Rồi Hiểu My với Khang làm lễ cưới. Lễ cưới đơn giản nhưng rất long trọng. Khách mời chỉ là những bạn bè thân thiết chứ không phô trương rùm beng. Hai người đến phòng hộ tịch làm giấy hôn thú, trao đổi nhẫn cưới... Tiệc rượu kết thúc và Hiểu My giờ là vợ của Khang.
Hoàn cảnh gia đình của Khang thuộc loại khá giả. Họ ở chung cư tận lầu mười một, nhưng căn nhà rất rộng, trên tám mươi mét vuông. Ở cái xứ tấc đất tấc vàng như Đài Bắc này, có một căn nhà như vậy là quá sang rồi, tuy không bì được với vi-la nhà họ Vệ.
Hiểu My và Khang được một phòng ngủ rộng, có phòng tắm riêng, có cả chiếc đàn dương cầm mới. Chiếc đàn này do ba mẹ Hiểu My tặng. Hai ông bà nói rằng phải để chiếc đàn cũ ở nhà đễ mỗi lần Hiểu My về đều có thể đàn. Còn chiếc đàn mới để ở nhà Khang, để khi buồn Hiểu My sẽ đàn cho khuây khỏa.
Căn nhà của cha mẹ Khang có tất cả bảy phòng. Phòng khách, phòng ăn, phòng riêng của cha mẹ, phòng đón khách (kể cả khách đến đánh bài mạt chượt, vì mẹ Khang rất mê món này). Phòng của vợ chồng Khang, rồi một phòng đọc sách (Khang làm nghề biên tập viên báo nên rất cần sách báo lưu trữ). Phòng cuối cùng là của bà Thu Nga, một người làm trung thành đã phục dịch gia đình Khang trên hai mươi năm, giống như Tú Hà ở nhà Hiểu My vậy.
Hôn nhân - một cuộc sống mới, hai vợ chồng trẻ yêu nhau khắng khít. Cha mẹ chồng thương con, thương dâu và biết cảm thông với nỗi bất hạnh của Hiểu My nên cuốc sống gia đình cũng gọi là hòa đồng hạnh phúc. Dĩ nhiên đối với Hiểu My còn quá nhiều thứ chưa thích ứng. Vợ chồng Khang không đi du lịch để hưởng tuần trăng mật vì Hiểu My mù lòa, cảnh núi cao sông rộng nào có ý nghĩa gì. Báo của Khang là nguyệt san, mỗi tháng phát hành một lần. Với vai trò chủ biên, Khang không thể nào vắng mặt lâu được. Vì vậy vừa làm lễ cưới xong là đôi vợ chồng trẻ bước ngay vào cuộc sống gia đình bình thường. Sáu năm đeo đuổi, bây giờ đã đạt được mục đích, Khang thấy quá mãn nguyện, duy chỉ có Hiểu My là chưa quen. Mấy ngày đầu nàng bước tới đâu là ngã, là vấp tới đó. Đồ đạc ở nhà họ Vệ được sắp xếp ở vị trí nhất định, Hiểu My đã quen thuộc rồi. Còn nơi đây bàn ghế luôn di động. Kết quả là trên người Hiểu My bị khá nhiều vết bầm sướt. Mẹ Khang là người đàn bà tốt bụng, rất yêu quý con. Khang là núm ruột duy nhất của bà, bà muốn con trai phải có cái mà người khác không có. Chuyện Khang đem lòng yêu Hiểu My, một cô gái mù, lúc đầu bà rất khổ tâm buồn bực nhưng cuối cùng vì yêu con, chiều con nên bà đã phải cắn răng chịu đựng nỗi buồn đau, chấp nhận cho Khang cưới Hiểu My. Thấy Hiểu My đụng đâu vấp đấy, bà nói:
- Sao té nữa ư? Điệu này chắc phải mướn thêm một cô bé dẫn đường. Hiểu My, thế ở nhà con đi đứng làm sao?
Hiểu My không dám nói là ở nhà mình đồ đạc không có bày biện tùm lum như vậy, mà cái gì ở đâu thì mãi mãi ở đó. Cha mẹ và chị Nhiên, kể cả Tú Hà đều hiểu nàng, thấy bất cứ vật nào để sai vị trí là họ tự ý dẹp ngay để không gây cản trở cho sự đi lại của Hiểu My. Trong khi bà mẹ của Khang quen chỉ tay năm ngón, chứ không quen sờ mó đến công việc. Cách thức sinh hoạt như vậy Hiểu My chưa quen. Thế là mỗi lần vấp ngã, Hiểu My lúng túng sợ hãi một cách thật tội nghiệp:
- Xin lỗi... Xin lỗi, tôi không để ý ở đây có chiếc ghế.
Với Khang thì khác, mỗi lần thấy Hiểu My té chàng rất đau lòng, bực quá chàng quay sang quát bà Thu Nga:
- Chiếc ghế này rõ ràng nằm ở phòng ăn, tại sao bây giờ lại chạy ra đây? Đã nói với dì bao nhiêu lần rồi, bảo là đồ đạc cứ để yên ở đó. Có chút vậy mà dì cũng không nhớ, để gây ra chuyện...
Bà Thu Nga nghe Khang nói thế rất buồn trong lòng. Bà hầu hạ gia đình này hai mươi mấy năm nay, nề nếp như vậy quen rồi, có bao giờ bị ai quở mắng đâu. Sau mấy lần bị Khang mắng mỏ, bà phản ứng lại:
- Cậu nên nhớ rằng tôi ở đây đã hai mươi mấy năm, cậu được tôi chăm sóc từ nhỏ. Bà chủ cũng không hề la mắng tôi một tiếng. Vậy mà bây giờ cậu có vợ rồi, cậu lên chân với tôi. Ai bảo cậu chọn một cô vợ dễ té như vậy rồi đổ thừa chúng tôi? Nếu cậu còn bực bội với tôi nữa, thì tôi sẽ xin nghỉ làm ngay.
Kết quả Khang phải quay qua xin lỗi bà Thu Nga.
Không có biện pháp nào tốt hơn để thu xếp mọi việc cho nhanh chóng. Đã mấy mươi năm nay, cuộc sống gia đình diễn ra như vậy, không lẽ chỉ vì sự hiện diện của Hiẻu My mà thay đổi hết? Hiểu My cũng sống mãi trong không khí phập phòng lo sợ. Nàng rất ngại sợ Khang bực dọc la rầy người trong nhà, sẽ tạo thêm sự bất hòa, xa cách. Hiểu My bắt đầu sống im lặng khép kín như con ốc sên chui vào trong vỏ. Những lúc không có Khang ở nhà, nàng cố gắng đi chầm chậm không để cho mình bị ngã. Còn nếu lỡ té mà có Khang ở nhà thì nàng vội vàng nói:
- Không sao, lỗi tại em, tại em đi nhanh quá!
Hiểu My bắt đầu học cách che đậy, học nói dối.
Tối đến chỉ có hai người trong phòng với nhau, Khang ôm chặt lấy Hiểu My trong vòng tay, chàng đau xót khi chạm phải những vết sướt hằn in lên người Hiểu My. Vừa hôn vợ đắm đuối, Khang vừa thốt lên:
- Hiểu My, anh yêu em, lúc nào anh cũng muốn tạo cho em một tổ ấm gia đình hạnh phúc. Nhưng nhiều khi anh nghĩ anh đã làm ngược lại, đã khiến cho em phải khổ... Hiểu My, anh rất đau lòng!
Hiểu My úp mặt vào lòng chồng thổn thức:
- Đừng, anh đừng nghĩ vậy. Sống bên anh em vô cùng hạnh phúc, trượt té một hai lần nào có nghĩa lý gì đâu anh? Đó là vấn đề thích ứng rồi em sẽ quen. Em bảo đảm với anh chỉ mấy hôm nữa là đâu sẽ vào đấy, em sẽ không còn vấp té nữa cho anh xem.
Thế rồi, ngày tháng trôi qua, quả nhiên Hiểu My ít bị té hơn trước. Khang bận công việc ở sở, sáng đi tối mới về, không tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt của vợ trong ngày. Nhưng khi nhìn thấy vết bầm trong người Hiểu My càng lúc càng ít đi, không nghe mẹ than phiền nhiều nữa, chàng cũng yên tâm. Hiểu My nói đúng, vấn đề là ở chỗ thích ứng. Thật ra thì Hiểu My cũng biết được những khó khăn hạn chế của mình. Nên suốt ngày hầu như nàng giam mình trong phòng riêng. Mọi vật được sắp đặt ở vị trí nhất định chứ không hay xê dịch như trước nữa. Ngoài ba bữa ăn ra, thời gian còn lại Hiểu My sống như một phạm nhân trong nhà tù.
Cha của Khang lúc trẻ tốt nghiệp khoa văn, nhưng sau đó lại quay qua kinh doanh địa ốc. Ở thành phố Đài Bắc chỉ có kinh doanh mặt hàng này là mau phát tài nhất thôi. Dân số ngày một phát triển, giá nhà càng lúc càng cao, vì vậy việc kinh doanh của cha Khang càng lúc càng phát đạt. Dù lo việc kinh doanh nhưng thỉnh thoảng ông cũng hay thảo luận vấn đề văn học với Khang. Đối với chuyện hôn nhân của Khang, lúc đầu ông phản đối, nhưng thấy Khang vẫn khăng khăng một mực không thay đổi ý định, ông đành nhượng bộ nhưng không quên nhắc chừng con trai:
- Hiểu My giống như một con búp bê, một tác phẩm nghệ thuật, một pho tượng ngọc. Vì quá quý nên cha sợ là chỉ để cho người ta ngắm nhìn thưởng thức chứ không phải để làm vợ và làm mẹ. Khang, cha thấy cuộc hôn nhân này của con có tính mạo hiểm đấy.
Khang vẫn không chịu thua:
- Nhưng thưa cha cuộc hôn nhân nào lại không là một cuộc mạo hiểm?
Sau khi Hiểu My trở thành vợ Khang, cha chàng vì bận bịu việc kinh doanh nên cũng không có thời gian đâu để tâm đến cuộc sống riêng của hai trẻ. Nhưng rồi lời phàn nàn của vợ, của bà Thu Nga cũng làm ông phân vân không ít. Ông thở dài nói:
- Miễn sao thằng Khang nó thấy hạnh phúc là được.
Liệu Khang có tìm thấy hạnh phúc không? Giai đoạn đầu thì đúng như thế vì chàng đã có được cái mình mơ ước. Nhưng rồi thời gian trôi đi đúng như câu nói của cha "Hiểu My giống như một tác phẩm nghệ thuật chỉ để cho mọi người ngắm nhìn" mà đời sống thì đâu phải chỉ cần sự thưởng thức, và cuộc sống của chàng như thiếu thốn cái gì đó. Hiểu My ít chịu ra phố, không đi đâu xa. Mà mỗi lần ra khỏi nhà là nàng lại đòi về nhà cha mẹ mình. Mù lòa thì nàng làm sao xuống bếp, làm sao làm thức ăn cho chồng? Phần lớn thời gian nàng chỉ ngồi bên cây đàn. Những bản nhạc kế tiếp có khi kéo dài hằng bảy tám tiếng đồng hồ. Sự cách âm của các căn nhà trong chung cư không tốt nên Hiểu My đánh đàn ở trong phòng mà đứng ở cầu thang bên ngoài vẫn còn nghe thấy. Tiếng đàn hay thật, lảnh lót thật, nhưng ở cái xã hội sống vội vã chụp giựt này, thử hỏi có bao nhiêu người biết thưởng thức tiếng đàn kia? Vì vậy chuyện cãi vã giữa Khang và Hiểu My lần đầu cũng bắt đầu từ tiếng đàn huyền diệu của nàng.
Hôm ấy khi vừa ở tòa soạn về, bước vào thang máy Khang đã gặp bà láng giềng đứng đó, bà ta nói thẳng:
- Nhờ anh một việc nhé, anh nói lại giùm với vợ anh, làm ơn đừng đàn nữa. Từ khi cô ấy về đây đến giờ, lối xóm chẳng ai ngủ trưa được. Đàn phải lựa lúc, đàn riết rồi chắc cả chung cư này phải điên lên hết.
Ở chung cư có nhiều cái cũng bực thật, chung quanh phần đông là những con người kém tế nhị. Khang rủa thầm trong bụng, chàng không định đem chuyện đó ra kể lại cho Hiểu My nghe vì chàng biết lòng Hiểu My chắc hẳn là cô đơn. Nếu không đàn thì Hiểu My biết sử dụng thời gian đó để làm gì? Vả lại, lúc này tiếng đàn là niềm giải thoát, giúp nàng vơi đi phần nào phiền muộn của cuộc sống quạnh hiu buồn tẻ khi chồng đi làm vắng.
Khang vào nhà, tiếng đàn của Hiểu My vẫn vang vang. Có bạn của mẹ Khang đến thăm, bà Tôn, người bạn già trên hai mươi năm của mẹ chàng. Vừa nhìn thấy Khang, câu đầu tiên của bà Tôn là:
- Cậu có phúc dữ đa! Cưới được cô vợ đàn giỏi, bao giờ đi trình diễn thế?
- Dạ vợ cháu chỉ đàn chơi cho vui thôi.
Bà Tôn làm như có vẻ ngạc nhiên:
- Sao cô ấy nhàn rỗi thế? Tôi nghe đàn cả buổi chiều nay cơ mà?
Mẹ Khang bất bình không nhịn được cũng nói với Khang:
- Thôi con bảo vợ con đừng đàn nữa, ồn đến độ mẹ không nói chuyện được, có đàn thì đàn nhỏ hơn một chút. Tối qua nhà họ La ở tầng dưới cũng điện thoại lên phản đối, họ nói ồn ào quá.
Khang cảm thấy giận, chàng giận tất cả mọi người. Chàng bước nhanh vào phòng. Hiểu My ngừng đàn, quay lại nhìn chồng với nụ cười:
- Mới về hở anh?
Xong, lại quay người tiếp tục đàn. Một khúc nhạc của Schubert vang lên. Khang bước tới đặt tay lên vai vợ.
- Đừng đàn nữa em, anh có chuyện muốn nói với em.
Hiểu My ngưng đàn, ngoan ngoãn chờ đợi.
- Anh muốn nói gì với em ư?
- Em... Em thấy đàn mãi thế này không thấy mệt sao?
- Em quen rồi.
Khang suy nghĩ một chút cố gắng lựa lời:
- Em... Em không thể tìm một thú vui nào khác ư? Đàn mãi cuộc sống sẽ đơn điệu, hay là chúng ta ra ngoài chơi, kết bạn hay đi xem chiếu bóng.
Vừa nói đến chữ chiếu bóng, Khang biết ngay mình lỡ lời, nhưng không rút lại kịp. Mặt Hiểu My tái hẳn.
- Em đàn gây khó chịu cho ai ư? Chắc có người không hài lòng phải không?
Khang bối rối:
- Không, không, anh chỉ sợ em mệt mỏi quá thôi.
Hiểu My cúi đầu suy nghĩ:
- Vậy thì tối nay mình đi xem "chiếu bóng" vậy.
- Anh xin lỗi em, anh lỡ lời.
Khang vội vàng nói, chàng cảm thấy xót xa và trên khuôn mặt của chàng phảng phất một chút phiền muộn. Bấy giờ Khang chợt cảm thấy cuộc sống quá phức tạp. Cuộc sống là thực tế đa dạng đôi khi lạnh lùng khắc nghiệt, không phải chỉ cần ba chữ "anh yêu em" là đủ, mà còn là mục đích niềm vui, sự hưởng thụ và cùng nhau chia xẻ ngọt bùi. Giữa Khang và Hiểu My thì sao? Cái "cùng" đó quá ít. Mới lấy nhau chưa thấy khó khăn nhiều, nhưng sau này, những ngày dài đâu chỉ có tình yêu và những khám phá mới? Hãy nghĩ đến những tháng ngày dài đó. Khang nắm tay Hiểu My, kéo về phía giường, nhỏ nhẹ:
- Hiểu My, chúng ta sống cạnh nhau cả đời, phải không em?
Hiểu My không hiểu Khang định nói gì, chỉ yên lặng lắng nghe.
- Đấy em thấy, như vậy có nghĩa là em không thể mãi mãi ngồi bên cây đàn.
- Sao vậy? Đàn làm em vui, em không mệt mỏi.
- Nhưng đâu phải ai cũng muốn nghe. Những người chung quanh ở tầng trên tầng dưới, họ đều không biết thưởng thức nhạc, khổ vậy!
Hiểu My tái mặt:
- Em hiểu rồi, ngay cả anh và ba má, cả bạn bè. Đúng ra em phải biết, biết ngay từ đầu... Nhưng tại sao trước kia anh có thể ngồi yên suốt buổi để lắng nghe em đàn?
Hiểu My gật gù:
- Phải rồi, vì đó là chuyện trước ngày cưới nhau. Em đã từng sợ phải lấy nhau cơ mà. Em biết lấy nhau là sẽ chuốc lấy đau khổ. Thơ văn nhạc họa gì từ từ cũng sẽ mất hết. Vì anh, anh cần một người vợ chứ đâu cần gì khác nữa!
Khang tròn mắt nhìn Hiểu My. Giọng Hiểu My thật tàn nhẫn nhưng không phải là không có lý. Nàng tiếp:
- Anh là một người bình thường sao không lấy một người vợ bình thường?
Khang cảm thấy giận dữ, chàng nói giọng hơi to:
- Em đừng kết tội hôn nhân, con người là con vật sống hợp quần nương tựa vào nhau, chứ không thể sống tách rời nhau được. Cuộc đời này đâu phải chỉ có anh và em. Anh yêu em, yêu tất cả cái gì em có, cả cái xấu và điều tốt, nên anh mới cưới em, nhưng mà...
- Nhưng bây giờ anh không còn mê những thứ như thế nữa, phải không?
Khang nói:
- Đừng nói bậy. Em đừng cố tình xuyên tạc. Mục đích của cuộc nói chuyện hôm nay giữa anh với em là để tạo sự hiểu biết lẫn nhau. Ý anh muốn nói là ngoài việc đàn ra, em cần phải học thêm một cái gì nữa, để cuộc sống chúng ta được hạnh phúc hơn, chẳng hạn như em thử tìm hiểu công việc của anh để đi vào cuộc sống của anh...
Giọng Hiểu My buồn buồn:
- Em biết việc làm của anh chứ, muốn đi vào cuộc sống của anh, em phải sửa bản thảo, hiệu đính, làm bản kẽm hay là chọn màu. Anh Khang, nếu biết có ngày hôm nay, thì chẳng thà không có còn hơn.
- Em nói thế là thế nào hả Hiểu My?
- Đúng ra anh không nên cưới một người vợ mù lòa như em. Em đã từng bảo anh, em không thể đi vào thế giới của anh cũng như ngược lại. Thế mà, anh không tin, bây giờ anh đòi hỏi em phải đi vào cuộc sống của anh làm sao em có thể làm được? Không lẽ, anh không hiểu là em không thể làm chuyện đó? Nội việc bước ra khỏi cánh cửa này, em cũng không dám, em sợ làm mẹ anh lo, làm cho anh buồn, khiến anh phải la bà vú Nga, rồi mọi người lại oán trách em. Vì vậy ngoài việc đàn em không dám làm gì hết.
Và Hiểu My úp mặt xuống khóc nức nở.
- Em nghĩ sai rồi, em đã tính sai.
Khang bối rối, nước mắt của Hiểu My làm chàng đau xót, chàng cảm thấy hối hận vô cùng. Đúng ra ta không nên nói. Tất cả tại ta cả. Ta đã từng bảo yêu mọi cái mà Hiểu My có. Chính ta đã kéo Hiểu My vào lòng nhưng rồi lại bắt nàng phải ứng phó với mọi hoàn cảnh của người sáng mắt như ta. Vậy thật là bất công. Khang ôm Hiểu My vào lòng vỗ về.
- Em không có lỗi gì cả, tại anh hết, tại anh ích kỷ anh đòi hỏi nhiều quá. Em đừng khóc nữa. Nín đi em, nhìn em khóc anh không chịu nổi.
Hiểu My tựa đầu vào ngực Khang khóc thút thít và không nói gì hết. Cuộc cãi vã nhỏ coi như kết thúc, cuộc sống lại tiếp tục nhưng từ đó Hiểu My không còn đàn nữa. Nàng cũng ít khi ra ngoài, chỉ thu người trong phòng riêng, âm thầm như chiếc bóng của chính mình... Rồi thời gian trôi qua, Khang cũng kinh ngạc khi phát hiện ra Hiểu My gầy ốm xanh xao, nàng tiều tụy như một cành cây thiếu nước, cứ khô dần, khô dần... Khang đau khổ vì thương vợ, một hôm chàng dìu Hiểu My tới chỗ cây đàn, mở nắp đàn ra, âu yếm dỗ dành nàng:
- Em đàn bài gì đi, đàn bản nào em thích đó, anh năn nỉ em mà.
Hiểu My lắc đầu lặng lẽ đóng nắp đàn lại:
- Hiểu My, anh phải làm sao, anh phải làm gì để em vui hơn, hãy cho anh biết đi, anh hứa sẽ làm vừa lòng em.
Hiểu My nhìn chồng với thái độ phục tòng:
- Em vui chớ có gì đâu, anh đừng lo lắng thái quá em không sao cả mà.
- Anh biết là em không vui, đừng giấu anh.
- Không em đang vui đây mà, được kề cận bên anh là em vui lắm rồi, chỉ tại...
- Chỉ tại làm sao em?
- Em chỉ sợ anh không hài lòng, em vô dụng, vô tích sự quá, em không làm gì được cho anh cả. Và như vậy thì những lời thề non hẹn biển chỉ là những lời ráo rỗng trong một phút bốc đồng!
Khang đau khổ:
- Em đừng nói vậy. Anh yêu em và rất hài lòng về em, anh chỉ mong sao làm cho em vui, em đừng để ý tới những lời hôm nọ mà ảnh hưởng đến tình cảm giữa hai chúng mình.
- Dạ.
- Từ nay em vui nhé.
- Dạ.
- Em đàn trở lại nhé.
- Không.
- Sao vậy, em còn giận anh à?
Hiểu My lắc đầu không đáp. Khang vuốt tóc nàng:
- Thế tại sao em không đàn?
- Vì em không thích.
- Như vậy là em vẫn còn giận anh phải không?
- Không phải, nhưng anh cũng hiểu cho em, là khi đàn ta cần có kẻ tri âm, còn nếu nó là những tiếng ồn quấy rầy mọi người thì tốt hơn ta không nên đàn. Vả lại, lúc gần đây em thấy mệt mỏi quá nên không thích đàn nữa, thế thôi.
Và như vậy Khang có nói thế nào đi nữa, Hiểu My cũng nhất quyết không đụng đến cây đàn. Nàng sống khép kín lòng và chỉ khi nào nghe nói Khang về đến là Hiểu My mới chuẩn bị nụ cười. Cuộc sống của nàng, không còn có niềm vui, càng ngày thân hình nàng càng tiều tụy héo hắt hơn.
Vì thế, một ngày khi Khang đang làm việc ở văn phòng thì Yên Nhiên lao vào như một cơn lốc mạnh, nàng kéo Khang ra ngoài nhìn chàng với dôi mắt giận dữ:
- Anh Khang, anh là một thằng tồi, tại sao anh lại để cho Hiểu My chết dần chết mòn như thế?
Khang đau khổ:
- Chị Nhiên, tôi cũng biết là Hiểu My không vui, biết Hiểu My không thích hợp với cuộc sống gia đình tôi, nhưng tôi phải làm thế nào đây, tôi biết phải làm gì?
Yên Nhiên giận dữ nói:
- Cái đó tôi không cần biết. Tôi vừa ở nhà anh lại đây. Hiểu My nó gầy yếu, xanh xao một cách tội nghiệp. Anh là đồ tồi, anh muốn nó chết mòn phải không? Bây giờ tôi không cần biết gì hết, tôi phải đưa em gái tôi về nhà.
Khang nghiêm nét mặt:
- Không được, chị không có quyền làm điều đó.
- Tại sao?
- Bởi vì tôi là chồng của cô ấy. Tôi yêu Hiểu My và sống cả đời với người tôi yêu, chị có quyền đưa cô ấy về nhà chơi độ một hai ngày, chứ không có quyền đem cô ấy đi luôn. Chị Nhiên, tôi cũng biết là Hiểu My không vui, Hiểu My tiều tụy là trách nhiệm của tôi. Nhưng tôi sẽ cố gắng để cô ấy có một cuộc sống hạnh phúc. Chúng tôi là vợ chồng, chúng tôi cần có khoảng thời gian dài để xây dựng, để thông cảm và xẻ chia cho nhau. Nếu để chị đem cô ấy về thì cũng đồng nghĩa với sự bỏ cuộc, chị có hiểu tôi không?
Yên Nhiên nhìn Khang, khuôn mặt nghiêm nghị của Khang làm Yên Nhiên chợt hiểu và nàng thoáng thấy xúc động.
- Nếu chị chưa hiểu thì tôi xin nói rõ hơn, bây giờ Hiểu My là vợ của tôi chứ không còn là con gái nhà họ Vệ nữa. Chúng tôi buồn cùng chia, vui cùng hưởng chứ không thể để cô ấy trở về nhà. Tôi không muốn mất Hiểu My, chị hiểu không?
Yên Nhiên chảy nước mắt, nàng biết tình yêu của Khang đối với Hiểu My rất sâu đậm và nàng không còn ý định đưa em về nhà như lúc đầu. Nhưng nàng luôn thắc mắc không hiểu sao Hiểu My lại gầy guộc xanh xao như vậy, nhưng nàng còn ngại không muốn hỏi Khang. |
|
|