Thu Trân bất ngờ đã được gặp lại Tường Phương, đó là niềm vui vĩ đại, tuyệt diệu đối với Xuân Châu.
Những ưu tư, băn khoăn ở Xuân Châu đã biến đi hết. Nàng luôn hí hửng tươi cười, có lắm lúc tự nhiên nhảy nhót reo ca một mình trong nhà, như con chim sơn ca hoan lạc giữa mùa xuân hoa gấm.
Ngày nào Xuân Châu cũng rủ Gia Kỳ đến bệnh viện, để gặp Thu Trân, thăm viếng Tường Phương. Những lúc như vậy, gian phòng bệnh A5 của bệnh viện – nơi Tường Phương đang nằm điều trị - bỗng trở nên ấm cúng, vui vẻ chẳng khác một mái gia đình, không dứt tiếng cười nói, chuyện trò thật thú vị, tương đắc.
Từ tuổi tác đến trình độ hiểu biết lẫn phong thái, tư cách của Tường Phương, đều hoàn toàn thích hợp với Xuân Châu và Gia Kỳ. Xuân Châu cảm thấy mãn nguyện mà có một người anh rể như Tường Phương. Ngay trước mặt chàng, có cả Thu Trân, Gia Kỳ hiện diện, Xuân Châu đã nói thật:
- Hồi đó anh cứ bặt tin bặt dạng, bắt chị hai phải khắc khoải đợi chờ mãi, em chịu hết nổi, đâm ra oán anh hết sức. Nhưng bây giờ, hiểu rõ dụng ý lánh mặt của anh, tuy cũng thấy hơi kỳ cục, song em quí anh lắm, anh đã dám coi trọng người yêu hơn bản thân mình, em xin bội phục. Từ nay có anh bên cạnh chị hai em, em có thể yên tâm rồi. Có người anh rể xứng đáng về mọi mặt như anh, em lấy làm hãnh diện. Xin anh chớ nên vì chứng bệnh trong người mà cố chấp, mặc cảm, hãy vững tin, rồi anh sẽ lành bịnh và anh chị sẽ chánh thức làm lễ kết hôn, lập lại cuộc sống vĩnh viễn hạnh phúc.
- Đa tạ Xuân Châu đã khích lệ. Tôi sẽ cố gắng để không phụ lòng tin cậy của Xuân Châu.
Đến đây, Tường Phương chợt nhớ ra, liền nhìn Gia Kỳ và Xuân Châu hỏi:
- Nghe Thu Trân nói cô cậu đang có chương trình tiến thân rất tốt đẹp, thế cô cậu định chừng nào thì lên đường du học ngoại quốc?
- Dạ, cái đó thì...
Gia Kỳ mới trả lời có mấy tiếng, đã ngập ngừng bỏ lửng câu, mà cứ giương mắt ngó Xuân Châu.
Tường Phương bật cười:
- Thì Gia Kỳ còn tùy ở sự tối hậu quyết định của em gái tôi chớ gì? Nếu thế cậu có thể yên chí...
Chàng quay qua cầm tay Thu Trân:
- Bữa trước, nghe em kể, dường như Xuân Châu có đặt ra hai điều kiện và chỉ chịu xuất ngoại du học khi nào hai điều kiện ấy được đáp ứng mà thôi?
- Vâng, đúng thế. Hai điều kiện ấy là...
Không để Thu Trân nói rõ thêm, Xuân Châu bỗng buột miệng la lên:
- A! Chị hai thiệt là... thiệt là... ngộ! Mới gặp nhau trên dưới một tuần mà chuyện gì của em cũng đem học lại hết với anh Tường Phương rồi. Làm như anh Tường Phương là... anh của em vậy đó.
Mọi người cười vang.
Tường Phương lại hỏi Thu Trân:
- Thế vụ học bổng, Xuân Châu đã xin được chưa?
Gia Kỳ mau mắn:
- Dạ, đã nạp đơn xin mấy hôm rồi, ngày mốt thì biết kết quả. Theo em thấy thì Xuân Châu chắc sẽ được chấp thuận cấp học bổng, vì hoàn toàn đầy đủ điều kiện, đúng tiêu chuẩn.
Xuân Châu lườm Gia Kỳ:
- Ơ! Cái anh này, chuyện của người ta mà cũng biết hết.
Thu Trân nhìn Xuân Châu, ôn nhu mà nghiêm trang:
- Em! Chị hy vọng ngày mốt em sẽ được chấp thuận học bổng và em sẽ giữ đúng lời đã hứa vì cả hai điều kiện em mong muốn, đều được thỏa mãn. Em nên chuẩn bị để cùng Gia Kỳ lên đường xuất ngoại sớm ngày nào hay ngày ấy.
Xuân Châu không dám đùa nữa:
- Vâng, để chờ coi kết quả vụ xin học bổng ra sao, nếu được chấp thuận, em sẽ sắp xếp. Em tự lo liệu lấy cũng xong, xin chị hai đừng bận tâm mà nên lo săn sóc cho anh Tường Phương. Huống chi, việc chuẩn bị xuất ngoại cũng chẳng có gì phải lo ngại lắm.
Gia Kỳ xen vào:
- Xuân Châu nói phải đấy chị hai. Hiện tại việc cần lo nhất của chị là chăm sóc anh Tường Phương. Còn vụ sửa soạn hành trang xuất ngoại của Xuân Châu, đã có em hợp lực với Xuân Châu để lo liệu.
Gia Kỳ tỏ ra rất cao hứng, cười nói huyên thuyên. Nhân dịp, lại đưa đề nghị:
- Mấy hôm nay anh Tường Phương đoàn tụ với chị Thu Trân, mà chúng ta chưa tổ chức một cái gì để mừng và ghi nhớ mãi mãi. Tiện hôm nay lại có chuyện vui nầy nữa, xin đề nghị ngày mai chúng ta đi du ngoạn Sư Đầu Sơn một chuyến, nhé! Chúng ta leo lên đỉnh Sư Đầu Sơn hùng vĩ để mà trải rộng sự hoan hỉ ra khắp không gian.
Xuân Châu tán thành lẹ:
- Ý kiến hay đấy! Vậy phần anh đứng ra làm... trưởng ban tổ chức du ngoạn luôn nhé.
- Tuân lệnh! Mọi phương tiện sẽ đâu vào đấy. Chúng ta nên đi xe nhà, tiện hơn. Các thức uống sẽ chẳng lo thiếu, chúng ta sẽ chở theo... một xe đồ nguội. Thế là sáng mai ta đi sớm nhé!
Thu Trân cũng tán thành:
- Đi thì đi chớ... sợ gì! Chính bác sĩ giám đốc cũng có bảo anh Tường Phương vừa nằm bệnh viện chữa trị, thỉnh thoảng nên đi du ngoạn đổi gió. Anh Tường Phương, anh cảm thấy hứng thú về cuộc đi chơi Sư Đầu Sơn do Gia Kỳ đề nghị chứ?
- Hứng thú trăm phần trăm. Đồng ý ngàn phần ngàn. Nhưng cần phải làm tăng thêm ý nghĩa cuộc du ngoạn nầy mới được. Chẳng những để đánh dấu cuộc tương phùng của chúng mình, mà còn để kỷ niệm ngày sắp lên đường du học của đôi loan phụng Xuân Châu – Gia Kỳ nữa.
- o O o -
Từ ngày Xuân Châu cùng Gia Kỳ xuất ngoại, Thu Trân càng đem hết tâm lực săn sóc chăm nom bệnh trạng cho Tường Phương.
Thắm thoát mà trời đã cuối thu, vào Đông.
Thời tiết giá lạnh có vẻ không mấy thuận lời cho chứng lao phổi nặng như trường hợp Tường Phương. Nên Thu Trân lại thêm thận trọng lo liệu cho chàng từng ly từng tí.
Tối nay Thu Trân chích thuốc, cho chàng uống thuốc xong, chợt nhận ra nét mặt chàng buồn bã; nàng vội hỏi nguyên cớ mãi, chàng thở dài:
- Tính ra, anh đã vào đây điều trị gần sáu tháng rồi, nhưng bệnh trạng xem ra cứ dây dưa, không giảm, thật là điều đáng buồn phiền...
- Ồ! Sao anh nói vậy, có chi mà đáng phiền? Anh lại thiếu tự tin nữa rồi!
- Không phải anh sợ chết, mà điều khiến anh buồn xót, băn khoăn là đã làm khổ nhọc em quá nhiều. Mặc dù mọi khoảng chi phí bệnh phòng, thuốc men đã được bác sĩ giám đốc giảm hẳn cho phân nửa, nhưng theo anh nghĩ, đừng nói là sáu tháng, mà chỉ ba tháng thôi, sự tốn kém cho anh cũng là con số to tát rồi. Vậy mà em đã lo liệu cho anh nằm ở đây gần sáu tháng, hỡi ôi! Tiền bạc ở đâu mà...
Thu Trân mỉm cười ngắt lời:
- Tại anh chưa rõ, để em nói cho anh biết mà yên tâm. Ngay từ khi định để anh nằm điều trị lâu dài tại đây, em đã hỏi bác sĩ giám đốc rồi. Bác sĩ bảo rằng, cứ nằm ba năm, cũng được, miễn anh hoàn toàn bình phục. Ông lại khuyên, đối với chứng bệnh này, phải kiên nhẫn, lâu dài. Em có đề nghị một biện pháp, nếu anh cần điều trị tại đây ba năm, thì các chi phí em chỉ trả một phần, còn bao nhiêu xin thiếu lại, sau đó, em sẽ sẵn sàng phục vụ bệnh viện này mà không lãnh lương, dù năm năm, bảy năm hay mười năm cũng được.
- Trời! Em đã định như thế? Cả cuộc đời em dâng hết cho anh rồi còn chi.
- Đó là bổn phận của em, có chi đáng kể. Đến khi anh bình phục, vợ chồng mình chung sống, anh sẽ có công việc làm, anh lo cho em.
- Thu Trân! Em đối với anh ơn nặng tợ non, tình sâu tợ biển; anh thật không biết dùng lời lẽ nào đủ ý nghĩa để cảm tạ em. Nhưng, sự nhẫn nại của con người vốn có hạn, anh cảm thấy không thể kéo dài mãi tình trạng bất ổn này, anh nhận thấy không có quyền lê thê làm khổ em, không có quyền cướp mất cuộc đời xuân sắc, hoa gấm của em. Cho nên, anh hằng van vái những đấng linh thiêng, nếu số anh không thể thoát khỏi chứng bệnh hiểm nghèo này, thì xin cho anh sớm chết đi, anh sẽ rất sung sướng nhận lấy cái chết, để em không còn liên lụy khổ nhọc vì anh nữa.
Vành mắt Thu Trân đỏ hoe. Nàng nghẹn ngào ngồi yên, chẳng thốt được nên lời.
Thình lình Tường Phương phủ phục quì dưới chân nàng:
- Thu Trân! Một người con gái trẻ đẹp, thiện tâm như em, đáng phải được thụ hưởng hạnh phúc; vậy mà anh đã làm hại em! Anh đã làm hại em! Ôi! Nếu có đấng thượng đế toàn năng, sao không diệt một kẻ ma quỉ, hại nhân, báo đời như tôi.
Thu Trân ôm chầm lấy chàng, nâng chàng dậy:
- Tường Phương! Anh có yêu em không?
Bị nàng hỏi bất chợt, chàng không khỏi ngập ngừng:
- Yêu em... lẽ cố nhiên...
- Thế anh có nghe em nói không?
Chàng gật đầu:
- Miễn là em vui sướng, thì chuyện gì anh cũng nghe theo em hết.
Nàng càng giữ chặt lấy chàng:
- Tường Phương! Anh có một người vợ như em, anh có bằng lòng không? Anh có nhìn nhận em là vợ của anh không?
- Anh... anh... cố nhiên là bằng lòng...
Chàng trả lời thật khó khăn. Nhưng tiếp theo, bỗng dưng chàng thốt trôi chảy:
- Đáng tiếc là anh vô duyên phận bạc, đã không xứng...
Chẳng để chàng nói thêm, đột ngột nàng áp môi vào môi chàng.
Động tác của nàng thật nhanh, nhưng Tường Phương như có đề phòng, đã phản ứng càng nhanh hơn, khiến chiếc hôn của nàng tuy không lọt vào khoảng không, song lại hôn vào... bàn tay chàng.
Chàng cắn chặt hai hàm răng, cơ hồ để đè nén lửa nhiệt tình đang vụt bừng lên trong lòng. Chàng tự trấn tĩnh thật lẹ, nghiêm trang khuyên:
- Thu Trân! Cử chỉ vừa rồi của em có dụng ý gì, anh hiểu lắm và cũng cảm kích lắm. Nhưng... không nên em à? Em không nên vì anh mà quá nặng tình cảm. Mấy lúc gần đây, anh ho càng dữ dội, anh xin em nên gìn giữ...
- Em là vợ của anh, em là vợ của anh, thì có gì phải úy kỵ. Vả lại, không nhất thiết bất cứ lúc nào em cũng bị truyền nhiễm. Trên đời này, thiếu chi những người bệnh phổi, họ cũng kết hôn, cũng sinh hoạt vợ chồng và sanh con đẻ cái như thường. Tường Phương! Nếu anh bằng lòng, chúng ta làm đám cưới ngay hôm nay hay ngày mai, em thấy chẳng có gì trở ngại cả.
Chàng trố mắt nhìn nàng, vừa cảm động vừa kinh dị:
- Em... em... là một người hiểu rành y học... sao em lại có thể nghĩ như thế? Đành rằng anh có thể đem cái thể xác đã mất đi phân nửa sự sống này mà hủy hoại không tiếc, để thụ hưởng lạc thú bên cạnh một người con gái trẻ đẹp như em. Nhưng anh không có quyền ích kỷ, tàn nhẫn như vậy, anh không có quyền đầu độc, hủy hoại cả cuộc đời xuân mộng trân quí của em vì dục vọng của kẻ tàn phế như anh. Thu Trân! em vốn kiên cường, vững lý trí, lẽ nào em để cho tình cảm nhất thời chi phối sai lầm sao?
- Cuộc đời em sẽ không xuân mộng, không trân quí, không có ý nghĩa gì hết, nếu không có anh. Em chấp nhận tất cả, miễn anh đừng nản chí, miễn anh tích cực lên mà phấn đấu với bệnh trạng...
Chàng không dằn nén được nữa, bật khóc.
- Anh! Đừng khóc! Đừng chuốc lấy ưu phiền! Hiện nay chúng ta không có mấy ai là thân nhân quyến thuộc, chỉ có chúng ta với nhau thôi, thì dù thế nào, chúng ta cũng phải gắn bó bên nhau, chết cùng chết, sống cùng sống, đều mãn nguyện cả.
Tường Phương lộ vẻ nghĩ ngợi, bỗng gương mặt đẫm lệ của chàng rạng nét cười:
- Được rồi, Thu Trân! Anh không ủy mị nữa, không phiền não nữa. Anh sẽ phấn khởi chữa trị bịnh... Nhưng anh không thể đồng tình để em mạo hiểm sấn bước vào ngõ cụt đầy bất trắc.
- Chẳng lẽ lúc nào cũng dễ dàng truyền nhiễm? Chẳng lẽ chúng ta cứ bị con ma truyền nhiễm ám ảnh mãi, rồi không dám kề cận nhau? Ví dụ như thế này... thế này... thì bất trắc cái gì? Chả lẽ chết hay sao?
Tường Phương để yên cho nàng lau mặt và hôn vào trán, đoạn chàng trân trối ngắm nhìn vào thân hình nở nang kiều diễm của nàng, mỉm cười:
- Thu Trân! Phải thành thật mà nói, em đẹp lắm, anh nghe ngây ngất đê mê trước dung nhan em, anh hình dung một diễm phúc tuyệt vời khi thực sự là chồng em. Phải chi con người anh không mắc phải chứng bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo, thì dù cả bầu trời sụp đổ bên cạnh, dù ai kề gươm vào cổ anh bảo đừng, anh cũng vẫn quyết làm chủ con người kiều diễm của em như thường.
Thu Trân ửng hồng đôi má, nguýt yêu chàng:
- Ái chà! Nói như nghe "ghê" lắm vậy đó, mà rồi, khi chạm thực tế, cứ... nhát như cheo!...
- o O o -
Thời gian vẫn tiếp nối trôi qua.
Lại đến mùa anh đào.
Tính ra Tường Phương đã nằm điều trị tại bệnh viện Nhân Ái có tới một năm rưỡi rồi.
Thu Trân vẫn vừa làm cán sự điều dưỡng ở đây, vừa thân cận chăm sóc chàng.
Dạo này nàng đổi phiên, trực đêm, nên ban ngày, nàng phải ngủ bù lại, đến khoảng gần mười một giờ sáng, mới dậy. Chính Tường Phương đã quyết liệt bắt buộc nàng ngủ như vậy, nếu nàng không tuân theo thì buổi chiều chàng sẽ không chịu đi dạo mát ngoại ô với nàng.
Hôm nay trong khi Thu Trân còn ngủ, Tường Phương khe khẽ chân rời khỏi phòng, ra ngoài, dạo quanh hoa viên bệnh viện.
Chàng vốn là bệnh nhân nằm lâu nhất nên tất cả nhân viên các cấp trong bệnh viện đều quen biết chàng, đều dành cho chàng nhiều thiện cảm đặc biệt.
Ai gặp chàng cũng niềm nở chào hỏi và trò chuyện mấy câu. Và hôm nay, chẳng hẹn mà người nào cũng đưa lời chúc mừng chàng về tình trạnh sức khỏe khả quan cả.
Lúc chàng trở về phòng thì Thu Trân đã dậy từ lâu và đang ăn cơm trưa.
Thấy chàng tươi rạng sắc mặt, đầy vẻ hứng thú, Thu Trân liền hỏi nguyên cớ. Chàng tươi cười thành tiếng:
- Thu Trân! Anh thật là hồ đồ! Bệnh của anh đã hoàn toàn thuyên giảm rồi, mà cứ nấn ná nằm lại đây hoài.
Thu Trân ăn nhanh chén cơm sau cùng, vừa lau miệng, vừa mỉm cười hỏi:
- Vừa rồi chắc anh có gặp bác sĩ giám đốc và được bác sĩ báo cho tin mừng ấy.
- Anh chưa gặp được bác sĩ giám đốc, nhưng vừa gặp khá đông nhân viên bệnh viện, ai cũng bảo anh đã bình phục và đều vui vẻ chúc mừng anh.
Thu Trân đến ngồi sát bên chàng, ngọt ngào:
- Em cũng biết như vậy từ vài tuần nay rồi, nhưng ý em muốn để anh tiếp tục lưu lại đây vài tháng nữa, để bồi dưỡng cho thật khỏe mạnh, sức lực cường tráng thì tinh thần mới dồi dào, chừng đó sẽ xuất viện...
Tường Phương cười hì hì, cầm lấy tay và kề sát vành tai nàng:
- Anh hiểu ý em rồi. Em muốn anh bồi dưỡng cho cơ thể thật cường tráng, để sau ngày kết hôn, sẽ giúp em cho ra đời lẹ lẹ vài "tí hon" chớ gì?
Nàng quay qua cắn khẽ vào tai chàng và đấm lên lưng chàng thùm thụp.
- Quỉ nè! Ăn nói gì phát ghét!
Chàng cười càng to, vừa chụp tay nàng, áp lên mũi:
- Bộ em quên lời chúc mừng của Xuân Châu, nhân dịp đi Sư Đầu Sơn dạo nọ rồi sao? Xuân Châu muốn sau bốn năm du học nước ngoài trở về, sẽ thấy em... trên tay bồng một đứa, sau lưng cõng một đứa và trong bụng còn mang thêm một đứa, cùng anh ra phi trường, đón cô ta đấy! Chả lẽ chúng ta để cô ta thất vọng?
Thu Trân nghe ngọt lịm tận tâm hồn, trong khi mặt nóng bừng. Như con cừu non, nàng ngã đầu vào ngực chàng:
- Em muốn trễ lắm là mùa thu tới, chúng ta chánh thức làm lễ cưới nghe anh.
- Ồ! Thế thì làm sao cho kịp tay bồng một đứa, lưng cõng một đứa, bụng mang...
- Thôi đi! Đùa mãi! Nghe người ta tính đứng đắn đây nè, chúng ta đừng sản xuất đông quá, chỉ cần một đứa con trai, một đứa con gái, là đủ rồi.
- Cái đó thì... sẽ tuân lệnh. Có điều, nếu Xuân Châu trách móc, thì em liệu mà biện hộ cho trôi đấy nhé.
- Con bé ấy, chỉ ưa trêu phá người ta là giỏi. Được rồi! Cô ta đã "chúc" mình kiểu đó, để xem năm bảy năm nữa, cô sẽ mang, cõng, bồng mấy đứa cho biết.
Hai người cười vang.
Hai mái đầu xanh tựa vào nhau tính chuyện tương lai. Chàng nói:
- Đợi mùa thu, anh chả đợi nổi đâu. Theo ý anh thì nội trong tuần này, anh xuất viện ngay; anh sẽ đến hãng cũ của anh làm mà yêu cầu họ cho mượn nửa năm lương, nếu không được anh sẽ đi xin một sở làm mới, để nhận một số tiền ứng trước và anh làm hai tháng tiếp theo đó, tất sẽ có một số tiền tương đối đủ để chúng ta làm đám cưới và cuối mùa xuân này. Đấy, kế hoạch của anh như thế, em thấy có được không?
Nàng vô cùng cảm động vì thấy hiển nhiên chàng quả là một thanh niên nhiệt tình mà không ỷ lại, đúng là một người chồng đầy tinh thần trách nhiệm. Nàng sung sướng gật đầu:
- Kế hoạch của anh rất hay, nhưng em không muốn anh mới vừa ra khỏi bệnh viện đã đi làm ngay. Còn như vấn đề anh có nên xuất viện trong tuần này hay phải đợi đến hôm nào thì em đề nghị chúng ta cần thỉnh ý bác sĩ giám đốc mới được. Nếu bác sĩ giám đốc cho xuất viện mà bảo anh cần nghỉ ngơi dưỡng sức tại gia, thì em sẽ xin phép cô Hai, để anh cùng về đằng nhà cô Hai với em. Hãy tính cho xong vấn đề sức khỏe của anh cái đã, rồi tùy đó, chúng ta sẽ thương lượng thêm những chuyện kế tiếp, nghe anh.
- Anh đã hoàn toàn bình phục rồi, còn lo vấn đề dưỡng sức tại gia làm chi nữa. Muốn lập gia đình, thì kinh tế là điều kiện tiên quyết trọng yếu anh cần phải kiếm sở làm ngay mới được.
Thu Trân vờ giận dỗi:
- Thôi đi! Đã bảo chờ thỉnh ý bác sĩ giám đốc xem vấn đề sức khỏe của anh nên giải quyết cách nào đã, rồi sẽ tính những chuyện khác, mà không chịu nghe, cứ nói vậy mãi! Em giận rồi đây nè!
- Nguy chưa? Sao lại giận? Bây giờ anh phải làm gì để tạ lỗi đây? Anh quỳ xuống.
- Oái! Ai biểu anh quỳ hồi nào! Em muốn cách khác cơ.
- Miễn em hết giận thì cách nào anh cũng nghe theo ngay. Cách nào?
- Cách... cách... anh hôn em đi.
Tường Phương bỗng lộ vẻ ái ngại, ngập ngừng. Mặc cảm "bệnh lao phổi" lại chờn vờn hiện lên trong tâm tưởng chàng.
Nhưng chàng vẫn chìu ý nàng.
- Không được! Sao mà lơ mơ quá vậy?
Tường Phương chưng hửng.
Thu Trân cười xòa.
Chàng cũng cười theo và thành thật:
- Năm nay hai mươi sáu tuổi, đây là lần đầu tiên anh mới... mới thế nầy!...
Thu Trân và Tường Phương lên văn phòng bác sĩ giám đốc, trình bày chuyện xin xuất viện.
Bác sĩ giám đốc đồng ý trên nguyên tắc, nhưng vẫn cẩn thận:
- Dù sao cũng cần rọi kiếng thật kỹ lại một lần nữa, soát cho thật kỹ, mới yên tâm.
Thế là Thu Trân lại đưa chàng đến phòng rọi kiếng và cố nhiên phải còn nán lại bệnh viện vài hôm để chờ kết quả tổng khám lại.
Hai người trở về phòng thì nhận được thư của Xuân Châu từ ngoại quốc gởi về.
Hơn nửa tháng trước đây Thu Trân đã báo tin mừng cho em, về tình trạng sức khỏe khả quan của Tường Phương, nên nay Xuân Châu biên thư về chúc mừng và đốc thúc anh chị nên sớm làm đám cưới.
Thu Trân đọc xong, liền trao thư cho Tường Phương:
- Anh xem, Xuân Châu còn có ý gấp rút hơn chúng ta nhiều! Con bé cứ sợ chúng ta già!
Tường Phương xem thư, gật gù luôn, đoạn nhìn Thu Trân tươi cười:
- Xuân Châu đốc thúc rất hợp ý anh. Nếu kết quả rọi kiếng cho thấy rõ bệnh phổi anh đã hoàn toàn khỏi, thì anh sẽ lập tức động phòng hoa chúc với em ngay.
Thu Trân đỏ mặt, trề môi:
- Cứ giỏi nói chuyện quỉ quái hoài!
- Đó mới là chuyện thiết thực nhất đấy chứ. Bây giờ, còn được em hôn một cái, anh nguyện sẽ không ăn cơm tối nay, mà vẫn no như thường.
- Không ngờ nữ sắc có mãnh lực đến thế.
Tường Phương ghé mặt sang, hôn phớt một loạt vào cổ, mép tai và hai bên má của vị hôn thê.
Nàng cười:
- Coi chừng người ta thấy, mắc cở chết.
- Mắc cở quái gì. Còn ai không biết chúng mình là cặp vợ chồng sắp cưới?
Sực nhớ một chuyện, nàng khẽ vỗ vào lưng chàng:
- Bây giờ, để em về đằng nhà cô Hai một chút, báo tin mừng cho cô Hai biết, vài ngày nữa anh sẽ xuất viện và chúng mình sẽ về ở đằng đó. Cô Hai đã dọn sẵn một phòng dành cho anh.
- Phải đấy, vài ngày nữa, chẳng bao lâu, cần chuẩn bị ngay bây giờ là vừa. Nhưng sao em lại đi một mình? Cho anh đi với chứ, để cô Hai thấy anh hồng hào, cô Hai mừng...
- Anh đi, coi chừng bị mệt...
- Giỡn hoài! Dù có chạy đua nước rút ba trăm thước ngay bây giờ, anh cũng dư sức chạy. Hoặc, lát nữa, cả hai bận đi và về, khỏi cần đi xe, anh sẽ cõng em cho mà coi.
Hai người lại tay trong tay, hân hoan dắt nhau ra đường.
Từng bước đi, họ cảm thấy như có hoa có gấm trải dưới chân mình.
Ngày thứ ba, bác sĩ giám đốc sai Tiểu Linh mời riêng Thu Trân lên văn phòng.
Biết ngay là sắp được nghe thông báo về kết quả rọi kiếng của Tường Phương, nàng rộn rã hồi hộp, ba chân bốn cẳng chạy đi liền.
Vừa bước vô văn phòng, chào hỏi bác sĩ giám đốc xong, chưa kịp ngồi xuống ghế, nàng đã gấp rút hỏi ngay:
- Thưa bác sĩ, bác sĩ cho gọi cháu, chắc về vụ rọi kiếng...
- Đúng vậy, bác sĩ Lý vừa gởi lên đây bản báo cáo nghiên cứu bức phim rọi...
- Thưa bác sĩ, chứng phổi của Tường Phương hoàn toàn lành rồi chứ?
- Lành thì lành rồi đấy, nhưng... chưa thể xuất viện ngay lúc này được.
Thu Trân cuống quít:
- Thưa bác sĩ, tại sao vậy? Hay là bác sĩ nhận thấy trong phim có điểm nào không ổn chăng?
Bác sĩ giám đốc trầm ngâm không đáp, xem ông có vẻ đang nghĩ ngợi một điều gì.
Thu Trân càng hoang mang, nàng bước tới hai bước, giọng nói run run:
- Thưa bác sĩ, có điều chi mà bác sĩ không tiện nói?
Bác sĩ giám đốc ôn tồn:
- Cô đừng hoảng hốt. Tôi thấy Tường Phương tốt nhất là nên tiếp tục nằm tại đây một thời gian nữa, vì theo bác sĩ Lý thì ở gan Tường Phương có điểm... có điểm không được bình thường.
- Có nặng lắm không thưa bác sĩ?
Tiếng Thu Trân lạc hẳn đi, cơ hồ muốn khóc.
- Cô Thu Trân! Không nên rối trí, dù bệnh có nặng đi nữa, nhưng đã biết bệnh mà chữa trị sớm, thì vẫn không hề chi. À, mấy lúc gần đây, cô có nhận thấy ở Tường Phương có dấu hiệu gì mệt mỏi không?
- Thưa không ạ, mà lại rất phấn chấn. Chính anh ấy cứ nằng nằng đòi xuất viện, vì tự thấy sức khỏe đã khả quan.
- Vậy để tôi nghiên cứu lại một lúc coi nào. Mời cô ngồi đây chốc lát...
Ông đứng dậy, bước vào phòng nghiên cứu kế cận.
Thu Trân ngồi đợi trên ghế nệm, đang vào tiết xuân mát mẻ, mà cứ nghe như ngồi trong lò lửa, mồ hôi toát đầm đìa. Nàng không ngờ bệnh phổi của Tường Phương vừa dứt, thì lại thêm bệnh gan. Biết đâu còn những chứng khác nữa. Ôi! Hậu quả thảm hại của những trận đòn tra tấn tàn bạo do quân phiệt Nhật để lại ở ngũ tạng lục phủ chàng.
Nàng vừa đau xót, vừa căm hận, và bật khóc.
Bỗng nhiên một bàn tay dịu dàng vỗ lên vai nàng và giọng ôn nhu như một người cha, bác sĩ giám đốc rót vào tai nàng:
- Thu Trân, đừng khóc. Chuyện gì cũng nên bình tĩnh. Trước mặt Tường Phương mà cháu bi thương, hốt hoảng như thế này thì bất lợi lắm.
Thu Trân vội lau nước mắt:
- Dạ, dạ... cháu hiểu, cháu sẽ...
- Tôi xem kỹ lại rồi, bệnh phổi quả nhiên đã khỏi hẳn, chỉ còn gan... gan thì... yếu! Nhưng, đừng lo, chúng ta tận tâm tận lực chữa trị, ắt sẽ không đến nỗi nào.
- Nhưng, thưa bác sĩ, gan Tường Phương "yếu", mà là bệnh chi ạ?
- Ngay bây giờ cháu có hỏi bao nhiêu, tôi cũng chưa tiện cho biết được, vì tôi còn... còn nghiên cứu kỹ thêm, mới có thể nói đích xác. Thôi, cháu rửa mặt đàng hoàng đi, rồi trở về phòng, cho Tường Phương hay, nhớ là tuyệt đối đừng để lộ vẻ buồn lo. Cháu nên tươi cười, bảo cậu ấy rằng bác sĩ giám đốc muốn cậu ấy nằm nán lại mấy ngày nữa, thế thôi, chớ đừng nói gì nhiều, nghe!
Thu Trân đành tuân lời, rời khỏi văn phòng bác sĩ giám đốc, với tất cả dáng điều thiểu não, tâm tư thống khổ.
Tuy nhiên, khi sắp về đến phòng A5, nàng nhớ lời khuyên mới rồi của bác sĩ giám đốc, liền cố gượng tươi tỉnh.
Tường Phương ra đón nàng vào, hỏi ngay:
- Bác sĩ giám đốc đã chấp thuận cho anh xuất viện chứ?
- Ông bảo bệnh phổi của anh đã khỏi hẳn rồi, nhưng vì mới bình phục, anh còn cần ở lại bồi dưỡng thêm ít hôm nữa, cho thật dứt bệnh, cho thật bảo đảm, để mai hậu chẳng còn ngại gì nữa.
- Ồ! Đã khỏi hẳn, thì còn nằm bệnh viện làm gì nữa? Em có thưa với bác sĩ giám đốc về chuyện chúng ta dự định sẽ làm đám cưới sau khi anh xuất viện không?
- Em không có nói chuyện ấy, vì nghĩ đó là chuyện riêng. Điều chính yếu là vấn đề sức khỏe của anh, ông ấy đã bảo như thế, vì ông tận tâm với chức nghiệp và thực tình thương mến chúng mình, thiết tưởng chúng mình không nên cãi lời, anh cũng nên nằm lại đây ít hôm.
Tường Phương gật đầu và quàng tay qua vai nàng, hôn lên má một cái.
Trước đó, mỗi lần chàng tỏ cử chỉ yêu đương như thế nàng nghe thấm thía hương vị ngọt ngào, ngây ngất làm sao. Nhưng phút giây này, vì tâm tư đang lo âu, rối bời, nàng chẳng có phản ứng gì cả.
Tường Phương quả nhiên rất tinh tế, thấy nàng bỗng dưng có sự khác lạ, liền phát sinh hoài nghi, nhìn nàng, dịu dàng:
- Em! bác sĩ bảo anh nằm nán lại có phải vì sau khi kiểm soát phim chiếu điện, đã nhận thấy cơ thể anh có điều gì bất ổn?
Thu Trân giật mình, phải ráng hết sức giữ bình tĩnh, cố cười:
- Đâu có! Đâu có gì! À này, để em đi gọi điện thoại cho cô Hai hay là anh còn nằm nán lại ít hôm, chưa xuất viện ngay, đặng cô Hai khỏi trông đợi, nghen!
Thực ra, nàng phải viện cớ để trốn chạy. Nếu nàng còn đối diện chàng một lần nữa, e khó mà che dấu nổi sự thật.
Thế là Tường Phương đành đình hoãn ý định xuất viện.
Ngày ngày, đích thân bác sĩ giám đốc với hai bác sĩ nữa, đến khám bệnh, và quyết định thuốc men chữa trị cho chàng. Lẽ dĩ nhiên là các bác sĩ chẳng nói rõ chàng bệnh gì, cả Thu Trân cũng không hiểu nốt. Mà bác sĩ giám đốc luôn luôn tươi cười bảo:
- Không có gì đáng lo đâu. Đây là một trường hợp đặc biệt, vì cậu từng bị lao phổi nặng mà chúng tôi đã chữa lành nên chúng tôi cần rút tỉa kinh nghiệm, thế thôi.
Tường Phương lại đành vâng dạ.
Nhưng, một hôm, chàng nắm chặt Thu Trân bắt phải ngồi nghe chàng hỏi:
- Em! Bệnh anh thật ra như thế nào? Em đã nghe theo lời các ông bác sĩ, che dấu, lừa gạt anh, phải không?
- Ái da! Em che dấu anh để làm gì? Bệnh phổi của anh đã lành hẳn rồi, thật mà!
Tường Phương cười lạt:
- Lành hẳn! Hừ... lành hẳn mà bác sĩ giám đốc lại thân hành kéo tới đây cả một hội đồng bác sĩ để khám bệnh anh! Lành hẳn mà ngày nào anh cũng phải uống gấp ba lần thuốc hơn mọi khi, phải chích bốn năm mũi một ngày?
Thu Trân nát dạ tan lòng, nhưng vẫn ráng tươi cười:
- Anh hơi nào bực tức. Thực tình em có nghe bác sĩ giám đốc bảo rằng gan anh hơi yếu, cần chữa trị cho bình thường, ông ngại anh buồn, nên chẳng nói rõ, thế thôi, kỳ thật chẳng phải là cái gì nghiêm trọng đâu.
Tường Phương ngồi thừ ra, chừng như cũng không ngờ trong cơ thể mình lại lắm bệnh như vậy.
Thu Trân ôn nhu, ngọt ngào:
- Anh! Đừng buồn! Bác sĩ giám đốc cho biết, chỉ xoàng thôi, không phải là bệnh gan nặng đâu.
Chàng thở dài:
- Sống chết có số mạng, anh buồn làm gì. Nhưng, theo anh hiểu, bệnh gan của anh có lẽ còn nghiêm trọng hơn bệnh phổi trước đây nữa, nếu không, thì bác sĩ giám đốc đã chẳng thân hành đến khám bệnh anh hằng ngày.
- Ồ! Đó là vì ông thương anh và vốn là một bác sĩ rất đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Anh cứ suy đoán đâu đâu hoài.
- Anh không sợ chết, anh chỉ lo, nếu anh có điều gì không may thì em sẽ đau khổ, buồn rầu... Ấy là chuyện anh không muốn.
Ngừng một chút, chàng nhìn sâu vào mắt nàng:
- Này, em! Giả sử anh có mệnh hệ nào, xin em đừng quá bận tâm, em nên kiếm chồng, tạo dựng hạnh phúc. Như thế là em thương anh đó. Bên kia thế giới, anh mới yên tâm.
Nàng vội bụm miệng chàng...
|
|
|