Bao ngày trôi qua bên bờ biển vời mặt trời hết lặn rồi mọc, hết mọc rồi lặn.
Văn bỗng lạ lùng phát hiện Hải Liên đã trở thành cái bóng của chàng. Bất luận chàng đi đâu Hải Liên cũng theo chàng như bóng với hình. Lúc Văn vùi đầu vào sách, lúc chàng chuyên tâm học thật thiết nhứt thì Hải Liên lặng lẽ kiểm điểm các vỏ ốc vỏ sò. Lúc chàng buông sách thì nàng lại sung sướng nói cho chàng nghe bí mật của biển.
Văn đã cùng Hải Liên tiêu pha khá nhiều thời gian một cách không ý thức. Trên bãi cát, bên nham thạch, trong thạch động, dưới ánh đèn sáp, Văn nhận ra mình rất thích nghe nàng nói. Những lời nói dường như rất ấu trĩ, lại dường như rất sâu xạ Văn bị cuốn hút theo những lời nói ấy. Lạ lùng chưa, chàng bị đưa vào sự trầm tư mông lung.
Có một lần, cả hai cùng ngồi ở Vọng Hà Loan nhìn mặt trời lặn, Hải Liên bỗng nói:
- Biển lạ lùng làm sao!
Văn hỏi lại:
- Sao?
- Anh xem, người trong thôn đều nhờ biển mà sống, họ đánh cá, đánh mãi không hết cá của biển. Biển tạo ra cá, tạo ra rất nhiều giống, cá nè, cua nè, ốc nè... Chúng ta nhờ biển mà sống. Nhưng có một hôm, biển nổi giận đánh đắm thuyền lưới, cuốn trôi người này... Biển, ôi biển mới lạ lùng làm sao!
Văn sửng sốt. Đúng biển tạo ra sinh, dưỡng nuôi cuộc sống rồi cũng chính biển ngậm nuốt cuộc sống. Biển rất kiên cường, cũng rất yếu mềm. Biển rất mỹ lệ nhưng cũng rất hung hãn... Văn nhìn biển cả, mơ hồ, nghi hoặc. Rồi chàng lại quay nhìn Hải Liên, hỏi:
- Hải Liên thích biển không?
Hải Liên đáp không một chút do dự:
- Thích!
- Tại sao?
- Tại vì biển... biển lớn quá!
Hải Liên dang tay làm cỡ so sánh, ánh mắt loang loáng vẻ sùng bái, nhìn về mặt biển mù khơi không bến không bờ. Nàng tiếp:
- Biển có thể nói chuyện, có thể hát ca, biết giận, biết gầm, biết réo gọi, biết gây náo động ghê gớm... Ôi biển lớn quá!
Nàng dùng chữ đơn thuần, không một chút nghĩ ngợi, cũng không một chút uốn nắn, trau chuốt. Nhưng Văn cảm thấy chữ "lớn" nàng dùng bao hàm cả một sức mạnh, một quyền uy, một vật thể mà thường nhơn không thể khống chế, không thể kháng cự và cũng không thể đo lường được.
Những lời nói: hát ca, biết giận, biết gầm... không phải là không có ý chỉ sự chân thật của biển. Đúng vậy, biển là chân thật, không một chút màu mè. Biển đẹp tự nhiên, dịu dàng tự nhiên, hung hãn cũng tự nhiên nốt. Có ai thật lòng nghiên cứu biển chăng? Có ai thật sự hiểu rõ biển không?
Văn nhìn rót vào Hải Liên, dưới ráng mây chiều nhạt nhòa lúc mặt trời lặn. Mặt nàng không một chút công phu trang điểm vẫn có sắc thái quyến rũ vô cùng. Da nàng trắng đỏ hồng hào, mắt nàng long lanh trong suốt, bắp thịt nàng rắn chắc... Văn nhìn nàng không chớp, lẩm bẩm:
- Nàng là ai? có phải nàng là con gái của biển không? Có phải nàng là kết tinh của trời đất, nước không? Tại sao ở nàng có sự kỳ lạ đến thế nầy? Có sự phát hiện quý giá mãi mãi thế nầy? Ai bảo nàng là cô gái mắc bịnh đàng dưới? Có phải toàn thân nàng đầy dẫy linh khí thì một người tầm thường không thể hiểu được nàng không?
Văn mơ màng nghĩ thêm: Nói một người mắc bịnh đàng dưới có phải là để nói người đó không ai hiểu được? Người mắc bịnh đàng dưới tự họ có dòm trời riêng của họ, có thể là vòm trời ấy đẹp đến lạ lùng. Hổng biết chừng một người mắc bịnh đàng dưới lại là một người thông minh thật sự!
Cứ thế, Văn tiêu pha ngày giờ bên ven biển. Hải Liên chiếm một phần thật lớn ngày giờ của chàng. Về đêm, Hải Liên cũng bắt đầu theo Văn về nhà của Lý Chánh Hùng. Đến bà cô của Hùng cũng lấy làm lạ nói:
- Hình như Hải Liên dần dần bình phục rồi đó! Cậu Văn, cậu làm cách nào trị được bịnh của Hải Liên?
Văn cười lạc giọng, Hải Liên lại cần đến thuốc trị sao? Nói cách khác, kẻ cần trị thuốc là Văn mà Hải Liên mới đúng là bác sĩ. Bỡi chưa bao giờ Văn có được cõi lòng thanh tịnh, yên ổn như mấy ngày qua.
- o O o -
Đến ven biển sang tuần thứ ba, Văn bỗng nhận được một phong thư do Lý Chánh Hùng ở thành chuyển giao về. Thoáng thấy nét chữ ngoài phong bì, tim Văn bỗng đập mạnh, máu chừng sôi sục.
Đúng là nàng! Nàng là một người con gái đã chạy xa tìm lấy hoan lạc nơi một thành phố khác!
Văn gấp đến không kịp mở thơ cho đàng hoàng, một tấm hình bốn sáu rớt ra. Văn cúi lượm hình, hình người gái đứng cười răng trắng nõn, mặt tươi đẹp... Đúng nàng là người mà chàng không một giây phút nào quên được. Văn thở hổn hển, nhắm mắt, đưa hình lên môi hôn dài. Bấy giờ chàng mới xem nội dung thơ.
Thơ viết:
... Nghe nói anh cũng chuẩn bị đến nơi nầy, em mừng quá! Nơi đây có sự thụ hưởng phồn hoa vật chất mà anh không ngờ dược, anh hãy tiếp tục cố gắng đi, tìm kiếm đi! Nếu anh có thể đến nơi này để kiến lập cho em một tổ ấm êm, thì em sẽ đợi...
Văn vứt thư, mừng như điên xoay vòng tròn khắp phòng, đoạn nâng hình lên hôn lấy hôn để với mắt nhòa lệ. Trải qua phút mừng điên tưởng chừng như bay bổng, Văn bình tĩnh lại, tính ngày mới hay chỉ còn một tháng nữa là tới kỳ thi du học rồi. Văn không sao đừng tiếc rẻ thời gian đã hoang phí với Hải Liên. Trải giấy ra, nhưng Văn không có cách nào viết thơ trả lời cho nàng được.
Có tiếng gõ cửa, rồi tiếng của người ở ngoài cửa hỏi vọng vào:
- Đi biển không? Đi lượm vỏ! Hải Liên niển đầu, nét mặt mong mỏi một cách ngây thơ.
- Ồ, không, hôm nay không đi.
Văn vừa nói vừa đi ra cửa, đẩy nhẹ Hải Liên:
- Bây giờ tôi cần viết thơ, đừng làm phiền tôi có được không? Văn nói ôn hòa rồi đóng chặt cửa lại.
Ba giờ sau, lúc Văn cầm thư đi ra, thấy ngay Hải Lên đang ngồi thẫn thờ ở ngạch cửa, hai tay bợ cằm. Văn giựt mình hỏi:
- Sao, Hải Liên? Cô vẫn ngồi luôn đây à?
- Tôi đợi anh.
Hải Liên đứng dậy, vẫn với nụ cười chào đón nói tiếp:
- Bây giờ đi biển không? Đi lượm vỏ!
Văn cau mày:
- Không Hải Liên, hôm nay tôi không đi biển. Có nhiều việc tôi phải làm lắm. Cô đi chơi một mình đi! (Văn nhấn mạnh) Từ rày, tôi cũng không thể ngày ngày đi theo cô nữa. Tôi có việc của tôi, tương lai của tôi. Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ rời khỏi nơi nầy. Và sau đó chắc cũng sẽ không trở lại... (Văn ngừng một chút tiếp) Hiểu không, Hải Liên?
Hải Liên nhìn Văn bằng đôi mắt thản nhiên, ngây thợ Văn không làm sao hơn được nhếch cười:
- Không hiểu à? Thôi được rồi, đi đi Hải Liên! Cô tự mình đi chơi đi, Hải Liên!
Văn gởi thư xong quay về, chàng bỗng phát hiện Hải Liên vẫn còn đứng nơi cửa phòng chàng. Mặt nàng có vẻ thẫn thờ, thần sắc rã rời. Nhưng vừa thoáng thấy Văn, mặt nàng lập tức sáng rỡ, đôi mắt cũng sáng rỡ. Nàng hơi nghiêng đầu, nụ cười như vốc được vào tay.
- Đi biển không? Đi lượm vỏ!
- Kìa Hải Liên, sao cô cứ mè nheo mãi?
Văn hết chịu đựng được phải nói thế, song ngữ điệu không có vẻ trách móc. Bởi vì với Hải Liên ngây thơ như thế nầy khó ai đành tâm trách được. Văn tiếp:
- Đã nói với cô rồi, hôm nay tôi không đi biển được. Tôi cần phải học một chút. Chẳng bao lâu đây, tôi phải đi rồi, biết không Hải Liên? Cô không nên theo tôi mãi như thế này.
Hải Liên nhìn Văn lạ lùng cách ngây thơ.
- Thôi được rồi, đi đi Hải Liên!
Văn vỗ vỗ vai Hải Liên rồi đi vào phòng một mình, đóng cửa lại. Văn ở trong phòng đến tối mịt mới bước ra. Song vẫn lại nhìn thấy Hải Liên ngồi trước cửa phòng chàng như cũ. Văn ngạc nhiên quá độ và cũng không biết làm sao cho phải. Hơn nữa, cô gái như có vẻ co ro nhìn chàng. Không còn nụ cười ngây thơ, cũng không còn nụ cười đáng vốc vào tay, Hải Liên có vẻ lấm lét nói:
- Đi biển không? Đi lượm vỏ!
Bấy giờ lòng Văn bỗng xúc động mãnh liệt. Nhứt thời, chàng cảm thấy không đành. Cảm động và áy náy đạp vã vào Văn. Để che giấu cảm tình phức tạp đó, Văn ý tằng hắng nói kháy:
- Kìa, cái cô bé ngày ngoan cố quá! Thôi được rồi, tôi chịu thuạ (Văn chụp nắm tay Hải Liên) Đi đi! Chúng ta ra bãi, đi lượm vỏ.
Hải Liên reo mừng nhảy dựng, tỏ ra sung sướng vô cùng. Niềm vui của nàng làm cho Văn đầy chua xót. Cả hai chạy tuôn ra bãi biển, tay kéo tay chạy dọc theo ven bãi, chạy mãi cho đến Vọng Hà Loan là vùng trời riêng của cả hai.
Trăng rất đẹp, eo biển vẳng lặng như hằng ngày.
Hai tay Văn nắm hai tay Hải Liên, cả hai cùng cười, cùng kêu hú, cùng xoay vòng nơi eo biển.
Hải Liên cười không ngừng, cười như một đứa con nít. Cái cười của nàng chuyển lây sang Văn. Chàng cũng cười, xoay vòng, xoay vòng, xoay vòng... Xoay cho đến lúc cả hai cùng chóng mặt ngã nhoài trên bãi cát. Hải Liên vẫn cười, vừa cười vừa thở, tóc mịn như tơ của nàng xòa phủ mặt. văn nằm trên cát ngửa mặt nhìn nàng, nhìn đôi mắt sáng rỡ, đôi môi run run... Rồi không hiểu sao đầu chàng kê lại gần nàng, môi áp chặt môi.
Bỗng nhiên, Văn giật nảy nhảy nhỏm. Chàng đã phát hiện tay nàng bấu chặt vào cổ chàng, thân nàng lại mềm như bông. Văn cố hết sức vùng vẫy mới gỡ được tay nàng, đứng dậy thở hổn hển. Chàng tự trách:
-Thế nầy là thế nào? Mình điên rồi chăng? Sao mình lại mất hết cả lý trí? Sao mình có thể thế này?
Hải Liên vẫn nằm trên cát, tứ chi mềm nhũn, chân soạc dài ra, trên mặt phát ra tia sáng kỳ dị. Mắt nàng nửa nhắm nửa mở nhìn Văn, toàn thân nàng đầy dẫy nét đẹp sơ khai đầy nữ tánh và quyến rũ.
-Thuỷ Linh! (Văn lẩm bẩm tiếp) Ngươi là loài sứa biển mang tên Hải Liên để dụ dỗ ta!
Đẩy Hải Liên ra, Văn chạy xải về nhà... Bị trợt đá Văn vẫn chạy không quay đầu lại. Chàng chạy một mạch vào phòng chàng, đóng chặt cữa lại, thu xếp ngay đồ đạc. Văn đặt tấm hình trên giường, tự chàng quỳ xuống, không ngừng lẩm bẩm:
- Tha thứ cho anh! Tha thứ cho anh! Tha thứ cho anh!
Chàng quyết định ngay trong đêm là phải rời khỏi nơi nầy gấp để tránh một lầm lỗi nghiêm trọng. Sáng hôm sau, trời chưa sáng tỏ, Văn sẽ lén ra đi. Trước khi đi chàng không gặp Hải Liên mà chàng cho là Thủy Linh hóa thành! |
|
|