Cô Xuyến tuy là con nhà nghèo- hèn côi- cúc, phải lăn- lóc theo đời mà sống giữa đau- khổ cần- lao, song tạo- hóa cắc- cớ khi cô sanh lại gắn cho cô một tâm hồn đa- sầu, đa- cảm, sầu về số phận bần- hàn, cảm những tình yêu nồng- nhiệt. Chừng lớn lên, được tiếp- xúc với đời, tâm hồn ấy càng thêm bồng- bột, nằm đêm cô thầm ước mong có được một người chồng là bạn tri- âm, người bạn thân yêu tâm đồng tâm, ý hiệp ý, để siết tay sát cánh mà đi cùng nhau trên đường đời, chia sớt ngọt bùi, chung nuốt cay đắng, miễn vợ chồng khắn- khít thương nhau, dầu ăn cơm với muối, ở trong lều tranh cũng vui lòng phỉ chí.
Khi bà dì định gả cô cho Túc, cô tưởng cảnh vui của cô chờ đợi đã lù- đù hiện ra mà tiếp rước cô. Nào dè Túc là một anh thợ máy cũng như muôn ngàn anh thợ máy khác, cũng ăn, cũng ngủ, cũng vui, cũng buồn, mà không phải người bạn tri- âm theo trí cô tưởng- tượng. Túc chỉ là một người chồng, nghĩa là một người chủ trong nhà, có đủ các quyền mà sai- khiến, rầy- la, nộ- nạt đánh chửi cô, lại cũng có quyền xử- dụng thân- thể cô, ép buộc trí- não cô, dầu muốn dầu không, cô cũng phải vâng chịu, chớ không được phép trả- treo chống- cự.
Trót 11 năm trường, cô Xuyến sống chung với một người chồng đã có sanh được một đứa con, nhưng mà chẳng bao giờ cô được thấy chồng chia sớt chút ngọt bùi nào cho cô, chỉ bắt cô ngày nào cũng nuốt những đắng cay gay- gắt. Chẳng bao giờ cô được nghe chồng nói với cô một lời nào mà tỏ bày tình nghĩa, hay là hàm- súc thân yêu. Mà mấy năm sau nầy người chồng còn sanh tật say- sưa, làm cho nổi đau khổ của cô chồng- chất đã nhiều rồi mà cứ thêm hoài hằng bữa.
Ðùng một cái, đống đau khổ tan rã!
Quen manh xiềng- xích trót mười năm, tình cờ được thong thả, nhẹ- nhàng mà cô Xuyến còn bợ- ngợ nên ngơ- ngáo chưa biét còn buồn hay là được vui, chưa thấy đường lối nào mà bước tới. Ðứng trước cảnh đời, mới vừa nở ra tiếp rước cô, nhưng vì còn ngán cảnh đời cũ, nên cô nhút- nhát không dám mạnh bước đi vào, cũng không còn nghịlực mà hy- vọng hạnh- phúc nữa.
Thời may cô Xuyến gặp chàng Giao, cũng là thợ máy như Hai Túc, nhưng chàng trẽ tuổ, chưa mang tật nào, giống như Túc khi mới cưới cô vậy.
Giao là trai mới 20 mươi tuổi, trí còn non, máu đương nóng, đầy đủ sức khỏe, chưa biết ái tình. Ai xuôi khiến Giao lại yêu Xuyến là một đóa hoa thuở nay ở dựa rào không ai ngó tới, nên khô héo sắp tàn nay mai. Giao yêu mà thiệt- thà nên nói ngay ra không thèm môi miếng. Chàng lại can đãm nên cứng- cỏi, xin thay cho Túc mà tạo hạnh- phúc cho Xuyến hưởng, để bù trừ những nổi đau khổ trong khoảng đời vừa mới qua.
Thuở nay Xuyến khao- khát những lời tình nghĩa mà chưa hề được nghe. Ðến 31 tuổi rồi, đã có một đời chồng, lại có đứa con tới 7 tuổi, Xuyến lại gặp bạn tri- âm hiểu biết nỗi khổ của cô. Xuyến ngạc- nhiên, không biết sự có thiệt hay là lời phỉnh- phờ, hay là giấc mơ- mộng.
Xuyến gan lại thì quả là sự thiệt. Nhưng cô cũng chưa dám mừng. Cô khuyên Giao phải suy nghĩ lại, phải dọ xét tình yêu cho châu- đáo, cô cũng xin để cho cô hỏi lại lòng của cô, nhứt là cô phải ngó kỹ cảnh tương- lai coi sự tuổi- tác bất đồng nó có thể tạo hạnh- phúc mà chung hưởng với nhau, hay là nó gây ra những đau khổ khác.
Té ra thái- độ cương- quyết của Giao tiếp theo tình âu- yếm thiết- tha, lời thề- thốt nặng- nề, và cách khinh- rẽ tiếng thị- phi của thiên- hạ, các điều đó hiệp nhau mà phá vỡ tan những lo- ngại của Xuyến, làm cho cô lớn tuổi nên sáng- suốt và dè- dặt, mà cảm- xúc đến nỗi bó tay để cho lửa tình của Giao tràn- lan cháy luôn qua gan ruột của cô rồi tình đồng tình, nghĩa cảm nghĩa, cả hai khối ái- tình đều nồng nhiệt như nhau mới gây cuộc vợ chồng say- sưa đầm- ấm, mê- mết thân- yêu, không cần thị- phi, không cần tuổi- tác.
Từ khi dọn qua ở chung với nhau trong đường hẻm sau trường học Cầu Kho, vợ chồng Giao với Xuyến vui sống với chuổi ngày luôn luôn êm- ấm, tươi cười, tràn ngập tình yêu, nực- nồng đạo- nghĩa. Giao mê- mết ái- tình, nên không thấy tuổi bất đồng, chắc rằng hạnh- phúc cuả mình không có hạnh- phúc nào bì kịp, dầu cưới vợ tuổi mươi chín hay đôi mươi như mình, thì con vợ đó không thể gây hạnh- phúc cho mình hưởng như Xuyến vậy được. Còn Xuyến thuở nay khao- khát tình yêu, bây giờ cô đã gặp được rồi thì cô hớn- hở lo củng- cố hạnh- phúc tuyệt- vời trời phật ban cho cô lúc bóng đã xế, hoa sắp tàn. Cô ví phận cô chẳng khác nào một bụi cây thuở nay cứ khô héo nhờ Giao đoái tưởng nên tưới nước vun phân giùm mới đơm lá xanh tươi. Cô phải biết ơn Giao, phải lo đền- đáp ơn ấy, lo duy- trì chút nhan sắc còn sót, lo gìn- giữ tình yêu cho nồng -nàn, đặng Giao hưởng hạnh- phúc mà Giao mong muốn khi Giao đến dọ lòng tỏ ý.
Vì vậy nên được an vui, cả hai đều không nhàm, không chán. Giao thì lo trau giồi nghề- nghiệp đặng ăn lương cho nhiều để giúp cho gia- đình càng ngày càng thêm tốt đẹp, thêm thảnh thơi. Còn Xuyến thì lo bề nội- trợ cho vuông tròn, lo tiện- tặn cho có tiền dư mà sắm đồ- đạc trong nhà lần lần đặng chồng đi làm mệt hễ về tới nhà thì hưởng không- khí khoẻ- khoắn tốt tươi, thấy vợ đẹp vui lòng, thấy đồ tốt vừa ý, ăn đồ ăn ngon miệng, nằm chỗ nằm khỏe lưng. Chồng cứ lo cho vợ vui, vợ cứ lo cho chồng khỏe, chồng vợ nương nhau, lo cho nhau, tự- nhiên tình yêu không thể lợt phai, hạnh- phúc khó mà sụp đổ.
Cô Xuyến có tánh nhỏ- nhoi, vui- vẻ, nên ở được vài tháng cô làm quen hết với đàn- bà ở vùng nầy. Người ta biết cô là thợ may mới đưa đồ cho cô may thử. Thấy cô may khéo mà lại kỹ, ai cũng chịu nên lần lần cô có đồ may luôn luôn. Hồi đó máy may bán giá rẻ, cô Xuyến mua chịu một cái đặng may cho mau, mỗi thang góp cho người ta một số tiền, trong một năm thì dứt nợ, cô làm chủ cái máy. Còn hãng cưa thấy Giao siêng- năng, giỏi- giắn, lại tận- tụy với nghề, muốn cầm chưn Giao nên tăng lương lên mỗi tháng một trăm.
Chồng ăn lương lớn, lại vợ may mướn mỗi tháng có tiền thêm năm ba chục nữa, bây giờ tiền bạc phủ- phê, trong nhà đồ- đạc hực- hở chẳng khác gì nhà mấy thầy ở ngoài đường lớn. Nhờ nhà ở một bên có vô đèn khí, cô Xuyến òn- ỷ với vợ thầy ở gần nhà bên mà xin cho câu đặng ban đêm may cho tiện, thành- thử nhà của vợ chồng Giao cũng đốt đèn điện như ai.
Vợ chồng Giao ở nhà thì mặc quần hàng áo lụa và mang guốc luôn luôn. Giao đi làm thì mang giày Tây, mặc đồ Tây bằng bố xanh theo điệu thợ máy. Mà chiều thứ bảy dắt nhau đi ăn uống rồi coi hát thì vợ chồng với con Tý đều mặc đồ đàng- hoàng, không thua ai hết.
Con TÝ mỗi ngày lại trường Cầu Kho mà học, lần lần nó biết đọc biết viết, thêm vui cho mẹ cha nữa.
Cô Xuyến sợ già nên mỗi ngày chăm- nom trau- giồi trang điểm không dám loè- loẹt như gái nhỏ, chỉ rửa mặt sạch- sẽ, bới tóc vén khéo, làm cho tuổi của cô bớt chinh lịch với tuổi chồng.
Giao làm thợ máy tự- nhiên da nám tay chai. Xuyến lục- đục ở trong nhà lại mai chiều đều điểm- trang sắc- sảo. Vợ chồng chẳng hề nói chuyện nhà của mình cho ai biết, cũng không cho ai biết thiệt tuổi của mình làm chi. Con Tý vẫn kêu Giao bằng ba, cha con vui- vẻ trìu- mến nhau luôn luôn. Vì vậy nên anh chị trong xóm nghi Giao có vợ lớn tuổi hơn chồng chút đỉnh vậy thôi, không ai dè chồng nhỏ hơn vợ đến 11 tuổi và Tý là con ghẻ của Giao chớ không phải con ruột.
Vợ chồng Giao với Xuyến ăn ở cùng nhau trót mười hai năm, cchẳng những là nhà cửa đàng- hoàng, bạc tiền chời- chở, cả hai đều quên hết những chuyện thắc- mắc với những lời chê cười hồi còn ở bên xóm Ụ Tàu mà thôi, mà nhiều đêm vợ chồng vui sướng nằm rù- rì nói chuyện với nhau, lại còn khinh thiên- hạ dại khờ kết đôi bạn cứ lo bạc vàng ít nhiều, cứ kiếm tuổi- tác cho xứng, không thèm lựa đồng- chí đồng- tình, tâm- đầu ý- hiệp, mới tạo gia- đình hạnh- phúc như mình được.
Mà thiệt trót mười hai năm nay, mặc dầu tuổi- tác bất đòng, vợ chồng Giao với Xuyến nhiệt- thành yêu nhau đắm- đuối, chồng không làm cho vợ buồn, vợ cứ chăm nom làm cho chồng vui, nhờ vậy mà trên thuận dưới hòa, trong êm ngoài ấm, cả hai đều cảm- kích vì nghĩa, say- sưa vì tình, nghĩa càng ngày càng thêm nặng, tình càng bữa càng thêm sâu, mòi nảy- nở ê- hề hạnh- phúc trong gia đình cho chồng vợ an- hưởng.
Con Tý ham học, trí sáng, tánh siêng, hồi 14 tuổi đã thi đậu bằng tiểu- học dễ- dàng. Giao hết sức vui mừng, biểu vợ đừng sợ tốn hao, cho nó vào trường tư- thục tiếp theo lớp trung- học, đặng trong bốn năm nó thi lấy bằng thành- chung rồi xin làm nữ giáo- viên cho đời sống của nó ra khỏi vòng lao- động đặng tấm thân nó thảnh- thơi sung- sướng.
Vâng ý chồng, cô Xuyến kiềm thế cho con Tý học tiếp. Tý cố- gắng đêm ngày, mà cũng nhờ cha mẹ an- ủi chăm- nom nên khi được 19 tuổi nó thi đậu bằng thành- chung và được cấp bằng làm nữ giáo- viên dạy trường con gái tại tỉnh- lỵ Gò- Công.
Giao lấy làm đắc- chí, vì đã làm tròn lời hứa với Xuyến khi tha thiết xin phối- hiệp cùng nàng.
Cò Xuyến thầm nghĩ dầu Túc sống cho tới ngày nay, chưa chắc Túc lo cho con ăn học mà lập thân được như Giao vậy, bởi vậy cô xem nghĩa của Giao càng thêm nặng dày, nên cô quyết đem tất cả tình yêu nồng- nàn thành- thiệt của cô mà đền- đáp.
Vâng theo lời chồng dạy, cô Xuyến đưa Tý xuống Gò- Công, kiếm chổ tử- tế gởi con ăn ở mà dạy học, sắp- đạt đâu đó yên- ổn rồi cô mới trở về lo nuôi chồng.
Qua năm sau có một giáo viên tên Thành cũng có bằng thành- chung, lại có tập- sự một năm tại trường sư- phạm. Thầy dạy tại trường tỉnh Gò- Công thấy tánh- hạnh của cô Tý thầy vừa lòng, nên cậy mai lên nói với vợ chồng Giao mà xin cưới Tý. Giao biểu vợ xuống hỏi ý con và dọ tánh- tình của chàng rễ. Nghe hai trẻ xứng đôi vừa lứa lại hiệp ý đồng nghề, Giao mới đứng gã TÝ lấy chồng, làm đám cưới rỡ- ràng, gây cho cô Xuyến phải mang thêm cái nghiã nặng- nề nữa.
Xuyến khao- khát tình yêu thì mấy năm nay đã được thưởng- thức tình- yêu mỹ- mãn, Giao hứa ra tay làm nghĩa thương Xuyến như con, thì vẹn toàn. Từ đây vợ chồng đồng an vui với tình nghĩa ngỏa- nguê, mặc dầu ngày lại tháng qua, Xuyến với Giao cứ say- sưa mê- mẩn tình nghĩa nặng dày, tin chắc cảnh đời thương yêu êm- ấm nầy sẽ kéo dài cho đến khi nhắm mắt lìa trần, bởi vậy không cần phải lo ngại chi hết.
- o O o -
Bầu trời dầu thanh- bạch thế nào xa- xa cũng phải lấp- ló một vài cụm mây đen. Biển cả dầu im- lìm thế nào mặt nước cũng lăng nhăng dợn sóng.
Mảng say- sưa tình nghĩa, cô Xuyến cho tình yêu đưa- đẩy, nghĩa nặng dập- dồn. Cách vài năm sau Xuyến nhận thấy cặp mắt cô đã bắt đầu lờ- mờ, hàm răng cô đã lung- lay hết vài cái, chắc muốn rụng. Cô giựt mình nhớ lại, phận vợ chồng tuổi- tác bất đồng, cô mới lo. Ôi thôi rồi!Cảnh xuân sắp tàn!Ngày già đã đến!Rồi đây mới lấy chi mà nếu được tình yêu?Hạnh- phúc gia- đình sẽ tiêu- tan như cụm mây, sẽ bay mất theo ngọn gió!
Cô Xuyến ứa nướt mắt mà tính lại, thì năm nay cô đã 47 tuổi rồi, hình vóc đã ốm gầy, nhan- sắc đã phai- lợt. Chồng cô mới 36 tuổi, máu thịt dồi- dào, sức khỏe sung- túc. Hình vóc với nhan sắc nầy còn được người yêu như hồi mười lăm mười sáu năm trước nữa hay không?
Cũng như người té xuống sông gặp vật gì cũng phải níu cho khỏi chìm khỏi chết, cô Xuyến quyết kiếm thế cậy nhờ để duy- trì tình yêu của chồng, duy- trì được ngày nào hay ngày ấy. Cô lén chồng, đi mua một cặp mắt kiếng để lúc chồng đi làm việc thì cô mang kiếng cho tỏ mà may. Cô đi mướn nhổ mấy cái răng lung- lay muốn rụng và làm răng giả mà thế. Mà thay xong cái răng nầy rồi thì cái răng khác lung lay nữa, biết làm sao cho hai hàm răng cứng chắc tốt đẹp như xưa. Mà lại thêm mái tóc cũng bắt đầu điểm bạc nhiều chổ rồi nữa. Có chổ thì gỡ đầu bới tóc cô ém nó vô trong mà giấu được, còn có chổ chan- nhản ở ngoài cô không biết lấy chi mà che mắt người. Cô nghe người ta nói dùng thuốc mà nhuộm cho tóc đen được. Cô muốn làm thử, mà rồi cô nghĩ răng rụng thì làm răng giả mà thay thế được. Tóc bạc có thể dùng thuốc mà nhuộm cho đen được. Còn da đã dùn, làm sao cho nó mịn và láng;vóc đã ốm teo, làm sao trở lại phương- phi;nhan sắc đã lợt- phai, làm sao đem lại cái màu tốt tươi như hồi lúc xuân- xanh vậy được.
Cô Xuyến kiếm phương thế mà ngăn cản cái già trong mấy tháng, cô nhận thấy cô không đủ sức mà chống nổi. Cô phải đành co tay mà chịu thua, phú cho tuế- nguyệt định- đoạt phần số của cô. Khao- khát tình yêu, thì nhờ Giao mà cô được hưởng ngỏa- nguê tình yêu trót mười mấy năm rồi, không còn uất- ức gì nữa. Giao đã làm ơn cho cô nhiều lắm, đã giúp cho thưởng- thức tình yêu trong một khoảng đời rất dài, lại còn giúp cho tác- thành cho đứa con của cô nữa. Khi ưng làm vợ Giao cô vẫn biết sẽ có ngày già hôm nay. Vì Giao có thề- thốt sẽ trọn đời chung- thủy với cô, vậy thì cô phải bình- tỉnh mà đợi xem tương- lai, chẳng nên lo sợ. Ví dầu Giao có quên lời thệ- ước, chê cô già bỏ mà kiếm vợ trẻ đi nữa, ấy là lý tự- nhiên, cô không nên trách Giao bội nghĩa bạc tình, bởi vì cô đã tính cho đời cô hư- hỏng hoàn- toàn, may mà được sung- sướng, vui cười trót 16 năm đã nhiều lắm rồi, không còn ức hiếp gì mà phiền trách.
Trót mấy tháng trong đầu óc cô Xuyến bối- rối như tơ vò, nhưng hễchồng đi làm về thì cô bình tĩnh như thường, cứ chiều- chuồng vui cười, cứ lo miếng ăn giấc ngủ của chồng rất châu- đáo, không dám bê- trễ đạo làm vợ, cũng không dám lộ vẽ buồn rầu, không dám tỏ lời nghịch ý, sợ làm mặt buồn rồi chồng chán, sợ nói nghịch ý rồi chồng giận hờn, buồn hay giận là nguồn gốc của cuộc phân- ly, cũng như vui với yêu là cha sanh mẹ đẻ cuộc thuận- hòa, thân- ái.
Ngày qua tháng lại, tình của Giao đối vợ chưa có chi mà dám nói lãng- xao. Nhưng có bữa Giao nhìn vợ rồi sắc mặt dường như lững- lơ, Xuyến liếc thấy thì lạnh- lẽo cả thâm- tâm, nghi chồng đã ngán sắc cô lợt phai, thân cô tiều- tụy. Cô thắt- thẻo muốn làm vui mà làm không được, muốn khóc mà tỏ nổi khổ tâm cho chồng nghe thì sợ khai mạch sầu cho chồng rồi dục- thúc phân- ly thêm mau chớ không ít gì. Cô phải rán nuốt giọt lụy, chận mạch sầu, thầm vái Phật Trời kéo dài giùm hạnh- phúc cho cặp chồng trẽ vợ già, kéo được tới đâu cũng là ơn, chớ cô không dám nuôi tham- vọng duy- trì hạnh- phúc của cô cho tới ngày cô chết.
Cô Xuyến nghi không lầm. Nhìn vợ mà lơ lửng đó là cái ngòi chán- nản của Giao. Từ đó cử chỉ của Giao bắt đầu biến đổi. Có bữa đi làm việc trưa Giao không về ăn cơm, chiều về chàng nói một người bạn trong sở mời ăn cơm thình- lình chàng không về mà cho hay được. Có đêm chàng đi chơi mà không rủ vợ, đi tới 11, 12 giờ mới về, có nhiều chủ nhựt chàng đi mất cả ngày, nói anh em rủ đi Lái- Thiêu hoặc đi Thủ- Ðức.
Ngoài giờ làm việc mà chồng bỏ nhà đi chơi như vậy thì cô Xuyến ở nhà cô buồn tủi vô cùng, dầu ban đêm cô cũng không dám vô mùng mà nằm, sợ nằm rồi nhớ tới việc chồng chê già nên chồng bỏ thì càng buồn tủi thêm nhiều, cô phải kiếm đồ ngồi may đặng mắc chăm- chú về việc làm mà khuây- lãng. Có bữa cô thức tới một hai giờ khuya cô cũng thức. Mà khi chồng về kêu cửa thì cô vội- vả mở liền, lại vui- vẻ mừng chồng, không lộ sắc buồn, cũng không dám hỏi đi chơi chổ nào mà ở khuya dữ vậy.
Có lẽ nhờ vậy mà Giao không nở bỏ vợ, nấn- ná để dành cho vợ một chút tình yêu. Mà có lẽ cũng tại như vậy nên cô Xuyến tuy buồn- tủi song cô không dám than- phiền, nghĩ vì phận già dung- nhan đã suy- kém, mà chồng trẽ còn để lại cho một chút tình yêu, đó cũng đáng gọi là may lắm rồi, không nên tham- lam kêu đòi, mà làm cho chồng buồn rồi nó bỏ biệt, thì không còn một mảy tình yêu nào hết.
Cô Tý có chồng lật- đật đã hơn ai năm rồi. Cô sanh được một đứa con trai vừa mới năm tháng. Nhơn dịp bãi trường nghĩ hai tháng, vợ chồng cô quyết- định đem nhau ra Vũng- Tàu ở mười bữa mà hứng gió biển đặng dưởng sức khỏe. Nhưng chồng cô tính trước khi đi hứng gió thầy phải về Bạc- Liêu thăm cha mẹ vài bữa rồi sẽ đi;Ngặt em còn nhỏ quá, mà đường Bạc- Liêu thì xa, bởi vậy thầy sợ em nhỏ đi đường xa em bịnh, nên thầy định đem vợ con lên Saigon rồi gởi ở lại đó với cha mẹ vợ, thầy đi một mình về Bạc- Liêu thăm nhà, chừng thầy trở lên thầy sẽ rước đi Vũng- Tàu.
Gần mười giờ sớm mơi, cô Xuyến đương lúc- thúc ở sau bếp nấu cơm, cửa trước khép lại vặn chìa khóa. Thình- lình cô nghe có tiếng kêu: "Má ơi! Mở cửa cho con vô, má. Con về đây nè. "
Cô Xuyến ngồi lặt rau, cô nghe kêu, cô biết tiếng con. Cô buông mà đi ra trước. Thấy Tý tại cửa sổ, ngay chỗ cô để bàn máy mau, cô vui mừng hết sức, nên lật- đật vặn khóa mà mở bét hai cánh cửa ra.
Tý bồng con đi vô, vừa cười vừa hỏi: "Ba má đều mạnh- giỏi hết phải hôn má?
Cô Xuyến ừ rồi mắc mừng rể, là thầy giáo Thành, dở nón chào cô mà theo Tý bước vô, tay có xách một cái hoa- ly lớn và nặng, sau lưng có một con nhỏ giữ em, mặc áo bà- ba vải trắng, tuổi lối 15 hoặc 16, tay xách một cái giỏ đồ.
Cô Xuyến biểu đem đồ lại ván mà để. Cô đưa tay ẫm cháu ngoại mà hun. Cô Tý đứng nhìn mẹ với cặp mắt thân yêu mà hỏi: "Má có bịnh hay không mà con về chuyến nầy thấy má ốm dữ vậy?"
Nghe con hỏi, cô Xuyến cảm- xúc hết sức. Tuy tâm- sự tràn ngập trong lòng mấy năm nay cô không thể thổ- lộ ra được, song mẹ con mới gặp nhau mừng chưa hết, không phải lúc nói chuyện dài. Cô chỉ nói: "Già rồi, tự- nhiên phải ốm chớ có bịnh gì đâu con. "Cô nói dứt lời, cô đưa em cho con nhỏ giữ em bồng, cô biểu con rể thay đồ mà nghĩ, để cô vô lo cơm nước. Cô quày- quã đi vô bếp, Tý xách cái giỏ đi theo mẹ.
Cô Xuyến day lại nói với con: "Con thay đồ đi. Ðể má vo gạo mà đặt nồi cơm lên bếp rồi con coi chừng cho má đi mua đồ ăn thêm. Ở nhà có ba với má. Hồi sớm mơi má có mua chút đỉnh. Bây giờ có bây về nữa, má phải đi chợ mua đồ thêm mà ăn mới đủ chớ. "
Tý nói: "Khỏi mua má à. Hồi sáng ra xe đò mà xe chưa tới giờ chạy. Con đi lại chợ thấy họ bán cá biển tươi quá, con có mua hai con cá chim vàng đem lên cho má đây. Con cũng có mua một cân thịt quay với bánh hỏi, bánh nghệ, rau sống đủ hết. Ba ưa ăn bánh giá con cũng có mua bốn cái nữa. Thiếu gì đồ ăn mà phải đi chợ. "
Tý xuống bếp để cái giỏ trên ván mà lấy thịt cá, bánh rau ra. Cô Xuyến biểu con để đó cho cô, con đi thay đồ rồi sẽ xuống phụ với cô nấu nướng.
Cô Xuyến thấy hai con cá chim ngon quá, liệu phải kho nấu gấp kẻo nó ươn. Cô để thịt bánh trên ván, đem hai con cá ra khạp nước cạo rửa cho sạch, đặng chiên một con và một con kho mặn để dành ăn buổi chiều.
Tý thay đồ, mặc áo vắn xuống bếp lấy mấy cái dĩa bàn để cân thịt quay vô một dĩa, bánh hỏi với bánh nghệ chung một dĩa, bánh giá riêng một dĩa. Cô ngồi lặt rau sống đặng rửa cho sạch.
Cô Xuyến làm cá rồi cô lo chiên một con và kho một con. Hai mẹ con vừa làm vừa nói chuyện với nhau, vui vẽ hết sức. Thấy chồng mặc đồ mát bước xuống bếp mà chơi, cô Tý bèn nhắc chừng đúng 11 giờ thì khuấy sữa giùm cho em bú, để cô phụ mẹ mà lo bữa cơm, đặng cha đi làm về có sẳn cho cha ăn.
Giáo Thành nói thiếu một khắc nữa mới 11 giờ. Cô Xuyến nói: "Thường thường gần 12 giờ ba con mới về tới. Vậy thì còn cả giờ nữa, không cần phải nấu cơm gấp, lo nấu đồ ăn cho sẵn thì tốt hơn. "
Nhờ có thịt cá của Tý mua đem về, lại nhờ hai mẹ con phụ nhau mà làm, bởi vậy cô Xuyến khỏi nhọc lòng lo- lắng. Ðồ ăn nấu xong rồi, đến 11 giờ rưỡi nồi cơm cũng đã cạn nước, cô mới để cho TÝ chặt thịt quay, cô ra trước lấy nắp bàn cho rể trải trên bàn rồi mấy mẹ con bưng đồ lên mà dọn cho sẳn.
Mẹ con đương xúm- xít chung quanh bàn thì Giao xợt- xợt về tới. Quẹo vô cửa chàng thấy vợ chồng Tý thì ngạc nhiên, vừa mừng, vừa hỏi: "Ủa! Có sấp nầy về! Hai con lên tới hồi nào?
Thầy giáo Thành nói lên tới gần 10 giờ. Tý cũng bước ra mừng cha.
Giao thấy con nhỏ bồng em đứng chơi tại cửa liền lột cái nón đưa cho Tý rồi đưa hai tay ra bồng em nhỏ đi vô, mắt nhìn em, miệng chúm- chím cười, khi sắc hân- hoan cực điểm. Chàng nựng nịu em nhỏ và nói: "Bây sanh cho ba má một chút cháu ngoại trai như vầy thì đủ vui rồi, giàu nghèo không cần. Ba nhớ bận đó con gởi thơ nói đặt cho em tên Thiệt phải hôn?"
Giáo Thành vội- vã đáp:
- Thưa phải. Con đặt tên là Thiệt.
- Ừ?Cha tên Thành con đặt tên Thiệt thì phải lắm. Lúc nầy bãi trường phải hôn? Nghĩ được bao lâu?
- Thưa, bãi trường tới hai tháng. Vợ chồng con tính đi chơi chừng vài tuần. Con đem vợ con lên đây để nó ở chơi với ba má. Sáng mai con đi một mình về Bạc- Liêu đặng thăm tía má con vài bữa rồi sẽ trỡ lên rước nó đi Cấp ở hứng gió và tắm biển chơi.
- Sao con không đem nó về Bạc- Liêu đặng thăm anh chị?Phải đem Thiệt đi đặng ông nội, bà nội nó thấy cháu cho vui chớ.
- Thưa, em còn nhỏ quá, sợ đi xa nắng gió nó bịnh. Con tính đợi bãi trường Tết cho Thiệt trộng một chút rồi con sẽ cho đi.
Cô Xuyến nãy giờ thấy chồng mừng con rể, bồng cháu ngoại nựng- nịu, lại nghĩ tới sui gia thì vui vô cùng, những nỗi khổ tâm cô đều tiêu- tan hết. Cô mới nói với Giao: "Thôi, ba nó đưa em cho con nhỏ bồng đi thay đồ, rửa mặt rồi ăn cơm cho trẻ ăn, kẻo ó đói bụng. "
Giao nhìn em nhỏ một chút nữa rồi mới chịu trả cho Tý mà đi thay đồ.
Chừng ngồi lại ăn cơm, Giao thấy đồ ăn đầy bàn thì vui- vẻ nói: "Ồ! Ðồ ăn nhiều quá!Chắc vợ chồng nó mua đem về đây phải hôn?
Cô Xuyến nói:
- Nó mua đem về đó. Nó mua tới hai con cá chim. Tôi chiên một con cho ba nó ăn, còn một con tôi kho mặn để dành chiều. Cá tươi quá nên ngon lắm.
- Phải có con rể ở Gò- Công mới được ăn cá tươi như vầy. Thứ nầy ở Sài- Gòn mắc như vàng, mua sao cho nổi.
- Lại trên nầy cá biển họ bán đó họ ngâm nước đá nên con cá cứng ngắt lại mất nước ngọt, bởi vậy ăn không ngon.
Tý nói: "Ba ưa bánh giá Gò- Công, nên con có mua ít cái cho ba đó. Ba ăn trước đi rồi sẽ ăn cơm. "
Giao nói: "Nói gì bánh giá thì ba thích lắm. Ðể ba ăn trước. Má nó cũng ăn với tôi chớ. Bốn cái tôi ăn làm sao cho hết. Con có lòng thảo, nó chịu khó mua đem về, vợ chồng mình phải ăn cho nó vui. "
Giao vừa nói vừa gấp một cái bánh giá để vô chén của vợ, rồi chàng gấp một cái xé ra để vô chén mà ăn. Giao ăn luôn tới bánh khen ngon quá, rồi ăn thịt quay với bánh nghệ, cũng khen ngon nữa, cứ theo ép vợ phải ăn, chàng nói không ngớt, nói ăn báng giá với bánh hỏi thịt quay sẽ no, rồi còn bụng đâu mà ăn cơm nữa đặng ăn con cá chim chiên. Bữa cơm vui- vẻ khác thường. Cô Xuyến ngồi ngang mặt chồng mà ăn, cô cứ chúm- chím cười hoài, mừng thấy hạnh- phúc gia- đình của cô vẫn còn chứ chưa tiêu mất hết. Vậy không có điều chi phải sợ nên buồn rầu. Chồng yêu còn đó, con yêu cũng còn đây, rể xứng- đáng được rồi, có thêm đứa cháu ngoại trai nữa, còn thiếu- thốn chi đâu mà rầu buồn, mà lo sợ. Ðường ở trong bầu không khí mến yêu, vui- vẻ, cô Xuyến bị hấp- dẩn, lôi- cuốn, nên cô cũng mến yêu, cũng vui- vẻ như chồng con, quên hết các thắc mắc về niềm riêng, quên hết lo- ngại tuổi già nên có lẽ chồng sẽ bĩ- bạc.
Ăn cơm rồi Giao ngồi nói chuyện với Giáo Thành, cha vợ với chàng rể đều thuận- hoà, thân- thiết.
Cô Tý bồng em cho con nhỏ ở tên Hòa, bưng hết đồ- đạc trên bàn ăn đem xuống nhà bếp. Cô Xuyến thấy cá chiên với thịt quay bánh hỏi đều còn đủ cho con dùng, nên biểu nó ngồi ăn cho no rồi sẽ dọn rửa.
Chỗ lót cái giuờng cũ cho Tý ngủ khi mới dọn qua ở căn phố nầy, cách vài năm sau đã có bộ ván gõ lớn và đẹp thế cho cái giường xịch- xạc đó. Bộ ván đó đến bây giờ vẫn còn, hằng ngày lau chùi nên lâu năm ván lên nước bóng láng. Trưa vợ chồng Giao thường nằm đó mà nghỉ, mà mấy năm sau nầy Giao hay đi chơi, hễ Giao ra đi thì Xuyến buồn nên cũng hay nằm đó mà đợi trông.
Cô Xuyến bước lên khép cửa sổ trổ ra chỗ tấm giặt, rồi cô biểu Tý đem em nhỏ lại đó mà dỗ nó ngủ và cô cũng lấy gối nằm một bên đặng nói chuyện với con.
Có con rễ về thăm, vợ chồng Giao vui mừng nên cứ nói chuyện hoài, không ai nghĩ trưa.
Gần 2 giờ, Giao thay đồ đi làm, dặn vợ ở nhà kiếm đồ mua thêm đặng chiều làm tiệc ăn với con rễ cho vui. Tý nói: "Má khỏi đi, để chừng 3 giờ con đi chợ cho. Lâu về Sài- gòn con phải đi chơi coi cảnh vật có thay đổi hay không, luôn dịp con kiếm đồ nào con thèm thì con mua con ăn. Ba má khỏi lo cho vợ chồng con. Con rể thì lo cho ba má mới phải chớ. "
Giao thấy con biết hiếu- đạo thì cười rồi đội nón ra đi.
Cách một lát Thành lấy bình nước nóng khuấy một ve sữa mà đưa cho Tý cầm cho em nhỏ bú. Tý dặn con Hòa ở nhà chăm- nom em, dầu em ngủ cũng đừng bỏ mà đi chơi, bởi vì ở Sài- gòn đuờng xá nhiều chớ không như ở Gò- Công, đi bậy rồi không biết ngả mà trở về.
Cô Xuyến nói: "Nó lớn rồi chớ phải nhỏ dại hay sao mà dặn. Mà ở nhà có má đây còn lo nổi gì. "
Vợ chồng Tý thay đồ rồi ra đường lớn kêu xích- lô mà đi ra Sài- gòn.
Cô Xuyến ở nhà kiếm chuyện nói với con Hòa, có ý dọ coi vợ chồng Tý khó hay dễ, có hay rầy la đánh chửi hay không. Con Hòa nói thầy với cô đều hiền- lành, tử- tế, rủi có làm bể đồ thì dặn sau phải kỹ- lưỡng giữ- gìn vậy thôi;chớ không la rầy. Nó ở đã năm tháng rồi, nó không có bị rầy một lần nào hết.
Cô Xuyến nghe như vậy thì mừng thầm, mừng con giống tánh cô, có lòng thương con nhà nghèo, không ưa thói ỷ tiền mà húng- hiếp kẻ hèn- hạ.
Em nhỏ ngủ thẳng giấc rồi thức dậy. Con Hòa bồng ra trước chơi, không khóc la chi hết, thiệt là dễ thương.
Ðến 5 giờ rưỡi, vợ chồng Tý mới về, có mua một gói thịt nguội với một ổ bánh mì lớn tại nhà hàng và một con vịt quay ở chợ cũ. Thành cũng mua một gói nho tươi với một gói xá- lỵ để khuya đem về Bạc- Liêu.
Chiều Giao đi làm về thấy dọn cơm có thịt nguội, bánh mì, lại có con vịt quay nữa thì la lớn: "Cha chả! Thầy giáo với cô giáo nầy xài to quá, dám mua trọn một con vịt quay mà ăn chớ!"
Tý nói: "Thấy khách- trú quay vịt ta mập mà bán coi ngon quá, nên con mua trọn một con đặng chặt phân nữa cho ba má ăn, còn phân nữa khuya con chặt nhỏ cho ở nhà con đem theo đặng dọc đường ăn với bánh mì, chớ xe ba bốn giờ chiều mới tới Bạc- Liêu, nếu không đem đồ theo mà ăn thì đói bụng chết. Còn thịt nguội lâu quá không có ăn, con thấy con thèm nên con mua ăn chơi. "
Giao nói: "Vợ chồng con dạy học, cả hai đều có tiền lương hết. Có tiền thì phải ăn uống đặng bổ- dưỡng sức khỏe không nên hà- tiện thái quá. Nhưng ăn xài thì phải xem trước ngó sau. Mỗi tháng lãnh lương thì phải truất một số tiền để dành, còn bao nhiêu thì ăn xài, chớ không nên xài bổng lang thang, không có tiền dự- trữ. Rủi có tai- họa. Trong nhà không có một cắc- bạc, cái đó khổ lắm. Ba má có kinh nghiệm về việc đời, đã nhận thấy cảnh khốn- khổ đó rồi, nên mới khuyên hai con nên cẩn- thận. Ngày trước ba với má mỗi người đều có hai bàn tay không. Nhờ má con khèo dành- dụm, giỏi trang- trải nên mới được no ấm, cho con ăn học đủ điều mà cũng sắm đồ- đạc trong nhà không thua ai hết. Con Tý rán bắt chước tánh của má con đó mà ở đời. Con làm được như vậy thì ba chắc hạnh- phúc gia- đình con nắm trong tay, mà hạnh- phúc ấy sẽ được trường- tồn, không bao giờ sụp đổ. "
Cô Xuyến đứng dựa bàn mà dọn đồ ăn cơm, cô nghe chồng khuyên dạy con như vậy, khuyên dạy con mà đồng thời cũng tỏ ý kỉnh quí vợ nữa, cô xây lưng đi vô trong và lầy vạt áo mà lau nước mắt rưng rưng muốn tuôn ra.
Giao thay đồ rồi mà thấy vợ vẫn cứ lục- đục dưới bếp thì kêu mà biểu lên ăn cơm cho rồi. Cô Xuyến rửa tay, rửa mặt ra ngồi ăn với chồng con. Ðồ ăn thì ngon mà lại nhiều, nhưng cô Xuyến được thấy tình yêu của chồng tuy không biểu- lộ ra ngoài rõ- ràng như hồi còn thanh- niên nữa song trầm- tịnh và sâu- sắc hơn, bởi vậy cô vui mừng nên cô no, cứ ngồi chăm- chú mà ngó chồng con ăn, cô tưởng cũng như cô ăn vậy.
Ăn cơm và dọn dẹp xong rồi Giao hỏi vợ chồng Thành muốn đi chơi hoặc đi coi hát hay không. Thành nói hồi chiều đã mua giấy xe đi Bạc- Liêu rồi. Ðúng 5 giờ khuya xe chạy. Vậy phải nghỉ sớm đặng khuya dậy sớm sửa- soạn lối 4 giờ phải đem đồ mà đi ra bến xe, không thể đi chơi được.
Tý thì nói mắc con nhỏ phải chăm- nom, đúng giờ khuấy sữa cho con bú, nên cô cũng không đi.
Cha con đều ở nhà nói chuyện chơi. Cô Xuyến sắp- đặt chỗ ngủ. Cô giăng mùng trên bộ ván lớn trong buồng cho vợ chồng Tý ngủ với con. Vợ chồng cô thì ngủ bên giường như thường, để bộ ván ngoài trước cho con Hoà ngủ.
Khuya nghe đồng- hồ đằng trước gỏ 3 giờ, cô Xuyến thức dậy vặn đèn sáng rồi gói thịt nguội với thịt vịt quay để dành hồi chiều hôm qua làm hai gói với nữa ổ bánh mì cho Thành đem theo mà ăn dọc đường. Thành cũng thức dậy rửa mặt thay đồ, lấy cái giỏ để vô một bộ đồ mát với hai gói trái cây, hai gói thịt và bánh. Cô Tý cũng dậy khuấy sữa cho con bú.
Nghe sửa- soạn nói chuyện rù- rì, Giao giựt mình rồi cũng dậy ra bàn ngồi chơi. Ðúng 4 giờ Thành bồng con mà hun vài cái, dặn vợ ít câu rồi xách giỏ đi ra trước từ- giả cha mẹ vợ mà đi. Giao đi theo rể ra tới đường lớn, đương thấy có một chiếc xe xích- lô, bèn kêu lại cho Thành đi rồi chàng mới trở về.
Thấy còn khuya, Giao vô mùng nằm lại. Cô Tý kêu con Hòa vô trong nằm với em, để bộ ván ngoài cho mẹ con cô nằm nói chuyện. Cô Xuyến hỏi thăm nhơn- tình và cảnh- vật Gò- Công. Tý thuật lại những điều cô thấy mấy năm nay cho mẹ nghe. Mẹ con đàm- luận đến sáng mà chưa rồi.
Cô Xuyến lo mua đồ cho chồng con lót lòng. Giao đi làm rồi, TÝ dành đi chợ mua ăn, không cho mẹ đi, nói bữa nay cô mua thịt bò mà ăn.
Ngày đó Giao ăn cơm có đủ vợ con thì chàng vui- vẻ khác thường. Nhưng bữa đó nhằm thứ bảy nên ăn cơm tối rồi chàng noi theo thường- lệ, mặc một bộ đồ lụa và mang guốc đi chơi.
Cô Xuyến đứng ngó theo, bộ cô lơ- lửng, nhưng không nói chi hết.
|
|
|