Thời tiết đã dịu mát dần. Mùa nghỉ hè sắp dứt, chỉ còn không đầy một tuần nữa là tựu trường.
Thế nhưng, bức ảnh Thu Trân đã gởi đi hơn hai tháng rồi, mà chẳng có tin tức gì, vẫn chưa thấy thư hồi âm của Lương Tường Phương.
Trưa nay, sau khi sắp soạn giấy bút, chị em Thu Trân, Xuân Châu cùng ngồi trong phòng xem lại một số bài vở.
Dù đã vào tiết sơ thu, nhưng ve sầu vẫn còn kêu rỉ rả ngoài vườn, khiến người đang có tâm sự như Thu Trân càng não lòng.
Đôi mắt tuy có vẻ chăm chú nhìn vào trong sách, song thật ra nàng chẳng đọc được chữ nào...
Xuân Châu bỗng ngẩng lên, ngó Thu Trân:
- Chị hai! Nghe em nói này! Chị đừng thở vắn than dài nữa nhé!
Thu Trân vội phủ nhận:
- Chị đâu có thở dài hồi nào!
- Em nghe rõ ràng chị mới vừa thở dài thườn thượt đấy mà bảo là không!
Ngừng một chút, Xuân Châu lại tiếp, giọng đầy quan thiết, dỗ dành:
- Chị hai, chị nên phấn khởi, tươi vui lên! Theo em nghĩ, thì anh Tường Phương sở dĩ chậm gởi thư hồi âm, không phải vì không tán thành cuộc hôn nhân mà hẳn là có nguyên nhân bất khả kháng. Chị cũng hiểu giữa thời buổi chiến loạn hiện nay, đường giao thông trở ngại, cố nhiên thư từ, bưu kiện bị nghẽn đọng, chậm trễ, do đó có khi anh Tường Phương đã gởi thư cho chị từ lâu rồi, mà thư chưa tới đấy thôi.
Thu Trân chỉ gật đầu chớ không nói gì.
Xuân Châu an ủi, khích lệ thêm.
- Chẳng những Trung Nhật dấy động can qua, mà khắp Châu Á cũng lâm chiến và cả Châu âu càng rối ren binh lửa. Giữa thời loạn này, nếu còn may mắn được yên ổn mà học tập thì điều quan trọng nhất của giới trẻ chúng ta là gắng sức học, nên cố gác mọi sự chi phối khác qua một bên, để nhất tâm lo đèn sách. Em tin tưởng ở tinh thần quật cường của chị, sẽ không vì lẽ gì mà tiêu cực trong việc học hành.
- Lời em rất đúng, chị hoàn toàn tán thành. Trẻ tuổi như em mà đã có trình độ nhận thức như vậy, thật đáng bội phục. Em đừng lo, về "chuyện ấy". Bất quá chị chỉ nghĩ phớt qua rồi thôi, chứ không bận tâm lắm đâu.
- Chị nói vậy chớ cả tháng nay thần thái chị sa sút thấy rõ, lúc nào chị cũng trầm ngâm, tư lự, em biết mà!
Xuân Châu bỗng tròn mắt nhìn Thu Trân và bật cười, cố tạo không khí vui vẻ:
- Giả sử anh Tường Phương không gởi thư cho chị luôn thì, ha ha... niên học sắp tới này nhất định em sẽ vượt qua mặt chị cho mà xem. Coi chừng đấy nha... bồ tèo!
Lời nói đùa ngẫu nhiên của em gái lại có tác dụng như tiếng chuông đánh thức Thu Trân, khiến nàng không khỏi ngấm ngầm tự thẹn. Quả nhiên nàng đã lao chao tinh thần cả tháng nay vì vấn đề tình ái. Nàng cũng tự hiểu, như thế là không nên, là có vẻ như vô lý nữa, vì giữa nàng với Tường Phương, thực ra, đã có gì cụ thể đâu? Tuy nhiên, lý thì nói vậy, chứ về tình, nàng không thể phủ nhận là mình đã yêu chàng. Chưa giáp mặt trực tiếp bao giờ, chưa nói thẳng với nhau một lời nào, mà đã yêu, tại sao? Nàng cũng không biết tại sao nữa!
Nàng từng đọc của một nhà văn nào đó, viết rằng: "Tình yêu là tình yêu. Đừng hỏi tại sao. Yêu là yêu, không tại sao cả". Đến bây giờ nàng mới thấy thấm thía. Quả đúng như thế và nàng không thể cưỡng lại con tim mình!
Có điều, nàng đã quá phiền não về "chuyện ấy", có thể ảnh hưởng không tốt đến việc học vấn, Xuân Châu đã nhắc nhở không sai. Nàng liền cố rạng tươi nét mặt và cười lớn.
- Được rồi, chúng ta thi đua nhé, chị hy vọng em sẽ học vượt qua mặt chị, nhưng phải là vượt qua một cách oanh liệt, chớ không phải vì chị học thụt lùi. Mà chị nhất định sẽ không thụt lùi. Em muốn thắng chẳng dễ dàng đâu!
- Vậy thì ngoéo tay đi!
Hai chị em cùng cười.
Thu Trân thu gọn lại sách vở, định xuống bếp, thình lình ngoài cổng vọng vào những tiếng chuông xe đạp: "kính koong! Kính koong!..."
- A! Người phát thư!
Xuân Châu la toáng lên và tông cửa, ba chân bốn cẳng chạy ào ra.
Thu Trân nghe tim đập thình thịch. Nàng bừng lóe hy vọng, những muốn chạy vội theo em. Nhưng tự dưng ửng hồng đôi má, chẳng những mắc cở không dám tiếng ra cổng mà nàng lại rảo bước đi xuống nhà bếp, vừa lẩm bẩm viện lý do, để tự dối mình:
- Hổm rày bác phát thư đã ghé năm lần bảy lượt rồi chớ có mới lạ gì mà Xuân Châu mừng dữ vậy kìa. Hôm nay, chắc ba lại có thư nữa...
Vào tới bếp, nàng đang loay hoay sửa soạn vo gạo. Bất ngờ Xuân Châu vừa chạy vô, vừa múa tay lung tung và reo hò:
- Chị hai! Chị hai ơi! Có thư rồi! Có thư của anh Tường Phương!
Thu Trân mừng cuống, song ráng làm tỉnh:
- Nói gạt hoài! Chị không tin!
- Đây nè! Ai nói gạt chị làm chi. Ha ha! Em đã bảo sao là đúng vậy, anh Tường Phương nhất định phải gởi thư cho chị mà!
Xuân Châu áp phong thư vào ngực Thu Trân, vừa kéo tay chị lên, thúc hối:
- Lẹ lẹ mở ra coi đi chị hai, em sốt ruột quá rồi.
Thu Trân cầm lấy phong thư, cố giữ cho tay đừng run và gắng tỏ vẻ chậm rãi, đưa thư ra trước mắt, xem ngay góc trên phong bì, quả nhiên người gởi là Lương Tường Phương.
Nàng nghe rộn lên trong lòng một cảm giác ngất ngây.
Xuân Châu lại giục:
- Trời ơi! Mau mở ra coi liền đi! Coi lẹ đi, để em vo gạo cho!
- Gấp gì, hãy để chị vo gạo bắc nồi cơm lên rồi sẽ xem.
- Trời đất! Gan dữ vậy a? Chị còn cà rịch cà tàng là em la làng lên bây giờ. Xem ngay đi!
- Má sắp tan sòng. Má về, thấy em nấu cơm thì chị bị mắng...
- Ăn nhằm gì. Chị cứ việc đọc thư đi. Muốn chắc ăn thì chị ngồi kế bên bếp lửa mà xem thư, để mặc em canh chừng nồi cơm, em chả coi lén đâu. Nào, có chịu nghe lời mở thư ra xem hay không thì bảo?
Xuân Châu kéo chị lại gần bếp và giả vờ phùng mang trợn mắt đe dọa cưỡng bách.
Thu Trân bật cười:
- Được rồi, "cung kính bất như phụng mạng" xin xem ngay đây.
Nàng xé phong bì, rút bức thư ra, nhận thấy một xấp giấy khá dày, có đến bốn năm tờ, được xếp thẳng thớm, chỉnh tề.
Chẳng còn đè nén được nữa, tay nàng phát run. Đây là lần đầu tiên trong đời, nàng tiếp đọc bức thư của một chàng trai, mà lại là chàng trai sẽ trở thành chồng nàng trong tương lai.
Hồi hộp quá, nàng nhắm mắt lại, hít vào một hơi dài và thở ra thật chậm rãi, để an định tâm thần.
Thấy vậy, Xuân Châu cười khúc khích.
- Sao đó? Bộ trước khi xem thư của "chàng" chị phải cầu đảo thiên địa ư?
Thu Trân nguýt mắt, nạt em một tiếng, Xuân Châu lại cười hì hì...
Bức thư quả nhiên rất dài. Thu Trân muốn đọc thật kỹ, từng chữ một, nhưng ánh mắt cứ liếc thật nhanh, để rồi chẳng nhớ mình đã đọc những gì.
Ngồi trong bếp, đọc thư của vị hôn phu, Thu Trân nghe một thi vị đặc biệt. Dù không nhớ rõ thư viết những gì, nhưng nàng biết chắc là chữ chàng rất đẹp, khoáng đạt ngang tàng và chàng hành văn rất lưu loát, mà chân thành, chan chứa tình ý ngọt ngào...
Ngay lúc ấy, bỗng có chuông reo gọi cửa.
Thu Trân buột miệng:
- Má về đấy.
Nàng hấp tấp cho thư vào phong bì và cất nhanh vô túi, Xuân Châu mau mắn:
- Để em ra mở cửa.
Thu Trân lập tức bắt tay vào việc thái thịt, xắt cải.
Chẳng bao lâu Xuân Châu trở vô, cười dài:
- Bữa nay má tươi rói mặt mày, dòm qua là biết ngay má được bạc, chắc khá lắm. Em hỏi xin tiền "lì xì" má cho liền, lại còn thưởng chị một phần nữa. Ngon lành chưa? Không chừng mặt trời sắp mọc về hướng tây cũng nên. Hi hữu! hi hữu!
- Suỵt!... Em đừng nói lớn quá, má nghe thấy thì nguy đấy!
Suốt mười tám năm trường, Thu Trân mới được kế mẫu cho tiền lần thứ nhất. Bấy lâu nay, mọi khoản chi dụng quà bánh, linh tinh, đều do phụ thân nàng cho riêng một cách dấu lén, hoặc được Xuân Châu chia xẻ, chớ kế mẫu chưa hề ban phát nàng một đồng nào cả. Giờ đây, bỗng nhiên được hưởng cái ân huệ ngoài sức tưởng tượng này, Thu Trân cao hứng quá, đâm ra nghĩ ngợi vẩn vơ: "Đây có lẽ nhờ cái may mắn từ bức thư của Tường Phương xui khiến"... Nghĩ vậy, nàng càng thêm cao hứng thập phần, tự dưng ôm chầm lấy Xuân Châu mà hôn lia lịa:
- Oái! Chị đừng tưởng em là... tác giả bức thư chứ!
- Đồ quỉ! Nói ẩu hoài! Người ta cao hứng vì được má thưởng tiền, chớ bộ...
- Chị che mắt ai chớ khỏi che mắt em đi! Em dư biết tại sao chị cao hứng rồi! Tại vì...
Thu Trân vội bụm miệng em, nói lảng sang chuyện khác:
- Ý chết! Mãi lo giỡn không lo nấu nướng gì hết. Nào, lại đây xắt cải giúp chị đi.
Trong lúc xắt cải, Xuân Châu khe khẽ đưa ý kiến:
- Chị hai, theo em nghĩ thì mình không nên cho má biết vụ bức thư của anh Tường Phương làm gì. Đợi vài ngày nữa, ba về, chỉ nói riêng với ba thôi, đặng ba mừng. Nhưng, bất luận lúc nào có mặt má, chị cũng đừng để lộ vẻ khác thường đồng thời nhớ dặn ba, chớ có cao hứng nói má nghe. Bởi vì, bụng má vốn hẹp hòi kỳ cục, hễ biết chuyện là đố kỵ chịu không nổi đấy.
Thu Trân vừa cảm kích sự chu đáo của em, vừa nghe dâng lên niềm mỉa mai chua xót trong lòng. Nàng liên tưởng đến thân phận của đứa con mồ côi mẹ. Nếu còn má ruột thì gặp trường hợp hoan hỉ này, nàng có quyền đem khoe với má ngay, chớ việc gì phải sợ sệt, che giấu? Có khi nào người làm mẹ lại đi đố kỵ với hạnh phúc của con gái mình?
Nàng siết chặt tay Xuân Châu đẻ tỏ dạ cảm tạ, nhưng vẫn không nén được chuỗi thở dài.
Xuân Châu hồn nhiên:
- Chả có gì phải lo ra. Kể từ hôm nay, coi như hạnh phúc đã mỗi ngày một tiến gần lại chị rồi đấy. Chỉ cần, trong tương lai, khi sống cuộc đời cam mật, an vui, xin chị đừng quên em là được.
- Dù ở hoàn cảnh nào, vĩnh viễn chị không thể quên được đứa em yêu quí nhất của chị. Còn sống trên đời một ngày, là chị còn cố gắng báo đáp lòng tốt vĩ đại mà em đã dành cho chị hôm nay.
- Chị nói vậy là coi em như người dưng rồi. Chị em ruột thịt chúng ta với nhau, đương nhiên phải có bổn phận, chăm sóc, chiếu cố lẫn nhau vô điều kiện. Đã là tình cốt nhục, là bổn phận, thì đâu thể có chuyện báo đáp? A ha! Chị hai của em bữa nay mãi tập trung hết tâm trí vào bức thư kia nên đâm ra... nói lộn rồi! Đáng bị phạt cái gì đây?
Thu Trân biện bạch:
- Ý chị muốn nói là cầu mong trong tương lai nếu chị được hạnh phúc, thì em cũng hạnh phúc, hoặc ngược lại, hễ em sung sướng chị cũng sung sướng, chị em mình tuy hai mà như một.
Xuân Châu nhìn chị gật gù mỉm cười. Bỗng nhiên Xuân Châu trầm mặc, không nói, dường như đang có ý nghĩ gì.
Thu Trân cũng không nói thêm, mà lanh tay lo nấu nướng, hoàn tất bữa ăn chiều.
Tối đến, cơm nước, dọn rửa chén bát xong, Thu Trân ngồi dưới đèn tại bàn học trong phòng riêng.
Ngoài cửa sổ, gió thu mát rượi thổi không ngừng.
Tối nay Thu Trân cảm thấy thơ thới, dễ chịu vô cùng, như mọc cánh, lâng lâng bay lên cõi tiên. Trong cảnh trạng này mà bình tĩnh từ từ đọc từng dòng thư hoa gấm của vị hôn phu mới gởi đến thì quả là một thi vị ngọt ngào, tuyệt diệu nhất cho cuộc đời người con gái chớm biết yêu.
Bây giờ, nàng có thể xem kỹ từng chữ, từng câu. Đọc xong một đoạn, nàng lại nhìn ngắm bức ảnh của chàng lộng dưới tấm kính mặt bàn và tưởng chừng như đang cùng chàng trò chuyện vậy.
Bức thư dài đến gần năm trang giấy mà nàng xem đi xem lại những bốn lượt, vẫn còn muốn xem nữa. Cơ hồ nàng đã thuộc lòng gần trọn bức thư.
Nàng bừng khởi hứng thú, muốn viết thư hồi đáp chàng ngay.
Giờ này mà viết thư thì đúng là thời khắc lý tưởng.
Thế nhưng, ngồi hàng nửa giờ trước trang giấy trinh nguyên, nàng vẫn chưa bắt đầu được chữ nào mặc dù trong tâm trí nàng đang có vô số những ngôn từ, ý tứ muốn bày tỏ.
Viết thư không phải là việc mới lạ, khó khăn đối với nàng. Tuy nhiên, viết... thư tình thì nàng chưa từng biết. Đây chẳng là thư tình, còn là gì? Sao mà nàng thấy... gian nan rắc rối quá!
Đắn đo tới lui mãi, nàng chọn một lối thoát:
- Tốt hơn hết, mình nên căn cứ vào cách trong thư anh ấy mà phúc đáp, cho dễ...
Và nàng hạ bút:
[i]
"Tường Phương mến,
Thu Trân xin dùng lối xưng hô thẳng bằng danh tánh với nhau, để tránh khách sáo và cũng đúng theo ý Tường Phương đã muốn, nhé.
Đọc thư của Tường Phương, điều khiến Thu Trân cảm động nhất là sự chân thành, thẳng thắn.
Đúng vậy, Tường Phương đã rất thành thật khi cho biết rằng buổi đầu hoàn toàn ngỡ ngàng, bất mãn về cuộc đính ước hôn nhân của chúng ta, chớ chẳng có mỹ cảm gì với Thu Trân hết.
Đó là sự thật. Chính Thu Trân cũng thế.
Dạo nọ, thoạt nghe ba Thu Trân cho hay vụ "chỉ phúc vi hôn". Thu Trân chẳng nói ra song không khỏi ngấm ngầm phản đối, vì lẽ nó có vẻ mù mờ, vô lý quá. Giới tuổi trẻ chúng ta, lại có đôi phần học vấn, ở thế kỷ hai mươi này, chắc ai cũng cho đó là hủ tục, không thể dễ dàng chấp nhận, phải thế không?
Tuy nhiên, theo Tường Phương cho biết thì... lúc nhận được ảnh của Thu Trân, vừa xem qua, tự nhiên Tường Phương cảm thấy ngây ngất và nghe xao xuyến tận đáy lòng, rồi Tường Phương không tài nào quên Thu Trân được nữa. Tường Phương đã tạm gọi trạng thái cách cảm giao ái như thế là một loại "tiếng sét ái tình" kỳ diệu. Và Tường Phương chẳng những không còn mảy may phiền trách nhị vị thân phụ chúng ta về cái hủ tục chỉ phúc vi hôn, lạ đâm ra biết ơn vì đã nhờ đó mà chúng ta mới có được người yêu như ý ngày nay.
Tới đây, thêm lần nữa Thu Trân lại xin thú thật, cũng đã cùng trường hợp với Tường Phương. Vâng, tâm tình Thu Trân chẳng khác Tường Phương chút nào, từ phút giây đầu tiên nhìn thấy Tường Phương qua bức ảnh, bỗng dưng Thu Trân có cảm tưởng như cuộc đời chúng mình đã được buột chặt, gắn liền vào nhau tự bao giờ rồi. Kỳ diệu thật! Nói thành thật, là Thu Trân đã yêu...
Tường Phương ơi!
Như thế, xét ra, chúng ta có phải là hạng người quá tùy thuộc diện mạo, vóc dáng bề ngoài chăng?
Thu Trân tự gẫm không đến nỗi vậy và càng tin rằng Tường Phương cũng vậy. Bởi vì thẳng thắn mà nói mặc dù Thu Trân cũng khả dĩ gọi là "không xấu", nhưng đâu phải trong thực tế ngoài đời Tường Phương chẳng từng quen biết bạn gái còn đẹp hơn Thu Trân nhiều, phải không?
Âu là chúng ta có duyên nợ với nhau cũng nên. Nếu chẳng hợp duyên thì đâu dễ đã phát sinh rung cảm giống hệt nhau, mặc dù ở cách xa nhau ngàn trùng? Nếu chẳng hợp duyên, sao tư tưởng hai ta hoàn toàn hoà đồng nhau? Ví như ý kiến của Tường Phương đã nêu ra, về vấn đề "cái nết đánh chết cái đẹp", thì thật hết sức phù hợp với quan niệm của Thu Trân, nội tâm con người mới là quý, còn bề ngoài, tuy không hẳn là không cần nhưng đâu phải là điều chính yếu.
Vâng! Thu Trân lại xin hoàn toàn đồng ý với Tường Phương, là chúng ta nên luôn luôn đứng trên căn bản ấy, với lòng chân thành đúng mức mà vun sới cho mối tình chúng ta ngày càng thắm sắc đượm hương...
Vậy, xin thú nhận, Thu Trân tuy cũng bằng tuổi Tường Phương, song thật ra chỉ là một cô gái mười tám còn quá kém cỏi. Trong khi phải chờ thêm hơn một năm nữa, nếu cố gắng đều đặn, Thu Trân mới có thể tốt nghiệp Cao Trung, còn Tường Phương lại đang nghiễm nhiên là một sinh viện đại học rồi. Thu Trân thỉnh cầu Tường Phương vui lòng đóng vai hướng đạo cho Thu Trân. Xin Tường Phương thường xuyên biên thư chỉ giáo những điều hay lẽ phải, các kinh nghiệm học vấn cho Thu Trân. Được như thế, sẽ vô vàn quý báu cho Thu Trân và phần Thu Trân, nguyện sẽ không bao giờ phụ lòng chiếu cố của Tường Phương.
Viết tới đây, Thu Trân cảm thấy chúng mình càng trở nên thân thiết, gần gũi hơn mấy phần và nghe như không thể thiếu vắng nhau được, vĩnh viễn không thể thiếu vắng nhau!
Tường Phương ơi! Trong thư, đã mấy lần Tường Phương nhắc đến nghịch cảnh mồ côi mẹ của Thu Trân và ngỏ ý muốn giúp đỡ Thu Trân về vật chất, tiền bạc... Thu Trân vô cùng cảm kích lòng chiếu cố rất minh bạch của Tường Phương. Nhưng xin Tường Phương đừng quá lo cho Thu Trân điều ấy lúc nầy. Đến bao giờ Thu Trân không còn đủ nghị lực phấn đấu tự lực, chừng đó xin sẽ báo cho Tường Phương hay.
Dù sao Thu Trân cũng cố phấn đấu. Càng gặp khó khăn gian khổ, Thu Trân càng quyết chí phấn đầu kiên cường hơn, chớ không đầu hàng, không qui. ngã trước nghịch cảnh đâu.
Thu Trân thiển nghĩ, khi chúng ta bắt đầu làm con người, là đã bắt đầu đối diện với một cuộc phấn đấu trường kỳ, ví chẳng nhiều thì ít, mấy ai trong đời mà chẳng gặp nghịch cảnh như thế này hoặc như thế nọ...
Tường Phương mến,
Chúng mình viết thư cho nhau, theo lệ thường đáng lý nên dùng những hoa ngôn mỹ từ cho thật êm ái, tình tứ, cho đầy mộng với thơ... Thế mà nãy giờ Thu Trân cứ nói toàn chuyện khô khan như một bài toán lý hóa, xem có đáng chán không?
Kìa! Tường Phương đang tươi cười và trả lời là "không" vì Tường Phương không phải là hạng thiếu niên thích tô chuốt vẽ vời giả tạo và cũng hiểu cho Thu Trân vốn vụng về, chân phương, chẳng quen ngồi dệt những vần thư tình chải chuốt.
Thu Trân kính chúc ba má và bửu quyến Tường Phương khang an vạn phúc.
Đặc biệt siết chặt tay Tường Phương, cầu mong Tường Phương luôn vui, khỏe, tiến bộ mọi mặt.
Tha thiết...
Lâm Thu Trân" [i/]
Trong lúc Thu Trân cắm cúi đọc thư rồi viết thư, Xuân Châu rất tinh tế, đã cố ý không mảy may chi phối chị, mà đi ngủ thật sớm.
Khi Thu Trân hoàn tất bức thư, dán kín phong bì xong thì đã hơn một giờ khuya. Nàng thu xếp lại bàn viết, rồi tắt đèn, rón rén lên giường, thật khẽ, để Xuân Châu khỏi giật mình thức giấc.
Tờ mờ sáng hôm sau, Thu Trân vừa mở mắt tỉnh ngủ, đã thấy Xuân Châu đứng tựa thành giường, gần cửa sổ, cặp mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không ngơ ngẩn xuất thần.
Thu Trân ngồi dậy, vừa thu gọn gối mền, vừa hỏi:
- Em dậy sớm thế? Đang suy tưởng gì đó?
Xuân Châu chùi người lên giường, quàng cổ, dựa đầu vào ngực Thu Trân, thỏ thẻ:
- Em đang nghĩ về lời chị nói với em hồi chiều qua.
- Ủa! Lời nói nào?
- Chị nói, chị em mình tuy hai mà như một...
- A, nhớ ra rồi! Đúng vậy, rồi sao?
- Là "một", nghĩa là liên quan gắn bó nhau, là không thể rời nhau... Như vậy, em thấy khó quá bởi vì rồi đây chị sẽ kết hôn với anh Tường Phương, tất nhiên phải về sống chung với anh ấy, chừng đó, chúng ta sao khỏi phân ly, thì làm thế nào là "một" được? Trừ phi...
- Trừ phi làm sao? Em nói nốt đi nào?
- Trừ phi em với chị hai cùng kết hôn với anh Tường Phương!
Thu Trân không ngờ Xuân Châu lại nói như vậy. Nàng ngạc nhiên, há miệng mà chẳng biết đối đáp thế nào cho phải.
Xuân Châu rần đỏ mặt, nhưng vẫn hỏi:
- Chị em ruột có thể kết hôn chung một chồng hay không?
Thu Trân bật cười, khẽ vỗ đầu em gái:
- Em cũng yêu anh Tường Phương ư?
- Không phải em yêu anh ấy, mà là yêu chị...
Xuân Châu trả lời chắc nịch và chăm chú ngó Thu Trân, ngây thơ tiếp:
- Đã muốn chị em chúng mình vĩnh viễn là một, mãi mãi không chia lìa nhau, thì làm cách nào được, nếu không cùng kết hôn chung một chồng? Đâu chị thử cho biết xem có biện pháp nào khác không?
- Trừ cách đó, dường như chả còn biện pháp thứ hai nào hay hơn.
Thu Trân rất hiểu tâm tình thuần khiết của Xuân Châu, sở dĩ có ý nghĩ như thế, chỉ vì quá yêu thương chị. Nhưng thấy vẻ ngớ ngẩn của em, nàng không nhịn được, bật cười to lên một hồi dài.
Xuân Châu trố mắt:
- Sao chị lại cười? Bộ cách ấy không được sao?
Thu Trân cố nín cười, ôn nhu đáp:
- Kể ra thì không phải là không được, nhưng vì em đặt vấn đề hơi bất ngờ nên chị tức cười.
Xuân Châu ôm chặt lấy chị:
- Chị em chúng mình đã ở chung một phòng ngủ chung một giường, suốt bốn năm năm nay; lúc nào cũng thương yêu quan hoài cho nhau, luôn luôn chẳng rời nhau, đúng là gắn liền nhau như một... Em lo sợ, đến một ngày nào đó, anh Tường Phương sẽ về đây, cưới chị, mang đi, tức đoạt mất phần sống thân thiết nhất của em, thì... em làm sao chịu nổi?
Thu Trân cảm động:
- Em đừng lo, chị em mình sẽ không bao giờ xa lìa nhau đâu.
- Chị có bằng lòng cho em xuất giá chung một lượt với chị không?
- Phần chị thì sẵn sàng bằng lòng, nhưng chừng đó cũng cần hỏi qua ý kiến Tường Phương xem có bằng lòng hay không chứ.
- Chỉ cần chị chấp thuận là đủ, còn anh ấy có bằng lòng hay không, chẳng thành vấn đề với em, miễn sao em được mãi mãi chung sống bên chị, là em toại nguyện...
Thu Trân chẳng thốt nên lời cứ hôn mãi lên tóc em...
Đã khai trường, chị em Thu Trân lại tiếp tục trở lại nếp sinh hoạt của nữ sinh.
Đúng ra, nếp sinh hoạt của hai nữ sinh Thu Trân, Xuân Châu không được thoải mái, bình thường như phần dông bạn đồng học khác. Vì lẽ kế mẫu Thu Trân vẫn một mực không thuê người giúp việc, nên hằng ngày nàng phải dậy thật sớm để lo bữa ăn điểm tâm cho cả nhà và nấu sẵn bữa cơm trưa, rồi mới đến trường. Lúc đi học, nàng phải xách theo một ga-mên cơm, để tan học buổi trưa hai chị em cùng ở lại trường ăn với nhau. Hết buổi học chiều, nàng phải về nhà càng nhanh càng tốt, ngõ hầu kịp nấu bữa cơm tối. Và, sau đó, lại phải rửa chén dĩa, quét dọn trong nhà, ngoài sân, giặt quần áo... rồi mới được rảnh rang vào phòng học bài, làm bài.
Xuân Châu vì khắng khít bên chị, việc gì cũng làm tiếp, nên chịu ảnh hưởng chung chẳng ít.
Đi học trong hoàn cảnh như thế, dù Thu Trân có cố gắng đến mấy, vẫn không đạt nổi thành quả ưu hạng, mà chỉ đứng được khoảng hạng mười trở xuống, mười lăm trở lên thôi.
Tuy nhiên, nàng chẳng bao giờ kêu khổ, không khi nào nản chí. Nàng tự an ủi: còn được đi học, đã là vinh hạnh lắm rồi.
Một lần, ngẫu nhiên mà nàng với Xuân Châu bỗng nghe lỏm được cuộc đàm thoại của ba má trong buồng.
Thân phụ nàng nói:
- Bà nên kiếm mướn một người giúp việc, kẻo Thu Trân vừa đi học vừa làm hết các gia vụ, bất tiện quá.
- Tôi đã bảo tôi không thích mướn người làm.
- Gì mà không thích? Có người làm thì đỡ biết bao. Bà nên biết, chẳng riêng một mình còn Thu Trân phải cực khổ, mà đến con Xuân Châu cũng bị chi phối việc học hành rất nhiều. Càng lên lớp cao, đáng lý chúng nó phải có nhiều thì giờ để học, mới khá được chứ. Bà không quan tâm gì tới sự học vấn của con bà sao?
- Ối! Mặc xác nó! Ai bảo nó làm tài khôn, hùa về phe với con Thu Trân, chống đối lại tôi, thì cho nó chết luôn còn được. Con quỉ nha đầu đó chả là con tôi nữa rồi. Nó đã muốn khốn nạn, tôi cũng chả hơi đâu thương xót cho mệt.
Xuân Châu nghe qua, đã toan xông vào chất vấn bà ta một hồi, nhưng Thu Trân kịp ngăn lại và kéo em về phòng, rưng rưng nước mắt nói:
- Chỉ vì chị mà làm hại em, khiến má hận em như thế. Xuân Châu, chị thật có lỗi với em.
Xuân Châu hầm hầm sắc mặt, hậm hực lên tiếng:
- Được! Rõ ràng bả đã phủi sạch tình mẫu tử. Từ rày em cũng chả coi bả là mẹ ruột nữa.
- Em đừng nói vậy. Chị không muốn vì chị mà tình thâm mẫu tử giữa em với má phải băng hoại. Chị đã đau cái đau của kẻ thiếu lòng từ ái của mẹ ruột, chị không thể để em cũng mất đi tình mẹ!
Tới đây, Thu Trân không dằn được tiếng khóc thút thít, vừa ráng nói thêm:
- Chị thấy từ rày chúng ta nên giảm hẳn đi việc thân mật, cận kề, má thấy vậy sẽ không giận em nữa và lại thương chiều em như thường. Thà chị cam chịu tịch mịch khổ sở, chớ chị không đành lòng để em phải khổ lây vì chị.
Xuân Châu òa khóc, ôm chầm Thu Trân, tức tưởi:
- Không!... Chúng ta là huyết thống của ba, là chị em ruột thịt, thì vui sướng cùng nhau chia xớt, khổ sở cùng nhau gánh chịu. Em không muốn có sự khác biệt nào hết. Em không ham được má tư vị trong khi chị lại bị bạc đãi. Em nhất định không xa rời chị. Má muốn ghét bỏ em thế nào tùy ý.
Hai chị em gục đầu vào nhau mà khóc, lệ nóng chan hòa, cơ hồ không còn phân biệt được là dòng lệ của ai nữa...
Vài hôm sau, nhằm buổi chiều chủ nhật.
Kế mẫu Thu Trân vẫn đi đánh bài, vắng nhà. Thừa dịp, thân phụ nàng lấy tiền riêng, cho chị em nàng mỗi người một ngàn đồng và buồn bã bảo:
- Dạo này thời tiết trở lạnh rồi, hai con đem theo, ăn trưa ở trường, cơm cá hôm nào cũng nguội lạnh cả, chẳng ngon lành gì, lại mất vệ sinh. Hãy giữ số tiền này để mỗi bữa trưa, hai chị em dắt nhau ra quán cơm nào gần trường, mua thêm một vài món ăn nóng mà dùng.
- Ba!... Trưa nào tụi con cũng hâm nóng cơm canh lại, rồi mới ăn đâu có sao, ba đừng lo...
Thu Trân vội lên tiếng... nói dối, để an ủi ba. Giọng nàng như lạc hẳn đi vì cảm động. Nhìn mái tóc đã bạc quá nhiều của ba mà lòng nàng đau thắt. Cả đời ông đã vất vả tìm sự sống cho gia đình, để rồi đến khi tuổi cao chồng chất, vẫn còn khổ tâm vì cảnh nhà.
Nàng cố giấu đi vẻ bi thương, nói tiếp:
- Vì vậy, tụi con đâu cần tiền làm chi, ba thường đi ra ngoài nên cất để mà chi dùng.
Xuân Châu phụ họa:
- Chị hai nói phải đấy, ba cất tiền lại đi, tụi con không lấy đâu.
Phụ thân nàng rưng rưng nước mắt, phải vội quay mặt đi cho hai con đừng trông thấy.
Ông ho khan mấy tiếng để giọng nói đỡ nghẹn ngào:
- Dầu không có con trai nhưng có được hai đứa con gái như các con, chẳng những xinh đẹp, thông tuệ, lại ngoan ngoãn, hiền hậu, ba rất vui lòng. Có điều, trong gia đình không may có người đàn bà đanh đá, ác nghiệt, thật ba hết sức khổ tâm... Ba cũng hổ thẹn vì không...
Ông lại ho khan, kỳ thật ông đã khóc.
Thu Trân thấy, chỉ lúc tổ mẫu mất, thân phụ mới khóc và lâu lắm rồi, đến bây giờ lại khóc.
Tự dưng hai chị em nàng cũng khóc theo.
Một lúc khá lâu, đột nhiên Xuân Châu ngẩng bộ mặt đầy nước mắt lên, tươi cười nói lớn:
- Ba! Chị hai! Bữa nay đáng lẽ là dịp vui mới phải chứ sao chúng ta lại tự chuốc lấy phiền não làm gì. Ba! Đang chiều chủ nhật, ba dẫn tụi con đi chơi đi.
- Xuân Châu nói phải. Nào, hai con vào sửa soạn, rồi ba dắt đi xi nê. Nhưng mà, hãy lấy cất số tiền của ba cho cái đã.
Ông vuốt tóc hai con và đổi buồn làm vui.
Xuân Châu liếng thoắng:
- Chị hai! Tụi mình vâng lời, cho ba hài lòng. Mau vô thay đồ kẻo ba chờ...
Trọn chiều chủ nhật ấy, ba cha con lại được tận hưởng những giờ đậm đà, thoải mái, mãi đến tối mới trở về nhà.
Vừa về tới cửa, Xuân Châu đã chạy lại mở hộp thơ ra, lục lạo theo thói quen, bỗng reo lên:
- A ha! Lại có thư của anh Tường Phương.
- Đâu nào? Mau đem lại cho chị con đi!
Vừa giục Xuân Châu, phụ thân vừa hỏi Thu Trân:
- Hổm rày con với Tường Phương vẫn thường thư từ cho nhau chứ? Tình cảm tiến triển tốt đẹp chứ?
- Dạ có... Dạ, cám ơn ba!...
|
|
|