Cư tang mẹ chưa xong, Nguyễn Công Trứ đã được thăng Tham tán quân vụ Bắc thành, Hình bộ thị lang ở tào hình và tham gia dẹp giặc Phan Bá Vành. Với tuổi "tri thiên mệnh", nhiều người tưởng đã mỏi gối chồn chân, nhưng với Nguyễn Công Trứ vẫn thấy mình còn... trai chán. Đứng bên nấm mộ của mẹ cùng khói nhang trầm thoang thoảng, Nguyễn Công Trứ thấy lòng ấm lại. Dù sao, ông cũng trả được cái hiếu với quê hương, tổ tiên, cha mẹ. Về đời sống vật chất cũng chưa phải là dư dả, nhưng về đời sống tinh thần vào những năm cuối đời, thân mẫu ông khá bằng lòng. Ai trồng lúa chẳng mong tới ngày gặt lúa và còn chi sung sướng hơn là ôm về nhà những bông lúa trĩu tay ? Mẹ ông đã ôm được những hạt vàng ấy vào lòng, khiến ông cũng thấy thanh thản. Tội nghiệp. Hơn hai mươi năm mất chồng, mười sáu năm nhìn thằng con lận đận trên đường tìm kiếm công danh, cộng với cái nghèo cái khó của gia đình có thêm những miệng ăn, thêm những lo toan mới, thân mẫu ông đứng vững được với những con cháu quả là người đàn bà có nghị lực phi thường. Chính bản thân ông có lúc không còn tin vào mình: Việc đời đã chắc chắn đâu, Lỡm lờ con tạo một màu trêu ngươi. Nhưng rồi nghĩ tới tổ tiên, cha mẹ, vợ con, ông lại quyết vượt lên từ khó khăn, buồn chán để thử thách “con tạo xoay vần”.
Và ngày mong đợi đã đến !
*
* *
Tứ thập nhi bất hoặc (Được bốn mươi tuổi, tâm trí ta sáng suốt, hiểu rõ việc phải trái, đạt được sự lý chẳng còn nghi hoặc – Khổng tử). Nguyễn Công Trứ vững tin vào kỳ thi đang cận kề. Kỳ thi này mà hỏng tiếp là coi như hết đời. Và ông sẽ không biết ăn nói sao với tiền nhân khi giã từ cuộc sống, còn trước mắt là mẹ già cùng vợ con. Cách đây mấy năm, vợ ông đã khóc khi đọc được câu đối của ông dán ở thư phòng:
Anh em ơi ! băm sáu tuổi rồi, khắp đông tây nam bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác
Trời đất nhẽ, một phen này nữa, xếp cung kiếm cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh.
Tuy cuộc sống gia đình luôn gặp khó khăn, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, nhưng vợ ông chưa bao giờ để ông lộ rõ cái nghèo, cái thiếu trước bạn bè. Chưa có khi nào cô ta trách hờn khi ông đi chơi đây đó những mấy ngày liền, kể cả những lúc cùng bạn bè đón cô đầu về nhà hát xướng thâu đêm. Nào có ai ngờ cháu gái của Hồng Trạch hầu về làm bạn đời với với con trai một của Đức Ngạn hầu lại vất vả đến thế. Họ Nguyễn làng Uy Viễn của ông cũng thuộc hàng tộc to họ lớn, nhưng vẫn chưa sánh vào đâu với họ Đặng của Hồng Trạch hầu. Ông là cháu ngoại của ngài Cảnh Nhạc bá – họ Nguyễn ở Thượng Phúc (Hà Đông), nhưng cũng “mang tiếng” cháu ngoại họ Đặng của Hồng Trạch hầu, bởi trước đây, thân phụ của ông từng là rể của dòng họ Đặng. Nếu người mẹ trước không qua đời, thì thân phụ của ông sẽ không tục huyền với người con gái thứ hai của ngài Cảnh Nhạc bá và không có ông bây giờ. Và ông tơ bà nguyệt khéo xe, 14 tuổi, ông lại gõ cửa vào làm rể nhà họ Đặng.
Thấy vợ ông vất vả vì chồng con, nhiều người mượn cớ ru con, hát mỉa:
Ai ơi, chớ lấy học trò,
Dài lưng, tốn vải, ăn no lại nằm.
Mỗi lần nghe như vậy, vợ ông không khỏi buồn lòng. Ông biết, nhưng hơi đâu phiền miệng lưỡi thế gian. Một hôm đang ôm con nằm trên chiếc võng tre ở đầu hè, những lời lẽ ấy theo gió đưa lại, vợ ông cau mày ra chiều bực tức. Ông tủm tỉm cười, nhón chân đẩy chiếc võng, hát đáp lại:
Dài lưng đã có võng đào,
Tốn vải đã có áo bào vua ban.
Vợ ông nghe vậy liền hứ một tiếng và nguýt yêu chồng.
- Nói nghe phát ham ! – Vừa nói, cô vừa chuyền đứa con đang thiu thiu ngủ qua tay chồng.
Nguyễn Công Trứ nhìn dáng vợ đi với nụ cười tươi tắn. Ông biết trong lòng vợ mình đang rộn lên niềm vui mới. Công thành danh toại, áo mũ vua ban chưa cần biết tới, chỉ cần mấy lời đối đáp như vậy là đã thỏa lòng. Mặc dù, chữ nghĩa đâu đem nói tay đôi với đàn bà, nhưng cũng phải cho họ biết chồng ta bụng đầy chữ và ta chịu cực chịu khổ nuôi chồng ăn học không phải vì phước mỏng, phận hèn, mà vì cái nghĩa lớn ở đời. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, đâu phải cô gái nào lớn lên cũng được đầu ấp tay gối với người bụng đầy chữ đâu. Dù cho ruộng cả ao liền, không bằng cái bút cái nghiên anh đồ...
Nguyễn Công Trứ cười thầm trong bụng, nhón chân đẩy tiếp chiếc võng dỗ con vào giấc ngủ. Ngẫm lại, ông thấy mình đã vướng vào thói tục của đàn bà. Ông đặt nhẹ con xuống võng, rồi đi vào phòng học lấy giấy bút đề ngay câu đối:
Mạc vị khốn hành phi ngọc nhữ
Cảm tương bần tiện cố kiên nhân
Nghĩa là:
Vận khó trời còn trau chuốt ngọc
Lúc nghèo ta có lụy chiều ai
Dán câu đối lên, Nguyễn Công Trứ ngắm tới ngắm lui, đọc đi đọc lại, rồi cầm sách ra bờ tre ôn bài.
*
* *
Mấy ngày nay, Nguyễn Công Trứ biết vợ vất vả lắm. Vừa chạy ăn từng bữa, vừa lo kiếm tiền cho ông có quần áo, bút mực... để đến ngày hoàng đạo ông lên đường ứng thí.
Nhìn dáng hao gầy của vợ, Nguyễn Công Trứ cảm thấy xốn xang trong lòng. Ông đâm ra hối hận những giây phút vui chơi quá đà của mình. Ông lẳng lặng ra sau nhà rửa mặt, sửa lại áo quần rồi nhẹ nhàng qùy xuống sau người mẹ già khi hương đèn bàn thờ gia tiên rực sáng.
Thương lắm ! Ơn cha nghĩa mẹ cao dày ! Nguyễn Công Trứ rưng rưng nước mắt khi nghe lời cầu khẩn của mẹ già trước linh vị tiền nhân:
(...) Kính nghĩ tiên linh ta,
Kiệm cần gây cơ nghiệp, trung hậu giữ gia thanh.
Qua cuộc biển dâu, dầm sương dãi gió,
Vững tay chèo lái, vượt thác băng ghềnh.
Đời càng vững cây bền gốc,
Ngày thêm thắm lá tươi cành.
Con cháu nhiều bề thành đạt,
Tổ tiên muôn thuở hiển vinh.
Nhân ngày trưởng nam lai kinh ứng thí,
Ngưỡng mộ tôn linh,
Dâng bày lễ nhỏ,
Ngưỡng vọng tổ tiên ban phúc ấm,
Độ trì con cháu, mã đáo thành công (...)
Nguyễn Công Trứ xì xụp lạy theo mẹ. Những lúc thế này, ông mới ý thức hết thế nào là "nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Dù có lớn tới đâu, có nên bề gia thất, nói chung có là... gì chăng nữa, con vẫn nhỏ nhoi trước mẹ.
Mọi người trong nhà muốn ông được thư giãn tinh thần, nhưng nào có được gì. Lễ vật dọn xuống, ai cũng muốn dành hết cho ông, song ăn sao ngon miệng, khi thấy trong ánh mắt mẹ già, và ánh mắt những đứa con thơ như muốn nuốt chửng tất cả. Tội nghiệp ! Nhớ tới gương mặt xanh xao của vợ, ông không cầm được nước mắt. Ông vùng dậy mài mực, lấy giấy bút thay mặt vợ viết câu đối dán lên cột:
Nhờ trời phù hộ chồng tôi, miếng khoa giáp ăn xanh phường sĩ tử
Ơn chúa yêu vì bố nó, nợ trần hoàn trang trắng mặt nam nhi.
Như giãi bày được nỗi niềm thầm kín bấy lâu, Nguyễn Công Trứ thấy lòng nhẹ hơn và còn nhận ra rõ hơn trách nhiệm của người con, người chồng, người cha trong gia đình. Dẫu biết mỗi đời người đều có số phận riêng, nhưng ông tin và cũng không muốn bằng lòng với số phận. Ông muốn dùng tất cả nghị lực để vượt qua số phận đã an bài. Tận nhân lực tri thiên mệnh. Chưa làm việc gì hết sức mình mà trách trời than đất, thì có tội với trời đất. Trời đất nào có bỏ ai, chê ai ?
Nguyễn Công Trứ đang chìm đắm vào dòng suy nghĩ mới, thì người vợ đảm đang của ông đã đứng bên cạnh từ lúc nào và níu chặt cánh tay ông.
- Thầy nó hiểu được lòng em thế là đủ rồi. – Mặt vợ ông hồng lên và vùi đầu vào ngực chồng, nói nhỏ: - Thiếp chúc chàng thượng lộ bình an, mã đáo thành công.
Trên căn trung, thân mẫu ông lại ra đứng lặng trước bài vị của chồng và tổ tiên nhà chồng. Ông biết mẹ đang gửi lòng thành vào làn khói nhang vòng vèo, những mong tổ tiên phù hộ cho thằng bé Củng của bà ứng thí kỳ này sẽ được bảng hổ đề tên. Thực ra, bao năm qua, ông chưa bao giờ bị thân mẫu quở mắng, hoặc vợ than phiền về cái thú mê hát cô đầu của ông. Nhưng có nhiều đêm thấy mẹ van vái đất trời khiến ông có muốn đến với tiếng trống chầu, tiếng đờn kìm réo rắt cùng những cô đào đủ sắc thừa thanh cũng không thể nào cất bước nổi đôi chân ra khỏi bờ giậu. Những lời van vái của mẹ với đất trời không ai nghe rõ, nhưng với tấm lòng của người con, ông hiểu hết, nghe hết.
Giờ lên đường đã tới. Căn nhà trở nên yên ắng lạ thường. Nhìn lại thấy vợ con quấn quýt, Nguyễn Công Trứ tự trấn an bằng tràng cười và lấy đôi bàn tay gõ lên bàn, bắt nhịp:
Cùng đạt có riêng chi mệnh số,
Hành tàng nào hẹn với văn chương.
Đường công danh sau trước cũng là thường,
Con tạo hóa phải rằng ghen ghét mãi.
Duyên ngư thủy còn dành cơ hội lại,
Quyết tang bồng cho phỉ chí trượng phu.
Trong trần ai, ai kém ai đâu ?
Tài bộ thế, khoa danh, ờ lại có.
Thơ rằng: “Độc thư thiên bất phụ
Hữu chí sự cánh thành"(1)
Giang san đành có cậy trong mình,
Mà vội mỉa anh hùng chi bấy nhẽ.
Đã sinh ra ở trong phù thế,
Nợ trần ai đành cũng tính cho xong.
Nhắn lời nói với non sông,
Giang san hầu dễ anh hùng mấy ai.
Thanh vân trông đó mà coi.
(1) Trời không phụ người đọc sách
Người có chí thì nên
Cả nhà đều cười vui vẻ. Nguyễn Công Trứ lần nữa lại lạy gia tiên, từ tạ mẹ già. Vợ ông đi theo ra khỏi bờ giậu, khoát tay nải lên vai chồng. Nguyễn Công Trứ cầm lấy tay vợ, bóp nhẹ, nói đủ hai người nghe:
- Tới giờ lên đường rồi. Mẹ con ở nhà mạnh khỏe, chăm sóc bà hộ tôi và chờ tin vui.
Miệng nói, chân xăm xăm bước đi, Nguyễn Công Trứ không dám quay đầu lại. Ông biết lần đi này, mọi người đều trông chờ vào ông. Rủi thời... Vâng, sẽ không còn con đường nào khác là lao vào cuộc hành lạc để chắt lấy ở đấy những an ủi chua chát nhằm đắp vào thân xác muôn nỗi đớn hèn gây nên bởi cái túng cái nhục. Đã ngoài tứ tuần rồi chứ còn trẻ đâu. Song Nguyễn Công Trứ vững tin ở bản thân. Mười hai năm qua, mười hai năm đói nghèo túng quẫn đã nung nấu ý chí vượt khó của ông. Nhớ lại trước khi ứng thí lần thứ nhất, ông rất lạc quan:
Chửa chán ru mà quấy nữa đây ?
Nợ nần dan díu mấy năm nay !
Mang danh tài sắc cho nên nợ,
Quen thói phong lưu hóa phải vay.
Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,
Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay.
Còn trời, còn đất, còn non nước,
Có lẽ ta đâu mãi thế này.
Nhưng cái tài nghệ sĩ không hợp với cửa Khổng sân Trình. Xưa nay, xuất xử thường hai lối, song có xuất mới mạnh miệng nói đến xử, chớ xuất không được, thì có nói hay đến đâu, đúng đến đâu cũng không ai nghe và không ít người sẽ cho là thứ đồ gàn. Trò đời là thế. Vai mang túi bạc lè kè, nói quấy nói quá, ai nghe cũng ừ. Đã không có lợi thì phải có danh, chớ lợi rằng không, danh lại chẳng có thì khó thuyết phục được ai. Những người thân quen của ông cho đó là trò đời phải thế. Vâng phải thế. Bởi đó là sự thách thức để con người vượt qua được chính mình, nếu không có cửa ải nghiệt ngã ấy thì cuộc đời đáng chán xiết bao.
Được ăn được nói, được gói được mở, không phải chỉ dựa vào ba câu thơ ngông nghênh mà xong. Ngạo mạn, khinh đời thì đời cũng trả lại cho ta cái giá không rẻ và cuối cùng đời ta gánh chịu, gia đình, dòng họ ta gánh chịu. Đời vẫn là đời, cuộc sống vẫn tuôn trào, bốn mùa hoa lá vẫn sinh sôi, chớ không vì mấy bài thơ ngông nghênh của chàng cuồng sĩ mà thay đổi.
Ra đi lần này, Nguyễn Công Trứ biết nhiệm vụ mình lớn lắm. Ngoài việc trả nghĩa cho quê hương, tổ tiên, chòm xóm, ông còn phải giúp vợ con tránh khỏi cái cảnh "Nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa". Nhớ tới mẹ già, vợ con những năm qua mà ứa nước mắt:
Chiều ba mươi công nợ rối canh thân, ước những mười năm dồn lại một
Sớm mồng một rượu chè tràn qúy tỵ, trông cho ba bữa hóa ra mười.
Người dân quê ông, gia đình ông... đâu phải hạng lười nhác gì cho cam. Một nắng hai sương nào ai quản ngại, nhưng cái đói cái nghèo cứ bám dai như đỉa đói. Không lấy vợ sinh con thì bất hiếu. Nhiều con hơn nhiều của. Ai cũng khen nhà ông có phước. Con một cháu bầy. Ông không dám phủ nhận cái phần phước ấy, nhưng ông đã nhìn ra được cái đói cái nghèo xuất phát từ nơi ấy. Đất đai muôn đời vẫn chừng đó, nhưng con người cứ mắc tính ưa sinh sôi nẩy nở kiểu phước ấm con một cháu bầy thì chẳng khác nào giành nhau sự đói nghèo. Nhưng biết làm sao được, một khi trời kêu ai nấy dạ. Nguyễn Công Trứ lại thở dài. Nghĩ cho cùng, Cái hình hài đã chắc thiệt chưa, Mà lẽo đẽo khóc sầu chi rứa mãi. Đã mang tiếng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông.
*
* *
Từ khi triều Nguyễn dựng đế nghiệp, cả huyện Nghi Xuân chưa có ai thành đạt trên đường khoa cử. Nổi tiếng như họ Nguyễn ở làng Tiên Điền dường như cũng không có ai văn hay chử tốt ngoài Tố Như tiên sinh. Cách đây mấy năm, Tố Như được cử đi sang Tàu, nhân dân cả vùng Hoan Châu nói chung, huyện Nghi Xuân nói riêng cùng tưởng chừng như chính mình được đi sứ. Chính bản thân Nguyễn Công Trứ cũng vững tin mảnh đất sản sinh nhân tài và đã lấy làm hãnh diện là con dân của quê hương.
Khi được tin Nguyễn Công Trứ không những đỗ kỳ thi Hương mà còn đỗ đầu, ai nấy đều vui mừng, hào hứng. Bởi hai mươi năm thay mệnh trời dẫn dắt con dân, triều Nguyễn chỉ mới tổ chức được kỳ thi Hương chớ chưa có kỳ thi nào khác, nên đỗ được kỳ thi này là danh giá lắm, huống gì được đỗ đầu như ông. Sự học chẳng bao giờ phí cả. Và ông tin không bao lâu nữa, Hoàng triều sẽ tổ chức đầy đủ hơn các kỳ thi, bởi thánh nhân đã dạy: Nhân tài quốc gia chi yên khí, khoa mục sĩ tử chi thản đồ (Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, mà khoa cử là con đường rộng mở của học trò). Đúng là chẳng có gì vui hơn đại đăng khoa. Bao khổ cực dồn nén theo tháng ngày bỗng dưng tiêu tán sạch, thay vào đó là niềm vui rộng mở không chỉ ở bản thân người đỗ đạt mà còn ở những người thân. Thậm chí, từ quan tri huyện cho đến những người dân quê suốt một đời lam lũ chưa hề biết Nguyễn Công Trứ là ai cũng rạng rỡ nét mặt. Quê mình có người đỗ giải nguyên đấy ! Vâng, địa linh sinh nhân kiệt mà. Thái bình rồi, hễ không học thì thôi, còn đã học thì sớm muộn gì bảng hổ cũng đề tên...
Đại loại những câu như vậy, Nguyễn Công Trứ nghe nhiều lần vẫn không thấy chán. Lúc này, ông mới thấy hết được giá trị của chữ nghĩa thánh hiền. Tố Như tiên sinh người ở làng Tiên Điền và bản thân ông chưa nuôi ai bữa cơm nào, chưa giúp ai bữa khoai nào, vậy mà nhân dân cả làng cả huyện mừng vui. Qúy lắm. Thương lắm. Càng nghĩ, Nguyễn Công Trứ càng thấy trách nhiệm mình với quê hương nặng hơn so với những gì ông đã nghĩ lâu nay.
- Thiếp còn mấy đồng, sáng mai chàng lấy đi vui chơi với bạn bè vài ngày.
Nguyễn Công Trứ trở mình, kéo vợ vào lòng. Tội nghiệp, chẳng biết chạy vạy thế nào, nợ nần tới đâu mà mấy ngày qua ông được sắm thêm giày thêm áo. Bà con đến chúc mừng lúc nào cũng có chè ngon, có cau trầu têm sẵn. Đành rằng xấu lá xấu nem, nhưng thấy mẹ già và vợ con khổ quá ông chẳng an tâm. Trước đây, thực lòng, ông không để ý mấy, bởi cái buồn, cái chán vây chặt lấy ông. Thói ngông nghênh của ông là thói ngông nghênh của anh nhà nho bất đắc chí đang cố vượt qua được chính mình.
Người ta ở trong phù thế,
Chữ vô cầu là chữ thiên nhiên.
Đem bẩm trời, trời cũng phải khuyên,
Khuyên khuyên chữ anh hùng yên sở ngộ.
Thơ rằng: "Tạo hóa có ghen chi mệnh số,
Giang san nào oán với văn chương".
Phận tài hoa đành có lúc vẻ vang,
Đường khoa mục xa nhau đà mấy bước.
Sóng vỗ lớp sau như lớp trước,
Chí vẫy vùng ai có kém ai đâu.
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu,
Trần ai ai biết công hầu là ai.
Bao giờ rõ mặt mới hay...
Khoác lác một chút. Huênh hoang một chút. Tất cả cũng chỉ để thỏa mãn chút tự ái vặt chớ nào có ích lợi gì. Cha chết không bằng hết ăn. Cái vòng danh lợi quay tít mù khiến con người chẳng được yên. Nguyễn Công Trứ mỉm cười trong đêm, nói:
- Tôi vui lắm, thỏa mãn lắm rồi. Mẹ nó cứ giữ số tiền ấy rồi bàn với bà sắm mâm cơm tạ ơn tổ tiên, nội ngoại cho phải đạo.
Bà Minh đưa tay bịt miệng chồng.
- Thầy nó đừng lo. Hai bên nội ngoại cũng đã tính cả rồi, thậm chí dân làng Uy Viễn còn bàn việc giúp ta sửa lại căn nhà để xứng đáng với người đỗ đầu trường Nghệ, mở ra tia hy vọng cho con em họ sau này. Bà con họ nói, thầy nó khai mạch cho làng, nên làng phải có trách nhiệm.
Nghe vợ nói, Nguyễn Công Trứ ứa nước mắt. Thì ra, những người dân quê củ mỉ củ mì như thế họ lại rành mạch đâu ra đấy. Ai có công với làng với xóm, dù chỉ một chút tiếng thơm, họ đều ghi lòng tạc dạ. Đúng là thức đêm mới biết đêm dài, sống lâu mới biết lòng người ra sao. Hồi công chưa thành, danh chưa toại, ông cứ trách đời trách người mà có lúc... quên trách mình.
Thế thái nhân tình gớm chết thay,
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy.
Hễ không điều lợi, khôn thành dại,
Đã có đồng tiền, dở hóa hay.
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi,
Hẳn hoi không hết một bàn tay.
Suy ra cho kỹ chi hơn nữa,
Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.
Nguyễn Công Trứ định nói vài lời với vợ thì gà đã gáy sang canh và bà Minh đã chìm sâu vào giấc ngủ. Ông nhẹ nhàng sửa lại cái đầu của vợ trên cánh tay của mình và nhìn vào màn đêm với nụ cười vui. Ông tin chắc mấy đêm qua và cả đêm nay, trong giấc mộng nếu có, bà Minh sẽ không có những giấc mộng dữ. Thực ra, cuộc đời cũng khá đơn giản nhưng con người tự tìm lấy cái rắc rối đó thôi. Khôn – dại, vui – buồn... ngó thế mà có khi cả một đời người vẫn chưa ngộ được. Chính ông đã có lúc phải than thầm:
Cảnh muộn đi về nghĩ cũng rầu,
Trông gương mà thẹn với hàm râu.
Có từng gian hiểm mình càng trí,
Song lắm phong trần lụy cũng sâu.
Năm ấy đã qua thời chẳng lại,
Lộc kia có muộn mới còn lâu.
Khi vui diễu cợt mà chơi vậy,
Tuổi tác ngần này đã chịu đâu !
Nói chung, buồn thì buồn, nhưng ông cố tự động viên mình. Giỏi như Khương Tử Nha mà phải quá tứ tuần mới thành đạt, huống gì là ông. Hơn nhau ở chỗ là cái trí và cái tài khi hữu sự. Ông không dám chê ai, nhưng ăn cơm vua hưởng lộc nước mà chẳng giúp được gì cho nước cho dân thì chẳng thà làm anh dân cày có ích hơn. Ông tin mình không phải hạng người như thế. Ông tâm nguyện, dù gặp phải hoàn cảnh nào cũng cố mà sống cho ra người để xứng đáng với tấm lòng tin yêu của những người dân quê ông và của người thân, ít ra cũng là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Khi tiếng heo kêu ở đầu hè, Nguyễn Công Trứ mới thức giấc và biết vợ mình đã đi chợ từ lúc trời chưa rõ mặt người.
Giấc ngủ ngon thật ! |
|
|