Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Quỳnh Dao » Điệp Khúc Màu Xanh Tác Giả: Quỳnh Dao    
    Xuân Châu ngồi đối diện bên kia bàn, lặng lẽ nhìn Thu Trân mỉm cười, một hồi lại hơi nhíu mày, tựa hồ đang vui buồn lẫn lộn trong lòng. Một chập, bỗng lên tiếng khẽ hỏi:
    - Chị hai! Trong thư anh Tường Phương viết những gì mà xem chị có vẻ nửa mừng nửa lo vậy?
    - Viết dài lắm, đủ thứ chuyện. Nầy, hay là em đọc một lượt đi.
    - Anh ấy viết cho chị mà em xem cái nỗi gì. Em hỏi đây là chỉ hỏi chung về nội dung, có điểm nào làm chị lo buồn hay không, vậy mà.
    - Tường Phương khen chị ôn nhu, đứng đắn và kiên cường. Được anh ấy khen, tự nhiên là chị rất thích thú.
    - Thế sao em thấy dường như chị lộ nét băn khoăn tư lự?
    - Cặp mắt em quả đúng là mắt thần! Thật ra, đọc thư Tường Phương xong, chị thấy có chỗ rất đáng ngại.
    - Ủa! Chuyện gì thế?
    - Có mấy đoạn Tường Phương đề cập cuộc chiến tranh Trung Nhật hiện nay. Phải nhìn nhận Tường Phương có tấm kiến thức sâu sắc, đã nhận định rất xác đáng. Có điều... anh ấy lại dùng toàn ngôn từ đanh thép lên án bọn phát xít Đức, Ý, và quân phiệt Nhật háo chiến, đồng thời nồng nhiệt cổ võ chánh nghĩa quốc gia Trung Hoa...
    - Ồ! Đó là tinh thần ái quốc cao quí, là chí khí hiên ngang đáng phục của người con trai thời đại.
    - Đành vậy. Nên chị thành thật tăng phần kính mến anh ấy lắm. Nhưng... em quên rằng cả Thượng Hải lẫn nơi đây đều đang nằm dưới bạo lực khống chế của quân phiệt Nhật, cố nhiên họ kiểm soát chặt chẽ đường bưu chính, nếu họ duyệt thấy bức thư loại này, thì Tường Phương sao khỏi lãnh hậu quả thảm hại?
    Xuân Châu chợt hiểu ra, sắc diện biến đổi hẳn hoang mang rõ rệt.
    - Phải rồi! Nguy hiểm thật! Bây giờ chị tính thế nào? Có cách gì tránh tai họa cho anh ấy không?
    - Chị đang suy nghĩ đây. Chị định viết thư hồi đáp ngay cho Tường Phương, để khuyên Tường Phương nên dè dặt.
    - Phải đấy! Chị tính cách đó hay lắm. Vậy chị mau mau viết thư liền đi.
    Thấy em lúc nào cũng toàn tâm ý quan thiết đến mọi việc vì mình, Thu Trân rất cảm động, mà cũng rất ái ngại, tội nghiệp cho em, liền trấn an Xuân Châu:
    - Được rồi, chị sẽ viết xong nội đêm nay, sáng mai mình đi học là gởi luôn. Dù sao thì sự thể cũng chưa đến nỗi nào, đây là mình chỉ cẩn thận đề phòng, nhắc khéo cho Tường Phương vậy thôi.
    - Ý! Đâu thể coi thường được. Nếu anh ấy có bề nào thì khổ cho chị. Nầy, chị nhớ viết như thế nào cho anh ấy chẳng những cẩn thận trong thư từ, mà cũng phải coi chừng ngay ở trường học của anh ấy nữa, nếu những lúc tới trường mà anh ấy cứ bộc lộ thái độ yêu nước, chống quân phiệt Nhật thì chính một số thầy dạy và bạn học chung quanh anh ấy sẽ làm khổ anh ấy đấy.
    Mặc dù chưa từng có kinh nghiệm va chạm cuộc đời, nhưng bẩm chất Xuân Châu vốn thông minh, bén nhạy, nên tự nhiên đề xuất điểm chu đáo như thế, khiến Thu Trân càng thương quý, cảm kích em. Nàng lại tìm lời trấn an em lần nữa và lấy giấy bút viết thư cho Tường Phương ngay.
    Xuân Châu cứ ngồi đợi đến khi Thu Trân viết xong bức thư, lại bảo chị đọc cho nghe đoạn thư khuyên Tường Phương.
    Cố nhiên là Thu Trân đã viết thật khéo, để chẳng đến nỗi làm suy giảm chí khí hiên ngang của vị hôn phu; đồng thời tránh lộ liễu có thể gây bất lợi cho chàng.
    Đêm đã khuya, hai chị em cùng lên giường. Xuân Châu ngủ được ngay, vì dường như đã tìm được sự an tâm.
    Riêng Thu Trân, phần rạo rực vì những lời lẽ tha thiết yêu đương của Tường Phương đã ngỏ trong thư, phần băn khoăn lo ngại cho sự an nguy của chàng... nên cứ thao thức mãi. Nàng nhận ra, ái tình tuy cam mật, êm ái thật, nhưng cũng quá bận tâm...
    Tường Phương quả không hổ là một con người thông minh, phục thiện, đáng là bạn tri âm của Thu Trân. Sau khi nhận được lời nàng khuyên, chàng liền tránh hẳn bàn đến thời cuộc trong thư gởi cho nàng.
    Tiếp được bức thư thứ ba của chàng, Thu Trân lấy làm an tâm và đầy phấn khởi, yêu đời. Nàng âu yếm áp bức thư vào ngực, rồi lại đưa lên môi hôn...
    Hai người cứ đều đặn trao đổi cho nhau hai lần thư từ mỗi tháng. Tuy chưa từng giáp mặt nhau, nhưng chàng và nàng đã đạt đến mức độ thông cảm thật đậm đà, chân thành, nhờ tâm hồn của cả hai đều cởi mở, trung thực. Chỉ bằng thư từ mà chàng và nàng hình dung như được kiến diện nhau mỗi người đều tự biết rằng mình đã yêu bằng tất cả tình ý, trọn đời sẽ chẳng quên nhau...
    Tuế nguyệt chất chồng, thời gian vẫn chẳng ngừng trôi qua.
    Đến mùa nghỉ hè năm nay thì Thu Trân, Xuân Châu đã học xong lớp mười một. Và dứt hè, tựu trường, hai chị em tiếp tục lên lớp mười hai.
    Xuân Châu bỗng dưng "nổi giò" cao lớn hẳn lên, đứng hơn Thu Trân gần một cái đầu; và cả cốt cách, tư thái cũng thuần hẳn lại, trở nên một "đại cô nương" rõ rệt.
    Một đêm hai chị em đang nằm chung giường, Xuân Châu không biết chợt nghĩ đến chuyện gì mà bật cười khúc khích một mình. Thu Trân hỏi tại sao cười, Xuân Châu chẳng trả lời.
    Chập sau, Xuân Châu nằm sát lại, chung một gối với Thu Trân và lên tiếng:
    - Em muốn hỏi một chuyện, đề nghị chị cho biết thực tình, nhé.
    - Hễ biết bao nhiêu thì chị sẽ nói thật hết bấy nhiêu, chuyện gì vậy?
    - Chị còn nhớ một năm trước đây chúng ta đã nói gì với nhau không?
    - Cả một năm 365 ngày, chị em mình nói với nhau biết bao nhiêu chuyện mà kể, làm sao nhớ hết được? Em phải nhắc rõ là chuyện gì thì chị mới nghĩ ra chứ.
    Xuân Châu không cười tí nào, khẽ kể:
    - Chị nói... chị em mình tuy hai mà là một. Chị đã nói như thế chiều bữa trước, thì ngay sáng sớm hôm sau em đặt vấn đề: muốn vĩnh viễn là "một", chị em mình không có cách nào khác hơn là kết hôn chung một chồng... Và chị cũng nhìn nhận chỉ có biện pháp ấy thôi.
    Nghe Xuân Châu thình lình nhắc lại như vậy, Thu Trân không khỏi hồi hộp, nhịp tim đập rộn lên, tuy nhiên nàng vẫn cố làm tỉnh:
    - Chị nhớ rồi, đúng là chúng ta đã từng nói chuyện ấy.
    - Chị đã bảo em rằng, ngoài biện pháp ấy, không còn cách nào hay hơn?
    - Phải rồi, lúc đó chị đã trả lời như thế.
    Xuân Châu bỗng tỏ vẻ tức giận, nghinh mặt hất hàm, hậm hực cật vấn:
    - Tại sao chị phải trả lời như thế? Vì lẽ gì hồi ấy chị không nói là em đã lầm?
    - Vì tình tỷ muội chúng ta quá khắng khít, em chẳng muốn xa rời chị, mà chị cũng không đành chia lìa em vì cái cớ đi lấy chồng...
    Thu Trân vòng tay ngang thân hình nở nang của Xuân Châu, thân thiết tiếp lời, hỏi:
    - Hình như em có vẻ giận, tại sao vậy?
    Nào ngờ Xuân Châu giẫy nẩy gỡ tay Thu Trân ra, giọng đầy bất mãn:
    - Hồi đó, em chưa hiểu biết bao nhiêu, mới ngây ngô đề ra phương cách ấy, đáng lẽ chị bảo ngay cho em hay, như thế là không đúng, không thể được, trái lại, chị lại lấy sự lầm lẫn ấy của em mà đùa cợt.
    Thu Trân vội phủ nhận:
    - Không... chị đâu có đùa cợt em!
    - Hừ, trên đời làm gì có biện pháp ấy? Như thế còn phải là chuyện đùa cợt ư?
    Thu Trân lại quàng lưng em:
    - Em khoan hờn giận, để chị giải thích em nghe.
    Xuân Châu cười lạt:
    - Còn giải thích ra sao nữa? lẽ chị chấp nhận em chia đoạt đi phân nửa tình yêu của chồng chị?
    Thu Trân nghiêm trang, thành khẩn:
    - Nếu em chịu như vậy, chị sẽ tuyệt đối nguyện ý, chị em mình đã chung hoạn nạn, chung vui sướng, thì cũng có thể chung tình yêu.
    Xuân Châu nhìn chị bằng ánh mắt kinh dị, rồi để yên, gỡ tay Thu Trân ra nữa, vừa hỏi vặn:
    - Chị hai! Chị nói thật lòng đấy chứ?
    Thu Trân vuốt má em:
    - Với em, chị bao giờ nói lời giả dối. Em đã vì mến yêu chị mà tình nguyện hy sinh ưu thế riêng, chấp nhận sự lạnh nhạt của má... Còn chị, tại sao thể nguyện ý nhường một nửa tình yêu của chồng cho em?
    - Chị sẽ không hối hận chứ?
    - Không. Dù đem trọn cụôc tình ái của chị mà nhường hẳn cho em, chị cũng quyết không hối hận, Vì em đã thương yêu chị bằng tất cả tình huyết nhục thủ túc.
    Xuân Châu trầm mặt không nói.
    Thu Trân chợt nhận biết đôi má mình đẫm ướt. Thì ra, là nước mắt của Xuân Châu. Nàng giật mình:
    - Em... tại sao em lại khóc?
    - Chị hai! Chị... chị... quá tốt!
    Xuân Châu nghẹn ngang trong cổ và bật khóc rấm rứt. Một lúc, lại cố nói tiếp:
    - Nhưng mà... Chị hai! Chị hiểu lầm tâm ý của em rồi. Dạo nọ, sở dĩ em nói như thế, vì quá thương chị, chỉ sợ chị đi lấy chồng thì xa cách nhau, nên mới nghĩ đến biện pháp xuất giá chung. Thế thôi, kỳ thực đâu phải vì em dám yêu anh Tường Phương...
    Quả là tình thương thủ túc ruột thịt hết sức chân thành, thuần khiết, chánh đáng! Thu Trân cảm kích khôn cùng, chẳng biết làm sao hơn là ghì chặt em gái vào lòng mà sụt sùi.
    Xuân Châu hôn lia lịa vào mặt vào mũi chị, đoạn lau nước mắt cho cả hai, bỗng cười khúc khích:
    - Ê, lêu lêu! Chồng sắp đi cưới tới nơi mà cứ ưa khóc! Cũng chả biết ghen là gì hết, dở khẹt! Nầy, nầy... nhớ giùm cho, cái vụ nãy giờ, khi viết thư cho anh Tường Phương, cấm chị kể lại cho anh ấy đấy nhé! Nếu cãi lời em sẽ... thế nầy... thế nầy...
    Bị em cù lét mấy cái, Thu Trân la oai oái và cũng bật cười theo...
    
    
- o O o -

    
    Cuộc chiến tranh càng trở nên quyết liệt. Bên cạnh quốc quân Trung Hoa còn có lực lượng hùng hậu của Đồng Minh. Phen quân phiệt Nhật núng thế dần trên khắp các mặt trận...
    Tình hình rối rắm, công việc làm ăn khó khăn, thân phụ Thu Trân phải ngưng chỉ nghề khai thác gỗ rừng, mà đành ở nhà, tạm xoay qua làm nhân viên khiêm nhượng cho một hãng buôn đồng lương chẳng bao nhiêu, khiến mức sống gia đình không khỏi chật vật, túng thiếu.
    Kế mẫu Thu Trân chẳng đủ tiền để đánh bài tự do như mọi khi, đâm ra cáu bẳn, gắt ó cả ngày.
    Cũng may, chị em Thu Trân đều đã tốt nghiệp Cao Trung.
    Nhưng kế mẫu viện cớ cảnh nhà sa sút, nhất quyết khôang cho hai chị em nàng đi học nữa, mặc dù thân phụ nàng sẵn sàng chấp thuận hai con tiếp tục lên đại học.
    Thu Trân hiểu, sở dĩ kế mẫu phản đối như vậy, cũng chẳng qua chỉ vì mình, chớ riêng với Xuân Châu, bà vẫn không ngăn cản.
    Nàng lại nghĩ, Xuân Châu đang độ tiến triển, rất tha thiết theo đuổi học vấn, đó là điều đáng khuyến khích, nàng không thể để em thất vọng, không đành lòng thấy em phải nghỉ học vì mình.
    Và nàng chọn lựa một con đường: kiếm sở làm, vừa đỡ đần cho cha già, vừa góp phần thực tế lo cho em lên đại học. Bề nào nàng cũng đã có mảnh bằng Cao Trung trong tay, xin việc không mấy khó.
    Quả nhiên, khi nàng ngõ ý, kế mẫu rất hoan hỉ và bằng lòng để Xuân Châu tiếp tục học ngay.
    Thế là hàng ngày Xuân Châu đến đại học, còn Thu Trân vào làm cán sự điều dưỡng cho một bệnh viện tư...
    Tính ra, đã cả năm rồi, giữa Thu Trân với Tường Phương không còn liên lạc thư từ với nhau. Vì lẽ, trong một bức thư sau cùng, chàng cho nàng biết là chàng sắp rời Thượng hải, bảo nàng đừng gởi thư cho chàng nữa, hãy chờ khi nào chàng có địa chỉ mới một cách chắc chắn, chàng sẽ cho hay.
    Tường Phương chỉ vắn tắt là chàng sắp rời Thượng Hải, chớ không nói rõ vì nguyên cớ gì, sẽ đi đâu và cùng dời đi cả gia quyến hay chỉ một mình chàng. Dù vậy, chàng đã bảo, nàng phải tuân theo, đành ngưng gởi thư cho chàng.
    Một năm dứt liên lạc, bặt âm hao nhau, nàng hoàn toàn không hiểu gì nữa về tin tức chàng. Biết bao băn khoăn, nhung nhớ, biết bao hoài nghi, sầu muộn... nhưng nàng làm sao hơn?
    Đã thế, ngày ngày nàng còn phải chứng kiến những cảnh phân ly tang tóc vì chiến nạn, xảy ra chung quanh mình, khiến tâm tư càng đau xót.
    Nàng chỉ còn một cách là cặm cụi vào công việc để khuây khỏa ưu tư, lãng quên điều bất như ý, cho qua những tháng năm dài...
    Xuân Châu đang học năm thứ hai đại học thì phụ thân nàng lâm bạo bệnh. Dù được chữa trị cấp tốc, ông không chết, nhưng bị bán thân bất toại. Lẽ cố nhiên ông chỉ còn nằm nhà cam cảnh thất nghiệp. Tuy vậy, bà vợ trẻ của ông xem chừng chẳng bớt đi đánh bài tí nào, nên gần như chẳng có thì giờ để săn sóc, an ủi ông cả. Nếu đôi khi có mặt tại nhà, thì bà ta lại luôn mồm chửi chó mắng mèo, oán thiên oán địa. Nhằm giờ Thu Trân đang đi làm và Xuân Châu đi học, thành thử bao nhiêu lời tiếng bực mình, nhức xương ấy đều đổ dồn hết vào tai ông chồng già bịnh hoạn. Lảm nhảm la ó xong, bà ta lại ra đi, gầy cuộc đỏ đen, bỏ mặc việc nhà, đúng là một con người nhàn rỗi.
    Giữa buổi làm, nếu gặp dịp thuận tiện, Thu Trân mau mau chạy về nhà thăm chừng thân phụ. Có lần, ông cầm tay con gái bảo:
    - Thu Trân con! hôm ba bịnh, sao con tận tâm chạy chữa làm chi mà chẳng để ba chết cho rảnh? Thà chết, ba còn dễ chịu hơn sống cái kiểu này. Ba đã khổ trí lao tâm mười mấy năm rồi, đến thật hết chịu nổi nữa. Hổm rày máy bay oanh tạc rầm rầm, ba cầu mong mọi người yên ổn, nhưng riêng ba, ba lại van vái cho bom đạn trúng ngay ba, đặng ba theo ông theo bà cho yên thân!
    Thu Trân đau nhói tâm can. Nàng hiểu là thân phụ đang uất ức kế mẫu nàng lắm. Chính vì bà ta mà ngày giờ này ông mới mang chứng bệnh huyết não tê bại này. Nhưng đó là chuyện của bực trưởng thượng, nàng đâu dám nói vào bàn ra. Nàng chỉ biết... khóc!
    Số tiền lương hàng tháng của Thu Trân, nàng gần như chẳng dám xài riêng phần nào cả, vì cần phải dành để trang trải các khoản chi dụng trong gia đình.
    Tuy nhiên, chỉ một mình nàng đi làm sinh lợi làm sao đảm bảo nổi sự sống đầy đủ cho cả nhà. Huống chi kế mẫu nàng lại thường mang tiền đi thua bạc mãi. Bà ta càng đâm ra ích kỷ, chẳng coi việc học hành của Xuân Châu là quan trọng nữa, mà phải làm sao cho có tiền để bà ta xài phí theo thói quen mới là điều cần yếu nhất, nên bà ta nảy ý muốn cho Xuân Châu thôi học, cũng đi làm kiếm tiền như Thu Trân vậy.
    Thu Trân phải năn nỉ kế mẫu cả tiếng đồng hồ, xin cứ để Xuân Châu tiếp tục học như thường. Nàng sẽ cố gắng không sắm áo mới, không đi xe, chẳng ăn điểm tâm sáng và hạn chế tới mức chót mọi chi phí cá nhân nàng, hầu dành dụm tiền cho các khoản cần thiết trong việc học hành của em. Miễn Xuân Châu còn tiếp tục con đường học vấn, là nàng sẵn sàng gánh vác bất cứ sự gian khổ nào cũng vui lòng.
    Kế mẫu không ngờ Thu Trân nguyện ý như thế. Bà ta nhìn nàng, nhưng chẳng hiểu tại sao, và không còn ý kiến gì bài bác chuyện đi học của Xuân Châu nữa.
    Kể ra thì dạo này bà ta cũng hơi nể nang Thu Trân, vì một lẽ giản dị là thực tế nàng đang nuôi bà ta.
    Đồng minh tung không lực oanh tạc tới tấp Phù Tang tam đảo và cố nhiên những cứ điểm của quân phiệt Nhật khắp nơi, kể cả ở Đài Loan cũng bị tập kích.
    Chiều nay, Thu Trân đang còn giờ làm tại y viện, thình lình nghe còi báo động hụ vang.
    Mọi người biến sắc, cuống cuồng, chạy lẹ xuống hầm núp.
    Thu Trân tuy cũng khẩn trương, nhưng vẫn bình tĩnh lo thu cất các vật liệu, khí cụ đắt giá vào nơi an toàn, rồi mới ra hầm núp.
    Ngay lúc ấy, bỗng Xuân Châu, tay ôm chồng sách vở, chạy vụt vào:
    - Kìa em! Sao em lại tới đây?
    - Em đi học về dọc đường, gặp báo động, thấy đang ở gần bệnh viện nầy nên em chạy lẹ lại kiếm chị hai, đặng chị em mình núp chung một chỗ.
    Thu Trân vừa lau mồ hôi đầm đìa trên trán Xuân Châu, vừa gấp rút kéo em xuống hầm núp đang chật ních những người và người.
    Đột nhiên tiếng phi cơ gào rú và tiếng bom nổ chấn động lòng đất.
    Xuân Châu kinh mang tái mét mặt mày. Thu Trân vội ôm em và khẽ nhủ vào tai:
    - Em đừng sợ. Lân cận quanh đây không có mục tiêu quân sự, không ngại bom lạc, yên tâm!
    Nghe hữu lý, Xuân Châu gật đầu và trấn tĩnh dần.
    Một chút, Xuân Châu thì thầm hỏi:
    - Coi bộ càng ngày tụi Nhật phòng không càng yếu, chị nhỉ?
    - Ừ, xem chừng họ sắp bại trận tới nơi cũng nên.
    - Sao chị biết?
    - Chị xem báo, thấy tình hình có mòi đi đến kết thúc chiến tranh...
    Xuân Châu lại gật đầu, nhưng chẳng nói gì. Chập sau,, bỗng lại hỏi:
    - Gần đây anh Tường Phương có gởi thơ cho chị không?
    Nghe nhắc tới Tường Phương, Thu Trân buồn đay nghiến, không khỏi nhăn mày, thở dài:
    - Hai năm rồi, bặt hẳn tin tức, chị thấy thật là lạ. Theo bức thư chót của Tường Phương chị đoán chắc gia quyến và cá nhân anh ấy đã có một sự thay đổi lớn.
    - Theo chị xét thì đó là sự thay đổi gì?
    - Chị chỉ đoán là thay đổi không tầm thường thế thôi, chứ đâu biết được rõ ràng điều gì, mà cũng chẳng biết làm sao tìm hiểu cho ra tin tức. Âu là chị chỉ còn cách thường xuyên khấn nguyện trời phật...
    Thu Trân lại thở dài và bỏ lửng lời đang nói.
    - Em tin rằng Phật trời sẽ khiến xui anh chị được tái ngộ trùng phùng.
    Nửa giờ sau, dứt không tập, còi báo an. Trong gian hầm núp đang trật tự bỗng ồn ào hẳn lên, tiếng cười nói, gọi kêu nhau ỏm tỏi, kẻ xô người lấn loạn xà ngầu, thậm chí có cả những tay cao biện, cãi nhau rất hăng về chiến lược, chiến thuật; hoặc luận về cái chết nhẹ tợ lông hồng...
    Màn đêm đã buông phủ.
    Xuân Châu hỏi:
    - Chị hai, chị còn cần ở lại y viện không?
    Thu Trân xem đồng hồ tay đã bảy giờ, lẽ ra thì nàng ở luôn, tạm dùng cơm ở câu lạc bộ, rồi trở vào trực đêm; nhưng không muốn để em đi về một mình, bèn đáp:
    - Chị về nhà ăn cơm với em, rồi em theo chị vào y viện, đem bài theo học, chờ đến mười một giờ chị mãn phiên trực, chúng ta lại cùng về nhà.
    Mấy lúc sau này, do công tác đòi hỏi, hôm nào Thu Trân phải trực đêm tại bệnh viện, Xuân Châu ở nhà ngủ một mình, cứ than là buồn nhớ chị chẳng chịu nổi. Nay nghe chị bảo như vậy, Xuân Châu mừng quýnh, nắm tay chị mà nhảy tung tăng.
    Thu Trân vừa bước vào nhà, bất ngờ nhìn thấy kế mẫu đang lăng xăng cuống quít ở phòng khách.
    Chợt thấy hai chị em nàng, bà ta khóc òa lên.
    Hai chị em thất kinh, xúm lại hỏi cớ sự. Bà ta vừa khóc vừa kể:
    - Hồi xế, ba các con lên cơn sốt, má định tới y viện kiếm Thu Trân, nhưng ổng không cho, bảo rằng nóng một chút chả nhằm gì. Đến chiều, ổng càng sốt dữ, thì đúng lúc có báo động không tập, nên má muốn đi kêu Thu Trân cũng chẳng đi được. Đang sốt dữ dội như thế mà ổng cứ không ngớt lo lắng cho hai con. Một hồi ổng hỏi Xuân Châu đang còn ở trường hay mắc kẹt báo động giữa đường? Một chập ổng lại nói, không biết Thu Trân đằng y viện có chỗ ẩn núp an toàn hay không? Rồi thình lình có tiếng bom nổ quá lớn, cả nhà cửa đều lắc lư muốn sập, làm ổng hôn mê! Hiện giờ, tuy ổng đã hồi tỉnh rồi, nhưng thần sắc thật thảm hại, e khó thoát...
    Hai chị em hoảng vía, chạy vội vô buồng, thì thấy quả nhiên phụ thân đang tình trạng cực kỳ nguy kịch.
    Thu Trân chợt liên tưởng đến hình ảnh tổ mẫu hấp hối trên giường bịnh hồi mười hai năm trước mà tâm tư rối loạn, rã rời. Nàng nấc lên gọi ba, rồi khóc mùi. Xuân Châu cũng vậy.
    Phụ thân nắm tay nàng một cách hết sức khó nhọc và thều thào:
    - Thu Trân, con đã về rồi đó hả? Cuộc báo động hết chưa? Xuân Châu về nhà chưa?
    Thu Trân cố nín khóc. Xuân Châu quì mọp bên giường hôn lên trán phụ thân:
    - Ba! ba đừng lo nghĩ gì hết. Chị hai với con đều về đây cả rồi, vẫn bình yên như thường.
    - Xuân Châu! Như vậy là xin tạ ơn Phật trời. Ba... ba tình nguyện nhận lãnh hết tai ương, miễn hai con được an toàn...
    Nghe qua lời phụ thân, chị em Thu Trân lại nấc lên, nhưng ráng hết sức dằn nén, chẳng dám khóc lớn.
    Xuân Châu quay qua, hỏi khẽ vào tai Thu Trân:
    - Chị hai, nhiệt độ ba nóng quá, làm sao?
    Thu Trân nâng bàn tay gầy của phụ thân:
    - Ba, để chúng con đưa ba đi bệnh viện nghe ba?
    - Ồ! Không nên!... Thu Trân con, hoàn cảnh gia đình ta, càng tiết kiệm càng tốt, ba không đi bệnh viện đâu.
    - Sao ba nói vậy. Hễ có bệnh thì đi chữa trị chớ. Ba nghe theo con một lần nghe ba! Chẳng tốn kém bao nhiêu đâu. Ba đến bệnh viện con đang giúp mà nằm, chắc chắn viện trưởng sẽ tính giá phòng đặc biệt và tiền thuốc men chỉ lấy phân nửa thôi. Ba nằm tại đó rất tiện cho con túc trực ngày đêm phục dịch, ba sẽ mau khỏi bệnh...
    Xuân Châu cũng năn nỉ thêm, nhưng ông vẫn nhất định không khứng đi đâu cả. Ông thừa hiểu bao nhiêu tiền ông dành dụm được trước kia, đều đã bị bà vợ trẻ nướng sạch ở sòng bài rồi. Hơn năm nay, trọn gia đình phải sống đạm bạc với đồng lương của Thu Trân, bây giờ làm gì có dư tiền mà đi nằm bệnh viện tư. Bất quá hai đứa con gái hiếu thảo, vì quá thương ông, nên tính nước liều thế thôi.
    Thừa dịp kế mẫu bưng sữa nóng vào cho phụ thân uống. Thu Trân liền kéo Xuân Châu ra phía cửa buồng, khẽ bàn:
    - Ba không chịu đi bệnh viện, để chị đi rước bác sĩ đến chữa trị cho ba. Nếu ba có hỏi thì em nói là chị lại đằng nhà cô Hai, chớ đừng cho ba biết chị rước bác sĩ nghen.
    Mặc dù chị em Thu Trân tận tâm tận lực lo liệu cho bịnh trạng của phụ thân; mặc dù người cô Hai - chị ruột của phụ thân Thu Trân – đã giúp cho số tiền thuốc men đáng kể, và mặc dù vị bác sĩ lão thành luôn mẫn cán chữa trị... nhưng phụ thân Thu Trân chỉ gượng sống thêm được có bẩy hôm.
    Giữa khuya đêm cuối cùng, ông đã hồi tỉnh được một lúc, để trối trăn, vĩnh biệt vợ con.
    Thu Trân, Xuân Châu phủ phục bên giường khóc như mưa bấc.
    Ông thều thào:
    - Đừng khóc! Hai con đừng khóc nữa, hãy nghe ba dặn đây. Hai chị em con biết trọn tình trọn nghĩa tương thân tương ái, là điều rất mãn nguyện cho ba lắm rồi, ba chết đi ba vẫn an lòng. Có cần nhắc hai con chăng là về má của hai con. Mặc dầu bình nhựt má hai con đã có lắm điều không phải, nhưng khi ba nhắm mắt rồi, hai con hãy ráng phụng dưỡng má hai con. Chỉ trừ khi nào má hai con quyết rời bỏ hai con thì không kể, còn thì... hai con đừng chấp nhứt những chuyện đã qua...
    - Dạ, xin ba yên tâm, chúng con quyết tuân lời ba.
    Thu Trân cố gắng lắm mới đè bớt tiếng khóc mà thốt được bấy nhiêu, rồi lại khóc òa. Xuân Châu thì cứ khóc càng thống thiết. Cả kế mẫu Thu Trân cũng không ngớt nức nở.
    Riêng cô Hai của Thu Trân, tuy không khóc thành tiếng, song đôi mắt già nua cứ lả tả tuôn lệ.
    Phụ thân Thu Trân ngước mắt nhìn người chị mấp máy môi mà tiếng đã tắt. Ông thu tàn lực, cất tay chỉ vào chị em Thu Trân ngụ ý gởi gấm, rồi mới hắt hơi thở cuối cùng.
    
- o O o -

    Để chi phí mọi khoản cho đám táng phụ thân Thu Trân, người cô hai đã giúp đỡ một phần, còn thì bà phải đứng ra vay mượn thêm mấy chỗ nữa mới đủ.
    Bởi thế, sau đám táng, mẹ con Thu Trân đành phải bán đi ngôi nhà, hầu trang trải nợ nần và thuê gần đó một gian nhà nhỏ khác mà ở.
    Số tiền bán nhà còn thừa, kế mẫu Thu Trân như sợ nàng không biết cách giữ, bèn lấy hết, bỏ túi riêng.
    Xuân Châu vô cùng bất mãn, nhưng Thu Trân chẳng chút thắc mắc, vì đã đoán trước sự thể ắt phải như vậy và nhất là vẫn nhớ lời dặn dò lúc lâm chung của thân phụ.
    Kế mẫu tỏ ra không thiết đánh bài nữa. Hằng ngày bà ta vẫn ở nhà chớ chẳng đi đâu hết. Có điều, lúc Thu Trân đi làm và Xuân Châu đi học rồi bà ta làm gì, có tới sòng bạc hay không thì quả là chuyện khó biết.
    Một hôm, bỗng Xuân Châu phát giác bí mật của bà ta.
    Thì ra, trong thời gian mãi mê bài bạc bấy lâu, bà ta đã giao du thân mật với một "bạn trai" thường gặp gỡ tại sòng...
    Hôm ấy, Thu Trân còn làm việc ở bệnh viện, thình lình Xuân Châu tới tìm, với thái độ khác thường, nàng vội hỏi em:
    - Em từ trường về, ghé ngang đây chớ gì?
    Sắc diện xanh mét, Xuân Châu hỏi lại:
    - Chị hai, chị có thể xin phép về sớm để chúng ta đi kiếm một nơi yên tĩnh, bàn chút chuyện không?
    - À, chị mãn "ca" rồi đây, chúng ta đi ngay...
    Ra khỏi bệnh viện, Thu Trân băn khoăn:
    - Có chuyện gì đặc biệt lắm sao mà có vẻ hốt hoảng vậy?
    Xuân Châu không trả lời, nét mặt càng bi phẫn. Đi được một quãng, bỗng Xuân Châu ôm chị, bật khóc.
    Thu Trân cuống lên, nhưng gắng bình tĩnh vỗ vai em:
    - Đừng khóc ngoài đường. Có chuyện gì em cứ kể chị nghe đi.
    Xuân Châu vẫn sụt sùi:
    - Chị hai! Em tức đến chết được! Chắc em không sống nổi! Em không ngờ má chẳng biết xấu hổ là gì, ba vừa mới mất, bả đã trắng trợn phản bội ngay!
    - Ủa! em nói gì kỳ cục vậy? Tại sao em nói vậy?
    Xuân Châu tự lau nước mắt và không khóc nữa, giọng nói trở nên đầy phẫn hận:
    - Em đi học về, bất ngờ nghe trong buồng má có tiếng đàn ông và má... cười kỳ cục lắm! Em liền gọi má thật to. Một chập mới thấy má với một gã đàn ông thập thò bước ra khỏi buồng. Má có vẻ ngượng ngập nhưng vội trấn tĩnh, giới thiệu với em rằng gã đàn ông ấy là... anh họ của bả, mới từ Cao Hùng đến Đài Bắc ghé thăm; và bảo em kêu hắn bằng cậu. Hừ, em đã gần hai mươi tuổi rồi chớ bộ con nít lên ba hay sao mà má nói dối dễ dàng như thế. Hồi nào tới giờ, họ hàng bên ngoại em đều biết cả, em có người cậu nào ở Cao Hùng đâu? Em tức quá, bỏ nhà, chạy một mạch đến y viện tìm chị...
    Thu Trân lặng thinh, không dám có ý kiến gì về kế mẫu, nhưng nghe một nỗi bi thương dâng lên trong lòng. Nàng nghĩ đến người cha cả đời trung hậu mà không ngăn được nước mắt.
    - Chị hai! Sao chị lại khóc? Chúng ta cần bàn một biện pháp đối phó với má mới được.
    Thu Trân vẫn lặng thinh, gầm đầu như đếm từng bước một.
    - Chị hai! Chị chả nói gì hết vậy? Chị nói đi, chúng ta nên đối phó cách nào?
    - Vấn đề đó, thật khó liệu. Nếu má biết nghĩ đến tình nghĩa phu thê đối với ba và nhớ dưới gối còn có hai đứa con gái đã lớn thì... thì má đã chẳng có hành động như thế. Khổ nỗi, niên kỷ của má mới trên dưới bốn mươi, dù sao cũng còn khá trẻ...
    Xuân Châu trợn mắt, lớn tiếng ngắt ngang:
    - Chị tán thành việc làm của má phải không? Chị quên ba rồi sao? chị...
    Thu Trân đưa tay bụm miệng em và cảm thấy tâm can như dao cắt:
    - Em! Em không nên trách chị. Chẳng qua là... em thử nghĩ, phận làm con chúng ta có quyền gì dám ngăn cản đường đi của bực trưởng thượng?
    Xuân Châu hằn học:
    - Sao không quyền? Em nhất định ngăn cản. Em không thể là tượng gỗ hay cục đá. Em quyết không thể dày da mặt ra mà làm cái bia cho miệng thế gian bảo em là đứa có cha hờ! Chị hai, bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải giữ vẹn danh giá, thà thanh bạch mà liêm sỉ, minh chính. Nếu không, em thà chết tan xác dưới bom đạn!
    Thu Trân siết chặt tay em, cảm động:
    - Cố nhiên chúng ta không bao giờ để danh giá bị bôi lọ. Được rồi! Chị đứng về phía em! Nhưng... em dự định làm sao?
    - Trước hết, chúng ta chân thành mà khuyên má nên đoạn tuyệt với gã đàn ông đó. Nếu má không thèm nghe em sẽ chấp nhận sự hy sinh đắt giá: chấm dứt quan hệ mẹ con với má!
    - Làm như thế, một là trái lời ba căn dặn lúc lâm chung, hai là bàng nhân thiên hạ có thể dị nghị là chúng ta cậy đã làm ra tiền, bỏ bê má, chị e rằng...
    Xuân Châu bất giác cười rộ, tiếng cười khác thường,đôi mắt tuôn trào lệ, nghiến răng:
    - Sự thật là sự thật! Lẽ phải là lẽ phải! Không bàng nhân nào hiểu lầm được! Lời ba căn dặn, em nhớ rõ, ba còn nói trước, nếu má nhất định rời bỏ chúng ta thì chúng ta có quyền không nhìn má nữa. Đây là việc không thể ủy mị, hồn ba linh thiêng ba sẽ tán thành, vì chúng ta quyết xứng đáng là hai đứa con trong sạch của ba... Thôi được! Chị hai, nếu chị sợ mang tiếng bất hiếu với má, thì một mình em đoạn tuyệt với má, em sẽ thoát ly một mình, em sẽ tình nguyện nghỉ học, đi kiếm việc làm, chấp nhận sống cô đơn.
    Xuân Châu vùng khỏi tay chị, toan bỏ chạy, xem chừng đã nổi nóng luôn với Thu Trân.
    Thu Trân gấp rút chụp níu em lại:
    - Em chớ nóng giận. Chị cũng nhất quyết không tán thành má. Em muốn thế nào, chị chiều theo như thế đó.
    - Vậy là hay lắm. Như vậy, chị mới là chị của em chứ. Nào, bây giờ chúng ta về nhà ngay đi. Nếu má biết hối thì chúng ta quỳ xuống lạy má, bằng không, hừ...
    Xuân Châu có phần tươi vui trở lại, nắm tay kéo Thu Trân đi như chạy...
    Nào ngờ, khi Xuân Châu vừa ló mặt vô nhà, chưa kịp "khuyến cáo" gì cả, thì đã bị má mắng phủ đầu ngay:
    - Xuân Châu! Tao coi bộ mày ngày càng lớn càng mất dạy, vô lễ. Hồi chiều, tại sao mày dám coi tao chả ra gì hết, bảo mày chào cậu, mày không thèm nói một tiếng, còn vùng vằng bỏ đi, hả?
    Xuân Châu không chút nao núng, lập tức đem lời ngay lẽ phải ra yêu cầu, nhủ khuyên mẹ.
    Ban đầu bà ta hơi đỏ mặt. Nhưng, liền đó, bà ta quát tháo ầm ĩ, chửi rủa thậm tệ.
    Xuân Châu quỳ phục xuống, ôm chân mẹ, khóc thống thiết, van xin, nài nỉ thật thảm não.
    Bà ta thoáng một chút nghĩ ngợi. Nhưng rồi, dường như có một mãnh lực khác, hấp dẫn hơn tình mẫu tử, bà ta cười gằn:
    - Tao không thể chết già vô vị. Tao không sợ đâu mà động động một tí là mày dọa bỏ đi. Tao không cần mày! Tao có lẽ sống của tao! Đừng lải nhải nữa, chị em chúng mày muốn đi đâu mặc xác. Ngay ngày mai, tao sẽ tạo cuộc sống mới của tao, dầu chúng mày không đi, tao cũng có cách, có người tống cổ chúng mày đi như thường.
    Xuân Châu đành đứng dậy, trong dáng xác xơ thểu não bỗng hiện nét quyết liệt lạnh lùng:
    - Thế là hết!...
    Rồi chạy vụt vào phòng, ôm Thu Trân, khóc ngất.
    Tối đó, hai chị em chẳng ăn một hột cơm mà không nhớ mình đói. Và cũng chẳng buồn ngủ tí nào.
    Do Xuân Châu chủ động, hai chị em gom xếp quần áo, vật dụng vào rương, rồi tờ mờ sáng hôm sau, cùng đến thẳng nhà người cô.
    Cô Hai, cơ hồ đã đoán hiểu trước rồi, nên chẳng hỏi han nguyên do cớ sự gì cả, cứ gọi hai chị em Thu Trân ngồi vào bàn, cùng ăn điểm tâm với bà và không ngớt an ủi, lại bảo:
    - Cứ ở đây! Từ nay nhà này coi là nhà của hai con đó. Cô không có đứa con nào, được hai con ở chung hủ hỉ bầu bạn trong lúc tuổi già thì còn chi bằng.
    Giọng bà thật nhân ái, từ tường...
    

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 13 (Kết Thúc)

Điệp Khúc Màu Xanh
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
 
Những Truyện Quỳnh Dao Khác
» Đừng Quên Đêm Nay
» Song Ngoại
» Hậu Hoàn Châu Cát Cát
» Vội Vã
» Tình Buồn
» Cánh Nhạn Cô Đơn
» Mùa Thu Lá Bay
» Mùa Thu Quen Nhau
» Ái Quả Tình Hoa
» Nắng Thôn Đoài
» Chim Mỏi Cánh
» Bản Tình Ca Muôn Thuở
» Trôi Theo Dòng Đời
» Cánh Hoa Chùm Gửi
» Hoàn Châu Cát Cát
» Người Về