Sinh viên vẫn tới trường nhưng nét nghiêm trọng đong đầy khoé mắt. Tôi lặng lẽ ghi bài, Hải bỏ Huế bỏ tôi mà đi rồi, ngồi một mình thấy buồn xót mắt. Học hai giờ này thôi, hai giờ sau tôi sẽ leo vội lên xe để đến trường dạy học trả nợ áo cơm. Dạy được một tháng sút hẳn hai ký lô, lĩnh bốn ngàn bạc vừa cầm vừa tủi thân quay đi. Cái trường kỳ cục, giáo sư lãnh lương cùng chỗ với học trò đóng học phí. Học trò nhìn mình đứng chờ lấy tiền coi nhẹ thể quá thôi.
Phong có cuộc đời của Phong, tôi có cuộc đời của tôi. Tình yêu không nối kết chia xẻ được gì, chỉ là một chút đắng cay, một chút bùi ngùi. Bạn bè Phong nhiều người trốn đi, nhiều người đi lính, nhiều kẻ vào tù. Tôi không muốn nghĩ đến, tôi muốn quên, tôi muốn mù loà, câm điếc cho yên đời. Tôi muốn những gì không thể có, không thể nói ra nên tôi đành câm lặng sống để đợi chờ như Thịnh.
Phong đi biền biệt, tôi lo chạy tiền để có thể tiếp tục học cũng đừ người, nên hết thì giờ mơ mộng. Chính anh Hưng giới thiệu tôi đi dạy. Làm cô giáo quá sớm da mặt chưa kịp quen son phấn nên ông hiệu trưởng ngại dặn dò từng ngày.
Tôi bỏ giảng đường thật mau, hối hả đến trường vừa lúc học trò sắp hàng vào lớp. Học trò nhiều đứa cao hơn tôi, đứng lại xầm xì:
-Cô đến, cô đến bay ơi.
Tôi lên phòng giáo sư tự rót cho mình ly trà nóng để lấy sức mà gào than học trò chịu học mình. Làm sao cho nó chịu học mình là cả một vấn đề khó khăn.
Bà Kim An mệt mỏi chống tay thở. Bụng to rồi còn phải dạy kiếm tiền từng giờ. Tôi ngồi xuống bên chị cười thay cho một câu chào. Kim An than:
-Học trò hôm nay nghịch quá trời, mệt muốn sỉu luôn bà ơi.
-Nghịch là nghề của tụi nó mà.
Kim An kể:
-Trang biết không, mình mệt ngồi thở nó bảo cô câu giờ tụi em nhiều quá. Mà hễ mình giảng bài thì chúng không nghe ngồi nói chuyện nhảm, tức không? Thật không vì ba đứa con mình bỏ dạy ăn rau muống luộc cho xong.
Tôi bảo An:
-Ối kệ tụi nó, hết giờ mình về, loạn từ đâu tới chứ đâu phải tụi mình.
-Trang nói vậy chứ nhiều thầy còn tức nữa là tụi mình. Song Hà nó khóc hoài đó bà. Tụi nó dám nói tục với nó, bà biết không?
Tôi gật đầu:
-Trang có nghe Hà kể.
-Bà dạy được không?
-Tạm tạm, tôi kể chuyện ngâm thơ cho chúng nghe chúng mới yên đó.
-Ừ đời giờ thầy cô phải chìu học trò, nó làm như mình làm mướn cho nó bà ạ. Nó bỏ tiền ra thuê mình dạy kia mà. Mình dạy không được nó đuổi bà ơi.
An cười. Tôi cũng cười:
-Thì mình là dân làm mướn thật chứ còn gì nữa.
Kim An chán nản:
-Nhưng nếu mình giàu thì coi bộ học trò nể hơn, bà Loan đó, lái Opel đi dạy học trò sợ bằng thích.
-Bà làm tôi nản quá.
-Thật đó, mai mốt bà biết. Có hôm mình giảng bài mệt quá, tụi nó chẳng chịu nghe, mình nói các em ồn quá cô bỏ dạy cho coi. Bà biết nó nói sao không? Nó bảo cô cứ bỏ đi. Cuối cùng mình phải muối mặt dạy tiếp đó bà. Lương trung úy của ông xã tôi bết quá tôi mà nghỉ dạy con tôi đói liền.
Tôi cảm động:
-Bộ bà tính dạy đến lúc sinh sao? Mệt chết?
-Mệt cũng đành chịu vậy, này đừng lấy chồng vội nghe bà.
Tôi đứng lên:
-Ai thèm mà lấy. Nói vậy chứ tụi nó không đến nỗi nào đâu bà ơi.
Tôi giảng bài trước mặt học trò, những đôi mắt còn đầy mơ ước, những nụ cười còn sáng tin yêu. Chúng to lớn hơn tôi, cao hơn tôi và chúng vờ hiền lành ngồi đó. Tôi bỏ ngoài tai những tiếng xì xào nho nhỏ:
-Cô xinh quá há tụi bây.
-Cô giảng bài có duyên quá cô ơi.
Hai giờ căng thẳng luôn luôn phải nghiêm trang, để làm oai với học trò. Ðiệu này mình đến thành bà già thật cho coi. Hết một giờ, chúng đòi nghỉ giải lao, tôi không cho cũng đành phải chịu. Một vài đứa đứng lên dơ tay làm hiệu rồi ra khỏi lớp. Tôi đành chống tay ngồi chờ đành nhìn từng khuôn mặt mà đoán tướng. Quốc tóc dài như nghệ sĩ. Hùng có nước da trắng như con gái. Châu có đôi mắt ngơ ngác vô tội như trẻ con, dù cao hơn cô cả cái đầu. Vĩnh Phan hay cười tủm tỉm…bây giờ ngồi đây, mai sau mỗi đứa có một cuộc đời. Mai sau đứa ngậm cười chua chát, đứa nghênh ngang danh vọng. Tôi đã từng ngồi dưới đó, từng mơ ước thật nhiều, thật mênh mông. Và không bao giờ tôi nghĩ đến tiền bạc sinh kế. Những thứ đó không đáng để ý, trong đầu chúng bây giờ đầy mộng vá trời lấp biển.
Tôi bước xuống bục đi dọc theo lớp học. Quốc nhỏm người lên:
-Cô ơi cô, sao lại mắt xanh mà không mắt đen. Kiều có phải người Pháp đâu mà mắt xanh? Phải tả Kiều mắt đen nhánh như cô mới đúng.
Tôi mong được đỏ âu hai má, nhưng tôi phải làm nghiêm:
-Em chưa hiểu ý Nguyễn Du đấy, người Á đông có đôi mắt lạ lùng lắm, một sự hoà hợp kỳ diệu giữa màu đen và màu xanh, Quốc nhìn thử mắt người bên cạnh đi, thấy mầu xanh của mắt chưa?
Quốc nhìn Vĩnh Phát rồi lắc đầu:
-Hắn hút thuốc nhiều quá mắt đỏ rồi cô ơi.
Vĩnh Phát đứng lên:
-Em thấy rồi, mắt cô xanh, xanh kinh khủng. Ðen và xanh. Phải chi cô đừng là cô của tụi em.
Tôi ngán thầm lũ học trò nhà giàu, coi thầy cô như rác. Cũng may tụi hắn lớn rồi nên cỏ vẻ hiểu hiết không phá phách nhiều như lớp nhỏ. Tôi dạy Việt Văn cho một lớp Ðệ tam con trai.
Quốc cao giọng:
-Thưa cô, em hiểu rồi, nhìn mắt cô tụi em hiểu câu thơ của Nguyễn Du.
Tôi im lặng quay lên:
-Chúng ta tiếp tục, lật vở ra đi.
Chúng lắc đầu:
-Nghỉ ít quá cô ơi, sao cô không câu giờ cho đỡ ốm hở cô? Mấy thầy khác nghỉ cả nửa giờ đó cô.
Tôi lắc đầu:
-Tôi hơi buồn câu nói đó của em.
Quốc nói:
-Em xin lỗi cô thay bạn em. Giáo sư không phải ai cũng giảng bài cả giờ như cô đâu. Tụi nó qúi cô nên mới nói thế.
Tôi lắc đầu nhè nhẹ, tiếng lào xào vẫn còn nho nhỏ. Chúng nhìn áo tôi, chúng nhìn cả đôi hài cườm. Ði dạy học tôi cũng phải cẩn thận áo quần, xấu không được, đẹp cũng khổ. Nhiều hôm mặt mốt mới vào lớp học trò nhất định đứng nghiêm như chào cờ. Dơ tay rồi chúng vẫn đứng ngẩn ngơ như ngỗng trời nhìn mây. Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Sao các em không ngồi xuống?
Chúng nhao nhao:
-Thưa cô tụi em mãi ngắm cô.
Tôi lại lắc đầu. Một đứa cao lênh khênh từ từ đi lên, rút chiếc khăn tay mới tinh ra lau bảng thật tình. Tôi than:
-Em phí của quá.
Nó cười hiền:
-Thưa cô, tại tụi em quí cô.
Từ đó trở đi tôi không dám khen cái nết hào hoa kỳ cục ấy của học trò tôi nữa. Tôi phải tự sắm cho mình một miếng mút màu trắng giao cho một em bàn đầu. Chúng bàn với nhau:
-Cô thích màu trắng tụi bây ơi, cô hay mặc áo trắng, hay đi giày trắng.
Tôi tiếp tục giảng thơ người xưa. Những giòng thơ thì đẹp, đẹp như mây hồng trôi ngoài kia. Những lời thơ êm đẹp như gió thoảng, nhưng lòng mình thì nghìn trùng lớp lớp mây đan rối. Có những đôi mắt còn đầy mộng mị làm tôi xao xuyến mỗi khi bắt gặp. Có những lời nói làm mình xúc động đến bâng khuâng. Tôi yêu Nguyễn Du, một Nguyễn du đa tình, một Nguyễn Du khí khái. Người đâu có người tình si ngây ngất, dệt thơ đẹp như mộng. Tôi thích đọc thơ Kiều. Nên tôi giảng như say, nói như mê và vì tôi mê nên học trò cũng mê theo, quên phá phách, quên làm ồn. Bí quyết sư phạm của tôi thật giản dị, tôi mê vấn đề tôi dạy, học trò mê theo và lớp mê, cái gì cũng mê say, cái gì cũng yêu. Một mái tóc thề của những cô gái Huế, một vạt áo trắng vờn trong gió bay đủ cho tôi thương cả buổi chiều xứ Huế, đủ cho tôi say sưa một chiều.
Giả thử bây giờ đem cả kho tàng châu ngọc đổi lấy lòng đam mê của tôi, chắc tôi đành lắc đầu. Ðời không đam mê thì đời không nước mắt, không buồn không khổ. Nhưng thiếu nước mắt, vắng xa nổi buồn, chắc tôi không còn là tôi. Không còn là mình, chắc tôi phát điên.
Tôi ngông nên tôi nói với học trò ý nghĩ này của tôi:
-Một ngày nào đó mình không còn là mình, mình giống như mọi người. Mình đứng cạnh mọi người như những con búp bê làm hàng loạt giống nhau bày trong tủ kính. Các em nghĩ sao? Nghệ thuật, văn chương, hội hoạ có còn hiện diện nữa không? giả thử bây giờ tôi bị bệnh tôi mất hết cảm xúc, đọc một đoạn thơ hay không hiểu, đọc một câu văn tuyệt vời cũng không hiểu, nhìn buổi chiều không biết là đẹp, không nhìn thấy buổi trưa đẹp. Họ sẽ cằn khô như sỏi đá. Tôi nghĩ, đi học là tập cho mình biết cảm xúc, biết thưởng thức.
Vĩnh Phát đứng lên:
-Hoan hô cô, chưa ai nói lạ như cô.
Tôi dơ ngón trỏ trên môi. Chúng đành xì xào:
-Chứ không phải để thị đố để được hoãn dịch hở cô?
Tôi chớp mắt, tôi bối rối rồi. Học trò thực tế và khôn hơn cô giáo. Chuông điện rung. Ngày xưa tôi đi học ngôi trường nhỏ bé của tôi nó trống. Tiếng trống ấm vang và như nỗi hồn nhiên tuổi thơ ngày ấy. Bây giờ học trò tôi vào lớp và chào về nhà theo tiếng chuông điện, thiếu âm thanh ngày nhỏ căng đầy mơ ước. Không hiểu sao tôi vẫn nhớ, vẫn thèm tiếng trống tùng tùng trên lớp da căng. giữa tôi và những người ngồi dưới hình như đã xa nhau, dù vài năm tuổi vẫn cứ xa. Họ băn khoăn hơn tôi ngày nhỏ, họ thực tế và khôn ngoan hơn.
Tôi chậm rãi ra về. Hành lang lao nhao tiếng cười tiếng nói. Tôi một mình trên con đường êm đềm bóng cây. Buồn về theo cơn gió từ giòng sông đưa lên. Chiều nay lại phải đi mượn cours về chép. Chữ mình xấu viết bảng còn thua cả học trò, chép cours không ai đọc nổi. Cho mượn không được, chỉ tài đi mượn thấy hổ thẹn làm sao?
Tiếng gọi khẽ sau lưng tôi:
-Cô!
Tôi quay lại mỉm cười:
-À Toàn.
Toàn là cậu học trò thâm trầm nhất lớp tôi phụ trách. Toàn cao lớn, tóc để dài, đôi mắt mộng mị và nụ cười hồn nhiên. Toàn ít tham dự những cuộc tranh luận trong lớp, hình như Toàn ngồi nhìn tôi nhiều hơn là nói. Thỉnh thoảng Toàn cố tình bắt tôi chú ý bằng cách trầm ngâm hút thuốc khi tôi giảng bài. Tôi để mặc Toàn với thái độ của Toàn.
-Nhà em gần nhà cô, cô ạ, ngày nào em cũng đi bộ theo cô hết.
Tôi lơ đễnh:
-Thế hả? Sao học có vui không?
Toàn cười:
-Giờ cô thì vui, xúc động đúng hơn, còn thì nản không chịu được.
Tôi mỉm cười:
-Cám ơn em, nhưng cô không tin đâu. Cô có thấy em nghe giảng bao giờ đâu?
Toàn lúng túng:
-Em vẫn nghe đấy chứ, nhưng em buồn…
-Buồn! chuyện gì đó?
-Cô không thể giúp gì được cho em cả.
Tôi lảng chuyện:
-Sang năm Toàn thi rồi phải không?
-Thưa cô vâng.
-Phải gắng học nhỡ thi rớt phiền lắm.
Toàn cười:
-Em sẽ đậu nếu cô muốn em đậu.
Tôi nghiêng mắt ngó Toàn:
-Dĩ nhiên tôi muốn em thi đậu chứ. Có người nào không muốn học trò mình không đậu đâu?
Toàn thở dài:
-Cô chẳng hiểu gì em cả, vậy mà tụi nó đồn cô thông minh và tế nhị nhất trường?
Toàn đi bên tôi, thênh thang cao lớn, thênh thang nụ cười. Sách vở vo tròn trong tay, tôi nghiêm mặt:
-Em chẳng có vẻ học trò gì cả Toàn ạ, ngày nhỏ đi học tôi luôn luôn có một cái cặp.
Toàn trầm giọng, tiếng nói bị vỡ. Toàn đang ở lưng chừng sườn núi của một đời người. Toàn chưa hẳn là đàn ông và Toàn cũng không còn là con nít.
-Nếu cô thích ngày mai cô sẽ thấy em có cặp.
-Phải giữ gìn sách vở học mới được em ạ.
Toàn triết lý:
-Cũng như phải giữ gìn tình yêu, mới là người biết yêu phải không cô.
Tôi nghiêm trang:
-Em còn nhỏ lắm, mười lăm chưa?
Toàn kiêu hãnh:
-Thưa cô em mười sáu. Em hỏi kỹ người ta rồi, cô hơn em có ba tuổi.
Tôi bình thản:
-Ghê học trò đời nay điều tra thầy cô hơi kỹ đấy nhé. Thôi em về nghe Toàn.
Toàn chào tôi rồi lầm lũi bỏ đi. Tôi thở dài bước vào con ngỏ trải sỏi trắng. Buổi trưa nắng vàng rực từng sóng nắng len qua lá cây. Lá xanh chia nắng thành ô nhỏ lung linh và êm ả. Ngôi nhà có tầng ngói đỏ nằm trong lùm cây. Chim sẻ ríu rít bay trên cao. Tôi thẫn thờ leo từng bậc thềm, bở chưa thấy xe chàng. Chàng biệt tăm nữa rồi, người đâu như bóng chim biền biệt thôi.
Tôi ăn cơm cho qua bữa, món Huế cái gì cũng cay. Ớt nhiều trong da thịt tim gan nên nhập tịch làm gái Huế rồi tình yêu tôi cũng cay đỏ như ớt thôi.
Con gái Huế ăn xong má hồng môi tươi hẳn lên.
Tôi lên lầu ngắm nhìn giòng sông, nước sông lấp láy vàng nhìn đến chảy nước mắt vẫn không muốn quay vào. Nhìn đến ngậm ngùi, giòng sông xa vắng chảy, xa xa những con đò nhỏ hờ hững trôi, xa xa những đỉnh núi đậm nét dưới mây xanh ngắt. Tiếng rao quà ê a như một câu hát cất lên tan trong gió thoảng. Tiếng thở nào đây mơ hồ trong nắng trưa? Tiếng chim hót véo von. Lòng tôi thoắt bay cao ngút ngàn đỉnh nhớ. Lòng tôi thoắt tham lam vô bờ, thoắt thèm khát đến không cùng một tiếng thở của người tình bên gáy mềm mướt lông tơ. Tình yêu là một trang sức kỳ diệu nhất Trời dành cho đàn bà. Không phấn son nào sánh bằng nụ hôn người yêu. Ðàn bà nhất định đẹp khi được yêu và yêu. Càng yêu say đắm nhan sắc càng mặn mà. Tôi không có tình yêu, mười chín tuổi chưa hôn một người đàn ông nào, nên tôi khô khan như bà giáo già, nên tôi héo hắt như cây khô.
Thẻo chạy lên:
-Cô Trang, có thư nè.
Tôi quay lại:
-Thật không? Thư của ai đó Thẻo?
-Biết mô được cô, em có biết đọc mô, thư xanh đàng hoàng.
-Không biết đọc sao em biết lá thư của tôi?
-Nhà ni không bao giờ có thư gửi về nhà cả, thư gửi về bên trường, chắc chắn của cô rồi.
-Ðâu đưa tôi coi.
Tôi nhìn xuống phong bì đầy. Thẻo hỏi:
-Đúng của cô không?
Tôi gật đầu:
-Cám ơn Thẻo, của tôi, có quà cho em ở trong sắc ấy.
Thẻo đi xuống tôi lấy kéo cắt thư, tôi không nhận ra nét chữ người quen thân nào?
Ðọc những giòng đầu tiên tôi ngạc nhiên lật trang cuối cùng rồi thẫn thờ leo lên giường:
Huế ngày…..
Cô,
Chắc cô ngạc nhiên rất nhiều khi nhận được lá thư này. Em hình dung ra vẻ ngạc nhiên của cô từ bây giờ, và em xúc động run cả tay.
Trước hết, em mong cô đọc hết lá thư này, bởi em đã viết với những rung động chân thành nhất của một thằng con trai mới lớn. Toàn đây, cô có hình dung ra Toàn không? Toàn buồn cô lắm, nên Toàn phải viết cho cô, không viết cho cô Toàn phát điên mất cô ạ.
Mạc Tố Trang, Toàn thích tên cô, Toàn chưa gặp người con gái nào có dáng dấp lạ lùng như cô. Cô giản dị nhưng vẫn quý phái, kiêu hãnh nhưng vẫn hiền. Cô đẹp và xinh. Mạc Tố Trang, em viết hoài tên cô trên giấy, cô tin không?
Ồ, em định viết nhiều lắm nhưng không hiểu sao bây giờ em không biết viết gì nữa.
Buồn ghê, đời có lắm điều muốn nói mà không nói được. Ðời có một người tình yêu thiết tha mà không dám yêu. Ðời có một người đam mê nhưng phải ngoảng mặt.
Cô nổi tiếng là thông minh, cô thi chi đậu nấy học giỏi nổi tiếng, cô có hiểu Toàn muốn nói gì không?
Nhiều hôm Toàn đi đi lại lại trước nhà cô. Nhìn cô hàng giờ mặc áo trắng mơ mộng trên balcon mà cô không biết. Hình như đôi mắt cô nhìn quá xa, đôi mắt cô không bao giờ nhìn thấy Toàn. Cô có một hình bóng một chân trời của riêng cô và em thì có lẽ suốt đời ngóng đợi cô một lần nhìn nhau.
Tình yêu là bóng, không bao giờ thật. Cái gì thật không phải là tình yêu. Biết thế rồi mà sao Toàn cứ xót xa. Người yêu mà ta ôm được vào lòng, người yêu mà ta có được, không còn là người yêu? Phải không cô? Hay em lầm?
Toàn biết không bao giờ cô trả lời cho Toàn nhưng Toàn cứ hỏi như bao nhiêu lần Toàn hỏi cô đều cười. Cô coi Toàn như trẻ con phải không cô? Chua chát thật những gì Toàn nói với cô, với Toàn thiêng liêng biết mấy, nhưng với cô chỉ đáng để nhận một nụ cười. Nụ cười cô thật hiền, thật ngọt, nhưng lòng em đau đớn, nhưng tim em nát tan
Toàn viết loanh quanh vì tình yêu cũng loanh quanh không đầu không cuối. Không biết Toàn bắt đầu nhào vào cơn lốc êm đềm này từ bao giờ. Và bởi tình yêu là một vòng tròn, như Thượng Ðế vẫn được tượng trưng bằng một vòng tròn, nên tình yêu vô thủy vô chung và bất diện như vòng tròn, như Thượng Ðế.
Mạc Tố Trang.
Không ai cấm em viết tên cô, Không ai có quyền cấm, dù người đó là cô, người em quí trọng nhất trên cõi đời này. Một mình cô thôi, đủ cho em chất ngất, đủ cho em sống, đủ cho em buồn.
Cô,
Ðừng nói em điên. Một thằng bạn đã bảo em điên khi em viết đầy tên Mạc Tố Trang. Ai biểu tên cô nghe như một cung đàn, ai biểu tên cô cũng nghe như một tiếng thở để một hôm giáo sư Việt văn cũ đi lính, Frère Giám học báo tin cho tụi em biết sẽ có một nữ giáo sư tuổi trẻ tài cao phụ trách dạy tụi em. Tên cô là Mạc Tố Trang. Em lạnh người, tên cô làm em bàng hoàng và dáng dấp cô, nụ cười hiền chiếc răng khểnh, bàn tay đẹp như bàn tay hoàng hậu càng làm em chất ngất lao đao.
Thôi rồi, từ nay em tự giam cầm em trong đôi mắt cô, đời em đóng khung trong tên cô. Tương lai em nằm trong bàn tay nõn nà mười ngón hồng xinh.
Mạc Tố Trang, em mất ngủ vì ba chữ này đây cô tin không?
Ðỗ Toàn.
Tôi thở dài, khép hờ hai mi mắt. Lòng tôi chìm lắng như nốt đàn chùng. Thân thể tôi nhẹ tênh trên drap trắng. Thư tình của học trò. Ðời có cuộc tình lạ như giấc chiêm bao? Tôi không cười được nữa, lá thư của Toàn không thể được trả lời bằng một nụ cười? Nhưng trả lại cho em những gì nữa đây?
Ngày mai có hai giờ, tôi sẽ đối xứ thế nào với Toàn hay là bỏ dạy? Bỏ dạy tiền đâu để tiếp tục học? Tiền đâu mua sách, mua áo đẹp và ngày hai bữa cơm?
Toàn đẹp trai, trên trung bình thứ hạng những đứa con trai đẹp trai, nhưng Toàn chưa phải là đàn ông? Tôi se sắt gượng cười. Ðời hết người yêu mình, nên trẻ con yêu? Thuở nào còn bé tóc cột nơ hồng, môi chúm chím ngậm ô mai, tôi cũng thường yêu vu vơ thầy giáo tôi. Toàn cũng vậy rồi Toàn cũng quên lãng, rồi tình bay lên cao như khói sương, rôì em sẽ lớn lên sẽ bước xuống đời với những cuộc tình đắm mê hơn, ngọt ngào hơn, có phải không em, cậu học trò ghê gớm của tôi?
Ðành mỉm cười nếu ngày mai em lại đi theo tôi.
Thẻo lại chạy lên nghiêm trọng dơ ngón tay:
-Cô ơi có khách.
Tôi cười:
-Gì mà dữ vậy, làm người ta hết hồn tưởng anh Phong về chứ. Ai vậy?
-Khách.
-Thì ai không biết là khách nhưng khách của ai?
-Của cô, em đoán của cô và em đoán đúng phóc.
Tôi dậm chân:
-Trời ơi, tôi hỏi ai? Nói vòng vo hoài chẳng hiểu gì hết, con khỉ ơi.
-Biết à, nghe người ta hỏi cô em chạy lên cho cô biết, chứ bộ hỏi ông là ai lỡ người ta giận thì sao. Mặt mày coi bộ sáng sủa lắm cô ơi.
Tôi thở dài:
-Thôi được nói họ chờ tôi một chút đừng làm rộn để ông bà ngủ nghe chưa?
Thẻo lật đật đi xuống. Tôi gỡ tóc trước gương không biết ai đến thăm giờ này? Mỏi mệt còn lảng vảng trên mắt môi buồn buồn, Dạy có hai giờ mà sao mệt đến thế. Mình thật tệ, héo sầu như cải úa thế này tụi học trò lại ngạo cô xinh cô đẹp. Với tôi chỉ có vợ chàng là đẹp thôi. Nàng đẹp nên chàng mới mê như điếu đổ, mới yêu ngông cuồng, mới say ngất ngưởng nuôi con của nàng cứ ngỡ là con mình!
Da tôi mét quá di tích của những ngày thơ ấu thiếu ăn vì không đủ ba đủ mẹ đây. Mai mốt mình có con, mình cho nó ăn thật đúng ca-lô, để lớn lên nó mát da mát thịt như vợ chàng. Ðời giờ đàn ông hết mê vẻ đẹp thanh qúi, mảnh mai như thân liễu.
Từng bậc thang gỗ qúi bóng đen. Tôi vén rèm cửa phòng khách để sững sờ kêu lên:
-Thầy!
Thịnh cười đôi mắt lung linh sau mắt kính:
-Trang đang ngủ phải không? Tôi đến hơi sớm vì sợ đến muộn Trang đi vắng.
-Dạ không, cũng trễ rồi chứ thầy, gần ba giờ rồi.
-Tôi vừa ở phi trường về.
Tôi thắc mắc:
-Sao thầy biết nhà Trang ở hay quá vậy?
Thịnh mỉm cười:
-Huế đâu có to gì, cùng một con đường mà Trang?
-Phục thầy thật.
Thịnh nghiêm trang:
-Tôi có chuyện cần nói với Trang, Trang rảnh không?
Tôi ngần ngại:
-Dạ rảnh, nhưng mà…
-Nhưng mà sao Trang? Tôi vừa ra đến tìm Trang ngay, Trang không đoán được chuyện quan trọng à?
Tôi cúi đầu:
-Dạ nhưng…
-Trang, mình đi dạo một vòng, có khó khăn gì đâu, hôm nay Trang không có giờ học chiều phải không?
Tôi e dè:
-Hay thầy đợi Trang ở đầu ngõ, được không thầy.
Thịnh thông cảm:
-Ðược tôi chờ Trang ở cổng Ðồng Khánh nhé.
Thịnh đi rồi, tôi giả vờ bình thản lên lầu, rồi kín đáo mặc áo, không quên mang theo vài quyển sách như đi học.
Thẻo thì thào:
-Ổng về rồi hở cô?
-Ừ về rồi.
-Cô đi học hở cô.
-Chứ đi đâu nữa, hỏi kỳ chưa?
Thẻo cười, con bé thật lẩm cẩm nhưng thật dễ thương. Tôi nhìn trước nhìn sau rồi leo vội lên xe thịnh. Thịnh cười:
-Trang sợ ai vậy Trang?
Tôi không trả lời câu hỏi của Thịnh, tôi băn khoăn:
-Chuyện gì quan trọng thầy, thầy làm Trang sợ ghê.
Thịnh phớt tỉnh như không:
-Nhớ Trang nên bắt cóc Trang đi, mình vào mật khu ở nghe Trang.
Tôi hơi ngượng:
-Chịu thôi thầy.
-Mật khu đẹp lắm, Trang không biết à, trăng rừng này, suối trong này, rồi đồng cỏ rồi rừng thưa, ở đó tha hồ mà…
Tôi nheo mắt:
-Tha hồ mà đọc sách, phải không thầy?
Thịnh lắc đầu:
-Không phải đọc sách, thú vị hơn đọc sách nữa kia.
-Trang tưởng với thầy chỉ đọc sách là nhất kia chứ.
-Trước kia thì đúng nhưng bây giờ thì sai. Bây giờ, đố Trang biết tôi mê ai hơn sách đấy.
Tôi ngượng nghịu:
-Trang chịu thôi.
Thịnh nói nhỏ:
-Tôi nhớ Trang, tôi không ngờ Trang ạ. Một tuần không ra Huế dài như một thế kỷ.
-…
Thịnh trầm ngâm:
-Sao Trang im lặng hoài vậy Trang?
-Dạ…
Thịnh trìu mến:
-Trang hơi gầy có lẽ tại Trang dạy học chưa quen.
-Ửa Trang đi dạy à?
-Dạ Trang mới dạy được một tháng.
Thịnh im lặng rôì thở dài:
-Vừa đi học vừa đi dạy, anh sợ Trang mất sức quá.
Tôi cưòi vu vơ:
-Làm phiến gia đình hoài Trang không muốn.
Thịnh có vẻ suy nghĩ một cái gì rất nghiêm trọng, tôi lơ đãng nhìn ra xa. Thành phố lùi dần sau lưng. Gió bắt đầu thênh thang, hai bên ruộng đồng xanh êm, lúa non và tre xanh. Hai bên làng mạc và những cồn cát nhỏ. Tay Thịnh hững hờ đặt trên vô lăng, tóc loà xoà theo chiều gió bay. Lòng tôi bình lặng như nước sông, không thấy sóng gió, không thấy lao đao như khi ngồi bên Phong. Yên bình, chỉ thấy một sự yên bình và lặng lẽ. Cuộc đời Thịnh cũng yên bình hơn đời gian nan của Phong. Tôi cảm nhận lòng mình, tôi không dám nhìn tôi khi ngồi bên Thịnh. Khoảng cách nào xa xăm mà lòng mình nghìn trùng cách biệt thế này hở anh?
Thịnh nói:
-Không nên đi xa quá em ạ, nguy hiểm mình vào thăm ngôi nhà mát của cụ ngày xưa Trang nhé. Hy vọng hôm nay vắng người để anh nói với em một chuyện.
Con đường tráng nhựa êm ái và xinh xắn. Ðường anh đưa em đi, len giữa lúa xanh, nhưng đường tình nào để chúng mình yêu nhau êm đềm như thế này. Lúa non lăn lăn chạy xa tít, núi đồi thoai thoải ngã mình dưới bóng mây. Tôi đợi tôi xôn xao, tôi mong chờ cảm giác lao đao, tôi mong tim tôi đập và hồn chất ngất tình si dại.
Yên bình, vẫn còn đầy một sự yên bình. Tôi không ngửi thấy mùi hương thơm đàn ông, tôi chưa cảm thấy mùi mồ hôi của Thịnh. Mênh mông quá, xa cách quá. Và tôi vẫn ngồi xa xao với Thịnh. Thịnh ngừng xe trước những mái nhà tranh, những cầu gỗ bắc trên lạnh nước, những hòn non bộ tượng trưng núi sông trong trí tưởng một sĩ phu thất chí. Thịnh nắm lấy tay tôi. Tôi để yên tay mình trong tay Thịnh, để xót xa thấy rằng lòng tôi vẫn phẳng lặng như mặt hồ mùa thu.
-Trang!
-Dạ.
-Ðừng dạ bởi vì tôi yêu em mất rồi, anh yêu em rồi Trang ơi.
Tôi khe khẽ thở dài, Thịnh tha thiết:
-Về Sàigòn mấy lần anh định viết thư cho em, nhưng anh dằn lòng, anh nhất định phải nói với em. Anh không ngờ rằng anh còn yêu được một người con gái Trang ạ. Anh tưởng tình yêu là một cái gì tàn lụi, đã khô cằn trong anh. Anh thấy nhớ em từng giờ, lạ ghê. Anh bồn chồn không yên, anh đi ra đi vào, anh yêu em, em tin không hả Trang?
Tôi gật đầu nhưng không nói, Thịnh vẫn say sưa:
-Anh lớn rồi, đã đến lúc phải sống cho anh. Chúng mình sẽ sống cho nhau, anh sẽ nói với mẹ nếu em bằng lòng. Anh tin là mẹ sẽ vui ghê lắm, mẹ đang chờ anh em ạ. Mẹ sẽ bằng lòng với một cô dâu ngoan như em. Trang, em nghĩ sao? Ðừng ngại, anh dư sức nuôi em học, nếu em thích. Không thì ở nhà đi ra đi vào đợi anh về.
Tôi bối rối:
-Ðừng nói nữa, em van anh…
Thịnh ngơ ngác:
-Sao vậy Trang?
Tôi lúng túng rút tay về:
-Trang, Trang sợ…
Thịnh đắm đuối:
-Anh làm gì đâu mà em sợ.
-Ðẹp ghê anh nhỉ, em mà có cái nhà như thế thì tuyệt quá.
-Nhà ông Cẩn không đẹp sao được. Ðừng nói chuyện đó, nói chuyện tình yêu đi em.
Tôi đi trên cầu gỗ, hồ nước lặng lờ, ruộng đồng xa xa. Tôi mơ mộng:
-Hình như đứng đây nghe được tiếng sóng vỗ ở Thuận An thầy nhỉ.
-Lại thầy nữa rồi, Trang khôn thật, nhắc khéo anh phải không?
Tôi cười bâng khuâng:
-Dạ đâu có.
Thịnh kể:
-Trang kín đáo quá, hay Trang không tin anh? Anh phải làm gì cho em tin đây?
-Dạ không phải Trang không tin thầy, điều bất ngờ quá. Trang không bao giờ nghĩ đến chuyện…
Thịnh kể lể:
-Anh cũng không ngờ anh, hơn ba chục tuổi đầu như anh còn có những ngày si tình như một cậu bé. Ðàn ông tuổi anh thường rất sợ lấy vợ, sợ trách nhiệm, nên yêu được em, anh nghĩ phải tính chuyện hôn nhân càng sớm càng tốt.
-Nhưng Trang học chưa xong, hơn nữa…
-Học Văn khoa mà lo gì cô bé? Ờ sao em không học Dược hay Y khoa cho khác nghề anh một chút?
-Trang không thích. Luật khoa hay Văn khoa có vẻ đại học hơn. Y Dược hạn chế nên hết tính chất đại học.
Thịnh tò mò:
-Lạ nhỉ, thế Văn khoa có vẻ đại học ở chỗ nào hở Trang?
-Ðại học có nghĩa là chọn lựa theo khả năng và ý thức của mình, vì vậy Trang nghĩ Văn khoa nhận mọi người vào học có nghĩa là theo đúng truyền thống đại học. Ði học với tâm trạng phục thầy mình vẫn dễ chịu hơn.
-Bộ mấy ông thầy bên Y khoa không đáng kính?
-Trang không biết, nhưng thấy họ hạn chế sinh viên vào học. Trang không hiểu tại sao, chắc chắn họ dư biết tinh thần đại học phải tự do và cởi mở. Họ hạn chế vì thiếu phương tiên. Trang không rõ, điều Trang thấy không thích những người dạy đại học đi sai ý nghĩa của đại học.
Tôi ngừng lại nhìn Thịnh có vẻ suy nghĩ rồi tiếp:
-Trang hỏi thầy nhé, giả thử mấy ông Văn khoa, Luật khoa cũng bắt sinh viên thi vào để hạn chế như mấy đại học kia thì những đứa nghèo như tụi em đành bỏ học à? Học gầy người mới đậu nổi cái bằng tú tài, rồi không có chỗ học theo đúng ý thích mình. Thầy không thấy tội nghiệp cho tụi em à? Người lớn như thầy sướng hơn tụi em nhiều, học bên Tây về nước dạy học tụi em đi học khổ trăm điều lo trăm chuyện.
Thịnh trìu mến:
-Trang có vẻ giận người lớn nhỉ?
-Chả dám đâu ạ, cuộc đời em nằm trong tay người lớn mà anh. Nhưng anh lảng chuyện rồi, anh trả lời câu hỏi của Trang đi chứ.
-Trang hỏi gì nhỉ?
Tôi dằn dỗi:
-Thôi, Trang không nói nữa, anh có thèm nghe đâu.
-Thôi cho anh xin, anh thèm nghe muốn chết chứ không thèm.
-Anh trả lời đi, bộ đi học cũng là quyền của một số người giàu thôi sao? Hễ nghèo thì không có quyền đi học đúng như sở thích mình nữa. Lỡ em có khiếu về y khoa mà nhà em nghèo thì sao?
Thịnh mỉm cười:
-Ðể anh làm tổng trưởng rồi anh trả lời cho em sau.
Tôi thở dài:
-Người lớn khôn quá, chỉ khổ tụi em thôi. Anh không trả lời thì em tự trả lời cho em vậy.
Thịnh tò mò:
-Nghĩa là sao…
-Trang biết tại sao họ hạn chế kiềm tỏa sinh viên rồi. Họ ích kỷ nói rõ hơn họ bảo vệ quyền lợi của con cháu họ, những ông bà bác sĩ, họ nghe theo sức mạnh đồng tiền. Văn hóa cũng có nghĩa là tiền. Nếu để tự do cho mọi từng lớp tiến lên, quyền lợi của họ bị san sẽ, dĩ nhiên họ thiệt thòi. Nếu mọi người được tự do học hành, những ngài tiến sĩ, ngài Thạc sĩ sẽ trở về với bản chất thật của họ, nghĩa là họ chẳng có gì hết. Huyền thoại sẽ không còn là huyền thoại. tất cả chỉ là con số không. Em thích những bậc thầy của em thật là thầy như Socrate chẳng hạn. Biết ai hơn ai? Sự hiểu biết cũng phải được chia sẽ. Em yêu một người con trai nghèo hơn thầy, nhưng biết mơ ước sự chia sẽ.
Thịnh giật mình:
-Trang nói sao? Trang có người yêu rồi?
Tôi bối rối đáng nhẽ tôi nên dấu Thịnh, tôi hết khôn ngoan rồi. Tôi gật đầu:
-Dạ. Trang yêu người ta thì đúng hơn, người ta không yêu Trang.
Thịnh bình thản:
-Người ấy không biết Trang yêu họ?
Tôi thẫn thờ:
-Anh ấy có vợ rồi.
Thịnh thẳng thắn:
-Như vậy anh có quyền hy vọng phải không Trang?
Tôi cảm động:
-Bộ thầy, thầy tính yêu Trang thật?
Thịnh kêu trời:
-Trời đất, Trang tưởng tôi đùa sao? Già đời như tôi còn đùa với tình yêu?
Tôi vân vê tà áo:
-Trang vừa nghèo vừa học dốt. Trang nghĩ một người danh vọng như anh, lại giàu có, anh không thể nhìn tới một đứa con gái như Trang. Trang vô cùng xúc động, nhưng..
-Nhưng sao?
-Trang không xứng đáng. Trang kính trọng thầy, ơ anh, nhưng Trang không dám với cao quá. Anh Thịnh hãy biết rằng Trang cảm kích tình an. Trang kính nể anh, anh tin không?
Thịnh lắc đầu:
-Trang trả lời vòng quanh rồi nhé.
Tôi cười nhẹ:
-Vì Trang sợ anh.
-Anh làm gì mà Trang sợ anh?
-Trang cũng không biết nữa, có lẽ vì lòng kính mến mà Trang đã dành cho anh.
Thịnh đắn đo:
-Anh muốn biết Trang có yêu anh không, thế thôi, những e ngại kia không đáng kể.
Tôi chớp mắt nhìn Thịnh. Một người con gái như tôi được một giáo sư yêu thương, còn gì để ngại ngần nữa đâu? Có thể nói đây là một dịp may cho tôi. Tôi không đủ can đảm lắm đâu. Không bao giờ tôi đủ can đảm, bởi đàn bà ai cũng ham danh vọng, ham địa vị và ham tiền. Thịnh sẽ cho tôi những thứ đó. Tôi diễm phúc thế này sao? Nhưng còn Phong? Còn tình yêu đằm thắm mà tôi đã dâng cho chàng?
Tôi không can đảm từ chối tình yêu của Thịnh, nhưng tôi không cảm thấy xôn xao mê đắm khi ngồi bên Thịnh. Lòng tôi êm ả quá, bình lặng quá.Thịnh hỏi:
-Em nghĩ gì đó? Sao không trả lời cho anh.
Thịnh vụt nắm lấy tay tôi. Chàng bóp nhẹ nhẹ những ngón tay gầy của tôi. Mắt chàng tìm mắt tôi, nhưng tôi trốn. Cảm xúc đã bay theo với Phong rồi. Chỉ mình chàng làm tôi run rẩy, làm tôi ngất ngây. Tôi không nghĩ đến Thịnh. Tôi không nhìn thấy Thịnh, tôi khép hai bờ mi buồn để nhớ Phong xót xa. Tay tôi nắm với tay Thịnh, nhưng hồn tôi lao đao nhớ người. Tội nghiệp cho tôi, và cũng tội nghiệp cho Thịnh.
Tôi hèn thật, tôi tồi tệ thật, sao không lắc đầu sao không từ chối dứt khoát rằng em không yêu anh. Suốt đời có lẽ em chỉ yêu một người ấy. Rồi mình cũng gian dối với tình yêu như ai. Mình không yêu nhưng vẫn muốn yêu. Tôi hổ thẹn nên cúi đầu xuống. Ðôi mắt Thịnh thẳng thắn qua, so với chàng tôi thật nhơ bẩn. Cuối cùng chỉ vì bằng cấp của Thịnh vì điạ vị của Thịnh nên tôi để nguyên tay tôi trong tay chàng? Tình yêu không còn nữa. Không còn tình yêu thì mọi sự mặc màu sắc khác không cao quí nữa.
Tôi quay đi, tôi không dám nhìn Thịnh. Thịnh buồn bã:
-Em khó hiểu quá Trang ạ. Ðừng làm em buồn.
Tôi rưng rưng nước mắt:
-Mình về đi anh.
Thịnh đắm đuối:
-Anh thích ngồi bên em suốt ngày và suốt đời.
Tôi thở dài:
-Thú thật. Trang bị cái địa vị anh làm choáng người làm ngợp mắt. Nếu Trang có gật đầu thì anh hãy hiểu rằng chỉ vì anh là giáo sư. Anh nên khinh Trang hơn là yêu Trang anh ạ. Gia đình Trang nghèo, lấy anh là yên một bề, trúng số lớn, trúng số suốt đời, làm sao Trang đủ can đảm từ chối hở anh?
Thịnh suy tư:
-Em thẳng thắn lắm anh phục em. Trang, ước gì anh có một người vợ như em. Bởi đã nói như vậy em sẽ không bao giờ lừa dối anh.
Tôi lắc đầu:
-Không anh lầm rồi, em tầm thường lắm, em ham tiền ham địa vị của anh nên mới trèo lên xe đi chơi với anh, những người con trai khác rủ được em đi thật khó lắm chỉ vì họ không phải là giáo sư, một giáo sư đại học như anh.
Thịnh thở dài:
-Anh cấm em nói như thế nữa, anh cũng là người như em, anh có dịp nên học được. Không có gì tài giỏi cả, em vừa nói những ngài tiến sĩ những ngài thạc sĩ thật sự là những con số không kia mà. Trước mặt thượng đế ai cũng như nhau.
Tôi cười buồn:
-Ðó là em lý luận, đứng trước mặt Thượng Ðế ai cũng như nhau, nhưng trước mặt đàn bà thì không như nhau, đàn bà vẫn sợ người giàu, người có quyền.
Thịnh dìu tôi đứng lên:
-Thôi không nói nhảm nữa, rồi em sẽ yêu anh, mặc cảm kia sẽ biết mất.
Tôi lẩm bẩm:
-Mặc cảm, có lẽ anh nói đúng, em mặc cảm không yêu người khác được. Em mặc cảm nếu em yêu anh là yêu địa vị và bằng cấp của anh, rồi em tưởng em như vậy thật, phải không anh?
Thịnh âu yếm:
-Ðúng rồi, hết mặc cảm em sẽ yêu anh để rồi em coi anh tầm thường như mọi người, nhất là khi yêu.
-Nghĩa là sao?
-Khi yêu anh cũng sợ mất người yêu, cũng ham muốn người đó là của riêng mình, cũng ghen tương, cũng bồn chồn tương tư như ai vậy.
-Anh cũng tương tư như em, ghen ghét thù hằn như em?
-Chứ sao? Bộ em nghĩ anh sẽ yêu em khác người khác?
Thịnh nhìn ra xa:
-Tình yêu lạ lùng lắm em ơi, một vị vua khi yêu sung sướng như thế nào thì người ăn mày cũng sung sướng ý như thế? Họ cũng âu yếm nhau cũng vuốt ve cũng giao hợp y như một ông vua, một ông tổng thống.
Tôi hơi đỏ mặt nên vờ không nghe, Thịnh cười:
-Em buồn cười thật, anh mới là thầy mà em la hoảng làm anh cũng hoảng theo, anh tưởng anh là một ông vua kia chứ. Nhìn anh đi cưng, anh bình thường lắm mà em.
Tôi cảm động:
-Cám ơn anh.
Thịnh ngạc nhiên:
-Sao lại cám ơn, cám ơn cái gì?
-Cám ơn tình yêu của anh.
-Tình yêu mà em cám ơn thì em giết anh rồi.
Tôi mơ mộng:
-Khi yêu, người yêu trở thành một vị vua trên ngai cao thật anh ạ.
-Với em anh thành một ông vua chưa?
Tôi không dám trả lời mà tôi đòi về, Thịnh thở dài:
-Em sợ anh phải không?
Tôi bối rối:
-Không phải sợ, nhưng đi chơi lâu quá rồi, sợ nhà mong…
Tôi sợ Phong thì đúng hơn. Tôi sợ Phong về không thấy tôi chàng sẽ cằn nhằn sẽ nghi ngờ. Tôi ngu si thật, người ta có vợ sờ rờ ra đó, mà tôi vẫn sợ người ta như một người vợ sợ chồng. Phong và giọng nói hùng biện khi đứng trước đám đông. Giọng nói khi vang cao như chiêng đồng, khi trầm trầm như sóng vỗ khi nhẹ như hơi thở, khi thiết tha, khi lạnh lùng. Tôi yêu chàng. Tôi yêu hình ảnh chàng khi đứng trước đám đông. Tôi yêu những giọt mồ hôi nhiệt thành của chàng khi gào than tình tự dân tộc, khi thương xót vận nước điêu linh. Tình yêu tôi dành cho chàng lẫn với tìnhy yêu quê hương, lẫn với nỗi ngậm ngùi xót xa của kẻ làm người bị áp bức. Mỗi lần một hình ảnh xót xa nào chợt hiện ra, một người đàn bà già còm cõi gánh bún đi bán, một đứa bé ốm o gầy còm. Lòng tôi lại nhói đâu và lại thiết tha yêu chàng. Tình yêu ẩn tan trong quê hương, nét đẹp của chàng đã tượng trưng cho quê hương tôi. Màu da ngăm ngăm đen, sóng mũi đông phương, đôi mắt đông phương sâu sắc, nụ cười vừa ngạo mạn vừa xót xa. Dáng dấp bình dị, nhỏ thôi nhưng rắn rỏi.
Bạn bè chúng tôi yêu những người đàn ông có nét đẹp Tây Phương, mũi cao, mắt to mơ mộng như tài tử Mỹ này, như tài tử Pháp kia. Bô trai cao lớn như Mỹ. Tôi trái lại, tôi yêu vẻ đẹp người đàn ông Việt Nam bởi gần gũi hơn, bởi thân thiết hơn. Từ thuở nào đã rất xa xôi, tôi lớn lên giữa những người đó. Lịch sử tôi học, thấy cô cũng nói về những người đó. Bây giờ tôi yêu chàng, như yêu thương hình ảnh bố tôi. Người đã đi xa từ khi tôi còn chưa ra đời. người đã đi xa nhưng vẫn dạy tôi biết một tình yêu. Tình yêu lẫn với tình tự quê hương. Bởi mổi lần nghĩ đến bố, tôi nghĩ đến cuộc đời gian nan của bố, lênh đênh trên giòng sông không mang tên, lặn lội trong một khu rừng. Ðể làm gì, nếu không phải vì bố quá yêu thương này?
Nhưng khi chàng về nhà sống và yêu người đàn bà đó, hình như tôi thất vọng. Tôi thất vọng nhưng tôi vẫn yêu, bởi hình ảnh chàng in sâu và tâm trí đã quá đẹp.
Thịnh kêu lên:
-Trang, em nghĩ gì đó? Nếu anh biết được ý nghĩ của em nhỉ?
Tôi gượng cười:
-Anh sẽ không yêu được em nữa.
Thịnh gật gù:
-Em sẽ cướp nghề anh mất Trang ạ, em sẽ thành triết gia đại tài.
Tôi cười, Thịnh cũng cười:
-Về đi anh, trễ quá rồi.
Thịnh miễn cưỡng:
-Thôi được, anh đưa em về.
Buổi chiều phủ dáng đẹp đầy hai bên con đường. Mặt trời rực rỡ ánh vàng phía trời tây, thứ màu vàng huyền hoặc đẹp như Thiên đàng trong trí tưởng. Bên kia khung trời vàng rỡ đó. Bên kia đỉnh núi đã nhuộm vàng, phải chăng là chốn thiên thai?
Tôi ngất ngây nhìn. Hình như mắt tôi cũng vành như mặt trời phương Tây, hình như tóc tôi cũng vàng như mây đỉnh núi. Ðồng lúa reo vui, dòng sông nhỏ lững lờ trôi đi, Làng mạc êm ả, với tre xanh, với những thân cau gầy vươn lên chân mây. Mùi thơm naò lảng vảng mơ hồ như mùa lúa chín, như mùi trái ngọt, như mùi tóc ướp trong hoa bưởi, ướp trong lá sả nồng nàn. Luỹ tre xanh, ruộng lúa trổ bông con gái, vườn cây và mặt trời.
Thèm thanh bình biết bao. Thèm đi với bố, với Phong khắp nơi trên quê hương mình. Thèm dẫn Phong về làng Phương Quan, huyện Thanh Miện, quê của bố, về làng Ngọc Hà của mẹ, với những người con gái suốt ngày lo gánh hoa. Quê tôi đó, nơi đã nuôi dưỡng cha tôi mẹ tôi mà tôi không được về. Không bao giờ đời cho tôi biết mặt quê cha tôi. Ngăn cách vời vợi, xa xôi ngàn trùng. Tôi chỉ nghe kể, tôi chỉ biết que cha làng mẹ qua môi mẹ kể, qua nỗi ngậm ngùi nhớ mong của mẹ của anh. Và hình ảnh bố bên kia giòng sông đó. Bố đẹp như một huyền thoại và Phong, chàng uy linh như một thần linh bên cạnh bố. Chàng là hiện thân của bố cho tôi kính yêu, cho tôi say đắm.
Thành phố hiện ra với những ngôi nhà ngói đỏ sậm, với hàng đậu bằng cây cắt tỉa đều đặn và xinh xinh. Những lối đi lát gạch nhỏ nhoi hiền hoà. Giòng sông đựng dáng trời vàng, lung linh chiếu sáng, mặt nước lăn tăn như dát vàng. Tôi ngước mặt nhìn lên cao, trời đẹp quá, màu vàng này biết tìm ở đâu? Hoàng hôn là một giải mây màu tim trên cao đó? Màu tím thì thầm như tình yêu của người con gái đoan trang, hay hoàng hôn là mặt trời thu hết sắc vàng tuyệt diệu nhất đằng xa, nơi gọi một cuộc tình phêi lưu. Yêu Phong là phiêu lưu, tương tư Phong là trời tím ngắt. Còn Thịnh, Thịnh là khung trời xanh hiền, là mây êm đềm là mây êm đềm là võng hè đong đưa, là chiếc nôi tình ái màu hồng. tôi không có những ngón tay tài hoa của một hoạ sĩ, để ghi lại màu vàng của buổi chiều hôm nay, tôi thật dở, chỉ biết nhìn và tầm thường mơ ước một chiếc áo vàng như thế. Rất nhiều lần tôi mơ ước áo vàng như tôi đang đợi, như đang ngóng chờ tình yêu.
Thịnh trầm giọng, hình như chàng buồn:
-Ngồi bên anh mà em nghĩ đâu đâu không à.
Tôi nhoẻn miệng cười. Tôi nghiệm thấy mỗi lần anh chàng giận nhoẻn cười là xong hết.
-Trang thích có một chiếc áo vàng mỏng như mặt trời màu vàng kia kìa anh.
Thịnh triết lý:
-Những cô thích màu vàng nhiều tham vọng lắm.
Tôi bâng khuâng:
-Trang đang bắt đầu thích màu xanh, thích màu xanh đời bớt gian nan hơn.
-Anh thích màu trắng, màu trắng tượng trưng cho sự trong sạch, cũng như anh thích những người con gái có đôi mắt trong sáng. Mắt bắt đầu đục mờ khi người ta bắt đầu hụp lặn, em để ý coi những cô gái trót mất cuộc đời có thể họ đẹp hơn em, quyến rũ hơn em nhưng mắt họ không trong sáng nữa, mắt người ta, theo ý anh có ba loại: gian dối, buồn bã và trong sáng tin tưởng.
Tôi đùa:
-Anh đi làm thầy tướng được đó.
-Ðúng, anh mê xem tướng người lắm, mỗi người một vẽ và bí mật không cùng. Không khoa học nào thú vị hơn khoa học về con người. Tôn giáo triết lý chẳng hạn, tôn giáo cũng khởi đầu từ một học thuyết về con người.
Tôi dò hỏi:
-Anh đạo phật phải không?
-Không, anh giống em, anh đi nhà thờ. Hết trở ngại, hết lo chưa cô bé?
Tôi cười nhẹ:
-Làm sao biết trước những gì chưa đến. Em là một cô gái nghèo, cha mất tích trong cuộc kháng chiến, mẹ em lại nghèo, chắc gì cha mẹ anh bằng lòng các cụ bao giờ cũng mong con mình lập gia đình với những người giàu sang và có thế lực. Em thấy các cụ cũng có lý anh ạ. Em không dám với cao, với cao ngã đau lắm lại bị người đời cười mình ngu.
-Người như em còn sợ người cười cơ à?
-Sợ chứ, em là đàn bà mà anh.
Tôi giật mình kêu khẽ:
-Í chết, cho em xuống đây đi anh, nhỡ nhà thấy kỳ lắm.
-Anh đưa em về tận nhà không được sao? Mình đàng hoàng mà em.
Tôi bối rối:
-Thôi anh ạ, em ngại lắm.
Tôi rủa thầm mình. Nếu Thịnh biết tôi ngại Phong bắt gặp, Thịnh có yêu tôi nữa không? Mình tham lam quá, bao nhiêu đàn ông cũng không vừa lòng. Anh bảo mắt em trong sáng mà sao em gian dối thế này? Vậy là tài coi tướng của Thịnh sai bét. Tôi nói khẽ:
-Ðừng nhìn em như thế, mắt em bắt đầu đục ngầu rồi phải không?
Thịnh lắc đầu:
-Má em hồng quá, anh lại bắt đầu nhớ em rồi Trang ơi, nằm một mình buồn quá Trang ơi, chịu không nổi Trang ơi.
Tôi tinh nghịch:
-Anh gọi ba lần Trang ơi rồi đấy, bộ tính bắt em thật hở anh?
Thịnh buồn bã:
-Trang, em ác lắm nghe không?
Tôi thẫn thờ:
-Có một lần em cũng nói như anh.
Thịnh lắc đầu:
-Không nói chuyện người, nói chuyện của mình thôi.
Tôi dịu dàng:
-Trang về nhé.
Thịnh hỏi:
-Bao giờ gặp lại Trang?
Tôi do dự:
-Dạ, để xem đã.
-Chiều mai anh chờ Trang ở đây nghe.
Tôi lắc đầu:
-Í không được đâu, nhỡ Trang kẹt thì sao?
-Anh cứ chờ.
Tôi doạ:
-Coi chừng sinh viên thấy thầy chờ trò thì nguy lắm.
Thịnh bướng bỉnh nhún vai:
-Chả sao hết, sinh viên biết thông cảm rồi, học trò thất lục gì mà ngại. Bộ Thầy không có quyền yêu?
Tôi ngại gặp Phong, nên vội vã:
-Trang về anh nhé.
Thịnh ngồi nhìn theo tôi, áo bay vờn trong gió nắng chiều soi nghiêng dòng tóc rối, đôi chân đầy bụi của đường xa, tôi cúi xuống mà đi vừa đi vừa nhìn hai chân mình.
Vẫn chưa thấy chàng về. Chiếc xe đầy bụi đất vắng bóng. Tôi uể oải lên lầu, chị Nhơn vô tình:
-Em đi học về hở, có thấy tin tức gì không? Tình hình có vẻ căng thẳng rồi, mấy hôm nay không thấy Phong ghé về nhà, cả….thầy nữa.
Tôi nôn nóng hỏi:
-Thầy làm sao hở chị?
-Chị không gặp, nghe nói thầy bị đau nặng, lo lắng nhiều quá càng ngày Thầy càng gầy đi.
Tôi bâng khuâng:
-Sức mạnh tinh thần mới đáng kể, tinh thần Thầy như núi cao biển rộng, bị nhốt trong thân xác ấy đau là phải.
Chị Nhơn thở dài:
-Nói vậy chứ chị vẫn lo lo. Thầy là linh hồn của phong trào.
Tôi ngắt lời chị:
-Chị yên tâm đi, Thầy lao tâm đó, không việc gì đâu, hơn nữa bây giờ Thầy trở thành một huyền thoại rồi, người ta phủ quanh Thầy những huyền thoại.
Chị Nhơn hơi giận:
-Nghĩa là em nói Thầy…ờ dù răng đi nữa em cũng là người ngoài.
Tôi cười:
-Chị lầm rồi, em không nói với ý đó, em muốn nói rằng ở nước mình muốn trở thành lãnh tụ phải biết tạo cho mình những huyền thoại. Tốt chứ đâu có xấu. Riêng em, em không bao giờ phân biệt tôn giáo cả, với em giá trị của chính một người mới là điều quí. Buồn ghê, đến chị mà không hiểu em nữa sao?
Chị Nhơn dịu dàng:
-Chị lo quá, nên… chị hiểu em chứ, chị hiểu em yêu….nên…
Tôi hồng hai má:
-Thôi cho em xin, người ta không yêu em đâu, đừng nhắc đến thêm buồn.
Chị Nhơn cười:
-Ðừng lo tình đùa ấy mà, bộ thật đâu mà lo.
-Như thế nào mới thật? Như rứa là chết em rồi, còn chi nữa.
-Thì khi nào hỏi cưới đàng hoàng kia.
Tôi dò dẫm:
-Thấy mấy đứa em của anh Phong cũng qúi chị ấy lắm mà.
Chị Nhơn nhún vai:
-Tụi nó còn bé biết gì mà chẳng qúi, cho nó tiền thì nó tưởng là thương nó, tiền của Phong chứ của ai vào đó nữa, cái thằng Phong cũng khôn dàn trời, chuyên môn dúi tiền để cô ta cho em mình không à?
Tôi gượng cười:
-Chuyện, anh Phong mà không khôn thì ai khôn.
Tôi chưa hết chuyện để nói với chị Nhơn, con Thẻo đã hốt hoảng chạy lên lập cập nói:
-Thưa bà có khách, người ta đòi gặp riêng bà.
Chị Nhơn tái mặt. Tôi hấp tấp hỏi:
-Ai, chuyện gì? Phải bạn anh Phong không?
Thẻo lắc đầu:
-Lạ hoắc.
-Em xuống với chị.
-Không được, người ta đòi gặp một mình chị.
-Chị đừng đi theo họ nghe, nhỡ…
-Làm như chị là con nít không bằng.
Tôi bồi hồi trên lầu chờ đời, Phong biệt tăm năm ngày rồi, Chuyện gì đã xảy ra cho chàng? Thành phố đầy rẫy những cơn sóng ngầm. Người ta không thể biết trước những gì xảy ra nơi đây? Có thể là đàn áp, có thể là thanh trừng trong bóng tối. Sau cách mạng máu không bao giờ ngừng chảy. Mọi sự đang bấp bênh, đang cheo leo lưng chừng vực đá. Phong lao vaò cuộc như cả một triều đại tưởng chừng ngày năm đứng vững. Nhưng liệu cơn bão lốc có buông tha chàng? Chàng trổi dậy nổi không, để đứng lên trong bão táp, để đừng bị nhận chìm ngay trong chiến thắng của chàng?
Tôi yêu chàng, bởi chàng mang dáng dấp quê hương tôi. Tình yêu tự nó chuyên chở quá nhiều ước muốn và vì chàng, tôi cùng lao vào cơn bão. Bây giờ tôi bồn chồn rình chờ tai biến. Có ai đợi chờ tai biến như tôi không?
Chị Nhơn nghiêm trọng đi thẳng vào phòng, tôi đón chị lại lo âu hỏi:
-Chuyện gì đó chị? Anh Phong đâu? Có tin gì về anh ấy không?
Chị Nhơn lắc đầu:
-Em nên ở nhà chị không nói thêm được nữa. Em ra đây để học, không phải để tham dự vaò đời Phong.
Tôi năn nỉ:
-Cho em biết anh ấy ở đâu thôi, liệu có việc gì không chị?
Chị Nhơn lắc đầu:
-Không ai trả lời nổi câu hỏi của em, thôi vào nghỉ đi, chị mệt không ăn cơm đâu, xuống bảo Thẻo dọn cơm cho ăn rồi đi ngủ.
Tôi đành xuống nhà ngồi ăn một mình cho qua bữa. Buổi chiều biến tan. Ðêm tối đậm đặc. Một mình trên cao nhìn xuống giòng sông. Thấy phiến trời lấy láy ngàn sao, thấy những đốm đèn dầu leo lắt trôi trên sông, để lòng mình nặng như đeo đá, buồn giận cho nhiều, cuối cùng vẫn xót xa hiểu rằng sinh mệnh của chàng là tất cả đời mình. Vẫn biết vợ chàng còn đó, vẫn biết rằng chàng không bao giờ dám yêu mình. Tình yêu vẫn còn đó, có đó như định mệnh của mình, người ta không thể chối từ định mệnh, nên cũng không thể chối từ tình yêu.
Tôi chăm chăm nhìn chiếc hình bán thân của nàng. Nụ cười đa tình, đôi mắt lá răm dài khoé đam mê. Tôi không buồn úp nó xuống nữa, nhưng tôi nhìn, định mệnh của tôi đau đớn thêm vì nàng. Nàng đẹp quá, mi thua trận giặc tình rồi Trang ơi. Mi nên yêu Thịnh, nên lấy Thịnh làm chồng. Tình yêu là gì? Và tại sao phải yêu chàng? Ðời thiếu gì đàn ông cho mi yêu thương? tốt hơn hết đừng yêu? Đi vào tình yêu là đi vào vùng giông bão đầy rẫy gian nan, đầy rẫy buồn phiền.
Nhưng mà trời ơi, những quyển truyện tình đầy tủ sách của tôi để đi đâu? Tình yêu đẹp đẽ thơ mộng ngút trời. Tình yêu là thiên thai, là suối mát, là rừng xanh. Chả lẽ suốt đời tôi, tôi không được biết tình yêu là gì? Ngọt ngào hay đắng cay? Rồi tôi cũng lấy chồng như mọi người đàn bà khác, cũng đẻ cho chồng năm mười đứa con, cuối cùng già đời nhắm mắt và buông xuôi hai tay, giây phút cuối sẽ ngậm nụ cười mà thương cho mình, bởi sinh ta làm người khổ cực trăm chiều, gian nan ngàn chuyện, để không biết hôn người mình yêu và ngủ với chồng khác nhau thế nào? Sẽ lạnh từ chân lên bụng, lên ngực và hai tay. Sống như gục đầu giả dối với chính mình, giả vờ yêu chồng là gian dối với chính mình, trước khi gian dối với chồng.
Tiếng súng từ xa xa vọng về buồn nản và thân quen, Có nơi nào người ta thân quen với tiếng súng như quê hương tôi không? Thảm thật, người ta quen với thanh bình với nhạc tình, với tiện nghi, nơi đây mình quen với tiếng đại bác, mình quen với sự chết, với chia ly. Nơi đây một nhà sáu đứa con trai mà còn nguyên vẹn cả sáu thì lạ nhất nước rồi. Nơi đây phải chết, phải để tang, phải khóc lóc với kêu thương, phải bỏ nhà bỏ đất ra đi mới là bình thường như mọi người cùng chung giòng máu. Con trai ông du học cả lũ, con gái ông không ai goá chồng, chắc chắn ông là người vong bản, bán dần nước tôi. Ðời có người nào mỉa mai độc hơn tôi, dị hợm hơn tôi nữa không?
Tôi chờ một người không phải là người yêu của tôi. Tôi căng mắt ngó đình màn trắng. Thần kinh mình thật tệ, chút chút thôi là mất ngủ cả đêm. Ước gì mát da mát thịt như chị Lan Chị. Nằm xuống năm phút là ngủ liền, mình nghĩ gì cứ triền miên theo nó, miệt mài theo nó, cuối cùng mảnh mai như người xưa, đàn ông thấy mình hết dám hôn, hôn một cái sụt năm ký thành cây khô thì lúa một đời.
|
|
|