K ern trở về lữ quán chiều chủ nhật. Vào phòng, anh gặp ngay Marill đang xúc động mạnh. Thấy Kern, ông ta kêu lên:
- May quá, có người rồi. Tất cả đều đi vắng, ngay cả cái thằng chủ hộp tạm trú nầy.
- Chuyện gì vậy?
- Cậu có biết ở đâu có một cô đỡ không? Một bác sĩ hay một chuyên viên tình dục cũng được. Biết không?
- Không.
Marill chán nản lắc đầu. Ông ta nhìn Kern:
- Đành vậy. Kern, cậu là người đứng đắn. Lại đằng nầy với tôi. Cần phải có một người ở bên cạnh bà ta để tôi chạy đi tìm bà mụ. Được chớ?
- Nhưng làm việc gì?
- Canh chừng đừng để bà ta lăn lộn nhiều. Nói chuện với bà ta hay làm bất cứ một cái gì.
Ông ta lôi Kren xuống tầng lầu dưới và mở cửa một căn phòng nhỏ hẹp ra, bên trong chỉ có cái giường. Trên giường, một thiếu phụ đang rên rỉ. Marill giải thích:
- Mới có bảy tháng. Đẻ non. Tôi đi gọi bác sĩ ngay.
Kern chưa kịp có phản ứng , ông dân biểu bị trục xuất ra khỏi nước Đức đã phóng vọt ra ngoài.
Người đàn bà rên nho nhỏ. Kern nhón chân bước tới, ngập ngừng hỏi:
- Bà có cần gì không?
Thiếu phụ tiếp tục rên. Tóc bà ta ướt đẫm mồ hôi, mắt trắng dã. Bà ta cố nghiến chặt hai hàm răng lại như để khỏi kêu la.
Kern lại hỏi:
- Bà có cần tôi tiếp gì không?
Anh nhìn quanh phòng. Một cái áo khoác che bụi loại rẻ tiền nằm vắt trên tay ghế. Gần đầu giường là một đôi giày cũ kỹ. Người đàn bà nằm trên giường vẫn mặc nguyên quần áo, dường như bà ta đã bất thần ngã quỵ lên đó. Trên chiếc bàn nhỏ có chai nước và bên cạnh là một cái va li.
Người thiếu phụ rên to hơn. Kern chẳng biết phải làm gì. Bà ta lăn qua lộn lại. Kern nhớ tới lời dặn của Marill và một ít hiểu biết hồi còn ở Đại học. Anh cố giữ chặt vai người đàn bà và có cảm tưởng như đang chụp bắt một con rắn. Mỗi lần Kern vừa chạm vào vai, người đàn bà lại trằn mình qua một bên. Rồi thình lình, bà ta quơ hai tay lên khoảng không, chụp trúng cánh tay của Kern và bấu siết vào.
Kern không ngờ người đàn bà đau đẻ lại mạnh đến thế. Bà ta nghiêng đầu qua một bên vừa thở vừa rên siết như tiếng thở từ lòng ruột quả đất thoát ra.
Bỗng nhiên, thân hình người đàn bà co giựt liên hồi. Kern bỗng hoảng hốt khi nhìn thấy một vệt đỏ thẫm đang loang dài trên vải giường. Anh cố vùng thoát ra nhưng người đàn bà cẫn bấu chặt. Như bị thôi miên, anh nhìn sững dòng máu đang chảy tới cuối giường và nhỏ giọt xuống, đọng thành vũng trên nền nhà.
Kern thấy cần phải làm một cái gì nhưng không dám vùng vẫy sợ làm kinh động người đàn bà. Anh nói qua hơi thở:
- Buông tôi ra! Buông tôi ra, mau!
Đột nhiên, toàn thân người thiếu phụ như giãn ra. Hai bàn tay buông xuôi, bà ta ngã vật đầu xuống gối. Kern nhảy xổ ra ngoài, Chạy một mạch lên phòng Ruth Holland.
Ruth đang ngồi trên giường với mấy quyển sách đã mở ra. Kern cuống cuồng vẫy tay:
- Mau! Có một bà ở phòng dưới bị băng huyết.
Cả hai cùng hối hả chạy xuống. Bóng tối đã tràn ngập căn phòng. Nắng chiều còn sót bên cửa sổ chiếu thành một mặt bình hành vàng úa lên nền, phản ánh từ chai nước trông như một viên hồng ngọc. Người đàn bà nằm trên bất động, gần như không còn thở.
Ruth lại tốc mền lên. Khắp người bà ta ướt máu. Ruth hốt hoảng:
- Mở đèn mau!
Ánh đèn vàng lợt trộn có màu đỏ thẫm của nắng chiều làm thành một thứ ánh sáng buồn thảm. Người đàn bà nằm trên giường trông như một khối cô dạng loang lổ máu với hai chân co quặp lại.
- Đưa khăn cho tôi. Phải chận máu lại ngay. Đưa bất cứ vật gì cũng được.
Kern đưa chiếc khăn lau để trên bàn gần đó cho Ruth:
- Chắc bác sĩ sắp tới. Marill đã đi gọi rồi.
Anh vừa nói vừa lục trong va li xem có thứ gì có thể dùng để ngăn xuất huyết. Ruth lại kêu lên:
- Mau đi, đưa bất cứ gì cũng được mà.
Dưới đất một chồng tã trẻ con, mấy chiếc áo tý hon, vài tấm vải lót và hai chiếc áo len cho trẻ sơ sinh. Ruth ném cái khăn đẫm máu vào một góc và thúc hối Kern:
- Mau đi.
Kern đưa cho Ruth một đống tã và mấy tấm vải lót. Cùng lúc ấy, anh ta nghe tiếng chân bước lên thang lầu. Cửa mở ra. Marill cùng với một bác sĩ.
- Chúa ơi! Chuyện gì xẩy ra đây!
Ông bác sĩ nhảy một bước dài tới bên giường, xô Ruth ra cào khom xuống quan sát. Vài phút qua, ông ngẩng đầu lên bảo Marill:
- Gọi ngay số 2167. Bảo với Braun đem đủ dụng cụ đánh thuốc mê và một bộ giải phẫu Braxton Hicko tới. Hiểu chớ? Dặn mang theo tất cả những gì cần thiết để ngăn xuất huyết.
Marill chạy vụt ra. Ông bác sĩ nhìn quanh và bảo Kern:
- Cậu có thể đi ra, chỉ để cô nầy ở lại thôi. Tìm cho tôi một thùng nước. Đưa túi đồ lại đây.
Vị y sĩ thứ hai tới nơi mười phút sau. Kern và một số khách trọ vừa về tới dọn dẹp phòng bên cạnh để làm nơi giải phẫu. Người chủ lữ quán cũng hăng hái đi tìm những ngọn đèn mạnh hơn để căn phòng đủ sáng.
- Mau lên, mau lên!
Ông bác sĩ thứ nhứt luôn miệng thúc giục mọi người. Ông ta mặc áo choàng trắng vào và lo soạn đồ mổ, để cho Ruth gài nút áo giùm. Ông ta ném cho Ruth một cái áo choàng khác:
- Cô cũng phải mặc vào. Có sợ máu không?
- Dạ không.
- Tốt. Được lắm.
Kern lên tiếng:
- Tôi có thể giúp được một phần. Tôi đã học Y khoa hai lục cá nguyệt.
Ông bác sĩ nhìn các dụng cụ giải phẫu:
- Bây giờ chưa cần. Bắt đầu được chưa?
Aùnh đèn chiếu bóng trên khoảng đầu sói của ông ta. Cánh cửa phòng được tháo ra. Bốn người đàn ông khiêng chiếc giường có người đàn bà băng huyết nằm trên.
Người đàn bà khá nặng. Trán Kern lấm tấm mồ hôi. Anh bắt gặp cái nhìn của Ruth. Mặt nàng tái xanh và bình tĩnh lạ lùng đến nỗi Kern thấy lạ đi.
Ông bác sĩ sói đầu quát lên:
- Tất cả ra ngoài, trừ những người có phận sự.
Ông ta cầm tay người đàn bà:
- Có đau lắm không?
Người đàn bà thều thào:
- Xin cứu đứa bé…
Giọng người thầy thuốc dịu lại:
- Cứu cả hai, đừng lo.
- Đứa bé…
- Nó ra bằng vai. Chỉ cần xoay qua một chút là yên chuyện. Đừng lo ngại gì cả. Cho thuốc mê!
Kern và Marill cùng vài người nữa đứng đợi trong căn phòng bỏ trống của người thiếu phụ sanh non. Từ phòng bên cạnh vẳng qua tiếng thì thềm của hai ông bác sĩ.
Marill nhìn những cuộn len màu dưới đất, nói với Kern:
- Sanh đẻ, ra chào đời là như thế. Máu và những tiếng khóc, cậu hiểu không?
- Hiểu.
- Không. Cả cậu và tôi đều không hiểu. Một người đàn bà, rất giản dị. Cậu có thấy mình hơi ngốc một chút không?
- Không.
Marill lau tròng kiếng và nhìn Kern:
- Không? Nhưng tôi… À, cậu đã ăn nằm với một phụ nữ nào chưa? Chưa à? Như vậy là cậu cũng ngốc một chút. Ở đây có rượu mạnh không?
Gã bồi phòng bước ra. Marill bảo:
- Cho nửa chai cognac. Được, được, có sẵn tiền đây, cứ mang lên.
Gã bồi phòng bước ra. Người chủ lữ quán và hai người nữa cũng bước theo. Trong phòng chỉ còn lại Marill và Kern. Marill bảo Kern:
- Mình lại cửa sổ ngồi. Mặt trời chiều đẹp chớ?
Kern gật đầu. Marill chép miệng:
- Có nhiều điều trái ngược lại ở bên nhau. Ở dưới vườn có mấy bụi tử đinh hương phải không?
- Có.
- Tử đinh hương và hơi ether. Máu và rượu cognac. Nào, chúng mình chẩn bị cụng ly!
Gã bồi phòng đặt mâm lên bàn:
- Tôi mang lên bốn ly, ông Marill. Tôi nghĩ là ông có thể…
Hắn dùng đầu hướng về phía bên cạnh. Marill hiểu ý:
- Được tôi sẽ mời các vị ấy.
Và ông ta hỏi Kern:
- Cậu uống mạnh chớ?
- Ít thôi.
- Tiết độ là tật xấu của người Do Thái. Nhưng nhờ vậy mà họ hiểu nữ giới nhiều hơn. Rất tiếc là phụ nữ không muốn ai hiểu họ. Nào, chúc vui cậu!
- Chúc vui ông!
Kern uống cạn ly. Anh cảm thấy dễ chịu hơn:
- Chỉ sanh non thôi hay còn chuyện gì khác?
- Sanh trước nhiều tuần. Vì quá mỏi mệt. Các chuyến đi, những lần thay đổi xe lửa, sự nơm nớp lo sợ và hàng tá chuyện bất thường, cậu hiểu chớ? Một người đàn bà trong tình trạng đó nhứt định không chịu đựng nổi.
- Nhưng tại sao bà ta lại làm như thế?
Marill rót thêm rượu vào hai ly:
- Tại sao à? Tại vì bà ta muốn đứa con mang quốc tịch Tiệp Khắc. Tại vì bà ta muốn đứa con, lúc đi học, bị người nhổ vào mặt và mắng là đồ Do Thái bẩn thỉu.
- Người chồng bà ta đâu?
- Người chồng đã bị bắt trước đó ít lâu. Cậu biết tại sao không? Tại vì ông ta là một nhà buôn hoạt động mạnh hơn một nhà buôn khác cùng ở một con đường. Anh chàng con buôn cạnh tranh kia phải làm gì?
Hắn tố cáo người kia là có hành động phá hoại hoặc có tư tưởng Cộng sản, hoặc vu cáo là bị mắng chửi thậm tệ, bất cứ chuyện gì. Vậy là người kia bị bắt và hắn gom thâu khách hàng. Hiểu chớ?
Kern nhìn ra xa:
- Đó là chuyện quá quen thuộc với gai đình chúng tôi.
Marill uống cạn ly:
- Chúng ta đang sống ở thế kỷ nào? Hòa bình được đảm bảo bằng đại bác và bom đạn, và tư tưởng nhân loại được bảo đảm bằng những trại tập trung và các cuộc tàn sát người Do Thái. Chúng ta đang chứng kiến một sự đảo lộn mọi giá trị. Kẻ tấn công tự nhận là người bảo vệ hòa bình trong khi nạn nhân bị coi là kẻ làm rối loạn hòa bình. Vậy mà vẫn có nhiều dân tộc tin như thế.
Khoảng nửa giờ sau, họ nghe có tiếng khóc oa oa ở phòng bên. Marill tươi cười:
- Hay quá, họ đã thành công. Tiệp Khắc lại có thêm một công dân. Hãy uống chào mừng hắn. Uống đi Kern, uống để ca ngợi sự huyền bí của vũ trụ, của sự sanh sôi nẩy nở. Cậu có biết tại sao phải gọi là huyền bí không? Tại vì cuối cùng rồi cũng chết.
Cửa mở ra. Ông bác sĩ thứ hai bước vào, mình vấy máu và ướt mồ hôi. Ông đang giữ chặt một vật gì đó đang kêu ré trong khi ông đang vỗ vỗ vào lưng nó. Ruth bước vào. Ông bác sĩ bảo:
- Thằng bé thoát nạn. Cô lấy cái nầy…
Ông ta trao đứa bé và một mớ vải trải giường cho Ruth:
- Tắm nó và quấn lại. Đừng siết chặt. Bà chủ nhà nấy rành lắm. Cứ để nó luôn ở dưới, đừng cho nó ở trong không khí ngập mùi ether nầy.
Ruth bồng đứa bé. Kern có cảm tưởng như mắt cô bạn mở lớn gấp đôi. Ông bác sĩ ngồi xuống, thở hắt ra:
- Bộ có cognac sao?
Marill rót một ly cho ông ta và hỏi:
- Trên thực tế, một y sĩ thường có cảm tưởng gì khi thấy người ta chế tạo chiến cụ hằng ngày mà không lo xây bệnh viện?
Vị bác sĩ ngước mắt:
- Nhảm! Hoàn toàn nhảm! Ở bệnh viện, người ta băng bó, may vá cho lành lặn để rồi một hôm nào đó lại bị nổ tung ra từng mảnh. Tại sao không hủy diệt ngay những trẻ sơ sinh đi! Như vậy giản tiện hơn.
Dân biểu đào tẩu Marill cười chua chát:
- Ông bạn quên điều nầy. Giết một đứa bé theo kiểu đó là phạm tội sát nhân, còn giết những người lớn là phục vụ cho đất nước.
Ông thầy thuốc thở dài:
- Cứ chờ có một thế chiến nữa rồi sẽ thấy. Sẽ có chẳng biết bao nhiêu đàn bà và trẻ con bị lôi vào. Chúng ta đã chết quá nhiều vì dịch tả, nhưng so với một cuộc chiến tranh, dầu ngắn hạn, thì bịnh dịch trở thành vô hại.
Có tiếng gọi gấp rút từ phòng bên kia:
- Braun! Mau lên!
- Tới ngay!
Marill giựt mình:
- Nguy rồi! Chắc có chuyện không lành.
Một lúc sau, bác sĩ Braun trở lại, mặt thiểu não:
- Tử cung rách. Chẳng còn cách gì hơn. Máu tuôn ra hết.
- Không còn cách gì à?
- Vô phương. Chúng tôi đã tận lực. Không ngăn được.
Ruth đứng ở cửa, hỏi:
- Sang máu được không? Tôi tình nguyện cho máu.
Braun lắc đầu:
- Không được, cô bé. Sang máu mà không ngăn được máu tuôn ra thì vô ích.
Ông ta lại vội vàng sang phòng bên. Cửa để mở. Khung hình chữ nhật được soi mờ càng làm tăng vẻ thê lương. Cả ba ngồi im lặng. Gã bồi phòng bước vào:
- Thưa, dọn được chưa?
- Khoan đã!
Marill hỏi Ruth:
- Cô uống gì?
Ruth lắc đầu. Marill nài ép:
- Nên uống một chút sẽ thấy dễ chịu ngay.
Ông ta rót cho Ruth nửa ly cognac.
Trời bắt đầu tối. Những tia nắng cuối cùng còn lung linh màu tím thẫm ở chân trời. Một mảnh trăng trắng nhợt lờ đờ trôi trông như một đồng tiền cũ rỗ mặt. Tiếng xôn xao từ dưới đường vọng lên, náo nhiệt vui tươi, Kern bỗng nhớ tới những lời của Steiner: Khi có người chết bên cạnh, mình chẳng có cảm giác gì cả. Đó là điều tai hại của thế giới. Sự bi thương không phải là cơn đau đớn. Sự bi thương có thể là một thứ hài lòng che giấu. Một thứ cảm tưởng khi tự thấy mình may mắn không phải là kẻ đang đau đớn hoặc vì kẻ ấy không phải là một người thân.
Kern nhìn sang Ruth. Bóng tối đã che khuất mặt mày nàng. Bỗng nhiên, Marill lắng tai:
- Cái gì vậy?
Một chuỗi âm điệu vĩ cầm làm lay chuyển bức màn đêm. Aâm thanh lúc chìm trong gió, lúc nổi lên rồi vút cao trên vô tận. Từng tiếng nhạc đuổi bắt nhau, dịu dàng, yểu điệu và buồn thảm cũng như cảnh buồn thảm dung dị của hoàng hôn.
Marill nhìn qua cửa sổ:
- Người chơi vĩ cầm cũng ở trong lữ quán nầy. Trên lầu tư.
Kern gật đầu:
- Tôi biết ông ta. Tôi đã nghe ông ta đờn một lần. Không ngờ lại cũng ở đây.
- Không phải là một tay mơ. Đúng là một nhà nghề.
- Có cần tôi lên nói ông ta ngừng đờn không?
- Chi vậy?
Kern hất đầu ra phía cửa. Tròng kính của Marill lóe sáng:
- Không nên. Con người luôn luôn có lúc để buồn. Vả lại, ở đâu cũng có chết chóc. Những việc trái ngược nhau thường ở bên nhau.
Họ ngồi im lặng nghe điệu nhạc. Chừng như một thời gian vô tận đã trôi qua khi bác sĩ quay trở lại:
- Chết rồi. Không đau đớn lắm. Trước đó, bà ta đã biết mình có được một đứa con trai.
Cả ba người đứng lên. Braun đề nghị:
- Mình đem bà ấy qua đây. Người ta sắp cần phòng bên ấy.
Người đàn bà nằm đó, người như bé lại giữa đống chăn gối ngổn ngang vấy máu, giữa những thau nước đầy bông gòn đỏ thắm. Bà ta nằm đó, khuôn mặt xa vắng và trang nghiêm, chẳng còn gì để bận tâm. Ông bác sĩ đầu sói đi qua đi lại bên giường làm thành một hình ảnh trái ngược: một sức sống đang muốn nổ tung vì tức bực bên cạnh một cuộc an nghỉ cuối cùng.
- Nên đắp lại cẩn thận. Đừng để người khác trông thấy. Chắc cô bé mới chứng kiến vụ máu me lần thứ nhứt. Có sợ không?
Ruth lắc đầu.
- Tốt lắm. Aø nầy, Braun, anh có biết tôi xấu hổ đến mức nào không? Tôi muốn treo cổ để khỏi phải…
- Nhưng anh đã cứu sống đứa bé. Không giỏi thì làm thế nào được.
- Tôi biết là chúng mình đã làm đủ mọi thứ, không phải lỗi của mình nhưng tôi vẫn muốn tự treo cổ.
Ông ta nuốt nước miếng:
- Hơn hai mươi năm hành nghề nhưng hễ cứ mỗi lần để vuột một bênh nhân là mỗi lần tôi muốn tự vận. Vô lý thật.
Và ông quay sang Kern:
- Lấy giùm một điếu thuốc trong túi trái của tôi gắn vào miệng – Ông ta lập bập – Châm lửa giùm luôn. Tôi đi rửa tay đây.
Những người còn lại khiêng chiếc giường với người chết trở về chỗ cũ. Ngoài hành lang, họ gặp vài người ở phòng lớn đã mượn làm nơi mổ. Một người đàn bà gầy queo, cổ cao và sần sùi như cổ gà tây:
- Bộ không đem xác vào nhà thương sao?
Marill đáp:
- Không.
- Rồi để đây suốt đêm à? Làm sao người ta ngủ được?
Marill tức giận:
- Không ngủ được thì bà nội cứ thức.
Người đàn bà quắc mắt:
- Tôi không phải là bà nội.
- Cũng chẳng sao.
Người đàn bà xỉa xói Marill:
- Rồi ai lau phòng? Làm sao người ta chịu được mùi tanh hôi đó, hả?
Marill phân bua:
- Các người thấy không? Người nầy đã chết. Đứa bé đang cần có mẹ, người chồng cần có vợ. Vậy mà mụ nầy không chút cảm động. Quả là một chuyện khó hiểu.
Hai ông bác sĩ tới. Người đầu sói nói với Marill:
- Đứa bé đang ở với bà lữ quán. Tôi phải điện thoại để họ đến đem nó đi và cho nhà chức trách biết rõ trường hợp cái chết. Ông bạn có biết bà ta không?
Marilllắc đầu:
- Bà ấy mới tới có vài hôm. Tôi chỉ nói chuyện qua một lần.
- Chắc phải có giấy tờ.
- Để tôi coi.
Hai ông bác sĩ đi luôn. Marill lục tìm trong va li người chết. Bên trong chỉ có một mớ tã, một áo dài xanh, một ít quần áo khác và một đồ chơi trẻ con sặc sỡ. Trong túi xách tay, ông ta tìm thấy một thẻ thông hành và một giấy phép cư ngụ do Cảnh sát Francfort-sur-l’Oder cấp. Marill mang ra chỗ sáng đọc:
- Katharina Hirochfeld, tên thật Brinkman, sanh ở Munster ngày 17-3-1901.
Ông ta nhìn lại giấy thông hành:
- Còn hiệu lực ba năm. Ba năm cho một người khác.Chỉ cần chứng chỉ cư trú là đủ để khai tử.
Marill bỏ túi các giấy tờ và nói với Kern:
- Mọi việc để tôi lo. Phải mua một cây đèn cầy. Không hiểu sao nhưng tôi có cảm tưởng là nên ở bên bà ta. Không cần thiết lắm nhưng chẳng lẽ bỏ nằm một mình.
Ruth bảo:
- Tôi sẽ ở lại.
Kern nói ngay:
- Cả tôi nữa.
- Được. Chút nữa, tôi trở lại thay cô, cậu.
Trăng lên khá cao và sáng tỏ. Trời đêm rộng thênh thang và xanh biếc. Gió mang vào phòng mùi đất ẩm và hương hoa.
Kern đứng gần Ruth bên cửa sổ. Anh có cảm tưởng như vừa trở lại nhà sau một chuyến viễn du. Anh vẫn còn nghe thấy tiếng đau đớn và tiếng kêu xé buốt của người thiếu phụ, một thân hình đẫm máu, co giựt từng hồi. Anh nghe hơi thở nhẹ của cô gái đứng và nhìn thấy vành môi tươi mát. Tự nhiên anh hiểu rằng nàng cũng thuộc vào cái khối huyền bí mà tình yêu đang bao quanh bởi một vòng tròn đáng sợ. Anh không rõ trời đêm có chia xẻ với mùi đất xông lên và với tiếng đàn bềnh bồng trên mái ngói hay không? Anh lại biết rằng nếu quay lại, anh sẽ bắt gặp khuôn mặt như sáp của người chết, và anh cảm thấy cần có một hơi ấm, chỉ cần một hơi ấm thôi…
Một bàn tay khác lạ nắm lấy bàn tay và đặt lên một bờ vai thon thỏ… |
|
|