Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Quỳnh Dao » Tương Tư Thảo Tác Giả: Quỳnh Dao    
    - Cô Lý Mang, có người tìm cô.
    Thiếu nữ đang ngồi trước bàn làm việc quay lại hỏi :
    - Kiếm tôi à ?
    Tự nhiên, nàng vuốt sửa mái tóc, liếc nhìn đồng hồ treo trên tường. Đã mười giờ, đúng là giờ nhiều việc nhứt. Nàng tỏ vẻ khó chịu gắt :
    - Ai lại tìm tôi giờ nầy ?
    - Một ông đang chờ cô ngoài phòng khách.
    - Thôi được, cám ơn anh.
    Nàng buông viết, rút hộp phấn trong sắc tay máng lên thành ghế, đánh sơ mặt lại và cũng không quên dùng son thoa môi cho thêm hồng, sau đó mới đứng dậy, kéo thẳng thớm nếp quần, vươn vai rồi bước vào phòng khách.
    Chưa vào phòng, nhìn xuyên qua kiếng trong, Lý Mang thấy một chàng trai ăn mặc đơn giản đang ngồi nơi salon với đôi mắt hướng về một nơi, gương mặt vuông tỏ vẻ bất an. Lý Mang có phần do dự, dừng bước. Anh ta là ai ? Đi tìm nàng hay tìm người khác ? Nàng nhớ là chưa từng quen biết người ấy.
    Tiếng giày cao gót của nàng khiến thanh niên chú ý. Chàng ta hơi do dự rồi đứng lên chờ nàng bước vào.
    Lý Mang đi vào phòng, nghe thanh niên ấp úng hỏi :
    - Xin lỗi, cô có phải là cô Lý không ?
    - Dạ, tôi đây. (Lý Mang rất tự nhiên hỏi tiếp) Thưa còn ông ?
    - Tôi họ Trần, Trần Vân Trình.
    - Ông Trần ? (Lý Mang nhìn khách kỹ lưỡng hơn, có vẻ hoài nghi) Ông muốn gặp tôi ?
    - Dạ phải, xin lỗi cô, tôi có hơi đường đột, cô có biết cô Trầm Bạch Phù không ?
    - Dạ biết. Bạch Phù bảo ông đến hả ? Mời ông ngồi.
    - Thưa không phải vậy.
    Trình ngồi xuống cách cẩn thận, hai tay chấp vào nhau cố ngăn sự bối rối. Chàng vào ngay đề :
    - Hôm qua, Bạch Phù đã tới Hương Cảng. Tôi đưa cô ấy từ Quảng Châu sang đây. Tôi là đồng nghiệp của cổ. Đi xe, Bạch Phù lâm bịnh bất ngờ nên khi xuống xe, tôi đưa cô đi bác sĩ. Bác sĩ bảo là Bạch Phù bị cảm mạo, hôm nay cổ sẽ dọn tới hãng. Tôi cũng mua xong vé xe tính trở lại Quảng Châu.
    - Hôm nay ông về à ?
    Trông qua thái độ của Trình. Lý Mang biết chàng muốn nói gì đó, song chưa nói được. Nàng nói thêm :
    - Ông có cần tôi nói lại với Bạch Phù điều gì chăng ?
    - Dạ có, nghe nói trước kia cô là bạn học của Bạch Phù, mà là một bạn tốt cho nên bây giờ tôi mới mạo muội tới làm phiền cô. Thật ra, đây là một việc hết sức quan trọng, tôi đã suy nghĩ nhiều, tự tôi không thể giải quyết nên tôi muốn tìm một người để nhờ và tôi nghĩ đến cô.
    - Chuyện gì thế ? Ông cứ nói thẳng ra đi.
    - Da.... Da....
    Trình cảm động, ấp úng, đưa mắt nhìn lại khuôn mặt đẹp của Lý Mang lần nữa. Chàng cố gắng nói :
    - Hôm qua Bạch Phù bịnh, tôi có đưa đi bác sĩ, bác sĩ chụp hình phổi và dặn hôm nay phải tới, nhưng Bạch Phù tự cho mình đã hết bịnh rồi, nên nhứt định không nghe. Theo chỗ tôi thấy, khi đã chụp hình rồi thì cần nên tơi xem hình ra sao vì vậy nên tôi nhân còn một giờ nữa mới đi, chạy lại bác sĩ xin xem qua hình...
    Lý Mang là một cô gái thông minh, nghe qua đã đoán được sự việc, thần sắc nàng trở nên nghiêm trọng hơn :
    - Chắc ông đã trông hình phổi của Bạch Phù.
    - Dạ. (Trình cắn môi gật đầu).
    Lý Mang cau mày, sớm lo lắng theo kiểu con gái :
    - Phổi của Bạch Phù có nặng lắm không ông ?
    - May mà không có gì nặng lắm, chỉ mới nám sơ sơ. Nhưng theo ý bác sĩ thì nếu không được trị liền, để lâu e nguy hiểm.
    - Thế thì phải nói cho chị ấy biết, bảo chỉ chú ý mới phải.
    - Chính tôi đã suy nghĩ nhiều về điều đó song chưa dám quyết định mới tới bàn với cô. Bình thường Bạch Phù mạnh khỏe, tuy cô ấy hơi ốm yếu, nhưng tuyệt nhiên không ai có thể nghĩ là cô ấy bị lao. Hơn nữa, chính Bạch Phù cũng không nghĩ vậy. Tôi e rằng khi cho Bạch Phù biết chỉ làm phiền cô ấy thêm mà thôi, rồi bịnh nhẹ có thể trở thành bịnh nặng. Vả lại, Bạch Phù vừa mới đến một sở làm mới, một khi biết mình có bịnh thì biết đâu cô ấy không bỏ sở ? Cô nghĩ xem.
    - Cái đó...
    Lý Mang suy nghĩ thấy Trình có lý. Chẳng trách gì chàng đi tìm nàng. Nàng trầm ngâm một lúc mới nói :
    - Quả có chỗ khó thiệt. Nếu không nói cho Bạch Phù biết liền để trị bịnh sớm thì không phải. Mà cho chị ấy biết chắc chỉ bị kích động dữ lắm.
    - Dạ đúng vậy, cho nên tôi lúng túng lắm, trong nhất thời không sao tìm được một biện pháp lưỡng toàn. Chỉ có cô mới giúp được chuyện đó. Ngoài ra còn có một người thân thích của Bạch Phù là anh Quang Vũ, anh ấy cũng đã sang Hương Cảng. Song, tôi hỏi chỗ của anh Quang Vũ thì Bạch Phù không chịu nói ra. Chỉ bảo qua loa là anh ấy ở Thanh Sơn liệu dưỡng viện.
    Lý Mang vỗ chập tay vào nhau kêu lên :
    - Thôi đúng rồi, tôi nghĩ ra rồi ! Lần đầu đến Hương Cảng, Bạch Phù có hỏi thăm tôi ở đây có bịnh viện nào trị ho lao hay nhứt ? Tôi bảo với chị ấy là nghe đâu viện bài lao Thanh Sơn có cách trị khá lắm. Tôi có hỏi lại : "Ai bịnh mà chị hỏi nơi trị ?" Chị ấy bảo là một người thân. Theo lời anh thì còn một người thân ấy là anh Quang Vũ mắc bịnh lao phổi phải không ?
    - Có thể lắm ! Vừa rồi bác sĩ hỏi tôi : "Trong gia đình cô nầy có ai bị bịnh phổi không ?" Tôi bảo không biết, giờ suy ra thì chắc là anh Quang Vũ. Phải rồi, Bạch Phù vì muốn giúp anh ấy trị bịnh mới đến Hương Cảng. Trời ơi, mãy bây giờ tôi mới biết tại sao cô ấy giấu tôi. Bạch Phù thật lạ lùng, hình như vẫn chưa xem tôi như người thân. Nhưng tại sao với cô đây, Bạch Phù vẫn không chịu nói ?
    - Bạch Phù sống nhiều với nội tâm nên có việc chị ấy thà ôm giữ trong lòng chớ không chịu nói ra với bất cứ ai. Không như tôi, cái gì cũng nói huỵch toẹt ra hết.
    - Làm sao tính bây giờ hả cô ? (Trình nhăn nhó như chính mình đang bị bịnh. Trình tiếp) Tôi nghĩ tốt nhứt là mình nên tìm gặp anh Quang Vũ để anh ấy nói lại với Bạch Phù. Nàng chỉ nghe lời anh Vũ thôi.
    - Hổng được đâu. (Lý Mang lắc đầu nguầy nguậy) Làm như thế chẳng những hại cho Bạch Phù mà còn hại luôn cho cả anh Quang Vũ. Bạch Phù đang tận tâm tận lực lo lắng cho anh ấy, nhứt định không thể nào cho ảnh biết Bạch Phù đang mang bịnh. Mặt khác, anh Quang Vũ biết Bạch Phù bị lây bịnh của ảnh ắt khổ tâm lắm, thế nào cũng có ảnh hưởng xấu đến bịnh tình của ảnh.
    Trình nghĩ ngợi một lúc nhận thấy Lý Mang nói có lý. Không tìm được cách giải quyết ổn thỏa, Trình thở dài thườn thượt !
    - Theo tôi, chuyện nói cho chị Bạch Phù biết không cần gấp lắm. Để thủng thẳng mình lựa dịp nói. Tốt nhứt là mình gợi ý nói xa nói gần cho chị ấy đề phòng hơn là nói thẳng tránh cho chỉ bị xúc động đột ngột.
    - Nếu vậy thì tôi không làm được rồi, trăm sự phải phiền đến cô.
    - Có chi là phiền ? Tôi là bạn của Bạch Phù mà. Đã là bạn thì phải biết lo cho chị ấy chớ ! Ông yên tâm về đi, mọi việc xin hãy để cho tôi.
    Lý Mang hơi ưỡn ngực tới trước, dáng tự tin và sẵn sàng nhận trách nhiệm. Trình đứng lên :
    - Bạch Phù có người bạn như cô, tôi rất yên lòng. Đối với Hương Cảng, Bạch Phù hoàn toàn xa lạ, đối với công việc trong hãnh cũng hoàn toàn xa lạ. Nếu nàng có chi lầm lẫn bất như ý, xin cô chiếu cố giùm.
    Lý Mang quan sát Trình. Anh ta không cao lắm, gương mặt vuông khác thường. Nàng mỉm cười tự hỏi : Ông nầy với Bạch Phù quan hệ như thế nào ? Ông ta nói tới Bạch Phù với giọng tha thiết lắm, làm như chị ấy đã thuộc về ông ta rồi vậy.
    Thật thì Lý Mang chưa lần nào nghe Bạch Phù nhắc đến tên Trình. Có quan sát, Lý Mang đâm thắc mắc :
    - Ủa, sao ông không ngồi ?
    - Cám ơn cô, tôi làm phiền cô đã lâu, mạo muội như thế đã là quá lắm. Giờ xin chào cô.
    Lý Mang coi Trình là khách nên hết sức giữ lễ. Nàng đưa Trình ra tận cửa.
    Trình tuy không có nhiều nét hào hoa hấp dẫn, nhưng ở anh ta, Lý Mang gặp được nét trung thực bắt người nể nang.
    Ra khỏi phòng khách của công ty, Trình cứ đi thẳng, không màng đến bùn đất vấy chân và mưa thu rắc hạt trên đầu. Nhiều việc chưa giải quyết xong khiến chàng muốn ngộp thở. Chàng tìm gặp Lý Mang và gần như chưa đạt được ích lợi gì, lòng vẫn cứ một đà nặng trĩu.
    Trình đi ra với những bước không hồn.
    Hình ảnh Bạch Phù cứ chờn vờn trong óc chàng. Chàng và nàng chia tay nhau hồi sớm mai nầy tại khách sạn. Trình đã dặn lòng dứt áo ra đi, không gặp lại nàng nữa nhưng bây giờ lại thèm được gặp nàng lần chót. Chàng giận mình không có quyền năng bắt nàng phải tịnh dưỡng, phải nghỉ ngơi. Chàng càng giận mình là không có khả năng bắt nàng trở lại Quảng Châu cho chàng được tự tay săn sóc từng ly từng tý. Trình hoàn toàn không tin Lý Mang sẽ làm tròn trách nhiệm chàng giao phó, mặc dù Lý Mang hết sức thương mến Bạch Phù.
    Suy nghĩ kỹ, Trình nhứt quyết tìm tới chỗ làm để gặp Bạch Phù. Có gặp mặt nàng rồi thì tùy theo tình cảnh lúc đó mà quyết định có nên hay không nên nói rõ tất cả cho nàng biết.
    Trình nhớ kỹ lời bác sĩ :
    - "Ăn uống điều hòa và đầy đủ chất tinh dưỡng là phương pháp quan trọng nhứt trong việc chữa trị bịnh lao phổi".
    Bởi vậy khi đi ngang chợ, Trình đã tạt vào mua sữa, cam tươi, hột gà. Sau đó, chàng vào tiệm thuốc tây mua một lô sinh tố, dầu cá.
    Chính Trình cũng lấy làm lạ tại sao mình xài tiền như nước mà không một chút tiếc rẽ. Bình thời Trình ăn tiêu dè xẻn đến nỗi bạn bè gọi chàng là rít chúa ngô công kẹo. Nhưng bây giờ Trình bỗng trở thành một kẻ hào phóng vô cùng. Được lo cho nàng thì Trình không màng gì hết. Bởi Trình yêu nàng.
    Khi Trình đến đầu đường, đồng hồ chỉ mười một giờ rưỡi. Chàng đứng ngoài cửa ái ngại nhìn vào trong hãng nàng làm. Từng dưới, nơi phòng khách khép hờ, Trình thấy rõ salon, bàn ghế. Ở về một bên lại có vách kiếng hình như bên trong là phòng làm việc. Nhưng tất cả đều tỉnh mịch, không một tiếng động.
    Trình để đồ vật nơi salon, chờ đợi, hy vọng có người xuất hiện để hỏi thăm và nhờ thông báo.
    Hai phút trôi qua mà chàng có cảm giác chờ đợi đã mỏi mòn. Đúng lúc chàng có cảm giác chờ tìm người thì trong hãng có tiếng chuông reo ở thang lầu phía sau. Trình quay lại nhìn, bắt gặp một người ốm ốm lùn lùn, đầu sói, trạc tuổi sồn sồn. Người ấy ưỡn ngực đi từ trên lầu xuống. Trình lật đật đến đón, lễ phép nói :
    - Thưa ông ! Cho phép tôi được hỏi thăm một người nhân viên mới. Cô Bạch Phù có làm ở công ty đây không ông ?
    Người trung niên nhìn chàng dò xét và hỏi lại như nhân viên điều tra :
    - Ông tìm cô ấy có chuyện gì ?
    - Dạ tôi...
    Trình bị thái độ uy nghiêm đó làm cho hơi khiếp.
    Chàng cung kính :
    - Tôi muốn gởi cho cô ấy một ít đồ dùng.
    Nhìn các vật để trên salon rồi quay lại nhìn Trình, người ấy buông thỏng :
    - Ở lầu hai.
    Nói xong, người ấy đi thẳng. Trình không kịp nói gì thêm, ôm hết đồ đạc đi thẳng lên lầu, vừa đi vừa dáo dác tìm kiếm.
    Một mặt, Trình suy đoán người chàng gặp là ông giám đốc Phương Khả Viên. Theo lời Bạch Phù, ông tổng giám đốc hay đi ngoại quốc nên mọi việc ở công ty đều do một tay ông giám đốc nầy giải quyết.
    Suy đoán như vậy, Trình đâm lo. Bởi chàng tự nghĩ, mình không nên mang bất cứ một ảnh hưởng xấu nào đến cho Bạch Phù. Nhưng có lý nào ông giám đốc lại ngăn người ngoài đến thăm nhơn viên ?
    Lầu hai tương đối rộng lớn, không khí cũng náo nhiệt hơn. Tiếng điện thoại reo lên từng chập, tiếng đánh máy đều đều. Mang nỗi lo lắng đến một nơi xa lạ, Trình sẻ lén đẩy cửa pha lê. Vừa đưa mắt nhìn vào trong, Trình đã thấy nàng.
    Bạch Phù đang cúi gầm viết gì đấy, Trình không sao nhìn rõ mặt nàng, chỉ thấy mái tóc dài dợn quăn, Trình đã hồi hộp suýt kêu lên thành tiếng. Một người ngồi gần bên cửa nhìn thấy Trình, chính ánh mắt đó làm chàng đỏ mặt như một người ăn vụng bị bắt gặp.
    Đồng thời, Trình cũng nhân cơ hội ấy hỏi nhỏ :
    - Hổng dám nào nhờ ông gọi giùm cô Bạch Phù.
    Trình xuất hiện và nói rõ ý định khiến mọi người càng chú ý. Cô bạn đồng nghiệp ngồi bàn Bạch Phù liền khều nàng :
    - Có người tìm chị kìa !
    Bạch Phù nhìn lên, vừa chạm vào ánh mắt Trình, nàng giựt mình. Không bao giờ nàng ngờ Trình dám đến đây.
    Hấp tấp thu xếp giấy tờ, Bạch Phù đi ra với dáng cúi đầu, che giấu gương mặt hơi đỏ ửng vì khó chịu của nàng. Nàng bước thẳng ra ngoài không thèm để ý đến Trình. Đi mút hành lang, đến bên cửa sổ nàng mới dừng lại và cau mày hỏi :
    - Anh tới đây làm gì ?
    Trình ấp úng, thái độ lạnh nhạt của nàng khiến chàng vừa buồn vừa sợ hơn cả lúc chàng đón hỏi người đàn ông từ trên lầu xuống. Nhưng Trình không vì đó mà ân hận. Chàng vẫn một mực nhìn nàng, mỉm cười :
    - Anh mang cái thứ nầy đến biếu em.
    - Cái gì vậy ?
    Bây giờ Bạch Phù mới nhìn thấy trên tay Trình nào hộp, nào chai lủ khủ, Trình đưa gần tới nàng hơn, nói :
    - Toàn những thức ăn, thức uống cả. Sữa, cam,...
    - Nhưng anh mua các thứ nầy để làm gì ?
    - Để cho em dùng. (Lo lắng cho nàng nhiều, Trình căn dặn) Mỗi ngày em uống ba lần sữa. Còn cam thì nên ăn vào buổi sáng. Các loại thuốc sinh tố em cũng nên uống đều đặn, phân lượng thuốc, cách dùng đều có ghi rõ trong toa.
    - Anh cho em uống thuốc ? Một người mạnh cũng phải uống bao nhiêu chất bổ vậy sao ?
    - Em không nên cho mình là người mạnh. Em...
    Trình ngừng lại, chợt biết là mình sắp lỡ lời nên lập tức bổ túc :
    - Em ốm yếu, người ngoài trông vào không thấy khỏe đâu. Huống chi em mới lên đây, công việc nhiều, lại chưa quen, nhứt định cần ăn uống đầy đủ chất bổ.
    - Hay lắm, cám ơn anh.
    Thần sắc nàng dịu lại, tỏ ra có phần cảm động về sự lo lắng đầy đủ của Trình. Trình xem đồng hồ rồi tiếp :
    - Sắp tới giờ nghỉ rồi hả ? Anh xin mời em đi dùng cơm trưa luôn.
    Bạch Phu cũng nhìn đồng hồ Vân Trình mới cho nàng :
    - Anh không ra xe à ?
    - Còn sớm chán. Ăn xong lên xe cũng kịp.
    - Em có mang đồ nấu đến đây. Giờ đi ăn ngoài e coi không được.
    - Không đâu, ăn cơm chỉ là chuyện phụ. Việc cần thiết là anh muốn có ngày giờ nói chuyện với em.
    - Lại còn chuyện gì nữa ? (Bạch Phù vừa hỏi vừa cười, ém nhỏ giọng hơn) Đêm rồi nói chuyện cà kê lê ngỗng đến một giờ mới ngủ mà.
    - Nhưng còn một việc quan trọng.
    - Việc gì ? Nàng mở lớn đôi mắt.
    Trình tránh ánh mắt nàng, hướng về một nơi xa :
    - Nơi đây không tiện nói, hay là em bước ra phía sau ngồi, anh nói rõ một lúc được không ?
    Nàng xem lại đồng hồ :
    - Nhưng em không muốn có việc lợi dụng thì giờ của hãng để nói chuyện riêng.
    - Nếu em trả lời một điều, anh hứa sẽ nói thật.
    - Sao ?
    - Ông... Anh Quang Vũ, anh rể của em hiện giờ đang ở nơi nào ? Mà thôi, em không cần nói rõ cũng được, miền là em nói cho anh biết... Vâng, nói rõ cho anh biết thì hay lắm... Có phải anh Quang Vũ đang dưỡng bịnh tại Thanh Sơn liệu dưỡng viện ? Ảnh bịnh phổi phải không ?
    Bạch Phù cố gắng tỏ ra bình thản, an nhiên song không thể nào che được nét thống khổ. Khá lâu nàng mới thở phào, đáp nhỏ :
    - Anh đã biết rồi, biết đúng nữa, còn hỏi làm chi ?
    - Nhưng tại sao lâu nay em không chịu nói ra ?
    - Nói để làm gì ?
    - Bằng vào tình cảm giữa chúng ta, anh nghĩ rằng em không nên giấu anh điều gì mới phải. (Trình xúc động mạnh, nói tiếp) Anh... Anh xử tốt với em, lo lắng, cho em. Em không nhận ra điều ấy sao ?
    Bạch Phù cúi mặt không biết nói sao cho phải. Đôi mắt nàng chạm đến những đồ vật để dưới chân, từ chỗ đó nàng miên man nghĩ đến những điều khác, nếu Trình không lên tiếng nói nàng đã quên hẳn sự có mặt của chàng :
    - Anh nghĩ nếu anh Quang Vũ là người thân thì khi ảnh bịnh, em cũng nên nói qua cho anh biết, và em cũng nên cẩn thận, cần biết bịnh phổi là bịnh hay lâu... Gần gũi với người bịnh, chính em cũng cần được chăm sóc hơn.
    - Thôi...
    Nàng không còn chịu được nữa. Như một người đang bị làm nhục, nàng gắt :
    - Biết rồi, không cần nói nữa.
    Thái độ của nàng khiến Trình có phản ứng. Chủ yếu của chàng là muốn Bạch Phù bớt gần gũi với ông anh rễ bịnh phổi. Nhưng khi bị nàng gắt gỏng thì chàng đỏ mặt, lắp bắp :
    - Em biết hết à ? Em cũng biết là phổi em đang nguy à ?
    Nàng thở hổn hển, mặt biến sắc :
    - Anh bảo sao ?
    Trình bỗng mềm nhũn, tránh ánh mắt của nàng. Chàng đã lỡ lời. Việc đã đến đây thì không còn cách nào che giấu được nữa. Huống chi Trình là người chất phác, không có tài lanh lợi, quyền biến. Chàng chỉ biết cố gắng lựa lời :
    - Em đừng lo, không quan hệ gì lắm đâu. Nguyên sáng sớm nầy anh có đến bác sĩ coi lại hình phổi của em, theo lời bác sĩ thì phổi em hơi yếu.
    - Phổi yếu ? (Nàng lấy lại bình tĩnh) Phổi yếu là bịnh ?
    - Không có gì nghiêm trọng lắm đâu.
    - ... (Nàng im lặng một lúc rồi ngẩng đầu lên hỏi) Điều anh cần nói với em là chuyện nầy à ?
    - Phải. Em cho là chuyện không cần kíp sao ? Sức khỏe là điều quý nhứt trên đời. Người mang nhiều bịnh do trong quá khứ không biết giữ gìn sức khỏe... Cho nên anh muốn nhắc nhở em đừng quên điều đó. (Trình nhìn Bạch Phù tha thiết) Ở đây có viện bài lao, tốt nhứt em nên đến xem thử.
    - Không có chuyện gì khác hơn sao ?
    Nàng hỏi thế, rõ ràng là không có ý muốn nghe nữa, chập sau Bạch Phù lại tiếp :
    - Em mới tới, bao nhiêu chuyện chưa giải quyết, còn bận rộn lắm.
    - Nhưng nếu để trì tuệ thì sức khỏe.. (Trình chỉ còn cơ hội nầy để khuyến khích nàng trị bịnh nên không bỏ qua, chàng thở dài) Nếu anh được đổi sang Hương Cảng làm việc thì tốt biết mấy, song lẽ đương nhiên là không được rồi.
    Bạch Phù cố ý nói khích Trình :
    - Không phải anh đã nói là rất ghét Hương Cảng sao ?
    Trình quay đi, trả lời rất nhỏ :
    - Bất cứ nơi nào, miền có em là anh sẽ thích.
    Lúc Bạch Phù đưa Trình ra cửa là lúc các bạn đồng nghiệp lục tục kéo nhau về bên nàng không trở về phòng làm việc nữa. Nàng đem hết các thứ Trình cho về phòng riêng. Từ phòng làm việc, nàng đi qua con đường hẹp phía sau là tới nơi.
    Phòng nhỏ chỉ chứa đủ một giường một người và một bàn, tuy cũng có cửa sổ hướng trông ra mặt đường phía sau. Bộ phận nhà bếp ở kề bên nên lúc nào cũng đưa thoang thoảng mùi khói, mùi dầu, không cách nào ngăn được.
    Rương trấp của Bạch Phù còn bỏ chồng đống trong phòng, chưa kịp sắp đặt lại. Mùi mốc tường ẩm vào những ngày mưa phảng phất đâu đây.
    Bạch Phù đóng cửa, nằm sải ra giường, nghe như toàn thân, sức lực mình tản mác hết. Nàng cảm thấy thật mệt mỏi, thật yếu đuối, đồng thời cũng nhận thấy hơi hám trong phòng thật khó chịu, dường như đang làm loang lỗ dần buồng phổi của nàng. Sau cùng, nàng không ngăn được nước mắt.
    Lời nói của Trình như những mũi tên bén nhọn bắn vào tim nàng, như những đám mây đen gây mưa gió. Lời nói của Trình khiến nàng tự dưng kiểm soát lại trạng thái sức khỏe của mình. Soát qua, nàng cũng có thoáng chút nghi ngờ, nhưng chỉ nghi ngờ thoáng qua thôi. Bởi cuộc sống hàng ngày đã bức bách buồn khổ lắm rồi, nàng không dám nghĩ ngợi nhiều cho thêm mệt. Huống chi nàng rất tự tin.
    Xưa nay, nàng ít khi lâm bịnh. Ngay cả những bịnh sổ mũi, nhức đầu nàng cũng ít khi có. Nàng không bao giờ ngờ mình có thể bị đau phổi... Nhưng bây giờ, bây giờ nàng không có cách nào ngăn cản ý tưởng bi quan ấy cứ loang dần ra như một vết dầu. Nàng nghĩ đến một ngày nào đó, nàng bị bịnh, liệt giường liệt chiếu không dậy nổi.
    Nếu có phải bị bịnh như thế thì chết đi là cùng ! Không có gì quan trọng lắm. Nhưng nghĩ đến việc không ngồi dậy nổi thì nàng lại nhớ Quang Vũ không thể thiếu nàng được.
    Liên tưởng đến những ngày bất hạnh đối với Quang Vũ. Nàng không nghĩ đến việc Quang Vũ có thể lây bịnh cho nàng mà nghĩ đến việc phải vượt cơn hiểm nghèo, mặc dù chính Quang Vũ lây cho nàng cũng vậy !
    Nàng phải mạnh khỏe luôn là vì có Quang Vũ, nàng phải chiến thắng chứng bịnh của nàng. Nàng cần thu hết can đảm để đối diện với sự thật. Nàng cần săp đặt lại công việc để có ngày giờ đến y viện xem qua cho biết rõ. Nàng muốn khám cho biết trình trạng sức khỏe của mình đã đến độ nào rồi.
    - Thưa cô, cơm đã dọn xong.
    Nghe tiếng người làm công gọi, nàng lên tiếng đáp lại. Đoạn lau nước mắt, nàng ngồi dậy, đến nhìn vào kiếng chải lại tóc, đồng thời cũng nhìn kỹ màu da xanh xao của mình.
    Nàng dùng son thoa môi, vẽ đậm lòng bàn tay rồi bắt chước cách điểm trang của chị Hồng Liên thoa phớt son ấy và chà đều lên hai má. Cách điểm trang ấy làm de dẻ nàng hồng hào tự nhiên hơn, thần sắc đẹp đẽ hơn. Không ai nhìn nàng mà đoán ra bịnh trạng.
    Cơm dọn ở phòng ăn từng dưới. Nơi bàn vuông có bốn người ngồi. Trừ Bạch Phù là gái, những người cùng bàn toàn là trai. Hai người không có gia đình ở Hương Cảng, một người ở Áo Môn, người kia sống độc thân, cả bốn đều ở lầu ba, gom hết xuống phòng nầy ăn chung.
    Ông giám đốc cũng ăn cơm tại đây, nhưng trưa nay ông không có mặt vì được mời đi ăn tiệc. Ông đã ra đi trước khi tan sở.
    Đêm qua, Bạch Phù ngủ rất trễ, hơn nữa, vào giường khá lâu mới ngủ được. Sáng nay, nàng lại theo thường lệ thức hồi bảy giờ để đến sở làm. Đến vào lúc công ty hãy còn chưa mở cửa.
    Ngày hôm qua, Bạch Phù được ông giám đốc Phương Khả Viên đưa đi giới thiệu với các bạn đồng sở. Mọi người đều có ấn tượng đẹp về cô nhân viên mới. Các bạn trai đều nhận là nàng chơn chất, không kiểu cách, không một ai dám xem nàng là một thứ hoa trong bình để mặc tình nghị luận, khen chê.
    Ngoài ra, các cô đồng nghiệp cũng xem Bạch Phù rất hợp với mình, không có lý do để ganh ghét, ngày đầu đến sở mới, được thế là thuận lợi cho nàng.
    Trí nhớ nàng khá đặc biệt, các đồng nghiệp họ gì, tên chi nàng đều nhớ rõ. Cô Tô đánh máy đã có chồng rồi và vài bạn đồng nghiệp khác có nhà tại chợ, vừa tan sở là không thấy mặt mũi của họ Ở đâu nữa. Còn Lôi Như Ngung là người Quảng Đông, song có gia đình ở Áo Môn, vốn là nhân viên tâm phúc của ông giám đốc Viên, có trách nhiệm về kẻ trên người dưới trong sở. Ông Thôi có nhà ở Nguyên Vãng, ông họ Quan có nhà ở Đại Phố, không dám theo gia đình vì sợ đời sống ở thành thị rất khó khăn. Cả hai thật thà như đếm trông ra người tốt. Về phần ông giám đốc thì có gia đình rồi nhưng phải sống độc thân. Gia đình ông ở Sơn Tây, bà vợ bị kẹt trong cuộc chiến gay go, ông chỉ đi được một mình nên phải sống độc thân tại miền Nam nầy.
    Nhà bếp làm bốn món đồ ăn rất ngon. Lầu đầu tiên, Bạch Phù đến đây sống trong một tập thể nhỏ, được vài bạn trai săn sóc tận tình, đối đãi với nàng như tân khách. Nhưng nàng không dám nói một lời, chỉ có cúi đầu cúi mặt. Mọi người đều nghĩ đó là vẻ mắc cở của người con gái, không một ai ngờ là mới rồi nàng khóc. Càng không ai nghĩ là hiện giờ lòng nàng rối như tơ vò. Nàng cúi mặt, nhai từng búng cơm như phăng lần từng đường tơ rối.
    Cơm, canh, thịt, cá món nào cũng nấu ngon, song không làm cho nàng muốn ăn chút nào hết. Nàng sợ người khác thấy net xanh xao bịnh hoạn của mình nên miễn cưỡng nuốt từng búng cơm trong dáng cúi gầm.
    Vào bàn ăn, Bạch Phù gấp đồ ăn bỏ vào dĩa riêng, đến canh nàng cũng dùng muỗng múc sang chén nàng, tuyệt nhiên không nhúng đũa, muỗng đã đưa lên miệng vào các tô, các dĩa.
    Các nam đồng nghiệp dò xét hành động cẩn thận của nàng thì khều nhau cho rằng nàng biết giữ vệ sinh, nàng thuần khiết không muốn lây sự Ô trọc của bọn đàn ông. Ai biết cho nàng đang có nỗi khổ tâm riêng, buộc phải giữ gìn, tránh lây bịnh cho người khác.
    Buổi chiều, hai giờ mới làm việc, nên ăn cơm xong, nàng trở về phòng. Có mặt người khác, nàng cố gắng tỏ ra yêu đời, vui vẻ. Nhưng khi nằm một mình thì nàng để mặc cho sự đau khổ dằn vật.
    Bạch Phù muốn ngủ một chút nhưng nhắm híp mắt đã lâu mà nàng không sao ngủ được. Nàng lại muốn nhân cơ hội nầy đến bịnh viện xem thử, song vừa ngồi dậy nàng lại quyết định không đi. Nàng không đủ cam đảm chịu đựng, nếu phải nghe lời bác sĩ bảo là bịnh nàng còn nghiêm trọng hơn nàng tưởng tượng. Nhứt là phải nghe bác sĩ cảnh cáo nàng không nên làm việc nhiều mà phải dùng hết thời gian vào việc trị bịnh, nghỉ ngơi. Nếu bắt buộc phải như thế thì nàng biết liệu sao ?
    Khi biết mình có bịnh, phải nghe những lời đó thì tinh thần nàng làm sao còn sức chịu đựng nổi. Nàng không sao quên được cái hôm Quang Vũ đi bịnh viện về, bịnh tình nặng thêm từ đó mà thôi.
    Biết mình bịnh, Bạch Phù không trách Quang Vũ mà ngược lại, nàng oán hận Trình đã báo cho nàng biết là nàng có bịnh.
    Ai bảo cái anh chàng thài lai ấy đi nói rõ với nàng ? Chỉ có trời mới mong hiểu được cho Trình, vì thương nàng mà trở thành hại nàng. Nàng lạ tại sao Trình lại làm xấu như vậy !
    Ngay khi nằm không ngủ được, nàng không cảm thấy người nàng có bịnh chi. Trái lại, nàng cảm thấy cá tánh phấn đấu và chịu đựng của mình trồi dậy, Bạch Phù nghĩ :
    - Sống thêm được một hai năm thì tốt. Nào mình có muốn sống lâu đâu. Miễn sao anh Vũ lành bịnh là mình yên lòng nhắm mắt rồi.
    Nằm thêm lúc nữa, nàng cảm thấy bỏ trôi thời gian thật đáng tiếc. Nàng ngồi dậy, sắp đặt lại đồ đạc trong phòng, bày trí cho đâu ra đó. Hai chiếc rương thì nàng để ở đầu giường, trả lên đó một tờ giấy trắng, rồi nàng lại để kiếng và vài hóa phẩm điểm trang. Các vật dụng khác nàng bày đâu ra đó.
    Nàng lại xin đinh của một nhân viên, đóng móc trên tường để treo quần áo. Nàng đang bận rộn thì có tiếng gọi bên ngoài vọng vào :
    - Bạch Phù.
    Nàng nhìn ra, thấy Lý Mang đứng ở cửa. Bạch Phù sung sướng gọi lớn : "chị" rồi chạy ra nắm lấy tay bạn.
    - Mình định gọi điện thoại cho chị đây, đang muốn gặp chị đây.
    - Bộ mình không muốn vậy sao ? Ngay từ hôm qua nhận được điện thoại của bồ, mình cứ nghĩ tới luôn. Hồi bốn giờ chiều qua mình có điện thoại cho ông Viên hỏi thăm bồ. Ổng bảo là bồ đi rồi ! Sao ? Nơi đây thế nào ?
    Bạch PHù kéo tay Lý Mang đi vào !
    - Trước hết chị đi vô phòng mình đã, mình đang sắp xếp bên trong đó.
    - Khá lắm ! Mà sao buổi trưa bồ lại không ngủ ! Tội lệ gì cứ sắp soạn hoài ? Đợi lúc nào rảnh sẽ làm, mà sắp soạn đẹp đẽ làm chi ? Hay là chuẩn bị cho ai tới thăm ?
    Lý Mang nói vậy với mục đích ngăn bạn làm việc quá sức. Muốn bạn nghỉ ngơi nhiều hơn, Lý Mang tiếp :
    - Mình cứ tưởng chị Ở bên lầu kia nên cứ phải "bò" lên ấy. Nếu không gặp ông gì đó cho biết bồ ở dưới nầy thì mình còn kiếm nữa.
    - Hôm qua, ông giám đốc cho mình đổi xuống dưới nầy đó. Ổng nói ở trên lầu lạnh lắm, lại chỉ có một phòng, một người ở thì chắc dễ sợ, việc đi lên đi xuống cũng rất bất tiện.
    Thật vậy, ngày nào cũng đi lên đi xuống như thế thì ăn cơm bao nhiêu cũng tiêu hết. Người mạnh đi riết cũng sanh bịnh huống chi Bạch Phù lại tấm thân... "Liễu yếu đào tơ" !
    Lý Mang thấy Bạch Phù biến sắc khi nghe mình nói thế, nàng lập tức đổi ý :
    - Nhưng bồ cũng đừng có tin ông giám đốc lắm à nha. Ông ta cố ý tỏ ra tốt bụng để mua chuộc tình cảm đó thôi. Với lại, nam đồng nghiệp họ cũng không muốn chị Ở trên lầu vì sẽ đi ngang phòng họ. Đôi khi họ mặc quần đùi, cởi trần trùng trục, họ muốn chị Ở dưới để khỏi làm phiền họ.
    Bạch Phù nhè nhẹ ngồi xuống mép giường, thần sắc như nghe mà cũng như không. Hình như Bạch Phù đang mang đầy lòng tâm sự, cũng có thể nói là nàng mệt mỏi lắm. Lý Mang ân cần :
    - Bạch Phù, trông chị mệt mỏi lắm, cứ nằm nghỉ.
    - Không, mình không mệt !
    - Mình thấy thần sắc chị không khá đâu !
    - Sao ?
    Bạch Phù vội vói tay lấy kiếng, soi mình cách cẩn thận, Lý Mang tiếp :
    - Sánh với hồi chị còn đi học bây giờ chị Ốm hơn nhiều lắm. Lần đầu tiên lại đã thấy chị Ốm rồi. Trong người thế nào ?
    - Có sao đâu ? (Bạch Phù đáp gọn nhưng giọng điệu mơ hồ).
    Lý Mang không bỏ qua :
    - Cho dầu sức khỏe có tốt đi nữa cũng cần chú ý. Theo tôi thấy thì trông chị có vẻ gì u uất quá ! Mình cũng biết Bạch Phù sống nhiều về nội tâm, trước đây đã không thích nói chuyện, bây giờ lại còn âm thầm lặng lẽ hơn. Có điều khó xử lắm không ? Đã là bạn thì xin cứ nói hết cho nhau đi.
    Bạch Phù nghiêng đầu đáp :
    - Không ! Không có gì hết.
    - Nếu thật không có gì hết thì tốt lắm. Bằng có gì thì nên lưu tâm : rán vui vẻ, bớt buồn khổ, tránh lao tâm lao lực, bớt suy nghĩ một mình. Chị cần phải bắt chước mình nè, tối ngày cứ lốp bốp cái miệng, cười nói toe toét luôn, không biết buồn, không biết lo thì ăn mới ngon, ngủ mới yên được.
    Bạch Phù nhìn Lý Mang không hiểu tại sao hôm nay có bạn đến đây toàn nói những điều ấy. Lòng nàng thật không an tâm chút nào, thần sắc cứ biến đổi liền liền. Nếu không có lòng tự trọng quá cao, nàng đã ôm Lý Mang mà khóc, mà thổ lộ hết những đau khổ của mình.
    Tự tôn và tự tin xưa nay vốn có chỗ tương đồng. Bạch Phù mang lòng tự tin, sợ lỡ ra Lý Mang biết nàng có bịnh thì sẽ lánh xa. Nào có ai dám kết giao thân thiết với một người mang vi trùng lao ? Ngay như nàng, nếu người bịnh không phải Quang Vũ mà là Trình hay bất cứ một thanh niên nào khác chắc chắn nàng đã lánh xa rồi. Lý Mang tuy là bạn tốt, nhưng tình cảm giữa hai người sao có thể đậm đà bằng nàng và Vũ được ?
    - Bạch Phù, hỏi thiệt bồ nha,.bồ có bạn trai chưa ?
    Bạch Phù đang suy nghĩ vẩn vơ, bị câu hỏi của Lý Mang làm giựt mình, nàng cười lạt :
    - Sao lại hỏi điều đó ?
    - Hãy trả lời trước đã.
    - Không...
    Lý Mang chỉ những gói đồ trên bàn :
    - Thế những vật nầy ai mua ?
    - Cái đó...
    Bạch Phù ngừng lại, nhứt thời không biết trả lời sao cho phải. Nàng nghĩ cô bạn là một người thông minh lanh lợi, rất dễ tìm ra đầu mối vấn đề. Lý Mang tấn công luôn :
    - Hay quá ! Mấy món đồ nầy của ai sao không chịu nói rõ ra mà lại làm như không biết gì ? Có phải của "người ta" tặng không ? Nói thật đi, ở hãng nầy ai cũng quen với mình cả. Mình đã sớm bố trí một màn lưới để canh chừng chị đó. Nhứt cử nhứt động gì cũng không giấu được đâu. Sao, khai chưa ?
    - Nhưng đây chỉ là bạn thường.
    Nghe bạn đáp thế, Lý Mang bật cười lớn.
    Bạch Phù khó chịu, cho là bạn ngạo mình và nghi ngờ trong sở đã có người báo cáo. Rồi nàng lại giận Trình, cho là chuyện xảy ra tất cả đều do anh ta không khéo léo. Hồi sáng, trước khi từ biệt nàng đã bảo thẳng vớI Trình đừng gặp nhau nữa, cũng đừng điện thoại cho nàng. Nhưng Trình chẳng nghe lời, tự ý mua đồ vật đùm đùm đề đề đến biếu nàng. Trình tốt hao kiểu đó không làm cho nàng cảm kích đâu. Nàng muốn nhìn đồ vật trên bàn gắt gỏng khơi khơi : "Tôi sống hay chết có ăn chung gì tới anh chớ ?"
    Bạch Phù giận Trình, nhưng những món vô tri vô giác kia nàn ghét bỏ làm gì ? Huống chi nàng đã có chủ định gói kỹ các đồ vật ấy mang cho Quang Vũ ! Phải rồi, chỉ cần có chút rỗi rảnh nàng sẽ mang các đồ vật ấy đi liền.
    Lý Mang không để ý đến những điều nghĩ ngợi của bạn mà như được đà nói dồn tới :
    - Một bạn đồng sở thường lại đi chịu khó mua cho những thứ nầy à ? Không thể tin được.
    - Thật mà ! Bạn đồng sở cũ của mình. (Bạch Phù thản nhiên tiếp) Chính ảnh đưa mình đến Hương Cảng. Rồi không hiểu nghĩ sao mà trước khi trở lại Quảng Châu, ảnh đi mua ba cái thứ nầy đem đến cho.
    - Nhưng tại sao "anh ta" lại mua toàn đồ bổ ?
    - Ảnh cho là mình cần được tẩm bổ.
    - Nhưng tại sao ảnh cho là chị cần được tẩm bổ ?
    - Ảnh có luận điệu như chị, cứ cho rằng mình ốm yếu, xanh xao hơn trước, "hình như" trong người có bịnh. (Bị hỏi dồn, bây giờ Bạch Phù mới chịu nói thật). Ảnh biết anh mình có bịnh lao phổi !
    - Ai ? Anh Quang Vũ bị lao à ? (Lý Mang cố làm ra vẻ ngạc nhiên) Thế hôm nào chị hỏi địa chỉ viện bài lao là hỏi cho anh Vũ đó hả ?
    - Dạ, và mấy người bạn sợ mình bị bịnh truyền nhiễm ?
    Bạch Phù có vẻ khó khăn lắm mới nói ra được những lời đó. Nói xong, nàng lấy lại thản nhiên :
    - Chị, theo chị thấy mình có phải là người mang bịnh không ?
    - Cũng có thể có mà cũng có thể không. Nhưng cho dầu có bịnh hay không, chị phải chú ý đến sức khỏe nhiều lắm mới được. Tốt nhứt là chị nên đi bác sĩ khám qua toàn bộ một lần. Mình có thể đưa chị đi. (Lý Mang cố ý nói thêm) Chính mình cũng muốn đi khám sức khỏe chớ lâu quá rồi người mình không được thơ thới song không biết tại sao. (Lý Mang trở giọng như ru) Bồ đi với mình nhá ?
    Thấy bạn trầm ngâm không đáp, Lý Mang lại tìm lời khéo léo nói khích :
    - Bây giờ trễ rồi, xế chiều rồi ! Thôi hẹn với chị là sẽ gặp lại lúc tan sở chiều. Trước hết, chúng ta đi ăn cơm, sau sẽ tính. À, mà chị thích món gì ?
    Bạch Phù dứt khoát :
    - Không thích món gì hết, sao lại để cho chị hao bạc như vậy ?
    - Có gì là hao bạc ? Chị đến Hương Cảng phải để cho mình có cơ hội làm sang thết tiệc chớ. Ăn cơm xong chúng mình cùng đi bác sĩ.
    Bạch Phù hít một hơi dài, ngẩng mặt nói :
    - Không cần thết đãi, cũng không cần phải đến bác sĩ. Có ai đau ốm gì đâu nà ?
    Lý Mang thất vọng vô cùng. Nàng ái ngại nhìn Bạch Phù. Tự cho kế hoạch giúp bạn của mình có nhiều thuận lợi, không ngờ bạn quá cố chấp. Đã đến nước nầy, nhứt thời Lý Mang không biết chọn đường nào, cách nào để giúp bạn. Vả lại, thời gian cũng không cho phép, Lý Mang đành gấp rút về sở làm. Đồng thời, nàng biết bạn càng bận rộn càng mệt, thôi thì cứ để vậy vài hôm đâu đó xong xuôi rồi hẳn tính.
    Mấy hôm sau, Lý Mang sắp đặt một chuyến đi chơi.
    Vì bạn mà lo lắng, nhân lúc rảnh chiều thứ bảy, Lý Mang định rủ Bạch Phù cùng đi dạo. Không ngờ sáng sớm thứ bảy, Lý Mang lại nhận được một phong thơ của Trình gởi tới, thơ viết rất lễ phép, ngắn ngủi, báo cho Lý Mang là Bạch Phù đã biết mình mang bịnh. Cuối thơ còn có lời mong mỏi Lý Mang thường đến khuyến khích, an ủi Bạch Phù.
    Lý Mang cầm bức thơ trong tay, nhìn kỹ từng dòng chữ thật lâu, bao nhiêu lo lắng nặng trĩu trong lòng đã được giải tỏa. Lý Mang vừa thương hại bạn vừa phục sát đất thái độ của bạn. Biết mình bị bịnh, Bạch Phù mặt vẫn không biến sắc, lời không hớ hênh ! Nếu đổi là Lý Mang chắc nàng đã nhảy dựng như người bị lạc vào trong thế giới kinh khiếp.
    Tội nghiệp cho Bạch Phù, bề ngoài làm như không có gì nhưng trong lòng khổ sở vô cùng. Một người không thể nào không đau khổ vì bịnh tình của mình, không thể không băn khoăn về mức độ lâm bịnh của mình. Huống chi nàng bị lao phổi là thứ bịnh cứ bắt người bi quan, tuyệt vọng.
    Buổi trưa, Lý Mang được một người bạn tên Lưu Sở đến mời dùng cơm. Người Lưu Sở dong dỏng cao. Ngay lúc Lý Mang mới vào làm, Lưu Sở đã khởi sự tấn công tình cảm. Tuy cố giữ cho có sự ngăn cách vừa phải, Lý Mang đối với Sở đã có ấn tượng đẹp.
    Lưu Sở nói chuyện rất có duyên, xứng đáng là một tay lanh lợi, đủ sức ăn miếng, trả miếng, bàn rộng, tán hẹp suốt ngày với Lý Mang được. Riêng bữa nay, tâm thần Lý Mang không yên sau bữa cơm, Lưu Sở mời nàng ra bờ hồ, nàng từ chối :
    - Em còn bận việc.
    - Việc gì thế ?
    Thật ra, Lưu Sở cũng nhận thấy suốt bữa ăn nàng xốn xang như bị kiến cắn. Chàng không dừng đượng hỏi thêm :
    - Có thể cho anh biết được không ?
    - Em phải đến thăm một người bạn ở công ty Hương Hoa.
    - Bạn trai à ?
    Lưu Sở nhếch môi cười nhưng trong lòng xao xuyến vô cùng. Chàng biết Lý Mang là nhân viên cũ của công ty nầy nên luôn luôn ngờ ở đó nàng còn có bạn trai khác. Lý Mang hỏi lại :
    - Thế con gái không có quyền có bạn trai à ?
    Nếu đổi cảnh là người khác thì Lý Mang sẽ giải thích, nhưng với Lưu Sở thì nàng hỏi gằn, giọng gay gắt. Nhưng rồi lại không giữ được giọng điệu ấy lâu vì sợ hiểu lầm, nàng nở cười :
    - Nói chơi vậy đó chớ bạn gái đó anh. Người bạn gái học chung với em hồi xưa.
    Lưu Sở thở phào nhẹ nhõm :
    - Em có hẹn trước với cô bạn ấy không ?
    - Không.
    - Có thể cô ấy không có ở nhà và đã đi chơi với người khác rồi. Chiều thứ bảy mà.
    - Không đâu, chị ấy mới từ Quảng Châu tới chưa quen với ai ở đây hết.
    - Em đi thăm cô ấy không mất thì giờ nhiều chớ ? Anh ngồi đây uống cà phê đợi em ?
    - Cũng không được nữa, em đến đưa chị ấy đi chơi.
    - Vậy thì mình rủ cô ấy đi chơi luôn. Ai là bạn của em anh đều thích cả.
    Lý Mang nhìn bộ đồ Tây màu xám nhạt của Lưu Sở một lúc khá lâu không biết nên đồng ý hay không. Riêng ý nàng thì cũng thấy thích được đi dạo với Lưu Sở chiều thứ bảy.
    Mấy năm qua, vì chú tâm làm việc, Lý Mang đã tránh nhiều cuộc tiếp xúc với bạn trai, cuộc sống như thế kéo dài gây cho nàng cảm giác buồn buồn.
    Hơn nữa, khi sang làm ở hãng hàng không nầy với lương bổng hậu, Lý Mang không phải bận rộn vì sinh kế nữa. Nàng không có lý do từ chối những lời mời mọc đi đây đi đó của bạn trai.
    Người thanh niên trước mặt lại có nhiều tánh tốt khiến nàng khó thể từ chối. Lưu Sở mạnh khỏe, thanh nhã, có học nên được đi bên chàng, Lý Mang cũng không thấy phí thì giờ. Nhưng Lý Mang cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội đi chới vớ Bạch Phù, vốn người kín đáo, không muốn tiếp xúc với người lạ. Hơn nữa, Bạch Phù đang bịnh, trên mặt lộ rõ nét phiền não, đi chơi mà mang bộ mặt ấy thì dễ làm mất vui đi.
    Lưu Sở thấy nàng làm thinh không đáp, cho rằng đề nghị của mình hãy còn có hy vọng thực hiện. Chàng tấn công luôn :
    - Quyết định đi chớ ! Em tới gặp cô bạn học rồi đưa tới đây luôn. Anh đợi ở đây rồi mình cùng đi chơi luôn một thể.
    - Chị ấy không chịu đâu.
    - Không chịu càng tốt, chúng mình đi dạo hai đứa.
    - Thôi cũng được, khoảng nửa giờ nữa anh gọi điện thoại đến hãng Hương Hoa. (Lý Mang viết số điện thoại trao cho Lưu Sở rồi tiếp) Nếu chị ấy đồng ý thì mình sẽ gặp lại nơi nầy.
    - Bằng không chịu ? (Lưu Sở hơi thất vọng, nài nỉ) Chúng mình phải tính trước đi.
    - Tính cái gì ? Em thì chỉ muốn đi chơi với chị ấy.
    Từ đó đến phòng Bạch Phù rất gần nhưng Lưu Sở vẫn kêu xe cho Lý Mang đi. Anh ta còn căn dặn thêm mấy lời :
    - Nửa giờ nữa em nhớ điện thoại cho anh nhé.
    Lên xe, nghĩ đến bịnh trạng của bạn, mặt Lý Mang cau lại, nàng nhẩm tính :
    - Bây giờ là một giờ mười lăm, rất có thể Bạch Phù đang ngủ trưa. Nếu khi tới mà gặp chị ấy đang ngủ thì mình sẵn sàng ngồi chờ cho tới khi chị ấy thức dậy. Bởi vì giấc ngủ đối với chị ấy rất cần thiết.
    Lý Mang còn có thể lên lầu ba, tìm mấy người quen cũ tán hưu tán vượn để giết thì giờ. Các bạn ấy đối với nàng đều tốt. Tánh nàng hiền lành, hoạt bát nên ai cũng muốn làm thân. Sắc mặt ai thoáng hiện ẩn ý hay tiềm tâm thì tự nét đẹp cao quí của nàng có thể đập tan những ý nghĩ ấy.
    Riêng phương diện nầy, Lý Mang rất giống Bạch Phù, đó cũng là điểm giống nhau duy nhứt. Ngoài ra, về các mặt khác cả hai rất khác biệt nhau.
    Hết giờ làm việc, công ty Hương Hoa trở lại vắng lặng. Cửa đã đóng, chỉ còn chừa một kẽ hở cho phép một người lách mình qua lại được. Điều làm Lý Mang chú ý là trong ga-ra không có xe ! Bởi như vậy là Phương Khả Viên không có ở trong. Nàng thở phào nhẹ nhõm vì lỡ gặp Viên thì chẳng phải là điều vui vẻ. Tuy Lý Mang tới lui đây rất thường, nàng vẫn không sao tránh khỏi ái ngại bởi dầu gì nàng cũng đã thôi việc.
    Lý Mang tránh mặt Viên còn là để tránh cho ông giám đốc khỏi phạm tội. Nếu không có những lướng cướng tình cảm thì sao ông ta có thể nhận lời giới thiệu của nàng cách dễ dàng mà thâu nhận Bạch Phù ?
    Bước qua cửa, Lý Mang đi ngã thông thường hướng về phòng bạn. Lý Mang cố gắng đi thật nhẹ, định bụng gây bất ngờ thích thú cho Bạch Phù.
    Nhưng khi đến trước phòng bạn thì Lý Mang lại sững sờ. Chính Bạch Phù đã gây sự bất ngờ cho Lý Mang : Bạch Phù không có trong phòng.
    Đứng lặng một lúc, Lý Mang mới từ từ rút lui, cúi gầm đầu suy nghĩ lung tung. Bạch Phù thật là lạ, người không được khỏe mà lại bỏ đi đâu giờ nầy ? Hương Cảng nầy còn có chỗ nào cho Bạch Phù đi chớ ?
    Có đến tám mươi phần là Bạch Phù đến liệu dưỡng viện ở Thanh Sơn thăm Quang Vũ. Đã mang bịnh lao lại còn tìm cách đến gần bên người lao, hành động của Bạch Phù trở thành khó hiểu với Lý Mang.
    Nhưng còn biết làm sao hơn. Là bạn, Lý Mang có thể giúp đỡ bạn nhưng không thể nhơn danh tình bạn đi cản trở hành động của Bạch Phù. Càng không thể theo dõi bạn trên đường đi tới Thanh Sơn.
    Muốn ngồi đợi bạn, nhưng Lý Mang không biết Bạch Phù đi đến chừng nào về.
    Buồn quá, Lý Mang thở dài :
    - Thôi đành vậy.
    Dẹp qua chuyện của Bạch Phù, Lý Mang nghĩ đến Lưu Sở. Trong lúc ngồi chờ đợi điện thoại của Lưu Sở, nàng đi vào phòng khách tìm chỗ ngồi nghỉ chân.
    Đẫy cửa bước vào phòng, Lý Mang ngỡ là trong ấy không có ai, nào ngờ còn có Phát. Phát là lao công quét dọn và lao chùi cửa kiếng.
    Phát nhìn thấy Lý Mang, nhoẻn miệng cười hỏi :
    - Cô mới lại à ?
    - Tôi đến tìm chị Bạch Phù.
    - Cô ấy ăn cơm xong là đi ngay.
    Lý Mang muốn tìm biết hành động của bạn, song độ chừng Phát cũng không rõ.
    Phát nhìn nàng hỏi dò :
    - Cô Lý, cô muốn lên lầu ba không ?
    - Mấy anh vẫn còn ở trển hả ?
    - Ông Thôi với ông Quan thì đã về nhà. Còn ông giám đốc thì hồi trưa lại được mời đi ăn tiệc. Chỉ còn cậu Lôi Nhử Ngung ở trên ấy một mình.
    - Được rồi anh.
    Lý Mang bất động, Phát ngưng công việc hỏi tiếp :
    - Cô uống trà nghen ?
    - Cám ơn anh, anh cứ lo việc của anh đi, tôi sắp đi bây giờ.
    - Để tôi đi lấy trà cho cô uống đã.
    Phát vẫn giữ ý định, phân trần :
    - Hổng mấy thuở cô mới lại chơi, cô không làm việc tại đây thật là buồn.
    Lý Mang cười :
    - Bộ chị Bạch Phù mới tới đây không làm được việc sao ?
    - Được lắm chớ ! Cô ấy cũng vui vẻ, cũng nhã nhặn như cô.
    Phát xuống bếp, rót trà nóng. Lý Mang ngồi lại trong phòng một mình cảm thấy buồn buồn. Nàng đưa mắt nhìn tấm đồ biểu trên tường, nhìn sang các tấm hình, đến khi nghe tiếng điện thoại reo, nàng mới như chợt tỉnh.
    Có tiếng chân bước nặng nề vẳng lại. Lý Mang bước ra cửa, bắt gặp Lôi Nhử Ngung từ trên lầu đi xuống. Cũng vừa lúc đó, Ngung nhận ra nàng, nói như reo :
    - Kìa ! Cô Lý...
    Ngung nói giọng Quảng Đông, vui vẻ bước tới hỏi tiếp :
    - Cô tới bao giờ đó ? Sao không lên trển chơi ?
    - Lên trển làm gì ? Tôi biết là anh sắp đi mà.
    Ngung trịnh trọng :
    - Nhưng cô đã đến thì tôi không đi.
    - Ăn mặc bảnh bao mà không ra đường cho thiên hạ ngắm một chút thì uổng quá !
    Nhìn quần áo của Ngung, Lý Mang chợt nhớ đến bộ đồ của anh ta vào một năm trước đây khi từ Áo Môn tới. Giờ đây, Ngung đã cởi bỏ bộ cánh cổ lỗ sĩ, ra người chải chuốt lắm rồi. Lý Mang cười hỏi :
    - Bộ hẹn với cô nào chắc !
    - Đừng giỡn, cô. Tôi có bạn gái nào đâu ? (Ngung đỏ mặt làm ra vẻ khổ sở) Làm cách nào giao thiệp với bạn gái khi mình đã có vợ rồi !
    - Ai nói ? Không phải ông giám đốc Viên cũng đã có vợ và đang lục lạo khắp nơi để tìm bạn gái đó sao ?
    Lý Mang cố ý nhắc nhở tới Viên vì biết rõ người đối diện là kẻ tâm phúc của ông giám đốc, bên ngoài Ngung làm ra vẻ cung kính với Viên chớ bên trong vẫn nuôi dã tâm hạ Viên cho bằng được.
    Ngung cười mỉm :
    - Ông giám đốc à ? Phụ nữ đuổi theo ông ta thì có.
    Lý Mang muốn tìm chút chuyện vui nên hỏi :
    - Gần đây ông Viên có tin gì hay không ?
    - Tin hay thì không. Nhưng theo chỗ tôi thấy thì ông giám đốc rất chú ý đến cô Bạch Phù, bạn của cô.
    Sờ càm mằn mấy sợi râu loe hoe, đôi mắt Ngung bỗng rực sáng một cách thần bí ! Ngung tiếp :
    - Ngay hôm cô Bạch Phù mới tới, chính ông Viên làm thêm đồ ăn cho cô ấy.
    - Chiên trứng à ?
    - Chiên trứng... Ha hạ.. Cô còn chưa quên vụ chiên trứng của ổng à ?
    - Ngoài vụ chiên trứng, làm sao có thể "ép" ông ta cho ra chút dầu mỡ gì nữa ?
    Lý Mang cười nhớ lại chuyện vui vui của ông giám đốc rít chúa ngô công kẹo nầy.
    - Nhưng cô Bạch Phù không những chỉ xứng đáng ăn trứng chiên, Viên còn dặn nhà bếp làm thêm gà chưng, nguyên con gà cho người đẹp ấy.
    - Eo ôi, ông giám đốc chịu rắc máu đến thế à ? Vậy là chuyện không tầm thường rồi.
    - Cô đoán sao ? Cô nầy, Bạch Phù vốn không có ý gì, ông Viên cung kính dâng đùi gà mà cô Bạch Phù chỉ ăn một nửa làm cho ông khổ lắm ! Hì hì... báo hại còn bao nhiêu, tụi nầy đớp ráo.
    Lý Mang bật cười lớn, Ngung đang muốn nói thêm gì ấy thì Phát từ nhà bếp đi lên, Ngung vội đổi ý nói cách khác :
    - Cô Bạch Phù do cô giới thiệu tới thật đàng hoàng. Cổ dè dặt, cẩn thận, có phân lượng đối xử với mọi người. Thời nầy, tìm một cô gái như cổ khó lắm.
    - Nhưng chị ấy làm việc khá không ?
    - Có tinh thần trách nhiệm.
    Ngung đưa ngón tay cái lên lắc lắc :
    - Người do cô giới thiệu thì số dách rồi, còn gì phải hỏi ?
    Trong khi Lý Mang và Ngung nói chuyện về Bạch Phù thì nàng đang xuống xe buýt đi hướng về viện bài lao mang tên "Thúy Phong liệu dưỡng viện".
    Đang đi mau, nàng bỗng dừng lại nhảy mũi một cái rồi hai cái. Nàng móc khăn tay bịt mũi vừa cảm thấy nhồn nhột đồng thời tự hỏi không biết là ai nhắc đến mình. Nàng cố suy đoán theo sự mê tín đã có từ nhỏ của nàng.
    Lúc nhỏ, Bạch Phù thường nghe mẹ nói, khi không mà phát nhảy mũi tức là có ai nhắc nhở ! Nàng cũng biết, nếu đứng trên phương diện khoa học mà cắt nghĩa việc nhảy mũi thì nhứt định không phải như vậy. Ai lại có thể chuyển nổi cảm giác đến cơ thể của một người thân ở xa như vậy ?
    Nhưng cho dầu có óc khoa học, nàng vẫn tin là hễ bị nhảy mũi tức là đang có người nhắc ! Áp dụng vào trường hợp nầy, nàng cho là chắc Quang Vũ đang nhắc tới mình. Nghĩ thế, Bạch Phù bước mau hơn, đồng thời cũng không ngăn được bị nhảy mũi thêm.
    Nàng cảm thấy trong người nóng bức và cho là nàng đã mặc quá nhiều áo. Mấy hôm nay, trời từ mưa lê thê trở sang thanh thanh, mặt trời rạng rỡ ở từng cao làm tăng thêm hơi ấm. Hơn nữa, bây giờ là xế trưa, áo lạnh hai lớp không còn mặc được nữa. Nàng cởi áo vắt choàng qua vai.
    Tay Bạch Phù không rảnh rang gì. Một tay cầm sắc, một tay nàng mang đồ ăn thức uống đến cho Quang Vũ. Những chiếc lọ, bình và hộp ấy đều là của Trình mua tặng nàng. Nàng phải suy nghĩ tới lui mấy lượt mới giữ lại cho nàng hai hộp sữa, còn bao nhiêu thì mang hết theo đây.
    Giỏ đồ mang theo càng lúc càng nặng thêm, mấy ngón tay nàng bị dây siết ngấn đau hết sức, người nàng phải hơi nghiêng đi một chút.
    Theo lẽ nàng phải bảo tài xế chở nàng vào xa trong hơn một chút nhưng bây giờ có hối hận cũng vô ích. May là con đường không xa, Bạch Phù đã nhìn thấy được bóng dáng của viện bài lao rồi.
    Mấy hôm nay, nàng không sao hở tay để đi thăm Quang Vũ. Nàng không có thì giờ thật.
    Đi buổi trưa thì không kịp trở về, còn đợi lúc tan sở chiều mới đi thì viện bài lao đã đóng cửa ; không cho phép thân nhân vào thăm viếng. Bạch Phù lại là nhân viên mới chưa quen công việc. Nàng bận rộn luôn không sao nhín chút thì giờ và cũng không dám xin phép nghỉ. Huống chi hoàn cảnh của nàng thật bi đát ! Bên ngoài người khác thấy nàng tỉnh tuồng như không, chớ thật sự bên trong lòng nàng là ba đào chuyển động ! Chỉ có mỗi mình nàng tự biết mà thôi.
    Mấy hôm rồi nàng suy nghĩ quá nhiều. Thoạt đầu tư tưởng của nàng chao động bừng bừng như mặt nước sôi, lâu dần mới dịu lại được. Cuối cùng nàng quyết định : Có bịnh cũng tốt, không bịnh cũng tốt, tốt cũng được, chết cũng được ! Bất cứ điều gì cũng không làm nàng thay đổi ý định lúc ban đầu. Nghĩa là nàng xem chuyện giúp Quang Vũ trị lành bịnh là điều quan trọng hơn hết.
    Trước sau gì, nàng cũng không có cam đảm đến bác sĩ xem bịnh nàng. Tuy nàng vẫn tự cho nàng là một người có bịnh. Thâm chí nàng còn thấy bịnh tình của mình còn nặng hơn hiện trạng.
    Song Bạch Phù cố gắng không nghĩ tới, cố gắng sống lạc quan như người mạnh khỏe, theo nàng trị bịnh phổi chỉ cần có ba điều kiện chính :
    - Ăn uống đầy đủ.
    - Nghỉ ngơi đầy đủ.
    - Tinh thần lạc quan.
    Trong ba điều kiện đó, nàng chỉ thực hiện được có mỗi điều kiện lạc quan. Bởi vì lạc quan không tốn tiền mua và không làm mất thời giờ hiện nàng còn thiếu.
    Nàng chú ý săn sóc sức khỏe như vậy, thật sự không chỉ vì nàng mà là vì Quang Vũ. Trước khi Quang Vũ hiên ngang đứng lên, nàng không thể yếu hèn ngã xuống.
    Ánh mặt trời chiếu sáng lung linh, sinh động. Cây lá và cỏ xanh rờn. Con đường trải nhựa phẳng phiu, trong hoa viên vài đóa hoa Cúc sớm khoe sắc thắm, báo hiện sắp đến Giáng Sinh.
    Bên trong bịnh viện có vẻ ồn ào hơn. Nhiều bịnh nhân được bái sĩ cho phép ra đón nắng bên cửa sổ, sự xuất hiện của Bạch Phù đã được nhiều người chú ý.
    Nàng cúi gầm mặt bước mau về phòng Quang Vũ. Vừa đặt chân lên hành lang, nàng bỗng nghe tiếng gọi :
    - Em !
    Bạch Phù quay phắt lại, bắt gặp Quang Vũ đang ngồi trên băng đá dưới bóng cây. Bên cạnh chàng có một cậu bé khoảng bảy tám tuổi gì đó.
    Có lẽ nhờ nắng trưa, da mặt Quang Vũ hôm nay trông có vẻ hồng hào, sáng sủa, khác hẳn với sắc xanh đáng sợ hôm nào. Ánh mắt Quang Vũ cũng sáng rỡ niềm vui, đôi mày như nở ra, mái tóc bồng bềnh che phủ vầng trán rộng biểu lộ nét phong lưu, tao nhã. Xem ra, Quang Vũ không khác mấy năm về trước một mảy may nào.
    Nàng bị kích động mãnh liệt, sau tiếng gọi trầm ấm ấy, Quang Vũ hình như cũng thế, lặng thinh một lúc khá lâu. Chàng xé nhỏ một lá cây rồi tiếp :
    - Anh đoán thế nào em cũng đến.
    Bạch Phù mỉm cười, có chút nước mắt đọng mi, nàng vừa nhìn thấy Quang Vũ, lòng nàng bỗng nẩy sanh những cảm tình phức tạp lạ, không hiểu là vui hay buồn nữa.
    Tiếng gọi "em" của Quang Vũ làm nàng cảm động, có cảm tưởng như một người lưu lạc nhiều năm, bây giờ trở về, chợt nghe hơi ấm của làng mạc quê hương.
    Nàng mong được Quang Vũ gọi nàng bằng "em" bởi vì chỉ có chàng mới đủ tư cách gọi nàng như thế đó. Ngoài ra, không có ai xứng đáng gọi nàng bằng em hết.
    - Kìa, sao em xách đồ nhiều quá vậy ? Nặng chết.
    Quang Vũ dùng mấy ngón tay nhỏ nhưng dài vỗ nhẹ vào vai nàng, đầy lo lắng. Nàng có ý thức rút tay về, tim nhảy rộn lên và mặt đỏ bừng.
    Không muốn cho Quang Vũ nhận thấy thái độ khác lạ của mình, nàng vừa quay lưng vừa nói :
    - Để em đem mấy thứ nầy vô phòng anh đã.
    - Lát nữa đem vô cũng được mà. Em hãy ngồi xuống đây nghỉ ngơi một chút.
    Quang Vũ nhích mình tránh ra đầu băng đá, chừa một khoảng trống cho nàng. Cậu bé bên Quang Vũ nhân đó lén bỏ đi.
    Bạch Phù hỏi nhỏ :
    - Ai vậy anh ?
    Nhờ nàng nhắc, Quang Vũ mới nhớ người bạn nhỏ của mình :
    - À ! Bình !
    Chàng quay lại, đưa tay ngoắc :
    - Bình lại đây ! Đâu có cần đi đâu.
    Bình nhe răng cười, nhưng lắc đầu. Ngay lúc đó Bình có đưa mắt nhìn qua Bạch Phù rồi đi xa hơn nữa.
    Quang Vũ đưa mắt nhìn theo bóng Bình, nói thêm trước khi nàng hỏi :
    - Bình cũng bịnh, đang ở chung phòng với anh.
    - Tội nghiệp quá !
    Tự dưng nàng thở dài, nhưng vừa bắt gặp ánh mắt của Vũ đưa sang, nàng biết liền mình đã lỡ lời nên cố nói thêm :
    - Còn nhỏ như thế phải rời xa cha mẹ, sống một mình trong viện bài lao thật là tội nghiệp.
    - Bình không có cha !
    - Thế ba bé đâu ? Chết rồi hả ?
    - Ba nó đã thôi má nó.
    - Còn mẹ nó đâu ?
    - Bà ta bận kiếm sống, nhưng chủ nhật nào cũng tới thăm con. Ngày mai mới chủ nhật, vậy mà hôm nay nó đã nôn nóng rồi.
    Quang Vũ vừa nói vừa cười, tỏ ra rất thích nói chuyện về Bình. Bạch Phù cười bảo :
    - Mới tới mà anh đã kiếm được bạn, có người chuyện trò anh sẽ đỡ buồn lắm.
    - Bình rất thông minh, anh rất thương nó.
    Quang Vũ cúi nhìn cỏ xanh dưới chân :
    - Nhìn Bình, anh nhớ tới con anh, Bửu Bửu cũng trạc tuổi Bình.
    - Có đến mấy năm rồi không gặp, chắc cháu cũng đã lớn lắm rồi. Có vụ tận tình chăm sóc, cháu sống đầy đủ hơn ở với chúng ta nhiều.
    Nghe Bạch Phù nói lời an ủi, Quang Vũ trầm ngâm gật đầu một cách nặng nề. Đã nhiều lần chàng hối hận không để con ở gần mình, nhưng cứ vừa nghĩ tới thì thật chàng không biết tính sao cho phải, Hồng Liên bỏ đi, chàng lao phổi, không lẽ bao nhiêu khổ ải lại chồng chất thêm lên đôi vai ốm yếu của Bạch Phù.
    Nhìn thần sắc của anh hơi thay đổi, Bạch Phù liền đứng lên, lãng sang chuyện khác, cố gây lại không khí tươi vui :
    - Anh nầy, anh thấy có cần về phòng nghĩ một chút không ? Em tính mang ba cái vật nầy vào trong cất.
    - Ngồi chơi một lúc đã, gấp gì ? Hôm nay trời đẹp lắm.
    Quang Vũ vừa nói vừa đưa mắt nhìn cô y tá có dáng đi nhẹ nhàng ở hành lang.
    - Đồ nầy để nhờ cô y tá đem vô phòng cho. Cô Lục.
    Nghe gọi, cô y tá bước tới cười nói :
    - Sao nhiều dữ vậy ?
    Nhìn nụ cười cô y tá, Bạch Phù thấy lòng không vui. Nàng cảm thấy cô ta cười không có phần trang trọng, cười thiếu đứng đắn.
    Cô Lục có dáng của một người con gái mạnh khỏe, tuổi khoảng hai mươi, sắc áo trắng làm cô ta có vẻ sang sang đáng kính. Lúc Bạch Phù đến thăm Quang Vũ lần trước có thấy cô ta, song lúc ấy Bạch Phù quá bận. Vả lại, nàng cũng không trông rõ mặt mày của cô y tá ho. Lục nên không ngờ trong viện bài lao lại có cô y tá đẹp đẽ thế nầy.
    Bạch Phù đang nghĩ ngợi thì Quang Vũ nói thêm với cô y tá :
    - Cô làm ơn đem hộ mấy món nầy vào phòng giùm tôi.
    Cô ho. Lục nhìn sang Bạch Phù chào :
    - Cô mới tới.
    Nghe biết cô y tá hiểu lầm mình là em ruột của Quang Vũ, Bạch Phù nhẹ nhàn đính chánh :
    - Dạ không, anh Vũ họ Vạn, còn tôi đây họ Trầm.
    - Họ Trầm ? Sao lạ vậy ?
    Cô y tá lạ lùng, quay sang Quang Vũ :
    - Thưa đây là...
    - Em bà con.
    Quang Vũ không đáp rõ ràng và chỉ có cách đáp duy nhứt đó. Chàng không muốn cho ai khơi lại chuyện cũ. Bởi thế, chàng không muốn ai biết rõ mối quan hệ giữa chàng và Bạch Phù.
    Phần Bạch Phù nghe thế với mặt đỏ ửng : "Em bà con". Nàng rất thích được Quang Vũ giới thiệu như thế, đồng thời cho thấy nàng có "giá" lắm đối với cô y tá nầy.
    Quả nhiên, Lục mỉm cười, nụ cười khó hiểu, hết nhìn nàng sang nhìn Quang Vũ. Sau cùng, cô ta cúi đầu thâu nhận ba cái hộp, chai, đồ vật đùm đùm đề đề.
    - Thôi để tôi mang vô cho. Ờ, mà cần gì phải mang đến các thứ nầy ? Đồ ăn uống đã có bác sĩ giám đốc quy định đâu đó đầy đủ. Ông Vũ, ông tẩm bổ quá, đố khỏi thành người phì nộn.
    Cô y tá vừa cười, vừa nói rồi bỏ đi.
    Quang Vũ quay sang Bạch Phù nói thêm :
    - Từ rày về sau, em không cần phải mua thức ăn đến nữa, ở đây cái gì cũng có. Cứ mua hoài thì mỗi tháng mình phải tốn biết bao nhiêu tiền cho đủ ?
    Bạch Phù đưa mắt nhìn theo cô y tá. Quang Vũ hỏi :
    - Bạch Phù, em đang nghĩ gì vậy ?
    - Có nghĩ gì đâu !
    Nàng giựt mình, nhận ra Quang Vũ đang nhìn sát mặt nàng. Nàng đâm ra lúng túng một cách kỳ lạ.
    Trời nắng tốt, thoa hồng lên đôi môi Bạch Phù vốn đã có thoa lớp phấn hồng.
    Quang Vũ cau mày trước sắc tươi thấm thế nầy. Chàng quen thuộc nó. Mọi người con gái vào độ yêu đương đều tươi thắm thế cả. Người con gái mà chàng yêu cũng có nét tươi thắm ấy, nhìn Bạch Phù mà Quang Vũ nghĩ đến chị nàng với bao thể nghiệm tràn ngập đắng cay.
    Thế nầy thì Bạch Phù cũng yêu rồi sao ? Quang Vũ thắc mắc nhìn cô em vợ cũ, nhìn từ má nàng xuống đến thân. Nhìn đến cánh tay trắng ngà, chàng bắt gặp chiếc đồng hồ mới liền hỏi :
    - Đồng hồ ở đâu đó em ? Bộ em mới mua hả ?
    - Dạ.
    Nàng cúi đầu đáp nhỏ :
    - Không có đồng hồ thật bất tiện.
    - Đúng vậy, em đi làm cần phải sắm đồng hồ.
    Chàng khuyến khích nàng mà trong lòng có cảm giác thương hại.
    Bởi thái độ Bạch Phù thẹn thùa, bỡ ngỡ, khép nép như một đứa con nít, không khác nào ngày thơ nàng từng lúng túng trước mặt Hồng Liên. Bạch Phù thật đáng thương, từ ngày đi làm có tiền đến giờ, nàng không biết tốn riêng cho mình một cắc.
    Bạch Phù có vẻ cảm kích, đưa mắt liếc nhìn Quang Vũ. Được chàng tỏ ý bằng lòng về chiếc đồng hồ, nàng vẫn chẳng yên lòng. Nguyên do là nàng tự thấy mình có chỗ không thật với Quang Vũ. Tại sao nàng không thể nói thẳng với chàng là chiếc đồng hồ nầy của Trình mua cho ? Hơn nữa, cứ nói thẳng là chính Trình đã đưa nàng từ Quảng Châu tới đây, Trình đã từng giúp đỡ cho nàng nhiều phen. Nhưng nói thật hết thì liệu có nên nói phổi nàng bị nám hay gì gì đó ?
    Xem thế mới biết con người không thể không nói dối, không gạt gẫm đối với những người mình càng thân. Có những việc không thể nói thật nên đành phải nói dối vậy !
    Nhìn sắc mặt của Bạch Phù, Quang Vũ không thể không nghĩ đến một người khác :
    - Vân Trình có gởi thơ cho em không ?
    - Dạ có.
    Nàng đáp rất nhỏ và đáp cách lạnh nhạt. Trình về rồi có viết thơ cho nàng dài gần năm trang giấy, song không làm cho nàng cảm động được. Hơn nữa, dù Trình có viết bao nhiêu thơ cũng không bằng một câu chăm sóc của Quang Vũ đối với nàng.
    - Vân Trình xem ra là người khá lắm đó.
    Quang Vũ vừa nói vừa gật đầu, một mặt dò xét thần sắc của Bạch Phù. Chàng nhận thấy nàng phản ứng có vẻ thờ ơ. Thần sắc thế nầy thì Bạch Phù đang yêu, song phản ứng thế nầy thì người nàng yêu cũng không phải là Vân Trình. Thế thì là ai ?
    Quang Vũ nghĩ đến vài đồng nghiệp đang làm chung sở với Bạch Phù, trong đó thế nào cũng có những người trẻ độc thân. Nhưng nàng mới đến Hương Cảng nên không có quyết định gì sớm. Quang Vũ tự thấy có trách nhiệm phải đem chuyện cũ nhắc khéo cho nàng :
    - Đời bây giờ loạn lạc, đạo đức suy dồi, tìm một người thành thật để nương tựa không phải dễ. Hơn nữa, người thành thị ai cũng chỉ biết có sự gian trá. Ai nấy đều có tài ăn khôn, nói khéo. Phải coi chừng nghen em.
    Bạch Phù lẳng lặng nghe Quang Vũ nói, tuy không rõ dụng ý của nàng, nhưng cứ bằng vào giọng điệu của chàng, nàng nghe được an ủi nhiều lắm.
    Bạch Phù từ bịnh viện trở về là đã quá bữa cơm chiều. Bàn ăn dưới nhà không còn một ai. Phát đang dự định dọn dẹp ba mớ chén dĩa dơ thì thấy nàng liền hỏi :
    - Cô ăn cơm chưa ?
    Nhìn thấy đồ ăn còn trên bàn, Bạch Phù nói thật :
    - Dạ chưa.
    - Thế thì lai đây ăn mau đi ! Mấy ổng cũng mới vừa ăn xong, đồ ăn chưa đến nỗi nguội lắm.
    Phát vừa nói vừa lựa chén sạch để xúc cơm.
    Bạch Phù muốn về phòng nghỉ một chút, nhưng thế nầy thì không nghỉ được rồi.
    Phát lại nói :
    - Hồi xế trưa, có cô Lý Mang đến thăm cô. À, mà cô cũng có thơ nữa, tôi đã bỏ qua cửa phòng cô.
    Phát nói xong lui xuống nhà bếp. Còn lại một mình ngồi dùng cơm, Bạch Phù vừa nhai hờ hững từng búng cơm vừa nghĩ ngợi.
    Phong thơ kia chắc của Trình gởi tới, tuy rằng hôm qua nàng vừa tiếp được một bức thơ của chàng dài thườn thượt còn chưa trả lời. Ngoài Trình ra, nhứt định không còn ai gởi thơ cho nàng. Trình cẩn thận, gởi theo lối bảo đảm, coi thơ gởi đi như là một bảo vật nên cứ canh cánh sợ lạc.
    Ra đi hồi trưa, bụng nàng trống rỗng nên bây giờ nàng ăn được nhiều hơn mức bình thường, nguyên nhân chánh khiến nàng ăn được là không còn ai đồng bạn cùng ăn, nàng không có cảm giác bó buộc phải giữ gìn điệu bộ. Hơn nữa, hôm nay nàng có cảm giác thoải mái. Thái độ của Quang Vũ có ảnh hưởng trực tiếp với nàng, cho nàng nhìn thấy một thứ ánh sáng xa vời mà nàng chờ đợi từ lâu.
    Vũ hôm nay bình thường, lòng cũng bình thường, không rối loạn. Dưới gầm trời nầy, không có việc nào được nàng xem là quan trọng ý nghĩa bằng việc ấy.
    Dùng cơm xong, nàng lên phòng vừa đẩy cửa vào là thấy liền phogn thơ nằm dưới đất. Nét chữ đều đặn chẳng khác nào khuôn mặt Trình tỏa ra sự thành thật, ngây thơ. Nàng cúi lượm phong thơ để trên bàn rồi mới đến giường nằm dài một lúc.
    Nàng định chỉ nằm một lúc rồi ngồi dậy, không ngờ khi đã nằm xuống rồi, nàng không muốn ngồi dậy nữa. Nàng mơ màng ngủ thiếp có đến nửa giờ, khi trở mình chợt tỉnh mới cảm thấy trong người quá ư mệt mỏi. Hơn nữa, nàng còn nhận biết là mình nóng hâm hấp, tay và trán đều nóng.
    Trước đây, thỉnh thoảng nàng vẫn có hiện tượng bị lên cơ sốt và tự cho mình vì làm việc quá mệt mỏi, rồi thôi. Nhưng bây giờ, nàng không nghĩ đơn thuần nguyên nhân đó. Tuy cố gắng xua đuổi sợ hãi, nàng vẫn không sao xua đuổi được nỗi lo âu đáng sợ chập chờn trong tâm tưởng của nàng.
    Nàng buồn bã, tuyệt vọng. Nàng cần có ai bên ngoài hộ trợ để thoát khỏi những điều lo nghĩ đáng sợ đó. Nàng nhìn phong thơ trên bàn.
    Bịnh nàng chỉ có một mình Trình biết, chỉ có Trình không ngại báo cho nàng biết và gởi thơ khuyến khích nàng chống chỏi với thần chết, nàng cần niềm an ủi đó.
    Bạch Phù ngồi dây đến bên bàn bốc thơ ra xem. Trong thơ rót ra một tờ ngân phiếu năm mươi đồng. Tính theo vật giá lúc bấy giờ, năm mươi đồng không phải là một con số nhỏ. Một tay cầm tờ ngân phiếu, một tay cầm thơ, nàng muốn biết xem Trình gởi thơ đến làm gì. Có phải Trình nhờ nàng giúp một việc nào đó hay nhờ mua giúp món gì không ? Tự trong thơ ắt có nói rõ.
    Nàng vừa khởi đọc thơ thì chợt nghe có tiếng người đi về hướng phòng nàng. Chiều thứ bảy ai cũng đi chơi, nhà cửa trống hoang. Đến cả anh làm công, người bồi bếp cũng bỏ đi tìm thú vui riêng. Tòa nhà do đó trở thành im lặng, tiếng chân người đi nàng nghe rất rõ.
    Ai định đi đến phòng nàng ? Ánh mắt Bạch Phù rời ngay trang giấy, tay tự nhiên vuốt lại mái tóc. Liền khi đó có tiếng gõ cửa hai tiếng.
    - Ai đó ?
    Cùng với câu hỏi, nàng đứng bật dậy cất thơ rồi ra mở cửa. Nàng giựt mình vừa khi nhận ra người bước vào là một gã đàn ông nhỏ thó, đầu sói, tuổi sồn sồn. Nàng bật kêu lên :
    - Ồ, ông giám đốc.
    Ánh mắt của Phương Khả Viên nhìn từ bì thơ đến vẻ mặt kinh ngạc của nàng. Ông ta khẽ mỉm cười gật đầu, cố dùng giọng thật hòa hưỡn :
    - Cô không đi chơi đâu à ?
    - Dạ không.
    Bạch Phù trả lời, bắt gặp ánh mắt Viên có vẻ như tìm hiểu nàng. Nàng hơi đỏ mặt. Liền đó, nàng lấy lại bình tĩnh, cố gắng ra vẻ tự nhiên. Nàng tự dặn lòng : "Trong tư sở, bạn là bạn, giám đốc là giám đốc, không nên lẫn lộn cả hai."
    Bạch Phù nhớ đã có người nói với nàng ơ? Quảng Châu :
    - Lúc làm việc thì phải có ngôi thứ, kẻ trên người dưới. Nhưng hết giờ làm việc thì chỉ có tình bạn mà thôi.
    Nghĩ đến đó. Bạch Phù cảm thấy bớt sợ Ông giám đốc. Nàng bước lui vào trong, lễ phép nói :
    - Mời ông ngồi chơi.
    - Được, được !
    Miệng tuy nói vậy nhưng Khả Viên hãy còn do dự, chưa tiến vào. Ông ta là người thủ cựu, dường như coi việc bước vào phòng một cô gái là không phải. Có điều tuy chưa bước vào, nhưng Viên không tỏ ý gì là muốn ra đi. Mắt ông ta nhìn soi bói vào bức thơ mà Bạch Phù nhét vội dưới gối.
    - Cô hãy lo việc của cô đi !
    - Dạ, tôi không có bận việc gì cả.
    Nàng giải thích, thần sắc của nàng có vẻ lo lắng và rất sợ Viên hiểu lầm sự bối rối của nàng. Nàng cũng biết Viên muốn ám ch ỉ bức thơ của Vân Trình.
    Viên tằng hắng rồi nghiêm lại :
    - Không có việc gì, tốt lắm !
    - Tôi...
    Viên lại tằng hắng :
    - Tôi đang có hai vé xi nê. Nghe nói phim "Ngọa Hổ Tàn Long" ở rạp Lạc Cung coi được lắm. Nếu cô không có việc gì thì xin mời cô cùng đi coi xi nê.
    Bạch Phù do dự, nàng không ngờ Viên đề ra một vấn đề khó khăn như vậy. Nàng liếc mắt nhìn ông ta, sực nhớ những lời Lý Mang trước kia và những lời của Quang Vũ. Tuy nhiên, nhứt thời nàng không biết phải trả lời sao.
    Phương Khả Viên tiếp :
    - Cô mới tới đây, mấy hôm rồi bận luôn, chắc không có thì giờ xem xi nê đâu ? Cô làm việc khá lắm, tôi muốn tưởng thưởng cho cô đấy. Cũng may là bạn vừa cho tôi hai vé, hôm nay lại là chiều thứ bảy. Ở mãi trong phòng không làm gì thấy buồn chết được, tôi thấy tốt nhứt là mình nên đi xi nê.
    Giọng Viên có vẻ cầu khẩn làm Bạch Phù xao xuyến. Viên là giám đốc, đã trót nói vậy nếu nàng cự tuyệt sẽ làm cho ông ta ê mặt. Nhưng đã nhận lời mời rồi nàng thấy nó làm sao !
    Bạch Phù ngẫm nghĩ chưa biết chọn lời nào nói ra cho phải thì Viên nói thêm :
    - Cô cứ thu xếp công việc đi, một lúc tôi trở lại.
    Ông ta vừa nói vừa gật gù rồi quay mình bước đi.
    Bạch Phù đắn đo mãi, không biết làm sao. Nàng có ý nghĩ sợ Viên làm khó dễ. Sự sợ sệt thất nghiệp lúc nầy sẽ làm nguy cho nàng và Quang Vũ thúc đẩy nàng nhận lời Viên với lời an ủi : Chẳng ăn thua gì, tùy mình thôi.
    Bạch Phù sửa soạn thật mau. Nàng chỉ có việc chải sơ mái tóc dài, thoa phớt son hồng lên môi, mặc thêm áo ngoài rồi thì không còn việc gì làm thêm nữa.
    Nàng lắng nghe không có tiếng động gì ở thang lầu nên độ chừng Viên cũng đang sửa soạn.
    Đàn ông trang điểm thì chỉ có cạo râu, chải tóc, sánh với đàn bà con gái ít tốn thì giờ hơn nhiều. Ở gần Quang Vũ bấy lâu, Bạch Phù có kinh nghiệm đó.
    Ngày xưa, Quang Vũ là một người có hạn. Tự nhiên, so sánh từ tướng mạo đến cách phục sức của Quang Vũ với Khả Viên thì Viên còn kém xa. Thật ra, Bạch Phù không cần Viên phải có phong độ hào hoa, bởi nàng chỉ nhận lời đi xi nê chớ có nói đến chuyện yêu đương tình ái gì đâu ? Khoảng cách giao hữu giữa người nầy và người kia khá xa, muốn nói đến chuyện yêu đương thì còn xa hơn nữa. Bạch Phù đã dùng nhãn quan đó để nhìn Trình và không có mỹ cảm với Trình cũng vì vậy.
    Nhân lúc Viên chưa tới, Bạch Phù đem thơ của Trình ra xem lại. Tâm thần bất ổn nên nàng chỉ đọc lướt qua. Nàng chỉ tìm biết nguyên nhân nào Trình gởi ngân phiếu cho nàng. Đôi mắt nàng ngừng lại ở đoạn văn nầy :
    - "Số tiền nhỏ mọn nầy chỉ để biểu lộ tất cả tấm lòng anh muốn được thấy em khỏe mạnh thôi. Nó thay anh để đưa em đi bác sĩ, nhắc em theo lời chỉ dẩn của bác sĩ mà chịu khó chích thuốc, uống thuốc. Từ rày về sau, mỗi tháng anh sẽ gởi cho em một ít tiền như vậy, mong em không tự ái, sẵn sàng tiếp nhận chọ.."
    Đọc đến đây, Bạch Phù mới nhận ra dụng ý của Trình. Cầm thơ trong tay lòng nàng rộn lên nhiều điều phức tạp. Phát giác có người yêu mến mình, giúp đỡ mình, sẵn sàng chờ đợi mình, nàng vừa buồn vừa vui lẫn lộn.
    Rồi nàng lại sợ lấy một mình, sợ Viên xuất hiện thình lình, nên cất vội bức thơ, ngay lúc cho thơ vào bao định cất, mắt nàng bỗng chạm vào mấy hộp sữa bột Trình mua cho.
    Hai hộp sữa cũng như đang lãnh đạm nhìn nàng. Trình đối với nàng đầy thâm tình bao nhiêu thì nàng đối lại với chàng lạnh nhạt bấy nhiêu. Hai hộp sữa kia như nhắc nàng nhớ điều ấy. Và nàng thấy thẹn.
    Ấy vậy mà Trình còn gởi cho nàng tấm ngân phiếu ! Hiện tại, nàng chưa quyết định có nên theo lời dặn của Trình không. Nàng chỉ quyết định được là đêm nay, sau khi xem hát về nàng sẽ khui sữa ra uống liền.
    Nàng không thể tự bỏ liều, phó mặc được. Tình đời có vay có trả, có người được nàng lo thì cũng có người đang lo cho nàng.
    Đến lúc nghe bước chân ở ngoài hành lang, Bạch Phù mới vội vã thoa má hồng lên má. Dưới ánh đèn, gương mặt hình trái tim của nàng thêm kiều mỵ, lòng nàng bỗng dưng biến đổi khác thường. Đêm nay là đêm cuối tuần, nàng có quyền vui chơi.
    Tiếng bước chân càng lúc càng gần. Nàng nhìn mình qua tấm kiếng nhỏ, mỉm cười một mình rồi cầm lấy xách tay nhẹ nhàng ra khỏi phòng.

Xem Tiếp Chương 4Xem Tiếp Chương 10 (Kết Thúc)

Tương Tư Thảo
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Đang Xem Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
 
Những Truyện Quỳnh Dao Khác
» Đừng Quên Đêm Nay
» Song Ngoại
» Hậu Hoàn Châu Cát Cát
» Vội Vã
» Tình Buồn
» Cánh Nhạn Cô Đơn
» Mùa Thu Quen Nhau
» Mùa Thu Lá Bay
» Ái Quả Tình Hoa
» Nắng Thôn Đoài
» Chim Mỏi Cánh
» Bản Tình Ca Muôn Thuở
» Trôi Theo Dòng Đời
» Hoàn Châu Cát Cát
» Cánh Hoa Chùm Gửi
» Người Về
» Dòng Sông Ly Biệt
» Mây Trắng Vẫn Bay
» Lá Rụng Chiều Thu