Đã đến ngày chúng tôi rời Rome đi Capri. Battista đã quyết định đi theo chúng tôi đến đảo, để tôn vinh chúng tôi làm những khách danh dự của ngôi biệt thự, như hắn phát biểu vào sáng hôm ấy. Khi xuống đến đường phố, chúng tôi trông thấy chiếc xe cực mạnh màu đỏ của Battista bên cạnh chiếc xe nhỏ khiêm tốn của tôi. Tháng sáu đã bắt đầu, nhưng thời tiết vẫn còn chưa ổn định, bầu trời u ám, lộng gió. Battista mặc áo da, quần nỉ flanel đang đứng bên xe trò chuyện với Rheingold. Gã này, như một người Đức chính cống, cho rằng nước Ý bao giờ cũng là miền nắng ấm, ăn mặc quá phong phanh so với thời tiết như thế này, với một bộ đô bằng vải lanh có sọc, cắt theo kiểu thuộc đia và chiếc mũ kết trắng. Emilia bước ra khỏi nhà, theo sau có một người khuân vác và một cô người hầu mang các hòm xiểng. Battista và Rheingold tiến ngay lại đón chúng tôi.
Sau những câu chào hỏi, Battista nói "Nào, chúng ta sắp xếp ra sao đây?" Đoạn, không đợi ai trả lời, hắn nói luôn "Tôi đề nghị bà Molteni đi cùng xe với tôi, và Rheingold đi với ông, Molteni ạ. Như vậy, hai ông sẽ có thể bắt đầu bàn về cuốn phim trên đường đi…bởi vì…" hắn kết luận với một nụ cười, nhưng với một giọng nói nghiêm túc "công việc thật sự bắt đầu từ ngày hôm nay…và tôi muốn nắm được kịch bản trongtay trong vòng hai tháng thôi".
Tôi thốt nhiên đưa mắt nhìn Emilia và nhận thấy trên gương mặt nàng, các đường nét như lệch đi, như tôi đã thấy trong nhiều trường hợp khác, đó là dấu hiệu của sự bối rối và ác cảm. Nhưng tôi không cho điều đó là quan trọng, cũng như tôi không thấy một mối liên quan nào giữa sự biểu lộ ấy với đề nghị của Battitsta, một lời đề nghị rất hợp lý "Ý kiến rằng hay", tôi nói, cố gắng tỏ ra vui vẻ cho phù hợp với chuyến đi chơi vùng biển này "Ý kiến rất hay…Emilia sẽ đi cùng ông và Rheingold với tôi…nhưng tôi không hứa với ông là chúng tôi sẽ cùng bàn về cuốn phim ấy đâu nhé!"
"Tôi sợ đi nhanh lắm" Emilia lên tiếng "mà ông, cái xe của ông nó như thế này, ông phóng nhanh lắm…" Nhưng Battista nôn nả, nắm lấy cánh tay nàng kêu lớn "Đừng có sợ. Vả lại, bà sợ cái gì nào? Tôi cũng nghĩ đến cái mạng của tôi chứ" và va nói, hắn hầu như lôi tuột Emilia đến bên chiếc xe của hắn . Tôi trông thấy Emilia quay nhìn tôi, vẻ hoang mang dò hỏi và tôi tự hỏi có nên hay không nên, đưa nàng đi cùng tôi. Nhưng tôi lại sợ Battista phật ý, vả lại, thật tình mà nói, Battista rất mê lái xe và hắn lái rất cừ, và vì thế, tôi lại không nói gì. Emilia lại cố đưa ra một phản đối yếu ớt "Nhưng tôi thích đi cùng xe với chồng tôi cơ!" và Battista lại phản đối, giọng bỡn cợt "Chồng bà, thì bà đã chẳng ở bên chồng bà suốt ngày đấy rồi, còn gi nữa? Nào, lại đây thôi, tôi giận đấy". Đồng thời, họ đã đến bên chiếc xe, Battista đi vòng qua phía bên kia ngồi vào xe. Đưa mắt nhìn họ một cách mơ màng, tôi giật nẩy cả người khi Rheingold cất tiếng hỏi tôi "Sao, sẵn sàng chưa?" Tôi sực tỉnh và leo lên xe rồ máy.
Tôi nghe tiếng gầm của chiếc xe Battista phía sau tôi khi hắn nổ máy, đoạn nó vượt qua chúng tôi và lướt nhanh xuống đồi. Tôi chỉ kịp thoáng thấy qua khung cửa sau của chiếc xe, cái đầu và đôi vai của Emilia và của Battista ngồi kề sát bên nhau, đoạn chiếc xe bẻ qua một khúc quanh và biến mất.
Battista đã gợi ý chúng tôi nên thảo luận với nhau về kịch bản trong lúc đi đường. Lời gợi ý đo quả thật không cần thiết. Khi chúng tôi đã ra khỏi thành phố và bắt đầu chạy vào đường Formia với tốc độ vừa phải mà chiếc xe bé nhỏ của tôi cho phép. Rheingold từ ban nãy đến giờ vẫn im lặng, bắt đầu lên tiếng "Nào, Molteni, ông hãy bảo thật cho tôi biết nhé, cái hôm ở văn phòng của Battista, ông nói rằng ông sợ bị buộc phải làm một phim hoành tráng, phải không nào?" hắn nhấn mạnh vào từ hoành tráng với một nụ cười.
"Tôi vẫn còn sợ cái điều đó" tôi trả lời một cách lơ đãng, "một phần cũng bởi vì đó là cái cách hiện hành trong các phim trường của Ý hiện nay".
"Ông chẳng có gì phải sợ" hắn dùng ngay cái giọng cứng rắn, uy quyền "Chúng ta sẽ làm một phim tâm lý, và chỉ thuần tâm lý thôi, như tôi đã từng nói với ông hôm nọ.Ông bạn Molteni thân mến, tôi không quen làmtheo ý muốn của các nhà sản xuất, tôi chỉ làm những gì tôi muốn làm. Trên sàn quay, tôi là chủ, không ai khác, ngược lại, tôi sẽ không làm. Đơn giản quá, phải không?"
Tôi trả lời rằng đúng thế, điều đó rất đơn giản và tôi thật thình lấy làm hài lòng với lời khẳng định và tính độc lập đó vì nó mang lại cho tôi hy vọng rằng quan hệ giữa Rheingold và tôi trong công việc sẽ bớt tẻ nhạt hơn. Sau một lúc yên lặng, Rheingold nói tiếp "Bây giờ, tôi muốn giải thích với ông về một vài ý tưởng của tôi. Tôi nghĩ ông có thể vừa lái xe vừa nghe được chứ?" "Tất nhiên", tôi nói, nhưng chính ngay vào lúc đo, khi tôi vừa định quay qua phía hắn, một cỗ xe do hai con bò kéo xuất hiện từ một đường ngang, va tôi phải lạng ra để tránh. Chiếc xe nghiêng đi, chạy ngoằn ngoèo làm tôi phải khó khăn lắm mới giữ cho nó thăng bằng trở lại, vừa may kịp tránh sượt một gốc cây. Rheingold cười lớn "Đáng lẽ ông phải nói là không mới đúng." Bỏ qua chuyện đó đi", tôi nói, hơi bực mình "tôi đâu thấy hai con vật ấy. Thôi được, bắt đầu đi, tôi nghe đây".
Rheingold nói không đợi mời, hắn nói ngay "Ông thấy đấy, Molteni, tôi đã nhận lời đi Capri…và chúng ta chắc chắn sẽ quay ngoại cảnh ở vịnh Napoli. Nhưng đó chỉ là phần hậu cảnh. Phần còn lại, chúng ta có thể quay ngay tại Rome. Bi kịch của Ulysses thật ra không phải là bi kịch của một thuỷ thủ, một nhà thám hiểm hay một cựu chiến binh. Đó là bi kịch của mọi người đàn ông. Huyền thoại Ulysses chứa đựng nội dung câu chuyện về một mẫu đàn ông bất kỳ nào đó".
Tôi đáp bừa "Tất cả mọi huyền thoại Hy lạp đều miêu tả những bi kịch của con người, những bi kịch vượt thời gian và không gian, những bi kịch muôn thưở".
"Rất đúng, mọi huyền thoại Hy Lạp, nói theo cách khác, là những biểu dụ bóng bẩy của kiếp người…Bây giờ, chúng ta, những con người hiện đại, chúng ta nên làm gì để làm sống lại những huyền thoại xa xưa và tối tăm ấy? Trước hết, để phát hiện ra những ý nghĩa chúng có thể mang lại cho ta về cái thế giới hiện đại này, để tham dò tận đáy những ý nghĩa ấy, để diễn giải, để minh hoạ nó…nhưng tất cả bằng một cách sống động, độc lập, không để bị nhiễm độc bởi những tuyệt tác mà văn học Hy lạp đã dựa vào đó để sáng tạo. Hãy lây một ví dụ. Có lẽ ông biết vở Electra đau buồn, mà người ta có dựng thành phim chứ?"
"Vâng, tất nhiên, tôi biết rõ chứ…"
"O Neil cũng hiểu được cái chân lý đơn giản ấy, tức là các huyền thoại xưa phải được hiểu theo quan niệm hiện đại, kể cả vở Oresteia. Nhưng tôi không hề quan tâm đến Electra đau buồn – ông biết vì sao không? Vì O Neil quá sợ Aeschylus. Ông ta rất có lý khi cho rằng huyền thoại Orestes có thể được giải thích theo quan điểm phân tâm học, nhưng vì quá tôn trọng chủ đề, ông ta chỉ quảng diễn nó ra mà thôi. Giống hệt một cậu học trò cóp theo trong sách viết ra một bài tập trên trang giấy có kẻ hàng. Molteni, ông có thể thấy các đường kẻ hàng ấy".
Tôi nghe Rheingold tự cười lớn với mình, thú vị về lời chỉ trích ấy đối với O Neil.
Chúng tôi đang băng qua dải đồng bằng Rome, không xa biển lắm, giữa những ngọn đồi thấp vàng rực lúa chín, điểm lác đác vài cây cao cành lá sum suê. Tôi nghĩ rằng hẳn Battista đã vượt xa chúng tôi rồi, con đường vắng tanh, xa tít tắp, không một bóng xe vào lúc này, có lẽ Battista, với vận tốc sáu mươi dặm một giờ, bây giờ đã đi trước chúng tôi ba mươi dặm là chắc. Tôi lại nghe Rheingold tiếp tục "Nếu O Neil hiểu ra được cái chân lý ấy, rằng các huyền thoại Hy Lạp phải được hiểu theo quan niệm hiện đại, hợp theo với những phát hiện mới nhất của khoa tâm lý, ông ta không nên quá tôn trọng chủ đề như thế, mà phải cắt vụn nó ra, lộn ngược nó từ trong ra ngoài, truyền vào đó một sức sống mới. Vậy mà ông ta đã không làm điều đó, và vở Electra đau buồn trở nên tẻ nhạt là vi vậy…Bài tập học trò ấy mà".
"Tôi nghĩ nó cũng khá đấy chứ" tôi phản đối.
Rheingold không quan tâm đến câu chen ngang của tôi, hắn tiếp tục "Bây giờ, với vở Odyssey này, chúng ta sẽ làm điều mà O Neil đã không muốn, hoặc không làm được với Oresteia…đó là mổ banh nó ra, như mổ banh một cái xác người trên bàn mổ, khám nghiệm cơ chế bên trong, cắt ra từng bộ phận rồi ráp lại với nhau theo những yêu cầu hiện đại của chúng ta". Tôi tự hỏi không biết Rheingold định đưa tôi đến đâu. Tôi nói một cách lơ đãng "Cái cơ chế của Odyssey ai mà không biết, xung đột giữa nỗi khao khát quay về nhà, về với gia đình, về với quê cha đất tổ, với những trở ngại đếm không xủê chắn ngang đường về. Có lẽ mọi tù binh, mọi cựu chiến binh bị giam giữ lâu ngày ở nơi nào đó xa quê hương sau khi chiến tranh đã chấm dứt, đều ít nhiều giống Ulysses cả".
Rheingold cười phá lên, nghe như tiếng gà cục tác. "Tôi đang đợi ông nói ra điều đó, cựu chiến binh, tù binh. Không, không phải thế, ông bạn Molteni ạ, ông đi quá xa hơn là dữ kiện cho phép đấy. Theo cách đó, bộ phim Odyssey có nguy cơ trở thành một phim "hoành tráng", một phim phiêu lưu, theo ý muốn của Battista. Nhưng Battista là nhà sản xuất, và rõ ràng là ông ta nghĩ cuốn phim buộc phải như thế. Nhưng phần ông, Molteni, ông sẽ không nghĩ như thế, ông vốn là người trí thức kia mà. Ông là người trí thức, ông phải sự dụng trí thông minh của ông chứ".
"Thì tôi vẫn đang sử dụng trí thông minh của mình đấy", tôi đáp, hơi cáu "Đúng, ấy là điều tôi đang làm".
"Không, ông không sử dụng nó. Hãy quan sát kỹ, suy nghĩ cẩn thận và xét kỹ một sự kiện quan trọng nhất: câu chuyện Ulysses là câu chuyện về mối quan hệ giữa Ulysses và vợ anh ta".
Lần này, tôi nín thinh. Rheingold tiếp tục "Cái gì gây ấn tượng nhất với chúng ta khi đọc Odyssey? Ấy là sự chậm chạp trong chuyến trở về của Ulysses, phải mất đến mười năm hắn ta mới đặt chân về đến nhà…và trong mười năm ấy, tuy vẫn rêu rao hết lòng yêu thương Penelope, thực tế, mỗi lần có dịp, hắn sẵn sàng phản bội vợ…Homer kể cho chúng ta nghe rằng Ulysses chỉ nghĩ đến Penelope và điều duy nhất hắn ao ước là tái hợp với nàng…có nên tin ông ta không nhỉ, Molteni?" "Nếu không tin Homer" tôi nói, giọng đùa bỡn, "Tôi thấy có lẽ ta chẳng còn tin ai được".
"Kìa, tin vào chính chúng ta chứ ai nữa? Chúng ta, những con người hiện đại, chúng ta có cái nhìn đúng đắn, xuyên sâu qua mọi huyền thoại, Molteni ạ. Sau khi đã đọc đi đọc lại Odyssey nhiều lần, tôi đi đến kết luận rằng, thật tình và thật sự, tuy chỉ là một cách vô thức, Ulysses không muốn tái hợp với Penelope. Kết luận của tôi là thế đấy".
Tôi im lặng và, một lần nữa. được khuyến khích bởi sự im lặng của tôi, Rheingold lại tiếp tục nói "Ulysses thật tình chỉ là một gã đàn ông sợ phải quay về với vợ của mình – sau này, chúng ta sẽ thấy tại sao – và với nỗi sợ hãi ấy trong lòng, một cách vô ý thức, hắn tìm cách dựng nên những trở ngại trên đường về…cái tinh thần phiêu lưu ấy chỉ là một ước muốn vô thức để làm chậm lại cuộc hành trình, phung phí thời gian vào những phiêu lưu để trì hoãn, làm lạc bước chân quay về…Không phải Scylla, charybdis, Calypso với đám dân Phaenacians, lũ quái vật một mắt Polyphemus, circe và các thần linh đã ngăn cản đường về của Ulysses mà chính vô thức của Ulysses đã từng bước một dựng lên cho hắn ta những duyên cớ để ở lại nới đây một năm, nơi kia hai năm, và cứ tiếp tục như thế".
Đó là cái đích Rheingold muốn đưa tôi đến – diễn giải Odyssey theo trường phái cổ điển của Freud. Tôi chỉ hơi lấy làm ngạc nhiên về điều tại sao trước đây tôi chưa hề nghĩ đến điều đó. Rheingold là người Đức, hắn ta bắt đầu sự nghiệp ở Berlin, vào thời điểm những thành công đầu tiên của Freud, hắn cũng đã sống qua một thời gian ở Mỹ, nơi mà khoa phân tâm học được đánh giá cao, hiển nhiên hắn sẽ tìm cách áp dụng những phương pháp của khoa tâm lý học ấy vào ngay cả trường hợp của Ulysses, một vị anh hùng tuyệt vời. Tôi đáp lại một cách khô khan "Tài tình lắm, nhưng tôi vẫn chưa hiểu bằng cách nào…"
"Hãy hượm, Molteni, hãy hượm. Như vậy, rõ ràng là dưới ánh sáng của lối diễn giải của tôi, lối diễn giải duy nhất phù hợp với những phát hiện mới nhất của khoa tâm lý học hiện đại. Odyssey chỉ là câu chuyện kể về điều mà tôi gọi là sự xung khắc vợ chồng. Mối ghẻ lạnh vợ chồng này được Ulysses nghiên cứu, tranh luận và mãi đến sau mười năm đấu tranh với chính mình, hắn ta mới khắc phục được nó và giải quyết bằng cách chấp nhận tình huống đã gây ra mối ghẻ lạnh ấy. Nói cách khác, trong mười năm ấy, Ulysses đã tưởng tượng ra đủ mọi cách trì hoãn, moi ra đủ mọi duyên cớ để khỏi phải trở về dưới mái ấm gia đình…hơn một lần, hắn dã nghĩ đến chuyện gắn bó với một người đàn bà khác. Tuy nhiên, sau cùng, hắn đã tự kiềm chế được và về nhà. Và sự quy hồi này, nói một cách chính xác, bắt nguồn từ sự chấp nhận tình huống đã buộc hắn phải ra đi và không muốn quay về".
"Tình huống nào?" tôi hỏi một cách ngốc nghếc." Chẳng phải Ulysses ra đi để tham dự vào cuộc chiến thành Troy hay sao?"
"Bề ngoài, bề ngoài đấy thôi" Rheingold nóng nảy lập lại "Nhưng về tình huống ở Ithaca trước khi Ulysses ra đi chinh chiến, về những kẻ theo đuổi Penelope và những điều xảy ra sau đó, tôi sẽ giải thích rõ hơn ở phần sau, khi tôi nói về lý do tại sao Ulysses không muốn quay về lại Ithaca và sợ về lại với vợ. Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh vào một điểm quan trọng: Odyssey kgff là một câu chuyện phiêu lưu qua không gian địa lý, như Homer muốn chúng ta tin. Trái lại, đó chỉ là toàn bộ tấn bi kịch nội tâm của Ulysses. Tất cả những gì xảy ra trong câu chuyện đều là biểu hiện của tiềm thức. Tất nhiên, ông bạn cũng đã có đôi điều sở đắc về Freud chứ?"
"Vâng, chút ít".
"Tốt, chính Freud sẽ hướng dẫn chúng ta đi xuyên suốt qua cảnh quan nội tâm của Ulysses, chứ không phải Berard cùng với bao nhiêu là bản đồ và khoa ngữ văn vô bổ của ông ta… và thay vì Địa Trung Hải, chúng ta sẽ thám hiểm tâm trí của Ulysses, hay đúng hơn, tiềm thức của hắn ta".
Hơi cáu, tôi nói giọng hơi xẵng "Vậy thì chỉ vì một vở kịch phòng the như thế, chúng ta cất công đi Capri làm gì? Chúng ta cứ việc nằm lì trong một căn phòng tiện nghi, hiện đại ở Rome cũng xong tất".
Rheingold ném cho tôi một cái nhìn ngạc nhiên pha lẫn trách móc, đoạn hắn cu một cách gượng gạo, không muốn câu chuyện có nguy cơ kết thúc một cách khó chịu đến thế "Chúng ta nên trở lại câu chuyện này một cách bình tĩnh hơn, ở Capri" hắn nói "Ông không thể vừa lái xe vừa thảo luận về Odyssey với tôi được. Bây giờ ông chuyên tâm lái xe đi, phần tôi, tôi sẽ ngắm phong cảnh tuyệt đẹp này".
Tôi không dám trái lời hắn, và trong gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi chẳng nói năng gì. Chúng tôi vượt qua vùng đầm lầy cổ Pontive, với làn nước đục lờ đờ của con kênh nằm về phía bên tay phải và tấm thảm xanh của bình nguyên mới khai hoang bên trái, chúng tôi vượt qua Cisterna, đến Terracina. Rời thành phố này, con đường bắt đầu chạy ôm sát bờ biển hơn, trong bóng những dãy núi đá khô cằn, thấp thoai thoải chạy dài ở phía bên này con đường. Biển hơi động, thấp thoáng sau những đụn cát màu vàng và đen, nước biển màu xanh đục, có lẽ do cát bị khuấy động lên sau một cơn bão vừa thổi qua. Những lượn sóng khổng lồ dềnh lên, ủê oải, và nước phủ đầy bọt trắng như bọt xà phòng tràn lên bãi biển ngắn và hẹp. Ngoài xa, biển vẫn lao xao nhưng không còn những đợt sóng và màu xanh lục hầu như biến thành màu tím than với những dải bọt trắng, thoắt ẩn, thoắt hiện, lướt nhanh qua theo chiều gió. Cảnh quang trên trời cũng hỗn độn như thế, những đám mây trắng trôi dật dừ đủ mọi hướng, những khoảng trời xanh chói chang ánh nắng, những cánh chim biển quay tròn, vút lên, nhào xuống như đuổi theo từng cơn gió. Tôi lái xe nhưng mắt vẫn ngắm nhìn toàn cảnh biển ấy, và bỗng nhiên, như để trút nhẹ mối ân hận mà cái nhìn ngạc nhiên, oán trách của Rheingold đã gây ra cho tôi khi tôi bảo rằng cái lối diễn giải Odyssey của hắn là một câu chuyện phòng the của các bà, một ý nghĩ chợt loé lên trong trí tôi rằng tôi đã không nhầm, trên mặt biển tươi sáng này, dưới bầu trời rạng rỡ này, dọc theo bờ biển vắng vẻ kia, thật dễ dàng tưởng tượng ra các chiến thuyền đen trùi trũi của Ulysses nổi bật giữa các đợt sóng, going buồm đi đến những miền đất hoang sơ chưa in dấu chân người của Địa Trung Hải. Và Homer đã dựng nên cảnh biển y như thế này, dưới một bầu trời cũng là bầu trời y như thế này, một bờ biển cũng là bờ biển này, vừa những con người, cũng giống như cảnh trí, có cái thuần phác cổ xưa, cái chuẩn mực đáng yêu. Mọi điều đều có ở đây, và ngoài ra, không còn gì khác nữa. Vậy mà giờ đây, Rheingold muốn biến cái thế giới sáng rực này, lồng lộng gió, bừng bừng nắng với những sinh vật sống động, linh hoạt thành một cái huyệt nội tạng u ám không màu không sắc, không hình dáng, không ánh mặt trời, không cơn gió thoảng, cõi tiềm thức của Ulysses. Và như thế, Odyssey không còn là câu chuyện phiêu lưu tuyệt vời, cuộc khám phá Địa Trung Hải trong trí tưởng tượng kỳ ảo của con người, trái lại, đã trở thành tấn bi kịch nội tâm của con người hiện đại bị vây hãm trong những mâu thuẫn của chứng loạn tâm thần. Để kết luận cho những suy tưởng trên, tôi tự nhủ chắc tôi chẳng bao giờ phải rơi vào một kịch bản bất hạnh hơn, cộng thêm vào cái xu hướng của điện ảnh muốn cường điệu hóa cái xấu một cách không cần thiết, nay lại có thêm cái ảm đạm, máy móc, khô khan của môn phân tâm học áp dụng vào một công trình nghệ thuật tuyệt vời như Odyssey. Bây giờ con đường lượn sát bờ biển, và dọc bên đường là sắc xanh của các vườn nho sum suê trồng hầu như ngay trên cát, xa hơn là một đoạn bãi biển ngắn đầy những mảnh gỗ vỡ vụn đen xì, từng lúc lại tràn ngập sóng xô vào. Tôi dừng xe lại và nói một cách khô khan "Tôi duỗi tay duỗi chân một lát".
Chúng tôi ra khỏi xe và tôi bước ngay xuống con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo qua vườn nho xuống đến bãi biển. Tôi giải thích với Rheingold "Tôi đã tù túng trong nhà từ tám tháng nay…kể từ mùa hè năm ngoái, nay mới thấy lại biển. Chúng ta xuống bãi một lát đi".
Rheingold im lặng bước theo tôi, có lẽ hắn còn cảm thấy phật ý và bực mình với tôi. Con đường chạy vòng vèo xuyên qua vườn nho một đoạn ngắn và dẫn đến bãi cát. Tiếng máy xe đều đều và buồn tẻ được thay thế bằng tiếng gầm ngắt quãng và vang dội – đối với tôi, một âm thanh tuyệt vời biết bao – của những đợt sóng chồm lên nhau, xô vào nhau hỗn độn. Tôi bước đi một đoạn ngắn, khi thì chạy xuống nền cát ẩm lung linh, khi thì chạy ngược lên lại, theo từng đợt sóng ập vào hay rút ra, sau hết, tôi dừng lại và đứng yên trên chóp một đụn cát, đưa mắt nhìn về phía chân trời. Tôi nghĩ rằng tôi đã làm mất lòng Rheingold và tôi nên bắt đầu câu chuyện lại một cách lịch sự hơn, và có lẽ, hắn đang chờ tôi làm việc đó. Vì vậy, mặc dù bực mình vì không được tiếp tục ngắm cảnh bỉên khơi bao la, tôi quyết định quay lại "Rheingold, tôi xin lỗi" tôi nói liền "có lẽ tôi ăn nói không được khéo, nhưng quả thật, lối diễn giải của ông không thuyết phục tôi lắm…nếu ông muốn, tôi sẽ giải thich tại sao".
Hắn hau háu trả lời liền "Ông nói đi, nói đi…Thảo luận cũng là một phần của công việc, phải không nào?"
Không nhìn hắn, tôi nói "Lý luận của ông không hoàn toàn thuyết phục tôi, tuy tôi không nói rằng Odyssey không mang những ý nghĩa đó. Nhưng phẩm chất cao cả nhất của thơ Homer, và nói chung, của nghệ thuật cổ điển, là ẩn chứa không những một ý nghĩa như thế, mà còn hàng ngàn ý nghĩa khác mà theo tôi, hàm chứa trong một hình thức sâu xa. Điều tôi muốn nói là" tôi nói thêm, bỗng dưng cảm thấy giận dữ một cách vô cớ "cái đẹp của Odyssey năm trong niềm tin ở cái thực trong nguyên trạng, khách quan, nguyên khối, không phân tích, mổ xẻ được, hãy lấy nguyên khối hoặc đừng đụng tới". Tôi kết luận, vẫn không nhìn Rheingold mà nhìn ra biển "Nói cách khác, thế giới Homer là một thế giới có thật. Homer thuộc về một nền văn minh phát triển một cách hài hoà chứ không đi ngược lại với thiên nhiên…đó là lý do tại sao Homer tin vào cái thực của một thế giới có thể cảm nhận được, ông nhìn thấy thế giới một cách trực tiếp và cũng miêu tả nó như thế. Và vì thế, chúng ta chấp nhận nó đúng theo bản chất của nó, tin vào nó như Homer tin, trọn vẹn và không tìm cách moi ra những ý nghĩa thầm kín nào khác".
Tôi ngừng nói, những toan tính này của tôi để soi sáng vấn đề, thay vì làm tôi bình tĩnh trở lại, càng làm tôi giận dữ thêm hơn một cách kỳ lạ, có vẻ như là tôi biết tôi đã cố gắng một cách vô ích. Và câu trả lời của Rheingold đến ngay, kèm theo một chuỗi cười lớn đắc thắng "Hướng ngoại, hướng ngoại…ông Molteni, ông, giống như mọi cư dân Địa Trung Hải, ông là một kẻ hướng ngoại và ông không hiểu được tâm lý một kẻ hướng nội. Nhưng tất nhiên, điều đó chẳng hại gì. Tôi là một kẻ hướng nội và ông là một kẻ hướng ngoại…ấy chính vì thế mà tôi đã chọn ông, ông sẽ là đối trọng cho tính cách hướng nội của tôi. Sự hợp tác của chúng ta sẽ rất tuyệt vời, như sau này ông sẽ thấy".
Tôi đang sắp sửa trả lời hắn và tôi nghĩ rằng tôi lại sắp làm hắn phật ý, vì tôi lại cảm thấy chán ghét cái sự trì độn bướng bỉnh của hắn thì bỗng một giọng nói quen thuộc đột nhiên vọng lại từ phía sau lưng tôi "Rheingold, Molteni…các ông làm gì đấy? Thở hít không khí biển cả đấy à?"
Tôi quay lại và trông thấy, in rõ nét trong ánh sáng rực rỡ ban mai, dáng người của Battista và Emilia chót vót trên đỉnh của những đụn cát. Battista đang tụt nhanh về phía chúng tôi, Emilia theo sau, chậm rãi hơn, mắt nhìn xuống đất. Thái độ của Battista biểu lộ một sự vui vẻ tột độ với dáng tự tin vững chãi hơn hẳn mọi khi, trong lúc đó, Emilia tỏ ra khó chịu, bối rối và ghê tởm.
Ngạc nhiên, tôi nói ngay với Battista "Chúng tôi tưởng ông đã đi xa rồi…đến Formia là ít nhất, hoặc xa hơn nữa kia".
Battista trả lời, giọng rất tự tin "Chúng tôi có đi vòng vèo một tí…tôi muốn chỉ cho bà nhà xem một khu đất của tôi gần Rome, nơi tôi dự định xây một biệt thự…rồi lại còn bị cái rào chắn nữa". Hắn quay qua Rheingold và hỏi "Tốt cả chứ? Rheingold có bàn luận về Odyssey chứ?"
"Tất cả đều tốt" Rheingold đáp lại, vẫn với cái văn phong điện tín ấy, vẫn không thèm ngước mặt lên. Rõ ràng là sự xuất hiện của Battista làm hắn khó chịu, hắn muốn tiếp tục tranh luận với tôi hơn.
"Tuyệt! Tuyệt lắm!" Battista nói, và một cách thân mật, nắm lấy hai tay chúng tôi kéo về phía Emilia lúc bấy giờ đã dừng lại ở một chỗ không xa lắm. Với một vẻ ga lăng, đối với tôi thật là khó chịu, hắn nói tiếp "Bây giờ, thưa quý phu nhân, xin bà quyết định cho, chúng ta sẽ ăn trưa ở Napoli hay ở Formia? Bà hãy chọn đi!"
Emilia giật mình và đáp "Ông chọn đi chứ! Đối với tôi đâu cũng thế mà thôi".
"Không, không, ơn Chúa, chính các bà quyết định hết đấy!"
"Vậy thì chúng ta sẽ ăn ở Napoli, hiện tôi chưa đói".
"Tốt lắm, chúng ta chọn Napoli. Món xúp cá tuyệt vời. Một ban nhạc chơi bản O sole mio…" Rõ ràng là Battitsta đang vui sướng tột độ.
"Đến mấy giờ thì có tàu thuỷ đi Capri?" Rheingold hỏi.
"Vào lúc hai giờ rưỡi. Thôi chúng ta đi thôi" Battista đáp. Hắn rời chúng tôi và leo lên đường.
Rheingold đi theo, bắt kịp hắn và sóng vai đi bên cạnh. Emilia, trái lại, nấn ná tại chỗ một lúc, vờ nhìn ra biển, như thể để cho hai người kia đi trước chúng tôi. Nhưng khi tôi đến bên nàng, Emilia nắm chặt cánh tay tôi và hạ giọng nói "Em đi với anh…đừng từ chối em!"
Tôi kinh ngạc với cái giọng khẩn trương của nàng. "Sao? Có điều gì thế?"
"Không, chả có gì cả…chỉ có điều là Battista chạy xe nhanh quá".
Chúng tôi im lặng leo ngược lên con đường mòn. Khi chúng tôi lên đến nơi hai chiếc xe đang đậu, Emilia, với vẻ dứt khoát, đi về xe của tôi.
"Kìa" Battista kêu lên "Quí phu nhân chẳng phải đang đi cùng tôi đấy sao?"
Tôi quay lại, Battista đang đứng bên chiếc cửa mở sẵn của chiếc xe của hắn, giữa con đường chói nắng. Rheingold nhìn chúng tôi, do dự giữa hai chiếc xe. Emilia bình thản nói "Bây giờ tôi đi với chồng tôi, chúng ta sẽ gặp nhau tại Napoli".
Tôi tưởng Battista sẽ nhượng bộ, không đòi hỏi gì nữa. Nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, hắn chạy về phía chúng tôi. "Thưa bà, bà còn hai tháng ở cạnh ông nhà ở Capri…còn tôi" hắn hạ thấp giọng xuống như để gã đạo diễn khỏi nghe thấy "tôi quá ngấy cái lão Rheingold này ngay từ Rome, tôi cam đoan với bà rằng lão ta là một con người chán ngắt. Ông nhà chắc không hề bận tâm về chuyện bà đi cùng tôi đâu, phải không, Molteni?"
Tôi không còn cách trả lời nào khác, dù gắng gượng "Không, không sao đâu. Chỉ có điều Emilia nói rằng ông lái xe nhanh quá".
"Tôi sẽ đi như sên bò" Battista hứa, đùa bỡn nhưng rất nhiệt tình.
"Tôi chỉ xin đừng để tôi một mình với Rheingold" hắn lại hạ thấp giọng "các bạn phải biết hắn đáng chán đến mức nào. Hắn chả nói chuyện gì khác ngoài phim ảnh".
Tôi không biết điều gì đã hớp hồn tôi lúc đó. Có lẽ tôi nghĩ rằng cũng chẳng đáng phiền lòng Battista vì những chuyện không đâu thế. Không kịp suy nghĩ, tôi nói "Nào, Emilia, em vui lòng đi cùng Battista đi..ông ta nói đúng đấy" tôi mỉm cười nói thêm "Với Rheingold, ngoài phim ảnh ra, ta chẳng biết nói gì với ông ta nữa".
"Đúng thế" Battista xác nhận, hài lòng ra mặt. Đoạn, hắn nắm lấy tay của Emilia, rất cao, chỗ ngay dưới nách, miệng nói "Ta đi thôi, thưa bà, bà đừng có ác với tôi…tôi hứa sẽ chạy như đi bộ vậy".
Emilia ném cho tôi một cái nhìn mà vào lúc đó, tôi không hiểu được, sau đó, nàng chậm rãi trả lời "Tốt thôi, nếu các ông đã nói thế". Nàng quay người lại với vẻ quyết định rất đột ngột và vừa nói thêm "Nào, chúng ta đi thôi" nàng cất bước đi cùng Battista, trong lúc hắn vẫn giữ chặt tay nàng, như sợ nàng bỏ chạy mất. Tôi đứng tần ngần bên cạnh chiếc xe, nhìn sững Emilia và Battista đi xa dần. Bên cạnh Battista, mập và thấp hơn, nàng bước đi một cách thẫn thờ, chậm rãi với một vẻ bất bình, nhưng vẫn đầy vẻ khêu gợi một cách bí ẩn. Lúc đó, tôi thấy nàng rất đẹp, nàng không phải là một "phu nhân" trung lưu như trong cách xưng hô của Battista với cái giọng tham lam, sắc lém của hắn, nhưng thật tình rất đẹp, như một tạo vật đứng ngoài thời gian và không gian, hài hoà với cảnh biển và trời long lanh, rực sáng, trên đó, nổi bật lên bóng dáng yêu kiều của nàng. Và vẻ đẹp của nàng vừa có vẻ phục tùng, vừa có vẻ ngang ngạnh, và vì sao, tôi không tài nào giải thích được. Rồi trong lúc đôi mắt dõi nhìn theo nàng, tôi chợt choáng váng khi nghĩ ra "Thằng ngốc…có lẽ nàng muốn ở lại một mình với mày…có lẽ nàng muốn nói chuyện với mày, để giải thích mọi điều, một lần cho rốt ráo…có lẽ nàng muốn tâm sự với mày…có lẽ nàng muốn nói với mày rằng nàng vẫn yêu mày. Vậy mà mày ép nàng đi cùng với Battista!" Ý tưởng đó làm tôi cảm thấy hối tiếc đến lặng người và tôi đưa tay lên như để gọi nàng. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn, nàng đã bước lên xe của Battista, và Battista đã ngồi vào chỗ của hắn bên cạnh nàng, và Rheingold đã đến bên tôi. Vì vậy, tôi lên xe và Rheingold ngồi vào chỗ bên cạnh tôi. Vào đúng lúc đó, xe của Battista vượt qua chúng tôi, nhanh chóng nhỏ dần đi ở xa và biến mất.
Có lẽ Rheingold nhận ra sự cáu kỉnh và bực tức của tôi vào lúc đó, vì, thay vì bắt đầu lại câu chuyện về Odyssey như cứ nơm nớp lo sợ, hắn kéo sụp chiếc mũ xuống tận mắt, lựa thế ngồi êm nhất trên ghế và ngủ thiếp đi ngay. Tôi im lặng lái, cưỡng bách chiếc xe nhỏ vốn không lấy gì làm mạnh mẽ lắm chạy với tốc độ cao nhất, trong lúc nỗi bực tức của tôi càng lúc càng mạnh hơn lên, một cách không kềm chế được.
Con đường đã tách xa bờ biển, và đang chạy qua một miền quê trù phú, vàng rực dưới nắng. Vào một dịp khác, tôi đã thả mình tận hưởng cái thú chạy qua dưới những hàng cây sum suê này, từng chập đan nhau bên trên đầu tôi, tạo nên một hành lang sinh độg kết bằng những cành lá rì rào, hoặc dưới rạng ô liu màu xám, rải rác trải dài ra đến ngút tầm mắt, hoặc trên những sườn đồi ửng đỏ, băng qua những vườn cam trĩu lá để lộ những quả tròn trĩnh, vàng ối, qua những toà nhà nông trang đã đen xỉn đứng bên cạnh những đụn cỏ khô sừng sữngnhư những lính canh. Nhưng tôi không thấy gì hết, tôi phóng tới, phóng tới và thời gian trôi qua, nỗi đau đớn của tôi càng tăng lên mãi. Tôi không cố tìm hiểu nguyên nhân của nỗi đau ấy, dường như nó vượt lên trên sự hối tiếc đơn thuần của tôi đã không cương quyết giữ Emilia đi cùng tôi, ngay cả nếu tôi đã có ý muốn ấy, tức là đã hiểu nguyên cớ vì sao tôi đau đớn đến thế, có lẽ tôi cũng không làm nổi việc ấy, cơn giận dữ đã làm tôi mê muội hết rồi. Nhưng giống như mọi căng thẳng không kìm nổi của thần kinh vốn chỉ kéo dài đến hết một khoảng thời gian nào đó, sau đó yếu dần và chấm dứt hẳn, để lại nạn nhâ ê ẩm, đau đớn. Cơn cáu giận của tôi lên đến cực điểm khi chúng tôi vượt qua những cánh đồng và rừng cây, cao nguyên và núi đồi, sau đó yếu dần đi và cuối cùng khi chúng tôi đến gần Napoli thì biến mất hoàn toàn. Bây giờ chúng tôi đang lướt nhanh xuống đồi tiến về phía biển, làn nước xanh của vịnh đã thấp thoáng hiện ra phía sau những cây thông và cây mộc lan, tôi cảm thấy buồn chán và mê muội, y hệt một kẻ tâm thần sau cơn động kinh dữ dội, ê ẩm cả thể xác lẫn tâm hồn. |
|
|