Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Cô Đơn Trên Mạng Tác Giả: JannuszLeon Wisniewski    
    ANH: Ở New York, anh ở trong Marriott Marquis, trên góc Broadway cắt phố 45. Anh tính rằng nếu đặt taxi lúc năm rưỡi thì sẽ thoải mái kịp. Nhưng đi được kilômét đầu tiên thì anh biết là anh đã sai lầm kinh khủng. Theo kế hoạch thì mãi hai mươi giờ ba mươi mới khởi hành, nhưng ngay lúc này anh đã biết rằng anh không còn nhiều thời gian.
    Đã bốn mươi nhăm phút trôi qua, mà họ vẫn ở trong đám tắc đường đáng sợ trên Manhattan và đến Queens Midtown Tunel, nối Manhattan với Queens, nơi có sân bay Keunedy mà anh sẽ bay từ đó, vẫn còn xa vô tận. Tay lái xe người Ấn Độ (anh có cảm giác là tất cả lái xe ta xi ở New York đều là người Ấn Độ) nói không ngơi mồm, cười và động viên anh rằng nhất định họ sẽ kịp, nhưng anh thì biết rằng nếu họ có ngồi nửa ngày trong cái taxi này và máy bay thì đã cất cánh từ lâu mà không có anh, thì cái lão người Ấn Độ này vẫn cứ bảo anh rằng họ sẽ kịp.
    Những người lái ta xi Ấn Độ ở New Orleans cũng đều thế cả.
    Song tay lái taxi này là hiện thân của những gì tồi tệ nhất mà anh có thể gặp: trẻ và nhát gan.
    Lái taxi ở New York có thể khiếm thị, nhưng không thể nhát!
    Trên Manhattan vào tầm này không thể vượt được, khi trước đó nhìn qua gương thấy cả một hàng dài vô tận ở phía sau. Ở đây cần phải bật xi-nhan, tăng tốc, bóp còi và chuyển làn đường.
    Ngay cả anh cũng biết điều đó, mặc dù anh chưa từng bao giờ lái taxi.
    Khi họ đến được sân bay, tay lái xe vẫn luôn miệng cười, còn anh thì chỉ còn đúng mười tám phút nữa là đến giờ máy bay cất cánh.
    Anh bực với chính mình, với sự ngu ngốc của mình, với New York, với tất cả những người Ấn Độ và với sự bất lực của mình.
    Anh chạy như điên vào cổng ra của mình, vừa khấn thầm để họ đừng gạch tên anh khỏi danh sách hành khách để mà đem lại may mắn cho một ai đó trong danh sách chờ.
    Họ không thể làm thế với anh được!
    Bởi cô sẽ đón anh ở Paris và chắc chắn cô sẽ chờ anh.
    Không, họ sẽ không làm thế. . .
    Khi anh đến nơi, TWA800 đã kiểm tra xong.
    Những hành khách của khoang hạng nhất và khoang business đã yên vị trong máy bay và uống sâm banh, theo anh đoán, còn những dãy cuối của khoang economy đang được gọi vào cổng.
    Anh biết là mình đã chịu thua thời gian. Anh đã thua một cách dở hơi và vô lý đến thế.
    Anh lấy hết sức để dán lên mặt mình một nụ cười dễ thương nhất mà anh có thể có vào thời điểm ấy và đi đến chỗ một cô gái tóc vàng trẻ, béo mặc đồng phục của hãng TWA, tay cầm điện thoại, đứng bên cổng mà bên trên có số hiệu chuyến bay của anh.
    - Tất nhiên là chị biết rằng tôi nhất thiết phải bay chuyến này. Della đã chuyển tôi sang đây trái với ý muốn của tôi, các chị đã khẳng định bằng fax và điện thoại, tôi có thể cho chị xem bản fax ấy. Dãy của tôi đã được gọi ra cổng chưa? - anh hỏi bằng một giọng điềm đạm nhất mà lúc ấy anh có thể tạo ra được. Anh cho rằng thái độ thiếu nhã nhặn sẽ đẩy cô ta vào thế thủ.
    Cô ta hiểu ngay ra trò chơi này. Cô cười và hỏi tên.
    Khi anh đọc tên, cô ta kiểm tra trong máy tính và điềm đạm trả lời:
    - Anh đã vô cùng gặp may. Khi chúng tôi gạch tên anh khỏi chuyến bay này vì anh đến muộn, thì Della đã nhận anh lên chuyến bay lúc hai mươi giờ ba mươi nhăm của họ. Chỉ vì anh là người đầu tiên trong danh sách chờ ở bên kia, và có người hủy chuyến bay vào phút chót, và máy tính của họ bị hỏng nên không xóa tên anh khỏi danh sách dự bị bên chỗ chúng tôi. Anh phải lưu ý đến máy tính. Họ cũng đang ở cùng một cổng ra. Anh nên chuyển thật nhanh sang đó. Anh đến Paris chỉ chậm hơn có nửa tiếng so với đi của hãng chúng tôi.
    Anh chưa kịp nói gì thì cô ta đã quay sang với hành khách.
    Rất nhanh, anh nhớ rằng ở đây, Della có trạm của họ ở phía đông của sảnh này, thế là không nói gì, anh quay đầu chạy về hướng đằng ấy.
    Khi anh đến được trạm của Della, đám đông vẫn nhốn nháo ở đó. Anh thở phào.
    Bao giờ Della cũng có thời gian. Anh biết điều này từ mấy năm nay, từ khi anh bắt đầu bay bằng hãng này.
    Cho tới khi nhận lại thẻ lên máy bay, anh mới nghĩ ra là cô hoàn toàn không biết gì về việc thay đổi chuyến bay này, còn họ thì đã mời hành khách lên máy bay và quanh đấy cũng không có điện thoại.
    Lên máy bay mình sẽ gủi e-mail cho cô và sẽ gọi điện đến khách sạn - anh nghĩ.
    Anh nhấc vali và túi đựng laptop rồi đi ra ống dẫn ra máy bay.
    Khi đã tìm thấy và ngồi vào chỗ của mình cạnh cửa sổ, anh bỗng cảm thấy mệt kinh khủng.
    Anh ngồi không nhúc nhích. Khi máy bay nặng nề cất cánh anh hoàn toàn thanh thản nhìn xuống New York rực rỡ đầy lãng mạn trải dài ngoài cửa sổ và nghĩ rằng lần đầu tiên sau một thời gian dài anh mới lại có thể nhìn cảnh này và không sợ hãi.
    Khi ánh sáng của New York đã trở thành một tinh vân không có tính thù rõ rệt, anh nhắm mắt và lúc này anh mới thực sự bắt đầu chuyến đi của mình.
    Anh bay đến Paris chỉ vì cô và chỉ đến với cô.
    Chỉ còn mấy tiếng nữa và anh sẽ gặp cô.
    Anh không muốn lại thêm một lần nữa nhắc lại những gì sẽ nói với cô, sẽ nói về cái gì và sẽ chạm vào tay cô ra sao.
    Anh không muốn bởi anh biết rằng đằng nào thì cũng sẽ không được như trong cái chương trình ngọt ngào mà anh đã tự lên cho anh. Sẽ không giống, bởi cô là khó có thề đoán trước được và chỉ cần một lời nói thôi cũng đủ để một cái khác đi rồi.
    Thậm chí có trong những câu chuyện của họ trên ICQ cũng thế. Mặc dù anh nói nhiều hơn và kiểu gì thì cô cũng là người xác định hay đổi chủ đề. Nhưng anh vẫn thích có kế hoạch, chủ yếu là vì được vui khi lên kế hoạch.
    
    Bỗng nhiên anh thèm uống vang quá.
    Anh nhìn quanh. Một sự thư giãn điển hình sau những căng thẳng của lúc cất cánh. Một số người đắp chăn chuẩn bị ngủ, một số đứng dậy để giải tỏa nỗi sợ đang qua đi trong khi xếp hàng chờ vào toilet, một số khác nữa thì lấy báo hay tạp chí từ túi xách tay ra, một số ngả ghế và nhắm mắt. Không thiếu những người như anh, đang ngóng các tiếp viên để có thể bình tĩnh trở lại nhờ rượu, là thứ mà ở độ cao này có tác động khác hẳn.
    Nhưng đặc biệt hôm nay, anh hoàn toàn không muốn dùng rượu để tĩnh tâm.
    Anh muốn tưới cho những ước mong của mình bằng chianti [1] đỏ.
    Anh muốn tưởng tượng một chút về Paris chung của họ và về Paris được cô trang hoàng tưng bừng như thế nào cho anh bằng sự có mặt của mình. Anh nhớ một đoạn trong số những bức thư gần nhất cô viết cho anh:
    Anh là vô cùng quan trọng đối với em. Em biết ơn anh rất nhiều và không chỉ vì những gì em cảm thấy. Nhờ có anh mà em hoàn thiện hơn, tốt hơn, em cảm thấy mình độc đáo và không thuộc loại trung bình. Có thể ít thông minh hơn một chút (mọi cái vốn vẫn tương đối như vậy), nhưng chắc chắn là tuyệt vời đặc biệt. Đúng thế, em cảm thấy giờ đây mình sống đầy đủ hơn và có ý thức hơn. Em say mê tất cả những suy ngẫm và mơ màng mà anh mang đến cho em. Chúng khiến em vui biết bao.
    Tất nhiên là trong đầu em luôn có cả một mớ lộn xộn kinh khủng, mà cho tới lúc này chưa có lý do gì, chưa có động cơ nào để vì nó mà em muốn sắp xếp lại những ý nghĩ của mình. Nếu như em có nói lung tung thì chính là vì thế. Anh buộc em phải suy nghĩ, mặc dù là rất vụng về (Nhưng anh đừng có dừng lại! Sau mấy năm nữa anh sẽ có em như một người bạn để trò chuyện, như chưa bao giờ anh có được như vậy) và sắp xếp những ý nghĩ xoay tít của em.
    Anh cười với ý nghĩ rằng mình quan trọng biết bao trong những ý nghĩ xoay tít của cô.
    Còn sau đó trong chương trình, anh sẽ dùng đúng loại chanti đó để gọi giấc ngủ đến, bồi giấc ngủ bao giờ cũng rút ngắn sự chờ đợi một cách đáng kể. Anh nhớ điều này từ hồi còn bé, đặc biệt là trước sinh nhật và Giáng sinh.
    Thế là anh đưa mắt tìm nữ tiếp viên.
    Cô ta đột ngột xuất hiện ở cuối lối đi; cô ta vừa từ cabin của các phi công ra.
    Anh có cảm tưởng như cô ta vừa khóc.
    Khi cô ta đến gần, thì anh chắc rằng cô ta đã khóc. Trang điểm nhem nhuốc, nước mắt chỉ chực trào ra, hai bàn tay run run. Anh cố gắng để cô không biết là anh nhận thấy điều đó. Anh cười với cô, hỏi xin rượu vang, còn cô ta trả lời bằng bộ mặt méo mó đang cố mô phỏng một nụ cười và đi.
    Một lúc sau cô mang rượu vang đến, đã trang điểm lại, đã tự chủ được và trông rất buồn. Cô đưa rượu vang cho anh, không nói một lời rồi đi.
    Anh uống ngụm đầu tiên rồi kéo tai nghe điện thoại từ chỗ tựa của ghế trước. Kéo thẻ tín dụng qua khe máy đọc và bấm số khách sạn của cô ở Paris.
    Số máy bận.
    Một lát sau anh gọi lại. Vẫn thế.
    Rượu vang hết đã lâu, còn anh vẫn bấm số máy ấy ở Paris và khi máy bận, anh lại tự nhủ sẽ chỉ thử một lần nữa, chỉ một lần duy nhất, lần cuối cùng.
    Sau một tiếng anh bỏ cuộc.
    Anh gọi cốc vang nữa, lôi laptop dưới gầm ghế ra và bật máy.
    Anh chuẩn bị một e-mail để gửi đến lễ tân khách sạn nơi cô ở.
    Anh nhờ họ thông báo gấp cho cô biết là anh không bay chuyến TWA800, mà bay DL278. Anh cho giờ và số cổng ra ở sân bay Charles de Gaulle mà anh sẽ ra. Anh đề nghị xác nhận e-mail đến. Anh dự định một lần nữa, ngay trước khi hạ cánh xuống Paris, sẽ vào mạng để kiểm tra xem có xác nhận hay chưa.
    Cáp modem anh cắm vào ở trong điện thoại đã kịp nóng lên trong tay anh khi anh cố gọi đến khách sạn ở Paris của cô trong suốt một giờ đồng hồ cuối cùng.
    Anh chọn số của Compuserve và một lát sau đã ở trong mạng.
    Anh gửi e-mail. Khoảng chín giờ sáng máy bay sẽ hạ cánh, vậy thì chắc chắn họ sẽ kịp thông báo cho cô – anh nghĩ.
    Thứ năm này, mười tám tháng bảy, ở Paris sẽ là ngày của họ. Và hoàn toàn không ảo.
    Anh định ra khỏi mạng, nhưng trước đó anh quyết định vào trang CNN để xem dự báo thời tiết vùng Paris. Anh hy vọng rằng sẽ không mưa. Ở sân bay, anh sẽ nhận ôtô trong Avis anh đã đặt xe từ ở New York, và sẽ phải là kabriolet. Anh gõ địa chỉ của CNN trong Netscape và đợi cho trang chủ hiện trên màn ảnh của laptop, anh đưa ly lên miệng.
    Nhân viên lễ tân, lễ tân khách sạn Bousquet, đêm 16 rạng ngày 17 tháng bảy năm 1996, Paris:
    Cậu thay ca vào lúc nửa đêm. Bao giờ cậu cũng thay ca đêm. Không phải vì thích. Cậu không có sự lựa chọn khác. Học tin học ở Ecole de Paris, và để sống được trên mặt bằng của cái thành phố đắt đỏ này, cậu phải đi làm thêm. Mà làm việc thì dù có thể vào ban đêm. Cái khách sạn nhỏ ở Khu Latinh này giống như thể một số phận may mắn trong xổ số. Cách nơi ở, cậu ở cùng với hai người nữa cũng như mình, chỉ có mười phút đi bộ, ngoài ra ông chủ khách sạn là người Ba Lan nên không bao giờ đưa ra những câu hỏi ngu xuẩn. Tiền công bao giờ cậu cũng nhận tiền mặt, không bao giờ bị để trong phong bì, và luôn đúng hạn. Cậu thích sự yên tĩnh này, khi mọi người đã ngủ, còn cậu vặn khẽ radio, mở chai rose lạnh ưa thích và ngồi sau quầy lễ tân, nhấm nháp vang và chìm đắm trong trạng thái nửa thức nửa ngủ. Cậu nhắm mắt, nhưng vẫn nghe thấy những khách về muộn vào khách sạn, ngây ngất vì thành phố hoặc vì rượu và đập vào những cánh cửa đóng, cậu nghe điện thoại của những người cho đến giờ này mới sực nhớ ra là họ không có báo thức, mà sáng mai họ lại có một cuộc gặp cực kỳ quan trọng và cần phải đánh thức họ.
    Cậu phải ra khỏi trạng thái này ngay lập tức rồi trở lại ngay lập tức.
    Cứ như vậy đã hai năm, ban ngày cậu đi học, đêm làm việc.
    Song gần đây mọi việc đã bị xáo trộn một cách triệt để.
    Ông chủ khách sạn lắp đặt Internet.
    Họ có trang web của mình, địa chỉ của mình và nhận đặt phòng qua mạng.
    Không thể có gì hay hơn thế!
    Hai tiếng sau nửa đêm, cậu bật modem, vào mạng và ở trên đó với những quãng dừng ngắn cho đến sáu giờ sáng.
    Cậu lang thang, liên hệ, và trên hết là chat.
    Cậu có bạn nói chuyện ở khắp nơi trên thế giới. Một số người vào mạng chỉ để gặp chính cậu.
    Dần dà, nhưng không thể lay động, cậu đã bị nghiện Internet.
    Cậu đã không còn cái trạng thái nửa thức nửa ngủ ấy nữa. Buổi sáng, cậu thiếp đi trong các giờ học, cậu đi làm muộn vì ở nhà gần mười hai giờ cậu đã ngủ nhưng vẫn không tài nào đánh thức được cậu trước nửa đêm.
    Cậu tự nói với chính mình rằng đây chỉ là một sự say mê nhất thời; đã như vậy từ bảy tháng nay.
    Tất nhiên là cậu biết rằng khi mình vào mạng, không ai có thể gọi điện đến khách sạn được. Cậu giả thiết rằng trong khoảng từ hai đến sáu giờ sáng, đằng nào thì cũng không thể có cuộc gọi quan trọng nào, vậy cậu là cho qua chuyện đó. Hôm nay cậu cũng sẽ không bận tâm về vấn đề này.
    Như thường lệ, cậu bật modem và máy tính. Đầu tiên cậu kiểm tra toàn bộ các đăng ký phòng online. Những gì có thể, cậu xác nhận bằng e-mail.
    Sau đó cậu kiểm tra thư đến của khách. Dịch vụ này mới được khách sạn đưa vào và cậu tự hào nhận thấy nó quan trọng và ngày càng trở nên quan trọng như thế nào.
    E-mail đến từ khắp nơi trên thế giới và bằng mọi thứ tiếng có thể.
    Cậu in những bức thư ấy, cho vào phòng bì màu ôliu có địa chỉ Internet của khách sạn và gần sáng, cậu nhẹ nhàng luồn qua khe cửa của người nhận. Sau mấy tháng thì thấy rằng họ đã có những khách cố định chỉ thông qua mạng và những phong bì màu ôliu ấy, ngay sau khi thức dậy.
    Cậu cũng gửi những thư của khách để lại trên đĩa mềm. |
    Sáng nay có ba cái phải gửi đi. Hai cái của cái chị Ba Lan xinh đẹp ở phòng mười tám trên tầng một ấy. Hai hôm trước đây lúc gần sáng chị ta đã kéo cậu ra khỏi máy tính lúc cùng với hai cô bạn từ vũ trường về. Họ rất vui nhộn và làm duyên với cậu. Họ đi vào khách sạn theo nhịp nhảy, ngồi chuyện phiếm ở sôpha trước lễ tân, một lúc sau một chị chạy lên phòng mình lấy champagne.
    Chị để tóc xõa và rối, mặc chiếc sơmi màu xanh lá cây bó sát, cổ khoét sâu để hở viền đăng ten mỏng màu xanh lá cây của chiếc nịt vú. Cậu không thể xác định được màu mắt chị. Có vẻ như là chúng chuyển từ màu xanh lá cây sang màu nâu sẫm.
    Khi đã uống champagne ngọt của Ý, chị đột nhiên đứng dậy và đi vào chỗ cậu sau quầy lễ tân, định vặn to đài vì đúng lúc Bryan Ferry đang hát. Lúc ấy chị nhìn thấy màn hình máy tính của cậu với trang của khách sạn và không vòng vo chị hỏi ngay có thể gìn e-mail được không.
    Khi cậu trả lời đương nhiên là được, chị không nói không rằng, bỏ cậu đấy và ngồi vào bàn máy tính. Chị tự tìm được chương trình thư trong ổ cứng của máy tính khách sạn và bắt đầu viết.
    Cậu có cảm tưởng như với chị, thế giới ngừng tồn tại ...
    Khi cuối cùng thì chị cũng quay lại nhập bọn, cậu đã kịp cùng với hai cô bạn của chị uống hết chai champagne . Chị lặng lẽ. Không nói thêm một lời nào nữa.Cậu có cảm tưởng như với chị không còn gì tồn tại. Chi đột ngột đứng dậy, chúc mọi người ngủ ngon rồi đi ra. Hai cô bạn chị nhìn nhau đầy ý nghĩa nhưng không bình luận gì.
    Chị trở nên bí hiểm.
    Hôm nay, chốc nữa cậu phải gửi hai thư của chị để lại trên đĩa mềm trong ô của mình.
    Sắp sáu giờ.
    
    Cậu gọi chương trình thư, chuyển thư từ đĩa mềm sang hộp thư gửi và tự nhủ, rằng đây chỉ là ngoài ý muốn, rằng dù là mọi chuyện đã sắp đặt không may như thế nào đó, cậu bắt đầu đọc thư thứ nhất:
    Paris ngày 16 tháng bảy
    Em cảm thấy thiếu anh vô cùng, Jakub…
    Từ ba ngày nay, em cảm thấy đến đau đớn, anh đã bước vào cuộc đời em sâu sắc biết bao và điều gì sẽ đến với em nếu anh rời bỏ nó. Em cảm thấy bị bỏ rơi ở giữa đám đông quanh mình trong cái thành phố Paris đen-trắng vô hồn này, lẽ ra nó phải rực rỡ sắc màu như người ta đã hứa trong catalog mà em đã nghiên cứu rất kỹ ở Warszawa.
    Anh hãy đến đây đi, em xin mà, anh hãy đến...
    Cậu gửi bức thư này và sung sướng mở thư thứ hai, "ngoài ý muốn":
    Paris ngày 16 tháng bảy
    Rất, rất, rất cám ơn anh, anh thông minh và tuyệt vời của em.
    Cám ơn anh vì tất cả, vì anh đã nghĩ rằng chúng mình có thể gặp nhau, vì anh đến đây hôm nay.
    CHỈ VÌ em, và anh sẽ chỉ cùng với em: Em biết là anh sẽ đọc những dòng này trên máy bay (em không thể hình dung ra, người khác thì không nói làm gì, nhưng anh lại không thể nhận thấy có ổ cắm modem ngay trước mắt mình!), và khi anh bắt đầu đọc những dòng này, thì em vẫn còn ngủ với giấc ngủ chập chờn của một cô gái mới lớn đang yêu.
    Sáng mai, ở sân bay, môi em sẽ có màu gì nhỉ? Anh thích màu gì nhất?
    Có phải có những màu có vị khác với những màu khác?
    Chắc chắn cả điều này nữa anh cũng biết …
    Cậu cười và nghĩ hôm nay mình rất, rất muốn được là Jakub...
    Đã đến thời của "những bức thư trong khe".
    Cậu khởi động chương trình thư một lần nữa và lấy tất cả mail từ máy chủ của họ.
    Chỉ có hai cái. Một cái cho cậu, của ông anh ở Warszawa, và một cái cho chị, của tay Jakub ấy.
    Ở đầu trang, được viết bằng tiếng Anh, anh ta yêu cầu người nhận thư này trong khách sạn ngay lập tức và tuyệt đối ưu tiên thông báo cho người có tên dưới đây về việc thay đổi thời gian bay của anh ta từ New York đến Paris, còn trong phần cá nhân, được viết bằng tiếng Ba Lan, và gửi cho chị, anh ta thông báo rằng sẽ không bay bằng TWA800 mà bằng DL278, và rằng chị hãy chờ anh ta muộn hơn nửa tiếng và ở cổng khác. Vì cho rằng người nhận e-mail của khách sạn không biết tiếng Ba Lan nên anh ta đã kết thúc bức thư bằng một đoạn khiến cậu thấy vui vui:
    Em yêu, ở đó, ở sân bay ở Paris, khi chúng mình gặp nhau, hãy đừng cho phép anh quên. Hãy liên tục nhắc anh rằng chúng mình chỉ là bạn. Trừ khi cả em cũng quên. Nếu vậy, thì không cần phải nhắc anh nữa. Ngay cả những đôi bạn thân nhất vẫn có thể quên như vậy mà.
    Jakub.
    Cậu bỗng ngạc nhiên ý thức rằng chị đeo nhẫn cưới trên ngón tay bên phải. Cậu nghĩ ràng đó không phải là nhẫn của cái tay Jakub này. Bây giờ thì cậu cũng hiểu tại sao chị lại đăng ký báo thức và đặt taxi cho buổi sáng sớm đến thế. Cậu in bức e-mail ấy và quyết định sẽ tự tay đưa cho chị vào sáng mai, lúc cô xuống taxi.
    CÔ: Cô đăng ký báo thức, đặt đông hồ báo thức của mình và lấy thêm một cái của Alicja. Để cho chắc.
    Nhưng rồi tự cô đã dậy trước báo thức nửa tiếng. Cả hai cái đều réo chuông lúc sáu rưỡi và ngay sau đấy là điện thoại. Cô khỏa thân, cứ để nước chạy từ người như thế ra khỏi phòng tắm để tắt báo thức cứ nhắc đi nhắc lại. Cô có cảm tưởng như cả khách sạn đều biết là cô dậy.
    Lúc này cô đứng dưới vòi tắm và phấn khỏi vì đã sắp rồi...
    Họ sẽ gặp nhau, họ sẽ thực sự gặp nhau!
    Cô mặc bộ đồ lót mới, xịt loại nước hoa mà anh thích, mặc chiếc váy mới mà cô mua ở Warszawa trước chuyến đi. Cô trang điểm. Cô muốn hôm nay mình phải thật độc đáo và đẹp ngay từ sáng sớm.
    Liệu cô có thực sự yêu anh?
    Cô mừng vì anh đến sớm như thế này. Cô sẽ không phải vật lộn với sự sốt ruột mà cô đã có từ khi họ đến đây. Các buổi tối khiến cô khổ sở nhất. Những lúc ấy cô mở rượu vang để "làm mềm" cảm giác đó, và rơi vào trạng thái lãng mạn-buông thả. Nếu không làm chủ được nó, cô sẽ bỏ tất cả đấy để chạy ra Cafe Internet ở gần khách sạn của họ để viết cho anh tất cả những gì cô cảm thấy.
    Hôm nay chắc chắn cô cũng sẽ rơi vào trạng thái lãng mạn - buông thả ấy, nhưng hôm nay cô sẽ không đi đâu cả. Thậm chí cô không cả muốn trả lời cho chính mình, cô sẽ làm gì hôm nay nếu trạng thái ấy đến.
    Sẽ đến...?!
    Anh đã ở đây. Cô cảm thấy anh một cách chính xác. Vậy mà còn chưa đến tám giờ sáng. Khi đã chấp nhận hình ảnh của mình trong gương, cô ra khỏi phòng.
    Taxi phải chờ cô trước khách sạn.
    Khách sạn vẫn yên ắng và vắng vẻ. Đi qua gần chỗ lễ tân, cô cảm thấy mùi cà phê mới pha, nhưng không có cậu trực lễ tân người Ba Lan dễ thương ấy ở đó.
    Taxi đã chờ sẵn. Đúng là xe này. Anh lái xe người Ả Rập bước vội ra, cúi chào và mở cửa xe...
    Lúc quay xe, cô chợt thấy hình như cậu nhân viên lễ tân chạy từ khách sạn ra. Cô nói bằng tiếng Anh với người lái xe để anh ta dừng lại, nhưng anh ta không hiểu. Họ đột ngột rẽ sang phố ngách và cô không còn chắc liệu có phải chỉ là mình tưởng như vậy không.
    Cô ngồi thoải mái.
    Cô cười một mình. Một ngày nắng tuyệt đẹp của Paris, còn cô đến với anh.
    Bây giờ thực sự là sắp - sắp rồi - cô nghĩ.
    NHÂN VIÊN LỄ TÂN : Lúc sáu rưỡi cậu gọi điện để đánh thức cô. Cậu không nghĩ là giọng cô còn ngái ngủ.
    Sau đó cậu gửi mail xác nhận theo địa chỉ của Jakub và sát bảy giờ, cậu ngắt modem. Nửa tiếng sau người ta đưa báo hàng ngày tới. Cậu phải phân phát báo trong khách sạn. Nhưng trước đó cậu quyết định phải uống cà phê cái đã. Cậu ra căn bếp nhỏ cạnh lễ tân và mở automat vào cà phê.
    Sau đó cậu cho báo vào một cái túi riêng, quàng qua vai và đi thang máy lên tầng trên cùng. Cậu đi từ tầng này xuống tầng khác, để báo trước cửa những phòng có khách.
    Khi ra khỏi thang máy ở tầng một, cậu nhận thấy cô đang đi xuống cầu thang.
    Một lát sau đó, khi để báo, cậu nhìn thấy một tít báo.
    Cậu quẳng túi và chạy quáng quàng xuống dưới. Cậu nhìn thấy cô vào taxi. Cậu gọi tên cô như điên, nhưng taxi đột ngột rẽ sang phố bên cạnh và cô mất hút khỏi tầm mắt cậu.
    ANH: Anh chậm rãi nhấm nháp chianti trong lúc đợi trang CNN hiện ra trên màn hình của mình.
    Anh cảm thấy dễ chịu và ấm cúng ánh sáng trong máy bay chỉ mờ mờ, trên màn hình vô tuyến ở đằng xa, những cảnh cửa một bộ phấn mà anh thậm chí không biết tên đang chạy, xung quanh là tiếng ồn dễ chịu của động cơ đang hoạt động.
    Toàn bộ sự náo động của tuần vừa rồi, đầu tiên là trong thời gian hội nghị ở New Orleans, sau đó ở Princeton và New York, toàn bộ sự căng thẳng điên rồ hôm nay trên đường đi và ở sân bay, giờ đây dường như là một cái gì đó đã xảy ra lâu lắm rồi. Một cái gì đó vớ vẩn.
    Anh nhắm mắt một lúc. Toàn bộ trang CNN đã hiện lên trên màn hình máy tính.
    Bắt đầu là tin giờ chót, được hiển thị trên màn hình bằng chữ đậm. Anh bắt đầu đọc:
    Ngày 17 tháng bảy năm I996, tại 2031 EDT, chiếc Boing 747-131 đã rơi xuống vùng biển Atlantic, cách Moriches, New York khoảng tám dặm về phía nam, sau khi rời sân bay John F. Kennedy Intertional Airport (JFK). Đây là chuyến bay theo lịch trình đến Charles de Gaulle Intertional Airport (CDG), Paris của Trans Word Airline Flihght TWA800. Chiếc máy bay đã nổ tung, bốc cháy và lao mạnh xuống biển. Tất cả 230 người đã thiệt mạng.
    Càng đọc, anh càng run khắp người. Anh không cầm nổi cái ly và biết rằng nếu không đứng dậy ngay, anh sẽ bị lên cơn hen. Anh bắt đầu thấy khó thở. Anh biết cái gì sẽ đến. Bởi anh vẫn còn nhớ từ hồi Nataha.
    Anh rứt cáp modem ra khỏi điện thoại, làm laptop rơi ra sàn, còn anh len ra lối đi giữa các hàng ghế. Anh giẫm lên mọi thứ, giẫm phải mọi người trên đường đi, kệ, với anh lúc này hoàn toàn dửng dưng.
    Cô tiếp viên đột ngột xuất hiện ngay bên cạnh.
    Anh vội túm lấy tay cô và nói nhỏ:
    - Chị khóc, vì ... vì tất cả họ đã chết, đúng không?
    Cô tiếp viên không tin và sợ hãi nhìn vào mắt anh hỏi:
    - Từ đâu mà anh biết?
    - Từ CNN, tôi vừa đọc trang của họ …
    - À vâng - cô trả lời và nhìn vào laptop của anh nằm trên sàn dưới cửa sổ. - Tôi đã khóc … vì họ đã chết. Nhưng mong anh đừng nói cho ai biết. Họ sẽ tự biết tin này ở Paris. Anh nhớ nhé !
    - Chị có biết là tôi … tôi ở trên máy bay này chỉ do tình cờ? Chị có biết là nếu không bị tắc đường ở New York, thì tôi đã cùng với họ... tôi đã... đã chết ở đấy??
    Cô nhìn vào mắt anh, nghe và bỗng ôm lấy anh. Ngay sau đấy cô cảm thấy xấu hổ vì sự mềm yếu ấy và vội bỏ đi. Còn anh đứng và nhìn bằng ánh mắt vô hồn và phân vân, phải chăng anh sống là vì trên thế gian này còn có một điều gì đó quan trọng phải làm, hay chỉ vì sự lơ đễnh và không hoàn thiện của mình, hay vì người lái taxi nhát gan ở New York.
    Cái chết đã chừa anh ra chỉ trong gang tấc, và ngoác miệng trong tiếng cười giòn tan từ câu chuyện tiếu lâm mà nó đã dựng lên cho anh ở Manhattan.
    Cái chết …
    Anh lại nhớ lại.
    Cái chết khi mẹ anh mất.
    Mẹ anh đã chết dần dần, không ngưng nghỉ. Cứ từng ngày từng ngày một.
    Suốt mười tám tháng.
    Một hôm, người ta bảo rằng không còn cách gì để cứu bà được nữa và họ đưa bà về nhà bằng xe cấp cứu. Và từ ngày ấy bà bắt đầu từ từ ra đi.
    Anh về nhà sau các giờ học ở cả hai khoa mà bà đã tự hào về chúng biết bao, còn bà nằm trên giường, đợi anh và anh phải kể cho bà nghe.
    Về tất cả. Về các bài thi, các bài kiểm tra, về cái nhà ăn sinh viên hôi rình và về các bạn nữ sinh viên mà anh thích.
    Bà nắm tay anh, hồi hộp nghe anh kể bằng cái bóp tay ấy, anh biết rằng bà đang yếu dần đi.
    Ngày nào cũng có một người đến tiêm cho bà, nếu không được tiêm thì bà sẽ ngạt thở. Dạo đầu ông ta chỉ đến ngày một lần. Đến thời gian cuối, có những ngày ông ta phải đến nhà anh đến năm lần.
    Cha anh, mặc dù là nhân viên y tế đã qua đào tạo và đã hai mươi năm lái xe cấp cứu, nhưng chưa bao giờ dám tiêm cho bà. Có lần ông đã thử, vì bà bị khó thở mà họ thì không thể gọi điện được cho người tiêm. Thậm dù ông đã tìm được tĩnh mạch yếu ớt dưới những vết thâm tím mà từ mấy tháng nay không thể mất đi. Nhưng khi đã chọc được kim tiêm, ông lại không thể đẩy được thuốc vào mạch. Anh phải làm việc ấy.
    Bà nhìn vào mắt anh và cười, mặc dù anh biết rằng bà đang phải chịu đau như thế nào.
    Vào một tối tháng mười hai, một tuần trước Giáng sinh, bà khống chờ anh đi học về nữa. Bà ngủ, thở nặng nhọc hơn bình thường. Nhưng anh phải ở bên bà như một khi, cầm tay bà và kể về tất cả những gì xảy ra với anh trong ngày hôm đó. Anh tin rằng bà vẫn nghe thấy anh.
    Đêm hôm ấy bà mất.
    Anh không khóc. Anh không thể. Phải mấy ngày sau đám tang, khi anh từ nghĩa trang về và nhìn thấy cái khăn quàng, cái bàn chải đánh răng của bà trong phòng tắm và cái đánh dấu trang trong cuốn sách bà đang đọc dở nằm trên bàn ngủ cạnh giường, thì nước mắt mới trào ra.
    Trong lễ Giáng sinh, anh cùng bố ra nghĩa trang, trồng một cây Noel cạnh mộ. Họ thắp nến, treo những quả bóng màu. Giống như ở nhà, khi bà còn sống.
    Và vào lễ Giáng sinh ấy, hai bố con đứng ngoài nghĩa trang mấy tiếng liền, hút thuốc lá và khóc bên cạnh nấm mộ được phủ những bông hoa tê cóng và những ngọn nến lạnh giá, còn anh thì ngẫm nghĩ, liệu có ai có được một người mẹ như vậy, đã viết thư cho anh hàng ngày trong suốt năm năm.
    Hàng ngày.
    Sau đó anh nhớ về bố.
    Có thể nói từ sau cái chết của mẹ, ông không còn sống nữa. Nghĩa là hàng sáng ông vẫn thức dậy như mọi người, ông dậy và cùng, đúng ra là cùng chết với bà. Trên mộ, ông cho khắc ở phía dưới phiến đá đen một câu dang dở. Và ngày vui sẽ đến . .
    Họ ở cùng nhau nên anh nhìn thấy ông cô đơn và nhớ bà nhiều như thế nào. Thỉnh thoảng, khi về nhà vào buổi tối, anh bắt gặp ông ngồi trong căn phòng dày đặc khói thuốc, chai vodka đã cạn để trên mặt bàn phủ đầy ảnh mẹ anh.
    Bố thắp nến, xếp ảnh của mẹ ra, xem chúng, nhớ và uống cho đến không biết gì nữa. Đến quên đi thì thôi.
    Anh về nhà muộn và đưa ông lên giường, sau đó dùng dao cạo sạch sáp nến rơi trên mặt bàn và xếp lại những tấm ảnh đen trong vào album, anh nhìn chúng và nghĩ, không biết rồi mình có gặp được người phụ nữ đẹp và tốt như bố đã gặp hay không.
    Sau đó bố bắt đầu ốm. Có thể thấy là ông phó mặc cho số phận và không hề tự vệ.
    Khi anh có học bổng đi New Orleans, họ đưa ông đi viện.
    Người anh trai biết rằng tình trạng của bố rất xấu.
    Anh quyết định bay về Ba Lan.
    Vào một chủ nhật của tháng ba, anh xuống sân bay ở Warszawa, và sau khi đi tàu về đến Wroclaw, anh đi thẳng từ ga vào bệnh viện.
    Mang theo cam mà anh mua cho ông, cùng với một cái áo len dầy cho mùa đông, cùng với hai chương của luận văn tiến sĩ và một trăm đôla biếu các bác sĩ trong bệnh viện. Vì họ đã "quan tâm chăm sóc".
    Bố đang chờ anh và ông đã sung sướng biết bao. Ông mừng kinh khủng và tự hào vì thằng con trai "sắp là tiến sĩ " từ Mỹ về.
    Sáng hôm sau, người anh trai gọi anh dậy và nói rằng bố đã mất đêm qua.
    Còn anh thì biết rằng bố đã chờ anh cùng với cái chết ấy.
    Bởi từ ngày mẹ mất, bố luôn chờ anh.
    Chỉ thỉnh thoảng lắm mới không. Khi ông thắp nến, mang cuốn album ra và uống.
    Hai anh em đến bệnh viện. Ông nằm hoàn toàn trần truồng trên bệ xi măng ướt trong nhà xác ảm đạm và hôi hám vì ẩm ướt cạnh bệnh viện cùng với những cái xác khác.
    Anh không thể chịu đựng nổi một sự xúc phạm như vậy. Anh cởi áo khoác, đắp lên người ông và tức giận túm lấy cái áo choàng bẩn của tay nhân viên vệ sinh, người đã đưa họ tới đây. Người này, mặt đỏ và toàn hơi rượu từ sáng sớm không hiểu mô tê gì. Anh kéo hắn về phía mình và bảo rằng hắn có mười phút để chuẩn bị đưa xác ông cụ đi. Một giờ sau, sau trận lôi đình với tay phụ trách phân khoa, anh đi trong chiếc xe tang nysa, được trả bằng đôla, là thứ có thể giải quyết được mọi việc ở cái đất nước này, với xác ông đặt trong quan tài, về nhà.
    Lần đầu tiên những người sống trong khu tập thể của anh nhìn thấy người ta đưa quan tài cùng với thi thể từ ôtô lên nhà chứ không phải là ngược lại.
    Ở bệnh viện người ta bảo là ông bị ung thư dạ dầy đã di căn sang tất cả các bộ phận khác. Không bao giờ anh quên được tay bác sĩ trẻ, rất tươi cười và bình thản nói thêm:
    - Nhưng cụ đã may mắn khi lại chết vì nhồi máu cơ tim.
    May mắn.
    May mắn... Một từ mới đa nghĩa làm sao... - anh nghĩ và ghê tởm nhìn gã bác sĩ ấy.
    Sau đó họ đến để mang đồ đạc của bố ở phòng bệnh, nơi mà ông đã mất, vế. Trên giường là chiếc áo len anh mới mua, dưới gối là những trang luận văn của anh đã nhàu, còn trên mặt bàn bọc kim loại là quả cam cắt dở. Anh mở ngăn kéo bàn. Ngoài bao thuốc lá đã bóc, mà ông đã hút hết, kể cả ở đây vài giờ trước khi mất, anh còn thấy vẫn những tấm ảnh mà anh thường xếp lại trên mặt bàn đầy sáp nến ở nhà.
    Cho đến lúc đó, mặc dù anh đã muốn từ rất lâu trước đấy, anh mới ngồi xuống giường và khóc như một đứa trẻ.
    Và ngày vui đã đến…
    Những tấm ảnh trắng đen đã mờ, loang lổ với những vết nhăn ấy, cho đến hôm nay luôn là một cái gì đó nhắc với anh nhiều nhất về cha mẹ. Những lần ra nghĩa trang thăm mộ họ, anh rất hay mang theo. Có lần quên, anh phải đi taxi quay về nhà, lấy ảnh rồi mới ra nghĩa trang.
    Natalia... Không, anh không thể nghĩ đến cái chết ấy. Không phải lúc này, không!
    Cái chết. Phải chăng lúc này đó là một điềm báo, hay chỉ là một sự ngẫu nhiên vớ vẩn?
    Anh không quay lại chỗ ngồi. Anh cần phải tĩnh trí lại. Anh bắt đầu đi dọc máy bay. Ánh sáng mờ mờ, vậy nên không ai có thể nhìn rõ nét mặt anh và hai con mắt đỏ của anh. Được một lúc, vẫn cô tiếp viên ấy đi đến chỗ anh, đưa cho anh valium( [2]) và một cốc nước.
    Anh chợt nghĩ ra rằng không có gì để đảm bảo là cô biết KHÔNG CÓ ANH trong chiếc máy bay ấy. Anh cần phải biết chắc điều này.
    Mình không thể làm được điều này cho cô... đơn giản là mình không thể - anh kinh hoàng nghĩ.
    Ngay lập tức anh quay lại chỗ ngồi và bấm số điện thoại của khách sạn cô ở.
    Máy bận.
    Anh liên tiếp gửi đi ba e-mail bây giờ là với lời yêu cầu khẩn thiết và đề nghị khách sạn phải ngay lập tức và không chậm trễ báo cho cô biết về việc thay đổi giờ đến của anh.
    Anh khởi động chương trình kiểm tra kết nối Internet với máy chủ của khách sạn. Tất cả đều hoạt động tốt, mail của anh không bị trả lại, trang web của khách sạn có thể vào được vậy thì anh nhận định rằng mail của anh nhất định phải đến nơi.
    Tuy nhiên điều này không mang đến cho anh một mảy may yên tâm nào.
    Anh có thể cho đi tất cả để cái số Paris chết tiệt ấy cuối cùng cũng hết bận!
    Anh bắt đầu tìm những khách sạn gần đấy với ý định nhờ họ thông báo cho khách sạn của cô. Thậm chí anh đã gọi được cho một khách sạn, nhưng anh không thể hiểu được. Cô nhân viên lễ tân chỉ nói được tiếng Pháp.
    Anh hỏi người ngồi cạnh xem anh ta có nói được tiếng Pháp không, nhưng anh ta không nói được.
    Anh bực bội, valium nói chung chẳng có tác dụng gì, nhưng anh cảm thấy hơi thở của mình càng lúc càng ngắn và anh bắt đầu thấy hụt hơi.
    Anh đứng dậy và bắt đầu đi dọc máy bay. Như vậy bao giờ cũng tốt hơn.
    Một tiếng sau, anh quay lại chỗ và lại tiếp tục gọi điện.
    Đã rất muộn. Ở Paris đã sắp tám giờ và anh bắt đầu sợ rằng sẽ quá muộn.
    Bỗng anh nhận được tiếng tút dài. Anh áp chặt tai nghe và khi đầu dây kia bên vừa có người nhấc máy, anh đã gào lên bằng tiếng Anh, rằng họ phải nối ngay với phòng cô.
    Không có cô. Anh đã bị chậm. Anh đã bị chậm khi bước vào tiểu sử của cô và giờ đây anh lại chậm - Anh cảm thấy mình có lỗi ghê gớm.
    Anh dồn hết sức và điềm tĩnh hỏi họ có nhận được mail của anh không và họ có chuyển chúng cho người nhận không. Sau đó anh kể về vụ tai nạn của TWA và về việc lẽ ra anh đã ở trong chuyến bay đó và rằng có thể cô chưa biết điều này.
    Cô nữ nhân viên lễ tân đã biết về thảm họa qua báo chí, mặc dầu vậy, khi nghe những điều anh muốn nói, cô lặng đi. Khi bừng tỉnh, cô nói rằng cô vừa mới nhận ca trực và không thể khẳng định cũng như phủ nhận điều gì, vì rằng người trực ca trước đó, là người luôn nhận mail, đã biến ngay trước lúc cô đến và mọi người đang đi tìm anh ta. Cô hứa là nếu tìm được anh ta, thì ngay tức khắc sẽ làm rõ toàn bộ vấn đề. Cô chỉ có thể khẳng định sau khi kiểm tra hộp thư đến, rằng các mail của anh đã được người trực ca trước đó đọc. Cô khuyên anh nên gọi lại sau nửa tiếng nữa.
    Khi nói xong, anh nhận thấy hành khách ở mấy dãy ghế trước và sau anh đều nhìn anh rất lạ lùng. Chắc họ đã nghe hết câu chuyện, vì kết nối không được tốt lắm thành thử anh phải nói to. Anh hiểu ra rằng cho đến lúc này, anh là người duy nhất trong khoang biết về vụ tai nạn của TWA.
    Cho đến lúc này. . .
    Anh đã vi phạm lời hứa với cô tiếp viên, nhưng anh đã không có sự lựa chọn.
    Một lát sau thì cả máy bay xì xào, rồi một cô gái, qua trọng âm thì anh đoán là người Mỹ, nói vu vơ rằng cố ta muốn biết người đã tránh được cái chết trong bối cảnh như vậy sẽ cảm thấy như thế nào. Anh trả lời cô ta một cách châm biếm rằng anh không trả lời phỏng vấn, hay có thể cô là người của Times và có mang theo séc. Cô ta hiểu sự châm biếm của anh, nhưng vẫn ngạc nhiên bỏ đi.
    Nửa tiếng ấy mà anh tưởng như vĩnh cửu.
    Anh ngồi với ống nghe trong tay và nhìn vào màn hình máy tính, trên đó có bản đồ với lộ trình của chuyến bay, vị trí hiện tại của máy bay và thời gian. Họ đã rất gần Paris, mà mỗi centimét dịch chuyển trên bàn đồ lại đẩy anh ra xa thêm sự chắc chắn rằng cô biết.
    Nửa tiếng đã trôi qua, anh lại bấm số khách sạn ở Paris. Cô nhân viên lễ tân thanh minh ngay rằng họ chưa tìm thấy người trực ca trước đó. Đơn giản là anh ta biến mất. Cô ta bỗng nhiên nói với anh một điều kỳ diệu:
    - Chúng tôi đã cử một lái xe đi bằng xe của khách sạn ra sân bay Roissy. Nếu không bị tắc đường, thì anh ta phải kịp đến sân bay trước ... vâng, anh biết đấy... trước chuyến TWA ấy. Bạn gái của anh chưa lấy lại hộ chiếu ở chỗ lễ tân, cho nên lái xe thậm chí còn có ảnh của chị ấy và sẽ cố tìm chị ấy. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm được cho chị ấy...
    Anh biết ơn cô ta vô cùng.
    Cô: Qua cửa sổ taxi, cô tò mò quan sát sự hối hả trên đường phố Paris. Sân bay Roissy Charles de Gauue cách trung tâm Paris chừng hai mươi cây số về phía đông bắc, và lái xe, trước khi ra được xa lộ dẫn đến sân bay, phải đi qua khu trung tâm chật cứng người và xe cộ đi lại vào sáng sớm.
    Cô có nhiều thời gian, nên việc dừng lại chờ đèn đỏ hay đứng trong các đám tắc đường không làm cô sốt ruột.
    Lái xe taxi người Ả Rập thỉnh thoảng lại nhìn cô trong gương và cười một mình.
    Đầu tiên anh ta định bắt chuyện, nhưng khi hiểu ra là cô nói với anh ta bằng tiếng Anh, thì đành thôi và chỉ cười.
    Ngoài ra, anh ta rất hay bật ra câu gì đó bằng tiếng Pháp, đột ngột phanh hoặc tăng tốc, thỉnh thoảng lại mở cửa sổ và vẫy tay, la lối gì đó với những tay lái khác giọng rất giận dữ.
    Cô lại thấy hay hay. Đang ở trong tâm trạng tuyệt vời nên hôm nay một thứ đều khiến cô vui thích.
    Trong taxi đang phát ra chương trình âm nhạc buổi sáng, chủ yếu là nhạc Pháp, xen kẽ với các bản tin và thông báo. Có một lúc, lái xe vặn to radio và nghe rất chăm chú. Sau đó anh ta bắt đầu nói gì đó với cô bàng tiếng Pháp, nhưng không nhìn thấy một phàn ứng nào nên đành lặng im. Chẳng mấy chốc họ đã ra đến xa lộ. Lúc này họ đi qua những tòa nhà giống nhau như những giọt nước của ngoại ô Paris. Không còn đẹp như ban nãy nữa; cô phải thừa nhận là về nguyên tắc, ở Warszawa cũng chẳng khác gì.
    Sau hai mươi phút họ đã ở Roissy và đi vào ga đến mà máy bay của TWA sẽ hạ cánh. Cô trả tiền cho lái xe, còn anh này nhanh nhẹn ra khỏi xe khi họ dừng lại, mở cửa xe cho cô. Cô nghĩ rằng ở Warszawa thì không thể có như vậy được. Như cho đến bây giờ, chưa từng có một lái xe taxi nào ra khỏi xe và mở cửa xe cho cô.
    Sau khi vào sảnh chờ, cô nhìn quanh và điều đầu tiên cô nhận thấy là sự yên lặng khó tin. Xung quanh rất nhiều người, nhưng cô có cảm tưởng như lại yên lặng bất thường. Cô lấy tờ giấy in bức e-mail của anh, trong đó anh thông báo cho cô mọi chi tiết về chuyến bay của anh. Cô quyết định trước khi ra cổng đậu của TWA800, cô sẽ hỏi xem có gì thay đổi không.
    Cô đi trên bàn làm việc của dịch vụ TWA.
    Cô nhìn thấy dòng tên của hãng, to, màu đỏ. Khi đến nơi, cô bỗng nhận thấy những êkíp làm truyền hình với camera và các phóng viên với micrô. Trên nền đá có ba bộ cáng thường được dùng trong các xe cứu thương đứng cạnh nhau, ba phụ nữ đang khóc nằm trên đó. Những nhân viên cứu thương mặc gilê vàng phản quang đang nghiêng người trên những cái cáng. Cạnh một cái, cô ngạc nhiên nhìn thấy một mục sư đang nắm tay một phụ nữ đứng tuổi im lặng.
    Cô cảm thấy lạ.
    Cô len đến bàn dịch vụ khách hàng nằm xa nhất. Một người đàn ông đứng tuổi tóc bạc mặc đồng phục có gắn biển TWA đứng ở đó.
    Cô hỏi về chuyến bay TWA800.
    Đột nhiên, có một cái gì đó rất lạ lùng. Người đàn ông đi ra khỏi cái quầy nặng nề ngăn giữa nhân viên phục vụ với khách hàng, đến rất gần cô và hỏi có phải cô đến để nhận ai đó đã bay chuyến này. Khi cô xác nhận, ông ta gật đầu với ai đó đứng ở quầy bên, rồi cầm cả hai bàn tay cô, nhìn vào mắt cô và nói với giọng bình tĩnh và rõ ràng bằng tiếng Anh:
    - TWA800 đã không bay tới nơi. Máy bay bị rơi xuống biển mười một phút sau khi cất cánh và tất cả hành khách cùng phi hành đoàn đã thiệt mạng. Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc.
    Cô đứng bình tĩnh và ngạc nhiên, không hiểu tại sao người đàn ông này lại cầm tay cô.
    Nghe câu nói đó... và quay lại vì cho rằng ông ta nói với ai đó khác.
    Không có ai... "Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc…" chợt chạm vào cô và cô bỗng hiểu tất cả: những cái cáng, êkíp làm truyền hình, sự im lặng.
    Cô lại nghe thấy giọng nói của người đàn ông kia:
    - Hành khách mà chị muốn đón đã là như thế nào với chị?- Đã là ??? Sao lại đã là . . . Đó là Jakub . . . Anh đang là chứ không phải đã là ...
    Nước mắt trào ra không thể giữ nổi. Cô muốn nói một điều gì đó nhưng không thể. Bỗng một phụ nữ cũng mặc đồng phục giống người đàn ông vừa rồi chạy đến, và không cần hỏi xem cô có đồng ý hay không, họ dẫn cô ra chiếc sôpha ở phía sau quầy.
    Cô bị mất tiếng. Cô nghe thấy hết những gì xảy ra xung quanh mình nhưng không thể nói được câu nào.
    Jakub không còn nữa.
    Anh bay đến với cô, thế mà giờ đây không còn anh nữa.
    Vậy mà anh đã luôn luôn có mặt, luôn luôn, mỗi khi cô cần. Chưa bao giờ anh muốn bất cứ điều gì thay thế. Đơn giản là anh đã có mặt.
    Cô nhớ lại lần đầu tiên họ nói chuyện với nhau trên mạng, sự nhút nhát của anh và tất cả những chuyện mà anh đã kể cho cô nghe. Anh đã làm thay đổi thế giới của cô, anh bắt đầu thay đổi cô... Vậy mà giờ đây không còn anh.
    Cô khóc không thành tiếng. Một nỗi buồn và nuối tiếc vô hạn trùm lên cô. Mọi người nhận thấy cô bị mất tiếng bèn gọi nhân viên y tế.
    Anh ta đến, cầm tay trái cô và tiêm gì đó vào tĩnh mạch.
    Cô ngước mắt lên, nhìn người này như thể nhìn một người từ hành tinh khác đến.
    Bỗng nhiên người trực lễ tân của khách sạn xuất hiện bên cạnh nhân viên y tế. Cậu ta đẩy nhân viên y tế ra, lôi một tờ giấy đã nhàu từ trong túi ra, vừa chỉ vừa gào lên với cô gì đó bằng tiếng Ba Lan. Cái hợp chất mà nhân viên y tế vừa tiêm cho cô bắt đầu hoạt động, lại được cú sốc mà cô vừa trải qua làm cho mạnh hơn lên. Cô phải tập trung ở mức cao nhất để hiểu điều người Ba Lan kia nói.
    Người này lại gào lên một lần nữa:
    - Jakub bị nhỡ chuyến bay này và nửa tiếng nữa sẽ đến đây bằng máy bay của hãng Della. Chị hiểu không? Anh ấy còn sống! Không có anh ấy trong chuyến bay kia... Anh ấy vẫn đang trên đường bay đến với chị! Chị hãy nói đi, là chị đã hiểu đi !!!
    Cô chợt hiểu ra...
    Cô giơ tay giật lấy tờ giấy và đọc.
    Cô đọc đi đọc lại rồi cô đẩy mọi người, đứng dậy và bỏ đi không nói không rằng.
    Người trực lễ tân, cũng không nói không rằng, đi cạnh cô ra phía cửa của sảnh đến của Della.
    Cậu ta để cô ngồi trên ghế dài cạnh cửa ra và nói rằng máy bay đã hạ cánh. Rồi cậu ta bỗng quỳ trước mặt cô mà xin lỗi là đã đến sân bay quá muộn. Sau đó cậu ta đứng dậy rất nhanh và bỏ đi.
    Cô ngồi hoàn toàn một mình trên cái ghế dài đối diện với cửa ra và nhìn chằm chằm vào đó.
    Cô hình dung mình lúc này trông như thế nào: trang điểm nhem nhuốc, một vết thâm quanh chỗ vừa bị tiêm.
    Như một con nghiện nào đấy - cô cười nghĩ.
    Cô lại có thể cười.
    Bỗng nhiên cô bật khóc, đặt tay như đang cầu nguyện và mặc dù chưa bao giờ tin vào Chúa, cô vẫn thì thầm:
    - Lạy Chúa tôi, xin cám ơn Người vì điều đó.
    
    ANH: Anh không thể quên được những gì đã xảy ra sau khi hạ cánh. Họ đã chờ đợi tưởng như vô tận lúc miệng ống mở ra. Ngay từ khi họ còn đang trên vùng trời Dover ở Anh anh đã chuẩn bị ra cửa! Lúc này, khi đeo laptop và đứng trong máy bay ngột ngạt sau những hành khách của khoang hạng nhất anh còn bị ngột ngạt vì sốt ruột.
    Anh muốn được chắc chắn làm sao, rằng cô đã biết.
    Cuối cùng thì miệng ống cũng được mở. Đứng bên lối ra chính là cô tiếp viên ấy.
    Anh dừng lại, còn cô đưa cho anh hai tờ giấy xám được ghim lại.
    - Tôi lấy được di vật này cho anh, anh đừng để mất đấy nhé - cô ta nói.
    Anh hôn tay cô để tạm biệt và nói:
    - Nhất định chúng ta còn gặp nhau, bởi tôi bao giờ cũng bay bằng Della. Chỉ có lần này là họ muốn chuyển tôi sang TWA thôi, nhưng ngay cả Chúa cũng không muốn điều đó. Cám ơn chị vì tất cả.
    Khi ra khỏi cổng, nhìn thấy cô đang khóc trên chiếc ghế dài ấy anh biết là người ta đã báo cho cô quá muộn. Nhưng anh cũng biết là nói chung người ta đã không báo cho cô.
    Anh chầm chậm đi về phía cô và nhìn thấy là cô đã để ý thấy mình. Anh lại gần hơn, còn cô không đứng dậy khỏi ghế, đưa tay lên môi ra hiệu cho anh đừng nói gì.
    Anh nhìn thấy những gì cô đã trải qua trước khi có mặt ở đây. Anh ngồi xuống cạnh cô, không nói gì, chỉ nhìn vào mắt cô. Bỗng nhiên cô cầm hai bàn tay anh, đưa lên miệng và hôn.
    Anh muốn thanh minh, muốn xin lỗi nhưng cô không để cho anh làm việc đó.
    Cô chỉ thì thầm gọi tên anh, thỉnh thoảng chạm vào anh như thể muốn chắc rằng đây đích thực là anh. Anh không thể kiềm chế được nỗi xúc động khi cô liên tục cám ơn anh vì anh đã ở đây với cô và vì anh còn sống.
    Một tiếng đã trôi qua, họ đã dịu bớt. Hai người không một lần nhắc đến vụ tai nạn kia.
    Họ dần vui mừng vì sự có mặt của nhau.
    Cuối cùng thì họ cũng quyết định rời sân bay. Cô vào toi-let để sửa lại trang điểm, trong lúc đó anh đi tìm đại diện của Avis để lấy chiếc xe đã đặt trước. Sau những thủ tục ngắn gọn, họ đã đứng trước chiếc saab 9000 convertible bóng loáng, có ghế bọc da màu champagne.
    Cô bảo anh đến khách sạn của anh, để cô tắm và tỉnh táo lại sau tất cả những chuyện đã qua. Cô không muốn quay về khách sạn của mình vì biết rằng bây giờ cô sẽ gây nên chấn động ở đó như thế nào nếu mọi chuyện loang ra.
    Anh dừng lại khách sạn La Louisiane ở Saints Germain. Một khách sạn cũ, tiện lợi, có không khí, có một nhà hàng ấm cúng nằm trong phần công trình sát với khu vườn đầy cây cối.
    Theo anh, thì đây là khách sạn lãng mạn nhất ở Paris.
    Chuyến đi bằng xe mui trần đã khiến cả hai tỉnh táo lại.
    Họ không nói nhiều, chỉ thỉnh thoảng lại nhìn vào mắt nhau, còn cô đôi lúc chuyển dịch tay để vô tình chạm vào anh khi anh thay đổi tốc độ.
    Trên đường về Saint Germain, trong xe đầy ắp một tình cảm lễ hội.
    Anh cho xe vào giữa bên dưới khách sạn, lấy chìa khóa phòng và một lát sau, họ đã hân hoan trong sự mát mẻ của những bức tường cao.
    Anh đặt champagne. Khi họ đã đứng với những chiếc ly trong tay, cô mới nói:
    - Jakub, chưa bao giờ em nhớ ai như thế này.
    Anh không thể nói gì. Chỉ chạm tay trái vào má cô.
    Họ quyết định từ hôm nay, sẽ luôn uống vì sức khỏe của những người lái xe taxi ở Manhattan, đặc biệt là những người Ấn Độ.
    Sau đấy cô đi tắm.
    Còn lại mình anh trong phòng, nghe rõ tiếng nước của vòi tắm từ phòng tắm, còn anh thì biết rằng mặc dù cô đã khiến anh cực kỳ bị quyến rũ và xúc động, anh vẫn sẽ không vào phòng tắm. Anh rất muốn làm thế, nhưng sự e ngại rằng có thể mình sẽ làm hỏng mất một điều gì đó hoặc vi phạm một điều gì đó trong mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng tuyệt đối này vẫn lớn hơn. Nhất là hôm nay, sau những gì họ đã trải qua.
    Anh lấy trong vali gói quà mà anh đã mang cho cô. Anh để nó lên giưởng rồi ngồi trên tấm thảm nhung đặt giữa giường và tường, cầm tờ báo cố đọc để chờ cô.
    Được một lát, anh thiếp đi.
    CÔ: Cô đứng dưới vòi tắm và cảm nhận niềm hạnh phúc lớn lao đang đến với mình như thế nào. Cô cảm thấy nó đang gột rửa những nếm trải của sáng hôm ấy, một buổi sáng y như câu chuyện trong sách mà ai đó đọc cho cô nghe. Chưa bao giờ cô đọc những cuốn sách như vậy. Vì tiếc thời gian.
    Cô quyết định từ bây giờ thỉnh thoảng sẽ đọc sách. Cô nghĩ là anh sẽ vào phòng tắm này. Cô chờ. Như vậy sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Không ai có thể tin tưởng vào ai đó hơn là cô đã tin anh, cô dám chắc điều này. Cô khát khao anh kinh khủng. Và cảm thấy hôm nay chính là cái ngày ấy.
    Cô chờ nhưng anh không vào.
    Chỉ khoác trên người mỗi cái khăn tắm bông to, cô ra khỏi phòng tắm.
    Cô nghĩ rằng ở bên anh, mọi rào cản đều bị dỡ bỏ. Cho tới lúc này, cô chỉ có thể ra khỏi nhà tắm với mỗi chiếc khăn tắm trên người trước mặt chồng mà thôi.
    Trên giường, cô nhìn thấy một hộp bọc giấy màu và buộc bằng ruy băng đỏ.
    Jakub nằm ngủ giữa giường và tường.
    Chắc anh phải mệt lắm sau chuyến bay và sau những chuyện đó.
    Chắc vì thế nên anh đã không vào buồng tắm...
    Cô cười.
    Nếu bây giờ anh đã ngủ với mình khỏa thân trong phòng tắm thì sau đấy sẽ là gì... - cô nghĩ với nụ cười gượng gạo.
    Cô lấy chăn trên giường đắp cho anh.
    Còn mình thì nằm trên giường; không dám chắc đó là quà cho mình nên cô không dám mở gói.
    Nghe hơi thở đều đặn của anh, cô phân vân, không biết mình có yêu anh không...
    Khi tỉnh giấc, cô chưa mở mắt ngay và cảm thấy có một điều gì đó đang xảy ra.
    Chiếc khăn tắm mà cô choàng bỗng tuột khỏi người cô. Cảm thấy âm ấm ở vùng bụng dưới. Cô khẽ mở mắt.
    Anh đứng bên giường và chạm môi vào bụng cô.
    Cô giả vờ ngủ để quan sát anh qua hàng mi khép hờ.
    Anh nhìn cô đắm đuối, nhưng một lát sau anh nhẹ nhàng, cố để không làm cô thức giấc, đắp lại khăn cho cô và đi ra.
    Khi từ phòng tắm đi ra, anh thấy cô đã mặc quần áo.
    Đã khá muộn, họ quyết định xuống nhà hàng dưới nhà để ăn tối.
    Anh gọi điện xuống lễ tân đặt bàn.
    Sau đó anh tặng cô gói quà với nụ cười, nhưng cô hỏi anh liệu cô có thể đầu tiên là vui vẻ vời bữa tối, sau đó là với gói quà của anh.
    Anh trả lời cô là trông cô tuyệt đẹp.
    Họ xuống dưới nhà. Khi người phục vụ đưa họ đến cái bàn cạnh cửa sổ, trong nhà hàng có tiếng nhạc piano nhè nhẹ.
    Paris, anh, những ngọn nến, âm nhạc... Cô cảm thấy hạnh phúc biết bao.
    Nhà hàng chỉ có thực đơn bằng tiếng Pháp, vậy nên cô bảo rằng bữa tối hôm nay hoàn toàn tùy thuộc vào khẩu vị của anh.
    Anh gọi đủ các món ăn mà tên của chúng cô cũng không biết, và khi chúng được nói lên bằng tiếng Pháp thì nghe như tên các loài hoa. Cô chỉ nhắc với anh rằng ly của cô lại cạn rồi. Anh cười và giả vờ dạy cho người phục vụ bàn.
    Họ cười, đùa, họ phân vân trước tình bạn kỳ lạ của họ.
    Họ kể về những điều xảy ra với họ những khi họ nhớ nhau. Rồi anh đứng dậy, xin cô cho phép và đi ra.
    Cô phân vân không biết phải làm thế nào để anh hiểu được là cô muốn ăn tối xong hai người sẽ cùng quay lại phòng anh.
    Bởi cô biết rằng nếu cô không muốn, anh sẽ không bao giờ đề xuất việc này.
    Một nụ hôn vào cổ đã bứt cô ra khỏi dòng suy nghĩ. Anh đứng sau lưng cô, vén tóc cô và hôn vào cổ cô. Cô ước gì cứ như thế mãi.
    Cô quay đầu lại, khơi gợi cuộc gặp gỡ của những làn môi. Nhưng anh đã kịp lùi đầu lại. Anh ngồi đối diện với cô.
    Cô phân vân, tại sao anh lại làm thế, phải chăng anh quá nhút nhát hay anh quá sợ bị từ chối?
    Ăn tối xong, anh đề nghị được đưa cô về khách sạn của cô. Mặc dù đã lường trước điều này nhưng cô vẫn cảm thấy thất vọng. Cô chỉ cười và đồng ý. Anh bảo dọc đường đi sẽ chỉ cho cô Champs Elysees về đêm.
    Dòng ôtô nườm nượp. Họ dịch chuyển chậm như sên, và khiến cho khách du lịch như họ ngạc nhiên. Ai cũng biết, kể cả cảnh sát rằng phần lớn lái xe có cồn trong máu, nhưng ở Paris vào nửa đêm thì chẳng ai quan tâm đến điều này. Cô mừng vì họ có thể thoát được. Cô đang bị hưng phấn.
    Bỗng nhiên cô này ra một ý tưởng thiên tài. Cô hỏi anh liệu cô có thể lái xe được không.
    Cô muốn có được cảm giác đi trên Champs Elysses, gần Khải Hoàn môn giữa dòng xe cộ vào ban đêm.
    Anh đồng ý ngay lập tức. Họ dừng lại một lát để đổi chỗ.
    Cô đi quanh Khải Hoàn môn rồi rẽ vào một phố ngang dẫn đến khách sạn của anh.
    Anh nhìn cô ngạc nhiên. Cô cười và bảo rằng cô quên một thứ rất quan trọng trong phòng anh, đó là gói quà anh tặng cô. Cô nhấn ga.
    Cô biết là bây giờ thì anh đã hiểu rằng cô cho phép anh.
    Anh chạm vào miệng cô và nói:
    - Em chạy nhanh lên đi.
    Ngay ở trong thang máy cô đã cởi khăn quàng cổ, nhẫn, dây chuyền vàng mà cô đeo bên dưới khăn quàng. Khi ra khỏi thang máy, cô tháo giầy.
    Chỉ vừa vào đến phòng, cô đã cởi áo sơmi cho anh.
    Anh cởi đồ cho cô, bế cô trên tay và đưa lên giường.
    Anh hôn khắp người cô. Anh làm với cô những điều tuyệt vời.
    Cuối cùng thì anh không hỏi gì.
    Suốt thời gian ấy anh thầm thì rằng với anh cô đẹp biết bao, cô cần cho anh biết bao và anh nhớ cô vô cùng. Nhưng anh đưa cô đến trạng thái đê mê thực sự vào những khoảnh khắc mà anh thì thầm nói với cô những gì một lát nữa anh sẽ làm. Anh sẽ hôn cô ở chỗ nào, sẽ chạm vào cô ở đâu và cô cảm thấy gì khi anh làm thế.
    Sau đó, lúc gần sáng, khi đã thiếp đi mà vẫn cười một mình, cô cảm thấy bàn tay anh trên ngực mình và thậm chí cô không cố suy nghĩ xem điều gì vừa xảy ra.
    Cô biết rằng điều này sẽ còn đến và lúc này âm nhạc trong phòng và sự yên tĩnh này chỉ là để thư giãn. Cô chạm tay vào môi anh. Anh không ngủ và xoay người về phía cô.
    Cô chờ cho đến lúc anh làm điều đó.

Xem Tiếp Chương 11Xem Tiếp Chương 13 (Kết Thúc)

Cô Đơn Trên Mạng
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Đang Xem Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Đi Qua Hoa Cúc
» Giữa Cơn Gió Lốc