Gởi xe xong, Thường và Trúc đi dài theo con đường phố đã bắt đầu tấp nập xe cộ và những dòng người xuôi ngược. Lần đầu tiên biết hẹn hò và đi chơi với một thanh niên, Trúc ngượng ngùng chỉ sợ bạn bè bắt gặp. Eo ơi, mấy nhỏ bạn của Trúc mà bắt gặp trúc đi phố với Thường chắc chúng nó sẽ đồn rầm lên, Trúc có nước độn thổ.
- Ði đâu vậy Thường?
- Tới đằng kia uống nước.
- Tự nhiên đi uống nước?
Thường cười:
- Khát nước thì đi uống nước chứ sao?
- Người ta không khát.
- Nhưng chẳng lẽ đi long rong hoài ngoài phố. Trúc không sợ mỏi chân à?
- Không.
- Nhưng cũng nên vào quán ngồi nghỉ chân rồi đi tiếp. Không khát nước thì ăn kem. Tôi biết ở quán đó có món kem ngon lắm.
- Biết từ bao giờ?
- mới biết hôm qua. Phải đi ăn trước mới dám mời Trúc chứ. Nếu lỡ kem không ngon thì quê chết.
Câu trả lời dễ thương của Thường khiến Trúc phì cười. Sao lại thành thật và ngây ngô đến thế.
- Ðồng ý không? - Thường nhìn Trúc hỏi.
- Không đồng ý cũng không được.
Hai người băng qua đường và bất chợt Thường nắm bàn tay của Trúc. Cô giật mình nhưng không rút lại được vì Thường đã lôi cô đi giữa dòng xe cộ để qua phía bên kia đường.
Buông tay Trúc ra, Thường lúng túng giải thích:
- Vì sợ bị tai nạn nên tôi buộc lòng phải dẫn Trúc qua đường.
- Xí.
Trúc lườm Thường, và cảm thấy bàn tay mình còn nóng hổi, mấy ngón tay tê dại như có một luồng địên chạy qua.
- Gớm, ở thành phố buổi chiều xe cộ đông quá. Trúc có chóng mặt không?
- Làm gì phải chóng mặt lận? - Trúc cười.
- Hồi nhỏ tôi bị yếu tim.
- Còn bây giờ?
- Trái tim yếu hơn.
- Thường học sách nói xạo hồi nào vậy?
Nhưng anh đã tảng lờ, làm như không nghe thấy câu hỏi của Trúc. Hai người lại băng qua đường, lần này Thường không nắm tay Trúc nữa, nhưng anh đã đứng chắn phía trước dòng xe, cố ý để Trúc đi qua.
- Tại sao anh không nắm tay người ta?
- Bây giờ xe cộ ít hơn lúc nãy.
- Xí.
Thường cười nhỏ và đẩy cửa kiếng bước vào quán, Trúc theo sau. Hai người chọn chiếc bàn trống trong góc quán. Ở ngoài đường thì đông người, nhưng trong quán giờ này lại vắng. Thường ngồi đối diện với Trúc, anh xoay cái bình cắm hoa nhỏ trong tay và hỏi:
- Trúc uống nước hay ăn kem.
- Ăn món kem gì mà anh quảng cáo là ngon tuyệt đấy.
- Kem dừa.
Trúc gật đầu. Thường quay qua người phục vụ đứng chờ, nói:
- Hai cái kem dừa, nguyên trái.
- Nhưng không phải cạp bằng răng chứ? - Trúc trêu Thường.
- Hôm nay thì không phải sử dụng đến hàm răng đâu.
- Thường ăn kem dừa ở đây bao nhiêu lần rồi?
- Lần đầu tiên. Hôm nay.
- Sao biết kem dừa ngon tuyệt?
- Dễ thôi, hôm qua tôi vào đây và gọi nước chanh. Người phục vụ mang ly nước chanh ra tôi hỏi ngoài nước chanh có món gì ngon nhất, dĩ nhiên không phải bia, ông ta bảo có kem dừa ngon nhất.
Trúc cười. Vừa lúc người phục vụ mang ra hai trái dừa đặt trong hai cái đĩa to. Người ta đã bỏ đầy kem trong mỗi trái dừa và Trúc ước chừng nếu ăn hết phần kem trong trái dừa, cô sẽ bỏ luôn cả cơm tối.
- Ăn thử xem - Thường mời.
- Không ăn cũng biết ra sao rồi, vì Trúc đã từng ăn kem dừa ở quán này.
Thường xịu mặt. Muỗng kem như nằm bất động trong miệng anh. Trúc nhìn thoáng thấy Thường buồn. Cô cười:
- Nhưng kem thì khác mọi lần. Ðừng tưởng kem dừa luôn luôn giống nhau.
Trúc ngậm một muỗng kem như để nó tan dần trong đầu lưỡi. Trúc khen:
- Kem ngon quá.
- Ðừng khen lấy lòng nghen cô bé.
- Khen thật.
- Ráng ăn hết nhé, để chứng minh cho lời khen của mình.
Dĩ nhiên rồi cuối cùng Trúc cũng ráng ăn hết trái dừa đầy kem. Thường nhìn cô với vẻ hài lòng, ánh mắt của Thường rất trẻ con làm Trúc tức cười:
- Tuần rồi Thường có về Vũng Tàu không? - Trúc hỏi.
- có.
- Vui chứ?
- Thường theo ghe đi biển. Lúc nằm đếm sao trên trời mới biết mình nhớ đất liền đến như thế nào. "Lão Ngoan" lại gởi lời thăm chị Áo Vàng, nó dọa hôm nào sẽ vào Sài Gòn và tới thăm Trúc đấy. Nó để dành rất nhiều vỏ ốc.
- Ngoan đi biển hay ở nhà?
- Lúc này Ngoan thường đi biển để phụ giúp với ba má tôi.
- Chắc là Ngoan có nhiều chuyện để kể lắm nhỉ. Tại sao Thường không bảo Ngoan viết thư cho Trúc?
- Nó lười viết thư lắm.
Trúc hình dung ra chú bé Ngoan với chiếc áo nhà binh cũ, rách vai, đầu đội chiếc nón nỉ có nhiều lỗ thủng một sáng nào trên bãi cát. Trúc tự nhủ, cô sẽ biên thư cho chú bé nếu có dịp.
- Hình như trời chuyển mưa phải không Thường?
Trúc nhìn ra cửa kiếng và hỏi Thường khi thấy một khoảng trời xám lai, ánh nắng vàng tươi không còn thấy nữa qua các mái nhà mà bầu trời như lẫn với màu lá cây xám xịt.
Thường gật đầu:
- Chắc là sắp mưa to.
- Chết rồi, làm sao về kịp.
- Sao lại về? - Thường ngạc nhiên.
- Trúc bỏ quên mấy bộ quần áo trên sào, khi đi quên mang vào, trời mưa ướt hết.
- Tưởng gì ghê gớm, áo ướt thì phơi lại cho khô, đâu có gì khó khăn.
- Nói như Thường thì hết chuyện.
Khi Thường gọi người phục vụ tính tiền, Trúc nhận thấy trong tay anh có hai chiếc vé xem phim, chẳng hiểu Thường mua từ lúc nào. Khi đi ra đường, Thường nói khẽ:
- Minh đi xem phim nhé?
- Trời mưa không thấy sao?
- Trời mưa thì có dính dáng gì tới chuyện xem phim - Thường cười.
- Nhưng Trúc muốn về nhà ngay.
- Dù Trúc có về cũng không kịp lấy mấy bộ quần áo đâu. Ướt rồi cho ướt luôn.
- Công trình người ta giặt, rồi phơi cả buổi. Tại Thường hết đấy.
Thường gãi đầu, cười trừ:
- Dĩ nhiên là tại Thường, ai có phủ nhận bao giờ mà Trúc nói.
- Rạp nào?
- Phía bên kia đường.
- Phim gì?
- Không biết.
- Xời, ai đời rủ người ta đi xem phim mà không biết phim gì.
- Tại vội quá nên chỉ mua kịp hai vé chứ không xem đựơc tựa phim. Tại Trúc hết đó, cứ sợ trễ hẹn, nhưng người tới muộn lại là Trúc.
- Lần sau sẽ bù lại. Bây giờ nắm tay đưa người ta qua đường đi.
Lần này thì danh chính ngôn thuận, Thường nắm tay Trúc qua đường với niềm vui choáng ngập hồn anh. Bàn tay của Trúc nhỏ bé quá, mềm mại quá, nó như run rẩy trong bàn tay to bè của Thường.
- Buông tay người ta ra, nắm hoài kỳ chết.
Trúc rụt tay về và kêu lên khi hai người đã qua tới bên kia đường. Thường cười, mặt anh đỏ lên. Hai người lẳng lặng đi vào công viên. Bây giờ bầu trời đã tối sẫm lại với những đám mây đen kéo qua các ngọn cây, gió lạnh nổi lên xao xác cuốn những chiếc lá khô dạt về một góc phố. Mưa bắt đầu rắc hột.
- Nhanh lên cô bé. Mưa lớn lắm.
Vừa gọi, Thường vừa chạy về phía rạp chiếu bóng cách đấy không xa. Trúc chạy theo. Bây giờ cô vừa giận Thường, vừa buồn cho chính mình. Tại sao không để Thường nắm tay, bây giờ thành ra một người chạy trước, một người chạy sau. Trúc vừa chạy vừa thở. Khi cả hai đã đứng dưới mái hiên của rạp chiếu bóng thì mưa đổ ào xuống.
- May quá. - Thường nói.
- Sao lại may?
- Nếu chạy không kịp bây giờ cả hai ướt như chuột lột rồi.
- Tại sao anh bỏ chạy một mình? - Trúc giận dỗi hỏi.
- Vì sợ Trúc... cự nự.
- Em lạnh quá.
Trúc bỗng rùng mình và nép sát vào người Thường tránh mưa. Thường nắm tay Trúc bước lên những bậc thềm cao để vào rạp chiếu bóng.
Phim vừa mới chiếu, đèn tắt hết nên trong rạp tối đen. Thường nắm tay Trúc dò dẵm từng bước để tìm ghế ngồi. Phải có hơn mười phút mắt anh mớí quen dần với bóng tối và nhận ra hai chiếc ghế trống ngay phía trước mặt mình. Thường kéo Trúc ngồi xuống.
- Tối quá sao anh thấy hay vậy?
- Mắt Thường đếm sao trời hoài nên sáng như sao.
- Xạo quá trời.
Ngó lên màn ảnh một lúc Trúc mới biết đó là một phim tình báo và hình như Trúc đã xem rồi một lần, cho nên cô không mấy thích thú.
Bàn tay Thường bỗng lần tìm bàn tay Trúc, anh bóp nhè nhẹ mấy ngón tay mềm mại của cô và hỏi:
- Trúc có thường đi xem phim không?
- thường.
- Ði với ai.
- Ði một mình.
- Không thể tin được, không có ai đi xem phim một mình bao giờ.
- Ðùa thôi, Trúc hay đi xem phim với mấy nhỏ bạn, hoặc với chị Huyền, hoặc với nhóc Phục.
- Còn đi với một người khác phái?
- Chưa.
- Trời lạnh quá.
- Không phải đâu, rạp này có máy lạnh đấy.
Giọng Thường thì thầm:
- Trúc lạnh à?
- Không.
- Sao mấy ngón tay Trúc run rẩy thế?
- Tại vì hồi hộp.
Thường cười nhỏ:
- Yếu tim mà bày đặt đi xem phim tình báo, toàn những pha gây cấn.
- Biết đâu. Tại Thường dẫn người ta đi xem chứ bộ.
- Sao một lúc thì "Thường" một lúc thì "Anh", phải có lập trường vững vàng chứ cô bé.
Trúc ngượng ngùng dấu mặt sau vai THường và giận quá, cố ngắt vào bả vai Thường một cái làm Thường nẩy người lên. Sau đó thì cả hai đều ngượng ngùng, bối rối ngồi im lặng đuổi theo những hình ảnh thoáng quá trên màn ảnh mà không ai hiểu được diễn biến của đoạn phim mãi cho tới khi đèn bật sáng.
Lúc cả hai ra khỏi rạp thì cơn mưa cũng đã tạnh, nhưng để lại một bầu không khí ẩm ướt, cơn gió thổi qua trước cửa rạp chiếu bóng như còn sũng nước và trên các tàn cây cao không ngớt để rơi những hạt bụi nước xuống hè đường. Thường phủi một vài hạt bụi nước óng ánh bám trên tóc Trúc và nắm tay cô băng qua đường. Ánh đèn cao áp tỏa xuống làm cho bãi cỏ công viên như xanh hơn và thoáng nghe thứ hương cỏ nồng nàn từ đất ẩm bốc lên. Tiếng một loại côn trùng nào đó rên rỉ trong bãi cỏ khi Thường và Trúc đi ngang qua.
- Mấy giờ rồi "anh"?
Tiếng "anh" đầy ngượng ngùng phát ra làm chính Trúc cũng thấy bối rối. Thường cười:
- Mong sẽ không có sự thay đổi nữa nhé? Hơn bẩy giờ thôi. - Thường nói.
- Mình đi lấy xe rồi về.
- Em phải về nhà ngay bây giờ à?
- Vâng, em không thể đi chơi khuya hơn được đâu. Tối nay em còn phải thức học bài
- o O o -
Như thường lệ, mỗi khi tới nhà Bích Hồng, Trúc đều nhấn kèn xe Honda một tràng dài. Và đó cũng gần như là một "mật hiệu" để Bích Hồng nhận ra khách lạ, quen, thân hay không thân. Nhưng nay người ra mở cổng cho Trúc lại là nhỏ...Hồng Ánh.
Trúc dắt xe vào sân, ngạc nhiên hỏi:
- Bích Hồng đâu?
- Nhỏ bận làm yaourt ở sau bếp.
- Xời, hôm nay lại trổ nghề mới nữa rồi. Hồng Ánh tới lâu chưa?
- Cả buổi rồi.
Hồng Ánh vừa đi ra đóng cửa lại, vừa hét vang:
- Bích Hồng ơi, có "người yêu" tới nè.
- Ai thế? - Tiếng Bích Hồng hỏi vọng ra.
- Bộ nhỏ có nhiều "người yêu" lắm sao mà không nhớ ai với ai hết trơn vậy?
Hồng Ánh tuy mới gia nhập nhóm "năm mái nhà ngói" nhưng đã trở nên thân thiết với Bích Hồng, điều này làm nhỏ Minh Ánh và Khánh Huệ hơi khó chịu. Tâm lý con gái vốn phức tạp, nhưng rồi đâu cũng vào đó, cuối cùng Hồng Ánh đã trở thành một thành viên của gia đình gồm năm đứa con gái tuổi suýt soát nhau, xinh đẹp như nhau và có lẽ... nhiều chuyện cũng như nhau.
- Xời ơi, nhỏ Thủy Trúc mà làm tưởng đâu ai, khiến người ta luýnh quýnh làm đổ hết mấy hũ yaourt rồi. Bắt đền đi.
Bích Hồng vừa lau tay trong chiếc khăn lông nhỏ vừa nhìn Trúc, nói:
- Bộ ta không xứng đáng là khách quý sao? - Trúc cười.
- Không.
- A, có "người yêu mới" nên phụ bạc "người yêu cũ" rồi phải không?
Bích Hồng nhăn mũi:
- Ai biểu Thủy trúc tới trễ làm chi. Ngày xưa Thủy Tinh tới trễ cho nên mất vợ đấy.
- Ta tới trễ có năm phút thôi.
- Thủy Tinh tới trễ có ba mươi giây mà ôm hận ngàn đời. Thủy Trúc may hơn Thủy Tinh vì ta không phải là người phản bội.
- Nói nghe mủi lòng quá thể.
- Coi chừng Thủy Trúc khóc rơi nước mắt cá sấu bây giờ. Bích Hồng đền cho Thủy Trúc hũ yaourt đi.
- Yaourt ăn chưa đựơc đâu.
- Sao vậy?
- Ta lỡ tay làm cho nó lỏng bỏng như nước phải để vô tủ lạnh, mở hết tốc độ may ra nó mới đặc lại.
- Thế bao giờ mới được ăn yaourt do Bích Hồng làm?
- Chắc phải tới chiều.
- Xời, vậy mà cũng làm. Sao không nhờ ta chỉ cho. - Trúc cười nói.
- Thất bại làm lại mấy hồi, như thế lại càng có thêm kinh nghiệm quý báu.
Buổi học nhóm đầu tiên của bộ ba Bích Hồng, Thủy Trúc, Hồng Ánh mở màng bằng cách trao đổi kinh nghiệm làm yaourt và ăn hết bốn dĩa bò bía ngoài đầu ngõ và mỗi người làm thêm một ly chè, trong tủ lạnh nhà Bích Hồng.
Hồng Ánh cười:
- Học nhóm kiểu này chắc nhỏ nào cũng mau.. lên cân.
- thôi, ta sợ mập lắm.
- Nhỏ phải lên ba ký nữa mới vừa Trúc ơi, đừng sợ mập.
- Ba ký nữa ta giống như cái hột mít lăn trên đường nhựa bóng loáng chứ hết còn nhỏ Thủy Trúc "nàng thơ" nữa rồi.
- Bộ nhỏ sợ không còn là "đối tượng" để mấy ông thi sĩ đứng đợi trước cổng trường làm thơ... con cóc nữa sao?
Bích Hồng lên giọng hóm hỉnh:
- Thủy Trúc mà còn sợ chi, Hoàng hoa thôn đã có chủ rồi mà.
- Nhỏ tuyên truyền gì bậy bạ thế? - Trúc lườm.
- Nói có sách mách có chứng đàng hoàng.
- Nhỏ nên nhớ tội vu khống có ghi trong bộ luật hình sự đó nha.
- Cách đây ba bữa, ai đi với ai ăn kem ở Grival, khai đi nhỏ ơi?
Thủy Trúc chột dạ:
- Ai chứ không phải ta.
- Xời, phải chi ta có cái máy chụp hình, chụp đủ ba mười sáu tấm cho nhhỏ hết chối.
- Nhỏ có nhìn lầm ai không?
- Yên chí, ta chưa có cận thị nên nhìn rất rõ. Nếu cần ta sẽ kể chi tiết cho nghe.
Hồng Ánh cười tít mắt, giục:
- Kể đi Bích Hồng, chuyện này hay quá, đáng phải thu băng cassette đấy, bán chạy như tôm tươi.
- Anh chị vào Grival lúc hơn bốn giờ chiều, lúc đó trời đang chuyển mưa. Anh chị đang ngồi ở chiếc bàn trong góc quán phía tay phải ngó ra đường. Trên bàn có một lọ hoa nhỏ, cắm ba nhánh cẩm chướng màu hồng phấn. Anh chị ăn kem dừa, ngồi đối diện nhau rất tình tứ. Ðúng không Thủy Trúc?
Trúc đỏ mặt, hỏi:
- Nếu đúng, sao Bích Hồng không vào quán...nhận diện cho chắc ăn?
- Nên nhớ ta là con người lịch sự, không muốn bị nguyền rủa vì phá đám. Nhưng lúc đó ta đứng phía bên kia đường, dưới một gốc cây to, ta "quay phim" từ đầu tới cuối.
- Bích Hồng đi đâu thế?
- Ði phố mua ít đồ chứ đi đâu?
Trúc cười:
- Xạo. Ta không tin đâu.
- Tin hay không thì tùy, và ta cũng không phải đi có một mình, có người làm chứng thứ hai hẳn hoi.
- Ai?
- Anh Tùng chứ ai.
- A, như vậy giấu đầu lòi đuôi đấy nhé, tự nhiên Bích Hồng khai chứ chả ai tra khảo gì đâu. Cho hết chối.
Bích Hồng biết mình lỡ lời, nhưng không biết làm sao lấy lai được. Cô cũng đỏ mặt rồi lãng chuyện:
- Hôm đó ta mắc một trận mưa quá trời quá đất, về cảm luôn.
- Vô duyên, đang nói chuyện nọ xọ sang chuyện kia. - Hồng Ánh phê bình.
- Ðúng đấy, cái gì phải ra cái đó, ta không phủ nhận việc đi ăn kem với một người bạn trai, nhưng Bích Hồng cũng đừng chối quanh việc mình có "bồ".
- Tội lỗi hai người ngang nhau. - Hồng Ánh cười tủm tỉm.
- thôi mà nhỏ, bỏ qua chuyện ấy đi, hồi sau phân giải. Bây giờ học đi, muộn rồi. Trưa nay ta phải về sớm để nấu cơm.
thế là ba người ngồi ba góc để bắt đầu học bài. Nhưng Trúc không tài nào nuốt trôi những dòng chữ kéo qua mắt khi tâm trạng của cô đang rối bời trước sự phát hiện bất ngờ của Bích Hồng. Nếu không chận trước, ngày mai chắc cả lớp đều biết tin sốt dẻo này qua cái "loa" khuếch đại âm thanh của nó. Eo ơi, nhỏ Bích Hồng mà thêm mắm dặm muối cho câu chuyện thêm ly kỳ, hấp dẫn nữa thì có nước Trúc độn thổ, bỏ trường mà đi luôn. Khi về, thế nào cũng phải "nói nhỏ" với Bích Hồng và ký hiệp ước hòa bình thôi.
Hồng Ánh bỗng nhướng cặp mắt bồ câu to đen, chớp chớp hỏi Bích Hồng:
- Bộ hàng xóm Bích Hồng hôm nay có đám giỗ hả?
- Nhỏ hỏi gì mà lạ vậy, ngồi ở đây làm sao mà biết chuyện bên hàng xóm đựơc?
- Tại ta nghe có mùi xào nấu bốc lên thơm phức.
Trúc cười:
- Nhỏ nhạy bén với thức ăn quá.
- Ðúng là có đám giỗ rồi, chà, ngồi học bài trong mùi thơm của thức ăn như vầy chịu sao thấu. Ðóng cửa sổ lại Bích Hồng ơi.
- Ðóng cửa sổ lại nóng chết, với lại đâu thể nào ngăn đựơc mùi thơm bay sang?
- Vậy làm sao bây giờ, bao tử ta đang bị kiến bò.
- Ăn mấy dĩa bò bía rồi còn gì?
- Bị mùi thơm kích thích nên bao tử nó kêu gào. Ta vốn xấu tính đói.
- Ăn đại mấy hũ yaourt của Bích Hồng đi.
- Trời...
Trúc cười thầm, cô đi lại chiếc ghế bố Liên xô xếp để góc nhà bật ra nằm. Trúc lăn qua lăn lại cho mấy cái lò xo kêu rít lên như tiếng chuột rút, rồi nói.
- Buồn quá học không vô.
- Con người hạnh phúc nhất trần gian mà than buồn? - Hồng Ánh nháy mắt nói.
- Trong nỗi vui có lẫn nỗi buồn, trong hạnh phúc có xen niềm cay đắng.
- Học nhóm kiểu này chắc tiêu quá - Bích Hồng cũng bỏ sách, đứng lên tới bên cửa sổ nhìn qua một mái nhà khác. Ở dó đang có mấy chú chim bồ câu bay lượn. Chúng giang cánh, đánh thành nhiều vòng cung trong một khoảng trời lấp lánh nắng buổi sáng.
Trúc vươn vai, nói như hát:
- "Hôm nay trời nhẹ lên cao, ta buồn không hiểu vì sao ta buồn".
- Ngưng học, để xả hơi mười phút.
Hồng Ánh cũng buông sách nói và tới đứng sau lưng Bích Hồng, cô ôm vai bạn, và cùng nhìn hướng mấy chú bồ câu bay.
Một lúc Hồng Ánh cười hỏi:
- Ðố nhỏ những con chim bồ câu bay đi đâu?
- Bay về chuồng chứ đi đâu.
- Trật lất.
- Chứ nhỏ nói bay về đâu? - Bích Hồng ngạc nhiên.
- Bay về mấy cái quán... nhậu chứ đâu.
- Xời, đầu óc nhỏ u tối quá, chỉ nghĩ toàn món ăn, món nhậu.
Trúc bỗng ngồi dậy, nói:
- Thôi hôm nay không học nổi đâu, và để cho đầu óc bớt căng thẳng ta đề nghị tuần sau đi Lái Thiêu chơi.
Hồng Ánh tán thành ngay:
- Ý kiến tuyệt quá nhỏ ơi. Phải mau mau đi thăm vườn trái cây Lái Thiêu không thôi sẽ hết mùa trái cây đó.
- Nhưng đi cách sao? - Bích Hồng hỏi.
- Ai có "người yêu" thì đèo nhau, còn ai cu ky một mình thì phải đi một mình, có thế mà cũng hỏi.
- Trúc đi với ai?
Trúc cười không đáp, Hồng Ánh nói:
- Phải rủ nhỏ Khánh Huệ và nhỏ Minh Ánh nữa chứ.
- Tức nhiên, không rủ hai nhỏ ấy chửi tắt bếp sao.
- Nên rủ người khác phái cùng đi, để có chuyện gì mình còn nhờ vả được, hoặc có người "bảo vệ", chứ toàn một đám con gái vô tích sự thì chán thấy mồ.
- Cũng có lý.
- Nhưng ta không có anh trai, không có em trai, cũng không có bạn trai thì làm sao? - Hồng Ánh hỏi.
- Rủ ông hàng xóm.
Hồng Ánh nhảy tới đấm thùm thụp vào vai Thủy Trúc. Hai đứa rượt nhau chạy quanh phòng và cười ngặt nghẽo. Trúc chạy tới chỗ Bích Hồng, ôm vai bạn và ghé vào tai Bích hồng nói khẽ:
- Rủ Tùng đi cho vui, còn Trúc sẽ rủ người mà Bích Hồng gặp ở Grival. Ðồng ý không?
Bích Hồng nhướng mắt:
- Ðể làm gì, cho tụi nó cười chui xuống đất trốn luôn hả?
- Nhỏ quên mình đi thăm vườn trái cây là cần phải có người trèo cây sao? Không có đàn ông con trai chỉ đứng dưới đất mà nhìn thôi.
- Ờ há.
- Vậy ngoéo tay.
Sáng chủ nhật, Thừơng và Trúc ngồi ở quán cà phê ven đường Nguyễn Du chờ mọi người tới. Thường hút thuốc, anh rít khói thở ra thành những vòng tròn và cười:
- Sao đi chơi xa mà không báo sớm, làm suýt nữa anh đã về Vũng Tàu rồi.
- Bất ngờ mới vui, chuẩn bị trước có khi lại không vui chút nào.
- sao giờ này chẳng thấy ai tới hết, em có hẹn đúng giờ không?
- Yên tâm đi, em bảo đảm mà.
- Anh rất ghét những người nào trễ hẹn.
- Vậy mà hẹn với em anh cứ tới trễ hoài. - Trúc nhăn mặt.
- À, đó là những lần bất khả kháng. Em uống cà phê đi, dù sao cũng phải chờ các bạn của em thôi.
Thường đá vào chân Trúc hỏi:
- Nghĩ gì mà thừ người ra thế?
- Anh biết làm nước mắm không? - Trúc cười hỏi.
- Anh chỉ uống đựơc nước mắm chứ không làm đựơc nước mắm.
- Nước mắm tỏi ớt anh uống đựơc không?
Thừơng cười:
- Cay điếc con ráy ai mà uống cho được. Vả lại lặn xuống biển chỉ cần uống nước mắm trong, uống nước mắm tỏi ớt có khi bị chìm luôn.
- Em có chú em làm nước mắm tỏi ớt ngon nhất thế giới. Em đang nghĩ về nó đấy.
- Sao hôm nay em nói toàn chuyện ăn uống với nước chấm không vậy?
- anh không biết đâu, ở nhà em mỗi người chuyên phụ trách một món. Chẳng hạn như em chuyên môn pha cà phê, chị Huyền làm trứng ốp la, mẹ làm bún bò, nhóc Phục làm nước mắm.. kia, Bích Hồng tới rồi.
Bích Hồng ngồi phía sau chiếc xe cúp 50 cho Tùng chở. Tùng tắt xe vào lề và hơi bối rối khi bắt tay Thường. Bích Hồng nhanh nhẩu nói:
- Hai ông làm quen với nhau đi, khỏi giới thiệu chi cho mất công. Mai mốt biết liền.
Trúc kéo ghế cho Bích Hồng, Thường kéo ghế cho Tùng. Trúc nhìn Bích Hồng trách:
- Tới trễ quá vậy?
- Mới có hai mươi phút mà trễ gì? - bích Hồng cười - Tại xe bị xẹp bánh.
- Hồng Ánh và Minh Ánh đâu?
- Ai biết.
- Hẹn hò kiểu này đi chơi mất vui. Chờ mười phút nữa không thấy hai nhỏ đó mình đi nghen.
- Ừa, ta cũng ghét kiểu chờ đợi mỏi mòn và giờ giấc dây thun quá.
Tùng gọi cà phê đá và Bích Hồng gọi cà phê sữa. Nhìn tách cà phê, Bích hồng cười:
- Ta với nhỏ "chung tình".
- Xời, từ bây giờ trở đi cho nhỏ "sang ngang" đó.
Thường mời Tùng hút thuốc. Trúc thoáng nhìn hai người bạn trai và thầm nhận xét. Tùng cao hơn Thường một cái đầu, nước da trắng như con gái, nhưng ở Thường toát ra nét cương nghị cần thiết của một người đàn ông. Thường khỏe mạnh hơn, vô tư, hiền lành, trong khi Tùng có vẻ là một thanh niên sành sỏi. Trúc đá nhẹ vào chân Bích Hồng.
- Nhỏ giấu bạn bè lâu quá rồi nhé, chỉ mới hôm nay mới cho "đối tượng" xuất hiện.
- Phải chờ có "đồng minh" đã chứ. Hôm nay thì ta với nhỏ là đồng minh rồi, không còn sợ gì nữa.
- Ðồ quỷ.
- Chứ không phải sao?
- Tùng học trường nào thế nhỏ? - Trúc hỏi.
- Y dựơc. Còn "chàng" kia của Trúc?
- Bách khoa.
- Dân ở đâu vậy?
- Xứ biển.
- Ngó biết liền, nhưng tại sao lại... trôi dạt vào tới trong này lận?
- Vì bị sóng biển đánh.
- Ðồ quỷ.
Cuối cùng rồi Hồng Ánh cũng đèo được Minh Ánh tới trên một chiếc Honda. Hai nhỏ bữa nay diện mô đen... Việt kiều, quần có tới mấy chiếc túi luộm thuộm. Hồng Ánh có chiếc áo đẹp, màu vàng giống y như áo của Trúc. Nhỏ này cũng gout "nhà chùa" giống như mình đây. Chờ cho hai nhỏ bạn xuống xe, kéo ghế ngồi xong Trúc nguýt một cái dài:
- Gớm, hai nhỏ mà cũng bày đặt tới trễ, làm như người quan trọng.
- Mà quan trọng thiệt đó. - Hồng Ánh cười - không có hai đứa ta cuộc đi chơi xa này sẽ mất nhiều ý nghĩa quan trọng lắm chứ.
Bích Hồng cong môi:
- Xời, làm như không có hai nhỏ thế giới này sẽ không có hòa bình vậy.
- Dám lắm chứ, bởi vì lỡ anh chị gây gỗ nhau thì ai là người hòa giải, đúng không? - Minh Ánh cũng để vô.
- Quá đúng. - Hồng Ánh cười xác nhận.
Và thế là Bích Hồng phải kêu thêm hai ly cà phê sữa. Hôm nay Khánh Huệ bận đi chùa với mẹ nên không có mặt. Như vậy về nguyên tắc coi như nhóm "năm mái nhà ngói" mất một nhân vật.
Hồng Ánh ngậm chiếc muống cà phê trong miệng, giống như con thỏ ngậm nhánh cải. Hồng Ánh nheo mắt nói:
- Khánh Huệ dặn tới dặn lui là phải mang quà về, tuy rằng nhỏ không có mặt.
- Mang về cho nhỏ hai trái sầu riêng, ăn xong bắt nhỏ quỳ lên đó mà chịu tội. - Bích Hồng nói.
- Tội gì?
- Tội bỏ bạn bè theo mẹ đi chùa. Chà, bộ nhỏ ấy tính làm cô tiểu thư đi lễ chùa giống như cái cô bé đi chùa Hương thơ của Nguyễn Nhược Pháp điệu đến phát ghét.
- Người ta dễ thương vậy mà chê là "điệu". - Hồng Ánh cười.
- Có bao nhiêu "điệu" trên cõi đời này, cô tiểu thư ấy địêu hết trơn rồi, cho nên bây giờ con gái chúng mình phải sống thật giản dị, chân thành. Hẹn hò với bạn bè là phải giữ lời.
- Thôi thế cũng được, có Khánh Huệ đi ai chở. - Minh Ánh hỏi.
Trúc cười dòn:
- Cho nhỏ chạy bộ từ đây lên Lái Thiêu.
- Thôi, uống cà phê nhanh lên rồi lên đường quý vị ơi, nắng lên cao rồi kìa. - Thường nhìn đồng hồ và nói lớn.
Hồng Ánh giả vờ hỏi:
- Ông nào vậy ta?
- "Chàng" của Trúc đấy. Còn người bên cạnh là "chàng" của ta. Ðược chưa nhỏ?
- Ít ra cũng phải có "vài lời phi lộ" như vậy mới đựơc chứ, không thôi ra đường lỡ đụng xe gây lộn thì phiền.
- Cái miệng của nhỏ Hồng Ánh này dẻo như cao su Ðồng Nai. Biết vậy hồi đó ta không cho vào gia đình "năm mái nhà ngói" đâu. - Bích Hồng nói.
- Bởi vậy nên trời phạt nhỏ vẫn còn cu ky một mình.
- Tại ta không ưa con trai, thấy đứa nào giở giọng tán tỉnh ta mắc gây lộn hơn là có cảm tình.
- Trời ạ, nhỏ ăn nói như vậy ai mà chịu cho thấu? - Trúc đá mạnh chân Hồng Ánh nói.
Thường và Tùng rít thuốc, cười cười. Nhỏ Hồng Ánh vẫn tỉnh bơ uống từng muỗng cà phê xem như không có chuyện gì.
Minh Ánh ghé vào tai Hồng Ánh nói nhỏ:
- Nhỏ ăn nói dữ quá vậy?
- Vậy mà nhằm nhò gì, cho bọn con trai nó sợ.
- Xí xọn vừa thôi.
- Hiền sẽ bị ăn hiếp. Rồi nhỏ coi, tương lai Trúc và Bích Hồng sẽ bị hai anh chàng bá vơ ở đâu hiện ra ăn hiếp cho coi.
-Tình yêu muôn đời vẫn vậy, con gái phải phục tùng con trai. Ðó là bí quyết để giữ vững tình yêu. - Minh Ánh triết lý.
- Bộ nhỏ thích.. phục tùng con trai lắm hả?
- Xời, ta chưa hề có người yêu bao giờ, đứng nói ẩu.
- Vậy ta với nhỏ ngoéo tay, thề không bao giờ có người yêu. Chịu không?
- Thôi đi nhỏ ơi, đừng có khùng. Tình yêu nó đến lúc nào ai mà biết được, ai mà chống đỡ nổi. Nhỏ nói cứng vậy chứ khi tình yêu tới nhỏ cũng ngã cái rầm.
- Có ngã ta cũng ngồi dậy. Tỉnh bơ.
- Chờ xem, thức khuya mới biết đêm dài, đứng nói vội.
Ðến lượt Tùng sốt ruột hỏi:
- Xong chưa quý vị, mình khởi hành đi, đường còn xa.
- Những người nào cu ky mới thấy đường xa chứ.
Hồng Ánh nheo mắt nói. Trúc đấm vào vai Hồng Ánh:
- Nhỏ cũng có "người yêu" Minh Ánh đó, ra xa lộ tha hồ cho hai người du dương.
Khoảng 9 giờ hơn họ tới Lái Thiêu và kéo vào vườn của một người bà con với Minh Ánh. Ðó là một người đàn bà góa bụa, hiền hậu, có chồng hy sinh trong kháng chiến và một đứa con trai vừưa hoàn thành quân sự trở về. Minh Ánh gọi người đàn bà là Dì Năm.
Dì Năm hoàn toàn bất ngờ với cuộc viếng thăm này, nhưng dì thật là vui vẻ đón tiếp mấy người bạn của cháu mình. Minh Ánh ôm vai Dì Năm hỏi:
- Dì Năm ở nhà có một mình sao?
- Anh Sỹ mày đi làm ngoài thị trấn chiều mới về, không ở nhà một mình chứ với ai?
- Dì Năm muốn có dâu không, con giới thiệu cho nhỏ bạn nó đứng kia kìa.
Minh Ánh đưa tay chỉ Hồng Ánh đang mân mê những trái chôm chôm vừa đổi màu trên cành nặng trĩu. Dì Năm cũng hiểu đó là lời nói đùa của cô cháu lém lỉnh, nhưng dì cũng ngước mắt nhìn cô gái lạ. Hồng Ánh biết Minh Ánh trêu mình vội chạy tới đấm thùm thụp vào vai Minh Ánh:
- Nhỏ giới thiệu ẩu quá, rủi ta.. bằng lòng thì sao?
- Thì coi như bọn mình là chủ của khu vườn trái cây này chứ có sao đâu.
Dì Năm kéo chéo khăn lau mồ hôi trán và tươi cười mời:
- Mấy cháu đi đường xa chắc mệt lắm, vào nhà nghỉ, uống nước rồi hãy thăm vườn.
- Tụi cháu khỏe lắm Dì Năm, chẳng mệt nhọc gì đâu. Mùa này vườn nhà trái cây nhiều không dì Năm?
- Cũng khá. Hôm nay chỉ còn sầu riêng và chôm chôm thôi, măng cụt hết rồi.
Hồng Ánh reo lên:
- Thích quá, mình đi hái sầu riêng đi Minh Ánh.
- Sầu riêng không hái trên cây được đâu - dì Năm cười giải thích - sầu riêng chỉ đợi trời tối nó rụng xuống, mình ra lượm mang vào nhà thôi. Những trái rụng là những trái đã chín cây.
Minh Ánh ôm vai dì Năm.. nhỏng nhẽo:
- Tụi con ở chơi tới chiều lận, chút nữa sẽ vào nhà uống nước. Bây giờ dì Năm cho tụi con ra thăm vườn nghen.
- Ờ, cứ đi thẳng, bờ nào có trái chín cứ việc quẹo vào và ăn bao nhiêu thì ăn.
Và thế là cả bọn ào ra vườn. Hai ông con trai được đẩy đi trước để... dẹp đường, vẹt những cành cây thấp. Bốn cô gái theo sau. Trong vừơn thật mát, những cây sầu riêng cổ thụ cao ngất ngưỡng và sai trái. Những cây chôm chôm thấp hơn, cành nhánh lòa xòa, trái cũng chi chít trên cành, những chùm chôm chôm chín đỏ trông thật ngon mắt. Thường và Tùng vói tay hái chôm chôm và phân cho bốn cô gái, họ vừa ăn vừa cười khúc khích. Minh Ánh vừa đi vừa kể chuyện gia đình dì Năm, giống như một cô thuyết minh chuyện truyền thống. Khu vườn sầu riêng có một quá khứ đầy lịch sử, ở đây trong hai cuộc kháng chiến đều có hầm bí mật của cán bộ cách mạng, dì Năm có chồng đi kháng chiến, vừa là một cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật. Dì có một người con trai lớn và một cô con gái kế hy sinh trong chiến tranh trước ngày giải phóng. Hiện nay anh con trai tên Sỹ là con út, người con duy nhất còn lại của gia đình. Khu vườn rộng mênh mông, trước đây nó đã từng bị chất độc hóa học của Mỹ rải, chỉ sau ngày giải phóng mới phục hồi lại. Trong vườn có những cây sầu riêng đã chết và vài khoảng vườn bị tàn phá, tuy cây cỏ lên xanh nhưng dấu tích cũ hãy còn.
Thường và Trúc vô tình rẽ sang một bờ vườn khác, và khi nhận ra thì các bạn đã khuất đâu xa. Thường mạnh dạn nắm tay Trúc, hai người sung sướng nhìn nhau cười trong bóng râm của cây chôm chôm trĩu nặng trái chín. Thường ngắt vội những trái chôm chôm dúi vào tay Trúc, hai người ngồi xuống đám cỏ mịnh, nồng nàn hương đất và hương lá mục, vừa ăn chôm chôm vừa lắng nghe tiếng ve kêu ran ran trên cành cao.
Trúc ngả đầu lên vai Thường nói:
- Ở đây bình yên quá phải không?
- Nó khác với Vũng Tàu đầy sóng biển và gió.
- Không ngờ hai đứa ở xa cách một góc trời một góc biển vậy mà quen nhau, rồi trở thành thân thiết. Cũng lạ.
- Chỉ thân thiết thôi ư?
Trúc mắc cỡ, dụi đầu vào cổ Thường và che mắt cô trong mái tóc rũ xuống. Trúc lắng nghe tiếng trái tim cô đập vang trong lồng ngực và cảm thấy một khoảng không gian đang dừng lại trên đầu, ở đó tiếng ve của mùa hạ đang trôi, tan loãng vào những đám mây.
|
|
|