BÊN BỜ SÔNG Tất Đạt đi lang thang vào rừng, đã xa thành thị và chàng chỉ biết một điều rằng chàng không thể trở về, rằng cuộc đời chàng đã sống nhiều năm qua bây giờ đã hết, chàng đã nếm trải đến độ buồn nôn. Con chim hoàng oanh đã chết cái chết của nó, mà chàng đã chiêm bao, chính là cái chết của con chim trong lòng chàng. Chàng đã vướng sâu vào đau khổ, đã rước vào mình sự buồn nôn và chết chóc từ tứ phía, như một cái tô đĩa đã thấm nước cho đến khi đầy. Chàng đầy cả chán chường, khổ đau, chết chóc, không còn một cái gì ở thế tục có thể lôi cuốn chàng, có thể đem lại cho chàng khoái lạc và niềm an ủi.
Chàng say sưa ao ước được quên, được nghỉ ngơi, được chết. Sao cho một cơn sét đánh chàng đi! Sao cho một con hổ cứ đến ăn thịt chàng phức đi! Ước sao có một thứ rượu nào, một độc dược nào, đem lại cho chàng quên lãng, quên hết, làm cho chàng ngủ thiếp đi không bao giờ dậy nữa! Có một thứ gì thối tha mà chàng chưa bôi vào mình, có một tội lỗi và sự điên rồ nào trong tâm hồn mà chàng chưa phạm đến, có một vết nhơ nào trong tâm hồn mà chỉ có chàng là không chịu trách nhiệm hay không? Cái vòng luân chuyển đó không kiệt quệ đi và chấm dứt đi cho chàng hay sao?
Tất Đạt đã đến con sông dài trong rừng, con sông mà một người chèo đò đã từng đưa chàng qua khi chàng hãy còn trẻ và sau khi từ giã đức Phật. Chàng dừng lại và đứng tần ngần ở bờ sông. Cơn mệt và đói làm chàng yếu lả. Tại sao chàng lại phải đi xa thêm, đi đâu, và để làm gì? Không còn mục đích gì nữa, không còn gì hơn là một khát vọng đau đớn sâu xa được rũ hết cơn mộng mị cuồng loạn này, mửa hết chất rượu vô vị này, chấm dứt cuộc sống ê chề đau đớn này.
Có một cây dừa trên bờ sông; Tất Đạt ngồi dựa vào cây ấy, choàng tay qua thân cây và nhìn xuống dòng sông nước lục chảy bên dưới. Chàng nhìn xuống và bỗng dưng tràn ngập một ước muốn buông tay ra, để trầm mình trong đáy nước. Cái trống rỗng lạnh giá của nước phản chiếu sự trống rỗng ghê rợn trong tâm hồn chàng. Phải, chàng đã đến bước đường cùng. Không còn gì hơn đối với chàng trừ ra tự xoá bỏ mình, huỷ hoại cái kiến trúc thất bại của đời chàng, vứt nó đi, để cho những thần linh chế diễu. Đấy là việc mà chàng ao ước làm - huỷ hoại cái hình tướng mà chàng ghét bỏ! Sao cho những con cá xé xác chàng ra. Chàng, con vật xấu xí, người điên, thân xác mục nát, thối tha ấy, tâm hồn chán chường vô dụng ấy! Sao cho cá sấu ngấu nghiến chàng đi, sao cho những con quỉ xé thây chàng ra từng mảnh!
Với một nét mặt quái dị, chàng nhìn chòng chọc vào dòng nước. Chàng thấy mặt chàng phản chiếu và khạc nhổ lên đấy; chàng buông tay khỏi thân cây và xoay mình một tí, để có thể rơi ngược đầu và chìm xuống nước. Chàng cúi rạp người, đôi mắt nhắm nghiền như hướng về cõi chết. Rồi từ một cõi xa xăm trong tâm hồn chàng, từ quá khứ của cuộc đời mệt mỏi, chàng bỗng nghe một tiếng vọng. Chỉ có một tiếng, một âm thanh mà không suy nghĩ, chàng lẩm bẩm nói lên, âm thanh ngày xưa bắt đầu và kết thúc mọi bài kinh Bà La Môn, tiếng “Om” thiêng liêng, có nghĩa là “Giác Ngộ” hay “Toàn Thiện”. Lúc đó, khi tiếng “Om” đến tai chàng, tâm hồn thẫn thờ của Tất Đạt bỗng nhiên thức tỉnh và chàng nhận ra sự điên rồ của hành vi mình.
Tất Đạt vô cùng sợ hãi. Thì ra chàng đã ra thế đấy, chàng đã quá lạc lõng, quá bối rối, quá mất lương tri đến nỗi muốn tìm cái chết. Lòng mong mỏi ấy, lòng mong mỏi trẻ con ấy đã trở nên quá mãnh liệt trong lòng chàng: tìm sự bình an bằng cách huỷ hoại thể xác. Tất cả những dày vò của thời vừa qua, tất cả ảo tưởng, tuyệt vọng đã không ảnh hưởng đến chàng bằng khi tiếng “Om” len vào ý thức chàng, làm chàng nhận rõ sự khốn nạn và tội lỗi của mình.
“Om”, chàng nhẩm đọc trong lòng, và chàng ý thức về Đại ngã, về sự bất khả huỷ diệt của cuộc sống; chàng nhớ lại mọi sự mà chàng đã quên, mọi sự thiêng liêng cao khiết.
Nhưng chỉ một thoáng, thời gian một làn chớp, rồi Tất Đạt lại quị xuống gốc cây dừa, sự mỏi mệt xâm chiếm lấy chàng. Thì thầm tiếng “Om”, chàng gối đầu trên rễ cây và ngủ một giấc dài. Giấc ngủ chàng rất say mà không mộng mị; chàng chưa bao giờ ngủ ngon như thế trong một thời gian khá lâu. Khi chàng tỉnh dậy sau nhiều giấc ngủ, chàng có cảm tưởng như mười năm đã trôi qua. Chàng nghe tiếng nước chảy róc rách; chàng không biết mình đang ở đâu, cũng không rõ tại sao chàng đến đây. Chàng nhìn lên và ngạc nhiên thấy cây cối và trời ở trên đầu. Chàng sực nhớ lại chàng đang ở nơi nào và làm sao chàng đã đến đây. Chàng cảm thấy ước muốn ở lại đây một lúc lâu. Quá khứ bây giờ dường như phủ một lớp màn, vô cùng xa xăm, và không mảy may quan hệ. Chàng chỉ biết rằng đời sống trước đây của chàng đã hết, nó đầy cả buồn nôn và khốn nạn khiến chàng đã muốn huỷ hoại nó, nhưng chàng đã tỉnh ngộ bên cạnh một dòng sông, dưới một gốc dừa, với tiếng “Om” thần diệu trên môi. Rồi chàng đã ngủ, và khi thức dậy chàng nhìn vũ trụ như một con người mới. Chàng nhẹ nhàng nói thầm tiếng “Om” với chính mình, chàng đã ngủ với tiếng ấy và chàng tưởng như suốt giấc ngủ chàng đã đọc tiếng ấy sâu dài, nghĩ về “Om”, thể nhập trong “Om”, trong cái vô danh, trong cái linh diệu …
Thật là cả một giấc ngủ tuyệt vời! Chưa bao giờ một giấc ngủ lại làm chàng tỉnh táo, đổi mới chàng, làm chàng trẻ lại đến thế. Có lẽ chàng đã chết thực, có lẽ chàng đã chết đuối và tái sinh dưới một hình hài khác. Nhưng không, chàng nhận ra chính mình, nhận ra tay chân chàng, nơi chàng nằm và bản ngã ở trong lồng ngực chàng, một Tất Đạt cá biệt. Nhưng Tất Đạt này có một cái gì thay đổi, mới mẻ. Chàng đã ngủ một giấc tuyệt vời. Bây giờ chàng tỉnh táo một cách kỳ lạ, sung sướng và ngạc nhiên trước mọi sự.
Tất Đạt ngẩng lên và thấy một thầy tu áo vàng, đầu cạo, ngồi đối diện với dáng điệu của một người suy tư. Chàng nhìn vào ông ta, và chẳng mấy chốc chàng đã nhận ra đấy là Thiện Hữu, người bạn của chàng thời thơ ấu. Thiện Hữu, người đã nấp dưới bóng đức Giác Ngộ … Thiện Hữu, cũng đã luống tuổi, nhưng mặt chàng còn biểu lộ những nét đặc biệt cũ trên mặt – lòng hăng hái, chính trực, óc tò mò, nỗi hoang mang. Nhưng khi Thiện Hữu ngẩng lên và nhìn chàng, Tất Đạt thấy rằng Thiện Hữu không nhận ra chàng. Thiện Hữu vui mừng khi thấy chàng tỉnh giấc. Chàng có vẻ đã ngồi đấy từ lâu chờ Tất Đạt thức dậy, mặc dầu Thiện Hữu không biết chàng.
- Tôi đang ngủ - Tất Đạt lên tiếng. Ông đến đây bằng cách nào?
- Ông đang ngủ - Thiện Hữu đáp, và thật không nên ngủ ở những nơi như vầy, vì thường có rắn và dã thú trong rừng ra. Tôi là một trong những đồ đệ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và tôi đang đi hành hương cùng với một số tăng lữ như tôi. Tôi thấy ông nằm ngủ một nơi nguy hiểm, nên đã cố thức ông dậy, nhưng ông ngủ say quá, nên tôi ở lại và ngồi đây. Rồi dường như tôi, người muốn canh chừng cho ông, chính tôi lại cũng ngủ. Sự mệt mỏi đã chiếm lấy tôi và tôi đã canh chừng rất sơ sót. Nhưng bây giờ ông đã tỉnh, tôi phải đi cho kịp với các môn đệ.
- Cám ơn thầy Sa Môn đã canh cho tôi ngủ. Những đồ đệ của đấng Giác Ngộ thật rất tốt, nhưng bây giờ ông có thể đi đường của ông đi.
- Tôi đi đây. Chúc ông ở lại mạnh giỏi.
- Cám ơn thầy Sa Môn.
Thiện Hữu cúi đầu nói: Xin từ biệt.
- Xin từ biệt, Thiện Hữu, Tất Đạt buột miệng.
Vị tu sĩ đứng dừng lại:
- Xin lỗi ông, làm sao ông biết được tên tôi?
Tất Đạt cười lớn:
- Thiện Hữu, tôi biết anh từ ngôi nhà của thân sinh anh và từ ngôi trường của những người Bà La Môn, từ những cuộc tế thần, từ ngày chúng ta đi theo những Sa Môn, và cũng từ giờ phút trong rừng Lộc Uyển khi anh xin qui y đấng Giác Ngộ.
- Anh là Tất Đạt! Thiện Hữu kêu lên – Bây giờ tôi đã nhận ra anh và không hiểu tại sao tôi lại không nhận ra anh ngay. Chào Tất Đạt, tôi mừng lắm được gặp lại anh …
- Tôi cũng rất mừng. Bạn đã canh chừng giấc ngủ của tôi. Cám ơn bạn một lần nữa, mặc dù tôi không cần người canh. Bây giờ bạn đi đâu?
- Tôi không đi đâu cả. Chúng tôi, những tu sĩ, thì luôn luôn đi trên đường, trừ trong mùa mưa. Chúng tôi luôn luôn đi từ nơi này đến nơi kia, sống theo qui luật, giảng dạy giáo lý, khất thực và lại đi. Luôn luôn như thế. Nhưng anh đi đâu, Tất Đạt?
Tất Đạt nói:
- Tôi cũng hệt như anh, bạn ơi. Tôi không đi đâu cả. Tôi chỉ đi trên đường. Tôi đang đi hành hương.
Thiện Hữu nói:
- Anh bảo anh đi hành hương, tôi tin anh. Nhưng này anh Tất Đạt, xin lỗi anh, tôi trông anh không giống một khất sĩ chút nào. Anh đang mặc áo quần của một người giàu có, anh đang mang giày theo thời trang, và mái tóc đầy hương của anh không phải là tóc của một khất sĩ, không phải tóc của một Sa Môn.
- Bạn đã quan sát kỹ lắm, đôi mắt tinh vi của bạn đã thấy hết mọi sự. Nhưng tôi không bảo bạn rằng tôi là một Sa Môn. Tôi nói rằng tôi đi hành hương, và điều ấy có thật.
- Anh đang đi hành hương. Thiện Hữu nói – Nhưng ít ai đi hành hương trong bộ áo quần như thế, giày như thế, tóc như thế. Tôi đã lang thang nhiều năm nay mà chưa bao giờ thấy một khất sĩ như thế cả.
- Tôi tin bạn nói thật, Thiện Hữu. Nhưng hôm nay đây, bạn đã gặp một khất sĩ như thế, trong giày và áo như thế. Hãy nhớ, Thiện Hữu thân mến của tôi ơi, rằng thế giới hiện tượng luôn luôn giả tạm, kiểu áo và tóc vô cùng tạm bợ. Ngay cả tóc và thân thể của chúng ta cũng giả tạm nữa. Bạn đã quan sát rất đúng. Tôi đang mặc y phục của một người giàu, và tôi có đầu tóc như người thế tục, theo thời trang chỉ vì tôi đã là một người trong số đó.
- Và bây giờ anh là gì, Tất Đạt?
- Tôi không biết, tôi cũng không biết như bạn. Tôi chỉ đang đi trên đường. Tôi đã là một người giàu nhưng bây giờ thì không còn nữa, và những gì sẽ xảy ra ngày mai, tôi không biết được.
- Anh đã mất hết của cải?
- Tôi mất chúng, hay chúng đã mất tôi – tôi không chắc. Bánh xe hiện tượng quay nhanh lắm, hỡi Thiện Hữu. Đâu là Tất Đạt con người Sa Môn, đâu là Tất Đạt người giàu có? Cái gì giả tạm sẽ thay đổi ngay, Thiện Hữu, bạn cũng biết thế.
Thiện Hữu hoài nghi nhìn người bạn ấu thời một lúc khá lâu. Đoạn chàng cúi chào Tất Đạt như người ta chào một người quí tộc, và đi tiếp con đường mình.
Mỉm cười, Tất Đạt nhìn chàng bước đi. Tất Đạt vẫn còn thương yêu chàng, người bạn trung thành hay thắc mắc ấy. Và trong lúc này, trong giờ sáng rạng sau giấc ngủ nhiệm màu thấm nhuần tiếng “Om” này, chàng không thể không cảm thấy thương yêu một người hay bất cứ một vật gì. Đó chính là điều kỳ diệu đã đến với chàng trong giấc ngủ với tiếng “Om”. Chàng yêu mến mọi sự, một tình yêu hoan hỉ đối với mọi vật chàng nhìn thấy. Và chàng cảm thấy dường như trước kia chàng đau khổ vì chính chàng đã không biết yêu thương.
Tất Đạt nhìn Sa Môn ra đi với nụ cười. Giấc ngủ đã làm chàng sảng khoái, nhưng chàng cảm thấy bụng đói cồn cào vì đã không ăn gì trong hai hôm nay, và cái thời chàng chế ngự được cơn đói nay đã qua rồi. Chàng nhớ lại thuở ấy một cách xao xuyến, nhưng đồng thời cũng với một nụ cười. Chàng nhớ hồi ấy chàng đã tự hào ba điều với Kiều Lan, ba nghệ thuật cao quí siêu quần: nhịn đói, chờ đợi và suy tư. Những điều ấy đã là sở hữu của chàng, quyền năng của chàng, sức mạnh của chàng. Chàng chỉ học có ba nghệ thuật ấy và không biết điều gì khác, suốt trong những năm chuyên cần và kiên tâm của thời niên thiếu. Bây giờ chàng đã mất chúng, chàng không còn nắm vững chúng được nữa, nhịn đói, chờ đợi hay suy tư. Chàng đã đổi chúng để lấy những vật khốn nạn nhất, những vật tạm bợ, những lạc thú cảm quan, nếp sống thượng lưu và của cải.
Chàng đã đi theo một con đường quái gở. Và bây giờ dường như chàng đã nghiễm nhiên trở thành một phàm nhân.
Tất Đạt suy nghĩ về tình trạng của chàng. Chàng nhận thấy rất khó suy nghĩ, và thực tình không muốn suy nghĩ, nhưng chàng tự bắt buộc mình.
Bây giờ, chàng nghĩ, mọi vật phù du kia đã lại lọt qua kẽ tay ta, một lần nữa ta lại đứng dưới trời như một đứa trẻ. Không có cái gì của ta, không biết gì, không học tập được gì. Lạ lùng biết bao!
Bây giờ, khi ta không còn trẻ nữa, khi tóc ta trở màu, khi sức ta bắt đầu giảm, ta bắt đầu sống lại như một trẻ thơ. Chàng lại mỉm cười. Vâng, định mệnh chàng kỳ lạ thật! Chàng đang đi ngược trở lại, và bây giờ chàng vẫn tay không, vẫn trần truồng và dốt nát trong vũ trụ. Nhưng chàng không buồn vì điều đó, trái lại chàng còn cảm thấy muốn cười lên, cười mình, cười cuộc đời đảo điên quái gở. Chàng tự bảo và cười lớn: “Mọi vật đang đi lui với mình”, và khi chàng nói như thế, cái nhìn của chàng chiếu sáng trên dòng sông, và chàng thấy dòng sông cũng chảy lùi đều đều, reo lên vui vẻ. Điều đó làm chàng rất thích thú, chàng mỉm cười vui vẻ với dòng sông. Đó chẳng phải là con sông mà một lần chàng đã ao ước trầm mình - hằng trăm năm về trước – hay chàng đã mơ thấy nó?
Đời sống của chàng thật lạ lùng, chàng nghĩ. Chàng đã lang thang qua nhiều con đường lạ. Khi còn là một cậu bé, tôi đam mê thần linh và các cuộc tế lễ, lúc trở thành thanh niên đam mê thiền quán và khổ hạnh. Tôi đã đi tìm Đại ngã và kính phục cái trường cửu nơi linh hồn. Là thanh niên tôi đã tu khổ hạnh. Tôi đã sống trong rừng, chịu nóng lạnh, tôi học nhịn đói, học chế ngự bản thân. Rồi tôi khám phá những giáo lý của đức Phật. Tôi cảm thấy trí thức và sự nhất thể của thế giới lưu thông trong tôi như chính máu của tôi, nhưng tôi cũng cảm thấy cần rời xa đức Phật và sự hiểu biết. Tôi đi và học những lạc thú của ái tình nơi Kiều Lan và việc kinh doanh nơi Vạn Mỹ. Tôi tích luỹ tiền của và tiêu hoang nó, ăn những thức ăn ngon, và học cách kích thích giác quan. Tôi phải tiêu phí nhiều năm như thế để đánh mất sự thông minh, khả năng suy tư của tôi, để quên cái nhất tính của sự vật. Chẳng phải tôi đã dần dần đổi thay từ một người đàn ông thành một đứa trẻ, từ một người tư duy đến một người thông thường, qua nhiều khúc quanh hay sao? Và con đường này có lợi và con chim trong lòng tôi đã không chết. Nhưng chao ôi là con đường! Tôi đã phải trải qua quá nhiều ngu dại, quá nhiều tính xấu, quá nhiều lầm lạc, nôn mửa, vỡ mộng và buồn rầu, mà chỉ để trở lại thành một đứa trẻ. Nhưng đúng là phải như vậy. Đôi mắt và trái tim tôi đòi hỏi điều đó. Tôi phải chứng nghiệm sự tuyệt vọng, tôi phải đi vào chiều sâu thăm thẳm nhất của tâm hồn, vào những ý tưởng tự sát, để chứng nghiệm thánh ân, để nghe tiếng “Om” trở lại, để ngủ say sưa lại và thức dậy cải lão hoàn đồng. Tôi lại phải trở thành một người ngu để tìm Tự ngã trong tôi. Tôi phải phạm tội để sống lại. Con đường tôi sẽ còn dẫn tôi đi đâu? Con đường ngu ngốc, nó đi xoắn ốc, có lẽ xoay vòng tròn, nhưng dù nó đi đâu tôi cũng đi theo nó. Chàng cảm thấy một hạnh phúc lớn lao đang dâng lên trong tâm hồn. Chàng tự hỏi: hạnh phúc ấy từ đâu lại, đâu là lý do của cảm giác hạnh phúc ấy? Nó có đến từ giấc ngủ dài của tôi, giấc ngủ đã làm cho tôi rất khoan khoái không? Hay từ thế giới “Om” mà tôi gọi tên? Hay chính vì tôi đã cao bay xa chạy, vì cuối cùng tôi đã trở lại tự do, và trở lại như một đứa trẻ dưới vòm trời? Ồ! Chuyến bay mới đẹp, cuộc giải thoát mới đẹp làm sao! Nơi tôi vừa trốn chạy luôn luôn có một không khí của dầu xức đầu, đồ gia vị, sự quá độ và sự trơ lì. Tôi ghét cái thế giới tiền của, rượu chè, cờ bạc ấy quá! Tôi ghét cả chính tôi đã sống quá lâu trong thế giới kinh tởm ấy. Tôi ghét cả chính tôi đã tự bóp méo, tự đầu độc và hành hạ mình, làm cho mình già và xấu xí. Tôi sẽ không bao giờ còn xem Tất Đạt này là thông minh nữa, như có lần tôi đã tưởng. Nhưng một điều tôi đã làm khiến tôi hài lòng và tự ngợi khen là bây giờ tôi đã vượt qua sự tự ghét ấy rồi, cái đời sống điên rồ trống rỗng ấy rồi. Tất Đạt, ta khen ngợi ngươi là sau ba năm điên cuồng, ngươi đã có lại một ý nghĩ đẹp, rằng ngươi đã hoàn thành một cái gì, rằng ngươi đã nghe lại con chim hót tự trong lòng ngươi và theo nó.
Chàng tự khen mình như thế, tự bằng lòng với mình và lắng nghe một cách tò mò bao tử của mình đang gào lên vì đói. Chàng cảm thấy mình đã trút ra một phần nỗi buồn, một phần khổ đau của thời quá khứ, mà chàng đã uống cạn đến độ tuyệt vọng gần chết. Nhưng mọi sự đều tốt đẹp. Chàng có thể sống lâu hơn với Vạn Mỹ, làm tiền và phung phí, nuôi dưỡng thể xác và bỏ rơi tâm hồn, chàng đã khéo sơn phết đó, nếu không có cái phút hoàn toàn vô vọng và căng thẳng khi chàng nghiêng mình trên dòng nước chảy, sẵn sàng tự tử. Thì cơn tuyệt vọng đó, sự buồn nôn tột độ mà chàng trải qua đã không thắng được chàng. Con chim, dòng suối trong trẻo, tiếng nói trong lòng chàng vẫn còn sống. Đó là lý do làm chàng vui tươi, làm chàng cười lớn, làm mặt chàng sáng lên dưới mái tóc đã hoa râm.
Tự mình chứng nghiệm mọi sự là một điều hay, chàng nghĩ. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã học rằng những lạc thú và của cải thế tục không hay ho gì. Tôi đã biết điều ấy từ rất lâu, nhưng tôi chỉ mới chứng nghiệm nó vừa rồi. Bây giờ tôi biết điều ấy không phải chỉ bằng tri thức, mà bằng mắt tôi, bằng tim tôi và bằng bao tử tôi.
Chàng suy nghĩ rất lâu về sự đổi thay trong lòng chàng, lắng nghe con chim đang hót mừng. Nếu con chim trong lòng chàng đã chết, chàng có chết không? Không, một cái gì khác trong chàng đã chết, một cái gì từ lâu chàng thèm khát đã chết. Đó chẳng phải là cái mà chàng từng mong phá huỷ suốt những năm khổ hạnh của chàng đó sao? Đó phải chăng là Tự ngã của chàng, cái ngã nhỏ bé, sợ hãi, kiêu căng, mà chàng đã chiến đấu với nó bằng bao nhiêu năm, nhưng luôn luôn nó thắng, luôn luôn nó xuất hiện lại, để cướp hạnh phúc của chàng, gieo cho chàng sợ hãi? Chẳng phải nó cuối cùng đã chết hôm nay, trong rừng, bên cạnh dòng sông kỳ diệu này sao? Chẳng phải vì cái chết của nó mà bây giờ chàng giống như một đứa trẻ, đầy hạnh phúc và niềm tin, không hoảng sợ?
Bây giờ Tất Đạt cũng đã nhận ra được vì sao chàng đã chiến đấu vô vọng với Tự ngã của chàng khi còn là một Bà La Môn và một nhà khổ hạnh. Quá nhiều kiến thức đã ngăn ngại chàng, quá nhiều thánh thi, quá nhiều lễ tế, quá nhiều ép xác, quá nhiều cố gắng và làm lụng. Chàng đã đầy kiêu căng, chàng đã luôn luôn là người khôn ngoan nhất, hăng hái nhất, luôn luôn hơn người một bước, luôn luôn là người trí thức, luôn luôn là người giảng đạo hay nhà hiền triết. Tự ngã chàng đã len lỏi vào trong chức vị giảng đạo ấy, vào lòng kiêu hãnh ấy, vào trí thức ấy. Nó an vị đấy một cách vững vàng, và tăng trưởng thêm, trong khi chàng tưởng chàng đang huỷ hoại nó bằng nhịn đói và sám hối. Bây giờ chàng hiểu nó và nhận ra rằng tiếng nói nội tâm rất đúng, không có một bậc thầy nào có thể đưa chàng đến giải thoát. Đó là nguyên do vì sao chàng đã đi vào cuộc đời, tự đánh mất mình trong thế lực, trong đàn bà và tiền bạc; vì sao chàng trở thành một thương gia, một người cờ bạc, rượu chè và một người giàu có, cho đến khi con người thuyết giáo và vị Sa Môn trong chàng chết đi. Đó là nguyên do vì sao chàng đã sống qua những năm kinh khủng chịu đựng sự buồn nôn, học các bài học về sự điên rồ của một đời sống vô vị, trống rỗng cho đến chết, cho nên khi chàng đạt đến nỗi tuyệt vọng đắng cay để cho Tất Đạt con người buôn lạc thú và Tất Đạt con người của giàu sang cũng chết nốt. Chàng đã chết và một Tất Đạt mới đã thức dậy sau giấc ngủ của chàng. Chàng cũng sẽ già và chết. Tất Đạt là giả tạm, nhưng hôm nay chàng còn trẻ, chàng là một đứa trẻ - chàng Tất Đạt mới – và chàng rất hân hoan.
Những tư tưởng đó thoáng qua trong trí chàng. Mỉm cười, chàng lắng nghe tiếng bao tử mình, lắng nghe đầy cảm ơn tiếng con ong đang rì rầm. Sung sướng chàng nhìn dòng sông đang chảy. Chưa bao giờ một dòng sông thu hút chàng đến thế. Chưa bao giờ chàng tìm thấy tiếng nước và hình ảnh dòng sông đang chảy lại đẹp như thế. Dường như con sông có cái gì đặc biệt để kể với chàng, một cái gì mà chàng không biết, một cái gì còn chờ đợi chàng. Tất Đạt đã có lần toan trầm mình trong dòng nước đó, thì hôm nay chàng Tất Đạt già cỗi, mỏi mệt, tuyệt vọng đã chết trong ấy. Chàng cảm thấy một tình yêu sâu đậm đối với dòng sông đang chảy và quyết định sẽ không rời nó vội.
|
|
|