- Dạ thưa, rượu này quả do giai nhân chưng cất nên hương vị tất không phải tầm thường…
Phù Thúc Hoành cũng tiếp lời:
- Thần và phu nhân cũng đang có ý định tới đó… Nếu thánh thượng không chê…
- Sao khanh lại khách sao như vậy- Thánh thượng ngắt lời- Ta đã ở trên thuyền rồi, đành nghe theo loại liên tửu này vậy!
Con thuyền tách ra khỏi đám sen trôi nổi, lững lờ tới một đám sen khác. Lại tiếng ngọc rung! Thánh thượng đứng bật dậy, ngơ ngác giữa bốn bề sen thơm ngát.
- Hai khanh có nghe thấy gì không?
Phù Thúc Hoành gõ nhịp những ngón tay đu đưa theo tiếng đàn:
- Đó là tiếng đàn của Ngọc Cầm, người chưng cất loại hảo tửu này, thưa Thánh thượng.
- Xem ra hôm nay cô em Ngọc Cầm có vẻ vui vẻ khác mọi ngày…- Ngô Chi Lan nhấp rượu, mỉm cười.
Thánh thượng dường như không để ý tới lời qua tiếng lại giữa hai vợ chồng họ Phù. Ngài còn đang mải mơ. Ngài mơ thấy tiếng đàn đêm ấy. Kỳ lạ thay! Làm sao tiếng đàn có thể vượt qua cửa cấm thành để tới được tai ngài? Nhờ gió chăng? Hay là diễm phúc của Ngọc Hoàng thượng đế ban cho ngài.
Chiếc thuyền ghé sát dần một thuỷ đình mái lợp cỏ đơn sơ mà thanh nhã. Càng tới gần, Thánh thượng mới phát hiện ra xen giữa âm thanh trong trẻo, phiêu lãng của dàn tỳ bà còn có tiếng mõ tụng kinh cầu Phật.
Quả nhiên, một thiếu nữ khoác áo nâu sồng đang ngồi ở góc khuất của đình nhắm mắt toạ Thiền. Không hương khói, không bàn thờ, chỉ có trời, nước và những đám sen. Thánh thượng không khỏi ngỡ ngàng trước nhan sắc của nàng. Thiết nghĩ tứ đại mĩ nhân phương Bắc cũng chỉ tới thế mà thôi. Trong màu áo tu hành, vẻ chân thiện chân mĩ của nàng càng bội phần khiến nước hồ phải sóng sánh, chao đảo. Nàng chính là hoá thân của bông sen hồng giữa ánh nắng lấp lánh của buổi chiều hè…
- Ngọc Thư…- Ngô Chi Lan cất tiếng gọi.
Thiếu nữ bừng tỉnh khỏi những dòng suy nghĩ miên man về Phật. Nàng mỉm cười vẫy tay chào vợ chồng họ Phù.
Thánh thượng cùng hai vợ chồng bước lên thuỷ đình. Bốn người ngồi bên bàn trà sen thơm dịu.
- Em đang nghĩ điều gì mà miên man thế? Chị gọi mấy lần mới tỉnh!
Ngọc Thư rót trà vào từng chén nhỏ màu đất nung nâu đỏ, lơ đãng chẳng để tâm tới Thánh thượng, miệng tươi cười:
- Em đang ngẫm ngợi đôi điều trong một bài phú của Trúc Lâm tổ sư !
“Cư trần lạc đạo khả tuỳ duyên
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”
(Vui đạo dưới cõi trần nên tuỳ duyên
Đói thì ăn, mệt thì nghỉ
Trong nhà có của quý đâu cần phải đi tìm
Đứng trước cảnh mà vô tâm thì chẳng cần phải hỏi tới Thiền)
Phù Phúc Hoành cả cười:
- Trong cõi đời này, ít kẻ nghĩ thông suốt được vậy lắm… Nguyên lý ấy tưởng chừng đơn giản mà đâu phải ai cũng làm được! Kẻ truy cầu danh vọng, kẻ truy cầu tiền bạc, kẻ truy cầu cái đẹp… thậm chí truy cầu cả Thiền…
Thánh thượng vẫn không khỏi băn khoăn. Từ khi Ngô Chi Lan lên tiếng gọi Ngọc Thư, ngài không còn nghe thấy tiếng đàn nữa.
- Tiếng đàn vừa rồi…
Ngọc Thư rót trà vào từng chén của khách. Luồng hơi nóng toả ra mang dáng vẻ của nàng vũ nữ tung dải lụa tới trời xanh.
- Đó là em gái của tiện thiếp… Ngọc Cầm, em ra đây đi!
Không có tiếng bước chân, chỉ có tiếng cót két đẩy cửa. Thánh thượng ngơ ngẩn tới vuột tay đánh rơi cả chén trà xuống bàn lênh láng. Khuôn mặt nàng phất phơ mây phủ như tới từ một chốn cực lạc hư vô. Thánh thượng run rẩy thấy mắt mình mờ đi trong lớp sương mỏng.
- Hôm nay em có chuyện gì vui mà tiếng đàn trong sáng, hồn nhiên thế?- Ngô Chi Lan lên tiếng hỏi.
Ngọc Cầm chỉ cười cười không nói.
- Tiếng đàn của nàng làm mê đắm lòng người… Khéo thay cho người đặt tên!
Ngọc Cầm đưa mắt nhìn Thánh thượng. Đến ánh mắt của nàng cũng lãng đãng khói mây non nước của chốn Đào Nguyên.
Phù Thúc Hoành hiểu ý Thánh thượng, khẽ bảo:
- Hôm nay khí trời thanh nhẹ, em cho chúng ta nghe lại khúc “Hải du” được chứ!
Ngọc Cầm khẽ nhíu mày tỏ vẻ không vừa ý. Ngọc Thư vội đỡ lời:
- Không sao! Bạn của anh chị Nhậm Nhân tất chẳng phải kẻ tầm thường… Huống hồ gì khách quan lại có ý yêu quí tiếng đàn của em…
Ngọc Cầm lặng lẽ đứng dậy, một lúc sau, nàng ôm cây đàn tranh, khẽ tựa vào lan can và bắt đầu so dây.
Thánh thượng rùng mình! Ngài chợt nhận ra chuỗi âm thanh quen thuộc của những viên ngọc trai rơi trên nền đá…
Dồn dập tựa sóng biển rạt rào đêm ngày vẫn vỗ vào bờ và lôi tuột màu vàng của cát lẫn vào cái xanh thẳm vô cùng của đại dương! Gío lồng lộng chen qua muôn trùng mây trắng! Cánh chim âu nhịp nhàng lượn vòng như mũi kim khâu chặt bầu trời-mặt biển! Chợt, điệu châm dần, ngưng đọng! Sự ngưng đọng khiến trái tim của Thánh thượng thắt lại… Trong chốc lát, tiếng đàn tung thoát khỏi biển trời! Chỉ còn lại sự phiêu diêu! Chỉ còn lại bóng trăng dãi trên biển một vệt dài tới đường chân trời! Chỉ còn lại sự chuyển mình hoá thân của con cá Côn thành chim Bằng, “nương theo gió lốc mà lên tới chín vạn dặm”…
Đột ngột, nàng dừng đàn, khẽ nhăn đôi mày…
- Sao thế?- Ngô Chi Lan băn khoăn- Sao cứ tới chỗ này là em lại không đàn nữa!
Ngọc Cầm thở dài, mắt vẫn không rời sóng nước. Nàng cất giọng đều đều:
- Chúng ta đang ngồi ở Dâm Đàm… Hồ này quả thật mênh mông, rộng lớn, nhưng… tiếc rằng…
Ngọc Thư cũng nhìn theo em gái một cách mơ hồ, nàng khe khẽ ngâm một đoạn trong chương “Thu Thuỷ”:
“Nước trong thiên hạ không đâu lớn bằng biển. Muôn sóng dồn về không biết bao giờ thôi vậy mà không đầy. Rốn bể chảy đi không biết bao giờ ngừng, vậy mà không vơi. Xuân, Thu chẳng đổi; thuỷ, hạn không biết. Phần hơn các dòng sông, lạch không thể lường tính được…”
Chú thích:
1 -Tức Trần Nhân Tông
2 -Phù Thúc Hoành có tên tự là Nhậm Nhân.
|
|
|