Buổi sáng tôi đến trường. Học trò không vào lớp, học trò ùn ùn kéo nhau xuống đường. Ðường phố bừng bừng, đường phố đầy hơi tranh đấu. Phong lại thành công nữa rồi và như bị một sức hút ma quái nhất, kỳ dị nhất, tôi lại đi theo họ tìm đến với Phong.
Mỗi lúc một đông, vì hăng say vì tò mò, làm sao biết được cõi lòng của họ, chỉ biết vì yêu chàng tôi không thể yên lặng rút về nhà như một số giáo sư khác. Tôi phải đến với Phong bằng bất cứ giá nào, sinh mệnh tù đày hay khói cay vẫn không chùn chân bước tới.
Tôi đứng lẫn lộn trong một rừng người. Hàng ngàn người ngửa mặt ngóng trông, hàng ngàn người dơ cao cánh tay. Bởi quê hương tôi còn nhiều đau khổ. Chưa có dân tộc nào chiến đấu kiên trì như dân tộc tôi. Năm tháng nối tiếp trong gian khổ, chiến tranh tiếp diễn với chiến tranh. Hát vang lên như sấm động, như sét đánh trong mù mịt khói lửa. Ngửa mặt tin yêu trong nước mắt dòng dòng tuôn rơi.
Tôi chặn tay lên ngực ngửa cổ nhìn cho cao. Vẫn chưa trông thấy bóng chàng. Người đàn bà đứng bên tôi thì thầm:
-Hôm nay thầy đến.
Tôi sực nhớ đêm qua Phong đã tỏ ý lo ngại vì lần này chàng không thể thay thế Thầy được nữa. Thầy sẽ đến hôm nay.
Tôi tò mò hỏi người đàn bà:
-Ai nói với bà thầy đến?
-Ai cũng biết hết, bởi vậy tôi mới đi đó chứ, tôi đi đón Thầy vì tôi mong được nhìn Thầy một lần.
Rừng người tự động đứng kín hai bên lề đường. Con đường không bóng cây trước cổng chùa, con đường bụi mù đất.
-Thầy đến.
Những tiếng thốt lên từ muôn người. Tôi muốn vươn lên cao tôi muốn trông thấy Thầy và người tôi yêu. Thầy bước tới yên lặng giữa những vị sư. Từng bước thật thanh thản. Nụ cười Thầy thấp thoáng dù hai môi vẫn khít. Gương mặt Thầy muôn đời vẫn lặng lẽ hiền hoà. Cả một vũ trụ tịch mịch dồn về trên vầng trán rộng. Người ta chắp khít hai tay, im lặng tràn đầy trên ngàn người đang bừng bừng xôi sục. Chỉ nghe tiếng chân Thầy đi giữa những vị sư. Không gì khác biệt giữa Thầy và những vị sư khác, nhưng người ta vẫn nhận ra Thầy. Ðôi mắt sáng đầy ắp nghị lực. Những ngón tay của Thầy cũng được chiêm ngưỡng vì ở đó toát ra tình người. Tôi lặng người đi, dù mới tối hôm qua tôi đã được noí chuyện với Thầy. Tôi đã noí chuyện với con người cao cả đó. Phong vắng mặt, nhưng lòng tôi vẫn vui, vẫn mừng rộn rã.
Những người đàn bà đầu cúi xuống khi Thầy tiến đến gần, những người trẻ, hai mắt rực sáng lên. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao Thu Hải từ chối mọi cuộc hôn nhân tốt đẹp để yêu Thầy. Hải mơ một ngày nào đủ khát khao đủ ý chí để trở thành ni cô, mà mãi mãi tôn thờ hình bóng Thầy cho đến ngày buông xuôi hai tay.
Thầy đứng trên thềm cao giọng thầy cất lên chậm rãi yên bình. Lời nói như mặt một quyền uy thần thánh. Thầy nói về tình thương về nỗi khát khao thanh bình, về hai chữ làm người về thân phận quê hương miền nhược tiểu, và cuối cùng xin một thay đổi, xin một cải tạo.
Gương mặt Thầy hiền, nhưng bí mật không cùng, nụ cười thanh bình nhưng chứa đầy sức mạnh. Giọng nói nhân ái hiền hoà nhưng đang thép đi thẳng vào mắt người nghe. Tôi là một con bé tầm thường, nhưng kiêu hãnh chưa bao giờ tôi cúi đầu trước một ai, và bây giờ tôi phải cúi đầu. Chưa bao giờ tôi không ngửa mặt lên nhìn, và nghe ngóng người đối diện để phân tích từng lời của họ và bây giờ tôi phải đành bất lực. Lời thầy đi thẳng vào hồn tôi ru rẩy xao động. Tôi chẳng nhớ được nữa lời, dù tôi nghe rất rõ và bị khích động cùng tột. Chỉ một câu cuối cùng:
-Hãy tiến lên bằng hay tay không để được sống một đời thanh bình.
Ðoàn nguời ra đi, lặng lẽ ra đi. Thầy lặng lẽ bước vào chùa. Sóng áo nâu sòng, bước chân bình yên. Tôi len tới tìm Phong mặc làn sóng người âm thầm lướt tới. Họ còn bàng hoàng vì những lời Thầy họ chờ cho lời Thầy thấm vào xương máu. Tôi tìm được Phong, lấn tới giữ chặt hai tay chàng, mắt tôi long lanh ướt:
-Anh!
Phong ngạc nhiên:
-Ai cho em đến đây?
-Em tìm đến.
Phong kéo tôi đi len trong rừng người:
-Vậy là xong, sẽ biểu tình tuần hành trong trật tự anh hy vọng là tốt đẹp.
Tôi gật đầu:
-Em cũng mong như thế, nhưng sao em lo quá à, biết họ có cho mình yên không?
-Mình có làm gì gây xáo trộn đâu, không chiếm đài phát thanh, không biểu tình ngồi trước công sở chỉ tuần hành trong thành phố để họ hiểu dân khao khát đến bực nào sự thanh bình no ấm.
Tôi đứng xa xa nhìn Phong, trong lúc vội vàng nhất tôi đã nắm được hai tay của chàng. Ngầt ngây còn đầy trong lòng tôi, và người tôi như nở ra mọi miền yêu dấu. Tôi chớp mắt nhìn chàng, và chàng cũng mỉm cười nhìn tôi. Tình yêu là thế đó, đơn sơ vô cùng, nhưng ngọt ngào vô biên.
Liên lạc viên cho biết đoàn biểu tình đã tuần hành đi qua Toà thị chính và rừng người ở chùa vẫn còn tuần tự tiến tới. Tôi suýt soa:
-Ðông dễ sợ anh nhỉ?
Phong gật đầu ngồi trực bên máy. Khi đoàn người cuối cùng ra đi, trong sân chùa chỉ còn vài bóng người có nhiệm vụ ở lại. Tôi không rời chàng nữa bước.
Một lúc sau tôi thấy hai tay chàng run lên, mồ hôi chàng từng giọt trên trán. Chàng đưa khăn tay lên thấm mồ hôi và lắc đầu thở dài:
-Hỏng chuyện rồi, thôi em về nhà đi, anh phải chạy.
Tôi hoảng hốt:
-Chuyện gì vậy anh, sao anh dấu em, liên lạc viên nói gì vậy anh?
Chàng lắc đầu:
-Anh không ngờ, thật không ai ngờ được nông nổi này, chắc nguy em ơi, em về nhà đi em nhé, phaỉ nghe anh.
Tôi mím môi:
-Không bao giờ, trừ khi em chết em không về lúc này. Anh nói đi, đừng làm em lo, tội nghiệp em anh.
Chàng dằng từng tiếng:
-Mấy cô me Mỹ từ trên cao ốc khách sạn ném đá xuống đoàn biểu tình đang đi trong trật tự, nên…họ ném lại và lính Mỹ hoảng hốt bắn súng xuống sối sả, vì hiểu lầm đoàn biểu tình tấn công họ.
Tôi sững sờ:
-Rồi sao anh có người chết không?
Chàng gật:
-Bị thương và chết.
Chàng bỏ chạy. Tôi lúp xúp chạy theo bén gót. Khi xe đưa tôi với chàng đến ngã tư mọi sự đã xong. Hoảng sợ vì súng từ trên cao ốc bắn xuống, đoàn người biểu tình chạy dạt vào trại định cư Công giáo nằm bên kia đường rầy xe lửa để tránh đạn. Thánh chiền như ngày xưa đã xảy ra, khi người bên trong hiểu lầm kẻ chạy trốn súng đạn muốn tàn phá họ.
Hỗn loạn không ngờ càng lúc càng trầm trọng những đống đá xanh nhọn đổ sẳn để chờ ngày làm những con đường thênh thang cho xe Mỹ chạy đã trở thành khí giới cho hai bên giết nhau.
Người bên trong đó là nhân tình tôi, cũng những buổi chiều chầu thánh thể trong ngôi giáo đường nghèo nàn như tôi, cũng mỗi buổi sáng thức dậy, sớm để dự lễ cầu xin thanh bình như mẹ con tôi. Người bên ngoài là bẵng hữu anh em Phong. Bây giờ họ giết nhau bằng đá xanh, bằng lựu đạn, bằng mọi khí giới họ có trong tay.
Phong thẫn thờ, ăn năn cũng đã muộn. Gào thét bây giờ không ai nghe, khi máu đã chảy đỏ lan mặt đường người ta đã say máu, đã hết muốn nghe, đã hết tình người. Tôi cúi mặt xuống không nhìn Phong. Em còn yêu nổi anh nữa không? Khi anh gây nên cảnh chém giết này? Trán Phong hằn sâu những đường nhăn, hai tay Phong nắm lại.
Lửa cháy rồi nhà tan. Cao ốc không cháy được, chỉ có những mái tôn những vách gỗ mới điêu tàn trong khói lửa hận thù. Tôi lẳng lặng rời Phong, lầm lũi bỏ đi không một lời. Noí gì nữa bây giờ? Những người của Phong bị thuơng được khênh đến nhà thương, còn những người bên xóm đạo bị thương chạy chữa bằng cách nào? Tim tôi nhói đau, nước mắt tôi ứa ra thật âm thầm. Ðầu cúi xuống, tôi đứng nhìn ngọn lửa bốc cao trên những mái nhà. Tôi đứng nhìn trận mưa đá xanh đá nhọn, tôi đứng nhìn những người nằm trên băng ca khênh vội ra xe cứu thương.
Một ngày đã qua trong hận thù phi lý. Một ngày đã qua trong nước mắt tủi hờn. Tôi nhìn một lần nữa toà cao ốc và những người con gái đẹp vô tình gây nên chết chóc. Họ dựa vào ai sống an nhàn trên đó, đứng ngậm kẹo cao su nhìn xuống chiến tranh?
Không phải lỗi tại họ mà tại định mệnh quê hương tôi. Ðàn bà nghịch ngợm như trẻ nhỏ, đàn bà non lòng nhẹ dạ và vô tư ném đá như trẻ con ném kẻ qua đường. Ðàn ông yêu đàn bà, bảo vệ đàn bà, nên bắn súng xuống phủ trên đầu cổ đoàn người biểu tình, đoàn người biểu tình là Phật giáo, chạy ùa vào xóm đạo. Khác tôn giáo là khác mọi điều ư? Hố sâu chưa lấp, pháo đài chưa tan nên quay ra giết nhau. Vợ chồng anh em thời bây giờ còn chưa tin nhau huống gì hai phe khác đạo.
Tôi buồn bã ra về, sau lưng thành chiến đã qua một ngày. Ðêm về rồi từ sáng, đến giờ tôi chưa ăn, người tôi rủn ra, tay chây bải hoải. LỬa còn âm ỉ như hận thù còn. Xe Phong vút qua mặt tôi, giờ chàng không còn lòng dạ nào nhớ đến tôi đâu. Tôi đi bộ về nhà, mẹ lại đón trước cửa nhà, mãi mãi mẹ vẫn là người duy nhất đón tôi mỗi khi trở về.
-Trời ơi con, con làm mẹ lo quá sức, con kẹt ở đâu đó?
Tôi mệt mỏi:
-Họ đang tàn sát nhau ở Thanh Bồ Đức Lợi.
-Mẹ biết, liệu họ có kéo rốc lên đây đánh bọn mình nữa không con?
Tôi bàng hoàng nhìn mẹ:
-Ai nói với mẹ kỳ vậy, họ có muốn tàn sát mình đâu, họ như mình phải giặc giã gì mà mẹ hỏi kỳ vậy?
Mẹ ngao ngán:
-Họ cố diệt đạo công giáo mà con, con không nghe à, nhiều người tản cư rồi đó.
Tôi dậm chân:
-Không phải đâu, con van mẹ. Con đói bụng quá, có gì cho con ăn không?
-Con ăn đỡ đồ hộp vậy, từ sáng đến giờ họ hoảng có chợ búa gì đâu.
Tôi ngôì nuốt cơm, nuốt chứ không ăn. Thú vị gì mà ăn nữa, mẹ thở dài:
-Mẹ lo quá con ạ, còn đánh nhau hở con?
Tôi gật đầu:
-Máu chảy nhiều họ hăng rồi, không ai làm họ buông tay được nữa. Bây giờ người ta hết tin nhau.
Mẹ thắc mắc:
-Tại sao tràn vào chém giết người ta? Tại sao mới được chứ? Không phải họ cố tình giết người có đạo là gì?
Tôi lắc đầu:
-Con cam đoan với mẹ không phải như vậy, chỉ là một sự hiểu lầm. Mấy bà vợ Mỹ từ trên khách sạn ném đá xuống, họ nhặt đá ném lại. Lính Mỹ vì an ninh của họ bắn súng xuống thị oai, họ chạy dạt vào Thanh Bồ tránh đạn, người bên trong hiểu lầm chống cự lại và cuộc chiến tranh xảy ra.
-Thật không con? Như vậy họ không kéo lên đây đốt nhà thờ họ mình chứ.
-Con bảo đảm với mẹ là không.
Mẹ vẫn không an tâm, vì mọi người chung quanh mẹ không nghĩ như tôi. Không ai tha thứ nổi cho việc tràn vào họ đạo chém giết và tàn sát kẻ có đạo của nhóm biểu tình. Mẹ thiễu não:
-Lúc này Phật giáo mạnh quá, sau cách mạng họ chiếm đất xây Chùa lu bù.
Tôi mím môi:
-Mẹ đừng nói như thế, con sống gần họ con hiểu họ cũng như mình vậy, cũng khổ sở vì vận nước nổi trôi. Hồi còn ông Diệm họ bảo mình được ưu đãi, nhà mình có được ưu đãi gì không?
Mẹ gắt:
-Con sao lạ nhỉ? Mẹ để ý từ dạo ra Huế học về con lạ lắm đấy, con bênh vực Phật tử hoài, con lại chống mẹ vụ ngoan đạo, quá chia rẽ nữa. Này, này nói cho cô biết, chết thì chết mẹ không gả con người ngoại đạo nữa. Thà mẹ chết.
Tôi năn nỉ:
-Con xin mẹ, con chỉ nói sự thật thôi, chẵng nhẽ con dựng chuyện nói dối mẹ.
-Mấy thầy bên Phật lúc này nổi quá!
-Thì cũng như mình cung kính các cha vậy mà mẹ.
Mẹ nạt:
-Cô im đi, ai cho cô so sánh như vậy hở?
Tôi buồn bã ngồi im, phần sợ mẹ buồn, phần chán nản vì chia rẽ đã ăn vào tâm gan mẹ mất rồi, tôi không nói nữa. Tôi chỉ là một con bé yếu đuối, nhìn thấy cái nguy của sự chia phân trong lòng người, trên mảnh đất quê hương mà đành cúi đầu im lặng. Cha Hưng chỉ là một, tôi chỉ là một, những người như mẹ thì hằng hà xa số. Mẹ chợt nhớ nói như reo:
-A quên nữa, có ông Thị trưởng đến thăm con đó, lạ ghê con nhỉ, làm lớn vậy mà còn nhớ nhà mình chứ.
Tôi nhíu mày:
-Anh Mỹ ấy hở?
Mẹ gật:
-Ðúng rồi đó, ông ta ngồi nói chuyện với mẹ lâu lắm, dặn mẹ đừng cho con đi lạng quạng kẻo rắc rối. Mau thật, mới hồi ra mình trọ còn Thiếu uý vậy mà bây giờ Ðại tá rồi.
-Ði lính lên mấy hồi mẹ.
-Ông ta kể chuyện chị Phượng lúc nhỏ hay vòi kẹo, hay khóc, vui thật là vui vậy đó.
-Còn con, bộ không nói chuyện con?
Mẹ bật cười:
-Lúc đó đã có con đâu mà nói.
Tôi cười thẹn:
-Ồ con quên mất.
Câu chuyện ông Thị trưởng bình dị làm mẹ tạm quên nỗi căng thẳng bủa vây chung quanh. Thỉnh thoảng anh Mỹ vẫn ghé thăm mang cho những cần xé trái cây, từ trong Nam gửi ra, những trái xoài cát vàng ửng tròn trịa và mát rượi, những trái măng cụt nâu thẫm múi trắng ngọt lịm đầu lưỡi. Tình nghĩa với nhau là những món quà nhỏ ấy, là trở về thăm nhau sau khi vinh quang. Ngày xưa mẹ là bà lớn nhà cao cửa rộng người ăn người làm, giờ mẹ an phật ngày hai bữa. Anh Mỹ không quay lưng lạ mặt, anh Mỹ không ngại xóm đạo nghèo mặc đồ thường đi xe không cận vệ đến thăm. Trẻ con nghịch đẩy xe anh ra tận bãi biển anh vẫn mỉm cười. Chỉ cần một cú điện thoại thôi, anh sẽ bắt trọn lũ nhỏ phá phách đó, anh không làm không ai nơi đây biết anh là Thị trưởng.
Một người cho mẹ nói chuyện ngày xưa, Hà Nội ngày tháng cũ vàng mơ những huyền hoặc. Hà Nội và con đường Cổ Ngư trải giữa hai cánh hồ. Bến Phà Ðen của anh Mỹ và những chiều mưa sập sùi ngồi đợi người yêu.
Mẹ đứng lên cười hớn hở:
-Ông ấy đến kia con.
Tôi ngửng lên mỉm cười:
-Loạn đến nơi mà anh còn đi chơi được cơ à?
Anh Mỹ ngồi xuống:
-Loạn nên anh mới đến đây.
Mẹ ngồi kể chuyện nắng mưa với anh rồi bà bạn đến kéo mẹ ra sau xầm xì. Chắc tin tức vụ đổ máu Thanh Bồ, tin tức nhóm biểu tình sẽ đánh nốt hai họ đạo di cư còn lại. Tôi nhìn anh Mỹ:
-Anh tính sao, bộ để cho họ giết nhau hoài.
Anh Mỹ lắc đầu:
-Dĩ nhiên anh phải giải quyết, anh muốn dặn em.
-Gì anh?
-Ðừng đi biểu tình nữa?
-Sao anh biết em đi biểu tình.
-Từ trên lầu cao anh nhìn thấy em đi giữa nhóm họ, nhóc con coi chừng anh mách mẹ cho coi.
Tôi để ngón tay trên môi nheo mắt:
-Ðừng, nguy lắm.
Anh đứng lên:
-Nghe rõ chưa, cấm loạng quạng nữa nghe không, nhỏ ra đây anh biểu.
Tôi đến gần anh cười:
-Em lớn rồi đấy.
-Biết từ khuya, vậy mà cũng nói.
Anh thì thầm:
-Em làm anh nhớ Hà Nội ngày xưa.
-Em có biết Hà Nội đâu, em chỉ nghe kể thôi mà.
-Nhưng em mang đầy vẻ đẹp đó trên người, mắt em xanh như Hồ gươm.
-Trời ơi anh lại tán em rồi.
-Anh nói thật, chưa nơi nào cho anh sống lại không khí ngoài Bắc như nhà em và em.
-Em thì em thích được làm người nam như anh, khỏi phải mất quê hương, khỏi mang mặc cảm mất đất sống nhờ quê người. Ði đến đâu người ta cũng xì dài: Người bắc hở? Thế là hết, người ta làm mặt lạ với em, em là khách lạ ngay trên đất này, em mất quê hương ngay khi đang sống ở quê hương.
Anh Mỹ nghiêm mặt:
-Lại than thở rồi.
-Anh giả tiếng bắc anh thân thiện với người bắc, người ta tưởng anh người bắc, người ta không cho anh làm lớn nữa đâu.
Anh Mỹ kiêu hãnh:
-Muốn làm lớn anh tự làm cần gì ai cho nhỉ? Anh muốn là anh làm biết chưa?
-Ghê nói như ông tưởng, anh dũng em học cho cố giỏi lắm làm trưởng ty, còn anh…
Anh dí trán tôi:
-Con bé này kỳ thị gớm nhỉ?
Anh cười cười nói tiếp:
-Bắc quân hiếu chiến nhé, anh sẽ gả cô cho người Nam chơi.
Tôi cười:
Thích lắm chỉ sợ người ta chê em không có đất cát không có hồi môn thôi? Con gái bắc mà lấy được chồng nam thì nhất rồi hở anh?
-Ừ nhất rồi, để suốt ngày nghe cô chửi chồng.
-Thôi em không nói nữa kẻo anh mắng em chửi chồng.
Anh Mỹ chợt nheo mắt:
-Mà ai nói cô gái bắc mà nhận vợ hoài vậy? Cô sinh ở trong này mà, chị Phượng kia mới là gái bắc ham lắm.
-Ba mẹ em người bắc đẻ ra em, em phải là người bắc không chối cãi được, dù em thích làm gái Nam.
-Sao vậy?
-Giàu.
-À thì ra thích giàu rồi, gấp thế?
-Em mua xe lái chơi như mấy cô sở Mỹ, em may áo treo đầy nhà nhìn cho no mắt. Áo treo trong tủ đủ màu đủ kiều.
-Thích áo đẹp anh may cho.
Tôi thở dài:
-Anh lầm rồi, em không bắt địa đàn ông đâu nhé, không nói chuyện với anh nữa.
Anh Mỹ dài giọng:
-Bộ dễ nói chuyện với thị trưởng lắm, thôi anh về, nhớ ở nhà nghe, đi chơi hoài có chuyện rán chịu ạ.
-Bộ ai thèm bắt đền anh mà doạ.
Tôi đưa anh ra ngõ dặn khẽ:
-Anh tính sao? Ðể người ta đốt nhà dân hoài à?
-Dẹp, vụ đó là chuyện của anh, em sao trẻ con mà lắm chuyện gớm.
Tôi giận hờn:
-Phải rồi em trẻ con, ai tranh làm người lớn với cô dương cầm đâu.
Anh Mỹ hừ:
-Cấm bép xép chị nghe được phiền ra.
-Tuần sau Nguyệt Anh ra em sẽ mách nó mỗi chiều anh đến nghe đàn một lần, anh vuốt tóc nữ nhạc sĩ nữa, nào sợ chưa?
Tôi nhìn theo xe anh. Mai mốt lấy chồng mình phải học lái xe, lỡ giàu có xe khỏi mất chồng. Con gái đàn bà đời nay chúa hay mê đàn ông có xe. Phải lập hội các bà tự lái xe cho chồng mới được, đi làm vợ đưa, về nhà vợ đón, chàng cụt chân, mất tay hết ngứa ngáy. Ðể chồng xách xe đẹp chạy rông nguy lắm.
Chị Phượng hốt hoảng la chới với khi vừa bước vào:
-Mẹ đâu, trời ơi người ta đánh nhau một ngày một đêm vậy, mà cô đứng đó cười tình với bóng.
Tôi nhoẻn cười:
-Không cười thì khóc à, khóc già gái đi thì sao, ai dại thế. Chết đến nơi vẫn phải cười chị quên rồi à.
-Thôi mẹ đâu nói cho mẹ dọn đỡ lên phố ở đây lỡ họ đốt nữa thì chết.
Tôi nghiêm mặt:
-Chị cũng nghe đồng nhảm rồi, tưởng chị khá hơn chứ? lại đây em nói nhỏ cái này nè.
-Gì mà phaỉ nói nhỏ hử?
-Anh Mỹ đến.
-Ông thị trưởng ấy hở?
-Ừ, anh bảo không sao hết, mai anh ấy dẹp yên.
-Thật không?
-Thật, thị trưởng chứ bộ dỡn sao.
Chị Phượng trề môi:
-Thị trưởng đa tình quá, nói khó tin.
-Ða tình mới hay chứ, đàn ông đa tình mới galant, anh có cô bồ chơi dương cầm tuyệt vời.
-Ai không biết phaỉ khoe, cả thành phố biết chứ mình cô.
Tôi nói vu vơ:
-Chị định sao, mai mốt có học lái xe hơi không?
-Í chà, chồng tôi có phải giáo sư bác sĩ như cô đâu mà nói chuyện dao to búa lớn thế.
-Không phải như vậy, nhưng em muốn nói là đã đến lúc đàn bà phải giữ chặt lấy xe lấy nhà. Cái gì cũng phải giữ chặt mới giữ được chồng.
-Cái mặt chưa chồng mà nói như năm bảy đời chồng ấy, đàn ông họ muốn, có trời cản.
-Trời cản không được, nhưng đàn bà cản được. Chà không có chồng thì thôi chứ có chồng ngoại tình chắc em chết, hai là chồng em chết. Mình giữ xe gái không theo nữa đâu.
Chị Phượng gật gù:
-Ừ đúng đó, chị có con bạn ngu muội vì yêu một thằng cha pilot, lấy được hắn tưởng đời là tiên, bao nhiêu của cải cha mẹ cho đem sang tên cho chồng hết, một cái nhà to, một cái xe bóng chứ ít sao, con gái tỉ phú mà. Ðùng caí chàng rước cô vũ nữ về ở tầng dưới, nó chết cay chết đắng ôm bụng về với mẹ ruột, cũng tội cái nó không được đẹp mà cô kia thì khỏi chê.
-Ðó thấy chưa, đàn bà phải nắm chặt mới được, chị Mỹ hiền quá mất chồng đến nơi.
-Ở đó mà hiền, acide đến nơi rồi đó.
Mẹ bước ra:
-Phượng về bao giờ đó con?
-Dạ con mới về mẹ, mẹ tính sao? Người ta đánh nhau từ sáng đến giờ lửa vẫn cháy, e hết đêm nay.
Mẹ thở dài kéo chị ngồi xuống, tôi vẫn đùa:
-Cái hội ái hữu Ðồng khách của chị hoạt động lại chị nhớ đẩy mạnh phong trào bà lớn thân hành lái xe đưa rước chồng đi nhé. Chính phủ đỡ tốn tiền thuê tài xế và đỡ tốn tiền nuôi tình nhân ông lớn.
Mẹ ngơ ngác:
-Nó nói cái gì lung tung đó con.
-Ối chuyện con nít, mẹ thắc mắc làm gì, con nhỏ hồi này lạ gớm.
Mẹ và chị Phượng nói chuyện về họ, nhóm xách động biểu tình với giọng hằn thù oán thán. Tôi buồn bã quay lưng. Ðôi mắt Phong hiện ra trên trời cao thẳm đó. Phong vào đây mang theo bão táp và khói lửa. Tôi leo lên gác đứng nhìn về hướng đó, khói đen còn bốc cao, nhà cửa còn tan nát. HÔm nào buồn tôi thích nói chuyện huyên thuyên, nói như chim với anh Mỹ rồi với chị Phượng, nỗi buồn vẫn có đó rưng rưng xót đau. Hết chuyện kỳ thị với anh Mỹ, chuyện xe hơi với chị Phượng, giờ đứng một mình với đôi mắt chàng, với giọng nói cô đọng thiết tha tình người. Vẫn biết chàng vô tình trong cuộc chém giết này, nhưng tôi vẫn giận chàng.
Giờ không còn ai để nói huyên thuyên. Giờ buồn lắng xuống dày vò tình yêu. Ðạn vẫn nổ ì ùng, khói vẫn bốc cao trong đêm, tôi vẫn không thể quên chàng. Một đêm trăn trở trên giường, không bao giờ mẹ gã mình cho Phong, cũng không bao giờ Phong tính chuyện hỏi cưới mình, tôi chờ đợi bao nhiêu cũng hoài công, tôi chờ đến một ngày thành gái già vì Phong, chàng vẫn mỉm cười yên vui trong vòng tay quấn qúit của Lan Chi. Không thể được, đợi chờ một người không hẹn hò với mình là ngu dại điên cuồng.
Sáng hôm sau tôi lại đến ngã tư đường, nhìn vào vùng bốc khói. Lại ngửa mặt nhìn toà nhà cao, lại cúi mặt nhìn những căn nhà gỗ nghèo nàn âm ỉ cháy. Trong mọi điêu tàn, mái tranh nghèo luôn luôn bốc cháy, còn nhà xây cao đúc bêtông máy lạnh chẳng bao giờ lửa bén tới được. Tôi đứng trong đám đông người ta lặng lẽ nhìn, ngưòi ta nghi ngờ lẫn nhau nên không dám nói. Phe này phe kia. Ðất nước tôi chia năm sẽ bảy vẫn chưa vừa lòng. Tôi nhíu mày nhìn anh Mỹ đứng trên xe díp có năm sáu cận vệ bồng súng chạy đi chạy lại hô hào phe bên trong buông súng. Phe bên trong có thuyền tản cư gia đình ra biển chỉ còn lại đàn ông con trai với lựu đạn và súng. Phe bên này bao vây hò hét và nổi lửa.
Anh Mỹ không thấy tôi, chàng cũng không thấy tôi lẫn trong đám đông đăm đăm nhìn chàng. Chỉ có máu và nước mắt hoài hoài tuôn ra, chỉ còn hận thù hoài hoài căng thẳng. Tôi đành về nhà leo lên giường nằm buồn một mình.
Một ngày lại qua đi, không ai thua ai, không ai nhường ai. Trong chiến tranh thua được đều đau khổ, đều chết chóc. Nếu tôi có quyền, nếu là một cô tiên hiền, tôi sẽ dùng đôi đũa ngà dơ lên cho đàn ông xứ này biến hết, biến tan như hình như bóng, đàn ông biến mất là thôi chiến tranh. Nếu thật có Chúa như tôi tin, sao Chuá ác đến thế? Con người tội tình chi Chúa làm ngơ cho họ chém giết nhau hoài? Tội từ Eva và Adam ư? Hãy phạt họ, còn buông tha chúng tôi. Chúa hiền nhân và chỉ biết thứ tha kia mà. Một lần ông tổ phạm tội, phạt trầm luân đời đời con cháu chắt chiu.
Sau ba ngày tranh chấp ông tướng vùng vào, với quân đội và súng đạn cương quyết đi thẳng vào họ đạo để dẹp yên cuộc tranh chấp phi lý. Theo sau là phe biều tình ồ ạt nổi lửa, đốt hết những căn nhà còn lại, giết hết những người còn lại. Từ trên sân thượng toà nhà ca, tôi ôm mặt khóc. Con bạn cho tôi đứng nhờ để coi ngạc nhiên nhìn. Tại chàng hay tại những cô gái đẹp trên toà nhà cao của người Mỹ giàu sang? Trở về nhà, ngang qua một nhà thờ, họ đọc kinh râm vang trong đó.
-Lạy chúa tôi ở dưới vựa sâu kêu lên Chúa tôi…
Chắc chúc không nghe nên dân tôi khổ đến nổi này? Nên bao nhiêu năm làm người, là bấy nhiêu năm chiến chinh và cách xa.
Tôi đi vội về nhà, mẹ và chị Dũng nhốn nháo gói quần áo định chạy loạn. Tôi nhăn nhó:
-Con nói họ không có lên đây đâu mà lo.
-Lỡ họ kéo lên đây đốt nhà thì sao? Ở đó dân chài họ chạy ra biển được cứ như nhà mình chịu chết cháy à?
Tôi lắc đầu:
-Mọi người đều chui đầu vào lầm lẫn.
Mẹ dậm chân:
-Mày điên rồi, chở ba cái gói này lên thành phố gửi nhà con Hương cho mẹ đi, lỡ đốt nhà còn có áo mà mặc.
Mẹ bắt chị Dũng cột những thứ đáng giá sau xe tôi, và nằng nặc bắt tôi đem gửi nhà Hương, con bạn giàu dưới phố. Tôi đành phải đi, trên đời này mẹ vẫn là người tôi thương yêu, hơn nữa biết đâu đượng lòng người trong cơn say máu. Ðến gần nhà Hương tôi kinh ngạc dừng xe lại, với bao vải nạng trên xe, tôi đứng thở nhìn ngọn lửa đen toả ra từ cửa sắt nhà Hương mà thở dốc từng cơn. Ðồ đạc từ trên lầu xao quăng xuống, từ cửa sau quăng ra. Mớ áo quần của mẹ con tôi thật chẳng đáng giá gì so với tài sản gia đình Hương. Ðám đông vây quanh nhặt nhanh mọi thứ, tôi hỏi người con gái đứng gần:
-Chuyện gì vậy chị? Sao nhà xây mà cũng cháy?
-Họ nổi lửa đó chứ, nhà Cần lao mà, giàu quá đốt bớt đi.
-Người trong nhà đâu hết rồi chị?.
-Chạy hết rồi.
Người con gái quay lại nhìn tôi:
-Ủa chị đi đâu như chạy giặc vậy? Gói gì lỉnh kỉnh đó?
-Áo quần tôi tính đem gửi nhà đó vì nhà xây tưởng không cháy được.
-Dữ không, giờ cháy trước nhé.
Tôi khó khăn lắm mới quay được xe với sự giúp đỡ của người con gái, tôi đạp xe về nhà, sau lưng nhà Hương vẫn được đốt cháy. MẸ kêu lên:
-Sao đem về?
-Nhà Hương bị đốt rồi, may đó, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa nhé.
-Bị đốt, nhà con Hương bị đốt?
-Vâng đốt hết vì có tội với Cách mạng.
Chị Dũng chạy ra đỡ gói quần áo xuống cho tôi. Mẹ thở dài quay vào. Tôi mệt mỏi nằm dài trên giường. Nếu gửi sớm một chút thôi, những thứ qúi giá nhất của gia đình tôi cũng sẽ bị đốt chung với tài sản gia đình Hương.
Rồi cũng yên, cơn bão nào không tàn, cuồng phong nào không nguôi. Thành phố lại sinh hoạt như mọi ngày, hai họ đạo điêu tàn với tro than và khăn trắng mới. Nhà tôi không bị đốt, có lẽ Phong nể tình yêu giữa tôi và chàng nên tha. Xứ đạo tôi ở, thanh niên canh phòng thật nghiêm mật, một buổi tối Phong đeo kính đen xì mặc áo mưa đột ngột hiện đến:
-Trang mở cửa anh vào mau lên, kẻo người ta để ý.
Tôi hấp tấp mở cửa cũng may anh Dũng đi công tác vắng nhà. Tôi trách nhẹ:
-Anh thành công lớn rồi nhỉ?
Phong lắc đầu:
-Anh bại trận thì đúng hơn.
Tôi cười nhẹ:
-Anh cũng biết là anh bại?
Phong nhiêm mặt:
-Em trách móc anh?
Tôi lắc đầu:
-Em hiểu anh không muốn như vậy, nhưng em có quyền buồn anh chứ nhỉ? Ðời em, em vẫn ghét những kẻ hiếu chiến.
-Giờ em ghét anh?
Tôi lảng chuyện:
-Có chuyện gì không anh? Ðến em lúc này anh không ngại sao?
Phong cười buồn:
-Mai anh ra Huế.
Tôi chớp mắt:
-Mai anh ra rồi, sao mau thế?
-Em cười lên cho anh xem nào, mặt em rầu rầu hoài khổ ghê.
-Người ta chết nhiều quá, nhà cháy nhiều quá, em cười sao nổi anh?
-Rồi em giận hờn anh?
-Em không trẻ con đến thế, nhưng mà khó hàn gắn quá phải không anh, người ta biết anh đến đây phải biết.
-Anh đeo gương đen anh để râu dài, anh…
-Nhưng em vẫn nhận ra anh, suốt đời vẫn nhận ra anh.
-Mai anh trình diện.
Mẹ bước ra, mẹ không hề biết Phong hoạt động tranh đấu, tôi không dám nói chuyện gì với Phong nữa, ngoài chuyện học hành, chuyện nắng mưa cho đến lúc chàng ra về. Ðưa chàng ra tận ngõ tôi buồn bã.
-Nhớ viết thư cho em nghe.
Phong gật:
-Anh về nghe Trang.
Tôi kiểng chân nhìn theo, mờ mắt nhìn theo phiến lưng chàng, tóc chàng và hai vai nghiêng. Chẳng nói được gì với nhau hết. Tình yêu dù tha thiết vô ngần, nghịch cảnh vẫn ngạo nghễ ra tay và đã thắng. Nếu mẹ đừng bước ra, nếu tôi ở đây một mình chắc tôi đã khóc trong ngực Phong, tôi đã….như trong ước mơ, như trong truyện tình. Chàng với tôi tình còn như mây, hai môi chưa một lần giữ môi, hai tay chưa một lần ôm nhau nhưng vẫn biết yêu nhau, chẳng mối tình nào giống mối tình nào. Chẳng người nào yêu thương như nhau.
Ðời đưa tôi qua những ngõ quanh. Ðành lạ mặt với mình, đành buông tay chờ định mệnh. Phong đến với tôi sau biến cố, tôi hiểu mình được yêu nhau thiết tha dù hai đứa chẳng nói được nửa lời tha thiết. Tôi trở vào nhà, tiếng mẹ thở dài theo sau:
-Thiệt sinh con gái lo bạc đầu không hiểu cho.
Tôi hiểu mẹ nhắc tôi chuyện lấy chồng. Tôi hiểu mẹ không muốn tôi gặp gỡ bất cứ ai ngoài Kha. Người đàn ông bình thường đủ mọi mặt đó, không làm sao tôi yêu được. Giàu sang đứng đắn đẹp trai. Những lần người lớn sắp đặt cho tôi gặp Kha nói chuyện, tôi đều mang cảm giác gượng ép chán chường. Kha không có gì cho tôi chê trách, có lẹ tại tính tôi không thích những trò gì sắp đặt trước. Tôi viện cớ Kha nhiều em gái để hoãn binh với mẹ, bởi tôi biết mẹ thương tôi, mẹ sợ tôi khổ như Chị Phượng. Những cô em gái của Kha cô nào cũng lớn ngồng ra rồi, chưa ai lấy chồng. Thời buổi này có chồng đâu phải là dễ, đó là một may mắn lớn, hồng phúc Tổ tiên để lại con gái mới có người đi hỏi. Bạn trai tôi không thiếu, người yêu cũng khá nhiều nhưng người chịu đi hỏi tôi làm vợ cuối cùng còn mình Kha. Phong yêu để mà yêu, thịnh yêu để giận hờn bỏ đi một nước. Kha người lạ chưa hề nghĩ đến yêu thương giờ phải đem thân về ăn chung ngủ cùng với bao nhiêu mê đắm phải có, phải tập với bao nhiêu vuốt ve, bao nhiêu ân ái.
Vô lẽ tôi sống với mẹ đến già, rồi mẹ có mệnh hệ nào tôi sống với ai? Anh Dũng có vợ có con của anh ấy, chị Dũng là người mong tôi đi lấy chồng nhất. Làm gái già, không được rồi, năm nay mình mười chín tuổi, thời gian sẽ qua đi không đợi, trên đời này cái duy nhất thuộc quyền tôi là thời gian đã không biết chờ tôi.
Thôi đành Phong nhé. Tình yêu đành cất dấu trong một góc kỷ niệm, cho em về làm một người đàn bà bình thường với đời. Anh say lý tưởng, anh mê cách mạng đến không buồn cưới vợ anh tắp đời anh vào đời một người đàn bà cho nhẹ gánh tình yêu.
Mẹ dịu dàng ngồi xuống bên tôi, đưa tay vấn lại mái tóc loáng thoáng bạc, mẹ nói:
-Con định sao, nhất định từ chối dám đó hở con?
Tôi năn nỉ:
-Mẹ hiểu cho con, con không cảm thấy yêu người ta, sợ lấy nhau khó sống đời quá, thà sống một mình còn hơn lấy chồng rồi dang dỡ.
Mẹ cau mặt:
-Con sao chưa có chồng mà cứ nói nhảm hoài. Chán vạn người lấy nhau người ta cũng bỏ nhau cả đấy. Cứ lấy về con có cái là yêu nhau đi đâu mà mất.
Tôi lập lại ý cũ:
-Ông ta nhiều em quá, sức con e chiều không nổi, lại là con cả nữa, con đâu phải là thánh, hai mắt nhìn vào đã thấy đầy cái xấu lộ nguyên hình, đằng này những mười mấy đôi mắt con thành con hồ ly dưới mắt nhà chồng thì sao?
Mẹ thở dài:
-Nhưng có ai nữa đâu mà chọn với lựa, con khéo chìu là xong chứ gì, cứ ngọt ngào làm đầu không ai nói được mình.
-Ðành rằng con có thể chìu, nhưng chìu người mấy bà cô còn gì hạnh phúc của con nữa, lấy chồng để ra công gắng sức chìu chuộng người này đến người kia, thôi thà ế còn hơn mẹ ạ.
-Ế sao được mà ế con thật cứ nói thế nó vận vaò người cho coi.
-Nhưng mẹ mẹ có can đảm gả con khi mẹ biết chắc về nhà ấy con suốt ngày khép nép ý tứ chiều cả họ không. Rồi con gầy gấp đôi chị Phượng con mòn mỏi mà chết, mẹ dám không dám thì gả con đi.
Mẹ ngao ngán:
-Mẹ cũng biết như vậy, nhưng rồi con liệu ở riêng.
-Không được đâu mẹ, người ta là con trưởng, mẹ lại ở goá nuôi ăn học, ở riêng sao được hở mẹ? Phải lo cho lũ em chớ, hơn nữa con cũng không muốn như vậy. Sui chồng bất hiếu thì được, nhưng còn lương tâm của mình. Thôi mẹ ạ, mẹ từ chối phắt đi.
Mẹ dò hỏi:
-Thế còn cái ông giáo sư sao con? Có liên lạc gì với con không?
Tôi lắc đầu:
-Hôm nọ có gửi thư cho con, con quên trả lời mất.
-Ðâu con đưa cho mẹ đọc coi nào, sao con không trả lời cho họ đi.
Buổi tối mẹ nói ra nói vào, cuối cùng tôi viết thư cho Thịnh. Chị Dũng lại la hét mắng con dưới bếp. Tội nghiệp cho chị, và cũng đáng giận chị.
-Lại chửi con mắng cái nữa rồi. Thật mẹ buồn muốn chết.
Tôi cầm tay mẹ:
-Hay con đi làm sở Mỹ, thuê nhà khác cho mẹ ở..
-Không được, người ta cười nhà mình vô phúc.
-Mẹ đụng chút sợ người ta cười, mình sống cho mình, có sống cho người ta đâu.
-Mẹ sống chết cũng theo thằng Dũng, nó là con trai mẹ, mẹ đẻ nó ra giờ nó phải nuôi mẹ.
-Nghèo quá khó trở thành đứa con có hiếu được.
Mẹ đứng lên định đi ra ngoài. Tôi níu tay mẹ van lơn:
-Thôi mẹ ạ, tại chị ấy vất vả quá, phải cho chị ấy rên chứ.
Chị Dũng ong óng:
-Tôi làm đày tớ cho các bà đến bao giờ nữa đây hở trời?
Tôi nhăn nhó:
-Ðáng nhẽ con phải phụ với chị Dũng, sao mẹ cấm con làm hở mẹ?
-Nó khỏe đẻ thì nó nuôi, nó đẻ chứ con đẻ à? Áo quần con, áo quần mẹ con giặt rồi, tiền dạy học mẹ mua gạo đem về, bắt con rút xuống bếp nó còn đẻ nữa.
-Trời ơi, chị ấy có muốn đẻ nhiều đâu.
Mẹ hứ:
-Ngủ với chồng mới đẻ được chứ, thứ đàn bà hư, năm sáu mặt con rồi cứ giữ rịt chồng từng bước cho còn là khổ con ạ. Cái thằng Dũng bảo bao nhiêu lần không nghe, đêm nào cũng lết vào ngủ chung với vợ cho gầy mét người. Tao già rôì mai kia có chuyện gì ai lo cho nó.
Tôi tò mò:
-Bộ ngủ chung với vợ thì gầy người hở mẹ?
-Chớ còn gì nữa, mất sức lắm con ạ.
Tôi ngửa cổ cười:
-Làm gì đến mất sức hở mẹ?
Mẹ chợt nhăn mặt:
-Cái con này hỏi vớ vẩn, anh con về rôì kìa, ra bảo nó vào đây cho mẹ.
Tôi ngập ngừng:
-Chi vậy mẹ?
Mẹ cau mặt:
-Thì cứ bảo nó vào đây, mẹ nói không nghe hả?
Tôi đành bước ra chận anh Dũng lại:
-Anh khoan lên gác đã, mẹ bảo anh vào phòng mẹ đấy.
Anh Dũng đứng lại:
-Gì đó em? Ở nhà lại có chuyện hả?
Tôi lắc đầu:
-Không phải cãi nhau đâu, mẹ nói anh cái gì không biết nữa.
Anh Dũng thở dài, tôi lẳng lặng theo sau, mẹ cười:
-Con đi đâu về muộn vậy con?
-Dạ có vài công chuyện phải giải quyết, mẹ khỏe không ạ?
Mẹ nghiêm giọng:
-Xem chừng lúc này con không khoẻ phải không, liệu mà giữ sức mẹ còn một mình con là trai, con phải biết thương mẹ, mẹ buồn quá, mẹ vì nghèo không lo cho con được, để con vất vả thật mẹ khổ tâm vô cùng.
Anh Dũng cuống quít:
-Con bình thường không sao đâu mẹ đừng lo.
Mẹ đỏ hoe hai mắt:
-Mẹ biết chứ, làm sao con dấu mẹ được. Thời buổi khó khăn con gánh nặng quá quỵ là phải. Ai đời đi làm cả ngày về tối phải giặt một thau đầy quần áo cho vợ. Ðêm phải thứ pha sữa cho con, mẹ thấy con gầy quá.
Mẹ lắc đầu nhìn anh dũng cúi mặt:
-Con có làm gì đâu mẹ tính con đi làm cả ngày.
Mẹ quắc măt:
-Con đừng dấu mẹ, đêm nào mẹ cũng thấy con mò xuống bếp giặt đồ cho vợ, con có hiếu với vợ quá nhỉ? Mẹ đẻ con đứt ruột đứt gan ra, mẹ nuôi con đêm ngày còm cõi, mẹ vuốt nước mắt ở vậy nuôi con vậy mà suốt đời mẹ chưa bắt con giặt cho mẹ nửa cái áo, mẹ chưa bắt con giặt áo cho mẹ bao giờ. Sao con kính vợ con quá vậy Dũng? Con thương vợ con hơn thương mẹ phải không? Mẹ nuôi con từng này ngày mẹ có để con ...ng đến cái móng tay không? Ðêm nào mẹ cũng ngồi sau màn cửa nhìn con hì hục giặt đồ, đêm nào mẹ cũng thở daì nghe con khe khẽ pha sữa trên gác. Con đừng dấu mẹ, không ai hiểu con bằng mẹ đâu. Con liệu đó, coi chừng đau ốm không ai thương con đâu.
Anh Dũng bình thản:
-Mẹ tính vợ con một nách mấy đứa con.
-Thôi để mẹ làm cho, nếu con muốn từ mai mẹ hầu vợ con cho, thà mẹ khổ chứ nhìn con khổ mẹ chịu không nổi, ngày mai mẹ hầu vợ cho anh mà.
-Con có khổ gì đâu.
-Thôi tôi biết rồi, anh thương vợ mê vợ hầu hạ vợ, anh mới vui phaỉ không?
-Không phải thế đâu mẹ, mẹ đừng lo cho con.
-Bây giờ anh đâu cần có tôi lo, đã có vợ lo cho rồi. Tối về giặt đồ cho vợ, đêm quạt cho vợ ngủ, giỗ con cho vợ ngủ. Còn tôi, tôi một mình nuôi các anh tôi chết cả đấy.
Tôi năn nỉ mẹ:
-Thôi mẹ ạ, mẹ nghĩ ngợi mãi đâm ra lỡ mẹ đau thì sao?
-Hồi mẹ còn trẻ ba con bỏ đi, mẹ đau cách mấy cũng gượng dậy lo cho các con được, giờ mẹ muốn an nhàn các con không cho an nhàn.
Anh Dũng đứng lên:
-Mẹ cứ nghỉ đi, để con tính.
Mẹ lắc đầu:
-Mẹ chưa nói hết, con đi đâu mà vội thế?
Anh Dũng đành đứng lại chờ, mẹ ngó thẳng mặt:
-Mẹ bảo con phải ngủ riêng ra mới khỏe cơ mà, sao con cứ ôm riết nó vậy sức đâu mà chịu nổi đàn ông mà đêm nào cũng ngủ chung với vợ có ngày chết non.
Anh Dũng cười nhẹ:
-Để con tính mẹ thì có lo vu vơ không con khoẻ như voi mà cứ lo hoài.
Tôi che môi cười:
-Vụ gì chứ vụ đó là anh chịu không nổi rồi đó mẹ.
Mẹ daì giọng:
-Ối daò ơi, năm sáu mặt con rồi mới mẻ gì mà như phường tuồng mãi được.
Anh Dũng quay lưng:
-Thôi mẹ nghỉ.
Mẹ nhăn mặt vì tiếng chị Dũng tằng hắng ngoài kia.
Mẹ nói lầm bầm:
-Hồi mẹ còn trẻ, mẹ không bao giờ cản đường ba con, mẹ kính chồng như cha, mẹ không một lần nào gây gổ và cằn nhằn. Thời bây giờ đàn bà làm quá.
Tôi cười:
-Mai mốt con cũng bắt chước mẹ
Mẹ nghiêm mặt:
-Không được, con sẽ khổ.
-Ủa thế con phaỉ hỗn với chồng hở mẹ?
-Không phải là hổn nhưng cũng vừa vừa phải phải thôi.
-Nghĩa là cũng giữ thật chặt ông chồng, không để trong túi chồng năm trăm bạc, sợ lăng nhăng với gái không xa chồng một đêm…
Mẹ gục gặc:
-Ðúng đó con, đàn ông đừng cho họ giữ tiền, lắm tội lắm.
Tôi nghiêm trang:
-Như vậy anh Dũng mình không có tiền trong túi là phải mẹ nhỉ?
-Con nói nghe không được gì hết. Thằng Dũng khác, còn mẹ còn em nó vứt đi đâu? Nó phải ra oai với vợ cho mẹ an tâm chứ.
Tôi kéo chăn lên ngang ngực:
-Nhưng mẹ ruột của chị Dũng lại nghĩ khác đấy mẹ nhỉ?
Mẹ đập tay xuống giường:
-Con cãi mẹ phải không? Con giờ chỉ rình chờ chống mẹ. Mẹ biết mà con mẹ nuôi con lớn lên để theo người khác bỏ mẹ một mình.
Tôi ôm tay mẹ:
-Không bao giờ con bỏ mẹ hết, nếu mẹ bằng lòng con ở nhà đến già với mẹ này, con không lấy chồng nữa, chịu không?
Mẹ dẫy nẫy:
-Thôi cô ơi, cho vàng tôi tôi cũng không thèm đâu, cô ở nhà tôi còn khổ hơn nữa. À này, cái ông lúc nãy phải em chị Nhơn không?
Tôi hơi giật mình:
-Dạ phải, mà sao cơ mẹ?
Mẹ thấp giọng:
-Không có đạo phải không?
-Dạ.
-Vậy con đừng thân mật với người ta nữa nghe, mẹ không gả con cho người ngoài đạo đâu.
-….
-Khổ lắm con ạ, con phải nghe mẹ.
Tôi dạ khẽ rồi vờ nhắm mắt ngủ. Ðêm thinh lặng và dài, nhưng đời người thì ngắn. Quay đi quay lại tôi gần hai mươi tuổi rồi. Nếu không nhanh tay chụp bắt hạnh phúc tôi sẽ hụt mãi mãi. Tương lai của mình là một người đàn ông, không có cho được một người đàn ông làm của riêng hết ngửa mặt lên nhìn đời. Con gái đời nay có chồng đi hỏi mừng như bắt được vàng. Tôi không thiếu người si mê, những lá thư tình bay về thật nhiều nhưng chờ một người chịu đem cha mẹ đến hỏi mình về làm vợ cuối cùng còn mình Kha.
Vốn liếng đem cho hết Phong. Bao nhiêu mơ ước bao nhiêu rung động bao nhiêu tình. Phong yêu lý tưởng hơn yêu đàn bà, lý trí mạnh hơn tình yêu. Chàng thương Lan Chi, ra tay nghĩa hiệp chỉ có thế thôi. Tình yêu bị lãng quên hôn nhân bị ruồng bỏ.
Ðến bây giờ tôi chưa biết hôn một người đàn ông mình yêu ngây ngất như thế nào? Phong chối từ là mất tất cả. Chờ đợi cho nhiều cũng thế thôi. Nếu không đợi Phong, tôi còn chờ mong ai bây giờ. Không lấy được Phong, lấy ai cũng thế thôi?
Ðã đến lúc mà mỗi đêm đi ngủ, tôi muốn có người hôn nhẹ trán tôi. Ðã đến lúc mà mỗi sáng chợt thức dậy, tôi muốn có người để rúc trong lòng âm u nững nịu. Ðể gác hai chân níu giữ nồng nàn, để chung chăn chung gối suốt đời, để thở hơi hướng một người đàn ông. Một người đàn ông để ngủ chung với mình, để yêu mình như anh Dũng yêu chị Dũng. Một người đàn ông để tôi mang chung một tên với chàng, để mỗi sáng thức dậy tôi đã có chàng trong hai tay.
Tôi nhỏm dậy, mẹ đã ngủ rồi. Tôi bò nhẹ ra bàn học bật lên một ngọn đèn nhỏ, tìm lá thư viết cho Thịnh chưa kịp gửi. Tôi định viết lại cho tha thiết hơn. Ðể lấy một người chồng, không ai hơn Thịnh, cố yêu rồi sẽ yêu, cố tạo hạnh phúc mình sẽ có hạnh phúc.
Tôi đọc lá thư viết cho Thịnh. Thư tình viết lúc vội vàng khô như ngói lạnh như đồng. Tôi xé nhỏ lá thư nắn nót viết lại, tôi cũng không biết mình thành thật hay gian dối nữa?
Ngày tháng năm….
Anh,
Nhận thư anh Trang mừng lắm, Trang tưởng anh giận Trang luôn rồi chứ. Trang thức khuya để viết cho anh đây. Anh biết không, Trang chờ thư anh mỏi mắt đó, xa anh buồn quá mà đành nín câm một mình.
Anh bảo nhớ Trang hở, Trang cũng vậy chớ bộ. Anh làm như Trang cứng lắm ấy. Về Sàigòn anh tha hồ bay bướm nhỉ? Nếu Trang tự trách mình bữa trước không lấy dây xích cột anh lại với Trang. Xa anh mới biết không có anh đời buồn như chết, vào ngẩn ngơ, ra buồn phiền vậy mà anh còn trách Trang nữa chớ.
Trang nhớ những ngày ngồi trong giảng đường ngước mắt nhìn lên anh trên bục cao. Thầy của Trang, giờ chúng mình anh anh em em như hai người yêu nhau không bằng, giờ chúng mình nhớ nhau trong sầu tương tơ dằng đặc. Anh cứ trách móc em hoài, anh phải hiểu em là con gái, chã nhẽ em hét lên là em yêu anh cho cả nước biết anh mới tin sao?
Chịu thôi, viết cho anh em còn xấu hổ nữa là. Tha cho em vụ viết một ngàn một triệu chữ yêu trên giấy đi nhé. Nhưng mà, anh ơi em nhớ anh lắm, đêm nay em không ngủ được vì anh, anh ác ghê vậy đó, để em chờ mỏi mòn, hàng tháng trời mới chịu viết thư, em ốm đi rồi xấu, rồi anh có thương em nữa không?
Anh đã liên lạc được với anh Hưng em rồi hở? Ờ quên cha Hưng chứ nhỉ? Cha Hưng nói xấu em nhiều không? Không phải như vậy đâu, trái lại là khác, bất cứ người con gái nào cũng không thích phiêu lưu trong tình yêu anh ạ. Tụi em yêu là nghĩ đến hôn nhân chứ anh. Yêu nhau mà phải xa nhau thì khổ vô cùng. Mà muốn suốt đời yêu nhau thì chỉ còn một cách ràng buộc nhau trong hôn nhân. Anh biết nghĩ như vậy, em mừng chứ sao lại ghét anh được nhỉ?
Em chờ anh về, chịu chưa? Em yêu anh, chịu chưa? Xa anh em mới hiểu rằng em yêu anh tha thiết. Ðừng giận em nữa nghe.
Người yêu,
Ðêm nay anh đang làm gì? Có nhớ như em đang nhớ không? Thôi em không viết nữa đâu, em bắt đầu khóc vì anh rồi đây này.
Mạc Tố Trang.
Tôi không dám đọc lại thư, tôi sợ sẽ vó nát lá thư gian dối này. Tôi sợ chính lòng tôi. Yêu Thịnh, viết thư tình cho Thịnh dễ dàng biết mấy nhưng còn hình bóng Phong? Mỗi ngày tôi tập cho tôi nhớ Thịnh và tôi nhớ chàng thật.
Sáng hôm sau thư gửi đi rồi, lòng vẫn bâng khuâng. Tôi ngồi hong tóc dưới vườn cho khô dòng tóc mướt. Mỗi ngày tôi xích tới gần thịnh hơn, xa Phong hơn. Mỗi ngày tôi nghĩ đến ưu điểm của Thịnh và nghĩ đến Lan Chi để giận ghét Phong. Chỉ cần ngồi tưởng tượng cảnh Phong nằm với Lan Chi như vợ chồng, tình yêu đủ bốc khói tan bay. Hình ảnh đó như lửa thiêu đốt tất cả những gì tôi đã dành cho Phong.
Mỗi ngày, mỗi đêm tôi vẽ vời trong trí tôi một Lan chi đa tình khiêu gợi, một Phong đam mê gục xuống thân thể đó. Ðã hàng ngàn đêm rôì họ xiết lấy nhau, đã vạn lần chàng chập chùng trên thân xác đó. Hình ảnh đó lờn vờn hoài trước mắt tôi, giết chết tình đầu thơ mộng tôi dành cho Phong, giết chết mọi mơ ước mọi khát khao trong lòng.
Lan Chi với thân hình bốc lửa, với đôi mắt đa tình Phong yêu nàng không phải vì những thứ đó sao? Tình yêu cuồng say nhất phải là tình xác thịt. Chưa hôn nhau, chưa chết trong nhau chưa phải là tình yêu. Xác thịt nên một tình mới chín. Xác thịt thoả mãn nhau, tình mới thật tròn.
Ngày Thịnh về thăm, tôi mừng thật. Tôi vui như chim trong lồng đón người chủ tốt.
Thịnh đưa tôi lên đỉnh đèo hóng gió, chiếc xe bò êm trên mặt đường. Hai bên núi cao và biển rộng hai bên con đường cây xanh và mây hồng.
Thịnh xiết tay tôi:
-Nhận thư, anh thu xếp ra thăm em liền, bây giờ anh mới chắc là anh có em.
-Dữ không, làm như em là cái áo cái nhà gì mà có với không?
-Chớ sao nữa, xa em khổ thật là khổ.
-Khổ như thế nào anh?
-Nhớ, ngẩn, ngơ buồn và cô đơn.
-Anh làm thơ đấy hở?
Thịnh nghiêm trang:
-Ðừng đẩy anh ra nữa nghe, anh buồn.
Tôi phụng phịu:
-Ai biểu anh cứ đòi ôm em chi.
-Thì anh yêu em, anh có đòi hỏi gì quá đáng đâu.
-Thôi kỳ lắm.
-Rôì lại trẻ con nữa, thư viết nghe ngoan lắm.
Thịnh kéo tôi ngồi sát vào chàng:
-Anh nói với mẹ rồi, tuần sau mẹ sẽ ra.
-Chi vậy?
-Coi mắt, hỏi vớ vẩn không? Em không bằng lòng hở?
Tôi gật đầu, chàng cười:
-Chỉ biết gật thôi à?
Tôi cười tránh đôi mắt chàng:
-Giáo sư mà cũng biết hôn.
Thịnh trợn mắt:
-Trời ơi, em tưởng giáo sư là thánh à?
-Không phải là thánh nhưng ít nhất cũng đạo mạo hơn chứ.
-Yêu là bất kể hết, ghé tai anh nói nhỏ cái này này.
Tôi ngúng nguẩy:
-Em chả có dại đâu.
-Em đẹp.
-Anh thì chỉ được mỗi câu đó.
Thịnh cười cười:
-Còn em nữa, em chưa biết viết thư tình nhé, đọc cứ cứng cứng thế nào ấy.
-Thôi được, lần sau em nhờ người khác viết dùm cho hay.
Thịnh lắc đầu:
-Í không được, lỡ anh mê luôn người viết dùm thư thì sao?
-Em chép trong tiểu thuyết ra vậy, em biết một nữ văn sĩ viết văn tình không chê được, cứ việc chép lại cho anh đọc nhé.
Thịnh nghiêm mặt:
-Thôi không đùa nữa, anh định bàn với em một chuyện quan trọng lắm.
Tôi chờ đợi. Con gái thích nhất phút này. Thịnh dừng xe kéo tôi sát vào chàng. Gió lồng lộng, trời cao vời vợi. Có loài chim biển bay ngợp buổi chiều, có màu xanh biếc mắt thăm thẳm dưới kia. Nhan sắc tôi thua đỉnh đèo này, Huyền Trân đài các giờ trong cát bụi, đỉnh đèo muôn thưở còn đây và muôn thưở đẹp. Nước vẫn xanh dù phiến tóc người đẹp trắng, mây vẫn hồng dù môi tình giờ khô. BỞi thế đàn ông yêu đàn bà đẹp và chiếm đoạc cho được, sợ năm tháng qua đi. Ðàn bà một kiếp phù du, hãy ôm lấy Thịnh hãy níu chặt Thịnh nếu không muốn trở thành gái già. Trang ơi, đừng ngại ngần nữa. Phong là cánh chim bay liền cánh với Lan Chi. Phong là cơn bão cuồng yêu trên biển tình mang tên Lan Chi.
Muốn vươn tay níu lấy Thịnh nhưng gượng gáo quá, tôi lại thôi. Muốn nói với chàng một câu thật tha thiết, muốn biến chàng thành Phong dưới mắt buồn phiền.
Thịnh dịu dàng:
-Em nghĩ gì đó?
-Dạ không.
-Anh tính mình làm đám cưới trước Tết em chịu không?
Tôi gật đầu, thịnh bóp tay tôi:
-Chỉ biết gật thôi à?
Tôi cười với chàng, chợt nhói lòng nhớ một chiều đứng đây với Lan Chi hờn ghen và chua chát.
-Em sẽ tiếp tục đi học nếu em thích, anh tính kỹ rồi, a mà không được, tụi mình phải có con chứ nhỉ?
Tôi hồng hai má:
-Thôi nói chuyện gì kỳ quá.
Thịnh lẳng lơ:
-Kỳ gì đâu em, rồi em coi tuyệt lắm chẳng có kỳ tí nào hết.
Thịnh cười tủm tỉm
-Ðỏ mặt hả, vợ anh dễ thương quá.
Thịnh ôm tôi, lim dim mơ mộng:
-Con mình dễ thương nhất đời nay, lớn lên anh sẽ dạy nó học.
-Xí dạy em chưa xong đòi dạy con.
-Ồ! phải có ít nhất hai đứa con, một trai một gái em nhỉ? Nhiều quá không hay.
-Lở em sinh một dây mười đứa thì sao?
Thịnh cười dòn:
-Dữ chưa, vậy mà còn đỏ mặt nổi gì, thôi sức anh có hạn, anh chịu không nổi rồi đó, em đẻ một mình đi.
Tôi bấu tay thịnh:
-Anh thật, ăn nói kỳ cục ghê.
Thịnh ngửa cổ cười:
-Vợ tôi đa tình vậy mà tôi không ngờ chứ.
Tôi gắt:
-Cưới khi nào mà cứ vợ con hoài vậy, người ta cười cho chết.
-Cây nó cười à, có ai đâu?
Thịnh hăm hở xiết lấy tôi. Gió bay tóc, vờn áo và căng má căng môi cho Thịnh làm cơn gió mơn man khắp cùng, cho Thịnh hai môi mềm giữ hai môi run.
Sóng rì rào vỗ trên gềnh đá. Chim vẫn từng đàn liệng đầy một vùng ngắt xanh. Tôi nhắm mắt gọi thầm tên Phong, có cơn gió nào giận hờn rít trên tảng đá? Nụ hôn đầu tiên chẳng thấy ngọt, chẳng thấy mê. Tôi tỉnh táo nhìn ngắm khuôn mặt Thịnh, đôi mắt sau màn kính trắng khép hờ, gương mặt mê man vẫn đầy chữ nghĩa và sách vỡ.
Lòng tôi nguội quá, tim tôi khô, chân tay cứng đơ, mặc cho thịnh vuốt ve mặc cho Thịnh nhắm mắt, tôi hững hờ nhìn xuống biển, nước xanh ngăn ngắt nước xanh lạnh lùng. Xác thịt tôi nổi trôi trên đó, xa lạ với tôi, chống đối tôi. Những phiến lông mềm những vùng da ấm, những nơi tối tăm, tất cả ngủ yên dưới lớp tuyết dày. Tất cả ngủ yên tưởng cơn gió xa.
Hơi bực bội, hơi nhột nhạt thế thôi. Nụ hôn đầu tiên nản thế này? Tôi lắng nghe xác thịt lên tiếng, tôi lắng nghe hơi thở của tôi, tôi lắng nghe những sợi lông tơ thì thầm run rẩy nơi kín đáo, nơi hớ hênh. Im lặng vô cùng. Một lúc sau. Tôi buồn bã gỡ tay Thịnh, gỡ người THịnh ra. Hai môi tôi vẫn lạnh se sắt. Hình như Thịnh không cảm thấy gì nữa, chàng thì thầm:
-Tháng sau mình làm đám cưới.
Tôi nhìn mông ra chân trời xa tít tắp mà chẳng thấy gì. Có ai được hôn lần đầu mà nguội tanh như tôi không?
-Em làm sao thế? mệt hở?
Tôi gật:
-Em hơi chóng mặt cho em về đi anh.
Thịnh tình tứ:
-Tại em chưa quen đó, mai mốt em sẽ đòi như con nít đòi kẹo.
Tôi lơ đãng:
-Ðòi gì cơ hở anh?
Thịnh dí trán tôi:
-Ðòi hôn chứ đòi gì nữa.
-Em không tin rồi đó, đàn bà ai đòi chuyện vớ vẩn đó như mấy ông.
Thịnh đẩy kính lên:
-Anh nói thật đó, khoa học đã chứng minh rằng đàn ông và đàn bà về mặt tình dục mạnh như nhau đòi hỏi như nhau, nếu không biết điều đó người em hư rồi.
Tôi ngẩn ngơ nhắc thầm lời Thịnh ‘người em hư rồi’. Lẽ nào cơ thể tôi hư hỏng mỏi mòn. Tiểu thuyết tả nụ hôn bao giờ cũng bỏng cháy nồng nàn, cũng ngất ngây lao đao. Tôi lạnh như tiền, khô như ngói. Một tuyết nào dó bị lãng quên, bị tê liệt chăng?
Thịnh thì thầm:
-Cho anh hôn cái nữa rồi về.
Tôi nghiêng mặt né tránh, Thịnh sấn tới giữ chặt lấy tôi:
-Trừ khi em nhảy xuống biển anh cũng nhảy theo để hôn em, đừng hòng trốn cô bé ơi.
Tôi dẫy nẫy:
-Thôi anh để em ăn cơm chứ, hôn miết em ăn không được ốm đi thì sao?
Thịnh cười ngất:
-Dữ chưa ló đuôi tham ăn nhé.
-Em nói thật đó, nếu anh hôn em nữa, em sẽ đau cho coi.
Thịnh nheo mắt:
-Sao em biết?
Tôi khoanh hai tay trước ngực hất tóc ra sau:
-Em hôn nhiều rồi.
Thịnh cười:
-Nói dối anh nhé.
-Em nói thật mà, em hôn chừng một trăm người rồi nhá.
Thịnh bình thản:
-Giọng điệu y con nít, nhưng anh không con nít đâu mà trộ anh nhé.
Tôi cười:
-Nói thật chứ bộ.
-Hôn nhạt như nước ốc mà cũng khoe.
Tôi tròn mắt:
-Hử, anh nói em nhạt như nước ốc.
-Em đẹp lắm, môi em ngọt nữa, nhưng em chưa biết hôn tí ti ông cụ nào cả, em nói gì anh cũng không tin đâu, anh biết thừa em hôn lần đầu rồi.
Tôi ngớ ngẩn:
-Sao anh biết?
-Chuyện gì của em anh còn biết nữa là hôn, quê, lớn thế này mà chưa biết hôn, răng chạm lưng cưng.
Thịnh ghé tai tôi rù rì:
-Ðể cưới rồi anh dạy cho nhé, em phải sống nhanh sống vội gấp đôi những cô vợ mới cưới khác.
Tôi đẩy mạnh Thịnh ra:
-Anh thật, ăn nói gì đâu không à?
-Trời ơi, chuyện quan trọng linh thiêng nhất đời mà em nói gì đâu thì chết anh rồi, người ta có mỗi vụ đó.
-Anh là giáo sư anh quên hư? Em thích anh vì cái mác đó.
-Em sẽ thất vọng vì anh chẳng có mác gì ngoài nhiệm vụ làm chồng em, như mọi người đàn ông bình thường khác.
Tôi đổi giọng:
-Hèn gì….
Thịnh điềm tĩnh:
-Hèn gì làm sao em?
-Tôi giao hẹn:
-Em noí anh đừng giận em cơ.
Thịnh âu yếm:
-Chẳng bao giờ anh giận em cả, nói đi.
Tôi ngó Thịnh:
-tụi bạn em nó nói nước mình yếu đi không tiến được, quặt què vì ba mấy ông giáo sư đại học.
Thịnh mỉm cười:
-Tại sao mới được chứ?
Tôi dướn người:
-Ở Mỹ, ở Pháp những cours về chính trị học, về kinh tế học, triết học…họ viết từ dân tộc họ những gì liên quan đến dân tộc họ, từ đó họ hướng dân tộc họ đi lên. tất cả mọi công trình hướng về quê hương nên họ tiến là phải. Còn giáo sư đại học của mình dịch những quyển sách nói về nền kinh tế Mỹ, đời sống Mỹ, dạy cho sinh viên. học xong tụi em ngơ ngáo nhìn đất đai mình hai tay buông xuống vì chẳng làm được gì. Học một đàng làm một nẻo, có mấy người bạn của em học về máy móc đi lính đánh giặc, có dùng đến khả năng đâu, không biết dùng người như vậy làm sao nước mình khá được. Tụi em ngửa cổ nhìn thầy và noi theo thầy thầy đọc báo Mỹ báo Pháo, cho con học trường Tây, cho con đi du học, tụi em mất tin tưởng anh ạ, tụi em không biết học gì bây giờ.
Thịnh gật gù cười, tôi thấp giọng:
-Như anh, anh dạy Triết nhưng anh đọc sách Tây sách Tàu sách Ấn là cùng. Những gì gần gũi với người Việt nam những gì người Việt nam nghĩ chắc gì anh biết. BỞi vậy tụi bạn em mới nói nước mình như đứa bé quặt què vì ăn không thứ không hợp, như kiểu người mình mà cứ nhè cho ăn cơm Mỹ vậy đó anh?
Thịnh cười:
-Vợ anh có tư tưởng ghê đấy chứ. Anh cứ tưởng con nít như em ăn no ngủ kỹ. Nhưng em quên một điều rồi hoàn cảnh đất nước không cho phép người nào nổi bật lên hay có tư tưởng cách mạng. Không được đâu em ạ, thời buổi này có ôm ấp hoài bãi gì cũng phải dấu đi cơ mà. Em nghĩ lại coi, những người nổi tiếng một chút dân biết đểu được đẩy vào chỗ chết. em mà nổi tiếng, em giỏi hả, cho em chết. Anh đâu có dại như vậy, trước hết phải sống đã. Mà thôi buổi chiều đẹp thế này nói chuyện chúng mình thú vị hơn.
Tôi thở dài:
-Nói vậy là anh cũng khoanh tay.
-Bao giờ, anh khoanh tay bao giờ?
-Thì anh vừa nói đó.
Thịnh điềm đạm:
-Anh đi dạy học, hết giờ về nhà đọc sách.
Tôi bướng bỉnh:
-Chẳng có lợi gì hết.
-Cần gì lợi, anh thích sống như thế và anh được sống như thế đừng bi quan em ơi, đời bao giờ cũng đẹp cũng đáng yêu và người ngoài nhìn vào bao giờ cũng đẩy những ngộ nhận em có biết giáo sư nghĩ gì về học trò của mình không?
-Nói em nghe đi.
-Anh không nói, anh đưa em về cho em ăn và hôn em đủ chưa?
Tôi nhớ Phong, một phong say lý tưởng, một Phong không bao giờ chịu ngồi yên nhìn đời. Nhưng rồi Phong sẽ làm được gì? Vào tù rồi ra tù đi lính?
Buổi chiều thầm thì như đời con gái. Thịnh thẳng thắn nói chuyện với mẹ tôi và định ngày cưới. Thịnh lớn rồi. Thịnh tự quyết định đời chàng. Tôi bằng lòng và mãi mãi về sau tôi vẫn không hiểu tại sao tôi bằng lòng làm vợ Thịnh. Có lẽ đúng như lời mẹ nói, không còn đám nào hơn Thịnh nữa đâu. Con trúng số rồi con ơi, phước đức ông bà để lại nên con mới được thầy con ghé mắt đến.
Tôi ngồi ngắm Thịnh người này sẽ trở thành chồng của tôi, sẽ cho tôi hạnh phúc hay bắt tôi đau khổ? Khuôn mặt đầy đặn đó, đôi mắt hơi dại vì quen đeo kính cận bàn tay hơi trắng vì suốt ngày đọc sách dáng dấp thư sinh ấy sẽ đời đời sống chung với tôi. Tôi sẽ ăn chung mâm, ngủ chung giuờng để có con với người đàn ông mà cách đây mấy tháng còn xa lạ với tôi?
Tôi phải làm gì khi có chồng? Trời ôn xôn xao quá, mà cũng lặng lờ quá. Tôi bỏ Phong như bỏ quê hương điêu linh của chàng để lấy chồng giàu. Tôi bỏ lũ bạn nhiệt thành của tôi để đi một mình vào cõi hôn nhân u u sáng sáng.
Mẹ tôi quý Thịnh như vàng, nhưng vẫn phải giữ gìn mọi lễ nghi để khoe làng khoe xóm. Ngày cưới tôi trắng từ đầu tới chân, đi từng bước nhẹ như cô gái xưa vào thánh đường với Thịnh, họ hàng hai bên dài theo lối đi. Ðám cưới phaỉ nhiều xe hơi, phải nhiều người sang trọng cho mẹ vui, cho tôi ngửa mặt với đời.
Thịnh cứng người trong bộ đồ lớn, Tôi thướt tha với hoa trắng trên đầu, từng bước thật mau, trăm mắt nhìn hai bên. Người ta quay lại nhìn tôi với Thịnh, những cô gái thì xầm xì mà lòng thấm đau có người con gái nào không thấm cơn xót khi nhìn người khác lấy chồng đâu?
Tôi mất tin tức Phong, hay tôi cố tình quên chàng để yên tâm về nhà chồng? Cảm tạ chồng tôi cho tôi ngày vui này, vui lâng lâng vui chất ngất. Ðôi mắt mẹ lung linh đôi mắt tôi long lanh.
Ngày vui bừng như đóm sáng, Ngày tháng lại qua đi. Tôi giờ thành đàn bà một sớm một chiều khác hẳn xưa. Tôi ngồi dựa thành giường nhìn Thịnh ngủ mê man. Chẳng còn gì che dấu nhau nữa. Cảm giác thật lạ tên, thật hững hờ. Tấm drap trắng tinh mẹ Thịnh đã cậy cục nhờ một người đàn bà mắn con mát tay nuôi con nhất trải cho tôi lấy hên. Người đàn bà đẻ mười một lần nuôi đủ mười một con. Mai mốt tôi cũng thế.
Chẳng có gì ghê gớm như tôi nghĩ. Thịnh nhẹ nhàng từ tốn từng giây từng phút nâng niu dắt dìu. Nhắm mắt lại tôi vẫn thấy đôi mắt Phong sâu thẳm màu buồn nhắm mắt lại tôi vẫn thấy đôi môi Phong cười lên ngạo nghễ.
Tôi đem tấm thân sạch về cho chồng. Sạch tự môi hôn đến cùng thẳm tối tăm thân xác, nhưng giữa đêm nồng nàn, tôi vẫn còn nhìn soi bóng đêm mà thấy mái tóc bồng bềnh phiêu lãng của Phong trên thân thể chồng. Giữa lúc ngợp chìm nhất, thiêng liêng nhất tôi vẫn thì thầm gọi tên Phong. Những giọt hồng làm Thịnh cười run môi, nhưng tôi, tôi thấm thía hiểu rằng tôi là một người đàn bà hư hỏng nhất trên đời mà.
Giờ nằm duỗi dài hai chân, nhìn chồng ngủ, bình thản và an phận đến như tôi là cùng. Tôi vuốt tóc Thịnh, chàng âm u trong giấc mơ, nước mắt chợt nhỏ xuống lăn trên má tôi. Thương Phong thương mình hay thương chồng?
Chàng trường người níu tôi xuống:
-Em.
Tôi tiếp tục lồng tay trong tóc chàng. Thịnh dịu dàng:
-Cưng ơi ngủ đi cưng.
-Em không ngủ được.
-Đau hở?
Tôi lắc đầu:
-Không!
Thịnh xoa lưng tôi:
-Anh hài lòng.
Tôi im lặng, trời ơi sao tôi mãi nhớ Phong thế này. Tôi không tiếc nuối gì với chồng bỏ ra nửa triệu bạc để làm đám cưới. Thịnh có quyền hài lòng về thân xác tôi, nhưng giá mà tôi hôn được Phong để biết hôn người tình và hôn chồng khác nhau như thế nào? nếu phong hôn tôi để gió bão thu về môi tôi, và bây giờ yên bình no đủ dưới cơn mưa móc của chồng, tôi hết ngẩn ngơ gọi thầm tên ai.
Tôi nói khẽ:
-Trước em anh hôn ai chưa?
Thịnh cười:
-Hỏi làm gì?
-Ðể anh tả cái khác nhau cho em nghe.
-Thôi cưng ơi, cưng tiếc anh hở?
-Sao anh biết?
-Người đàn bà nào khi lấy chồng cũng tiếc những ngày làm con gái không loạn thêm một tí, để bây giờ so sánh.
-Rành lắm.
-Em quên anh dạy Triết.
-Sau này hôn vậy.
-Muộn rồi, có chồng rồi hôn ai cũng hết ngọt, chỉ còn là xác thịt thôi.
-Em không tin, anh làm như có chồng rồi thì hết được sống.
Thịnh ngơ ngác :
-Sao em nói thế.
-Thì cũng nói cho vui vậy mà, chưa gì đã ghen nhé.
-Em vui không?
-Vui chứ, lấy được chồng vừa giàu vừa sang không vui sao được.
-Dẹp chuyện đó đi, anh hỏi vụ khác.
Tôi ỡm ờ:
-Vụ khác là vụ gì?
-Con cái chẳng hạn và gối chăn.
-Gối chăn của mình đẹp và mới hơn hồi em ở nhà, từ nhỏ tới lớn em mơ ước có một chăn hồng thế này, cái mùng hồng thế này và gối mút, ở nhà em nằm chiếu đau lưng lắm.
Thịnh âu yếm:
-Ghét cưng quá, mà thôi để dành.
Tôi phụng phịu:
-Anh làm như em là mắm là ruốc gì không bằng để dành với lại để thiu.
Thịnh bật cười:
-Em là anh, anh là em, lúc nãy tụi mình chẳng là một đó sao? Cãi nổi anh không, từ trên xuống dưới trở nên một.
Tôi nóng bừng người:
-Thôi anh, nói gì kỳ quá vậy.
Thịnh cười dòn:
-Kỳ gì đâu, em nói anh nghe coi, không trở nên một đó sao?
-Trở nên một hay không kệ nó.
-Kệ nó, em nói nghe hay chưa, anh với em chứ ai vào đây mà nó.
Thịnh dịu dàng xoa lưng tôi:
-Em biết thiên đàng chưa?
Tôi lắc đầu:
-Em tưởng tượng là một nơi đầy nhạc tình đầy hoa và không có súng đạn chết chóc.
Chàng trở môi tôi:
-Là em này, ôm em anh thấy thiên đàng, chết trên em anh sống trong thiên đàng.
-Ăn nói như vậy đó tội chết, mai em mách mẹ cho coi, mẹ chửi anh bằng thích.
-Ðố em mách đó.
-Chuá phạt anh.
Thịnh ngửa cổ:
-Chúa chẳng bao giờ phạt ai hết, chúa hiền hơn mọi người hiền.
Tôi hỏi:
-Thế tại sao có chiến tranh?
-Con người thích giết nhau.
-Sao Chúa không cản?
-Chúa cho mình tự do như đã để em với anh tự do đây này, mình có đợi Chúa ra lệnh mới ráp vào nhau đâu.
Tôi lườm chàng:
-Không nói chuyện đó nữa, nói chuyện khác.
-Mọi sự trên đời ở đó mà ra, mọi chiến tranh khai sinh từ cái giường.
Tôi nheo mắt:
-Em hết là học trò thầy rồi thầy ơi, giờ anh phải gọi em bằng bà.
Chàng tươi cười:
-Bà Thịnh nhé.
Tôi buột miệng:
-Không biết bao giờ hết đánh nhau để Phong ra lính anh nhỉ?
Thịnh ớ người:
-Phong nào em?
Tôi bối rối:
-Ơ bạn của em, anh ấy đi lính rồi.
Thịnh bình thản:
-Vài tháng nữa thôi em ạ.
-Sao anh biết?
-Người ta không ai muốn chết, thời bây giờ đánh nhau không lợi bằng làm hoà nhau. Những dân tộc văn minh đang xích lại với nhau rồi, bởi người ta hiểu rằng với những vũ khí tân kỳ bây giờ sơ xẩy một chút thôi không còn mống nào sống nổi nữa lúc đó sống với ai?
Tôi chớp mắt:
-Buồn ghê anh nhỉ đáng nhẽ hai bên phải ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi từ lâu lắm rồi.
Thịnh xiết lưng tôi:
-Ôm như anh ôm em bây giờ.
Tôi phụng phịu:
-Anh thật, chuyện gì anh cũng tếu được hết đang nói chuyện đất nước quan trọng, anh so sánh với chuyện ôm nhau, kỳ ghê.
Thịnh nghiêm mặt:
-Kỳ sao được em, cả một Triết thuyết của anh mà em nói kỳ à. Hay chưa, không có tụi mình ôm nhau mất giống hết, hoà bình làm gì nữa. Em để ý coi đánh nhau vẫn đánh nhau, người ta vẫn đẻ con như thường. thử hỏi bây giờ đàn bà họ treo họ khoá không đẻ nữa coi loạn nữa ấy chứ chẳng chơi đâu. Lấy người ở đâu mà xây dựng?
Tôi ngu ngơ:
-Ờ nhỉ, lâu lâu anh nói nghe cũng hay hay.
Thịnh lăn tôi xuống:
-Thôi dẹp, em bé con biết gì bày đặt nói chuyện người lớn, xem nào em tiến bộ chưa? Gì mà khúc gỗ vậy cưng?
Tôi lăn khỏi giường:
-Sáng rồi không nữa đâu.
Thịnh chạy theo, nhìn Thịnh tưởng đến một Adam trong vườn địa đàng, tôi chớp mắt quay đi mở tung cánh cửa, Thịnh hét:
-Coi kìa, nhà bên kia họ thấy Eva của anh hết.
Tôi trốn vào phòng tắm và quên cài cửa cho Thịnh vào theo.
|
|
|