Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Bản Tango Cuối Cùng Tác Giả: Lệ Hằng    
    Không biết làm gì hơn trong thành phố đầy Mỹ tính này, tôi lại đi dạy học. Uy tín anh Thế đã cho tôi chỗ ngồi ngay trong lớp học. Tôi phải thức dậy từ sáu giờ sáng để sửa soạn đến trường. Cuối tháng cầm một bì thơ nhẹ tênh, không đủ mua một bao gạo cho mẹ góp với chị Dũng. Buổi sáng tôi thường giả vờ quên bữa điểm tâm, ở nhà thì không sao nhưng dạy xong hai giờ mắt tôi cứ hoa lên, da tôi hình như tái ngắt.
    Tôi gửi xe đạp ở nhà một cô học trò, rồi đi bộ đến trường. Học trò xầm xì đằng sau và học trò ngoái cổ nhìn phía trước. Mặt tôi phải lạnh, môi tôi phải nghiêm suốt trên quãng đường ngắn đó.
    Vào lớp tôi đăm đăm nhìn xuống dưới. Mới dạy được một tuần tôi chưa kịp nhớ tên từng em, nhưng hôm nay nhiều khuôn mặt lạ quá, tôi hỏi:
    -Sao hôm nay đông quá vậy?
    Học trò nhao nhao” :
    -Thưa cô mấy anh đòi học ké, mấy anh nhập tịch lớp mình đông lắm cô ơi.
    Tôi im lặng, đuổi ra ư? Nhỡ nó không ra thì ê mặt. Ði dạy là chuẩn bị tinh thần và sức lực đối đầu với học trò 60/60 phút. Vui nhiều thật, nhưng chua chát cũng không phải là ít.
    Học trò chép bài, tôi ngồi nghỉ, nhưng hai mắt phải nhìn, phải dò xét, phải nghiêm chỉnh để giữ lớp thật yên.
    Chuông rung là tôi bắt đầu mệt rồi. Bụng tôi trống không nên nụ cười hết tươi hết đẹp. Tôi cố mỉm cười che dấu mọi người, tự bảo với mình sáng mai phải dậy sớm hơn để ăn thật đầy đủ mới được.
    Về phòng giáo sư ngồi nhìn ly trà đậm mà ngó bâng quơ ra sân chơi. Thầy Hải dạy toán kể:
    -Bất trị thật, nó dám chơi ông giám thị hắc búa đó thì thứ giáo sư như mình nó coi ra gì nữa. Cầm roi đi ngang hành lang cái sơ mi đờ luých vấy mực từ trên xuống dưới, đau đau thật.
    Cô Trịnh hỏi:
    -Rồi ông chịu luôn hả anh?
    Ông Hải lắc đầu:
    -Ông muốn điên chứ chịu, cả bọn đứng dọc hành lang biết đứa nào vẩy mực thầy đâu? Ông Lãng tử lãnh điều tra vụ này, không biết ông làm cách nào để điều tra?
    Một ông góp ý:
    -Phải tìm ra chứ không thôi nó nhờn dạy dỗ gì được.
    Ông Thao thâm trầm hơn:
    -Tuổi trẻ chúng vậy phát triển cả tinh thần lẫn vật chất, chúng ngứa ngáy tay chân lắm, chúng phải làm một cái gì mới hả, trường ít tổ chức ganh đua thể thao quá, chúng cuồng mất còn gì.
    Ông Hải bật lửa mồi thuốc:
    -Ông quên vụ thằng nhỏ Đại Tâm chơi bóng rổ rồi hứng lên đạp gẫy cả cột gỗ à? Bị đuổi, hắn đón đường hăm doạ huấn luyện viên nữa. Bất trị, không có cách nào hết, hồi tụi này đi học sợ thầy hơn cả bố mẹ.
    Quay sang tôi ông mỉm cười:
    -Cô Trang hay quá ta, cái lớp của cô, bà Liên phải vái dài bỏ giờ đó, cô làm sao mà nó im ru vậy? Tôi dạy ở bên cạnh chỉ nghe tiếng cô thao thao bất tuyệt à.
    Ông Thao gật gù:
    -Ối nó mải ngắm cô nên quên làm ông đó, cứ mỗi ngày cô mặc một áo cho nó ngắm, đỡ phải dạy.
    Tôi cười nhẹ hỏi Trinh:
    -Ông Lãng Tử là ông nào vậy chị?
    Trinh vừa dữa móng tay vừa nói:
    -Bà không biết ông Lãng tử à? Ông nào hay bỏ giờ nhất trường, dạy theo hứng, chuyên môn đi xích lô đạp mặt lúc nào cũng đỏ như say tít cung thang đó, vậy chứ mà học trò sợ ông nhất trường đó.
    Tôi nhíu mày:
    -Ờ phải cái ông lùn lùn không?
    Trinh cười:
    -Ðúng rồi đó, nhất lé nhì lùn mà hồ. Ly kỳ lắm, ông dạy không bao giờ hết chương trình có mỗi bài tiếng đàn của Kiều, bố hứng bố dạy nửa năm chưa xong. Chữ nghĩa đầy bụng thành ra như say say hoài. Kìa ông vào đó.
    Tôi kín đáo nhìn lên, gương mặt đỏ hồng, đôi mắt lại xa xăm đâu đâu. Ông Lãng Tử cười với mọi người rồi nói:
    -Hôm nay là đoạn kết.
    Mọi người tò mò:
    -Ðiều tra ra rồi sao?
    Ông ta tỉnh như không?
    -Chưa ra.
    Ông Hải nhún vai:
    -Khó lòng lắm hàng chục đứa đứng ở hành lang, mực đứa nào cũng giống nhau thám tử e là cũng lắc đầu.
    Ông Lãng Tử rùn vai:
    -Tôi sẽ khích động tự ái của chúng, rồi mấy thầy coi, tuổi trẻ chúng tự ái cao hơn người già.
    Tôi giữ sức nên không tham gia. Tôi đang đói bụng phải cầm hơi chút nữa vào nói với học trò.
    Tôi đang dò bài học trò, thì ông Lãng Tử vào. Ông ta nghiêng người chào tôi, rồi quay xuống học trò. Giọng ông ta trầm xuống:
    -Tôi biết ai vẩy mực thầy giám thị, người đó đang trước mặt tôi. Tôi biết rồi, nhưng tôi không muốn nói. Tôi chờ đợi vì tôi tin anh không hèn, các anh là con trai dám làm dám nhận. Ðã không dám nhận thì đừng làm. Con trai hèn sẽ không làm nên trò gì người hèn là người bỏ đi. Tôi tin học sinh trường này không thể hèn cho nên dù biết rõ người đó là ai, tôi cũng không muốn đuổi người ấy. Nếu anh đứng lên nhận, tôi xin nhân danh một giáo sư bảo đảm anh không bị đuổi, cũng không bị bất cứ một hình phạt nào. Yêu cầu người đó đứng lên.
    Tôi đưa mắt nhìn học trò tôi, một lớp có tiếng nghịch nhất trường dù giỏi nhất trường. Sự im lặng phủ kín chung quanh. Từ cuối lớp một học sinh to lớn hơn số tuổi của em lầm lì đứng lên:
    -Thưa thầy con làm.
    Ông Lãng Tử cố dấu diếm, nhưng tôi thấy mắt ông sáng lên vẻ hài lòng lẫn kiểu hãnh che sau màu da đỏ như tôm rim. Ông ta gật đầu:
    -Cám ơn anh đã không hèn, tôi phục anh và xin bảo đảm anh sẽ yên tâm, không ai dám phạt một người đã làm và đã nhận.
    Học trò vỗ tay, ào ào vỗ tay. Ông Lãng Tử nói nhỏ với tôi:
    -Mong cô giấu thầy giám thị tên người học trò này dùm tôi.
    Tôi nhíu mày không hiểu. Ông ta mỉm cười:
    -Như vậy đẹp hơn, tôi sẽ nói cho ông biết đã điều tra xong, thế thôi.
    Tôi mỉm cười, ông ta lặng lẽ bỏ đi. Tôi tiếp tục dạy coi như không có anh hùng ở dưới. Hết giờ tôi bỏ về, ngày mai lại đến một lớp khác. Cứ thế ngày tháng qua. Mẹ thầm lo cho mình ở nhà, tôi thầm lo cho tôi khi soi mặt trong gương. Mười chín tuổi mẹ nói sắp ế rồi, mười chín tuổi không lấy được chồng, thì không bao giờ gặp người vừa ý nữa.
    Nếu nước này tôi theo chế độ mẫu hệ, tôi sẽ mua ít cau ít trầu chai rượu và phong bánh để hỏi Phong làm chồng. Phong lắc đầu hay gật đầu cũng xong. Lắc đầu là Phong không yêu, tôi sẽ đi hỏi người khác, khỏe thật, đỡ lo ốm người, đỡ buồn héo da.
    Ðời giờ trai thiếu gái thừa, đáng nhẽ mấy ông làm luật phải cho con gái đi hỏi chồng mới phải. Tôi mỉm cười với ý nghĩ này trở về với mẹ. Mẹ đón tôi từ ngoài ngõ:
    -Con về sớm hở? May quá, mẹ đang lo con về trể thì hư chuyện hết.
    Tôi ngạc nhiên:
    -Chuyện gì vậy mẹ?
    Mẹ cười bí mật:
    -Không, không có chuyện gì con xuống bếp mẹ nhờ chút nghe con.
    Tôi nhíu mày sao hôm nay giọng mẹ ngọt, giọng mẹ tươi đến thế:
    -Mẹ bắt con vào bếp giờ này? Con mới dạy về còn mệt lắm..
    Mẹ dỗ dành:
    -Thôi mà con cứ xuống đó đi, mẹ làm xong hết rồi con xuống cho vui ấy mà, con vào bếp ngoáy đủa cho ra dáng tí để má hồng lên con.
    Tôi rụt tay ra:
    -Ðể con thay áo đã, lạ sao hôm nay mẹ bắt con vào bếp?
    Mẹ dắt tôi xuống bếp thật. Tôi ngơ ngác không hiểu gì cả. Tròn mắt nhìn món này món kia. Toàn những món nặng tiền không:
    -Ủa đâu phải giỗ chạp gì mà linh đình thế hả mẹ.
    -Còn quan trọng hơn giỗ chạp nữa kia, vì cô cả đấy.
    Mẹ dúi đôi đũa vào tay tôi rồi đon đả đi lên. Tôi quay sang hỏi chị Dũng:
    -Trò gì lạ thế này chị?
    Chị Dũng vội vàng đi ra:
    -Ấy mẹ dặn tôi hôm nay không được vào bếp, từ hôm nay cô giữ chân nhà bếp đấy nhé.
    Tôi dậm chân:
    -Trời đất, còn gì bàn tay chuối hột của em chị.
    Chị Dũng cười khúc khích:
    -Ừ mẹ đang lo đấy, người ta thấy bàn tay nõn nà của cô người ta chê mới mệt chứ. Từ nay cô sẽ thay tôi lo hết là thành tay chuối hột thật.
    Tôi đứng dựa cửa hơi nghi nghi. Y như rằng mẹ dài giọng từ trên đi xuống:
    -Vâng, cháu tiếng là cô giáo chứ về nhà quê mùa lắm ạ. Ấy tôi cũng bắt vào bếp tập tành, nó không để cho chị nó vào bếp đâu, đẻ con gái mau nhờ lắm nhưng lúc được nhờ thì lại có người rước đi.
    Tôi vẫn cầm đôi đũa trên tay. Nồi này chảo kia nghi ngút khói thơm trước mặt tôi. Tôi cúi đầu ngượng chín người. Người đàn bà đi với bác Ðốc hài lòng ra mặt:
    -Cô út ngoan quá nhỉ? Sao cháu làm món gì cho bác ăn đó cháu?
    Tôi ớ người nhìn mẹ trách thầm, mẹ đon đả:
    -Ấy cháu ăn học đến cô giáo vậy chứ còn dại lắm, lại có cái tật xấu hổ nữa cơ chứ đến khổ thôi. Rát như cáy vậy đó, con người ta đi làm sở Mỹ đen sở Mỹ trắng khói tiền ra, chaú nghe đến đã run rồi. Ði dạy, chị tính ăn thua gì.
    Bà ta gật gù:
    -Ấy tôi thích những cô ngoan như cô út vậy đó, con gái mà lì lì ra ai thương nổi. Phải xấu hổ mới có duyên chị ạ. Mình cần gì tiền, chỉ cần người hiền thục là được rồi, có phải không chị Ðốc?
    Bác Ðốc cười nói:
    -Con Trang này nó ít mồm ít miệng, đàn bà mồm loa mép giải tôi chê từ cửa chê vào. Ðàn bà con gái càng ít nói càng hay chứ chị.
    Mẹ tôi dắt họ vào bếp trỏ món này coi món kia, rồi dắt họ lên:
    -Cháu còn nhiều cái phải dạy lắm ạ, để rôì phải dạy cho đánh phấn tô son nữa chứ, trần trụi thế kia chồng chê chết mất thôi.
    Bà ta lắc đầu:
    -Ối gì chứ cái đó mà lo gì, lấy vợ chứ lấy ca sĩ ca siếc đâu mà phải chọn cô phấn con son. Tôi thích người đẹp tự nhiên vậy đó, thêm chút phấn hồng vào xinh phải biết. Lấy hạng lượt là về, ban đêm trông nhợt nhạt như người đẻ ấy à.
    Mẹ đi lên nhà trên với hai bà khách quí. Tôi nhăn như bị dưới bếp chịu trận, chị Dũng thò xuống:
    -Thích nhé, được mẹ chồng khen như cô đời có một không hai.
    Tôi trề môi:
    -Càng khen càng chết em đã thấy mặt mũi ông ta ra sao đâu mà nói chồng với con ngon lành vậy.
    -Làm lớn lắm đấy.
    -Hừ chắc cả đần lắm, thứ đó chắc sợ mẹ, sợ vợ bằng thích.
    -Hử sao cô biết.
    -Ðời giờ để mẹ chọn vợ chắc nhà quê không ngửi được rồi.
    Chị Dũng cười:
    -Còn lâu ông ta gặp cô rồi chứ bộ.
    Tôi tròn mắt:
    -Gặp em rồi? Ở đâu?
    -Biết à, nhưng gặp rồi, ở nhà cô em nào đó.
    Tôi nhíu mày:
    -Lạ nhỉ? Mày đẹp trai không?
    -Ðẹp không chê được.
    -Mà oai không?
    -Bác sĩ mà không oai sao được.
    -Bác sĩ lạ nhỉ? Bác sĩ mà để mẹ chọn vợ cho mình?
    Chị Dũng sành sỏi:
    -Ba cái thằng ăn chơi dàn trời bây giờ lúc lấy vợ đâm quýnh không biết chọn ai nên đành mặc mẹ, cô không biết à?
    -Ăn chơi?
    -Chứ sao? Chơi quá đâm nghi đàn bà con gái người ta hết, thành ra nhờ mẹ chọn cho chắc bụng.
    -Mấy bà biết gì mà chọn, bị lừa thấy rõ đó thôi, em cả đời có xuống bếp đâu nào.
    -Cần gì, miễn ngoan là được.
    -Em mà ngoan?
    -Ngoan chứ?
    Tôi cười như nắc nẻ:
    -Em mà ngoan, loạn thật.
    -Trông có vẻ ngoan, cô cũng khôn tổ, thấy người ta xuống bếp cứ cười hiền như nai, chẳng nói chẳng rằng. Cô không thua gì mẹ đâu.
    -Bộ mẹ khôn lắm hở chị?
    -Sao không? Ðời giờ có hai cô con gái gả chồng được cả hai là khôn nhất rồi.
    Tôi đưa đũa cho chị:
    -Thôi em hết đóng kịch chứ, cầm khư khư đôi đũa hoài kỳ quá.
    Chị Dũng lắc đầu:
    -Ðể chị dọn cho, em bưng lên đãi khách đã, chị bưng lên mẹ chửi bằng thích.
    Tôi thở dài:
    -Lấy được ông chồng coi bộ cũng nhiêu khê quá hả chị?
    -Sao không, chuyện cả đời chứ bộ dỡn sao cô? Ðời giờ lấy được chồng đã khó rồi, lại chồng sang nữa thì đúng tu chín kiếp.
    Tôi sực nghĩ ra:
    -Ờ nghe nói ông này nhiều em lắm phải không?
    Chị Dũng gật đầu:
    -Ừ, mười mấy đứa lận, chà bà ấy đẻ nhiều sao trông còn tốt quá em nhỉ? Chị mới mấy đứa mà khô người hết.
    -Hồi xưa đẻ sướng hơn bây giờ, đẻ xong có vú nuôi có người hầu, hồi trước em nhớ mẹ mượn hai chị giúp việc mỗi chị có hai trăm bạc à.
    Chị Dũng buồn bã:
    -Chị nhiều lúc đâm quẩn, chỉ muốn la muốn hét cả ngày.
    Tôi an ủi:
    -Gắng vài năm Mỹ nó về mình sẽ khá hơn.
    -Khá khỉ gì, lương anh không bằng lương bồi phòng cho Mỹ. Anh mà chịu cho chị đi làm bồi chắc giàu to.
    Tôi cười:
    -Anh Dũng nghe được chị chết với anh, anh ghen chịu gì nổi.
    -Bộ làm cho Mỹ là hư?
    Tôi tủm tìm cười:
    -Ðó là phép lịch sự của người họ mà, đàn ông sinh ra để vuốt ve đàn bà, người lạ người quen gì cũng vuốt hết.
    Chị Dũng mắng:
    -Thôi cái cô này ăn nói nhảm ghê, bưng lên đi mẹ gọi rồi kìa.
    Tôi lại phải khép nép, lại phải sửa soạn bộ mặt ngoan như gái xưa. Từng bước nhẹ nhẹ yểu điệu, nụ cười cũng phải giữ cho tươi cho nhỏ. Cười toe mẹ lại chửi cả một buổi chiều. Không cười mẹ mắng mặt mày đăm đăm. Trời ơi lấy được chồng rồi phải cười hô hố cho bỏ tức, phải ăn diện mi-ni-ma-xi cho đã thèm, phải hét vỡ nhà cho nó hả.
    Làm thân con gái không dám nói to, không dám đi mạnh, người nó cứ buồn buồn tê tê.
    Ra nhà sau, là tôi cười toe liền:
    -Này chị, có gì ăn đi chứ đói bụng thí mồ, từ sáng tới giờ em đã ăn gì đâu?
    -Ðóng cửa lại mà ăn một bụng đi, ai cấm.
    -Này sao em ăn hoài mà bụng vẫn không có mỡ.
    -Ðiên, người ta thích có co không được, cô lười ăn như thế mập sao được, bụng mình mình lo, ai lo cho mình được.
    -Ờ em có cái tật lười đi kiếm ăn, giá có người bưng đến miệng em nhỉ?
    -Nói nghe như bà tướng, mai mốt phải bưng đến miệng chồng ở đó mà chờ nó bưng.
    -Nếu vậy em bỏ, em quan niệm chồng phải tẩm bổ cho vợ mập, như Phong ấy.
    Chị Dũng nhíu mày:
    -Phong nào nhỉ? Phải Phong em chị Nhơn không?
    Tôi gật:
    -Anh ấy nuôi vợ mát tay ghê, vợ anh béo trắng ra thế này này, càng ngày càng đẹp.
    Chị Dũng tò mò:
    -Ủa lấy vợ khi nào chị không hay?
    -Cần gì chị hay mới có vợ, đời giờ nhiều người hay lắm ưng nhau là lấy liền, khỏi mất công cưới hỏi chi hết. Khoẻ re, đâu có tiệc này, tiệc kia như nhà mình.
    -Ra có vợ rồi đó?
    -Ừa có vợ rồi, lu bù con nữa khác.
    -Ủa sao mau thế, mới đó đã lu bù con rồi.
    -Thì chị ấy có con trước với ông nào đó. Sướng thật, tự nhiên có con.
    -Con mình đâu mà sướng, cái ông coi vậy mà gan quá ta.
    -Trời gan to hơn cái đình nữa ạ, muốn làm gì thì là làm không ngán chi hết.
    -Cũng ghê đó chứ, yêu được đàn bà đâu phải là dễ.
    Tôi tò mò:
    -Yêu đàn bà khó hơn con gái à?
    -Khó là cái chắc, họ có chồng rồi lòng họ cứng như đá, yêu được phải là tay tổ.
    Tôi thừ người:
    -Và họ chỉ yêu người khó?
    -Chứ sao, loại như ông đó ghét cô nào dễ dãi lắm.
    Tôi thừ người:
    -Chị này, em có phải là người dễ dãi không hở chị?
    Chị Dũng ngạc nhiên:
    -Làm sao tôi biết được, mà tại sao cô hỏi lạ thế nhỉ?
    Tôi cười trừ:
    -Thì hỏi cho biết vậy mà.
    Chị Dũng bỏ lên nhà, tôi ăn vội hai chén rồi cũng chui vào giường. Ðóng kịch ở lớp với học trò, về nhà lại phải vờ vịt hiền ngoan với các cụ. Tôi nằm dài trên giường duỗi thật thẳng hai chân để xả hơi độc, để giãn xương cốt. Ðời người ai cũng có một cái giường ngủ một mình chịu không nổi thì kiếm ông chồng ôm cho đỡ buồn.
    Nằm thật yên sau màn gió, lần lượt những khuôn mặt thân tình lại chập chờn trong trí óc tôi, đã mỏi mòn leo dốc, đã hao gầy lo toan cho tương lai. Một Thầy trầm tư suy tưởng với đôi mắt sáng rực tình người, với Thu Hải màu da trắng như ngô sữa và giọng nói êm như chiều tàn trên sông. Một Phong vai nghiêng nặng gánh phong trần, nụ cười không tròn mái tóc lãng du. Sau lưng chàng, người đàn bà mang tên Lan Chi mà giọng cười như sao vỡ, mà đôi mắt tính tình như nụ hôn say.
    Tôi bỏ cuộc về đây nghe mẹ lấy chồng. Tôi cũng biết đóng vai gái ngoan cho vừa lòng mẹ, tôi cũng biết gian dối phỉnh lừa như ai, tôi tầm thường hơn mọi người tầm thường. Sẽ lấy một người chồng thật hiền lành, sẽ đẻ một bầy con. Xong một đời và tàn một đời. Vận nước mặc nổi trôi, quê hương mặc điêu linh. Tôi lấy chồng đã. Chồng tôi là giáo sư, là bác sĩ, đời tôi yên bình là được, đời tôi an nhà là xong.
    Còn Phong, chàng viết thư tình như viết cho em gái. Chàng quý người yêu như quý quê hương. Lan Chi là gì? Vợ hiền, tình thân hay bóng mát? Tưởng đâu tôi sẽ yêu được Thịnh? Tưởng đâu tôi sẽ hiền ngoan vâng phục chàng. Ðến phút cuối cùng giữa biển bao la, giữa trời mênh mông tôi chẳng thấy lòng xôn xao, tôi chẳng thấy một cơn sóng chụp cho tôi ngợp trong tay Thịnh, cho tôi buông mềm thân tôi.
    Tận đáy lòng sâu thẳm dù không lên tiếng nói, Phong vẫn còn nụ cười Phong vẫn còn để ngăn tôi dừng lại chung tình một chiều với Phong. Tôi vẫn thèm được lần đầu với Phong tôi vẫn khát hơi thở của Phong hơn bất cứ hơi thở ai trên đời.
    Tôi lật gối đọc lại thư Phong. MỖi lời thư như có hồn bay lên quấn quít người tôi, bay lên giữ tôi cho chàng từ bàn chân cho đến bàn tay. Tôi khó chịu bực bội vì Thịnh đòi những gì tôi đã dành cho Phong. Tôi khổ sở vì THịnh muốn những gì không thể bại ai cũng cho. Phong quay lưng đi, tôi đành ký cóp để dành, tôi đành khư khư ôm giữ để mai sau có gặp lại nhau, tôi đủ can đảm đắm đuối nhìn Phong, tôi đủ can đảm ngửa mặt đón chờ.
    Buổi chiều lười biếng dài người trên giường sau giấc ngủ trưa nồng nàn. Mẹ có vẻ vui vui khi nói với tôi rằng mẹ đi chơi với bác Ðốc và mẹ của Kha, ông bác sĩ mẹ nhắm cho tôi.
    Khi anh Dũng về, tôi mới ra khỏi phòng, anh hỏi:
    -Em nghe tin gì không?
    Tôi ngạc nhiên:
    -Tin gì cơ anh?
    -Biểu tình.
    Anh lẩm bẩm:
    -Thật phiền, cái xứ này đã đói không chịu làm ăn cứ tranh đấu hoài, càng ngày càng nát như tương.
    Tôi cau mặt:
    -Phải vậy mới được chứ anh, gục đầu hoài còn đói nữa. Anh tính coi họ có coi mình ra quái gì đâu, xứ gì bất công quá chừng vậy đó, người thì phè phỡn cưỡi trên đầu trên cổ người ta mà sống, kẻ thì đầu tắc mặt tối không có ăn. Ai chứ em hoan hô cả hai tay. Không thể để cho những hạng người luồn cúi nịnh bợ đó sống lâu hơn một ngày, anh thấy đó, mấy người bạn anh có tài khỉ gì đâu vậy mà chui chỗ này luồn chỗ kia mà làm lớn xây nhà ba tầng cho Mỹ thuê, rồi rung đùi chê người mình mọi rợ. Ðụng hở miệng ra là rùn vai: An nam mít. Thấy người ta áo rách ngồi ăn giữa đường: An nam mít. Thấy người ta ăn bẩn ở bẩn: An nam mít. Em chúa ghét mấy người đó, em có quyền em phút họ qua Tây qua Tầu mà liếm lá giữa đường, họ ở đây ăn bẩn rồi họ chê mình An nam mít.
    Anh Dũng tròn mắt:
    -Hử em nói gì một giây vậy? Chà giọng điệu giống hệt chuyên viên biểu tình quá nhỉ?
    Tôi mím môi;
    -Ai biểu anh có vẻ chống lại phong trào tranh đấu chi.
    Anh Dũng ngửa mặt cười thật buồn:
    -Mỗi người cái chết giá trị bằng đôla, mỗi lần tự thiêu một triệu đồng. Buồn cho người ta không nhìn thấy.
    Tôi tròn mắt nhìn anh:
    -Anh theo ai? Với anh phe nào đúng?
    Anh Dũng lạnh lùng:
    -Anh không theo ai cả, một là anh làm, hai là không. Anh không muốn là tay sai cho ai hết. Bây giờ anh im lặng.
    Tôi tò mò:
    -Ai nói với anh ngày mai biểu tình.
    -Anh biết, vì nhóm họ đã vào đây, những người bạn của em.
    Tôi lặng người đi nói thầm trong cổ:
    -Phong vào…
    Tôi tha thiết nhìn anh dũng:
    -Em van anh, anh hiểu lầm họ rồi, họ có lý tưởng thật, họ đánh kính thật.
    Anh Dũng vẫn cười nhẹ:
    -Tùy em nghĩ, nhưng anh biết, bây giờ đã muộn.
    -Rồi cứ khoanh tay ngồi chịu trận à?
    -Em làm được gì?
    -Em chẳng làm được gì, nhưng em khao khát sự yên bình, em thèm tự do.
    -Anh không khao khát?
    Anh trầm giọng:
    -Em lớn rồi, anh nói thật, chính anh đã bàn với mẹ đón em về, vì anh không muốn em lao vào cuộc gian nan đó.
    Tôi nói nhỏ:
    Anh Dũng quay lưng đi vào. Tôi lặng người nhìn theo. Phong đã vào đây. Phong với tôi giờ chung một thành phố. Tôi muốn tìm anh Dũng hỏi dò xem Thầy có vào không, nhưng ngại ngần tôi lại thôi. Tôi ngẩn ngơ nghĩ đến chàng trong đêm hôm nay. Buổi chiều cứ lặng lẽ trôi đi, mây trời vẫn cứ lang thang. Lòng tôi bời bời tính toán. Phải dấu mẹ, phải qua mặt anh Dũng đi tìm Phong tối nay. Nỗi nhớ nhưng đã chín trong hồn.
    Tôi chạy qua bên cạnh nhờ Ngọc vờ rủ tôi đi nhà thờ. Tôi cũng ngoan ngoãn mặc áo dài, cầm theo chuỗi hạt như mọi ngày. Chúc có biết, xin đừng thịnh nộ cho kẻ đang yêu. Chúa có biết xin chúc lành cho tôi với Phong. Ra đầu ngõ ngọc đứng lại nheo mắt:
    -Rồi nhé, mình rút lui được chưa? Mà chàng đâu?
    Tôi thì thầm:
    -Mìn đi công chuyện, có chàng nào đón đưa đâu.
    -Vậy sao nói đi với chàng?
    -Ði tìm.
    -Say đắm nhỉ?
    Tôi cười:
    -Thôi cám ơn Ngọc nghe, Ngọc đi ngã khác, đừng đi ngang nhà mình nhé.
    NGọc gật đầu:
    -Yên trí đi, tôi có phải con nít đâu.
    Ngọc ghé tai tôi:
    -Anh chàng nào tốt phúc vậy bồ?
    Tôi khoanh tay nhìn Ngọc:
    -Một phật tử ngoại hạng.
    Ngọc tròn mắt:
    -Phật tử? Trang điên à?
    Tôi quay đi:
    -Không điên nhưng yêu.
    Ngọc nói khẽ:
    -Mệt rồi nghe.
    Tôi dơ tay:
    -Thôi Ngọc về đi, mình đi bộ một quãng đã.
    Tôi tìm đến chùa, không khí có vẻ nghiêm trọng những hàng cây cũng yên lặng đợi chờ, những lối đi cũng lặng lẽ, những viên sỏi cũng suy tư. Tôi đưa mắt nhìn quanh, ngoan đạo như gia đình, gả tôi cho người ngoại đạo đã khó, nếu mọi người biết tôi đến chùa chắc trợn mắt hét dựng lên. Tôi nhìn quanh vì tôi còn ngại. Con đường dài hun hút với hai hàng cây cao. Ngôi chùa nằm trong vòm cây xanh êm đềm, chẳng thấy gì, chẳng nghe gì ngoài sự lặng thinh, phủ từ ngọn cây đến mái chùa.
    Tôi chậm rãi bước từng bậc đá, áo dài tôi vờn trong cơn gió u mặc. Những vị sư lặng lẽ đi lại dưới mái hiên, áo nâu choàng dài đến gót chân, đôi mắt và nụ cười thấp thoáng suy tư. Họ chẳng nhìn tôi, họ yên lặng đến vô cùng, mỗi bước đi như mang theo một lời kinh, mỗi ánh nhín, chìm trong một suy tưởng.
    Tôi đã đến đây tìm Phong một lần, nên tôi cứ lặng lẽ đi dọc theo hành lang. Nụ cười hiền của Hải bỗng hiện ra, tôi nghĩ đến Thầy, vị hoà thượng có đôi mắt rực sáng như tinh luyện từ muôn ngàn sao sáng. Tôi đứng lại trước một dãy nhà vẫn im lặng. Tưởng chừng những người ở đây không cần tiếng nói, tưởng chừng những người ở đây đã hết xôn xao. Tôi run run gõ nhẹ ba tiếng rôì hồi hộp đứng chờ, lạy trời có Phong.
    Một vị sư trẻ bước ra cúi đầu chào, tôi hấp tấp:
    -Thưa thầy tôi tìm anh Phong, có ở đây không ạ.
    Chú tiểu nhìn tôi thoáng một giây rồi thấp giọng:
    -Xin cô cho biết tên.
    Tôi hớn hở:
    -Mạc Tố trang, nhờ thầy nói với anh Phong có Trang đến tìm.
    Chú lặng lẽ đi vào, thời gian như bay lên cao, như trốn xa để khi Phong hiện ra tôi tưởng tôi đang mơ, tôi tưởng tôi đang ở một tinh cầu xa xăm nào đó. Tôi im lặng nhìn Phong và chỉ biết im lặng. Mới xa nhau chưa đầy một tháng tưởng như ngàn năm. Phong hỏi khẽ:
    -Sao em biết anh ở đây?
    Tôi bước vào:
    -Em đoán anh vào vì…
    Tôi nhìn anh hỏi thật nhẹ?
    -Ngày mai biểu tình hở anh?
    Chàng gật đầu:
    -Ngồi chơi em.
    Chàng dơ ngón tay mắt nghiêm trọng:
    -Có thầy đó, nói khẽ thôi.
    Tôi giật mình:
    -Thầy ở đây hở anh?
    Chàng gật đầu:
    -Có chuyện gì không em?
    Tôi hờn:
    -Chẳng có chuyện gì hết, em gặp anh không được sao?
    Chàng cười nhẹ:
    -Lại dỗi rồi, anh không đưa em đi chơi được đâu.
    Tôi phụng phịu:
    -Làm như em ham đi chơi lắm ấy.
    -Kinh nghiệm cho biết mỗi lần em giận, anh lại phải dẫn em đi chơi để vuốt ve cơn giận của em.
    Tôi cười:
    -Ghét anh ghê vậy đó.
    Tôi sực nhớ ra:
    -Này anh, sao chưa gì họ đã biết ngày mai có biểu tình, lỡ họ đàn áp thì sao anh?
    Chàng trầm ngâm:
    -Mình xuống đường có trật tự mà em, hơn nữa…
    Chàng cười:
    -Thôi để dành thì giờ nói chuyện khác với em vui hơn
    Tôi ngước mắt nhìn chàng:
    -Anh chưa phải đi lính?
    -Sẽ đi, sau vụ này anh sẽ đi.
    Tôi nao nao nhìn chàng, đôi mắt vẫn không buồn không vui, nụ cười vẫn xa cách hững hờ. Với chàng hình như không còn gì hơn lý tưởng nữa, ngay chính cuộc đời và sinh mệnh của chàng, chàng coi nhẹ như lông hồng. Tôi đứng nhìn ra vườn cây. Bóng tối chưa hẳn về nhưng đèn vàng đã bật lên, những lùm cây tối chập chờn. Chàng đứng bên tôi, giọng nhẹ như hơi thở:
    -Em lại buồn rồi sao?
    Tôi u uẩn gật đầu:
    -Em lo cho anh.
    Chàng vẫn đứng xa xôi:
    -Anh muốn em vui, bây giờ em đã hiểu vì sao anh không dám nói yêu em chưa?
    Tôi gật đầu:
    -Xa nhau còn buồn hơn thế nữa.
    -Nhưng bớt lo âu hơn.
    -Mẹ định gả chồng cho em anh ạ, anh nghĩ sao?
    Mặt chàng hơi tối, mắt chàng chớp mau, nhưng đủ cho tôi cảm thấy chàng cũng buồn.
    -Tuỳ em, anh không thể nói gì hơn với em nữa.
    Chàng vẫn đứng bên kia khung cửa. Tôi vẫn đứng bên này cánh cửa màu nâu. Không ai bước tới một bước. Tôi yêu đắm đuối chàng nhưng tôi là con gái, tôi không thể lao vào đôi tay rắn chắc của chàng như tôi hằng mơ ước, tôi không thể bước tới thật gần người đàn ông tôi đã mê mệt yêu đương.
    Những tưởng gặp nhau sẽ ôm nghiến lấy nhau, sẽ giữ nhau không rời, bây giờ xa nhau gần một thước, bây giờ nhìn nhau đã thấy no.
    Chàng vẫn dưạ lưng vào tường, đôi mắt chàng đắm chìm và xa vắng nơi đây. Mái tóc rũ xuống che nữa vầng trán phiền sầu, che mờ mọi ước ao tình ái của tôi. Tình yêu như bay ngoài khung cửa, như tan trong không gian, nên tôi với chàng đành nhìn theo mà tiếc nuối thở dài. nếu còn tình yêu trong lòng, tôi phải lao vào chàng, phải úp mặt vaò ngực chàng, phaỉ dụi mắt trên trái tim chàng đang đập từng tiếng đó, bởi tôi đã mơ ước bao nhiêu đêm bao nhiêu ngày giây phút này.
    Có phải vì chàng cao cả quá, vì chàng yêu quê hương hơn mọi thứ tình để trước mặt chàng tôi cảm thấy tôi tầm thường, tôi thấp hèn và tôi bé bỏng nên tôi kính cẩn không dám đến gần, nên tôi đành để mặc tình yêu vỗ cánh bay lên cao.
    Sự im lặng đã đến rất lâu, từ lúc trời còn chập choạng cho đến khi bóng tối ngự trị hoàn toàn, tôi vẫn nhìn chàng thật đắm đuối nhưng thật xa nhau. Chàng im lặng hút thuốc khi nào buồn chàng hay hút hết điếu này đến điếu khác.
    -Ðừng hút thuốc nhiều quá, em sợ anh ho.
    Chàng nhún vai:
    -Ðáng nhẽ em phải sợ nhiều thứ vì anh nữa.
    Tôi thở dài:
    -Em không có quyền.
    -Em có quyền, vì anh yêu em.
    -Còn Lan Chi?
    -Tình yêu dành cho em khác và ngoài Lan Chi.
    Tôi ngửa mặt cám ơn Trời tôi cúi mặt cám ơn đất.
    -Em không ghen với Lan Chi nữa anh ạ.
    -Tại sao lại ghen, em khác nàng kia mà.
    Tôi định nói với chàng khác. Lan Chi có nghĩa là mình đứng xa xa mà nhìn nhau, cười cười nói nói với nhau, còn với Lan Chi thì gần thật gần, nhưng ngượng quá tôi đành đứng im.
    -Em thích lấy chồng chưa?
    Tôi cúi mặt:
    -Em chưa thích nhưng có lẽ cần thích vì dù sao em cũng lớn rồi, mẹ thương em mẹ không nói sai, mười chín tuổi không lấy được chồng đời sẽ gian nan. Lấy chồng muộn quá hạnh phúc chua như dấm, đắng như thuốc vì cả hai đều đã chai lì. Em sợ thú hạnh phúc chai lì lắm, em sợ thứ hạnh phúc có được nhờ tính toán mưu mô. Hai người già ráp vào nhau sẽ chẳng biết gì là ngọt ngào, chỉ còn là nhu cầu phải không anh? Dù sao em cũng phải thương chồng như mẹ em đã thương ba em, đáng nhẽ em không nên nói thật với anh ý nghĩ này, nhưng em, em không thích dối anh, mong anh hiểu cho em.
    Chàng gật đầu:
    -Anh hiểu vì thế anh thương em hơn, Trang à, nếu em hạnh phúc, anh vui dù anh xót xa.
    Tôi long lanh ngấn mắt:
    -Trời chỉ cho mình bấy nhiêu thôi, chút tình xót xa chút lòng bùi ngùi khi nhớ đến nhau.
    Chàng hỏi:
    -Mình xa nhau vì Lan Chi hay là vì tôn giáo hở em?
    Tôi mím môi:
    -Dĩ nhiên vì Lan Chi, bởi Chúa bao giờ cũng rộng lượng hơn loài người.
    Chàng cười khẽ:
    -Nghĩa là tại anh.
    -Nhưng mình đã xa nhau đâu? Dễ gì xa nổi anh.
    -Anh đi lính cả hai người đều thương anh hơn.
    Tôi chúm môi:
    -Em thương anh từ lâu rồi.
    -Em đói bụng phải không?
    -Sao anh biết.
    -Anh không biết thì ai biết vào đây nữa.
    -Ðón anh vào em mừng quá quên ăn.
    -Vào gặp Thầy rồi anh đưa đi ăn.
    -Sao anh bảo không ra ngoài được?
    -Cũng liều, chã lẽ để em đói.
    -Thôi không cần, có bánh gì cho em chút cũng được.
    -Em vẫn con nít như thường.
    Tôi theo chàng đến gặp Thầy, Thầy đang đọc sách, chiếc võng đu đưa nhẹ như tâm hồn thầy muồn đời thanh bình.
    -Thưa thầy có Trang đến.
    Thầy ngừng nhịp võng đưa mắt nhìn tôi. Gương mặt vẫn bình thản, nụ cười hiền thoáng qua nét mặt nhưng thật khó hiểu, bí mật hơn mọi bí mật là nụ cười của Thầy. Nụ cười không cho thấy đôi hàm răng, nụ cười không lộ một nét rộn ràng. Gương mặt Thầy vẫn muôn đời thanh thản không buồn không vui.
    Tôi cúi đầu kính trọng:
    -Thưa thầy.
    Thầy dơ tay chỉ chỗ cho tôi ngồi, một chỗ ngồi trên đất như Thầy, nhưng Phong. Tôi sợ sệt lẫn kính nể nên cứ ngồi im nghe Thầy và Phong nói chuyện. Thầy biết Phong yêu tôi, chính Phong đã noí hết với Thầy về tôi. Tôi lần dở những trang sách nhưng những góc tối thẳm những nếp gấp những buồn vui trong đầu óc hai người trước mặt tôi, tôi chẳng lần được, chẳng cảm được.
    Vầng trán cao của Thầy mênh mông suy tưởng, đôi mắt Thầy rực rỡ nhưng đăm chiêu. Và chàng tóc rũ phong trần, hai môi hiên ngang. Gương mặt đẹp như thơ của Thu Hải lại hiện ra đôi mắt đen huyền hoặc như đêm đông phương, mái tóc dài xuôi chảy như một giòng sông tình. Tôi muốn tìm hình ảnh người con gái tài hoa đó trong đôi mắt Thầy, nhưng tôi không thấy gì ngoài những tia nhìn xoáy sâu rực sáng của Thầy, ngoài những tia sáng mạnh của nghị lực làm rùng mình người nhìn. Vầng trán cao với bóng sáng. Đôi mắt đầy nghị lực, hai môi muôn đời khép kín, nhưng lạ lùng làm sao, ở Thầy vẫn đầy một sự hiền hoà, vẫn đầy một tình thương yêu.
    Phong nói:
    -Trang cho con biết có nhiều người đã biết tin tức cuộc biểu tình ngày mai của mình. Thầy tính sao? Có nên tiến hành nữa không?
    Thầy điềm đạo:
    -Những gì phải làm vẫn phải làm.
    Phong lo ngại:
    -Theo đúng kế hoạch ngày mai con không công khai xuất hiện nữa, mà là Thầy, con sợ rằng..
    Thầy khoát tay giọng vẫn rõ từng tiếng, vẫn trầm từng lời:
    -Thầy nghĩ kỹ rồi, cá nhân Thầy không đáng kể vận nước mới là mối lo âu chính của phong trào.
    Phong than thở:
    -Thấy rối ren quá, không ai tin tưởng nữa, mọi người như buông tay, buồn nhất cho chúng ta không ta là không biết dùng người, không biết quý người tài.
    -Ðừng bi qua Phong, vẫn còn những kẻ nhiệt thành.
    -Con không bi quan nhưng con cảm thấy bất lực.
    Thầy nghiêm mặt:
    -Tình yêu làm con bất lực đấy!
    Phong cúi đầu như thú nhận:
    -Trước tình yêu đôi khi con tầm thường như mọi người tầm thường.
    -Không sao Trang là người hiểu biết.
    -Trang không ngăn cản nhưng Trang lo âu.
    Tôi chớp mắt nhìn chàng, tôi không ngờ tôi được yêu thương tha thiết đến thế.
    -Thưa Thầy con kính trọng lý tưởng của anh ấy, nếu có lo buồn chuyện đó nhỏ nhặt và bình thường.
    Thầy gật gù:
    -Thầy hiểu, trước tình thế này chúng ta không thể khoanh tay nhìn. Chúng ta sẽ bị cháy bỏi chúng ta muốn thay đổi từ xấu lên tốt chứ không phải từ cái xấu này sang cái xấu khác.
    Phong đứng lên:
    -Nghĩa là sáng mai vẫn tiếp tục thưa Thầy?
    Thầy gật:
    -Những gì phaỉ làm vẫn phải làm.
    Phong hiểu ý Thầy ra hiệu cho tôi đi ra để Thầy một mình trầm ngâm với những quyển sách, màu giấy đã vàng theo thời gian. Ra ngoài tôi thì thầm:
    -Em vẫn sợ Thầy như bao giờ.
    Phong gật:
    -Con người ấy đầy một sức mạnh tinh thần.
    -Thu Hải có ra Huế không anh?
    -Thầy muốn Hải học thật giỏi, Hải thông minh thật, Thầy noí Hải nói tiếng Ðức được rồi, Anh văn thì khỏi chê.
    Tôi lẩm bẩm:
    -Nó tìm giải thoát trong việc học, nó yêu thầm Thầy nên vâng lời tuyệt đối.
    Phong nhìn tôi:
    -Còn em, có vâng lời anh không?
    -Em chờ anh ra lệnh cho em.
    Phong dí tay trên trán tôi:
    -Nó thì ngọt lắm đấy.
    Tôi đứng dưới một gốc cây. Không khí tĩnh lặng như khi tôi mới đến. Những chiếc khánh đồng chao trong gió chạm nhau ngân nhẹ âm vang, như lời kinh nào nghe xa xăm. Tôi ngước mắt tìm đôi mắt Phong. Mắt Phong đi vắng như hồn Phong khó hiểu. Tôi vẫn chưa tìm thấy tôi trong đôi mắt chàng, muôn đời chàng vẫn là kẻ lãng du và xa tôi vạn dậm dù đang gần nhau.
    Tôi hỏi cho có chuyện:
    -Bao giờ anh đi lính?
    Phong cười nụ:
    -Anh nói rồi, có lẽ xong vụ này anh đi.
    -Sao lại có lẽ, bộ đi lính chưa chắc chắn? Anh là giáo sư, anh có quyền hoãn dịch phải không? Anh vui hay buồn? Anh không chạy chọt à?
    -Đời anh sao cũng được, đi lính hay ở nhà cũng vậy thôi. Anh vẫn là anh ngày hai bữa cơm, sống sao cũng được, anh chỉ cầu mong sao cho hoàn cảnh đất nước mình sáng sủa thêm một chút. Nỗi buồn nhất của anh bây giờ là những người chung quanh mình đã chán nản, đã rút vào vỏ ốc cứng vì thất vọng. Họ tưởng cách mạng đến để thay đổi, để tình thế sáng sủa hơn, họ tràn trề hy vọng một đổi mới, ai ngờ lại bết hơn, chẳng thay đổi được gì, cho nên dân chúng giờ thờ ơ lắm rồi, họ mất tin tưởng, dân mất tin tưởng thì nước khóc còn.
    -Còn anh, anh mất tin tưởng chưa? Sao anh còn lao vào cuộc, anh không lấy vợ giàu, chạy mỗi chỗ ngồi thật chắc chắn ứng cử dân biểu chẳng hạn, có nhiều tiền anh sẽ có tất cả.
    Phong lắc đầu:
    -Ðể làm gì? Anh cần tiền để làm gì nhỉ? Khi anh chết đi em có đốt theo anh không? Vợ đẹp có tự thiêu theo anh không? Xe hơi có chạy theo anh không? miễn sống ngày hai bữa cơm như mọi người chung quanh anh. Anh nghèo được, khỗ nổi của anh có nghèo quá đâu, thỉnh thoảng anh cũng sài sang đưa em đi ăn tiệm đấy thôi. Nhưng em biết không ở nhiều nơi người ta cả năm không biết miếng thịt là gì? Em không tin à, nhưng anh thấy dám nhìn anh em mình, chan nước mắt sống qua ngày anh thấy không sướng.
    Tôi khoanh hai tay:
    -Anh lý tưởng quá, có lẽ em yêu anh vì thế, nhưng em mỗi sáng đi dạy học không dám ăn phở, càng ngày em càng gầy đi và em biết vì em thiếu ăn.
    Phong nắm tay tôi xiết nhẹ:
    -Em trách anh đấy hở? Xong vụ này anh sẽ lo cho em.
    Tôi cười buồn:
    -Em mong qua khỏi để anh lo cho anh thôi.
    Chàng sực nhớ ra :
    -Í em chưa ăn gì phải không, em thích ăn cơm chay nhà chùa không?
    Tôi gật:
    -Thích chứ, em mê ăn cơm chay nhất.
    Chàng dắt tôi đi học theo hiên chùa, thỉnh thoảng lướt qua sân một vài vị sư lặng lẽ. Mỗi vị sư là một thế giới tịch mịch chìm lặng và yên bình từ bàn chân cho đến những ngón tay. Tôi tìm đôi mắt chàng và cười nhè nhẹ. Tay hai đứa tìm nhau xiết lấy thật êm đềm.
    Phải chăng vì bữa ăn chay, vì những thức ăn toàn hoa đậu, nên suốt buổi tối mắt chàng vẫn thắm thiết, nhưng người chàng vẫn xa xôi với tôi, không một vẩn ...c nào nhạt nhoà đôi mắt sâu, không một xôn xao nào rực lửa hai môi.
    Chàng đưa tôi về, dù tôi ngại ngần:
    -Thôi anh ạ, em về một mình cũng được, lỡ có chuyện gì khổ lắm.
    Chàng lắc đầu:
    -Anh không yên tâm, dù xóm em là xóm đạo anh cũng cứ liều.
    Tôi se sắt cười:
    -Dữ không, làm như chùa của anh với nhà thờ của em là hai nơi cách biệt không bằng, em thấy có gì khác đâu?
    -Chúa Phật bao dung, nhưng lòng người không bao dung.
    Tôi đứng lại trước cổng chùa, dăm dăm nhìn chàng, sau lưng là mái ngói là vòm cổng cong cong, đường nét Ðông Phương, là những hàng sứ trắng thơm trong gió êm là vùng trần hương u mặc.
    -Thôi anh vào đi, kẻo đưa em về nhà rôì em không yên tâm lại phải đưa anh về chùa, rồi lại xách nhau về nhà em, cứ thế hết đêm nay hư chuyện lớn của anh hết.
    Chàng khoanh tay cười khinh bạc:
    -Bây giờ em bắt đầu ra lệnh cho anh hở? Anh đưa em về. Ði.
    Tôi chúm môi cười:
    -Dữ không, chưa gì đã ló đuôi độc tài rồi. Trách chi ai lên ngôi cao cũng dộc tài hết.
    Chàng lắc đầu:
    -Anh không nghĩ đến chuyện đó, bao giờ nước yên anh lên núi tu.
    Tôi nheo mắt:
    -Tu với Mỵ Nương hở?
    Chàng trầm giọng:
    -Thì tu với em hỏi hay chưa?
    Tôi cúi mặt:
    -Còn Lan Chi?
    -Lan Chi khác, em khác chứ.
    Tôi chúm chím cười:
    -Nói như anh mọi sự thật giản dị. Chị Lan Chi vừa đẹp vừa ghê gớm, không bao giờ em dám đâu.
    -Sao em biết chị ghê gớm?
    -Ðược nhiều người yên là ghê gớm, người đàn bà bình thường ít người yêu lắm. Người như anh mà phải yêu đâu phaỉ là chuyện vừa?
    Chàng nhăn mặt:
    -Em định thuốc anh đấy hở?
    -Sự thật đấy chứ, em thuốc anh làm gì.
    -Em không ưa chị?
    Tôi bực dọc vì tiếng chị chàng dùng cho Lan Chi, nên lạnh lùng:
    -Hồi trước nếu có quyền em thích có một lưỡi dao chích nhẹ vào ngực bà ấy. Nhưng bây giờ thì thôi, tranh dành nhau một người đàn ông chẳng hay ho gì. Mà anh đừng gọi chị ấy với Trang nữa.
    Chàng cười:
    -Lại giận rồi, tại sao bây giờ hết ghét?
    Tôi mím môi:
    -Giản dị quá, em sắp lấy chồng, nghĩa là sắp yêu người khác.
    Chàng vặn:
    -Sao lại sắp?
    Tôi kiêu hãnh:
    -Muốn yêu chồng cứ vờ yêu sẽ yêu, muốn ngoan đạo cứ đi nhà thờ sẽ ngoan thật, muốn ghét anh cứ nghĩ lúc anh, lúc anh ấy…là hết yêu.
    Chàng mỉm cười:
    -Lúc anh ấy là sao?
    Tôi dỗi:
    -Anh đóng kịch tài lắm, không thèm nói chuyện với anh nữa.
    Chàng nhún vai:
    -Nhất định ghét anh?
    -Ừ nhất định ghét, nhắc người ta hoài, bắt người ta gọi bằng chị nữa chứ.
    -Ngày mai anh đi cho em vừa lòng.
    Tôi chớp mắt:
    -Em xin lỗi anh, thôi nói chuyện khác đi anh, ngày mai nhất định biểu tình hở anh?
    Chàng gật đầu:
    -Phải làm một cái gì chứ em.
    -Ðừng để bị bắt như lần trước nghe anh.
    -Làm sao biết trước được, đừng lo, anh sẽ đến thăm em, dẫn em đi ăn cho mập.
    Chàng dừng lại đầu ngõ xóm tôi ở. Những hàng rào kẽm gai đã căng ra rồi, những người quen mặt trong họ đạo tôi ở đứng gác bên trong hàng rào. Chàng đành dừng lại để tôi lách dây kẽm gai vào một mình. Tôi cắm cúi đi, tiếng huýt sáo, tiếng xì xào đuổi theo tà áo ngượng ngùng:
    -Ghê chưa đi chơi với trai giờ này mới về, sao không đi với anh em?
    Tôi cau mặt nhưng đành vờ không nghe:
    -Cha, thằng cha đó hình như Phật tử gộc, con bé đó làm trò khỉ gì đó nhỉ?
    Tôi buồn, dân tôi còn những người chia rẽ từ trong máu chi ra, nên bạc nhược hoài, nên chiến tranh hoài. Tôi kín đáo liếc nhìn phía sau. Tôi sợ họ chạy theo làm phiền chàng. Lòng tôi thắt lại tôi điên không khi gần gũi những người đáng kính đó? Mà sao những người cùng tôn giáo với tôi nhìn họ như kẽ thù, ghét họ như kẻ nào không chung Tổ Quốc.
    Tôi trở về nhà giật mình khi thấy mẹ đứng ngồi chờ tôi, mẹ nghiêm mặt:
    -Con đi đâu về Trang?
    -Dạ dạ con đi với Ngọc mà.
    -Nhưng mẹ có thấy con ở nhà thờ đâu?
    -Thì tụi con đứng sau mẹ thấy sao được.
    -Giờ này mới ở nhà thờ về?
    -Thì trời nóng tụi con dắt nhau ra biển chơi cho mát.
    Mẹ nghiêm khắc:
    -Mẹ không bằng lòng con đi chơi tối như vậy, con gái phải giữ gìn, tai tiếng bay xa bay rộng. Còn hàng xóm láng giềng nữa. Con phải biết rằng tuổi con là tuổi để người ta dèm pha, không có gì người ta còn nói được huống chi con đi chơi đêm đến giờ này mới về. Người ta phải dèm con cho con gái người ta ngoan lên chứ. Con phải ý tứ lắm mới được con ạ. Con gái chưa chồng cũng như cái hoa cho người ta nhìn vào.
    Tôi ngồi phịch xuống ghế:
    -Nhìn để thấy nó đầy vi trùng chớ gì? Nhìn riết tàn hoa người ta hết trơn, con không cần ai hết, chán cái xóm này quá rồi, người ta làm gì kệ thây người ta, nhòm nhòm như bầy kên ấy, con có nhòm ai không? Nhà xóm trên có ai lầy chồng ai chưa? Con có thèm hỏi đâu, sao thiên hạ không cho con yên? Con nói con không thèm lý đến họ cơ mà.
    Mẹ gắt:
    -Con nói như vậy không được, ăn ở phải có xóm giếng chứ, một thân một mình sao được con.
    -Ðể làm gì, để ăn cái gì hàng xóm cũng biết ấy hở? Ðể chuyện gì ngoài ngõ cũng biết trước trong nhà? Thôi con xin, con không thích ai xía vào đời con hết, sướng khổ con chịu một mình, thì phải cho con chút tự do chứ. Thật nhiều lúc con muốn đi với Mỹ một vòng cho thiên hạ tức chơi.
    -Tức gì, họ cười cho mục mả chứ tức.
    -Cười mỏi răng họ ăn thua gì đến con. Mình di cư có phải là vì muốn được sống trong gia đình mìn, không sợ trẻ em nhòm rồi chạy ra tố khổ, không sợ phải kê khai từ cái chén đến đôi đũa không? Phải vậy không mẹ, như vậy sao cái xóm này cứ nhìn con chăm chăm vậy?
    Mẹ buồn bã:
    -Con độ này lạ quá, mẹ hở một câu con cãi một câu, mà con nói chuyện gì đâu không à, gì mà tự do chế độ trong đó nữa. Con ra ngoài ăn học cái bằng cử nhân chưa thấy đâu, chỉ thấy ăn nói như dân biểu tình.
    Tôi cúi đầu:
    -Con xin lỗi mẹ, tại con buồn nên làm mẹ khổ, đừng giận con nghe mẹ.
    -Mẹ không bao giờ giận con, nhưng mẹ muốn con ý tứ một chút làm thân con gái khó lắm con ạ, mà con buồn chuyện gì con?
    Tôi ăn năn:
    -Thì cũng buồn vu vơ vậy mẹ, ăn thua gì.
    -Con gái lớn đứa nào cũng vậy hết, thôi sửa soạn đi ngủ đi con, mai lại phải đi dạy sớm đấy. Thật mẹ cũng mong con lấy chồng cho yên, con ở nhà ngày nào mẹ lo ngay ngáy ngày đó. Lo đủ thứ chuyện vậy đó, con gầy đi chút chút ra đường gặp mẹ người ta nói mẹ tại con lớn rồi mà chưa lấy chồng nên càng ngày càng héo đi đó, để mãi ở nhà khô đét đi khó lắm.
    Tôi bực dọc:
    -Còn hơn con họ theo Mỹ hư hao hết, mai mốt đắp vàng vào cũng không đẻ nữa thì sao? Nói cho mẹ biết cô nào ...ng Mỹ rồi tuyệt tự đó mẹ ơi. Con khô con héo kệ con, mai mốt lấy chồng con tươi mấy hồi mẹ nhỉ? Con chúa ghét ai nói con gầy, người ta bốn mươi bảy ký cứ kêu gầy, tức ghê vậy đó, riết rồi họ làm con tưởng con gầy thật, trong khi họ bằng nữa người con.
    Mẹ bật cười:
    -Y như rằng,đụng đến vụ gầy là con giận, thôi đi ngủ đi, con mẹ xinh lắm không có gầy đâu.
    Tôi vào giường lăn bên này trở bên kia cả chục lần. Xoay ngang rồi xoay dọc. Không biết mai mốt lấy chồng ngủ chung với đàn ông xoay sở chỗ nào nữa đây? Ngủ với đàn ông nhỡ xấu thì sao? Lúc ngủ làm sao mình làm duyên làm dáng được nhỉ? Gay thật, ai dựng nên cái chuyện ngủ chung với đàn ông thật phiền. Mình có thói quen ngủ phải ôm gối lăn vòng vòng mới ngon giấc được, KHông lẽ mai mốt ôm ông chồng mà lăn. Ông nào cũng nặng hơn mình cả hai chục ký làm sao lăn nhỉ? Mà không ôm cái gì ngủ coi bộ không được, trống không như đi trong không gian, lành lạnh như rơi xuống biển.
    Muốn hỏi mẹ ngày xưa có ngủ chung với ba không mà không dám, muốn rình anh Dũng với chị Dũng thì xí hổ. Nội vụ thấy anh chị cứ cà rà bên nhau ngồi đâu sát cánh kề vai là tôi muốn ngứa mắt rồi, muốn tức anh ách trong bụng như có người thư cục đá trong đó không bằng. Tôi nháy mẹ dang ra chỗ khác, y như rằng bao giờ mẹ cũng hừ hừ. Chị Dũng lại lấm lét ngồi xa xa, anh Dũng lại ngẩn ngơ thở dài. Hình như bà mẹ chồng nào, cô em chồng nào không nói ra cũng không thích con trai mình, anh trai mình hắt hủi vợ hết. Càng lạnh lùng với vợ càng được mẹ thương, càng được em gái chiều. Thiếu điều mong anh có vợ hai cho bỏ tức. Ðàn bà hiện thân của loài rắn thật, đàn bà lòng ghen ghét nhiều hơn tình thương yêu.
    Nhưng con gái mẹ đi lấy chồng, mẹ thích nó được chồng cưng như trứng, hứng như hoa, mẹ thích con rể suốt ngày quấn con gái mẹ, mẹ thích nó thương vợ hơn thương mẹ nó, mẹ thích nó thờ vợ như thờ bà, nể họ nhà vợ như nể thánh.
    Tôi cười thầm mẹ, cười thầm tôi, muốn thương chị Dũng như thương chị Phượng nhưng vẫn không được. Giấc ngủ đến với tôi đầy những con mê tình.
    

Xem Tiếp Chương 7Xem Tiếp Chương 10 (Kết Thúc)

Bản Tango Cuối Cùng
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Đang Xem Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Đi Qua Hoa Cúc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Hành Trình Của Sói